Vĩnh biệt Hoàng Hiệp – nhạc sĩ của dòng sông tuổi thơ – DV

10 Th1

Vĩnh biệt Hoàng Hiệp – nhạc sĩ của dòng sông tuổi thơ

Dân Việt – Cuối cùng, điều xấu nhất đã xảy ra, cuộc sống trên dương thế không thể giữ lại được cho công chúng một nhạc sĩ tài hoa, người đã dùng sáng tác của mình nối liền lại những tâm tình Nam – Bắc.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã từ giã cõi trần vào trưa nay 9.1 tại TP.HCM sau một cơn bệnh trọng ở tuổi 81, nhưng những sáng tác của ông đi suốt chiều dài đất nước, từ “Nhớ về Hà Nội” đến “Câu hò bên bến Hiền Lương”, “Trường Sơn đông – Trường Sơn tây”… vẫn còn mãi khúc nhạc tâm tình sâu nặng.

Mấy ngày trước, tin nhạc sĩ Hoàng Hiệp nhập viện vì ho ra máu đã khiến nhiều người yêu nhạc lo là sẽ có chuyện chẳng lành. Người thân của ông cho biết, sau tai nạn bị gãy chân, ông đã bị tai biến đến 3 lần, phải nằm một chỗ suốt 3 năm qua. Thế mà cuối cùng, điều xấu nhất đã xảy ra…

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp (chống nạng) trong đêm nhạc của ông.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp tên thật là Lưu Trần Nghiệp, bút danh là Lưu Nguyễn. Ông sinh ngày 1.10.1931 ở xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới – An Giang. Ông tham gia Cách mạng vào năm 1945, tham gia vào đoàn Tuyên truyền lưu động Long Xuyên, sau chuyển về đoàn văn công và phân hội Văn nghệ Long Châu Hà.

Khi kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xảy ra, ông rời bỏ miền Nam ruột thịt để tập kết ra Bắc. Không ngờ, việc “chuyển vùng” này giống như một chất xúc tác, để ông hiểu hơn về cảm hứng trong mình và dâng tặng cho đời những khúc ca nồng nàn tình yêu quê hương, xứ sở.

Năm 1957, Hoàng Hiệp cho ra đời bài hát “Câu hò bên bờ Hiền Lương”, sáng tác chung với nhạc sĩ Đằng Giao, được xem là điểm khởi đầu cho sự nghiệp sáng tác chuyên nghiệp của ông. Đây là một ca khúc có số phận khá đặc biệt, bởi đã có lúc, nó từng bị xếp vào diện “hạn chế” bởi sợ sẽ làm yếu lòng người.

Nhưng thời gian đã chứng minh, tình cảm sâu nặng của những người sống trong cảnh “ngày Bắc đêm Nam” đã tiếp thêm cho họ sức mạnh để thêm sức chiến đấu. “Thuyền ơi có nhớ bến chăng/ Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền/ Nhắn ai xin nhớ câu nguyền/ Qua cơn bão tố vững bền lòng son“- bao nhiêu thế hệ người lính đã vì câu hát ấy mà thêm cản đảm khi đối diện với kẻ thù.

Trong vòng 20 năm gắn bó với Hà Nội, Hoàng Hiệp đã viết hơn 100 bài hát, nhiều bài trong đó tiêu biểu cho dòng nhạc cách mạng thời kỳ chống Mỹ như “Lá đỏ”, “Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây”, “Cô gái vót chông”, “Ngọn đèn đứng gác”… và một ca khúc được rất nhiều người Hà Nội yêu mến “Nhớ về Hà Nội” qua tiếng hát Hồng Nhung.

Nhạc Hoàng Hiệp giống như con người hiền hòa, nặng tình của ông, ca khúc nào cũng có một chiều sâu đời sống cảm xúc suy tư và trải nghiệm. Không hiểu sao, nhớ đến nhạc Hoàng Hiệp, tôi rất yêu ca khúc “Trở về dòng sông tuổi thơ” của ông với tiếng hát trong trẻo của Mỹ Linh. Ca khúc đã nói thay tiếng lòng của bao người: “Trong tim ai cũng có một dòng sông riêng mình /Tim tôi luôn gắn bó với dòng sông tuổi thơ /Con sông tôi tắm mát /Con sông tôi đã hát /Con sông cho tôi gặp một tình yêu nước non quê nhà”.

Vĩnh biệt Hoàng Hiệp, sẽ nhớ mãi một người con của miền Nam, đã đem cuộc đời và tình yêu của đời mình dồn hết trong một chuyến phiêu du từ Nam ra Bắc. Và cuối cùng, ông đã trở về vĩnh cửu với hành trang đầy nặng những sáng tác của nỗi niềm, của thân phận, của tình yêu.

Lê Tâm

Bình luận về bài viết này