Lưu trữ | 7:24 Sáng

Người Việt tập đi và tập thay đổi tư duy

7 Th9

 

Người Việt không chỉ cần tập cách đi khi tham gia giao thông. Mà quan trọng hơn, cần tập cách đi trên hành trình tiến tới những giá trị văn minh, khoa học, văn hóa mang tính phổ quát của nhân loại. Con đường này xa hay gần, phụ thuộc vào cách thay đổi tư duy của nước Việt.I-Không có ai hình dung hết được, trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, lại xảy ra liên tục những mất mát đau đớn với con người,  gây sốc cho xã hội. Nghiêm trọng nhất là vụ tai nạn giao thông xảy ra tại con đường rừng thuộc địa phận xã Tòng Sành, huyện Bát Xát (Lào Cai), khiến cùng lúc 12 người tử nạn, 41 người bị thương, khi chiếc xe biển kiểm soát 29B- 08582 của công ty Sao Việt chở 53 người, va quệt với một chiếc xe con 04 chỗ, rồi lao xuống vực sâu 200 m.

Chiếc xe nát bét và…một chuyến đi du lịch vùng cao chờ đợi, đầy hoan hỉ của 53 con người, bỗng biến thành một chuyến xe tang của 12 người vô tội.

Người Việt, tập đi, tập thay đổi, tư duy, Kỳ Duyên, Ấn tượng trong tuần, giao thông, tai nạn
Xe khách gây tai nạn dịp nghỉ lễ 2/9 vừa qua.

Tiếp đó, ngày 2/9, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, xe khách 53S-5326 của hãng An Huy chạy với tốc độ cao (78km/h) do không kịp phanh, đã đâm vào chiếc xe 07 chỗ biển số 80A-01259 làm 03 người chết, 01 người bị thương. Trong số người chết, có một vị trung tướng công an.

Trước đó nữa, ngày 30/8, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, một chiếc xe khách va chạm với xe máy 74K1 – 024.74 chạy ngược chiều làm 03 người trên xe máy tử vong tại chỗ.

Xe khách- loại xe từ lâu đã được mệnh danh là hung thần có vẻ như đang “diễn” vai của nó.

Tai nạn giao thông đường bộ, từ lâu đã quá quen thuộc, đến cay đắng với xã hội. Đó là sự vi phạm quen thuộc những quy định chung của ngành, lại gặp sự sao nhãng, tắc trách của cơ quan chức năng. Những “cái tâm vô tình” cộng hưởng thành tội lỗi với sinh mạng người dân.

Quen thuộc, như chiếc xe khách chỉ có sức chứa 46 giường nằm. Nhưng thời điểm xảy ra tai nạn, trên xe có 53 người, vượt 06 người so với quy định.

Quen thuộc, như chiếc xe này, theo quy định chỉ được chạy theo tuyến cố định Mỹ Đình- Lào Cai. Nhưng thực tế, xe đã “chạy chui” lên Sapa. Vì đồng tiền hay vì cái gì?

Quen thuộc, như chiếc xe không được phép cấp luồng tuyến lên Sa Pa, vậy mà nhà xe vẫn ngang nhiên ghi bên ngoài xe: Hà Nội – Lào Cai – Sa Pa và không bị lực lượng chức năng nào kiểm tra xử phạt. Điều lạ này sẽ phải hỏi ai? Hỏi công ty Sao Việt hay hỏi các cơ quan chức năng ở Lào Cai?

Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Hài – Giám đốc Sở GTVT Lào Cai phân bua: Chẳng qua ở đây thanh tra giao thông, công an tỉnh không phát hiện được thì không xử phạt. Nếu phát hiện thì lực lượng sẽ phạt và thu giấy phép thẳng cánh chứ không có chuyện xe được chạy thoải mái như vậy! Khi đó, các ngành chức năng Lào Cai đang ở đâu, vào lúc gần 6 giờ chiều? Hay các vị đang… thoải mái “nâng lên đặt xuống” ở đâu đó?

Từng ấy cái sự vi phạm, cho thấy quản lý Nhà nước, chỉ xoay quanh mỗi một chiếc xe chạy “chui”, chạy “trộm” lên Sa pa, đã không tròn vai. Vậy chiếc xe gây tai nạn có phải là chiếc duy nhất của công ty Sao Việt vi phạm các quy định hoạt động nghề nghiệp?

Cũng phải nói rằng, như mọi lần, Bộ trưởng GTVT “Triệu Tử Thăng” lại xung trận, có mặt tại hiện trường xảy ra tai nạn. Trước sự bất ngờ của lực lượng cứu nạn, ông còn bám dây xuống tận nơi xem xét, tìm kiếm người bị nạn, khiến cho các quan chức địa phương cũng phải xuống theo. Một việc làm đầy tấm lòng, và trách nhiệm, mà một cảnh sát cơ động đã tâm sự với nhà báo rằng, địa hình cứu nạn thường khó đi, nguy hiểm, ít lãnh đạo xuống hiện trường lắm.

Tuy nhiên, cho dù vị Tư lệnh ngành tả xung hữu đột đến mấy, thì một thực tế là “lỗi hệ thống” của quản lý Nhà nước trong lĩnh vực GTVT đang đặt ra quá nhiều vấn đề nan giải. Cho thấy, cho dù hàng nghìn “giấy phép cha”, “giấy phép con”, “giấy phép cháu” hành hạ các doanh nghiệp, thì ngược lại, các doanh nghiệp cũng chẳng coi pháp luật, các điều kiện kinh doanh là … cái đinh gỉ gì. Đâu có tiền là ta cứ đi?

Cho thấy, quản lý giao thông ở đất nước “vạn còi”- một biệt danh hài hước mà một ký giả người Đức từng đăng trên trang mạng Welt online Đức đã viết năm 2010 về giao thông VN, xin đăng lại một đoạn, để thấy 04 năm đã trôi qua- vẫn chưa chuyển được bao nhiêu trong vấn nạn tai nạn giao thông, trong văn hóa giao thông:

Bạn cảm thấy mình rất chịu chơi ư? Bạn thấy chưa việc gì có thể thoả mãn tính thích hung hiểm, hay bạn thấy sức khoẻ của mình tốt như kim cương không gì tàn phá được? Vậy mời bạn tham gia giao thông tại Việt Nam, bạn sẽ được mở rộng tầm mắt.

Bóp còi là nghĩa vụ công dân tại VN. Còi dùng để cướp đường, cũng có khi chỉ vì tay đang rảnh rỗi, cũng có khi do cả hai. Thậm chí, vì vô cớ, muốn chơi trội giữa trời đất. Tiếng còi khắp mọi nơi, đằng sau, đằng trước, trái, phải, đâu đâu cũng inh ỏi còi, 24/ 24 giờ, bảy ngày trong tuần… Người Việt hay gọi Lào là nước “vạn tượng”, nên tôi cũng xin được mạn phép gọi VN là đất nước “vạn còi”!

Tôi cho rằng, người Việt, ai cũng nghĩ mình phải có vài ba mạng sống, nếu không thì chẳng ai dại gì tham gia giao thông, bởi lúc nào cũng phải đem mạng mình ra cá cược. ..Nếu bạn bị tai nạn giao thông thì sao? Câu trả lời chỉ có một: Chết là cái chắc. Cấp cứu khẩn cấp ư? Ai điên mà lao đầu xuống đường đầy xe để cấp cứu bạn?”

Người viết bài này, từng phải viết rằng: Người Việt nói (chém gió) giỏi, làm dở và chưa biết…. đi. Giờ là lúc cả xã hội cần tập đi.

Người Việt, tập đi, tập thay đổi, tư duy, Kỳ Duyên, Ấn tượng trong tuần, giao thông, tai nạn
Đường đèo gấp khúc trên đèo Hải Vân nối Thừa Thiên Huế với Đà Nẵng. Ảnh: Phuot.vn

Bởi chỉ trong 04 ngày nghỉ lễ, cả nước đã có tới 186 vụ TNGT, làm chết 114 người, bị thương 145 người. Cũng theo Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 04 ngày nghỉ lễ, các lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 28.791 trường hợp vi phạm trật tự ATGT, thu nộp kho bạc Nhà nước 14 tỷ 150 triệu đồng; tạm giữ 109 xe ô tô, 4080 xe mô tô (VietNamNet, ngày 03/9)

Hàng trăm con người vô tội, khi đi đâu đó, cũng thường chỉ mong đi đến nơi về đến chốn. Tiếc thay “cái chốn” họ về lại hoàn toàn bất ngờ đến tội nghiệp. Và hàng tỷ đồng nộp phạt cho Kho bạc Nhà nước đó, lại chỉ nói về một “cái nghèo” khốn khổ của người Việt- nghèo văn hóa tham gia giao thông.

Được biết, công ty Sao Việt tạm thời bị rút “phép thông công” có thời hạn. Nhưng còn bao nhiêu công ty như Sao Việt vẫn đang biến hóa thần thông, chỉ vì … hơi đồng?

                                       *******************

II- Ấn tượng đặc biệt nhất trong tuần này là kỷ niệm Ngày lễ Quốc khánh 2/9. Ngày cách đây gần 70 năm Hồ Chủ tịch đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ với câu nói về quyền con người, (được trích trong bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776), mang tính phổ quát, cũng thực là bất hủ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng.Tạo hóa cho họ những Quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Những quyền thiêng liêng ấy của con người, muốn có được trọn vẹn, không chỉ cần có độc lập dân tộc, mà còn cần có cả một thể chế quản lý với những giá trị văn minh, văn hóa tốt đẹp, bảo đảm được thực hiện đúng nghĩa.

Các bậc tiền nhân xưa đã hoàn thành sứ mệnh của họ, khởi nghiệp, xây dựng và bảo vệ, gìn giữ Tổ quốc Việt Nam độc lập tự do, sạch bóng ngoại xâm. Nhưng để thực hiện những quyền con người cao cả, thì trách nhiệm đó, sứ mệnh đó, thuộc về hậu thế chúng ta.

Có điều, phát triển đất nước thật sự là một hành trình cực kỳ gian nan, không kém công cuộc bảo vệ gìn giữ độc lập tự do. Bởi sự khác nhau căn bản này: Kẻ thù ngoại xâm có hình hài, diện mạo cụ thể. Còn kẻ thù “nội xâm”, có khi là sự dốt nát, ấu trĩ, lại nằm ngay trong chính tư duy chúng ta.

Nước Việt đã từng dũng cảm chiến thắng kẻ thù “nội xâm” như thế, khi năm 1986, chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế- xã hội bao cấp sang cơ chế quản lý kinh tế thị trường có định hướng XHCN. Một sự chuyển đổi làm hồi sinh đất nước. Hồi sinh cuộc sống hàng triệu triệu gia đình. Và hồi sinh niềm hy vọng trên mỗi gương mặt người Việt vốn nhẫn nại chịu đựng, bền bỉ đức hy sinh.

Nhưng quy luật muôn đời của thế giới văn minh, là không có quốc gia nào có quyền thỏa mãn, dừng lại trước bức tiến của nhân loại phát triển mạnh hơn, giỏi giang hơn và thông thái hơn mình. Và nếu không cẩn trọng, dù ý chí cao, quốc gia đó không thoát ra khỏi cái bẫy thu nhập trung bình. Mãi mãi là người…. đi sau.

Chính ở quy luật muôn đời này, nước Việt đang lúng túng, đang tìm đường để vượt lên chính mình.

Có nhiều điều kiện để trở thành một quốc gia phát triển. Nhưng căn cốt nhất có 03 điều tiên quyết. Đó là về tiềm lực, có nền kinh tế vững mạnh; về thể chế quản lý, có pháp luật thượng tôn; trên nền tảng một tầm nhìn xa về chiến lược, khôn ngoan về chiến thuật, nhưng đặc biệt, cần biết tôn trọng sự khác biệt của con người- bí quyết kích thích năng lượng sáng tạo của đồng loại.

Muốn có tầm nhìn chiến lược đó, tư duy nước Việt phải trẻ hóa, mềm dẻo, chống lại sự xơ cứng, bảo thủ, trì trệ. Đặc biệt nhất, chống lại nỗi sợ sự thay đổi, vì gắn với lợi ích riêng tư, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, không vì dân tộc, vì nhân dân.

Làm sao không thay đổi, nếu như nhìn vào thực trạng kinh tế nước Việt hiện nay? Sau những hoan hỉ của thành qủa công cuộc đổi mới những năm 80, nay kinh tế nước Việt, theo TS Nguyễn Đức Thành (thành viên Nhóm tư vấn Kinh tế vĩ mô của Thủ tướng), đang như một cái cây… nho nhỏ trong rừng cây kinh tế thế giới.

Người Việt, tập đi, tập thay đổi, tư duy, Kỳ Duyên, Ấn tượng trong tuần, giao thông, tai nạn
TS Nguyễn Đức Thành. Ảnh: Lê Anh Dũng

Nếu biết rằng, GDP của VN hiện nay chỉ khoảng  200 tỉ USD. Trong khi đó, con số này của Indonesia là gần 900 tỷ, Hàn Quốc là 1.200 tỷ, Nhật Bản khoảng 6.000 tỷ và Mỹ lên tới 16.000 tỷ. Tính theo đầu người, con số GDP còn thấp nữa vì quy mô dân số của ta lại đứng khá cao trên thế giới (Tuần Việt Nam, ngày 27/8).

Lý giải sự “khiêm tốn” này hẳn có nhiều nguyên nhân, mà các chuyên gia kinh tế đã từng lên tiếng cảnh báo. Nhưng trong đó, tư duy kinh tế lạc hậu không thể vô can. Sự độc quyền và được ưu ái nhất mực của các tập đoàn, các DNNN không thể vô can. Chính sự độc quyền đã khiến cho khu vực kinh tế này tha hồ làm mưa làm gió trong XH, giá xăng, giá điện lúc thụt lúc thò…

Trong khi đó, tài năng kinh bang tế thế của các tập đoàn, DNNN sức dài vai rộng này ra sao? Nếu biết rằng các DNNN sử dụng tới 70% đất đai và 70% viện trợ chính thức ODA trong khu vực sản xuất kinh doanh, 60% tín dụng của nền kinh tế, nhưng chỉ đóng góp vỏn vẹn… 32% tổng GDP cả nước.

Điều tệ hại là ở chỗ, tiếng là kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhưng thực chất, cung cách quản lý của các tập đoàn, các DNNN vẫn là cơ chế bao cấp, ban phát xin- cho. Cái sự bình mớirượu cũ này, đã nuôi dưỡng béo bở các lợi ích nhóm, làm say sưa các… con sâu tham nhũng. Và đó cũng là một nguyên nhân trầm trọng khiến bước chân tái cơ cấu kinh tế đi rất chậm, nặng nhọc, cản trở sự hội nhập với các quốc gia văn minh, có nền kinh tế thị trường vững chắc và bình ổn, mức sống cao.

Làm sao không thay đổi, nếu như nhìn vào nền luật pháp của nước Việt, cũng rất cần liều thuốc kháng sinh mạnh- cải cách tư pháp, xây dựng một nhà nước pháp quyền thực sự vững mạnh?

Tư tưởng nhà nước pháp quyền đã từng được Hồ Chí Minh, từ năm 1919, lúc đó mang tên Nguyễn Ái Quốc, đề cập tại “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” gửi Chính phủ Pháp, nội dung đòi cải cách nền pháp lý ở Đông Dương, bảo đảm cho người bản xứ cũng được hưởng những bảo đảm về mặt pháp luật như người châu Âu, trong đó có câu bất hủ: Trăm điều phải có thần linh pháp quyền.

Thần linh pháp quyền– là cơ sở bảo đảm các quyền hiến định của người dân được thực hiện, không phân biệt sang hèn, vị thế thấp cao, bảo đảm mọi công dân bình đằng trước pháp luật. Đó là cách quản lý XH, quản lý con người, quản lý đời sống công minh, minh bạch và hiệu nghiệm nhất, đem lại niềm tin cho lòng người, thiết lập sự an ninh, trật tự xã hội, bảo đảm pháp luật được tôn trọng và người dân tự giác thực hiện.

Với thần linh pháp quyền, không thể tồn tại các tòa án tổ chức theo đơn vị kiểu hành chính, chịu áp lực đủ đường của địa phương, chịu “sự cầm tay chỉ việc” như một người có lớn mà không… có khôn.

Nhưng con đường từ nền tư pháp xơ cứng, già nua, trở thành thần linh pháp quyền cũng là con đường đòi hỏi sự thay đổi dũng cảm trước hết là nhận thức, tư duy. Con đường mà bản thân nền tư pháp phải thực sự “dọn mình” để tương xứng với đòi hỏi của những giá trị văn minh ở nhà nước pháp quyền. Ở đó, chỉ pháp quyền, pháp quyền và pháp quyền thực sự thượng tôn như thần linh, uy nghiêm như thần linh, và công minh như thần linh. Có thế, mọi công dân mới thật là công dân, không phải là “thần dân” (Tuổi trẻ, ngày 2/9). 

Bỗng nhớ đến mấy câu thơ của thi sĩ Việt Phương:

Sẽ có một thời mọi hòn đá được tôn trọng là đá/ mọi cọng rơm được tôn trọng là rơm/ mọi ngọn cỏ

được tôn trọng là cỏ/

mọi con người được tôn trọng là người.

Không phải ngẫu nhiên, trên báo Tuổi trẻ, TS Phạm Duy Nghĩa trích dẫn một câu rất hay của một triết gia: Đường về nô lệ thì rất rộng, và đường lên pháp quyền thì rất hẹp. Để đi con đường ấy, mỗi chúng ta phải có một ước mơ và cố gắng vì nó.

Mới hay, người Việt không chỉ cần tập cách đi khi tham gia giao thông. Mà quan trọng nhất, người Việt cần tập cách đi trên hành trình tiến tới những giá trị văn minh, khoa học, văn hóa mang tính phổ quát của nhân loại. Con đường này xa hay gần, phụ thuộc vào cách thay đổi tư duy của nước Việt.

Một con người đã cần phải cố gắng. Một đất nước muốn thực sự vì dân càng cần phải nỗ lực đến thế nào?

Kỳ Duyên                

Xem bài cùng tác giả:

Vụ án trùm Minh ‘sâm’ và sự bí mật… công khai

 Câu chuyện tiền thật- chất lượng ảo, lại tiếp diễn ở một vụ việc khác gây xôn xao xã hội. Sau sự xôn xao về người lớn, giờ là sự xôn xao cho con trẻ.

‘Con cháu các cụ’ và những ‘bệnh’ khó chữa ở VN

Sự không giống ai của nước Việt trong các tính toán theo tiêu chí, thông lệ quốc tế, lại chỉ hàm chứa sự tụt hậu, và cả sự hổ thẹn trước yêu cầu hội nhập văn minh.

 

 

Lao động TQ ở VN: vấn đề hay cơ hội? – BBC

7 Th9

 

Cập nhật: 10:14 GMT – thứ năm, 4 tháng 9, 2014

Tâm lý ‘bài Hoa, kỳ thị’ không hề có trong dân tộc Việt Nam, đó là ý kiến của một nhà văn hóa học trong cuộc tọa đàm trực tuyến hôm 04/9/2014, giữa các vị khách là các chuyên gia và nhà quan sát với BBC về hiện tượng số đông lao động và người di cư Trung Quốc tại Việt Nam.

 

Từ Sài Gòn, nhà văn hóa học, Giáo sư Trần Ngọc Thêm nói:

“Tôi nghĩ rằng tâm lý bài Hoa, kỳ thị không hề có trong dân tộc của chúng ta,” nhà nghiên cứu nói và điểm lại các giai đoạn tiếp xúc chính giữa người Hoa với Việt Nam từ lịch sử tới nay.

“Bây giờ cái người ta quan ngại là lao động phổ thông và các thương lái, thương lái rõ ràng, phần lớn là những người sang đây chui và làm ăn phần lớn không đường đường chính chính.

Thông thường dòng chảy lao động phổ thông là từ nước nghèo hơn đến nước có thu nhập cao hơn. Thế nhưng trong trường hợp này ở nước ta (Việt Nam) thì hơi bị ngược lại.

Giáo sư Trần Ngọc Thêm

“Rõ ràng là một lực lượng đáng quan ngại và gây khó khăn rất nhiều cho kinh tế nước ta (Việt Nam).”

‘Nghịch lý và lo ngại’

Giáo sư Thêm cho rằng đang tồn tại một nghịch lý và một điều đáng lo ngại đáng nói về dòng nhập cư người Trung Quốc vào Việt Nam.

Ông nói thêm: “Lực lượng thứ hai là các lao động phổ thông. Thông thường dòng chảy lao động phổ thông là từ nước nghèo hơn đến nước có thu nhập cao hơn. Thế nhưng trong trường hợp này ở nước ta thì hơi bị ngược lại. Trung Quốc thu nhập trung bình cao hơn của chúng ta.

“Nước đi thường người ta giải quyết công ăn việc làm cho dân chúng. Còn với nước đến, thường thường có nhu cầu, thông thường là nước có GDP (tổng thu nhập quốc nội) cao hơn, người ta thiếu lao động phổ thông là một.

Lao động TQ ở Việt Nam

Số đông lao động và người nhập cư Trung Quốc vào VN đang là thách thức, hay cơ hội?

“Cái thứ hai là dân chúng người ta không mặn mà với các công việc 3D. Tức là những công việc bẩn (dirty), nguy hiểm (dangerous), rồi là hạ thấp nhân phẩm (disgraceful) v.v…

“Còn chúng ta (Việt Nam), thì lao động phổ thông, chúng ta đang cần xuất khẩu đi nước ngoài, trong khi đó lại tiếp nhận lao động phổ thông của Trung Quốc sang.

“Và một điều đáng lo ngại hơn, như tôi đã nói, ở Trung Quốc thu nhập trung bình cao hơn chúng ta, vị thế cao hơn nước ta, những người lao động phổ thông ấy trình độ thấp, sang đây với một tư cách, một tư thế lại là những người có cái gì đó họ tự hào họ có phần coi thường người Việt Nam chúng ta.

“Và như vậy nó rất dễ dẫn đến những xung đột và để lại những hậu quả không mong muốn về mặt xã hội, văn hóa.”

‘Thiếu lao động có tay nghề?’

Cho đến lúc này, hình như chưa có được một nghiên cứu nào đầy đủ để chỉ ra trình độ của người nhập cư lao động TQ vào VN là ở mức độ nào và cụ thể kỹ năng chuyên môn họ đạt được đến đâu

Tiến sỹ Trần Tuấn

Khi được hỏi liệu Việt Nam có thực sự bắt buộc phải tuyển nhiều lao động Trung Quốc vì VN chưa có đủ lao động có tay nghề với trình độ phù hợp tại chỗ hay không, Tiến sỹ Trần Tuấn, chuyên gia đào tạo và chính sách cộng đồng nói:

“Đây là một thế giới phẳng, rõ ràng việc Trung Quốc thắng thầu, sau đó đưa đội ngũ nhân công của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam để làm, câu trả lời liệu đội ngũ công nhân Trung Quốc này là loại đội ngũ lao động có nghề, có kỹ năng chuyên môn, có kiến thức chuyên môn thích hợp hay không, thì câu hỏi này phụ thuộc vào chính lãnh đạo các khu kinh tế đó đánh giá.

“Tôi cho rằng cho đến lúc này, hình như chưa có được một nghiên cứu nào để chỉ ra rằng là các trình độ của người nhập cư lao động Trung Quốc vào Việt Nam là ở mức độ như thế nào và cụ thể là các kỹ năng chuyên môn họ đạt được đến đâu.

“Thế còn nhận định của một lãnh đạo ở cấp tỉnh nói rằng ấy là những cán bộ cung cấp những kiến thức kỹ năng mà ở Việt Nam thiếu, thì tôi cho rằng đây là một nhận định có lẽ của một cá nhân. Chúng ta cần có một bài báo khách quan, một nghiên cứu khách quan để nêu ra những số liệu khách quan.

Lao động Việt Nam

VN hàng năm vẫn đào tạo và xuất khẩu đội ngũ lao động ‘có tay nghề’ ra thị trường quốc tế.

“Điểm thứ hai, tôi cho rằng khi đưa lao động từ nước ngoài sang, các nhà kinh doanh, các nhà đầu tư luôn luôn nghĩ đến các vấn đề lợi nhuận kinh tế, cho nên chắc chắn rằng ở đây bài toán được đặt ra là liệu có thực sự Việt Nam không có được đôi ngũ nhân công đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật đó hay không.

“Câu hỏi này là câu hỏi phải được trả lời và nhận định, và tôi cho rằng chúng ta có thể phỏng vấn trực tiếp các bộ phận liên quan vấn đề này. Còn vấn đề tay nghề và liên quan đào tạo người lao động, hiện nay chúng ta phải thấy rằng hiện nay ở Việt Nam thực sự chúng ta có được đội ngũ hàng năm kể cả trẻ, cũng như là đã ra trường, kể cả đội ngũ học đại học và các trường kỹ thuật và chúng ta hiện nay đang có một số lượng lớn.

“Và tôi cho rằng về khả năng học nghề và hệ thống trường nghề của chúng ta là có, tất nhiên để đáp ứng loại hình nghề như thế nào, thì nó phụ thuôc vào từng chuyên môn cụ thể, nhưng tôi cho rằng trước hết hạ tầng cơ sở của chúng ta là có, đội ngũ nhân lực để sẵn sàng đáp ứng việc học nghề là chúng ta có. Nhất là khi chúng ta đang dư thừa đội ngũ lao động sẵn sàng có thể đi làm ở các nước khác.

Formosa Hà Tĩnh

Bạo lực xảy ra ở Hà Tĩnh, Bình Dương và vài nơi khác tại VN sau vụ giàn khoan HD-981.

“Cho nên tôi cho rằng nếu như thực sự ở trong điều kiện ở Việt Nam có nhu cầu về nhân lực, thì hoàn toàn chúng ta có thể đáp ứng được bằng cách khởi động các hệ thống đào tạo để có thể phục vụ ngay, cung cấp cho thị trường ở trong nước.”

Có chính sách hạn chế nhập cư?

Được hỏi về chính sách, pháp luật quản lý, kiểm soát nhập cư đối với người nước ngoài, người lao động nước ngoài vào Việt Nam hiện nay, Phó Giáo sư Hoàng Ngọc Giao, chuyên gia về chính sách pháp luật nêu quan điểm:

“Ngay khi Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa và mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, thì chính sách đối với việc sử dụng lao động người nước ngoài đã được thể hiện rất rõ ở trong luật đầu tư, cũng như ở trong luật lao động.

Nhiều bằng chứng là họ sống trong lòng dân cư VN trong các làng xã của VN, gây ra bất ổn, rất nhiều vấn đề có thể nói là những vấn đề xã hội, xung đột với người dân địa phương

PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao

“Và hiện nay trong pháp luật hiện hành ở Việt Nam, chính sách này đã tương đối đầy đủ và chặt chẽ, chính vì điều đó, khi xảy ra các hiện tượng như thông tin đại chúng đã đưa là lao động phổ thông của Trung Quốc vào (dự án) Bauxite Tây nguyên, lao động phổ thông của Trung Quốc vào những dự án lớn như Formosa, Vũng Áng, Hà Tĩnh, với tư cách người nghiên cứu chính sách và pháp luật, điều băn khoăn của tôi là vấn đề không phải ở chỗ chúng ta không đủ nguồn nhân lực để cung cấp cho các dự án.

“Mà vấn đề là trách nhiệm của chính quyền trong việc thực thi pháp luật nhự thế nào. Luật pháp của chúng ta (Việt Nam), ngay trong Nghị định năm số 102 năm 2013, Nghị định của Chính phủ hướng dẫn lao động liên quan người lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam đã có quy định rất rõ là các nhà thầu khi nộp hồ sơ thầu phải có nội dung yêu cầu liên quan đến vấn đề sử dụng lao động như thế nào.

“Trong đó chỉ được cho phép sử dụng những lao động có kỹ thuật cao mà người Việt Nam không thực hiện được và trong Nghị định này cũng nói rất rõ là nghiêm cấm các nhà thầu sử dụng lao động phổ thông để đưa vào các dự án, đấy là quy định của luật.

“Thứ hai, về mặt quản lý nhà nước, cũng quy định rất rõ là hàng quý, nhà thầu phải báo cáo với Ủy ban Nhân dân Tỉnh nơi dự án đó hoạt động, hàng nửa năm cũng như một quý, Sở Lao động cũng như Công an thanh tra kiểm soát việc sử dụng lao động.

Thương lái Trung Quốc

Thương lái Trung Quốc mua ‘đủ thứ lạ đời ở VN’ và có thể dừng thu gom ‘bất thình lình’.

“Tình hình xảy ra là hàng nghìn lao động Trung Quốc ở (dự án) Bauxite Tây Nguyên, hàng nghìn lao động Trung Quốc ở Bình Dương, mà là các lao động phổ thông, báo chí đưa rất rõ nhiều bằng chứng là họ sống trong lòng dân cư Việt Nam trong các làng xã của Việt Nam, gây ra bất ổn, rất nhiều vấn đề có thể nói là những vấn đề xã hội, xung đột với người dân địa phương, vậy mà bao nhiêu năm nay vấn đề này dường như vẫn chưa được giải quyết.”

‘Căn tính tiểu nông hám lợi’

Trước câu hỏi có thể tư vấn gì cho chính phủ, nhà nước và cả người dân Việt Nam để ứng phó hiệu quả, biến ‘thách thức’ thành ‘cơ hội’ trong câu chuyện số đông lao động và người nhập cư Trung Quốc vào Việt Nam các năm gần đây và hiện nay, Giáo sư Trần Ngọc Thêm nói

“Tôi thấy rằng người Việt Nam chúng ta có một căn tính tiểu nông rất rõ rệt, và một trong những hệ quả của căn tính tiểu nông, nông nghiệp đó là hám lợi. Và cái hám lợi nó giết chúng ta.”

Dẫn ra các trường hợp về thực phẩm, hàng hóa “độc hại” được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc, cũng như việc có luật nhưng để lao động phổ thông Trung Quốc nhập cư tùy tiện, tràn lan vào Việt Nam… như những ví dụ, nhà nghiên cứu đặt vấn đề:

Phải chăng có những cán bộ địa phương nào đó hám lợi đã nhận thù lao, khoản phần trăm gì đó của những người TQ có liên quan để rồi đưa lao động phổ thông ấy vào, hàng nghìn người, hạng vạn người không thể nào là lao động kỹ thuật và lao động phổ thông thì chúng ta đang thừa?

Giáo sư Trần Ngọc Thêm

“Phải chăng có những cán bộ địa phương nào đó hám lợi đã nhận thù lao, khoản phần trăm gì đó của những người Trung Quốc có liên quan để rồi đưa lao động phổ thông ấy vào, hàng nghìn người, hạng vạn người không thể nào là lao động kỹ thuật và lao động phổ thông thì chúng ta đang thừa?

“Như vậy tôi cho rằng chúng ta (Việt Nam) phải rà lại chính mình, xem lại cách quản lý vấn đề tham nhũng ở tất cả mọi cấp, vấn đề nhận hối lộ ở tất cả mọi cấp. Nếu làm được điều đó, tôi chắc rằng chúng ta sẽ giữ vững biên giới của mình, giữ vững chủ quyền của mình.

“Và chúng ta có tư thế của mình như ông cha ta đã từng có tư thế khi nói chuyện với người bạn láng giềng rất lớn, có quan hệ rất lâu đời, nhưng mà chúng ta không phải nhục nhã, không phải hèn kém,” Giáo sư Trần Ngọc Thêm nói với BBC.

Các khách mời tham gia cuộc tọa đàm của BBC gồm Giáo sư Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Tiến sỹ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Đào tạo Phát triển Cộng đồng và Phó Giáo sư Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển, thuôc Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam.

Thêm về tin này

 

Chủ đề liên quan

 

Thế giới 24h: Liên tiếp máy bay rơi bất thường – Vnn

7 Th9

 

Bốn vụ rơi máy bay và một sự cố hàng không trên các lục địa, ngừng bắn ở đông Ukraina bị vi phạm, các cựu tổng thống hầu tòa và Thủ tướng Thái nói bị ‘yểm bùa’… là tin nóng 24 giờ qua.

Tin nổi bật

Truyền thông Trung Quốc đưa tin hai phi công nước này đã tử nạn trong quá trình thử nghiệm máy bay tiêm kích J-15.

thế giới 24h

Trong khi đó, ít nhất ba người Đan Mạch đã thiệt mạng và người thứ tư đang mất tích sau khi một chiếc trực thăng tư nhân loại nhỏ rơi xuống biển ở miền trung nước này.

Trong một tuyên bố, cảnh sát cho hay bốn người này đã ngồi trên chiếc trực thăng Robinson 44 do Mỹ sản xuất khi máy bay này rơi ở khu vực ngoài khơi bờ biển phía Tây đảo Samsoe.

Trước đó, Bộ Tư lệnh Phòng không Bắc Mỹ (NORAD) xác nhận máy bay quân sự của họ đã rơi xuống điểm cách cảng Antonio trên bờ biển đông bắc Jamaica 22km về phía bắc.

Theo CNN, trong suốt hành trình kéo dài 5 giờ đồng hồ trước khi rơi, chiếc Socata không đáp lại bất kỳ liên lạc nào từ phía các cơ quan giám sát hàng không.

Nguyên nhân có thể là do phi công bị thiếu oxy.

The Aviationist cùng lúc đưa tin trực thăng thuộc hãng Panh Helicopters của Nga phát nổ gần Biển Đen.

Một sự cố hàng không khác cũng diễn ra tại Iran. Tờ “Washington Post” đưa tin các máy bay tiêm kích Iran đã ép một máy bay chở 100 người Mỹ, và có thể là 2 người Canada, phải hạ cánh ở Iran.

Tuy nhiên, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Hôm 6/9, một máy bay thuê của Fly Dubai bay từ Sân bay Bagram (ở Afghanistan) tới Dubai đã được chuyển hướng tới Bandar Abbas ở Iran do vấn đề quan liêu. Khác với tin báo chí, chiếc máy bay này không bị quân đội Iran ép hạ cánh. Vấn đề có vẻ như đã được giải quyết và hy vọng máy bay sẽ sớm được cất cánh”.

Tin vắn

– Thẩm phán của Tòa án tối cao El Salvador đã phát lệnh quản thúc tại gia đối với cựu Tổng thống Francisco Flores ngay khi ông này tự ra đầu thú sau nhiều tháng chạy trốn pháp luật và bị truy nã với cáo buộc tham nhũng.

– Cựu Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi bị buộc tội gây nguy hại cho an ninh quốc gia vì để rò rỉ các bí mật nhà nước và chuyển giao các tài liệu nhạy cảm cho Qatar.

– Nhật và Mỹ có kế hoạch thành lập một đơn vị thường trực chung nhằm tăng cường phối hợp chính sách giữa Lực lượng Phòng vệ (SDF) và quân đội Mỹ đồn trú tại Nhật Bản, giúp cảnh báo và giám sát hiệu quả hơn trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết đoán ở các vùng biển châu Á cũng như việc phát triển hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

– Chính quyền hai khu vực Sevastopol và Crưm vừa sáp nhập vào Nga đã sung công các tài sản trong khu vực của Thống đốc khu vực Dnipropetrovsk, doanh nhân tỷ phú Igor Kolomoisky do nợ nần.

– Tòa án Hiến pháp Niger ngày 5/9 “bật đèn xanh” cho việc bắt giữ Chủ tịch Quốc hội nước này, ông Hama Amadou, người bị cáo buộc dính líu tới một mạng lưới buôn bán trẻ em quốc tế.

– 12 người đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh dữ dội giữa các bộ lạc do quân đội Yemen hậu thuẫn và phiến quân Hồi giáo dòng Shi’ite vào đêm 5/9 tại hai khu vực Ghayl và Majzar, phía Đông thủ đô Sanaa.

– Chính phủ Somalia đã cảnh báo rằng nhóm phiến quân Al-Shebab có liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda đang chuẩn bị tiến hàng loạt cuộc tấn công khủng bố nhằm trả đũa việc thủ lĩnh của nhóm này bị tiêu diệt trong một đợt không kích của máy bay Mỹ vừa qua.

 – Bí thư phụ trách đối ngoại của Đảng Lao động Triều Tiên Kang Sok-ju đã lên đường thăm châu Âu, trong một động thái được cho là dấu hiệu của việc Bình Nhưỡng bắt đầu áp dụng phương thức tiếp cận ngoại giao chủ động hơn.

– Thủ tướng Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng tại Ukraina khẳng định, họ vẫn trao trả các tù binh cho Kiev bất chấp lệnh ngừng bắn không được tôn trọng.

– Tân Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha phàn nàn bị viêm họng và đau toàn thân. Ông cho rằng lực lượng đối lập đang sử dụng bùa ngải để chống lại mình.

– Sierra Leone tuyên bố “đóng cửa hoàn toàn” đất nước ba ngày trong thời gian cuối tháng này nhằm kiềm chế dịch Ebola.

– Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số bệnh nhân thiệt mạng vì virus Ebola đã vượt quá 2.000, lên tới 2.097 người, trong số 3.944 trường hợp nhiễm bệnh.

Thông tin trong ảnh

Ngày 6/9, Nga đã điều 6 tàu chở quân nhân và trang thiết bị đến một căn cứ quân sự thời Liên Xô ở Bắc Cực để khôi phục căn cứ bị bỏ hoang lâu nay.

Phát ngôn ấn tượng

thế giới 24h

Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố sẽ đáp trả nếu Liên minh châu Âu thực thi các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Moscow vì khủng hoảng tại Ukraina.

“Nếu chúng (các biện pháp trừng phạt mới) được thực thi, tất nhiên sẽ có sự đáp trả từ phía chúng tôi” – trích tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga.

Sự kiện

7/9/1812 – Chiến tranh Pháp-Nga: Trận chiến đẫm máu nhất trong các cuộc chiến tranh của Napoléon diễn ra gần Moscow.

7/9/1945 – Chiến tranh thế giới II: Không quân Đức thay đổi chiến thuật trong trận Không chiến tại Anh Quốc, bắt đầu oanh kích London và các thành thị của Anh trong hơn 50 đêm liên tiếp.

Lê Thu

 

Inrasara: DI CƯ NGÔN NGỮ Ở NHÀ VĂN ĐƯƠNG ĐẠI

7 Th9

 

bạn trách tôi mất giờ cho thơ tiếng Chăm

có bao lăm kẻ đọc? Rồi sẽ còn ai nhớ?

nhưng tôi muốn lãng phí cả đời mình cho nó

dù chỉ còn dăm ba người

                        dù chỉ còn một người

                                                hay ngay cả chẳng còn ai!

(Inrasara, Tháp nắng, 1996)

Nhà văn sống nhờ, trong và qua ngôn ngữ dân tộc. Ngược lại, sinh mệnh ngôn ngữ dân tộc tùy thuộc nhiều vào sự ưu tư, chăm sóc của người sáng tác văn học. Toàn cầu hóa, nhiều sinh mệnh ấy đang bị đe dọa, ở đó một trong những nguyên do chính yếu xuất phát từ chính nhà văn – qua cuộc di cư ngôn ngữ của họ.

Hơn trăm năm qua, biến động chính trị quốc tế kéo theo chuyển di lớn về dân cư, cuộc chuyển di chủ yếu từ các nước thuộc thế giới thứ ba đến các nước phát triển, từ đó ở Âu – Mỹ nảy sinh luồng văn học di dân; từ cố quốc nó được đặt tên là văn học hải ngoại.

Nhà văn rời bỏ quê hương cư trú đất nước khác luôn nuôi hi vọng trở lại cố quốc khi thời cuộc thay đổi. Thường thì ở thế hệ thứ nhất, do còn vương vấn với quê nhà hay chỉ thuần trở ngại về ngôn ngữ, nhà văn chỉ viết bằng tiếng mẹ đẻ. Đối tượng tác phẩm họ nhắm đến luôn là nhóm độc giả văn học trong cộng đồng di cư nhỏ bé và đồng bào còn “mắc kẹt” ở quê nhà. Nhà văn trở thành nhà văn lưu đày, lưu đày trong ngôn ngữ và trong văn chương.

Thế rồi khi tình trạng lưu vong kéo dài, thời cuộc đã không chuyển biến theo ý nguyện thì nhà văn tự mình buộc phải thay đổi. Họ bắt đầu nghĩ đến đối tượng độc giả nơi đất nước họ đang lưu dung, và thử ngòi bút bằng ngôn ngữ mới. Đó là điều khó khan it ai vượt qua được. Sang thế hệ một rưỡi, người viết có thể thoải mái hơn trong chọn lưa ngôn ngữ thể hiện: hoặc bằng tiếng mẹ đẻ hoặc bằng ngôn ngữ của nước sở tại (thường là tiếng Anh hay Pháp) hay cả hai. Đến thế hệ thứ hai trở đi, đại đa số nhà văn di cư viết bằng ngôn ngữ văn học dòng chính. Ở đây xảy ra tình trạng di cư ngôn ngữ hàng loạt.

Isabelle de Courtivron viết trong “Sống trong Dịch thuật: Nhà văn Song ngữ cùng Cá tính và Sáng tạo”: Một cộng đồng văn chương mới đã được hình thành và thúc đẩy, bằng sự “nhập cư, công nghệ, chủ nghĩa hậu thực dân và toàn cầu hóa”, các thế lực hùng mạnh đã “xóa bỏ ranh giới và đẩy mạnh chuyển động đa văn hóa”.

Từ đây, khái niệm văn học hải ngoại và văn học di dân đã biến mất. Thế hệ văn học di dân với những tên tuổi lớn như Josept Conrad, Thomas Mann, Samuel Beckett, Vladimir Nabokov, Cao Hành Kiện… nhường chỗ cho thế hệ mới, trẻ hơn và quyết đoán hơn.

 

Thử điểm danh vài tên tuổi nhà văn di cư ngôn ngữ đương đại.

Nhà văn Bosnia Aleksandar Hemon, bị mắc kẹt ở Chicago khi chiến tranh nhấn chìm thành phố quê hương Sarajevo của ông, đã tiếp cận với tiếng Anh ở tuổi 27. Bằng nỗ lực phi thường để vượt qua trở ngại ngôn ngữ, tác giả của Câu hỏi của BrunoDự án Lazarus được coi là một phù thủy đầy phong cách, tự sáng tạo ra tiếng Anh cho chính mình. Yiyun Li đến Hoa Kỳ với vốn tiếng Anh ít ỏi để nghiên cứu Miễn dịch học tại Đại học Iowa, nhưng chỉ sau thời gian không dài, tác giả cuốn tiểu thuyết thứ ba bằng tiếng Anh: Tốt hơn cả Cô đơn xuất bản vào tháng 2-2014 là nhà văn đương đại gốc Hoa được người Mỹ biết nhiều nhất, có lẽ” (Wiliiam Grime, “Di cư ngôn ngữ ở nhà văn”, The NewYork Times, 25-4-2014).

 

Còn Việt Nam…

Thế kỉ XX, Việt Nam hai lần làm di cư, lớn nhất và phức tạp nhất vẫn là từ thời điểm sau khi đất nước thống nhất. Nhiều đợt di cư khác nhau với nhiều tâm thế khác nhau của các bộ phận người khác nhau. Riêng văn giới, nếu nhà văn thế hệ đầu tiên như: Nguyễn Mộng Giác, Tô Thùy Yên, Võ Phiến… chỉ viết bằng tiếng mẹ đẻ, thì thế hệ sau đó đã khác đi rất nhiều. Họ có thể sáng tác song ngữ, như Đinh Linh, Nguyễn Quí Đức, Đỗ Kh… hoặc hoàn toàn chuyển sang ngôn ngữ mới: Mộng Lan (tiếng Anh), Linda Lê (tiếng Pháp)…

Có thể kể vài tác giả đương đại gốc Việt thành công qua vài giải thưởng Quốc tế uy tín.

Monique Trương sinh năm 1968 tại Sài Gòn, di cư qua Mỹ cùng gia đình sau 1975, hiện sống tại Blooklyn – New York. The Book of Salt (Sách muối) kể câu chuyện về một đầu bếp Việt Nam sau những năm phục dịch ở Paris, phải quyết đinh ở lại (Pháp), đi (Mỹ) hay trở về Việt Nam. Tác phẩm giành Giải thưởng “Barbara Gittings Book Award in Literature” của Hiệp hội Thư viện Hoa Kì và Giải PEN/ Robert W. Bingham năm 2004.

We Should Never Meet (Ta không bao giờ nên gặp nhau) là tác phẩm đầu tay của Aime Phan viết về những đứa trẻ Việt Nam được đáp máy may qua Mỹ, trong đó nhân vật Kim không hướng tâm là người cha Mỹ-da trắng mà là người mẹ Việt- da vàng, một chọn lựa “đầy tai ương” (chữ dùng của Nguyễn Hương). Tác phẩm đoạt giải Sách Quý của Kiryama Prize về tiểu thuyết đồng lúc vào chung khảo giải Văn chương Mỹ gốc Á năm 2005 (Asian American Literary Awards). Aime Phan là nhà văn thuộc thế hệ thứ hai sinh ra và lớn lên ở đất nước định cư, hiện ở Orange County – California nơi có nhiều người Việt sinh sống. Aime Phan vừa ra tác phẩm thứ hai: The Reeducation of Cherry Truong (Sự cải tạo của Chery Truong) được xem là một “khám phá sâu sắc sự giao tiếp giữa lịch sử và trái tim nhân bản”.

Nam Lê sinh ở Sài Gòn và lớn lên ở Melbourne – Úc, hai lần nhận Giải thưởng Văn học Anh Dylan Thomas danh giá. Lần thứ hai dành cho tập truyên ngắn gồm 7 truyện có tên The Boat (Con Tàu). Lối kể chuyện của Nam Lê độc đáo đến nỗi Chủ tịch Ban giám khảo Peter Florence nhân định: “Dưới con mắt của Ban giám khảo, Nam Lê là một hiện tượng văn chương phi thường.” Mới nhất, Uyên Nicole Dương với cuốn tiểu thuyết đa văn hóa Mimi and Her Mirror (Mimi và chiếc Gương) do AmazonEncore xuất bản, đoạt giải nhất trong cuộc thi Giải thưởng sách Quốc tế International Book Awards 2012.

 

Cũng trong bài viết thú vị trên, Wiliiam Grime thuật lại chuyện nhà văn Francesca Marciano trong tiểu thuyết Một ngôn ngữ khác kể về một thiếu nữ Ý tên Emma si tình tiếng Anh. Cô theo dõi miệt mài các cuộc nói chuyện hằng ngày của người Mỹ, chăm chú lắng nghe những đĩa nhạc của Joni Mitchell. Và rồi không bao lâu, tình yêu ngôn ngữ của cô gái được đền đáp: Cô thấy mình có thể nói và hiểu được tiếng Anh một cách dễ dàng. Bị dịch chuyển, cô bước vào một cuộc sống khác. “Chị không biết mình đã chối bỏ những gì”, người kể chuyện trong tác phẩm của Marciano nhận xét, “nhưng một ngôn ngữ khác chính là chiếc thuyền mà chị dùng để trốn chạy.” Còn Nadeem Aslam – tác giả của Khu vườn của Người đàn ông mù lòa, người vật lộn với tiếng Anh khi gia đình ông di cư sang Anh từ Pakistan vì lý do chính trị lúc còn là một thiếu niên. Ông nói: “Tiếng Anh đối với tôi là một thứ ngôn ngữ của hận thù, đồng thời lại là một thứ ngôn ngữ của tình yêu”.

 

Ngôn ngữ của hận thù, bởi đối với nhà văn không thèm khát nào lớn hơn là có được một lượng lớn độc giả khả dĩ. Hỏi thơ Lâm Quý sẽ có được bao nhiêu người đọc trong số dân tộc Cao Lan ít ỏi của ông, nếu ông cứ viết bằng tiếng mẹ đẻ? Thế nên dù yêu tiếng Cao Lan đến đâu, ông cũng phải chọn tiếng Việt để sáng tác. Hay thơ tiếng Việt của Đinh Linh có bao nhiêu độc giả đón nhận trong số lượng người Việt di cư đang sống ở Mỹ mà người sành tiếng Việt tuổi ngày càng cao, dân số ngày càng rơi rụng, nếu anh không chọn tiếng Anh làm phương tiện diễn đạt chính yếu?

Ngôn ngữ của hận thù nhưng không thể không là ngôn ngữ của tình yêu, bởi vì nếu không yêu thì nhà văn không thể nhập tâm vào ngôn ngữ nào đó để sáng tạo.

 

Thế nhưng, dù ngôn ngữ là ngôn ngữ của hận thù, của tình yêu hay chỉ là một phương tiện trốn chạy… nhà văn vẫn giành cho mình quyền tự do chọn lựa. Thực tế, không phải tất cả nhà văn di cư đều bị cuốn hút về phía “trung tâm”, để chỉ sử dụng ngôn ngữ có tầm phổ quát rộng trên thế giới viết văn, làm thơ, mà có khi ngược lại. Nếu Thuận trước hết viết bằng tiếng Việt, sau đó tự chuyển dịch tác phẩm mình ra tiếng Pháp mà theo chị, dịch là một cách sáng tạo lại – nhất là dịch chính tác phẩm của mình, thì không ít nhà văn Việt Nam di cư thuộc thế hệ một rưỡi và thế hệ tiếp sau đó vẫn kiên trì sáng tác [thành công] bằng tiếng Việt: Nguyễn Hoàng Tranh, Lưu Diệu Vân, Phan Quỳnh Trâm… là rất điển hình. Rồi ngay cả người đã thành công trong sáng tác tiếng Anh như một Uyển Nicole Dương cũng đang có hướng quay trở lại viết bằng tiếng mẹ đẻ của mình; cho dù – như chị tâm sự: “Tôi ngậm ngùi cho chính mình: một số ít tác phẩm của tôi do chính tôi viết lại bằng tiếng Việt có rất ít người đọc hay nhắc tới trong cộng đồng Việt Nam” (Dương Như Nguyện, “Ý nghĩa của tựa truyện “Postcards from Nam” và quan niệm về dịch thuật, diễn giải, diễn tả, và diễn đạt văn chương”, Vietbang.com, 31-1-2014).

 

Ở phạm vi hẹp hơn, các nhà văn dân tộc thiểu số ở Việt Nam chẳng hạn. Việt Nam có 54 dân tộc thiểu số anh em, các cây bút người dân tộc vẫn có thể viết bằng tiếng mẹ đẻ, thế nhưng chính tiếng Việt mới là phương tiện họ đã thể hiện trọn vẹn nhất tài năng. Bởi đó là tiếng phổ thông, đối tượng độc giả là các dân tộc trên đất nước Việt Nam đồng thời là chính dân tộc mình. Ngoài dân tộc Chăm có đặc san riêng là Tagalau, để những Jaya Hamu Tanran, Phú Đạm, Jaya Thuksiam, Kiều Dung… có thể sáng tác bằng tiếng Chăm mà vẫn tìm được độc giả của mình, dù số lượng còn rất hạn chế, các nhà văn dân tộc thiểu số khác, hoặc viết song ngữ, hoặc sáng tác thẳng bằng tiếng Việt.

Sáng tác song ngữ có thể kể: Nông Quốc Chấn (dân tộc Tày), Dương Thuấn (Tày), Lò Ngân Sủn (Dáy), Inrasara (Chăm)… còn thì đại bộ phận viết bằng tiếngViệt. Pờ Sảo Mìn (Padí), Mai Liễu, Lương Định (Tày), Hơvê (H’rê)… Thể loại thơ là thế, chứ văn xuôi mãi đến hôm nay vẫn chưa có nhà văn dân tộc thiểu số nào sáng tác truyện ngắn, tiểu thuyết bằng tiếng mẹ đẻ. Vậy, làm sao nhà văn có thể làm nhiệm vụ canh giữ và chăm sóc ngôn ngữ dân tộc?

 

Thế giới phẳng, toàn cầu hóa, trào lưu hậu hiện đại giải lãnh thổ hóa… mở ra vô vàn cánh cửa cho nhà văn hôm nay thoải mái và vô ngại trong chọn lựa để di cư ngôn ngữ. Từ đó họ có thể cả quyết như Đinh Linh rằng: “Thật sự thì tôi là hai nhà văn, một Mỹ, một Việt. Tôi viết bằng tiếng Việt vì tôi gắn bó với số mệnh của nước Việt. Tôi viết bằng tiếng Anh vì tôi gắn bó với số mệnh của nước Mỹ.” (Nguyễn Hương, “Văn Chương Di Dân Việt tại Hoa Kỳ”, Damau.org, 24-1-2007).

Phải chăng với các nhà văn mà ngôn ngữ dân tộc không [hay chưa] ở thế thượng phong trong thời đại toàn cầu hóa, sáng tác song ngữ truyền thống – một truyền thống từng tồn tại trong văn học các nước Đông Nam Á suốt thời Trung Đại – đang trở lại?

 

Sài Gòn, 7-7-2014