Tag Archives: conga1

Phan Ngọc trong nghiên cứu văn hóa Việt Nam – VHNA

4 Th10

Phan Ngọc trong nghiên cứu văn hóa Việt Nam

Hồ Liên

1. Các tác giả viết về văn hóa Việt Nam thường xuất phát từ những chuyên môn hẹp. Dù say sưa với một phương pháp nghiên cứu được hiểu khá mù mờ, “phương pháp liên ngành”, nhưng nhìn chung mỗi người vẫn cày xới trên thửa ruộng quen thuộc của mình. Trong những công trình của họ, ranh giới văn hóa học với khảo cổ học, sử học, văn hóa dân gian, triết học hay chính trị học không lấy gì làm rõ ràng. Văn hóa học, nếu có, dường như là một khoa học bao sân toàn bộ đối tượng nghiên cứu của khoa học xã hội và nhân văn.

Những tư liệu khảo cổ học, những giai đoạn văn hóa đồ đá, đồ đồng, những giai đoạn văn hóa tiền sử, sơ sử, thực chất chỉ làm phong phú và sáng tỏ thêm văn hóa các tộc người, chưa hẳn đã là nội dung thiết yếu của văn hóa cộng đồng dân tộc – quốc gia, hay nói theo GS Chu Xuân Diên, đó chưa đích thị là văn hóa Việt Nam mà chỉ mới là giai đoạn hình thành những nền tảng của văn hóa Việt Nam.

Một quan niệm phổ biến là đồng nhất văn hóa Việt Nam với văn hóa tộc người Kinh (Việt), lịch sử văn hóa Việt Nam là sự nối dài và mở rộng văn hóa Đại Việt.  Đại Việt “mở nước” về phương Nam như “tất yếu của quy luật cạnh tồn” (Đào Duy Anh). Nhiều cuốn sách trình bày diễn trình văn hóa Việt Nam khớp với các giai đoạn thông sử qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê…

2. PGS. Phan Ngọc là một trong số hiếm hoi những nhà nghiên cứu ở nước ta dũng cảm đi con đường khác, con đường lập thuyết, con đường xây dựng hệ thống các khái niệm công cụ hình thành một môn học.

PGS. Phan Ngọc nhận xét rằng, từ trước đến nay có vô số công trình viết về văn hóa thường thiếu một sự nhất quán ở phương pháp nghiên cứu và hệ thống các khái niệm. Đó là những công trình viết về từng mặt văn hóa như chính trị, giáo dục, văn học, nghệ thuật, tôn giáo, đạo đức, lối sống v.v… Người đọc không thấy cái mặt văn hóa, mà chỉ là sự rút gọn những thông tin ở các ngành khoa học hữu quan.

Ông nhiều lần viết rằng văn hóa học có cách khảo sát riêng của nó, đối tượng riêng của nó không giống bất kỳ bộ môn khoa học xã hội nào…

Văn hóa học không theo con đường của âm dương ngũ hành. Nó không xuất phát từ sự phân chia văn hóa theo tiêu chuẩn du mục hay nông nghiệp mà theo hẳn con đường phương pháp luận của phương Tây, trong khi tìm cách đổi mới những khái niệm của phương Tây sao cho ăn khớp với thực tế Việt Nam để tạo nên một hệ thuật ngữ riêng cho ngành khoa học của mình. Điều này là then chốt: một khoa học chỉ là khoa học khi có đối tượng riêng, phương pháp riêng và hệ thuật ngữ riêng.

Vậy văn hóa là gì? Ông lập luận rằng văn hóa là một hiện tượng vừa phổ biến lại vừa mang tính cá biệt. Nó phổ biến với tính cách một đặc điểm chung của con người, bắt gặp ở mọi thể cộng đồng. Con người ở đâu cũng sống cùng một lúc với hai thế giới, thế giới thực tại và thế giới các biểu tượng. Con người không chỉ sống trong hiện tại mà sống cả trong quá khứ và tương lai, hai yếu tố thuộc thế giới biểu tượng. Cách ứng xử của con người xuất phát từ một hệ thống những nguyên lý trừu tượng của thế giới ý niệm đã hình thành một cách gần như tự nhiên.

Xuất phát từ ý tưởng của K. Mác khi phân biệt sự khác nhau về bản chất hoạt động của con người xây cất một ngôi nhà với đàn ong xây tổ, ông nhận thấy con người có một kiểu lao động riêng, anh ta tạo ra sản phẩm theo cái mô hình trong óc, mô hình của thế giới biểu tượng. Nghiên cứu sản phẩm ở ngoài các mô hình ấy là việc của khoa học, kỹ thuật, chính trị, kinh tế, pháp luật. Nghiên cứu các mô hình trong óc con người là việc của triết học, văn học nghệ thuật. Văn hóa học nghiên cứu mối quan hệ giữa cái mô hình trong óc với cái mô hình anh ta tạo ra. Văn hóa là mối quan hệ giữa thế giới biểu tượng trong óc một cá nhân hay một tộc người với cái thế giới thực tại ít nhiều đã bị cá nhân hay tộc người này mô hình hóa theo cái mô hình tồn tại trong biểu tượng. Điều biểu hiện rõ nhất chứng tỏ mối quan hệ này, đó là văn hóa dưới hình thức dễ thấy nhất, biểu hiện thành một kiểu lựa chọn riêng của cá nhân hay tộc người, khác các kiểu lựa chọn của các cá nhân hay các tộc người khác(1).

3. “Lựa chọn” là một khái niệm then chốt trong lý thuyết của ông. Mỗi thể cộng đồng có một kiểu lựa chọn riêng biểu hiện thành một lối sống riêng không giống các thể cộng đồng khác. Mỗi cách lựa chọn có lý thuyết riêng, có những nghi lễ riêng khẳng định tính ưu việt của nó.

 Những sự lựa chọn khác nhau dẫn đến những độ khúc xạ khác nhau. “Độ khúc xạ” là một khái niệm công cụ căn bản trong lý thuyết của PGS. Phan Ngọc. Ông muốn xây dựng một hệ thống khái niệm văn hóa học nhất quán, có giá trị thao tác, tức là cho phép hành động hiệu quả chứ không chỉ cung cấp kiến thức. Các khái niệm phải là công cụ khiến người ta có thể dựa vào đó mà tìm đặc trưng văn hóa không lẫn lộn với bất kỳ đối tượng nào của mọi ngành khoa học, giúp chúng ta nhận biết và lý giải “tại sao” về những nét riêng có của văn hóa Việt Nam khác văn hóa Trung Hoa, văn hóa Pháp…

Với ông, “độ khúc xạ” là một khái niệm như vậy.

Lịch sử nhân loại chứng minh rằng, khúc xạ như một quy luật vận động và phát triển của văn hóa. “Ai thực hiện được sự khúc xạ thành công nhất, người ấy thắng”(2).

“Khúc xạ” (refraction) vốn là một khái niệm vật lý học chỉ hiện tượng một tia sáng khi đi qua những môi trường khác nhau sẽ không đi thẳng mà có những độ lệch khác nhau. Cũng như cung cách xây dựng các khoa học khác, lý thuyết văn hóa học có thể vay mượn khái niệm này để cấp cho nó cách lý giải mới, tương hợp. Theo cách lý giải của PGS. Phan Ngọc, một tư tưởng từ ngoài vào, dù đó là Nho giáo, chủ nghĩa Mác, hay tư tưởng hậu công nghiệp, khi vào tâm thức Việt Nam, tức là nhập vào một tâm thức vốn chưa hề biết đến nó, thế nào cũng trải qua một độ khúc xạ, và do đó, có một độ lệch. Người Việt Nam nói chung không hề cảm thấy độ lệch ấy, nhưng xem xét cung cách ứng xử cụ thể sẽ thấy độ lệch này rất rõ. Nguyên nhân của nó ở ngay trong môi trường sống, môi trường thiên nhiên và xã hội hàng ngàn năm nay, khách quan, bên ngoài cá nhân. Nắm được độ khúc xạ này sẽ lý giải được di sản quá khứ và thực trạng văn hóa, đồng thời cho phép tiếp thu cái mới thành công, hạn chế những mò mẫm, vấp váp tốn công tốn của mà càng sửa càng sai(3).

Khái niệm “độ khúc xạ” là một đóng góp lý luận của PGS. Phan Ngọc trong nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Chúng ta có thể hiểu và chia sẻ những trăn trở của ông, rằng đời một người nghiên cứu, dù có viết hàng trăm quyển sách, xét cho cùng mơ ước chỉ là giới thiệu được một khái niệm hữu ích để xét được đối tượng một cách khách quan, hay góp phần sửa đổi lại cách lý giải một khái niệm quen thuộc theo một cách hợp lý hơn.

Với những khái niệm này, PGS. Phan Ngọc đã trình bày các nền văn hóa như những kiểu lựa chọn khác nhau. Như thế, hệ thống khái niệm mà ông xây dựng là một công cụ lý thuyết có giá trị tổng quát, không chỉ để nghiên cứu văn hóa Việt Nam.

Tuy nhiên, ông làm tất cả cũng chỉ để dồn công sức và tâm huyết thức nhận văn hóa nước nhà, bề dày và số phận lịch sử của nó.

4. PGS. Phan Ngọc đầy thuyết phục trong những trang viết về sự khúc xạ của Khổng giáo từ Trung Hoa đến Việt Nam. Tư tưởng Khổng Tử, theo ông, trước hết là một sự kế thừa độc đáo. Khổng Tử đóng vai người nói theo Chu Công, nhưng cái mới là ở cách lựa chọn một phương diện nào đó và phát triển thật sự xuất sắc. Ông chỉ chú ý đến các ứng xử giữa người với người, chỉ chấp nhận một công cụ tìm hiểu thực tế là giác quan. Nếu Thích Ca, Lão Tử phủ nhận giác quan, thì Khổng Tử chỉ chấp nhận giác quan mà thôi. Cái gì vượt ra ngoài giác quan thì ông bảo là không biết.

Nhà triết học phải tìm ra cái bất biến trong mọi thay đổi. Cái bất biến này có thể là ý niệm, thượng đế, đạo, chân như, là hiện sinh, quan hệ, cái phi lý v.v…

Cái bất biến mà Khổng Tử nêu lên là những quan hệ giữa người và người. Con người không thể chỉ sống với cây cỏ, muông thú mà phải sống với những người khác. Do đó, cần phải xây dựng những quan hệ đẹp đẽ, gọi là “Lễ” giữa người với người để đạt đến sự hòa mục trong xã hội. Con người sinh ra, ắt có cha mẹ, do đó có chữ “Hiếu”; có anh em, do đó có chữ “Đễ”; có bạn bè, do đó có chữ “Tín”; có trách nhiệm với người khác, do đó có chữ “Nghĩa”; có người trên, kẻ dưới, do đó có chữ “Trung”; trong những hoàn cảnh phức tạp cần phải có chữ “Trí” để có được cách ứng xử thích hợp.

Khi đạt đến lí tưởng trong cách đối xử này người ta đạt đến chữ “Nhân”. Các chữ này chưa phải là những khái niệm kiểu Hy Lạp mà chỉ là những kiểu ứng xử chứa đựng một trình độ rất đa dạng, không thể công thức hóa một cách máy móc, đó là chữ “Thời”. Con người phải có hiếu, đễ, trung, tín… những chữ này thể hiện khác nhau trong từng hoàn cảnh khác nhau.

Để tìm được cái bất biến, Khổng Tử đề ra “ôn cũ mà biết mới”, học trong quá khứ, xét trong hiện tại rút ra những quan hệ không thay đổi… Thời đại thay đổi đến đâu thì các quan hệ xã hội vẫn thế, cũ hay mới cũng đều là biểu hiện của cái bất biến.

Khổng giáo không phải là học thuyết cho mọi người, mà chỉ để dạy các bậc “quân tử”, những người thuộc tầng lớp trên trong xã hội, có triển vọng làm quan và học để làm quan. Khổng Tử là người đầu tiên nhận thức được rằng trong một xã hội tôn ti luận, người làm quan phải được đào tạo cực kỳ chu đáo về nhân cách, đạo đức, học vấn để đem đến sự hòa mục trong xã hội. Trong một xã hội như thế, các quan hệ xã hội chi phối các quan hệ kinh tế. Khổng Tử không nói đến “lợi”, mà nói đến “tề gia”, “trị quốc” theo con đường “cách vật”, “trí tri”, “thành ý”, “chính tâm” để “tu thân”, tự mình nêu gương cho người khác theo.

Học thuyết ấy bị thay đổi, xuyên tạc, nhưng cái phần cơ bản vẫn còn ở các nước theo Khổng giáo. Những điểm chung của các nhà Nho là lấy giác quan làm cơ sở cho nhận thức để đi đến những quan hệ xã hội bất biến, tu dưỡng mình công phu, trở thành mẫu mực trong các quan hệ ấy để làm gương và giáo dục mọi người, học tập suốt đời, tìm nguồn vui ở ngay trong việc học, có thái độ bất khả tri trong những gì vượt khỏi giác quan, cũng không trực tiếp chống lại, coi trọng nhân nghĩa hơn giàu sang, biết dừng trong mọi ham muốn để giữ tâm hồn thanh thản. Các nhà Nho ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam đều như nhau ở điểm này, làm thành nét chung của bốn nền văn hóa. Nét chung ấy lần đầu tiên được quy phạm hóa. Đó là phần đóng góp, sáng tạo của Khổng Tử(4).

Nho giáo Việt Nam cũng lấy “trung hiếu” làm nền tảng. Nhưng trung với nước, Tổ quốc trên hết, không phải chỉ trung với quân, hiếu có “tiểu hiếu” và “đại hiếu” quy chiếu về “trung”, đặt vận mệnh đất nước trên hạnh phúc gia đình. Những “nhân, trí, anh hùng”, các khái niệm cơ bản của Khổng giáo tuy không thay đổi về ngôn ngữ, nhưng lại thay đổi về nội dung.

Lăng kính thứ hai tạo nên độ khúc xạ là “làng”. Con người Việt Nam là thần dân của một nước, nhưng đồng thời, và trước hết, anh ta là người của làng, người dân công xã. Nho sĩ Việt Nam “sang ở nước”, nhưng “sống ở làng”, tuân theo hệ tư tưởng công xã, không tạo thành một đẳng cấp riêng như ở Trung Hoa, họ góp phần tạo nên văn hóa làng xã, và đó mới là nền tảng tâm thức Việt Nam, không phải Nho giáo.

Sự khúc xạ thứ ba của Nho giáo ở Việt Nam xuất phát từ cơ tầng văn hóa Đông Nam Á. Văn hóa làng, nguyên tắc “hương đảng trọng xỉ”, tín ngưỡng thờ nữ thần, hội lễ, vai trò người phụ nữ trong gia đình… chứng tỏ tâm thức công xã không chấp nhận tư tưởng ngoại nhập đi ngược lại truyền thống.

Sự khúc xạ thứ tư xuất phát từ vị trí địa lý một nước nhỏ ở phía Nam, cạnh một nước lớn đầy tham vọng bành trướng, bá quyền. Việt Nam phải tiếp thu Nho giáo và chế độ khoa cử để chọn người cai trị, xây dựng một chính quyền dân sự thống nhất từ trung ương đến địa phương, và một nền chính trị tỉnh táo, “biết dừng”, biết “cúi mình để giữ độc lập”(5).

5. Viết về bản sắc văn hóa Việt Nam, PGS. Phan Ngọc thường xác định cái tồn tại không phải là yếu tố mà là quan hệ. Yếu tố thay đổi không ngừng. Bản sắc văn hóa, theo ông, không thể tìm thấy ở sự vật, hiện tượng mà là một kiểu quan hệ. Kiểu quan hệ kết hợp, chắp nối từ nhiều gốc rất khác nhau nhưng tạo nên một thể thống nhất hữu cơ kỳ diệu. Ông gọi đó là bricolage.

“Nước Việt Nam không phải là Ai Cập, Lưỡng Hà, Hy Lạp, Ấn Độ, Trung Hoa để cấp được những yếu tố tạo nên văn hóa thế giới. Nhưng nó ở ngã ba đường của các nền văn hóa, trong một trăm năm nay theo các văn hóa Pháp, Mỹ, xã hội chủ nghĩa, hậu công nghiệp trong khi có sẵn một nội lực hùng mạnh chống sự đồng hóa, cho nên người Việt Nam là bậc thầy về nghệ thuật bricolage”(6).

Minh chứng cho lập luận này có thể dẫn hàng ngàn ví dụ trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Yếu tố đã có từ trước, nhưng tài kết hợp là của Việt Nam, đất nước huyền thoại của những con người anh dũng tuyệt vời, thông minh xuất chúng, và chủ yếu là yêu nước vô hạn.

Nhiều người đọc không giấu sự thú vị và thán phục ông ở những phát hiện này. PGS. Phan Ngọc đã chỉ ra được thực chất văn hóa Việt Nam là bricolage. Sáng tạo của Việt Nam là lắp ghép, dung hóa. Thiên nhiên ban cho mỗi dân tộc một thứ ân sủng khác nhau, một kiểu tài năng khác nhau. Người Việt Nam lấy những yếu tố có sẵn, vốn mình hoặc mượn người, cấu trúc lại, tức cấp cho chúng một kiểu “quan hệ” để tạo thành một sản phẩm khác phù hợp với mình. Với bricolage có thể hiểu được sở trường và sở đoản, nhất là cơ chế tiếp thu của văn hóa Việt Nam. Điều này rất cần không chỉ để tìm hiểu quá khứ, mà còn để xây dựng một chiến lược phát triển văn hóa tương lai.

Dĩ nhiên, bricolage có cái thực dụng của căn tính nông dân công xã, sản phẩm của phương thức sản xuất châu Á mà ông phân tích rất kỹ trong các công trình của mình, nhưng đồng thời cũng là sự vượt gộp (depassement), tiếp thu và đổi mới. Nó bảo vệ được cả cái cũ lẫn cái mới, không nhắm mắt chạy theo cái mới, vứt bỏ cái cũ, cũng không khư khư giữ lấy cái cũ, từ bỏ cái mới.

6. Nếu bản sắc văn hóa Việt Nam được cụ thể hóa trong những thao tác lắp ghép, vượt gộp thích dụng với từng hoàn cảnh lịch sử xã hội, thì cái tạo thành tính bất biến của các ứng xử ấy là những nhu cầu của tâm thức con người Việt Nam, là nhân cách Việt Nam được quy định bởi bốn yếu tố mà PGS. Phan Ngọc mô hình hóa thành công thức 4F (Fatherland, Family, Fate, Face):

Người Việt Nam là con người bổn phận. Anh ta có hai bổn phận chính là đối với nước và đối với nhà. Ngược lại, anh ta được những người khác che chở, đùm bọc, cấp cho anh ta một thân phận, và được mọi người đánh giá, cấp cho anh ta một diện mạo. Có bốn yếu tố tạo thành nhân cách Việt Nam: Tổ quốc, gia đình, thân phận, diện mạo. Đó là bốn yếu tố tạo thành văn hóa Việt Nam(7).

PGS. Phan Ngọc nhận xét rất đúng về hai phương thức tiếp biến văn hóa:

Một là, khi một hiện tượng văn hóa từ ngoài vào, trong nước chưa có, thường có hiện tượng giống hệt về hình thức và sự khúc xạ diễn ra chỉ ở nội dung.

Hai là, một xu hướng văn hóa khi vào Việt Nam đã có sẵn hiện tượng tương tự trong nước. Khi đó, sự tiếp xúc chủ yếu tạo nên sự thay đổi về hình thức. Hai phương thức tiếp biến văn hóa này phù hợp với tâm thức con người Việt Nam(8).

Sự hình thành ý thức dân tộc phải là một quá trình lịch sử lâu dài. Nhưng không phải ngẫu nhiên mà lần đầu tiên thế giới biết đến một bản tuyên ngôn về quyền tự quyết dân tộc và định nghĩa về một cộng đồng quốc gia – dân tộc lại ra đời ở Việt Nam, năm 1427 với Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. PGS. Phan Ngọc đánh giá đây là một văn kiện có giá trị thế giới cho đến nay vẫn hoàn toàn hiện đại. Nguyễn Trãi trước UNESCO gần sáu trăm năm đã lấy văn hóa làm nền tảng cho chủ quyền dân tộc (Như nước Đại Việt ta từ trước, Vốn xưng nền văn hiến đã lâu), trước Stalin 465 năm đã thấy dân tộc là một thể thống nhất gồm bốn yếu tố là địa lý (Núi sông bờ cõi đã chia), văn hóa  (Phong tục Bắc Nam cũng khác), lịch sử (Từ Triệu Đinh Lý Trần bao đời gây nền độc lập), chính quyền thống nhất (Cùng Hán Đường Tống Nguyên mỗi bên xưng đế một phương)…

Đó là bản tuyên ngôn chủ quyền dân tộc. Vì có một truyền thống lâu đời và nhất quán như vậy, nên văn hóa Việt Nam trước hết là văn hóa vì Tổ quốc. Đây là cái chìa khóa để hiểu một con số đông đảo các biểu hiện văn hóa mà nếu xét tách rời, nhất định dẫn tới vô số cuộc tranh luận không thể kết thúc…

Gia đình là một cộng đồng văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự hình thành nhân cách con người Việt Nam. PGS. Phan Ngọc cho rằng muốn xây dựng một chế độ chính trị bền vững trong xã hội phương Đông, dứt khoát phải xuất phát từ gia đình, nơi mà lịch sử đã chứng minh rằng, hạnh phúc gia đình luôn gắn liền với vận mệnh đất nước. So sánh gia đình Việt Nam với gia đình Trung Hoa, PGS. Phan Ngọc có nhận xét sâu sắc rằng, trong xã hội tôn ti luận Trung Hoa, quan hệ gia đình bị quy chiếu vào quan hệ xã hội: chồng gọi vợ là thiếp, vợ gọi chồng là tướng công. Ngược lại, người Việt mở rộng quan hệ gia đình thành quan hệ xã hội. Không một người Trung Hoa nào gọi các vị quan lớn là bác nọ, chú kia, nhưng người Việt Nam thì khác, có thể xưng hô là “em”, là “con”, là “cháu”, với “thầy”, “chú”, “bác”, “cô”, “dì” như người thân trong các ứng xử xã hội. Đây là sự khác biệt có ý nghĩa căn bản giữa hai nền văn hóa(9).

7. Đi tìm ngữ nghĩa của hình thức, tiếp cận văn hóa Việt Nam bằng những khái niệm công cụ thao tác luận, PGS. Phan Ngọc nói rằng mình chỉ là kẻ tìm đường, một mình, dĩ nhiên không thể có tham vọng nói đã tìm được. Những sai lầm là tất yếu, nhưng sẽ giúp người khác đỡ vất vả trên con đường xây dựng nền văn hóa tương lai.

Một lý thuyết đang trong quá trình hình thành sẽ có nhiều cách hiểu khác nhau, không hẳn đã đúng với ý tưởng của người lập thuyết.

Chúng tôi cũng hiểu khác. Quan hệ giữa thế giới biểu tượng trong đầu óc con người với thế giới thực tại đã được mô hình hóa là như thế nào? Theo chúng tôi, con đường duy nhất để có thể thức nhận thế giới biểu tượng trong đầu óc nhà khoa học, người nghệ sỹ, nhà văn, nhà phát minh sáng chế v..v… chỉ có thể là nắm bắt cái thế giới thực tại, những tác phẩm, những công trình, những “hành vi và hoạt động” do chính họ sáng tạo nên. Quan hệ ấy là phổ biến và nhất quán, bởi chẳng mấy ai lại thích nghĩ một đường làm một nẻo.

 Nhưng ở đây quả có sự lựa chọn, sự lựa chọn biểu tượng và quá trình hình thành biểu tượng diễn ra trong đầu óc con người và thể hiện thành những khác biệt ở thế giới thực tại.

Có một thực tế lịch sử cho lý thuyết của PGS Phan Ngọc, đó là một bộ phận dân cư Bách Việt bị dồn đến chân tường, trên giải đất hẹp dưới chân Trường Sơn, mép biển bán đảo Đông Dương, chỉ có một lựa chọn duy nhất để tránh tuyệt diệt, để tồn tại như một cộng đồng dân tộc- quốc gia là chống Bắc thuộc và giải Trung Hoa Hóa. Vì thế, Bắc thuộc và chống Bắc thuộc trên mảnh đất này không phải là chuyện của nghìn năm đầu Công nguyên, mà trường kỳ lịch sử. Chống Bắc thuộc và giải Trung Hoa hóa là số phận lịch sử của dân tộc Việt Nam, lựa chọn duy nhất để tồn tại và cũng là một căn nguyên của bản sắc văn hóa Việt Nam.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN

1. Phan Ngọc (1994), Văn hóa Việt Nam và cách tiếp cận mới, H. Nxb Văn hóa Thông tin. Trích dẫn (6)

2. Phan Ngọc (1998), Bản sắc văn hóa Việt Nam, H. Nxb Văn hóa Thông tin. Tr.d (1,2,3,4,5,8,9)

3. Phan Ngọc (2000), Thử xét văn hóa – văn học bằng ngôn ngữ học, H. Nxb Thanh niên. Tr.d (7).

 

 

CHỦ NGHĨA DÂN TỘC LÀNH MẠNH – BS

19 Th7

Tống Văn Công

Mấy hôm nay, truyền thông của khu vực và cả thế giới sôi nổi bình luận về sự kiện hội nghị ASEAN ở Phnom Penh không ra được tuyên bố chung. Có 3 chủ đề nổi bật: Một là Trung Quốc cao giọng cho rằng đây là thắng lợi của họ; họ cám ơn nước chủ nhà đã “bảo vệ lợi ích cốt lỏi” của Trung Quốc. Tuy nhiên, một nhà nghiên cứu uyên thâm về Châu Á lại cho rằng, Trung Quốc chỉ thắng về chiến thuật, nhưng sẽ thất bại chiến lược. Bởi vì họ đã làm cho nhiều nước lo ngại, đang tìm mọi cách để chống lại. Hai là, có phải Việt Nam bị thất bại? Các nhà bình luận sáng suốt có ý kiến ngược lại: Tính chính đáng về lịch sử và về pháp lý, cùng với quan điểm chủ trương xử lý tranh chấp bằng thương lượng hòa bình của Việt Nam đã thu phục tình cảm của cộng đồng quốc tế. Đó chính là sức mạnh to lớn sẽ giúp Việt Nam giành thắng lợi cuối cùng. Ba là lợi ích dân tộc đã khiến nước chủ nhà đặt lợi ích quốc gia mình lên trên khối thống nhất ASEAN. Dư luận rất đông đảo kể cả của những nước không có quyền lợi trực tiếp ở Biển Đông cũng chê trách cho đó là sự thiển cận, ích kỷ. Cả ba chủ đề kể trên đều cho thấy sự chi phối của chủ nghĩa dân tộc. Vậy lấy gì để phân định chân lý đây?

Từ lâu, nhân loại đã phân biệt chủ nghĩa dân tộc lành mạnh với chủ nghĩa dân tộc sô vanh (Ph. Nicolas Chauvin). Chủ nghĩa dân tộc lành mạnh bảo vệ lợi ích của dân tộc mình, nhưng không theo nước mạnh, lấn át nước yếu. Chủ nghĩa dân tộc lành mạnh giúp cho các dân tộc chọn liên minh đúng đắn với những quốc gia tiến bộ của thời đại, khởi đầu có thể yếu thế, nhưng dần dần lớn mạnh và cuối cùng giành được thắng lợi. Ngược lại, chủ nghĩa dân tộc sô vanh khuyến khích chạy theo lợi ích hẹp hòi, sẵn sàng tước đoạt lợi ích của các dân tộc khác, chụp giật lợi ích trước mắt, nhưng cuối cùng sẽ thua thiệt thảm hại. Nhân loại đã ghi nhận sự thắng thua như vậy trong suốt hàng ngàn năm lịch sử, cuối cùng là ở cuộc thế chiến thứ hai với kết cục thảm bại của phe trục. Lịch sử ba nước Đông Dương cũng có những chứng minh vô cùng sinh động về sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc lành mạnh và tác hại khủng khiếp của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Trong khi quân Nhật tràn vào đè bẹp chính quyền thực dân Pháp và tiến đánh như chẻ tre cả Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, thì Việt Nam trong tình trạng “một cổ hai tròng” vẫn “gan góc đứng về phe đồng minh chống phát xít mấy năm nay”. Chủ nghĩa dân tộc lành mạnh đã cho ta nhãn quan sáng suốt để chọn đúng đồng minh chính nghĩa. Suốt gần nửa thế kỷ chúng ta chẳng những giành độc lập cho dân tộc mình mà còn đem xương máu giúp Campuchia, Lào giành độc lập, đặc biệt đã giúp nhân dân Campuchia khỏi nạn diệt chủng.

Mấy hôm nay, dù rất lấy làm tiếc, nhưng Việt Nam vẫn cố gắng không gây sứt mẻ tình cảm với Campuchia, người bạn mà mình từng hy sinh xương máu vì nhau. Có lẽ qua dư luận của khu vực và thế giới đã đủ làm cho các bạn Campuchia giật mình, nhớ lại bài học chưa xa: Ai là kẻ nuôi dưỡng, hỗ trợ, xui giục Khơ me đỏ thi hành chính sách đối nội diệt chủng, chém giết không ghê tay đồng bào mình; đối ngoại chống Việt Nam, người bạn chung chiến hào chống thực dân, đế quốc? Kịch bản của kẻ ấy hôm nay có khéo léo hơn, nhưng bản chất thì vẫn là kích thích lợi ích dân tộc hẹp hòi. Báo The Nation (Thái Lan) cho rằng, “sớm hay muộn Campuchia cũng sẽ nhận ra rằng hành động của nước này đã hủy hoại lòng tin của khối ASEAN” và “nó cũng phương hại đến nổ lực của Campuchia giành chiếc ghế không thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc vào năm tới”. Đó là cái hại dễ thấy ngay, còn nếu nhìn sâu vào bản chất của hai bên: cậy mạnh hiếp yếu, bảo vệ chủ quyền và bành trướng xâm lược; ngang ngược áp đặt và tôn trọng luật pháp… thì sẽ thấy chính nghĩa và phi nghĩa rất rạch ròi. Và lịch sử chưa bao giờ cho phép ai nhập bọn với kẻ phi nghĩa mà được an toàn !

 Tác giả gửi cho viet-studies ngày 18-7-12