Tag Archives: Thượng nghị sĩ

Thượng Nghị sĩ John McCain: Người Nga đáng có được một tổng thống tốt hơn Putin – BS

20 Th9

 Thượng Nghị sĩ John McCain: Người Nga đáng có được một tổng thống tốt hơn Putin

Posted by basamnews on September 20th, 2013

Đôi lời: Đây là bài “bút chiến” của Thượng Nghị sĩ Mỹ, John McCain, đăng trên báo Pravda của Nga. Gần một tuần trước, ông John McCain nói đùa rằng ông muốn viết bài bình luận đăng trên báo Pravda, thì ông John Hudson, phóng viên tạp chí Foreign Policy đã làm môi giới, liên lạc với báo Pravda, hỏi báo này có dám đăng bài của ông John McCain hay không. Báo này đồng ý và đây là bài viết của John McCain trên báo Pravda. 

.
Khởi sự từ bài báo gây tranh cãi của TT Putin, đăng trên báo New York Times hôm 11/9, có tựa đề: “A Plea for Caution From Russia”. Trong bài này, ông Putin đã phản đối Mỹ đưa quân đánh Syria, câu cuối cùng Putin đã mang đã mang Chúa ra để ‘dạy’ Mỹ: “Chúng ta khác nhau, nhưng khi chúng ta cầu Chúa ban phước lành, chúng ta đừng quên rằng Chúa sinh ra chúng ta đều bình đẳng như nhau“. Nguyên văn: “We are all different, but when we ask for the Lord’s blessings, we must not forget that God created us equal.”

.

Liệu có một nhà báo nào đó ở VN đứng ra làm môi giới để ông John McCain hoặc một chính trị gia nào đó ở Mỹ như Jim Web hay Chris Smith… viết một bài tương tự để đăng trên báo Nhân Dân? Có thể báo Nhân Dân sẽ dám đăng vì báo này đã từng đăng bài của mấy ông “Việt kiều” ở Mỹ như Amari TX, John Lee… Không lẽ bài viết của các chính trị gia như John McCain hay Jim Web không đáng để đăng trên báo Nhân Dân bằng mấy bài của các ông “Việt kiều” kia?

Pravda

Tác giả: John McCain

Người dịch: Ngọc Thu

19-09-2013

Khi ông Dmitry Sudakov – biên tập viên báo Pravda.ru – đề nghị công bố bình luận của tôi, ông ấy đã gọi tôi là “một chính khách năng nổ chống Nga trong nhiều năm qua”. Và tôi tin chắc rằng đây không phải là lần đầu tiên người Nga được nghe người ta mô tả về tôi như một đối thủ. Do mục đích bài viết này của tôi là để xóa tan sự xuyên tạc mà những người cầm quyền ở Nga đã sử dụng để duy trì quyền lực và biện hộ cho sự thối nát, tôi xin được bắt đầu nói về quan điểm sai sự thật này. Tôi không phải là người chống lại người Nga, mà tôi là một người ủng hộ người Nga, tôi ủng hộ người Nga hơn cả chế độ đang cai trị các bạn một cách kém cỏi hiện nay.

Tôi nói điều này bởi vì tôi tôn trọng phẩm giá và quyền tự quyết của các bạn. Tôi tin rằng, các bạn phải được sống đúng theo tiếng gọi của lương tâm, chứ không phải sống theo ý muốn của chính phủ các bạn. Tôi tin rằng các bạn đáng có được cơ hội để cải thiện đời sống của mình, trong một đất nước có nền kinh tế bền vững và mang lại lợi ích cho nhiều người, thay vì chỉ mang lại quyền lợi cho vài nhóm có quyền hành. Quý vị phải được sống trong một nhà nước pháp quyền, có luật pháp rõ ràng, luật pháp công bằng và phải được thực thi một cách nhất quán và không thiên vị. Tôi nói điều này bởi vì tôi tin rằng người Nga, cũng như người Mỹ, đã được Đấng Tạo Hóa ban cho những quyền căn bản, đó là quyền được sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

Người dân Nga không thể đưa ra lời tuyên bố tương tự như tôi vừa nói. Tổng thống Putin và các cộng sự của ông ta không tin vào những giá trị này. Họ không tôn trọng phẩm giá của các bạn và họ cũng không chấp nhận các bạn có quyền hành gì đối với họ. Họ trừng phạt những người bất đồng chính kiến và bỏ tù những người đối lập. Họ gian lận trong các cuộc bầu cử của các bạn. Họ kiểm soát truyền thông. Họ sách nhiễu, đe dọa, và ngăn cấm các tổ chức bảo vệ quyền tự quản của các bạn. Để duy trì quyền lực, họ khuyến khích tham nhũng tràn lan trong các phiên tòa và trong nền kinh tế, khủng bố và thậm chí ám sát các nhà báo, những người tìm cách tố cáo sự thối tha của họ.

Họ soạn luật để hệ thống hóa việc phân biệt đối xử chống lại khuynh hướng tính dục những người mà họ kết tội. Họ tống các thành viên của ban nhạc punk rock vào tù về tội khiêu khích, thô tục và cả gan dám phản đối sự cai trị của Tổng thống Putin.

Sergei Magnitsky không phải là là một nhà hoạt động nhân quyền. Ông ấy là kế toán của một công ty luật ở Moscow. Ông ấy là một người Nga bình thường đã làm được một việc phi thường. Ông đã vạch trần một trong những vụ trộm cắp tài sản nhà nước lớn nhất trong lịch sử nước Nga. Ông ấy quan tâm tới nhà nước pháp quyền và tin rằng không ai có thể đứng trên luật pháp. Vì sự tin tưởng đó và lòng dũng cảm của ông, nên ông đã bị bắt giam ở nhà tù Butyrskaya mà không qua xét xử. Nơi đó ông đã bị đánh đập, bệnh tật rồi qua đời. Sau khi chết, ông bị đưa ra xét xử trong một phiên tòa trình diễn [công lý], làm cho người ta nhớ tới những phiên tòa dưới thời Stalin, và dĩ nhiên là phiên tòa tìm thấy ông có tội. Đó là tội ác không phải chỉ chống lại ông Magnitsky, là còn là tội ác chống lại người dân Nga và quyền của các bạn có được một chính phủ trung thực, một chính phủ mà ông Sergei Magnitsky và các bạn đáng được hưởng.

Tổng thống Putin tuyên bố, mục đích của ông ta là khôi phục lại sự vĩ đại của nước Nga trong mắt của người dân Nga và các nước trên thế giới. Nhưng ông ta đã khôi phục sự vĩ đại của các bạn bằng cách nào? Ông ta đã cho các bạn một nền kinh tế gần như dựa vào toàn bộ một ít nguồn tài nguyên thiên nhiên sẽ tăng trưởng và suy thoái cùng với những mặc hàng của nó. Sự thịnh vượng của nền kinh tế sẽ không bền vững. Và trong khi nền kinh tế còn phát triển thì của cải hầu hết nằm trong tay một số ít kẻ tham nhũng đang cầm quyền. Tiền bạc đang rời khỏi nước Nga, một nền kinh tế trên diện rộng và thiếu luật lệ được xem như quá rủi ro để đầu tư và kinh doanh. Ông ta đã cho các bạn một hệ thống chính trị được duy trì bởi sự tham nhũng, đàn áp và không đủ mạnh để chấp nhận sự bất đồng quan điểm.

Ông ta đã củng cố vị thế quốc tế nước Nga trên trường quốc tế như thế nào? Bằng cách liên minh với các nước độc tài chuyên chế và hiếu hiếu chiến nhất trên thế giới. Bằng cách ủng hộ chế độ Syria đã giết chết hàng chục ngàn người dân của mình để nắm giữ quyền lực và ngăn cản Liên Hiệp quốc lên án các hành động tàn bạo đó. Bằng cách từ chối xem việc tàn sát những người dân vô tội, hoàn cảnh khốn khổ của hàng triệu người tị nạn, viễn cảnh một tai họa lớn đang gia tăng đó nhấn chìm các nước khác trong những ngọn lửa, là chủ đề thích hợp để thế giới quan tâm. Ông ta không làm cho uy tín nước Nga tăng lên trên toàn cầu mà ông ta đã hủy hoại nó. Ông ta đã biến nước Nga thành bạn của những tên bạo chúa và là kẻ thù của các dân tộc bị áp bức và không tin tưởng, các dân tộc đang tìm cách xây dựng một thế giới an toàn hơn, hòa bình và thịnh vượng hơn.

Tổng thống Putin không tin vào những giá trị này vì ông ta không tin các bạn. Ông ta không tin rằng bản chất con người tự do có thể vượt qua những yếu điểm và xây dựng một xã hội công bằng, hòa bình và thịnh vượng. Hoặc ít nhất, ông ta không tin người Nga có thể làm được điều đó. Cho nên ông ta cai trị bằng cách sử dụng những điểm yếu đó, bằng sự thối nát, đàn áp và bạo lực. Ông ta cai trị [như thế] cho chính bản thân ông ta, không phải cho các bạn.

Tôi tin tưởng các bạn. Tôi tin vào khả năng tự quản của các bạn và khao khát có được công lý và cơ hội. Tôi tin vào sự vĩ đại của người dân Nga, đã chịu quá nhiều đau khổ và đã tranh đấu dũng cảm chống lại những nỗi bất hạnh khủng khiếp để cứu lấy đất nước mình. Tôi tin các bạn có quyền [xây dựng] một nước văn minh, xứng đáng với những ước mơ và sự hy sinh của các bạn. Khi tôi chỉ trích chính phủ của các bạn, không phải tôi chống người Nga. Tôi chỉ trích chính phủ Nga là vì tôi tin rằng các bạn đáng có được một chính phủ tin tưởng vào các bạn và đáp ứng nguyện vọng của các bạn. Tôi mong đến ngày các bạn có được một chính phủ như thế. 

Nguồn: Pravda

Thượng nghị sĩ Canada gốc Việt đầu tiên kêu gọi dấn thân chính trị

6 Th2

Thượng nghị sĩ Canada gốc Việt đầu tiên kêu gọi dấn thân chính trị

 
 
Ông Ngô Thanh Hải, người gốc Việt đầu tiên được bổ nhiệm vào Thượng viện Canada, mới đây đã lên tiếng kêu gọi các thanh niên người Việt tham gia chính trị dòng chính cũng như tiếp tục cuộc tranh đấu cho dân chủ của Việt Nam mà cha mẹ của họ đã thực hiện.Ông Hải cho rằng cộng đồng hải ngoại rời Việt Nam sau năm 1975 phải lo cho gia đình, con cái nên không có thời gian tham gia chính trường Canada, Mỹ, Âu châu hay Úc.

Nếu muốn cuộc tranh đấu của cộng đồng hải ngoại thì thế hệ trẻ phải tiếp nối điều đó, vì thế hệ thứ nhất đã xong rồi. Thế hệ thứ hai càng phải lãnh cái trách nhiệm đó để tiếp tục cuộc tranh đấu cho một nước Việt Nam tự do, dân chủ và quốc cường.
Ông Ngô Thanh Hải.

Ngoài ra, thượng nghị sĩ này cho rằng cha mẹ thế hệ thứ nhất ít khi thúc đẩy con cái mình tham gia vào chính trường của địa phương.

Trả lời VOA Việt Ngữ, ông Hải cho biết nhiệm vụ của thế hệ thứ nhất rời Việt Nam sau chiến tranh giờ đã hoàn thành, và giờ là lúc thế hệ trẻ gốc Việt ở hải ngoại nói chung và Canada nói riêng đứng lên tiếp nối cha anh mình.

Ông Hải cho biết:

“Tôi đi đâu gặp cộng đồng Việt Nam, tôi đều nêu lên vai trò tiếp nối của thế hệ thứ hai. Tôi thấy rằng thế hệ trẻ, thế hệ thứ hai, đều thấy rõ trách nhiệm của mình. Nếu muốn cuộc tranh đấu của cộng đồng hải ngoại thì thế hệ trẻ phải tiếp nối điều đó, vì thế hệ thứ nhất đã xong rồi. Thế hệ thứ hai càng phải lãnh cái trách nhiệm đó để tiếp tục cuộc tranh đấu cho một nước Việt Nam tự do, dân chủ và quốc cường.”

Ông Hải, 66 tuổi, được Thủ tướng Canada bổ nhiệm vào Thượng viện nước này hồi tháng 9 năm ngoái. Trước đó, ông là thẩm phán liên bang Canada.

Ông nói rằng việc ông có cơ hội làm việc trong Quốc hội Canada là một cơ hội để ông đền đáp lại đất nước đã chấp nhận ông làm công dân.

Theo Thượng nghị sĩ này, nếu muốn gây ảnh hưởng đến chính trường thì thế hệ trẻ phải tham gia chính trị dòng chính.

Ông nói với VOA Việt Ngữ:

“Thế hệ thứ hai, thế hệ trẻ cần phải làm là phải tích cực tham gia và sinh hoạt trong chính trị dòng chính của nơi mình cư ngụ để thấu hiểu rõ hơn và nắm vững vấn đề chính trị tại địa phương của mình. Thế hệ thứ hai phải tham gia vào một đảng phải chính trị nào đó mà chúng ta ưa thích. Những đảng nào thích hợp với mình thì mình nên gia nhập nó và mình nên sinh hoạt chung với các sắc dân ở địa phương. Nếu thích hợp hơn nữa thì bước sang một bước tiến nữa là ra tranh cử để có tiếng nói, ảnh hưởng rất mạnh trong chính phủ, trong hạ viện, trong thượng viện, để công cuộc đấu tranh dễ dàng hơn.”
 
Ngoài việc là người gốc Việt đầu tiên trở thành thượng nghị sĩ Canada, ông Hải là người gốc Á thứ hai làm việc tại cơ quan này.

Ông Hải từng là thuyền nhân và ông tới Canada tị nạn gần 40 năm trước.  

Hiện có khoảng 250.000 người gốc Việt ở Canada, và họ thuộc số những cộng đồng đông người Việt nhất trên thế giới bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.  

 

Ngô Thanh Hải : Thượng nghị sĩ gốc Việt đầu tiên ở Canada – RFI

9 Th9

Ngô Thanh Hải : Thượng nghị sĩ gốc Việt đầu tiên ở Canada

Thẩm phán Ngô Thanh Hải (DR)

Thẩm phán Ngô Thanh Hải (DR)
 

Thủ tướng Canada Stephen Harper hôm qua, 07/09/2012, đã loan báo quyết định bổ nhiệm 5 thượng nghị sĩ mới, trong đó có giáo sư, thẩm phán Ngô Thanh Hải. Đây là công dân Canada gốc Việt đầu tiên được bổ nhiệm vào Thượng viện nước này. Ông Ngô Thanh Hải sẽ là thượng nghị sĩ đại diện cho vùng Ottawa.

 

Giáo sư Ngô Thanh Hải nguyên là một thuyền nhân Việt Nam vượt biên và định cư ở Canada sau năm 1975. Trả lời phỏng vấn báo chí Ottawa hôm qua, ông Ngô Thanh Hải nói : « Đây là một cơ hội để tôi đền đáp những gì mà Canada đã ban cho tôi kể từ năm 1975, khi tôi đặt chân đến Canada. 

Canada là một trong những quốc gia đón nhận nhiều người tỵ nạn Việt Nam, phần lớn đến định cư ở nước này trong khoảng thời gian từ năm 1978 đến 1982 và rất nhiều người hiện sinh sống ở thủ đô Ottawa.

Thượng nghị sĩ Jim Webb: việc mở rộng quân sự và mở rộng chính quyền của Trung Quốc xuống biển Đông có thể “vi phạm luật pháp quốc tế” – BS

27 Th7

Jim Webb

Thượng nghị sĩ Jim Webb: việc mở rộng quân sự và mở rộng chính quyền của Trung Quốc xuống biển Đông có thể “vi phạm luật pháp quốc tế”

Kêu gọi Bộ Ngoại giao làm rõ tình hình

Người dịch: Dương Lệ Chi

25-07-2012

Washington, DC –Thượng nghị sĩ JimWebb, Chủ tịch Tiểu ban Đông Á và Thái Bình Dương, thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ, hôm nay nói rằng các hành động gần đây của Trung Quốc đơn phương khẳng định quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông (nguyên văn: biển Hoa Nam) có thể vi phạm luật pháp quốc tế. Ông đã kêu gọi Bộ Ngoại giao Mỹ làm rõ tình trạng này với Trung Quốc và báo cáo lại cho Quốc hội.

Thượng nghị sĩ Webb nói trong một bài phát biểu hôm nay ở Thượng viện: “Với các sự trỗi dậy của một phe nào đó ở Trung Quốc có liên quan tới quân đội, Trung Quốc ngày càng trở nên hiếu chiến hơn. Hôm 21 tháng 6, Quốc Vụ viện Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập cái mà họ gọi là Thành phố Tam Sa, một khu vực cấp quận. Điều này có nghĩa là [họ] đơn phương tạo ra một bộ phận chính phủ từ hư không (ND: không người ở, không đất đai, chỉ toàn là biển) ở một khu vực mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền. Thành phố mà họ tạo ra này sẽ quản lý hơn 200 đảo nhỏ, các bãi cát và các rạn san hô bao quanh 2 triệu km vuông nước trên biển. Họ đưa dân đến cư trú và đóng quân ở một hòn đảo để tranh giành chủ quyền, và họ thông báo rằng cơ quan quản lý này sẽ quản lý toàn bộ khu vực đó ở Biển Đông” .

Thượng nghị sĩ Webb là người tài trợ ban đầu cho một nghị quyết mà Thượng viện đã nhất trí thông qua hồi tháng 6 năm 2011, lên án việc Trung Quốc sử dụng vũ lực ở Biển Đông và kêu gọi giải quyết các tranh chấp lãnh hải ở Đông Nam Á một cách hòa bình và đa phương. Ông nói: “Trung Quốc đã từ chối giải quyết những vấn đề này ở một diễn đàn đa phương. Họ tuyên bố rằng những vấn đề này sẽ chỉ được giải quyết song phương, với từng nước một. Tại sao? Bởi vì họ có thể thống trị bất cứ nước nào trong khu vực này. Đây là một sự vi phạm, tôi nghĩ hoàn toàn có thể cho là vi phạm luật pháp quốc tế. Trái ngược với các tuyên bố của chính Trung Quốc về việc họ sẵn sàng làm việc với các nước ASEAN để cố gắng phát triển Bộ Quy tắc Ứng xử. Điều này thật là rắc rối. Tôi thúc giục Bộ Ngoại giao làm rõ tình trạng này với Trung Quốc, và cũng [nói rõ] với cơ quan [chính phủ] của chúng ta ngay lập tức“.

Thượng nghị sĩ Webb đã bày tỏ mối quan ngại về các vấn đề chủ quyền trong khu vực này hơn 16 năm qua. Phiên điều trần đầu tiên của ông khi làm chủ tịch giả định của Tiểu ban Đông Á và Thái Bình Dương, thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ là về các vấn đề tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải ở châu Á hồi tháng 7 năm 2009. Thượng nghị sĩ Webb đã làm việc và đi thăm khắp các khu vực Đông Á và Đông Nam Á trong hơn bốn thập kỷ qua – với tư cách là một sĩ quan Thủy quân Lục chiến, một nhà kế hoạch về phòng thủ, một nhà báo, một tiểu thuyết gia, một viên chức cao cấp trong Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Hải quân, và một nhà tư vấn kinh doanh.

Một bản sao bài phát biểu của Thượng nghị sĩ Webb ở Thượng viện như sau:

Trong nhiều năm, khá lâu trước khi tôi vào Thượng viện, tôi rất thích làm việc và đi đến khu vực Đông Á với nhiều vai trò khác nhau: là một người lính thủy quân lục chiến ở Okinawa và Việt Nam, là một nhà báo, là một viên chức chính phủ, là một người khách của các chính phủ khác nhau, là một nhà làm phim, và là một nhà tư vấn kinh doanh.            

Những gì chúng ta có thể làm trong 5-6 năm qua là để tái tập trung các mối quan tâm của nước ta đến khu vực quan trọng này của thế giới, tôi nghĩ đó là một trong những câu chuyện thành công tuyệt vời về chính sách đối ngoại của chúng ta. Đồng thời, chúng ta phải luôn luôn lưu tâm rằng sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Đông Á và Đông Nam Á là để bảo đảm sự ổn định trong khu vực này. Nếu quý vị nhìn vào bán đảo Triều Tiên, quý vị sẽ thấy rằng trong nhiều thế kỷ đã có một chu kỳ, nơi trung tâm quyền lực chuyển đổi giữa Nhật Bản, Nga, và Trung Quốc. Đây là nơi duy nhất trên thế giới mà lợi ích địa lý và quyền lực của ba quốc gia này chồng chéo nhau, và nó chồng chéo với bán đảo Triều Tiên ngay ở giữa. Chúng tôi thấy hồi giữa thế kỷ trước, những gì đã xảy ra khi Nhật Bản trở nên quá hiếu chiến ở khu vực này của thế giới. Nhật đã đánh với Nga hồi đầu thập niên 1900. Nhật đã đánh bại họ (Nga). Điều này xảy ra khi họ di chuyển tới Triều Tiên, chiếm đóng Triều Tiên, và chuyển tới Trung Quốc. Điều này cuối cùng dẫn đến sự tham gia của chúng ta trong Đệ Nhị Thế chiến, và kể từ Đệ Nhị Thế chiến, sự hiện diện của chúng ta là để bảo đảm sự ổn định. Chúng ta đã nhìn thấy sự đối đầu – cuộc chiến Triều Tiên, nơi mà chúng ta đã chiến đấu với Trung Quốc, thêm vào là Bắc Triều Tiên, và cuộc chiến Việt Nam, mà tôi đã chiến đấu ở đó.

Nhưng nói chung, các nhà quan sát khu vực này lâu dài – những người như Bộ trưởng Cố vấn Lý Quang Diệu của Singapore – sẽ nói rằng, sự hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực này cho phép các hệ thống kinh tế phát triển và hệ thống chính phủ hiện đại hóa. Chúng ta là nước bảo đảm sự ổn định tuyệt vời. Khó khăn mà chúng ta đã và đang đối mặt trong 10-12 năm qua là làm thế nào đối phó với sự tăng trưởng kinh tế và quốc tế của Trung Quốc trong khu vực này. Trước khi Trung Quốc mở rộng, chúng ta đã nhìn thấy sự xuất hiện trở lại của Liên Xô. Khi tôi còn ở Lầu Năm Góc hồi thập niên 1980, đã nhận ra rằng Nga mơ ước có cảng nước ấm ở Thái Bình Dương. Hàng ngày, họ có khoảng 20-25 tàu ở Vịnh Cam Ranh, Việt Nam, là kết quả cuối cùng của chiến tranh Việt Nam. Nhưng trong 10-12 năm qua, thách thức đối với chúng ta là phát triển loại quan hệ thích hợp với Trung Quốc để chúng ta có thể thừa nhận sự phát triển của họ như là một quốc gia, nhưng duy trì sự ổn định thì rất quan trọng trong khu vực này của trên thế giới.

Có nhiều điều phiền toái trong những năm gần đây. Đã có một số vấn đề ở biển Đông mà trong một thời gian dài, các nhà lãnh đạo quân sự của chúng ta đơn giản cho là những tham gia về chiến thuật – nơi các tàu hải quân Trung Quốc và các tàu đánh cá tham gia vào các cuộc tranh cãi vặt với Philippines ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam và ở quần đảo Senkaku, gần Nhật Bản – nhưng càng ngày càng trở nên rõ ràng hơn về những gì mà chúng ta đang thấy là các vấn đề chủ quyền. Người dân đã nói nhiều năm về việc giải quyết vấn đề chủ quyền ở Đài Loan, nhưng rõ ràng rằng – Tôi đã nói về điều này nhiều năm rồi – có những vấn đề về chủ quyền khác. Một khi vấn đề Đài Loan được giải quyết, có quần đảo Senkaku, mà cả hai nước Nhật và Trung Quốc đều đòi chủ quyền, quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc và Việt Nam đòi chủ quyền, quần đảo Trường Sa có năm nước khác nhau tuyên bố chủ quyền, gồm có Trung Quốc và Philippines. Cho nên chúng ta bắt đầu nhìn thấy một sự trỗi dậy của các sự cố đã trở thành đối đầu quân sự trong vài năm qua. Ngoại trưởng của chúng ta đã thấy rất rõ hai năm trước, hầu như đến ngày mà những tình huống không chỉ đơn giản là những chuyện của châu Á, mà là lợi ích quan trọng của Hoa Kỳ để giải quyết một cách hòa bình và đa phương.

Chúng ta đã tranh đấu ở Ủy ban Đối ngoại để cố gắng thông qua Hiệp ước Luật Biển (ND: Công ước LHQ về Luật Biển) để giải quyết các loại sự cố này, điều mà không chỉ là các sự cố an ninh, mà chúng còn liên quan đến khả năng về một số lượng lớn tài sản ở khu vực này của thế giới. Chúng ta đã gặp nhiều khó khăn để thông qua Hiệp ước Luật Biển, nơi mà hầu hết các nước trên thế giới công nhận các nguyên tắc cơ bản về việc làm thế nào để giải quyết những vấn đề quốc tế này thông qua sự tham gia đa phương. Thiếu vắng Hiệp ước Luật Biển – và tôi nghĩ rằng với sự trỗi dậy của một phe nhóm nhất định nào đó của Trung Quốc liên kết với quân đội của họ – Trung Quốc ngày càng trở nên hiếu chiến hơn. Tháng vừa qua rất là phiền toái. Hôm 21 tháng 6, Quốc Vụ viện Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập cái mà họ gọi là Thành phố Tam Sa, một khu vực cấp quận. Điều này có nghĩa là [họ] đơn phương tạo ra một cơ quan Chính phủ từ hư không [ND: không người ở, không đất đai…] ở một khu vực mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.

Hôm thứ sáu ngày 13 tháng 7, do bất đồng trong việc nhận diện tình hình Biển Đông như thế nào, Hiệp hội Các nước Đông Nam Á (ASEAN), một tổ chức gồm 10 quốc gia đã rất sẵn sàng trong việc cố gắng giải quyết các vấn đề này, đã thất bại trong việc ra thông cáo về một giải pháp đa phương cho các vấn đề ở Biển Đông.

Ngày 22 tháng 7, Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã công bố việc triển khai một đơn vị đồn trú của các binh sĩ tới các đảo trong khu vực này. Lệnh đồn trú có khả năng sẽ được đặt ở quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Ngày 23 tháng 7, Trung Quốc chính thức bắt đầu thực hiện quyết định này. Họ thông báo rằng 45 nhà lập pháp hiện cai quản khoảng một ngàn người đang chiếm đóng các đảo này. Họ đã bầu một thị trưởng và một phó thị trưởng. Họ đã công bố 15 ủy viên Ban Thường vụ sẽ điều hành quận này. Họ thông báo rằng, thành phố mà họ đang tạo ra sẽ quản lý hơn 200 đảo nhỏ, các bãi cát, và các rạn san hô bao quanh 2 triệu km vuông nước trên biển. Họ đưa dân đến cư trú và đóng quân ở một hòn đảo để tranh giành chủ quyền, và họ thông báo rằng cơ quan quản lý này sẽ quản lý toàn bộ khu vực đó ở Biển Đông.

Trung Quốc đã từ chối giải quyết những vấn đề này ở một diễn đàn đa phương. Họ tuyên bố rằng những vấn đề này sẽ chỉ được giải quyết song phương, với từng nước một. Tại sao? Bởi vì họ có thể thống trị bất cứ nước nào trong khu vực này. Đây là một sự vi phạm, tôi nghĩ hoàn toàn có thể cho là vi phạm luật pháp quốc tế. Trái ngược với các tuyên bố của chính Trung Quốc về việc họ sẵn sàng làm việc với các nước ASEAN để cố gắng phát triển Bộ Quy tắc Ứng xử. Điều này rất là rắc rối. Tôi đề nghị Bộ Ngoại giao làm rõ tình trạng này với Trung Quốc, và cũng [nói rõ] với cơ quan [chính phủ] của chúng ta ngay lập tức” .

Nguồn: Jim Webb

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012