Lưu trữ | 11:54 Chiều

BIỂU TÌNH – VIẾT TRƯỚC CƠN GIÔNG – BS

1 Th6

Posted by adminbasam on June 1st, 2013

Mai Xuân Dũng

01-6-2013

Mấy ngày qua, một vài trang mạng xã hội như Facebook, vài blog ẩn danh đã lên tiếng kêu gọi người dân Việt Nam ở Hà Nội và TP/HCM xuống đường biểu tình chống Trung Quốc vào ngày Chủ Nhật này và được các trang mạng khác đăng lại.

H1

Mục đích của cuộc biểu tình được nêu ra là để “phản đối Trung Quốc gây hấn và xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên biển Đông”. Kể từ mùa hè 2011, dư luận đã quen với những hoạt động như vậy. Đặc biệt, chủ đề “Biểu tình” trở nên rất nóng, thu hút nhiều sự chú ý của quốc tế khi những người biểu tình bị chính quyền, công an nhìn nhận như những cuộc “gây rối” và đã có những hành động bắt bớ, trấn áp mạnh mẽ. Những việc đó thực tế đã làm quan hệ của nhân dân và nhà cầm quyền vốn đã có mâu thuẫn sâu sắc nay càng trở nên tồi tệ hơn. 

Chắc chắn về phía nhà nước đã có nhiều cuộc họp bàn để đưa ra những giải pháp cho vấn đề này. Tuy nhiên, như đã thấy, có vẻ những quyết định trên thượng tầng tỏ ra thiếu sáng suốt hoặc bị chi phối bởi những “sức mạnh ý thức hệ” từ bên ngoài. Theo dư luận là để làm vừa lòng ông bạn khổng lồ Trung Hoa để đổi lại sự “che chở”cho chế độ hoặc hứa hẹn hậu thuẫn những vị trí then chốt trong bộ máy lãnh đạo đảng cộng sản.

Sự chỉ đạo từ cấp trên theo đường hướng đó dẫn đến biện pháp khống chế các cuộc biểu tình ôn hòa của chính quyền tại hai thành phố là khá thô bạo.

Thực tế cho thấy các cuộc biểu tình nói trên được lực lượng công an “quan tâm đặc biệt”. Chính quyền hai thành phố Hà nội và Sài Gòn tích cực ngăn chặn từ khi diễn tiến biểu tình chuẩn bị xảy ra và bao vây giải tán khi những người biểu tình tập trung xuống đường tuần hành. Việc “dọn dẹp” này thường được nhà nước giải thích là để “ngăn chặn các vụ gây rối trật tự công cộng”. Những người tích cực tham gia bị công an bắt tại chỗ đưa đi giam giữ tại trại Lộc Hà,nơi từng được biết đến là trại cải tạo dành cho những người dính đến các tệ nạn xã hội-một hàm ý nhục mạ họ.

Để giải thích cho những hành động bất khoan dung và trái hiến pháp của cơ quan công quyền, truyền thông nhà nước đưa ra một số lý do biện hộ thiếu thuyết phục theo kiểu cách nói trên. Điều đó làm tình hình chính trị phức tạp thêm, mâu thuẫn giữa chính quyền và phía người biểu tình lớn hơn, sự bất bình trong dư luận dân chúng lan rộng nhiều thêm.

Một que diêm có thể thổi bùng lên thành các đám cháy lớn. Sự cảnh giác đối phó của nhà nước là dễ hiểu. Phía lãnh đạo đảng cộng sản nhận thức rõ về các nguy cơ bất ổn xã hội có thể dẫn đến sự chuyển biến xã hội, thúc đẩy, làm tan rã thể chế một cách khó lường như tại các nước đông Âu, Bắc Phi, Ả rập trong thập niên qua. Nhưng chính cách thức ứng xử thô bạo với các cuộc biểu tình tuần hành của phía nhà cầm quyền luôn là nguyên nhân chính tạo ra cú hích quyết định đối với sự bùng phát bất ổn, bạo loạn.

Việc kiểm soát các cuộc biểu tình ở bất cứ quốc gia nào để duy trì,vãn hồi trật tự là điều cần thiết. Ở Mỹ, Anh, Thụy điển…là những nước có truyền thống tự do dân chủ, tôn trọng quyền tự do cá nhân nhưng cảnh sát vẫn có thể ra tay “dọn dẹp” bằng vòi rồng, thậm chí hơi cay. Chuyện bắt giữ còng tay các công dân quá khích vẫn xảy ra. Dĩ nhiên,những việc đó là cần thiết khi các phần tử cực đoan lợi dụng việc biểu tình để đập phá các cửa hàng,đốt cháy ô tô, gây náo loạn trật tự xã hội. Ở các nước đó, hành động của cảnh sát trong những vụ việc như vậy thường được dư luận dân chúng và công luận nhìn nhận là cần thiết. Nhưng rõ ràng, không thể so sánh bản chất và diễn tiến của các cuộc biểu tình chống Trung quốc bành trướng ở các thành phố tại Việt nam với các cuộc biểu tình phản đối chính phủ trong chính sách an sinh xã hội hoặc chính sách đối ngoại…của những chính phủ như bên Anh quốc, Mỹ… Mặt khác, những người tham gia các cuộc biểu tình ở Hà nội,Sài gòn biểu thị sự phản kháng trước các hành động xâm lược, gây hấn hiển nhiên của nhà cầm quyền Bắc kinh là những trí thức có tên tuổi mà sự cống hiến của họ cho đất nước,cho chính thể chế này là điều không thể phủ nhận. Họ là những công dân thực sự tử tế,lương thiện. Chính phủ cũng thừa biết chẳng có “thế lực thù địch” nào lôi kéo họ xuống đường chống nhà nước.

Chính phủ cũng biết rõ họ chẳng hề “gây rối trật tự công cộng”. Họ cũng chẳng hề có ý định “lật đổ chính quyền” như sự giải thích, tuyên truyền của các cơ quan truyền thông mà sự tồn tại là bởi ngân sách chính phủ. Dù rằng mong muốn thay đổi một thể chế xã hội bất công, đầy rẫy những “con sâu” đục khoét đất nước, làm băng hoại các giá trị đạo đức như hiện nay là có thật. Nhưng điều đó không thể kết tội họ, không thể chụp lên đầu những người biểu tình cái mũ “phản động” được. Chủ trương đàn áp cùng lối hành xử thô bạo, kém văn hóa của những người thực thi pháp luật và truyền thông “bú sữa” quen vu vạ chỉ làm cho những người biểu tình ôn hòa và dư luận xã hội nghiêng về quan điểm cho rằng một bộ phận chủ chốt trong đảng cộng sản đã thi hành một chính sách “phản động” thờ phụng ngoại bang đi ngược lại tiến trình dân chủ đất nước.

Sự mâu thuẫn giữa nhân dân và nhà cầm quyền là rõ ràng. Sự chán ghét, bất mãn trước thực trạn tham nhũng lan tràn ở các cấp cao trong đảng cộng sản là hiển nhiên. Sự mất niềm tin trước cung cách điều hành chính sách vĩ mô của nhân dân là điều có thật. Các nhà lãnh đạo đảng cũng đã thấy rõ và tỏ ra lúng túng trong sự đối phó với vấn đề biểu tình. Mâu thuẫn nội bộ trong cách giải quyết vấn đề biểu tình cũng đã phát sinh và còn phát triển. Những biểu hiện cứng rắn khi đối phó với các cuộc biểu tình ôn hòa nói lên thái độ của chính quyền với “vấn đề Trung quốc” là nhịn nhục đến cùng, đối với người biểu tình là cứng rắn đến cùng để đảm bảo “an toàn chế độ”. Có lẽ đó là lối tư duy vị đảng bất vị dân tộc của những người lãnh đạo tầm vĩ mô nhưng quá bảo thủ, vị kỷ.

Sự bảo thủ, vị kỷ của đảng lại một lần nữa bộc lộ khi mới đây tại Quốc hội, những tranh luận về việc có hay không, nên “sớm đưa vào nghị trình luật biểu tình”. Ủy ban thường vụ Quốc hội tỏ ra quyết tâm trì hoãn bằng được việc đòi hỏi phải sớm đưa ra dự thảo luật biểu tình.

Trả lời phóng viên Tuần Việt nam Net: “Vừa qua khi thảo luận tổ về dự thảo Hiến pháp sửa đổi, có một số đại biểu cho rằng nếu vẫn chưa soạn các dự án luật như Luật Biểu tình, Luật trưng cầu dân ý thì Hiến pháp dù có thông qua vẫn chỉ là một bản Hiến pháp treo?” ĐBQH TP Hồ Chí Minh, luật sư Trương Trọng Nghĩa, người vừa “đăng ký” nhận soạn Luật Biểu tình cho Quốc hội chia sẻ:

“Theo tinh thần Hiến pháp hiện hành thì Quốc hội còn đang nợ nhân dân những luật rất cấp thiết như Luật biểu tình, Luật trưng cầu dân ý mà món nợ về Luật biểu tình là món nợ ít nhất là từ năm 1959 cho đến nay.

Vào tháng 9/1945 Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 31 ngày 13/9 yêu cầu giữ quyền biểu tình của người dân, hồi đó gọi là quyền tự do hội họp. Chỉ yêu cầu báo trước 24 tiếng đồng hồ.

Bây giờ cơ quan chức năng phải trả lời là sắc lệnh này của Hồ Chí Minh có bị hủy bỏ chưa. Điều đáng nói là trong bối cảnh chính quyền còn non trẻ, thù trong giặc ngoài, dân trí còn thấp mà Hồ Chủ tịch không hủy bỏ quyền đó. Vậy không có lý do gì mà thời điểm ngày nay lại không tiếp tục thể chế hóa quyền đó của người dân.Hơn nữa, chính Thủ tướng cũng đã đề nghị ban hành luật này từ kỳ họp trước.”

Ấn tượng nhất có lẽ là đề xuất đưa Luật Biểu tình vào chương trình năm sau của đại biểu quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Ông Chung hiện là Giám đốc công an Hà Nội. Và Hà Nội là một trong hai thành phố từng có nhiều cuộc biểu tình tự phát chống bành trướng Trung quốc. Tại sao phải trì hoãn đưa ra thảo luận và xây dựng luật biểu tình?

 

Cũng có dư luận đây đó từ cấp lãnh đạo đảng là “biểu tình chống Trung quốc chỉ là cái cớ mà thực chất là chống chế độ” hoặc “biểu tình là theo lệnh của các thế lực thù địch từ bên ngoài”.

Chuyện biểu tình là hoạt động xã hội bình thường ở tất cả các quốc gia trên thế giới từ rất lâu và là một trong những quyền hợp pháp của công dân. Ở Việt nam, quyền biểu tình được ghi trong Hiến pháp tại điều 69. Hiến pháp năm 1946 chỉ qui định công dân Việt Nam có quyền tự do tổ chức và hội họp. Nhưng từ Hiến pháp 1959, 1980 và 1992 đều qui định công dân Việt Nam có quyền biểu tình.

Tất nhiên bất cứ các cuộc tập hợp có nhiều người tham gia đều chứa đựng những yếu tố có thể dẫn tới bạo lực. Bạo lực có thể nổ ra khi căng thẳng lên cao hoặc do cảnh sát hay quân đội đàn áp. Nhưng một thể chế tốt sẽ chỉ tốt hơn lên sau các cuộc biểu tình. Và một thể chế tồi nếu biết nhìn nhận về biểu tình bằng con mắt khoa học và ít vong bản sẽ trở nên lành mạnh hơn.

Biểu tình thực chất là biểu hiện của một cơ thể xã hội lành mạnh. Biểu tình giúp chính phủ nhìn ra những khyếm khuyết tất yếu trong quá trình điều hành vĩ mô. Giải quyết vấn đề biểu tình như thế nào luôn là thứ “nhiệt kế” đo sự hiểu biết xã hội, trình độ quản lý nhà nước và khẳng định bản chất tiến bộ hoặc phản động của những người cầm quyền.

Nguồn: Mai Xuân Dũng

Mời xem lại: Công an xã Đông Thạnh mời Phạm Lê Vương Các làm việc ngày mai để không đi biểu tình? (FB Cùi Các). – Ngụy biện chồng lên ngụy biện (Đoan Trang)

 

Nguyên Trưởng Ban Tổ chức TƯ Hồ Đức Việt từ trần – Vnn

1 Th6

Nguyên Trưởng Ban Tổ chức TƯ Hồ Đức Việt từ trần

Do lâm bệnh nặng, ông Hồ Đức Việt, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Tổ chức TƯ, đã từ trần hôm qua (31/5) tại bệnh viện TƯ Quân đội 108, Hà Nội.

Hồ Đức Việt
Ông Hồ Đức Việt.

Ban chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tổ chức Trung ương báo tin: Do lâm bệnh nặng, ông Hồ Đức Việt đã từ trần hồi 17h15, ngày 31/5 tại bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội.

Ông Hồ Đức Việt sinh năm 1947, quê quán xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ông là ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng các khóa VII, VIII, IX, X, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng khóa X; đại biểu Quốc hội các khóa IX, X, XI, XII; Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Lao động hạng nhất; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Trên 45 năm hoạt động cách mạng, ông đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Để tỏ lòng tưởng nhớ ông Hồ Đức Việt, Ban chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ ông Hồ Đức Việt theo nghi thức lễ tang cấp nhà nước. Ban lễ tang gồm 20 thành viên, đứng đầu là Thường trực Ban Bí thư Hồng Anh.

Linh cữu ông Hồ Đức Việt quàn tại nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Lễ viếng được tổ chức từ 7h30 ngày 3/6. Lễ truy điệu lúc 15h cùng ngày, tại nhà tang lễ quốc gia. Lễ an táng sẽ diễn ra sau đó tại nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.

Tóm tắt tiểu sử ông Hồ Đức Việt

Ông Hồ Đức Việt sinh năm 1947; quê quán xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An; vào Đảng ngày 19/10/1967; thường trú tại khu 1C-106 Đặng Thai Mai, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Từ năm 1965 đến năm 1974, ông học đại học, nghiên cứu khoa học và bảo vệ luận án phó tiến sĩ Toán-Lý tại Tiệp Khắc, bí thư chi bộ, phó bí thư Thành đoàn lưu học sinh ở Praha.

Từ năm 1975 đến năm 1980: Cán bộ giảng dạy khoa Toán-Cơ, sau đó là phó chủ nhiệm khoa Toán-Cơ, bí thư liên chi đoàn, phó bí thư Đoàn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Từ năm 1980 đến năm 1981: Phó bí thư Thành Đoàn Hà Nội; từ năm 1981 đến năm 1982: Thực tập khoa học tại Pháp, Trưởng đoàn lưu học sinh vùng Paris. Năm 1983 đến năm 1984: Phó bí thư thường trực Thành đoàn Hà Nội, Bí thư Đảng ủy cơ quan, ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn khóa IV.

Từ năm 1985 đến năm 1992: Ông làm Trưởng ban Trường học Trung ương Đoàn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn khóa V, ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Khối cơ quan Dân vận Trung ương.

Từ tháng 10/1992 đến tháng 6/1996: Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đoàn khóa VI; Đại biểu Quốc hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa IX; Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam; Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam.

Tại hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (tháng 1/1994), ông Việt được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Tại Đại hội toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (tháng 6/1996), ông tiếp tục được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng; từ tháng 7/1996 được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh; từ tháng 8/1998, làm Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng; đến tháng 10/1999 làm Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên.

Tại Đại hội toàn quốc lần thứ lần thứ IX của Đảng (tháng 4/2001), ông tiếp tục được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng; từ tháng 7/2002 là ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa XI.

Tại Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng (tháng 4/2006), ông tiếp tục được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương bầu làm ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; từ tháng 5/2006 ông Hồ Đức Việt được phân công làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Ông là đại biểu Quốc hội các khóa IX, X, XI, XII.

Từ ngày 1/10/2011, ông nghỉ hưu theo chế độ.

Theo TTXVN, Cổng TTĐT Chính phủ, VOV

Shangri-la và căng thẳng Biển Đông – BBC

1 Th6

Shangri-la và căng thẳng Biển Đông

Ngô Ngọc Văn

BBC Tiếng Hoa

 

Biển ĐôngBiển Đông vẫn căng thẳng vào thời điểm họp Shangri-La 2013

Đối thoại Shangri-la, hội nghị hàng năm về an ninh châu Á, khai mạc vào ngày thứ Sáu tại Singapore.

Được đặt theo tên của khách sạn nơi tổ chức hội nghị, cuộc họp lần thứ 12 sẽ quy tụ 350 đại biểu đến từ 31 quốc gia và các tổ chức, với sự tham gia của nhiều nhân vật cấp cao trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Chuck Hagel, và người đứng đầu chính sách ngoại giao của EU bà Catherine Ashton.

 

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng có bài phát biểu như diễn giả chính trong buổi lễ khai mạc.

Hội nghị thượng đỉnh năm nay diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tiếp diễn trong vùng Biển Đông, với các chính phủ Philippines và Đài Loan bất hòa do một ngư phủ Đài Loan bị các lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines hạ sát, và trong lúc có bế tắc về tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines xung quanh một rặng san hô ở xa.

Căng thẳng Biển Đông

Ba tàu Trung Quốc đã được điều đến chỉ trong vòng 5 hải lý cách Bãi Ayungin (Bãi cỏ mây), nơi có khoảng một chục lính thủy quân lục chiến Philippines đang đóng quân trên một con tàu cũ mà Manila bị mắc cạn vào năm 1999.

Các quan chức Philippines cáo buộc Trung Quốc cố gắng ngăn chặn các nguồn tiếp liệu và lương thảo cho những người lính, và đang yêu cầu Trung Quốc rút ra. Trung Quốc, về phần mình, khẳng định rằng Bãi Ayungin là một phần của quần đảo Trường Sa, trong đó Trung Quốc tuyên bố “chủ quyền không thể tranh cãi”, và do đó các tàu Trung Quốc có quyền thực hiện các cuộc tuần tra trong vùng biển này.

“Nếu Trung Quốc cảm thấy rằng Hoa Kỳ đang nhắm mục tiêu vào Trung Quốc tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, điều này sẽ dẫn đến khả năng bất chắc và thiếu ổn định trong quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc, sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực.”

Yang Fang

Điều này đánh dấu sự kiện mới nhất trong một loạt các cuộc đối đầu từ năm 2009, theo quan sát của Yang Fang, nhà nghiên cứu có liên kết với Trung tâm Nghiên cứu châu Á và Toàn cầu, thuộc Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore:

“Những sự việc này xảy ra khá thường xuyên trong những năm gần đây, các nước liên quan cố gắng phát triển tài nguyên biển và đánh bắt cá, trong khi gửi tàu để bảo vệ các hoạt động như vậy, dẫn đến va chạm, chẳng hạn như một cuộc va chạm xung quanh bãi cạn Scarborough vào năm 2012 giữa Trung Quốc và Philippines. “

“Tất cả các bên phải thể hiện sự kiềm chế, bằng không xung đột nghiêm trọng có thể xảy ra như một hệ quả, trong đó sẽ có ảnh hưởng đến sự an toàn của tuyến đường hàng hải cũng như hòa bình và ổn định của toàn khu vực,” Yang Fang nói với BBC.

Tác động tiêu cực tiềm tàng của các bế tắc hiện nay giữa Trung Quốc và Philippines cũng được Christian Le Miere ghi nhận.

Ông là nghiên cứu viên cao cấp về Hải quân và An ninh Hàng hải, thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), chủ nhà của Đối thoại Shangri-La.

Viết trên blog của trang mạng Đối thoại Shangri-La, Le Miere cảnh báo rằng “giai đoạn này phản ánh thực tế rằng Biển Đông vẫn là một khu vực không ổn định với các phát triển nhanh chóng về cạnh tranh quân sự, nhưng nó cũng nhấn mạnh cách thức nào mà Biển Đông có thể được sử dụng như một lối thoát cho các tranh chấp quốc gia khác.”

Ngoại giao bằng tàu chiến, theo Le Miere, cũng dễ dàng đưa tới các biện pháp quân sự khi nó linh động, và diễn ra trong không gian quốc tế. Thực tế việc Biển Đông có thể được sử dụng theo cung cách như vậy sẽ chỉ làm tăng những lo ngại về cuộc xung đột.

Quan hệ Trung – Mỹ

Lãnh đạo Trung Quốc và Hoa KỳTác giả cho rằng chuyến thăm Mỹ tuần tới của ông Tập Cận Bình sẽ có ý nghĩa quan trọng hơn bên cạnh Shangri-La

Mặc dù Hội nghị An ninh diễn ra ba ngày tại Singapore có thể không giải quyết trực tiếp các vấn đề hiện tại, thì có những phiên họp liên quan tới mối căng thẳng trong khu vực Biển Đông, chẳng hạn như phiên họp có chủ đề “Ngoại giao Quốc phòng và ngăn ngừa xung đột”.

Trung Quốc không cử đại biểu cấp cao đến Thượng đỉnh cho mãi đến năm 2007, và hồi năm 2011, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã đụng độ với Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ khi đó, ông Robert Gates về vấn đề Biển Đông, dẫn đến việc Trung Quốc gửi một Đoàn đại biểu cấp rất thấp tham dự Diễn đàn vào năm sau.

Năm nay, Trung Quốc sẽ được đại diện bởi ông Thích Kiến Quốc, phó Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, và ông Thích sẽ nói về xu hướng mới trong an ninh ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel sẽ nói về phương pháp tiếp cận của Hoa Kỳ trong an ninh khu vực.

Yang Fang từ Đại học Quốc gia Singapore nói với BBC rằng đây sẽ là một cơ hội tốt cho Hoa Kỳ để họ làm rõ ý đồ chiến lược của mình trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt liên quan đến Trung Quốc.

“Nếu Trung Quốc cảm thấy rằng Hoa Kỳ đang nhắm mục tiêu vào Trung Quốc tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, điều này sẽ dẫn đến khả năng bất chắc và thiếu ổn định trong quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc, sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực.”

Xây dựng lòng tin sẽ càng trở nên quan trọng hơn, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Hoa Kỳ Obama vào tuần tới trong một hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày ở California.

Hãy bảo vệ ngư dân! – NLĐ

1 Th6

Hãy bảo vệ ngư dân!

Thứ Bảy, 01/06/2013 00:10

Những vụ tàu cá của ngư dân Việt đánh bắt hợp pháp trên vùng biển chủ quyền của Tổ quốc bị phía Trung Quốc rượt đuổi, bắn cháy cabin hoặc bủa vây, đâm vào mạn tàu trong thời gian gần đây cho thấy ngư dân của chúng ta đang chống chọi rất vất vả với hiểm nguy từ khơi xa.

Ngay sau khi đơn phương công bố lệnh cấm đánh bắt cá tại biển Đông trong mùa đánh bắt cá năm nay, Trung Quốc xua hơn 30 tàu cá lớn, có cả tàu hải giám thậm chí khu trục đi kèm, tiến về phía Nam; tổ chức tập trận hải quân nhằm gửi thông điệp đe dọa các nước có tranh chấp chủ quyền và khoe sức mạnh với các cường quốc khác. Tất cả chỉ nhằm phục vụ cho mưu đồ độc chiếm biển Đông của Trung Quốc.

Việt Nam luôn chủ trương giải quyết tranh chấp bằng giải pháp hòa bình, đối thoại trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982. Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý để khẳng định chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam cũng đã kiên trì thực hiện các biện pháp ngoại giao cần thiết khi có tranh chấp trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế.

Thế nhưng, Trung Quốc thì ngược lại. Họ chẳng đưa ra được chứng cứ lịch sử và pháp lý nào làm cơ sở cho tuyên bố chủ quyền phần lớn biển Đông thể hiện qua “đường lưỡi bò” quanh co, quái đản; phớt lờ tuyên bố ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC); né tránh đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử biển Đông (COC) và bất chấp Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982. Đáng chú ý là từ khi Việt Nam thông qua Luật Biển năm 2012, các va chạm trên biển với phía Trung Quốc ngày càng nhiều, nghiêm trọng và thái độ của phía Trung Quốc cũng ngày càng ngang ngược.

Vấn đề lúc này là làm sao bên cạnh các biện pháp ngoại giao, cơ quan chức năng của ta cần bảo vệ được ngư dân ngay trên vùng biển Tổ quốc. Đó là mấu chốt của tinh thần bảo vệ chủ quyền.

Chúng ta có Luật Biển, có các lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Đòi hỏi lúc này là phải hành động bản lĩnh mới giữ được chủ quyền, mới tạo niềm tin đối với hàng triệu ngư dân quyết chí ra khơi bám biển, giữ gìn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Để làm được điều đó, chính phủ cần tiếp tục đầu tư hỗ trợ vốn cho ngư dân đóng tàu thuyền công suất cao, hình thành các đội tàu lớn, xây dựng các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá ở các đảo và quần đảo. Mặt khác, cần phát huy tối đa hiệu quả truyền thông ra thế giới để tranh thủ sự ủng hộ quốc tế.

Mềm rắn nắn buông, cần phải biết cái gót Achilles của đối phương. Nếu bảo vệ được ngư dân trên thực địa, có nghĩa là chúng ta khẳng định bằng hành động việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền lãnh hải, toàn bộ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Cao Tuấn

Tham luận của Đại biểu Trương Trọng Nghĩa trước Quốc hội – BS

1 Th6

Tham luận của Đại biểu Trương Trọng Nghĩa trước Quốc hội

 

Đôi lời: Tối qua báo Tuổi trẻ đăng bài tham luận trước Quốc hội của Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, nhan đề ”Lo lắng kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào Trung Quốc“. Tuy nhiên, so với bản gốc mà ông gửi cho các báo, bản trên Tuổi trẻ có thiếu vài đoạn.

Do đó, chúng tôi xin đăng toàn văn bài tham luận này. Toàn bộ phần chữ có màu xanh là nguyên văn bản tham luận, riêng phần màu xanh dương ở đầu không có trên Tuổi trẻ. Phần chữ có màu đen là Tuổi trẻ thêm vào so với bản mà chúng tôi có được.

Tuổi trẻ

30/05/2013 21:12 (GMT + 7)

Lo lắng nhiều lĩnh vực của nền kinh tế đã và đang phụ thuộc vào Trung Quốc, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) đã có bài tham luận đăng ký phát biểu tại hội trường Quốc hội ngày 30-5.

 

1

Do không đủ thời gian, ông đã gửi tham luận đến Ban thư ký kỳ họp. TTO xin gửi đến bạn đọc bản tham luận này.

 Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho biết:

Kính thưa Quốc hội, kính thưa chủ tọa đoàn,

Tôi xin góp một số ý kiến như sau.

Các đại biểu QH, trong đó có tôi, với tinh thần chia sẻ khó khăn với Chính phủ, đã đem hết tâm huyết và trách nhiệm  để phân tích tình hình và đề ra giải pháp phát triển KT-XH cho năm 2013. Điểm nổi bật  là, tuy thừa nhận những nỗ lực và thành tựu của Chính phủ trong 2012 và 4 tháng đầu 2013, khá nhiều đại biểu cho rằng Báo cáo của Chính phủ không phản ánh đầy đủ và xác thực tình hình khó khăn, yếu kém, cả về những con số lẫn đánh giá, nhận định. Mặt khác, 8 giải pháp của Chính phủ nặng về liệt kê các đầu việc, các yêu cầu và mục tiêu phán đấu, không ít nội dung chỉ mới là những khẩu hiệu. Ban Thư ký đã có bản tổng hợp rất đầy đủ những ý kiến của đại biểu, rất mong Thủ tướng và các thành viên Chính phủ nghiên cứu kỹ các thông tin đó để vận dụng trong trọng trách của mình nhằm làm chuyển biến tình hình.

Tôi xin phép tập trung vào một điểm ít được nêu lên. Nhiều cử tri, doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế đã hết sức lo lắng về việc nhiều lĩnh vực của nền kinh tế nước ta đã và đang phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc với tốc độ, qui mô và tính chất đáng báo động.

Về đầu tư xây dựng, nhà thầu Trung Quốc đã thắng thầu nhiều (thậm chí phần lớn) dự án lớn, chủ yếu dựa vào tiêu chí giá rẻ, và những cam kết “muốn gì có nấy”, về sau mới thấy công nghệ, nhân lực và cả nguồn vốn của họ đều không đạt yêu cầu.

Thương lái TQ xâm nhập sâu vào các vùng miền nước ta, chi phối thị trường bằng các thủ thuật giá, thu mua với giá rẻ những mặt hàng để lại tác hại nhiều mặt cho chúng ta (như vụ mua cây trâm cổ ở Quảng Ngãi). Có những thứ không biết họ mua để làm gì. Nông sản, thực phẩm  và hàng công nghiệp TQ giá rẻ tràn ngập nước ta mà không bị kiểm soát về chất lượng và vệ sinh, an toàn, thậm chí có những mặt hàng dán mác VN. Có trường hợp dán cờ TQ lên hàng hóa bày bán trong siêu thị Việt Nam, mà chẳng dán cờ của nước nào khác, kể cả cờ VN. Hình cờ TQ dùng minh họa trong sách học đánh vần trong nhà trường VN, với lý do sách dịch từ TQ nên phải in cờ họ.

Do sức cạnh tranh giảm sút, thiếu công nghiệp hỗ trợ, ngày càng nhiều doanh nghiệp VN phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu đầu vào và cả công nghệ thấp của TQ, bởi vì giá rẻ, cách mua bán linh hoạt, và VN thiếu rào cản kỹ thuật rào, quản lý cửa khẩu lỏng lẻo. Trước tình hình kinh tế suy thoái, đang có sự e ngại về việc VN có thể trở thành bãi đáp công nghệ thấp cho các nhà đầu tư TQ, vì giá lao động rẻ, và quản lý dễ dãi về an toàn, vệ sinh, môi trường.

Đã có sự báo động là một số ngành công nghiệp VN có thể sẽ nhường chỗ cho doanh nghiệp TQ trên sân nhà. Có chuyên gia cung cấp số liệu là trong khi nước ta xuất siêu trong năm 2012, thì chúng ta lại nhập siêu trên 16 tỷ đô la từ TQ. Có thể nói, mọi nỗ lực và thành tích của chúng ta trong hơn hai thập kỹ qua trong việc đa phương hóa, đa dạng hóa đầu tư, thương mại, công nghệ và thị trường đang có nguy cơ bị xóa sổ.

Tôi cho rằng, chúng ta chưa điều tra và nắm rõ  đầy đủ số liệu, thông tin về sự phụ thuộc của nền kinh tế VN vào nền kinh tế TQ, nhất là  trong lĩnh vực đầu tư tài chính, mua bán công ty khi những thương vụ ấy diễn ra ngoài quốc gia. Sự lệ thuộc về kinh tế, nếu không có giải pháp đối phó, sẽ được sử dụng để phối hợp nhịp nhàng với cuộc đấu tranh về chủ quyền lãnh thổ trong tình huống cần thiết. Khi Trung Quốc uy hiếp tàu cá Việt Nam ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta, như báo chí đưa tin sáng nay, thì nguy cơ này càng hiển hiện.

 Trong thế giới ngày nay, dù toàn cầu hóa và hội nhập ở mức độ cao, tình trạng “mạnh được yếu thua”, “khôn sống mống chế” vẫn tồn tại và thách thức. Vì vậy, nhất là đối với các nước nhỏ yếu, hội nhập phải đi đôi với tăng sức cạnh tranh và bảo hộ hợp lý, nếu không thì chúng ta sẽ thua trên chính sân nhà. Đó là lời cảnh báo chuẩn xác cách đây gần hai mươi năm, khi chúng ta gia nhập AFTA, sau đó là WTO.

Thua kém có nhiều mức độ, nhưng lệ thuộc về kinh tế là sự thua kém đáng sợ nhất, nhất là khi nó đi kèm với mối đe dọa về chủ quyền lãnh thổ. 

Rất mong Chính phủ sớm có giải pháp để khẩn trương, kịp thời ứng phó trước mắt, đồng thời có đối sách mang tính căn cơ, chiến lược lâu dài”. 

Xin cám ơn Quốc hội.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa

Ai cần đạo đức? – Vnn

1 Th6

Ai cần đạo đức?

Một hôm, có hai bạn trẻ nhờ tôi giới thiệu một chuyên gia có khả năng nghiên cứu hoàn chỉnh quy trình và phương pháp dạy đạo đức cho học sinh lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học.

 

đạo đức, học, nhà trường, gia đình

Hai bạn trẻ này có ý định khai trương một trung tâm dạy đạo đức, một thứ “hàng hóa” không thời thượng nên chưa thấy ai làm, chỉ toàn giao phó cho ngành giáo dục (với môn học công dân) và cho gia đình (nếu quan tâm).

Có lẽ đây là một cách lội ngược dòng so với mô hình “trung tâm Anh ngữ thiếu nhi” đang mở tràn lan và cạnh tranh khốc liệt. Dẫu biết các bạn chỉ là những người trẻ khởi nghiệp, nhưng khi đọc dự án này, tôi bỗng thấy việc mở một trung tâm dạy đạo đức, kỷ luật cho trẻ em đúng là rất cần thiết.

Đơn giản lắm, các bé sẽ học lại đi thưa về trình, học chào hỏi lịch sự, cám ơn. Các bé không chỉ biết xếp thẳng hàng, nhanh gọn, mà phải hiểu rõ tại sao phải xếp hàng, tại sao phải cám ơn, tại sao phải sống lịch sự…

Chắc hẳn ai cũng còn nhớ hình ảnh hàng trăm người Nhật trên các cao ốc dù hoảng sợ trong tai nạn động đất nhưng vẫn trật tự xếp hàng xuống cầu thang thoát hiểm, chứ không chen lấn xô đẩy để tự gánh lấy một thảm họa khác. Những đứa bé Nhật kiên nhẫn xếp hàng lên xe buýt để chạy khỏi vùng nhiễm độc vì rò rỉ hạt nhân chết người…

Còn ở Việt Nam, đã bao nhiêu lần bạn nhận được một cử chỉ lịch sự như mở cửa, nhường đường, giúp bạn đỡ giỏ hàng nặng ở siêu thị? Chắc không nhiều vì những biểu hiện đó bây giờ quá hiếm.

Đã bao nhiêu lần bạn gặp ai đó bỗng tỏ ra tử tế mà một “phản ứng cảnh giác” tự đâu đó trỗi dậy vì mỗi ngày thường xuyên phải tiếp xúc với vô vàn điều xấu?

Có khi nào bạn nhìn thấy một người mẹ thản nhiên khạc nhổ bất chấp dòng xe máy ken dày phía sau, người mẹ thản nhiên vượt nhanh qua đèn đỏ giao thông với đứa con nhỏ ngồi phía sau? Tại sao bạn không dám nổi giận phản ứng khi một người đàn ông nhanh tay chen ngang cái thẻ ATM vào chỗ rút tiền?

Vừa qua, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đích thân xin lỗi một vị du khách Úc bị “chặt chém” ở Hà Nội. Du lịch Việt Nam ngày càng thu hút du khách khắp thế giới, thì ngược lại, ngày càng xảy ra nhiều vụ du khách bị người bản địa ứng xử vô văn hóa, từ gian lận đổi tiền, taxi dù ở cửa sân bay, đến “chặt chém” trong các nhà hàng, trong bảo tàng và lễ hội văn hóa…

Bức xúc đến mức Tổng cục Du lịch hiến kế lập ra cơ quan chuyên trách “Xin lỗi”. Nghe như trò đùa! Chẳng lẽ lập cơ quan “Xin lỗi” theo hệ thống khắp cả nước bởi chỗ nào mà không có điểm nóng chặt chém, vô văn hóa.

Đối với du khách thì lo vậy cũng được, nhưng còn ai lo cho chúng ta và con cháu chúng ta nếu vẫn phải sống trong một môi trường kém văn minh, thiếu học thức đến vậy? Ai xin lỗi chúng ta?

Tôi đã từng chở con đi học thêm rất nhiều môn học nhưng thật tình chưa từng nghĩ sẽ chở con đi học thêm đạo đức. Nên lúc này, tôi mong lắm ngày khai giảng trung tâm ấy…

(Theo Hồng Bích/ Doanh Nhân Sài Gòn)