Lưu trữ | 11:34 Sáng

Chuyện lạ về vua Lê Thái Tổ và hai người ăn xin – KT

17 Th6

Chuyện lạ về vua Lê Thái Tổ và hai người ăn xin

 
 

Trong lịch sử Việt Nam có câu chuyện kỳ lạ giữa Lê Thái Tổ – vị vua khai sáng triều Hậu Lê với hai người ăn mày.

Lập con nhà ăn xin làm vua
 
Bấy giờ vào giai đoạn cuối thời thuộc Minh, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn liên tiếp giành được nhiều chiến thắng quan trọng trên các chiến trường, thành lũy của giặc Minh bị thất thủ khắp nơi, về cơ bản, toàn bộ lãnh thổ nước Việt đã được giải phóng, quân Minh chỉ còn sức co cụm ở một số tòa thành lớn mà thôi. Trước tình thế này, tên Tổng binh Vương Thông tìm cách kéo dài thời gian để chờ viện binh sang cứu bèn vờ cách giảng hòa, đề nghị lập con cháu nhà Trần làm vua và xin bãi binh. Vương Thông dựa vào tờ chiếu của vua Minh ban ra năm Đinh Hợi (1407) khi đem quân xâm lược nước ta với danh nghĩa “phù Trần diệt họ Hồ”, đề nghị tướng lĩnh Lam Sơn tìm lập con cháu họ Trần. Với chủ trương giải phóng đất nước ít tốn xương máu nhất, Lê Lợi đã lập Trần Cảo lên làm vua vào tháng 11 năm Bính Ngọ (1426): “Mùa đông, tháng 11, vua tìm được Trần Cảo lập lên. Trước đó, có người tên là Hồ Ông, là con một người ăn xin, trốn theo Cầm Quý, giả xưng con cháu họ Trần. Bấy giờ người trong nước khổ về chính lệnh hà khắc của giặc, mong có người làm chủ, mà vua thì gấp việc diệt giặc cứu dân, nên sai người đón lập Cảo cho xong việc, việc quyền nghi nhất thời, mà cũng muốn mượn cớ trả lời nhà Minh để họ tin. Đặt niên hiệu là Thiên Khánh, sai Tả bộc xạ Lê Quốc Hưng dạy cho, nhưng thực ra là để coi giữ. Cảo trước đóng dinh ở núi Không Lộ (nay thuộc huyện Thạch Thất, Hà Nội). 
 
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép tên vị “vua” này là Trần Cao chứ không phải Trần Cảo. Thân thế Trần Cao, không rõ quê quán ở đâu, sinh năm bao nhiêu, chỉ biết rằng khi Lê Lợi sai người tìm con cháu nhà Trần, gặp lúc Hồ Ông lánh nạn ở châu Ngọc Ma, tự xưng là Trần Du cháu ba đời của vua Trần Nghệ Tông và được tù trưởng châu này là Cầm Quý tiến cử bèn đón về lập làm vua. 
 
Sau khi đánh bại 20 vạn viện binh do Mộc Thạch, Liễu Thăng chỉ huy vào cuối năm Đinh Mùi (1427), để vớt vát thể diện cho nhà Minh, vừa tránh thêm đổ máu nên đứng danh nghĩa của Trần Cảo, Lê Lợi đã sai mang lễ vật và biểu cầu phong đến đô thành Yên Kinh. Vua Minh Tuyên Tông xem biểu biết rằng giả dối, nhưng cũng muốn nhân đó để thôi việc binh, quần thần cũng đều xin nên hòa vì thế vua Minh sai Công bộ Thượng thư La Nhữ Kính và Từ Vĩnh Đạt mang chiếu sang phong cho Trần Cảo làm An Nam quốc vương và lệnh rút quân về nước. Cũng kể từ đây, vai trò của ông vua Trần Cảo coi như kết thúc và số phận của nhân vật này đã được định đoạt nhưng sách sử ghi chép rất khác nhau. Trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư cho biết nhiều giả thuyết: “Ngày mồng 10 tháng giêng năm Mậu Thân (1428) Trần Cảo uống thuốc độc chết. Bấy giờ các quan đều dâng sớ nói Trần Cảo không có công gì với dân, sao lại ở trên mọi người, nên sớm trừ đi. Vua cũng biết là như vậy, nhưng trong lòng không nỡ, đối xử càng hậu. Cảo biết người trong nước không phục mình, bèn ngầm đi thuyền vượt biển trốn vào châu Ngọc Ma. Đến Ma Cảng (đất Nghệ An) quan quân đuổi bắt được, đem về Đông Quan, bắt uống thuốc độc chết. Có thuyết nói rằng: Trước đây, sau khi lập Cảo, vua cho Cảo đóng dinh ở núi Không Lộ, sau dời sang Ninh Giang. Đến năm này, chuyển về thành Cổ Lộng. Cảo tự nghĩ là không thể có hai mặt trời, nước không thể có hai vua, mình không có công gì với thiên hạ mà ở ngôi tôn, nếu không sớm liệu, sợ nỗi hối hận sau này, rồi ngầm đi thuyền ra biển mà chết. 
 
Sau khi Trần Cảo chết, Lê Lợi cho làm tang lễ rất hậu theo nghi thức của một vị vua. Theo ghi chép của sử nhà Minh, Lê Lợi báo với triều Minh rằng Trần Cảo bị bệnh mà chết vào ngày 10 tháng giêng năm Mậu Thân (1428).

 Nhà vua và quần thần. (Tranh minh họa).

Phong chức quan to cho một người ăn xin

Đó là Phạm Ngũ Thư, quê ở làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, lộ Hải Đông (nay thuộc xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên), ông là cháu ba đời của danh tướng Phạm Ngũ Lão, bậc đại công thần tài kiêm văn võ nổi tiếng triều Trần.

Xuất thân trong gia đình gia thế nhưng Phạm Ngũ Thư sớm mồ côi, trước khi mất, thân phụ của ông đã gửi gắm người bạn đồng liêu là quan Thái bảo Trần Nguyên Hãng chăm sóc, dạy bảo, nâng đỡ con mình. Được sự ủy thác của bạn, quan Thái bảo đã dành nhiều quan tâm đến Phạm Ngũ Thư, nhờ vậy khi mới vừa tròn hai mươi tuổi ông đã đỗ kỳ thi hội rồi được bổ giữ chức Lĩnh úy huyện Mỹ Đức (nay là huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Làm quan tận tụy, chăm lo giúp dân an cư lạc nghiệp nên mấy năm sau Phạm Ngũ Thư được thăng chức chánh An phủ sứ trấn Thiên Hưng (nay là địa phận một số tỉnh Tây Bắc như: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La…).

Khi Hồ Quý Ly thao túng triều chính, càng ngày càng lộng quyền, đến năm Kỷ Mão (1399) thì bức tử vua Trần Thuận Tông, bộc lộ rõ hơn ý đồ chiếm đoạt ngôi báu khiến quần thần nhiều người tức giận. Lúc đó quan Thái bảo Trần Nguyên Hãng hợp mưu với tướng Trần Khát Chân và một số vương hầu nhà Trần mưu sát Hồ Quý Ly trong hội thề ở núi Đốn Sơn (nay thuộc xã Cao Mật, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) nhưng sự việc bị bại lộ, hơn 370 người có liên quan bị Hồ Quý Ly giết, vợ con bị đày đọa, gia sản bị tịch thu sung công. Tuy không dự mưu vào vụ này nhưng vì có quan hệ gần gũi với Trần Nguyên Hãng nên Phạm Ngũ Thư biết không thể tránh khỏi sự nghi ngờ của Hồ Quý Ly, phần vì tránh họa phần vì chán ngán chốn quan trường với cảnh tranh giành quyền lực, danh lợi; sau nhiều đêm suy nghĩ ông đã quyết định từ quan với lý do bị bệnh. Sau khi được chấp thuận, Phạm Ngũ Thư giấu hẳn tung tích, bí mật tìm lên Yên Tử, đến chùa Vân Yên xin yết kiến Vô Trước quốc sư thuật rõ chuyện mình, thỉnh cầu xuất gia tu  Phật và được đặt pháp danh là Trí Lâm. 

Dù sống nơi cửa Thiền nhưng tình hình xã hội khi đó đã tác động nhiều đến tâm trí Phạm Ngũ Thư. Bấy giờ Hồ Quý Ly đã cướp ngôi nhà Trần làm vua được một năm thì nhường ngôi cho con là Hồ Hán Thương, nhà Minh âm mưu chiếm nước ta bèn mượn cớ “phù Trần diệt Hồ” kéo sang xâm lược. Nhà Hồ bị lật đổ, dân chúng rơi vào ách đô hộ tàn bạo của ngoại bang phương Bắc; một lần nữa Phạm Ngũ Thư lại trăn trở nghĩ suy, cuối cùng ông xuống núi hoàn tục để tìm cách cứu đời mong muốn làm tròn nghĩa vụ của người trai thời loạn. Trở về quê hương, do thúc ép của người thân, Phạm Ngũ Thư cưới vợ sinh được 3 người con; trong thời gian đó ông tích cực tham gia lực lượng kháng chiến chống quân Minh của nhà Hậu Trần do Giản Định đế (Trần Ngỗi) rồi Trùng Quang đế (Trần Quý Khoáng) lãnh đạo. Mấy năm sau, nhà Hậu Trần bị diệt khi cả hai vua đều tuẫn tiết vì nước do không kháng cự nổi sự đàn áp của giặc Minh; Phạm Ngũ Thư nghe tin Lê Lợi ở đất Lam Sơn dấy nghĩa bèn tìm vào Thanh Hóa xin đầu quân, cùng nếm trải gian lao khó nhọc với nghĩa binh hơn 10 năm trời. 

Để thăm dò sự điều động binh lực cũng như nắm tình hình của giặc, Phạm Ngũ Thư đề nghị và được Bình Định Vương Lê Lợi chấp thuận cho thiết lập “hệ thống tình báo” với nhiều đối tượng cài vào hàng ngũ ngụy quan, ngụy quân cũng như trong xã hội dưới các vai nhà buôn, học trò…. 

Trực tiếp điều hành mạng lưới thu thập thông tin, Phạm Ngũ Thư còn giả trang thành người ăn xin để đi lại khắp nơi mà giặc chẳng nghi ngờ, cũng nhờ đó mà ông nhận thấy lợi thế của những người hành khất vì càng dơ dáy, cùi hủi ghẻ lở thì lại càng được việc, họ có thể “một gậy, một bị khắp nơi tung hoành”, “liều mạng cùi” xông bừa vào chỗ đóng quân, kho lương của địch để quan sát và la cà khắp nơi để chuyển tin nhanh chóng mà an toàn, từ  đó Phạm Ngũ Thư tạo dựng thêm nhiều tai mắt trong giới cái bang. “Hệ thống tình báo” này hoạt động đắc lực, góp phần quan trọng vào thắng lợi của nghĩa quân Lam Sơn, quét sạch giặc Minh ra khỏi bờ cõi, giành lại nền độc lập.

VTV bác tin Cù Huy Hà Vũ đang tuyệt thực – DV

17 Th6

VTV bác tin Cù Huy Hà Vũ đang tuyệt thực

Dân Việt – Bản tin 19 giờ tối nay (16.6), VTV đã có phóng sự phản ánh tình trạng bình thường của phạm nhân Cù Huy Hà Vũ.

Gần đây, một số mạng xã hội đã loan tin phạm nhân Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực do bị ngược đãi tại trại giam số 5 của Bộ Công an có địa chỉ tại huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

Bên cạnh việc thông tin phạm nhân Cù Huy Hà Vũ bị ngược đãi, các trang mạng còn mô tả phạm nhân tuyệt thực đến mức chỉ còn bộ da bọc xương, có nguy cơ cận kề cái chết. Những trang mạng này đều đưa cả Đơn tố cáo của Cù Huy Hà Vũ về việc cán bộ quản giáo trại giam có hành vi cố ý giết người đối với phạm nhân này.

Tuy vậy, ghi nhận của phóng viên Đài truyền hình Việt Nam (VTV) tại trại giam số 5 đã cho thấy tình trạng sức khỏe bình thường của phạm nhân Cù Huy Hà Vũ.

>>Video: Cù Huy Hà Vũ béo tốt trong trại giam<<

“Theo bác sĩ chuyên trách tại bệnh xá trại giam số 5, trên thực tế Cù Huy Hà Vũ không phải tuyệt thực, vì phạm nhân này vẫn thường xuyên sử dụng nguồn thực phẩm do gia đình tiếp tế và từ chối, thậm chí tẩy chay khẩu phần ăn do trại giam cung cấp” – bản tin của VTV cho biết.

Bản tin của VTV dẫn lời lãnh đạo trại giam số 5 cho biết, từ khi vào trại giam, phạm nhân Cù Huy Hà Vũ đã đưa ra rất nhiều yêu sách vượt quá quy định cho phép. Nhưng do phạm nhân này có bệnh huyết áp thất thường nên nhiều yêu sách đã được trại giam đáp ứng. Tuy nhiên, có những yêu sách vượt ra ngoài khuôn khổ quy định của pháp luật thì trại giam phải kiên quyết từ chối.

Theo ghi nhận của phóng viên VTV, yêu sách được ở cùng vợ 24 giờ của phạm nhân Cù Huy Hà Vũ đã không được đáp ứng, chính là lý do Cù Huy Hà Vũ tẩy chay khẩu phần ăn của trại giam.

Lãnh đạo trại giam số 5 khẳng định, hàng ngày cán bộ trực trại phải mở cửa phòng giam để điểm danh phạm nhân là đúng chức năng nhiệm vụ theo quy định. Phạm nhân Cù Huy Hà Vũ cho rằng việc mở cửa sẽ gây gió lùa ảnh hưởng tới sức khỏe của mình và là hành vi cố ý giết người của cán bộ trại giam là vô căn cứ.

Lãnh đạo trại giam cho biết, sẽ đề nghị Bộ Công an làm rõ đối tượng đã tung tin bịa đặt về việc Cù Huy Hà Vũ bị cán bộ trại giam hành hung.

Phạm nhân Cù Huy Hà Vũ trong buổi kiểm tra sức khỏe tại bệnh xá nhà giam số 5, Bộ Công An (Ảnh: VTV News)

Phạm nhân Cù Huy Hà Vũ được các phóng viên VTV ghi hình đang ở trạng thái sức khỏe bình thường. Ảnh: VTV

 

N.B.T

 

THƯ KÊU CỨU KHẨN CẤP (LẦN 2) của gia đình Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ – BS

17 Th6

THƯ KÊU CỨU KHẨN CẤP (LẦN 2) của gia đình Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ

Posted by basamnews on June 17th, 2013

Hà Nội, rạng sáng ngày 17/6/2013

Kính gửi: –   Đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước;

–   Các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước có lương tri;

–   Các nhân sĩ, trí thức, các tín đồ, tôn giáo và mọi tầng lớp nhân dân yêu chuộng Sự thật – Công lý – Hòa bình;

–   Các tổ chức trong và ngoài nước.

Tôi là Nguyễn Thị Dương Hà,

Ở tại 24 Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội,

Cùng đại gia đình xin gửi tới quý vị lời kêu cứu khẩn cấp sau đây:

 

Chồng tôi, TS Cù Huy Hà Vũ, người đã bị Tòa án tối cao của nước CHXHCN Việt Nam kết án 7 năm tù giam và 3 năm quản chế về “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, hiện TS Vũ đang tuyệt thực sang ngày thứ 22 trong trại giam số 5 – Bộ Công an – Yên Định – Thanh Hóa để phản đối những việc vi phạm pháp luật của Giám thị trại giam số 5 Lường Văn Tuyến đối với ông Vũ.

Từ hôm chồng tôi, TS Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực bắt đầu từ ngày 27/5/2013 đến nay, tôi đã tố cáo đến Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng, Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình, Viện trưởng VKS nhân dân tối cao Nguyễn Thanh Bình,  Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, Ủy ban thường vụ Quốc Hội, Ủy ban Tư pháp Quốc Hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc Hội (đính kèm) và tôi luôn kêu cứu tình trạng nguy hiểm của chồng tôi nhưng đến nay cũng chưa được cá nhân hay cơ quan có thẩm quyền nào trả lời.

Sáng hôm qua, 16/6/2013, tôi đã xem phóng sự “VẠCH MẶT SỰ GIẢ TRÁ CỦA CÙ HUY HÀ VŨ”, tôi hoàn toàn thất vọng và bất bình với An ninh Tivi * cũng như Ban giám thị Trại giam số 5 Bộ Công an và đặc biệt là với sự bao che tội phạm của Bộ Công an.

Vì việc cần làm và phải làm của Trại giam số 5 – Bộ Công là khẩn trương trả lời với nhân dân cả nước rằng có hay không việc Giám thị trại giam số 5 Lường Văn Tuyến vi phạm luật Tố cáo cũng như Luật Thi hành án hình sự vì đã không trả lời “Đơn tố cáo cán bộ Lê Văn Chiến cố ý giết hại Cù Huy Hà Vũ” của ông Cù Huy Hà Vũ gửi từ ngày 11/11/2012 và một số yêu cầu hợp pháp khác theo luật định dẫn đến ông Cù Huy Hà Vũ không còn con đường nào khác là phải tuyệt thực để đòi quyền lợi chính đáng của mình?

Thay vì buộc Giám thị Trại giam số 5 – Bộ Công an Lường Văn Tuyến khẩn trương trả lời Đơn tố cáo của chồng tôi và xử lý ông Giám thị Lường Văn Tuyến vì đã vi phạm pháp luật vì không trả lời Tố cáo của ông chồng tôi theo thẩm quyền thì lãnh đạo (Bộ, Trại giam số 5) Công an lại mời TVT AN làm phóng sự ông Vũ vẫn khỏe mạnh hơn người thường, được ăn ở hơn tù thường!!!

Cũng như chồng tôi đã tuyên bố ngày 15/6/2013, tôi luôn đề nghị các ông như Cao Ngọc Oánh, Giám thị Lường Văn Tuyến, Phó giám thị Nguyễn Văn Vân và Phó giám thị Lê Duy Sáu, phụ trach K3 hãy khẩn trương trả lời Đơn tố cáo của chồng tôi để chồng tôi dừng tuyệt thực nhằm tránh gây tổn hại cho sức khỏe và tính mạng của chồng tôi cũng như  uy tín của Trại giam nói riêng nhưng như các vị đã biết, chồng tôi vẫn tuyệt thực và đợi chờ trong vô vọng Trả lời đơn tố cáo của Giám thị Lường Văn Tuyến!

Tôi luôn đề nghị Ban giám thị Trại 5 khẩn trương trả lời Đơn tố cáo cho chồng tôi, nhưng ông Lê Duy Sáu lại nói chồng tôi rất béo, khoảng 90 kg! Hai vấn đề ngày hoàn toàn không phải là một!

Đúng là chồng tôi bị béo phì, nặng tới khoảng 94kg trước khi tuyệt thực. Cho tới bây giờ, kể cả có sút tới 10 thậm chí 15kg mà với chiều cao 1m64 thì dứt khoát những ai chưa gặp chồng tôi trước khi ông tuyệt thực không thể nhận biết được sự giảm sút đột ngột về trọng lượng do không ăn gì trong 20 ngày liền khiến sức khỏe và tính mạng của chồng tôi trong tình trạng rất nguy hiểm. Tôi biết chắc chắn rằng đến ngày tuyệt thực thứ 13, chồng tôi đã bị sút 6kg. Việc giảm trọng lượng với người béo phì có bác sĩ hướng dẫn ăn, nghỉ theo một chu trình khoa học thì không những không có hại mà còn tốt cho sức khỏe. Nhưng với chồng tôi, người bị tim và huyết áp như chính ông Lê Duy Sáu thừa nhận, tuyệt đối không ăn gì trong suốt nhiều ngày liên tục thì liệu chồng tôi trụ vững được thêm bao nhiêu ngày nữa? Phải chăng ông Sáu cũng như Ban Giám thị trại giam số 5 – Bộ Công an phải nhìn thấy chồng tôi ngã quỵ, hôn mê hay tim ngừng đập thì mới cho rằng chồng tôi đúng là tuyệt thực? Liệu Ban giam thị trại giam số 5 – Bộ Công an có biết rằng, khoảng ngày tuyệt thực thứ 13, chồng tôi do nhịn ăn nhiều ngày, quá mệt mà đã run tay đánh đổ cả chậu nước sôi vào người, gây bỏng suốt từ bụng trên tới bẹn bên trái?

Điều quan trọng hơn cả mà tôi luôn nhấn mạnh là Ban Giám thị Trại giam số 5 không nghĩ đến nghĩa vụ trả lời Đơn tố cáo của chồng tôi theo điểm a, khoản 1 Điều 168 và khoản 2 Điều 168, khoản 1 Điều 169 Luật Thi hành án Hình sự để chồng tôi dừng ngay tuyệt thực trong khi chưa quá muộn!

Một lần nữa, Chúng tôi khẩn thiết gửi lá thư kêu cứu này đến đồng bào, đến các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước, xin hãy bằng mọi cách cứu lấy chồng tôi, nếu chậm trễ, rất nhiều khả năng chồng tôi bị chết oan trong tù!

Trân trọng cảm ơn quý vị.

Kính thư

1

 

 

Nguyễn Thị Dương Hà

——

Mời xem thêm:


View on YouTube

    • infooption
    • Click here to enable the button
      Twitter Dummy Image
    • Click here to enable the button
      Facebook Dummy Image

When you activate these buttons by clicking on them, some of your personal data will be transferred to third parties and can be stored by them. More information here.

Tags:
This entry was posted on Monday, June 17th, 2013 at 08:17 and is filed under Dân chủ/Nhân Quyền, Pháp luật. You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0 feed. You can leave a response, or trackback from your own site.

19 Responses to “1846. THƯ KÊU CỨU KHẨN CẤP (LẦN 2) của gia đình Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ”

 
  1. KTS Trần Thanh Vân says:

    Tôi chưa bao giờ vào Trại giam số 5 ở Thanh Hóa thăm CHHV, vì không phải là thân nhân và vì sức khỏe không cho phép đi lại vất vả.
    Nhưng vì hai gia đình chúng tôi và bác Cận bác Xuân Diệu là đồng hương, lại quen biết và thân thiết đã hơn nửa thế kỷ, nên thỉnh thoảng tôi cho mượn xe và cử người cháu tôi chở mẹ con Ls Dương Hà vào Trại 5 cho cô ấy đỡ vất vả.
    Hôm 31/5 được biết CHHV tuyệt thực đã sang ngày thứ 5, tôi bảo cháu tôi đưa Ls Dương Hà và cháu Đức đi ngay. Vào đến nơi người ta không cho vào, phải ngủ lại nhà dân gần đó và sáng mai nhờ nhà dân nấu hộ một cạp lồng cháo đưa vào. CHHV nể vợ con chỉ húp 3 thìa cháo như Dương Hà đã kể.
    Ba ngày sau Dương Hà lại vào thăm chồng với tư cách Luật sư, tôi xui Dương Hà mang nước Sâm Ngọc Linh, là thứ nước mầu nâu giống chè vối, vị lại hơi đăng đắng… cốt để lừa CHHV. Ls Dương Hà kể lại: Kết quả CHHV bị lừa nên có uống một chén. Sang chén thứ hai thì không phải CHHV từ chối mà chính là công an giám sát cuộc tiếp xúc không cho uống, vì lần này là Ls đến làm việc chứ không phải gia đình thăm nuôi.

    Tôi nghĩ và có nói với Ls Dương Hà rằng từ ngày vào tù, CHHV trở nên rất béo, nhưng là béo bệnh, lại ít luyện tập, nên nếu nhịn ăn và được luyện tập đúng cách thì rất tốt cho sức khỏe. Còn nếu cứ tiếp tục kéo dài tình trạng như hiện nay thì chưa biết cái gì sẽ xẩy ra???? Nếu Cù Huy Hà Vũ chết thì gia đình sẽ tổn thất? Nhưng Tướng Cao Ngọc Oánh và Bộ CA chắc sẽ phiền?

    Chi bằng cho CHHV về quản thúc và chữa bệnh tại nhà riêng? Lúc đó chính vợ con phải chịu trách nhiệm về sinh mạng của CHHV? Một mũi tên, đạt hai đích. Vừa được tiếng là nhân đạo, vừa đỡ chịu trách nhiệm có tốt hơn không?
    Như vậy CA cũng không mang tiếng là bị “thua” thằng tù???? Còn Ls Dương Hà yên tâm chăm sóc chồng và không đấu tranh nữa?
    Tướng Cao Ngọc Oánh yên tâm đi. CHHV không trốn đi đâu được và nếu CHHV lợi dụng việc nhân đạo đó để đáu tranh hăng hơn thì không thiếu gì cách xử lý

  2. Sơn Văn says:

    Ông Vũ tuyệt thực để phản đối những vi phạm pháp luật của giám thị trại giam số 5 đối với ông nên ông Vũ dứt khoát không ăn gì ngoài uống nước. Không phải vợ ông Vũ kêu ông Vũ không có gì để ăn! Hãy trả lời Đơn tố cáo của ông Vũ thì ông lại ăn ngay như trong Biên bản làm việc của ls Dương Hà (http://chhv.wordpress.com/2013/06/16/bien-ban-lam-viec-ngay-15-thang-6-nam-2013/). Thay vì trả lời Đơn tố cáo của ông Vũ theo đúng pháp luật để êm chuyện thì Bộ Công an và Trại giam lại làm to chuyện bằng cách lừng khừng đưa hết phóng sự này đến phóng sự khác chứng minh này nọ để kéo dài thời gian trả lời tố cáo, đánh lạc dư luận và để ông Vũ chờ đợi trong tuyệt vọng! Phải chăng họ muốn ông Vũ phải chết để răn đe những người luôn vì Công lý, Dân chủ và Nhân quyền cho nhân dân nói chung và cho bản thân ông Vũ nói riêng!

  3. Dọc đường gió bụi says:

    Lưu manh và ba xạo đến thế là cùng !
    ( Băng) đoảng ta nhất định ‘ thà chết chứ không chịu hi sinh’ trong vụ CHHV tuyệt thực.

  4. Anonymous says:

    Cũng vừa thấy thông tin này trên FB, một comment của một người trong entry của BBC. Có ý kiến là do chưa chỉnh ngày tháng của máy quay nhưng có vẻ việc này thường xuyên xãy ra với các thiết bị đài tryền hình hay báo chí nhà nước nhỉ :)

    “Trích:

    Dung Leanh Đại đao thần kiếm của Mr. Hoàng Ngọc Diêu đã chém bay đầu cái sự xảo trá của VTV cộng sản:

    Hoàng Ngọc Diêu “Bọn lưu manh (báo chí) đúng là vừa lưu manh vừa ba xạo”.

    Dùng exif soi cái header thì lòi ra profile ảnh này: tạo vào “2012:01:25 03:41:57″, có nghĩa là hơn 1 năm rưỡi trước. Hoá ra ông Cù Huy Hà Vũ “tuyệt thực” đã 1 năm rưỡi rồi à? Ha ha ha.

    2. Hành động chống trả dư luận và cuộc tuyệt thực CHHV chứng tỏ nhà cầm quyền đã run sợ trước phản ứng của dư luận trong nước và quốc tế, bèn ra lệnh cho đám VTV làm gấp cái gì đó để đối phó, “dù phải đào mả bố tụi mày lên cũng phải làm cho được, đừng băn khoăn đạo đức với lương tâm, nghe chưa !”.

    3. Than ôi ! biết bao người dân bình thường không hiểu kỹ thuật sẽ tin ngay vào cái sự đểu cáng lì lợm của nhà báo VTV thời sự. Mình rất thương cho một bạn đọc ngây ngô vừa xem VTV 1 xong thì gửi email mắng mỏ mình vội tin mạng xã hội và bài tường thuật của TS. Nguyễn Xuân Diện (bạn đọc ấy có tên kỳ quái thế này: Telexorero, hẳn cũng là một Dư luận viên của BTG Hà Nội chăng?)

    Dưới đây là kết quả số liệu xác minh đoạn video clip VTV1 nói trên:

    ICC -header
    Profile CMM Type
    lcms
    Profile Version
    2.1.0
    Profile Class
    Display Device Profile
    Color Space Data
    RGB
    Profile Connection Space
    XYZ
    Profile Date Time
    2012:01:25 03:41:57
    Profile File Signature
    acsp
    Primary Platform
    Apple Computer Inc.
    CMM Flags
    Not Embedded, Independent
    Device Manufacturer
    N/A
    Device Model

    Hết trích”

    Haizz

  5. Koon says:

    Sáng nay có đọc trên BBC bài này, không biết ABS đã chia sẻ chưa.

    http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/06/130616_nguyen_thi_duong_ha_reaction.shtml

    Như tôi đã comment, tốt nhất là VTV hay một đài TH nào đó làm một phóng sự đàng hoàng, có mặt những người đã gửi đơn kêu cứu cho TS CHH Vũ chứng kiến và khi đó mọi thứ sẽ sáng tỏ. Tôi không nghĩ TS Vũ có có làm điều gì khuất tất ở đây nhưng mọi người khỏi thắc mắc thì mọi chuyện phải cần làm rõ. Truyền thông nhà nước thì mọi người biết rồi, đưa tin có định hướng thì trắng đen, đen trắng rất khó mà biết được. Đừng vội kết luận những chuyện như thế này nhất là khi một bộ máy tuyên truyền chỉ đưa tin những gì có lợi cho đảng và luôn chối bỏ những gì bất lợi cho mình

  6. […] THƯ KÊU CỨU KHẨN CẤP (LẦN 2) của gia đình Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ […]

  7. Blue says:

    Nếu uống nước, nước đường thì việc một người như ông Vũ nhịn ăn cũng sẽ chỉ trụ được 1,2 ngày nữa thôi.

  8. Phó thường dân says:

    Tôi đê nghị các trang mạng hãy lập ra một trương mục gồm “most wanted list” cho tất cả những kẻ lưu manh này. Dân cư mạng hãy giúp thu thập thông tin cá nhân của những kẻ được nêu tên, bao gồm hình ảnh, tên tuổi, chổ ở, công việc, sinh hoạt hàng ngày… cho mọi người cùng biết. Biết đâu chừng cũng sẽ có những “hiêp sĩ” ngoài đời xử tội bọn chúng. Bọn này chỉ có biết sợ mới hết tàn nhẫn.

  9. Cuội Ba xạo says:

    Bọn mất dạy, Thằng Cù Huy HV ở tù sướng như tiên, mập như con bò mộng, tuyệt thực đò ăn của tù để ăn đồ ăn của gia đình gửi, , ở tù mà giống như ở trong siêu thị, uong sữa ensure mới gê..gặp tao, tao tuyệt thực 1 năm luôn
    Lúc đầu tao tưởng đúng sự thật như bọn bây rao trên BBC,RFA,RFI,basam…, ai dè khi biết thông tin, đúng là lũ bán nước khốn nạn

    • Huỳnh Tấn – Cựu HS QGNT Saigon says:

      Thằng Cuội Ba xạo này có phải là thằng đầu trọc mập ú như trong tin VTV không bà con?
      Ở tù mà sướng như tiên thì chắc cả nhà nó đang trong tù, chúc mừng; chúc mừng!

    • Lê Huy. says:

      “Cuội Ba xạo” đúng là 1 “dư lợn viên”, chắc vừa nốc rượu sáng vào nên cái óc lợn “luôn tin theo Đảng” mới tuôn ra lời lẽ bậy bạ, u mê đến vậy !
      Nếu những hình ảnh trong cái video được cắt dựng lên đó là sự thật thì có lẽ hàng chục nghìn những cử nhân trẻ vừa tốt nghiệp ĐH đang vất vưởng khắp các xó xỉnh Sài Gòn, Hà Nội và bao gia đình đang cùng quẫn vì nghèo đói v.v… cũng sẽ sẵn sàng vứt bỏ quyền “công dân Tự do gấp vạn lần bọn Tư bản” để mong được vào ở tù chung thân trong các nhà tù của CS này ! ???
      “Cuội Ba xạo” có biết : cũng ở Thanh Hoá, trong trại Cẩm Thuỷ đã từng có những người tù là Hoa kiều (cách nay gần 40 năm, chỉ “Có tội là người Hoa”, nay họ vẫn đang còn sống ở VN, họ bị giam cầm chung lẫn với những người thuần Việt có vấn đề chính trị.) được đối xử “đầy đủ” đến mức tranh nhau mút, liếm thật sạch bãi thức ăn của 1 bạn tù vừa được ăn đồ tiếp tế nôn mửa ra…để bồi dưỡng cơ thể đói khát của mình !
      Những chuyện như thế là sự thật “bình thường” thôi, “Cuội Ba xạo” nếu thấy “sướng như tiên” thì cứ xin vô đó ở chung thân cho sướng đi!

    • Anonymous says:

      Cái bọn siêu thù địch (BBC,RFA,RFI)nó tin TTXVH hơn báo quốc doanh chuyên lừa.

  10. Nem says:

    Báo tuổi trẻ cho ra 1 bài viết trái ngược. Buồng giam mà có TV với sách báo ngon lanh thế, còn hơn cả bên Mỹ cơ à???
    http://tuoitre.vn/Chinh-tri-xa-hoi/Phap-luat/554217/can-canh-noi%C2%A0o%C2%A0cu-huy-ha-vu-tai-trai-giam-so-5.html

  11. Cựu đảng viên cộng sản says:

    Đề nghị các bác dịch ra tiếng Anh và gửi cho các bác đài BBC, RFI, RFA, gửi cho HRW, International Amnesty Committe.
    Đây là cách hữu hiệu nhất, đập vào mặt bọn khốn kiếp ANTV, các báo nô của nhà cầm quyền VN
    Yêu cầu có quan sát viên quốc tế tới để xem thực hư và được gặp gỡ tù nhân họ Cù..
    Chính quyền này đã khốn nạn và vô liêm sỉ tới tận cùng rồi.

    Tôi đánh giá cao cách hành xử này của Ls Dương Hà và các bác.

  12. Quách Kim Mường says:

    Lũ khốn nạn, chúng nó chỉ mong cho ông Vũ chết đi ! để đỡ vướng mắt, ông Vũ là cái gai luôn làm chúng nó khó chịu, ông Vũ là nhân chứng sống, là nhân tố muốn tiêu diệt tham nhũng, muốn quyền con người đựơc tôn trọng, ông Vũ muốn đất nước vững mạnh, muốn nhân dân được tự do và yên ổn sinh sống, như vậy là ngựơc với ý muốn của lũ cướp, nên chúng nó muốn ông Vũ sớm chết đi để cộng đồng quốc tế và nhân dân Việt Nam, đỡ phần nào phê phán chúng nó !

  13. Đỗ Phú Quốc says:

    Sao các vị hèn thế? Vậy mà dám mở miệng xưng xưng là đấu tranh cho dân chủ ư? Tại sao không dám đăng comment của tôi? Vinh chui ở đâu rồi?

  14. Đỗ Phú Quốc says:

    Cái gì cũng có giới hạn của nó. Từ sự cao cả đến sự lố bịch có khi chỉ một bước chân.Tôi là người vôn có sự chia sẻ với ông Hà Vũ và bà Dương Hà nhưng đến việc này thì sự thông cảm may chăng chỉ còn là với tình trạng mất tự do của ông mà thôi. Nói gì cũng phải có cơ sở khoa học, bà Hà ạ. Nếu ông Vũ tuyệt thực và không ăn gì thật từ ngày 27/5/2013 đến nay, lại trong tình trạng bệnh tim và huyết áp luôn trồi sụt như thế, liệu ông có còn sống được không? Giả sử Trại giam số 5 cứ làm ngơ trước ” lời kêu cứu” của bà thêm 10, 15 ngày nữa mà ông Vũ không làm sao thì bà nói sao với dư luận. Chắc chắn là ngay cả những người ủng hộ ông bà cuồng nhiệt nhất cũng buộc phải nghĩ lại.
    ” Thái quá, bất cập” người xưa nói không có sai đâu. Cái gì cũng có giới hạn của nó. lời này cũng dành cả cho trang TTXVH và những người đang nói leo các vị chủ trương nó.

    • Phương Phi Yến says:

      Đỗ Phú Quốc, bạn nói như vậy là đã xâm pạhm đến quyền tự do của người khác rồi ! nên chăng bạn chỉ nói rằng, với bạn đã mất niềm tin là ông Vũ tuyệt thực, còn niềm tin của bạn vào đảng và nhà nước đó lá quyền của bạn, chứ bạn không có quyền trễ môi với mọi người như vậy !

Lấy phiếu tín nhiệm: Phải rõ trắng – đen – BS

17 Th6

Posted by basamnews on June 17th, 2013

Pháp luật TPHCM

17/06/2013 – 07:30

PGS-TS NGUYỄN MINH THUYẾT

44% ĐBQH tham gia bỏ phiếu đã không thể rạch ròi nhận định của mình về chức danh mà trước đó họ bầu ra.

Tuần trước, lần đầu tiên trong lịch sử QH đã lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước. Đại biểu QH rất phấn khởi, cử tri cũng vui mừng, có thêm niềm tin sau khi kết quả được công khai. Nhưng niềm vui ấy rồi cũng lắng xuống, dành chỗ cho những mổ xẻ, phân tích giá trị, ý nghĩa của sinh hoạt chính trị mới mẻ này.

 

Pháp Luật TP.HCM trân trọng giới thiệu bài viết của PGS-TS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng (QH khóa XII).

Quyết định cho tiến hành lấy phiếu tín nhiệm tại QH và công khai kết quả với công chúng là bước tiến mới về dân chủ nhưng nó cũng phản ánh những khó khăn trong việc thực hiện Luật Giám sát của QH, hiện đang có hiệu lực.

Nghị quyết 4 gỡ vướng

Luật định là chỉ cần có đề nghị của một cơ quan QH hoặc của 20% tổng số đại biểu (ĐB) QH thì đã phải tiến hành bỏ phiếu (bất) tín nhiệm rồi nhưng 10 năm qua, cơ chế ấy không thể vận hành. Lý do rất dễ thấy: Nhân sự là công tác của Đảng, chưa có ý kiến lãnh đạo thì khó có chuyện một cơ quan nào của QH đề xuất. Và phần lớn ĐBQH là đảng viên, mà một trong những điều đảng viên không được làm là ký kiến nghị tập thể thì làm sao có con số 20%? Như thế, luật không thực hiện được vì vướng ở phương thức lãnh đạo của Đảng.

Bản thân công tác nhân sự của Đảng làm theo cách truyền thống cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, mà rõ nhất là sự thiếu trách nhiệm chính trị ở “một bộ phận không nhỏ” người có chức vụ, quyền hạn. Đến mức sau nhiều cuộc phát động xây dựng, chỉnh đốn, đến nhiệm kỳ này, lại một lần nữa Trung ương Đảng phải ra Nghị quyết 4 về xây dựng Đảng.

8

Các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. Ảnh: TTXVN

Hai cái vướng gặp nhau và Nghị quyết 4 quyết định tháo gỡ bất cập ấy bằng chủ trương lấy phiếu tín nhiệm tại QH và HĐND. Như thế, sinh hoạt vừa diễn ra ở QH có thể coi là cuộc sát hạch mở rộng của đợt kiểm điểm vừa diễn ra trong nội bộ Đảng, với ba mức đánh giá: “Đạt yêu cầu”, “cơ bản đạt yêu cầu”, “không đạt yêu cầu”.

ĐB thiếu thông tin

Lá phiếu ở QH cũng thiết kế theo cách ấy: “Tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”. Căn cứ vào câu chữ thì “tín nhiệm thấp” thì vẫn là còn tín nhiệm. Nhưng khắt khe một chút, khoa học một chút thì ba mức đánh giá trong lá phiếu có thể được hiểu tương ứng là: “Tín nhiệm”, “không đánh giá” và “bất tín nhiệm”.

Phân tích kết quả vừa công bố thì thấy số “không đánh giá” ấy trung bình lên tới 220 phiếu dành cho mỗi chức danh lãnh đạo. Tức là có tới 44% ĐBQH tham gia bỏ phiếu đã không thể rạch ròi nhận định của mình về chức danh mà trước đó họ bầu ra.

Rất nhiều nguyên nhân dẫn tới kết quả này.

Chẳng hạn, ĐBQH rất thiếu thông tin. Từng trải qua công tác ở QH, tôi tin rằng hầu hết ĐBQH chỉ dựa vào quan sát cá nhân, vào dư luận và thông tin từ báo chí để đánh giá các chức danh mình có trách nhiệm giám sát. Nhưng trong những thông tin ấy, có nhiều phần là cảm tính.

Chưa kể, khá nhiều lĩnh vực hoạt động Nhà nước hoàn toàn đóng cửa với bên ngoài, ngay cả ĐBQH cũng khó có thể tìm hiểu, thậm chí không đủ bản lĩnh để tiếp cận. Có những lĩnh vực như ngoại giao, quốc phòng chẳng hạn, ông bộ trưởng đâu được toàn quyền quyết định. Và nhất là hoạt động của các vị lãnh đạo thì khó ai nắm bắt, tìm hiểu cho hết được.

Một nguyên nhân quan trọng khác bắt nguồn từ cơ chế tập thể lãnh đạo. Đã tập thể lãnh đạo thì trách nhiệm cá nhân sẽ bị mờ nhạt. Và như thế, lấy phiếu tín nhiệm, với bản chất là truy tới cùng trách nhiệm cá nhân, khó đạt kết quả như đòi hỏi của nó…

Chỉ nên có hai mức đánh giá

Tất cả dẫn tới kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này có gì đó mờ mờ, chưa rõ. Và vì vậy, nhiều vấn đề cần được tiếp tục đưa ra thảo luận.

Chẳng hạn, có nên đưa cả 49 chức danh nhà nước vào một lần bỏ phiếu, hay tách ra: Kỳ họp này đánh giá các thành viên Chính phủ, kỳ họp sau tới lượt các vị Ủy ban Thường vụ QH chứ chung một lần vừa làm loãng, vừa có thể dẫn đến so sánh, đánh giá thiếu công bằng các lĩnh vực vốn hoàn toàn khác nhau. Rồi có nên lấy phiếu cả những chức danh mang tính biểu tượng, như chế định Chủ tịch nước không.

Riêng tôi thấy rằng nên trở lại với Luật Giám sát của QH nhưng sửa đổi để cơ chế đánh giá tín nhiệm vận hành được.

Ở các nước, chỉ cần một ý kiến ĐB, về một nhân sự cụ thể, thì QH đã phải đưa ra thảo luận. Thảo luận cho rõ vấn đề, rồi để thận trọng thì biểu quyết có tiến hành bỏ phiếu (bất) tín nhiệm hay không. Quá bán đồng tình thì bỏ phiếu chính thức và chỉ nên hai mức rõ trắng đen tín nhiệm/bất tín nhiệm mà thôi.

Đánh giá tín nhiệm như thế sẽ đỡ cồng kềnh, vất vả mà kết quả lại thuyết phục hơn. Theo cách ấy, có thể khắc phục hạn chế yếu kém của công tác tổ chức hiện nay: Có vào nhưng không có ra.

Lấy phiếu, hay bỏ phiếu tín nhiệm, thì cũng là một cách để kiểm soát quyền lực. Mà để kiểm soát được như mong muốn của Đảng thì trước hết phải khắc phục tình trạng thiếu rạch ròi trong phân công quyền lực. Cuộc thảo luận sửa đổi HP đang tiến hành là cơ hội để nhân dân thực hiện sự phân công ấy và qua đó giúp đánh giá tín nhiệm được chính xác, công bằng hơn.

Với hệ thống chính trị, lấy phiếu tín nhiệm lần này sẽ có tác dụng nhất định, đặc biệt với những người được tín nhiệm chưa cao.

Với công chúng, lấy phiếu tín nhiệm lần này có lẽ là món lạ miệng, thậm chí là đặc sản. Nhưng dùng mãi thì cũng chán.

Đổi mới là quá trình không ngừng. Lấy/bỏ phiếu (bất) tín nhiệm ở QH cũng nằm trong quy luật ấy.

Cơ cấu ĐB cũng ảnh hưởng kết quả 

Cơ cấu ĐBQH cũng ảnh hưởng nhiều tới kết quả lấy phiếu. 498 ĐBQH thì 92% là đảng viên, với gần nửa là cán bộ cỡ tỉnh ủy viên, thường vụ tỉnh ủy và tương đương trở lên. Trong số đó, cỡ ủy viên trung ương – gồm hầu hết các bí thư tỉnh ủy, các bộ trưởng, lãnh đạo các cơ quan của QH – và cấp cao hơn nữa, đã hơn 100 người. Rồi số ĐB từ các lực lượng vũ trang mấy chục người nữa… Họ rất hiểu những sự co kéo, vướng trên, vướng dưới của hệ thống.

Cũng là đảng viên, số ĐB là cán bộ cơ sở có điều kiện gần dân, nghe được tiếng nói của dân chiếm khoảng 1/3 QH. Nhưng tuổi đời còn trẻ, chức vụ thấp thì xu hướng thường là thiếu tự tin, dễ ảnh hưởng bởi ý kiến người khác hoặc dễ tìm giải pháp an toàn: Đánh giá tín nhiệm mức chung chung, chẳng cao, chẳng thấp.

Phần lớn ĐBQH gánh nhiều vai, không hành pháp thì cũng là tư pháp hoặc cán bộ ban đảng, đoàn thể… Là người trong cuộc, họ hiểu sự phức tạp của hệ thống. Ở mức độ nào đó, họ cũng tự liên hệ với bản thân mình, không muốn có sự xáo trộn nào. Như thế, dễ có tâm lý thông cảm cho đồng chí của mình.

Số ĐB chuyên trách chiếm ngót 1/3 QH có lẽ nghiêm khắc nhất. Hiểu sâu sắc về chức năng giám sát nên họ có xu hướng khá độc lập trong nhận định, phân tích, cách đánh giá tín nhiệm có thể khắt khe hơn những người khác. Tuy nhiên, được xếp vào ngạch công chức, họ vẫn có những vướng víu nhất định, nhất là ĐB ở địa phương.

N.M.T.

Nguồn: Pháp luật TPHCM

Lương tâm nghề nghiệp hay ‘nồi cơm tòa soạn’?

17 Th6

Lương tâm nghề nghiệp hay ‘nồi cơm tòa soạn’?

Việc ra đời hàng loạt ấn phẩm, các trang tin, website không khiến cho đời sống tin tc phong phú hơn, mà đang tạo thêm hỗn loạn.

LTS: 21/6, ngày Báo chí Cách mạng VN, là dịp để tôn vinh những người làm báo, đồng thời cũng là cơ hội để người cầm bút phân tích và nhìn nhận những thách thức đang đặt ra  với báo chí hiện đại, như chuyện bản quyền, ranh giới giữa báo chính thống với lá cải, đạo đức nghề nghiệp…

Khi Nick Vujic đến Việt Nam bên cạnh đủ các ý kiến về các cuộc nói chuyện của anh, ngay lập tức xuất hiện cả những bài viết phỏng đoán việc “Chuyện ấy của những người như Nick”. Có người gọi những tin tức như vậy là “rác” rồi than trách truyền thông là càng ngày càng “lá cải hóa,” là “rẻ tiền.” Họ lên án các nhà báo đang chạy theo thị hiếu tầm thường của một “bộ phận” độc giả.

Bức tranh hỗn độn

Thì cũng đúng, bởi giờ đây, truy cập vào bất cứ website nào, tin “cướp, giết, hiếp” nhan nhản. Những “cặp giò” “bộ ngực” của các cô người mẫu, diễn viên đang cần lăng xê tên tuổi cứ “chình ình” trên đầu trang, “đập chan chát” vào mắt những độc giả vốn tò mò. Người ta soi đến tận “nách,” các cô, rồi lại bóng gió rằng các cô cố tình khoe, cố tình đánh bóng tên tuổi.

Tiếp theo là kết luận xã hội ngày nay tệ thế, xuống cấp thế, toàn án mạng và sex rẻ tiền, rằng báo chí bây giờ chả còn đáng tin nữa, suốt ngày chỉ đặt tít câu view. Thì cũng đúng, bởi báo chí vốn được coi là công cụ phản ánh thực tế xã hội. Bức tranh ấy giờ đây trở nên hỗn độn hơn bao giờ hết.

Nhìn từ góc độ sản xuất, các nhà báo có vai trò là những người “cầm bút,” vẽ lên bức tranh ấy. Các “họa sĩ” của những con chữ, tại các cuộc họp giao ban hàng ngày, hàng tuần, hay nhận email định kì thông báo các con số “lạnh lùng” về top những bài đạt nhiều lượng xem. Các hình thức thưởng phạt cũng được đưa ra dựa trên chính những con số đó.

Người ta hãnh diện vì bài báo của mình, website của mình có nhiều người truy cập, và tin tưởng rằng đấy là thước đo của sự thành công. Cũng đúng, bởi suy cho cùng thì báo chí cũng là những sản phẩm, và giá trị kinh tế của những sản phẩm ấy chính là việc có bao nhiêu độc giả đã sử dụng nó.

Nhà báo có bị ảnh hưởng bởi các con số đó không? Đương nhiên! Minh chứng rõ ràng là ngày càng nhiều các phóng viên đổ đến các sự kiện giải trí “vô bổ,” hoặc “thóc mách” chuyện đời tư của những người nổi tiếng. Thậm chí “ngồi rình” trên Facebook, đưa tin về những status mới của các ngôi sao.

Số lượng những ống kính chĩa vào các “khe hở” của quần áo cũng tăng theo mức độ “cải hóa.” Các từ thể hiện trạng thái mạnh như “choáng, sốc, hoảng hồn v.v.” in đậm tít báo khắp nơi. Chuyện “giật tít” quá đà để “đánh lừa” sự tò mò của các độc giả giờ được coi là thủ pháp hữu hiệu của các biên tập viên.

Ngày báo chí cách mạng, 21/6, nhà báo, phóng viên, tác nghiệp, trang tin điện tử, câu view
Hành lang nghị trường là nơi thuận tiện nhất cho báo chí có cơ hội  tác nghiệp, phỏng vấn chính khách về những chủ đề nóng trong đời sống. Ảnh: Lê Anh Dũng

“Vấn nạn” này nghe thì có vẻ lạ, nhưng không mới. Xét về mặt lý thuyết truyền thông, nếu nhà báo được coi là những “người gác cổng” thông tin thì xung quanh họ có rất nhiều các yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc họ đưa thông tin này, và bỏ qua thông tin kia, đặt bài này lên đầu trang, và đưa bài kia xuống cuối trang. Một vài ví dụ về các yếu tố đó như tòa soạn, cơ quan chính quyền, các doanh nghiệp quảng cáo, độc giả, hoặc chính bản thân các nhà báo v.v.

Các yếu tố tác động đến quyết định của nhà báo, hay cuối cùng là sản phẩm tin tức đã được các nhà nghiên cứu truyền thông đề cập đến từ những năm 50 của thế kỉ trước. Họ cũng chỉ ra rằng khi cạnh tranh trên thị trường báo chí càng gay gắt thì tình trạng báo chí bị “lá cải” hóa ngày càng mạnh hơn.

Nếu nhìn nhà báo ở vai trò trung tâm, thì trong cái vòng xoáy ảnh hưởng đó, họ luôn phải chịu một sức ép trong việc chọn lựa giữa việc làm theo “lương tâm nghề nghiệp” hay “nồi cơm” của gia đình mình, giữa “có việc” và “thất nghiệp.” Khổ nỗi những bản tin “hở hang, bạo lực” ấy nhìn trước mắt có vẻ như “vô hại,” nhưng nó lại giúp cho lượng view vọt lên nhanh chóng.

Cũng có nhà báo đã tự so sánh mình với nhân vật trong tác phẩm “Sống mòn” của Nam Cao, người vẫn luôn mơ ước viết ra những tác phẩm hay, nhưng lại bị những sức ép đời thường buộc phải sản xuất ra những thứ “bán được.”

Phải thừa nhận rằng, những năm gần đây, ngành công nghiệp truyền thông và các nhà báo đều đang vật lộn trong những cơn thăng trầm của nền kinh tế, những tác động của công nghệ kỹ thuật và một cuộc cạnh tranh hết sức “bát nháo” trong một thị trường báo chí, mà giá trị của các bài báo được tính bằng lượng hit, số view, và số lần bị copy “chùa” trên các trang khác.

Trách ai đây? Độc giả à? Tại họ cứ lao vào đọc những tin ấy, khiến cho các “cây cải” cứ lao lên top những bài được đọc nhiều nhất? Có người bắt đầu khuyên độc giả “hãy làm những người tiêu dùng thông thái” không tiêu thụ loại tin tức đã bị “muối” thành “dưa cải” ấy nữa.

Chỉ khuyến khích dễ dãi và cơ hội

Nhưng mặc những lời khuyên đó, các loại tin tức ấy vẫn cứ lọt top. Hiển nhiên, và không chỉ có người Việt, tò mò là bản tính của con người khắp nơi trên thế giới. Ở đâu cũng vậy, những tin tức về bạo lực và tin đời tư về những người nổi tiếng luôn thu hút độc giả.

Vậy cuối cùng hòa cả làng à? Không tại độc giả, không do nhà báo? Không bởi người sản xuất tin, và cũng không phải người tiêu thụ tin, vậy cơn lốc “sốc, sex, sến” đến từ đâu? Bên cạnh rất nhiều nguyên do khác, các lý do chính vẫn thuộc về vấn đề quản lý từ trong chính các tòa soạn lẫn ở tầm cao hơn như luật pháp.

Trước hết, phải nói rằng việc ra đời của hàng loạt các ấn phẩm, các trang tin, website không khiến cho đời sống tin tức phong phú hơn mà chỉ thêm vào đó sự hỗn loạn. Có những trang chỉ “sống” nhờ vào việc đăng lại bài từ các ấn phẩm khác. Trong khi luật bản quyền chưa được thực thi một cách nghiêm túc, việc tồn tại của các trang tin, website này làm cho các tờ báo có sản phẩm không giữ được sự độc quyền cho các sản phẩm của mình.

Bản thân các tòa soạn cũng cố tránh đến mức tối thiểu việc phê bình “người trong ngành” hoặc kiện tụng ra tòa. Thế là, chuyện copy “chùa” cứ ngang nhiên tồn tại bao nhiêu năm nay. Chỉ cần một bài báo có khả năng hấp dẫn độc giả được đưa lên, ngay lập tức, nó được các trang tin, website khác mang về.

Việc tít có thể đặt lại cho thu hút hơn, thậm chí kể cả việc sáng tạo ra những thứ không có trong bài viết để đưa lên làm tít. Đáng tiếc là chuyện như vậy không phải là hi hữu. Rất nhiều báo, nhiều trang coi đó là cách “kinh tế” hơn việc đi viết bài. Và bởi tay ai cũng “nhúng chàm” nên chả ai nói ai được.

Điều đó làm nản lòng, cũng như gây ra các thiệt hại về tài chính đối với các nhà báo, các tòa soạn, những nơi đã đầu tư, bỏ công sức viết bài đưa tin. Một thị trường báo chí như vậy sẽ chỉ khuyến khích các nhà báo, và các tòa soạn dễ dãi, và cơ hội.

Việc cho phép các ấn phẩm báo chí kiểu “tổng hợp” tin tức cũng khiến cho sức ép về tài chính đối với các ấn phẩm “nghiêm túc” tăng lên. Những người điều hành tờ báo luôn phải chịu áp lực với việc tăng số lượng truy cập, kéo thêm quảng cáo. Và để đạt được mục tiêu đó, họ gây áp lực lên chính các nhà báo, ảnh hưởng đến việc đưa tin và sản xuất tin bài theo xu hướng chiều lòng khán giả để kiếm hit, hoặc bỏ qua tin bài vì mối quan hệ kinh doanh.

Ranh giới rõ ràng

Cũng có những lập luận rằng ở nước khác báo lá cải vẫn tồn tại bao nhiêu năm nay đâu có sao? Đúng vậy, ở đó không thiếu các paparazi nhăm nhăm rình các ngôi sao “lộ hàng.” Có phóng viên ảnh còn chui vào tư gia riêng của họ để chụp trộm những bức hình riêng tư. Và đầy rẫy những ấn phẩm sống dựa trên những tin tức đầy mùi của “bạo lực và sex.” Những website đó, ấn phẩm đó vẫn có độc giả, và vẫn “sống tốt.”

Ngày báo chí cách mạng, 21/6, nhà báo, phóng viên, tác nghiệp, trang tin điện tử, câu view
Các trang tin, website không khiến cho đời sống tin tức phong phú hơn, mà chỉ tạo thêm hỗn loạn.

Tuy nhiên, chúng chỉ đơn thuần để thỏa chí tò mò, chứ ít khi có được uy tín của những tờ báo nghiêm túc. Người đọc không tìm kiếm những tin bài thời sự từ các ấn phẩm đó. Ở Mỹ chẳng hạn, sau khi cuộc tấn công ngày 11/9 nổ ra, người đọc “đổ xô” truy cập các website báo chí uy tín như New York Times hay Washington Post. Họ tìm đến đó, bởi họ biết thông tin từ đó mới là những thứ đáng tin.

Nói một cách khác, sự phân hóa trong thị trường báo chí ở các nước này và ranh giới giữa “lá cải” và “đứng đắn” là rất rõ ràng.

Trong khi đó ở ta, các tờ báo nghiêm túc đôi khi cũng bị nhuốm màu sắc lá cải chạy đua với những tin tức “hạng hai.” Nhiều người vẫn cho rằng với sự quản lý báo chí của Nhà nước, những gì đã lên trên mặt báo là đã được đảm bảo về tính xác thực. Sự thiếu rõ ràng đó đã làm ảnh hưởng đến lòng tin của độc giả, khiến họ gặp khó khăn trong đánh giá độ tin cậy của tờ báo.

Một nguyên do nữa cũng có những tác động hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp đến các sản phẩm báo chí. Đó là các tòa soạn không có, không áp dụng, hay chính bản thân các nhà báo không tuân thủ các nguyên tắc nghề nghiệp. Không ít nhà báo có vai trò kép, vừa làm nhà báo, vừa làm kinh doanh, ông bầu cho các ngôi sao, nhân viên quan hệ công chúng v.v.

Trong rất nhiều trường hợp các bài viết, bản tin được sử dụng như công cụ để phục vụ cho những mục tiêu khác ngoài thiên chức đưa tin khách quan về các sự kiện và vấn đề. “Sốc, sex, sến” nhiều khi nằm trong những kế hoạch “phi báo chí” ấy. Lượng hit ổn định đối với những bài viết dễ dãi như kiểu theo Facebook của người này hay người kia giúp cho họ tiết kiệm thời gian, mà lại làm đủ định mức.

Chúng ta đã thuộc lòng những câu kiểu như “báo chí có vai trò định hướng dư luận,” hay hơn nữa là báo chí chính “tạo nên những thực tế xã hội” thông qua việc cung cấp thông tin cho người dân. Bản thân báo chí vẫn tự cho rằng bằng việc đưa tin khách quan, chọn lọc tin tức hữu ích, họ giúp “nâng cao nhận thức,” “giáo dục cộng đồng.”

Song, hiện tại, tin tức “lá cải” tràn ngập khắp nơi như hiện nay, người đọc đang được “định hướng” bởi những bản tin, bài viết đầy mùi bạo lực và sex và với họ đó là một xã hội đang diễn ra, khiến cho lòng tin vào những điều tốt đẹp ngày càng mai một.

  • Vũ Tiến Hồng

Mỹ do thám Tổng thống Nga tại Hội nghị G20 – Vnn

17 Th6

Mỹ do thám Tổng thống Nga tại Hội nghị G20

Theo một tài liệu bị kẻ tiết lộ bí mật Edward Snowden phanh phui, năm 2009, gián điệp Mỹ đã nghe trộm điện thoại tối mật của Tổng thống Nga thời đó, Dmitry Medvedev, khi ông công du London.

rò rỉ, tài liệu mật, nghe trộm

Tài liệu trên cũng cho biết, một cơ quan tình báo Anh – GCHQ, đã giám sát các chính trị gia nước ngoài và xem trộm thư điện tử của họ, trong đó có Tổng thống Nga Medvedev, khi Hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức ở thủ đô London. Một số đại biểu còn bị lừa dùng internet ở các quán cà phê do cơ quan tình báo Anh mở ra nhằm đọc thư từ của họ.

Thông tin gây choáng trên được tiết lộ khi Hội nghị thượng đỉnh G8 lần thứ 39 theo kế hoạch diễn ra vào hôm nay (17/6) tại thị trấn nghỉ mát Lough Erne ở bắc Ireland. Đại diện tất cả những nước từng có mặt tại hội nghị hồi 2009 cũng có mặt.

Theo tài liệu bị rò rỉ, chi tiết vụ nghe trộm điện thoại của ông Medvedev đã được trình bày trong một cuộc họp báo ngắn do cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) chuẩn bị và nó được chia sẻ cho các quan chức cấp cao của Anh, Australia, Canada và New Zealand. Tài liệu trên được soạn thảo vào tháng 8/2009, bốn tháng sau khi Tổng thống Nga dự Hội nghị G20 tại London.

rò rỉ, tài liệu mật, nghe trộm 

Sau bê bối rò rỉ thông tin của NSA, quan chức Mỹ tuyên bố rằng chiến thuật do thám khổng lồ của nước này là vô cùng quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên, những tiết lộ gần đây về hành động của NSA và cơ quan truyền thông chính phủ Anh (GCHQ) cho thấy, đó không chỉ đơn thuần là một vụ gián điệp.

Những thông tin mà các nhà phân tích của GCHQ thu nhận được đã mau chóng được chuyển cho các đại diện Anh tại Hội nghị G20, giúp họ có lợi thế trong các cuộc thương thuyết.

Trong hội nghị thượng đỉnh ở London, GCHQ đã dùng “một năng lực tình báo vượt trội” để nghe lén liên lạc của các đại biểu nước ngoài. Cơ quan tình báo trên lập ra các quán cà phê internet, nơi họ dùng chương trình chặn thư điện tử và cài phần mềm keylog để giám sát các đại biểu sử dụng máy tính. Ngoài ra, cơ quan này còn đột nhập vào điện thoại BlackBerry của các đại biểu để giám sát các cuộc gọi và tin nhắn của họ.

  • Hoài Linh (Theo Guardian, RT)

Vẫn thu hồi đất, không trưng mua

17 Th6

Vẫn thu hồi đất, không trưng mua

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Do đó, không thể thực hiện “trưng mua” thay cho “thu hồi” đất. Đây là quan điểm chốt của Ủy ban Thường vụ trước khi Quốc hội thảo luận, thông qua luật Đất đai (sửa đổi).

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Đất đai (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trình bày sáng nay, Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho hay qua thẩm tra dự luật sửa đổi, có nhiều ý kiến tán thành quy định Nhà nước thu hồi đất.

 

luật đất đai, thu hồi, trưng mua
Chủ nhiệm UB Kinh tếNguyễn Văn Giàu. Ảnh: Lê Anh Dũng

Một số ý kiến đề nghị sử dụng khái niệm “trưng mua” đất đai thay cho “thu hồi đất” vì quyền sử dụng đất là một loại tài sản được pháp luật bảo hộ và bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp về trưng mua, trưng dụng. Việc thu hồi đất chỉ nên áp dụng đối với trường hợp vi phạm pháp luật đất đai. Có ý kiến đề nghị đối với tài sản hợp pháp của các tổ chức, cá nhân gắn liền với đất thì phải trưng mua.

Tuy nhiên, UBTVQH nêu quan điểm: đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu thông qua việc quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất và quy định thời hạn sử dụng đất; quyết định giá đất; quyết định chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra, trao quyền sử dụng đất, thu hồi đất.

Ông Giàu nhấn mạnh đến “các tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng đất”. Trong đó, quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt, nhưng không phải là quyền sở hữu; người sử dụng đất được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất… theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, luật trưng mua, trưng dụng tài sản (điều 13) quy định Nhà nước trưng mua nhà và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân khi đất nước trong tình trạng chiến tranh hoặc trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng theo quy định của pháp luật về quốc phòng và pháp luật về tình trạng khẩn cấp.

“Đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Do đó, không thể thực hiện “trưng mua” thay cho “thu hồi” đất” – ông Giàu phát biểu.

Thu hồi đất cho phát triển kinh tế, xã hội

Liên quan ý kiến đề nghị không thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội, UBTVQH cho rằng, để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp đã dự kiến quỹ đất sử dụng cho các mục đích, trong đó có quỹ đất dành cho các dự án phát triển kinh tế, xã hội.

Song, các dự án phát triển kinh tế, xã hội thuộc lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng phải do Nhà nước thu hồi đất để bảo đảm thực hiện, bao gồm các dự án, công trình quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, dự án, công trình quan trọng do Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư; dự án xây dựng khu đô thị mới, chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn, cụm công nghiệp, các dự án khác đã được HĐND cấp tỉnh thông qua; dự án thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản tại khu vực khai thác đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp tỉnh cấp phép thăm dò, khai thác theo luật Khoáng sản.

Điều kiện thu hồi được nêu rõ: “Khi thu hồi đất để tạo quỹ đất sạch và thực hiện giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua hình thức đấu giá, Nhà nước sẽ điều tiết được phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra, tạo nguồn thu để thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, của người sử dụng đất và của nhà đầu tư….”.

Linh Thư

//