Lưu trữ | 6:38 Chiều

ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY – GIÓ THỔI TRÀN QUA MẶT

24 Th6

ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY
GIÓ THỔI TRÀN QUA MẶT

 hong-ngat
   
Nguyễn Thị Hồng Ngát
Gió thổi tràn qua mặt
Tuổi năm mươi tri thiên mệnh lâu rồi
Chẳng hăm hở với chặng đường trước mặt
Chỉ ngậm ngùi thương phận gái hồng nhan
Bao gập ghềnh, khúc khuỷu, gian nan
Vẫn gắng vượt như đã từng gắng vượt
Gió thổi tràn qua mặt
Ta tốt với người sao người chẳng tốt cùng ta?
Hỏi ngàn câu e cũng bằng thừa
Gió vẫn thổi và trăng vẫn khuyết
Sông Hồng cô đơn ngàn năm mải miết
Dẫu phù sa vẫn cho hết đôi bờ
Trải rất nhiều sao vẫn ngu ngơ?
Lòng tốt trời ban cho vốn sẵn
Gió thổi tràn qua mặt
Lòng se buồn… chuyện ấy cũng thường thôi.
Lời bình của Hoàng Đăng Khoa:
“Gió thổi tràn qua mặt” cứ điệp đi điệp lại trong bài thơ như một nốt nhấn, xoáy sâu vào tâm linh người đọc. Hình ảnh ẩn dụ giàu tính sáng tạo này trở thành đốm sáng thẩm mỹ lay thức người tri âm cùng bình tâm suy ngẫm về những đa đoan của “phận gái hồng nhan” nói riêng, của kiếp người trong bể trầm luân nói chung. Ngày xưa đã thế và ngày sau vẫn vậy, gió cứthổi, “thổi tràn qua mặt”, cũng như “bao gập ghềnh, khúc khuỷu, gian nan” vẫnđến như đã từng đến và con người “vẫn gắng vượt như đã từng gắng vượt”. Cuộc đời không như bản tình ca. Chủ thể trữ tình trong bài thơ – người phụ nữ tuổi ngũ tuần – “ngậm ngùi” lần giở lại những trang đời của mình để mà “thương phận gái hồng nhan”, để mà “se buồn” bởi chút trống trải giữa hồn mình mơ hồ mà vững chãi. Bằng hình tượng ẩn dụ rất tráng lệ, rất giàu sức gợi: “Gió vẫn thổi và trăng vẫn khuyết Sông Hồng cô đơn ngàn năm mải miết Dẫu phù sa đã cho hết đôi bờ” tác giả đã hình tượng hoá được cái bi tráng đời mình. “Ta” giàu có bởi “lòng tốt trời ban cho vốn sẵn”, nhưng “ta tốt với người sao người chẳng tốt cùng ta?”. Vâng, “ta tốt với người sao người chẳng tốt cùng ta?” quả là một câu hỏi “thiên nan vấn”, câu hỏi cộng hưởng được cái niềm khát khao ngấm ngầm mà mãnh liệt được đồng cảm, thông cảm, sẻ chia, được lấp đầy khoảng trống ngăn hồn của muôn triệu con người. Bởi đời luôn xảy ra nhiều cái sự “mến chẳng nhằm người”, cái sự “tưởng giếng sâu nên cứ thả sợi gầu dài”, cái sự một lúc nào đó ngoảnh giật mình thảng thốt vỡ lẽ “chẳng mấy người thân” giữa“triệu người quen”, ngoảnh giật mình tự hỏi ai người tri âm giữa nhân gian dài rộng… Biển đời mênh mông, như một cuốn sách không có trang cuối cùng. “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”? Ta “trải rất nhiều sao vẫn ngu ngơ?”. Đây vừa là lời thắc mắc, vừa là lời tự ý thức, tự nhận chân của chủ thểtrữ tình – một con người đã “tri thiên mệnh”, đã xuyên qua bao ngọt ngào, bao cay đắng, bao nụ cười, bao nước mắt. Bởi trải đời, am đời nên nhân vật xưng“ta” “chẳng hăm hở với chặng đường trước mặt”, điềm nhiên, bình thản trước những trận “gió thổi tràn qua mặt”, coi “chuyện ấy cũng thường thôi”, bình thường hoá những gì xảy đến. Đời là thế, chẳng có gì là không thể xảy ra. Cứ hồn nhiên hết mình với đời. Dẫu đời còn nhiều phen làm ta thất vọng thì “chuyện ấy cũng thường thôi”. Một chút “se buồn” hồn nhiên làm con người mình thêm chiều sâu và sức quyến rũ. “Thiện căn ở tại lòng ta”. Hãy biết nâng niu, gìn giữ chút “lòng tốt trời ban” để đem phơi trải, ban phát, dẫu chỉ “để gió cuốnđi”./.
(Nguồn: Báo Quân đội nhân dân cuối tuần, số 912, ra ngày 20/6/2013)

Câu chuyện nước Mỹ: Những cái lạ trước Nhà Trắng – Hiệu Minh

24 Th6

Câu chuyện nước Mỹ: Những cái lạ trước Nhà Trắng

Tượng Andrew Jackson. Ảnh: HM

Lâu lắm, tôi mới có dịp dạo trong công viên Lafayette, một nơi lúc yên tĩnh, lúc ồn ào. Công viên rộng gần 3 hecta trước cửa Nhà Trắng, mang tên một vị tướng người Pháp Marquis De Lafayette, bạn thân của TT George Washington.

Lafayette từng tham gia trong cuộc cách mạng vì độc lập của Hoa Kỳ (1775–1783). Ông cũng tham gia cách mạng Pháp cùng thời, trở thành anh hùng của hai quốc gia.

 

Góc công viên chỗ đường Pennsylvania cắt với phố 17 có tượng Lafayette, đứng sừng sững chỉ tay vào… Nhà Trắng.

Công viên này còn có tên công viên Tổng thống vì trước Nhà Trắng, được bao hai bên bởi tòa nhà Jackson và Madison.

Trong công viên có bức tượng 5 tượng, bao gồm 4 vị tướng nổi tiếng trong cuộc cách mạng Hoa Kỳ và Andrew Jackson, vị tổng thống thứ 7 là được ngồi trên lưng ngựa, mấy vị còn lại đều đứng cả thế kỷ nay, mỗi ông đứng một góc và chỉ tay một hướng, chẳng hiểu đồng thuận ở đâu.

Điều đặc biệt, 4 vị tướng đều là người nước ngoài tham gia cuộc cách mạng giành độc lập cho nước Mỹ, chỉ có Jackson là người bản xứ.

Bốn tượng đều do quốc gia của họ đúc và gửi tặng Hoa Kỳ. Người Mỹ chi tiền đúc cho ông Jackson. Nhất cử lưỡng tiện, đã giầu lại giầu thêm.

Đây là nơi dân tứ xứ đổ về xem dinh Tổng thống và cũng là nơi thường xảy ra các cuộc biểu tình, nhất là khi chủ nhà tiếp các chính khách gây tranh cãi.

Ở chính giữa công viên là tượng Andrew Jackson, tổng thống thứ 7 của Mỹ, trên lưng ngựa, nổi tiếng trong trận chiến Battle of New Orleans. Ông là biểu tượng của cao bồi Mỹ, rất liều lĩnh và không biết sợ.

Jackson từng kêu gọi Quốc hội bãi bỏ phiếu đại cử tri nhưng không thành. Trong một comment, một bạn đọc có nhắc đến cuộc đấu súng giữa Tổng thống Mỹ và tình địch của vợ, chính là ông này.

Lúc chết ông hối hận có hai điều “had been unable to shoot Henry Clay or to hang John C. Calhoun – không bắn hạ được Henry Clay và treo cổ John Calhoun”, hai nhân vật nổi tiếng trong Hạ viện”, chắc bố Jackson này toàn bị Hạ viện bỏ phiếu chống Tổng thống.

Đây là tượng người trên lưng ngựa lần đầu tiên được Clark Mill tạc năm 1853 tại Mỹ. Nằm chính giữa công viên, tượng Jackson được nhiều du khách chụp ảnh nhất trong 5 bức tượng vì nằm chính giữa.

Rochambeau chỉ một hướng. Ảnh: HM

Phía Tây Nam là bức tượng của viên tướng Pháp Comte de Rochambeau, người có công lớn trong việc đoàn kết giữa Mỹ và Pháp trong cuộc chiến Mỹ – Tây Ban Nha.

Phía Đông Bắc là tượng Andrzej Tadeusz Bonawentura Kościuszko. Kosciusko là viên tướng người Ba Lan, ông cũng là người anh hùng của Ba Lan vì đã đưa Ba Lan có tên trên bản đồ thế giới. Bức tượng này do kiều dân Ba Lan tại Mỹ đóng góp tiền.

Cuối cùng là tượng Friedrich Wilhelm von Steuben, viên tướng người Đức tham gia đoàn quân liên quốc gia giúp Hoa Kỳ giành độc lập. Chả hiểu bức tượng này có do người Đức góp tiền không vì dân Đức giống dân Scotland.

National Mall có hai phố Independence – Độc lập và Constitutions – Hiến pháp, bao quanh khu rộng 3 km x 1 km, được gọi là Quảng trường Quốc gia.

Để làm nên nước Mỹ cần có độc lập. Nhưng những vị tướng đầu tiên chiến đấu cho độc lập nước Mỹ lại toàn là người nước ngoài. Tính quốc tế của người Mỹ rất đáng nể từ mấy trăm năm nay.

Ngay trước cửa Nhà Trắng là cái lều biểu tình của bà cụ Connie Picciotto cắm tại đã 32 năm. Thật lạ, giữa một nơi sang trọng như thế mà cảnh sát để cái lều trơ trọi, trông bẩn thỉu, một bà già mặt mũi hom hem.

Dân chúng đi qua chụp ảnh thoải mái, hỏi chuyện chống chiến tranh, bà nói lầu lầu về VN, về Iraq, về bom nguyên tử. Mình thề là bà cụ này chưa nhìn thấy quả bom khinh khí nó tròn méo ra sao.

Bà Connie nói chuyện với khách. Ảnh: HM

Mỗi lần có sự kiện lớn, bà Connie phải thu lều đi sơ tán, sau đó lại về cắm trại tiếp. Chẳng hiểu ai cho ăn, uống, tắm rửa thế nào.

Lần nào ra mình cũng ghé thăm, hỏi han đủ chuyện. Hỏi bao giờ về hưu, cụ bảo, sẽ hạ cánh khi thế giới hết…chiến tranh.

Hôm đó còn thấy ông đạo Hồi, râu ria xồm xoàm, ngồi giữa trời nóng, và thỉnh thoảng cầu nguyện, chổng mông lên trời, ngay trước mũi nhà Obama.

Phía bờ rào có mấy người biểu tình ngồi, chống ai đó, đòi thả ai đó. Chắc không phải đòi đất bị lấn chiếm như nông dân mình.

Ra chỗ này lúc nào cũng có biểu tình, khi thì vài người, có khi lên tới hàng ngàn. Ngày thường cũng có, ngày cuối tuần đông hơn, lúc nào sự kiện lớn càng đông.

Mình từng chứng kiến các bác nhà mình thăm Nhà Trắng, được bà con gốc Việt đón tiếp bằng cờ vàng và khẩu hiệu, tràn ngập cả công viên Lafeyette. Các cụ đi biểu tình vào ngày trời nóng nên ngồi la liệt dưới bóng cây trong công viên. Lúc nào loa gọi lại ra hò tiếp.

Nếu quen với chuyện biểu tình bên Mỹ thì chẳng có gì đáng ngại. Tổng thống Mỹ đi đâu cũng thế, nơi mừng, nơi la ó, hàng ngày làm việc, cứ ra khỏi cổng là thấy biểu tình.

Đa phần dân Mỹ chẳng quan tâm ai chống ai và vì cái gì nếu họ đang có việc làm, giống mấy con vịt ngủ đứng một chân, đầu chui vào cánh trong công viên. Thậm chí nếu nước nào có bức tượng đẹp, sang trọng mà gửi sang Lafayette, có khi họ vẫn cho đặt trong công viên cho vui.

Một đất nước tự do nên Hiến pháp cho dân chúng khi mất việc làm hay bức xúc cái gì đó, ra công viên mà hò hét, lại được cảnh sát bảo vệ.

Thăm qua Lafayette cũng thấy độc lập, tự do, dân chủ, nhân quyền và luật pháp đi với nhau, làm nên nước Mỹ. Cách sắp đặt tượng đài cũng đủ hiểu tầm tư duy toàn cầu.

Đi dạo 30 phút trong công viên và Nhà Trắng cũng thấy nước Mỹ có nhiều cái…lạ.

Gửi bà con vài ảnh phóng sự do Cua Times chụp hôm thứ 6 vừa rồi. Chúc bạn đọc vui đi làm đầu tuần.

HM. 23-06-2013

Người đạo Hồi làm lễ trước Nhà Trắng. Ảnh: HM

Cụ đạo Hồi biểu tình giữa trưa hè. Ảnh: HM

Biểu tình ngồi. Ảnh: HM

Các bác nghỉ giữa hai hiệp. Ảnh: HM (chụp 2007)

Lafayette chỉ hướng khác. Ảnh: HM

Viên tướng Ba Lan. Ảnh: HM

Viên tướng người Đức. Ảnh: HM

Dưới một chân bức tượng. Ảnh: HM

Lều biểu tình của bà Connie. Ảnh: HM

Khuôn viên Nhà Trắng. Ảnh: HM

Đùi đẹp đi xe đạp. Ảnh: HM

Kệ đời, mũ ni che tai. Ảnh: HM

Dân tứ xứ thăm Nhà Trắng. Ảnh: HM

Nhà của Obama. Ảnh: HM

Cứu đại gia hay cứu người nghèo?

24 Th6

Cứu đại gia hay cứu người nghèo?

-‘Hầu như tiếng nói của người nông dân chưa có vị trí xứng đáng trong chính sách, định hướng phát triển kinh tế.Sự bất bình đẳng các ưu tiên, hỗ trợ của Nhà nước cho ngành nông nghiệp so với các ngành khác vẫn tồn tại’, độc giả Tuần Việt Nam phản ánh.

LTS: Tuần qua, sau khi bài viết Sau 24 năm cường quốc, Việt Nam có gì?đăng tải, đã có hàng trăm ý kiến tâm huyết của độc giả gửi về Tuần Việt Nam. Có thể coi đây là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy ngành nông nghiệp và người nông dân  vẫn nhận được rất nhiều sự quan tâm, chia sẻ.

 

Cái chết được báo trước

Theo nhìn nhận của hầu hết các ý kiến, những khó khăn, rào cản đối với người nông dân đến từ mọi mặt, từ khâu sản xuất cho đến khâu đầu ra của sản phẩm. Như bạn đọc Cao Tiến tổng kết: “Buổi đầu đổi mới, nông nghiệp được coi là cái ngòi để đổi mới, đến khi đã có thành tựu thì nông nghiệp lại trầm kha. Phải chăng chúng ta đang quay lưng với người nông dân?”.

Giống, phân bón, điện, xăng, v.v… “các chi phí đầu vào để phục vụsản xuất nông nghiệp đều không ngừng leo thang”, bạn đọc tại Email …newriver@gmail.com chỉ ra. “Không những thế, vấn nạn vật tư nông nghiệp, điển hình là phân bón, giống lúa giả vẫn ngày càng nghiêm trọng”.

Độc giả Nguyễn Anh Minh phân tích: “Một đất nước có đến 70% dân sốlàm nông nghiệp, vậy mà từ giống, phân bón, thức ăn gia súc… đều phải nhập khẩu, chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài. Hàng hoá, sản phẩm nông nghiệp thì nhập bán tràn lan, thậm chí là nhập lậu, miễn là có lãi cho các ngành các cấp bỏ túi”.

Không những vậy, nông dân muốn tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất cũng không hề dễ dàng. “Trên lý thuyết, nông dân vẫn được Nhà nước hỗ trợ rất nhiều bằng các ưu đãi cho vay của ngân hàng. Nhưng thực tế, muốn vay ưu đãi thì 10 người chỉ được 1, còn lại là phải “chung chi”, bạn đọc tại Email: Windsofheaven…@gmail.com, phản ánh.

Khi sản phẩm ra thị trường càng khó trăm bề. “Một thị trường buông lỏng, hàng TQ tràn lan không kiểm soát, hoặc kiểm soát nửa vời, đến nỗi hàng TQ độc hại cũng dán mác VN, nền nông nghiệp là cái chết được báo trước”, độc giả tại Email …rau@yahoo.com, cảnh báo.

Một độc giả khác, có Email quanhay@… chỉ ra: “Xuất khẩu nông sản gặp khó khăn do không tiếp tục tìm thêm khách hàng, uy tín xuất khẩu kém theo kiểu treo đầu dê bán thịt chó. Sản phẩm qua nhiều trung gian khi thu mua, dẫn đến chi phí, giá thành cao nên không có khả năng cạnh tranh. Nông dân thì bị ép giá”.

Trong khi đó, hầu như tiếng nói của người nông dân chưa có vị trí xứng đáng trong chính sách, định hướng phát triển kinh tế của đất nước. Sự bất bình đẳng các ưu tiên, hỗ trợ của Nhà nước cho ngành nông nghiệp so với các ngành khác vẫn tồn tại.

Bạn đọc Nguyễn Văn Bảo cho rằng: “Giá cả tấn thóc không đủ đóng học phí cho con đại học thì thử hỏi người nông dân sống thế nào? Sao không có chủ trương “lương tối thiểu” cho người nông dân làm nông nghiệp, nếu không đạt mức thì được nhà nước trợ cấp?”

“Buồn thay, khi bất động sản, ngân hàng gặp chút khó khăn thì ai cũng “kêu gào”, nhưng khi nông dân gặp khó có mấy hội nghị, các ban ngành TƯquan tâm như vậy đâu”, bạn đọc tại Email …2011@yahoo.com nêu ý kiến.

Xuất khẩu gạo, nông sản, độc quyền, nông dân
Xuất khẩu nhiều gạo nhưng đời sống người nông dân vẫn khó khăn

“Sản phẩm của người nông dân làm ra rất vất vả không kể hết nhưng chỉcần có bão lụt là chết. Trong khi đó, các công ty lương thực thì rất tệ, lãi to, lãi nhiều thì chia lương”, độc giả tên Minh bức xúc.

Còn bạn đọc Vũ Bá Tiến cho rằng: “Tổng mức đầu tư cho ngành được coi là giá đỡ của nền kinh tế này chỉ chiếm tỷ trọng rất thấp, thậm chí nhiều lúc bị lãnh quên. Vì sao vậy? Vì họ là những người đông về sốlượng, nhưng tiếng nói lại bị coi là ít trọng lượng so với thiểu số đại gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, bất động sản, chứng khoán…”

“Tất cả các chủ trương của chúng ta có tác dụng chăng chỉ tập trung cho việc thu hồi đất, bám vào việc lấy đất để xây dựng các dự án. Còn tình cảnh người nông dân và nhất là đầu ra của sản phẩm thì phó mặc cho thị trường với bao sức ép”, bạn đọc tên Hưng tại Email: ctvkbbs@…

Theo độc giả Lê Xuân An: “Những nhà quản lý của chúng ta vẫn mang đậm tính chất tiểu nông và ăn xổi. Không biết buôn bán trong khi được độc quyền về xuất khẩu, về giá, vậy mà lúc nào cũng kêu lỗ… Hình như”nguyên lý” cứu kẻ giàu chứ ai cứu người nghèo vẫn đúng, và nhóm lợi ích thao túng chính sách là có thật”.

“Ngay những nước có nền kinh tế phát triển lâu đời vẫn có sựnâng đỡ, điều tiết của nhà nước đối với các ngành, chẳng hạn gói cứu trợ của Mỹ. Điều đáng buồn là trong khi Nhà nước ta tung gói cứu trợ BĐS thì nông nghiệp và người nông dân lại đang bịbỏ rơi. Với 70% nền kinh tế vẫn là nông nghiệp thì đây là sựthất bại về mặt chính sách”, độc giả Quang Hồng so sánh và kết luận.

Hành động trước khi quá muộn

 

Trước câu chuyện của ngành nông nghiệp, nhiều độc giả đã chỉ ra những tồn tại lớn nhất nằm ở bộ máy, phương thức quản lý, lập chiến lược.Đồng thời cũng không ít “kế sách” được nêu ra.

 

Độc giả Đăng Quang chỉ ra tình trạng manh mún: “Làm sao mà công nghiệp hóa, hiện đại hóa được nông nghiệp khi mà đất đai nông nghiệp phân tán mỗi người một mảnh nhỏ, tự ý trồng cấy theo ý chủ quan của mình. Sẽ là không tưởng khi hi vọng hàng triệu người nông dân thống nhất với nhau vào một hiệp hội”.

“Hiện nay các cơ quan quản lý nông nghiệp còn ít quan tâm đến chức năng, nhiệm vụ của mình. Cả một bộ máy của ngành nông nghiệp ở địa phương chủ yếu là thụ động, trông chờ ngân sách phân bổ, làm vài ba công trình, dự án không mang tính căn cơ. Nhiều khi còn góp phần vào việc nông dân sản xuất theo “phong trào”, gây hậu quả là sản phẩm làm ra chẳng ai mua”. Bạn đọc tại Email …hv@gmail.com, nêu thực trạng.

Đồng thời, bạn đọc này cũng kiến nghị: “Xin Bộ trưởng Phát quan tâm “tái cơ cấu” lại cơ quan quản lý và đội ngũ cán bộ làm công tác nông nghiệp trước khi “tái cơ cấu” các cái khác”.

“Các nhà lãnh đạo nói chung đã không còn coi sản xuất nông nghiệp là mặt trận hàng đầu nữa và như thế đầu tư cho nông nghiệp quá khiêm tốn. Vì vậy, cần nhìn thẳng vào sự thật là việc đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại không dễ dàng như mọi người đã tưởng, nông nghiệp cần phải được đặt vào đúng vị trí đích thực của nó, người nông dân cần phải được tôn trọng hơn, có tiếng nói hơn…”, bạn đọc tại Email kien…@gmail.com, nhận định.

Nhiều độc giả góp ý cần phát triển dựa theo quy luật giá trị, theo quy luật cung cầu, cái gì mang lại lợi ích, hiệu quả lớn hơn thì tập trung vào làm. Định hướng phát triển nền nông nghiệp cần hội nhập với thế giới.

“Ở thời đại ngày nay, vấn đề tổ chức sản xuất nền nông nghiệp hiệnđại, kết nối với nhu cầu, thị trường của thế giới, khâu tiếp thị chếbiến nông sản để xuất khẩu rất quan trọng”, độc giả Nguyễn Chí Bằng nêu ý kiến.

Theo độc giả Minh Tiến: “Đã đến lúc chúng ta gác lại chiến lược đảm bảo an ninh lương thực và chuyển sang sản xuất hàng hóa và kinh tế thịtrường. Vì chúng ta vẫn định hướng đảm bảo an ninh lương thực nên việc nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thị trường xuất khẩu (gạo) bịlãng quên là dễ hiểu.

“Bây giờ làm gì phải tính đến hiệu quả, chúng ta không nên sản xuất nhiều gạo, trong khi thế giới chẳng thèm làm vì hiệu quả kinh tế thấp. Thế nên phải chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả hơn, và xuất khẩu ra thế giới”, độc giả Nguyễn Thắng đề xuất.

Bức xúc với chính sách độc quyền xuất khẩu gạo, bạn đọc Phan Thanh Lâm, cho rằng: “Cứ cho tư nhân được phép tham gia xuất khẩu gạo, thay vì trông chờ hết vào Hiệp hội lương thực VFA, thì mọi chuyện xong xuôi. Tại độc quyền xuất khẩu lúa gạo, giống như độc quyền xuất nhập xăng dầu, nên nông dân mới khổ”.

Một số độc giả gợi ý Việt Nam nên học tấm gương ở một nước rất gần VN là Thái Lan. “Tại sao ở Thái Lan có 4 từ “trợ giá nông sản”, còn ở VN thì người nông dân chưa bao giờ được biết đến 4 từ đó? Sau 1/4 thế kỷ,tiền xuất khẩu nông sản của ta đã đi đâu hết rồi?”, độc giả tại Email …2002@yahoo.com.

“Hãy nhìn sang Thái Lan để học cách họ giúp đỡ nông dân của họ bằng việc mua lúa của nông dân với giá cao hơn thị trường hiện tại như thế nào. Tôi đề nghị nhà nước cần giúp người nông dân chuyển đổi sang trồng các giống lúa cũng như các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, có lãi”, độc giả Quang Hồng nêu ý kiến.

Đồng quan điểm trên, độc giả Lê Hoàng cho rằng: “Thái Lan không ham danh hiệu quốc gia xuất khẩu gạo số 1 thế giới, mà chấp nhận tăng giá gạo xuất khẩu để bảo đảm lợi nhuận của người nông dân. Còn VN, phải chăng vì mục tiêu chuyển thành nước công nghiệp tiên tiến mà chúng ta cốtình bỏ quên ngành nông nghiệp “sống chết mặc bay”? Để 70% nông nghiệp này dần chuyển thành công nghiệp, dịch vụ, hãy hành động trước khi quá muộn”.

Hòa Trần (tổng hợp)

Thế giới 24h: Xả súng đẫm máu ở Trung Quốc

24 Th6

Thế giới 24h: Xả súng đẫm máu ở Trung Quốc

– Một người đàn ông Trung Quốc đã ra tay sát hại 6 người trong ngày 22/6; Tân Hoa xã tố cáo Mỹ là “tội phạm Internet lớn nhất thế giới”… là những tin đáng chú ý.

Nổi bật

Theo tờ China Daily, tối 22/6, cảnh sát Thượng Hải (Trung Quốc) đã bắt một người đàn ông vì tội giết hại 6 người khác, trong đó có 4 đồng nghiệp, một lái xe cùng một người lính gác.

Hung thủ họ Fan, 62 tuổi. Tin tức cho biết, vào chiều 22/6, do tranh chấp kinh tế, Fan đã đánh chết một đồng nghiệp họ Zhang tại một nhà máy hóa chất ở quận Baoshan, Thượng Hải.

Trung Quốc, xả súng, giết người, tội phạm, Thượng Hải
Cảnh sát bên ngoài nhà máy hóa chất, nơi Fan giết hại các đồng nghiệp. (Ảnh: THX)

Sau đó Fan lấy cây súng săn giấu trong căn hộ tập thể của ông ta, yêu cầu một người lái xe chở sang quận lân cận. Trên đường đi Fan đã xuống tay sát hại người tài xế và lái xe quay lại.

Tiếp đó, Fan bắn chết một người lính đứng gác ở cổng một doanh trại quân đội, rồi lấy súng của anh này. Trở lại nhà máy trên, Fan dùng khẩu súng săn của mình giết thêm ba người khác.

Đến khoảng 23h15 cùng ngày, hung thủ Fan đã bị lực lượng cảnh sát tóm gọn. Hiện cảnh sát địa phương đang tiếp tục tiến hành công tác điều tra vụ án này, China Daily cho biết thêm.

Tin vắn

– Edward Snowden, người tiết lộ chương trình gián điệp Mỹ, đã rời Hồng Kông đi Moscow (Nga) trên chuyến bay của hãng Aeroflot.

– Tân Hoa xã đã có bài bình luận về vụ cựu điện viên Edward Snowden, trong đó cáo buộc Mỹ là “tội phạm Internet lớn nhất thế giới”.

– Ngày 22/6, hơn 250.000 người đã xuống đường biểu tình ở nhiều thành phố của Brazil. Một số nơi đã xảy ra đụng độ với cảnh sát.

– Lực lượng tuần duyên Philippines chặn bắt một tàu hàng treo cờ Trung Quốc gần quần đảo Carnasa và Malapascua, phía bắc Cebu.

– Tổng thống Mỹ Barack Obama gia hạn thêm một năm hiệu lực chế độ tình trạng khẩn cấp trong quan hệ với CHDCND Triều Tiên.

– Triều Tiên nói Mỹ làm leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, kêu gọi Washington có hành động thiết thực nếu muốn hòa bình.

– Cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton vừa có phát biểu hé lộ về khả năng bà có thể chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016.

– Giới chức Ấn Độ hôm 22/6 cho biết đã có 560 người chết và hàng chục nghìn người mất tích ở miền bắc nước này do lũ lụt và lở đất.

– Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas chấp thuận đơn từ chức của Thủ tướng Rami Hamdallah, ba ngày sau khi ông này nộp đơn.

– 11 người, trong đó có 10 du khách người nước ngoài, đã bị bắn chết tại một vùng núi hẻo lánh ở miền bắc Pakistan rạng sáng 23/6.

– Hai người thiệt mạng sau khi một máy bay nhỏ bị rơi và bốc cháy khi đang trình diễn ở sân bay quốc tế Dayton (Ohio, Mỹ) đêm 22/6.

Tin ảnh

Trung Quốc, xả súng, giết người, tội phạm, Thượng Hải
Đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc Sin Son-ho hôm 21/6 đã có cuộc họp            báo hiếm hoi tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ. (Ảnh: EPA)

Phát ngôn

Hôm 21/6, Đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc Sin Son-ho tuyên bố, thái độ thù địch của Mỹ có thể “dẫn đến chiến tranh bất cứ lúc nào”.

Theo ông, chính Mỹ đã đẩy căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tới đỉnh điểm khi gọi hạt nhân là đe dọa và hỗ trợ quân sự cho Hàn Quốc.

Kỷ niệm

Theo Wikipedia, ngày 24/6/1939, Plaek Phibunsongkhram đã đổi quốc hiệu Xiêm thành Thái Lan. Ông là thủ tướng thứ ba của quốc gia này.

Thanh Vân (tổng hợp)

Vĩnh biệt viện sĩ – bác sĩ Dương Quang Trung – TN

24 Th6

Vĩnh biệt viện sĩ – bác sĩ Dương Quang Trung

(TNO) Người thầy thuốc cao cả, đóng góp rất nhiều cho ngành y tế nước nhà vừa vĩnh viễn ra đi.

Khoảng 19 giờ hôm nay 23.6, thi thể của viện sĩ – bác sĩ Dương Quang Trung được đưa về đến sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM.

Bác sĩ Dương Quang Trung vừa mất vào đêm 22.6 tại một bệnh viện ở Singapore.

Trước đó, vào đầu tuần này, bác sĩ Dương Quang Trung đột ngột lâm bệnh (bệnh bóc tách động mạch chủ ngực), được đưa vào cấp cứu ở Viện tim TP.HCM.

 duong quang trungBác sĩ Dương Quang Trung (phải) và giáo sư Alain Carpentier, Pháp (người đồng sáng lập Viện tim TP.HCM)

Sau khi qua cơn nguy kịch, các bác sĩ hội ý với nhau đưa bác sĩ Dương Quang Trung sang Singapore để điều trị.

Đích thân bác sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán y khoa Medic đưa bác sĩ Dương Quang Trung sang Singapore.

Qua Singapore điều trị được hai hôm, tình trạng có đỡ. Dự kiến đầu tuần tới sẽ về lại Việt Nam, nhưng chiều 22.6, bệnh tình của bác sĩ Dương Quang Trung đột ngột trở nặng. Ông qua đời lúc 19 giờ cùng ngày.

Bác sĩ Dương Quang Trung sinh năm 1928 tại Cà Mau, cha ông là một nhà nho yêu nước, mẹ là nữ hộ sinh.

 

bs-tu-tran-2
 Bác sĩ Dương Quang Trung trong ngày nhận Huân chương Quốc công (năm 2006) do nước Pháp trao tặng

 bs-tu-tran-3

Ông là người đầu tiên giữ cương vị Giám đốc Sở Y tế TP.HCM (vào tháng 7.1975); là người sáng lập ra Viện tim TP.HCM, và Trung tâm Đào tạo & Bồi dưỡng cán bộ y tế (nay là Trường đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM).

Ông cũng là người lập nên các trung tâm y tế chuyên sâu của thành phố, mà ngày nay là các BV chuyên khoa mũi nhọn hàng đầu của khu vực phía Nam, gồm: BV Ung Bướu, BV Chấn thương chỉnh hình, BV Tai – Mũi – Họng, BV Phạm Ngọc Thạch, BV Mắt TP.HCM, BV Truyền máu huyết học…

Ông cũng là người chủ trương phát triển y tế cơ sở, và y tế tư nhân, được anh em trong ngành gọi thân mật là  “anh Tư Trung”.

Bác sĩ Dương Quang Trung lấy bằng tiến sĩ y khoa tại Pháp năm 1958, và sau đó trở thành bác sĩ phẫu thuật lồng ngực của Viện Hàn lâm quốc gia về phẫu thuật của Pháp.

Ông từng được nước Pháp phong viện sĩ, tiến sĩ, và trao Huân chương Quốc công (do Tổng thống Cộng hòa Pháp Jacques Chirac ký tặng)…

Tin, ảnh: Thanh Tùng

>> Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Hồ Đức Việt từ trần >> Chủ nhân giải Nobel Y học năm 1965 từ trần >> Nhà thơ nghiệp dư và nỗi đau Hàn Mạc Tử” từ trần >> “Vua voi” Ama Kông từ trần >> Cựu vương Campuchia Norodom Sihanouk từ trần

Thiên nhiên và thế giới bên kia [Trích tiểu luận triết học: Scientia sacra] – VHNA

24 Th6

Thiên nhiên và thế giới bên kia [Trích tiểu luận triết học: Scientia sacra]                              

   Hamvas Béla                                               

 

1.

Truyền thống cổ dạy rằng con người ở mức độ nhập định cao có thể thu được những kiến thức tạo khả năng tiếp xúc với thế giới của những người chết. Ở Ấn độ mức độ này gọi là pradzsapati, ở Iran gọi là amsaspand, ở Judea là sefiroth. Tên gọi này ở Ai cập không còn, nhưng chắc chắn mức độ này từng có ở đây, giống như trong truyền thống Viễn – Đông, có liên quan đến số mười của dãy số. Trong ý nghĩa này Pitago đã tiếp nhận tri thức và sự dạy dỗ của Pitago là bí truyền huyền học.

Nền tảng và ý nghĩa của sự tiếp xúc với thế giới của những người chết ở khắp nơi đều là cái mà thời cổ cho là cần thiết và tất nhiên phải giữ gìn: sự sống mở. Thế giới bên kia trong thiên nhiên vật chất là sự bổ sung cho đời sống đã sống. Sự sống chỉ được gọi là mở, nếu quan hệ giữa hai thế giới được duy trì.

Và nếu chỉ kẻ nhập định có khả năng giữ gìn mối quan hệ với thế giới bên kia trong một tri thức cao, thì sự tiếp xúc với thế giới này lại được đời thường bảo hộ trong vô vàn kiểu cách.

Ở La mã dưới thời các vua chúa, các gánh xiếc, các cuộc đua ngựa, các bể tắm, caena romana, như Schuler viết, là các nghi thức mà ý nghĩa của chúng là sự bảo tồn cách thức mở ra của sự sống. Nhưng các lares, ở Judea các patriarka (những kẻ cai trị), ở Iran các fravasi, ở Ấn độ các pitri, ở Trung quốc các vị tiền bối, ở Mexico và Peru, ý nghĩa của sự thành kính với người chết cũng y như vậy. Ý nghĩa nền văn hóa người đã khuất ở mọi dân tộc cổ như nhau.

Ở Ai cập có vẻ như đời sống tự nhiên hoàn toàn mờ nhạt bên cạnh đời sống của người chết: trọng tâm của sự sống không phải ở đây mà ở bên kia.

Quan hệ với thế giới bên kia cần phải giữ gìn để đời sống đừng bị khóa kín, để các sức mạnh từ đây và từ đó phản chiếu tự do, hay nói cách khác để người sống với người chết, để các vị tiền bối với các thế hệ sau, để cha và con đừng đứt đoạn với nhau.

Để: những người của thế giới bên kia có thể truyền tri thức và sức mạnh của họ cho những quy định của người sống? Không. Đây chỉ là tầm quan trọng thứ yếu.

Con người lịch sử chỉ mơ hồ cảm nhận về sự sống mở, họ khó tưởng tượng sự giữ gìn hướng mở của sự sống đối với thời cổ nghĩa là gì. Họ khó tưởng tượng nổi bởi mức độ tinh thần hóa cao, rõ ràng, tỉnh táo của đời sống cổ họ không hề biết. Bí ẩn của đời sống cổ là hướng mở của nó không gì so sánh nổi. Và đời sống mở chỉ có nghĩa như sau: giữ gìn mối quan hệ với tinh thần của những người chết.

Về mức độ pradzsapati trước mắt chỉ có thể nói như sau: thời cổ sự hóa thân (emanacio) và đời sống nhân tạo (kreatura) được phân biệt cẩn thận và rành rọt: đâu là thực thể chiếu rọi và thực thể được tạo ra.

Thực thể đầu là sự chiếu rọi của Thượng Đế Vĩ Đại, công cụ giúp đỡ của sự tạo dựng. Truyền thống biết đến mười hóa thân; sự hóa vào thân xác của mười thiên thần chính. Hình ảnh tượng trưng của thiên thần chính là mười con số.

Ngoài mười thực thể này ra mọi thực thể, sự việc, sự vật khác không là sự chiếu rọi nữa mà là sự tạo dựng. Không có quan hệ trực tiếp với Thượng Đế Vĩ Đại nữa mà chỉ có quan hệ gián tiếp. Pradzsapati, amsaspand, sefiroth là các mức độ của sự nhập định, khi linh hồn con người cởi bỏ bản chất tạo dựng, quay lại đứng trước sự trở về với Tinh Thần Tạo Hóa trực tiếp.

Có mười pradzsapati. Truyền thống Iran và Do thái, muộn hơn là văn bản gnostic tìm thấy những cái tên khác nhau của mười con số.

Kẻ nào bước vào vòng của sự sống, biết thể hiện toàn bộ bản chất của mình cho các quy định tinh thần chỉ đạo và tạo ra thế gian, kẻ tách xa khỏi cái Tôi riêng biệt, từ bỏ mọi đam mê, không bao giờ còn ước vọng, mong muốn, mục đích cá nhân nữa, kẻ đó không bao giờ được coi là một linh hồn được tạo dựng. Nó biến thành tia chiếu rọi, thành công cụ trực tiếp: đấy là mức độ pradzsapati, amsaspand, sefiroth.

Mối quan hệ với người chết do pradzsapati giữ gìn và chỉ nó được phép. Vị trí này của đời sống chỉ linh hồn được phép sử dụng, kẻ bản thân đã thiêng liêng hóa và đã thức tỉnh. Đây là mahamudra, còn gọi là Ghế Thượng Đẳng, là Hành Vi Vĩ Đại, là vị trí cai trị thế gian.

Bởi vì pradzsapati sở hữu một kiến thức có thể nâng lên từ thế giới người chết những sức mạnh nó muốn. Pradzsapati vì vậy sát cánh cùng vua chúa với các lời khuyên, trong cộng đồng nó điều khiển sự giáo dục, sự phê phán, tôn giáo và điều hành nhà nước.

Với thế giới của người chết pradzsapati giữ gìn mối quan hệ hợp luật. Nhưng có kẻ khác cũng có thể học kiến thức này, dù với kẻ khác sự tiếp xúc với thế giới bên kia là bất hợp pháp. Đấy là phù thủy. Hắc đạo sĩ. Kẻ một cách đen tối, không hề thức tỉnh, chỉ sở hữu hóa quá trình kỹ thuật, và thường xuyên sử dụng các sức mạnh của thế giới bên kia cho mục đích riêng.

Cần hiểu trước hết về pradzsapati như sau: cần phải phân biệt sự tỉnh táo dương tính (solaris) và sự tính táo âm tính (lunaris).

Tỉnh táo âm tính là sự nhạy cảm mạnh mẽ trong thế giới mê tín: trong một vòng mà cả thực thể, sức mạnh, vật thể, sự liên hệ, bản năng đều không có tỷ lệ, mức độ, hình dạng xác định. Sự nhạy cảm âm tính có thể nhìn thấy và nhận thức sự vật ngoài vòng ý nghĩa, để có thể hiểu bằng ấn tượng, bằng điềm báo. Nhưng mức độ chắc chắn của kinh nghiệm trong mơ hồ lấp lửng này giống như sự rờ rẫm của người mù.-

Còn tỉnh táo dương tính là sự tỉnh táo trực giác trí tuệ, là thứ mở, có quan hệ, nhìn thấu, dẫn dắt, nắm lấy, tạo liên hệ, chiếu sáng, thông qua và nhìn đến tận đáy sự vật. Nó sắc sảo, nhanh như tên bay, lóe lên, tuyệt đối, sáng và rực rỡ.

Giữa âm tính và dương tính, sự tỉnh táo-Mặt Trăng và sự tỉnh táo-Mặt Trời có một khác biệt quan trọng nhất: âm tính không, chỉ dương tính có LOGOS.

Bởi vậy sự tỉnh táo dương tính” có logic” còn âm tính thì không. Cái dương tính nhìn rõ ràng, biết lý do của mọi bước tiếp diễn, có lý tính, phù hợp, tuyệt đối thấu suốt và có trí tuệ. Điều này đi kèm với nội dung tinh thần có thể diễn đạt, đặt tên, tuyên bố một cách dễ dàng. Đây là cái”có logic”. Còn những hình ảnh, các mối liên hệ của tỉnh táo âm tính mờ mịt, bí ẩn”mê tín”, khó hiểu, rất khó khăn để truyền tải và không bao giờ có mối liên hệ với tri thức.

Mức độ pradzsapati là hiện thực hóa sự đồng nhất của tính táo dương tính và âm tính. Với các khả năng của bí ẩn, mức độ này khám phá, thông báo, cảm nhận, rò rẫm, nhận biết và đánh hơi; Với tri thức, mức độ này khơi đào, thấy và thống trị.

Cảm nhận và logic cùng lúc: pradzsapati tiếp cận các giá trị từ vòng tròn vô hình của sự sống bằng sự nhẹ nhõm của giấc mơ, từ điều này thu thập ở đấy- trong phân vân – cảm giác như ánh trăng mơ hồ nhưng cần thiết; nhưng không gì thống trị được nó, quyến rũ được nó, làm lu mờ, thôi miên được nó, bởi mức độ pradzsapati thu các kinh nghiệm vào vòng trí huệ rực rỡ và trưng ra bằng tri thức sáng rạng của mình.

Chỉ mức độ này của sự nhập định đủ khả năng duy trì mối quan hệ với thế giới của những người chết một cách vô tội: bản năng mê tín và nhận thức sáng tỏ cùng lúc, là sự hợp nhất những nguyên tử của thế giới Mặt trăng và Mặt trời.

Bởi vậy ở Ai cập người ta gọi giáo chủ là con của Mặt trời và Mặt trăng. Hình ảnh tượng trưng của Mặt trời là con mắt phải, của Mặt trăng là con mắt trái: con trai của Mặt trời và Mặt trăng ở giữa hai mắt, trên mũi, dưới trán linh hồn bất tử ẩn náu.

Ở Ai cập giữa trán các linh mục đã đạt tới mức nhập định cao đều đeo một con rắn bằng vàng: hình ảnh tượng trưng của sự tỉnh táo. Đây là pradzsapati.

2.

Thời cổ tất cả các dân tộc thấy vương quốc của thế giới bên kia một cách gần như giống nhau. Hai vòng tròn mà Veda gọi là con đường của các vị thần và con đường của các vị tiền bối, các truyền thống đều chọn lựa.

Con đường của các thần là sự xâm nhập thẳng tắp của linh hồn đã nhập định, đã thức tỉnh vào sự sống vĩnh cửu bất tử, nơi nó hợp nhất với Brahman, hay đúng hơn, biến thành Átman. Linh hồn này đã thức tỉnh, một lần và mãi mãi ra khỏi vòng quay, bởi đã trở về nhà, về sự sống bất tử trên cùng. Đây là Dévajana.

Còn linh hồn đi trên con đường của các vị tiền bối, vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ với thiên nhiên vật chất. Đây là pitrijana. Con đường của các vị tiền bối. Vị trí của họ ở thế giới bên kia là Mặt trăng, trong truyền thống heber là Seol, ở Mexico là Tlalokan, ở Ai cập là Amduat, trong truyền thống Hy lạp cổ là Hades. Những kẻ đã chuyển dời sống ở đây, trong sự tỉnh táo âm tính, trong sự sống suy thoái, trong trạng thái run rẩy, như „các mùi hương” – nói theo cách của Heracleitos.

Sau khi ý thức ngủ yên, linh hồn còn ở trong thân xác một thời gian, đợi thân khí nhẹ nhõm đủ điều kiện ra đi sang thế giới bên kia, chỉ lúc đó linh hồn rời bỏ thân xác. Theo truyền thống Heber và Ai cập thời gian này là ba hoặc ba ngày rưỡi. Hình ảnh tượng trưng của linh hồn thời gian này là cái đầu có hai khuôn mặt.

Khi thân – khí phát triển, linh hồn chuyển dời đến re-staun, bước qua ranh giới giữa sáng và tối, và ra khỏi ban ngày. Linh hồn đi đến devajana nhẹ nhõm bay lên thẳng. Trong đời sống trần thế, khi nhập định, người ta làm thức tỉnh sự tỉnh táo của nó. Nó làm được điều lớn nhất mà linh hồn có thể làm được: tỉnh táo bước qua ngưỡng của cái chết.

” Không quên mất tên của mình”- như người Ai cập thường nói. Bởi trong bóng tối, kẻ sống ở đó không có tên. Pert em heru (Tử thư Ai cập) bảo: „Không rời khỏi đây như một kẻ đã chết, mà như một kẻ đang sống.” Ở Tây tạng bởi thế Latma ngồi cạnh kẻ hấp hối và đọc Bardo Tödol ( Tử thư Tây tạng) cho họ nghe để duy trì sự tỉnh táo trong họ, để”rời bỏ như một kẻ đang sống”, để đừng rơi xuống suy sụp, và trở thành con mồi của bóng tối.

Còn linh hồn đến với pitrijana, kẻ trong đời trần thế sống một đời sống mê muội, sự nhập định bị cá nhân hóa một cách không hoàn chỉnh, bị các đam mê quyến rũ, nhầm lẫn mình một cách đui mù với cái Tôi kinh nghiệm, ở ngưỡng của cái chết, nó suy sụp:”quên mất tên của mình”

Nó rơi vào bóng tối. Cư dân sống trong bóng tối không có tên. Ở ngưỡng, các quái vật tấn công. Sách tử thư của Mexico nói trước hết là rắn rết và cá sấu tấn công. Bão tố ập đến. Nóng bức ngạt thở tiếp đón. Linh hồn khủng khiếp chạy trốn, nhưng nó nhận ra chân nó quay về. Ở Ai cập ma quỷ tấn công và đớp tứ chi của kẻ chuyển dời.

Còn kẻ trong đời sống trần thế từng tốt bụng, cao cả, tham dự, vô tư, quái vật không hành hạ: nó rơi vào vương quốc của hạnh phúc. Quan tòa của thế giới bên kia đo trái tim của nó, như người Ai cập thường nói, sau đó nó tới Thiên đường Phía Tây Vĩ đại. Đây là Sekhethetepet. Theo người Hy lạp đây là khu vườn của Hesperis, theo người Tây tạng đây là csenrezi. Vương quốc này tất cả mọi truyền thống đều thấy ở phía tây.

Linh hồn thưởng thức hoa trái của các hành động tốt của mình. Nhưng niềm hạnh phúc thiên đường không vô hạn và vô tận. Linh hồn này chưa giải phóng khỏi ảo ảnh. Nó vẫn cần một lần nữa quay trở lại vòng quay của đời sống. Khi vốn của các hành động tốt đã hết, nó cần phải tham dự vào vòng quay của thế gian.

Hành động tốt, sự cao cả, sự chia xẻ, sự bố thí, đời sống tôn giáo không giải phóng nó; duy nhất chỉ: sự tỉnh táo; nhận thức, rằng hạt nhân của linh hồn người là linh hồn vĩnh cửu và bất tử- nó cởi bỏ ảo ảnh, vĩnh viễn phục hồi từ mọi nhầm lẫn. Bất kỳ trạng thái thiên đường nào cũng không là cuối cùng. Linh hồn không hề được giải phóng, ảo ảnh từ mọi nhiễu nhương, cái là đời sống, một lần nữa hút nó quay lại.

Còn những kẻ vô trách nhiệm, ích kỷ, độc ác, đam mê, ác ý, những kẻ tội ác chất chồng tội ác, rơi xuống địa ngục. Địa ngục là mức độ thấp nhất của thế giới trên thế giới tự nhiên; là thứ đứng gần thế giới vật chất nhất và trực tiếp có quan hệ.

Những linh hồn đầy rẫy các liên quan vật chất sống ở đây. Trong chúng vẫn đầy dục vọng, đam mê, luôn luôn chực xông vào thế giới tự nhiên, nếu có thể, chúng đột nhập và đi đây – đó, chỗ nào chúng có thể ăn uống thoải mái, cất dấu tài sản, nơi, nhà là chỗ chúng thực hành những hành động đê tiện của chúng.

Phần lớn những thực thể thế giới bên kia như vậy, trong vòng quay thấp nhất, các linh hồn sống trong Hades. Con người lịch sử sống với niềm tin đấy là những linh hồn có tên là các tiền bối truyền thống. Làm gì có chuyện đó!

Thời gian lịch sử, nếu cố gắng hiểu truyền thống luôn luôn xảy ra sai lầm sau đây: trong mọi trường hợp đều dùng cái Tôi cá nhân làm nền tảng. Trong khi đó nền tảng của tư duy cổ là cái Tôi phổ quát. Không phải dzsiva, mà là atma, không phải cá nhân con người kinh nghiệm, mà là con người vĩnh cửu, homo aeternus.

Khi truyền thống nói đến các vị tiền bối, không nói về từng vị tiền bối của con người cá nhân, mà muốn nói đến những người cha và những người mẹ của con người phổ quát.

Những mẩu vụn về tri thức pradzsapati được giữ gìn trong cuốn Agroucsada Parikcsai của Hindu. Kỷ vật này nói: Pitrik là những linh hồn của các bậc tiền bối, những người sống bên ngoài vòng tự nhiên vật chất, có mối quan hệ vô hình nhưng luôn luôn với con người và họ điều khiển những sức mạnh của thế giới bên kia hướng về phía trái đất.

„Buổi ban đầu của thời gian các pitrik nổi dậy chống lại Tạo Hóa, đánh mất tính hoàn hảo của sự sống. Một phần của các linh hồn từ lúc đó đến nay thông qua đời sống trần thế quay lại với sự sống; một phần khác sống đời sống trần thế, nhưng không được giải thoát; những phần linh hồn này chờ đợi một đời sống mới nếu năm của thế giới kết thúc, và một thế giới mới xuất hiện.

Nhưng một phần khác của các linh hồn chưa được sinh ra, bởi không rơi vào vật chất. Hoặc giữa bọn họ một vài người có thể xuất hiện trong hình dạng con người trần thế, như một vị vua lớn, một thủ lĩnh, một nhà tiên tri hoặc một nhà thông thái. Nhưng phần lớn các linh hồn này chưa mang lên mình số phận trần thế. Những linh hồn này là những người giữ gìn đời sống của nhân loại, là những người cha của nhân loại.”

Truyền thống cổ đặt tên các linh hồn này là pitrik, đây là những người đánh thức các tư tưởng cao cả trong con người, những người điều khiển số phận của các dân tộc, những người bản năng hóa nguồn cảm hứng tiên tri.

Tri thức pradzsapati chính là: cùng với sự thống nhất của thức tỉnh âm tính và dương tính các pitrik biết phân biệt sự khác nhau giữa nguồn cảm hứng của CHA và bản năng thực thể tầm thường của thế giới bên kia. Đây là điều mà các phù thủy và các hắc đạo sĩ không làm được. Chính vì phù thủy chỉ là sự thức tỉnh âm tính nên phù thủy không phải kẻ biết phân biệt.

Các bậc tiền bối không phải là tiền bối của cái Tôi cá nhân con người, mà là những người cha và những người bảo hộ của nhân loại, là những linh hồn cao và trong sạch với tri thức sâu sắc không gì đo nổi.

Pradzsapatitạo dựng quan hệ với tinh thần của CHA, bảo vệ và duy trì sự tiếp xúc này. Chính vì vậy nhân loại đứng dưới sự bảo trợ của các bậc tiền bối tốt đẹp. Bởi vì nếu con người bị đứt đoạn với tinh thần của các vị tiền bối, sẽ rơi vào sự thống trị của các sức mạnh ma quỷ tồn tại trong vật chất. Đấy là lúc bắt đầu của thời kỳ lịch sử.

3.

Quá trình tạo dựng quan hệ với thế giới bên kia ở một vài dân tộc primitiv vẫn được gìn giữ. Dân tộc nguyên thủy (primitiv) -một tinh thần cao bị lạc hậu trở lại, một mảnh vỡ, như dân da đỏ hoặc da đen, Malaj hoặc Papua – vẫn duy trì nghi lễ mở sự sống trong một hình thức méo mó.

Phần lớn các nghi lễ này đầy rẫy các yếu tố phù thủy, gần với pháp thuật đen hơn là các tiết điệu pradzsapati. Chỉ cần nêu lên hai nghi lễ pháp thuật như thế là đủ: một do bộ lạc Bắc-Mỹ giữ gìn, một do dân du mục phía đông Tây tạng.

Ở bộ lạc da đỏ chân đen Bắc –Mỹ nếu cần một quyết định quan trọng cho cả bộ lạc, lúc đó thày phù thủy đi hỏi các linh hồn. Nghi lễ này công khai, cả làng tham dự. Giữa lều những cái cọc vót nhọn cao quá đầu người rào quanh một vị trí nhỏ vài ba mét.

Thày phù thủy bước vào khi toàn bộ bộ lạc đã có mặt. Thày phù thủy bị trói chặt bằng những cái thắt lưng đến mức không thể động đậy, rồi bị khâu vào một mảnh da thú, đặt nằm xuống đất ngoài chỗ đóng cọc. Lúc đó người ta cất tiếng hát, đệm theo là tiếng còi và chuông. Thày phù thủy bị khâu và bị buộc bắt đầu gọi hồn, luôn luôn bằng giọng to và ngày càng gấp gáp. Tiếng hát và nhạc ngày càng mạnh hơn.

Bỗng thày phù thủy nhảy dựng lên. Không ai hiểu bằng cách nào. Lúc đầu thày phù thủy nhảy những bước ngắn bên ngoài khu vực đóng cọc, các bước nhảy ngày càng rộng hơn. Thật vô lý nhưng đúng như thế. Giữa chừng thày phù thủy tiếp tục gọi hồn bằng thứ ngôn ngữ khó hiểu đối với bộ lạc. Những người già nói đấy là ngôn ngữ cổ, một vài từ họ hiểu vì gợi nhớ đến ngôn ngữ của cha mẹ họ.

Điệu nhảy ngày càng man dại, sau cùng thày phù thủy bằng một cú nhảy duy nhất nhảy qua hàng cột cao hơn đầu người và rơi vào khu vực đóng cọc. Thật không thể tưởng tượng nổi! Lúc đó những âm thanh hỗn độn loạn óc vang lên từ trên trần lều. Gió gào thét, những cây chống cương lên, lều căng phồng như muốn đứt. Âm thanh này cũng gào rú bằng ngôn ngữ như của thày phù thủy. Hỏi nhau, trả lời, thày phù thủy hỏi, hồn trả lời. Bỗng một tiếng hét thấu tận xương cất lên. Một sức mạnh kinh hoàng nâng thày phù thủy lên tận nóc lều. Rồi bỗng nhiên câm lặng.

Thày phù thủy bám vào nóc lều, trần như nhộng. Sau nghi lễ những người già của bộ lạc họp nhau lại lắng nghe lời nhắn nhủ của các bậc tiền bối.

Một nghi lễ khác từ miền đông Tây tạng. Môi trường bên ngoài ở đây: một dàn nhạc lớn với những cái còi, kèn, trống, dàn đồng ca gồm những phụ tá cho thày phù thủy. Thày ngồi trên ghế giữa đám đông dân chúng. Một vài phụ tá nhảy những bước nhảy có nhịp điệu xung quanh.

Ngagsz– người đạo sĩ bắt đầu run bần bật, nói thật nhanh bằng một ngôn ngữ lạ, thì thào, thở dài. Những người xem tưởng như thấy các sức mạnh siêu giác muốn xé quần áo và ngửi tứ chi của đạo sĩ. Những âm thanh lạ tràn ngập. Nhiều lần delog xuất hiện, đấy là thân-khí quay trở lại trái đất và kể lể số phận của nó.

Cho dù thày phù thủy không muốn liên hệ với nó, nhưng không thể đuổi nó đi. Bởi vì lúc đó các hồn khác sẽ giận, sẽ làm khó dễ và một số hồn sẽ bỏ đi. Sau cùng xuất hiện một hồn có thể trả lời các câu hỏi. Ngagsz– đạo sĩ đọc chân kinh (mantra), đọc thần chú và hồn cần phải trả lời.

Hình thức bên ngoài kỳ lạ của các nghi lễ này thường gây hiểu lầm. Con người thích đặt giả thuyết, rằng toàn bộ chỉ là một trò ảo thuật. Sự thật điều xảy ra ở các hình dạng kỳ quái này ở Ấn độ, Ai cập, Trung quốc, Tây tạng đều có tri thức về nó, đây là nền tảng của kỹ thuật tiếp xúc với những người chết.

Một vài văn bản cổ, chủ yếu như Pho-va của Tây tạng còn kể rõ những lúc đó cái gì xảy ra. Kẻ nhập định dưới sự điều khiển của người thày, người biết rất rõ từng phần nghi lễ, triệu tập hồn người chết, nhận lấy tri thức của họ và bằng một cách thế nào đấy để hiểu. Đi hết các bước nhập định thiếu người thày rất nguy hiểm. Không thể thực hiện nghi lễ pho-va thiếu người thày.

Linh hồn con người cần đi hết con đường từng bước một mà người chết đã đi: cần bước qua re-staun, kéo các quái vật về phía mình, cần đọc các chân ngôn (mantra) đúng lúc, nếu không như người ta nói: các hồn khác sẽ chiếm mất thân xác và sẽ bị mắc kẹt trong thế giới của người chết.

Nghi lễ ở nơi đây còn nguy hiểm hơn, bởi một phần của các hồn –khí, ngửi Pho-va. Các hồn- khí tụ tập và tranh giành nhau xem kẻ nào chiếm được thân xác sống. Có một dạng ma, ở Tây tạng người ta gọi là những kẻ cướp hơi thở, chúng chuyên đi cướp hơi thở ( prana, hay còn gọi là hồn-hơi thở).

Những sinh linh khí sống ở Hades cũng mang sự đói sống vô giới hạn và với tất cả những gì liên quan đến sự sống, chúng tranh giành không biết hổ thẹn. Nhưng không có gì làm chúng thèm khát hơn là máu: nơi nào có máu chảy ở đó hàng triệu sinh linh khí tụ tập. Bởi vậy các dân tộc primitiv thời cổ, hoặc dân Aztek thường duy trì lễ hiến người hoặc lễ vật sống để làm dịu lũ ma và mong muốn chúng giúp đỡ.

Về những nghi lễ nhầm lẫn như vậy Baader cho rằng những nạn nhân đẫm máu phần lớn do các tổ chức bộ lạc gây ra, là liên minh của các cộng đồng dân tộc thiểu số với quyền lực của sự tăm tối này. Nạn nhân thật sự là sự lạm dụng bằng nghi lễ này.

Ở Mexico sự đúng đắn của kết luận này có thể nhận thấy ngay. Các dân tộc thiểu số ít ỏi muốn thống trị, câu kết liên minh với Thần chết Chính trị: bởi vì các cảm hứng bản năng quyền lực trong mọi trường hợp chính là thần chết.

Còn các Thần tinh thần lớn như CHA, như các vị tiền bối không hề biết đến tính dân tộc cũng như các tính chất thiên vị khác. Bản năng của thần Chết Chính trị bao giờ cũng dẫn đến đổ máu: đến các cuộc cách mạng, chiến tranh, xung đột, giết chóc. Còn bản năng của Cha là phục vụ cho hòa bình và quyền lợi của nhân loại phổ quát.

4.

Tạo quan hệ với thế giới bên kia là một quá trình có thể học. Quá trình này những kẻ đã nhập định thời cổ đều biết, đến Pitago cũng biết và có thể đã dạy nữa. Có thể tóm tắt tri thức về việc sử dụng quá trình này như sau:

Bước chuyển qua thế giới của những người chết xảy ra bằng sự chuyển giao kiến thức. Các bước của chuyển giao kiến thức đồng nhất với các bước của sự chuyển dời. Kẻ nhập định cần phải tỉnh táo, hay nói khác đi: bước thứ hai, sự sáng sủa cần phải được duy trì.

Truyền thống cổ nối kết quá trình phức tạp này, như lời tuyên ngôn của tất cả sức lực-khả năng-tài năng với nguyên tắc mang giới tính nữ. Người đàn bà, Sakti, kẻ sinh trưởng và được sinh trưởng, hay nói cách khác là nữ thần của thế gian được tạo dựng. Là nguyên tố của các sức mạnh được tạo dựng. Như vậy kẻ nhập định cần thu thập những sakti, sức mạnh, khả năng, sẽ giúp cho nhiệm vụ của nó.

Mức độ pradzsapati quay về phía các nữ thần cao nhất: về với các dạng hình Sakti vĩ đại và tỏa sáng, về với Sự Thông Thái, Sophia. Thày phù thủy và đạo sĩ không được kén chọn. Họ thỏa mãn với bất kỳ sự giúp đỡ của sức mạnh nào. Dạng hình của những sức mạnh phép thuật ở Tây tạng gọi là dákini, ở Mexico gọi là cinapipiltin, ở Peru gọi là huitaka.

Niềm tin dân gian gọi những hóa thân này là các phù thủy. Đây là các nguyên tố siêu việt, ở Trung quốc các Po giúp các thày phù thủy gặp gỡ các linh hồn của thế giới bên kia, và bằng sự giúp đỡ này thực hiện các khả năng con người, các hành động. Ở Hy lạp cổ nữ thần của các phép màu là nữ thần Hekaté. Những người đàn bà hầu hạ nữ thần và trong câu chuyện Argounauta ai cũng biết về phép thuật của Médeia– của nữ giáo chủ Hekaté. Hekaté là hoàng hậu của thế giới âm tính, trong không gian của thế giới bên kia Hades có một quyền lực lớn.

Công việc đầu tiên của thày phù thủy là thuyết phục và chinh phục những dákini, hay cinapipiltin, hay huitaka như thế, để linh hồn-po có được sự tính táo âm tính. Tiểu sử Naropa, một ngagsz-pa (đạo sĩ) Tây tạng nổi tiếng viết tỷ mỷ từng phần sự vất vả này của thày phù thủy, với các nghi lễ, các lời kinh, các mantra (chân ngôn) để sau cùng có được sự tham dự của dákini.

Rút cục Naropa thu thập được một dákini mahámudra đã bị giết, hay khả năng phù thủy của dákini này. Khi kẻ nhập định đạt đến mức độ này sẽ trở thành sziddhi. Dấu hiệu nhận biết của sziddhi là được ở trong vòng của Hekaté, mẹ Mặt trăng. Có sự tỉnh táo âm tính. Lúc này nó đã bước qua cõi người, nhưng chưa đạt đến không gian của các thần. Đã có khả năng siêu việt, nhưng chưa biết thần thánh hóa những khả năng này cho nhân loại phổ quát.

Trong ba cấp độ: con người (manava) đạo sĩ (sziddhi) và thần (divja) nó mới đạt đến mức độ thứ hai. Thày phù thủy mà truyền thống sufi gọi là araff– nếu đi vào con đường tăm tối, nếu muốn trở thành hắc đạo sĩ và không muốn cái khác chỉ muốn thực hành quyền lực siêu nhiên, sẽ dừng lại ở sziddhi này. Và thỏa mãn với việc giải phóng hay đình chỉ các sức mạnh mê tín theo ý muốn của mình.

Sziddhikhông thể tạo dựng mối quan hệ với CHA. CHA không truyền vào các hành động thấp và đen tối. Các linh hồn biết nhận liên hệ sziddhi và sử dụng nó, trong Hades, là ma quỷ -khí sống trong thế giới âm tính bên kia, là neküdaimonesz, như người Hy lạp thường gọi, là linh hồn – po, như người Trung quốc gọi.

Việc sử dụng các sức mạnh siêu nhiên ở pradzsapati mang tính chất phép thuật thần diệu (theurgical); còn ở thày phù thủy chỉ mang tính chất ma thuật. Sự khác biệt này cần nhắc lại và nhấn mạnh.

Theurgicallà sự thu thập các khả năng siêu nhiên, để dự phần vào sự sáng sủa và cao cả của thần trong linh hồn người, và phản chiếu sự sáng sủa cùng cao cả này xuống nhân loại phổ quát.

Ma thuật chỉ phục vụ quyền lợi của cái Tôi con người, tìm sự bảo trợ, phòng ngừa, đảm bảo các mong ước, tấn công. Kết quả của phép thuật thần diệu (theurgical) là pradzsapati tự thu lấy và thành bản chất bằng tinh thần của sự sáng sủa, bằng ánh sáng siêu việt.

„ Tinh thần của CHA- Manu nói- nếu kẻ nhập định trích dẫn một lần, sẽ đi theo kẻ đó một cách vô hình, và trở thành tất cả kẻ đó; CHA phù trợ trên tất cả các con đường của nó, và nếu nó ngồi xuống, họ sẽ ngồi bên cạnh.” Nhưng đi theo đạo sĩ chỉ là những sinh linh của Hekaté mà thôi.

5.

Từ nền tảng của những thấu định này giờ đây có vẻ như không còn quá đặc biệt khi truyền thống cho rằng nhiệm vụ của pradzsapati là duy trì mối quan hệ với các linh hồn sống ở thế giới bên kia.

Sự nhập định được truyền bá, để dạy dỗ học trò sự chuyển giao tri thức và làm cho nó nhận biết về đặc tính của thế giới bên kia. Các sinh linh sống ở thế giới bên kia cũng có cơ thể, nhưng theo hình dạng lửa-khí, khí ê ter, khí trong suốt. Khi Heracleitos nói: pszükhai oszmontaikat’Haiden– nghĩa là: các linh hồn trong Hades có sự nhậy cảm khí của chúng, nghĩa là: chúng sống trong cơ thể ê ter.

Nhưng ở thế giới bên kia không chỉ có Hades. Kẻ nhập định cần nhận biết về tất cả các vương quốc khác nhau phù hợp với các tầng khác nhau của sự thức tỉnh. Ở thế giới bên kia chỉ những sự thức tỉnh ở mức độ có họ hàng với nhau cùng chung sống, thậm chí chỉ những kẻ đó nhìn thấy nhau.

Khi ý thức của người sống bắt đầu rò rẫm bằng sự thức tính âm tính, tất nhiên nó khám phá trong vương quốc thấp nhất. Và đây cũng là nơi nguy hiểm nhất. Những linh hồn nổi loạn bị đọa đầy lang thang nơi đây, những kẻ sống trong nỗi ham mê vật chất, những linh hồn-lửa tẩy rửa, những ma quỷ sơ khai (elementális) những ma quỷ vật chất, những kẻ ác khát máu, những kẻ bị tống ra khỏi mọi thế giới, và ở đây chúng sống một cuộc đời ngoại luật.

Một vài kỷ vật của truyền thống cổ, nhất là Agroucsada Parikcsa của Ấn độ nhấn mạnh, những ma quỷ -khí này đặc biệt độc ác, tuyệt vọng so với các linh hồn người đã bị kết án, hay đang bị đày đọa ở địa ngục, ở gyehenna (vạc dầu).

Abbé Constan từ nền tảng của các tác phẩm Kabbala hiếm hoi, cho rằng các sinh linh trong hình hài khí này chỉ hơi thở của vũ trụ lay động được chúng, còn vật chất có tác động không cưỡng nổi đối với chúng. Chúng luôn luôn cố gắng quay lại trái đất và tìm kiếm sự hoạt động ở đấy. Chúng chen lấn vào những giấc mơ, xô đẩy nhau đến nơi chúng phạm tội. Nhưng trong những tia nắng vũ trụ chúng từ từ tan rã.

Đấy là những linh hồn không chuộc lại lỗi lầm phạm ở thế gian mà sống ký sinh trong những linh hồn độc ác trong hình hài pha tạp. Constant gọi chúng là các phôi thai (embrió), có họ hàng với linh hồn-po. Các sinh linh khí đại đa số không bao giờ từ bỏ bầu khí quyển của thế gian và cũng không thể bước qua nổi.

Trong dạng hình con sâu con, chúng bị đầy đọa và thèm khát, chủ yếu là với cái nóng và máu. Những con sâu con này chạy trốn trước ánh sáng, và” chỉ một tia lóe lên của tri thức cũng đủ để chúng suy sụp và rơi chìm vào bóng tối vô tận của vũ trụ”

Sampson từ nền tảng của những văn bản Ai cập và Alexandria cho rằng trong những thời kỳ đen tối, nhất là giữa các cuộc chiến tranh và cách mạng, những sinh linh -khí tuyệt vọng này tràn ngập trái đất. Đôi khi còn xảy ra chuyện những thiên thần hư hỏng cũng bước xuống trần gian. Không bao giờ có chuyện các quyền lực đen tối lại đến mà không có lời mời hoặc sự ủy quyền.

Những sinh linh (được gọi là) các nhân vật lịch sử, những kẻ làm đảo lộn trật tự, khiến các dân tộc căm ghét lẫn nhau, triệu hồi chiến tranh, gây đổ máu, làm nghèo đói và hủy diệt hàng triệu người, đẩy họ vào đói rách, biến họ thành những người sống ngoài pháp luật. Đấy là những sinh linh ma quỷ bẩn thỉu và bỉ ổi, như truyền thống nhân chủng học đã dạy, là độc nhất trong tạo hóa, những kẻ trong chúng thiếu tia lửa vĩnh cửu thượng đế, Ngọn Lửa Sống.

Chúng đã đánh mất tia lửa này như thế nào và bao giờ, truyền thống không nói đến. Sách thiêng Irán gọi những sinh linh này là đội quân của Ahriman. Hindu gọi là ráksaszagandhava. Những kẻ này là tông đồ của Typhoon, là những kẻ tôi đòi của Séth, là những đứa con của sự bất mãn, của tội ác và sự phản bội mà Henoch gọi là nephilim.

Nếu sức mạnh của CHA trên thế gian không đủ lớn, và các bậc tiền bối không rải đủ sự sáng sủa cho con người, lúc đó những đứa con của sự bất mãn và tội ác nắm quyền lực. Hoạt động của pradzsapati là cùng sự giúp đỡ của CHA hãm phanh các quyền lực đen tối. Sức mạnh của con người với điều này không đủ. Cũng như toàn bộ nhân loại cùng nhau không đủ sức xua đuổi ảnh hưởng của thế giới bên kia. Sự ảnh hưởng này đối với con người là không thể nắm bắt và đạt tới, nhưng cái chính, quyền lực của ảnh hưởng này mạnh hơn con người.

Pradzsapati, amsaszpad, szefirothlà kẻ duy nhất có quan hệ với CHA và có thể yêu cầu CHA hãm phanh quyền lực của sự đen tối. Pradzsapati biết điều mà kẻ nhập định cần học ngay từ bậc thang đầu tiên: trong sự sống không bao giờ được đối mặt với con người. Con người là những linh hồn sống bất lực trong tự nhiên vật chất, là những kẻ mà hoạt động của họ do các quyền lực dẫn dắt.

Kẻ nào muốn can thiệp vào số phận trần thế, cho dù muốn thành thủ lĩnh, muốn đưa ra những lời khuyên hay dạy dỗ, đều không đối mặt với con người mà với các quyền lực. Và các quyền lực đen tối không phải sức mạnh người là là các Vị thần của ánh sáng. Pradzsapati là linh mục của các quyền lực ánh sáng, của CHA.

6.

Sau khi bước qua ngưỡng của cái chết, Veda nói, đầu tiên tất cả các linh hồn đều bay vào Mặt trăng. Kẻ nào sống một đời sống vô đạo đức, ngu muội, mù mờ từ Mặt trăng trong dạng hình đầu tiên quay trở lại trần thế. Ai sống một đời sống thức tỉnh, vượt qua mặt Trăng bay lên với Brahman để đồng nhất với nó.

Cách hiểu về hình ảnh tượng trưng của Mặt trăng giờ đây không còn khó khăn nữa. Đấy là Amduat, Tlakokan, Seol. Người ta không hiểu rõ lắm về Tlalokan của truyền thống Mexico, thế giới-nước. Họ cũng không hề hiểu tại sao ở Mexico lại có sự kính trọng Tlalokan đến thế, Tlalok là thần mưa, là tên thần nước, là Okeanos ở người da đỏ.

Người ta không hiểu văn hóa Nilus Ai cập, văn hóa Eufrates-,Gages,-Brahmapura và văn hóa Giang tử cũng không nốt, và cả sự kính trọng nước của dân chúng thời cổ, siêu hình học của Thales mà theo đó mẹ ruột của đời sống là nước.

Đi sâu vào một số điều thích hợp của Veda có thể hiểu rõ điều này. Nước là nguyên tố cổ cần thiết cho sự sinh trưởng. Nước còn nhiều hơn thế. Là” ân sủng” của trời. Linh hồn bước vào thế giới bên kia như một ân sủng quay trở lại trái đất. Văn hóa mưa Mexico, Ai cập, Iran, Trung quốc, hindu có quan hệ khăng khít với văn hóa của người chết, và phép thuật mưa của họ có quan hệ với thế giới bên kia.

Sự kính trọng nước là một dạng kính trọng người đã chết, hay CHA: Tlalok, thần mưa ở Tlalon, Hades là thần ở lĩnh vực mặt Trăng. Mối quan hệ giữa nước và mặt Trăng từ xuất xứ khác cũng tương đối rõ. Chiêm tinh học biết rất rõ điều này.

Mưa là ân sủng của thế giới bên kia: từ đấy nảy sinh đời sống, lúa mì, ngô, gạo, hoa quả. Từ đây nảy sinh ra những dinh dưỡng cần thiết để duy trì đời sống. Từ nước, hay từ những người chết, hay từ Mặt trăng, hay nói cách khác từ Hades, từ các vị tiền bối. Các vị tiền bối, trong dạng hình mưa, trong dạng hình chất dinh dưỡng quay trở lại. Đây là ý nghĩa của văn hóa ngô Mexico và Peru, và văn hóa lúa mì của Ai cập và Hy lạp.

Trong nước thời cổ không nhìn thấy vật chất mà nhìn thấy các nguyên tố cổ tạo dựng thế giới, thậm chí nguyên tố của sự sinh trưởng, của ân sủng và phước lành. Nước tồn tại trên trời, bởi vậy người Ai cập nói” Nước sống, quê hương của nó là thiên đàng”. Quan điểm này đứng đằng sau hành động tắm rửa, trong suốt cả thời gian sau này như thời mohamedan.

Thế giới của Mặt trăng, thiên đàng –Nước, như ở Mexico người ta thường gọi, không là gì khác ngoài thế giới của sự thức tính âm tính. Điều này có quan hệ thế nào với các nguyên tố của các sức mạnh tạo hóa, chúng ta đã nói đến. Thế giới này là thế giới sinh trưởng thực sự, là vòng quay Sakti. và nếu con người suy ngẫm kỹ không cảm thấy khó hiểu gì một khía cạnh quan trọng của quan niệm cổ, và nhìn thấy vị trí siêu hình của đàn bà từ điều này.

Trong thiên đàng- Nước, hay trong Tlalokan, trên Mặt trăng chứa đựng những sức mạnh tạo dựng và sinh trưởng, từ ảo ảnh mới của Goeth gọi là Mütter, như một thế giới của Mẹ. Và như vậy hoàn toàn trở nên dễ hiểu, không chỉ Mặt trăng, Sakti, thế giới Mẹ là sự Sinh trưởng mà thời cổ người ta kính trọng và thờ phụng, chứ không phải mưa, một tạo phẩm của khí quyển- mà còn cả điều này, hình ảnh tượng trưng của Mặt trăng khiến ta tiếp cận gần hơn toàn bộ các nữ thần thời cổ: Artemis, Hera, Demeter, Perszephone, Hekate ở Hy lạp, Izis, Nu và các nữ thần khác ở Ai cập, và toàn bộ các nữ thần ở Mexico, Peru. Ấn độ, Iran, Tây tạng và Trung quốc.

Trong tổng thể này còn nổi lên một điều khác nữa.

Khoảng một trăm năm nay, thế giới đàn bà cổ được Bachofen ghi lại đã mang một ý nghĩa đáng kể; nhiều người giả thuyết thế giới đàn bà cổ này như một chế độ mẫu hệ từng có thật trước thời lịch sử. Tất nhiên điều này trừu tượng và ấu trĩ.

Thực chất cuộc sống trần thế trong một thời gian dài ngự trị sự tỉnh táo âm tính, và huyền thoại bằng hình ảnh về (cái gọi là) các vong linh (lemur) đã nói lên điều này. Trong sự sống của thế giới bên kia cũng ngự trị sự tỉnh táo âm tính này, thực thể đàn bà, sự sinh trưởng, sản vật, Mẹ- và sau cùng, Mặt trăng, phù hợp với sự tỉnh táo âm tính. Là nước.

Thật sai lầm khi nói về chế độ mẫu hệ, hay còn gọi là quyền lực đàn bà. Cái cần nhắc đến là bản chất theo kiểu mặt Trăng, mờ mịt, run rẩy thể hiện ra trong vật chất và tinh thần, trong bói toán, trong nguồn cảm hứng, trong trực giác tâm linh giống hệt như trong sự tăng trưởng, phát triển, ẩn dấu dưới hình thức mê tín. Hình thức mê tín bởi vì vòng quay này là thế giới đặc thù của sự mê tín.

Nếu bây giờ con người nghĩ rằng huitaka, dakini, Hekate, hay linh hồn-po mờ mịt nhưng thế giới linh hồn mẹ sống động hơn, cần phải nói cách khác: thế gian, con người, thực thể, bị bao phủ bởi tấm voan Izis hoặc Maja đều gặp nhau trên một điểm, rất dễ dàng hình dung ra điểm này truyền thống cổ gọi là nguyên tố của đời sống sinh trưởng, được đặt tên là Sakti và mặt Trăng là hình ảnh tượng trưng.

Còn điều mà Veda nói: sau sự chuyển dời, đầu tiên linh hồn cần rơi vào mặt Trăng, có nghĩa là: trong giai đoạn đầu tiên bước vào thế giới bên kia linh hồn trước tiên có sự tỉnh táo âm tính (lunáris).

Còn, điều Veda nói: những linh hồn mê ngủ và mơ muội từ mặt Trăng trong dạng hình đầu tiên quay trở lại trái đất, có nghĩa là: đây là những linh hồn mà hồn- Mẹ sinh trưởng không buông ra, những linh hồn này như sức sản xuất cần thể hiện một lần nữa sự hoạt động của nó trong tự nhiên: đây là những linh hồn như Mẹ duy trì đời sống.

Bằng điều này hoàn toàn bộc lộ sự khác biệt giữa pradzsapati và đạo sĩ. Đạo sĩ ở lại thế giới của dakini, linh hồn-po, của Hekate của mặt Trăng. Thế giới của Mẹ. Pradzsapati nâng lên cao khỏi thế gian và đi vào thế giới dương tính (soláris) của pitrik, fravasik, patriarkák, của linh hồn-huan và nối kết hai thế giới này lại.

Tất nhiên không được phép tin rằng ở đây có các mức độ giá trị giữa các thế gian, giữa Cha và Mẹ. Pohuan là hai cực, như âm và dương, như Mặt trời và mặt Trăng. Hai nguyên tố thế gian này thể hiện là hai, trong thực tế Mặt trời và mặt Trăng sống trong cuộc hôn nhân và là MỘT.

Pradzsapatiđứng bên trên đạo sĩ không phải vì pradzsapati hiện thực hóa sự tỉnh táo dương tính, mà bởi vì nó làm cân bằng hai cực này.

Nguyễn Hồng Nhung dịch từ nguyên bản tiếng Hung

( Budapest. 2013. május 7.)

 

 

Bác sĩ Nguyễn Tường Bách – Người Kết Thúc Chiến Tranh Quốc Cộng 1945 – DL

24 Th6

Bác sĩ Nguyễn Tường Bách – Người Kết Thúc Chiến Tranh Quốc Cộng 1945

Nguyễn Tường Tâm     
Chia sẻ bài viết này

Ngày 19/6/2013

Sự ra đi của Bác sĩ Nguyễn Tường Bách ngày 11/5/2013 tại Fountain Valley, Orange County, California, hưởng thọ 97 tuổi, đã hoàn toàn kết thúc cuộc chiến tranh Quốc-Cộng 1945… (về phe Quốc Gia). Phe Quốc Gia ở đây được định nghĩa là những người chống lại lý thuyết Mác Xít, chống lại Cộng sản. Phe Cộng sản thì vẫn còn một người thuộc thành phần lãnh đạo từ thời 1945 là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cũng nên biết thêm, cụ Bách là cộng tác viên thân cận của nhóm Tự Lực Văn Đoàn từ ngày nhóm này ra số báo Phong Hóa đầu tiên (thời gian này nhóm chưa lấy tên là TLVĐ).

Thực ra vào thời 1945, cụ Võ Nguyên Giáp chỉ là một Đại Tướng gần như tự phong, tức là do phe Cộng Sản của cụ phong cho cụ chứ cụ mới chỉ thành lập được một trung đội du kích; và lực lượng vũ trang của phe Cộng Sản lúc ấy cũng chỉ vài chục người. Lịch Sử đảng Cộng Sản cũng thừa nhận sau khi Nhật thất trận, các tù nhân chính trị được chính phủ Trần Trọng Kim trả tự do, trong đó có cả những tù nhân cộng sản, thì số lượng đảng viên cộng sản chỉ khoảng 5 ngàn người. Đấy là con số do cộng sản công bố; con số thực có lẽ ít hơn nhiều.

Phe Quốc gia gồm Việt Nam Quốc Dân Đảng, và Đại Việt có lẽ số đảng viên cũng không nhiều hơn. Lúc đó Bác sĩ Nguyễn Tường Bách sáng lập lực lượng Quốc Gia Thanh Niên Đoàn, đồng thời chỉ huy lực lượng quân sự của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Bác sĩ Bách cũng thú nhận số đảng viên và lực lượng vũ trang của Việt Nam Quốc Dân Đảng cũng không nhiều và so với lực lượng của cộng sản có phần yếu hơn (xem hồi ký Việt Nam Một Thế Kỷ Qua và tập truyện Trên Sông Hồng Cuồn Cuộn của Ng. Tường Bách).

Do tình cờ lịch sử, cả hai cụ Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Tường Bách đều có một số điểm tương đồng. Trước tiên, cả hai cụ cùng ở vị trí lãnh đạo cao cấp của hai lực lượng chống đối nhau thời 1945: Cụ Bách ở Việt Quốc, cụ Giáp ở Việt Minh, một tổ chức của Cộng Sản dựng lên để thu hút thành phần yêu nước cũng tương tự như tổ chức Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam sau này được Cộng Sản Miền Bắc lập nên năm 1960, trá hình là một tổ chức yêu nước của nhân dân miền Nam. Cả hai cụ đều là nhân vật lãnh đạo lực lượng vũ trang của tổ chức của mình. Và thật lạ lùng, cả hai cụ cùng trường thọ và là hai vị cuối cùng thuộc giới lãnh đạo cao cấp trong cuộc tranh chấp Quốc Cộng 1945. Bác sĩ Bách vừa mãn phần ở tuổi 97; cụ Võ Nguyên Giáp vẫn còn sống và đã 103 tuổi.

Cả hai cụ cùng là  trí thức tiểu tư sản. Cụ Võ Nguyên Giáp xuất thân cử nhân luật và là giáo sư sử tại trường trung học Thăng Long, một trường trung học nổi tiếng vì có nhiều giáo sư nổi tiếng nhất Hà Nội thập niên 1930. Trong thời gian đó cụ Nguyễn Tường Bách học đại học Y khoa Hà Nội và tốt nghiệp Bác sĩ năm 1944, ở tuổi 28, cùng lớp với Giáo Sư Thạc Sỹ Y Khoa Trần Đình Đệ, cựu Khoa trưởng Đại học Y khoa miền Nam. Cụ Võ Nguyên Giáp lớn hơn Bác sĩ Bách 5 tuổi nên hoạt động chính trị có lẽ trước Bác sĩ Bách cũng khoảng từng ấy năm. Vào thập niên 1930 – 1940 thanh niên Việt Nam hoạt động trong các tổ chức bí mật chống Pháp ở tuổi rất trẻ. Trong hồi ký Việt Nam Một Thế Kỷ Qua (hồi ký VNMTKQ) ở trang 36, cụ Bách cho biết tinh thần cách mạng chống Pháp của học sinh trường Bưởi như sau, “một bạn học năm thứ ba (ghi chú của người viết, tức là mới lớp 8) có đến tìm tôi (ghi chú của người viết, lúc đó cụ Bách mới 13 tuổi và học lớp 6), và đưa một tờ truyền đơn ký tên là “Thanh Niên Ái Quốc,” rủ tôi vào một tiểu tổ lúc đó thành lập ngay trong trường. Tôi ngỏ ý tán thành.” Sau này, Bác sĩ Bách khởi đầu hoạt động chính trị từ thời còn là sinh viên y khoa trong đảng Đại Việt Dân Chính do nhà văn Nhất Linh là anh ông thành lập khoảng 1939.

Cả cụ Võ Nguyên Giáp lẫn Bác sĩ Bách đều không được huấn luyện quân sự mà đều được tổ chức của mình trao nhiệm vụ lãnh đạo quân sự. Điều đó cho thấy lực lượng quân sự của cả hai bên lúc đó đều không đủ mạnh để đương đầu với thực dân Pháp. Cụ Bách từng cười mà nói với tôi, “Chú là bác sĩ mà anh em giao cho chỉ huy quân sự thì đủ hiểu là lực lượng mình không mạnh!”

Cả hai cụ đều là đại biểu trong Quốc Hội khóa 1 năm 1946. Cụ Giáp là đại biểu của Cộng sản (núp dưới danh xưng Việt Minh). Bác sĩ Bách là đại biểu của Việt Quốc.

Trong chính phủ Liên Hiệp Quốc Cộng cụ Giáp giữ chức Bộ Trưởng Quốc Phòng. Bác sĩ Bách tuy không tham gia chính phủ Liên Hiệp nhưng khi tôi hỏi vấn đề này thì Bác Sĩ Bách cho biết cụ đã có hai người anh tham gia chính phủ Liên Hiệp với tư cách Bộ Trưởng rồi, đó là nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam là Bộ Trưởng Ngoại Giao và nhà văn Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long làm Bộ Trưởng Kinh Tế nên đảng Việt Quốc trao cho cụ trọng trách tổ chức nội bộ đảng. Nhưng cụ cũng cho biết trong công tác chính phủ hàng ngày cụ cũng tham gia với tư cách đại biểu của Việt Quốc, do đó cụ cũng nhiều lần trực tiếp gặp cụ Hồ Chí Minh và cụ Võ Nguyên Giáp cũng như các thành viên khác của Cộng Sản trong Quốc Hội và Chính Phủ.

Cả hai cụ đều là những nhân vật lãnh đạo cuối cùng của tổ chức của mình còn sống sót từ thời 1945 cho tới đầu thế kỷ 21. Bác sĩ Bách tuy khoảng hai năm cuối sức khỏe đã yếu, không đi lại được, nhưng tinh thần vẫn còn minh mẫn, vẫn còn trả lời những câu hỏi liên quan tới các hoạt động văn hóa của TLVĐ và các hoạt động vũ trang chống Cộng thời 1945 cho tới lúc cụ và lực lượng Việt Quốc thất bại phải bôn tẩu sang Trung Quốc năm 1946.

Trong hai, ba tháng cuối trước khi qua đời Bác sĩ Bách tuy còn tỉnh táo nhưng đã kém trí nhớ; cụ quên cả tên những người cháu tới thăm cụ, ngay cả tôi cụ cũng không nhớ tên, chỉ biết là cháu gọi bằng chú. Thời gian này chỉ kéo dài vài tháng và Bác sĩ Bách không phải trải qua giai đoạn dùng dụng cụ trợ sinh (life support) trước khi qua đời. Như thế Bác sĩ Bách đã có một sự ra đi mau mắn của người già, một điều mà những người già đều mơ ước. Đây là một may mắn cho cụ.

Cụ Võ Nguyên Giáp không may mắn bằng. Tuy “còn sống” nhưng nghe nói từ lâu cụ Giáp đã không còn biết gì hết, phải dùng dụng cụ trợ sinh (life support).

Là em út trong gia đình Nguyễn Tường, cụ Nguyễn Tường Bách đã là một trong những cây bút trẻ nhất góp mặt trong những số báo Phong Hóa đầu tiên của Tự Lực Văn Đoàn. Lúc đó cụ mới 17 tuổi, chưa xong trung học. Tôi hỏi cụ, “Lúc đó chú tới tòa báo với tư cách một chú em nhỏ tới chơi xem các anh của chú làm báo hay chú tới với tính cách ngang hàng của người cộng tác?” Cụ nói, “Tuy lúc đó chú nhỏ, nhưng chú tới với tính cách người cộng tác; chú viết mà.”

Tuy sau này khi từ giã gia đình ra đi làm cách mạng, Bác sĩ Bách ở hoàn cảnh một gia đình khá giả như chàng Dũng trong Đoạn Tuyệt hay Đôi Bạn, hai cuốn tiểu thuyết của Nhất Linh, nhưng khởi đầu cụ Bách sinh ra trong một gia đình nghèo. Có thể nói là cực nghèo (xem hồi ký về Gia Đình Nguyễn Tường của cụ Nguyễn Thị Thế, em gái cụ Nhất Linh). Tuy ông nội cụ làm tri huyện (tương đương quận trưởng hay chủ tịch huyện) Cẩm Giàng, nhưng qua đời đã lâu và gia đình trở nên túng quẩn. Bố cụ Bách lại hầu như cả đời không làm gì để nuôi gia đình. Mãi gần cuối đời bố cụ mới đi làm thông ngôn tòa sứ bên Lào. Theo gia phả bên họ Lê, tức bên họ mẹ các anh em Nguyễn Tường thì “ông Nhu làm thông ngôn ngạch tòa Công sứ”. “Ông Nhu” ở đây chính là bố của các cụ Nguyễn Tường. Bố các cụ không phải làm người bẻ ghi (người gác) ga xe lửa Cẩm Giàng như một số sách sau 1975 viết. Hồi ký của cụ bà Thế ở trang 48 cho biết bố các cụ làm thông ngôn cho ông Công Sứ Hải Tường một thời gian. Sau đó ông ta được đổi sang làm Công Sứ tỉnh Sầm Nứa bên Lào. Năm 1917, tình cờ gặp lại ông Công Sứ đó ở Hà Nội, ông Công Sứ mời bố các cụ sang làm thông ngôn cho ông ở bên Lào và ngày 31-8-1917 bố các cụ lên đường (hồi ký của cụ Thế trang 59). Nhưng bố các cụ chỉ làm được tám tháng thì qua đời vì bạo bệnh.

Kể từ đó gia đình 9 người gồm mẹ, 7 anh chị em và bà nội chỉ trông vào việc buôn gạo của mẹ cụ. Trong hồi ký VNMTKQ ở trang 8, cụ Bách viết, “Cảnh nghèo nàn thiếu thốn trong gia đình, dù mẹ tôi và bà tôi cố gắng xoay sở, cũng chưa giải quyết được vì đông con.” Trang 30, cụ lại viết về việc người con gái duy nhất trong gia đình, là chị Thế của cụ, không được đi học vì nhà nghèo, “Trong lúc gia đình khó khăn chị không được đi học nữa và về nhà giúp mẹ trong việc buôn bán…Chị cần cù đảm đương mọi việc  trong gia đình, đã giúp đỡ không ít để các anh em yên tâm học hành, làm việc.” Cảnh nghèo khiến nhiều năm gia đình Nguyễn Tường không ăn tết. Trang 57 của hồi ký cụ Thế ghi, “Tết năm nay nhà không gói bánh chưng. Bà ngoại thấy tôi hỏi nhà cháu đã gói bánh chưa, tôi đáp thưa bà năm nay mợ cháu không có tiền nên không gói ạ.” Chẳng những không có tiền ăn tết mà mẹ các cụ có năm còn phải trốn nợ vào ngày cuối năm. Sau này vì lý do tuyên truyền chính trị, cộng sản lên án Tự Lực Văn Đoàn có cái nhìn xã hội của những kẻ thuộc giai tầng “bên trên” nhìn xuống. Thực ra không phải vậy. Quan niệm xã hội của anh em Nguyễn Tường trong Tự Lực Văn Đoàn đã hình thành từ cái huyện Cẩm Giàng nghèo khổ, cực kỳ nghèo khổ mà gia đình Mẹ Lê trong truyện của Thạch Lam là điển hình và gia đình các nhà văn này cũng không khá hơn các gia đình nghèo trong phố huyện, nơi theo sự kể lại trong gia đình và trong các hồi ký, chỉ có mấy gia đình giầu là gia đình mấy “chú Tầu” chủ tiệm trên phố chính của huyện. Có thể nói vào thời đó, gần như cả huyện Cẩm Giàng đều nghèo như Nhà Mẹ Lê cho nên ngoài anh em nhà Nguyễn Tường không gia đình nào có con ra khỏi phố huyện sau khi “tốt nghiệp” sơ cấp (ba năm đầu của bậc tiểu học) để tiếp tục học cao hơn. Trong hồi ký VNMTKQ, ở trang 9, cụ Bách mô tả cái nghèo của dân huyện Cẩm Giàng, “chung quanh, cảnh nghèo khổ, tiêu điều trong các gian nhà lụp xụp, cảnh chân lấm tay bùn của nông dân cặm cụi trên đồng ruộng lầm lội; những người chỉ có một cái khố che thân, cảnh chợ phiên lèo tèo…tất cả những cái đó đã ăn sâu vào trí óc chúng tôi. Về sau đã thúc dục chúng tôi muốn viết lên, muốn làm một cái gì để thay đổi tình trạng đó.” Bà chị gái của cụ, bà Thế, ở trang 53 hồi ký của riêng mình cũng ghi, “Xóm chợ gần nhà tôi toàn là người làm ruộng quê ở Hà Nam, Phủ Lý vì bị lụt lội không đủ sống nên đưa nhau đến đây. Đa số gia đình làm nghề đi kéo xe hoặc làm mướn như nhà bác Đối, đánh cá vớt tép như nhà bác Lê và còn nổi tiếng nghèo vì quá đông con.” Truyện ngắn Nhà Bác Lê nổi tiếng của Thạch Lam chính là dựa trên chuyện thực của gia đình bác Lê này. Và gia đình Nguyễn Tường cũng không khá hơn những gia đình trong xóm. Trong mấy tạp chí địa phương của Cẩm Giàng ngày nay, người dân địa phương cũng xác nhận cha ông họ thời trước 1945 thật là nghèo, không có tiền gửi con đi học ở bên ngoài phố huyện, nên toàn huyện không có người đỗ đạt, ngoại trừ mấy anh em nhà Nguyễn Tường. Cơ ngơi gọi là “Trang trại Nguyễn Tường, TLVĐ” tại Cẩm Giàng được tạo lập sau này, sau khi mấy anh em nhà Nguyễn Tường đã thành đạt ở Hà Nội, giúp mẹ trở về Cẩm Giàng lập trại để an dưỡng tuổi già (xem hồi ký về gia đình Nguyễn Tường của Nguyễn Thị Thế).

Anh em nhà Nguyễn tường sống trong hoàn cảnh gần như đáy cùng xã hội. Ở trang 54 cuốn hồi ký, cụ bà Thế viết tiếp, “Những năm mất mùa đói kém, xe kéo chẳng ai đi những gia đình này bữa cơm bữa cháo. Nhà tôi chưa phải ăn thiếu nhưng cũng chả giầu gì hơn họ.” Từ hoàn cảnh gần như đáy cùng xã hội đó, anh em Nguyễn Tường của cụ đã vươn lên qua sự thông minh và quyết tâm, và nhất là quyết tâm của một bà mẹ tuyệt vời. Trong hồi ký VNMTKQ, ở trang 30-31, cụ Bách vừa mô tả cái nghèo của gia đình vừa mô tả sự quyết tâm nuôi con ăn học của mẹ cụ qua đôi câu “cãi nhau” giữa mẹ cụ và Thạch Lam, “”Lâu nay không biết mày làm gì? Nhà đương túng bấn mà sao không mang được một đồng về? – Có lẽ vì anh bỏ trường rồi chưa làm việc gì. So với các anh lớn, có thể anh không làm cho mẹ vừa lòng lắm. Hai mẹ con cãi cọ một lúc, rồi không biết sao cả hai đều khóc. Ngạc nhiên, chúng tôi chạy ra ngoài. -Con xin lỗi mẹ, con sẽ đi làm.” Anh vừa nói vừa gạt nước mắt, trông cũng đáng thương. Chắc anh nghĩ rằng mình cũng chưa làm gì giúp mẹ. -Ừ thì mẹ cũng tha lỗi cho con. Nếu muốn đi học, thì dù thiếu thốn, cả nhà cũng sẽ giúp.””

Tất cả mấy anh em của cụ từ những năm đầu đi học đã học ở ngôi trường duy nhất, chỉ có bậc sơ cấp (3 lớp đầu bậc tiểu học) trong cái huyện Cẩm Giàng cực kỳ nghèo khổ đó. Như đã kể, dân huyện quá nghèo, không ai đủ điều kiện cho con cái theo đuổi sách đèn ở mức vượt khỏi lũy tre làng. Chỉ có mấy anh em cụ, nhờ quyết tâm của bà mẹ, là thoát khỏi sau bậc tiểu học để lên Hà Nội tiếp tục theo đuổi sách đèn. Mẹ các cụ, sau khi chồng mất, một mình phải lo kiếm tiền nuôi gia đình tổng cộng 9 miệng ăn kể cả mẹ chồng. Để vượt qua nhiệm vụ khó khăn đó, mẹ các cụ rất cương quyết, cho các con bỏ việc mặc áo tang cho hết sầu thảm, không khóc lóc để có tinh thần mà làm ăn. Ở trang 52 hồi ký cụ Thế, có ghi: “Em Bẩy lúc đó mới có ba tuổi bà tôi cũng bắt đội khăn sô, tôi thì đầu chẳng có tóc cũng phải chít khăn như người lớn, quần may bằng vải chàm trông y mán vậy. Mẹ tôi bắt bỏ hết bảo chúng nó còn bé bắt để tang chi trông sầu thảm. Bà nội khóc thì mẹ tôi nói người chết đã yên phận rồi, bây giờ bà phải thương các cháu lo sao cho khỏi chết đói, để yên con phải lo buôn bán chứ cứ ngồi khóc hoài sao, người chết cũng chả sống lại được mà người sống thì chết đói.”

Mẹ các cụ là người bà mà thế hệ chúng tôi luôn ngưỡng mộ là một phụ nữ rất cứng rắn và cương quyết trong mục tiêu theo đuổi, nhưng lại rất dịu dàng với các con cháu. Mục tiêu theo đuổi cả đời của cụ là sự học của các con trai. Khi cụ mang cốt của phu quân từ bên Lào về chôn tại Cẩm Giàng, cụ mẹ chồng nghĩ phải tìm ngôi đất nào cho phát phú ngay chứ nghèo quá đi thôi (Hồi ký cụ Thế trang 64). Nhưng cũng chính trang hồi ký này ghi, “Thầy địa lý cho mời mẹ tôi tới bàn cãi bà muốn phát phú thì con cháu học dốt, hay quý và thọ thì nghèo, bà tính sao. Mẹ tôi nói ngay quý và thọ thôi chứ phú trọc mà làm gì.” Chẳng biết có phải nhờ ông thầy địa lý người Tầu đặt mộ hay không mà sau này mấy anh em ông đều phát Quí như độc giả đều biết (nhưng không phát Phú). Mặc dù nghèo gần như không đủ ăn, nhưng với chuyện học của các con thì cụ hết lòng, kể cả phải cho tiền mua sách từ bên Pháp về cho các con học. Và may mắn thay các con cụ đều học giỏi, người nào cũng từng nhiều lần đứng nhất lớp, nhất trường, hay nhất cuộc thi và cũng từng thi nhẩy hai lớp ở bậc trung học, rút ngắn được khá nhiều thời gian và tiền bạc. Trang 62 hồi ký của cụ Thế ghi, “Các anh tức lắm về bàn với mẹ tôi gửi mua bên Pháp đủ các thứ sách đem về học gấp. Năm sau đổi tuổi đi thi đậu thành ra đỡ được hai năm, đỡ tốn bao nhiêu công lao và tiền bạc. “

Mấy anh em của cụ rất quyết tâm và thông minh nên thường chiếm giải nhất hay học thi nhẩy lớp. Từ anh Cả, hầu như cụ nào cũng học nhẩy hai lớp (hồi ký cụ Thế trang 62). Trang 62 của cuốn hồi ký cụ Thế cũng ghi muốn học vượt lớp thì phải đổi giấy khai sinh cho thêm tuổi. Từ hồi bé, trong gia đình, nhiều lần tôi đã nghe chuyện tất cả các chú bác và bố tôi đều học giỏi nên phải khai thêm tuổi để đi thi, tôi thường thắc mắc làm thế nào để các anh em của bố tôi đổi tuổi? Mới đây, đọc kỹ trong hồi ký của cô tôi, ở trang 72, cụ Thế đã ghi, “Thỉnh thoảng chúng tôi lại sang chơi bên ấp Phiên Đình là ấp có ông lý trưởng đã đưa cả triện lý trưởng cho mẹ tôi muốn đóng vào đâu thì đóng. Chắc hẳn ông không thể ngờ được cái triện đó đã giúp cho mấy nhà văn nổi tiếng trong văn học sử sau này.” Hóa ra, để đổi tên, đổi tuổi của mấy anh em nhà Nguyễn Tường, bà nội tôi cứ lấy cái triện của ông lý trưởng ấp Phiên Đình, huyện Cẩm Giàng mà “ịn” vào giấy khai sinh mới do chính cụ làm lại là xong(?) Cụ Bách cũng nhẩy hai lớp, và thường được giải nhất cuối năm. Phần thưởng mang về phải chở bằng xe kéo. Nghe vậy anh em chúng tôi thấy thực dân Pháp tuy thế mà rất chuộng sự học, cho dù là sự học của dân bản xứ.

Việc học của cụ Bách thật buồn cười, và sự đối xử của mẹ cụ cùng các anh cụ đối với việc học của cụ cũng rất thoáng; có thể nói là quá thoáng so với cả tiêu chuẩn giáo dục gia đình bây giờ. Theo dõi việc học của cụ Bách ở bậc trung học thôi cũng giúp hiểu thêm về sinh hoạt của Tự Lực Văn Đoàn ngay từ buổi đầu ra báo Phong Hóa. Năm 1929 cụ Bách thi vào trường Bưởi và đỗ thứ 28 trong khi nhà trường chỉ lấy có 130 người trong số rất đông học sinh dự thi. Cụ đỗ cao nhờ bài Pháp Văn (hồi ký VNMTKQ trang 33 và 35).

Nhưng ngay trong ngày khai trường, cụ Bách đã cảm thấy một bầu không khí ngột ngạt, khó thở, mà cụ cho là bầu không khí thực dân. Ở trang 35 cụ viết, “Một bầu không khí thực dân…tôi nghĩ. Tôi liên tưởng đến những truyền đơn, báo bí mật và những tiếng đồn về các hội kín chống Pháp…Từ ngày ấy, đối với nhà trường, tự nhiên tôi đã không có thiện cảm.” Cuối cùng, sau khi mới lên năm thứ hai, tương đương lớp 7 ngày nay, cụ bỏ trường về Cẩm Giàng tự học thi Tú Tài Tây. Ở trang 41 hồi ký VNMTKQ cụ viết, “1931. Suy nghĩ vài tháng rồi, tôi lấy một quyết định mạo hiểm: bỏ học về nhà. Tôi sợ nói ra, mẹ tôi và các anh chị sẽ phê bình tới tấp và sẽ ngăn cản. Vì có ai dại mà bỏ đi một trường học tốt như vậy, không dễ thi vào. Và nếu tự học thì có làm nổi không, bằng Tú Tài đâu phải dễ lấy; mà tôi lúc này mới lên năm thứ hai.”

Gia đình cụ rất phóng khoáng, ngay cả trong việc học của con cái là việc quan trọng nhất trong mọi gia đình. Trang 44, cụ ghi nhận, “Khác hẳn với dự đoán của tôi, các anh tôi chẳng ai cho là việc đáng bàn, còn mẹ tôi sau khi do dự, cũng bằng lòng: “-Ừ thì mày về nhà mà học lấy. Nhưng phải chăm mới được.”

Năm 1933 cụ thi Tú Tài Tây phần thứ I và trượt. Tưởng cũng nên nhắc lại, năm 1929 cụ Bách mới thi đỗ vào năm thứ nhất trường Trung học Bưởi, tức là vào lớp 6. Năm 1931, ở năm lớp 7 cụ xin bỏ học để về Cẩm Giàng tự học. Thế mà năm 1933, tức là đáng lẽ mới hết lớp 9 (đệ tứ niên trường Bưởi) cụ đã đi thi Tú Tài Tây phần thứ nhất, tức là vượt 2 lớp (10, 11). Các anh em khác đều học vượt hai lớp như cụ. Mặc dù thi trượt nhưng cụ cũng đã đỗ phần thi viết, tức là đỗ các môn chính. Và cụ chỉ bị trượt vì vào vấn đáp môn Anh Văn. Anh văn cụ tự học nên phần phát âm sai hoàn toàn. Cũng trang 57 cụ kể, “gặp giám khảo hắc búa, bắt tôi đọc một một đoạn truyện “David Copperfield” của Dickens. Tôi gân cổ đọc, còn ông chỉ ngồi cười. Sau tôi mới hiểu, vì ông nghe chẳng hiểu gì hết với cái tiếng Anh lạ tại của tôi. Tất nhiên là trượt, về nhà học lại.” Đọc tới đây tôi lại nhớ tới kinh nghiệm của chính tôi. Năm 1962, tôi học đệ tam Hồ Ngọc Cẩn, Gia Định, thi nhẩy tú tài I, cũng đỗ thi viết, rồi vào vấn đáp cũng trượt vì vấn đáp tiếng Anh. Ông giám khảo nói tiếng Anh với tôi rằng, “tiếng Anh của anh khiến tôi thất vọng”. Như vậy chế độ thi cử của Pháp tuy khó về nội dung nhưng lại rất mềm dẻo về thủ tục, học sinh muốn thi là nộp đơn thi, không cần học bạ gì cả. Nhưng tại sao lại có vấn đề giới hạn tuổi đi thi thì tôi chưa tìm hiểu được. Tới thời Việt Nam Cộng Hòa thì thủ tục có khó hơn một chút, là muốn thi Tú Tài I thì phải có giấy đã học lớp 11 của một trường tư hay của bất cứ một tư nhân nào có bằng cử nhân chứng nhận. Việc chứng nhận chỉ cần ký tên rồi mang công chứng chữ ký, thủ tục không quá vài phút. Chế độ thi cử hiện nay thủ tục không được dễ như vậy, chặt chẽ hơn, nhưng trình độ học sinh lại kém hơn nhiều.

Một điều đáng ghi nhận là chính cái năm thi trượt Tú Tài phần I (hè 1933), tức là đáng lẽ mới học lớp 9, cụ Bách đã bắt đầu tham gia viết báo, làm thơ trên tờ Phong Hóa. Ở trang 57 hồi ký VNMTKQ, cụ viết: “Năm đó, thi bằng Tú Tài phần thứ nhất, tôi đã “trượt vỏ chuối,” tuy đã cuốc bở hơi tai trước kỳ thi.” Ở trang 58, cụ Bách viết tiếp, “Thế là lại phải cuốc một năm nữa…Cũng may, năm ấy, tôi bắt đầu bước vào nghề viết báo, làm thơ, nên thì giờ cũng dễ trôi qua.”

Năm sau, 1934 cụ mới đỗ Tú Tài Tây phần I nhờ ông giám khảo thi vấn đáp tiếng Anh không quá khó. Như vậy sau hai năm học trong trường và ba năm tự học vất vả mới đỗ được Tú Tài Tây phần thứ I, cụ thấy không tự học được nữa mà phải vào trường. Và cụ không trở lại trường Bưởi mà xin vào trường tây Albert Sarraut. Ở trang 55 hồi ký VNMTKQ cụ kể: “Một cách chật vật, tôi cũng qua được phần thứ nhất bằng Tú Tài Tây…Nhưng phải đối diện với phần thứ hai làm sao đây? Theo ý kiến của các bạn, muốn ăn chắc, nên xin vào học trong trường Trung Học Albert Sarraut.” Ông viết tiếp, “Mùi thực dân của trường này tất sẽ nặng nề, nhưng đành phải chịu.”

Ông giỏi triết và học thi Tú Tài Triết. Trang 59 ông kể, “Vì trước kia, tôi đã ưa đọc những sách triết học, nên được giáo sư dạy môn triết mến, những tác văn của tôi thường thường ông chỉ sửa chữa rất ít và khuyến khích.” Trong nói chuyện riêng tư cụ kể nửa năm đầu cụ vất vả vì tiếng Pháp thua đám học sinh gốc của trường và thua  đám tây, đầm. Nhưng nửa năm sau thì cụ vượt lên đứng đầu. Cụ viết  ở trang 55 hồi ký VNMTKQ: “Cuối năm, dù không dốc hết sức để ôn tập các bài vở, nhưng may mắn tôi cũng được giải nhất trong lớp và tương đối dễ dàng qua được phần thứ hai bằng Tú Tài…” Vị giáo sư Triết người Pháp rất thích cụ và cứ ngỡ sau này cụ sẽ theo ban triết trên đại học.

Như vậy cụ đỗ Tú Tài phần II vào năm 1935. Nhưng tại sao, mặc dù học giỏi, mãi 9 năm sau, năm 1944, cụ Bách mới đỗ Bác sĩ. Từng có nhiều dịp gần gũi cụ mà chúng tôi không để ý tới chi tiết này để hỏi. Thời gian này gia đình cụ đã vươn lên tới mức bề ngoài cũng không thua kém gia đình nào; mấy anh đầu đã đi làm có chức phận. Đặc biệt anh Tam của cụ (Nhất Linh) đã tốt nghiệp cử Nhân khoa học ở Pháp về và thành lập báo Phong Hóa.

Tuy gia cảnh đã thăng tiến cả về kinh tế lẫn tiếng tăm, nhưng cụ Bách lúc nào cũng đau nỗi đau “không duyên cớ” của chàng Dũng trong Đoạn Tuyệt & Đôi Bạn, hai tác phẩm của Nhất Linh được giới trẻ thời đó ưa thích. Cái nỗi đau không rõ ràng vì không liên hệ trực tiếp tới cuộc sống của bản thân và gia đình mình. Nhưng lúc nào cụ cũng suy nghĩ, muốn làm một cái gì đó…không rõ ràng. Có thể nói, tâm trạng của cụ Bách lúc đó là tâm trạng chung của giới trẻ ở cái thời có nhiều cuộc chuyển mình của đất nước từ sau cuộc khởi nghĩa bất thành đưa tới đoạn đầu đài của lãnh tụ Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí của ông trong Việt Nam Quốc Dân Đảng. Cái tâm trạng đó chắc chắn cũng là tâm trạng của Nhất Linh từ thời rất trẻ và ông đã đưa được vào văn chương. Tất cả những điều này đã được cụ Bách mô tả ở trang 32 hồi ký VNMTKQ: “Sau 1925, là một giai đoạn rung động mạnh trong xã hội Việt Nam và cũng rung động đến cả tầng lớp học sinh nhỏ…Những tiếng đồn về các hội kín chống Pháp, về những truyền đơn bí mật như tờ “Hồn Nước”, in bằng thạch mà chúng tôi truyền nhau đọc, những cuộc bãi công, biểu tình, cái tên Nam Đồng thư xã v.v… đều ít nhiều khơi dậy lòng yêu nước của những tâm hồn trẻ thơ.” Và rồi cụ thể hơn, cụ viết rằng, chính cái đêm khởi nghĩa của Nguyễn Thái Học và Việt Nam Quốc Dân Đảng mà các anh em cụ chứng kiến, hồi hộp theo dõi tại Hà Nội đã ảnh hưởng và tạo nên Nhất Linh và Tự Lực Văn Đoàn sau này. Ở trang 37 hồi ký VNMTKQ, cụ Bách viết, “Một ngày tháng 2 năm 1930. Buổi tối, độ chín mười giờ…Bà, mẹ tôi đã đi ngủ. Nhớ lại còn ngồi trên gác đọc sách có anh Tam (Nhất Linh), anh Sáu (Thạch Lam) và tôi. Anh Cả đi làm ca đêm vắng nhà. Chung quanh im lặng. Bỗng đột ngột, vẳng từ xa đến mấy tiếng nổ, xem ra lớn hơn tiếng súng thường. Tiếng gì đây? mọi người sửng sốt. Súng? Bom, tạc đạn? Trong thời kỳ bất thường này chúng tôi nghĩ ngay tới một cuộc nổi dậy. Anh Tam chạy ra phía cửa sổ, hé mở cánh cửa nghe ngóng. Vài tiếng nổ thêm, lác đác. Trong thâm tâm, chúng tôi hi vọng đây sẽ là một cuộc tấn công lớn của cách mệnh; đều khát vọng cuộc khởi nghĩa sẽ đưa tới chấm dứt sự thống trị hung tàn của thực dân, dành được độc lập tự do cho dân tộc. Tiếng nổ hình như vọng tới từ trên, phía bờ sông. Nhưng rất nhanh, im lặng lại trở lại…Anh em chúng tôi chờ đợi một thời gian, không thấy có động tịnh gì khác, lại đặt mình xuống giường. Không ai nói với ai một câu nào, những đều biết là suốt đêm trằn trọc không ngủ được. Có lẽ ai cũng đã cảm thấy thất vọng sâu xa…Mặc dầu thất bại, nhưng tấm gương anh hùng ấy vẫn luôn in mãi trong trí óc anh em chúng tôi.” Và ở trang 39, cụ kết luận về ảnh hưởng của cái đêm “cách mạng Nguyễn Thái Học” đó đối với xã hội nói chung và đối với TLVĐ sau này như sau, “Tinh thần này không những sẽ phản ảnh trong các cuộc cách mệnh sau này, mà còn sẽ phản ảnh về các lãnh vực văn hóa, xã hội. Nếu không có tinh thần này, thì nói riêng, cũng sẽ không có Nhất Linh, Phong Hóa, và Tự Lực Văn Đoàn.”

Lược qua tình hình vừa nêu, người ta có thể hiểu tại sao cụ Bách lúc đó tuy học trường Tây nhưng nỗi đau “vô cớ” vẫn ám ảnh khôn nguôi. Tình yêu và lý tưởng luôn luôn là cuộc sống và nỗi ám ảnh của tuổi trẻ. Với cụ Bách cũng vậy. Cụ Bách trẻ, đẹp trai, tài hoa, chơi nhạc hay, khiêu vũ giỏi, học cũng giỏi, lại thuộc gia đình đang nổi tiếng vì thành lập được nhóm TLVĐ, dĩ nhiên không thiếu cô mê. Trong mấy cô gái trẻ có một cô cùng lớp mà tới những ngày cuối đời mới đây, khi tới thăm cụ, tôi vẫn được nghe cụ nhắc lại. Cô ta là đầm lai, học cùng lớp. Mỗi chiều tan học cô ta thường đạp xe theo cụ trên đường về. Thời đó “Hà Nội Ba Mươi Sáu Phố Phường” (tên của Hà Nội do Thạch Lam đặt) còn yên tĩnh với những con đường chìm dưới hai hàng cây, với Hồ Gươm lóng lánh bên hàng liễu rủ, biểu tượng của thủ đô ngàn năm văn vật, với Nghi Tàm, Quảng Bá, hai tụ điểm của trai thanh gái lịch vào mỗi cuối tuần, với những nam thanh nữ tú ngày ngày đạp xe đạp từ từ dong duổi trên các ngã đường. Hà nội của những năm xưa đó chưa có khói xe, chưa có kẹt đường. Hà Nội của mơ và mộng. Bây giờ mỗi khi nói tới một Hà Nội thời êm ấm đó nhiều người Hà Nội trung niên trở lên thường nói, “Hà nội thời Tự Lực Văn Đoàn”. Nhưng chàng thanh niên Nguyễn Tường Bách lúc nào cũng u-uẩn một tâm trạng. Trong đáy cùng tâm khảm, chàng tuổi trẻ Nguyễn Tường Bách luôn có một “chàng Dũng”, sau này xuất hiện trong Đoạn Tuyệt và Đôi Bạn. Không phải chỉ có cụ là có tâm trạng của chàng Dũng. Nhất Linh cũng vậy. Đã có một thời Nhất Linh trên đường lưu vong làm cách mạng đã đổi tên Nguyễn Tường Tam thành Nguyễn Tường Dũng để che dấu tung tích. Trong hồi ký VNMTKQ  trang 140 cụ Bách kể: “Anh Tam lúc này lấy tên là Nguyễn Tường Dũng (đúng như tên anh chàng Dũng trong truyện Đoạn Tuyệt), bị giam vào một hang đá gần Liễu Châu…” Về cô đầm lai đó, cụ đã nói với tôi, “Cuối cùng chú nghĩ không thể yêu cô ta được, vì cô ta là đầm lai”. Và từ đó cụ cắt đứt liên hệ với cô ta. Tuy cũng như Dũng của Đoạn Tuyệt, lúc đầu chưa biết phải làm gì, nhưng việc đầu tiên đối với cụ Nguyễn Tường Bách là phải cắt đứt một “mối tình mới chớm”, chỉ vì cô ta có máu Tây.

Thế là con đường trước mặt của chàng Dũng Nguyễn Tường Bách đã khá được định hình: phải tìm cách đưa đất nước thoát vòng nô lệ thực dân Pháp. Cũng như Dũng đã giã từ Loan, dù chàng rất yêu, để lên đường làm một điều gì đó cho quê hương, chàng Dũng Nguyễn Tường Bách cũng cắt đứt một mối tình mới chớm để khởi đầu một con đường mới cho dân tộc. Ở hoàn cảnh của Cụ Bách, với 3 người anh đang mở tuần báo Phong Hóa cũng với ước vọng phải làm cuộc đổi mới cho quê hương, thì con đường hợp lý nhất và khả thi nhất đối với chàng Dũng Nguyễn Tường Bách là gia nhập cùng nhóm Phong Hóa với các anh để dùng tài văn chương của mình, qua các phóng sự, qua các bài viết, cho độc giả thấy được những nét đẹp về nước non và văn hóa dân tộc cùng những cảnh “Bùn Lầy Nước Đọng”, những cảnh khốn cùng của người dân nô lệ để từ đó mỗi người dân tự ý thức phải tìm một con đường cứu nước. Tự Lực Văn Đoàn đã khởi đi như thế; và chàng Dũng Nguyễn Tường Bách cũng khởi đi như thế.

Cụ Bách có tài văn chương và cụ mê văn chương. Cụ đã có những bài phóng sự hay. Cụ đã có ít ra là một truyện ngắn viết về một đêm Giao Thừa ở nhà thương thực cảm động. Khi hỏi về truyện ngắn này cụ Bách không còn nhớ. Tám mươi năm rồi còn gì! Tôi và Bác sĩ Nguyễn Tường Giang, con trai thứ của Thạch Lam trong nhiều lần nói chuyện với cụ có hỏi, “Tại sao chú không vào TLVĐ?” Cụ trả lời, “Vào TLVĐ đối với chú thì không khó, nhưng lúc đó việc vào TLVĐ đâu có quá quan trọng.” Chúng tôi hỏi tiếp, “TLVĐ lúc đó chưa nổi tiếng à?” Cụ cho biết, “Lúc đó TLVĐ cũng nổi tiếng rồi chứ, nhưng đâu ngờ nổi tiếng như sau này.”

Cụ có khiếu viết văn và thích viết văn. Vả lại cụ thích đọc sách triết và giỏi về triết mà. Cụ viết văn ở tuổi rất nhỏ. Ở trang 32 cuốn hồi ký, cụ viết: “qua việc đọc những tác phẩm thời ấy, tôi cũng thấy ngứa tay, và viết bừa ra mấy truyện ngắn khi còn 11, 12 tuổi.” Cụ cho biết cụ thích viết văn hơn làm bác sĩ nhưng cụ phải học đại học. Không thích nghề bác sĩ lắm nhưng cụ cho biết lúc đó toàn 3 nước Đông Dương (Việt, Miên, Lào) chỉ có một đại học Hà Nội. Mà đại học Hà Nội ngoài phân khoa Canh Nông cụ không thích thì chỉ còn lại có hai phân khoa Luật và Y. Cụ không thích Luật, học luật thời đó đa số chỉ để ra làm quan, quan huyện (quận trưởng) chẳng hạn. Tất cả các anh em cụ mặc dù có thừa điều kiện để đi vào quan trường nhưng không ai thích làm quan. Ở trang 29 hồi ký cụ viết: “Trong anh em chúng tôi, không ai thích làm quan, và cũng không thích quan. Chúng tôi không thích quan liêu, quyền quý, cũng như trọc phú chỉ biết trục lợi; không thích triều đình phong kiến và những kẻ cộng tác với bọn thực dân.”

Và thế giới quan-trường đã bị một trong các tác giả của TLVĐ là Khái Hưng chỉ trích trong tác phẩm “Gia Đình”. Như vậy cụ chỉ còn một con đường là học Y để ra làm bác sĩ. Cụ phải học bác sĩ nhưng cụ cũng luôn đau khổ vì không thích nghề này. Trong hồi ký VNMTKQ ở trang 97, cụ viết: “Trong đời tôi, có lẽ một sự lầm lẫn trong nhiều lầm lẫn khác, là việc vào học y khoa. Lấy nó làm một cái cần câu cơm hạng tốt, không hơn không kém. Vì tôi cũng như một số bạn hữu khác, lúc mới vào học, rất ít nghĩ đến tính chất “cứu nhân độ thế” hay là những câu châm ngôn của Hippocrate.” Nhưng dù sao, nghề y đã cứu cụ và gia đình cụ trong suốt gần 40 năm lưu vong bên Trung Cộng. Cụ cho biết chính nghề Y đã giúp cụ và gia đình tồn tại tương đối nhàn hạ và bình an hơn các người dân Trung Hoa cùng thời tại địa phương trong suốt mấy chục năm kẹt lại tại Trung Cộng. Đặc biệt, cụ kể, trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa tại Trung Cộng (1966), những đồng nghiệp hay xếp của cụ bị Hồng Vệ Binh bắt mang đi diễu phố và đánh đập tàn nhẫn, thương tật, không ai giám cứu giúp, thì cụ, vì có qui chế ngoại kiều, nên không bị Hồng Vệ Binh hành hạ, do đó cụ có cơ hội kín đáo cứu chữa những người bị đánh đập. Sau này những người đó trở lại nắm quyền đều nhớ ơn cụ.

Khi hai chúng tôi hỏi sao cụ không tiếp tục vừa viết văn vừa học Y khoa thì cụ cho biết học y khoa rất bận rộn. Vào những năm chót y khoa thì tình hình chính trị lôi cuốn nên cụ càng bận rộn hơn. Đó là lý do cụ chấm dứt con đường văn chương ngoài việc sau khi đã tốt nghiệp y khoa cụ làm chủ nhiệm rồi chủ bút mấy tờ báo của Việt Quốc trong những năm đầu của cuộc tranh chấp Quốc Cộng 1945. Hồi ký của Hứa Bảo Liên ở trang 65 và 67 ghi rằng sau khi chế độ thực dân Pháp bị xụp đổ, tờ Ngày Nay bộ mới ra đời với cụ làm chủ nhiệm. Sau đó tờ này bị đình bản, tờ Bình Minh ra đời cụ lại làm chủ nhiệm. Không lâu sau tờ này lại bị đình bản, tờ Việt Nam Thời Báo ra đời, cụ làm chủ bút. Trong những tờ báo này chủ yếu cụ viết bình luận chính trị. Chẳng bao lâu sau, tờ Việt Nam Thời Báo lại bị đình bản, tờ Việt Nam ra đời. Tờ này là cơ quan ngôn luận của Việt Nam Quốc Dân Đảng đối chọi với tờ Cờ Giải Phóng của Việt Minh, cụ lại được anh em cử làm chủ nhiệm với sự cộng tác của các tác giả Khái Hưng, Hoàng Đạo. Hàng ngày cụ phải đọc kỹ tờ “Cờ Giải Phóng” của Việt Minh để đối chọi những quan điểm bất đồng. Ở trang 68, tác giả Hứa Bảo Liên (nàng Loan của Nguyễn tường Bách) viết tiếp, “Đầu năm 1946, anh Bách ở luôn nhà báo cho tiện làm việc. Mỗi khi ra ngoài phải có người bảo vệ. Anh bận rộn đến nỗi tóc không cắt, râu không cạo, đầu tóc bờm xờm như người “vô gia cư”.

Trụ sở của mấy tờ báo này chính là trụ sở của TLVĐ, số 80 Quan Thánh Hà Nội (hiện nay tòa nhà to lớn này vẫn còn mang số cũ và có nhiều người cư trú, nhưng không ai biết đó là căn nhà gắn liền với những biến động văn hóa và lịch sử đất nước của một thời gian gần 15 năm cho tới 1946 khi Bác sĩ Bách chỉ huy lực lượng vũ trang Việt Quốc rút lui khỏi Hà Nội lên chiến khu của Việt Quốc ở Vĩnh Yên.

Trong thời gian sinh hoạt văn nghệ với TLVĐ cụ Bách thân với một số những cây bút trẻ như Huy Cận, Xuân Diệu…và đặc biệt cụ hay nhắc tới nhà thơ Huyền Kiêu, một nhà thơ to, khỏe và nghèo, là người bạn thân nhất của cụ. Cụ Bách đã phù rể trong đám cưới của Huyền Kiêu. Tường Bách, Đinh Hùng, và Huyền Kiêu là ba trong số những người trẻ nhất trong đám văn hữu thân cận TLVĐ. Trong số những người văn nghệ sĩ trẻ kia  có thể kể thêm Xuân Diệu và Huy Cận. Đinh Hùng đã gọi nhóm 3 người bạn thân này là “ba tiểu quỷ”.  Có một giai thoại về Huyền Kiêu do Đinh Hùng kể, mà nghe qua vừa thấy bùi ngùi, vừa thấy được hết cái tình cảm thân thương của anh em văn nghệ sĩ thân cận với TLVĐ, vừa thấy được phần nào, cái “bề sâu” của TLVĐ. Giai thoại đó có tựa, “Khái Hưng và Nhất Linh trong thơ Huyền Kiêu” do nhà văn Quốc Nam thuật lại lời Đinh Hùng như sau (1):

“Huyền Kiêu vốn là bạn thân thuở nhỏ của Đinh Hùng, ở Hà Nội … Là hàng xóm, gần nhà Thạch Lam nơi phường Trúc Bạch, tôi thường ghé thăm Thạch Lam, bàn chuyện thơ văn rất lấy làm tương đắc. Và rồi tôi dẫn Huyền Kiêu lại giới thiệu: “Huyền Kiêu, một nhà thơ rất có triển vọng! Tên thực anh ta là Bùi Kiều. KIÊU HUYỀN KIỀU! Huyền Kiêu, giản dị vậy!”

Thạch Lam cười xòa, vui vẻ dẫn hai bạn … thơ vào thư phòng trò chuyện. Nơi cư trú của gia đình nhà văn Thạch Lam, trong Tự Lực Văn Đoàn, là một ngôi nhà tranh đặc biệt, cất theo kiểu Nhà Ánh Sáng, do phong trào Nhà Ánh Sáng mà báo Ngày Nay phát động từ mấy năm trước. Có phòng khách, phòng ngủ, với đầy đủ tiện nghi …Tuy là nhà lợp tranh, vách bằng đất bùn nhồi rơm, láng xi măng, quét vôi sáng sủa, ngôi nhà trông thật bề thế vì vẻ cao ráo, thoáng mát của nó. Nhất là ở cạnh Hồ Tây quanh năm thoáng mát. Có vườn hoa trồng đủ cây cảnh lạ, đẹp. Một thú chơi tao nhã của tác giả “Hà Nội Băm Sáu Phố Phường”…

Một bữa vào cuối hè sang thu, Thạch Lam nhắn chúng tôi (vẫn lời Đinh Hùng) đến nhà anh dùng bữa cơm tối. Theo thông lệ, chúng tôi đến sớm, ngồi nơi vườn hoa, ngắm cảnh chiều tà trên gương hồ bát ngát … “gió rung trăng”. Thật thế đấy, nhằm đầu tháng ta, trăng mọc sớm, lơ lửng dưới làn nước trong; từng cơn gió nhẹ lướt mặt hồ, rung động …

Thạch Lam cười vui:

– Huyền Kiêu làm thơ đi! Nếu cần, tớ gà cho.

Tôi chẳng mấy ngạc nhiên, vì đã hơn lần được nghe Thạch Lam nói chuyện về Thơ, phẩm bình về các trường phái Thơ …

Tuy nhiên Huyền Kiêu vốn khiêm tốn, chỉ ậm ừ, cười bảo:

– Để lát nữa. Có lẽ sau bữa cơm tối nay, trong lúc tửu hậu trà dư … chúng mình thơ thẩn …

– Được lắm!

Đúng lúc, có tiếng chị Thạch Lam gọi. Và Khái Hưng, Nhất Linh ở đâu tới, cũng ào ra vườn. Một lát lại có cả Thế Lữ nữa.

Chủ nhà nhìn mọi người, khắp lượt, bảo:

– Quần hùng tề tựu gần đủ. Thôi mời quý vị vào dùng bữa, kẻo nguội cả.

Vào nhà thì đã thấy Nguyễn Tường Bách ở đấy từ bao giờ…

Cơm xong, chuyện vãn khá lâu. Mãi khuya đêm Nhất Linh mới bảo, vẻ thật trịnh trọng: “Lát nữa tôi sẽ phải rời xa các anh em, nên có thể đây là một đêm họp mặt để tạm biệt. Chuyến hành trình này sẽ không lâu đâu. Chúng ta sẽ còn gặp lại nhau. Bây giờ chúng ta có thể chia tay nhau được rồi. Riêng tôi, tôi còn có điều nói riêng với anh Khái Hưng, vậy các bạn ra vườn chơi, hoặc đi ngủ. Thành thật cảm ơn tất cả…”

Tôi nhớ đại ý thế, vì đã quá lâu ngày. Mọi người đều buồn nhưng không ai lên tiếng – không có can đảm lên tiếng hỏi, vì đều biết Nhất Linh là người hoạt động cách mạng. Đã đến lúc phải “mạnh tay” với thực dân Pháp, chứ không còn ở giai đoạn làm văn hóa để nâng cao dân trí người mình nữa …

Ba đứa tôi cùng kéo nhau ra vườn, ngồi nghe cá quẫy, nhìn trăng vời vợi. Có lẽ Thế Lữ đã về nhà gần đấy. Quanh quẩn vẫn chỉ có Huyền Kiêu, Thạch Lam và tôi thôi. Và Thạch Lam, lại chính là Thạch Lam, khơi mào sau khi đã nghĩ lung:

– Thơ … ra rồi! Này, hãy nghe đây! và anh đặng hắng, ngâm:

“Hiu hắt giăng khuya lạnh bốn bề …”

Đấy câu mở đầu đấy! Huyền Kiêu hãy làm tiếp đi!

Huyền Kiêu và tôi ngơ ngác. Tôi không rõ vì sao bữa nay Thạch Lam lại nhiều … thi hứng đến thế.

– Được! Huyền Kiêu nói. “Hiu hắt giăng khuya lạnh bốn bề …” Ờ, được đấy. Và anh ngẫm nghĩ. Câu mở của Thạch Lam thật tuyệt. Nó gợi ý cho tôi về một cái gì có thể gọi là …”cổ kính”. Một đêm tiễn đưa nhau chẳng hạn. Hệt đôi bạn Khái Hưng và Nhất Linh trong đêm khuya nay … trước giờ ly biệt.

– A, khá! Thạch Lam cười. Anh nắm bắt được ý thơ rồi đấy. Vậy cứ thế mà tiếp nối. Tôi vào nhà đem trà nóng ra đây nhá. Nhân thể coi xem họ ra sao?

Một lát sau Thạch Lam đem bình trà và tách ra, bảo:

– Anh ba tôi và Khái Hưng im lìm ngồi trong thư phòng. Cả hai đều không nói năng gì cả. Phòng không đèn đóm nên bóng tối chan hòa. Ánh trăng mờ tỏ … Có con mèo tam thể tôi nuôi quyện dưới ghế Nhất Linh ngồi. Bên cửa sổ sát vách tường, bức liễn trúc treo rung động dường như cảm thông cho đôi bạn đang nhấp chén rượu suông trong phút giờ sắp ly biệt …

Tôi chợt lên tiếng:

– Buồn thật. Mà cổ nhân cũng đã từng than: “Ôi! biệt ly sao mà buồn thế!” thật là chí lý.

Chúng tôi uống trà. Trăng vừa lặn. Gà rền tiếng gáy phía xa. Sao dần rơi … dần rơi và tôi chợt thấy lành lạnh.

Vẫn không thấy chút động tĩnh gì nơi Khái Hưng và Nhất Linh ở trên nhà. Tôi cảm nghĩ trong giờ phút thiêng liêng ấy, ta không nên vọng động. Cũng đừng hỏi han gì cả. Trời sắp sáng rồi.

Và quả thật, ở bên Hồ Tây bữa ấy, trong sân nhà Thạch Lam, ba đứa chúng tôi đều rất dè dặt, hạn chế từng câu nói, tiếng cười. Trong khi ấy Huyền Kiêu thầm lặng “làm việc”: suy tư về ý thơ và ý nghĩa của sự chia tay của đôi bạn văn Tự Lực Văn Đoàn.

Chợt Huyền Kiêu nói:

– Tôi thử đọc cho các anh nghe. Bài thơ nhan đề “Tương Biệt Dạ”. Hay, dở tùy nghi Thạch Lam và Đinh Hùng giúp sửa lại. Và anh khe khẽ ngâm sau khi dục Thạch Lam vào nhà lấy giấy bút ghi tốc ký, bất kể trời vừa sập tối lại vì trăng đã chẳng còn… Tình bạn thơ – văn giữa chúng tôi thắm thiết là thế đó.

Tương Biệt Dạ

Hiu hắt giăng khuya lạnh bốn bề Ý sầu lên vút tới sao Khuê Quý thay giây phút gần tương biệt Lưu luyến người đi với kẻ về.

Ngồi suốt đêm trường không nói năng Ngậm ngùi chén rượu ánh vừng giăng Người xưa lưu luyến ra sao nhỉ Có giống như mình lưu luyến chăng?

Đã tắt lò hương lạnh phím đàn Thư phòng sắp sẵn để cô đơn Trời cao mây nhạt ngàn sao rụng Một giải sương theo vạn dặm buồn

Sớm biệt ly nhau không nhớ nhau Nửa đêm chợt tỉnh bỗng dưng sầu Giăng mùa Xuân đó, ai tâm sự? Anh đã xa rồi, anh biết đâu?

Bài “Tương Biệt Dạ” của Huyền Kiêu, sáng tác vào chớm thu năm Canh Thìn – 1940, chỉ mấy tháng sau là bước sang năm Tân Tỵ – 1941… Khi hoàn thành bài “Tương Biệt Dạ”, vào nhà thì Nhất Linh đã lên đường từ lúc nào rồi …

Trong giới sinh viên tích cực hoạt động bí mật chống Pháp cụ Bách thân với cụ Dương Đức Hiền, lúc đó làm chủ tịch Tổng hội Sinh viên, sau này là chủ tịch Đảng Dân chủ. Hai cụ Nguyễn Tường Bách và Dương Đức Hiền cùng trong đảng Đại Việt Dân Chính do Nhất Linh thành lập. Trong hồi ký, ở trang 123, tình bạn của hai cụ được cụ Bách mô tả như sau: “Một buổi tối sau, có người lên gác trọ tìm tôi. Nhìn rõ, mới biết là anh Dương Đức Hiền. Chúng tôi vui mừng xiết tay nhau…cả hai đều chưa bị khó dễ. Anh Tam (ghi chú của người viết: tức Nhất Linh) vẫn mất tích. Sau có tin báo là anh đã trốn ra ngoài nước, đi Quảng Châu. Hai chúng tôi đồng ý tạm thời hãy nằm im, xem tình thế biến chuyển ra sao.”

Nhưng rồi chẳng bao lâu sau, vì khác chính kiến, tình bạn thắm thiết đó tan rã. Trong hồi ký của Hứa Bảo Liên, trang 64 ghi lại mối quan hệ chặt chẽ giữa cụ Bách và Cụ Dương Đức Hiền. Tác giả cuốn hồi ký viết, “…có người bạn anh Bách là anh Dương Đức Hiền tỏ ý muốn gặp anh Bách để bàn chuyện. Hiền trước kia là bạn cùng một chí hướng và cùng tham gia vào một tổ chức quốc gia. Sau này tổ chức bị Pháp khủng bố, qua một thời gian sau đó, anh ta tham gia vào phong trào Việt Minh và sáng lập đảng Dân Chủ.”

Một cách chi tiết hơn, trong hồi ký VNMTKQ ở trang 153 cụ Bách thuật lại: “Một hôm, vào tháng 6, tôi đương ngồi sửa bài tại tòa soạn thì ở dưới đưa lên một người lạ mặt. Anh ta bảo có thư riêng của một người bạn thân nhờ đưa đến. Rồi anh rút từ ống giầy ra một tờ giấy mỏng. Dưới ký tên một người mà tôi cũng không ngờ đến: Anh Dương Đức Hiền. Đã hơn một năm, tôi không được nghe tin tức gì về anh.” Trong thư cụ Dương Đức Hiền trước cùng đảng Đại Việt Dân Chính với cụ Bách nhưng nay đã đại diện Việt Minh, hẹn gặp để bàn luận việc cộng tác chung. Cụ Bách và cụ Khái Hưng được đề cử đi gặp cụ Dương Đức Hiền. Nơi gặp cách Hà Đông độ năm cây số. Cụ Bách viết tiếp, “Chúng tôi đạp xe gần tới Hà Đông thì rẽ vào một con đường nhỏ, lầy lội, có khúc phải vác cả xe lên vai, lội bùn mà đi. Gần đến bờ sông Nhuệ, tới một tòa miếu cổ, thì thấy một người mặc quần áo nâu ra đứng đợi. Tuy quần áo khác, nhưng vẫn nhận ra được anh Hiền, gầy hơn, mặt đen sạm, nhưng hai hàm răng lại quá trắng, chẳng cần là mật thám cũng biết đây là một nông dân giả hiệu.

Chúng tôi ngồi trên thềm miếu, nhìn xuống giòng sông Nhuệ nhỏ nước chảy êm đềm, trông hao hao giống con sông Sen ở quê nhà. Chung quanh vắng không có bóng người, chỉ có một người ngồi sau miếu, có lẽ là một tay súng hộ vệ.

Sau vài lời hàn huyên, anh cho biết là đã gia nhập vào Việt Minh, với tư cách lãnh đạo đảng Dân Chủ, và khuyên chúng tôi cùng các anh em Đại Việt Dân Chính khác cũng nên tham gia Việt Minh, không nên đứng lừng khừng nữa. Anh cầm tờ Ngày Nay trong tay, phê bình chủ trương của nó không triệt để, không cách mạng theo đường lối công nông. Anh nói Việt Minh nay đã phát triển mạnh, có căn cứ quân sự, được Đồng Minh ủng hộ…Chúng tôi chỉ nghe, không giải thích gì. Có lẽ vì thế mà anh thất vọng, rằn giọng  nói:

– Nếu các anh cứ lừng khừng như thế mãi, thì có ngày Nhật sẽ beng đầu các anh, mà nếu không thì cách mạng sẽ beng đầu các anh!” Cụ Bách và Khái Hưng hơi ngạc nhiên, vì lời dọa dẫm lại do một đồng chí cũ đưa ra. Hai cụ chỉ cười, đưa mắt nhìn nhau. Cuối cùng cụ Bách đáp, “Cách mạng Việt Nam thì có nhiều con đường để đi, không nhất định là phải tham gia vào Việt Minh. Song về việc hợp tác, chúng tôi sẽ về bàn với các anh em rồi sẽ trả lời sau.”

Cuộc hẹn gặp lại sau đó một tuần đã không thành, vì Cụ Hiền nhắn là cụ phải đi lên  miền trên có việc cần và sẽ liên lạc lại sau. Hai bên không gặp lại cho tới mấy tháng sau, bất ngờ cụ Bách lại gặp lại cụ Hiền trong một buổi hợp tác đảng phái, mà từ bạn hữu đã trở nên đối địch. Cụ Bách viết tiếp ở trang 155, “Âu cũng là định mệnh. Chúng tôi cũng muốn hợp tác vì công cuộc chung, góp sức với nhau để đuổi quân xâm lăng ra khỏi nước. Song thực ra, hai bên có thể chân thành cộng tác với nhau không, lại là một vấn đề khó giải.”

Sự chia tay của hai cụ, chính là điển hình sự chia tay của cả một thế hệ cùng ôm mộng đánh đổ thực dân Pháp, nhưng theo hai con đường khác nhau. Thậm chí, còn có sự chia rẽ của những anh em ruột thịt cùng một gia đình, hay của hai cha con, chỉ vì lý do tương tự. Trong hồi ký VNMTKQ ở trang 100, cụ Bách viết, “Nhưng, trong hàng ngũ người Việt chủ trương giải phóng dân tộc, dành độc lập, đã có những chia rẽ sâu xa về ý thức hệ, về sách lược và đường lối hoạt động.” Thế hệ 1945 là thế hệ của những người yêu nước, dù là cộng sản hay quốc gia. Tất cả đều có một điểm chung đẹp đẽ là đánh đuổi thực dân Pháp. Trong hồi ký VNMTKQ ở trang 101, cụ Bách viết, “Nhiều phần tử trí thức và sinh viên, bị thôi thúc bởi lòng yêu nước, sẽ kế tiếp nhau tham dự vào những phong trào chống Pháp, hoặc cộng sản hoặc không cộng sản.”

Thế hệ thanh niên thập niên 1940-45 là một thế hệ “đẹp” với nhiều ước vọng dành độc lập cho tổ quốc. Đặc biệt thế hệ 1945, ở cả hai khuynh hướng Quốc, Cộng, trong tình hình thế chiến thứ II, các dân tộc thuộc địa vươn lên dành độc lập, đã là một thế hệ “huyền thoại” trong lịch sử cận đại của Việt Nam với nhiệt tình yêu nước không bờ bến, sẵn sàng từ bỏ gia đình, người yêu để lên đường cứu nước. Thế hệ 1945 huyền thoại đã được Đằng Phương (bút hiệu của giáo sư Nguyễn Ngọc Huy) mô tả qua bài thơ Những Anh Hùng Vô Danh, mà những câu mở đầu thật cảm động và bi tráng: Họ là những anh hùng không tên tuổi – Sống âm thầm trong bóng tối mênh mông, Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh, Nhưng can đảm và tận tình giúp nước.

Nhưng thế hệ đó cũng trải qua nhiều bi thảm. Cái bi thảm thể hiện trong tình bạn của cụ Bách với những người bạn thân thương nhất của cụ, mà sau này, mỗi lần nhắc lại cụ vẫn bùi ngùi. Trong những chia rẽ của tình bạn, có lẽ sự chia tay với Dương Đức Hiền làm cụ ray rứt nhất. Cả hai đều có nhiệt tình chống Pháp, lúc đầu cùng chung một hướng, cùng chung một đoàn thể. Nhưng rồi sau cả hai lại theo hai con đường khác nhau: Quốc Gia và Cộng Sản. Thực ra, thế hệ thanh niên với những người như cụ Dương Đức Hiền mang bầu nhiệt huyết theo Việt Minh không phải là theo Cộng Sản. Ngày nay, khá nhiều các đảng viên Cộng Sản lão thành từ thời 1945 và cuộc kháng chiến 9 năm đã thú nhận lúc đó không biết Cộng Sản là gì, không biết chủ thuyết Mác Lê là gì, chỉ một lòng chiến đấu vì độc lập, tự do của tổ quốc.

Người  Cộng Sản đã thắng keo đầu khi họ chớp thời cơ, nhân một cuộc biểu tình của công chức Hà Nội ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim ăn mừng nước nhà Độc Lập, thoát khỏi ách thực dân Pháp. Cộng Sản đã nhanh tay biến cuộc biểu tình của nhân dân Hà Nội yêu nước thành cuộc biểu tình của Cộng Sản, dưới danh nghĩa Việt Minh. Và Cộng Sản đã cướp được chính nghĩa.

Chính phủ liên hiệp Quốc Cộng hình thành sau đó đã không có được điều cơ bản là sự tin tưởng lẫn nhau của cả hai phe. Cho nên sự liên hiệp sớm đi tới tan rã. Lịch sử hợp tan của gia đình Nguyễn Tường của cụ Bách cũng gắn liền với giai đoạn hợp tan này của lịch sử dân tộc. Một ngày, cụ Bách bất ngờ tới thăm người chị, bà Nguyễn Thị Thế, nhà ở đê Yên Phụ, cũng gần nhà Thạch Lam. Tuy cùng ở Hà Nội nhưng đã lâu rồi cụ Bách vì bận việc chính sự đã không tới thăm chị và mấy đứa cháu như thường xuyên trước kia. Lần tới thăm bất ngờ này khiến bà chị và mấy đứa cháu ngạc nhiên. Cuộc gặp gỡ đã được Thế Uyên, con của bà Thế, kể lại đại khái như sau: Bất ngờ thấy chú Bách tới sau một thời gian dài vắng mặt. Lần này lại thấy chú đi có một người hộ vệ đứng ở đầu ngõ. Cũng như mọi lần, Thế Uyên lục túi cụ Bách định tìm kẹo. Nhưng lần này chàng không thấy kẹo mà chỉ lôi ra được mấy viên đạn. Cuộc nói chuyện của cụ Bách với mẹ Thế Uyên lần này ngắn ngủi và có vẻ nghiêm trọng. Cụ cho chị cụ biết cụ phải ra đi, và ra đi khá lâu, không biết bao giờ về. Đi đâu thì cụ không nói. Dĩ nhiên cùng với sự chia tay với gia đình, cụ Bách cũng phải chia tay với “nàng Loan” của cụ.

Sau khi rời Hà Nội Cụ Bách lên chiến khu của Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Vĩnh Yên. Theo hồi ký của “nàng Loan của Bách”, Cụ Bách ít gửi tin tức về. “Nàng Loan” của cụ Bách dự tính tiếp tục học đại học tại Trung Quốc. Trong hồi ký “Nguyễn Tường Bách và Tôi” của Bà Hứa Bảo Liên, phu nhân của Cụ Bách, “nàng Loan” của cụ Bách kể chuyện giã từ giữa “Loan và Dũng” ở trang 73 như sau:

“Tự nhiên tôi nghĩ có lẽ tôi phải lên chiến khu cho anh Bách biết tôi dự tính đi học. Kỳ thực lúc đó, tôi cũng không biết hiện anh đang ở đâu? Chiến khu ở chỗ nào? Sau hỏi ra rồi tôi mới đáp xe hơi, sau chuyển sang đi thuyền đến Việt Trì. Vừa đặt chân tới đất này, tôi cảm thấy nhẹ nhõm, nhưng rất mau tôi lại cảm thấy không khí khẩn trương, người đi lại rất ít. Thỉnh thoảng lại nghe có tiếng súng nữa. Tôi tìm đến trụ sở thì gặp ngay anh Bách và anh Vũ (ghi chú của người viết, tức cụ Vũ Hồng Khanh, một lãnh tụ quân sự của VNQDĐ). Có lẽ anh cũng không ngờ tôi đến thăm anh trong lúc này. Tôi cho anh biết tôi dự tính đi Trung Quốc học. Lúc đó chúng tôi cũng không biết bao giờ mới gặp lại nhau vì trong thời buổi loạn lạc này, không ai có thể tiên đoán được tương lai! Mà lúc đó anh cũng không nói cho tôi biết đảng bộ và quân đội của Việt Quốc đã dự định rút khỏi Việt Trì để lên Yên Báy. Sáng hôm sau, tôi đáp thuyền rồi đổi sang xe hơi trở về Hà Nội.”

Không đương cự nổi với Cộng Sản tại Hà Nội, cụ Bách phải dẫn lực lượng vũ trang của Việt Quốc lui về vùng chiến khu Việt Quốc ở Vĩnh Yên, nơi có đồn điền nổi tiếng của một đảng viên cao cấp của Việt Quốc là Đỗ Đình Đạo. Trên cuộc rút quân đó, lực lượng Việt Quốc và Cộng Sản (Việt Minh) đã đụng độ khốc liệt. Trong một lần giao tranh, cụ bắt được một cấp lãnh đạo của Việt Minh, sau này lên tướng. Trong tình cảm lãng mạn tiểu tư sản, cụ không trói hay đánh đập người “tù binh”, mà chỉ tước khí giới rồi cho ngủ chung với lực lượng vũ trang của cụ tại nơi đóng quân. Ngày hôm sau, hai chiếc xe hơi cắm cờ Việt Minh và cờ Việt Nam Quốc Dân Đảng từ Hà Nội tới, trên xe có đại diện hai phe trong chính phủ Liên Hiệp, yêu cầu trả tự do cho người “tù binh Việt Minh” và lãnh người “tù binh” đó về Hà Nội. Người đại diện Việt Quốc trên một trong hai xe hơi đó lại chính là nhà văn Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long, anh thứ tư của cụ (xem Trên Sông Hồng Cuồn Cuộn của Nguyễn Tường Bách và Hồi ký của Hứa Bảo Liên)

Chẳng bao lâu sau sự chia rẽ của chính phủ Liên Hiệp Quốc Cộng đi tới chỗ tiêu diệt lẫn nhau một cách tàn khốc hơn. Tại làng Phượng Dực, quê của bà Nhất Linh, trong căn nhà của bà, Cộng Sản (dưới danh nghĩa Việt Minh), trên con đường truy lùng Nhất Linh Nguyễn Tường Tam và gia đình, đã bắt mang theo 4 người gồm có bà Nguyễn Tường Tam, con trai Nguyễn Tường Việt của cụ Nguyễn Tường Tam khi đó mới khoảng 14 tuổi, em ruột của bà Nguyễn Tường Tam, tên Tín, và bố tôi, cụ Nguyễn Tường Cẩm, anh thứ hai của cụ Nguyễn tường Tam. Cộng sản dắt 4 người tù họ gọi là “phản động” đi về vùng họ kiểm soát. Một hôm tình cờ, máy bay đồng minh tới bỏ bom. Văn phòng nơi giam giữ xụp đổ. Hai người tù đàn ông đang bị xích nên không thoát được. Chỉ có bà Nguyễn Tường Tam và người con trai 14 tuổi không bị trói nên thoát được. Lại vẫn là máu tiểu tư sản, anh Nguyễn Tường Việt mới đây kể lại, trước khi đi trốn, anh và mẹ đã nâng cái cây sườn nhà đổ xập đang đè lên một người cán bộ để cứu người cán bộ đang bị thương này. Sau đó hai mẹ con phải trốn 15 ngày dưới hầm trong căn nhà của một người giúp việc ngày xưa tốt bụng và trung thành mà chúng tôi gọi là anh Tí, trước khi anh giúp việc này tìm được cách đưa vợ con cụ Nhất Linh Nguyễn Tường Tam trốn về Hà Nội. Còn bố tôi và người em bà Nhất Linh, bị thủ tiêu mất tích kể từ đó. Cái sự bi thảm trong cuộc chiến Quốc Cộng đã xảy ra cho gia đình tất cả các anh em Nguyễn Tường của Cụ Bách cũng là những bi thảm tương tự xảy ra cho nhiều gia đình khác.

Khi bàn tới sự thất bại của phe Quốc gia trước đối thủ Cộng sản người ta thường nói tới sự quyết liệt và tài tổ chức khéo léo của phe Cộng Sản hơn hẳn phe Quốc Gia. Nhưng người ta ít bàn tới việc người Cộng Sản quyết liệt ra sao và họ tổ chức giỏi như thế nào.

Từ 1945 cho tới 1975 người Quốc Gia bị thua Cộng Sản vì thái độ “không quyết liệt với kẻ thù,” trong khi Cộng Sản thì hoàn toàn trái ngược. Trong những thanh toán nhau giữa hai phe, người Cộng Sản quyết liệt hơn ở điểm họ truy lùng toàn bộ bố mẹ, anh, chị, em, vợ con, kể cả con còn niên thiếu của đối thủ chính trị để tiêu diệt. Họ gọi chung những người đó là “thành phần phản động”.  Một đòn hiểm ác hơn nữa là CS cô lập không những người bị cho là phản động mà còn cô lập cả gia đình họ. Cộng sản vận động, và đe dọa mọi người trong xóm, mọi bạn bè, họ hàng bà con không được quan hệ với cá nhân và gia đình của người bị họ cho lành “thành phần phản động”.  Ngay cả những người bạn thân, học trò ruột ra đường trông thấy họ từ xa cũng né tránh sang bên kia đường, không dám chạm mặt, không dám chào hỏi dù chỉ một câu, sợ bị liên lụy có thể mang họa vào thân, nhẹ thì bị kiểm điểm, nặng thì bị đi tù. Sự cô lập, bỏ đói của Cộng sản đối với cụ Phan Khôi hay các nhà văn trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, hoặc với các trí thức từng có công với Cộng Sản như Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo v.v… là những ví dụ cho thấy sự độc ác, quyết liệt của Cộng sản khác hẳn chủ trương, chính sách ôn hòa, hợp lý, hợp tình người của người Quốc Gia. Sự quyết liệt một cách độc ác của cộng sản đã được Luật gia Nguyễn Mạnh Tường mô tả khi trả lời phỏng vấn của nhà báo Hòa Khánh ở trang 712 cuốn Nhân Văn Giai Phẩm của Thụy Khuê. Hòa Khánh hỏi, “Luật sư có bị bắt, bị giam cầm gì không? Trả lời, “Không. Chỉ bị đuổi ra khỏi những nơi đang làm việc. Và độc ác nhất là bị cô lập hoàn toàn. Các anh cứ tưởng tượng suốt mấy chục năm trời, không ai dám đến gặp tôi cả. Họ sợ bị liên lụy đến bản thân, đến gia đình của họ. Có khi đi ngoài đường, nhìn thấy tôi từ xa, là bạn bè, học trò cũ của tôi phải tránh đi chỗ khác.” Hòa Khánh hỏi, “trong thời gian suốt mấy chục năm trời như vậy, luật sư làm gì để sống?” Trả lời, “Không làm gì cả. Xin việc gì người ta cũng không nhận…cứ bán dần đồ đạc trong nhà mà ăn tiêu…Rồi tất cả đồ đạc cạn dần…Tôi lại sống bằng sự bố thí của anh em, bạn bè.” Đọc hết tường thuật về sự đàn áp của cộng sản đối với gia đình tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường, người ta thấy kinh hãi tới độ không tưởng tượng được là có thể tàn bạo tới như vậy (2). Hoàn cảnh bị cô lập và đàn áp của tiến sĩ Trần Đức Thảo cũng kinh hãi tương tự. Và đỉnh điểm là bà vợ Tiến sĩ Trần Đức Thảo không chịu nổi phải nạp đơn ly dị với ông vào năm 1960 (3). Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, chính sách cô lập, đàn áp, bỏ tù (gọi là cải tạo), tịch thu nhà cửa, đất đai, ruộng vườn, cửa tiệm, kho hàng, cơ xưởng sản xuất và triệt đường sinh sống lại được áp dụng trên qui mô rộng lớn toàn miền nam đối với hàng trăm ngàn  quân nhân, công chức, doanh nhân và người Việt gốc Hoa. Và lần này không phải chỉ vài gia đình tan nát như ở miền bắc sau 1954, mà là cả chục ngàn gia đình vợ chồng bị tan nát, chia lìa.

Việc truy đuổi để tiêu diệt toàn thể bố mẹ, vợ con, anh chị em của đối thủ chính trị là điều không một tổ chức chính trị nào của người Quốc Gia chủ trương. Sự khác biệt về cách đối xử của người Quốc gia và Cộng sản đối với thành phần khác chính kiến bắt nguồn từ sự khác biệt trong lý thuyết hành động. Chủ thuyết Mác Lê dậy các cán bộ Cộng Sản phải phân loại nhân dân ra từng thành phần không chỉ dựa trên hành vi chính trị hay kinh tế của cá nhân người đó mà còn dựa trên lý lịch gia đình ba đời. Phe Quốc gia không buộc người dân khai lý lịch ba đời hay hai đời mà chỉ đòi hỏi người dân khai lý lịch về phần cá nhân họ mà thôi. Dựa trên lý lịch ba đời mỗi người dân bị Cộng sản phân loại vào một thành phần nào đó để hoặc được hưởng ân huệ hoặc bị đàn áp, triệt hạ. Ngày 5/6/2013, trên trang mạng “Bảo Tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh” (http://btxvnt.org.vn/cms/?m=16&act=view&id=124), trong bài Quá trình thành lập Xứ uỷ Trung Kỳ và các Tỉnh đảng bộ Nghệ Tĩnh, tác giả Nguyễn Thị Hồng Vân viết nguyên văn, “Xứ uỷ Trung Kỳ, nhất là đồng chí Bí thư ra chỉ thị thanh Đảng viết rõ từng chữ: thanh trừng trí phú, địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ,” Cho tới hiện nay, thế kỷ thứ 21, Cộng Sản vẫn còn áp dụng nguyên tắc của luật rừng này. Ngày nay họ đàn áp, triệt hạ tất cả cha mẹ, anh chị em của những phần tử đối kháng bằng nhiều cách như ép chủ nhà chấm dứt hợp đồng thuê nửa chừng, ép công ty họ đang làm việc phải sa thải họ v.v… Chưa kể họ còn cho công an mặc thường phục đóng vai côn đồ hành hung, gây tai nạn giao thông v.v…Cái thâm độc của CS ở đây còn thể hiện ở điểm họ không chủ trương gây tai nạn chết người mà chỉ gây thương tật nặng. Như vậy, nạn nhân vẫn còn sống và từ đó trở thành một gánh nặng cho toàn bộ gia đình. Ví dụ thì đầy dẫy trên báo chí lề trái (blogs). Mới đây, ngày 19/6/2013 trong bài “Đinh Nhật Uy bị bắt vì “không thuyết phục được Đinh nguyên Kha nhận tội”?” (http://danluan.org/tin-tuc/20130619/dinh-nhat-uy-bi-bat-vi-khong-thuyet-phuc-duoc-dinh-nguyen-kha-nhan-toi) ký giả Trương Minh Đức viết, “Kể từ khi sinh viên Đinh Nguyên Kha bị bắt thì công an địa phương luôn sách nhiễu gia đình bằng nhiều thủ đoạn, họ thường xuyên gọi điện thoại với những khách hàng đến sửa chữa máy vi tính tại cơ sở của Đinh Nhật Uy (ghi chú của Ng. tường Tâm: người anh), công an hăm dọạ khách hàng là nếu làm ăn với gia đình “phản động” này thì hãy coi chừng đó! và cũng kể từ đó không ai dám đến làm ăn với cơ sở của Đinh Nhật Uy, thời gian vắng khách kéo dài Uy không chịu nổi với các khoản thuế, chi phí… Đành phải đóng cửa để về vườn làm bất cứ công việc gì cho gia đình. Từ một Kỹ Sư Công nghệ thông tin, chuyên gia máy tính đành phải về cuốc đất trồng rau, giăng lưới bắt từng con cá sặc để góp thêm cho mẹ Liên chờ đến chuyến thăm nuôi gởi cho em Nguyên Kha đang ở trong tù… đang thất nghiệp không giúp ích được gì nên tính lên Sài Gòn in tái bản thêm 400 cuốn sách kỹ thuật về sửa chữa máy Photocoppy mà Uy cùng mấy người bạn đồng xuất bản trước đây, nếu bán được cũng có ít tiền giúp mẹ để phụ giúp nuôi em Kha… nhưng khi vừa đến nhà in thì bị từ chối với lý do là tên của Nhật Uy có trong cuốn sách đó nên không được in tái bản!??..”

Ngày 19-6-2013 trong phản hồi bài:  “Một gợi ý cho biểu tình ở VN: Đứng im để biểu tình ở Thổ …” Một khách với mã số 90908 đã viết, “Tôi không biết cách xử lý của cảnh sát các nước khắc nghiệt tới đâu, nhưng tôi biết rõ ở VN, không chỉ cảnh sát, cả một guồng máy sẽ ập xuống, không chỉ bản thân người đi biểu tình, cả gia đình thân quyền cũng vạ lây. Triệt đường sinh kế, cô lập sinh hoạt, triệu tập lên triệu tập xuống, rỉ tai, hù dọa, rồi nếu cần thì thuê mướn bọn xã hội đen hành xử kiểu côn đồ…Kể sơ sơ những thứ lồ lộ ra trước mắt mọi người thế chứ còn những chiêu ngầm gian xảo hơn, tàn bạo hơn, có thể tôi vẫn chưa kịp nắm rõ. (https://danluan.org/tin-tuc/20130619/mot-goi-y-cho-bieu-tinh-o-vn-dung-im-de-bieu-tinh-o-tho-nhi-ky#comment-90908)

Phe Quốc Gia không có một lý thuyết hành động nào phân loại người dân theo lý lịch gia đình để có chính sách đối xử tương ứng cho nên không có chính sách đàn áp, tiêu diệt thân nhân, gia đình của các phần tử Cộng Sản. Trong suốt 21 năm của chính quyền miền Nam, không một người vợ nào của Cộng Sản nằm vùng bị bắt nếu không có bằng chứng chính người đó hoạt động cho Cộng Sản. Vợ con họ cũng không bị đuổi việc cho dù đang làm việc cho chính quyền. Các khách hàng làm ăn với vợ con họ cũng không bị đe dọa để chấm dứt buôn bán với  họ. Không một người con nào của cán bộ cộng sản nằm vùng hay tập kết ra Bắc bị đuổi học hay không xin được việc làm trong công sở chỉ vì liên hệ gia đình. Nhiều khi người Quốc gia còn đối xử với các đối thủ Cộng sản một cách “Quân tử tầu” nữa. Sự việc này mới đây đã được nhiều “cộng sản nằm vùng” thuật lại. Bài “Có một giờ G khác vào năm 1974” đăng trên báo Saigon Tiếp Thị (http://sgtt.vn/Loi-song/177101/Co-mot-gio-G-khac-vao-nam-1974.html) có lời thuật của “Đại tá, anh hùng phi công Nguyễn Thành Trung”. Người phi công của Không Quân Saigon ném bom Dinh Độc Lập ngày 8.4.1975 đã thuật lại việc Chính Quyền Saigon và Trung Tướng Tư Lệnh Không Quân Saigòn đối xử với vợ con ông sau khi ông theo Cộng Sản phản bội Việt Nam Cộng Hòa như sau: “…thời gian sống trong đội ngũ không lực Sài Gòn cho tôi một niềm tin rằng vợ tôi, một người phụ nữ không liên quan gì đến công việc của tôi, con tôi còn quá nhỏ (đứa lớn mới 5 tuổi, đứa nhỏ chưa tròn năm) sẽ không bị đối xử một cách tàn nhẫn. Thực tế diễn ra đúng như tôi dự đoán. Cánh an ninh không quân đưa xe đến nhà bắt vợ con tôi. Vợ tôi phản đối vì mình không biết gì về công việc của chồng. Họ từ tốn: “Thưa bà, chúng tôi không bắt bà (nếu bắt chúng tôi đã dùng còng số 8, trói bà chẳng hạn), chúng tôi tới đây mời bà vào phòng an ninh sư đoàn, với trách nhiệm bảo vệ sự an toàn tính mạng của bà và các con bà. Nếu bà có tài sản quý giá nào thì bà cứ mang theo”. Bài báo thuật tiếp, “Trong thời gian vợ tôi bị giam ở số 4 Nguyễn Bỉnh Khiêm, trung tướng không quân Trần Văn Minh đến thăm với tư cách người chỉ huy có một người lính phản chiến. Ông ấy hỏi vợ tôi có cần bạn bè, người thân đến chuyện trò gì không hay cần mua sắm gì thì ông sẽ giúp đỡ.” Người Quốc gia là như vậy, “tiểu tư sản”, lại thêm “quân tử tầu”, nên thua Cộng Sản là phải.

Còn nói về tài tổ chức khéo léo của Cộng Sản hơn hẳn người Quốc Gia thì phải hiểu rằng người Quốc Gia thua kém Cộng Sản chỉ vì khác hẳn Cộng Sản, người Quốc Gia tổ chức theo nguyên tắc Pháp Quyền (rules of law), trong khi Cộng Sản không có luật, hay chỉ có luật để trưng bày, trong thực tế họ dùng luật miệng, luật rừng. Chính vì nguyên tắc Pháp Quyền của Người Quốc Gia mà đại đa số cán bộ Cộng Sản nằm vùng đã được ung dung hoạt động để cuối cùng phá hỏng cái nền dân chủ Pháp Quyền đã từng bảo vệ người dân cũng như bảo vệ chính họ. Ngày nay, họ đang tranh đấu quyết liệt đòi chính quyền Cộng Sản phải trả lại cho họ những nhân quyền họ từng được hưởng ở miền Nam mà ngày xưa chính họ phá bỏ.  Để hiểu rõ điều này, tốt hơn hết nên nghe tường thuật của cựu “Việt Cộng nằm vùng” Hạ Đình Nguyên trong bài “Nguyễn Phương Uyên, tôi có thể làm gì cho em?” đăng ngày  5-11-2012 trên trang mạng Việt-studies (-http://viet-studies.info/kinhte/HaDinhNguyen_NguyenPhuongUyen.htm) ” Đối tượng mà chúng tôi chống, lúc bấy giờ, là Chính phủ Việt Nam Cọng Hòa, song lại có đôi điều mà trái tim công bằng của tuổi trẻ ghi nhớ như là nét son của một xã hội công dân – dù nó chưa tương xứng để gọi tên như thế– Tôi nhớ tại Tối Cao Pháp viện, Tổng thống VNCH – Nguyễn Văn Thiệu, đã đích thân đến Tòa án can thiệp, tranh luận tay đôi với Viện trưởng Nguyễn Minh Tiết, rằng cần phải kết án 21 SV trong số 42 SVHS đã bị bắt vừa qua là Việt Cộng, vì có bằng chứng minh bạch. Ông Viện trưởng Tiết đã cương quyết bác bỏ, vì sự tra tấn dã man là bằng chứng của ép cung, lời cung đã khai không còn giá trị. Thế là hầu hết đã được trả tự do ngay sau phiên tòa. Trong đó có một số anh chị có vai trò trong tổ chức Thành đoàn CS.” Cái tổ chức của người Quốc Gia kém xa Cộng Sản ở điểm mà chính ông Hạ Đình Nguyên cũng phải nhận định tiếp, “Dù các anh chị ấy có lập trường kiên định, một lòng trung thành với con đường lý tưởng đã chọn, song không khỏi ghi nhớ về tính cách của một vị quan tòa, và nguyên tắc, dù chưa phải là thực chất của một thể chế dân chủ, nhưng ở đó có một số điểm tựa để cho người dân tin cậy, là hệ thống luật pháp về dân sự, dù thời điểm đó đang là chiến tranh.” Người Quốc Gia tổ chức kém Cộng Sản bởi vì họ có một tổ chức tư pháp bảo vệ người dân như vậy.

Người Quốc Gia đã hành xử hoàn toàn khác người Cộng Sản, “dù thời điểm đó đang là chiến tranh” (mượn lời Việt Cộng nằm vùng Hạ Đình Nguyên) do đó trong một thời điểm của lịch sử họ đã thua.

Sự thất bại của đoàn quân Việt Quốc đã khiến cụ Bách và các đồng chí phải bôn tẩu sang Trung Quốc. Cũng như Loan và Dũng trong Đoạn Tuyệt và Đôi Bạn, cuối cùng hai người cũng tái hồi. Cụ Bách và nàng Loan của cụ cuối cùng cũng tái hồi. Loan của cụ Bách tên là Hứa Bảo Liên, một cô gái xinh xắn, mau mắn, đánh bóng bàn giỏi, người Hà Nội Việt gốc Hoa, thường vào nhà thương làm thiện nguyện và quen chàng sinh viên y khoa Nguyễn Tường Bách trẻ tuổi, đẹp trai, tài hoa, đàn hay, nhẩy giỏi, học giỏi, ở đó. Như vừa trình bày ở trên, khi cụ Bách chia tay với cô Hứa Bảo Liên trong chiến khu hai người không một hứa hẹn gì. Chính trường chưa rõ nét mà cuộc đời của chàng Dũng Nguyễn Tường Bách thì vô định, sống nay chết mai, ai biết được đường tên mũi đạn. Sau khi lên thăm giã từ chàng thanh niên bác sĩ Nguyễn Tường Bách tại chiến khu của VNQDĐ tại Việt Trì, cô Hứa Bảo Liên lên đường sang du học bên Côn Minh, Trung Quốc. Sự giã từ đã tưởng như vĩnh viễn. Nhưng cuộc tái ngộ bất ngờ của hai người được nàng Loan Hứa Bảo Liên kể lại ở trang 91 cuốn  hồi ký “Nguyễn Tường Bách và Tôi” như sau: “Một buổi chiều mùa thu vào cuối tuần, tôi vội vàng ra trường để cùng các anh Tam (Nhất Linh), Long (Hoàng Đạo) và các anh em khác ra ga Côn Minh…Mọi người đang đứng đợi. Mãi lâu mới có một đoàn xe lửa từ từ tiến vào trong ga.  Chuyến xe này từ Khai-Viễn tới. Tất cả mọi người đều chăm chú nhìn những hành khách đang xuống xe. Mãi sau có một anh chỉ cho mọi người nhìn theo, đằng xa có một toán người ăn mặc giống nhau, với những bộ đồ mầu xanh đã bạc. Trên vai người nào cũng đeo một túi vải và chiếc bi -đông đựng nước. Tất cả đều gầy, đen và trông có vẻ mệt mỏi so với những hành khách khác. Anh Bách gầy hơn hết, và đen rạm đến khó nhận ra. Được cái anh vẫn điềm tĩnh vui vẻ bắt tay mọi người. Cuối cùng tất cả đều vui mừng trở về trụ sở. Túi vải anh không có gì đáng giá, ngoài vài bộ quần áo thay đổi, áo len cũng không có. Trên tay anh có chiếc đồng hồ cũ và chiếc nhẫn tôi tặng cho anh trước kia, có lẽ là vật đáng giá nhất mà anh đã đem theo.” Hình ảnh tái ngộ bất ngờ của Bác sĩ Nguyễn Tường Bách và người yêu tại một sân ga xa xôi, giữa thời chinh chiến, mang đậm nét lãng mạn cách mạng của Dũng và Loan trong tiểu thuyết của Nhất Linh, Tự Lực Văn Đoàn.

Thế là một giai đoạn đầy biến động của lịch sử đất nước đã sang trang với sự thất bại của đoàn quân Việt Quốc. Đó là năm 1946 với sự tan rã của chính phủ Liên Hiệp Quốc Cộng. Khi được tôi và bác sĩ Nguyễn Tường Giang con cụ Thạch Lam hỏi, “Trong đời chú điều gì làm chú hối tiếc nhất?” thì không ngập ngừng cụ trả lời ngay: “Chú hối tiếc nhất là vào thời điểm 1945, các chú chỉ chậm chân 15 phút để rồi cuộc chiến Quốc Cộng kéo dài cho mãi tới thế hệ các cháu ngày nay.” Khi nói tới sự chậm chân 15 phút, ý cụ muốn nói tới việc Phe Quốc Gia đã không quyết liệt để có chủ trương cướp chính quyền từ tay chính phủ Trần Trọng Kim để rồi chỉ trong 15 phút bất ngờ Phe Cộng Sản đã biến cuộc biểu tình ủng hộ chính quyền Trần Trọng Kim, ăn mừng nước nhà độc lập khỏi ách thực dân Pháp và Nhật, thành một cuộc biểu tình cướp chính quyền của phe họ.

Theo hồi ký của Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ, nxb Văn Hoá, Houston, 1996, thì Bác sĩ Chữ lúc đó là đại diện chính phủ Trần Trọng Kim đã từ chối đề nghị  của quân Nhật dẹp loạn Việt Minh. Ngoài ra trong một bài phát biểu tại Đại Hội Toàn Đảng Đại Việt năm 1998, tại San Jose, California, USA, ông Hoàng Nhật Tiến, đảng viên niên trưởng (sau này, năm 2006 là chủ tịch Đảng) đã tiết lộ rằng, Cụ Trương Tử Anh, lãnh tụ chung của các đảng quốc gia, đã dè dặt không muốn cướp chính quyền Hà nội nhân ngày công chức biểu tình 19/8/1945 mặc dù các đảng viên các đảng phái quốc gia đã hết sức thuyết phục. Sự thiếu quyết liệt của các đảng phái Quốc Gia đã mang lại cơ hội cho Cộng Sản chiếm được chính nghĩa trước nhân dân.

Thực ra, Việt Minh Cộng Sản không đủ cán bộ để làm cuộc biểu tình đông như vậy, họ chỉ cướp công và dấu mặt cộng sản để cướp chính nghĩa mà thôi. Tâm sự tiếc nuối của cụ Nguyễn Tường Bách đã được mô tả ngắn gọn trong tựa đề của một bài phỏng vấn cụ Bách đăng trên tuần báo Saigon USA của Luật Sư Nguyễn Tâm xuất bản tại San Jose, California, Hoa Kỳ ngày 11-1-1999; tựa đề đó là: “Lỡ Một Bước, Hận Ngàn Thu”.

Năm 1946 Bác sĩ Nguyễn Tường Bách và các đồng chí của ông đã một lần thất bại trước đối thủ Võ Nguyên Giáp và phe Cộng Sản và phải bôn tẩu sang Trung Quốc. Năm 2013, trong một trận “quyết đấu tay đôi”, vì cả hai phe giờ chỉ còn hai cụ, một lần nữa Bác sĩ Nguyễn Tường Bách lại thất bại trước cụ Võ Nguyên Giáp khi phải ra đi sang bên kia thế giới, trong khi cụ Võ Nguyên Giáp vẫn còn ở lại, dù phải mang ống thở.

Cuộc chiến Quốc Cộng thế hệ 1945 như vậy chính thức đã kết thúc. Nhưng cuộc chiến giữa những người Quốc gia, được hiểu là những người tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền, và những đảng viên Cộng Sản mù quáng vẫn còn tiếp diễn. Tuy nhiên khác với thời kỳ ba mươi năm chiến tranh 1945-1975, cuộc chiến Quốc Cộng hiện nay đang diễn ra với phần áp đảo nghiêng về phe đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền. Mặc cho trước mắt, phe Cộng Sản cầm quyền còn đang hung hãn, nhưng sự hung hãn hiện nay của phe Cộng Sản cầm quyền chỉ như sự vùng vẫy của con thú đang lâm vào đường cùng không lối thoát.

*** 

(1) http://www.hocxa.com/VanHoc/KhaiHung/KHung&NLinhtrongthoHKieu_QuocNam.php ; Khái Hưng và Nhất Linh trong thơ Huyền Kiêu

-Hồi Ký Việt Nam Một Thế Kỷ Qua cuốn I của Nguyễn Tường Bách. -Hồi Ký về Gia Đình Nguyễn Tường của Nguyễn Thị Thế

(2): Nhân Văn Giai Phẩm-tác giả Thụy Khuê-nhà xuất bản Tiếng Quê Hương Virginia-ấn bản 2012

(3):  http://www.viet-studies.info/TDThao/NTNhat_TDThao_NKVien.htm Đăng trên VieTimes-10-11-12/10/2007-Chuyện người vợ “duy nhất” của… hai học giả lớn Việt Nam

          Khách gửi hôm Chủ Nhật, 23/06/2013         
 

‘Ông Hà Vũ có quyền kiện vụ clip VTV’ – BBC

24 Th6

‘Ông Hà Vũ có quyền kiện vụ clip VTV’

Cập nhật: 13:35 GMT – chủ nhật, 23 tháng 6, 2013
Phóng sự của VTV về ông Cù Huy Hà VũPhóng sự của VTV về ông Cù Huy Hà Vũ gây tranh cãi về khía cạnh pháp lý và đạo đức

Một tuần sau khi truyền hình Việt Nam, VTV, phát phóng sự gây tranh cãi về Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ, luật sư và vợ của ông, bà Nguyễn Thị Dương Hà lên tiếng nói gia đình nhất trí với quan điểm sẽ tìm lại công lý cho ông Hà Vũ vào một thời điểm thích hợp tới đây.

Hôm Chủ Nhật, ngày 23/6, bà Dương Hà nói với BBC, bà hoàn toàn nhất trí với ý kiến của các luật sư đồng nghiệp, trong đó có luật sư Nguyễn Văn Đài, cho rằng ông Vũ có cơ sở để khởi kiện cuốn clip của VTV loan tải hôm 15/6 với lý do clip này đã bôi nhọ ông và xâm phạm quyền được bảo vệ hình ảnh cá nhân của ông trước công chúng.

 

Bà Dương Hà nói:

“Cái việc họ đưa ti-vi vào quay trộm ông Vũ thì rõ ràng đấy là vi phạm pháp luật rồi, không còn phải bàn cãi gì nữa…”

Bà khẳng định:

“Những thước phim quay trộm không bao giờ là chính danh cả.

“Và tất cả những người yêu chuộng tự do và công lý, cũng như những người hiểu biết về pháp lý, về quyền con người, thì người ta đều hiểu rằng việc làm như thế này là không chính danh.”

Luật sư Dương Hà khẳng định thêm với BBC rằng ông Hà Vũ không biết ông bị quay phim, ghi hình.

Bình luận về việc truyền hình quốc gia có “đúng đắn” và “xứng tầm” hay không khi thực hiện và truyền bá phóng sự được bà cho là “quay trộm”, “quay lén” với ông Hà Vũ, bà nói:

 

Bà Dương Hà: sẽ kiện nhưng chờ thời điểm

Luật sư Dương Hà nói VTV đã sai khi quay lén, quay trộm ông Hà Vũ trong phóng sự hôm 15/6 và gia đình sẽ đòi lại công lý nhưng còn chờ thời điểm thích hợp.

Nghemp3

Bạn cần mở JavaScript lên và cài phần mềm Flash Player mới nhất để nghe/xem.

Bấm vào đây để tải Flash Player mới nhất

Mở bằng chương trình nghe nhìn khác

“Dù là (truyền hình) cấp nào cũng không được bởi vì như thế nó đã là vi phạm pháp luật,

“Nó là vi phạm pháp luật rồi thì dù ở cấp nào, kể cả cá nhân cũng là vi phạm pháp luật chứ không nói đến cấp tỉnh hay cấp huyện hay cấp xã, hay cấp thành phố, hay là cấp nhà nước.”

‘Vi phạm nghiêm trọng’

Hôm thứ Bảy, 22/6, luật sư Nguyễn Văn Đài từ Hà Nội nói với BBC cho rằng phóng sự của VTV có tính chất bôi nhọ danh dự đối với ông Hà Vũ.

Ông cho rằng nếu phóng sự được dựng và truyền bá mà không được ông Hà Vũ đồng ý, thì ông Vũ hoàn toàn có quyền kiện, hoặc ủy quyền cho luật sư của mình kiện Đài Truyền hình Việt Nam.

Ông Đài lưu ý một tù nhân như ông Vũ có thể chỉ bị tước đi một số quyền chính trị và tự do cơ bản, nhưng vẫn được pháp luật bảo hộ nhiều quyền thuộc về nhân quyền cơ bản khác, trong đó có quyền bảo vệ hình ảnh riêng tư.

“Việc sử dụng hình ảnh và quay một cách không chính thức như vậy không được sự cho phép của một người, mặc dù là đang trong hoàn cảnh tù đầy, như vậy cũng là vi phạm quyền nhân thân cơ bản nhất của người ta”

Luật sư Nguyễn Văn Đài

Luật sư Đài nói:

“Tôi khẳng định rằng băng video đó tung lên nhằm bôi nhọ Tiến sỹ Vũ, cũng như gia đình của ông, và đó là mội sự phỉ báng hết sức vô lý…”

“Một người ở trong trại giam rất khó thực hiện những quyền khiếu nại, tố cáo của mình, nhưng người đó có thể ủy quyền cho thân nhân của mình hoặc cho luật sư của mình để thực hiện quyền đó,

“Việc sử dụng hình ảnh và quay một cách không chính thức như vậy không được sự cho phép của một người, mặc dù là đang trong hoàn cảnh tù đầy, như vậy cũng là vi phạm quyền nhân thân cơ bản nhất của người ta.”

Luật sư Đài khẳng định:

“Người ta chỉ bị tước một số quyền về chính trị, một số quyền tự do cá nhân, nhưng quyền bảo vệ hình ảnh riêng tư của họ thì vẫn được pháp luật bảo vệ,

“Cho nên việc Đài truyền hình Việt Nam làm như vậy là họ vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng,” ông nói.

‘Hoàn toàn nhất trí’

Bình luận về quan điểm của luật sư Nguyễn Văn Đài, luật sư Dương Hà cho hay:

 

 

Khó khăn của giới chỉ trích trong nước

Luật sư Nguyễn Văn Đài nói giới bất đồng chính kiến cần kiên nhẫn trước các khó khăn mà chính quyền gây ra.

Nghemp3

Bạn cần mở JavaScript lên và cài phần mềm Flash Player mới nhất để nghe/xem.

Bấm vào đây để tải Flash Player mới nhất

Mở bằng chương trình nghe nhìn khác

“Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của luật sư Đài, và chúng tôi, tất cả các luật sư của anh Cù Huy Hà Vũ, cũng đều nhận định như vậy.

“Chúng tôi sẽ làm một cái gì đó để đòi lại công lý cho anh Vũ và danh dự của anh Vũ cũng như danh dự của gia đình chúng tôi.

“Nhưng thời điểm mà chúng tôi làm thì chúng tôi sẽ xem xét.”

Hôm thứ Bảy tuần trước, VTV phát một phóng sự đặc biệt do truyền hình công an thực hiện, phát sóng trên chương trình thời sự lức 19h00 vốn được coi là ‘giờ vàng’ có nhiều khán giả theo dõi.

Trong clip này, Công an Việt Nam bác bỏ các thông tin lề trái về sức khỏe của Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ ở trong trại giam, trong thời gian ba tuần lễ ông tuyệt thực tính tới khi đó, và nói ông Vũ ‘béo khỏe’ song ‘chấp hành kém’.

“Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của luật sư Đài, và chúng tôi, tất cả các luật sư của anh Cù Huy Hà Vũ, cũng đều nhận định như vậy. Chúng tôi sẽ làm một cái gì đó để đòi lại công lý cho anh Vũ và danh dự của anh Vũ cũng như danh dự của gia đình chúng tôi”

Luật sư Dương Hà

Chương trình truyền hình của công an trên VTV hôm 15/6 phát đi những hình ảnh được cho là tạo ra tranh cãi về tính chân thực, đạo đức báo chí và động cơ chính trị, với những hình ảnh dường như được quay lén để chứng minh ông Hà Vũ “còn khỏe mạnh hơn cả người bình thường.”

Trong phóng sự, truyền hình nhà nước cho hay các hình ảnh được thực hiện ngay trong thời điểm diễn ra cuộc tuyệt thực của ông Vũ tại trại giam số 5 của Bộ Công an tại Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến trên mạng xã hội đặt vấn đề các hình ảnh, đoạn đối thoại, ngoài việc ‘được quay lén’ còn có thể sử dụng nhiều tiểu sảo cố tình cắt, cúp, ghép với những không gian và thời gian không thống nhất mà họ nói là ‘quay trước, quay lén và quy trộm’ để tạo dựng ấn tượng của một clip được quay với sự đồng ý của ông Vũ và tại thời điểm thật mà ông đang tuyệt thực.

Hiện Tiến sỹ Hà Vũ đã tuyên bố chấm dứt cuộc tuyệt thực mà gia đình cho hay đã diễn ra liên tục suốt 25 ngày vốn thu hút sự chú ý của nhiều tổ chức, cá nhân và dư luận trong và ngoài nước.

Từ năm 2007 nhạc sĩ Tô Hải đã chỉ rất trúng đích – Bauxite

24 Th6

Từ năm 2007 nhạc sĩ Tô Hải đã chỉ rất trúng đích

Bauxite Việt Nam

Từ ngày 16 tháng 12 năm 2007 chứ không phải mới gần đây đâu, người nhạc sĩ lão thành mà chúng ta hằng yêu kính đã dùng kính chiếu yêu của mình chỉ hẳn ra một nhân vật chỉ điểm cho an ninh bắt người biểu tình yêu nước giữa thành phố Sài Gòn. Đây mời các bạn xem đây:

 

http://www.youtube.com/watch?v=NJ_XcKqjh9A

Thử xem từ đó đến nay cái kẻ bị bắt tận tay day tận trán nọ đã biến hóa như thế nào. Xã hội chúng ta quả là tiến vọt, có khả năng biến mọi thứ thành người. Rõ là không thể tin vào mắt mình được nữa: 6 năm thấm thoắt, hôm nay “hình bóng xưa” bỗng nhiên đã  trở thành… một người phát biểu những lời rất “quyết tâm”, rất “sắt đá” giữa hội trường Quốc hội: “Chúng ta nhất quán xây dựng đất nước theo định hướng XHCN”, và phát biểu trong một cương vị vô cùng danh giá, với một nụ cười không gì rạng rỡ hơn. Tốt đẹp biết bao! Cuộc đời lên hương biết bao!

Nhưng dưới cặp kính chiếu yêu của vị Đại lão nhạc sĩ, ẩn sau nụ cười với hàm răng trắng ấy thực chất là gì? Không thấy có lời bình luận nào của ông. Thôi thì xin mượn hình ảnh trên trang Ba Sàm ngày 23-6-2013 để giúp độc giả cùng tìm lời giải đáp:

Vậy là “Nhất quán… định hướng xã hội chủ nghĩa” cũng có nghĩa trước sau như một: hãy dò la nhằm điểm chỉ thật kịp thời những thanh niên ưu tú giương khẩu hiệu “Tàu Khựa cút khỏi Biển Đông” để bắt hết họ vào tù?

Phương Uyên: “Tàu Khựa cút khỏi Biển Đông”

Thảo nào đất nước ngày càng có nhiều người tin vào thế giới tâm linh là phải.

BVN

Việt-Trung kiên trì đàm phán giải quyết tranh chấp biển

24 Th6

Việt-Trung kiên trì đàm phán giải quyết tranh chấp biển

– Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói về kết quả chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước.

Kết thúc chuyến thăm cấp nhà nước Trung Quốc (19-21/6) của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trao đổi với báo chí:
Trao đổi thẳng thắn tồn tại
Xin Bộ trưởng cho biết mục đích của chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang? Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng hữu nghị, nhân dân hai nước có truyền thống giao lưu hữu nghị lâu đời, văn hóa có nhiều nét tương đồng.
Trong thời gian qua, với sự nỗ lực của cả hai bên, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc tiếp tục được duy trì và có bước phát triển mới, Lãnh đạo cấp cao hai bên duy trì trao đổi tiếp xúc thường xuyên; hợp tác cùng có lợi tiếp tục có những tiến triển thực chất, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, văn hoá, thể thao, giáo dục đào tạo…; cơchế hợp tác giữa hai bên không ngừng hoàn thiện, hợp tác, giao lưu giữa các bộ,ngành, địa phương, đoàn thể quần chúng tiếp tục phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

Trung Quốc, chủ quyền, Biển Đông, đối tác chiến lược, dầu khí, Phạm Bình Minh, Trương Tấn Sang
 

Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước của Chủ tịch Trương Tấn Sang và là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Trung Quốc sau khi Trung Quốc có ban lãnh đạo mới.
Mục đích chính của chuyến thăm nhằm khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam củng cố và phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc và nhằm tăng cường tin cậy chính trị, duy trì trao đổi tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.
Chuyến thăm cũng là dịp để lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Trung Quốc thống nhất nhận thức chung về định hướng phát triển của quan hệ hai nước, thảo luận các biện pháp cụ thể nhằm đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất.
Đây cũng là dịp lãnh đạo hai nước trao đổi thẳng thắn về những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ hai nước, trong đó có vấn đề trên biển.
Tăng cường hiểu biết, tin cậy
Xin Bộ trưởng cho biết các hoạt động và kết quả nổi bật của chuyến thăm?
Trong thời gian ngắn, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu cấp cao tađã có nhiều hoạt động với nội dung phong phú, đa dạng trong khuôn khổ chuyến thăm.
Tại Bắc Kinh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc hội đàm với Tổng bí thư,Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; hội kiến với Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Khắc Cường, Ủy viên trưởng Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trương Đức Giang.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gặp gỡ, nói chuyện với đại diện cố vấn, chuyên gia Trung Quốc giúp đỡ Việt Nam trong kháng chiến hoặc từng công tác tại Việt Nam cũng như đại diện thế hệ trẻ Trung Quốc; thăm và nói chuyện với cán bộ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc và cộng đồng người Việt tại Bắc Kinh; tham quan Trung tâm quy hoạch đô thị Thủ đô Bắc Kinh….
Ngoài Bắc Kinh, Chủ tịch nước đã thăm tỉnh Quảng Đông, tiếp Bí thư Tỉnh ủy QuảngĐông Hồ Xuân Hoa, thăm Trụ sở Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội và viếng mộ Liệt sỹ Phạm Hồng Thái….
Kết quả quan trọng nhất của chuyến thăm là việc Chủ tịch nước và các nhà lãnhđạo cấp cao Trung Quốc đã trao đổi và đạt nhất trí cao về tầm quan trọng của việc củng cố và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc.
Hai bên đã cùng nhìn lại quá trình phát triển quan hệ Việt – Trung, nhất trí cho rằng tình hữu nghị Việt – Trung là tài sản chung quý báu của nhân dân hai nước; khẳng định sẽ tuân theo các nhận thức chung quan trọng mà Lãnh đạo hai nước đãđạt được trong những năm qua về phát triển quan hệ hữu nghị Việt – Trung.
Hai bên đã trao đổi những phương hướng lớn nhằm tăng cường sự tin cậy chính trị,làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực, xử lý thỏa đáng bất đồng, nhất là trong vấn đề trên biển.
Các cuộc tiếp xúc rộng rãi của Chủ tịch nước với nhiều thành phần nhân dân Trung Quốc ở các địa phương đã diễn ra trong không khí thân tình, hữu nghị, tăng cường sự hiểu biết và tin cậy.
Hai là, nhân dịp chuyến thăm, hai bên đã ký kết nhiều văn bản hợp tác quan trọng. Hai bên đã ra Tuyên bố chung, ký kết 10 văn kiện hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trong đó có những văn kiện vừa định hướng cho tương lai quan hệ hai nước, vừa đềra các bước phát triển hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực để thúc đẩy mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện đi vào chiều sâu hơn nữa như Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam -Trung Quốc.
Có những văn kiện sẽ góp phần củng cố khu vực biên giới chung hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển như Thỏa thuận hợp tác biên phòng (sửa đổi) và Điều lệCông tác của Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu.
Hai bên cũng đã đạt nhiều thỏa thuận cụ thể về việc triển khai hợp tác văn hóa, du lịch giao lưu nhân dân, góp phần tăng cường sự hiểu biết và tình hữu nghịgiữa nhân dân hai nước.
Có thể nói, các thỏa thuận này vừa thể hiện quyết tâm và thiện chí của hai bên trong việc tăng cường tin cậy, mở rộng hợp tác, vừa đáp ứng nhu cầu hợp tác ngày càng rộng mở trong quá trình phát triển của quan hệ hai nước, góp phần làm sâu sắc hơn nữa nội hàm của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam –Trung Quốc.
Ba là, hai bên đã trao đổi biện pháp cụ thể thúc đẩy hợp tác cùng có lợi trong lĩnh vực kinh tế thương mại.
Hai bên đã nhất trí đề ra các biện pháp hữu hiệu, quyết liệt nhằm giảm dần nhập siêu của Việt Nam, tiến tới cân bằng thương mại. Hai bên phấn đấu thực hiện trước thời hạn đưa kim ngạch thương mại song phương lên 60 tỷ USD vào năm 2015.
Việc hai bên ký Thỏa thuận về hợp tác trong lĩnh vực kiểm nghiệm, kiểm dịch động thực vật xuất nhập khẩu, một mặt cũng sẽ góp phần tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu hàng hóa Việt Nam, nhất là nông-thủy sản sang thị trường Trung Quốc, mặt khác góp phần lành mạnh hóa việc nhập khẩu các mặt hàng gia cầm, gia súc từTrung Quốc vào Việt Nam, ngăn chặn, kiểm soát hiệu quả nguy cơ lây lan bệnh dịch từ gia súc gia cầm nhập khẩu.
Hai bên cũng nhất trí sẽ thúc đẩy triển khai các dự án đầu tư lớn, góp phần thúcđẩy tăng đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam,
Bốn là, với nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc kế thừa và phát huy tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước, hai bên cũng đã nhất trí nhiều biện pháp thúc đẩy giao lưu nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, tăng cường sựhiểu biết, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Nhân dịp chuyến thăm, hai nước đã ký Bản Ghi nhớ về việc xây dựng Trung tâm văn hóa của nước này tại nước kia. Đồng thời, hai bên cũng nhất trí tổ chức Liên hoan Thanh niên Việt – Trung lần thứ 2, Diễn đàn nhân dân Việt – Trung vào nửa cuối năm nay tại Trung Quốc.
Kiểm soát khủng hoảng trên biển
Những vấn đề mà dư luận trong và ngoài nước quan tâm như tranh chấp trên biển, vấn đề nghề cá được hai bên đề cập và trao đổi như thế nào, thưa Bộ trưởng? Trong các cuộc gặp và hội đàm với lãnh đạo Trung Quốc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đều nhấn mạnh, việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông phù hợp với lợi ích căn bản của hai nước và nguyện vọng chung của nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.
Việt Nam sẵn sàng cùng Trung Quốc trao đổi, giải quyết thỏa đáng tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, và tinh thần của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phù hợp với quan hệ hữu nghị giữa hai nước và nhân dân hai nước.
Qua trao đổi thẳng thắn, hai bên nhất trí, lãnh đạo hai Đảng, hai nước cần duy trì trao đổi và đối thoại thường xuyên về vấn đề này; kiên trì thông qua đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, đồng thời phối hợp quản lý, kiểm soát khủng hoảng trên biển, xử lý thỏa đáng các vấn đề nảy sinh.
Hai bên khẳng định sẽ nghiêm túc thực hiện Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc.
Đây là văn bản hết sức quan trọng được 2 nước ký tháng 10 năm 2011 với nội dungđề cập một cách toàn diện những nguyên tắc cơ bản trong việc giải quyết tranh chấp trên biển như tôn trọng đầy đủ chứng cứ pháp lý và xem xét các yếu tố liên quan khác; căn cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982; thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Căn cứ theo nội dung Thỏa thuận này, hai bên nhất trí gia tăng cường độ đàm phán của Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và Nhóm công tác chuyên viên về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển Việt – Trung.
Hai bên đã đặt ra một số mục tiêu thực hiện ngay trong năm nay như khởi động khảo sát chung tại vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ để phục vụ nhiệm vụ phân định và hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này, thực hiện một đến hai dự án hợp tác trong số ba dự án đã thỏa thuận trong các lĩnh vực ít nhạy cảm, bao gồm dựán về phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, dự án hợp tác nghiên cứu quản lý môi trường biển và hải đảo vùng Vịnh Bắc Bộ và dự án nghiên cứu so sánh trầm tích thời kỳ Holocenne khu vực châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang.
Đối với vùng biển đã phân định trong Vịnh Bắc Bộ, hai bên nhất trí sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động tuần tra chung định kỳ giữa hải quân hai nước, đồng thời trao đổi triển khai các hoạt động hợp tác thăm dò dầu khí.
Nhân dịp chuyến thăm của Chủ tịch nước, trên cơ sở kết quả hợp tác thăm dò dầu khí giữa hai bên trong Vịnh Bắc Bộ, hai bên đã ký “Thỏa thuận sửa đổi lần thứ 4 giữa Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam và Tổng công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc liên quan tới Thỏa thuận thăm dò chung trong khu vực thỏa thuận ngoài khơi trong Vịnh Bắc Bộ” nhằm tiếp tục thúc đẩy hoạt động thăm dò chung đối với cấu tạo dầu khí vắt ngang đường phân định trong Vịnh Bắc Bộ.
Vấn đề nghề cá cũng là một nội dung được hai bên quan tâm và trao đổi sâu. Chủtịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, đây là vấn đề liên quan đến đời sống rất nhiều ngư dân, đề nghị có biện pháp xử lý thỏa đáng, bảo đảm quyền lợi chínhđáng, an toàn cho ngư dân.
Qua trao đổi, hai bên thống nhất nhận thức về tính cần thiết của việc phối hợp xử lý thỏa đáng vấn đề nghề cá, triển khai các biện pháp hiệu quả để hỗ trợthiết thực các hoạt động nghề cá, đối xử nhân đạo với ngư dân phù hợp với quan hệ hữu nghị giữa hai nước cũng như với luật pháp và thông lệ quốc tế.
Một trong những kết quả cụ thể là việc hai bên đã ký Thỏa thuận về việc thiết lập đường dây nóng về các vụ việc đột xuất liên quan đến hoạt động nghề cá trên biển. Cùng với đường dây nóng giữa hai Bộ Ngoại giao và đường dây điện thoại trực tiếp giữa hai Bộ Quốc phòng, đây là những biện pháp cụ thể để cơ quan chức năng hai bên liên hệ, trao đổi để phối hợp xử lý khi có vấn đề nảy sinh.
Hai bên cũng có thể sử dụng cơ chế đường dây nóng này để phối hợp hỗ trợ, cứu hộcho các hoạt động nghề cá khi cần thiết, phục vụ cho các hoạt động nghề cá, đảm bảo an toàn cho ngư dân.
Có thể nói, vấn đề trên biển đã được hai bên trao đổi ý kiến trên tinh thần thẳng thắn, cố gắng xử lý thỏa đáng vấn đề trên biển, không để những bất đồng này cản trở các mặt hợp tác giữa hai nước cũng như ảnh hưởng đến tình cảm hữu nghị của nhân dân hai nước.
Định hướng tương lai hợp tác
Xin Bộ trưởng đánh giá ý nghĩa của chuyến thăm trong bối cảnh hiện nay?
Đại hội XI của Đảng ta khẳng định nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ,đa dạng hóa, đa phương hóa và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam. Đại hội cũng đề ra mục tiêu và chiến lược phát triển của đất nước đến năm 2020.Trong hơn 2 năm qua, chúng ta đã tích cực triển khai đường lối đối ngoại đó, đưa quan hệ của Việt Nam với các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, phục vụ hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệTổ quốc.
Cũng trong thời gian qua, tình hình quốc tế, khu vực có những diễn biến hết sức nhanh chóng và phức tạp. Cơ hội và thách thức đan xen lẫn nhau và đang tác động sâu sắc, nhiều chiều tới công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Trong bối cảnh đó, chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Trương Tấn Sang có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng và Nhà nước ta, khẳng định chủtrương tăng cường quan hệ hữu nghị, bình đẳng cùng có lợi với các nước láng giềng, khu vực, các đối tác lớn trên thế giới, khẳng định mong muốn của Việt Nam góp phần vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực.
Chuyến thăm đã thực sự là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hai nước, định hướng cho tương lai hợp tác hữu nghị và rộng mở giữa Việt Nam và Trung Quốc, phù hợp với lợi ích chung của nhân dân hai nước và góp phần vào hòa bình, ổn định và phát triển của cả khu vực.
Điều quan trọng là việc triển khai tích cực và hiệu quả các thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm này. Trên thực tế, ngay trong khuôn khổ chuyến thăm, các bộ,ngành (như Ngoại giao, Công an, Công thương, Nông nghiệp, Giao thông Vận tải, Văn hóa…) đã có các cuộc gặp riêng với đối tác Trung Quốc để thảo luận cụ thểvề các bước triển khai tiếp theo. PV