Lưu trữ | 5:21 Chiều

NGHI NGỜ CHẤT LƯỢNG BAN CHUNG KHẢO CUỘC THI THƠ ĐBSCL LẦN V: 11 BÀI THƠ VÀO VÒNG CUỐI CÓ TỚI 4 BÀI PHẠM QUY (CHIẾM 36,3%) – VC+

22 Th6

NGHI NGỜ CHẤT LƯỢNG BAN CHUNG KHẢO CUỘC THI THƠ ĐBSCL LẦN V: 11 BÀI THƠ VÀO VÒNG CUỐI CÓ TỚI 4 BÀI PHẠM QUY (CHIẾM 36,3%)

 
Nhưng thật trớ trêu, trong số 11 bài đó đã có tới 4 bài nghi là phạm quy (vì Ban tổ chức cuộc thi chưa kết luận). Chưa vội nói tới cái hay, cái dở của mỗi bài thơ đó.
Tôi chỉ điểm lại 4 bài của các tác giả tạm gọi là “phạm quy” này. Song, tôi cũng có thể suy đoán có lẽ trong mấy trăm bài dự thi kia sẽ còn nhiều bài vi phạm quy chế? Vì mới công bố 11 bài thơ mà đã có tới 4 bài vi phạm (chiếm tỉ lệ 36,3%).
Ban tổ chức, Ban sơ khảo, Ban chung khảo Cuộc thi thơ ĐBSCL lần thứ V (2012) đang “vật vã” chấm thơ
ĐÔI ĐIỀU VỀ CUỘC THI THƠ ĐBSCL LẦN THƯ V NĂM 2012.
Sau hơn một năm, cuộc thi thơ ĐBSCL lần thứ V năm 2012 do Hội VHNT tỉnh Sóc Trăng đăng cai tổ chức đã đến hồi kết thúc. Ban tổ chức và Ban giám khảo đã làm việc tân tâm, nghiêm túc để có được 11 tác phẩm (có lẽ đoạt giải) vào vòng chung kết, và đã công bố trên vannghetiengiang.vn và vannghesongcuulong.org.vn.
Sau khi 11 bài thơ được công bố nhiều bạn đọc đã phát hiện chỉ có khoảng 5 bài đúng tiêu chí cuộc thi, còn 6 bài không đáp ứng tiêu chí, trong đó có 4 bài nghi là phạm quy.
Trên mạng và trên báo đã có nhiều ý kiến bàn luận khen, chê của các cây viết trong và ngoài khu vực, như: Nguyễn Huỳnh, Lê Xuân, Bùi Công Thuấn, Lê Văn, Hoa Trà, Cao Minh Tèo, Cao Phú Cường… Tôi xin có thêm đôi điều bàn tiếp và một số đề nghị:
Về phía những tác giả phạm quy:
Bạn đọc rất phấn khởi đón nhận các bài thơ “vào giải”, mặc dù chưa biết đó là bài của ai. Chắc sẽ có người mừng, người lo. Người mừng thì khỏi phải nói, còn người lo là làm sao người ta không phát hiện ra là bài của mình đã “đạo thơ” hay đã in trên báo chí, tập san, in sách…
Nhưng thật trớ trêu, trong số 11 bài đó đã có tới 4 bài nghi là phạm quy (vì Ban tổ chức cuộc thi chưa kết luận). Chưa vội nói tới cái hay, cái dở của mỗi bài thơ đó.
Tôi chỉ điểm lại 4 bài của các tác giả tạm gọi là “phạm quy” này. Song, tôi cũng có thể suy đoán có lẽ trong mấy trăm bài dự thi kia sẽ còn nhiều bài vi phạm quy chế? Vì mới công bố 11 bài thơ mà đã có tới 4 bài vi phạm (chiếm tỉ lệ 36,3%). Đó là các bài:
1- Bài Về đồng mùa nước nổi – MS: 096a , tác giả đã đạo bài “Trở lại đồng tứ giác” của Trịnh Bửu Hoài,  in trong tập “Ngan ngát mùa xưa”- (NXB Văn Nghệ, 2005- trang 59, 60, 61) và in lại trong tập “Thơ Trịnh Bửu Hoài” (NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2006- trang 160). Nếu nhà thơ Trịnh Bửu Hoài viết bài thơ này ở thể thơ 7 chữ thì tác giả “Về đồng mùa nước nổi” đã “dịch” ra thể thơ lục bát, có những câu sai vần và diễn đạt vụng về, tối nghĩa, như:    
Ta về vác cát oặn lòng
Hòa dân ngăn nước thở cùng mặt đê
Trăng tròn trượt xuống tiếp hơi
Gánh gồng gìn giữ màu trời quê hương.
Làm thơ lục bát mà như thế là “chưa sạch nước cản”. Đó là chưa nói tới các hình ảnh diễn đạt tối nghĩa, vụng về. Bài này có thể nói về chuyện hộ đê ở miền Bắc, miền Trung đều được. Chỉ có đầu bài nói tới “mùa nước nổi”, nhưng toàn bài thơ chẳng có tí gì dính dáng đến ĐBSCL
Sau khị bị phê phán, tác giả đã xuất đầu lộ diện là Cao Phú Cường ở An Giang. Tác giả này đã viết thư tay 4 trang (xin xem trên thotre.com) gửi ban tổ chức cuộc thi để “ngụy biện” là cùng có suy nghĩ, tư duy giống nhà thơ Trịnh Bửu Hoài, chứ không phải “đạo thơ”. Nhưng sau một ngày suy nghĩ thì đã điện cho nhà thơ Trịnh Bửu Hoài “xin lỗi” là đã “mượn bài thơ của anh” sửa chữa, chuyển thể loại để dự thi. Thế là đã quá rõ ràng. Cũng xin nói thêm là Cao Phú Cường còn đạo bài thơ “Ngắn dần viên phấn” của nhà thơ Vương Thảo (in vào những năm 90 của thé kỷ XX) để in trên blog văn An Giang (theo Lê Văn trên thotre.com).
2- Bài Tôi đã từng đến biển –  MS:019elà bài thơ đã đăng trên Tạp chí Văn nghệ quân đội số 761 cuối tháng 11/ 2012 với tên tác giả là Hồ Thanh Ngân. Không biết đây là bài của người khác mang MS 019e là “đạo thơ” của Hồ Thanh Ngân hay chính tác giả Hồ Thanh Ngân gửi bài dự thi? Nếu Hồ Thanh Ngân lấy bài đã đăng báo rồi mà dự thi là phạm quy. Còn nếu là tác giả mang MS 019e “đạo thơ” Hồ Thanh Ngân để dự thi thì phạm quy nặng hơn. Ở bài thơ này có nhiều từ ngữ và hình ảnh rất phản cảm, như: hình ảnh người ngư dân đánh cá trên biển là “vơ vét thiên nhiên”, họ như những con “thòi lòi bám vào đất phù sa” (cá thòi lòi khi gặp người thường trốn vào hang sình lầy bờ kinh rạch). Câu két thật ngô nghê: “Cũng như biển từng nhỏ lại trong ta”…
3- Bài thơ Phía mùa cam bạc lá – MS: 0143aTản mạn trưa – MS: 0143b của cùng một tác giả ở Tiền Giang, đã in trong sách “Cuối ngày nhặt sóng” do NXB Hội Nhà văn cấp phép và Xí nghiệp in Tiền Giang in. Theo chúng tôi tìm hiểu qua bạn bè thì có người nói: “Sách in nhưng chưa phát hành, để cuộc thi xong mới phát hành”. Nhưng “nghe nói” tác giả đã tặng một số bạn thân, và tập thơ đã “Nộp lưu chiểu cho NXB Hội Nhà văn” (?).
Về phia Ban tổ chức:
Rút kinh nghiệm từ cuộc thi thơ lần thứ IV năm 2009 mà Liên hiệp các Hội VHNT Cần Thơ đăng cai tổ chức đã có những chuyện “lùm xùm”.
Lần thi này tôi thấy Ban tổ chức của Hội VHNT Sóc Trăng làm rất bài bản, kín cạnh. Thậm chí đến phút chót chúng ta vẫn chưa biết danh tính các vị trong  Ban Sơ khảo, Chung khảo. Chỉ tiếc rằng chúng ta có nhiều phương tiện thông tin đại chúng mà không đưa hết lên mạng mấy chục bài vào vòng Chung khảo để bạn đọc tiện theo dõi, đánh giá, và phát hiện giúp Ban tổ chức xem bài nào phạm quy.
Trong lần thi thơ thứ IV/2009, do Liên hiệp các Hội VHNT Cần Thơ đăng cai, tổ chức, Tạp chí Văn Nghệ Cần Thơ đã lần lượt đăng tải hết 51 bài thơ vào Chung khảoCvà đưa lên web vannghesongcuulong.org.vn. Nhờ đó nhiều bạn đọc đã phát hiện giúp những bài phạm quy. Có tác giả đã điện thoại xin Ban tổ chức rút bài dự thi để khỏi bị công bố danh tính sau này.
Có lẽ ở ĐBSCL chúng ta nên học tập Hội Nhà văn Việt Nam và báo Văn Nghệ ở mỗi cuộc thi truyện, thơ các bài dự thi đều được đăng công khai trên báo Văn Nghệ, hoặc đưa lên trang điện tử vanvn.net, có khi đề mã số, có khi đề luôn tên tác giả để bạn đọc rộng đường dư luận.
Tôi mạnh dạn đề nghị cần nới rộng biên độ cho các cuộc thi là: Bài gửi dự thi có thể đã in sách, báo, tạp chí, miễn là bài thơ ấy chưa dự thi ở đâu. Nếu đó là bài thơ hay thì bạn đọc thấy ngay, vì đã có thời gian và bạn đọc thẩm định sàng lọc. Chúng ta còn có cả một tập thể ban sơ khảo và chung khảo cơ mà, không đáng lo là một vị giám khảo nào đó biết bài thơ ấy của bạn thân, người nhà nên nâng điểm.
Về thể loại thơ trong các cuộc thi, nên cho cả thơ Đường luật tham gia. Vì đó là thể thơ cổ điển của Trung Hoa đã được người Việt Nam “việt hóa” hơn 10 thế kỷ nay rồi. Nhiều nhà thơ nổi tiếng của ta đã để lại nhiều bài thơ Đường sống mãi cùng năm tháng như: Khổng Lộ thiền sư, Phạm Ngũ Lão, Cao Bá Quát, Trương Hán Siêu, bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Hồ Chí Minh… Một bài thơ Đường tứ tuyệt (4 câu) hay thất ngôn bát cú (8 câu) mà hay còn có giá trị hơn một số bài thơ tự do dài dòng, nhạt nhẽo.
Điều cuối cùng là Ban tổ chức nên tôn trọng kết quả của Ban chung khảo. Nếu có vấn đề gì cần bàn bạc tăng hay giảm giải thì cùng ngồi lại bàn tính cho có tình có lý. Tránh tình trạng một số địa phương mời Ban giám khảo chấm xong là hết, có vị lãnh đạo của một Hội văn nghệ ở các cuộc thi năm trước đã nói những câu xúc phạm Ban giám khảo, như: “Ban giám khảo chỉ là người chấm thuê. Xếp giải nào cao thấp là do Ban tổ chức”. Vì vậy đã xảy ra hiện tương, một số tỉnh đăng cai tổ chức thường đoạt giải cao, để đem “vinh dự” về cho địa phương mình.
Về phía các nhà thơ chuyên nghiệp (là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam):
Ở ĐBSCL có mấy chục nhà thơ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nhưng qua các cuộc thi thơ cấp tỉnh hay khu vực rất ít nhà thơ tham gia, mặc dù trong thông báo các cuộc thi đều có lời kêu gọi các nhà thơ chuyên nghiệp và không chuyên gửi bài…
Tôi không dám nói là các nhà thơ chuyên nghiệp “nhường sân chơi này cho các bạn trẻ và những cây bút nghiệp dư”. Song, tôi vẫn muốn các nhà thơ là hội viên hội nhà văn Việt Nam ở ĐBSCL  tham dự để khích lệ, động viên phong trào, nhất là để cho lớp trẻ học tập.
LÊ XUÂN

Số phận bài báo “triệu người vui, triệu người buồn”… – PLTP

22 Th6

Số phận bài báo “triệu người vui, triệu người buồn”…

Ông Nguyễn Vĩnh, nguyên Tổng Biên tập báo Quốc Tế (nay là báo Thế Giới và Việt Nam), kể về một câu chuyện trắc trở xung quanh bài phỏng vấn nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Ông Vĩnh kể đó là một trong những bài báo in trên Quốc Tế được xây dựng công phu nhất nhưng cũng lại là bài báo có số phận trải đủ cung bậc thăng trầm…

“Đăng và gỡ”…

. Xây dựng công phu nghĩa là thế nào, thưa ông?

+ Cuối năm 2004, anh em nghiên cứu chính sách đối ngoại bên ngoại giao và báo Quốc Tế được gặp ông Võ Văn Kiệt nhằm trao đổi một số vấn đề đối ngoại. Sau buổi gặp, một phó tổng biên tập được phân công chấp bút, lựa những điều ông Kiệt trăn trở và tâm đắc nhất để soạn lại thành một bài viết dạng phỏng vấn. Hướng nhắm tới là cột mốc quan trọng năm 2005: 30 năm ngày giải phóng miền Nam, rất thích hợp để phát đi một tín hiệu đối ngoại quan trọng từ một nhân vật nguyên là lãnh đạo cấp cao. Bài được gửi xin ý kiến và được nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đồng ý cho đăng với kế hoạch thời gian sẽ đăng Quốc Tế số tết Ất Dậu 2005.

. Vậy còn thăng trầm?

+ Đó là khi bài đã lên khuôn ở nhà in thì tôi nhận được chỉ đạo qua điện thoại không cho phép đăng bài đó.

. Một bài báo quan trọng như thế thông thường khi chưa lên trang chỉ nhân vật và tòa soạn biết, tại sao lại rò rỉ để đến mức bị chỉ đạo gỡ bài?

+ Đó cũng chính là câu tôi đã hỏi vị lãnh đạo đó. Nhưng ông ấy từ chối trả lời mà chỉ yêu cầu tôi thực hiện không cho bài ấy xuất hiện. Cuối cùng, chúng tôi phải bóc hết một “tay in” là tám trang, rồi thay vào một bài khác.

. Bài bị gỡ thường là “có vấn đề”, lúc đó ông có sợ trách nhiệm cá nhân của mình không?

+ Khi thực hiện bài phỏng vấn đặc biệt này, tôi đều có báo cáo với cơ quan chủ quản của báo là Bộ Ngoại giao. Bài viết hoàn thành, chúng tôi cũng gửi lại cho nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đọc, sau đó ông có phê vào bản thảo là đồng ý cho đăng.

Nhà báo Nguyễn Vĩnh.

. Phản ứng của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi biết bài không được đăng như thế nào?

+ Ông ấy không hài lòng. Nguyên Thủ tướng còn viết thư riêng gửi cho một lãnh đạo cao cấp yêu cầu giải thích về việc này. Tôi vẫn còn giữ hai lá thư đó, bản gửi cho tôi biết, như một kỷ niệm công việc.

. Nhưng cuối cùng bài báo đó cũng được đăng với tựa đề là “Những đòi hỏi mới của thời cuộc”.

+ Đúng rồi, sau lá thư của ông Võ Văn Kiệt, không rõ từ lý do nào và ra sao mà một thời gian sau ngày bị dừng thì tổng biên tập lại nhận được chỉ đạo phải đăng bài này. Nhưng đúng lúc đó thì nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt lại không đồng ý để bài đó được đăng nữa.

. Báo Quốc Tếđã làm gì để thuyết phục ông Võ Văn Kiệt đồng ý?

+ Việc này vượt ra ngoài tầm của Ban Biên tập. Đích thân đồng chí Nguyễn Phú Bình lúc đó là thứ trưởng Bộ Ngoại giao vất vả lắm mới nhận được cái gật đầu của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt và bài báo đã được in vào ngày 30-3-2005.

“Triệu người vui, triệu người buồn”

. Dư luận về bài báo đó ra sao, thưa ông?

+ Dư luận rất tốt, rất nhiều báo ở trong nước và ngoài nước in lại hoặc đưa lên mạng bài báo này.

Bài báo hay ở nội dung và tư tưởng. Ngay mở đầu bài viết, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt tái khẳng định rằng chiến thắng 30-4 là vĩ đại nhưng người Việt Nam cũng “đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều sự mất mát”. Vì thế một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại theo các lối cũ vẫn làm sẽ “có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Vết thương chung của dân tộc như vậy cần được giữ lành, “thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”. Và muốn để mọi người Việt Nam chung tay hàn gắn thì chúng ta, người chiến thắng và đang lãnh đạo đất nước, “phải thực tâm khoan dung và hòa hợp”. Ở một lãnh đạo cấp cao, ý trên thật mới và rất quan trọng cho hòa hợp dân tộc.

. Trong bài trả lời phỏng vấn đó, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn có đánh giá về tướng Dương Văn Minh?

+ Đúng, nguyên Thủ tướng phân tích tướng Minh nhậm chức tổng thống Việt Nam Cộng hòa ngày 28-4-1975 là thời điểm mà “một nhà quân sự như ông có thể đoán được sự thất thủ của Sài Gòn”, rồi Sài Gòn không “tử thủ” như các tướng tá khác muốn, trái lại thành phố giữ được nguyên vẹn do ông Minh chấp nhận đầu hàng. Sự việc được ông Kiệt kể lại: “Tôi và Thành ủy do anh Mai Chí Thọ phụ trách, sáng 30-4, khi nghe ông Minh kêu gọi binh lính buông súng để chờ bàn giao chính quyền cho cách mạng đã thở phào nhẹ nhõm. Phải ở chiến trường và vào đúng giờ phút ấy mới cảm nhận được tầm quan trọng của quyết định này”. Với cách nhìn nhận như vậy, ông Kiệt muốn nêu lên một thực tế, ông nói: “Điều quan trọng tôi muốn nói ở đây là tất cả những ai đã vì lòng yêu nước thương nòi, bằng nhiều con đường khác nhau, từng đóng góp vào cái chung và không đòi hỏi gì cho riêng mình
thì đều có quyền tự hào về những đóng góp đó và hãy tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa nhằm xây dựng Tổ quốc Việt Nam chúng ta giàu mạnh, văn minh, dân chủ và hạnh phúc”.

. Việc đánh giá về ông Dương Văn Minh như thế phải chăng cũng là một nguyên do khiến bài phỏng vấn đó bị yêu cầu dừng xuất bản?

+ Nguyên nhân thực sự tôi không rõ. Tuy nhiên, với hai ý lớn như thế, lại xuất hiện ở thời điểm 2005, khi mà trong nội bộ chúng ta còn có nhận thức và đánh giá chênh nhau, thậm chí khác nhau về thực chất của hòa hợp dân tộc và lực lượng thứ ba có liên quan đến tướng Dương Văn Minh, thì việc bài báo bị dừng lại, tôi nghĩ cũng là điều có thể hiểu được.

Ngoại giao văn hóa

. Về hưu nhưng ông dường như vẫn quan tâm đến thời cuộc với nhiều bài viết trên blog cá nhân và Facebook… Ông nghĩ thế nào về ngoại giao của ta trong thời điểm hiện nay?

+ Chúng ta vẫn thường nghe câu “thêm bạn bớt thù” trong quan hệ quốc tế. Như vậy tức là chúng ta vẫn thừa nhận có thù, làm như điều này “không thể hết được”. Nhưng tôi nghĩ không nên tư duy về thù và “sắp xếp” hai khái niệm bạn/thù theo lối cũ, được như thế thì vẫn tốt hơn. Nói cách khác là nên xác định ở thời nay sẽ chẳng có bạn hay thù nào là vĩnh viễn mà chỉ có quyền lợi đất nước và dân tộc là vĩnh viễn và vĩnh cửu.

. Nhưng có lúc đấu tranh để bảo vệ quyền lợi dân tộc, chúng ta phải chạm trán với kẻ thù, thưa ông?

+ Như thế chúng ta mới cần phải có đường lối và chính sách ngoại giao đúng đắn. Cần nhiều cách ứng xử và biện pháp khác nhau vận dụng khôn ngoan. Trong quan hệ là hợp tác cùng có lợi và bình đẳng, là mềm mỏng nhưng cần thì phải đấu tranh khi lợi ích dân tộc bị xâm hại. Trải qua bao chục năm dâu bể, tôi thoáng nghĩ đến phương cách trung lập. Cái thế địa-chính trị của nước ta nó mách bảo điều này. Lãnh đạo cấp cao chúng ta chẳng nói là nước ta không liên minh với nước này chống lại nước kia, cũng không cho ai đặt căn cứ quân sự và nếu phải sắm vũ khí cũng là để phòng thủ… Đây là một chủ đề rất lớn nên chúng mình để lúc khác bàn đến…

Ông Nguyễn Vĩnh tốt nghiệp khoa Ngữ  Văn Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội khóa 1963-1967, ra trường ông được nhận vào làm việc như một biên tập viên tập sự tại NXB Ngoại văn. Từ năm 1998 ông được Bộ Ngoại giao bổ nhiệm làm tổng biên tập báo Quốc Tế cho đến năm 2006. Tiếp đó, ông còn là một trong những người gây dựng tuần báo Thời Đại của Liên hiệp Các Tổ chức hữu nghị Việt Nam, là tổng biên tập đầu tiên của tờ báo này đến năm 2008.

 

HỒ VIẾT THỊNH thực hiện

Thi pháp học, một số vấn đề lý thuyết và ứng dụng[*] – VHNA

22 Th6

Thi pháp học, một số vấn đề lý thuyết và ứng dụng[*]                            

Đỗ Lai Thúy                                                 

Đỗ Đức Hiểu, hoạt động văn học sớm (nếu kể từ khi tham gia “nhóm Lê Quý Đôn, 1955) và nhiều lĩnh vực: dạy học, làm tu thư, viết lịch sử văn học Việt Nam, lịch văn học Pháp, chủ biên từ điển văn học, viết chuyên luận về văn học hiện sinh chủ nghĩa, văn học Công xã Paris… Nhưng, cái làm cho Đỗ Đức Hiểu trở thành Đỗ Đức Hiểu, hay nói khác, cái làm cho Đỗ Đức Hiểu trở thành chính mình, tôi nghĩ, đó làphê bình văn học, dù ông đến với phê bình khá muộn. Muộn nhưng lại kịp thời, vì thứ công việc ông làm là phê bình văn họcđổi mới.

Năm 1993, khi cuốn phê bình đầu tiên của Đỗ Đức Hiểu ra đời, tôi có viết bài khẳng định ông là một trong những người đổi mới phê bình văn học. Đổi mới, theo tôi không phải là “đổi ngược” (Nguyễn Đình Thi) hay “lộn trái” (Chế Lan Viên), mà là thay đổi hệ hình. Phê bình trước đấy thường đến với tác phẩm bằng đại lộ tiểu sử học, hoàn cảnh kinh tế – xã hội, hoặc thành phần giai cấp của người viết…như là cái đã – biết để loại suy ra cái chưa – biết là tác phẩm theo quy luật nhân quả. Phê bình đổi mới lấy văn bản làm tính thứ nhất, mọi đánh giá tác phẩm đều phải dựa trên cơ sở phân tích văn bản, đặc biệt là phân tích ngôn ngữ văn bản. Các phương pháp phê bình ở hệ hình này chủ yếu là phê bình phong cách học, phê bình thi pháp học, phê bình cấu trúc – ký hiệu học, phê bình phân tâm học sau Freud…

Lệ thường, khi thử nghiệm một lý thuyết mới vào thực tế, người ta hay chọn một tác phẩm đã trở thành kinh điển, không phải để cho an toàn, mà chủ yếu để minh chứng rằng, một tác phẩm đã được khai tháctưởng chừng như đã cạn kiệt thông tin, mà với phương pháp mới vẫn cho ra những phát hiện mới. Có như vậy, mới chứng minh được tính hiệu quả của lý thuyết mới. Bakhtin đã làm như vậy với tác phẩm của Rabelaire và Dostoievsky, Barthes đã làm như với tác phẩm của Rancine và Balzak. Đỗ Đức Hiểu cũng đã làm như vậy với Truyện Kiều, thơ Hồ Xuân Hương, Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng, Bướm trắng của Nhất Linh… Tuy nhiên, Đỗ Đức Hiểu còn một lựa chọn khác quan trọng hơn, với các hiện tượng văn học đương đại như Nguyễn Minh Châu, Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh. Ở lựa chọn thứ hai này, phê bình Đỗ Đức Hiểu có một tác động kép: một là, khẳng định được tính hiệu quả của phương pháp mới, và hai là, lý giải được những đóng góp nghệ thuật mà bấy giờ người ta còn rất hoang mang của văn học đổi mới. Và, qua đó nó không chỉ thúc đẩy sự phát triển của bản thân phê bình, mà còn của cả sáng tác nữa, một điều tưởng như hiển nhiên mà phê bình ngọn roi trước đó không làm được.

Đỗ Đức Hiểu sử dụng nhiều phương pháp phân tích văn bản, nhưng chủ yếu thuộc về thi pháp học. Thi pháp học vào Việt Nam chủ yếu từ hai nguồn: Nga – Xô viết và phương Tây. Sự khác nhau là ở chỗ: một đằng thì thiên về nội dung, nghịch lý đến mức có thể gọi là “thi pháp nội dung”, thậm chí “xã hội học trá hình”, còn đằng kia thi pháp học “hình thức”, tức thi pháp “xịn”, bởi lẽ đã là thi pháp học thì không còn phân biệt nội dung và hình thức. Thi pháp học Đỗ Đức Hiểu, dĩ nhiên, là loại thi pháp học sau. Phê bình Đỗ Đức Hiểu, do vậy, thiên về phân tích ngôn ngữ văn bản, hay đúng hơn, coi văn bản như một ngôn ngữ. Tuy vậy, phê bình của ông không chỉ có thi pháp học, mà, như đã nói ở trên, còn có cả những phương pháp khác: Có cấu trúc học, có ký hiệu học, có phân tâm học, nhưng thi pháp học bao giờ cũng là phương pháp chủ đạo, yếu tố cấu tạo nên chỉnh thể.

Nếu ở đa số các nhà phê bình, việc vận dụng lý thuyết thường theo hai công đoạn: giới thiệu lý thuyết và ứng dụng thực tế, thì ở Đỗ Đức Hiểu, nhất là ở những công trình xuất sắc nhất, bao giờ cũng xuất phát từ tác phẩm cụ thể, hay một vấn đề nào đó của văn học đang cần phải giải quyết. Lý thuyết chỉ là một lối tiếp cận, một công cụ hỗ trợ, tham chiếu, soi sáng cho những trải nghiệm sống và trải nghiệm thẩm mỹ. Nhờ thế, phê bình Đỗ Đức Hiểu nhuần nhuyễn khoa học và nghệ thuật, sự phân tích khách quan và cảm thụ chủ quan, giữa phê bình khoa học và phê bình nghệ sĩ. Những người đã quen với phê bình nguyên lý, phê bình tiểu bản thì cho phê bình Đỗ Đức Hiểu là “bốc”, là “cực đoan”, là “thái quá”. Thực ra, thao tác chủ yếu của ông là phá vỡ cấu trúc văn bản tác phẩm rồi tái cấu trúc lại thành một văn bản phê bình. Đó là do phê bình sáng tạo, bởi lẽ nếu nhà văn sáng tạo ra tác phẩm từ vật liệu đời sống, thì nhà phê bình sáng tạo ra tác phẩm chủ yếu từ vật liệu của nhà văn.

Nhưng thành công nhất của Phê bình Đỗ Đức Hiểu là khi ở ông có sự gặp gỡ tương đắc của Đối tượng và Phương pháp. Lúc bấy giờ không còn nhà văn, không còn nhà phê bình, không còn văn bản nữa, chỉ còn ngôn ngữ, tiếng nói. Chỉ xin kể ra đây một vài ví dụ. Trước hết là công trình Những lớp sóng ngôn ngữ trong Số Đỏ. Nếu trước đây người ta chỉ coi Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng là sự phản ánh sự thối nát của xã hội đô thị thực dân phong kiến và tiếng cười của ông chỉ là tiếng cười đã kích, nhằm thủ tiêu đối tượng, thì Đỗ Đức Hiểu coi tiểu thuyết này là một cái cười, cái cười nhại. “Cái cười Số Đỏ không phải là một phương tiện nghệ thuật để chuyên chở tư tưởng của tác phẩm. Cái cười ở đây là bản chất, là tinh tuý của văn bản nghệ thuật, nó đồng nhất với thế giới quan của tác giả; nó là tất cả tác phẩm – cái cười đa diện, cái cười vừa không định mà bác bỏ, cái cười luôn luôn để ngỏ, không khép kín, không khô cứng. Số Đỏ là cái cười nhại với tầm cỡ lớn. Số Đỏ là một chuỗi những chuỗi cợt nhại. Nó nhại một thời đại lịch sử lừa dối những người lừa dối có ý thức hoặc không có ý thức, những trào lưa văn hóa lừa dối, cái “nghiêm tức”, “đứng đắn”, “quan trọng” bị nhại và trở thành cái buồn cười, cái lố bịch, cái trống rỗng, cái bịp bợm, tức là chính nó.

Sau đó với Phiên chợ Giát của Nguyễn Minh Châu, thì Đỗ Đức Hiểu coi đây là “một truyện mở, từ cái lôgic của ngôn ngữ trên bề mặt truyện đi đến ngôn ngữ thứ hai, ngôn ngữ biểu tượng, xiêu vẹo, với những ảo giác, những cơn sốt, những nghịch lý – tức một thế giới quyện nhòe của hư và thực. Truyện có nhiều âm vang trong mỗi nhóm người đọc, nó gợi mở nhiều cảm xúc, nhiều suy tưởng. Sự hóa thân người/ bò của ông Khúng/ Khoan Đen, sự phân đôi nhân cách ấy, sự kết hợp hai ý thức người/ vật ấy, là bi kịch của người vật, của thời đại. Sự quan sát xã hội di chuyển vào sự quan sát nội tâm, tạo nên một tâm lý vận động, đó là một phương diện nghệ thuật của truyện ngắn. Văn bản di động trên nhiều bình diện: ngôn ngữ, hình tượng, xã hội, tâm lý, thời gian, quá vãng và hiện tại, lịch sử và tưởng tượng”.

Khi làm phê bình đổi mới, Đỗ Đức Hiểu khoảng 50 tuổi. Có thể nói, phê bình mới làm cho ông trẻ lại. Ông cùng một tuổi với văn học đổi mới. Cái mới, cái trẻ của Đỗ Đức Hiểu trước hết là ở sự chân thành, trung thực đến tận cùng với chính mình. Trước những năm 80, có thời ông có tư tưởng mao ít, nhưng là một mao ít chân thành vì tưởng đấy là tốt đẹp. Đến khi biết mình bị mắc lừa hoặc tự lừa, ông phải tỉnh một cách thật sự. Đỗ Đức Hiểu là một trong ít người bấy giờ  dám công khai sai lầm của mình trên báo chí, điều mà những người “kinh doanh đổi mới” không bao giờ dám làm. “Tôi đã đánh mất tôi, tôi là người khác. Tôi tin người khác, đó là bi kịch của tôi. Tôi quên Montaign, Descartes, quên phương châm “Chỉ tin ở bản thân mình”. Chỉ tại tôi, tại tôi mà thôi, tôi đã làm “người khác”, có khi nhớ lại nhiều trang sách của tôi đã in, tôi ngạc nhiên: không phải mình, và xót xa” (tr 685 – 686).

Có, lẽ, lòng say mê văn học, sự trung thực và sự dám trả giá đã đưa Đỗ Đức Hiểu đến thành công. Đỗ Đức Hiểu từng kể với tôi, ông có hai người bạn học, thân với nhau từ nhỏ. Bây giờ một ông làm dược sĩ bên Pháp, có nhà ở trung tâm Paris, lại còn tậu được một trang trại ở ngoại ô để nghỉ cuối tuần. Còn người kia thì trở thành một thương gia giàu có ở Úc. Còn anh thì vẫn phải ở trong một căn buồng chín mét vuông ẩm thấp vừa làm chỗ ngủ, bếp ăn, nơi tiếp khách, mà tôi vẫn gọi đùa là “hang ổ” (tên một truyện ngắn nổi tiếng của Kafka). Tuy nhiên, anh thản nhiên nói, nếu cho tôi sống lại một kiếp nữa, tôi vẫn chọn kiếp này của tôi, dù nghèo khổ nhưng được làm công việc mình thích, mà lại có ý nghĩa nữa.

Tháng  2 – 2013

[*]: Đỗ Đức Hiểu, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2012)

Bao giờ em sẽ dẫn con về thăm nhà? – pro&contra

22 Th6

Bao giờ em sẽ dẫn con về thăm nhà?

Tháng 6 21, 2013

Phạm Thị Hoài

Em đến nước Đức như một dãy số không dàn hàng ngang. Không gia đình. Không nghề nghiệp. Không bằng cấp. Không học vấn. Không ngoại ngữ. Không một xu dính túi. Tất nhiên là không hộ chiếu, không thị thực nhập cảnh. Không cả nhan sắc. Đến chơi nhà, tôi còn thấy em không giỏi việc nội trợ; bồn tắm thì vương mấy cọng rau, tủ lạnh vướng vài sợi tóc. Khi đã tàn nhẫn thì tạo hóa tàn nhẫn triệt để. Tất cả 50 hạt trên 10 gióng của chiếc bàn tính gẩy là số phận em đều đứng im.

Cho nên gặp lại em bốn năm sau trong một cửa hàng bán đồ 99 xu mà em là bà chủ, tôi sững sờ. Ở đó em là nô lệ của chính mình, từ tám giờ đến tám giờ; nhưng những người Việt tay không đi bắt giấc mơ Đức cặm cụi mỗi ngày mười mấy tiếng đồng hồ là bình thường. Em đã nói được chút tiếng Đức, vừa có bằng lái và sở hữu một chiếc xe đã chạy hơn một trăm ngàn cây số, nhưng là Mercedes. Thân hình gầy guộc năm nào đã đẫy đà, tóc nhộm hoe vàng, lông mày xăm nâu, da dẻ bớt mầu nắng gió Quảng Bình. Tôi đoán em cũng đã trả hết tiền vé hai trăm triệu cho chuyến vượt biên bất hợp pháp vào Đức. Tất cả như một câu chuyện thành đạt ngoài sức tưởng tượng. Em có quyền tự hào. Có lẽ em cũng may mắn.

Chẳng hạn may mắn hơn một chị Nghệ An đứng tuổi, có lẽ đã gần sáu mươi, cả ngày chực ở bãi đậu xe của một siêu thị giấm dúi bán thuốc lá lậu. Có lần chị khoe với tôi là con trai ở nhà vừa vào đại học. Trong vài phút, người phụ nữ ấy quên rằng mình đang chui lủi kiếm những đồng tiền phạm pháp, nhớn nhác chạy cảnh sát, đã bị bắt dăm bảy lần, sắp bị tòa phạt và sớm muộn cũng bị trục xuất. Chị chỉ còn là một người mẹ đầy tự hào. Thời trẻ tôi thấy những bà mẹ suốt ngày khoe con là lố bịch. Sau này tôi mới thấy điều đáng kiêu hãnh nhất của cuộc đời mình là đứa con. Riêng em không thế.

Công nghệ chạy giấy tờ để trở thành “người của nước Đức, có gì nước Đức lo cho hết”, như người Việt sang đây bất hợp pháp ao ước, hiện nay không quá khó. Chìa khóa để đổi đời là những đứa con. Đứa thứ nhất trên danh nghĩa có quốc tịch Đức để người mẹ “ăn theo”. Danh nghĩa ấy theo thời giá hiện nay lên tới ba chục ngàn Euro. Đứa thứ hai “ăn theo” mẹ và người bố lại “ăn theo” nó. Đứa thứ ba để cấp danh nghĩa cho một người bố khác, lấy lại vốn. Giấy khai sinh của trẻ em gốc Việt thế hệ tị nạn kinh tế ở Đức bây giờ là một mê hồn trận với những ông bố thật và những ông bố giả chồng lên nhau. Nhưng nhiều năm trước, em không có cơ hội đó. Chiếc chìa khóa của em mầu đen. Em sinh con với một chàng Mozambique, công nhân hợp tác lao động ở CHDC Đức cũ, đã nhập tịch, mà em gọi là “thằng mọi”. Khi “thằng mọi” bỏ đi với một “con Mông Cổ mắt híp”, còn lại hai mẹ con. Em bảo giấy tờ mình xong rồi, tiếc gì thằng Tây hôi. Về thăm gia đình em đi một mình. Em bảo đem thằng “Oẳn tà roằn” về Quảng Bình, cha mạ ra đường không dám nhìn ai nữa.

Tôi đã nghĩ đến em và thằng bé da đen buồn lủi thủi, khi Barack Obama trở thành người đàn ông quyền lực nhất thế giới, không lâu sau chuyến thăm Berlin lần thứ nhất mùa hè năm 2008 và thủ đô nước Đức nóng rực trong cơn sốt Yes We Can. Hôm qua tôi ghé cửa hàng của em, khi Obama đến Berlin lần thứ hai. Tôi mất hai tiếng rưỡi đồng hồ để bò trên đoạn đường bình thường chạy xe 20 phút. Toàn bộ thành phố bị lùa khỏi trung tâm, để ngài Tổng thống cùng gia đình và đoàn tùy tùng hộ vệ được an toàn chuyển động trên những đường phố Berlin đầy cảnh sát và không một bóng dân sự. Obama diễn thuyết trước 6.000 người tại Cổng Brandenburg thay vì trước 200.000 người tại Cột Khải hoàn như 5 năm trước. Cơn sốt lần này nóng rực các mạng xã hội và mang tên Yes We Scan. Người gửi cho tôi đường link vào trang Obama Is Checking Your Email tái bút ngay bên dưới: “Xóa ngay email này, trước khi tình báo Mỹ tìm ra bạn”. Facebook và Twitter tràn đầy những hình ảnh giễu cợt ngài Tổng thống. Ảnh một bên là J.F. Kennedy với phát ngôn bằng tiếng Đức: “Ich bin ein Berliner” (Tôi là một người Berlin) tròn 50 năm trước tại Berlin, một bên là câu của Obama: “Ich bin ein Trojaner” (Tôi là một phần mềm do thám Trojan). Một bên là hình Bức tường Berlin với câu “Mr. Gorbachev, tear down this gate!” của Tổng thống Reagan, một bên là hình bức tường rào dây kẽm gai của nhà tù Guantanamo với câu “Mr. Obama, tear down this gate!”. Một bên là M.L. King với câu “I have a dream”, một bên là câu của Obama: “I have a drone”. Hình Obama lột mặt nạ rồi hiện ra thành Bush nhan nhản. Tại Checkpoint Charlie, cửa khẩu nổi tiếng nhất từng ngăn Đông và Tây Berlin, những người biểu tình giương biểu ngữ: “Your privacy ends hier” (Không gian riêng tư của quý vị chấm dứt tại đây) ngay dưới tấm bảng lịch sử “You are entering the American Sector (Quý vị đang bước vào địa phận do Hoa Kỳ kiểm soát). Song được truyền bá nhiều nhất là hình Obama đeo tai nghe, như diễn viên Ulrich Mühe trên áp phích của bộ phim Đức nổi tiếng được giải Oscar Cuộc đời của người khác (Das Leben der anderen) về cơ quan mật vụ Đông Đức Stasi. Bên dưới đề: “Stasi 2.0”. Bên cạnh đề: “All your data is belong to us.” Mươi ngày trước trên tờ Guardian, ông Daniel Ellsberg, người đã tiết lộ Hồ sơ Pentagon về Chiến tranh Việt Nam bốn mươi năm trước đã đưa ra cụm từ mới: United Stasi of America.

Obama đến. Obama đi. Em không lây những cơn sốt vừa kể. Em sắp nhượng lại cửa hàng 99 xu, mở tiệm bán hoa. Tôi hỏi thăm, đã dẫn con về thăm nhà chưa. Em lắc.

© 2013 pro&contra

Thư gởi quý đồng nghiệp nhân ngày 21-6-2013 – Hữu Nguyên

22 Th6

Thư gởi quý đồng nghiệp nhân ngày 21-6-2013

 
TP. Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 6 năm 2013
 
Kính gởi quý anh chị đồng nghiệp,
 
Chắc hẳn quý anh chị đồng nghiệp sẽ ngạc nhiên khi nhận được thư này, ngày nhà báo một nhà báo lại viết thư cho các đồng nghiệp của mình. Tuy nhiên trong trường hợp này tôi lại thấy cần thiết có một cơ hội để chia sẻ một vài tâm tư với quý anh chị.
 
Quý đồng nghiệp ở báo Đại Đoàn Kết chắc đều biết việc tôi và một vài đồng nghiệp nữa có đơn tố cáo nhiều hành vi sai phạm, tiêu cực trong hành xử công vụ của ông Đinh Đức Lập (tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết) trong suốt một năm qua.
 
1. Về mặt pháp luật thì việc tố cáo các sai trái, tiêu cực trong hành xử công vụ của cán bộ công chức đang giữ chức vụ quản lý là hợp pháp, là quyền của mọi công dân được luật pháp bảo vệ. Tố cáo các hành vi sai phạm của người đứng đầu một cơ quan không hề bị pháp luật cấm đoán và bị quy kết thành “tội” tiết lộ bí mật công tác hay “tuyên truyền chuyện nội bộ” của cơ quan làm mất uy tín của cơ quan tổ chức đó. Pháp luật cũng quy định rất rõ ràng thẩm quyền và trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết và xử lý các nội dung tố cáo, cũng như quy trình giải quyết tố cáo.
 
Theo các quy định của Luật Tố cáo thì cho tới thời điểm này (khi tôi đang viết những dòng này gởi tới quý đồng nghiệp) thì việc xử lý, giải quyết các nội dung tố cáo của tôi đối với ông Đinh Đức Lập là chưa kết thúc, chưa có kết luận của cơ quan đủ thẩm quyền theo quy định của pháp luật là Ban Thường trực UBTWMTTQVN.
 
Do vậy, việc ông Đinh Đức Lập cố tình đem tôi và các đồng nghiệp khác ra xem xét xử lý kỷ luật trong thời gian này là hoàn toàn vi phạm Luật Tố cáo. Luật Tố cáo nghiêm cấm người bị tố cáo có các hành vi trù dập, trả thù người tố cáo tại nơi công tác, làm việc dưới nhiều hình thức.
 
Các nội dung sai phạm của ông Đinh Đức Lập bị tố cáo trên thực tế đều đã xảy ra. Kết  luận bước đầu của Tổ công tác (thông báo bằng miệng cho chúng tôi) hầu hết đều ghi nhận là tố cáo có cơ sở (chiếm khoảng 80% nội dung tố cáo). Những nội dung được cho là chưa có cơ sở trên thực tế là do Tổ công tác chưa có điều kiện tìm hiểu hoặc vượt quá khả năng chuyên môn cũng như quyền hạn kiểm tra của Tổ công tác. Không hề có một chữ nào, từ nào, dòng nào trong kết luận ban đầu của Tổ công tác nói rằng có một số nội dung tố cáo của tôi là sai, là không đúng.
 
Tuy nhiên, kết luận nói trên (được cho là của Đảng Đoàn MTTQVN) cũng chưa được xem là kết luận cuối cùng có hiệu lực pháp lý theo quy định của Luật Tố cáo như tôi vừa trình bày ở trên.
 
2. Hẳn nhiều người thắc mắc vì sao tôi tố cáo ông Đinh Đức Lập? Như phần trên tôi đã trình bày, việc tố cáo ông Đinh Đức Lập là thực hiện quyền công dân theo đúng quy định của luật pháp. Tuy nhiên, bên cạnh đó tôi còn nghĩ tới trách nhiệm của người làm báo trong bối cảnh từ trung ương, tới địa phương các cấp Đảng, Nhà nước và MTTQ đang ra sức động viên, kêu gọi mọi người tham gia, chung tay đấu tranh phòng và chống tham nhũng. Việc này các đồng nghiệp là những nhà báo chắc biết rất rõ. Chúng ta đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng trong xã hội nói chung nhưng thông thường ít người trực diện đấu tranh với cái xấu tại chính nơi mình đang làm việc. Đặc biệt là đấu tranh với chính những người đang là cấp trên trực tiếp, có quyền sinh quyền sát với bản thân mình. Chính vì hiểu rõ sự khó khăn của những người đấu tranh trong thế yếu mà các nhà làm luật về tố cáo, về phòng chống tham nhũng đã rất cẩn thận đề ra nhiều quy định cụ thể, rõ ràng nhằm bảo vệ người đấu tranh, tố cáo.
 
Bản thân tôi vô cùng mong muốn được làm việc trong một môi trường làm báo lành mạnh, công bằng, dân chủ và thượng tôn pháp luật. Tôi chẳng có động cơ nào khác là mong muốn có mặt trong một cơ quan báo chí có môi trường tốt đẹp như thế để được làm việc hết sức mình và được đối xử tôn trọng, bình đẳng.
 
Thế nhưng, nếu quý đồng nghiệp có theo dõi và tham khảo các nội dung tố cáo của tôi chắc sẽ thấy ông Đinh  Đức Lập đã làm ảnh hưởng xấu tới môi trường làm báo của Đại Đoàn Kết như thế nào rồi. Từ việc định hướng làm kinh tế báo chí theo kiểu “tay không bắt giặc” cho tới việc sử dụng những người thân tín theo kiểu “lợi ích nhóm” gây ra bao nhiêu là hệ lụy (như trường hợp ông Nguyễn Xuân Huy đã bị kỷ luật, ông Đinh Quang Sơn đã bỏ trốn… hàng chục cán bộ, phóng viên, nhân viên của báo lần lượt bỏ ra đi trong đó có nhiều  cán bộ lãnh đạo trong ban biên tập, lãnh đạo các ban); việc thi hành các chính sách đối xử bất công, phân biệt vùng miền cũng làm ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý của nhiều người… Chưa bao giờ mà tình hình tờ báo Đại Đoàn Kết lại lộn xộn, rối ren, các cơ quan pháp luật, thanh kiểm tra quan tâm lui tới và xem xét nhiều như vậy.
 
Đấu tranh với các hành vi tiêu cực, bất công của ông Đinh Đức Lập, bản thân tôi không có bất kỳ lợi ích nào. Ngược lại tôi biết sẽ phải hứng chịu nhiều đòn trả thù không thể lường được. Sự thật đã diễn ra như thế, tôi liên tiếp phải hứng chịu sự trả thù hết sức thô bạo của ông Đinh Đức Lập trong suốt một năm qua.
 
Trong cuôc đời đôi khi chúng ta buộc phải lựa chọn khi đứng trước nhiều tình huống đầy mâu thuẫn: vừa muốn an toàn cho bản thân, vừa lại muốn bảo vệ lẽ phải. Do vậy mà để có thể nói lên tiếng nói của lẽ phải đôi khi chúng ta cũng phải chấp nhận những tình huống mất an toàn cho bản thân mình. Nếu không chấp nhận như vậy thì lẽ ra chúng ta nên chọn con đường khác, không phải là những nhà báo.
 
Nói như vậy không có nghĩa là chỉ những nhà báo mới cần có dũng khí để bảo vệ lẽ phải. Mọi người nếu ai ai cũng có cái dũng khí đó thì xã hội này tốt đẹp biết bao nhiêu. Cái ác, cái xấu chắc chắn sẽ không còn hoành hành, tội ác sẽ không còn diễn ra thô bạo, nhan nhãn hàng ngày hàng giờ xung quanh ta và đôi khi là với chính bản thân ta, gia đình ta, những người thân và bạn bè của ta nữa.
 
Nhưng đã là nhà báo thì sứ mạng đó càng phải được xem là hàng đầu. Thế nên, các thống kê hàng năm trên thế giới đều cho thấy nghề báo là trong TOP các nghề nghiệp nguy hiểm, dễ bị hành hung và dễ mất mạng (tất nhiên nếu như chúng ta thực sự tâm huyết và hành nghề đúng như sự mong đợi của xã hội, của đạo đức nghề nghiệp).
 
3. Việc xử lý, giải quyết các nội dung tố cáo ông Đinh Đức Lập của cơ quan chủ quản (cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật) vừa chậm chạp, chùng chình vừa không rõ ràng minh bạch đã vô tình (hay cố ý) tiếp tay cho các ngón đòn trả thù ngày càng thô bạo hơn dành cho những người tố cáo của ông Đinh Đức Lập (người bị tố cáo).
 
Mong muốn có một môi trường làm việc lành mạnh, công bằng, dân chủ và thượng tôn pháp luật để có thể làm việc hết sức mình cho tờ báo của tôi hầu như bị phá sản. Suốt thời gian qua, do bị gây khó khăn, áp lực và bị áp đặt nhiều chính sách, quyết định hành chính  bất công, phi pháp tôi đã không thể làm được nhiều việc như mong muốn của mình. Về khả năng làm việc và tâm huyết với nghề nghiệp của tôi như thế nào, tôi nghĩ nhiều đồng nghiệp đã biết và thực tế đã minh chứng. Tôi không muốn nói dông dài thêm về chuyện này, mất thời giờ của quý vị.
 
Tôi chỉ hy vọng quý đồng nghiệp hiểu rằng suốt một năm qua, chỉ vì đấu tranh với các hành vi sai phạm của ông Đinh Đức Lập mà tôi bị trù dập tới mức bị hạn chế thấp nhất các điều kiện để tác nghiệp (tôi là Phó trưởng ban nhưng bị ông Lập ra lệnh không cho họp giao ban chuyên môn hàng ngày; tôi viết bài gởi ra tòa soạn thì bị chỉ đạo không được đăng…); bị đối xử bất công, bị áp đặt các hành vi và quyết định hành chính phi pháp; bị cắt xén hầu hết các khoản thu nhập hợp pháp và chính đáng…. Thu nhập thực tế từ báo Đại Đoàn Kết trong suốt một năm qua không nuôi sống nổi chính bản thân mình chứ chưa nói tới gia đình.
 
Tôi không chỉ tiếc khoảng thời gian có thể nói là phí phạm đã trôi qua cho chính bản thân tôi mà thực sự tiếc nhiều hơn cho chính tờ báo Đại Đoàn Kết vốn đang rất cần sự toàn tâm, toàn ý, toàn lực mà chúng ta đang có để góp phần đóng góp cho sự phát triển của tờ báo nói chung cũng như cho nghề nghiệp và cuộc sống của mỗi thành viên.
 
Vấn đề cần đặt ra là vì sao một người đứng đầu nếu được coi là có năng lực, có tâm huyết lại có thể để xảy ra tình trạng lãnh phí nhân lực và tình trạng mất đoàn kết nghiêm trọng như vậy trong cơ quan mà không có cách gì thu xếp ổn thỏa được?
 
4. Tôi luôn tin vào những điều tốt đẹp của con người và tin vào công lý. Cho dù không phải công lý bao giờ cũng được thực thi ngay lập tức. Đôi khi người ta phải mất nhiều thời gian, có khi rất nhiều thời gian để thấy sự trừng phạt và sức mạnh của công lý. Dân gian thường nói “có vay có trả” và quy luật về “nhân quả” của nhà Phật cho thấy rõ điều đó trong thực tiễn, với cái nhìn sâu sắc về cõi nhân sinh.
 
Những điều tốt đẹp của con người không phải lúc nào cũng có thể nhận ra. Không phải ai ai cũng lựa chọn sự đấu tranh để bảo vệ công lý một cách trực diện. Tôi luôn hiểu và chia sẻ với từng cá nhân về sự lựa chọn sao cho phù hợp với hoàn cảnh của họ trong cuộc đấu tranh với bạo quyền.
 
Vì vậy, tôi không trách hay phê phán bất kỳ ai chỉ vì họ không làm như tôi. Tôi biết mỗi người tử tế đều có cách để bảo vệ những điều mà họ trân quý và luôn ý thức về sự góp phần bảo vệ những điều tốt đẹp của cuộc sống xung quanh mình.
 
Vì vậy mà kết quả 6/15 lá phiếu của các đảng viên chi bộ báo Đại Đoàn Kết yêu cầu kỷ luật ông Đinh Đức Lập với tôi là một kết quả lạc quan. Trong hoàn cảnh ông Đinh Đức Lập là người đứng đầu, nắm nhiều quyền lực trong tay vẫn có 6 đảng viên yêu cầu kỷ luật ông Lập chứng tỏ cái tốt và lẽ phải vẫn còn tồn tại rất rõ ràng trong những con người cụ thể tại cơ quan này. Việc lãnh đạo cơ quan chủ quản không thể bác bỏ tất cả các sai phạm của ông Đinh Đức Lập, dù hết mực tìm cách giúp ông Lập thoát nạn, buộc phải xử lý kỷ luật ở mức khiển trách về Đảng lẫn chính quyền cho thấy người ta không thể phủ nhận hết sự thật và thô bạo chà đạp công lý.
 
Tôi cảm động và biết ơn tất cả những người đã chia sẻ với tôi trong cuộc đấu tranh không cân sức và đầy nguy hiểm này theo cách của họ. Ngày mai đây, tôi có thể sẽ nhận quyết định kỷ luật theo đúng “kịch bản” và mong muốn “cháy bỏng” của ông Đinh Đức Lập nhằm trả thù thô bạo người đã tố cáo các sai phạm của ông. Tôi cũng không hề tránh né chuyện đó, vì đã đấu tranh thì “tránh đâu”?
 
Thế nhưng bằng những cách riêng của mình, tôi tin rằng mọi người sẽ hiểu rõ ràng và cụ thể rằng cái quyết định kỷ luật đó tuy áp đặt cho tôi nhưng lại sẽ có tác dụng ngược với ông Đinh Đức Lập.
 
Kính chúc quý đồng nghiệp một ngày báo chí thật nhiều ý nghĩa và niềm vui cho cái nghề vốn thật nghiệt ngã của mình.
 
Hữu Nguyên
 

TS Cù Huy Hà Vũ ngưng tuyệt thực – RFA/BS

22 Th6

TS Cù Huy Hà Vũ ngưng tuyệt thực

Mặc Lâm, biên tập viên RFA 2013-06-21
TS Cù Huy Hà Vũ yếu mệt sau 25 ngày tuyệt thực (RFA). “Anh ấy thực sự rất mệt đến nỗi khi tôi vào thì ông cán bộ trực tiếp trông nom anh Cù Huy Hà Vũ là ông Trần Thanh Vân trước khi cho tôi vào thì ông có nói với tôi là hôm nay chắc là anh Vũ sẽ mệt hơn đấy vì hôm qua anh ấy rất mệt.  Vì thế yêu cầu khi chị thăm ấy thì không được nói những gì có thể kích động anh ấy. Ý nguời ta muốn nói tôi đừng nhắc tới các chương trình truyền hình đã được đưa lên nói xấu anh ấy“. Một số độc giả đã bàn tới chuyện cần phải kiện ANTV, VTV và một số báo.  (Cáo lỗi: Chiều qua chúng tôi đã đăng lại bức  Thư cảm ơn của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ từ trang Bô-xít. Nhưng  đến đêm, trong khi chỉnh sửa để bổ sung chú thích, một đoạn trong thư đã bị xóa mất do thao tác kỹ thuật. Nhờ độc giả phát hiện, chúng tôi mới biết hiện tượng này, nên đã bổ sung lại như ban đầu, hồi 6h15′).

chhv-305.jpg

Hình ảnh đoạn phim của kênh truyền hình VTV về TS Cù Huy Hà Vũ trong trại giam.

             Screen capture   

 

Luật sư Dương Hà cho biết sức khoẻ chồng bà, TS Cù Huy Hà Vũ, rất mệt sau 25 ngày tuyệt thực:

Anh ấy thực sự rất mệt đến nỗi khi tôi vào thì ông cán bộ trực tiếp trông nom anh Cù Huy Hà Vũ là ông Trần Thanh Vân trước khi cho tôi vào thì ông có nói với tôi là hôm nay chắc là anh Vũ sẽ mệt hơn đấy vì hôm qua anh ấy rất mệt.

Vì thế yêu cầu khi chị thăm ấy thì không được nói những gì có thể kích động anh ấy. Ý nguời ta muốn nói tôi đừng nhắc tới các chương trình truyền hình đã được đưa lên nói xấu anh ấy.”

Bà Hà được Trại giam số 5 Thanh  Hoá thông báo đã nhận và cứu xét đơn thư khiếu nại của ông Cù Huy Hà Vũ. Bà đến trại và chứng kiến chồng bà làm việc với phó giám thị đại diện trưởng trại giam Lương Văn Tuyến.

Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà cũng là luật sư biện hộ cho chồng. Bà cho biết tuy sức khoẻ yếu mệt nhưng tâm lý rất vừng vàng. Ông đã nhờ bà viết hộ một bức thư cảm ơn đồng bào trong và ngoài nước.

“TS Cù Huy Hà Vũ nhờ tôi với tư cách là vợ, chép cho anh ấy một thư cảm ơn đến đồng bào, đến các chính phủ, tổ chức cá nhân đã ủng hộ anh ấy trong suốt cuộc tuyệt thực này và đặc biệt gửi lời cám ơn đến những người đã đồng hành tuyệt thực cùng với anh ấy trong việc anh ấy đấu tranh đòi dân chủ, quyền bình đẳng, quyền làm người và anh cũng mong muốn tiếp tục đựơc mọi người ủng hộ trong cuộc đấu tranh mà anh ấy cho là rất lâu dài và gian khổ.”

Ông Vũ tuyệt thực để phản đối cách hành xử bất công đối với ông trong trại giam và nhất là có dấu hiệu cản trở không cho luật sư của ông tíếp cận hồ sơ chuẩn bị phiên tòa giám đốc thẩm.

Bên cạnh hàng chục người trong và ngoài nước cùng tuyệt thực đồng hành với ông, vào ngày 19 tháng Sáu vừa qua một bức thư ký tên bởi 33 học giả trí thức ngoại quốc và người Việt ở nước ngoài đã đuợc gửi tới các lãnh đạo cao nhất nước yêu cầu chấm dứt những hành vi có thể gây hại cho ông trong nhà tù.

COC và UNCLOS không có trong Tuyên bố chung Việt-Trung – RFI

22 Th6

COC và UNCLOS không có trong Tuyên bố chung Việt-Trung

Vietnam%20-%20Chine%20-%20Truong%20Tan%20Sang

Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang (trái) và thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Bắc Kinh, 20/06/2013.

REUTERS/Mark Ralston/Pool

Chuyến công du Trung Quốc trong ba ngày của chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang kết thúc vào hôm nay, 21/06/2013. Đúng như dự báo, vấn đề Biển Đông đã được Chủ tịch nước Việt Nam nêu lên trong các cuộc thảo luận với các lãnh đạo Trung Quốc, và đã được nêu lên trong bản thông cáo chung tổng kết chuyến thăm. Và cũng đúng với dự đoán, hai bên chỉ nhắc lại cam kết tăng cường đối thoại, và cố tránh đối đầu trên vấn đề này. Tuy nhiên, hai yếu tố Việt Nam rất mong muốn là Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông và nhu cầu tôn trọng Công ước Liên Hiệp Quốc đã hoàn toàn vắng bóng trong văn kiện.

 

Trong ấn bản tiếng Việt của Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc dài gần 4000 từ, gồm 8 đề mục, được TTXVN loan báo, vấn đề tranh chấp Biển Đông được nêu khá chi tiết trong đề mục thứ tư, xác nhận rằng hồ sơ đã được nêu lên nhân chuyến công du Trung Quốc của ông Trương Tấn Sang.

Mở đầu phần nói về Biển Đông, bản Tuyên bố chung nói rõ : “Hai bên trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhất trí việc lãnh đạo hai Đảng, hai nước duy trì trao đổi và đối thoại thường xuyên về vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, chỉ đạo và thúc đẩy giải quyết ổn thỏa vấn đề trên biển xuất phát từ tầm cao chiến lược và đại cục quan hệ hai nước”.

Sau khi liệt kê một số hướng hành động trong việc duy trì đối thoại nêu trên, bản Tuyên bố chung Việt Nam Trung Quốc kết thúc bằng cam kết nỗ lực tránh gây căng thẳng : “Trước khi tranh chấp trên biển được giải quyết dứt điểm, hai bên nhất trí giữ bình tĩnh và kiềm chế, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, đồng thời sử dụng tốt đường dây nóng quản lý, kiểm soát khủng hoảng trên biển giữa Bộ Ngoại giao hai nước, xử lý thỏa đáng các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để các vấn đề này ảnh hưởng đến đại cục quan hệ Việt – Trung cũng như hòa bình, ổn định tại biển Đông“.

Cơ sở có thể nói là pháp lý để hai bên quản lý tốt tranh chấp Biển Đông là hai văn kiện then chốt. Trước hết đó là thỏa thuận song phương Việt Trung – “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc” – mà hai nước cam kết “nghiêm túc thực hiện”, và lẽ dĩ nhiên là bản “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông” (DOC), được cả hai nước “nhất trí thực hiện toàn diện, có hiệu quả”.

Điều được giới phân tích ghi nhận là trong toàn bộ những phần đề cập đến các vấn đề trên biển trong bản Tuyên bố chung, không hề có một từ ngữ nào nhắc đến yêu cầu tôn trọng “luật pháp quốc tế” hay Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, những khái niệm luôn luôn được phía Việt Nam nhấn mạnh trong những năm gần đây.

Xin nhắc lại là quan điểm của Bắc Kinh cho đến nay vẫn là không muốn tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc và các láng giềng bị quốc tế hóa.

Mặt khác, một trong những điều được Việt Nam mong đợi là tín hiệu từ phía Trung Quốc cho biết là họ sẵn sàng mở thương thuyết với ASEAN về một bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông COC. Tuy nhiên, trong bản Tuyên  bố  chung Việt-Trung nhân chuyến công du của chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang, không có bất kỳ từ ngữ nào về vấn đề này.

VIỆT NAM KHÁC VỚI PHI VÀ NHẬT, NẾU TRUNG -VIỆT KIỂM SOÁT ĐƯỢC VA CHẠM TRÊN BIỂN THÌ NAM HẢI[i] SẼ RẤT KHÓ LÒNG BỊ LÀM RỐI – BS

22 Th6

 VIỆT NAM KHÁC VỚI PHI VÀ NHẬT, NẾU TRUNG -VIỆT KIỂM SOÁT ĐƯỢC VA CHẠM TRÊN BIỂN THÌ NAM HẢI[i] SẼ RẤT KHÓ LÒNG BỊ LÀM RỐI

 

Mạng quân sự Trung Quốc

21.6.2013

Người dịch: XYZ

Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đi thăm Trung Quốc đã trở thành cơ hội quan trọng khơi thông vấn đề Nam Hải cùng mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược giữa hai nước ở tầng cấp cao. Thông cáo báo chí về cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình với Trương Tấn Sang cho thấy, lãnh đạo hai nước đã đi đến một vài sự đồng thuận, khả năng Trung Quốc và Việt Nam giải quyết tranh chấp lãnh thổ được một cách hòa bình là có thật.  

 

Trung Quốc hiện đang có va chạm trên biển với cả Việt Nam, Philippines và Nhật Bản, phạm vi lãnh thổ liên quan tới tranh chấp Trung-Việt trong đó là lớn nhất, tổng cộng có 29 hòn đảo cùng vùng biển có liên quan.  Mà trong số 3 nước này, Việt Nam lại là nước tốt nhất để cùng với Trung Quốc mở ra cơ sở đàm phán chính trị. Nếu như Trung-Việt có thể làm giảm bớt và cuối cùng kiểm soát được cường độ và phạm vi va chạm trên biển, nhằm hình thành nên một xu thế không thể nghịch chuyển về việc giải quyết vấn đề một cách hòa bình, thì Philippines sẽ rất khó lòng làm rối Nam Hải thêm được nữa, tình hình tranh chấp trên biển xung quanh Trung Quốc sẽ xuất hiện một cục diện mới.

Trở ngại lớn nhất cho việc giải quyết tranh chấp trên biển một cách hòa bình giữa Trung Quốc và Việt Nam là sự khác biệt tương đối xa trong nhận thức về chủ quyền lãnh thổ, cả hai nước đều khó lòng đưa ra sự nhượng bộ thực chất. Song điều kiện có lợi cũng vẫn có một cách rõ ràng, Trung Quốc và Việt Nam là hai nước xã hội chủ nghĩa lớn nhất trên thế giới ở cạnh nhau, đang đối mặt với cùng một nhiệm vụ mở cửa cải cách, phát triển kinh tế nhà nước. Những nan đề và rủi ro chính trị chủ yếu của Trung Quốc và Việt Nam cũng hết sức giống nhau, nhu cầu về sự chặt chẽ trong quan hệ thương mại, về sự hợp tác chiến lược, đặc biệt là nhu cầu phải dựa dẫm vào Trung Quốc về mặt chính trị của Việt Nam, lâu nay vẫn lớn hơn sức mạnh phân cắt mối quan hệ hai nước trong tranh chấp lãnh thổ.

Việt Nam mấy năm qua đã bộc lộ động hướng “lôi kéo Mỹ kiềm chế Trung Quốc”, song chiến lược này của Việt Nam không thể đi được xa giống như Philippines và Nhật Bản. Việt Nam đối với Mỹ chỉ có thể là mối quan hệ lợi dụng lẫn nhau, Việt Nam không dám và cũng không có cách gì lao vào vòng tay của Mỹ được một cách hoàn toàn. 

Trung Quốc và Việt Nam vừa phát sinh xung đột trên biển, lại vừa từng có chiến tranh biên giới, những ký ức này đều tác động đến sự suy xét của Việt Nam về hơn thiệt trong chính sách đối với Trung Quốc. Mấy năm qua, Việt Nam không hề có sự đối lập ngoại giao toàn diện với Trung Quốc giống như Philippines, mà luôn kiên trì “hữu hảo với Trung Quốc”, những nguyên nhân nằm trong đó là hết sức phong phú và cũng ổn định.     

Thái độ của Trung Quốc đối với Việt Nam trong những năm này là luôn tìm kiếm một sự cân bằng giữa vị thế có lợi trong tranh chấp lãnh thổ với việc duy trì hòa bình với xung quanh, chính sách cân bằng như vậy chắc hẳn sẽ phải duy trì lâu dài. Môi trường quốc tế của Trung Quốc đã khác xa với thập kỷ 70-80 thế kỷ trước, chúng ta lớn mạnh hơn, song môi trường tâm lý quốc tế phải đối mặt cũng trở nên mong manh hơn. Năng lực kỹ thuật kiềm chế kẻ tranh chấp lãnh thổ mạnh lên rất nhiều, song những rủi ro chính trị quốc tế mà chúng ta phải đối mặt vì thế cũng trở nên chưa từng có.

Nhìn chung, cả Trung Quốc và Việt Nam đều có nguyện vọng và nhu cầu kiểm soát những va chạm trên biển giữa hai bên, cải thiện bầu không khí quan hệ giữa hai nước, gia tăng sự hợp tác thực sự. Mặc dù độ khó trong việc làm tốt sự tương tác như vậy giữa hai nước là rất cao, song nguyện vọng chiến lược nói trên trước tiên cần trân trọng lẫn nhau, làm mạnh lẫn nhau đã rất là quan trọng. Những thử nghiệm và nỗ lực như vậy là rất có giá đối với cả hai nước Trung-Việt.

Hãy nhìn giữa Trung Quốc và Ấn Độ, diện tích tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước là rất lớn, Ấn Độ lại là cộng đồng thông đồng bén giọt trong truyền thông về tình cảm dân tộc, song sự kiểm soát va chạm của Trung Quốc và Ấn Độ tương đối thành công. Giữa Trung Quốc và Việt Nam lẽ ra đã có đủ điều kiện tốt hơn trong việc dùng đàm phán hòa bình để thay thế cho va chạm trên biển.

  Người Trung Quốc trước tiên phải biết giữ sự tự tin về việc chúng ta có quyền chủ động trong xử lý tranh chấp Nam Hải, ngoài ra, chúng ta nhất thiết phải làm rõ xem rút cuộc chúng ta muốn gì xung quanh vấn đề Nam Hải, nó có quan hệ như thế nào với Chiến lược quốc gia tổng thể của Trung Quốc, đồng thời cần làm rõ sự sắp xếp chiến lược các mục tiêu và nguyện vọng của mình, hơn nữa cần vạch rõ được đường đáy mà chúng ta sẽ phá vỡ sự sắp xếp này và dùng việc leo thang một vấn đề làm nổi rõ mục tiêu của quốc gia.   

  Vấn đề xung quanh Trung Quốc cực kỳ phức tạp, đó chính là vì sự can thiệp tới tấp của các nước lớn như Mỹ… Xét về quan hệ Trung-Việt, điều quan trọng nhất của Trung Quốc là giữ cho mình hoàn toàn tỉnh táo, đồng thời vận dụng sức ảnh hưởng của mình để thúc đẩy sự tỉnh táo cho Việt Nam. Nam Hải là thực lực của Trung Quốc, đồng thời cũng là đất dụng võ cho trí tuệ ngoại giao của Trung Quốc, chỉ có phối hợp sử dụng cả hai, thì Trung Quốc mới có thể trở thành “kẻ chiến thắng” ở Nam Hải và trong biến cục phức tạp của lực lượng toàn cầu.  

Nguồn: Mạng quân sự Trung Quốc

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2013

 


[i]   Tức Biển Đông.

Thông điệp Biển Đông trong chuyến thăm của Chủ tịch nước

22 Th6

Thông điệp Biển Đông trong chuyến thăm của Chủ tịch nước

– Những vấn đề nảy sinh sẽ không để ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của quan hệ hai nước cũng như hòa bình, ổn định tại Biển Đông.

 

Một trong những vấn đề quan trọng nhất trong chuyến thăm cấp nhà nước Trung Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (19-21/6) là những vấn đề trên biển.

Giải quyết tranh chấp biển hòa bình

Một lần nữa, trong cuộc trao đổi tại Bắc Kinh, lãnh đạo cấp cao Việt – Trung tái khẳng định nghiêm túc thực hiện bản thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển ký năm 2011.

Với những tranh chấp, hai bên tiếp tục khẳng định cơ chế giải quyết “thông qua các biện pháp hòa bình”, “trên cơ sở luật pháp quốc tế”, tìm kiếm và trao đổi các giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được. Đặc biệt, xử lý thỏa đáng các vấn đề nảy sinh, không để ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của quan hệ hai nước cũng như hòa bình, ổn định tại Biển Đông.

 

Vịnh Bắc Bộ, Biển Đông, chủ quyền, dầu khí, Trung Quốc, chủ tịch nước, Trương Tấn SangTập Cận Bình
Lễ đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm cấp nhà nước có 21 loạt đại bác. Ảnh: VOV

Hai bên nhất trí thực hiện toàn diện, có hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, tích cực triển khai các dự án đã thoả thuận liên quan các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển.

Trong bản Tuyên bố chung, hai bên cam kết sẽ nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc”, sử dụng tốt các cơ chế như đàm phán biên giới lãnh thổ cấp Chính phủ…, kiên trì thông qua hiệp thương và đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được…
Hai bên nhất trí dựa trên nguyên tắc dễ trước khó sau, tuần tự tiệm tiến, gia tăng cường độ đàm phán của Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, vững bước thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và tích cực thúc đẩy hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này, trong năm nay khởi động khảo sát chung tại vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, sớm xác định khu vực và lĩnh vực hợp tác để thực hiện nhiệm vụ đàm phán của Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.

Là vấn đề tồn tại do lịch sử để lại lớn nhất, khó khăn nhất và cũng “gai góc” nhất trong quan hệ song phương Việt – Trung, xét ở thời điểm, bối cảnh của chuyến thăm, những vấn đề trên biển được hai bên trao đổi theo tinh thần “nghiêm túc, thẳng thắn” là điều tích cực và cần thiết, đảm bảo sự chuyển động nhất định trong thực hành giải quyết tranh chấp.

Triển khai đối tác chiến lược

“Chương trình hành động giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc về việc triển khai quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc” là văn kiện quan trọng trong 10 văn kiện được ký kết trong chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước.

Khuôn khổ “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” vốn được thiết lập từ 2008 trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh. Với Chương trình hành động mới vừa ký tại Bắc Kinh, hai bên có cơ sở làm cho nội hàm “đối tác chiến lược” hoàn thiện, qua đó triển khai cụ thể hợp tác trên tất cả lĩnh vực.

Theo đó, 13 hạng mục trọng tâm hợp tác chiến lược được đề ra cụ thể, trải rộng trên tất cả các lĩnh vực.

 

Vịnh Bắc Bộ, Biển Đông, chủ quyền, dầu khí, Trung Quốc, chủ tịch nước, Trương Tấn SangTập Cận Bình
5 năm kể từ khi hai nước chính thức thiết lập đối tác chiến lược, hai bên đã ký một chương trình hành động triển khai, đưa ra 13 lĩnh vực hợp tác trọng tâm chi tiết.Ảnh: VOV

Tăng cường tin cậy chính trị một lần nữa được nhấn mạnh trong hội đàm cấp cao giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch nước Tập Cận Bình. Quan hệ Việt-Trung từng đi qua những thăng trầm, nên xác lập, giữ vững, gia tăng sự tin cậy chính trị sâu sắc là điều tối trọng để quan hệ không ngừng tiến bước, trên mọi mặt.

Triển khai nội hàm “đối tác chiến lược”, đáng chú ý trong chuyến thăm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh không ngừng nâng cao chất lượng hợp tác trong lĩnh vực kinh tế – thương mại.

Theo đó tăng cường phối hợp có các biện pháp hiệu quả và quyết liệt thúc đẩy thương mại hai nước vừa tăng trưởng ổn định, vừa giảm nhập siêu của Việt Nam, phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai nước lên 60 tỷ đô la Mỹ vào năm 2015…

Thăm dò chung dầu khí trong Vịnh Bắc Bộ

Đáng chú ý nhất trong các văn kiện được ký kết là thỏa thuận sửa đổi lần thứ 4 liên quan tới thỏa thuận thăm dò chung Việt Nam – Trung Quốc trong khu vực xác định ngoài khơi trong Vịnh Bắc Bộ được ký kết giữa việc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Tổng công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc.

Đây là thỏa thuận hợp tác thuần túy về kinh tế, trong một khu vực vùng biển đã được phân định đường biên, nằm trong Vịnh Bắc Bộ, không ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia của mỗi nước trên Vịnh Bắc Bộ. Theo dự báo, khu vực này có cấu tạo địa chất liền nhau, có khả năng có dầu khí, nên hai bên xác định để có lợi cao nhất, thì cùng hợp tác thăm dò và tiến tới khai thác.

Linh Thư