Lưu trữ | 7:36 Sáng

Người Trung Quốc nghĩ gì về Trung Quốc – Phan Ba

27 Th6

Người Trung Quốc nghĩ gì về Trung Quốc

Yu-Chien Kuan (Quan Ngu Khiêm)

Phan Ba dịch

Tác giả là một người Trung Quốc. Dịch quyển sách này không có nghĩa là người dịch hoàn toàn đồng ý và ủng hộ những quan điểm được nêu ra ở trong đó. Người dịch chỉ muốn giới thiệu cho bạn đọc một góc nhìn khác về đất nước láng giềng của chúng ta mà thôi.

Chỉ trong vòng ba mươi năm, người Trung Quốc đã làm được điều mà các dân tộc khác đã cần tới nhiều thế kỷ: biến đổi từ một nước đang phát triển hết sức nghèo nàn, kiệt quệ về kinh tế thành một quốc gia dẫn đầu về kinh tế. Qua đó, cuộc sống của người Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều. Những thành phố tối tăm, buồn tẻ đã trở thành các đô thị to lớn, rực rỡ, được kết nối với nhau bởi một hệ thống đường cao tốc và đường sắt công nghệ cao. Nhiều người Trung Quốc ngày nay sử dụng máy bay một cách hết sức tự nhiên, cứ như họ bước lên chiếc xe buýt ở ngã tư đường kế đến. Hầu như không thể tin được, rằng trong những năm 1980, xe đạp vẫn còn thống trị hình ảnh đường phố và các loại lương thực quan trọng nhất vẫn còn bị chia theo khẩu phần.

Người ta đã quen với nhiều cái tột bực mà đất nước này luôn có để thông báo: vui mừng vì từ hơn ba thập niên nay đã có một tỷ lệ tăng trưởng cao đáng ganh tỵ của tổng sản phẩm nội địa từ tám tới mười phần trăm, cái do mức phát triển thấp trong nước mà chắc sẽ còn tiếp tục thêm một vài năm nữa. Trong quý hai của năm 2010, Trung Quốc đã đẩy lùi láng giềng Nhật Bản trong bảng xếp hạng các nền kinh tế quốc dân từ hạng hai xuống hạng ba. Nếu như sự phát triển này cứ tiếp tục không thay đổi thì chậm nhất là tới năm 2030 Trung Quốc sẽ vượt qua mặt Hoa kỳ đang dẫn đầu, số phận mà nước Đức đã trải qua năm 2009. Ngày nay, không phải người Đức là người xuất khẩu nhiều nhất trên thế giới mà là người Trung Quốc. Bên cạnh Hoa Kỳ, Trung Quốc vẫn còn là đất nước được ưa thích nhất cho các đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Đất nước này sở hữu số dự trữ ngoại tệ lớn nhất trên thế giới. Khi các quốc gia công nghiệp phương Tây vì cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mà rơi vào trong tình trạng cứng đờ vì sốc thì Trung Quốc với một chương trình hỗ trợ kinh tế khổng lồ đã có thể không những kích thích nền kinh tế của riêng mình mà còn tiếp tục bảo đảm một thị trường tiêu thụ cho các quốc gia xuất khẩu như nước Đức.

Chính sách cải cách của các thập niên vừa qua là một câu chuyện thành công có một không hai, cái đã diễn ra với một tốc độ nhanh cho tới mức đối với nhiều người Trung Quốc, thế giới dường như đã đảo lộn rồi. Nhưng không phải là họ phải hết sức hài lòng trước sự phát triển nghẹt thở này hay sao?

Thật sự là ngày nay những người đại diện về mặt chính trị cho đất nước này đã xuất hiện với một sự tự tin mạnh hơn. Đảng Cộng sản Trung Quốc, đảng mà với chính sách cải cách và mở cửa của nó đã tạo khả năng cho lần tăng trưởng này, nhận lấy thành công về phần mình. Mặc dù vậy, họ đang đứng trước những thách thức khổng lồ mà kết cuộc của chúng vẫn còn hoàn toàn chưa biết được. Năm 1949, khi họ tiếp nhận quyền cai trị đất nước đã kiệt quệ về kinh tế và bị chiến tranh tàn phá, họ đã làm điều đó với sự ủng hộ rộng rãi của người dân. Thế nhưng một chính sách sai lầm đã dẫn đến những thất bại thảm khốc. Sau cái chết của Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình đã có thể lật ngược lại tình thế trong năm 1978 và nhờ vào chính sách có định hướng đến nền kinh tế và mở cửa của mình mà đã khởi đầu cho lần trỗi dậy gây ấn tượng mạnh. Mặc dù vậy, Đảng vẫn bị mất tin tưởng rất nhiều. Ngay trong số đảng viên của họ vẫn có sự nghi ngại hết sức lớn, liệu họ có thể tìm ra giải pháp cho các vấn đề đang nóng bỏng hay không.

Trung Quốc là một đất nước của những mâu thuẫn, và chúng ngày càng xuất hiện một cách rõ nét hơn. Trong vòng sáu thập niên vừa qua, chưa từng bao giờ có thảo luận về tình hình chính trị một cách trái ngược nhau và cởi mở đến như thế trong đất nước này. Trong khi tinh thần lạc quan khởi đầu vẫn còn tiếp tục đối với người này thì những tiếng chuông báo động đã vang lên từ lâu cho những người khác.

Mới đây, chúng tôi đã ngồi dùng bữa trong một nhóm lớn và thảo luận về tình hình hiện tại trong đất nước. Ngoài chúng tôi là các tác giả ra thì tất cả mười người ở bàn đều là đảng viên Đảng Cộng sản. Hai giờ liền, họ tường thuật về những câu chuyện xấu từ quá khứ mới đây và đã lâu hơn, chửa rủa và phê phán, cho tới khi cuối cùng chúng tôi nhận định rằng: “Các anh không hài lòng với mọi thứ. Thế tức là Đảng Cộng sản đã chẳng có thành công gì đáng kể trong nhữnng năm vừa qua?” Câu chuyện sau đó bị khựng lại. Điều này thì thật sự là đã nói quá rồi, một người trong nhóm đó nói. Tất nhiên là có đủ những điều mà người ta cũng có thể hài lòng với nó. “Ví dụ như?”, chúng tôi hỏi. Một câu hỏi khó, như sau đó có thể nhận thấy được, vì không phải ai cũng sực nhớ ra ngay được một cái gì đó. Chỉ sau khi suy nghĩ một chút, họ mới kể ra các tiến bộ về kỹ thuật, ví dụ như máy tính mà với chúng người ta có thể vào Internet ngay được và tải về thông tin từ khắp nơi trên thế giới. Thêm vào đó, các phương tiện giao thông và đường giao thông, đường cao tốc và đường sắt hiện đại đã tạo khả năng cho một tính di động hết sức mới mẻ và tiện lợi. Càng lúc họ càng nghĩ ra nhiều điểm tốt hơn, nhưng chúng không tuôn trào ra nhanh chóng như những điểm đáng để ta thán trước đó. Một tình cảnh đặc trưng như chúng tôi đã trải qua ở hầu hết các cuộc trao đổi của chúng tôi. Nó để cho nhận thấy rằng nhiều người Trung Quốc đang sống với những mâu thuẫn nào ở bên trong. Về một mặt, toàn bộ hoàn cảnh sống của họ đã được cải thiện, và ngày nay họ có nhiều khả năng đa dạng trong lập kế hoạch và tạo dựng cuộc sống, trong thông tin và di động, mặt khác, hiện thực hàng ngày đưa ra những câu hỏi cấp bách về công lý và bất công, ý nghĩa và sự thật.

Một viên chỉ huy quân đội cao cấp, được hỏi về tình hình trong nước và đã quen với những mệnh lệnh ngắn gọn, đã biết đưa ra một lời ngắn gọn để mô tả tình thế: ngoại viên nội phương!, ông nói to. “Ngoài tròn trong vuông.” Nhìn từ bên ngoài, Trung Quốc có vẻ hài hòa dưới chính phủ của nó. Nhìn từ bên trong, chẳng có gì hợp với nhau cả.

Những gì là động lực của con người ngày nay trong Trung Quốc, những gì khiến cho họ bất an, họ không hài lòng với những gì, những  gì khiến cho họ u buồn, và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng: Họ hãnh diện vì điều gì? Chúng tôi muốn biết điều đó và vì vậy mà đưa ra hai câu hỏi: Các anh chị hài lòng với những gì? Không hài lòng với những gì? Thường chúng tôi chính xác hóa các câu hỏi của chúng tôi và nói đến sự thiếu thốn về tự do, dân chủ và nhân quyền. Đó có phải là cái mà các anh chị thiếu hay không?

Người ta có thể tiến hành phỏng vấn trước máy ghi âm hay trước máy quay phim. Chúng tôi quyết định – bất cứ lúc nào có thể – kết hợp những cuộc phỏng vấn của chúng tôi với hoạt động được người Trung Quốc ưa thích: ăn uống thỏa thích. Nhờ hoàn cảnh này mà sau một vài ly rượu nhỏ lời nói đã tuôn trào ra và những người được hỏi bắt đầu một lần phê bình tổng thể có quy mô rộng lớn, cái mà chúng tôi không muốn ngắt lời. Qua đó, nhiều người luôn đề cập đến cùng những đề tài, điều dẫn đến việc nội dung được lặp lại trong các cuộc phỏng vấn. Xin hãy tha lỗi cho chúng tôi, khi chúng tôi không gạch bỏ những lần lặp lại này. Theo ý của chúng tôi, chúng tăng cường ấn tượng, rằng các vấn đề đó đang đè nặng lên tâm hồn của những người này cho tới đâu.

Thêm vào đó, chúng tôi bảo đảm tính nặc danh cho những người được hỏi. Một đảng viên già có nhiều tuổi đảng sau đó đã trở nên thích bàn chuyện và tự phát nói: “Tôi sẽ không bao giờ gia nhập Đảng Cộng sản của ngày hôm nay. Thời đó, với cuộc cách mạng năm 1949 của chúng tôi, chúng tôi đã đập tan xã hội giai cấp cũ, xóa bỏ sự khác biệt giữa nghèo và giàu, xua đuổi tham nhũng và mãi dâm ra khỏi xã hội của chúng tôi. Nhưng bây giờ thì những cái xấu xa cũ lại xuất hiện ở khắp mọi nơi, và đã có những giai cấp mới thành hình. Con cháu của các cán bộ Đảng đang nắm quyền mới chính là những người hưởng lợi cuộc tăng trường kinh tế hết sức lớn của chúng tôi. Họ tạo nên giới quý tộc giàu có mới. Những người giàu của ngày hôm nay còn giàu hơn cả những người thời trước rất nhiều, chỉ khác với ngày xưa là phần lớn họ đều mang tiền bạc của họ ra nước ngoài, vì họ không tin vào sự phát triển của đất nước chúng tôi.”

Các câu chuyện thường gây sốc cho chúng tôi, các tác giả, khi tình trạng trong nước được mô tả trong những sắc màu tối tăm nhất, cho tới mức người ta có ấn tượng rằng Trung Quốc là một thùng thuốc súng. Nhưng điều đó có đúng không? Trung Quốc có thật sự là một thùng thuốc súng hay lời phê phán của những người đàm thoại với chúng tôi, thường rất phẫn nộ, là cường điệu? Không, chúng không phải là cường điệu. Nhiều bất công đã và vẫn đang tiếp tục diễn ra hàng ngày, có thể đọc được trên Internet, nhưng cũng có thể đọc được trên những tờ nhật báo Trung Quốc hay theo dõi trong các chương trình phê bình của các đài truyền hình nhà nước và Hongkong. Và mặc dù vậy: mặc cho những lời ta thán có lý do đó, người ta đã làm được nhiều điều thật to lớn. Chưa từng bao giờ có được nhiều tự do cá nhân như vậy trong sáu mươi năm vừa qua. Cũng có cả những bước đi dài theo đường hướng xây dựng các thể chế nhà nước pháp quyền. Từ trải nghiệm cá nhân, chúng tôi có thể so sánh mức sống của ngày nay với mức sống trước năm 1949 và mức sống trong những năm 1970. Khi chúng tôi thuật lại cho giới trẻ của ngày nay, rằng cho tới đầu những năm 1980, gọi điện thoại thường là một vấn đề thường không thể giải quyết được, chúng tôi hay gặp phải một sự ngạc nhiên nghi ngại, nhưng không lâu. Giới trẻ ngày nay không để cho người ta đánh lừa mình với những so sánh như vậy, và sự kiên nhẫn không thuộc vào trong những đức tính tốt của họ. Họ yêu cầu nhiều hơn nữa.

“Chúng tôi những người trẻ nhìn thế giới ngày nay khác với những người lớn tuổi hơn”, một nữ trợ tá quản lý 25 tuổi ở Thượng Hải nói với chúng tôi. Các thế hệ sinh ra trong những năm 1980 và 90 không có sự so sánh với trước đây. Những gì mà người ta kể cho chúng tôi nghe về nghèo đói giống như truyện cổ tích đối với chúng tôi. Chúng tôi đã lớn lên trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế. Đối với chúng tôi đó là một sự tự nhiên, khi mức sống được cải thiện liên tục. Chính phủ phải lo cho điều đó. Đó là nhiệm vụ của họ. Họ có trách nhiệm phải làm việc đó, và vì vậy mà không có cớ gì để luôn nhấn mạnh rằng ngày nay chúng tôi có được tốt hơn nhiều. Không phải quá khứ là thước đo của chúng tôi, mà là hiện tại và tương lai. Và ngoài ra thì cũng chẳng hề đúng đâu, rằng tất cả đã tốt hơn. Nếu người ta nhìn cho kỹ thì trong nhiều lĩnh vực đã trở nên xấu đi, ví dụ như tất những gì về sự bất cân bằng giữa giàu và nghèo. Những khác biệt như vậy về cơ bản là bất thường và chứng tỏ chính phủ vô trách  nhiệm và bất tài. Đó phải là trách nhiệm của các lãnh tụ chính trị, làm một cái gì đó cho những người không tự mình phát triển được. Chính phủ phải đưa cho họ cơ hội, việc làm và an sinh xã hội.”

Thế tức là tình trạng trong nước ra sao? Ý kiến về điều này hết sức khác nhau. Một giáo sư nổi tiếng của Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh thật sự là nhìn Trung Quốc giống như một thùng thuốc súng. Mới đây, ông đã nhận định: “Trên thực tế thì tình hình đất nước của chúng tôi còn tồi tệ hơn là phần lớn người dân nghĩ. Xã hội của chúng tôi lâm trọng bệnh và không có bất cứ hy vọng nào để khỏe mạnh trở lại. Nó đang đứng trước sự sụp đổ.”

Điều gì làm cho Trung Quốc mang bệnh? Một thăm dò ý kiến mang nó ra ánh sáng và phù hợp với kết quả công cuộc điều tra riêng của chúng tôi. Trong tháng 11 năm 2009, Diễn đàn Nhân dân, một tờ báo, thuộc tờ Nhân dân Nhật báo, phân phát cho 8000 người trong một trăm trường học và học viện một danh sách liệt kê các vấn đề được phỏng đoán là lớn nhất của mười năm tới đây mà người ta có thể đánh dấu vào nhiều vấn đề.

Trên tám mươi phần trăm những người được hỏi nêu sự tham nhũng tràn lan trong giới quan chức và đi cùng qua đó là sự mất tin tưởng trầm trọng vào uy quyền của giới lãnh đạo Đảng như là vấn đề lớn nhất trong đất nước họ. Họ còn cho rằng tham nhũng sẽ còn tồi tệ hơn trong vòng mười năm tới đây.

Cũng trên tám mươi phần trăm cảm thấy bất an về hố sâu ngày càng tăng giữa nghèo và giàu và xuất phát từ đó là nỗi lo sợ trước những cuộc nổi dậy và bạo động.

Trên sáu mươi phần trăm đưa ra các xung đột với giới quan chức trong Đảng ở các đơn vị quản lý địa phương như là mầm mống đáng lo ngại cho sự căm phẫn và nổi loạn. Bởi giới quan chức tham lam và vô lương tâm mà đã xảy ra nhiều sự bất công cho tới mức ngày nay người dân tự hỏi rằng thật ra thì Đảng phục vụ cho ai. Niềm tin tưởng vào Đảng Cộng sản đã bị lay động mạnh. Người ta không còn tin vào những người đại diện cho nó nữa.

Cũng trên sáu mươi phần trăm lo ngại vì giá bất động sản quá cao, khiến cho việc mua hộ ở là điều không thể đối với những người có thu nhập thấp. Người giàu do thiếu những khả năng đầu cơ khác nên đã mua hộ ở và mong cho nhà tăng giá, điều đã đẩy giá cả lên cao.

Trên sáu mươi phần trăm phàn nàn về sự suy thoái khủng khiếp của giá trị và đạo lý. Con người còn ở đâu khi tiền bạc là thước đo của tất cả mọi thứ? Các giá trị xưa cũ của xã hội chịu nhiều ảnh hưởng đạo Khổng đã không được chuyển giao tiếp. Chúng đã bị phá hủy từ lâu rồi. Các giá trị cách mạng Mác-Lê đánh kính trọng, những cái mà các người cha đẻ của cuộc cách mạng đã tuyên truyền khi họ bước ra để xây dựng một xã hội hài hòa, công bằng, đã lộ hình như những lớp vỏ bọc trống rỗng bằng từ ngữ mà dấu mình ở sau đó là sự ích kỷ và tranh giành quyền lực. Ngày nay, người ta không còn có thể tin tưởng một ai được nữa. Quá nhiều điều sai đã được tiếp tục truyền đi như sự thật. Không còn có đức tính tốt nữa.

Đối với trên năm mươi phần trăm, các cải cách chính trị diễn ra một cách quá ngần ngừ. Người dân thất vọng, vì mong muốn dân chủ hóa từng bước của họ đã không được hiện thực. Cũng từng ấy người được hỏi lo ngại về ô nhiễm và phá hủy môi trường.

Trên bốn mươi phần trăm phàn nàn về việc chăm sóc không tốt cho những người già và về nạn thất nghiệp trong số những người trẻ tuồi vừa tốt nghiệp đại học.

Không được nêu ra trên danh sách này là vấn đề của nạn thất nghiệp ở vùng nông thôn mà theo ước lượng của các chuyên gia nằm ở khoảng trên hai mươi phần trăm và mang nhiều lực nổ ở trong nó. 230 triệu công nhân di cư đe dọa tính ổn định của thị trường lao động, nếu như tăng trưởng kinh tế rơi xuống dưới tám phần trăm.

Các cải cách kinh tế đã giải phóng nhiều trăm triệu con người ra khỏi cái nghèo trong một thời gian ngắn – một việc chưa từng có. Nhưng vẫn còn trên một trăm triệu người sống dưới ranh giới nghèo. Những người này tin vào giới cánh tả mới, những người tuyên truyền cho một sự quay trở lại với các ý tưởng của Mao Trạch Đông. Họ phẫn nộ về những bất công bằng trong xã hội, về sự phân chia sở hữu không đồng đều, và họ mơ ước trở về thời đã qua, khi tất cả còn nghèo như nhau. Nếu như theo họ thì đấu tranh giai cấp và các ý tưởng của Mao sẽ sống lại.

Đối diện với các mâu thuẫn và xung đột này trong đất nước, nhiều người Trung Quốc lo sợ sẽ mất ổn định về chính trị, sợ nổi loạn và lộn xộn. Những người già, đã trải qua cuộc Cách mạng Văn hóa vào cuối những năm 1960, biết rằng khi tình trạng không có pháp luật và vô chính phủ thống trị thì sẽ như thế nào.

Thế tức Trung Quốc thật sự là một thùng thuốc súng? Nhìn theo một cách nào đó thì đúng là như thế, vì chất nổ có rất nhiều, và trong vòng những năm tới đây sẽ thấy được rằng liệu các vấn đề của đất nước này có được làm giảm bớt đi một cách bền vững hay không. Chúng tôi không bi quan, ngay cả khi có nhiều yếu tố chống lại điều này. Chính là những người đó đã để cho chúng tôi tin tưởng sau nhiều cuộc phỏng vấn, rằng người ta sẽ tìm thấy một con đường đi ra khỏi các vấn đề. Sự phát triển của Trung Quốc không bao giờ diễn ra thẳng tắp cả. Nó luôn có những con đường vòng, thất bại và sửa đổi. Chỉ riêng sáu mươi năm vừa qua là đã đầy những việc đó. Nhưng trong lịch sử dài lâu của họ, người Trung Quốc không bao giờ đánh mất niềm tin vào quốc gia của họ và đã chứng tỏ một tính liên tục, kiên trì và sẵn sàng hy sinh có một không hai. Và lần này rồi họ cũng sẽ thành công. Hy vọng của chúng tôi nằm ở số đông những người trẻ tuổi tự tin và được đào tạo tốt. Họ có sức mạnh và ý muốn, để giải quyết các vấn đề của đất nước này.

Yu-Chien Kuan (Quan Ngu Khiêm)

Phan Ba dịch

Đọc những bài trước ở trang Thùng thuốc súng Trung Quốc

Ngày 21 tháng 6, chợt nhớ cụ Huỳnh – Nguyễn Thông

27 Th6

Ngày 21 tháng 6, chợt nhớ cụ Huỳnh

 
Hơn tuần nay, nhà (blog) của tôi bị ai đó lấy mất chìa khóa nên chủ nhân không vào (đăng nhập) được. Bài vở tồn kho ngày càng nhiều, tiếc nhất là có những bài thể hiện quan điểm, suy nghĩ của mình khôngđược đưa lên đúng lúc. Ví dụ như bài này, tôi viết về cụ Huỳnh Thúc Kháng, không phải về một chí sĩ, nhà cách mạng nổi tiếng như nhiều người đã tường tận mà về một nhà báo, người làm báo lừng lẫy một thời. Định đưa lên blog nhân ngày 21.6 báo chí cách mạng nhưng khổ nỗi nhà mình mà mình phải chịu đứng ngoài, mặc cho kẻ khác tha hồ phá phách. Bữa nay, bất chợt vào lại được (chắc kẻ trộm nó cũng thấy tôi chả giấu thuốc phiện, rượu lậu gì nên “tha cho thì cũng may đời”), tôi vộiđưa bài về cụ Huỳnh lên, sau đó sẽ là một số bài khác nữa. Tôi xin nói lại cho các đồng chí tin tặc được rõ: Lời nói thẳng bao giờ cũng khó nghe, các cụ xưa chẳng bảo “trung ngôn nghịch nhĩ” đó sao, nhưng nên biết lắng nghe, hơn là thích ai đó rót cho những lời đường mật. Tôi chỉ có đá chứ không có đường, nhưng đá của tôi luôn để xây chứ không để ném. Tôi không chống đối ai cả, cũng không bất mãn với cái gì cả, tôi chỉ muốn góp tiếng nói khó nghe với mục đích làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. 26.6.2013

 
            Ngày 21 tháng 6, chợt nhớ cụ Huỳnh
 
Theo những gì tôi đã được dạy dỗ hồi đi học, cụ Huỳnh Thúc Kháng là cây đại thụ, một nhân cách lớn, nổi tiếng về tài năng, đức độ và lòng yêu nước trong đời sống xã hội Việt Nam nửađầu thế kỷ 20. Cụ Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947), tự Giới Sanh, hiệu Mính Viên (vườn chè) đôi khi được viết thành Minh Viên, là một chí sĩyêu nước nổi tiếng. Cụ từng giữ chức Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ thời thuộc Pháp, Bộ trưởng Nội vụ, quyền Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa. Cụ Huỳnh quê làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Tân Phước, phủTam Kỳ (nay thuộc xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước), tỉnh Quảng Nam. Năm 1900, đậu Giải nguyên kỳ thi Hươngnăm Canh Tý 1900, được xưng tụng là một trong Thập Ngũ Phụng Tề Phi của xứ Quảng xưa. Năm Giáp Thìn 1904, cụ đỗ Hội nguyên Hoàng giáp (tức Tiến sĩ thủ khoa).
Cùng với các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp, cụ Huỳnh tham gia lãnh đạo phong trào Duy Tân; bị thực dân Pháp bắt năm 1908, đày ra Côn Đảo suốt 13 năm, mãi năm 1919 mới được trả tự do. Năm 1926, cụ đắc cử dân biểu rồiđược cử làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ. Trong 3 năm hoạt động trên cương vị này, cụ cương quyết tranh đấu chốn nghị trường, sau đó nhân việc chống lại Khâm sứ Pháp, cụ từ chức. Năm 1927, cụ Huỳnh sáng lập tờ báo Tiếng Dân – xuất bản tại Huế, bị đình bản năm 1943. Ngày 21.4.1947 cụ bệnh nặng và mất tại H.Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Cụ Hồ (chủ tịch nước) có thư chia buồn cảm động,đánh giá rằng “Cụ Huỳnh là người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước mà cụ trước đây bị bọn thực dân làm tội, đày ra CônĐảo. Mười mấy năm trường gian nan cực khổ, nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của cụ chẳng những không sờn, mà lại thêm cương quyết. Cụ Huỳnh là người giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khó không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm làm giàu. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đầu cho dân được tự do, nước được độc lập”.
 
Trong lịch sử báo chí xứ ta, cụ Huỳnh Thúc Kháng không phải người mở đường tự do ngôn luận bằng báo chí nhưng chỉ với những bài trên báo Tiếng Dân suốt 16 năm tồn tại, nhà báo Huỳnh Thúc Kháng đã để lại dấu ấn khó phai mờ. Điều dễ nhận ra nhất là ở bản lĩnh của người làm báo trong cụ. Lời mở đầu của Tiếng Dân số 1được xem như bản tuyên ngôn về tự do ngôn luận, về cái đích vươn tới của người lĩnh trọng trách cầm bút. Cụ viết “nếu không có quyền nói tất cả nhữngđiều mình muốn nói, thì ít ra cũng giữ cái quyền không nói những điều người ta ép buộc nói”. Đó là quyền tự do không ai được phép cấm đoán, nhưng không phải người cầm bút nào cũng xác định được như thế. Cũng trên Tiếng Dân ra ngày 1.5.1929, nhà báo Huỳnh Thúc Kháng tiếp tục khẳngđịnh “Tôi là nhà cách mạng công khai, tôi đấu tranh cho quyền lợi của dân tộc Việt Nam một cách công khai. Vì đất nước Việt Nam có biên cương và lãnh thổ công khai trên bản đồ thế giới. Cho nên, tôi cũng công khai nói lên tiếng nói của người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do và tự chủ. Do đó, tôi thách đố mọi trừng phạt và hiểm nguy đến với cá nhân tôi”.
 
Đó là khí phách của người làm báo chân chính, nói như cụ Hồ,là của người cầm đuốc soi đường cho quốc dân đi. Khí phách ấy chỉ có ở những bậc trượng phu, dám coi tấm thân ngàn vàng của mình nhẹ như cái lông hồng, xem khinh mọi lợi danh, vượt trên những ràng buộc đời thường, thách đố mọi sự trừng phạt. Tất cả chỉ dồn cho mục đích cao đẹp: nói lên tiếng nói chân thực, vạch trần sựgiả dối, tham lam, hủ lậu, hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.
 
Cụ ra đi đã 66 năm. Nhớ đến ký giả Huỳnh Thúc Kháng, càng băn khoăn về đội ngũnhững người làm báo đông đảo hiện thời. Đành rằng làm báo giờ đây đã khác trước, đã được xem là một nghề, như một cách mưu sinh (ai chẳng phải lo cơm áo gạo tiền, cho mình và cha mẹ, vợ con), nhưng viết gì, viết sao cho đừng thẹn với đời với người, không phải ai cũng có niềm trăn trở. Than ôi, chỉ cần làm được một phần của cụ Huỳnh Thúc Kháng là đã thỏa mãn lắm rồi.
 
20.6.2013
Nguyễn Thông

Ông Bá Thanh nói về bỏ phiếu tín nhiệm – BBC

27 Th6

Ông Bá Thanh nói về bỏ phiếu tín nhiệm

Ông Nguyễn Bá ThanhÔng Nguyễn Bá Thanh nói không nên ca ngợi việc bỏ phiếu tín nhiệm

Sau một thời gian vắng bóng trên truyền thông, Trưởng ban Nội chính Trung ương Đảng CSVN Nguyễn Bá Thanh vừa xuất hiện trở lại với một số phát biểu đáng chú ý trước cử tri TP Đà Nẵng.

Báo trong nước đưa tin ông Thanh, đại biểu Quốc hội khóa XIII, vừa có cuộc tiếp xúc cử tri sáng thứ Hai 24/6.

 

Ông Nguyễn Bá Thanh đã không được bầu chọn vào vị trí bổ sung Bộ Chính trị Đảng CSVN tại Hội nghị Trung ương 7 hồi tháng Năm. Điều này bị cho là sẽ kìm hãm vai trò trưởng ban nội chính của ông.

Bản tin về cuộc tiếp xúc cử tri ngày 24/6 trên báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh cho hay ông Thanh đã đề cập tới câu hỏi của một cử tri về việc Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm cho 47 vị trí lãnh đạo chính phủ và nhà nước mới đây, rằng “những người có phiếu tín nhiệm thấp thì phải xử lý như thế nào, chẳng lẽ để hòa cả làng?”.

Ông Nguyễn Bá Thanh cho biết, người phải có hai lần nhận phiếu tín nhiệm thấp thì lúc đó mới xem xét bỏ phiếu tín nhiệm hay không tín nhiệm.

Ông tỏ vẻ hoài nghi về hiệu quả của quy định này: “Chờ đến khi đó thì cán bộ bị bỏ phiếu bất tín nhiệm cũng vừa hết nhiệm kỳ rồi”.

Ông Thanh nói: “Có người bảo lấy phiếu tín nhiệm là hết nhóm lợi ích, cán bộ sẽ tốt hơn thì chưa chắc. Đừng ca ngợi việc này quá”.

Ông trưởng ban nội chính giữ ý kiến cho rằng “đây mới chỉ là bước khởi đầu, cần phải từ từ xem cách đó đã tốt hay chưa”.

“Còn bảo lấy phiếu tín nhiệm là bảo bối rồi thì không phải như vậy.”

‘Đà Nẵng không gây thất thu 3.400 tỷ’

Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm lãnh đạo Chính phủ và Nhà nước được công bố sáng 11/6 tại Quốc hội đã không gây bất ngờ, với toàn bộ 47 vị được bầu quá bán.

Các lá phiếu của các đại biểu Quốc hội được chia làm ba loại: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.

“Ở các nước, họ không làm như cách của mình. Trong quá trình làm, họ thấy anh nào có vấn đề thì họ bắt anh đó điều trần, giải trình, chất vấn công khai rồi bỏ phiếu bất tín nhiệm cho thôi việc.”

Trưởng ban Nội chính Nguyễn Bá Thanh

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó chủ tịch Quốc hội, người vừa được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị tại Hội nghị 7 tháng trước, đạt số phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất là 372 phiếu. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đạt số phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất là 209 phiếu.

Tuy nhiên, số phiếu tín nhiệm cao và tín nhiệm của ông Bình vẫn là 88 (17,67%) và 194 (38,96%), cộng lại là 56,63%, quá bán.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng được 210 đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm cao, 122 phiếu tín nhiệm và 160 phiếu tín nhiệm thấp.

Trong khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét kết quả bỏ phiếu rất tốt và ‘khách quan’, nhiều nhà quan sát cho rằng nó chỉ có tác dụng cảnh báo.

Báo nước ngoài thì nhận xét rằng đáng ra phải bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Ông Nguyễn Bá Thanh cũng nói với cử tri sáng 24/6: “Ở các nước, họ không làm như cách của mình”.

“Trong quá trình làm, họ thấy anh nào có vấn đề thì họ bắt anh đó điều trần, giải trình, chất vấn công khai rồi bỏ phiếu bất tín nhiệm cho thôi việc.”

Một chi tiết khác, là ông vẫn khẳng định Đà Nẵng không gây thất thu hơn 3.400 tỷ đồng vì chính sách đất đai như kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Ông nói Ủy ban Nhân dân thành phố “không chấp nhận con số mà Thanh tra Chính phủ nêu ra và đã báo cáo với Thủ tướng, Bộ Chính trị”.

Ông cũng nhắc lại: “Các chính sách và quản lý nhà nước về đất đai của TP Đà Nẵng là không sai”.

Không hiểu động thái này của ông Thanh sẽ mang lại kết quả gì, khi từ tháng Ba, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã quyết định không cho Đà Nẵng tiếp tục giải trình về việc này.

Theo đó, TP Đà Nẵng sẽ phải thực hiện kết luận mà ông thủ tướng đã đưa ra trước đó là kiểm điểm chủ tịch, các phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, các tổ chức, cá nhân có liên quan (thời kỳ 2003-2011); và thu hồi triệt để về ngân sách số tiền phải nộp.

Top 20, sự dọa dẫm không làm ai sợ – RFA

27 Th6

Top 20, sự dọa dẫm không làm ai sợ

Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok 2013-06-26

06262013-top-20-implie-list.mp3Phần âm thanhTải xuống âm thanh

Blogger Từ Anh Tú cầm trên tay quyết định buộc thôi học vĩnh viễn

Blogger Từ Anh Tú cầm trên tay quyết định buộc thôi học vĩnh viễn

             Source danlaambao   

 

Nghe bài này

 

Một danh sách đuợc cho là rò rỉ từ trong phái đoàn chủ tịch nuớc Trương Tấn Sang cho biết có 20 blogger, facebooker có thể sẽ bị bắt trong những ngày sắp tới đã khiến cộng đồng mạng bàn tán sôi nổi.

Sau khi hai blogger Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào bị bắt các trang mạng xã hội Việt Nam chừng như bị cuốn vào dòng xoáy của các vụ bắt bớ có màu sắc thanh toán nội bộ và tính hăm dọa lộ ra rất rõ.

Muốn làm vừa lòng Trung Quốc

Vụ bắt giữ Đinh Nhật Uy tiếp theo Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha một lần nữa khiến dư luận lại càng đoan chắc rằng Trung Quốc đứng phía sau thúc giục nhà cầm quyền Việt Nam dọn sạch sẽ những gì mà họ cho là chống họ trước khi ông Trương Tấn Sang lên đường sang Bắc Kinh nói chuyện về các chính sách giao hảo giữa hai nước.

Trang blog của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo mới đây có bài viết thố lộ rằng một nguồn từ Bắc Kinh cho biết 20 blogger, người chơi facebook có thể sẽ bị bắt trong những ngày sắp tới.

Từ tiết lộ này, người ta tin rằng danh sách top 20 nếu có cũng là món quà mà Việt Nam nhã ý cho Bắc Kinh thấy sự cam đoan của Hà Nội giữ vững những điều đã hứa. Tuy nhiên món quà này theo nhận xét của nhiều người chỉ là món quà ảo, hay thực ra là “rung cây nhát khỉ” bởi trong hoàn cảnh hiện nay cuộc vây bắt cùng lúc 20 người như thế là khó thể thực hiện nếu không muốn nói là liều lĩnh. Blogger Huỳnh Ngọc Chênh là một trong số những người có ý kiến như thế:

Tôi rất tin anh Nguyễn Trọng Tạo ảnh là người đàng hoàng, có uy tín ảnh không thể nói sai nhưng người điện về cho ảnh thì có thể họ nói sai. Có thể người nào đó muốn mượn anh Tạo để tung ra thông tin uy hiếp mọi người. Bởi vì danh sách tới 20 thì nó không thể có, không tưởng, làm sao mà bắt tới 20 người trong lúc này được. Cũng có khi là danh sách theo dõi, nếu vậy thì để cảnh báo để ngăn chặn thì có thể hơn nhưng nói danh sách để bắt thì tôi không tin.

 

(Tứ trái và trên xuống) Blogger Từ Anh Tú, Trương Duy Nhất,  Phạm Viết Đào,  Phuơng Uyên, Đinh Nguyên Kha và Đinh Nhật Uy
(Từ trái và trên xuống) Blogger Từ Anh Tú, Trương Duy Nhất,  Phạm Viết Đào,  Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha và Đinh Nhật Uy . File photos

 

Sáng ngày 25 tháng Sáu, anh sinh viên Từ Anh Tú là người bị “nhập kho” đầu tiên sau khi tin tức về danh sách Top 20 lộ ra ngoài. Thực ra công an không bắt giam anh mà chỉ mời anh để tìm hiểu về những cuốn sách “Bên thắng cuộc” mà anh đem theo khi làm việc. Từ Anh Tú nói với chúng tôi:

Hôm nay tầm 9 giờ rưỡi cháu đang làm việc ở công ty thì có chừng 15 tới 20 công an họ ập vào họ hỏi một số vấn đề về quyển sách “Bên thắng cuộc”. Sau đó thì họ thu giữ quyển sách và đưa cháu về công an làm việc. Họ điều tra để xác minh “Bên thắng cuộc” do đâu mà có thì cháu nói là nhặt được giữa đường.

Họ chủ yếu hỏi vấn đề đấu tranh dân chủ đa nguyên của cháu, Họ cũng hỏi cháu ủng hộ hay phản đối mối quan hệ của cháu với một số nhân vật bị bắt truớc đây. Sau đó họ hỏi nội dung cuốn sách thì cháu cũng chỉ nói chung chung là cuốn sách viết về một giai đoạn lịch sử Việt Nam.

Nếu để hỏi những câu hỏi đơn giản như thế thì đâu cần phải huy động một lúc 15 tới 20 công an mà chỉ một công an khu vực cũng đủ đề làm công việc này. Công an phô trương lực luợng không cần thiết như thế phần nào chứng minh sự dọa dẫm của nhà nước trước những con người khó bẻ cong như Từ Anh Tú là chính và việc bắt giữ anh không phải là giải pháp tối ưu.

Không thể bịt miệng hơn 80 triệu dân

Một ngày sôi động cũng chấm dứt khi Từ Anh Tú được thả. Người ta nhắn tin cho nhau qua facebook về những câu chuyện bên lề của việc anh bị bắt. Hình như facebook đang thực hiện chức năng lớn nhất của nó là truyền đi những thông tin với cấp số nhân đến tất cả thành viên của nó. Sức mạnh thông tin này phải chăng là điều mà nhà nước đang lo dối phó nhất hiện nay?

Họa sĩ Ngô Nhật Đăng, một thành viên của trang mạng xã hội này cho biết cảm nghĩ của ông về lợi ích của facebook:

Theo tôi nghĩ mỗi một thế hệ điều quan trọng nhất là tiếng nói của họ. Phản ảnh thời họ đang sống bằng suy nghĩ của họ và đo là nhu cầu tối thiểu rất cần thiết của con người. Qua những ý kíến của các bạn trẻ về tình hình chính trị đất nuớc và cuộc sống cũng như mọi thứ xảy ra chung quanh trên facebook thì phần lớn nó có giá trị rất tích cực.

Tuy nhiên blogger Huỳnh Ngọc Chênh cẩn thận hơn đối với facebook. Ông cho rằng với số lượng người tham gia to lớn như hiện nay thì không nên kỳ vọng quá nhìêu vào một tập thể hỗn tạp như thế, thay vào đó ông chia sẻ cảm nghĩ của mình về các blogger mà ông cho là đứng đắn:

Facebook thì tôi không dám có ý kiến bởi nó lớn rộng nó mênh mông lắm và những người lên facebook thường nói cho thỏa lòng. Họ ít trách nhiệm về những điều họ nói. Còn blog thì tôi tin rằng những blogger đứng đắn tại Việt Nam đã có những đóng góp tích cực cho đất nước. Họ phản biện đường lối kinh tế của nhà nước, các quan điểm của Đảng nhất là đường lối ngoại giao đối với Trung Quốc hay vấn đề tham nhũng.

Trong nuớc thì đàn áp bắt bớ nhân dân và cướp đất. Ngoài biển thì Trung Quốc nó bắn giết ngư dân mà mình cứ lặng yên như vậy thì lương tâm mình không cho phép. -Từ Anh Tú

Người ta chỉ trích, kích bác, phản biện để chỉ ra để sửa sai. Tôi nghĩ những bài viết trên các blog uy tín rất tốt và nếu nhà nuớc chịu khó đọc thì sẽ giúp nhà nước hiểu được nguyện vọng người dân để điều chỉnh đuờng lối phương pháp, biết được những cách chống tham nhũng. Cũng qua đó có thề làm áp lực với Trung Quốc về vấn đề đối ngoại Trường Sa, Hoàng Sa của Biển Đông.

Từ Anh Tú có kinh nghiệm thế nào trong buổi sáng ngày 25 tháng Sáu khi nhà nuớc trưng dụng đến gần 20 công an để bắt anh, một sinh viên không thể chạy trốn khỏi thành phố Hà Nội? Trong lúc lấy lời khai người thanh niên bé nhỏ ấy đã thuyết phục công an thay vì chờ công an thuyết phục anh:

Cháu tâm sự thật lòng với họ là nhìn thấy đất nước thối nát như vậy. Trong nuớc thì đàn áp bắt bớ nhân dân và cướp đất. Ngoài biển thì Trung Quốc nó bắn giết ngư dân mà mình cứ lặng yên như vậy thì lương tâm mình không cho phép.

Cháu nghĩ rằng mình cứ nói thật những suy nghĩ của mình và không cần dấu diếm điều gì. Ngay hôm nay khi làm việc với công an cháu cũng nói thẳng rằng cháu ủng hộ một chê độ dân chủ đa nguyên và phản đối chế độ độc tài này. Cháu nói thẳng điều ấy trước mặt những nguời công an.

Câu chuyện của người sinh viên bị đuổi học vì chống Trung Quốc cho thấy công an đã bất lực trước sức mạnh của một trái tim yêu nuớc. Họ không thể thuyết phục được anh đã đành nhưng lập luận của anh đủ sức làm cho nhiều công an viên dù cứng lòng cách mấy cũng phải nghĩ lại. Họ không đủ can đảm kết tội đồng bào mình khi không có một bằng chứng nào cho thấy sự phản động hay muốn lật đổ chính phủ của những người như Từ Anh Tú.

Danh sách Top 20 từ Bắc Kinh nếu có thật cũng chỉ là sự bế tắc của những người làm chính sách an ninh. Họ không nghĩ được cách nào khác để đối phó với hai mươi con người ấy. Người viết blog, kẻ chơi facebook có thể bị bắt nhưng sau khi bắt họ thì nhà nước hỏi câu gì để khỏi bị họ vặn lại trong các trại giam?

 

Thư ngỏ về việc đại học Thái Lan trao bằng Tiến sĩ danh dự cho ông Nguyễn Phú Trọng – RFA

27 Th6

Thư ngỏ về việc đại học Thái Lan trao bằng Tiến sĩ danh dự cho ông Nguyễn Phú Trọng     

2013-06-25T112918Z_1013038772_GM1E96P1HV401_RTRMADP_2_THAILANDThủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đón tiếp Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Bangkok ngày 25/6/2013.

REUTERS/Chaiwat Subprasom

Một số nhà hoạt động ở khu vực và quốc tế đã ký tên vào một bức thư ngỏ phản đối việc Đại học Thammasat của Thái Lan, hôm nay 26/06/2013, trao bằng Tiến sĩ danh dự cho tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, hiện đang viếng thăm Thái Lan.

 

Trong bức thư ngỏ đề ngày 24/06, gởi Phân Khoa Khoa học Chính trị, Đại học Thammasat, cũng như gởi cho các trường đại học khác của Thái Lan và các tổ chức, cơ quan báo chí của Thái Lan, đại diện của các trang mạng của người Việt, của các tổ chức nhân quyền khu vực và quốc tế, như trang mạng Danlambao, tổ chức Các nhà Bảo vệ Nhân quyền của Philippines, hội Finnish Asiatic Society của Phần Lan… bày tỏ mối quan ngại của họ về việc Phân viện Khoa học Chính trị, Đại học Thammasat hôm nay trao bằng tiến sĩ cho ông Nguyễn Phú Trọng và yêu cầu xét lại quyết định này.

Lý do là vì, theo bức thư ngỏ, Đảng Cộng sản Việt Nam dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Phú Trọng đã « trì hoãn mọi cải cách chính trị và gia tăng đàn áp mỗi khi cảm thấy có những khát vọng về dân chủ và tự do của người dân trong thời đại toàn cầu hóa ».

Bức thư ngỏ nhắc lại tuyên bố của ông Nguyễn Phú Trọng trong một cuộc họp vào tháng 2 vừa qua, lên án những người đòi đa nguyên đa đảng, đòi phi chính trị hóa quân đội, tham gia biểu tình, khiến kiện là « suy thoái đạo đức ».

Kể từ sau tuyên bố đó của tổng bí thư đảng, chính quyền Việt Nam đag gia tăng đàn áp những nhà đấu tranh dân chủ, như vụ xử hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha vào tháng 5 về tội « tuyên truyền chống Nhà nước », hay vụ xử luật sư Lê Quốc Quân vào ngày 09/07 tới.

Bức thư ngỏ đặt câu hỏi, làm sao một người như ông Nguyễn Phú Trọng có thể được tôn vinh bởi một trong những trường đại học lâu đời nhất ở Thái Lan, một trường « vẫn  giáo dục và cổ vũ sinh viên sống theo triết lý của giá trị dân chủ và công bằng xã hộì » ?

Những người ký tên vào thư ngỏ quan ngại rằng việc Đại học Thammasat trao bằng Tiến sĩ danh dự cho ông Nguyễn Phú Trọng có thể bị hiểu lầm là ủng hộ cho những kẻ cầm quyền độc tài và chuyên đàn áp.

Trung Quốc có hơn 1 đối trọng ở Biển Đông – VnMedia

27 Th6

Trung Quốc có hơn 1 đối trọng ở Biển Đông

Cập nhật lúc 06h25″ , ngày 27/06/2013  

(VnMedia) – Với sự lo ngại ngày càng tăng về lập trường hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông, giới tướng lĩnh hàng đầu của Ấn Độ và Mỹ hôm qua (25/6) đã thảo luận về tình hình an ninh trong khu vực. Biển Đông đang ngày càng trở thành một vùng tranh chấp hàng hải đáng sợ nhất thế giới.

Ảnh minh họa

(Ảnh minh họa)

Người đứng đầu Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ đóng tại Hawaii – Đô đốc Samuel J Locklear, là một trong những vị quan chức cấp cao có mặt trong phái đoàn của Ngoại trưởng John Kerry đến Ấn Độ để tham dự cuộc Đối thoại Chiến lược Mỹ-Ấn lần thứ 4. Ông Locklear đã có cuộc gặp với Tổng tham mưu trưởng kiêm Tư lệnh Không quân Ấn Độ – Nguyên soái N A K Browne. Trong cuộc gặp gỡ này, hai nhà lãnh đạo quân sự hàng đầu của Mỹ và Ấn Độ đã bàn bạc về rất nhiều vấn đề, trong đó có an ninh khu vực và căng thẳng ở Biển Đông. Ngoài ra, ông Locklear và ông Browne còn xem xét, đánh giá lại mối quan hệ đối tác an ninh, quốc phòng ngày càng gắn bó giữa Mỹ và Ấn Độ, thông cáo chính thức của Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết. Trung Quốc đang có các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải căng thẳng và quyết liệt với một loạt nước láng giềng ở Biển Đông. Với tham vọng độc chiếm Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên, Trung Quốc gần đây liên tục đưa một số lượng lớn tàu thuyền ra khu vực biển này để quấy nhiễu và gây cản trở cho hoạt động của tàu thuyền các nước khác. Mỹ và Ấn Độ không có tranh chấp trực tiếp ở Biển Đông nhưng hai cường quốc này luôn khẳng định, họ có lợi ích quốc gia trong việc đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực bởi Biển Đông là một trong tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới, có vai trò sống còn đối với thương mại toàn cầu. Bắc Kinh được cho là đang có ý định hất cẳng Mỹ ra khỏi các khu vực biển của Châu Á và Mỹ với tư cách là siêu cường số 1 của thế giới không chấp nhận điều này. Đó là lý do tại sao dù Washington khẳng định giữ lập trường trung lập trong các cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Châu Á nhưng nước này vẫn tìm cách hậu thuẫn cho các đồng minh của họ nhằm đối phó với Trung Quốc. Trong khi đó, Ấn Độ ngoài mong muốn đảm bảo tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông chiến lược còn muốn bảo vệ lợi ích kinh tế của họ ở đây. Ấn Độ đã ký một thỏa thuận với Việt Nam hồi tháng 10 năm 2011 về việc mở rộng và tăng cường khai thác dầu mỏ ở những vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Cụ thể, công ty dầu khí nhà nước của Ấn Độ – onGC Videsh Ltd (OVL) đang khai thác dầu khí ở Lô số 127 và 128 của Việt Nam. Trung Quốc đã tìm mọi cách để ngăn chặn hoạt động này của Ấn Độ. Đáp lại, New Delhi liên tục khẳng định sẽ thực hiện thỏa thuận này và sẵn sàng hành động để bảo vệ lợi ích của họ ở Biển Đông. Ngoài ra, Ấn Độ cũng muốn thông qua hành động kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông để ngăn chặn trước khả năng “vươn vòi” sang Ấn Độ Dương của nước láng giềng. Ấn Độ và Mỹ có mối quan hệ gắn bó, thân thiết và đây chính là một trong những mối quan hệ khiến Bắc Kinh luôn cảm thấy khó chịu và bất an. Với việc lãnh đạo quân sự của hai nước Mỹ, Ấn bàn về Biển Đông, xem ra hai cường quốc này sẽ không để Bắc Kinh thực hiện được tham vọng độc chiếm khu vực biển chiến lược.  

 

Kiệt Linh – (tổng hợp)

Tiêu tán tài sản khi vàng giảm, chứng khoán tụt

27 Th6

Tiêu tán tài sản khi vàng giảm, chứng khoán tụt

Vàng mất giá, chứng khoán mất điểm trong khi đó BĐS vẫn chìm trong bê bết, sản xuất kinh doanh vẫn còn khó khăn. Tài sản của nhiều người thâm hụt nặng nề. Hàng trăn ngàn tỷ tỷ đồng đã bị bốc hơi; nhiều người mất vậy ai được hưởng lợi trong bối cảnh hiện tại?.

 

Hao hụt tài sảnSáng 26/6, giá vàng trong nước tụt sâu theo thế giới và đã đánh mất mốc 38 triệu đồng/lượng xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Lần đầu tiên trong nhiều năm, vàng xuống mức 37,7 triệu đồng.

Chỉ trong 2 tháng qua, giá vàng trong nước đã mất hơn 3 triệu đồng/lượng, tương đương với mức giảm hơn 7%. Nếu so với thời vàng 49 triệu đồng/lượng, nhiều người đã mất khoảng 23%. Đây là mức tụt giảm quá lớn, trái ngược với tình cảnh cứ cầm vàng là thắng trong gần 12 năm trước đó.

Không bi đát như dân đầu cơ nhưng thói quen mua vàng làm của để dành đã khiến không ít người cảm giác buồn khi giá liên tục giảm, những đồng tiền tích cóp ngày càng bị hao hụt. Nhiều người không biết phải làm gì, bán hay tiếp tục giữ vàng để bảo toàn tài sản của mình.

Trên TTCK, tình cảnh có vẻ tốt đẹp hơn với những người mua vào hồi cuối năm ngoái. Đợt sóng lên gần 30% hồi đầu năm khiến chứng khoán Việt Nam nằm trong tốp 10 thị trường “nóng” nhất thế giới và được nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá là hấp dẫn.

bơm tiền, giải cứu, BĐS, chứng khoán, vàng, tín dụng, lãi suất, ngân hàng, lạm phát
 

Song đợt giảm giá trong gần 3 tuần qua đã kéo chỉ số VN-Index từ 528 điểm xuống ngưỡng 470 điểm tính tới ngày 26/6. Mức giảm 11% trong một thời gian khá ngắn khiến nhiều NĐT đặt ra câu hỏi, liệu TTCK còn đứng trước một con sóng rất lớn, tính bằng chu kỳ 5-10 năm như nhiều chuyên gia dự báo hay không?. Nhiều lời khuyên mới như: “nên đứng ngoài thị trường”, “không nên bắt đáy” khiến nhiều NĐTkhông yên lòng khi chứng kiến tài sản mỗi ngày bị bào mòn.

Với BĐS, nhiều người dân, DN cũng như NH vẫn như ngồi trên đống lửa bởi thị trường không có chuyển động nào thực sự tích cực. Giao dịch vẫn trầm lắng, giá không những không lên mà nhiều nơi tiếp tục xuống. Một số vùng đất ngoại thành Hà Nội giá có nơi giảm 4 lần từ mức 30 triệu xuống còn dưới 10 triệu đồng/m2 mà vẫn không có người mua. Cảm giác mất mát và đau đớn với nhà đất thì cả thị trường đã nếm quá đủ.

Trong bối cảnh các tài sản bị hao hụt, thu nhập của đa số người lao động không tăng, hiện tượng “nghèo” đi trở nên phổ biến. Một câu hỏi đặt ra là, tiền được chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, từ người này sang người khác, vậy thì ai là người được lợi trong bối cảnh kinh tế vẫn đang gặp khó khăn như hiện nay. Hay là tất cả đều thiệt thòi và đây là sự trá giá cho một cái gì đó trong quá khứ?

Trả về giá trị thực?

Tài của các gia đình Việt Nam ngót đi trông thấy trong một hai năm gần đây. Nhiều người không hiểu vì sao tất cả các thị trường cùng nhau đi xuống. Trong khi, đáng nhẽ ra, nếu vàng trong xu hướng giảm thì tiền sẽ chảy sang BĐS hoặc chứng khoán…

Tuy nhiên, trên thực tế, tất cả đều đi xuống. Nó khiến nhiều NĐT nghĩ đến một sự thịnh vượng ảo trong quá khứ và giờ đây nền kinh tế phải trả giá. Trên thế giới, nhiều chuyên gia nổi tiếng đã liên tục cảnh báo giới đầu tư rằng, thế giới đang sống trong tình trạng mọi thứ đều bong bóng, tất cả đều được nhân lên nhờ sự đột phá trong công nghệ giao dịch như giao dịch trực tuyến, hàng hóa giao sau, các sản phẩm phái sinh…và tình trạng đầu cơ phổ biến.

Một lãnh đạo từng cho biết, trong 10 năm trước đó tăng trưởng tín dụng bình quân mỗi năm là 29,4%, và những năm cuối trong chuỗi 10 năm đó, tăng trưởng bình quân là 33%. Mức tăng trưởng nói trên dường như quá cao so với tốc độ tăng GDP khoảng 6-8%.

bơm tiền, giải cứu, BĐS, chứng khoán, vàng, tín dụng, lãi suất, ngân hàng, lạm phát
 

Đồng tiền đầu tư hiệu quả thấp nhưng lạm phát luôn ở mức rất cao. Và thực tế cũng đã chứng minh, GDP nhiều khi không tăng tương ứng với tín dụng, như 2010 tăng trưởng tín dụng là 31,2% nhưng GDP chỉ đạt 6,78%. Trong khi năm 2011 tín dụng 13% song GDP vẫn đạt gần 5,9%.

Rất có thể, tn dụng được bơm ra nhiều khi không chảy vào sản xuất mà lại tập trung quá nhiều vào một số tài sản, có thể gây ra hiện tượng bong bóng.

Trong thời kỳ tín dụng nới lỏng, lợi ích chẳn hẳn đã rơi vào người dân, vào cộng đồng doanh nghiệp mà có khi chỉ rơi vào một nhóm bộ phận nhỏ có cửa tiếp cận với nguồn tiền ngân hàng. Hiện tượng doanh nghiệp sân sau, đầu tư đa ngành dàn trải, đầu tư tài chính, sở hữu chéo… bùng phát minh chứng cho điều này.

Sự giàu lên nhanh chóng của một bộ phận cũng có thể giúp hình thành nên các doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Thánh Gióng. Nhưng theo nhiều chuyên gia, bên cạnh sự lớn mạnh được cho là thần kỳ thì câu chuyện phát triển bền vững lại là một đòi hỏi chưa bao giờ được coi trọng tương xứng. Những đổ vỡ và yêu cầu tái cơ cấu là câu trả lời cho điều này.

Từ 2011, chính sách thắt chặt tiền tệ đã khiến dòng tiền bị co hẹp đột ngột. Nhiều kênh đầu tư không thu hút được dòng tiền và đã khiến hàng loạt các thị trường, các loại tài sản sụt giảm. Tiền bị co lại đồng nghĩa với cả các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực thụ cũng thiếu tiền, trong khi sức cầu nội địa suy giảm. Sự đình đốn là khó tránh khỏi.

Trong hoàn cảnh đó, việc bơm tiền để thúc đẩy kinh tế là cần thiết. Tuy nhiên, với những bài học chưa cũ thì việc bơm tiền đúng chỗ, đúng liều lượng luôn là đòi hỏi không bao giờ thừa.

Huấn Tú