Lưu trữ | 4:54 Chiều

Tranh cử tổng thống: Cuộc chơi sớm của Hillary – Vnn

30 Th6

Tranh cử tổng thống: Cuộc chơi sớm của Hillary

 

Trước đây khi nói tới Hillary Clinton, câu hỏi đặt ra thường là liệu bà có tranh cử tổng thống năm 2016. Giờ đây, người ta lại dõi theo bà sẽ làm gì với điều đó.

 

 

Hillary Clinton, Obama
Ảnh: Getty Images

Gần đây, cựu đệ nhất phu nhân đang bắt tay vào một chiến dịch mới, trầm tĩnh, từng bước thận trọng. Đầu tiên, bà tìm đến với truyền thông xã hội. Bà gia nhập Twitter hồi đầu tháng này. Sau đó, chồng bà, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, có sự khác biệt với Tổng thống đương nhiệm Obama về vấn đề Syria. Theo giới quan sát, có lẽ đây là động thái tạo dựng nền móng để hình thành sự khác biệt cho chính bản thân Hillary đối với người tiền nhiệm trong tương lai.

Rồi Hillary đã đưa ra bài phát biểu đầy chân thành về những cơ hội kinh tế cho nữ giới tuần trước tại quê hương Chicago của tổng thống đương nhiệm trong sự kiện lớn cho Sáng kiến Toàn cầu Clinton.

Đầu tuần này, bà đã có được sự ủng hộ từ thượng nghị sĩ Dân chủ đến từ Missouri – Claire McCaskill. Nghị sĩ vốn ủng hộ ông Obama hơn ủng hộ bà Clinton trong cuộc đua năm 2008 nay là thành viên đầu tiên của Quốc hội tuyên bố đứng về phía cựu Ngoại trưởng 65 tuổi trong chặng đường vào Nhà Trắng. Nhóm của McCaskill đang nỗ lực tạo dựng nền tảng ủng hộ cho chiến dịch tranh cử của bà Hillary. Thượng nghị sĩ này nói: “Khi tôi nhìn tới năm 2016 và nghĩ về người tốt nhất để lãnh đạo đất nước này, tôi tự hào nói rằng, mình đã sẵn sàng vì Hillary Cliton”.

Những động lực năm 2016 của Clinton dường như đang được xây dựng.

Chiến lược gia bảo thủ Keith Appell nhấn mạnh rằng, vài tuần bận rộn gần đây của Hillary dường như là động thái đáng được đề cao khi nó làm chệch hướng các tác động tiêu cực từ báo chí xung quanh vụ việc Benghazi và những thông tin về hành vi sai trái của một số nhân viên khi bà còn làm ngoại trưởng.

Một số thành viên Cộng hòa đã cố gắng đổ lỗi cho bà về các khiếm khuyết an ninh tại lãnh sự Mỹ ở Libya trước khi xảy ra cuộc tấn công chết người, làm bốn người Mỹ thiệt mạng vào tháng 9 năm trước. Clinton đã phủ nhận về những chỉ trích ấy. Trước quốc hội Mỹ, bà nhận trách nhiệm về một báo cáo độc lập gọi là các sai sót an ninh và những vấn đề hệ thống tại Bộ Ngoại giao. Nhưng bà khẳng định lập luận của phe Cộng hòa cho rằng ở đây có sự che đậy là phi lý, sai sự thực.

Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy, phe Cộng hòa đã không giành được nhiều chú ý về vấn đề Benghazi như họ mong muốn. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy cử tri tỏ ra tin tưởng Clinton hơn các nghị sĩ Cộng hòa về vấn đề Benghazi với tỉ lệ 49%-39%. Tỉ lệ ủng hộ bà nói chung vẫn ở mức cao: trên 50%.

Khoảng cách

“Giờ đây, bà đã không ở nhiệm sở tới gần sáu tháng, và có cơ hội tái tạo năng lượng để trở lại chính trường và các chính sách”, chiến lược gia Dân chủ Peter Fenn nói. “Dường như bà gửi đi thông điệp ‘mọi chọn lựa đều mở”.

Giới phân tích chỉ ra chiến lược của Clinton rằng: Thận trọng với bản thân, không gây khó chịu, thu hút cử tri trẻ, theo đuổi thành công của Obama và giữ khoảng cách với ông khỏi các quyết định gây tranh cãi.

Ví dụ như sự kiện tại Chicago – lần xuất hiện công khai đầu tiên của bà kể từ khi rời vị trí Ngoại trưởng. Hillary Clinton đã đề cao Tổng thống về một số vấn đề mà ông làm trung tâm trong các chương trình nghị sự nội địa như mở rộng vườn trẻ, trả lương công bằng cho phụ nữ. Nhưng bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tạo việc làm cho thanh niên, thu hẹp khoảng cách trong bình đẳng kinh tế – vấn đề mà cử tri rất quan tâm và chỉ trích Obama làm chưa đủ.

Cựu đệ nhất phu nhân Mỹ đã bắt đầu tăng tốc xuất hiện công khai. Kể từ tháng 4, bà tham gia phát biểu tại giải thưởng Lãnh đạo Toàn cầu ở Washington, D.C; tại hội nghị thượng đỉnh Phụ nữ Thế giới ở New York…

Không chỉ có vấn đề trong nước. Chuyện Syria cũng được Hillary khéo léo xử lý để tránh tiếng “ôm ghì” lấy các chính sách của Tổng thống. Chồng bà, cựu Tổng thống Clinton đã có những lời cảnh báo dành cho vị chủ nhân Tòa Bạch Ốc hiện nay. Ông nói: “Không chừng ông Obama sẽ bị xem là một kẻ ngốc và què quặt nếu cứ tiếp tục để cho Hoa Kỳ đứng ở vị trí ngoài cuộc” trước những diễn biến ngày càng căng thẳng ở Syria.

Các thông tin cho biết, Hillary Clinton từng thúc đẩy sự can dự mạnh mẽ hơn tại Syria khi còn làm Ngoại trưởng nhưng các tiếng nói phản đối cuối cùng thắng thế. Bình luận của chồng bà giống như dấu hiệu nhấn mạnh rằng, nhà Clinton rất thận trọng để không bị ràng buộc quá chặt chẽ với hành động tại Syria của ông Obama.

Trên Twitter, bà Clinton đang ngày càng thu hút các cử tri trẻ dưới 25 tuổi. Các thăm dò cho thấy, bà bỏ xa các ứng viên Dân chủ khác để cầm chắc chiếc vé cạnh tranh với ứng viên Cộng hòa. Theo tờ Christian Science Monitor, trong 10 người Mỹ thì có đến 6 người yêu mến bà Clinton. Còn Viện Gallup thì kết luận, người Mỹ cảm thấy không có vấn đề gì với ý tưởng một phụ nữ làm Tổng thống. Thậm chí, có đến 60% người Mỹ sẵn sàng chào đón nữ chủ nhân của Nhà Trắng.

Dĩ nhiên, cuộc chơi của cựu đệ nhất phu nhân Mỹ còn gặp nhiều cản trở và thách thức. Phía Cộng hòa đã nỗ lực ngăn chặn chiến dịch tranh cử 2016 của bà để “người Mỹ không phải thấy một Clinton khác ở Nhà Trắng”.

Thái An(theo msnbc)

Giọng hát Việt nhí: “BBoy” 12 tuổi khiến giám khảo phải khóc

30 Th6

Giọng hát Việt nhí: “BBoy” 12 tuổi khiến giám khảo phải khóc

Giọng ca nhí đến từ Hải Dương đã khiến Hiền Thục bật khóc khi ngồi trên ghế nóng.

TIN BÀI KHÁC

Xuất hiện ở tập cuối vòng Giấu mặt của Giọng hát Việt nhí với bộ trang phục theo phong cách hip hop, Trần Ngọc Duy đã khiến nhiều người bất ngờ khi mang đến một phần trình diễn không liên quan với ngoại hình bên ngoài. Cậu bé đến từ Hải Dương đã chọn Gặp mẹ trong mơ phiên bản Việt để thể hiện.

BẤM VÀO ĐÂY để xem clip Ngọc Duy hát “Gặp mẹ trong mơ”

Sở hữu một giọng hát trong, giàu cảm xúc, có quãng rộng và chọn bài phù hợp nên Ngọc Duy đã chinh phục được cả 4 HLV. Ngay sau khi câu hát đầu tiên được cất lên, Thanh Bùi  lập tức nhấn nút “Tôi chọn bạn”. Trong khi đó, không kìm được cảm xúc, Hiền Thục đã bật khóc ngon lành trên ghế nóng.

Ngọc Duy, Giọng hát Việt nhí, The Voice Kid
Trần Ngọc Duy

Nói về phần thi này, Thanh Bùi chia sẻ: “Chú rất cảm ơn con vì đã cho chú một khoảnh khắc rất đặc biệt, bởi vì cũng hơn một năm mấy rồi chú cũng chưa gặp được ba mẹ của chú. Khi con hát bài đó, nó cho chú nhiều cảm xúc lắm. Con đã thắng chú vì điều đó, rất là cảm ơn con.”

Không tranh giành quyết liệt như trước, Hiền Thục ngồi yên vì “Cô đã rất là xúc động, bởi con hát nghe chạm tới trái tim, bởi vì lời của bài hát và cách con diễn tả quá tuyệt vời. Cô đã trót yêu con quá mất rồi nên sẽ không nói gì nữa, để con tự quyết định thôi!”

Chỉ riêng cặp đôi Hồ Hoài Anh – Lưu Hương Giang là tỏ ra băn khoăn về sự mâu thuẫn giữa ngoại hình và phong cách hát của thí sinh 12 tuổi này. “Chú hình dung con hát bài hát này thì con phải mặc mềm mại hơn nhưng con mặc rất cứng, rất hip hop”, Hồ Hoài Anh nhận xét.

Cuối cùng chàng “BBoy” nhí đã quyết định đầu quân về đội của Thanh Bùi.

Cũng trong tập cuối này, ngoài Trần Ngọc Duy, giọng ca từng lọt vào Top 8 cuộc thi Australia Idol còn chiêu mộ được một thí sinh rất ấn tượng khác là Lê Dương Quỳnh Anh. Ngay khi xuất hiện, cô bé 12 tuổi đã khiến cả khán phòng trở nên sôi động với khả năng đọc rap cực kỳ cuốn hút.

Ngọc Duy, Giọng hát Việt nhí, The Voice Kid
Lê Dương Quỳnh Anh

Thể hiện bản hit đình đám một thời của Spice Girls là Wannabe, Quỳnh Anh đã cho thấy một nền tảng thể lực tương đối tốt cùng khả năng cầm nhịp chắc chắn khi hát trọn vẹn một ca khúc có tiết tấu cực nhanh và hầu như không được nghỉ lấy hơi một giây nào.

Với Vũ Song Vũ, giọng ca quen mặt bước ra từ Vietnam’s Got Talent hay “rocker” nhí Nguyễn Trần Hoàng Anh, cùng sự bổ sung của Ngọc Duy, Quỳnh Anh, Thanh Bùi đã có được một đội hình tương đối đồng đều cho vòng Đối đầu.

Vì đã gom được 14 thí sinh từ những tập trước nên Hồ Hoài Anh – Lưu Hương Giang chỉ có thể chọn thêm 1 gương mặt nữa cho đội của mình trong tập này. Đó là một giọng ca đáng chú ý – Đỗ Hoàng Dương. Dù được sinh ra trong một gia đình có truyền thống về hát Chèo  nhưng cậu bé 14 tuổi lại chinh phục các HLV bằng một bản nhạc dance mạnh mẽ.

Như vậy, kết thúc vòng Giấu mặt, Hồ Hoài Anh – Lưu Hương Giang đã có trong tay một đội hình rất đáng nể. Bên cạnh Đỗ Hoàng Dương, cặp đôi này còn có những cái tên đã gây ấn tượng mạnh mẽ khác như Bạch Phúc Nguyên,  Hồ Văn Phong và đặc biệt là Đỗ Thị Hồng Khanh, cô con gái cưng của diễn viên Chiều Xuân.

Ngọc Duy, Giọng hát Việt nhí, The Voice Kid
Đỗ Hoàng Dương

Với Hiền Thục, cô cũng đã có thêm 3 chiến binh nữa sau tập cuối cùng của Vòng giấu mặt. Dẫu vậy, cũng như những thí sinh khác mà cô đã chiêu mộ, đây đều không phải lả những giọng ca quá nổi trội. Tuy nhiên, với con át chủ bài Phương Mỹ Chi trong tay, đội Hiền Thục cũng tràn trề cơ hội làm nên chuyện.

Để chuẩn bị cho vòng Đối đầu sắp tới, cả ba đội đều có được sự hỗ trợ của những cố vấn tên tuổi. Với Thanh Bùi, sát cánh cùng anh là nhạc sĩ Huy Tuấn, người từng có kinh nghiệm làm việc với các tài năng nhí khi ngồi ghế giám khảo của Vietnam’s Got Talent.

Trong khi đó, Hiền Thục lại nhận được sự giúp đỡ của nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong. Về phần mình, Hồ Hoài Anh – Lưu Hương Giang lại quyết định đặt niềm tin vào quán quân Giọng hát Việt Hương Tràm.

Tập 1 Vòng Đối đầu của Giọng hát Việt nhí sẽ ra mắt khán giả cả nước vào lúc 21g ngày 06/7 trên kênh VTV3.

Linh Phạm

Ý kiến về Thư của 33 học giả và chuyên gia thế giới – Bauxite

30 Th6

Ý kiến về Thư của 33 học giả và chuyên gia thế giới

Thái Văn Cầu

Sau khi phổ biến Thư của 33 học giả và chuyên gia thế giới, người ký Thư nhận được nhiều hồi đáp, qua địa chỉ điện thư đã cung cấp [1].

Trong khi tuyệt đại đa số bày tỏ sự hậu thuẫn, thì có vài ý kiến tương tự như ý kiến sau:

“Thiết nghĩ, đã là các nhà khoa học thì bất cứ vấn đề gì đưa ra phải được họ nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng, chứ sao lại nói sai sự thật như thế được?
Trò mạo danh người này, người khác viết “tâm thư” sai sự thật “tung” lên các trang mạng tuy không phải là mới, nhưng lâu nay vẫn được các thế lực thù địch lợi dụng để đưa tin xuyên tạc, kích động. Mong sao, các nhà khoa học không bị lợi dụng để cuốn vào ý đồ xấu xa đó
[2].

Bài báo từ mạng qdnd.vn [2] có mặt với tốc độ nhanh chóng, chỉ một ngày sau khi Thư được gửi đến lãnh đạo Việt Nam và cho phổ biến công khai.

Dù động cơ của người viết có thể khác nhau nhưng kết luận của ý kiến như trên giống nhau: 33 người ký Thư không có “thông tin hai chiều”, “thông tin trung thực”!

Thư của 33 học giả và chuyên gia thế giới, trên cơ sở thông tin của các cơ quan truyền thông và tổ chức nhân quyền quốc tế, nêu lên hai điểm chính:

1. Bày tỏ quan ngại cho sức khoẻ và an toàn của tù nhân lương tâm Cù Huy Hà Vũ.

2. Kêu gọi Nhà nước Việt Nam, vì quyền lợi đất nước, thực hiện đối thoại với người khác quan điểm, khác chính kiến, thay vì sách nhiễu, biến họ thành tù nhân lương tâm.

– Ở điểm (1), có ít nhất là hai nhận định gần như đối nghịch nhau về sức khoẻ và an toàn của ông Cù Huy Hà Vũ: từ Nhà nước và từ gia đình ông Cù Huy Hà Vũ.

Sự thật nằm trong giới hạn của hai nhận định này.

Theo định nghĩa quốc tế, ông Cù Huy Hà Vũ là tù nhân lương tâm, đang bị Nhà nước giam giữ [3].

Nhà nước, chứ không phải gia đình ông Cù Huy Hà Vũ, có nhiệm vụ phải đưa chứng cứ rõ ràng và vững chắc, hậu thuẫn cho nhận định của họ.

Trong thời đại tin học, thông tin từ khắp nơi trên thế giới nằm ở đầu các ngón tay, thông tin di chuyển với tốc độ nhanh hơn nháy mắt con người.

Trong thời gian qua, thông tin của Nhà nước về trường hợp ông Cù Huy Hà Vũ chưa đủ sức thuyết phục. Chứng cứ trong nhận định của Nhà nước có nhiều lỗ hổng.

Tính thuyết phục cho chứng cứ của Nhà nước có thể gia tăng, và giúp củng cố mức độ sự thật trong nhận định của họ, nếu Nhà nước đáp ứng đề nghị của nhân sĩ, trí thức đưa ra ngày 13/6/2013 [4].

Thiếu sự nghiêm túc đối thoại trước đề nghị trên, cũng như thiếu sự nghiêm túc đối thoại trước các kiến nghị hay thư ngỏ của nhân sĩ, trí thức trong nhiều năm qua về những vấn đề hệ trọng ở tầm vóc quốc gia, dẫn đến hại nhiều hơn lợi cho đất nước, và trong thời đại tin học, dẫn đến hại nhiều hơn lợi cho Nhà nước trước dư luận quốc tế [5].

– Ở điểm (2), hành động bắt giữ, kết án tù nhiều năm những người bày tỏ ý kiến ôn hoà như Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Tiến Trung, Phan Thanh Hải, Tạ Phong Tần, Việt Khang, Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, v.v. vi phạm nghiêm trọng các điều khoản quy định trong Hiến pháp Việt Nam và trong “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị” của Liên Hiệp Quốc mà Nhà nước cam kết thúc đẩy và tôn trọng khi gia nhập năm 1982.

Không những thế, hành động như trên đi ngược lại với trào lưu dân chủ trên toàn cầu, đào sâu hố ngăn cách giữa Việt Nam và cộng đồng thế giới [6]; nó hoàn toàn bất lợi cho Việt Nam trong quá trình xây dựng đất nước và bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông, trước mối đe dọa ngày càng gia tăng của ngoại bang [7].

Đây là thực tế, là sự thật không ai chối cãi hay phủ nhận được.

Tóm lại, trong công tác khoa học, nghiên cứu, người ký Thư luôn luôn tuân thủ nguyên tắc làm việc nghiêm túc, phản biện và lắng nghe phản biện, sẳn sàng đối thoại, trong nỗ lực tìm hiểu, phát hiện nét đặc trưng trong chính trị, kinh tế, lịch sử, văn hoá, xã hội, v.v. của Việt Nam, trên nền tảng tôn trọng sự thật.

Thư của 33 học giả và chuyên gia thế giới, phát sinh từ tình cảm đặc biệt của người ký Thư dành cho Việt Nam, không đi ngoài nguyên tắc trên.
T.V.C.

Chú thích:

3. http://www.amnestyusa.org/our-work/issues/prisoners-and-people-at-risk/prisoners-of-conscience

4.  “Những lá thư ngỏ gửi đến một số người đại điện cơ quan quyền lực tối cao về tình trạng tuyệt thực của người tù Cù Huy Hà Vũ – những cuộc gặp trực tiếp ở Tổng cục 8 Bộ Công an – và một vài kết quả bước đầu”, Nguyễn Huệ Chi, Lê Hiền Đức, Phạm Duy Hiển, và các nhân sĩ, trí thức khác; Nguyễn Trọng Vĩnh; Trần Vũ Hải và Nguyễn Thị Dương Hà

http://boxitvn.blogspot.com/2013/06/nhung-la-thu-ngo-gui-en-mot-so-nguoi-ai.html

5. “Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp năm 1992”

http://xuandienhannom.blogspot.com/2013/01/kien-nghi-ve-sua-oi-hien-phap-nam-1992.html

“Lời kêu gọi thực thi Quyền Con người theo Hiến pháp tại Việt Nam”

http://xuandienhannom.blogspot.com/2012/12/loi-keu-goi-thuc-thi-quyen-con-nguoi.html

“Thư ngỏ của các nhân sĩ, trí thức gửi Quốc hội, Lãnh đạo Nhà nước và ĐCS VN”

http://xuandienhannom.blogspot.com/2012/08/toan-van-thu-ngo-cua-cac-nhan-si-tri.html

6.  “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, 1966”

http://hcrc.hcmulaw.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=11:cong-c-quc-t-v-cac-quyn-dan-s-chinh-tr-1966&catid=6:b-lut-nhan-quyn-quc-t&Itemid=20

http://treaties.un.org/Pages/ViewDetails.aspx?src=TREATY&mtdsg_no=IV-4&chapter=4&lang=en

Nghị quyết của Nghị viện Châu Âu về Việt Nam ngày 18/4/2013

http://anonymouse.org/cgi-bin/anon-www.cgi/http://vietnamhumanrightsdefenders.net/2013/04/19/nghi-quyet-cua-quoc-hoi-chau-au-ve-tu-ngon-luan-tai-vn-ngay-1842013/

http://www.europarl.europa.eu/news/en/pressroom/content/20130412IPR07205/html/Human-rights-Vietnam-Kazakhstan-Guantanamo

Dự luật nhân quyền Việt Nam năm 2013

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/passed-hr-1897-promotes-hr-4-vn-tt-06282013123456.html

7. “Biển Đông : Bước lùi chiến thuật của Việt Nam trước áp lực Trung Quốc”, Ngô Vĩnh Long

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20130624-bien-dong-buoc-lui-chien-thuat-cua-viet-nam-truoc-ap-luc-trung-quoc

“Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trả lời phỏng vấn báo chí Indonesia”

http://dantri.com.vn/chinh-tri/chu-tich-nuoc-truong-tan-sang-tra-loi-phong-van-bao-chi-indonesia-747838.htm

“Indonesia, Vietnam, Code of Conduct in South China Sea”

http://www.antaranews.com/en/news/89609/indonesia-vietnam-code-of-conduct-in-south-china-sea

 

Trung Quốc, động cơ thúc đẩy trục liên kết Mỹ-Nhật-Philippines ? – RFI

30 Th6

Trung Quốc, động cơ thúc đẩy trục liên kết Mỹ-Nhật-Philippines ?

Tàu ngầm Mỹ ghé hải cảng Philippines tiếp tế nhiên liệu  29/05/2013 (Reuters)

Tàu ngầm Mỹ ghé hải cảng Philippines tiếp tế nhiên liệu 29/05/2013 (Reuters)

Phải chăng sự lớn mạnh về kinh tế và quân sự của Trung Quốc đi cùng với thái độ hung hăng, hăm dọa các nước trong các tranh chấp chủ quyền biển đảo đã tạo thuận lợi cho Hoa Kỳ thực hiện chiến lược “xoay trục” sang châu Á, thúc đẩy Nhật Bản và Philippines tăng cường hợp tác với nhau ?

 

Tạp chí trên mạng The diplomat.com số ra ngày hôm nay, 29/06/2013, cho rằng đúng như vậy, qua bài viết « Trục Mỹ – Nhật – Philippines, một sản phẩm của Trung Quốc? ». Theo tạp chí, từ lâu nay, giới nghiên cứu quan hệ quốc tế thường lập luận rằng đứng trước một mối đe dọa an ninh quốc gia, các nước chỉ có hai cách để đối phó.

Thứ nhất là tăng cường nội lực, nâng cao khả năng quốc phòng. Tuy nhiên, nếu phải đối mặt với một cường quốc quá mạnh, thì các nước này buộc phải tìm cách liên minh với bên thứ ba. Các động thái tại Đông Nam Á và Đông Bắc Á trong thời gian qua đã chứng minh cho lập luận nói trên.

Sau vụ tàu Trung Quốc và Philippines đối mặt với nhau trong nhiều tuần lễ ở bãi đá Scarborough, hồi năm ngoái, chính quyền Manila đã đưa ra kế hoạch 1,8 tỷ đô la để hiện đại hóa quân đội, tập trung vào việc mua vũ khí, phương tiện quân sự. Tình hình tương tự tại Nhật Bản.

Sau các căng thẳng do tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, đặc biệt từ tháng 09/2012, chính quyền Shinzo Abe trong tháng Giêng năm nay, đã hai lần đề nghị tăng chi phí quân sự. Trước đó, từ năm 2002, Nhật Bản không hề tăng ngân sách quốc phòng. Đồng thời, Tokyo còn cho phép mở rộng phạm vi tác chiến của quân đội Nhật Bản.

Thế nhưng, các nỗ lực bên trong của Philippines và Nhật Bản cũng không thể giúp hai nước này cạnh tranh với Trung Quốc về lâu dài. Tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc lớn gấp 30 lần so với Philippines. Do vậy, cùng với việc tăng cường sức mạnh quân sự, Manila tìm kiếm sự hỗ trợ của ASEAN, của Mỹ, đưa vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc ra tòa án quốc tế, tăng cường hợp tác với Nga và gần đây nhất là với Nhật Bản.

Cho dù hiện nay, Nhật Bản có thể bảo vệ được quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nếu Trung Quốc tấn công quân sự, nhưng về lâu dài, sẽ không có lợi cho Tokyo. Chấp nhận thực tế này, Nhật Bản đẩy mạnh quan hệ với ASEAN, Hoa Kỳ, Nga, Đài Loan, Ấn Độ, Philippines, thậm chí cả các nước ở Trung Cận Đông và kêu gọi các nước châu Âu vốn có quan hệ lịch sử với châu Á, tăng cường vai trò trong khu vực.

Trong tuần, bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đã công du Philippines và bầy tỏ cảm thông với Manila trong hồ sơ tranh chấp chủ quyền biển đảo với Bắc Kinh. Ông nói: « Phía Nhật Bản rất lo ngại là tình hình ở Biển Đông có thể tác động đến tình hình tại biển Hoa Đông ».

Chuyến công du của bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản trùng với thời điểm Mỹ và Philippines cùng tập trận gần bãi đá Scarborough, còn Manila thông báo có kế hoạch hiện đại hóa các cơ sở hạ tầng phục vụ hải quân và không quân trong căn cứ quân sự cũ của Mỹ tại vịnh Subic, đồng thời bộ trưởng Quốc phòng Philippines khẳng định sẽ tạo thuận lợi cho quân đội Mỹ tiếp cận các căn cứ này.

Bên cạnh các hiệp định liên minh quân sự, an ninh Mỹ-Nhật, Mỹ – Philippines, tạp chí The Diplomat khẳng định, như vậy, chính Trung Quốc đã tạo dựng ra trục liên minh Mỹ-Nhật-Philippines. Thế nhưng, các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc lại không nhìn thấy hậu quả các hành động của họ và cho đến lúc này, Bắc Kinh vẫn khẳng định chủ yếu là do âm mưu, thao túng của Washington.

The Diplomat nhắc lại nhận định của giáo sư Joe Nye, trong hơn 15 năm qua, kể từ thời tổng thống Bill Clinton, các chính quyền Mỹ đều bác bỏ chiến lược chống Trung Quốc vì cho rằng rất khó thuyết phục các nước tham gia liên minh chống Trung Quốc trừ phi Trung Quốc sử dụng chiến thuật đe nẹt, giống như Liên Xô đã từng làm sau đại chiến thế giới thứ hai. Chỉ có Trung Quốc, qua cách hành xử của họ, mới có thể giúp các nước tổ chức chống Trung Quốc. Nói một cách khác, chính sách đối ngoại của Bắc Kinh đã tạo thuận lợi cho công việc của Washington.

 

 

DS các đảo Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở QĐ Trường Sa – TTVN

30 Th6

DS các đảo Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở QĐ Trường Sa

 
Cập nhật 11:31, Thứ Bảy, 29/06/2013 (GMT+7)

Xin gửi đến Quý độc giả loạt bài viết Danh sách thực thể bị chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa, liệt kê danh sách các thực thể địa lí theo sự chiếm đóng của từng quốc gia, xếp đồng thời theo thứ tự bảng chữ cái và theo bản chất địa lí. Vì danh sách này chỉ dựa theo các nguồn có thể kiểm chứng được nên trong thực tế, có thể các quốc gia chiếm đóng hoặc khống chế nhiều hơn hoặc ít hơn. Brunei là quốc gia duy nhất chưa chiếm thực thể địa lí nào.

TRUNG QUỐC KIỂM SOÁT

(Tổng cộng: 7 thực thể địa lí; tất cả đều là rạn san hô).

1. Đá Châu Viên

Đá Châu Viên
Đá Châu Viên

A Cuarteron Reef
F Calderon
H 华阳礁

Tọa độ: 8°54′B 112°52′Đ

Mô tả sơ lược: Là một rạn san hô vòng đa phần chìm ngập dưới nước, nằm về phía đông của đá Đông.

2. Đá Chữ Thập

Đá Chữ Thập
Đá Chữ Thập

A Fiery Cross Reef
Northwest Investigator Reef
F Kagitingan
H 永暑礁

Tọa độ: 9°35′B 112°54′Đ

Mô tả sơ lược: Là một rạn san hô lớn nằm tách biệt khỏi các thực thể khác. Tổng diện tích hơn 110 km2. Đây là trung tâm đồn trú của Trung Quốc tại Trường Sa.

3. Cụm đá Ga Ven

Quân Trung Quốc xây dựng nhà nổi công sự kiên cố trên Đá Ga Ven sau khi dùng vũ lực chiếm đoạt Đá Ga Ven của Việt Nam
Quân Trung Quốc xây dựng nhà nổi công sự kiên cố trên Đá Ga Ven sau khi dùng vũ lực chiếm đoạt Đá Ga Ven của Việt Nam

A Gaven Reefs
H 南薰礁

Tọa độ: 10°12′B 114°13′Đ

Mô tả sơ lược: Cụm này gồm hai rạn san hô là đá Ga Ven và đá Lạc, lần lượt nằm cách đảo Nam Yết 8,5 và 7 hải lí về phía tây.

4. Đá Gạc Ma

Đá Gạc Ma
Đá Gạc Ma

A Johnson South Reef
F Mabini
H 赤瓜礁

Tọa độ: 9°42′B 114°17′Đ

Mô tả sơ lược: Là một rạn san hô nằm ở đầu mút tây nam của cụm Sinh Tồn và là một trong ba địa điểm diễn ra trận Hải chiến Trường Sa vào tháng 3 năm 1988.

5. Đá Tư Nghĩa

Đá Tư Nghĩa
Đá Tư Nghĩa

A Hughes Reef
H 东门礁

Tọa độ: 9°56′B 114°31′Đ

Mô tả sơ lược: Là một rạn san hô nằm ở phía tây tây bắc của đảo Sinh Tồn Đông. Chỉ nổi lên khỏi mặt nước khi thuỷ triều xuống.

6. Đá Vành Khăn

Đá Vành Khăn
Đá Vành Khăn

A Mischief Reef
F Panganiban
H 美济礁

Tọa độ: 9°55′B 115°32′Đ

Mô tả sơ lược: Là một rạn san hô vòng đa phần chìm dưới nước, nằm cách đảo Vĩnh Viễn 51 hải lí về phía nam. Đây là nơi từng diễn ra nhiều tranh chấp căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc trong thập niên 1990.

7. Đá Xu Bi

Đá Xu Bi
Đá Xu Bi

Mô tả sơ lược: Đá Xu Bi là một rạn san hô vòng thuộc cụm Thị Tứ của quần đảo Trường Sa, Việt Nam.

(Theo phungquangthanh.net)

Philippines phản pháo đe dọa từ TQ

30 Th6

Philippines phản pháo đe dọa từ TQ

– Manila không ngại ngần chỉ trích đe dọa trả đũa của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời thúc giục Bắc Kinh tuân thủ các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp hàng hải theo Công ước LHQ về Luật Biển.
 

Trong một tuyên bố đưa ra chiều 29/6, Bộ Ngoại giao Philippines nhắc nhở Trung Quốc có bổn phận tuân thủ luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp mà không đe dọa hay sử dụng vũ lực. “Trung Quốc có nghĩa vụ tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương LHQ, theo đuổi giải pháp hoà bình cho tranh chấp, nghĩa là không sử dụng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực như tuyên bố đầy tính khiêu khích gần đây về một sự phản công”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez nhấn mạnh.

“Không có chỗ nào trong mối quan hệ của các quốc gia văn minh lại sử dụng ngôn ngữ khiêu khích như vậy”, ông tuyên bố.

 

 

Trung Quốc, Philippines, Biển Đông, chủ quyền, Trường Sa, Scarborough
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez. Ảnh: wordpress

Phát biểu của ông Hernandez là phản ứng với việc nhật báo Nhân dân Trung Quốc cùng ngày đã lên án Philippines “vi phạm 7 tội ác” tại Biển Đông và cảnh báo Bắc Kinh sẽ “trả đũa” trong trường hợp Manila tiếp tục “khiêu khích”.

Báo này khẳng định, cùng với các vi phạm khác, Philippines có “hai tội chính là chiếm đóng bất hợp pháp quần đảo Trường Sa và kêu gọi quốc tế đầu tư vào vùng biển đang có tranh chấp chủ quyền để khai thác các nguồn dầu khí”; đồng thời còn lên án Philippines vì chủ trương “quốc tế hoá” Biển Đông – vùng biển có những tuyến vận chuyển thương mại quốc tế quan trọng.

Bài báo của Trung Quốc xuất hiện trong bối cảnh Philippines và Mỹ có cuộc tập trận chung ở gần bãi cạn Scarborough – nơi xảy ra vụ đụng độ căng thẳng giữa tàu Trung Quốc và Philippines năm ngoái. Cho tới nay, vẫn có ít nhất ba tàu tuần tra Trung Quốc được cho là vẫn đóng tại đây. Cuối tuần này, các ngoại trưởng ASEAN và đối tác đối thoại nhóm họp tại Brunei với hy vọng đưa ra được dự thảo bộ Quy tắc ứng xử nhằm mục tiêu đảm bảo hoà bình ở các vùng tranh chấp trên biển.

Trước những lời cảnh báo mạnh mẽ từ báo chí Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Philippines đã kêu gọi Bắc Kinh điềm tĩnh, tránh leo thang căng thẳng. “Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc hãy là một thành viên trách nhiệm trong cộng đồng các quốc gia. Con đường phía trước là một giải pháp hoà bình cho tranh chấp thông qua cơ chế giải quyết theo Hiến chương LHQ dựa trên nguyên tắc và luật lệ, minh bạch, ràng buộc và không khiêu khích”, ông Hernandez nói.

“Một giải pháp hoà bình và căn cứ vào luật pháp giải quyết tranh chấp Biển Đông là bền vững và có lợi cho tất cả, sẽ đảm bảo hoà bình và ổn định trong khu vực”, ông nhấn mạnh.

Hồi tháng 1, Philippines đã quyết định kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế vì những yêu sách chủ quyền quá mức. Động thái này đã nhận được sự ủng hộ của Mỹ, Nghị viện châu Âu và Nhật Bản.

Thái An (theo Inquirer)