Lưu trữ | 9:02 Sáng

Kinh tế VN 2014: ‘cầm cự là chính’ – BBC

31 Th12
Cập nhật: 17:38 GMT – thứ hai, 30 tháng 12, 2013

Media Player

Kinh tế Việt Nam sang năm mới 2014 chủ yếu là ‘cầm cự’ và chưa có điểm ‘sáng nào rõ ràng’ theo đánh giá của chuyên gia trong nước.

Nghemp3

Bạn cần mở JavaScript lên và cài phần mềm Flash Player mới nhất để nghe/xem.

Bấm vào đây để tải Flash Player mới nhất

Mở bằng chương trình nghe nhìn khác

Năm 2014 sẽ là năm mà Việt Nam có nhiều biến động về chính sách, tuy nhiên đây vẫn sẽ là một năm kinh tế ‘cầm cự là chủ yếu’ và chưa có ‘điểm sáng nào rõ rệt’, theo đánh giá của một nhà nghiên cứu về chính sách công từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI).

Trao đổi với BBC Việt ngữ hôm 30/12/2013 từ Hà Nội, PGS. TS Phạm Quý Thọ, Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách và Phát triển thuộc MPI cho rằng sang năm mới nền kinh tế vẫn tiếp tục phải ‘tái cơ cấu’ trong biên độ mà bản Hiến pháp mới thông qua đã quy định và giới hạn.

“Người ta hy vọng một cú hích… sẽ làm cho tổng cầu vốn yếu ở năm 2013, năm 2014 có thể được tăng thêm, làm cho tổng cầu mạnh thêm và hy vọng cái đó hỗ trợ cho tăng trưởng,” ông nói.

“Kích cầu không lo lạm phát lắm, nhưng các chuyên gia cho rằng vẫn có những nguy cơ về lạm phát, về tài chính cũng như thế.”

‘Vẫn xuất khẩu thuê’

“Nếu như các doanh nghiệp không phục hồi được, xuất khẩu không đạt được những chỉ tiêu trong nhiều lĩnh vực, trong đó có các lĩnh vực nông lâm nghiệp, thủy hải sản, mà không đạt được, thì nguồn thu sẽ khó khăn”

Ngoài ra, theo chuyên gia này, về nguồn thu ngân sách năm tới, Việt Nam sẽ vẫn còn gặp những khó khăn.

Ông giải thích: “Bởi vì nếu như các doanh nghiệp không phục hồi được, xuất khẩu không đạt được những chỉ tiêu trong nhiều lĩnh vực, trong đó có các lĩnh vực nông lâm nghiệp, thủy hải sản, mà không đạt được, thì nguồn thu sẽ khó khăn.”

Theo nhà phân tích này, xuất khẩu năm vừa qua của Việt Nam, dù đạt con số vài chục tỷ USD, nhưng chủ yếu vẫn là ‘xuất khẩu hộ’ các nước ngoài, trong đó hàm lượng gia công vẫn là chính và hàm lượng công nghệ như một giá trị gia tăng của Việt Nam vẫn rất thấp.

Nhà nghiên cứu chính sách cho rằng Việt Nam chủ yếu là cầm cự trong năm tới và khuyên các doanh nghiệp tiếp tục ‘kiên trì, phấn đấu.’

Mở đầu cuộc trao đổi, PGS. TS Phạm Quý Thọ tóm lược một số hướng đánh giá về xu thế kinh tế, tài chính và thị trường của Việt Nam trong năm mới 2014 từ các luồng quan sát khác nhau.

Videos and Photos

Chế độ góp phần tạo nên ‘tội phạm’? – BBC

31 Th12
Tiến sỹ Đoàn Xuân Lộc

Gửi cho BBC Việt ngữ từ London

 

Cập nhật: 16:44 GMT – thứ hai, 30 tháng 12, 2013
Dương Chí Dũng, Bạc Hy Lai và Chang Song-thaek sau khi thất sủngCác ông Dương Chí Dũng, Bạc Hy Lai và Chang Song-thaek đều thất sủng

 

Năm 2013, Bắc Hàn, Trung Quốc và Việt Nam – ba nước có chế độc độc đảng và là ba quốc gia ‘cộng sản’ trong số ít quốc gia ‘cộng sản’ còn lại trên thế giới – có một số ‘vụ án’ lớn thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế.

 

Giữa tháng 8, ở Trung Quốc ông Bạc Hy Lai, một chính trị gia nổi tiếng và một thời đầy quyền uy, bị kết án chung thân.

Vào giữa tháng 12, ở Bắc Hàn, ông Chang Song-thaek, người chú (dượng) nhiều quyền lực của lãnh tụ Kim Jong-un, bất ngờ bị hành quyết.

Vào hai tháng cuối năm, Việt Nam xử và ra bốn bản án tử hình cho lãnh đạo hai doanh nghiệp nhà nước – gồm Dương Chí Dũng, lãnh đạo Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao những ‘vụ án’ như vậy lại xảhay ra tại ba nước này?

Những ‘vụ án’ như thế có thể diễn ra tại những quốc gia đa đảng, dân chủ và tự do như Anh hay Mỹ?

Vụ Chang Song-thaek

Trên danh nghĩa Bắc Hàn là một nước ‘cộng sản’ và ‘xã hội chủ nghĩa’ do Đảng Lao động Triều Tiên độc quyền lãnh đạo. Về đường hướng, quốc gia này vừa theo chủ nghĩa Mác-Lênin vừa dựa trên thuyết Juche (Chủ thể) – một thuyết đề cao sự độc lập, tự cường được Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) khởi xướng.

Dưới sự cai trị của gia đình họ Kim trong suốt 65 năm qua – từ Kim Il-sung qua Kim Jong-il và hiện giờ là Kim Jong-un – Bắc Hàn hiện là một quốc gia nghèo nhất và cũng có hồ sơ nhân quyền tồi tệ nhất thế giới.

Ông Chang Song-thaekÔng Chang Song-thaek bị xử tử tức thì sau khi thất sủng

 

Khó có ai biết được thực sự điều gì đã xẩy ra trong quốc gia đầy bí ẩn ấy. Nhưng việc ông Chang – người được coi là đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Kim Jong-un tiếp nhận, nắm giữ và củng cố quyền lực từ khi cha mình chết vào cuối năm 2011 – bị hành quyết cho thấy sự tàn bạo của Kim Jong-un và chính quyền Bắc Hàn.

Sự kiện này chứng tỏ rằng trong một quốc gia độc tài và tàn ác như vậy một nhân vật một thời đầy quyền uy như ông Chang cũng có thể bị thất sủng, hành quyết bất cứ lúc nào.

Mới chỉ cách đây không lâu, ông Chang còn là cánh tay phải của Kim Jong-un. Giờ ông bị đối xử còn tệ hơn ‘một con chó’.

Một chuyện như thế chắc chắn sẽ chẳng bao giờ xảy ra trong một quốc gia văn minh, dân chủ.

Hơn nữa, nếu sống ở một quốc gia dân chủ và tự do khác, chắc ông Chang cũng không cần phải ‘tạo phản’ và nếu ông có những hành động ‘phản bội’ lãnh đạo của mình, chắc ông cũng không phải chịu một kết cục bi thảm như vậy.

Vụ Bạc Hy Lai

Một người khác cũng một thời đầy quyền uy nhưng cuối cùng không chỉ mất hết mọi chức quyền mà còn bị tù tội là ông Bạc Hy Lai – cựu Bí thư Trùng Khánh, ủy viên Bộ chính trị.

Khác hẳn với Bắc Hàn, trong những thập kỷ vừa qua Trung Quốc đã có những cải cách, cởi mở và đạt được những thành tựu kinh tế vượt bậc, đưa quốc gia này trở thành cường quốc kinh tế thứ hai của thế giới.

“Cũng như ở Bắc Hàn, những người có đặc quyền, đặc lợi ở Trung Quốc thường là những ai có liên hệ với chế độ. Chang Song-thaek là con rể của Kim Nhật Thành và là chú của Kim Jong-un. Trong khi đó, Bạc Hy Lai là con trai Bạc Nhất Ba, một trong Bát đại nguyên lão của Đảng cộng sản Trung Quốc.”

Hơn nữa, hoàn toàn trái ngược với kiểu lãnh đạo ‘cha truyền con nối’ có dáng dấp phong kiến của Bắc Hàn, vai trò lãnh đạo ở Trung Quốc được Đảng Cộng sản bầu lên và nhiều người khác nhau được trao quyền lãnh đạo.

Nhưng cũng giống Bắc Hàn, Trung Quốc là một quốc gia ‘cộng sản’, ‘xã hội chủ nghĩa’ và độc đảng. Nếu Bắc Hàn theo chủ nghĩa Mác-Lênin và thuyết Chủ thể của Kim Nhật Thành, Trung Quốc dựa vào chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng của Mao Trạch Đông.

Cũng như ở Bắc Hàn, những người có đặc quyền, đặc lợi ở Trung Quốc thường là những ai có liên hệ với chế độ. Chang Song-thaek là con rể của Kim Nhật Thành và là chú của Kim Jong-un. Trong khi đó, Bạc Hy Lai là con trai Bạc Nhất Ba, một trong Bát đại nguyên lão của Đảng cộng sản Trung Quốc.

Mối liên hệ này đã giúp ông Bạc Hy Lai thăng tiến trên con đường chính trị của mình. Trước Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2012, ông được xem là một ứng viên sáng giá cho một trong chín ghế của Ban thường vụ Bộ chính trị – cơ quan quyền lực cao nhất tại Trung Quốc.

Nhưng, cũng giống như Chang Song-thaek, trong một thời gian ngắn ông Bạc bất ngờ bị thất sủng và bao tham vọng chính trị của ông biến thành mây khói.

Trong phiên tòa kéo dài tới năm ngày tại Tế Nam, tỉnh Sơn Đông vào tháng 9 vừa qau, ông bị kết án tù chung thân và tịch thu hết tài sản.

Ông Bạc Hy Lai tại tòaÔng Bạc Hy Lai từng là ứng viên vào thường trực Bộ Chính trị

 

Nếu sống trong một đất nước dân chủ, tự do – nơi lãnh đạo được dân công khai, dân chủ bầu lên, chứ nhờ lý lịch hay dàn xếp phe phái chưa chắc ông Bạc được nắm chức vụ quan trọng.

Nếu làm chính trị trong một quốc gia minh bạch, có tự do báo chí – nơi đó mọi hành động của các chính trị gia luôn bị dám sát, theo dõi – chắc chắn ông Bạc cũng không có cơ hội hay dám phạm những tội như các tội ông bị kết án.

Và nếu có, chắc ông đã bị phát hiện và truy tố ngay từ đầu, chứ không phải đợi đến khi ông nhăm nhe một vị trí cao.

Hơn nữa, nếu ở một quốc gia nơi đó pháp luật nghiêm minh, rõ ràng chắc chính ông và nhiều người khác cũng không phải nghi vấn có âm mưu gì đó trong việc ông bị thất sủng và thanh trừng.

Vụ Dương Chí Dũng

Không có vụ án nào liên quan đến giới lãnh đạo cao cấp xẩy ra tại Việt Nam trong năm 2013. Nhưng Việt Nam đã cho xét xử hai vụ án lớn với những bản án nặng được đưa ra, trong đó có án tử hình dành cho ông Dương Chí Dũng – một trong hai cựu lãnh đạo của Vinalines bị kết án tử hình.

Khác với Chang Song-thaek và Bạc Hy Lai, dù có cha và em làm trong ngành công an, ông Dương Chí Dũng không phải là người nhiều quyền uy hoặc có liên hệ mật thiết nào đó với các công thần của chế độ.

Chức vụ cao nhất của ông là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinalines và Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam.

Ông Dương Chí Dũng (thứ hai từ trái sang)Ông Dương Chí Dũng từng là Cục trưởng Hàng hải

 

Nhưng nếu xem xét kỹ sẽ thấy có không ít tương đồng giữa ‘vụ án’ Dương Chí Dũng với ‘vụ án’ Chang Song-thaek và đặc biệt ‘vụ án’ Bạc Hy Lai.

Cũng giống như Bắc Hàn và đặc biệt Trung Quốc, Việt Nam là một quốc gia ‘cộng sản’, theo đường hướng ‘xã hội chủ nghĩa’ – theo đó các doanh nghiệp nhà nước được hiến định nắm vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.

Trong một cơ chế như vậy, các tổng công ty hay doanh nghiệp nhà nước luôn có nhiều đặc quyền, đặc lợi và lãnh đạo những doanh nghiệp này cũng có nhiều cơ hội để tham ô hay làm giàu bất chính.

“Và việc ông Dũng vui mừng về việc được bổ nhiệm Cục trưởng Cục hàng hải cách đây chưa đầy hai năm nhưng giờ phải đối diện với án tử hình cho thấy – cũng giống như trường hợp Chang Song-thaek và Bạc Hy Lai – trong một thể chế chính trị như Bắc Hàn, Trung Quốc và Việt Nam, một cá nhân hôm nay được ‘làm quan’, được hưởng nhiều quyền lợi, bổng lộc nhưng mai có thể bị tước hết mọi thứ, thậm chí cả sự tự do, mạng sống của mình.”

Ông Dũng chắc chắn đã không có cơ hội để ‘tham ô’ như ông bị cáo buộc, kết án nếu như Vinalines không được trao những đặc quyền hay trở thành một miếng đất béo bỡ cho những người như ông Dũng khai thác, lợi dụng.

Vì nếu có sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, sòng phẳng, hay phải từ chính mình tìm kiếm nguồn vốn, hoặc phải đưa ra chiến lược kinh doanh đúng đắn để mới có thể cạnh tranh với các đổi thủ khác hay có thể tồn tại, phát triển, chắc chắn ông Dũng và những quan chức khác tại Vinalines không đi ‘tham ô’ như thế.

Trước khi bị khởi tố không lâu, vào tháng 2 năm 2012, ông Dũng được bổ nhiệm giữ chức vụ Cục trưởng Cục Hàng hải và một buổi lễ công bố quyết định ấy đã được tổ chức rầm rộ với sự có mặt của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận Tải Đinh La Thăng.

Chắc chính ông Dũng và nhiều người khác vẫn còn nhớ tấm hình ông Dũng tươi cười cầm một bó hoa rất lớn đứng cạnh ông Thăng trong ‘lễ’ công bố quyết định đó.

Chỉ được bổ nhiệm làm một Cục trưởng mà tổ chức đón mừng linh đình như vậy chứng tỏ rằng chức vụ đó mang lại cho đương sự không ít quyền lợi.

Một ‘buổi lễ’ tốn kém và rầm rộ như vậy chắc chắn sẽ chẳng bao giờ diễn ra tại các nước thực sự tự do, dân chủ, minh bạch – nơi những người công quyền được chọn nắm giữ các chức vụ, vị trí vì năng lực chứ không phải vì có quan hệ hay ô dù.

Và việc ông Dũng vui mừng về việc được bổ nhiệm Cục trưởng Cục hàng hải cách đây chưa đầy hai năm nhưng giờ phải đối diện với án tử hình cho thấy – cũng giống như trường hợp Chang Song-thaek và Bạc Hy Lai – trong một thể chế chính trị như Bắc Hàn, Trung Quốc và Việt Nam, một cá nhân hôm nay được ‘làm quan’, được hưởng nhiều quyền lợi, bổng lộc nhưng mai có thể bị tước hết mọi thứ, thậm chí cả sự tự do, mạng sống của mình.

‘Sản phẩm’ của chế độ?

Trường hợp của Bạc Hy Lai và đặc biệt vụ Chang Song-thaek với vụ án của Dương Chí Dũng không giống nhau vì ba quốc gia và cả nhân vật này đều có nhiều khác biệt.

Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là ba trường hợp này không có những tương đồng.

Nhờ liên hệ với chế độ và nhờ cơ chế, cả ba nhân vật từng có rất nhiều đặc quyền, đặc lợi.

Nhưng môi trường và cơ chế như vậy cũng là con dao hai lưỡi vi nó góp phần đẩy đưa họ vào con đường ‘phạm tội’ – ‘tạo phản’, ‘tham nhũng’ và ‘tham ô’.

Vì những ‘tội’ ấy họ bị tước hết mọi quyền lợi và phải đối diện với tù chung thân, án tử hình.

Chang Song-thaek, Bạc Hy Lai và Dương Chí Dũng ít nhiều phải chịu trách nhiệm về hành động của mình vì làm chính trị hoặc kinh doanh tại Bắc Hàn, Trung Quốc và Việt Nam không phải ai cũng phải đối diện kết cục bi thảm như họ.

Nhưng nếu sống trong một quốc gia đa đảng, dân chủ, tự do và luật pháp thực sự công minh, chưa chắc ba người đó đã có được những đặc quyền đặc lợi và cũng chưa chắc rơi vào tình trạng bi thảm hiện nay.

Và do đó, ba trường hợp này cũng đặt ra câu hỏi phải chăng cơ chế của Bắc Hàn, Trung Quốc và Việt cũng góp phần tạo nên những vụ như ‘vụ án’ của Chang Song-thaek, Bạc Hy Lai và Dương Chí Dũng?

Bài thể hiện quan điểm của tác giả hiện sống tại Anh Quốc.

ĐÃ HOÀN CHỈNH HÀNH LANG PHÁP LÝ CỦA MỘT NHÀ NƯỚC BẠO LỰC – Bauxite

31 Th12

Phạm Đình Trọng

Việt Nam vừa được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ. Điều đó cũng vẻ vang lắm chứ, phải thế nào thì mới được cộng đồng thế giới chín mươi chín phần trăm nhất trí mời ngồi lên chiếc ghế nóng này, mặc dù những chuyện đánh đập, bắt bớ, vi phạm nhân quyền của Việt Nam lúc nào cũng sôi sục trên cửa miệng nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế. Vì vậy, nhìn vào thực tế hành pháp, chúng tôi muốn đưa ra một lời khuyên: nếu có lấy làm oai về cái tư thế mới đầy oai phong của mình thì cũng xin các vị đừng quên mất tỉnh táo mà tăng cường trấn áp dân chúng. Như nhận xét của dư luận kể từ hôm các vị được khoác “chiếc áo nhân quyền” đến nay, hình như số người bị hành hạ, sách nhiễu lại càng tăng lên, người bị gọi vào đồn rồi “tự dưng chết bất đắc kỳ tử” vẫn không thấy giảm. Chiếc áo ấy có hai mặt đấy và dân Việt cũng như đứa trẻ không biết nói dối, sẵn sàng lên tiếng với thế giới rằng có ông vua cởi truồng ở nước tôi đây này, bàn dân thiên hạ hãy đến mà chiêm ngưỡng.

Và ở một phương diện khác, về đường hướng mở rộng pháp quy, chính sách, cũng xin hãy cho phép trí thức được soát xét lại các đạo luật mà các vị vừa ban bố ít lâu trước và sau ngày “lên ngôi nhân quyền” đến nay, xem các đạo luật ấy phù hợp hay trái ngược đến đâu so với vai trò và chức năng trọng đại các vị đang sắm trước con mắt của thế giới; quan trọng hơn, xem xem từ trong buồng tim lá phổi của các vị có bụng “vì dân” – hay đúng hơn là khôn ngoan kiểu bà Yingluck Shinawatra – được đến mức nào. Bài viết dưới đây của nhà văn Phạm Đình Trọng chính là nhằm thực hiện công việc rất có ích đó, mong giúp các vị nếu thấy có gì chưa thích hợp thì điều chỉnh kịp thời.

BVN xin trân trọng đăng lên để giới thiệu với bạn đọc, và người viết, trong trường hợp này, chịu trách nhiệm về những điều mình viết.

Bauxite Việt Nam

Bộ Luật Hình sự năm 2009 đã có nhiều điều luật vi Hiến. Chỉ điểm những điều luật vi Hiến quyền tự do ngôn luận: Điều 88, Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Điều 258, Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, công dân. Năm 2013 lại có tiếp Nghị định 72/2013NĐ-CP vi Hiến.

Vi Hiến vì Nghị định và các điều trên trong bộ Luật Hình sự năm 2009 đã vi phạm, vô hiệu điều 69 Hiến pháp 1992 và điều 25 Hiến pháp 2013 cho phép công dân có các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình.

Các điều 88; 258 Bộ Luật Hình sự năm 2009 đã mở ra biên độ vô cùng rộng để buộc tội công dân và xác định hành vi phạm tội rất chung chung, mơ hồ, vận dụng thế nào cũng được, tạo điều kiện cho công cụ bạo lực của Nhà nước độc tài cộng sản Việt Nam muốn bắt ai cũng được, muốn bỏ tù ai cũng được.

Nay theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an, Chính phủ lại ban hành Nghị định 208/2013NĐ-CP ngày 17.12.2013 cho phép lực lượng công cụ bạo lực của Nhà nước cộng sản Việt Nam được nổ súng vào người dân bị cho là “có hành vi chống người thi hành công vụ”.

Các Nhà nước dân chủ đều ra đời bằng lá phiếu bầu chọn của người dân và tồn tại bằng ý nguyện của số đông người dân. Ngược lại, các Nhà nước cộng sản trên thế giới đều ra đời từ bạo lực cướp chính quyền và tồn tại bằng bạo lực áp đặt. Chính Mao Trạch Đông đã khái quát và thú nhận điều này bằng câu nói nổi tiếng “Họng súng đẻ ra chính quyền”.

Nhà nước Cộng sản Việt Nam ra đời trong bạo lực, tồn tại bằng bạo lực và đã quá lạm dụng bạo lực gây nhiều tội ác với dân tộc, đã quá ưu ái, nuông chiều, dung túng công cụ bạo lực gây nhiều nợ máu với nhân dân. Do đó những “người thi hành công vụ” đã vô cùng hung hãn trong ứng xử với người dân thân cô thế yếu.

Hiến pháp cho người dân quyền biểu tình nhưng công an của Nhà nước cộng sản Việt Nam đã coi người dân yêu nước biểu tình phản đối Tàu Cộng xâm chiếm biển đảo của ta, bắn giết dân ta là “gây rối trật tự công cộng”. Với danh nghĩa “thi hành công vụ”, lực lượng đông đảo công an nổi, công an chìm cùng với đủ sắc áo “thi hành công vụ”: dân phòng, thanh niên xung phong, trật tự đô thị, thanh tra giao thông… đã chà đạp lên pháp luật, hành xử vô cùng tàn bạo, hung ác với người dân yêu nước trong tay chỉ có tờ giấy in chữ lớn khẳng định độc lập, toàn vẹn lãnh thổ. Cơ bắp tay, chân đấm, đạp người dân. Công cụ hỗ trợ, dùi cui vụt xuống đầu, roi điện chích vào da thịt người dân.

Bị thu hồi đất đai bất hợp pháp, người dân ra ruộng giữ đất cũng bị nắm đấm, dùi cui, roi điện của lực lượng cưỡng chế thu hồi đất đai trái pháp luật gồm công an và đám côn đồ không rõ xuất xứ hành hung. Hành hung dân, những kẻ nhân danh quyền lực Nhà nước “thi hành công vụ” còn hành hung cả nhà báo đến chứng kiến vụ việc.

Một Nhà nước mà Hiến pháp của đất nước, bản khế ước xã hội của người Dân chỉ là thể chế hóa cương lĩnh của Đảng Cộng sản, vì thế Hiến pháp phải có điều 4: “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”, chấp nhận để Đảng Cộng sản Việt Nam đứng ngoài và đứng trên Hiến pháp. Một Nhà nước mà Hiến pháp của đất nước buộc quân đội cũng của đất nước phải trung thành với một đảng chính trị đã gây nhiều tội ác với nhân dân và đất nước. Một Nhà nước mà lực lượng công an bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân lại nêu tiêu chí tồn tại “Công an nhân dân chỉ biết còn Đảng còn mình”.

“Người thi hành công vụ” có súng chính là “công an nhân dân chỉ biết còn Đảng còn mình” và quân đội phải trung thành với một đảng đứng ngoài và đứng trên pháp luật, một đảng trong suốt lịch sử tồn tại luôn dùng bạo lực với người dân, luôn dùng bạo lực với cả dân tộc, một đảng đã có quá nhiều nợ máu với dân tộc Việt Nam.

Với Nghị định 208/2013NĐ-CP, đám người “thi hành công vụ” là “công an nhân dân chỉ biết còn Đảng còn mình” và quân đội trung thành của Đảng không phải chỉ có dùi cui, roi điện đàn áp dân mà họ còn được trang bị súng bắn vào dân!

Một Nhà nước tồn tại bằng bạo lực, say bạo lực, quá lạm dụng bạo lực trong những mối quan hệ dân sự với người dân, đẩy người dân sang phía “thế lực thù địch” để trừng trị bằng bạo lực chỉ vì người dân nói tiếng nói tâm huyết, xây dựng nhưng khác biệt với chính kiến của Đảng Cộng sản cầm quyền thì khái niệm “chống người thi hành công vụ” trong Nghị định 208/2013NĐ-CP cũng trở nên mơ hồ, mênh mông như khái niệm “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ” trong điều 258 bộ Luật Hình sự.

Các điều 88, 258 bộ luật Hình sự đã cho bộ máy công cụ bạo lực Nhà nước độc tài cộng sản Việt Nam muốn bắt ai cũng được, muốn bỏ tù ai cũng được. Nghị định 208/2013NĐ-CP lại cho bộ máy công cụ bạo lực hung dữ đó muốn bắn ai cũng được.

Những điều luật vi Hiến trong bộ luật Hình sự và Nghị định 208/2013NĐ-CP vi Hiến đã tạo hành lang pháp lí đầy đủ cho một Nhà nước tùy tiện dùng bạo lực ứng xử với dân, tùy tiện giam giữ, bỏ tù, bắn giết người dân. Đó là Nhà nước chống lại người dân, chống lại tự do, dân chủ.

Bộ luật hình sự với những điều luật 88, 258 tùy tiện tước quyền con người, quyền công dân của người dân ra đời khi Nhà nước cộng sản Việt Nam đã kí kết tham gia thực hiện Công ước quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị của công dân. Nghị định Chính phủ 208/2013 NĐ-CP cho phép lực lượng công cụ bạo lực Nhà nước tùy tiện bắn giết người dân ra đời khi Nhà nước cộng sản Việt Nam đã trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Bộ luật hình sự và Nghị định Chính phủ vi Hiến đó không phải chỉ là sự thách thức với người dân Việt Nam mà còn là sự thách thức với cả loài người văn minh.

P. Đ. T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Văn tế Vinashin – Bauxite

31 Th12

Phan Vĩnh Trị

 

Hỡi ơi! Quyết định sấm rền; lòng dân hoảng sợ.

Mười bảy năm chìm nổi, chưa ắt còn danh xấu nổi như phao;
Một trận bão cuốn bay, thân tuy mất tiếng chê vang như mõ.

Nhớ linh xưa:
Côi cút làm ăn;
Toan lo nghèo khó.

Chưa quen hiện đại, đâu biết cạnh tranh;
Chỉ biết cấp trên, sống quen bao cấp.

Canô, tàu kéo, tàu sông, tay vốn quen làm;
Tàu lớn, máy to, mắt chưa từng ngó.

Khá thương thay:
Vốn chẳng phải thương trường dày dạn, theo dòng hiện đại, cạnh tranh;
Chẳng qua là tàu nhỏ chạy sông, nay một bước lao ra biển lớn.

Mười tám ban công nghệ, nào đợi tập rèn;
Chín chục trận know-how, đâu chờ bày bố.

Ngoài cật có dăm con tàu bé, nào đợi đeo kinh nghiệm, học hành;
Trong tay cầm một ngọn bút chì, chi nài sắm phần mềm, máy tính.

Hạ liệu trên sàn phóng, cũng cắt xong cả một đống tôn to;
Quản lý bằng mệnh lệnh, chỉ tay, cũng tập đoàn lẫy lừng thiên hạ.

Chi nhọc học thầy, học bạn, đạp rào lướt tới coi tàu lớn cũng như không
Nào sợ lỗ nhỏ, lỗ to, cứ ký làm ào, cốt giao tàu xong đã.

Kẻ ăn ngang, người chém dọc, làm cho chi phí hồn kinh;
Bọn nịnh trước, lũ hót sau, trối kệ nợ nần đến cổ.

Những lăm sự nghiệp lâu dùng;
Đâu biết nửa đường gãy đổ.

Một chắc thương trường rằng chữ lãi, nào hay lỗ đến đầm đìa;
Trăm năm nợ nần ấy chữ nguy, nào đợi chủ nợ đòi tận cửa.

Đoái trông khắp nước, dự án nghìn dặm sầu giăng;
Nhìn cảnh nhân viên, già trẻ hai hàng lệ nhỏ.

Tấc đất ngọn rau ơn chúa, tài bồi cho nước nhà ta;
Bát cơm manh áo ở đời, mắc mớ chi ông cha nó.

Vì ai khiến công nhân khó nhọc, đội nắng, dầm mưa;
Vì ai xui nhà xưởng tan tành, xiêu mưa ngã gió.

Người người ngơ ngác, mong chờ một đấng cứu tinh
Ai ngờ phận rủi, vận đen, tái cơ cấu thêm bẽ bàng tủi hổ

Một lũ trẻ con ngơ ngẩn, cũng đòi trục vớt, cứu tàu
Chia bè kết phái tranh ăn, ai chết kệ thây cha chúng nó.

Một chút xương tàn còn lại, bầy kền kền rỉa rói tứ tung.
Một nấm mồ hoang, là bệ phóng để đổi đời, lên chức.

Kẻ cơ hội vẫy đuôi ngoe nguẩy, chân chủ nào cũng liếm, những mong mưa móc ơn trên.
Người thất cơ nhịn nhục làm thinh, phận “lưu dụng” còn gì mà nói

Sống làm chi theo quân tà đạo, chém đồng đội, giết anh em, thấy lại thêm buồn;
Sống làm chi chịu phận tôi đòi, chia canh cặn, gặm cơm thừa, nghe càng thêm hổ.

Thà đi mà đặng câu danh dự, về theo phường phố cũng vinh;
Hơn ở mà chịu chữ đầu Tây, ở với man di rất khổ.

Ôi thôi thôi!
Chùa Bạch Đằng năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son gửi lại bóng trăng rằm;
Đồn Hạ Long một khắc đặng trả hờn, tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ.

Đau đớn bấy! Công nhân ngồi chờ việc, đồng lương còm lại chịu cảnh nợ nần;
Não nùng thay! Cán bộ tìm đường chuồn, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ.

Ôi!
Một trận khói tan;
Nghìn năm tủi hổ.

Thác mà để nước non trả nợ, tiếng xấu đồn quốc tế, chúng đều kinh;
Thác mà nhiều số phận dở dang theo, tấm gương trải muôn đời ai cũng sợ.

Cay đắng nhẽ! Phải đâu mình mình xấu, cùng vòm trời cả lũ cũng như nhau;
Bẽ bàng thay! Phải chịu tiếng đi đầu, nêu gương xấu cho người đời chê trách.

Thôi thôi thôi
Chết là hết, còn gì nói nữa. Chỉ mong gương để lại cho đời
Sống không khôn thì chết hãy hiển linh. Phù hộ cháu con tránh đường xe đổ.

Sống đóng tàu, thác cũng đóng tàu, linh hồn theo giúp hậu nhân, muôn kiếp nguyện trả được nợ kia;
Đắm một lần, rồi sẽ nổi lên, nghị quyết dạy rành rành, một chữ nhẫn đủ đền công đó.

Nước mắt đau lòng lau chẳng ráo, thương vì hai chữ thiên dân;
Cây hương tưởng nhớ thắp nên thơm, cám bởi một câu vương thổ.

Hỡi ơi!
Có linh xin hưởng.
(Hậu bối xin phép cụ Đồ Chiểu) 

P. V. T.

Nguồn: FB Phan Vĩnh Trị

Trò chuyện giữa nhà thơ Hoàng Hưng và nhà văn Hoàng Minh Tường quanh sự cố tiểu thuyết Nguyên khí bị cấm xuất bản – Bauxite

31 Th12
 

HH: Xin chào tác giả tiểu thuyết Thời của Thánh Thần. Đọc báo mạng mấy hôm nay thấy nhà văn đang gặp nạn. Chợt nhớ câu thơ của thi hào Nguyễn Khuyến: “Tôi nghe kẻ cướp nó lèn ông/ Nó lại lôi ông đến giữa đồng…”. Hình như ông cũng vừa bị “lèn” cho một vố đau như thế?

HMT: Cám ơn nhà thơ Hoàng Hưng đã quan tâm. Ông vận thơ Nguyễn Khuyến để vấn an tôi, quả là một lời thăm hỏi văn hoá. Tôi không bị “lèn”, nhưng còn đau hơn thế. Vì giá thân xác mình bị đau đã đi một nhẽ. Nhưng đây lại là đứa con tinh thần của mình, sản phẩm sáng tạo văn chương của mình bị bóp từ trong trứng, mới đau đớn hơn nhiều…

HH: Nhưng cơn cớ làm sao? Đọc chương trích (Sử thần Ngô Sĩ Liên) trên các báo mạng thì thấy đây hoàn toàn là một cuốn tiểu thuyết lịch sử.

HMT: Vâng. Tôi biết thời chúng ta đang sống bây giờ là mảnh đất màu mỡ cho các nhà tiểu thuyết đương đại. Nhưng sẽ chẳng có nhà văn nào thành công, nếu không tự bẻ cong ngòi bút của mình đi, tự đẽo gọt những trang văn cho tròn trĩnh, nhợt nhạt… Vì thế tôi phải chọn đề tài lịch sử, trốn vào lịch sử may ra mới an toàn…

HH: Vậy mà ông có an toàn đâu. Nghe nói Cục Xuất bản Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấm xuất bản tiểu thuyết Nguyên khí của ông? Lý do là gì nhỉ? Chỉ vì ông đã gửi bản thảo đến mấy nhà xuất bản và bị từ chối? Chỉ vì NXB Tri Thức không có chức năng in tiểu thuyết?

HMT: Những lí do kì quặc phải không? Các nhà xuất bản có thể từ chối in một cuốn sách là chuyện bình thường. Có thể có một bản thảo bị 9 nhà xuất bản từ chối, nhưng đến nhà xuất bản thứ 10 thì lại được vồ vập chào đón thì sao? Tuyệt tác Lolita của Nabokov đã từng bị tất cả các NXB ở “cựu lục địa” từ chối đấy thôi. Lý do thứ nhất là vớ vẩn. Còn lý do thứ hai, nếu NXB Tri Thức không có chức năng in tiểu thuyết, thì các vị có cho tôi in ở các nhà xuất bản có chức năng in tiểu thuyết (ví dụ NXB Văn Học, Hội Nhà văn…) không? Câu trả lời dứt khoát là: Không. Các vị nại ra lý do cho có vẻ dân chủ. Thực chất là các vị muốn bóp chết một tác phẩm khi còn chưa ra đời. Vậy đó. Rất buồn là mấy chục năm nay giới sáng tác chúng ta bị vây bủa bởi một hệ thống xuất bản không giống bất kỳ nơi nào trên thế giới. Tôi bỗng nhớ lại câu chuyện đúng ba mươi năm trước của ông…

HH: Về tập thơ Về Kinh Bắc của nhà thơ Hoàng Cầm và chuyện Hoàng Cầm với tôi bị vào tù bởi tập thơ ấy?

HMT: Ông có đọc tiểu thuyết Thời của Thánh Thần của tôi không? Ông có ấn tượng gì với nhà thơ Nguyễn Kỳ Vỹ trong tác phẩm?

HH: Hình như ông muốn mượn câu chuyện tôi bị bắt vào Hoả Lò để viết về một đoạn đời của Nguyễn Kỳ Vỹ?

HMT: Trường hợp các trí thức bị bắt oan như Hoàng Cầm, Trần Dần, Phùng Cung, Hoàng Hưng, Bùi Ngọc Tấn, Vũ Thư Hiên… hồi ấy nhiều lắm. Từng người đều có bóng dáng trong nhân vật nhà thơ Nguyễn Kỳ Vỹ của tôi. Vậy mà người ta bảo Thời của Thánh Thần là cuốn sách đen, bôi nhọ chế độ. Nhiều cuộc hội thảo, lớp tập huấn ở các hệ thống trường đảng đều nêu Thời của Thánh Thần như một cuốn sách bôi nhọ chế độ xã hội chủ nghĩa.

HH: Còn bây giờ, Nguyên khí có phải là một cuốn sách đen không?

HMT: Tôi cũng không biết nữa… Với hai lý do mà Cục Xuất bản bộ Thông tin và Truyền thông gán cho, thì không biết chừng họ còn xếp Nguyên khí trên cả sách đen. Họ không đủ kiên nhẫn chờ cho Nguyên khí xuất bản rồi mới thổi còi như lâu nay họ vẫn làm, mà họ xục xuống tận nhà xuất bản, bắt đem nộp bản thảo để kiểm duyệt. Tôi bỗng nhớ mồ ma nhà văn Trần Hoài Dương. Một đêm kia, ông choàng tỉnh dậy, mồ hôi vã ra như tắm. Ông vừa mơ một giấc mơ khủng khiếp, rằng cách mạng thành công từ năm 1930 chứ không phải 1945. Nếu quả như vậy thì Thơ Mới, Tự lực Văn đoàn, Mỹ thuật Đông Dương… đã bị bóp chết từ trong trứng, chứ làm gì được tồn tại để bây giờ chúng ta tự hào có những di sản tinh thần vô giá. Và may thay, thời ấy, nhờ bọn thực dân không kiểm duyệt kỹ như bây giờ, mà những Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân… mới còn để lại được Số đỏ, Chí Phèo, Tắt đèn, Bước đường cùng, Bỉ vỏ, Vang bóng một thời…

HH: Quả là một giấc mơ khủng khiếp…

HMT: Vâng. Tận diệt văn hoá là một tội ác khủng khiếp. Triệt tiêu động lực sáng tạo của người viết, bóp chết tác phẩm khi còn trong trứng là vi phạm nhân quyền… Một nền văn học chỉ dung dưỡng những tác phẩm tụng ca, một nền xuất bản lúc nào cũng khuyến cáo các nhà văn hãy tự kiểm duyệt các tác phẩm của mình ngay từ khi ngồi trước trang viết, thì còn gì là văn chương.

HH: Qua vụ cấm xuất bản Nguyên khí, ông có thấy mình bị mất nhân quyền?

HMT: Nếu tôi bảo rằng nhân quyền là thứ xa xỉ với xứ sở này thì ông có tin không? Với trí thức, tầng lớp nhạy cảm nhất của xã hội, thì đó là nỗi đau âm ỉ. Nhân quyền của nhà văn chính là Văn quyền, quyền được viết, được công bố tác phẩm. Không có thứ quyền tối thiểu này nhà văn sẽ bị triệt tiêu động lực, khát vọng sáng tác. Người ta đặt ra luật xuất bản chỉ cốt để bó tay người viết. Nhiều người khuyên tôi khởi kiện kẻ đưa ra lệnh cấm lưu hành để đến nỗi Thời của Thánh Thần bị đầu nậu in lậu hàng vạn bản, bất cứ hàng sách vỉa hè nào cũng thấy bày bán, mà chẳng bị ai thu hồi. Tác giả, NXB, nhà nước, bị thiệt nhiều triệu đồng, độc giả bị đọc một thứ ấn phẩm vừa sai lỗi vừa mất câu… Nhưng kiện ai, thưa ông? Kẻ ra lệnh cấm luôn lẩn trong bóng tối. Không có văn bản. Chỉ một câu nói, hoặc một giọng nói qua điện thoại.

HH: Ông nói khiến tôi thấy nản. Chả lẽ hơn bẩy chục nhà xuất bản trên cả nước đều sợ hãi trước những câu nói phát ra từ bóng tối…?

HMT: Ông có tin không, khi có người bảo rằng, hầu hết các Giám đốc các nhà xuất bản trong cả nước ta đều là cánh tay nối dài của An ninh văn hoá, của Cục Xuất bản. Họ biết sách của anh hay, nhưng họ không dám in, vì họ còn phải bảo vệ niêu cơm của họ. Khi viết xong Nguyên khí, tôi có đưa cho một vài người bạn làm lãnh đạo các nhà xuất bản, vốn có viết lách, có hiểu biết văn chương. Tôi nghĩ rằng họ về hưu rồi, già rồi, còn gì phải sợ. Vậy mà sau khi đọc, họ đều lắc đầu: Rằng hay thì thật là hay, nhưng tôi xuất bản còn gay hơn nhiều. Tôi còn phải giữ cái niêu…(!). Đó, kẻ sĩ thời nay đó…

HH: Thế mới tiếc là cách đây chục năm, vẫn còn có những Giám đốc xuất bản có bản lĩnh. Như ông Nguyễn Văn Ngợi, NXB Thanh Niên, đã in Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, ông Quang Huy, NXB Văn hoá – Thông tin, dám in mấy bài thơ tù của tôi trong tập Người đi tìm mặt, ông Nguyễn Khắc Trường, NXB Hội Nhà văn, in Thời của Thánh Thần… Song, hình như mươi năm nay, chính sách xuất bản ngày càng khắt khe với những nội dung “nhạy cảm”, khiến không còn cơ hội xuất hiện những giám đốc bản lĩnh như thế nữa. Và hình như đó cũng là thông điệp mà ông muốn gửi đến bạn đọc qua tiểu thuyết Nguyên khí?

HMT: Đúng là như vậy. Qua câu chuyện vụ án Lệ Chi Viên, tôi không chỉ minh oan cho hai đại quan triều Lê sơ là Thừa chỉ Hành khiển Nguyễn Trãi và Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ, mà còn đề cập tới gương mặt kẻ sĩ thời nay. Họ là hậu duệ của Ức Trai tiên sinh, đau đáu với vận mệnh dân tộc, căm ghét cường quyền, nhưng nếu gặp phải một xã hội toàn trị, họ cũng đành thúc thủ, một số người cũng đành chịu chung số phận như Nguyễn Trãi thời xưa…

HH: Có nghĩa là Nguyên khí không chỉ là một tiểu thuyết lịch sử đơn thuần, mà có đề cập đến cả đương đại.

HMT: Tôi dựng lại không khí lịch sử thời Lê sơ một phần qua góc nhìn, cách đánh giá của người đương thời. Tác phẩm, ngoài hàng loạt những nhân vật lịch sử nổi tiếng, như Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ, Ngô Sĩ Liên, Trịnh Khả, Lê Thái Tông, Đinh Liệt, Lương Đăng, Nguyễn Thị Anh…. Còn có một vài nhân vật hiện đại như Giáo sư Hoàng Nguyên, Chủ nhiệm Huỳnh Đạo, Thọt Bỉ Nhân, Đỗ Chí Cao, Ngô Tháp, v.v.

HH: Tôi hiểu ra rồi… Người ta bắt lỗi ông chính là ở những trang viết về các nhân vật hiện đại và thời cuộc hôm nay. Tiểu thuyết Nguyên khí có không khí tranh biện và với một bút pháp hậu hiện đại?

HMT: Tôi có đọc về khuynh hướng hậu hiện đại. Nhưng tôi không viết theo lý thuyết. Tôi viết bằng cảm quan và kinh nghiệm của mình. Việc phân loại dành cho các nhà lý luận. Tôi chỉ tin một điều, nếu những ai đã đọc và yêu thích tiểu thuyết Thời của Thánh Thần của tôi, thì sẽ không thất vọng khi đọc tiếp Nguyên khí.

HH: Ông định sẽ công bố Nguyên khí trên mạng?

HMT: Còn cách nào khác nữa? Thời đại bùng nổ thông tin cho người viết chúng ta một khả năng bất tận, đó là anh có thể đến mọi chân trời, nếu anh đem đến cho người đọc một điều gì mới mẻ.

HH: Thầy Nhất Hạnh có câu này: “Be free where you are” (Hãy tự do ở bất cứ nơi nào anh đang ở). Tôi nghĩ không ai tước đoạt nổi tự do của người sáng tạo, trừ khi anh ta tự tước quyền mình. Nhưng quyền công bố tác phẩm lại do chính quyền từng nơi quyết định. Điều tôi cứ nghĩ mãi không ra là: Suốt mấy chục năm, họ cứ cấm, cứ bắt, cứ cắt… mãi mà kết quả bao giờ cũng chỉ là “quảng cáo” không công cho tác phẩm, tác giả bị cấm, bị bắt. Thế mà họ vẫn cứ làm như chưa hề có kinh nghiệm về tấn bi hài kịch ấy. Tại sao thế nhỉ? Phải chăng trước đây họ hy vọng nỗi sợ vô hình do họ gây ra trong toàn xã hội, mà trước hết cho “kẻ sĩ”, sẽ bảo đảm cho quyền lực toàn trị của họ, còn bây giờ thì chính họ bị kẹt cứng trong nỗi sợ vô hình bị đả kích, bị lên án, bị trở thành tội đồ của lịch sử?

HMT: Gót chân Asin của Tần Thuỷ Hoàng chính là nỗi sợ hãi người đời phỉ nhổ. Những chế độ độc tài toàn trị mọi thời đều có gót chân như vậy. Họ sợ hãi sự minh bạch, sợ hãi mọi sự phản biện. Hình như giáo sư Ngô Bảo Châu có nói rằng: “Một xã hội không có phản biện là một xã hội đang chết lâm sàng”. Tôi lại nhớ câu của nữ nhà văn Pháp Yveline Féray, tác giả tiểu thuyết Vạn Xuân: “Tấn thảm kịch thực sự của Nguyễn Trãi, là tấn thảm kịch của một vĩ nhân sống trong một xã hội quá ư bé nhỏ”. Cái xã hội quá ư bé nhỏ ấy, không chỉ tồn tại ở thời Ức Trai tiên sinh, mà ngay cả ở chế độ có bom hạt nhân của Kim Jong Un và bạn bè chúng, cũng mãi mãi quá ư bé nhỏ vậy thôi…

HH: Còn một thắc mắc nữa, tôi không hiểu vì không nằm trong “tổ chức”. Thế cái Hội Nhà văn nước ta sinh ra để làm gì nhỉ? Hội không có động thái gì bênh vực các tác giả bị sách nhiễu như anh sao? Và các đồng nghiệp của anh? Họ có phản ứng gì không?

HMT: Thưa nhà thơ, nhà thơ quá biết câu trả lời rồi, còn hỏi làm gì nữa…

HH: Ôi thôi, vậy những chuyện này không chỉ là chuyện của ngành xuất bản, của an ninh văn hoá, mà là chuyện “nguyên khí” của cả một dân tộc đang… hết hơi? Với một “nguyên khí” như thế, dân tộc này làm sao bảo vệ được sơn hà xã tắc mà cha ông truyền lại? “Một câu hỏi lớn không lời đáp”!

Tác giả trực tiếp gửi cho BVN.

clip_image001

Nhà văn Hoàng Minh Tường tham luận về tiểu thuyết lịch sử

clip_image003 Makét bìa cuốn Nguyên khí

clip_image004

Bìa cuốn Thời của thánh thần

clip_image006

Nhà thơ Hoàng Hưng đọc bài thơ viết trong tù tại L’Espace Hà Nội.

 
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 11:15

THƯ TRẦN HUỲNH DUY THỨC GỬI CON – buudoan.com

31 Th12
 
 Xuyên Mộc 3/11/2013
Hôm nay là Chủ Nhật, buổi trưa ở đây vắng lặng hơn ở Xuân Lộc vì ít tiếng chim hót, dù là ở đây có nhiều cây xanh hơn. Ba thường chỉ chợp mắt 30’ rồi buông mình vào suy tư “tôi tư duy là tôi tồn tại” là câu triết lý mà ba rất thích. Cai duy nhất tạo ra sự khác biệt của thế giới loài người với các loài động vật khác chính là khả năng suy nghĩ. Nhờ nó con người mới hiểu được các quy luật vũ trụ và sáng tạo ra các giá trị phục vụ cho mình.
Chủ nhật tuần sau là đám giỗ bà nội. Đã hai năm rồi ba chưa thắp được cho bà nội nén hương…Khi nội còn sống, có những điều ba chưa làm được cho nội cũng khiến ba thật chạnh lòng. Ông bà nội cũng như ông bà ngoại đã phải trải qua những tháng ngày cơ cực nhất để nuôi ba mẹ khôn lớn. Hai con sẽ rất khó hình dung ra được tình cảnh khốn cùng đó. Nhưng hồi đó ba không thấy khổ cực gì cả dù có phải ăn cơm lừng độn với khoai và thiếu chất đạm nghiêm trọng. Có lẽ do trẻ thơ hồn nhiên và sức trẻ nhiều nên ba cứ vui đùa cả ngày mà chẳng thấy chán. Thời gian khác thì làm lụng, chẳng có lúc nào mà nghĩ đến đau buồn, khổ cực. Nhưng khi lên cấp 3, vào cái tuổi mà người ta gọi là bắt đầu biết suy nghĩ, thì ba cũng bắt đầu cảm nhận được sự tuổi nhục của cái nghèo cái khổ. Ba vẫn còn nhớ như in cảm xúc vào buổi tối khi ba học lớp 11. Tối đó ba đi chơi về trễ nên rất đói, nhưng nhìn phần cơm đã để riêng cho ba thì ít hơn mọi bữa nên ba rất tức giận. Có lẽ ai đó trong nhà vì quá đói đã lén ăn bớt. Ba đã định giãy nãy với bà nội vì chuyện này.Nhưng lúc đó bà Nội đang ngồi trên võng và kéo suyễn nên ba dằn lòng lại trong một lát. Rồi ba nghĩ nếu mình là bà nội, ông nội phải chứng kiến cảnh con mình thiếu ăn như vậy dù đã làm hết sức mình, thì mình phải đau khổ đến mức nào. Một cảm giác kinh khủng chiếm lấy ba, rồi sau đó là ân hận. Ba ôm tô cơm nguội độn khoai chan với nước tương ăn cùng vài cọng rau muống ngồi ăn trên bậc thềm tam cấp trước chiếc võng của bà nội, ăn ngấu nghiến. Bà nội hỏi ba chơi ở đâu mà về trễ, rồi hỏi ba ăn có no không, ba nói dối là đủ no. Ba hỏi bà nội “Nếu sau này nhà mình có tiền, má thích ăn gì và muốn làm gì?”. Bà nội chắc có lẽ vì không đọc được quyết tâm của ba nên trả lời rằng “Có cơm cho tụi con đủ ăn mà không phải độn là vui lắm rồi, nghĩ gì đến nhiều tiền con”. Ba cười với nội và không nói gì.
Kể từ đó ba quyết tâm mãnh liệt sẽ làm cho gia đình mình hết nghèo và sống đầy đủ. Ba không bao giờ quên tự nhắc mình về ý thức trách nhiệm này từ ngày ấy. Ba đang viết mà thấy nhớ nội quá…Rạng sáng hôm qua ba tỉnh giấc khi đang mơ được ôm nội và thổn thức. Ba thấy mình vừa ra tù là chạy ngay đến chỗ nội. Trong mơ nội vẫn còn sống. Ba quỳ dưới chân nội và ngã vào lòng bà nội ngã vào lòng nội, cảm giác như hai câu thơ ba làm lúc còn ở B34: “Con về bên má quỳ thưa, bão giông tan hết gió mưa thuận hoà”. Hơn 30s sau khi tỉnh giấc ba mới nhận ra là mình đang mơ. Rồi ba buồn vì nội không còn trong vòng tay ba nữa. Ba không ngủ lại được nhưng cảm giác dần vui lên vì tin rằng hẳn nội rất thương nhớ ba nên thường hay về thăm ba trong mộng.Gần 5 năm qua hai con của ba lớn lên trong tình yêu thương vô bờ của mẹ nhưng thiếu vắng sự chăm sóc của ba. Ba rất biết ơn mẹ đã không để hai đứa con thiếu thốn vật chất lẫn tinh thần, và con truyền được nghị lực và niềm tin để tụi con vững bước trên chặng đường chông gai vừa qua. Ba cũng rất hạnh phúc vì 2 đứa đã không phụ thuộc tình thương yêu của ba mẹ mà cố gắng vương lên để xứng đáng với điều đó. Càng lớn tụi con sẽ càng hiểu tình yêu mà mẹ giành cho mình là bao la đến thế nào.Đến khi mình có con thì mới thực sự hiểu sau sắc thế nào là tình mẫu tử. Bao năm qua các con là mục đích sống của mẹ, là động lực để mẹ vượt qua giông bão. Ba rất vui vì thấy rằng hai đứa đã cảm nhận và thấu hiểu được điều đó. Hãy cố gắng hơn nữa để xứng đáng với những gì mà mẹ đã giành cho tụi con nha!
Ngày 4/11/2013
Hôm nay ba muốn trao đổi với hai bạn nhỏ về chữ “Lợi” và ứng xử với cái lợi như thế nào?
Văn hoá nho giáo xem lợi là cái xấu khiến cho tâm lý con người ngại khi nói về cái lợi. Nền văn hoá đó còn tạo ra được tiêu chuẩn đạo đức mà người ta được ca ngợi khi từ bỏ cái lợi dù là rất chính đáng của mình. Nho giáo xây dựng hai mặt đối lập nhau giữa “nghĩa” và “lợi” thậm chí là phủ định lẫn nhau. Nó cho rằng người ta vì lợi mà mất nghĩa muốn có nghĩa thì phải từ bỏ lợi, không thể vừa có được lợi vừa có được nghĩa và nghĩa thì có thể tạo ra lợi nhưng lợi không thể tạo ra nghĩa. Cái tư tưởng này ra đời vào bối cảnh cổ đại Trung Quốc bắt đầu xuất hiện những phong trào mà các tầng lớp dân bị trị bắt đầu đòi hỏi quyền lợi của mình. Các phong trào này lúc đó được hỗ trợ bởi các học thuyết tư tưởng tiến bộ hơn của Mặc Gia (vì lợi ích của giới tiểu thủ công nghiệp), Dương Gia (đại diện cho lợi ích của người sở hữu đất đai nhỏ – tiểu nông và địa chủ nhỏ) hay Nông Gia (vì lợi ích của người nông dân). Giới cai trị phong kiến lúc đó lung túng và lo sợ các phong trào này phát triển sẽ ảnh hưởng đe doạ đến quyền lợi của họ. Do vậy thuyết “nghĩa” và “lợi” của Nho Giáo đã nhanh chóng trở thành điểm tựa cho các tầng lớp này sử dụng để áp chế các đòi hỏi chính đáng của người dân, biến những đòi hỏi trở thành điều xấu xa về mặt đạo đức. Họ đã thành công nhờ nắm quyền lực trong tay. Nhưng hậu quả của việc này đã làm Trung Quốc lụn bại trở thành gã khổng lồ bạc nhược và bị xâu xé cho dù nó đã phát triển và đạt được những thành tựu vĩ đại trước các nước phương Tây đến cả ngàn năm (kiếm những thành tựu này) Nguyên nhân là nó đã tạo nên một nền văn hoá ứng xử tiêu cực mà ba đã viết từ lần trước, ở đó nhào nặn ra những con người cam chịu và thụ động. Họ không dám, thậm chí không có ý thức đấu tranh vì quyền lợi chính đáng của mình mà chỉ trông đợi vào sự ban phát ân huệ từ vua – quan. Nền văn hoá này ảnh hưởng sâu sắc đến các nước Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc khiến các nước này chậm phát triển mấy trăm năm so với sự tiến bộ của thời đại.
Tình trạng này chỉ thay đổi ở nước nào mà cái tư tưởng “nghĩa đối nghịch lơi” sai làm nói trên bị thay đổi bằng những quan điểm ứng xử đúng đắn về lợi.
Lợi nghĩa rộng bao hàm cả quyền lợi, ích lợi, cả vật chất lẫn tinh thần.
Lợi là động lực tự nhiên của con người mà nhờ đó cả xã hội loài người mới phát triển. Con người càng làm lợi cho mình thì xã hội càng phát triển.
Con người hành động vì lợi không có gì là sai trái cả.Hành động tốt hay xấu là do cách người ta làm ra lợi và dùng lợi ứng xử với những người khác nhau như thế nào.
Lợi và nghĩa không phủ định nhau mà có thể cùng tồn tại với nhau trong cùng một hành động.
Điều tốt đẹp sẽ xảy ra khi ứng xử của con người và đạo đức xã hội cân bằng được giữa lợi và nghĩa. Và cái xấu sẽ hoành hành khi sự cân bằng này bị thiên lệch về lợi hay nghĩa.
Đối diện với một xã hội bị cho là suy thoái về đạo đức thì nguyên nhân thường được người ta gán cho là sự ích kỉ cá nhân vì những biểu hiện hay thấy là con người phần lớn ứng xử với nhau vì lợi riêng. Giải pháp sai lầm trong trường hợp này là đánh vào chủ nghĩa cá nhân với hy vọng triệt tiêu hoặc ít ra là hạn chế động cơ hám lợi của con người. Nhưng tự cổ chí kim từ Đông sang Tây, hành động vì lợi là một động lực tự nhiên của con người mà không một ai có thể thay đổi được. Động lực đó càng mãnh liệt khi cái lợi đó là lợi riêng. Do vậy sự áp chế bằng quyền lực thực chất là đè nén các động lực này chỉ dẫn đến những biến tướng tai hại, ,một trong những cái xấu nhất của nó là thói đạo đức giả. Nhiều người hành động vì lợi nhưng che dấu bằng nghĩ. Lắm kẻ dùng lợi chung để thủ lợi riêng. Những lễ nghĩa được cho là đạo đức tốt đẹp chỉ tồn tại trên danh nghĩa, sách vỡ mà có khi người ta dùng chúng để tranh giành và trừng phạt lẫn nhau. Còn trong thực tế thì mối quan hệ xã hội giữa con người với nhau được chi phối bằng các mối quan hệ thuần tuý vật chất. Ở một tình trạng nhẹ hơn đạo đức giả là thói quen tâm lý vòng vo khiến xã hội hoạt động không hiệu quả. VD: một người muốn được trả lương xứng đáng với năng lực, thành quả mình làm ra được. Nếu là người Singapore thì người ấy sẽ rất thẳng thắn đề nghị cấp trên tăng lương kèm theo những chứng minh về năng lực của mình, nhưng nếu là ở Trung Quốc hay Việt Nam thì tụi con sẽ thấy người làm thuê rất ngại nói về những điều như vậy vì có tâm lý sợ người khác nghĩ mình “trọng tiền bạc”. Từ đó họ dùng nhiều cách vòng vo khác nhau để đạt được mục đích của mình, cách xấu nhất là làm cho đồng nghiệp của mình hiệu quả thấp hơn mình. Cách được cho là khéo léo và tế nhị nhất là xin nghỉ việc vào lúc mình đang làm việc hiệu quả nhất.
Còn rất nhiều các tác động tiêu cực khác của các giải pháp sai lầm nói trên mà hai đứa hãy quan sát và phân tích để thấy rõ. Ở đây ba muốn nhấn mạnh một tác động xấu nhất của nó là triệt tiêu mất động lực phát triển. Đây là nguyên nhân căn bản khiển các nước theo văn hoá Nho Giáo bị đẩy lùi xa phía sau kể từ thời trung đại đến thế kỉ 18, 19 và 20. Ở các nước này, trong hàng ngàn năm, các lễ giáo kiểu “trọng nghĩa khinh tài” (tài là tiền chứ không phải tài năng)không chỉ được nhồi nhét giáo dục cho con người từ nhỏ mà còn được luật hoá để trở thành các quy tắc ứng xử bắt buộc cho quan lại và dân thường.Vi phạm các quy tắc này sẽ bị phạt tiền và tù.Nhưng thực tế thì chẳng mấy khi quan lại bị phạt mà hầu hết dân thường bị lãnh đủ. Do vậy, cũng từ xuất phát từ động lục tự nhiên của con người là lợi nên người dân dần dần hướng đến những gì thiệt hại ít nhất cho mình khi không làm đc gì sinh ra lợi. Điều này cuối cùng tạo ra một xã hội ở tình trạng mà con người chẳng dám, chẳng dại làm gì mà quan lại không muốn, chỉ thụ động chờ sự ban phát. Sự chủ động phổ biến nhất mà họ có thể làm là đút lót.
Như vậy không thể triệt tiêu lợi riêng để có lợi chung , cũng chẳng thể tập trung cho lợi chung để có lợi riêng.Trong thời kì kinh tế bao cấp, mọi người được hướng toàn bộ vào phục vụ lợi chung nhưng hiệu quả thực sự là rất thấp mà tụi con đã được nghe nói nhiều. Sự đổi mới kinh tế đã tạo ra thành tựu ở Trung Quốc và Việt Nam về bản chất chính là làm cho con người có quyền làm lợi cho mình.
Tuy nhiên, giải pháp đúng đắn nhất cho tất cả các vấn đề nêu trên là làm sao để con người cân bằng được giữa lợi riêng và lợi chung thì xã hội sẽ cân bằng được giá trị vật chất và tinh thần. Các giải pháp cực đoan nhằm triệt tiêu phía này hay phía kia đều phá vỡ sự cân bằng này đều làm cho xã hội suy thoái và/hoặc phát triển thiếu bền vững, gây ra rất nhiều những vấn nạn. Đề tài “làm sao để cân bằng được các giá trị trong cuộc sống” ba đã trao đổi với hai bạn trẻ hồi 2 năm trước. Ngày mai ba sẽ trao đỗi kĩ hơn về nó trên phương diện những ứng xử cá nhân. Giờ thì ba xem film 18h trên VTV3 “Quý bà Go Bong Shit” (rất giống mẹ hihi).
Ngày 5/11/2013
Ứng xử cá nhân của mọi người quyết định nên tầm thức văn hoá của cả một dân tộc vì đó là ứng xử của số đông đa số. Rồi tầm thức này lại ảnh hưởng mạnh mẽ đến ứng xử cá nhân. Cứ như vậy tác động qua lại như hình xoắn ốc, có thể đi lên và tạo nên sự thăng hoa, nhưng cũng có thể đi xuống và dẫn đến lụn bại. Do vậy, như thư trước ba đã viết, việc giáo dục để định hình văn hoá ứng xử cá nhân để có được một tầm thức văn hoá tiến bộ của một dân tộc là hết sức quan trọng, quyết định mức độ thịnh vượng và văn minh của quốc gia. Ba sẽ so sánh giữa nước Anh và Trung Quốc để tụi con thấy rõ được điều này.
Trung Quốc: Một quốc gia có lịch sử và nên văn minh lâu đời nhất trên thế giới. Rất nhiều phát minh quan trọng về Vật Lý, Thiên Văn,Toán Học được người Trung Quốc tìm ra hàng trăm, hàng ngàn năm trước cả châu Âu.Tư tưởng triết học của người Trung Quốc cũng hình thành rất sớm như ở Hy Lạp và Ấn Độ. Các tư tưởng này cũng rất đa dạng và phong phú nhưng Nho Giáo lại chiếm giữ vai trò thống trị xuyên suốt trong gần 2500 năm trong hầu hết các triều đại của TQ. Trong quá trình này Nho Giáo đã có rất nhiều cải biến nhưng bản chất của nó vẫn là những căn bản được xác lập bởi Khổng Tử- người sáng lập ra Nho Giáo. Các tư tưởng này ăn sâu vào mọi tầng lớp xã hội, biến nó thành một loại hiến pháp tự nhiên không phải bàn cãi, không cầu thay đổi. Do đó nó làm xã hội và con người TQ trở nên xơ cứng từ thời kì cận đại trước những biến đổi sâu sắc và nhanh chóng ở Châu Âu vào thời đó. Từ sau thế kỉ 15 TQ trở nên suy thoái nhanh chóng, tỉ lệ nghịch với tốc độ phát triển nhanh chóng ở Châu Âu. Đến cuối thế kỉ 18 thì TQ hoàn toàn lệ thuộc và sự điều khiển và xâu xé của các nước Phương Tây và kể cả Nhật Bản – một nước nhỏ hơn TQ rất nhiều và từng là chư hầu của TQ (như VN) nhưng đã kịp thay thế Nho Giáo từ thế kỉ 19. Có rất nhiều nguyên nhân làm Nho Giáo bám chặt lâu dài vào xã hội Trung Quốc. Nhưng theo ba một trong những nguyên nhân quan trọng là người Trung Hoa quá đặt nặng vấn đề sắc tộc trong ý niệm về dân tộc và quốc gia. Do đó Nho Giáo dễ dàng xây dựng tinh thần dân tộc và niềm tin về chủ quyền quốc gia xung quanh một gia tộc được đại diện bởi một người là Hoàng Đế. Từ đó sức mạnh dân tộc để bảo vệ chủ quyền quốc gia được biến thành để bảo vệ cho một triều đại. Nghiên cứu lịch sử các cuộc cách mạng ở Trung Quốc thì tụi con sẽ thấy rằng những cuộc đấu tranh của người Trung Quốc nhằm để cải thiện và bảo vệ quyền lợi của mình thì rất yếu ớt và luôn thất bại. Còn các cuộc cách mạng lật đổ và thay đổi triều đại thì luôn khốc liệt và đẫm máu lại thường dẫn đến thành công. Nhưng các cuộc cách mạng này không mang lại nhiều thay đổi về quyền lợi và lợi ích của quần chúng một cách thực chất.Rất nhiều lần thay đổi triều đại nhưng các chế độ mới đều là quân chủ chuyên chế, chủ quyền quốc gia thuộc về một người, một nhóm người. Nhìn một cách biện chứng thì có thể nói rằng nguyên nhân của tình trạng trên là vì thiếu ý thức đấu tranh thực sự cho quyền lợi của mình mà lại bị lợi dụng cuốn theo các cuộc đấu tranh vì quyền lợi của một nhóm người nhân danh dân tộc,quốc gia.
Nước Anh: là một quốc gia chưa hình thành vào thời cổ đại và vẫn còn chậm phát triển ở thời trung đại so với nhiều quốc gia khác ở Châu Âu vào thời đó như Pháp và Đức. Từ thế kỉ X trở đi Anh bắt đầu phát triển rồi trở thành quốc gia hùng cường nhất Thế Giới và mãi đến giữa thế kỉ 20, góp phần tạo nên sự thịnh vượng cho thế giới trong nhiều thế kỉ. Tui con đã học lịch sử nên biết nhiều nguyên nhân của kỳ tích này. Ở đề tài này ba sẽ phân tích nguyên nhân ở khía cạnh ứng xử cá nhân. Người Anh không coi trọng yếu tố sắc tộc trong tinh thần dân tộc và không gắn nó với chủ quyền quốc gia.Như tụi cọn biết, năm 1066 công tước William xứ Normandy của nước Pháp đã giao chiến với vua Anh lúc đó là Harold – một người Anglo Xắcxông gốc (chủng tộc chủ yếu của người Anh). Harold bại trận do người Anh không quan tâm nhiều đến cuộc chiến này. Họ chỉ xem đây là cuộc chiến tranh giành ngôi báu.Thay vào đó họ làm một điều mà người Châu Á cảm thấy rất khác thường. Đó là, họ ra điều kiện cho William muốn làm vua Anh thì phải ký vào bản cam kết sẽ luôn bảo vệ quyền lợi cho người dân Anh với những yêu cầu rất cụ thể. William đồng ý và được dân Anh tuyên làm vua nước mình. Điều thú vị là William là người Pháp và còn không biết nói tiếng Anh hơn nữa lúc đó Pháp vẫn là đối thủ của Anh. Nhưng William đã thực hiện đúng cam kết, tăng nhiều quyền lợi cho dân Anh và hi sinh một số đặc quyền của vua Anh so với các triều đại trước đó.Những cải cách này đã làm Anh phát triển tốt đẹp, trở nên hùng mạnh hơn nên càng là đối thủ đáng gờm hơn của Pháp. Sử gọi triều đại này là triều đạ Normandy, cũng là một thời kỳ phát triển quan trọng về văn học, văn hoá, kinh tế,…của nước Anh. Triều đại này kết thúc qua sự kiên vua John phải kí vào bản đại hiến chương vào năm 1215. John là hậu duệ của Vua William nhưng đã tiến hành chiến tranh với chính xứ Normandy- nguồn gốc của chính gia tộc này. Năm 1213 để có tiền thực hiện cuộc chiến này, vua John đã tăng thuế lên cao. Người dân Anh đã phản đối mạnh mẽ và dựa vào tuyên bố “Đặc quyền lệnh của Henry I” (Là vị vua kế nhiệm đời thứ 2 của vua William) để tuyên bố rằng vua John đã vi phạm cam kết với dân Anh. Họ cử đại diện là 25 Nam Tước chuẩn bị sẵn một bản thoả thuận trong đó buộc vua John nếu không muốn bị dân nổi dậy và chống lại phải kí vào. Đó chính là bản đại hiến chương nói trên. Nội dung cơ bản của nó như sau:
– Thần dân có quyền và phải luôn được đảm bảo tài sản và an toàn thân thể, tính mạng.
– Trong quan hệ giữa dân và vua, dân có quyền phản kháng bạo quân.
– Ngoài tô thuế phong kiến, vua không có quyền thu thêm bất kì một loại thuế hay quyên góp nào khác trừ khi được sự đồng ý của toàn quốc.
– Chưa trình ra phán quyết hợp pháp và thẩm xét của luật pháp trong nước thì không được bắt bớ bất kì người tự do nào.
Tụi con sẽ không tìm thấy bất kì một tuyên bố tương tự nào như thế ở Trung Quốc trong suốt mấy ngàn năm, mãi đến đầu thế kỉ XX. Sự tiến bộ này của người Anh cũng khác biệt và vượt lên hẳn so với nhiều nước châu Âu thời đó. Chính nhờ vậy mà nước Anh đã bức phá ngoạn mục. Sự kiện đại hiến chương đã dẫn đến việc tiến hành thành lập nghị viện, rồi từng bước nghị viện dần giành được quyền lập pháp, biến Anh thành cái nôi của nên dân chủ trong thời kì cận và hiện đại của thế giới. Do tính cách của người Anh luôn thẳng thắn đòi hỏi và bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình như vậy nên sự thay đổi các triều đại ở Anh rất ít xảy ra, và khi diễn ra lại rất ít đẫm máu cũng không kéo dài gây lầm than cho dân Anh. Sự kiện đẫm máu nhất là cuộc cách mạng 1640, cũng xuất phát từ sự việc lúc đó là vua Charles I cần tiền nên cũng tăng thuế nhưng không được nghị viện Anh chấp nhận. Charles I giải tán nghị viện nhưng các đại biểu nghị viện vẫn không nhượng bộ nên ông ta liều lĩnh tấn công – bắt giam các lãnh đạo của nghị viện. Người dân Anh thực hiện các quyền đã được thoả thuận của mình, tự vũ trang đứng lên ủng hộ các nghị sĩ chống lại nhà Vua. Mấy năm đầu, quân đội nhà vua thắng thế nhưng đến năm 1649 thì lực lượng vũ trang nhân dân đảo ngược tình thế. Họ bắt giữ và xử tử Charles I. Nhưng cuộc cách mạng không vì thế mà kết thúc ngay được vì nó được khởi nguồn bằng bạo lực và đáp trả bằng bạo lực. Những cuộc thanh trừng và tranh giành bằng bạo lực vũ trang vẫn diễn ra hơn 10 năm nữa. Đến năm 1660, chính những người đã lật đổ Charles I lại ủng hộ con của ông ta lên làm vua gọi là Charles II. Đến đây cuộc cách mạng này mới chấm dứt cùng với sự tang tóc của nó. (Tóm lại ko cần kể người làm vua là ai chỉ cần đảm bảo được quyền lợi của dân Anh thì người đó được ủng hộ). Từ bài học này nên kể từ đó về sau người Anh không có thêm bất cứ một cuộc cách mạng bạo lực nào nữa cho mãi đến bây giờ. Một sự cải cách thay đổi sâu sắc các vấn đề chính trị cốt lõi của nước Anh được diễn ra hoàn toàn trong hoà bình vào năm 1688. Đó là cuộc cách mạng Quang Vinh mà tụi con đã học. Thay thế những cuộc cách mạng bạo lực & lật đổ là các cuộc cách mạng về khoa học kỹ thuật lừng lẫy từ nước Anh và lan rộng ra cả chau Âu rồi sau đó ra toàn thế giới. Chúng đã tạo nên thành tưu vĩ đại nhất trong lịch sử phát triển của nhân loại, biến đổi sau sắc điều kiện sống của loài người.
Từ lúc hình thành nên quốc gia, nước Anh đã trải qua vài lần thay đổi triều đại. Bản chất của các chế độ này đã thay đổi từ toàn quân chủ sang toàn dân chủ. Nhưng hình thức của chúng thì gần như không có thay đổi gì đáng kể, vẫn là vua hay nữ hoàng là người đứng đầu đất nước. Điều này chứng tỏ người dân Anh chỉ quan tâm đến thực chất – tức là những gì thực sự mang đến quyền lợi thiết thực cho người dân, chứ không dễ bị hình thức của các tên gọi triều đại, chế độ làm cho ảo tưởng. Sự quyết tâm người anh bảo vệ quyền lợi của mình đã buộc những người cầm quyền phải đáp ứng để có thể duy trì sự tồn tại và quyền lợi hợp lý cho mình.
Từ sự so sánh giữa lịch sử TQ và Anh như trên ta có thể rút ra những kết luận sau:
– Văn hoá ứng xử cá nhân của đa số người dân quyết định sự phát triển hoặc suy thoái của dân tộc, quốc gia.
– Mọi người cần có quyền và cần hành động để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Đòi hỏi quyền lợi cho mình là không có gì xấu xa hay sai trái.
– Những cuộc cách mạng thay đổi triều đại, chế độ thì không chắn chắn sẽ dẫn đến thay đổi tốt hơn cho người dân. Nhưng những cuộc cải cách bởi áp lực của quần chúng đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình thì luôn dẫn đến những sự thay đổi tốt đẹp cho toàn xã hội.
Ngày 6/11/2013
Nhìn từ quan điểm cân bằng các giá trị trong cuộc sống thì thấy người Anh đã cân bằng tốt giữa lợi riêng và lợi chung, giữa cá nhân và quốc gia. Trong khi người TQ thường đề cao lợi chung của quốc gia mà đè nén lợi riêng của cá nhân.Nhưng thực tế thì một số ít tầng lớp vua quan trên cùng của xã hội mới được hưởng lợi lớn.
Đọc sách của Trung Quốc thì tụi con thường thấy họ đề cao và kêu gọi quan lại hi sinh quyền lợi của mình và gia đình mình để chăm lo cho lợi ích của dân chúng. Nhưng tụi con sẽ thấy quan điểm “ không chăm lo được cho mình và gia đình mình thì nói gì đến chăm sóc cho quần chúng” lại rất phổ biến ở Anh và các nước phương Tây.
Tuy vậy, như ba viết ở thư trước không nên du nhập thụ động hay buông thả theo các xu hướng văn hoá mới, mà phải tiếp nhận chúng một cách chủ động để tạo ra sự giao thoa tích cực. Văn hoá chỉ giao thoa được khi nó tìm ra được các điểm cân bằng. Mà sự cân bằng quan trọng nhất là sự cân bằng giữa riêng và chung. Một người mà chỉ chăm chăm vào lợi ích riêng của mình thì sẽ trở nên ích kỉ. Nếu chỉ nghĩ đến lợi ích chung thì sẽ trở nên mất gốc và ảo tưởng. Nếu chỉ chăm lo cho gia đình mình thì sẽ trở nên hẹp hòi và đánh mất cơ hội được tương trợ và hạnh phúc từ cộng đồng.
Nhìn rộng và sâu hơn nữa từ khía cạnh cân bằng và giao thoa văn hoá thì cần thấy rằng ứng xử của cá nhân nói riêng và số đông nói chung không nên có văn hoá phũ định những gì khác mình. Mình có quyền phê phán những gì thấy không tốt cho mình hoặc cho lợi ích chung để những điều đó có thể trở nên tốt hơn. Với thái độ như vậy thì con người sẽ tìm ra được những điểm chung để cân bằng lợi ích của nhau. Còn khi người ta chỉ nhằm mục đích phủ định lẫn nhau thì sẽ luôn xung đột lật đỗ lẫn nhau và đi kèm với các hành vi bạo lực rất khó tránh khỏi. Nghiên cứu kĩ hơn về Anh và TQ thì tụi con sẽ thấy rõ điều này. Hì hì đề tài lần này nhức đầu quá phải không hai bạn nhỏ. Nhưng ba biết rằng nó rất quan trọng và cần thiết. Lần sau ba sẽ trao đổi một đề tài vui vẻ và thú vị hơn ha.
Tháng này là sinh nhật mẹ. Hai đứa hãy chuẩn bị cho mẹ một món quà thật ý nghĩa nha. Hãy mang cho mẹ nhiều niềm vui thật thật lớn. Sau đó là sinh nhật ông nội nữa. Bé Quân thử làm một vật kỉ niệm tặng ông nội xem. Đến tháng sau đến giáng sinh và tết Tây, tụi con đừng quên gửi thiệp chúc bác Hans và Ronate. Theo văn hoá người phương Tây, những sự quan tâm như thế rất có ý nghĩa.
Ba yêu hai con gái cưng của ba lắm! Ba mong một ngày không xa sẽ thấy hai đứa thành đạt và hạnh phúc. Rồi tụi con sẽ nhớ về thời gian này như những kỉ niệm đẹp, Có nhiều điều không được may mắn với gia đình mình lúc tụi con còn nhỏ. Nhưng hai đứa đã có được sự may mắn nhất trong đời đó là mẹ. Hơn nữa, ông ngoại là người ông tuyệt vời nhất mà tụi con có được trong cuộc đời này. Ba tin tụi con cũng cảm nhận được như vậy, và đó chính là hạnh phúc!
Ba vừa điện thoại về cho cô sáu, biết được là ngày mai gia đình sẽ lên thăm. Ba nhớ cả nhà lắm rồi nhất là bé Quân xinh đẹp. Ba dừng ở đây nha lần sau ba sẽ viết thư cho mẹ nhân dịp sinh nhật.
Hôn ba mẹ con
Ba Thức
TB: dạo này ba bắt đầu trồng bông ở khoảng đất nhỏ phía trước buồng. Chắc một tháng nữa sẽ đẹp hihi
 
TL: Nếu không biết Trần Huỳnh Duy Thức thì khó hình dung đây là lá thư của người đang bị cầm tù 16 năm…Nhà giam nào có thể giam cầm những tâm hồn như thế này?Đây là tâm thế cần có được ở những người tham gia đấu tranh cho nền dân chủ Việt Nam.
 
 
 
 
 
  1. Quân dã man !
    Những người như này mà bị giam cầm.

    Trả lờiXóa

     
     
  2.  

    Một nhân cách lớn.

    Trả lờiXóa

     
     
  3.  

    Tại sao chưa có một ai mở diễn đàn tranh luận về sự hạn chế của học thuyết khổng giáo nhể.

    Trả lời

Người Việt Nam đang tự trói mình, làm giảm sự năng động và khả năng sáng tạo của chính mình – VHNA

31 Th12

  •   Nguyễn Hữu Thái Hòa – Bùi Hào
 

LỜI TÒA SOẠN: Sáng tạo là một động lực quan trọng trong sự phát triển của mỗi quốc gia. Đó cũng là một nguồn lực mang tính quyết định cho một đất nước khi tiến vào nền kinh tế tri thức. Để nhận thức thêm về sáng tạo và tư duy sáng tạo ở Việt Nam hiện nay, VHNA đã có buổi trao đổi với TS Nguyễn Hữu Thái Hòa – một chuyên gia đã có hơn 20 năm làm việc trong môi trường sáng tạo ở các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới, hiện là Phó Giám đốc, phụ trách Ban Sáng tạo của Trung tâm Khoa học Tư duy, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam.

PV:Hiện nay, tư duy sáng tạo giữ một vai trò quan trọng trong sự phát triển. Muốn phát triển thì đòi hỏi con người phải có tư duy sáng tạo. Vậy theo ông, tư duy sáng tạo là gì? Và nó thể hiện như thế nào?

TS Nguyễn Hữu Thái Hóa (NHTH):Nói thực ra, làm trong môi trường sáng tạo hơn 20 năm nhưng tôi không phải là một nhà lý luận về sáng tạo học. Tôi không biết nhiều về lý luận sáng tạo như các Giáo sư, Tiến sĩ về sáng tạo học. Chính vì vậy nên tôi đứng về phía những người sử dụng các sản phẩm sáng tạo để đánh giá sáng tạo đó có giá trị hay không. Giá trị của một sáng tạo phải do người sử dụng sáng tạo đó đánh giá chứ không phải theo chủ quan của người sáng tạo ra nó.

Định nghĩa về sáng tạo hiện nay rất mơ hồ, khô cứng và trên thế giới vẫn còn nhiều tranh luận. Một trong những mục tiêu của Trung tâm Khoa học Tư duy (do GS.TS Tô Duy Hợp làm Giám đốc) là xem xét lại và làm rõ một số khái niệm liên quan đến khoa học tư duy, trong đó có khái niệm sáng tạo. Khái niệm sáng tạo còn đang có nhiều cách hiểu khác nhau. Tôi không thể đưa ra một khái niệm mà chỉ trao đổi thêm về những quan điểm về sáng tạo và con đường để tiến tới hiểu về khái niệm này.

Ở Việt Nam, rất dễ nhầm lẫn giữa các khái niệm: sáng tạo, phát minh, sáng chế, cải tiến. Phát minh và sáng chế đã khó phân biệt rạch ròi, gần đây, những người theo trường phái của Nhật Bản lại vận dụng khái niệm cải tiến và xem nó như là “sáng tạo” do nó rất gần gũi với cuộc sống của chúng ta. Điều này tạo ra một sự hỗn độn, nhập nhèm trong cách hiểu về sáng tạo. Đó là lý do cần đưa ra một khái niệm nghiêm túc về “sáng tạo” từ những người có trách nhiệm.

Nhìn vào gốc độ lịch sử, chúng ta chịu nhiều ảnh hưởng về quan điểm khoa học của Liên Xô. Phổ biến nhất là khái niệm “sáng tạo” của trường phái Alt Shuller -một bậc thầy có nhiều ảnh hưởng đến các nhà khoa học Việt Nam từng đi nghiên cứu, học tập ở Liên Xô: “Sáng tạo là hoạt động tạo ra bất cứ cái gì vừa mới, vừa có lợi ích”. Theo định nghĩa này, hai tính chất quan trọng nhất của sáng tạo là tạo ra tính mới và cái mới đó phải có lợi ích. Định nghĩa này ảnh hưởng nhiều đến các nhà khoa học Việt Nam. Tuy nhiên, bất cập của nó là tính mới và tính lợi ích rất khó để đo được. Tôi nghĩ rằng tính mới và tính lợi ích có tính tương đối ở mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, chúng ta có thể chấp nhận tính mới ở phương diện “cũ người mới ta”, vì để sáng tạo ra một cái mới hoàn toàn rất khó mà chỉ những nhà nghiên cứu lỗi lạc trên thế giới có thể đạt đến. Nếu lấy hai thước đo này làm chuẩn để soi xét thì các dự án nghiên cứu, đề tài nghiên cứu sinh ở Việt Nam hiện nay sẽ bị loại bỏ hết do không đáp ứng được hai tính chất quan trọng đó. Vậy nên nếu đưa ra được một định nghĩa đúng đắn thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền của nhân dân khi không làm những thứ không có lợi ích gì.

Để đáp ứng nhu cầu nhận thức khoa học và vận dụng, Ban Sáng tạo của Trung tâm Khoa học Tư duy đang cố gắng trao đổi với các chuyên gia trong và ngoài nước để đưa ra được một định nghĩa có chất lượng về “sáng tạo”.

PV:Nhiều người đánh giá người Việt Nam rất thông minh nhưng lại ít có sự sáng tạo. Ông có bình luận gì về ý kiến  này?

NHTH:Chúng ta hiểu như thế nào là thông minh? Học được điểm cao trong nhà trường là thông minh hay đi thi đạt giải cao thì thông minh? Trong hơn hai mươi năm làm việc ở nước ngoài, học tập ở phương Tây, tôi nhận thấy rằng, khi người Việt Nam học với người nước ngoài, từ dưới bậc đại học thì người Việt Nam học rất giỏi. Đến khi học đại học thì đuối dần và lên cao hơn thì ít và bắt đầu thua kém các bạn bè. Điều đó, tôi nghĩ rằng do người Việt Nam cần cù, chịu khó và nhanh nhẹn nên khi học tập thì khá nhưng khi nghiên cứu, yêu cầu sáng tạo thì không có điều kiện cơ bản để tiến hành nghiên cứu, sáng tạo. Có thể nói rằng người Việt Nam rất tinh xảo, nhạy bén, hiểu nhanh nhưng thiếu quy chuẩn để sáng tạo khoa học, thiếu nền tảng triết học nên năng lực biến cảm nhận xã hội thành sức mạnh cũng hạn chế. Một ví dụ là Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa qua đời là một mất mát lớn của dân tộc. Rất nhiều người dân đã thể hiện sự thương tiếc đối với Đại tướng qua việc xếp hàng cả ngày để vào viếng. Nhưng sự thương tiếc đó chưa thể biến thành sức mạnh tinh thần dân tộc để đưa vào phát triển đất nước. Hay nói cách khác là người Việt Nam chưa thể hiện được năng lực để biến nỗi đau thương thành sức mạnh phát triển dân tộc, chỉ biết bày tỏ sự thương tiếc qua hành động cúi đầu tưởng niệm.

PV:Theo ông, tư duy sáng tạo hình thành như thế nào? Yếu tố nào quyết định đến tư duy sáng tạo của con người?

NHTH:Theo tôi, sáng tạo là sự kết hợp phát minh và sáng chế. Trên thế giới, phát minh được hiểu là những phát hiện của con người về  môi trường tự nhiên có sẵn và từ đó tìm ra các quy luật vận động của nó. Sáng chế là những thứ hoàn toàn do con người tạo ra và chỉ có thế giới con người mới có. Các sáng chế khoa học, văn học, nghệ thuật, phim ảnh… thì chỉ con người mới có và con người mới đủ sức cảm nhận được nó cũng như sáng chế ra nó.

Có nhiều yếu tố quyết định đến tư duy sáng tạo của con người. Nhưng tôi nghĩ, yếu tố quan trọng nhất là sức ép từ môi trường tự nhiên và xã hội loài người. Chính những khó khăn tạo ra sức ép đòi hỏi phải tìm ra các giải pháp khắc phục là động lực để con người sáng tạo. Khi đối diện với sức ép phải tìm ra các giải pháp để khắc phục môi trường tự nhiên và xã hội thì con người sẽ động não để sáng tạo. Về mặt này, chúng ta có thể nói rằng nước ta không có môi trường xã hội tạo ra sức ép làm động lực cho sự sáng tạo mà ngược lại còn tạo ra môi trường cực kỳ xấu để làm ra những thứ giả dối về sáng tạo. Các nhà khoa học phải viết hàng trăm đề tài nghiên cứu vô bổ để giải ngân cho nhà nước và nuôi cả một hệ thống. Vấn đề quan trọng của Việt Nam bây giờ là phải tạo ra được môi trường có đủ sức ép lành mạnh để phát triển sự sáng tạo.

PV:Từng học tập và nhiều năm làm việc ở nước ngoài, ông thấy hệ thống sáng tạo và tư duy sáng tạo ở Việt Nam hiện tại như thế nào so với các nước khác trên thế giới?

NHTH:Ở các nước phát triển, khoa học gắn liền với thực tế cuộc sống và hiệu quả kinh tế. Vậy nên đầu ra của kinh tế sẽ quyết định đến sự sáng tạo khoa học. Một cường quốc như Nhật Bản nhưng vẫn hướng khoa học nghiên cứu để phục vụ cuộc sống hàng ngày, từ cái bát, đũa, bồn cầu… đều được nghiên cứu. Ví như một cái kẹp ghim mà hiện nay ở Việt Nam vẫn phổ biến loại kẹp ghim kim loại, trong khi ở Nhật sản xuất ra một kép ghim chỉ sử dụng lực cơ học ém các tờ giấy với nhau tạo thành một tập và tiết kiệm hàng ngàn tấn sắt hàng năm cũng như bảo vệ tài liệu, môi trường. Trong khi đó, ở Việt Nam, đầu ra của sự sáng tạo không có, hay không thực tế. Chúng ta tập trung cho lý thuyết, cho vấn đề tuyên truyền mà không đi vào nghiên cứu ứng dụng cho cuộc sống hàng ngày. Do vậy, giá trị sáng tạo của Việt Nam ít đưa vào cuộc sống.

PV:Tư duy sáng tạo có ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của một đất nước? Hiện nay trên thế giới có những mô hình về tư duy sáng tạo nào? Theo ông, mô hình nào phù hợp với Việt Nam?

NHTH:Sáng tạo đẩy mạnh chỉ số năng suất lao động, đó là một yếu tố quan trọng để đánh giá sự phát triển của một quốc gia. Chỉ số năng suất lao động thể hiện sự đóng góp của mỗi người lao động vào nền kinh tế. Hiện nay, chỉ số năng suất lao động của người Việt Nam đóng góp vào nền kinh tế thua xa thời kỳ thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước – là thời kỳ đói khổ nhất sau giải phóng. Từ người nông dân trở lên đang có tâm lý hưởng thụ cao do hiệu ứng từ bong bóng ảo của nền kinh tế (như bất động sản bị đẩy lên cao, chạy một giấy phép bán một lô đất thu lại rất nhiều tiền so với những lao động thực chất khác). Chỉ số sáng tạo cũng là một yếu tố quan trọng đánh giá môi trường phát triển của một quốc gia theo mô hình đánh giá 12 chỉ số.

Có nhiều cách phân chia các trường phái sáng tạo. Có hai trường phái lớn về sáng tạo học là trường phái phương Tây và trường phái phương Đông. Trường phái phương Tây tập trung đi sâu vào nghiên cứu, sáng tạo khoa học thuần túy, phục vụ đời sống vật chất. Trường phái phương Đông lại đi sâu nghiên cứu, sáng tạo về tâm linh, phục vụ đời sống tinh thần nhiều hơn. Hiện nay, tôi cho rằng về chiều sâu, phương Đông đang thắng thế chứ không phải thua kém như nhiều người nghĩ. Chính những nhà sáng tạo đẳng cấp của phương Tây cũng đang nghiên cứu và tìm đường đi mới theo mô hình phương Đông như việc tìm đến Phật giáo để thúc đẩy sự phát triển.

Việt Nam nằm ở ngã tư đường, nơi giao lưu của cả hai trường phái Đông – Tây nên không thể sao chụp y nguyên một mô hình nào. Phải căn cứ vào nhu cầu thực tế từ cuộc sống hàng ngày để xây dựng mô hình sáng tạo cho hợp lý. Tạo môi trường xã hội có sức ép đòi hỏi sáng tạo phục vụ phát triển đất nước.

Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển sáng tạo nhưng thiếu môi trường sáng tạo

PV:Ông từng nói nhiều đến “sáng tạo đẳng cấp” trong giấc mơ Việt Nam – vươn tới đỉnh cao (Best In Class). Vậy sáng tạo đẳng cấp là gì? Làm sao để nhận diện ra những sáng tạo đẳng cấp?

NHTH:Best In Class là một chương trình khoa học công nghệ của Bộ Khoa học Công nghệ mà tôi được mời về làm chuyên gia tư vấn. Chuyện là từ năm 2007, khi tôi trả lời trên chương trình “Người đương thời” về các vấn đề tại sao một số doanh nghiệp được cấp chứng chỉ ISO mà sản phẩm vẫn có vấn đề, đồng thời đưa ra các giải pháp đi sâu vào vấn đề này. Sau đó, Bộ Khoa học Công nghệ đã liên hệ và mời tôi về hỗ trợ cho FPT trong dự án Best In Class. Đó cũng là khởi đầu cho con đường đến với FPT của tôi.

Best In Class bắt đầu từ năm 2008, thực chất là đóng gói lại những tinh hoa của phương thức quản trị ở phương Tây, trong đó tập trung vào quản trị chất lượng. Best In Class đặt ra cho Bộ Khoa học Công nghệ bài toán là với những công cụ tinh hoa của thế giới, chúng ta ứng dụng vào Việt Nam thì phải linh động, sáng tạo như thế nào để phù hợp với tình hình thực tiễn phát triển của đất nước, và các doanh nghiệp phải sử dụng được. Lúc đầu ứng dụng cho hai doanh nghiệp là FPT và Đồng tâm Long An.

Giá trị lớn nhất của chương trình này là làm đòn bẩy đưa doanh nghiệp Việt đạt đến trình độ trưởng thành cao hơn về đẳng cấp quản trị. Đỉnh cao của độ quản trị là phòng ngừa và thấu trí được độ rủi ro của quản trị chứ không phải lao đao đâm đầu vào đến khi có vấn đề mới phát hiện ra và đi sửa chữa.

Sáng tạo đẳng cấp là phải tạo ra được những sản phẩm thuần Việt nhưng chất lượng đạt trình độ quốc tế bởi chúng ta không thể là một dân tộc cứ mãi đi làm gia công nô dịch cho người khác. Đó cũng là nội dung chính của chương trình giấc mơ Việt Nam vươn tới đỉnh cao với phương thức “kỹ Tây, hồn ta” (Western Technology, Viet soul) và triết lý “bám lấy truyền thống, tiến lên hiện đại” (Cling to Tradition, moving on Modern) để hướng đến xây dựng thương hiệu toàn cầu.

PV:Nền giáo dục quốc gia đóng vai trò như thế nào trong việc xây dựng và phát triển tư duy sáng tạo? Theo ông, nền giáo dục hiện tại của Việt Nam giải quyết vấn đề này có hợp lý không?

NHTH:Giáo dục tạo môi trường cho sự sáng tạo. Trước hết, đó là cơ sở để hình thành tư duy con người, và khi nền giáo dục phát triển thì sẽ tạo điều kiện để hình thành và phát triển môi trường của tư duy sáng tạo. Ngược lại, nền giáo dục không tạo được môi trường để phát triển tư duy sáng tạo thì sẽ là một hạn chế rất lớn cho sự phát triển của doanh nghiệp và của đất nước.

Nền giáo dục Việt Nam đang có nhiều vấn đề bất cập. Một trong số đó là sự lão hóa của phương pháp luận về mặt truyền thụ tri thức, bê nguyên những thứ đã có sẵn từ hàng chục năm trước vào giảng dạy làm cho học trò thêm tính máy móc và thụ động, không khuyến khích được sự phát triển của tư duy sáng tạo. Điều đó làm cho người học không cập nhật được sự thay đổi của cuộc sống, không biết cuộc sống đang đi đến đâu và mình đang ở đâu. Phải quan tâm đến sự phát triển bền vững trong giáo dục con người. Hiện tại chúng ta đang quá tập trung nhiều đến con số để báo cáo thành tích mà không quan tâm đến sản phẩm đầu ra của giáo dục. Muốn phát triển bền vững phải phát triển bền vững từ con người, vậy nên cần phải đo được trạng thái, đánh giá được môi trường phát triển mà giáo dục là một môi trường của sự phát triển con người.

Đánh giá môi trường phát triển của Việt Nam theo sơ đồ 12 chỉ số đánh giá môi trường phát triển của một quốc gia

PV:Sáng tạo và hệ thống sáng tạo là một nguồn lực quan trọng, một vấn đề cơ bản cho sự phát triển của mọi quốc gia. Vậy theo ông, làm thế nào để khơi dậy sự sáng tạo của con người?

NHTH:Trước hết, phải chú trọng đến vấn đề phát triển tư duy sáng tạo. Phải đưa một sáng tạo học thành một môn học trong nhà trường để học trò làm quen sớm và cao hơn là được đào tạo cơ bản và có hệ thống về sáng tạo học. Sáng tạo vừa là một môn học, vừa là phương pháp để đi sâu vào các môn khác. Đưa sáng tạo học trở thành một phương pháp trong nền giáo dục và là một thước đo về hiệu quả và chất lượng của nền giáo dục.

Về việc đưa sáng tạo học vào nhà trường hiện tại cũng có nhiều quan điểm khác nhau. Có người cho rằng sáng tạo là năng lực bẩm sinh, tự có của con người và không thể học tập được. Người khác lại cho rằng sáng tạo là kết quả của phương pháp khoa học, là một ngành khoa học nên có thể học tập được qua hệ thống giáo dục và tự giáo dục. Tôi thiên về quan điểm cho rằng sáng tạo học là ngành khoa học và có thể học tập được. Và nền giáo dục là cơ sở để phát triển tư duy sáng tạo của con người thông qua tạo môi trường cho sự sáng tạo. Bên cạnh đó, như đã nói trước, để phát triển năng lực sáng tạo của con người thì xã hội cần tạo ra được sức ép để làm động lực phát triển sáng tạo.

Đối với người Việt Nam, tôi nghĩ hai vấn đề quan trọng để có thể phát triển tư duy sáng tạo là niềm tin và sự tự cởi trói cho mình. Trong lúc các vấn đề khác cho sự sáng tạo còn nhiều hạn chế, chưa tạo điều kiện cho sự phát triển của tư duy sáng tạo thì chính mỗi chúng ta phải tự tạo cho mình môi trường để sáng tạo. Và sự tự tạo đó cần có một niềm tin: tin vào sự phát triển của nhân loại, xu thế của thời đại và sức mạnh của dân tộc ta. Cùng với niềm tin và phải tự biết cởi trói cho mình để sáng tạo. Ngoài những ràng buộc khác, người Việt Nam cũng đang tự trói mình vào nhiều khuôn khổ, nguyên tắc làm giảm sự năng động và khả năng sáng tạo của chính mình. Vậy nên tự cởi trói cho mình là một vấn đề quan trọng để đi lên sáng tạo và phát triển.

PV:Để phát triển tư duy sáng tạo và vận dụng tư duy sáng tạo vào sự phát triển của đất nước, chúng ta cần phải bắt đầu từ đâu? Yếu tố quan trọng nhất quyết định vấn đề này là gì?

NHTH:Để đưa sáng tạo vào làm động lực cho sự phát triển đất nước, trước hết phải bắt đầu từ khách hàng của những giá trị sáng tạo ra. Trước khi nói đến sáng tạo, cần phải xác định sáng tạo này hướng đến ai và tạo ra giá trị gì? Nói cách khác, phải xem khách hàng là thước đo giá trị của sự sáng tạo. Thực trạng của đất nước ta hiện nay là các sáng tạo không theo kịp nhu cầu của khách hàng, chưa hướng đến khách hàng hay lấy khách hàng làm trung tâm của sự sáng tạo. Có nhiều sáng tạo của chính những người nông dân xuất phát từ nhu cầu công việc lại có hiệu quả sản xuất trong khi rất nhiều đề tài nghiên cứu của các cơ quan khoa học không hướng đến khách hàng nên không đưa vào cuộc sống và tạo được giá trị cho sự phát triển.

Cần xem xét lại việc phân bổ các quỹ nghiên cứu khoa học từ các bộ ngành cho hợp lý. Xã hội hóa các quỹ để đạt hiệu quả cao hơn trong nghiên cứu sáng tạo. Tạo dựng các doanh nghiệp khoa học, lấy khách hàng làm cầu nối giữa các cơ quan nghiên cứu và các doanh nghiệp kinh tế. Muốn vậy phải phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại để tạo môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh làm động lực phát triển sáng tạo và phát triển kinh tế.

PV: Xin cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị này!

Bùi Minh Hào thực hiện

 

   

Sự thật lịch sử và quyền lợi dân tộc – VHNA

31 Th12

  •   Trần Văn Chánh
 

Năm 2007, trong khi tình hình quan hệ Việt-Trung vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, được biết có một quyển sách do NXB Lao Động vừa ấn hành xong thì có lệnh thu hồi. Sách này tập hợp những bài viết của một tác giả chuyên khảo về sử địa-văn hóa Việt Nam và khu vực Đông Á-Đông Nam Á, không có một lời nào chỉ trích Trung Quốc, nhưng chỉ vì có một bài viết liên quan đến cuộc đăng quang năm 2000 của tổng thống Trung Hoa Dân Quốc Trần Thủy Biển vốn bị Trung Quốc công kích kịch liệt vì chủ trương “Đài Loan độc lập” của ông này. Việc thu hồi quyển sách như vậy đã được thực hiện vội vã bởi một lý do khá mong manh, có lẽ xuất phát từ những chuyện nhạy cảm về ngoại giao giữa hai bên tranh chấp.

Trước đó một năm, khi chủ biên-hiệu đính quyển Từ điển Lịch sử Trung Hoa (NXB Thanh Niên, 2006) vốn được biên soạn căn cứ chủ yếu vào một sách chữ Hán có đề tài tương tự do Thượng Hải Từ Thư Xuất Bản Xã ấn hành năm 1996, đến mục từ “Cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979”, chúng tôi đã tự động bỏ bớt trước khi qua khâu biên tập chính thức của NXB, vì biết đây thuộc vấn đề nhạy cảm, nội dung lại nói đại khái Việt Nam gây hấn và Trung Quốc cần phải “dạy cho chúng bài học”… Tuy có thể viết lại mục từ này theo một cách trình bày khác, trung thực hơn, nhưng suy đi nghĩ lại, đã quyết định bỏ đi để khỏi sinh phiền. Thật ra, chúng tôi đơn giản chỉ biên dịch thôi chứ chưa hẳn viết sử, nhưng trong một quyển lịch sử Trung Quốc mà bỏ qua giai đoạn chiến tranh biên giới Việt-Trung (các năm 1979, 1988…) thì rõ ràng là thiếu, và những người biên soạn như vậy coi như cũng không làm tròn trách nhiệm đối với độc giả.

Nhắc lại vài câu chuyện nho nhỏ trên đây để bây giờ chúng ta cũng có phần nào thông cảm với những người biên soạn sách giáo khoa về môn Lịch sử, khi họ, vì những lý do tế nhị tương tự, cũng đã bỏ qua một nội dung quan trọng khiến cho thế hệ trẻ ngày nay, hầu như không ai biết gì về cuộc chiến tranh đó cả, hoặc chỉ biết một cách rất lờ mờ khi có ai tò mò tìm đọc những bài viết không chính thức trên mạng Internet.

Nói “thông cảm” vì thật ra những người có trách nhiệm viết sử giáo khoa chẳng phải hèn nhát gì mà không dám viết ra sự thật, nhưng có thể do không được phép, hoặc do ảnh hưởng, cách suy diễn từ những chỉ thị, hướng dẫn gì đó của cơ quan ban ngành cấp trên được phát ra theo một quan điểm hay cách nhận thức nhất định nào đó của một số quan chức có trách nhiệm hữu quan.

Thời gian mấy tháng gần đây, do tình hình diễn biến ngày một khác đi trong mối bang giao Trung-Việt, sau một thời gian dài phía Việt Nam gần như giấu giếm, cuộc chiến tranh Việt-Trung khởi từ tháng 2. 1979 mới được khơi lại một cách công khai trên một số phương tiện truyền thông, đi cùng với việc một số bậc thức giả đặt vấn đề cần phải đưa đầy đủ vào sử sách những nội dung liên quan đến cuộc chiến đấu dũng cảm bảo vệ biên giới năm 1979 của nhân dân Việt Nam.

Cho tới nay, sách giáo khoa môn Lịch sử của Việt Nam chỉ có không đến 10 dòng viết về cuộc chiến tranh biên giới, mà theo GS Vũ Dương Ninh (người tham gia biên soạn bộ sách giáo khoa lịch sử hiện hành) thì cách nay 7-8 năm, “đưa được chừng ấy dòng vào sách giáo khoa cũng là một sự quyết tâm của các tác giả” (xem Tuổi Trẻ, 20.2.2013).

Ở đây có một vấn đề chung hết sức phức tạp đối với mọi người làm sử trong bối cảnh lịch sử cụ thể hiện tại, đó là mối quan hệ giữa sự thật lịch sử và quyền lợi dân tộc. Nếu việc nói lên sự thật như một đòi hỏi tất yếu của khoa học lịch sử mà có phương hại cụ thể đến quyền lợi quốc gia, trong điều kiện mối quan hệ đặc thù giữa hai nước như trong trường hợp Trung Quốc với Việt Nam thì người viết sử có thể làm được những gì?

Nói chung, về cơ bản cũng phải tôn trọng sự thật lịch sử.  

Các sử gia Trung Quốc, vì những lý do thuộc về chính trị, có lẽ họ cũng vấp phải  những trục trặc ngoài ý muốn khi bắt buộc phải xuyên tạc lịch sử theo ý đồ chính trị của nhà cầm quyền. Vài quyển lịch sử Việt Nam do người Trung Quốc gần đây viết bằng chữ Hán, như Việt Nam thông sử của Quách Chấn Đạc-Trương Tiếu Mai xuất bản năm 2001 đã cố ý giải thích sai một số sự kiện lịch sử, như cho Việt Nam đã trở thành đất đai của các vương triều Trung Quốc dưới thời Bắc thuộc, nên những cuộc nổi dậy của Trưng Trắc, Lý Bí, Khúc Thừa Dụ… đều bất hợp pháp, là hành động phản loạn nhằm thiết lập chính quyền phong kiến cát cứ, tách khỏi đại gia đình đa dân tộc thống nhất Hoa Hạ (xem bài viết của Trần Nghĩa, Tạp chí Hán Nôm, 2(63), 2004, tr. 64). Riêng trong cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung, sự xuyên tạc còn trắng trợn hơn khi các sách giáo khoa môn Sử cũng như các phương tiện thông tin tuyên truyền khác đều dạy cho học sinh và mọi người Trung Quốc rằng “đường lưỡi bò” chín đoạn trên biển Đông thuộc chủ quyền Trung Quốc, còn Việt Nam là nước chủ động xâm lăng Trung Quốc nên Trung Quốc cần phải tự vệ và “dạy cho chúng bài học”…

Ở đây, rõ ràng, vì quyền lợi dân tộc hẹp hòi mà đã cố ý bóp méo sự thật lịch sử, bất chấp việc làm như thế chỉ có lợi cho ý đồ xâm lược (chưa chắc thành công) mà không thấy cái hại lâu dài là sự giả dối vì lợi ích chính trị nhất thời sẽ dần dần làm biến dạng những đức tính tốt đẹp cố hữu của nhân dân Trung Quốc, thứ vốn xã hội cần thiết để dân tộc Trung Quốc có thể xây dựng tương lai cho mình một cách bền vững mà vẫn không cần xâm hại đến những dân tộc khác.

Sự bất ổn còn thể hiện ở chỗ có sự nhập nhằng giữa cái chính trị nhất thời với những giá trị nhân bản lâu dài mà một quốc gia cần phải tạo được cho công dân của mình thông qua các hoạt động văn hóa-giáo dục.

Cách làm sai lệch kiểu như trên, có thể nói, không đâu rõ rệt bằng ở nhà cầm quyền Trung Quốc, chính vì thế Việt Nam nên rút bài học từ những kinh nghiệm sai lầm này, trên cơ sở nhận thức rằng văn hóa-giáo dục bao gồm những giá trị lâu dài gắn liền với sự thật chứ không phải với những điều giả dối. Do vậy, khi tính chuyện đưa nội dung cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung vào sách giáo khoa như nhiều người đang đề nghị thì chúng ta cứ mạnh dạn làm sớm, nhưng tuyệt đối không làm theo cách tuyên truyền giả dối kiểu Trung Quốc, nghĩa là chỉ cần viết trung thực, sao cho học sinh nhận biết được sự thật lịch sử khách quan, để từ đó tự tìm ra được nhận thức, thái độ ứng phó thích hợp.

Phải thành thật nhận rằng, trong quá khứ, khi hai nước còn thân thiện với nhau, đường lối chính trị hóa triệt để học đường theo kiểu Trung Quốc cũng có ảnh hưởng nhất định tới cách hành xử của Việt Nam trong một số vấn đề thuộc phạm vi giáo dục. Nhớ lại hồi năm 1979, sau cuộc đụng độ ở biên giới Việt-Trung, Bộ Giáo dục Việt Nam đã có văn bản chỉ thị xóa bỏ trong sách giáo khoa văn học tất cả những bài học liên quan đến văn học, văn hóa, đời sống Trung Quốc, như bài “Vịt Bắc Kinh” ở bậc tiểu học, các bài về kinh Thi, Tây du ký… ở bậc trung học. Đến sau, khi hòa hoãn trở lại, những bài học này mới được phục hồi. Việc làm có vẻ ấu trĩ của một thời người ta hầu như không phân biệt sự khác nhau cơ bản giữa văn hóa-giáo dục với chính trị, và giữa những giá trị phổ biến nhân loại với những lợi ích dân tộc nhất thời.

Trong khá nhiều trường hợp, sự chi phối của những quyền lợi chính trị nhất thời đôi khi bất lợi khi đặt toàn bộ vấn đề lợi ích ở mức độ dân tộc hay nhân loại trên một bình diện rộng lớn hơn, và công việc nghiên cứu lịch sử vì vậy trước sau vẫn đòi hỏi tính trung thực, để giáo dục công dân trong nước trước hết sự lương thiện rồi mới đến những phẩm chất khác như yêu nước, yêu lao động…. Trong chiều hướng đúng đắn này, với tầm nhìn xa về lợi ích lâu dài, ngay cả khi cần viện dẫn đến quyền lợi dân tộc,  chỉ trong trường hợp quyền lợi đó không chính đáng, phi chính nghĩa, xâm hại đến quyền lợi các dân tộc khác, người ta mới cần đến việc bóp méo sự thật lịch sử như Trung Quốc vẫn thường làm. Còn như đường đường chính chính, không việc gì phải khổ sở uốn cong ngòi bút! 

Cách viết sử trung thực-khoa học nói chung chỉ cần trình bày đúng các sự kiện như chúng đã diễn ra trong quá khứ rồi kết nối lại thành một trình tự dễ theo dõi mà không nhất thiết phải chêm thêm vào những lời bình luận chủ quan theo hướng tuyên truyền.

Nhân nhắc đến những mâu thuẫn giữa Trung Quốc-Việt Nam trong vấn đề chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa, có liên quan đến cuộc hải chiến anh dũng của quân đội chế độ cũ năm 1974 chiến đấu bảo vệ Hoàng Sa, nhiều người khen ngợi tập hồi ký Can trường trong chiến bại của Hồ Văn Kỳ Thoại là viết khá tốt (tái bản lần thứ nhất ở Hoa Kỳ, năm 2007). Tôi không đủ khả năng thẩm tra độ trung thực tất cả các sự kiện được kể ra trong cuốn sách đó, nhưng phải thành thật nhận rằng, với tư cách là một đô đốc hải quân chỉ huy cuộc hải chiến lúc bấy giờ, tác giả đã trình bày diễn biến cuộc đụng độ Việt-Trung khá đầy đủ chi tiết, xứng đáng được dùng làm sử liệu tham khảo. Còn ở những chuyện khác (ngoài cuộc hải chiến), tác giả cũng chỉ tuần tự kể việc theo ký ức và theo một số tài liệu tham khảo dẫn ở cuối sách, đặc biệt mặc dù thuộc “bên thua cuộc”, ông không hề có một lời lẽ khiếm nhã nào đối với bên thắng cuộc, không vị nể ai mà cũng không có ác ý với ai.       

Năm ngoái, Hội Sử học Việt Nam có đặt vấn đề lập kế hoạch biên soạn lại một bộ thông sử Việt Nam theo hướng trung thực hơn, vượt ra ngoài những giới hạn của vấn đề ý thức hệ. Thiết tưởng đây là chiều hướng tích cực đáng được thúc đẩy, và có thể nhân cơ hội soạn lại này, chỉnh sửa ngay một số những sự kiện lịch sử sai lạc (như nói Mai Thúc Loan khởi nghĩa năm 722 vì uất ức trong chuyện phải tham gia đoàn người gánh trái vải nộp cống cho nhà Đường…, nói trong Lịch sử lớp 6, tr. 64; hay một số nhận định chưa chính xác về triều Nguyễn, về Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh…), đồng thời đưa thêm những nội dung mới lâu nay kiêng kỵ vì những lý do chính trị này khác, như cuộc hải chiến bảo vệ Hoàng Sa năm 1974, cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung những năm 1979, 1988…

Nếu đã có chính nghĩa đàng hoàng, thì sự thật lịch sử và quyền lợi dân tộc, xét theo hướng lợi ích lâu dài, chẳng những không hề trái nghịch mà còn thống nhất, dung hợp được với nhau một cách hài hòa, biện chứng.

                                                                                                                                                                24.6.2013

Bài đã đăng ở tạp chí Xưa & Nay, số 434, tháng 8.2013. Bản tác giả gửi VHNA

CIA theo dõi sát trận Hoàng Sa 1974 – BBC

31 Th12
Vũ Quí Hạo Nhiên

Viết cho BBC từ Little Saigon, California

 

Cập nhật: 10:30 GMT – thứ hai, 30 tháng 12, 2013

Bốn mươi năm trước, Trung Quốc tấn công Hoàng Sa, đánh bật lực lượng hải quân Việt Nam Cộng Hòa đồn trú tại đó và chiếm đóng quần đảo này từ đó.

Trận hải chiến kéo dài chưa tới hai ngày dẫn đến việc Trung Quốc chiếm trọn quyền kiểm soát quần đảo này.

̣Điện tín của CIA cũng theo dõi phản ứng từ Bắc Việt khi đó

 

Bị ràng buộc bởi Hiệp định Paris, Hạm đội 7 Mỹ nằm ngoài khơi Thái Bình Dương không can thiệp một chút gì vào cuộc chiến này cả, nhưng điều đó không có nghĩa là Hoa Kỳ không quan tâm: Hồ sơ bạch hóa của CIA cho thấy họ theo dõi trận chiến và tường trình lên tổng thống Mỹ mỗi ngày.

Không phải tới năm 1973 Mỹ mới theo dõi tình hình Hoàng Sa.

Hầu hết những động thái trước đó của Trung Quốc liên quan đến quần đảo này đều được CIA ghi nhận, kể cả lời tuyên bố đường lưỡi bò 12 hải lý năm 1958.

Những thông tin này được tóm tắt trong bản Central Intelligence Bulletin (“CIB”), một bản tin tình báo hàng ngày của CIA nộp cho Tổng thống và các viên chức cao cấp.

Gia tăng hoạt động

Ngày 16 tháng 6 năm 1971, một bản CIB báo tin Bắc Kinh gia tăng hoạt động trong vùng quần đảo Hoàng Sa:

“Những đoàn công voa hải quân từ Yu-lin (Du Lâm) trên đảo Hải Nam hiện tới Hoàng Sa thường xuyên, nhất là Woody Island (đảo Phú Lâm), một trong những đảo lớn nhất trong nhóm. Bảo vệ đoàn tàu chủ yếu là tàu khu trục, là tàu chiến lớn nhất trong hạm đội Nam Hải của Trung Quốc.”

Bản CIB này cho biết Trung Quốc “đang xây một bến đậu, vét một con kênh, xây một cây cầu, và dựng nhiều tòa nhà mới trên đảo.”

Chiến hạm Nhật Tảo của VNCH đã tham gia bảo vệ Hoàng Sa

Bản CIB cũng khuyến cáo là trong tình trạng nhiều nước cùng tranh chủ quyền Hoàng Sa, những hoạt động xây cất này củng cố thêm đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc.

Hồ sơ CIA cũng nhận xét rằng Trung Quốc từ nhiều năm đã giữ một đài truyền thông và quan sát trên đảo Phú Lâm và ngư dân Trung Quốc dùng Hoàng Sa làm nơi trú ẩn và lấy tổ yến.

Tới tháng 1/1974, giao tranh xảy ra giữa Trung Quốc và Việt Nam Cộng Hòa tại Hoàng Sa.

Bản tin CIB đề ngày 18/1 (giờ Washington, tức 17/1 giờ Việt Nam) báo động là “Trung Quốc và Nam Việt Nam có thể đã giao tranh hôm 16/1 vì Trung Quốc chiếm đảo Robert Island (đảo Hữu Nhật).

Sài Gòn (ý nói CIA tại Sài Gòn) báo cáo là binh sĩ Nam Việt Nam bắn vào phía Trung Quốc khi những người này dựng lều và cắm cờ trên đảo. Phía Nam Việt Nam cũng cho rằng quân Trung Quốc đã đổ bộ xuống hai đảo nữa trong nhóm đảo Lưỡi Liềm (còn gọi là Nguyệt Thiềm).”

Bản tin CIB nhận xét rằng trước trận giao tranh này, vụ đụng độ duy nhất trước đó là năm 1959 khi phía VNCH bắt một số ngư dân Trung Quốc trong nhóm đảo Lưỡi Liềm và vài ngày sau thả họ ra.

Đến hôm sau, bản tin CIB ngày 19/1 báo tin “lực lượng Trung Quốc và Nam Việt Nam giao tranh trên một hòn đảo của Hoàng Sa, đươc cho biết là Duncan Island (đảo Quang Hòa). Bản tin này, với nhiều đoạn còn chưa được bạch hóa, đưa tin rằng có 74 thủy quân lục chiến Việt Nam đổ bộ lên đảo và “bị khoảng hai đại đội Trung Quốc bao vây.”

“Phía Nam Việt Nam báo tin có 3 thủy quân lục chiến bị giết và 2 bị thương, và hiện đã rút lực lượng ra khỏi đảo.”

Bản tin ngày 21/1, tóm tắt trận hải chiến, ghi nhận “quân đội Trung Quốc và Nam Việt Nam giao tranh hôm qua (tính ra là ngày 19/1) trong ngày thứ nhì, với phía Trung Quốc chiếm trọn phần kiểm soát quần đảo Hoàng Sa.”

Bản tin này, đi kèm một trang bản đồ Hoàng Sa, trích lời “phát ngôn viên Nam Việt Nam” cho biết:

“Một bức điện tín khác đề ngày 21/1 cho rằng Bắc Việt Nam ‘lúng túng’ trước trận chiến Hoàng Sa”

“Phía Trung Quốc sau khi không kích vào sáng hôm qua thì tiếp theo với cuộc đổ bộ vào các đảo Pattle, MOney, và Robert (Hoàng Sa, Quảng Ảnh, Hữu Nhật). Các lực lượng hải và không quân của Sài Gòn đã được lệnh rút ra khỏi vùng này, và phía Nam Việt Nam đã bỏ lại quân đội trên đảo. Trong số người bị bỏ lại là một sĩ quan liên lạc người Mỹ, thuộc văn phòng tùy viên quốc phòng (DAO).”

Một số tài liệu khác cho thấy viên sĩ quan này khi đó đã giải ngũ, và trở thành một nhân viên dân sự của DAO tên là Gerald Kosh, sau đó có viết báo cáo chi tiết về trận chiến nộp cho Bộ binh Hoa Kỳ.

“Cho tới gần đây,” bản tin viết tiếp, “phía Nam Việt Nam chỉ duy trì sự hiện diện trên đảo Hoàng Sa. Sự xuất hiện của binh sĩ Sài Gòn trên các đảo lân cận có thể đã kích thích cho hoạt động quân sự của Bắc Kinh.”

Tới ngày 29/1, bản tin CIB cho biết Trung Quốc bắt đầu trả tù binh, khởi đầu với Gerald Kosh và năm quân nhân VNCH bị thương, sẽ được chuyển cho Hồng thập tự tại biên giới Hong Kong ngày 31/1.

CIA cũng quan tâm đến một chi tiết do một sĩ quan Việt Nam nói với phóng viên Washington Post, cho rằng vài ngày trước trận hải chiến, VNCH quan sát tàu chiến Liên Xô đi qua vùng biển này.

Bài báo này khiến CIA phải kiểm chứng lại, và trả lời trong một bức điện gửi từ trung tâm điều hành Operation Center của CIA đến phòng Situation Room của Nhà Trắng.

Bức điện tín đề ngày 23/1 bác bỏ chi tiết này và viết, “Không một chiếc tàu chiến Xô-viết nào đến gần quần đảo Hoàng Sa từ sau tháng 11 năm ngoái, dù có một tàu tuần dương, một tàu khu trục, và ba tàu ngầm đi băng qua biển Nam Hải (biển Đông) trên đường đến Ấn Độ Dương.

Liên Xô lo Trung Quốc

Hải quân Xô-viết tỏ ra đặc biệt không quan tâm đến vụ Hoàng Sa: Tàu Xô Viết neo ở biển Nam Hải để thu thập tình báo vẫn theo dõi căn cứ hải quân Hoa Kỳ ở Subic Bay, Philippines, thay vì sự việc ở Hoàng Sa.”

Bản đồ Hoàng Sa của Hoa Kỳ ghi nhận hoạt động xây cất từ phía TQ

Trong khi CIA tường thuật là cả Việt Nam Cộng Hòa lẫn Trung Quốc đều khẳng định chủ quyền tại Hoàng Sa, thì một bức điện tín khác đề ngày 21/1 cho rằng Bắc Việt Nam “lúng túng” trước trận chiến này.

Bức điện tín trích báo chí Pháp cho hay “nguồn tin được phép nói” (authorized sources) của Hà Nội phát biểu rằng giữ gìn chủ quyền lãnh thổ là một “nghĩa vụ thiêng liêng” của mọi quốc gia, nhưng ngược lại cũng cho rằng “những tranh chấp nhiều khi phức tạp đối với lãnh thổ và ranh giới giữa hai nước láng giềng cần được xem xét kỹ lưỡng và thận trọng.”

Liên Xô, ngược lại, không ngại ngần dùng trận chiến này để bêu xấu Trung Quốc.

Bản tin CIB ngày 21/3/1974 cho rằng: “Bộ máy tuyên truyền của Moscow đã dùng sự kiện Hoàng Sa và việc Trung Quốc ủng hộ phiến quân ở Miến Điện để lợi dụng sự nghi ngại truyền thống của Nam và Đông Nam Á đối với Trung Quốc.”

Bản tin này cũng cho rằng “Moscow có thể cũng lo ngại rằng việc Trung Quốc chiếm Hoàng Sa là bằng chứng của một sự hiểu ngầm giữa Bắc Kinh và Washington về khu vực.”

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà báo Vũ Quý Hạo Nhiên ở California, Hoa Kỳ. BBC sẽ tiếp tục đăng tải các bài về chủ đề hải chiến Trường Sa và tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Xem thêm:Bấm Thái độ của Mỹ sau trận Hoàng Sa 1974‘, và ‘Bấm Hà Nội im lặng nhưng không đồng tình

VietNamNet bình chọn 10 sự kiện nổi bật 2013 (II)

31 Th12

-Mời độc giả tiếp tục theo dõi các sự kiện nổi bật của năm 2013 do báo điện tử VietNamNet bình chọn.

Phần 1: VietNamNet bình chọn 10 sự kiện nổi bật 2013 (I)

6 – Chống tham nhũng bắt đầu bằng những “đại án”

 

sự kiện nổi bật, thủy điện xả lũ, đúng quy trình, án oan Nguyễn Thanh Chấn, tử hình Dương Chí Dũng, thẩm mỹ viện Cát Tường, vứt xác bệnh nhân, lũ lớn, cải cách giáo dục
Bị cáo Dương Chí Dũng tại phiên tòa

Chiều 16/12, HĐXX đã tiến hành tuyên án vụ Cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô xảy ra tại Tổng CTy Hàng Hải VN (Vinalines).

HĐXX tuyên án tử hình với hai bị cáo Dương Chí Dũng(nguyên Chủ tịch HĐQT) và Mai Văn Phúc (nguyên Tổng GĐ) cho tội tham ô tài sản và cố ý làm trái về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Các bị cáo khác nhận mức án từ 4 – 22 năm tù.

 

Trước đó, một vụ án tham nhũng khác tại Công ty cho thuê tài chính II (thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) cũng đã được đưa ra xét xử tại TP.HCM. Một số cựu lãnh đạo đã bị tuyên án tử hình.

Đây được xem là những “cú đấm” mở màn tấn công tham nhũng, với hàng loạt “đại án” sẽ được xử trong thời gian tới, chẳng hạn vụ bầu Kiên. .

Thống kê sơ bộ, Việt Nam đã xét xử 278 vụ án tham nhũng trong năm nay và các thanh tra nhà nước đã phát hiện 80 trường hợp gian lận mới liên quan tới công quỹ nhà nước, Bloomberg trích dẫn báo cáo chính phủ công bố hôm 12/11.

7. Thủy điện xả lũ “đúng quy trình” và “quy trình đúng“.

 

sự kiện nổi bật, thủy điện xả lũ, đúng quy trình, án oan Nguyễn Thanh Chấn, tử hình Dương Chí Dũng, thẩm mỹ viện Cát Tường, vứt xác bệnh nhân, lũ lớn, cải cách giáo dục
Khung cảnh tan hoang sau lũ dữ

Từ đầu năm 2013 đến nay, Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp của 12 cơn bão và 4 áp thấp, làm 258 người chết và mất tích, gần 800 người bị thương, gần 12.000 ngôi nhà bị sập đổ, lũ cuốn trôi; hơn 300.000 ha lúa, hoa màu bị hư hỏng… Ước tính tổng thiệt hại về vật chất trên 25.000 tỷ đồng. So với năm ngoái số cơn bão, lũ đổ vào nước ta liên tiếp và tăng bất thường.

Đặc biệt, ngày 19/11, Trung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung – Tây Nguyên cho hay, đợt mưa lũ giữa tháng 11 đã làm 41 người chết và 5 người mất tích, 74 người bị thương.

Nhiều ý kiến đặt ra trách nhiệm của các thủy điện trong việc xả lũ. Bởi theo quan sát, ở miền Trung, mặc dù lượng mưa trong đợt lũ này không lớn bằng những trận mưa gây nên trận lũ lịch sử năm 1999, nhưng việc các thủy điện đồng loạt xả lũ đột ngột với lượng lớn, có nơi chỉ báo cho dân là sẽ xả lũ trước 5 – 10 phút, khiến người dân vùng hạ du miền Trung trở tay không kịp.

Nhiều ĐBQH, chuyên gia đã lên tiếng về quy trình xả lũ của các hồ chứa thủy điện và mổ xẻ, tìm nguyên nhân gây ra lũ dữ. Tuy nhiên, trả lời báo chí, lãnh đạo một số cơ quan chức năng lại cho rằng thủy điện xả lũ đúng quy trình.

Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, Phó trưởng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tìm kiếm cứu nạn TP. Đà Nẵng, phân tích, trong đợt mưa lũ lớn lần này các thủy điện hoàn toàn không có tác dụng cắt lũ. Theo ông Thắng, thượng nguồn mưa lớn nên lượng nước lũ về các hồ thủy điện tăng đột biến, các hồ thủy điện buộc phải xả lũ, tuy xả đúng quy trình nhưng hạ du vẫn ngập nặng là vì các hồ chứa thủy điện không có tác dụng trữ nước cắt lũ.

“Các nhà máy xả lũ đúng quy trình, nhưng không phải quy trình đúng”, ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, tại kỳ họp thứ 9 khóa VIII, HĐND tỉnh Quảng Nam ngày 11/12, nhận định.

8. Hội nghị Trung ương lần thứ 8 đã thông qua Đề án đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục và đào tạo.

 

sự kiện nổi bật, thủy điện xả lũ, đúng quy trình, án oan Nguyễn Thanh Chấn, tử hình Dương Chí Dũng, thẩm mỹ viện Cát Tường, vứt xác bệnh nhân, lũ lớn, cải cách giáo dục
Học sinh Hà Nội trong ngày khai giảng. Ảnh: Lê Anh Dũng

Hội nghị TƯ lần thứ 8 đã nhất trí thông qua Đề án đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục và đào tạo có ý nghĩa quyết định. Đây được coi là tiền đề để đưa sự nghiệp giáo dục nước nhà sang một tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu CNH- HĐH đất nước, hội nhập quốc tế.

Về mục tiêu của đổi mới lần này, TƯ chỉ rõ, phải tạo cho được chuyển biến căn bản về chất lượng và hiệu quả giáo dục – đào tạo; khắc phục cơ bản các yếu kém kéo dài đang gây bức xúc trong xã hội.  Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, hết lòng phục vụ nhân dân và đất nước; có hiểu biết và kỹ năng cơ bản, khả năng sáng tạo để làm chủ bản thân, sống tốt và làm việc hiệu quả.

Để thực hiện mục tiêu nêu trên, phải thực sự coi giáo dục và đào tạo là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.

Trước thềm hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã khẳng định, ngành giáo dục coi lần đổi mới này như một “trận đánh lớn, nó xứng tầm như một cuộc cách mạng”.

9. Ngành y tế rúng động sau vụ bác sỹ vứt xác bệnh nhân

 

sự kiện nổi bật, thủy điện xả lũ, đúng quy trình, án oan Nguyễn Thanh Chấn, tử hình Dương Chí Dũng, thẩm mỹ viện Cát Tường, vứt xác bệnh nhân, lũ lớn, cải cách giáo dục
Vụ án bác sỹ vứt xác nạn nhân đã khiến toàn xã hội phẫn uất

Năm 2013, ngành y tế trở thành “điểm nóng” với hàng loạt vụ việc chấn động: bác sỹ ném xác bệnh nhân xuống sông tại thẩm mỹ viện Cát Tường (Hà Nội); nhân viên y tế “ăn” bớt vắc xin khi tiêm phòng trẻ em tại 70 Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội); Nhân bản xét nghiệm máu ở BV Hoài Đức (Hà Nội); Trẻ tai biến sau tiêm vắc xin…

Đặc biệt, vụ án bác sỹ vứt xác nạn nhân đã khiến toàn xã hội phẫn uất, hoang mang vì sự ra tay lạnh lùng của một bác sỹ được đào tạo bài bản. Từ đây, vấn đề y đức càng được đặt ra bức xúc.

Bộ Y tế đã cho tiến hành rà soát tất cả các thẩm mỹ viện trên toàn quốc, cũng như nhanh chóng cho lập “đường dây nóng” để người dân có thể phản ánh trực tiếp đến Bộ. Tuy nhiên, ở một đất nước vừa chào đón “công dân thứ 90 triệu” này, đó chỉ là những giải pháp tình thế.

Hàng loạt sự việc nghiêm trọng xảy ra khiến người dân đặt ra vấn đề vị tư lệnh ngành y tế cần phải cương quyết đưa ra một lộ trình chấn chỉnh, xử lý gấp.

10. Án oan Nguyễn Thanh Chấn gây chấn động nhân tâm

 

sự kiện nổi bật, thủy điện xả lũ, đúng quy trình, án oan Nguyễn Thanh Chấn, tử hình Dương Chí Dũng, thẩm mỹ viện Cát Tường, vứt xác bệnh nhân, lũ lớn, cải cách giáo dục
Vỡ òa niềm vui ngày ông Chấn được tha tù – Ảnh: Minh Quang

Sau hơn 10 năm kêu oan, cuối cùng ông Nguyễn Thanh Chấn (SN 1961, trú tại thôn Me, xã Nghĩa Chung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) cũng được trả tự do. Trước đó, ông Chấn đã bị kết án tù chung thân vì tội giết người, nạn nhân là chị Nguyễn Thị Hoan.

Ngày 26 và 27/7/2004, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án, tuyên y án sơ thẩm tội “Giết người”. Sau hơn 10 năm kêu oan, chỉ khi đối tượng Lý Nguyễn Chung ra đầu thú và khai nhận hành vi thì ông Chấn mới được minh oan.

Vụ án oan đã gây chấn động và khiến dư luận đặt ra hàng loạt nghi vấn về ép cung, mớm cung… của điều tra viên trong quá trình điều tra các vụ án hình sự.

“Tôi cho rằng đạo đức nghề nghiệp của điều tra viên cũng không kém gì y đức, vì họ là những người nắm giữ, định đoạt sinh mạng của người khác. Những vấn đề liên quan tới biên chế, áp lực công việc có ảnh hưởng đến những quyết định tố tụng hay không?”, ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) đặt câu hỏi.

VietNamNet

Nhìn lại 2013 – Kỳ vọng 2014:

Ấn tượng trong năm: Tầm vóc thời đại và sự tái sinh

Ấn tượng trong năm: Nỗi đau “thập kỷ” và tiếng gọi đáy sông

Việt Nam có thực tâm muốn cải cách

Kinh tế Việt Nam đang ở ngã ba đường

Vẫn ham hố dự án lắm tiền nhiều của

Vinashin giải thế, nợ để ai trả?

Việt – Trung: Sóng gió chẳng có lợi cho ai

Đúng quy trình là cách rũ bỏ trách  nhiệm

Có sự cố, chỉ ngay kẻ phải “giơ đầu” chịu

Một năm của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh

Bộ trưởng Tài chính và túi tiền quốc gia