Lưu trữ | 9:20 Chiều

Miền Tây trong thơ TRÚC THANH TÂM – Lê Thiếu Nhơn

7 Th6

Miền Tây trong thơ TRÚC THANH TÂM

  
Em xa Mộc Hóa theo chồng

Bỏ sông Vàm Cỏ đôi dòng ngược xuôi
Gò Đen, hun hút bóng đời
Hương thời con gái chưa rời thơ ta 

    1- AI CÒN NHỚ AI

    Vườn em rụng trắng hoa cau
    Ta treo trăng giữa Cù Lao Dung buồn
    Sóc Trăng ba ngã sông thương
    Người dưng khác họ, ai còn nhớ ai  !
 
    2- TRẮNG MÀU TAY THƠM   
    Chim chiền chiện hót vườn sau
    Em ngồi giặt áo trắng màu tay thơm
    Đón em những buổi tan trường
    Xe Lam Bình Thủy đâu còn, em xa !
 
    3- MỘT TRỜI NHỚ NHUNG 
    Năm mươi năm, gặp quê nhà
    Vườn cây trái, bóng mẹ cha xa rồi
    Ông Khâm, bàng bạc chiều rơi
    Cà Mau ơi, ngập một trời nhớ nhung  !
 
    4- THƯ TÌNH MỰC TÍM 
    Thư tình mực tím còn nguyên
    Luyến lưu đêm đó, ưu phiền đời nhau
    Mỹ Tho, bốn chục năm sau
    Thời gian trả lại bạc màu cố nhân  !
 
    5 – TỪ XA PHỐ NHỎ    
    Từ xa phố nhỏ Hộ Phòng
    Bạc Liêu bão rớt mặn lòng Vĩnh Châu
    Cá kèo kho mẳn, canh rau
    Ta thương cô gái Tiều Châu, để lòng  !
 
    6 – HƯƠNG THỜI CON GÁI
    Em xa Mộc Hóa theo chồng
    Bỏ sông Vàm Cỏ đôi dòng ngược xuôi
    Gò Đen, hun hút bóng đời
    Hương thời con gái chưa rời thơ ta !
 
    7 – MẮT AI VẪN BUỒN
    Một thời khói chiến mù xa
    Vị Thanh, Hỏa Lựu, bạn ta làm thầy
    Lòng chưa quên được Cái Nai
    Bao năm xa cách, mắt ai vẫn buồn  !
 
    8 – GIÂY PHÚT TẠ TỪ   
    Thuyền trăng ai kéo cánh buồm
    Chở giùm ta nhớ qua miền tương tư
    Hương yêu giây phút tạ từ
    Chia tay Rạch Giá, nhánh mù u đau  !
   
    9 – ĐỜI PHA TRONG RƯỢU
    Bên chiều Cao Lãnh mưa mau
    Cụng ly bằng hữu, biết màu thế nhân
    Mắt tình con gái Nha Mân 
    Đời pha trong rượu lan dần trong ta  !
  
    10 – THỜI GIAN GÕ NHỊP 
    Thời gian gõ nhịp phía xa
    Không gian để lạc hương hoa xuống trần
    Gió luồn qua phía sau lưng
    Trúc Giang đêm đó, bâng khuâng cả đời  !
 
    11 – XÔN XAO PHỐ LẠ
    Ao Bà Om, nắng tuyệt vời
    Xôn xao phố lạ bên người tình si
    Trà Vinh biển níu chân đi
    Mắt em như có điều gì, nói thêm  !
 
    12 – MỘT TRỜI TIẾNG VE
    Hẹn rồi, cố ý em quên
    Ta vô tình đợi, quen thêm một người
    Xa rồi, Tống Phước Hiệp ơi
    Trong ta vọng mãi một trời tiếng ve  !

    13 – BẠT NGÀN TRĂNG TREO  

    Đêm nầy thao thức lắng nghe
    Mưa từ An Phú, mưa về Núi Sam
    Theo kinh Vĩnh Tế mơ màng
    Ta treo trăng sáng bạt ngàn Thất Sơn  !
 
   
 

Dân chủ và chiến tranh – BS

7 Th6

Dân chủ và chiến tranh

Phan Thành Đạt 

Si les États démocratiques désirent naturellement la paix, les armées démocratiques, elles désirent naturellement la guerre.

(Nếu như các nước dân chủ về bản chất luôn muốn hòa bình, quân đội các nước này về bản chất lại muốn chiến tranh). Tocqueville, Bàn về nền dân chủ ở Mỹ

Con người đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trong thế kỷ 20, nhưng có lẽ những ám ảnh lớn nhất là kí ức về các cuộc chiến tranh, đặc biệt là Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, 10 triệu người chết, Chiến tranh thế giới thứ 2, 50 triệu người chết, Chiến tranh Triều Tiên, cuộc chiến tranh mà người Mỹ tiến hành ở Việt Nam… Với những thiệt hại to lớn về con người và của cải, các cuộc chiến trong thế kỷ 20 gây thiệt hại về sinh mạng bằng tổng cộng hàng nghìn cuộc chiến tranh trong suốt thời kỳ Trung Cổ. 

 

 Machiavel trong tác phẩm Le Prince (ông Hoàng) tỏ ra rất thất vọng về những tính cách xấu của con người, muốn thống trị con người, theo Machiavel, ông Hoàng cần phải xảo quyệt như một con cáo và ác như một con sói, cần phải có chiến tranh để đạt được mục đích của mình. Thomas Hobbes cũng cho rằng con người sống trong tình trạng tự nhiên, trong tình trạng này luôn xảy ra chiến tranh, kẻ mạnh lấn át kẻ yếu, vì con người cấu xé nhau như chó sói (l’homme est un loup pour l’homme). Xuất phát từ tư tưởng của Machiavel và Thomas Hobbes, các nhà nghiên cứu theo trường phái hiện thức đưa ra nhận xét : Quan hệ quốc tế giữa các nước là mối quan hệ vô chính phủ (1) vì thiếu những quy định nhằm điều phối và tổ chức các mối quan hệ quốc tế theo một trật tự nhất định. Raymond Aron nhận xét : « Tình trạng tự nhiên là đặc điểm của các mối quan hệ quốc tế vì không có một cơ quan nào có độc quyền áp đặt quyền lực hợp pháp ». Nếu theo quan điểm của Thomas Hobbes con người luôn cấu xé nhau như chó sói, các nhà nghiên cứu theo trường phái hiện thực cũng cho rằng điều này giống như tình trạng của các nước trên bình diện quốc tế, nước lớn chèn ép nước nhỏ, và kết quả là quan hệ quốc tế luôn diễn ra căng thẳng và nguy cơ chiến tranh luôn đe dọa các nước. Tuy nhiên điều này không đúng giữa các nước dân chủ với nhau vì quan hệ quốc tế giữa các nước này diễn ra rất tốt đẹp, không có nguy cơ chiến tranh. Các nước dân chủ có nhiều điểm tương đồng về lợi ích, các bất đồng có thể giải quyết bằng các biện pháp hòa bình.

Khi quan sát các cuộc chiến tranh kể từ đầu thế kỷ thứ 20 đến nay, chúng ta nhận thấy một đặc điểm cơ bản, các cuộc chiến tranh thường xảy ra giữa các nước thiếu dân chủ với nhau, hoặc giữa các nước dân chủ với các nước không dân chủ, hiếm khi chiến tranh diễn ra giữa các nước dân chủ với nhau. Ví dụ chiến tranh giữa các nước thiếu dân chủ: Chiến tranh Irak-Iran từ 1980 đến 1988, chiến tranh Triều Tiên năm 1953, chiến tranh giữa Liên bang Xô Viết với Đức Quốc Xã từ 1943 đến 1945, chiến tranh giữa Liên bang Xô Viết với Afganistan năm 1978, Chiến tranh biên giới giữa Trung Quốc với Việt Nam trong các năm 1979 và 1984…

Ví dụ về chiến tranh giữa các nước dân chủ với các nước không dân chủ: Chiến tranh vì chủ quyền đảo Malouines giữa Anh và Argentine năm 1980, chiến tranh giữa Mỹ và Irak năm 2003, chiến tranh giữa Mỹ và các đồng minh với Taliban, chiến tranh giữa Ấn độ và Trung Quốc, chiến tranh giữa Israel với các nước Ả Rập. Từ các ví dụ trên, các chuyên gia về quan hệ quốc tế xây dựng lí thuyết (2) về nền hòa bình giữa các nước dân chủ.                                                              

Họ nhận xét các nước dân chủ không gây chiến tranh với nhau và các nước này giải quyết các mâu thuẫn bằng giải pháp thương lượng để duy trì hòa bình. Nếu giữa các nước dân chủ không có chiến tranh với nhau, không có nghĩa là các nước dân chủ không muốn chiến tranh mà ngược lại, các nước này sẵn sàng muốn có chiến tranh với các nước thiếu dân chủ, để bảo đảm các giá trị tự do và các quyền lợi của họ. Ba câu hỏi quan trọng cần phải làm sáng tỏ :

1. Nguồn gốc của lý thuyết « xây dựng nền hòa bình giữa các nước dân chủ » ?        

2. Vì sao các nước dân chủ không gây chiến tranh với nhau ?

 3. Vì sao các nước dân chủ hay gây chiến tranh với các nước không dân chủ?

 I. Cơ sở lý thuyết về một nền hòa bình giữa các nước dân chủ

 Nhà triết học người Đức Emmanuel Kant đề xuất ý tưởng nhằm xây dựng một nền hòa bình bền vững. Ông có quan điểm rất tiến bộ về các giá trị tự do và dân chủ, tư tưởng của ông sau này được nhiều nhà lãnh đạo phương Tây tiếp thu. Emmanuel Kant đã chứng kiến các cuộc chiến tranh giữa các nước Châu Âu và cũng là người tìm hiểu về cuộc cách mạng tư sản Pháp năm 1789, ông đưa ra nhận xét về quan hệ giữa các nước, đặc biệt là các cường quốc, theo ông các nước luôn ở trong tình trạng chiến tranh, ngay cả khi các bất đồng chưa bộc lộ, nguy cơ chiến tranh luôn là mối đe dọa thường trực đối với con người, nhận xét này khá giống với Thomas Hobbes, tuy nhiên ông không bi quan như Thomas Hobbes.

Ông tin rằng mọi thứ có thể thay đổi nếu như con người luôn tôn trọng một số điều kiện quan trọng. Quan điểm của ông góp phần xây dựng một nền hòa bình lâu dài, những suy nghĩ của ông về hòa bình được phản ánh qua tác phẩm Về nền hòa bình vĩnh cửu (Vers la paix perrpétuelle), xuất bản năm 1795. Emmanuel Kant tin rằng để có hòa bình, Hiến pháp dân sự của mỗi nước phải là Hiến pháp của nền cộng hòa. Ông cũng như một số nhà tư tưởng thời kì ánh sáng, phủ nhận nền dân chủ trực tiếp của Athène vì nền dân chủ Hy lạp cổ dễ dẫn đến chế độ bạo chúa và độc tài. 

 Nền cộng hòa gắn liền với dân chủ gián tiếp sẽ tốt hơn, công dân sẽ lựa chọn được các đại diện ưu tú để điều hành đất nước. Nền cộng hòa cũng giảm được nguy cơ chiến tranh bởi vì các công dân chọn ra các nhà lãnh đạo, họ đóng góp các khoản thuế để xây dựng Nhà nước, họ cũng nuôi sống các nhà lãnh đạo để bênh vực và duy trì hòa bình cho họ, sẽ thật vô lí khi nhà lãnh đạo gây chiến tranh và tuyển mộ các công dân đi lính. Nếu họ chết trên chiến trường sẽ không có người đóng thuế và cũng không có người nuôi các nhà lãnh đạo nữa. Hơn nữa chiến tranh luôn gắn liền với tàn phá và chết chóc. Chiến tranh sẽ phá hủy những thành quả của nền cộng hòa. Do vậy, để duy trì nền cộng hòa, các nhà lãnh đạo đại diện cho công dân cần tránh chiến tranh. Ngược lại với chế độ cộng hòa là chế độ độc tài, đối với nhà độc tài, quyết định gây chiến là điều rất dễ dàng. Vì nhà lãnh đạo khi đó không phải là người đại diện cho công dân mà là người sở hữu Nhà nước, nếu có chiến tranh, nhà lãnh đạo không có mất mát gì, vì vậy nhà độc tài có thể tuyên bố chiến tranh vì những lí do rất đơn giản.

Để có 1 nền hòa bình lâu dài, quyền của người dân cần được dựa trên một liên bang tự do (ý tưởng ban đầu của Emmanuel Kant về các liên bang rộng lớn, các tổ chức quốc tế và khu vực, con người có thể sống trong hòa bình nhờ có các quy chế quốc tế ngăn chặn chiến tranh, các bất đồng cần được giải quyết bằng luật quốc tế).

Emmanuel Kant khuyến cáo các nước cần xây dựng và tuân thủ các quy định quốc tế trong giao thương hàng hóa. Mỗi nước có quyền tự do trao đổi buôn bán với nước khác, nhưng không có quyền áp đặt việc giao thương hàng hóa cho nước khác, các nước không có quyền chinh phục nước khác để mở rộng thị trường. Ông phê phán chủ nghĩa thực dân.

Ý tưởng của Emmanuel Kant giống với quan điểm của Montesquieu về một nền hòa bình có thể đạt được thông qua giao thương hàng hóa. Montesquieu trong cuốn Tinh thần luật, 1748 (de l’esprit des lois, tome 2) đưa ra nhận xét giao thương hàng hóa sẽ tránh được những nguy cơ về chiến tranh, đó là quy luật chung, ở những nơi, luật lệ ít trói buộc con người và đề cao tự do, ở đó có giao thương và ở những nơi có giao thương hàng hóa, ở đó luật lệ sẽ ít trói buộc con người. Việc trao đổi buôn bán sẽ khiến con người văn minh và luật pháp sẽ trở nên nhân đạo nhằm phục vụ con người. Tocqueville bổ sung thêm về quyền sở hữu có liên hệ đến hòa bình, vì sở hữu tài sản cũng là nguyên nhân khiến con người không muốn có chiến tranh.

Ý tưởng của Emmanuel Kant được người Mỹ tiếp thu, Tổng thống Mỹ Wilson là người thực hiện bằng cách đề nghị với các nước tại Hội nghị Versailles, thành lập Hội Quốc Liên, sau này Tổng thống Roosevelt tiếp tục đề nghị thành lập Liên Hiệp Quốc để duy trì hòa bình.

Lý thuyết về một nền hòa bình giữa các nước dân chủ  xuất phát từ tư tưởng triết học của Emmanuel Kant, được bổ sung thêm bằng những nhận xét của các nhà học nghiên cứu về quan hệ quốc tế. Tuy nhiên khi xem xét lịch sử của Hy Lạp và La Mã, chúng ta sẽ nhận thấy mối liên hệ giữa dân chủ, nền cộng hòa và hòa bình gần như không có liên quan.

 Nền Cộng hòa La Mã chuyển thành đế chế La Mã, chuyên đi chinh phục các nước khác, Athène có thể chế dân chủ nhưng cũng thường xuyên có chiến tranh với Sparte và Ba Tư. Lý thuyết này có cơ sở trong giai đoạn hiện tại và có tính thuyết phục hơn, một khi các nước có nền dân chủ lâu đời được thể hiện bằng Nhà nước pháp quyền, ở đó các quyền cơ bản của con người được tôn trọng, nguyên tắc tam quyền phân lập được áp dụng triệt để. Khi đó có thể khẳng định, các nước dân chủ tiêu biểu khi có bất đồng, sẽ tìm giải pháp hòa bình.

II. Các nước dân chủ tìm giải pháp thương lượng thay vì giải quyết bất đồng bằng chiến tranh

A. Một số ví dụ về giải pháp thương lượng thay vì chiến tranh

1.Khủng hoảng Vénézuéla 

Vénézuéla có biên giới ở phía đông với thuộc địa của Anh. Vénézuéla có tranh chấp biên giới với vùng này. Mỹ khi đó đang áp dụng học thuyết Monroe, học thuyết này quy định nước Mỹ có vai trò quan trọng ở Châu Mỹ, tránh can thiệp của Châu Âu, các vấn đề của người Châu Âu không liên quan ở Châu Mỹ. Mỹ và Anh đã giải quyết khủng hoảng bằng thương lượng ngoại giao.

2. Tranh chấp Fachoda  

Anh và Pháp là hai nước ganh đua trong công cuộc chinh phục các vùng thuộc địa tại Châu Phi. Quân Pháp có mặt ở cao điểm Fachoda ở miền Nam Soudan trước, nhưng lực lượng ít, quân Anh đến sau, lực lượng đông hơn đã giành lại cao điểm này. Nguy cơ chiến tranh có thể xảy ra, nhưng Anh và Pháp đã thương lượng được bằng biện pháp ngoại giao.

3. Khủng hoảng do bồi thường chiến tranh

Nước Đức thua trận và phải bồi thường chiến tranh, theo thỏa thuận tại Hội nghị Versailles, Đức phải trả Pháp bằng các nguồn nguyên liệu, Đức từ chối không thực hiện. Pháp cử quân đội đến khu công nghiệp Ruhr năm 1923 bắt nước này phải thực hiện cam kết. Nguy cơ chiến tranh có thể xảy ra. Hai nước đã giải quyết bất đồng bằng thỏa hiệp.

B. Luật pháp và các nguyên tắc tổ chức trong Nhà nước dân chủ giảm bớt nguy cơ chiến tranh

Qua các ví dụ trên, các nhà phân tích đi tìm nguyên nhân vì sao các nền dân chủ lớn luôn tìm được giải pháp thương lượng hòa bình để giải quyết các tranh chấp, cho nên nguy cơ chiến tranh ít có khả năng xảy ra. Nếu xung đột tương tự giữa các nước thiếu dân chủ, nguy cơ chiến tranh giữa các bên sẽ diễn ra. Một số lí do được nêu ra :

Các nước dân chủ đều có hệ thống luật pháp hoàn chỉnh, Hiến pháp quy định các quyền cơ bản của con người, tôn trọng các quyền này là một trong những điều kiện không thể thiếu ở các thể chế dân chủ. Trong các cuộc chiến tranh, các quyền cơ bản nhất như quyền được sống, quyền được tôn trọng về nhân phẩm, quyền sở hữu…Tất cả sẽ bị vi phạm. Raymond Aron nhận xét : « Trong chiến tranh, nhà ngoại giao nói những điều nhân danh Nhà nước, người lính có quyền bắn giết nhân danh Nhà nước ». Chiến tranh giữa các nền dân chủ với nhau sẽ là điều vô lí, vì một nước tôn trọng và đề cao quyền con người không thể đi gây chiến với một nước khác cũng tôn trọng quyền con người. Nhà lãnh đạo ở một nước dân chủ sẽ khó giải thích với công dân của mình việc gửi quân đội đến một nước dân chủ khác nơi mà quyền con người được tôn trọng đầy đủ. Chiến tranh giữa hai nước dân chủ là điều vô lí và không chấp nhận được. Nhưng ngược lại, việc đem quân đến một nước độc tài, vi phạm nghiêm trọng quyền con người, sẽ thuyết phục được người dân hơn, vì chiến tranh trở nên cần thiết để thiết lập dân chủ bằng cách lật đổ độc tài. Nhà lãnh đạo dựa vào điều này để thuyết phục công dân của mình ủng hộ chiến tranh. Ví dụ Mỹ và đồng minh tiến hành cuộc chiến ở Afganistan nhằm lật đổ chế độ độc tài Taliban. Chế độ này áp dụng những đạo luật khắt khe trừng phạt con người, như luật Charia và các hủ tục dã man có từ lâu đời, ví dụ người thân trong gia đình và hàng xóm có quyền ném đá chết người phụ nữ ngoại tình, gây tổn hại đến danh dự người khác.

Hiến pháp các nước dân chủ khẳng định nguyên tắc tam quyền phân lập và quyền tuyên bố chiến tranh thuộc về Nghị viện, quyền thực hiện giao cho Tổng thống. Quyền lực được phân chia và bị kiểm soát chặt chẽ. Nhà lãnh đạo muốn tiến hành chiến tranh buộc phải thảo luận, hỏi ý kiến nhiều bên. Nhà lãnh đạo cũng phải nghe ngóng xem dư luận xã hội ủng hộ hay phản đối chiến tranh. Họ không thể quyết định chiến tranh trong một thời gian ngắn. Với các quy định như vậy các nước dân chủ không thể tiến hành chiến tranh sớm. Trong khoảng thời gian đó, các nỗ lực ngoại giao sẽ được tiến hành để tránh nguy cơ chiến tranh giữa các bên. Nghị viện cũng là cơ quan quyết định về ngân sách cho chiến tranh, cơ quan này sẽ quyết định nên tiếp tục duy trì hay từ bỏ chiến tranh. Nếu chiến tranh không đem lại lợi ích, Nghị viện sẽ không phê chuẩn luật về chiến tranh do đó Tổng thống phải từ bỏ kế hoạch của mình. Với cơ chế phân quyền hợp lí, và hệ thống luật pháp đầy đủ, các nước dân chủ đã hạn chế được chiến tranh với nhau.

Dư luận xã hội và sức ép của các tổ chức dân sự trong thể chế dân chủ có ảnh hưởng rất lớn đến các quyết định về chiến tranh. Giả thiết nếu có chiến tranh giữa các nước dân chủ với nhau, hay giữa một nước dân chủ với một nước thiếu dân chủ, chiến tranh càng lâu, dư luận xã hội càng ghét chính quyền vì chi phí chiến tranh cũng là tiền thuế của công dân. Hơn nữa ở các nước dân chủ, quyền tự do ngôn luận và quyền biểu tình được đảm bảo.

Người dân chứng kiến những hình ảnh đau thương gây ra do chiến tranh qua các phương tiện thông tin đa chiều, họ sẽ phản đối nhà cầm quyền, nhờ báo chí tự do, nhận thức của người dân về chiến tranh được nâng cao. Các cuộc biểu tình sẽ nổ ra, nhiều ý kiến phản đối chiến tranh của các nghệ sĩ tên tuổi hay những người lính trở về từ chiến trường, họ chứng kiến trực tiếp những thiệt hại do chiến tranh gây ra, họ trở thành những người phản đối chiến tranh quyết liệt nhất. Đối mặt với sức ép của xã hội dân sự, chính quyền sẽ hạn chế các thông tin về chiến tranh, bắt giam một số nhà báo đưa nhiều tin bất lợi, giải tán biểu tình. Tuy nhiên, ở các nước dân chủ, các tổ chức dân sự là lực lượng đối kháng với chính quyền mỗi khi chính quyền có các hành động không minh bạch. Kết quả là, các biện pháp của chính quyền chỉ thêm dầu vào lửa và sức ép của xã hội ngày càng tăng. Nhà nước dân chủ phải hành động do dân vì dân, do đó Nhà nước quyết định từ bỏ chiến tranh và thuận theo nhân dân. Như vậy là trong nền dân chủ, nhân dân đã chiến thắng Nhà nước.

III. Các nước dân chủ dễ có chiến tranh với các nước độc tài

Chiến tranh ít khi xảy ra giữa các quốc gia dân chủ, đặc biệt là các nước có nền dân chủ lâu đời, có văn hóa chính trị và văn hóa dân chủ tương đồng như Mỹ, Anh, Pháp, Đức. Tuy nhiên các nước dân chủ thường xuyên có chiến tranh với các nước thiếu dân chủ. Vì Nhà nước dân chủ muốn bảo vệ các quyền tự do và các giá trị văn hóa đạt được nhờ có dân chủ, nếu như các nước độc tài chiến thắng, các thành quả có được sẽ bị đe dọa, do đó các nhà lãnh đạo sẵn sàng gây chiến với các chế độ chính trị khác với chế độ dân chủ. Ví dụ Mỹ đã tham gia Chiến tranh thế giới lần thứ nhất để cứu Pháp và Anh. Khi đó người Mỹ vẫn đang áp dụng chính sách Monroe, không can thiệp vào công việc nội bộ của Châu Âu. Tổng thống Wilson cho rằng cần phải cứu hai nền dân chủ lớn là Pháp và Anh để giữ ổn định.

 Nước Mỹ đã tham gia chiến tranh bên cạnh Anh và Pháp chống lại Đức và đế chế Áo- Hung. Nước Đức khi đó là một nước dân chủ, nhưng những chính sách đối ngoại lại phản ánh đặc điểm của chế độ quân phiệt. Do đó nước Đức chưa phải là nền dân chủ vững chắc, chưa có cơ chế kiểm soát quyền lực hợp lý, kết quả là một số sĩ quan, tướng lĩnh, và một số những người theo chủ nghĩa dân tộc cầm quyền và phát động chiến tranh.

Khi một nước dân chủ và một nước độc tài có xung đột về lợi ích, giải quyết các bất đồng thường rất khó khăn giữa các bên do hệ thống luật pháp, văn hóa chính trị và ngoại giao giữa hai bên khác nhau, do đó các cố gắng của 2 phía dễ lâm vào bế tắc. Trong thể chế không dân chủ, quyền lực tập trung trong tay một số người, hay trong tay một người duy nhất, cho nên việc tuyên bố chiến tranh sẽ dễ dàng. Chiến tranh giữa các nước thiếu dân chủ hay giữa các nước dân chủ với các nước thiếu dân chủ  rất dễ xảy ra, do không có cơ chế giám sát quyền lực. Ví dụ Saddam Hussein xâm chiếm Koweit vì tranh chấp giá dầu lửa. Mỹ và đồng minh đánh Irak theo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc vì Irak từ chối rút khỏi lãnh thổ Koweit theo thời hạn được Liên Hiệp Quốc đưa ra. Nếu Irak là nước dân chủ, chiến tranh giữa Mỹ và Irak rất có thể tránh được thông qua các biện pháp ngoại giao hòa giải.

Lí thuyết về nền hòa bình gắn với dân chủ về cơ bản có cơ sở, tuy nhiên cũng có các trường hợp ngoại lệ. Hơn nữa, lí thuyết này bị sử dụng như một công cụ với mục đích kinh tế và tăng cường vị thế chiến lược của các cường quốc, đây cũng là mặt trái của lí thuyết này, nhằm tạo điều kiện cho các nước can thiệp quân sự, vi phạm chủ quyền lãnh thổ của nước khác. Clinton đã đánh giá : «Để nhiều nước trên thế giới trở thành các nước dân chủ, cần phải nghĩ đến chiến tranh nhân danh hòa bình, chiến tranh để lật đổ các nhà độc tài và thiết lập nền dân chủ mới». A. Lake gọi lí thuyết này là thuyết quân cờ domino về dân chủ, theo đó các chế độ độc tài sẽ lần lượt sụp đổ, các nền dân chủ mới sẽ ra đời. Nhưng khi có chiến tranh, dân thường và người lính phải chịu nhiều thiệt thòi nhất, còn các nhà lãnh đạo không bị mất mát gì, thậm chí, uy tín của họ còn được củng cố hơn, nếu họ chiến thắng.

 –

Ghi chú 

Bài viết này phản ánh lí thuyết về một nền hòa bình giữa các nước dân chủ phương Tây. Các nhà chính trị học phương Tây như Dario Battistella (Pháp) Michael Doyle, Bruce Russett… bảo vệ lý thuyết này, một số học giả khác phê bình lí thuyết này, tuy nhiên nhìn vào thực tế lí thuyết này có cơ sở vững chắc trong mối quan hệ giữa các nước có nền móng dân chủ vững chắc, đối với các nước dân chủ mới lí thuyết này chưa thuyết phục được. Đặc biệt lí thuyết này chỉ đúng trong giai đoạn lịch sử hiện đại.

Giáo sư Dario Battistella, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế hàng đầu của Pháp xếp cuộc chiến tranh biên giới 1979 giữa Việt Nam và Trung Quốc, là cuộc chiến tranh giữa các nước thiếu dân chủ (theo lí thuyết này). Tuy nhiên đối với hoàn cảnh lịch sử Việt Nam, cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 nhằm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam là cuộc chiến chính nghĩa, mặc dù nguyên nhân ban đầu là bất đồng quan điểm giữa các nhà lãnh đạo cộng sản về đường lối đối ngoại… Nhưng khi quân đội Trung Quốc xâm lấn lãnh thổ, phá hoại tài sản và giết hại dân lành, khi đó cuộc chiến tranh của Việt Nam có ý nghĩa tự vệ để giữ vững chủ quyền như các cuộc chiến tranh thời phong kiến hay các cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp. 

Một số từ cần làm rõ nghĩa :

1. Anarchie (vô chính phủ) đến từ danh từ anarkhia trong ngôn ngữ hy lạp, từ này miêu tả tình trạng những người lính trên chiến trường, không biết phải làm gì, vì người chỉ huy của họ bị giết. Quan hệ của các nước trên bình diện quốc tế cũng ở trong tình trạng anarkhia, nghĩa là không có một cơ quan nào cao hơn Nhà nước để quy định những việc Nhà nước cần làm và không được làm. Liên Hiệp Quốc là tổ chức hợp tác quốc tế, nhưng do các nước lập ra, do đó quyền lực của tổ chức này cũng có giới hạn.

2. Théorie (lí thuyết), từ này cũng có nguồn gốc từ tiếng hy lạp : Theoros,    có nghĩa là khán giả, người quan sát và tỏ ra say sưa về sự kiện hay một việc gì đó, sau đó miêu tả và tìm hiểu cụ thể đặc điểm của sự kiện.

P.T.Đ.

 

    • infooption
    • Click here to enable the button
      Twitter Dummy Image
    • Click here to enable the button
      Facebook Dummy Image

When you activate these buttons by clicking on them, some of your personal data will be transferred to third parties and can be stored by them. More information here.

This entry was posted on Friday, June 7th, 2013 at 16:44 and is filed under Chính trị, Dân chủ/Nhân Quyền. You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0 feed. You can leave a response, or trackback from your own site.

One Response to “1822. Dân chủ và chiến tranh”

 
  1. Anonymous says:

    Không nhất thiết dân chủ, không dân chủ tạo ra chiến tranh. Bản chất con người vốn mang bản chất chiến tranh. Hòa bình chỉ là tạm thời, ngắn hay dài phụ thuộc bản chất ấy ở hai thuộc tính: tham lam và tức giận.
    Chế độ dân chủ có khả năng kềm chế tham lam, tức giận hữu hiệu hơn chế độ độc tài. Những người lãnh đạo chế độ độc tài dễ phát điên, mất bình tĩnh và giàu tham vọng ta đây hơn các nhà lãnh đạo chế độ dân chủ.
    Ngày nay, quốc gia nào cũng muốn sở hữu nhiều vũ khí tối tân, hủy diệt cao để gọi là bảo vệ hòa bình bằng phương pháp răn đe, khác gì các loài động vật biểu dương sức mạnh trước khi lâm trận. Chạy đua vũ trang như hiện tại không phải là giải pháp ôn hòa, mà nhằm để trừng trị những kẻ nào không liệu sức mình mà lại muốn xưng bá. Chiến tranh là một phần không thể thiếu của cuộc sống.

BÀ GIÀ ĐI KHIẾU KIỆN – BVB

7 Th6

BÀ GIÀ ĐI KHIẾU KIỆN

 
 
 
* BÙI VĂN BỒNG
 
Bà già ngồi bên hè phố
Ôm khư khư bó đơn khiếu kiện
Mắt nhòe nhoẹt
choáng ngợp đường xe
Và móc tiền lẻ …
Đếm…
Đếm thời gian cuộc đời đi và đến
Đếm những cháu con côi cút nối đời
Đếm những bão giông, lũ tràn mùa vụ
Đếm những bước chân quân đi, quân về
Đếm những loạt pháo rụng rời đêm xóm ấp
Đếm những cháu con hy sinh vì nước          
       
                                                          
 
Đếm từng bông lúa củ khoai
Đếm từng vuông đất thừa tự
Đếm những lo buồn trăn trở
Đếm tình thương và nỗi nhớ
Đếm tất bật chợ phiên chợ chiều
Đếm những cái nhìn vô cảm hoặc lạnh tanh
Đếm công sở cả chục năm vác đơn khiếu kiện…
 
Lợi quyền – mong ước cả đời
Lợi quyền – đấu tranh và thề thốt
Lợi quyền – nước mắt, mồ hôi
Và nữa, lợi quyền – máu ai đã đổ…
 
Đất – cha ông để lại
Đất – quanh năm gieo trồng gặt hái
Một chiều tê tái
Rùng rùng đội quân cưỡng chế thu hồi
“Của cha ông bay sao mà dám chiếm
Thu cho ai, hồi đi đâu?”…
 
Chân lý với công bằng
Lợi quyền và lẽ phải
Minh bạch và ngang trái…
 
Cả những tất bật cuối đời sinh nhai
Bà đếm, và lại đếm…
Chất chồng oan khuất
Băng bật dân chủ, văn minh
Mất đất, trắng tay côi cút một mình
 
Ai cùng lo và ai thấu hiểu?
Trái tim già hóa đá
Lá vàng rơi phố lạ
 
Trong khung cửa những cao ốc văn phòng kia
Trên những tozota bóng loáng kính màu
Và cả dòng xe vội vù trên phố
Có ai biết
Bà đang nhặt nắng chiều sưởi ấm cuối thu
Bà ngồi đếm và chăm nuôi hy vọng
Đếm cả những kiên tâm cuối đời !
BVB

Về chuẩn mực thẩm định thơ – Trần Nhương

7 Th6

Về chuẩn mực thẩm định thơ

Vũ Quần Phương
 

Thứ năm ngày 6 tháng 6 năm 2013 7:44 PM


Tham luân tại hội nghị phê bình, Tam Đảo 6-2013

 
 Tôi xin phép được nói trong phạm vi hẹp, về thơ và phê bình thơ. Tôi có cảm giác lĩnh vực sáng tạo này đang có trục trặc nào đó, biểu hiện bằng một số nghịch lý sau đây
:
1. Người xuất bản thơ đông lên, mỗi năm ước khoảng một nghìn tập, nhưng tác phẩm hay, có sức thu hút độc giả lại hiếm. Ấn phẩm thơ thuộc mặt hàng không bán được. Nhiều hiệu sách không bán nhận bán thơ

2. Số lượng các giải thưởng tăng lên. Giải của các hội trung ương rồi giải của các tỉnh thành, các ngành. Riêng về thơ hàng năm cũng có hàng dăm ba trăm người được giải. Ngay giải thưởng cấp quốc gia là giải Nhà nước và giải Hồ Chí Minh cũng trao phát khá rộng rãi. Riêng về thơ tính trung bình hàng năm tơi 4 người đoạt giải này. Chẳng lẽ vì giải thơ ngày một nhiều mà người đọc thơ ngày một hiếm.  Các giải thưởng mất dần tác dụng cổ võ giới thiệu. Nhận xét cao hứng của ai đó rằng nước ta là một cường quốc thơ, có lẽ phải nói rõ là cường quốc hăng hái làm thơ nhưng lại kinh hãi đọc thơ.

3. Việc luận bàn về thơ, tiêu chí đánh giá thơ rất phân tán. Đó là điều hay trong ý nghĩa dân chủ và phong phú về khuynh hưởng thẩm mỹ. Nhưng lại không hay về ngưỡng tri thức trong các lập luận. Những nhận định cảm tính thô sơ, những sùng ngoại thô thiển, niềm tự hào hãnh tiến, sự ngạo mạn hoang tưởng… song song hiện diện ở tư thế thừa thắng xông lên mà không sợ còi việt vị trên đủ các phương tiện truyền thông công vụ hoặc tư nhân. Những bài bình luận về tác giả tác phẩm rất rộng rãi lời khen và ồn ào chữ nghĩa không thua gì các quảng cáo thực phẩm chức năng trên Tivi. Câu lạc bộ thơ vốn là nơi tập hợp rộng rãi những ai thích thơ cũng tự đặt ra huân chương Vì sự nghệp thơ ca Việt Nam và trao tặng ngang với nghi thức trao huy chương vì sự nghiệp y tế, vì sự nghiệp giáo dục của các bộ chuyên môn trong chính phủ. Lạm phát thành mất giá. Hậu quả là bạn đọc không tin vào phê bình thơ, huân chương thơ đã đành mà thờ ơ luôn cả với thơ.

 Kể lể cho đủ các hiện tượng nghịch lý thì dài lắm, nhưng chỉ bấy nhiêu thôi cũng cho thấy tình hình sáng tác lẫn thẩm định thơ đang ở mức báo động, có người gọi đó là tình trạng loạn chuẩn. Gọi thế cũng có lý, cả lý hay lẫn lý dở. Hay ở chỗ nhiều chuẩn thì hơn là chỉ một chuẩn, còn dở là nhiều nhưng loạn. Điều cần làm lúc này lại là khảo sát nguyên nhân và giải quyết hiện trạng loạn ấy, cốt sao giúp cho người yêu thơ chọn được các tập thơ đáng đọc, nên đọc và giúp cho người làm thơ tìm ra độc giả tri kỷ của mình.

 Thành thật tôi rất e ngại xới lên hiện trạng này. Bởi lẽ tôi vốn là người làm thơ, tất cả những vụng dại của người làm thơ tôi đều trải nghiệm. Còn thẩm định thơ, nhà thơ nào chẳng là nhà thẩm định dù không viết phê bình hay tiểu luận. Những dòng viết này là lời đề đạt và cũng là lời tự thú, nẩy sinh từ một công việc mà tôi theo đuổi đã tới nửa thế kỷ, mong các bạn độ lượng cho nếu có những quan sát nào chưa thấu đáo.

1. Việc thẩm định thơ của ban giám khảo các loại giải thưởng chưa chính xác dẫn đến việc biểu dương những tập thơ, những tác giả không thật sự có tài năng. Mới đầu công chúng thơ còn có phản ứng tranh luận, sau rổi mọi người thất vọng, thờ ơ. Giải thưởng mất chức năng phát hiện nhân tài, đương nhiên dẫn đến nhiều cách bình giá khác, cách phát hiện khác.
  Phẩm chất ban giám khảo, bao gồm năng lực chuyên môn, sự trung thực của từng thành viên giám khảo và phương pháp làm việc của toàn ban giám khảo. Hiện nay việc biểu lộ ý kiến thường bằng bỏ phiếu kín và kết quả thuộc về người được nhiều phiếu thuận.
  Dùng phiếu kín giúp cho người chấm được độc lập trong nhận định và hoàn toàn tự do bộc lộ ý kiến của mình. Nhưng cũng có một bất lợi là họ không chịu trách nhiệm về phẩm chất thầm định của mình. Một ai đó không có năng lực đánh giá thơ hoặc bị chi phổi từ càm tính yêu ghét hay từ lợi ích nhóm, lá phiếu thẩm định của họ vẫn nguyên giá trị hợp lệ và phầm chất giám khảo của họ cũng xếp ngang với mọi người.
  Nhưng tại sao không có năng lực đánh giá mà lại được mời làm giám khảo. Đây là hậu quả của một nhầm lẫn kéo dài đã lâu. Đó là nhầm lẫn chức năng giữa ban tổ chức giải thưởng và hội đồng thẩm định. Thí dụ giải thưởng cấp quốc gia do chủ tịch nước ký tặng, ban tổ chức giải thưởng ở cấp chung khảo phải thuộc bộ văn hóa, do chính bộ trưởng làm trưởng ban. Luật hành chính là phải như thế. Nhưng coi ông bộ trưởng là người có năng lực đánh giá cao nhất về phẩm chất thơ của một tác phẩm hay một nhà thơ là bất cập, trừ trường hợp ông bộ trưởng vốn là một nhà thơ lớn hay nhà phê bình thơ tin cậy. Việc đánh giá chất lượng thơ phải thuộc về một hội đông thẩm định, do ban tô chức giải lập ra, tập hợp những người có chuyên môn tin cậy về lĩnh vực này. Hội đồng thẩm định bằng các thao tác chuyên môn của mình tạo nên kết quả thẩm định. Ban tổ chức giải sử dụng kết quả này cùng các tiêu chí về nhân thân thí sinh và tôn chỉ mục đích của giải thưởng để bỏ phiếu xếp loại.
  Trước khi bỏ phiếu ở Hội đồng chuyên môn hay ở Ban tổ chức giải đều qua thảo luận công khai, các thành viên đều phải có ý kiến và có bản nhận xét để lưu lại trong hồ sơ giải. Nội dung bản nhận xét phải đồng nhất với ý kiến lúc thảo luận và được biểu lộ trong phiếu kín. Yêu cầu này thể hiện phẩm chất trung thực của thành viên thẩm định. Loại trừ hiện tượng thảo luận công khai thì ủng hộ nhưng khi bỏ phiếu kín lại phủ định.
  Với giải thưởng hàng năm của Hội nhà văn, thành viên ban thẩm định chọn từ Hội đồng thơ có bổ sung những hội viên ngoài hội đồng là những nhà thơ nhà phê bình có nhiều bài nhận định về thơ xác đáng trong năm đó. Ban tổ chức giải thì cấu tạo từ ban chấp hành, cố nhiên không phải là tất cả thành viên chấp hành, và một số hội viên khác. Các ban này thay đổi nhân sự theo từng năm và chỉ công khai danh tính khi công bố kết quả.
  Phẩm chất của ban chấm giải sẽ tạo nên giá trị của giải và tính thuyêt phục của giải cũng tạo uy tín cho ban chấm giải. Cơ chế ấy dần dần tạo nên chuẩn mực cho công tác thẩm định.
  Trong những trường hợp cần thiết còn có thể lập hội đồng phản biện giúp cho chung khảo.
  Căn cứ thành tựu văn học hiện nay và các giải thưởng đã trao, có nên thu bớt lượng giải thưởng hiện hành, nhất là các giải thưởng có tính quốc gia như giải Nhà nước và giải Hồ Chí Minh. Ví cứ đà này thì không biết lấy người đâu ra mà tặng mãi. Tốn tiền dân mà rất ít hiệu quả khích lệ sáng tác.
  Việc kết nạp hội viên cũng cần có cách thẩm định khoa học và minh bạch như vậy.

2 Hội nhà văn Việt Nam, thông qua các cơ quan ngôn luận của mình, phải tạo được diễn đàn công khai lôi cuổn các nhà chuyên môn bộc lộ các quan điểm sáng tác và bình luận thơ có phẩm chất khoa học, gắn bó với đời sống xã hội, thể hiện dấu ấn tâm hồn dân tộc, đồng hành chia xẻ với vui buồn, bức xúc của cộng đồng. Triệt tiêu các mưu toan bè phái, những lợi ích nhóm chật hẹp, lạm dụng chiêu bài hội nhập để nông nổi sùng ngoại vô lối, lai căng , lập dị, từ bỏ tinh hoa thơ ca dân tộc và nhu cầu tinh thần của bạn đọc đương thời. Hậu quả của thời gian bao cấp tư tưởng, cách bức với thơ văn toàn thể nhân loại, quả có gây nên tâm lý hốt hoảng khi tiếp xúc với các trào lưu thơ và phê bình của thế kỷ thứ XX. Một số công trình nghiên cứu thơ dưới ảnh hưởng của các trào lưu hình thức Nga, bác ngữ Đức, ý thức Thụy Sỹ hay các học thuyết phân tâm, hiện sinh, các đề xuất hậu hiện đại, tân hình thức… là những việc cần làm. Nhưng cần chủ động lựa chọn, đồng hóa người làm phong phú bản sắc của mình hơn là ồn ào, nông nổi tự lạc mình trong bối cảnh lưu vong mất gốc. Viêc làm mất bạn đọc trong một số thể nghiệm thơ rập khuôn ngoại lai vừa qua chỉ có thể biểu dương về tinh thần tìm đường mà chưa thể khẳng định thành tựu. Không nản chí, càng không nên đả kích. Trong lĩnh vực sáng tạo, người tìm đường thành công cố nhiên được biểu dương nhưng người tìm mà không đến đích, tình nguyện làm viên đã lát đường cho người khác thành công, cũng rất đáng được biết ơn. Điều cần làm là sự bàn bạc, chọn hướng đúng, thu hẹp những ngộ nhận, những hoang tưởng lầm lạc. Hơn lúc nào hết, lúc này thơ cần giao lưu với người đọc, giúp họ có cái nhìn sâu sắc, nhận ra bản chất của thời cuộc, cơ cấu vận hành của xã hội mà tìm ra cách hành xử tiến bộ, giành quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc. Thể nghiệm nào tách thơ khỏi xã hội, khỏi nhu cầu của bạn đọc, thủ tiêu phẩm chất giao lưu của ngôn ngữ, dù dưới chiêu bài nào, đều dắt thơ vào tự diệt. Hội nhà văn Việt Nam phải có trách nhiệm trước bạn đọc và  bạn viết trên diễn đàn ngôn luận của mình, bằng những quan điểm minh bạch có tính khoa học tiền tiến, có phẩm chất dân tộc sâu sắc, phù hợp với mong muốn của đông đảo bạn đọc và bạn viết. Trong thời gian vừa qua, trên các mặt báo và tạp chí của Hội ta, việc đó chưa thấy rõ. Cần tỉnh táo sắp xếp lại cả nhân sự lẫn tổ chức để thực thi bằng được yêu cầu này. Vì đây là gương mặt tinh thần của Hội. Hơn thế, nó là động lực hối thúc chúng ta đi tới xây dựng nền thơ tiến bộ, chân chính của chúng ta ngay khi nhiều mặt hoạt động xã hôi đang còn lúng túng, khủng hoảng.

3 Đất nước ta đã hơn hai mươi năm thực hành quốc sách Đổi Mới, trong đó điều quan trọng là đởi mới tư duy nhưng trong việc đánh giá thành tựu của nền thơ cách mạng chưa thấy bộc lộ rõ ràng những thay đổi đó. Việc đánh giá theo chuẩn mực đổi mới, thật sự mang tính nghệ thuật,  cần làm với tất cả các nhà thơ tiêu biểu của nền thơ, từ những nhà thơ cách mạng hàng đầu như Tố Hữu đến một loạt các nhà thơ lãng mạn đi theo cách mạng như Xuân Diệu, Huy Cận Chế Lan Viên, Tế Hanh, Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư… rồi các nhà thơ của các thế hệ sau đó. Kể cả các nhà thơ chậm nhập với cách mạng nhưng có đóng góp vào văn mạch dân tộc. Đây là cuộc kiểm kê tài sản kho tàng thơ hiện đại với những dụng cụ đo lường vừa có tính dân tộc vừa mang phẩm chất nhân loại. Đây là cơ sở để chúng ta xác định chỗ đứng của mình với bạn bè thế giới và cũng là nguồn mạch để chúng ta hợp lưu với nhân loại. Sự giới thiệu thành tựu văn chương chúng ta ra thế giới mấy chục năm qua còn nhiều phiến diện hoăc bị thao túng vì những lợi ích nhóm. Nhưng cũng vì chính chúng ta, chúng ta chưa bình tâm “cân đo” lại tài sản thật sự chúng ta có để mạnh dạn quảng bá cùng nhân loại. Đây là việc không đơn giản trong giai đoạn đang hỗn loạn chuẩn mực này. Nhưng lại là việc cần làm, phải làm. Có xong việc này mới thông việc khác. Tổ chức làm và cá nhân làm. Thái độ của Hội là khích lệ, hỗ trợ, tạo thuận lợi. Dù có bùng nổ những mâu thuẫn trong giới thì cũng chỉ nhất thời. Vả lại, không ai ép buộc chỉ có một hệ chuẩn đánh giá. Sự giao lưu những khác biệt lại cho thấy sự đồng nhất trong trưởng thành, tự tin của nền văn học. Đấy là bản lĩnh của chúng ta, bản lĩnh của cá nhân mỗi nhà văn đến ban lãnh đạo Hội và đường lối văn học quốc gia của chúng ta.
29-5-2013

 

Sự xa và gần của phê bình – Trần Nhương

7 Th6

Sự xa và gần của phê bình

Bùi Kim Anh

Thứ năm ngày 6 tháng 6 năm 2013 8:57 PM

Tham luận tại hội nghị LLPB Tam Đảo

Xưa nay đã có nhiều quan điểm về nghệ thuật thơ và sáng tác thơ. Là người làm thơ thuộc lớp “lớn tuổi”, tôi lúng túng giữa 2 cách viết truyền thống và hiện đại. Tuy nhiên từ công việc làm thơ của mình, tôi cũng rất muốn được bày tỏ một số suy nghĩ về một thể loại mà tôi luôn đau đáu, trăn trở…
Tôi đến với văn chương từ xuất phát thích học văn, làm cô giáo dạy văn, làm thơ và từ những cảm thụ về cái Đẹp của riêng mình; từ công việc giảng văn, tôi đã viết lời bình một số bài thơ. Một con đường tự nhiên, đơn giản nhưng đeo bám suốt cuộc đời. Và tôi nghĩ đây cũng là con đường của nhiều người đến với văn chương.
Viết như thế nào? Như thế nào là bài thơ hay? Làm sao cho thơ đi đến với bạn đọc?
Thời trẻ, lúc còn dạy học – làm thơ, tôi cảm nhận thơ dường như dễ dàng hơn. Những vật vã đời thường ít nói tới, hoặc có thì nằm im trong những sổ thơ của riêng mỗi người.  Những bài thơ ấy có vần điệu. Ý thơ rõ ràng, thậm chí hình thức được quy định chặt chẽ. Ngôn ngữ thơ, hình tượng thơ dễ hiểu, dễ thuộc… và như thế cũng dễ đi vào lòng người, dễ tìm được sự đồng cảm giữa tác giả – bạn đọc.
Bây giờ đọc lại những bài thơ xưa của mình, dù đã được đăng báo, tôi biết là đã là quá cũ. Không thể viết lối cũ chặt chẽ đến công thức về vần điệu. Không thể ý thơ cứ tròn trịa, đầy đặn… Tư duy thơ phải thay đổi. Và chính vì vậy 2 luồng truyền thống và hiện đại đang vận hành.
Tôi biết, dù mình lớn tuổi cũng cần phải thay đổi tư duy, cách viết. Phân vân và trăn trở. Đọc thơ người học được những gì. Lối viết phóng túng. Ngôn từ mới mẻ hoặc rất đời thường thậm chí đến thô tục. Ý thơ cởi mở, thoáng đãng và có khi khó hiểu, không hiểu nổi.
Tôi bị hỗn độn trong định nghĩa về thơ. Chợt nghĩ nếu bây giờ mình vẫn là cô giáo văn và nếu học trò đưa thơ bảo bình, mình sẽ giảng ra sao? Áp dụng những điều cơ bản về lý luận mà mình được học thế nào? Người sáng tác tiềm ẩn nội lực mà có khi chính họ viết xong mới nhận thấy thậm chí chẳng bao giờ nhận thấy. Có thể học lý luận nhưng không thể học cách làm thơ, cách viết truyện. Cũng không cần học thuộc lý luận văn học rồi mới cầm bút làm thơ, viết truyện.
 Xếp lại lối viết cũ mòn, viết hiện đại phải ra sao? Rất cần các nhà lý luận đưa ra những ý bàn bạc đích đáng. Và tất nhiên người viết cũng cần phải biết tự mình. Làm thơ đó là nhu cầu tự thân đổi mới.
Từ trước đến nay, thơ chỉ là thơ mà thôi. Và thơ chỉ có nghĩa khi nó đem đến cho người đọc những cảm xúc trước hiện thực. Thơ tồn tại bằng chữ. Nhà thơ Lê Đạt cho rằng: “Chữ bầu lên nhà thơ”. Thế thì, tại sao không ít bạn yêu thơ cảm nhận “đọc thơ bây giờ nhiều khi chẳng hiểu gì”? Theo tôi, qui luật của nghệ thuật là dù truyền thống hay hiện đại  sao cũng được, sao cũng hay miễn là phải đi đến với lòng người.
Hiện thực thơ rộng lớn và chi tiết, tác động đến cảm xúc của nhà thơ làm nảy sinh những thi tứ, ý tưởng. Nhưng đừng quên, “Hiện thực thiếu mất năng lượng bung phá của thơ: nó ra cái gì?”(Réne Char). Nó là một thứ hiện thực cục cằn, xám xịt hoặc chẳng còn hiện thực nữa. Nhà thơ và những xúc động khi cảm nhận hiện thực của họ, không có dấu vết gì nhưng lại làm lung linh hiện thực. Cứ bàn cãi, cứ chê bai nhưng viết sao để thơ tồn tại, để thơ đến với bạn đọc, chứ không phải chỉ có nhà thơ lại đọc thơ thôi và rồi cả đến nhà thơ cũng chẳng buồn đọc thơ nhau hay dở.
Ở góc độ của người làm thơ, tôi hiểu mình cần luôn đọc để học, để làm mới chính mình. Ở góc độ của người bình thơ lâu nay, tôi luôn chọn những bài thơ mà mình yêu thích. Chỉ khi tự mình rung cảm thì mới có thể viết lời cảm nhận.
Nghệ thuật nâng cái bình thường, quen thuộc trở nên rất đẹp, trở nên có ý nghĩa. Nhưng làm sao nắm bắt được nhà thơ từ thơ của họ đây? Vì vậy  văn học lại rất cần phê bình, thơ cần các nhà phê bình. Nếu có, dẫu đôi lời của nhà phê bình sẽ giúp bạn đọc cảm nhận được hiện thực sống bằng một con mắt khác, rung cảm trước hiện thực thêm một góc khác trong tâm hồn. Sự cần thiết của phê bình, sự xa mà gần của phê bình là thế.
Người đọc và người làm thơ nhiều khi rất cần tiếng nói của nhà phê bình hướng dẫn thị hiếu, hướng dẫn cảm thụ theo con đường đích thực của nghệ thuật văn chương .
 BÙI KIM ANH

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt: Chính quyền địa phương tồi sẽ là công cụ bóc lột nhân dân – NNVN

7 Th6

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt: Chính quyền địa phương tồi sẽ là công cụ bóc lột nhân dân

mai xuân nghiên   -Thứ Sáu, 06/07/2012, 9:13 (GMT+7)

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt đã có những kiến giải thú vị xung quanh loạt bài “Ngân sách nào kham nổi?” trên NNVN.

>> Hà Tĩnh sẽ giảm trên 5.400 cán bộ thôn, xã
>> Lắm đầy tớ chỉ khổ ông chủ
>> Xã có 500 cán bộ, nhớ “Cái đêm hôm ấy…”
>> Từ xã 500 cán bộ đến nỗi lo ‘cường hào mới’
>> Đừng bao giờ đẩy người dân đến bước đường cùng!
>> Nguy cơ chính quyền xa dân!
>> Sướng như lãnh đạo… doanh nghiệp nhà nước
>> Làm rõ vai trò của bộ máy Nhà nước các cấp, của các tổ chức dân sự
>> Hoạt động của nhiều đoàn thể cấp cơ sở không thiết thực!
>> Đừng để người dân quá bức xúc
>> Tham nhũng: Ai chống ai?
>> Nợ nần xuyên nhiệm kỳ
>> Rùng mình xã 500 cán bộ ở Thanh Hóa
>> Thoải mái ban phát chức tước
>> Cán bộ phường đông như… quân Nguyên
>> Lãng phí ở hội nghị, hội thảo…
>> Độc chiêu thu ngân sách
>> Nước chè, thuốc lào vặt và phim online

Giả vờ đi làm, giả vờ nhận lương

Thưa ông, dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu, ông nhìn thấy gì đằng sau bộ máy cồng kềnh, với số lượng cán bộ khổng lồ của chính quyền cấp cơ sở hiện nay?

Đúng là hiện nay chúng ta có một chính quyền cấp cơ sở cồng kềnh. Tuy nhiên, theo tôi chính quyền cơ sở rất quan trọng, vì chính quyền cơ sở là giai đoạn đầu tiên, là khâu đầu mối trực tiếp giữa Nhà nước với nhân dân. Cấp huyện trở lên là gián tiếp. Vấn đề đặt ra là rất quan trọng nhưng thuộc về ai, làm thế nào, cấu trúc ra sao thì đó là vấn đề lý luận về nhà nước.

Cấp chính quyền cơ sở bị thả lỏng với một chế độ lương rất thấp với số lượng vô tận cán bộ như thế làm cho chính quyền cấp cơ sở thành đầu mối của các tội ác xã hội nếu vẫn để tình trạng này phát triển. Nên phải xác lập lại, nghiên cứu một cách có lý luận đầy đủ về vai trò của nó và ngân sách dành cho nó.

 

Về mặt khoa học, chính quyền cấp xã là một đề tài khổng lồ của quá trình cải cách hành chính nhưng tôi không thấy trong chương trình cải cách hành chính có đề tài nào nghiên cứu mô hình chính quyền cấp xã như là cấp quan trọng, là nơi tiếp xúc trực tiếp giữa nhà nước với nhân dân. Hiện nay chúng ta nghiên cứu về nó dưới dạng áp lực kinh tế là đi tìm nguồn ngân sách. Điểm xuất phát từ quá trình nghiên cứu này đã sai từ gốc rồi nên không giải quyết được vấn đề.

Hiện nay, chính quyền cơ sở lỏng lẻo nên cơ sở muốn có bao nhiêu cán bộ là có bấy nhiêu. Chúng ta không kiểm soát được cơ cấu. Trong điều kiện chính trị tương đối ổn định, bình thường như hiện nay thì không vấn đề gì, nhưng trong những điều kiện chính trị phức tạp hơn thì phải coi chừng.

 

Chính quyền cơ sở mà lỏng lẻo như ông nói thì sẽ dẫn đến hệ quả gì?

Hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Nếu chúng ta chỉ gồm những công chức thông thường, chỉ biết làm quan thì dẫn đến vấn đề tối đa là tham nhũng. Họ đe nẹt, áp bức người dân, làm cho mối quan hệ giữa Nhà nước và dân xấu đi trông thấy. Phải nói là trong tất cả các mâu thuẫn mà chế độ chúng ta đang phải đối mặt trong quan hệ với nhân dân, vấn đề chính quyền địa phương là vấn đề cơ bản. Chúng ta chưa gặp phải trường hợp xấu là chính quyền địa phương lãnh đạo nhân dân địa phương đối đầu với chính quyền cấp trên, nhưng đừng chủ quan.

Nhiều người lập luận rằng, một bộ phận cán bộ do lương không đủ sống nên mới sinh ra ăn cắp?

Tôi không nghĩ thế. Vì chúng ta đã có những giai đoạn không lương. Trước đây chính quyền cơ sở không có lương chỉ có phụ cấp ít thôi. Mặc dù về lâu dài vấn đề tiền lương phải được giải quyết để chính quyền không còn nhếch nhác nữa, nhưng nếu chỉ giải quyết vấn đề tiền lương không thôi thì xem công chức như một kẻ đi buôn lao động là không được. Bản thân cách đặt vấn đề như vậy là sai rồi.

Vấn đề cốt lõi ở đây là sự tha hóa của quyền lực không được kiểm soát. Chúng ta đã có khái niệm và quan điểm không đúng về quản lý quyền lực.


Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt

Nhưng nói gì thì nói, cơ chế về tiền lương hiện nay của chúng ta bộc lộ nhiều bất cập?

Tất cả khái niệm tiền lương của chúng ta không được xếp vào hệ thống lý thuyết nào về tiền lương và quan hệ xã hội cả. “Giả vờ đi làm và giả vờ trả lương”, từ thời Tổng Bí thư Lê Duẩn người ta đã nói rồi. Đó là căn bệnh mãn tính của xã hội ta. Nhưng nếu chỉ giải quyết tiền lương thôi thì không chống được tham nhũng.

Cán bộ tham nhũng, đè nén người dân bằng các khoản thu. Nhiều người đang lo ngại đến vấn đề niềm tin giữa người dân và chính quyền cơ sở?

Không dễ gì làm mất niềm tin với nhân dân đâu. Phải có một sự tha hóa khủng khiếp lắm, vì nhân dân có hàng ngàn năm nô lệ, sự thuần phục, kính trọng chính quyền là bản năng tiêu cực của người Việt trong quá khứ. Cho nên để mất uy tín của chính quyền với nhân dân trong một nước nhân dân rất có kinh nghiệm làm nô lệ là rất khó. Rõ ràng là chúng ta đang có một cuộc “thi đua” khổng lồ thì mới tạo ra trạng thái mất uy tín rộng lớn như thế này. Chúng ta có ½ thế kỷ là chiến tranh, là những người anh hùng, vốn tự có của những người cộng sản Việt Nam đối với xã hội suốt thời kỳ cách mạng như vậy là một đóng góp khổng lồ mà tôi không hiểu tại sao người ta đang thi đua tàn phá nhanh đến mức mất uy tín rộng lớn trong xã hội. Đó là một câu hỏi khổng lồ.

Ông vừa nói đến vấn đề tham nhũng. Nhưng câu hỏi hóc búa hiện nay trong chống tham nhũng là ai chống ai?

Chúng ta đang cãi nhau. Tôi không hiểu tại sao lại giao cơ quan hành pháp nắm cơ quan chống tham nhũng? Tôi không hiểu sao lại để như thế 6-7 năm nay. Chúng ta đã có thay đổi bằng Nghị quyết TƯ 5 nhưng thay đổi ấy là theo quyết định của Đảng, còn Nhà nước chưa triển khai, chưa công khai điều ấy, có lẽ cần phải làm rõ.

Ngay cả đối với những kẻ tham nhũng thì việc tách cơ cấu tham nhũng ra một nhánh quyền lực khác là rất cần thiết. Vì trong khi mải mê tham nhũng họ có thể đi ra ngoài giới hạn làm sụp đổ hệ thống chính trị trong đó có họ. Nên đừng nói là chống tham nhũng chỉ liên quan đến quyền lợi của những người là nạn nhân của tham nhũng mà liên quan đến cả sự sụp đổ của những kẻ tham nhũng nữa. Về mặt lý thuyết không thể kéo dài mãi tình trạng như thế được. Bây giờ đã mấp mé sự sụp đổ của những kẻ tham nhũng rồi. Nghị quyết TƯ 5 cần phải triển khai kỹ càng hơn.


Người dân xã nghèo Quảng Vinh (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) phải góp thóc để nuôi bộ máy cán bộ khổng lồ (khoảng 500 người)

 

“Chúng ta đang sống trong một giai đoạn suy thoái nghiêm trọng với một tốc độ khủng khiếp, không thể à ơi mãi được với những vấn đề chiến lược”, Nguyễn Trần Bạt.

 

Cơ chế tạo ra dối trá

Tham nhũng, dối trá, trí trá là những “người bạn” song hành. Người dân đang rất lo ngại về căn bệnh này. Quan điểm của ông ra sao?

Ở đâu có tham nhũng ở đó có dối trá. Vì tham nhũng đang ở giai đoạn con người phát triển đến trình độ văn minh đáng kể rồi. Người ta không thể công khai, không thể khoe khoang tham nhũng. Tham nhũng không những chỉ được giấu giếm ở trong quan điểm của luật pháp mà cả văn hóa. Kẻ đưa tiền và nhận tiền đều dối trá, điều đó thể hiện áp lực của nền văn minh nhân loại. Cơ chế tạo ra dối trá. Nói dối thì mới tồn tại được thì tại sao không nói dối? Giáo dục càng đầy đủ thì dối trá càng tinh vi càng phát triển. Nếu nói không có giáo dục không phải. Càng có giáo dục bao nhiêu thì dối trá càng khủng khiếp bấy nhiêu. Sự dối trá lớn nhất hiện nay là sự phái sinh của thị trường tài chính trên thế giới hiện nay. Sự dối trá được thể hiện trong sự phát triển đầy đủ của trí tuệ, của khoa học.

Cứu vãn điều đó thì phải làm thế nào?

Phải luôn luôn cải cách hành chính, tư pháp, hành pháp và phải bổ sung hàng ngày các biện pháp kiểm soát quyền lực. Nếu chúng ta nghĩ làm quan rồi thì không muốn nhức đầu nữa, chỉ muốn nhàn hạ là chết. Làm quan là quá trình lao động khổ sai. Đừng nghĩ rằng người ta chỉ hạn chế hai nhiệm kỳ tức là hạn chế chiều dài của cầm quyền. Không phải như thế vì đến đó năng lực cụ thể của con người là hết “đát” rồi, vừa lạc hậu về nội dung, vừa hạn chế về hình thức, kiệt quệ về sức lực.

Nhưng thực tế hiện nay có những người suốt đời chỉ có nghề “làm cán bộ”, thưa ông?

Nếu là lao động thật thì không ai lao động khủng khiếp như thế được. Suốt đời làm cán bộ cũng có thể là không làm gì. Đó là thực tế, không phải ở Việt Nam mà trên toàn cầu. Nó đẻ ra khủng hoảng kinh tế công và nợ công toàn cầu. Sự tham nhũng ở các nước phát triển đã đến tầm triết học, tham nhũng ở ta ở mức ăn cắp vặt thôi và đang đến chuyên nghiệp.

 

Điều gì ông thấy lo ngại khi nghĩ về nông thôn hiện nay?

Bi kịch lớn nhất của xã hội chúng ta là không nhiều lãnh đạo am hiểu nông thôn, có người sinh ra ở nông thôn cũng không hiểu, vì con người chóng quên, cho nên nhiều chính sách không cùng ngôn ngữ với nông dân. Ví dụ chúng ta biến việc lấy đất nông nghiệp để công nghiệp hóa là chúng ta đã biến quan hệ đó thành quan hệ đối kháng giữa phát triển công nghiệp và nông thôn. Đấy là một sự vụng về, ngốc nghếch về chính trị. Phải nhìn nhận lại một cách có hệ thống. Đó là vấn đề lớn.

Phải nhớ rằng nông thôn Việt Nam là vườn ươm của nền văn hóa Việt Nam. Nếu cứ lấy đất, biến nông dân thành cửu vạn là chúng ta đang tiến công tiêu diệt nền văn hóa của Việt Nam.

 

Xin cám ơn ông!

Mỹ khẳng định quan điểm trong vấn đề Biển Đông – VOV

7 Th6

Mỹ khẳng định quan điểm trong vấn đề Biển Đông

(VOV) – Mỹ phản đối mọi hành động ép buộc, đe dọa, hoặc dùng vũ lực để thực thi tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.

 

Tuyên bố của quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Joe Yun tại một hội thảo lớn về Biển Đông vừa diễn ra tại Washington DC nêu rõ: Mỹ phản đối mọi hành động ép buộc, đe dọa, hoặc dùng vũ lực để thực thi tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông và hy vọng quá trình đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử giữa Trung Quốc và ASEAN sẽ sớm bắt đầu.

Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Joe Yun phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Nhật Quỳnh)

 

Phát biểu tại hội thảo Biển Đông lần thứ 3 do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ) tổ chức, quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Joe Yun nêu rõ, Mỹ không can dự vào các tuyên bố lãnh thổ, chủ quyền tại Biển Đông nhưng rất quan tâm đến việc giải quyết tranh chấp trong vấn đề này.

Ông Joe Yun nhấn mạnh, bất cứ tuyên bố chủ quyền nào cũng phải dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Quốc tế về Luật biển (UNCLOS), cũng như đặc điểm đất, đá và đảo.

Theo quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, mối quan tâm hàng đầu của Washington là tự do hàng hải, khi 50% tổng lượng hoàng hóa trên thế giới được trung chuyển qua khu vực Biển Đông và cần được bảo vệ. Quan tâm thứ 2 của Mỹ là đảm bảo hoạt động khai thác hợp pháp những nguồn tài nguyên trên Biển Đông của các công ty, trong đó có các công ty Mỹ.

Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Joe Yun nói, Mỹ phản đối mọi hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng tại Biển Đông trong bối cảnh nhiều quốc gia đang tuyên bố chủ quyền tại khu vực này.

“Chúng tôi cho rằng không nước nào được sử dụng các biện pháp ép buộc, đe dọa, đặc biệt là dùng vũ lực để thực thi tuyên bố chủ quyền, Thay vào đó, các bên cần sử dụng các biện pháp hòa bình như thương lượng ngoại giao hoặc thông qua nước trung gian thứ 3, hoặc phân xử của trọng tài quốc tế. Trong trường hợp có tranh chấp giữa 2 quốc gia, nếu một bên quyết định sử dụng công cụ pháp lý thì bên kia không được đe dọa, ngăn cản đối phương đưa tranh chấp ra trọng tài quốc tế”, ông Joe Yun nói.

Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nói những căng thẳng hiện nay cho thấy tầm quan trọng của pháp quyền cũng như cách tiếp cận hợp lý của các bên. Đây cũng chính là lý do Mỹ ủng hộ Trung Quốc và ASEAN đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Theo ông Joe Yun, Bộ Quy tắc này là mắt xích chủ chốt để tạo ra một khung pháp lý về cách ứng xử và thực thi tuyên bố chủ quyền, cũng như giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

“Để đảm bảo hiệu quả thì quan trọng nhất là COC phải mang tính ràng buộc pháp lý và có cơ chế giải quyết tranh chấp. Ổn định tại Biển Đông là vấn đề chung nên tôi hy vọng các ý kiến khác ngoài Trung Quốc và ASEAN cũng sẽ được xem xét. Mục tiêu của chúng ta là đạt được một giải pháp hòa bình đối với tranh chấp trên Biển Đông”, ông Joe Yun cho biết.

Quyền Trợ lý Joe Yun cho biết cuộc họp giữa các nhóm công tác COC của Trung Quốc và ASEAN tại Thái Lan vào tuần trước đã đạt kết quả tích cực và Mỹ hy vọng quá trình đàm phán chính thức về Bộ quy tắc này sẽ bắt đầu trong năm nay./.                                                                                                

Nhật Quỳnh/VOV-Washington

Nợ xấu, nợ công: Đuờng cùng của kinh tế Việt Nam – RFA

7 Th6

Nợ xấu, nợ công: Đuờng cùng của kinh tế Việt Nam

06062013-noxau-ml.mp3 Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

000_Hkg2687325-305.jpg

Nhân viên ngân hàng đếm đô la Mỹ

AFP photo

 

 

Nợ xấu bao phủ cùng với sự thiếu minh bạch trong con số của nợ công, kinh tế Việt Nam đang đối diện với một cuộc khủng hoảng tài chánh khó tránh khỏi trong thời gian ngắn sắp tới. Mặc Lâm phỏng vấn nhà báo, TS  kinh tế Phạm Chí Dũng để tìm hiều thêm vấn đề đang đuợc chú ý nhất hiện nay.

Nợ xấu

Mặc Lâm: Nói đến nợ xấu thì người ta nghĩ ngày đến nhóm lợi ích vì vậy sự thay đổi nhân sự của Bộ Chính trị vừa qua có ý nghĩa như thế nào về chuyện nợ xấu thưa ông?

TS Phạm Chí Dũng: Cám ơn anh đã nêu ra một câu hỏi rất ý nhị mà vẫn đủ hàm ý giải đáp về bức tranh kinh tế – chính trị theo trường phái hiện thực nhất ở Việt Nam hiện thời.

Sau Hội nghị trung ương 7 của Đảng vào tháng 5/2013 vừa qua, dư luận chung ở “lề dân” và cả “lề phải” một lần nữa đề cập một cách công khai và sắc nét hơn nhiều về hai phe phái “nhóm bảo thủ” và “nhóm lợi ích”.

Cả hai cụm từ này đều có bề dày lịch sử dài hạn và ngắn hạn của nó. Riêng “nhóm lợi ích” đã được chính các cơ quan ngôn luận của Đảng thừa nhận từ năm 2011.

Nhưng như thế nào và đâu là những nhóm lợi ích cụ thể? Câu hỏi này vẫn chỉ là một ẩn số quá trừu tượng, trong lúc hậu quả mà các nhóm lợi ích “kiến tạo” ở Việt Nam đã trở nên khủng khiếp đến mức khiến nền kinh tế chìm ngập trong thế vong thân, rồi cả nền chính trị cũng đang lâm vào thế tồn vong, trái với mong muốn của những người bảo thủ.

Mặc Lâm: Ai cũng thấy nợ xấu ngân hàng là đầu mối của sự sụp đổ kinh tế trong thời gian rất gần, tuy nhiên để giải quýêt thì không một cơ quan nhà nước nào đưa ra được một giải pháp khả thi. Theo ông tại sao như vậy?

TS Phạm Chí Dũng: Thế vong thân của nền kinh tế giờ đây lại lệ thuộc quá mật thiết vào núi nợ và nợ xấu. Một trong những hệ lụy trầm kha không thể che giấu là nợ xấu ngân hàng. Nợ xấu ngân hàng lại liên quan đến nhiều nhóm lợi ích mà trên hết là nhóm lợi ích bất động sản, trong đó có các tập đoàn và tổng công ty nhà nước, sau đó liên quan đến cả những chủ nợ là khối ngân hàng thương mại.

Thế vong thân của nền kinh tế giờ đây lại lệ thuộc quá mật thiết vào núi nợ và nợ xấu. Một trong những hệ lụy trầm kha không thể che giấu là nợ xấu ngân hàng.
-TS Phạm Chí Dũng

Sau một thời gian dài bị che giấu, chỉ cho đến gần đây, vài con số được công bố chính thức mới lóe ra số nợ xấu liên quan đến bất động sản đã lên đến khoảng 250.000 tỷ đồng, còn nợ xấu trong hệ thống ngân hàng lên đến hơn 500.000 tỷ đồng. Toàn bộ hiện tồn đó thuộc về trách nhiệm của những người trực tiếp điều hành chính sách kinh tế và tài chính chứ không phải là trách nhiệm của “cả hệ thống chính trị” như Thống đốc Nguyễn Văn Bình dẫn dắt tại kỳ họp quốc hội đang diễn ra.

Nhưng làm thế nào để giảm được nợ xấu? Theo tôi, vấn đề này không còn phụ thuộc vào những chủ trương duy ý chí, không còn được cảm hứng từ các nghị quyết, mà phải dựa vào thực tế có giải quyết được núi tồn kho bất động sản và hàng tồn kho từ các lĩnh vực khác hay không.

Nợ công

 

000_Hkg8563081-250.jpg
Bảng lãi suất tại một ngân hàng ở HN hôm 10/5/2013. Ảnh minh họa. AFP photo

 

Mặc Lâm: Bên cạnh vấn đề nợ xấu thì nợ công cũng đang ám ảnh nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về tuyên bố của nhà nước rằng nợ công của Việt Nam vẫn trong ngưỡng an toàn?

TS Phạm Chí Dũng: Cho tới nay, Chính phủ vẫn cho rằng nợ công vẫn còn trong ngưỡng an toàn, thậm chí mới đây Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh còn “đánh tiếng” có thể nâng trần nợ công.

Nợ công đang được xem là “an toàn” – có nghĩa là hiện thời tỷ lệ này vẫn chỉ vào khoảng 55,4%, chưa tới ngưỡng nguy hiểm là 60-65%. Nhưng đó chỉ là con số báo cáo và theo cách tính của các cơ quan Việt Nam như Bộ kế hoạch và đầu tư và Bô tài chính – một cách tính được dựa trên căn bản của “bản sắc dân tộc”.

Còn nếu chiếu theo tiêu chí nước ngoài thì chúng ta phải cộng thêm vào nợ công số nợ của các doanh nghiệp nhà nước. Khi đó, tỷ lệ nợ công có thể lên đến hàng trăm %.

Nhiều quan điểm đã được nêu ra, một số chuyên gia trong nước tính tỷ lệ nợ công hiện thời là 95%, còn những chuyên gia nước ngoài như ông Vũ Quang Việt khác lại tính đến 106%. Nhưng theo tôi, việc Bộ Kế hoạch và đầu tư cùng Bộ tài chính của Việt Nam bỏ qua tiêu chí nợ của doanh nghiệp nhà nước đã làm méo mó khuôn mặt thật của nợ công.

Nếu con số còn hơn 1,3 triệu tỷ đồng nợ doanh nghiệp chưa được bổ sung vào nợ công mà tiến sỹ Lê Đăng Doanh đề cập là đúng, cũng có nghĩa là tỷ lệ nợ công hiện thời chắc chắn phải vượt hơn nhiều so với con số báo cáo, lên đến ít nhất 65 tỷ USD. Mà đã như thế thì tuyệt đối không thể có chuyện vay mượn nước ngoài theo cách “đẩy nợ cho tương lai” nữa.

Vậy cuối cùng người ta còn lại liệu pháp gì để giải quyết nợ xấu? Quay đi quay lại, vẫn chỉ là cái cách truyền thống xử lý nợ xấu bất động sản và do đó là nợ xấu ngân hàng. Nhưng bất động sản và ngân hàng lại là hai nhóm lợi ích tiêu biểu nhất ở Việt Nam, dính dánh chặt chẽ với một số quan chức theo cái cách mà gần đây một cơ quan đảng là Ủy ban kiểm tra trung ương đã khởi động một đề tài nghiên cứu khoa học về “nhóm thân hữu”.

Bộ Kế hoạch và đầu tư cùng Bộ tài chính của Việt Nam bỏ qua tiêu chí nợ của doanh nghiệp nhà nước đã làm méo mó khuôn mặt thật của nợ công.
-TS Phạm Chí Dũng

Nợ xấu sinh ra từ con người, còn “nhóm thân hữu” lại bắt rễ vào vấn đề nhân sự, thậm chí cả nhân sự chủ chốt. Muốn giải quyết được đối tượng này, có thể Bộ chính trị đã tính toán đến việc sử dụng Ban kinh tế trung ương và Ban nội chính trung ương như hai vũ khí sắc bén để gây sức ép lên một số tập đoàn kinh tế có nhiều dấu hiệu sai phạm, trong đó Vinashin là một minh họa điển hình nhất. Việc tái lập Ban nội chính trên 63 tỉnh thành cũng vì thế được đẩy nhanh một cách khá bất ngờ.

Mặc Lâm: Ông vừa nhắc tới Ban Nội chính làm cho tôi liên tưởng tới sự ra đi của hai ông Vương Đình Huệ và Nguyễn Bá Thanh. Theo ông thì việc thay đổi ngoài dự kiến này có ý nghĩa thế nào đối với kinh tế chính trị Việt Nam?

TS Phạm Chí Dũng: Điều không may mắn đối với những người muốn xử lý vấn đề nhân sự với ít nhất một sai phạm về nợ xấu là cả hai ông Vương Đình Huệ và Nguyễn Bá Thanh đều không trúng vào Bộ chính trị. Thay vào đó là hai nhân vật trước đó ít được kỳ vọng hơn là ông Nguyễn Thiện Nhân và bà Nguyễn Thị Kim Ngân.

Dĩ nhiên chúng ta có thể thấy rõ rằng một khi không vào được Bộ chính trị, vai trò của ông Huệ và ông Thanh, nếu còn phụ trách Ban kinh tế và Ban nội chính trung ương, sẽ bị mờ nhạt đáng kể. Hai ban này, không được phụ trách bởi các thành viên Bộ chính trị, cũng không còn sức mạnh như đã từng được báo chí và người dân kỳ vọng.

Và nếu hệ quả này xảy ra, có thể nói việc làm rõ mối quan hệ chằng chịt giữa các nhóm thân hữu và nhóm lợi ích sẽ càng khó khăn, và triển vọng mù tịt về tên tuổi các nhóm này sẽ càng có thể rõ như ban ngày.

Với triển vọng bùng nhùng như thế, có lẽ chẳng có ý nghĩa nào đối với việc giải quyết nợ xấu và nhóm lợi ích, xuất phát từ sự thay đổi thành viên trong Bộ chính trị vừa qua.

Có chăng chỉ là bớt đi vài con người và thêm vào vài lá phiếu.

Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.

MẤY LỜI tại TRANG: BASAM.INFO

7 Th6

MẤY LỜI tại TRANG BASAM.INFO

 Tối qua, nhìn hình ảnh Thủ tướng Dũng của VN gặp gỡ Tổng thống Thien Sein của Myanma trên VTV (từ phút thứ 11’45″), người thì đóng bộ đồ Tây, người diện lễ phục dân tộc, váy và dép hai quai ngồ ngộ, chợt nhớ tới những tranh cãi như bất tận về “quốc phục” của VN (tại sao bao nhiêu nước Á Đông, Ả-Rập, … họ có được, mà ta thì không? Hay là các vị từ thói ngạo mạn cộng sản, coi thường tổ tiên, cha ông “phong kiến”, mà không khoái món “áo dài khăn đóng”?), lại liên hệ tới cả những bàn luận gần đây về tâm lý “sính ngoại” của người Việt ngày nay, nghĩ có lẽ nó còn mạnh hơn ở giới quan chức. 

.

Thế rồi, chợt nhớ câu chuyện những người nông dân nơi vựa lúa Nam Bộ quê hương ông thủ tướng đang bỏ lúa chín rục đầy đồng không bán được vì quá rẻ mạt, còn ở Bắc, Trung bộ thì hàng nghìn héc ta lúa dùng  giống mới “của nhà nước” bị lép hạt. Cả chuyện bao nhiêu “đại gia” chăn nuôi giờ phải nuôi heo, gà “gia công” cho doanh nghiệp FDI – thật khốn khổ, … Lại còn cùng quẫn tới mức Bộ Công thương giờ đây phải cấm doanh nghiệp FDI thu mua nông sản, giữa lúc ông TT “thừa thắng xốc tới” từ Shangri-la, tiếp tục một diễn văn hoành tráng nữa, về kinh tế VN, lại còn ký hợp tác “hỗ trợ Myanma phát triển nông nghiệp” mới ngộ.  

.

Chưa hết! Lại nhớ tới ngày nào ông Thủ tướng VN còn qua “dạy khôn” cho ông Tổng thống Myanma rằng cần phải cải cách dân chủ, còn giờ thì … trong nước ông, đúng lúc này đây, những người dân yêu nước đang bị hành hạ, thêm nhiều người bị tù đày, còn ở xứ kia, ông Tổng thống Thien Sein đang chuẩn bị thả hết tù nhân chính trị … 

.

Vậy thì, lại phải nhắc tới câu nói của các độc giả, rằng thôi đừng bàn tới “Quốc phục” nữa, mà hãy bàn về “Quốc nhục“!

Giấc mơ Trung Hoa của ông Tập Cận Bình – BBC

7 Th6

Giấc mơ Trung Hoa của ông Tập Cận Bình

Martin Patience

Phóng viên BBC ở Bắc Kinh

 

 

Trung Quốc và Hoa Kỳ là hai kỳ phùng địch thủ – mặc dù vậy, khi nói về sự lôi cuốn tạo nguồn cảm hứng, Trung Quốc vẫn chưa có gì có thể so sánh với Giấc mơ Mỹ.

 

Tuy nhiên điều đó có thể thay đổi, khi mà Bắc Kinh đang ra sức quảng bá cho khẩu hiệu mới của Tập Cận Bình: “Giấc mơ Trung Hoa” hay ‘Trung Quốc Mộng” trong Hán tự và được dịch sang tiếng Anh thành ‘Chinese dream’.

Trong những tháng gần đây, truyền thông chính phủ Trung Quốc đã tiến hành một loạt đợt tuyên truyền tán dương khẩu hiệu của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Khẩu hiệu này không khi nào vắng mặt trên báo chí.

Các ‘bức tường mơ ước’ được dựng lên ở một số trường, đại học, và sinh viên được khuyến khích viết lên ước mơ của mình.

Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc – cơ quan nghiên cứu hàng đầu ở nước này, cũng đã đề xuất việc nghiên cứu giấc mơ Trung Quốc.

Khẩu hiệu này cũng đã khơi nguồn cảm hứng cho một bài hát có vị trí cao trên bảng xếp hạng.

Trong thế giới bí ẩn của chính trị Trung Quốc, những câu khẩu hiệu đóng vai trò quan trọng. Chúng là những từ ngữ thể hiện cách nhìn của một nhà lãnh đạo về tương lai đất nước.

Khi chúng ta so sánh ‘Trung Quốc Mộng’ của ông Tập với các khẩu hiệu của những người tiền nhiệm như thuyết ‘Ba Đại diện’, rõ ràng là khẩu hiệu của ông này nghe lôi cuốn hơn.

Trẻ hóa

Tuy nhiên, Trung Quốc Mộng thực sự có nghĩa là gì? Ông Tập đã nhắc đến điều này lần đầu tiên hồi tháng 11 năm 2012, khi ông được đề cử vào vị trí cao nhất trong Đảng Cộng sản.

Trận chiến tuyên truyền bắt đầu chính thức từ khi ông trở thành Chủ tịch nước vào năm 2013. Ông Tập đã sử dụng thuật ngữ này nhiều lần trong bài diễn văn trước toàn quốc với tư cách nguyên thủ quốc gia vào ngày 17 tháng Ba.

“Giấc mơ của Chủ tịch Tập Cận Bình là một quốc gia mạnh mẽ hơn với quân đội hùng mạnh.”

Lưu Minh Phúc, cựu đại tá quân đội Trung Quốc

“Chúng ta cần phải kiên trì nỗ lực, tiến tới phía trước với tinh thần bất khuất, tiếp tục thúc đẩy chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc và phấn đấu đạt được ước mơ hồi sinh dân tộc Trung Quốc.”

“Để thực hiện được giấc mơ Trung Hoa, chúng ta phải cổ súy tinh thần Trung Quốc, vốn lấy sự kết hợp tinh thần dân tộc với lòng yêu nước; tinh thần của thời đại với cải cách và sự sáng tạo làm gốc” ông nói.

Tuy nhiên ông không nói rõ cụ thể làm sao để đạt được giấc mơ này.

Lưu Minh Phúc, một cựu đại tá quân đội Trung Quốc, tin rằng ông biết làm sao để thực hiện ý tưởng của ông Tập tốt hơn cả.

Ông Lưu đã cho ra một cuốn sách với tên gọi: “Trung Quốc Mộng: Tư duy đại cường quốc và vị thế chiến lược trong thời đại hậu Mỹ” hồi năm 2010.

Kể từ khi ông Tập bắt đầu dùng khẩu hiệu này, sách của ông Lưu bắt đầu bán đắt như tôm tươi. Ông không cho biết cụ thể đã bán được bao nhiêu sách, nhưng chỉ cần nhìn nụ cười trên khuôn mặt ông này cũng biết sách đang bán khá tốt.

Tác giả cuốn sách tin rằng vị lãnh đạo mới của Trung Quốc chia sẻ giấc mơ của ông – biến Trung Quốc thành cường quốc đứng đầu thế giới.

“Kể từ thế kỷ 19, Trung Quốc đã bắt đầu tụt lùi trên trường quốc tế,” ông Lưu nói.

“Giấc mơ của Chủ tịch Tập Cận Bình là về một quốc gia mạnh mẽ hơn với quân đội hùng mạnh.”

Và thật khó để mà bỏ mặc ý nghĩa tượng trưng của nơi mà ông Tập chọn để nói lên khẩu hiệu này lần đầu tiên.

Ông dùng buổi triễn lãm “Đường tới phục hưng” ở Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc để nhắn gửi thông điệp của mình tới các lãnh đạo cao cấp.

Buổi triễn lãm là nơi trưng bày về nỗi đau của người Trung Quốc trong thời kỳ bị cai trị bởi các cường quốc phương Tây vào thế kỷ 19 và 20 cũng như tiến trình phục hồi của nước này dưới sự dẫn dắt của Đảng Cộng sản.

Năm ngoái, Trung Quốc đã cho ra đời hàng không mẫu hạm đầu tiên – biểu tượng cho nguyện vọng vươn lên của nước này. Tuy nhiên sự phát triển quân sự của Trung Quốc cũng đang khiến các nước láng giềng lo ngại.

Trung Quốc hiện đang dính líu đến nhiều vụ tranh chấp chủ quyền lãnh hải trong khu vực.

Thu hút số đông

Tập Cận BìnhÔng Tập không nêu rõ cụ thể làm sao để đạt được giấc mơ mà ông đề ra cho Trung Quốc

Có lẽ sự lôi cuốn của Trung Quốc Mộng là ở chỗ nó được định nghĩa quá mơ hồ, và vì thế có thể đại diện cho bất cứ cái gì.

Điều này có vẻ như có thể thấy được trong một chuyến thăm trường cũ của ông Tập, Đại học Thanh Hoa danh giá.

“Đối với sinh viên, Trung Quốc Mộng có lẽ là học hành chăm chỉ,” một sinh viên ngành khoa học tại đây nói.

“Tuy nhiên tôi nghĩ là bản chất giấc mơ là giống nhau: Mỗi người Trung Quốc phải làm một điều gì đó cho đất nước mình. Tôi muốn là một giáo sư trong tương lai. Tôi muốn cống hiến cho ngành giáo dục.”

Những người khác thì tỏ vẻ kém lạc quan hơn về Trung Quốc Mộng. Họ xem đây là chiến dịch tuyên truyền của Đảng Cộng sản nhằm chiếm được cảm tình của công chúng. Rõ ràng điều này diễn ra trong lúc khó khăn ngày càng chồng chất đối với tầng lớp lãnh đạo.

Nền kinh tế đang đình trệ và ngày càng có nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học không kiếm được việc làm. Hiện cũng ngày càng có nhiều phẫn uất trước vấn đề tham nhũng và ô nhiễm môi trường.

Mặc dù Trung Quốc Mộng không được định nghĩa rõ ràng, những người nắm quyền lực biết rõ những gì mà nó loại trừ, không bao gồm.

Vào đầu năm nay, những cuộc biểu tình hiếm hoi đã xảy ra tại một trong những tờ báo có tầm ảnh hưởng lớn nhất Trung Quốc sau khi chính quyền kiểm duyệt bài viết trên trang nhất của tờ báo về Trung Quốc Mộng, trong đó có đoạn kêu gọi thực thi quy tắc pháp luật.

Một trong những cây bút và blogger nổi tiếng nhất của Trung Quốc, ông Lý Thành Bành nói vấn đề của Trung Quốc Mộng, đó là nó không đề cập đến những vấn đề chính đang tồn tại.

“Chúng tôi không thể để cập đến những giá trị phổ thông hay hệ thống tư pháp độc lập,” ông nói. “Chúng tôi không thể nói về hệ thống dân chủ đa đảng. Những gì chúng tôi cần không phải là một giấc mơ thần kỳ, mà là những chính trị gia tài giỏi.”

Điều này cho chúng ta thấy thách thức mà Đảng Cộng sản đang phải đối mặt. Sử dụng chủ nghĩa dân tộc, tất nhiên là một công cụ hữu hiệu nhất nhằm mang lại sự thống nhất trong toàn dân.

Tuy nhiên Trung Quốc Mộng hoàn toàn có thể là dấu hiệu cho thấy ông Tập lo rằng thời kỳ khó khăn đang chờ đợi phía trước.

 

Hạ viện Mỹ nêu vụ trấn áp người biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam – VOA

7 Th6

Hạ viện Mỹ nêu vụ trấn áp người biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam

 

 
Dân biểu Steve Chabot, Chủ tịch Tiểu ban đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương.
 
Dân biểu Steve Chabot, Chủ tịch Tiểu ban đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương.
x
Dân biểu Steve Chabot, Chủ tịch Tiểu ban đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương.

Dân biểu Steve Chabot, Chủ tịch Tiểu ban đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương.

CỠ CHỮ +

06.06.2013

Nhiều vụ vi phạm nhân quyền, trong đó có việc đàn áp những người biểu tình phản đối Trung Quốc, đã được nêu lên tại cuộc điều trần về mối quan hệ Việt-Mỹ do Tiểu ban về châu Á-Thái Bình Dương của Hạ viện Mỹ tổ chức hôm 5/6.

Dân biểu Steve Chabot nêu sự kiện xảy ra cuối tuần qua ngay trong phần phát biểu mở đầu cuộc điều trần kéo dài một tiếng rưỡi do ông chủ trì.

“Trong vài tuần vừa qua, chúng tôi chứng kiến chính phủ Việt Nam đàn áp những tiếng nói bất đồng như vụ bắt giữ ông Trương Duy Nhất, cáo buộc ông ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’; đánh đập, bắt bớ nhiều người tham gia cuộc dã ngoại nhân quyền ôn hòa hôm 5/5; bắt giữ 20 cá nhân cuối tuần qua khi họ phản đối vụ tàu hải quân Trung Quốc đâm vào tàu cá Việt Nam; kết án tù khắc nghiệt đối với hai blogger trẻ tuổi hồi tháng trước  và ngăn cản blogger đồng thời là người đoạt giải thưởng Công dân mạng 2013 của RSF (Tổ chức Phóng viên Không biên giới) và Google, ông Huỳnh Ngọc Chênh, tới Mỹ.”

Tin cho hay, hàng chục người bị bắt giữ khi xuống đường phản đối các hành động gây hấn của Trung Quốc ở biển Đông hôm 2/6 tại Hà Nội.

Báo chí Việt Nam hầu như im lặng về sự kiện này, ngoại trừ Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. Đài này cho rằng những người biểu tình ‘lợi dụng cái cớ yêu nước’ để ‘kích động, gây mất trật tự công cộng’.

Việt Nam vẫn là một quốc gia mang tính kiểm soát. Chính vì lẽ đó, có giới hạn về việc họ cần phải làm trước khi mọi chuyện vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Họ bắt những người biểu tình (chống Trung Quốc) nhưng lại để yên cho các cuộc diễu hành về quyền của người đồng tính diễn ra.
Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Joseph Yun.

Dân biểu Chabot tuyên bố rằng khó để biện minh cho việc thúc đẩy quan hệ Việt-Mỹ nếu Việt Nam không thực hiện các cải cách và chứng tỏ các cam kết tuân thủ các quyền cơ bản của người dân.

Ông đặt câu hỏi về việc Việt Nam giải tán người biểu tình chống Trung Quốc trong khi Thủ tướng Việt Nam có bài phát biểu quan trọng tại cuộc đối thoại Shangri-La, bày tỏ quan ngại của Hà Nội về thái độ khiêu khích của nước láng giềng phương Bắc trong vấn đề biển Đông.

Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Joseph Yun trả lời:

“Việt Nam vẫn là một quốc gia mang tính kiểm soát. Chính vì lẽ đó, có giới hạn về việc họ cần phải làm trước khi mọi chuyện vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Họ bắt những người biểu tình (chống Trung Quốc) nhưng lại để yên cho các cuộc diễu hành về quyền của người đồng tính diễn ra.”

Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Joseph Yun.Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Joseph Yun.
x
Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Joseph Yun.

Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Joseph Yun.

Ông Yun nói thêm rằng quan hệ Việt -Trung trải qua giai đoạn lịch sử khó khăn nhiều thế kỷ qua, trong đó có cả các cuộc giao tranh lẫn nhau, và Trung Quốc là nước láng giềng lớn của Việt Nam, nên Hà Nội có phần thận trọng trong hành động. 

Một trong những vấn đề nổi cộm khác mà các giới chức ngoại giao Mỹ nhắc tới nhiều lần là việc Việt Nam bắt giữ và tống giam các blogger.

Ông Daniel Baer, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, cho biết nhiều người trong số hơn 120 tù nhân chính trị bị tống giam chỉ vì thực thi quyền tự do ngôn luận.

Chúng tôi hết sức quan ngại về các chính sách Internet của Việt Nam như chặn thông tin, tấn công mạng, theo dõi và bắt giữ các blogger. Các dự luật về kiểm soát nội dung Internet tìm cách hạn chế hơn nữa dòng chảy thông tin.
Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Baer.

Ông Baer dẫn trường hợp ông Nguyễn Văn Hải, tức blogger Điếu Cày, hiện phải thụ án 12 năm tù giam vì bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa trên mạng và vì đã lên tiếng phản đối chính sách của Việt Nam đối với Trung Quốc.

“Việt Nam tìm cách kiểm soát thông tin dù việc kiểm soát đó đang trượt ra ngoài tầm tay của nước này. Chúng tôi hết sức quan ngại về các chính sách Internet của Việt Nam như chặn thông tin, tấn công mạng, theo dõi và bắt giữ các blogger. Các dự luật về kiểm soát nội dung Internet tìm cách hạn chế hơn nữa dòng chảy thông tin.”

Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ nói dù Washington thừa nhận các bước đi tích cực của Việt Nam như việc thả luật sư bất đồng chính kiến Lê Công Định, thì những việc làm như vậy không đủ để xoay chuyển xu hướng nhân quyền xấu đi nhiều năm qua.

Phó Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Baer.Phó Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Baer.
x
Phó Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Baer.

Phó Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Baer.

Phó Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Baer từng dẫn đầu phái đoàn tới Hà Nội dự cuộc đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ hồi tháng Tư vừa qua.

Ông cho biết đã nói với các giới chức Việt Nam rằng năm 2013 đề ra một cơ hội cho Hà Nội cải thiện và tôn trọng nhân quyền được ghi trong Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế.

Những ngày qua dồn dập diễn ra các sự kiện liên quan tới tình hình Việt Nam tại Quốc hội Mỹ.

Hôm 4/6, một tiểu ban của Hạ viện đã tổ chức một buổi điều trần về việc chính phủ Việt Nam tiếp tục đàn áp nhân quyền.

Cùng ngày, hàng trăm người Mỹ gốc Việt cũng đã đổ về Quốc hội Hoa Kỳ để kêu gọi các dân biểu đại diện cho tiểu bang nơi họ sinh sống thúc giục chính phủ Mỹ gây sức ép đòi Việt Nam cải thiện tình hình nhân quyền.

Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa lên tiếng trước những cáo buộc được đưa ra trong hai buổi điều trần diễn ra trong tuần này liên quan tới vấn đề nhân quyền.

Hồi tháng Năm, một dự luật thúc đẩy tự do và nhân quyền có tên gọi ‘Dự luật Nhân quyền Việt Nam 2013’ đã được công bố tại Quốc hội Hoa Kỳ.

Các dân biểu ủng hộ dự luật này cho biết sẽ mở nhiều chiến dịch, trong đó có các cuộc điều trần và vận động, để thu hút sự chú ý của Quốc hội Mỹ, nhất là tại Thượng viện nơi dự luật bị chặn, về tình hình nhân quyền Việt Nam.

 
 

Gửi người tuyệt thực trong tù – Hà Sĩ Phu

7 Th6

Gửi người tuyệt thực trong tù

 
 


Nhân đọc Thư quyết tử của Tiến sĩ CHHV

Đã đọc thấy những dòng huyết lệ,

Độc tài toàn trị đây, chống nó, thật can trường
Yêu nước thương nhà, gánh hết tai ương
Lời quyết tử trong tù truyền đi sức mạnh.
 
Không tin được, đây lá thư “tuyệt mệnh”
Của người con một khai quốc công thần [1]
Một luật sư quyết vị quốc vong thân
Giữa tù ngục mệnh danh toàn… Kách mệnh!
Tin quyết tử sao nghe lòng ớn lạnh
Vết nồi da nấu thịt lại hằn đau 
 
Nhưng sự thật có chi đâu khó hiểu
Khi một thời sự đểu đã lên ngôi 
Hận Thành Đô mang nỗi nhục muôn đời
Tiên Lãng, Văn Giang nhóm ngòi thuốc nổ…
 
Sách cứu nước Vũ đây đã tỏ
Trò tiểu nhân khủng bố chúng bày ra
Là cái gai thấu ruột lũ gian tà
Anh chết đi, kẻ thù anh mát ruột!
 
Người duy lý, biết anh không tự sát
(Không rút lui hèn nhát trước… cai tù !)
Quân vô đạo sá chi điều nghĩa lý
Dân chết trong “đồn” thể chế vẫn êm ru…
 
Anh đã gióng tiếng chuông phản kháng
Chúng tôi nghe cùng ráng đấu tranh
Nhắn ông “cai” đang có quyền hành:
“Cai” một thuở, ý dân vạn đại!
Thượng cấp của ông đâu ngồi đó mãi
Về với dân, chớ dại… hành dân…
 
Hà Vũ ơi, 
Tổ quốc ta nhất định sẽ hồi sinh
Để Tổ quốc quyết sinh cần ta phải sống!
Một giọt sống góp vào muôn giọt sống
Hồn nước thiêng tiếp sống lại cho mình.
Tịch cốc như phép tu hành
Để cơn bĩ cực sớm thành thái lai…
 
Đà Lạt chiều 3-6-2013

Trọng tâm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Trung – TQ

7 Th6

Trọng tâm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Trung

(Toquoc)-Cuộc gặp Tập Cận Bình- Obama trọng tâm là định vị quan hệ kiểu mới giữa hai cường quốc.

Chủ tịch Trung Quốc đã lên đường thăm châu Mỹ. Sau khi kết thúc chuyến thăm tới ba nước Nam Mỹ, gồm Trinidas và Tobago, Costarica và Mexico, ngày 7-8/6 ông Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại trang viên Leonore Annenberg thuộc bang California. Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa các lãnh đạo tối cao hai nước sau khi chính quyền hai nước hoàn thành việc chuyển giao giữa khóa cũ và khóa mới, đây cũng là cuộc gặp gỡ đầu tiên tại trang viên này giữa nguyên thủ hai nước kể từ năm 1949.

Theo Giáo sư Kim Xán Vinh, Viện phó Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, quan hệ Trung-Mỹ hiện tồn tại rất nhiều vấn đề cần phải xử lý. Về quan hệ song phương, Trung Quốc có thể sẽ đề cập tới vấn đề Đài Loan, vấn đề tỉ giá đồng nhân dân tệ và chủ trương chính sách thương mại của Trung Quốc; còn phía Mỹ có thể sẽ nêu ra vấn đề an ninh mạng, quyền sở hữu trí tuệ, hiện đại hóa quân sự, nhân quyền… ở tầm khu vực, Trung – Mỹ cũng có hàng loạt vấn đề cần phải thảo luận như phối hợp lập trường trong vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, dò tìm giới hạn của nhau trong vấn đề biển Hoa Đông, Iran, vấn đề Syria và tình hình Nam Á sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan. Cuộc gặp gỡ giữa Tập Cận Bình và Obama lần này chủ yếu là nhằm chỉ rõ phương hướng xử lý các vấn đề này.


Cuộc gặp Tập Cận Bình – Obama năm 2012 khi ông Tập thăm Washington trên cương vị Phó Chủ tịch Trung Quốc

Giới phân tích nhận định, Mỹ – Trung hiện vẫn tồn tại một số va chạm, nhưng về tổng thể, mối quan hệ hai nước là không tồi. Hai nước đã xây dựng được quan hệ đối tác hợp tác cùng có lợi. Hiện nay, Bắc Kinh và Washington đang thảo luận việc xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới, tìm kiếm đáp án mới cho vấn đề cũ. Việc Trung Quốc muốn trỗi dậy mà không nước nào cản nổi và việc Mỹ là cường quốc mạnh nhất thế giới là hai hiện thực khách quan. Trung – Mỹ có thể xây dựng mối quan hệ cùng thắng cùng có lợi hay không rất quan trọng với thế giới.

Trong cuộc gặp sắp tới, lãnh đạo hai nước có thể thảo luận về vấn đề thương mại và các điểm nóng quốc tế nhưng đây không phải là trọng điểm của cuộc gặp gỡ mà trọng điểm là việc thiết kế phương hướng phát triển của hai nước lớn: Mỹ và Trung Quốc. Thế giới bên ngoài khẳng định rằng họ kỳ vọng vào thành quả của cuộc gặp gỡ, nhưng kỳ vọng đó không phải là việc mua bán vài cái máy bay, mà là việc Trung Quốc và Mỹ tiến hành thảo luận về phương hướng và lộ trình lớn cho quan hệ song phương. Giáo sư Kim Xán Vinh cũng cho rằng cuộc gặp gỡ giữa Tập Cận Bình và Obama trước tiên phải giải quyết vấn đề định vị quan hệ hai nước. Việc này vô cùng quan trọng bởi vì không định vị tốt, quan hệ hai nước sẽ không thể phát triển t ốt đẹp.

Theo giới quan sát ở Washington, cuộc đàm phán này là cơ hội để ông Obama ghi điểm thành công về chính sách ngoại giao trong bối cảnh danh tiếng của ông đang bị ảnh hưởng từ việc Mỹ thiếu hành động trong vấn đề Syria. Ông cũng có thể tránh xa được những tranh cãi nội bộ đã khiến cho nhiệm kỳ hai của ông có sự khởi đầu đầy khó khăn.

Ông Tập Cận Bình rất muốn được coi là đứng ngang bằng với nhà lãnh đạo Mỹ và muốn giới cầm quyền cũng như dân chúng Trung Quốc thấy ông có thể thúc đẩy lợi ích của họ trên trường quốc tế khi Bắc Kinh tìm kiếm cái mà họ gọi là mối quan hệ “cường quốc lớn” mới với Mỹ.

Các quan chức Mỹ không đánh giá cao triển vọng có được những đột phá lớn hay các thỏa thuận cụ thể trong cuộc gặp thượng đỉnh tại California. Ông Tập Cận Bình sẽ có một cuộc gặp gỡ trực tiếp với Tổng thống Mỹ, một cuộc gặp mà ít nhà lãnh đạo nước ngoài nào có được. Ông tỏ ra là người ít cứng nhắc hơn các bậc tiền nhiệm và việc ông sẵn sàng từ bỏ nghi lễ của một cuộc thăm viếng Nhà Trắng có thể là tín hiệu về một cách tiếp cận mới mẻ.

Mặc dù được công bố là cuộc gặp không chính thức, song các cuộc gặp thượng đỉnh như thế này được tổ chức rất kỹ. Cả hai phía vẫn đang thảo luận về việc hai nhà lãnh đạo có tổ chức họp báo chung hay không, một sự kiện theo đúng thủ tục khi Tổng thống Mỹ tiếp đón một lãnh đạo nước ngoài.

Một quan chức Mỹ tham gia lập trình cuộc họp cho biết cuộc gặp gỡ tại khu nghỉ dưỡng đa phần là làm việc và ít nghỉ ngơi. Ông này nói: “Đây không phải là chuyến nghỉ dưỡng. Chúng tôi không mời Chủ tịch Tập Cận Bình tới nghỉ cuối tuần bình thường ở Palm Springs. Thực sự là như thế”.

V.V

Yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông: Phải chăng là Tiểu thuyết Lịch sử? – NCBĐ

7 Th6

Yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông: Phải chăng là Tiểu thuyết Lịch sử?

Thứ sáu, 31 Tháng 5 2013 10:30
 

Bằng trí tưởng tượng và chủ nghĩa xét lại về lịch sử, Bắc Kinh đặt cược rất cao vào “quân bài lịch sử” để bảo vệ những yêu sách của mình tại Biển Đông.

 

 

 

Quần đảo Trường Sa – trước đây không lâu vốn chỉ được biết đến là một ngư trường đánh cá lớn – nay lại trở thành một điểm nóng quốc tế khi mà giới lãnh đạo Trung Quốc kiên trì đưa ra những phát ngôn ngày càng khiêu khích rằng các đảo, đá, và mỏm đá là “lãnh thổ lịch sử của Trung Quốc từ thời cổ đại” theo của lời Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Thông thường, những tuyên bố chủ quyền chồng lấn đối với biên giới đất liền và trên biển phải được giải quyết trên cơ sở kết hợp tập quán pháp, xét xử trước Tòa án Công lý Quốc tế hoặc Tòa án Quốc tế về Luật Biển, hoặc bằng hình thức trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển. Mặc dù Trung Quốc đã phê chuẩn Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS), nhưng công ước này nhìn chung phản đối các yêu sách “dựa trên lịch sử”, vốn là lập trường luôn được Bắc Kinh nhắc đi nhắc lại. Vào ngày 4 tháng 9 năm 2012, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Dương Khiết Trì, nói với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton rằng có “rất nhiều bằng chứng lịch sử và pháp lý chứng minh Trung Quốc có chủ quyền đối với các đảo trên Biển Đông và các vùng nước liền kề”.

Liên quan đến “chứng cứ pháp lý”, rất nhiều chuyên gia luật quốc tế kết luận rằng yêu sách “danh nghĩa lịch sử” của Trung Quốc đối với Biển Đông, hàm ý bao gồm đầy đủ chủ quyền và quyền chủ quyền cho phép các nước khác được quá cảnh, là không có cơ sở. Bằng chứng lịch sử, nếu có, thì càng ít sức thuyết phục hơn. Có rất nhiều mâu thuẫn trong cách Trung Quốc sử dụng chứng cứ lịch sử để biện hộ cho những yêu sách đối với các đảo và bãi đá ngầm trên Biển Đông, một trong số đó là cách so sánh gây tranh cãi giữa việc Trung Quốc làm với quá trình bành trướng đế quốc của Mỹ và các cường quốc châu Âu vào thế kỷ 18 và 19. Để biện hộ cho những nỗ lực mở rộng biên giới trên biển của Trung Quốc thông qua yêu sách đối với các đảo và bãi đá ngầm rất xa so với bờ biển, Giáo sư Jia Qingguo thuộc Khoa Nghiên cứu Quốc tế, Đại Học Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc chỉ đơn thuần làm theo những gì phương Tây đã làm mà thôi. Trả lời phỏng vấn AFP gần đây, ông Jia nói rằng: “Mỹ có đảo Guam ở châu Á, nằm cách rất xa nước Mỹ và Pháp cũng có các đảo ở phía Nam Thái Bình Dương, vì thế việc này không có gì là mới”.

Yêu sách dựa trên lịch sử của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa đang gặp trở ngại bởi vì trên thực tế các đế chế thống trị ở khu vực trong quá khứ không hề thực thi chủ quyền (sovereignty). Đối với châu Á thời cận đại, đặc thù của các đế chế là có đường biên giới không xác định, không được bảo vệ và thường xuyên thay đổi. Khái niệm quyền bá chủ là phổ biến hơn. Không giống như một quốc gia-dân tộc, đường biên giới của các đế chế Trung Hoa không được vẽ rõ ràng cũng như không được kiểm soát chặt chẽ mà thường là những đường tròn và những vùng hẹp dần tính từ trung tâm nền văn minh tới vùng ngoại vi không xác định của các tộc người khác. Quan trọng hơn, trong những tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng Ấn Độ, Myanmar và Việt Nam, Bắc Kinh luôn giữ quan điểm rằng đường biên giới trên bộ của mình chưa bao giờ được xác định, phân giới và cắm mốc. Nhưng hiện nay, khi vấn đề xảy ra đối với các đảo, bãi cạn và mỏm đá trên Biển Đông thì Bắc Kinh lại tuyên bố theo cách khác. Nói cách khác, khẳng định của Trung Quốc rằng đường biên giới trên bộ của nước này chưa bao giờ được xác định và phân giới hoàn toàn trái ngược với quan điểm rằng biên giới trên biển của Trung Quốc luôn luôn được xác định và phân định ranh giới một cách rõ ràng. Ở đây đã thấy tồn tại một mâu thuẫn cơ bản trong lập trường của Trung Quốc về đường biên giới trên bộ và trên biển và quan điểm không thể bảo vệ được. Nói đúng hơn, chính những nỗ lực của Trung Quốc vào giữa thế kỷ 20 muốn biến những đường biên giới không xác định của các nền văn minh và đế chế cổ đại được hưởng quyền bá chủ thành những biên giới được phân định rõ ràng của các quốc gia-dân tộc hiện đại để hưởng chủ quyền là nguyên nhân chính dẫn đến tranh chấp lãnh thổ/ biển giữa Trung Quốc và các nước láng giềng. Tóm lại, chủ quyền là một khái niệm chỉ được gắn cho các quốc gia-dân tộc, không phải các đế chế cổ đại. 

Biên giới hiện tại của Trung Quốc chủ yếu phản ánh đường biên giới được thiết lập trong thời kỳ bành trướng lãnh thổ hoàng kim của Triều đại nhà Thanh (Mãn Châu) vào thế kỷ 18, dần dần theo thời gian được củng cố thành biên giới quốc gia cố định theo khuôn khổ của hệ thống quốc gia-dân tộc Westphalia áp dụng đối với châu Á trong thế kỷ 19 và 20. Tuy nhiên, lịch sử chính thống Trung Quốc ngày nay thường bóp méo giai đoạn lịch sử phức tạp này bằng tuyên bố rằng người Mông Cổ, Tây Tạng, Mãn Châu và Hán đều là người Trung Quốc, trong khi trên thực tế Vạn Lý Trường Thành được các triều đại Trung Quốc xây dựng nhằm bảo vệ đất nước Trung Hoa của người Hán trước sự xâm lăng của các tộc người Mông Cổ và Mãn Châu ở phía Bắc; bức tường thành trên thực tế thể hiện đường vành đai an ninh của các đế chế Trung Hoa của người Hán. Trong khi hầu hết các nhà sử học đều xem sự càn quét của các đạo quân xâm lược Mông Cổ do Thành Cát Tư Hãn lãnh đạo đầu những năm 1200 như một thảm kịch đe dọa sự sống còn của các nền văn minh cổ đại ở Ấn Độ, Ba Tư và các quốc gia khác (Trung Quốc cũng là một trong số đó) thì người Trung Quốc đã có toan tính khi loan truyền giả thuyết cho rằng Thành Cát Tư Hãn thực chất là “người Trung Quốc”, và vì thế tất cả những vùng đất mà người Mông Cổ (Triều Nguyên) đã từng chiếm đóng và chinh phục (như Tây Tạng và phần lớn Trung và Nội Á) đều thuộc về Trung Quốc. Các yêu sách của Trung Quốc đối với Đài Loan và Biển Đông cũng đều dựa trên lập luận rằng cả hai khu vực này đều từng thuộc đế quốc Mãn Châu. (Thực tế, các bản đồ của Triều đại Mãn Châu và Triều Nguyên đều mô tả đảo Hải Nam là biên giới cực Nam của Trung Quốc, chứ không phải Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.) Theo cách lý giải lịch sử này, bất cứ vùng lãnh thổ nào từng bị “người Trung Quốc”  chinh phục trong quá khứ sẽ  luôn là của Trung Quốc cho dù nó bị chinh phạt vào thời gian nào đi chăng nữa.

Việc viết và sửa lại lịch sử theo quan điểm dân tộc chủ nghĩa để thúc đẩy đoàn kết dân tộc và tính hợp pháp của chế độ được các các nhà lãnh đạo Trung Quốc, bao gồm cả những nhà cộng sản và dân tộc chủ nghĩa, coi là ưu tiên cao nhất. Dàn lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc tự cho mình là người kế thừa di sản của đế chế Trung Hoa, nên thường sử dụng những biểu trưng và lối ăn nói của một đế chế. Từ những cuốn sách giáo khoa của học sinh tiểu học cho đến các bộ phim truyền hình dã sử, hệ thống thông tin do nhà nước kiểm soát đã nhồi nhét vào đầu các thế hệ người Trung Quốc về sự oai phong và hùng vĩ của đế chế Trung Hoa. Như một nhà Hán học người Úc Geremie Barmé đã chỉ ra, “Trong hàng thập kỷ giáo dục và tuyên truyền của Trung Quốc đã đề cao vai trò của lịch sử trong sự phát triển của nhà nước-dân tộc Trung Quốc… Trong khi chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Mao chỉ còn là cái tên thì vai trò của lịch sử trong tương lai của Trung Quốc là bất biến”. Cứ như vậy, đã có không biết bao nhiêu lịch sử đã được các cơ quan nghiên cứu, truyền thông và giáo dục thêu dệt để trở thành công cụ lãnh đạo chính trị của nhà nước (hay còn được gọi “cuộc xâm lược trên bản đồ”).

Trung Quốc sử dụng các câu chuyện dân gian, truyền thuyết, thần thoại cũng như lịch sử để cổ súy cho các yêu sách lãnh thổ và biển của mình. Các sách giáo khoa của Trung Quốc thuyết giảng về Vương quốc Trung tâm (Middle Kingdom) với tư cách là nền văn minh cổ nhất và tiến bộ nhất và là trung tâm của vũ trụ, bao quanh bởi các nước nhỏ bé hơn và phụ thuộc ở Đông và Đông Nam Á luôn phải cúi đầu và thần phục Trung Quốc. Cách lý giải lịch sử của Trung Quốc thường cố tình làm lu mờ sự khác biệt giữa ảnh hưởng bá quyền, mối quan hệ chư hầu-thiên triều với sự kiểm soát trên thực tế. Đi theo quan điểm ai làm chủ quá khứ sẽ kiểm soát hiện tại vẽ ra cả tương lai, Bắc Kinh luôn đặt cược rất cao vào “quân bài lịch sử” (thường là cách lý giải theo kiểu xét lại về lịch sử) trong các nỗ lực ngoại giao nhằm đạt được mục tiêu chính sách đối ngoại, đặc biệt là bắt các nước khác nhân nhượng về lãnh thổ và ngoại giao. Hầu hết các nước láng giềng đều đã một lần hoặc hơn phải chịu sự tấn công quân sự của Trung Quốc – Mông Cổ, Tây Tạng, Mi-an-ma, Triều Tiên, Nga, Ấn Độ, Việt Nam, Phi-lip-pin và Đài Loan – và do đó là đối tượng của lịch sử xét lại của Trung Quốc. Như Martin Jacques nhắc đến trong cuốn When China Rules the World (Khi Trung Quốc thống trị thế giới) Chủ nghĩa Trung Quốc thiên triều (Sinocentrism) góp phần hình thành và là nền móng cho chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc hiện đại”.

Nếu khái niệm về chủ quyền quốc gia xuất hiện châu Âu vào thế kỷ 17 và hệ thống đó bắt nguồn từ Hiệp ước Westphalia, thì chủ quyền trên biển là khái niệm do người Mỹ đặt ra vào giữa thế kỷ 20 và Trung Quốc đã cố tận dụng để mở rộng đường biên giới trên biển. Jacques chỉ ra, “Ý tưởng về chủ quyền trên biển là một phát minh tương đối mới, bắt đầu từ năm 1945 khi Mỹ tuyên bố ý định thực thi chủ quyền đối với vùng lãnh hải của mình”. Trên thực tế, Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc là nỗ lực đáng chú ý nhất của quốc tế trong việc áp dụng khái niệm chủ quyền của đất liền đối với các vùng biển trên toàn thế giới, tuy vậy điểm khá quan trọng là nó bác bỏ ý tưởng các lập luận chứng minh bằng quyền lịch sử. Vì vậy, dù Bắc Kinh yêu sách khoảng 80%  Biển Đông như “vùng nước lịch sử” của nước này (và hiện đang hướng tới việc nâng yêu sách lên nhóm “lợi ích cốt lõi” giống như yêu sách đối với Đài Loan và Tây Tạng), nói về mặt lịch sử, Trung Quốc có quyền yêu sách Biển Đông như Mexico yêu sách Vịnh Mexico cho riêng mình, hay Iran đối với Vịnh Ba Tư, Ấn Độ đối với Ấn Độ Dương.

Các đế chế cổ đại giành quyền kiểm soát lãnh thổ thông qua hoạt động xâm chiếm, sáp nhập, đồng hóa hay để mất lãnh thổ vào tay các đối thủ khác, những đế chế có binh lực hoặc khả năng thống trị tốt hơn. Việc mở rộng và thu hẹp lãnh thổ là một khái niệm được quyết định bởi sự hưng thịnh hay suy yếu của một vương quốc hay đế chế. Vì vậy, quan niệm “vùng đất thiêng liêng” là phi lịch sử bởi việc kiểm soát lãnh thổ dựa trên việc một nước chiếm đoạt hoặc đánh cắp những gì thuộc về nước khác. Biên giới của những triều đại Tần, Hán, Đường, Tống và Minh mở rộng và thu hẹp trong suốt quá trình lịch sử. Một đế quốc Trung Hoa thịnh vượng và hùng cường, cũng giống như nước Nga sa hoàng, bành trướng lãnh thổ ở vùng Nội Á và Đông Dương khi cơ hội xuất hiện và sức mạnh cho phép. Việc mở mang bờ cõi dần dần qua nhiều thế kỷ dưới triều đại Mông Cổ và Mãn Châu đã tăng thêm quyền kiểm soát của đế chế Trung Hoa đối với Tây Tạng và một số vùng ở Trung Á (nay là Tân Cương), Đài Loan và Đông Nam Á. Trên thực tế, Trung Quốc cận đại chính là một “nhà nước đế chế” dưới mác một quốc gia-dân tộc.

Nếu các yêu sách của Trung Quốc được chứng minh trên cơ sở lịch sử, thì yêu sách lịch sử của Việt Nam và Philippines cũng có thể dựa vào yếu tố lịch sử của họ. Ví dụ, các sinh viên ngành lịch sử Châu Á biết rằng dân tộc Mã Lai, có gốc gác với người Philippines ngày nay, có thể đưa ra yêu sách đối với Đài Loan thuyết phục hơn của Bắc Kinh. Những người gốc Mã Lai Pô-li-nê-di đã định cư đầu tiên ở Đài Loan, họ là tổ tiên của nhóm thổ dân ngày nay – những người cư ngụ ở vùng đồng bằng thấp ven biển. Trong bài viết năm ngoái trên tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, nhà bình luận châu Á nổi tiếng, ông Philip Bowring đã nhận xét rằng, “Việc Trung Quốc có những ghi chép lịch sử lâu đời không làm vô hiệu giá trị lịch sử của các quốc gia khác thể hiện qua cổ vật, ngôn ngữ, nòi giống và quan hệ di truyền, các bằng chứng về giao thương và đi lại.” Trừ khi ai đó tán thành khái niệm quan điểm chủ nghĩa cá biệt dành riêng cho Trung Quốc, nếu không “yêu sách lịch sử” của đế quốc Trung Hoa có giá trị như yêu sách lịch sử của những vương triều và đế chế khác ở Đông Nam Á và Nam Á. Việc Trung Quốc yêu sách các khu vực thuộc địa của đế chế Mông Cổ và Mãn Châu giống với việc Ấn Độ yêu sách Afghanistan, Bangladesh, Miến Điện, Malaysia (Srivijaya), Nepal, Pakistan và Sri Lanka với lập luận đây là các phần thuộc triều đại Maurya, Chola, hoặc đế chế Mông Cổ và đế chế Ấn Độ thuộc Anh.

Các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông cũng đánh dấu một sự thay đổi lớn về định hướng địa chính trị lâu đời của một cường quốc lục địa. Với việc tuyên bố có bề dày truyền thống đi biển, Trung Quốc đề cập nhiều đến cuộc thám hiểm đầu thế kỷ XV của Trịnh Hòa tới Ấn Độ Dương và Châu Phi. Nhưng, như Bowring chỉ ra rằng “Nếu nói đến hoạt động hàng hải ngoài các vùng nước ven bờ, Trung Quốc thực sự chỉ là người đến sau. Trong nhiều thế kỷ, những người bá chủ của đại dương là người Mã Lai Pô-li-nê-di, những người đã chinh phục phần lớn thế giới, từ Đài Loan đến New Zealand, Hawaii ở phía nam và phía đông, và Madagascar ở phía tây. Các chum đồng đã được trao đổi ở Palawan, phía nam Scarborough vào thời Khổng Tử. Những người hành hương Phật giáo của Trung Quốc như Pháp Hiển đến Sri Lanka và Ấn Độ vào thế kỷ thứ năm đã đi bằng thuyền do người Mã Lai sở hữu và điều khiển. Tàu thuyền đi từ khu vực mà ngày nay là Philippines đã có hoạt động giao thương ở Phù Nam, một nhà nước cổ hiện nay thuộc miền Nam Việt Nam, một ngàn năm trước thời nhà Nguyên.”

Và cuối cùng, cái gọi là “yêu sách lịch sử” của Trung Quốc đối với Biển Đông không thực sự “tồn tại từ nhiều thế kỷ trước.” Những yêu sách này chỉ có từ năm 1947, khi chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc của Tưởng Giới Thạch vẽ cái gọi là “đường mười một đoạn” trên bản đồ của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm quần đảo Trường Sa và các chuỗi đảo khác mà chính phủ Quốc Dân Đảng cầm quyền tuyên bố thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Bản thân ông Tưởng nói rằng ông ta xem chủ nghĩa phát xít Đức như một hình mẫu cho Trung Quốc, bị cuốn hút bởi ý tưởng của Đảng quốc xã về Không gian Sinh tồn được mở rộng (“không gian sống”) cho dân tộc Trung Hoa. Tưởng Giới Thạch không có cơ hội trở thành người theo chủ nghĩa bành trướng bởi người Nhật đã đẩy ông lui về thế phòng thủ, nhưng những người vẽ bản đồ của chế độ dân tộc chủ nghĩa khi đó đã vẽ ra đường chữ U gồm mười một đoạn với nỗ lực mở rộng “không gian sống” của Trung Quốc trên Biển Đông. Sau chiến thắng của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong cuộc nội chiến năm 1949, Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc đã chấp nhận tấm bản đồ này, sửa lại ý tưởng của Tưởng Giới Thạch thành “đường chín đoạn” sau khi xóa bớt hai đoạn nằm ở Vịnh Bắc Bộ vào năm 1953.

Kể từ khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, Trung Quốc đã vẽ lại bản đồ của nước này, xác định lại đường biên giới, tạo ra các bằng chứng lịch sử, sử dụng vũ lực để thiết lập thực trạng mới về lãnh thổ, đổi tên các đảo và cố gắng áp đặt lối giải thích lịch sử đối với các vùng biển trong khu vực. Trung Quốc đã thông qua một đạo luật vào năm 1992, “Luật lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải” trong đó yêu sách bốn phần năm Biển Đông. Hải quân Trung Quốc đã có những cuộc đụng độ quân sự với hải quân của Philippines và Việt Nam trong những năm 1990. Mới đây, việc triển khai số lượng lớn tàu cá và tàu hải giám Trung Quốc đến vùng biển tranh chấp để tạo thành một thế trận gần như là “chiến tranh nhân dân trên biển” đã làm gia tăng căng thẳng. Trích lời của nhà bình luận Sujit Dutta, “Chủ trương phục hồi lãnh thổ không khoan nhượng của Trung Quốc [được] dựa trên … học thuyết cho rằng cần chiếm giữ khu vực ngoại vi để bảo vệ khu vực trung tâm. [Đây] về cơ bản là một khái niệm rất đế quốc được tiếp thu bởi những người Trung Quốc theo chủ nghĩa dân tộc – cả Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng Sản. Những nỗ lực của chế độ [hiện nay] nhằm giành được đường biên giới địa lý tưởng tượng với rất ít cơ sở lịch sử đã, đang và sẽ tiếp tục gây ra những hậu quả chiến lược bất ổn.”

Một lý do mà Đông Nam Á cảm thấy khó chấp nhận yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc đó là nước này luôn hành xử quyết đoán theo kiểu dân tộc Hán ưu việt đối với các dân tộc và đế chế khác ở Châu Á. Như lời ông Jay Batongbacal thuộc Trường Đại học luật Philippines: “Bằng trực giác, chấp nhận đường chín đoạn chả khác nào việc phủ nhận chính bản sắc và lịch sử của tổ tiên người Việt Nam, người Philippines, và người Mã Lai, nó gần như một sự hồi sinh ở thời kỳ hiện đại của tư tưởng hạ thấp những tộc người không phải người Trung Quốc, xem họ như những “người man rợ” không có phẩm giá và được tôn trọng giống như một dân tộc.”

Các đế chế và vương triều chưa bao giờ thực thi chủ quyền. Nếu yêu sách lịch sử có bất kỳ giá trị nào thì Mông Cổ có thể yêu sách toàn bộ Châu Á chỉ đơn giản bởi đế chế này đã từng chinh phục các vùng đất của châu lục. Hoàn toàn không có cơ sở lịch sử để bảo vệ yêu sách đường chín đoạn, đặc biệt khi xét đến việc lãnh thổ của đế chế Trung Hoa chưa từng được phân định một cách rõ ràng như các quốc gia-dân tộc, mà đúng hơn chỉ là các khu vực chịu ảnh hưởng giảm dần tính từ vùng trung tâm văn minh của đế chế. Đây là lập trường của Trung Quốc hiện đại bắt đầu từ những năm 1960 trong các cuộc đàm phán về biên giới trên bộ với một số quốc gia láng giềng. Nhưng đây không phải quan điểm Trung Quốc áp dụng ngày nay trong các tranh cãi về bản đồ, ngoại giao và những va chạm quân sự cường độ thấp nhằm xác định ranh giới trên biển của nước này. Việc liên tục giải thích  lại lịch sử nhằm thúc đẩy các yêu sách về biển, chính trị, lãnh thổ, kết hợp cùng khả năng điều chỉnh “làn sóng dân tộc chủ nghĩa” của giới lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc trong những thời điểm căng thẳng với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và Philippines, đã khiến cho Bắc Kinh khó khăn trong việc trấn an các nước láng giềng rằng “sự trỗi dậy hòa bình” của nước này hoàn toàn là hòa bình. Vì có sáu bên yêu sách các rạn san hô, đảo, đá và mỏ dầu ở Biển Đông, tranh chấp Quần đảo Trường Sa, theo định nghĩa, là tranh chấp đa phương nên cần phân xử bằng trọng tài quốc tế. Nhưng Trung Quốc luôn nhấn mạnh các tranh chấp này là song phương nhằm mục đích đặt đối thủ cạnh tranh vào giữa “cái đe” chủ nghĩa xét lại lịch sử và “cái búa” sức mạnh quân sự ngày càng tăng của nước này./.

Mohan Malik là Giáo sư về an ninh châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á – Thái Bình Dương, ở Honolulu. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất của ông là cuốn China and India: Great Power Rivals (Trung Quốc và Ấn Độ: Những cường quốc trỗi dậy). Ông gửi lời cảm ơn đến Tiến sĩ Justin Nankivell, Carlyle Thayer, Denny Roy và David Fouse vì những góp ý cho bài viết này. 

Bản gốc tiếng Anh: “Historical Fiction: China’s South China Sea Claims

Người dịch: Châu Anh

Hiệu đính: Kim Minh 

Chữ “tín” có dăm ba bẩy đường?

7 Th6

Chữ “tín” có dăm ba bẩy đường?

Nói như vua Lê Thánh Tông, thề với trời đất phải dùng người quân tử, có như vậy mới không bỏ lỡ cơ hội của sự phát triển đất nước.

Sát hạch tín nhiệm và “đèn pha” chiếu lãnh đạo

Niềm tin đã từng phải mua rất đắt

Kỳ họp Quốc hội lần này sẽ có nội dung lấy phiếu tín nhiệm với 49 chức danh của Quốc hội và Chính phủ. Đây có thể được xem là bước đột phá trong đánh giá cán bộ thể theo yêu cầu từ lâu của cử tri cả nước. Nói như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: “Đây là đổi mới quan trọng trong đời sống chính trị đất nước nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, các quy định của pháp luật, đề cao quyền làm chủ của nhân dân thông qua việc thực hiện quyền giám sát của QH đối với những cán bộ chủ chốt của Đảng và Nhà nước”.

Trung Tá hay Tán Đường?

Thường người được tín nhiệm phải là người có tài đức, đem tài đức phục vụ cho xã hội được cả cấp trên, cấp dưới ủng hộ. Những người này nếu được đề bạt hay lấy phiếu tín nhiệm đều dễ nhận được sự ủng hộ.

Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng vậy, nhận được phiếu tín nhiệm cao chưa hẳn là người tài giỏi người hết lòng vì dân vì nước. Cái khó chính là ở chỗ đó. Thực tế cuộc sống không ít người chẳng mang lại lợi ích gì, sống theo kiểu “trung dung” “quan ba cũng ừ, quan tư cũng gật” không mất lòng ai lại được tín nhiệm cao. Cũng có trường hợp hai phe tranh giành, ngang cơ nhau, giải pháp tốt nhất là chọn người dễ sai, đứng giữa.

Cũng nhiều trường hợp được tín nhiệm cao do vận động, do “đi đêm”. Nhiều đơn vị, địa phương chuyện mua phiếu, vận động cả dòng họ vào cuộc không phải là hiếm.

bỏ phiếu, ĐBQH, tín
QH sẽ lấy phiếu tín nhiệm đầu tuần tới. Ảnh: Lê Anh Dũng

Người xưa chọn người tài rất công tâm. Chuyện Tô Hiến Thành chọn người tài là ví dụ điển hình trong lịch sử nước ta. Khi ông lâm bệnh nặng, ông không chọn người ngày đêm phục vụ mình mà chọn người khác thay thế. Khi được Thái hậu hỏi, Tô Hiến Thành trả lời: “Thái hậu hỏi ai là người thay thế thần để lo việc lớn của đất nước, nên thần tiến cử Trung Tá. Còn nếu hỏi ai là người hầu hạ tận tình nhất thì còn ai ngoài Tán Đường”.

Các chế độ xã hội ngày xưa “vua sáng- tôi hiền” bao giờ cũng là cặp bài trùng luôn đi liền với nhau. Một xã hội thịnh trị yếu tố trên thể hiện rõ ràng nhất. Thời đại vua Lê Thánh Tông trong lịch sử phong kiến Việt Nam là xã hội thịnh trị. Lê Thánh Tông trong lịch sử nổi tiếng là vị vua sáng, vì thế ông đã chọn ra những tôi hiền, trong sạch thanh liêm, lại có trí tuệ như Lương Thế Vinh, Thân Nhân Trung…

Ông luôn căn dặn những người thân cận: “Ta và các ngươi đã thề với trời đất dùng người quân tử, bỏ kẻ tiểu nhân, ngày đêm chăm chắm không lơi”. Nhiều người tài của nước ta, đi thi đều đỗ đạt và thực tế họ đã góp công đưa đất nước phát triển. Lịch sử cũng cho thấy, khi một ông vua đã thối nát, chỉ biết ăn chơi sa đọa … thì cả bộ máy cũng chỉ để vơ vét phục vụ cho thói xa hoa trên. Ít có người tài nào “chui” được vào bộ máy.

Đất nước chậm phát triển – chưa chọn được hiền tài?

Quay trở lại với đánh giá của Nghị quyết Trung ương 4, tại sao hiện nay lại có “một bộ phận không nhỏ cán bộ tham nhũng”, hay “không phải một con sâu mà là một bầy sâu”, vậy cơ chế chọn của chúng ta có còn kẽ hở?

Chúng ta vẫn nói: Qui trình tuyển chọn là chặt chẽ, công khai minh bạch…Tuy nhiên đúng hay sai, lại là vấn đề của thực tiễn, vấn đề cuối cùng là xã hội phát triển thế nào. Đành rằng sự phát triển có rất nhiều yếu tố tác động như khách quan, chủ quan, rồi tình hình thế giới, thế lực thù địch chống phá…, nhưng quan trọng nhất là vấn đề cán bộ và chọn cán bộ.

Đất nước chưa phát triển không thể nói chúng ta đã chọn được người tài. Nói cơ hội bị bỏ lỡ, cũng chính là chưa có người tài hay “tập thể tài” để định hướng đúng và trúng…

Ở nước ngoài vận động, mua phiếu là chuyện không hiếm, song mua được vài người chứ không “mua” được cả xã hội. Và người dân một vài lần ảo tưởng chứ không thể ảo tưởng cả đời. Ai, người nào đem lại quyền lợi, cuộc sống cho họ thì họ bầu. Nghĩa là nó tác động đến miếng cơm manh áo.

Tín nhiệm thông qua bỏ phiếu, và khi bỏ phiếu không phải là đã xong xuôi. Phải thông qua thực tiễn để kiểm nghiệm, đánh giá. Lĩnh vực mình phụ trách còn để nhiều bất ổn không thể nói là đã hoàn thành nhiệm vụ. Phải lấy tình hình kinh tế xã hội những năm qua ra mà đánh giá, soi chiếu.

Lần này chúng ta lấy phiếu tín nhiệm một loạt các vị Bộ trưởng. Có thể nói đây là những tư lệnh ngành quan trọng bậc nhất cho sự phát triển. Chỉ cần một khâu yếu trong hệ thống, đất nước phải trả giá. Thực tế hai năm vừa qua những vị Bộ trưởng nào tài trí hết lòng vì dân, vì nước, vì nhân dân, đã rõ. Và các vị đại biểu Quốc hội còn rõ hơn. Lần này có thể nói đó là một cuộc sát hạch, một cuộc “kiểm tra” thực tế. Không thể có tín nhiệm như nhau ở các vị bộ trưởng, cũng như không thể tất cả đều tín nhiệm cao, vì thực tế đã có câu trả lời- không phải mọi thứ đều đã tốt.

Làm sao, để “tín nhiệm” với dân

Trong báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri cho biết, cử tri và nhân dân hoan nghênh việc QH ban hành nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của QH, HĐND, giúp người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Vì vậy, cử tri và nhân dân kiến nghị các đại biểu QH nêu cao ý thức trách nhiệm trước cử tri và nhân dân cả nước, để việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành thực chất. Làm sao, để lần đầu tiên, một hoạt động mới mẻ của nghị trường tạo ra được sự… “tín nhiệm” với người dân, không hình thức, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Nhà nước thực sự có năng lực, đạo đức tốt, liêm khiết, gương mẫu.

Đội ngũ được tín nhiệm phải thực sự có tinh thần kiên quyết đấu tranh chống tệ tham nhũng, lãng phí, tệ chạy chức chạy quyền chạy tội, chạy bằng cấp, chạy tuổi… như Nghị quyết Trung ương 5 vừa qua đã chỉ ra.

Cử tri mong những đại biểu mà họ đã bầu hãy nêu cao vai trò trách nhiệm. Hãy đánh giá đúng và thực chất những công bộc của dân. Người nào vì dân vì nước phải được ủng hộ. Đây là công việc của sự phát triển hay nói như vua Lê Thánh Tông, thề với trời đất phải dùng người quân tử, có như vậy mới không bỏ lỡ cơ hội của sự phát triển đất nước.

Nguyễn Đăng Tấn