Lưu trữ | 3:20 Chiều

HÒA ĐÀM GENÈVE NĂM 1954 – NỖI KHÓ XỬ CỦA TRUNG QUỐC (2) – BS

20 Th6

Posted by basamnews on June 20th, 2013

Mạng Trung Quốc 360doc.com

10-11-2010

Người dịch:  Quốc Thanh

Bài này trích từ “Nghiên cứu về lịch sử thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa -2” 《中华人民共和国建国史研究2》 Tác giả:  Dương Khuê Tùng   Nơi xuất bản: Nhà xuất bản nhân dân Giang Tây  Năm xuất bản: 9.2009. (Xin xem: book.douban.com/subject/3923370/).

Thúc đẩy ngừng bắn ở Đông Dương

Khi lãnh đạo 3 nước Trung Quốc, Việt Nam, Liên Xô bàn về phương châm đàm phán của Hội nghị Genève tại Moskva, Chiến dịch Điện Biên Phủ vừa mới bắt đầu không lâu,tình thế cuộc chiến tuy có lợi rõ cho Đảng Việt Nam, song theo sự nhìn nhận của đa số các nhà lãnh đạo hai đảng Trung-Xô, điều này không có nghĩa là người Việt Nam có thể nhanh chóng đuổi được người Pháp ra khỏi Đông Dương. Đó không chỉ bởi vì quân Pháp vẫn chiếm cứ vùng ven biển và các thành phố lớn, kiểm soát quá nửa dân số Việt Nam, mà đặc biệt là do người Mỹ đang nóng lòng muốn can thiệp. Khi chiến tranh Triều Tiên vừa mới kết thúc, các nhà lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc như Chu Ân Lai…rõ ràng là không muốn tái hiện lại màn chiến tranh Triều Tiên ở Đông Dương. Vì thế, sau khi phương châm cơ bản tham gia Hội nghị Genève đã được xác định, Chu Ân Lai nhanh chóng gủi điện cho Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng lao động Việt Nam đề nghị Đảng  Việt Nam lập tức tiến hành các công tác chuẩn bị, tổ chức đoàn đại biểu đi dự Hội nghị Genève, đồng thời định ra các phương án đàm phán. Chu Ân Lai nhiều lần chủ trương cần chuẩn bị hoạch định một đường ngừng bắn, để cho mình bảo đảm có thể có được một khu vực tương đối hoàn chỉnh, từ đó thực hiện tổng tuyển cử, hoàn tất việc thống nhất. (Chu Ân Lai niên phổ, tr. 358).

Về chuyện này, Bộ chính trị Trung ương Đảng lao động Việt Nam đã nhiều lần họp hành nghiên cứu, song quan điểm của họ ít nhiều có khác với Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc. Bởi Việt Nam độc lập đồng minh lúc này đã giành được nhiều căn cứ địa ở  miền Bắc, miền Trung và miền Nam Việt Nam, kẻ địch tuy vẫn chiếm cứ các thành phố lớn và vừa, hải cảng, đường giao thông chính và hầu hết các vùng kinh tế quan trọng, nhưng đã có thể thừa hành chính quyền tại gần ¾ khu vực của Việt Nam. Nếu vạch ranh giới đình chiến, thì Việt Nam độc lập đồng minh buộc phải bỏ mất miền Nam, thậm chí là cả nhiều căn cứ địa ở các khu vực miền Trung, một số lượng lớn quân dân và cán bộ của Đảng đều sẽ rút về miền Bắc, đều này đối với nhiều cán bộ lãnh đạo tới từ những khu vực phải rút khỏi trong Đảng là khó lòng chấp nhận. Vì thế, mặc dù cuộc họp của 3 đảng Trung Quốc, Việt Nam và Liên Xô đã xác định được phương châm đàm phán, Trung ương Đảng Việt Nam đã quyết định cử Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Bộ trưởng ngoại giao đi dự Hội nghị Genève, về nguyên tắc cũng đã chấp thuận lời đề nghị thực hiện ngừng bắn, nhưng các ý kiến trong nội bộ Trung ương cũng chưa hoàn toàn thống nhất.

Ngày 7.5, quân đội nhân dân Việt Nam đã dùng hỏa pháo cực lớn và thuốc nổ hầm ngầm phá hủy hoàn toàn trận địa cốt lõi phòng thủ Điện Biên Phủ của quân Pháp, buộc quân Pháp phải đầu hàng, nhờ đó mà giành được đại thắng Điện Biên Phủ. Chiến dịch này đã tiêu diệt 160 000 quân Pháp, bắt làm tù binh 10 000, bắt sống Tư lệnh quân phòng thủ Pháp là chuẩn tướng De Casteries. Sau đại thắng Điện Biên Phủ, Phạm Văn Đồng đại diện đoàn đàm phán Việt Nam, vốn giữ thái độ hoài nghi trước chủ trương vạch ranh giới ngừng bắn, tin tương rằng tình thế chiến trường đã có sự thay đổi căn bản, cho rằng cần thay đổi phương án đường chia Đông Tây phân giới Nam Bắc vốn có, nên yêu cầu ngừng bắn tại chỗ thì hơn, điều chỉnh đôi chút, đợi đến tổng tuyển cử để thống nhất Việt Nam luôn một thể. Trong khi đó, trong thời gian diễn ra Hội nghị Moskva, việc giữ nguyên ý tưởng giải quyết luôn một thể cả 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia đã bàn bạc căn cứ theo tình hình báo cáo từ phía Việt Nam, để thành lập Liên bang Đông Dương cách mạng cũng trở thành trở ngại đối với hòa bình khó lòng khắc phục. Phạm Văn Đồng giữ nguyên ý 3 nước Đông Dương là “một chỉnh thể thống nhất”, cần có một biện pháp giải quyết hoàn chỉnh. (Quách Minh, tr. 49). Còn Chu Ân Lai thì lại phát hiện được là 3 nước trong Liên bang Đông Dương  của thực dân Pháp trong lịch sử thực ra là 3 quốc gia khác nhau từ kết quả của các cuộc tiếp xúc ngoại giao với đại diện 2 nước Pháp, Anh cùng đại diện Vương quốc Lào, Vương quốc Campuchia trong thời gian Hội nghị Genève. Sau chiến tranh 3 nước thực sự đều đã độc lập riêng rẽ, Vương quốc Lào và Vương quốc Campuchia dã được chính phủ của hơn 30 quốc gia trên thế giới công nhận, trong tình hình này mà muốn phủ nhận chính phủ của 2 quốc gia ấy, chỉ thừa nhận chính phủ chống Pháp của Liêu Quốc và Cao Miên do Việt Nam hỗ trợ, không chấp nhận đề nghị phải tách giải quyết riêng vấn đề 3 nước Đông Dương do Pháp, Anh đưa ra là điều hết sức khó khăn. Thực ra ngay chính cả bản thân Phạm Văn Đồng cũng rõ là tình hình của 3 nước rất khác nhau, Việt Nam có thể vạch được ranh giới, Campuchia hoàn toàn không có khả năng vạch ranh giới, đòi hỏi vạch ranh giới ở Lào cũng không đủ nguồn vốn. Nhất là Campuchia và Lào, đóng vai trò chủ lực trong lực lượng chống Pháp đều là quân dân Việt Nam. Song nếu chấp nhận tách giải quyết riêng, thì quân đội nhân dân Việt Nam cũng liền trở thành quân đội ngoại quốc, buộc phải rút khỏi. Kết quả tạo nên từ đó không chỉ phải bỏ rơi Nam Việt tạm thời, mà cả 2 nước Lào và Campuchia cũng chưa chắc đã rơi vào vòng kiểm soát của các chính phủ vương quốc. Điều này có một khảng cách quá xa với dự kiến ban đầu của Đảng Việt Nam và lực lượng chống Pháp ở Liêu Quốc, Cao Miên.

Xoay quanh những vấn đề này, đã xảy ra sự tranh cãi gay gắt giữa các bên trong thời gian Hội nghị Genève. Lưu ý tới phương án của Đảng Việt Nam sẽ không có khả năng được đối phương chấp nhận, đại diện Mỹ đã cố sức tận dụng sự tranh chấp này để khiến cho Hội nghị không thể đi đến kết quả hòa bình. Chu Ân Lai sau khi trao đổi với các đoàn đại biểu 2 nước Liên Xô, Việt Nam, vào ngày 27.5 đã đề xuất rõ rằng vấn đề ngừng bắn có thể xử lý lần lượt tùy theo tình hình khác nhau giữa 3 nước. Đề nghị này đã thúc đẩy Hội nghị đi đến thỏa thuận ngừng bắn hoàn toàn đồng thời cả 3 nước vào ngày 29, đây là thỏa thuận mang tính thực chất đầu tiên kể từ khi đàm phán tới đó. Ngày 30, Chu Ân Lai gửi điện cho Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc nhấn mạnh về tính tất yếu trong việc đưa ra sự nhượng bộ này. Trong bức điện ông nói: “Ranh giới giữa dân tộc với quốc gia ở 3 nước thành viên Đông Dương là rất rõ ràng và chặt chẽ. Ranh giới này đã tồn tại từ trước  khi Pháp thiết lập nền thống trị thực dân ở Đông Dương, hơn nữa, người dân 3 nước cũng nhìn nhận như vậy”. “Chính phủ Vương quốc 2 nước Campuchia và Lào với đại đa số người dân vẫn là chính phủ hợp pháp, hơn nữa, lại là chính phủ đã được hơn 30 nước trên thế giới công nhận”. Vì thế, đối với Việt Nam, Lào và Campuchia, “phải ứng xử với 3 nước một cách nghiêm túc”. Ông nhắc Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc cần xem xét cẩn thận điểm này. (Kim Xung Cập, tr. 1126).

Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc nhanh chóng nhất trí với quan điểm của Chu Ân Lai, đồng thời giành được sự chấp thuận của Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam. Lúc này, chính phủ Lanière (BS ktra hộ cái tên này) chủ chiến của Pháp đã bị hạ bệ, cuộc dàm phán Genève bị ảnh hưởng rất rõ. Do sự xúi giục của đại diện Mỹ, các nước Phương Tây đã bỏ dở giữa chừng cuộc hội nghị về vấn đề Triều Tiên. Còn trong cuộc đàm phán về vấn đề Lào, Campuchia, do 3 bên Trung Quốc, Liên Xô, Việt Nam vẫn khăng khăng không thừa nhận quân đội Việt Minh đã tiến vào 2 nước này, nên đàm phán cũng rơi vào trạng thái bế tắc, ngày thứ hai cũng đối mặt với tình hình nặng nề là các nước Phương Tây đã chấm dứt Hội nghị về vấn đề Đông Dương. Vì thế, đại diện 3 bên Trung Quốc, Liên Xô, Việt Nam đã có cuộc trao đổi nội bộ khẩn cấp vào tối ngày 15. Chu Ân Lai nêu thẳng thừng ngay tại trận: Mấu chốt của việc đàm phán hiện nay là phía ta có thừa nhận quân Việt ở Liêu Quốc và Cao Miên hay không. Nếu như tôi kiên quyết không thừa nhận, thì vấn đề Cao Miên, Liêu Quốc sẽ không thể bàn được tiếp, vấn đề Việt Nam cũng sẽ bị kéo theo mà không bàn tiếp được. Cho nên, cần thừa nhận trước đây đã có quân tình nguyện Việt Nam tác chiến ở Cao Miên, Liêu Quốc, song có một số đã rút về, nếu như có còn thì cần xử lý dựa theo biện pháp rút hết quân đội nước ngoài. Trong khí đó, vấn đề 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia cần được giải quyết lần lượt, cần xem xét để đưa ra nhượng bộ về vấn đề Lào và Campuchia. Bởi vì, lực lượng của ta tại Lào và Campuchia quá mỏng, dựa vào lực lượng Việt Nam để đánh tiếp ở Lào và Campuchia thì chỉ tổ khiến cho các chính phủ Vương quốc hiện tại nghiêng hẳn sang phía Mỹ, thậm chí còn thúc cho Anh, Mỹ làm Hiệp ước Đông Nam Á, đưa Anh, Mỹ… vào trong một rọ, chẳng thà cứ để họ trở thành các nước trung lập kiểu Đông Nam Á còn hơn. (Khúc Tinh, tr. 257, 264, 266). Ngày hôm sau, theo ý kiến đã đi đến thống nhất trong Hội nghị, Chu Ân Lai thông qua cuộc gặp Đại thần ngoại giao Anh Eden là đồng chủ tịch Hội nghị và phần phát biểu có hạn chế trong Hội nghị để bày tỏ rõ ý muốn có sự nhượng bộ về điều này. Cử chỉ này đã đánh bại được đại diện Mỹ đang chuẩn bị có ý đồ bỏ dở giữa chừng cuộc thảo luận về vấn đề Đông Dương. Cuộc thảo luận về vấn đề Đông Dương tại Hội nghị Genève đã xuất hiện khả năng chuyển biến tốt. (Lý Liên Khánh, tr. 277-281; Kim Xung Cập, tr. 1128).

Sau khi đã giải quyết xong vấn đề xử lý riêng rẽ 3 nước Đông Dương, việc thực hiện vấn đề ngừng bắn ra sao đã nhanh chóng được đưa vào chương trình nghị sự. Để thống nhất được tư tưởng và phương châm đàm phán, đại diện 3 bên Trung Quốc, Liên Xô, Việt Nam đã mở hội nghị riêng ngày 17.6 để thảo luận về phương án phân khu do Trung ương Đảng lao động Việt Nam gửi điện đề xuất vào ngày 13. Song Phạm Văn Đồng khó lòng chấp thuận được đề nghị của Chu Ân Lai lấy Việt Nam làm trọng điểm tranh giành, còn Cao Miên, Liêu Quốc thì tùy tình hình mà nhượng bộ, Cao Miên không phân khu, Liêu Quốc chỉ phân biên khu. Sau đó, Chu Ân Lai gửi điện cho Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ giải thích rằng kiến nghị của ông ta là dựa trên tình trạng thực tế đối sánh lực lượng giữa 3 nước. “Lực lượng mọi phương diện của Việt Nam tương đối mạnh, không những có thể trụ vững được, mà còn có thể từng bước củng cố và mở rộng ảnh hưởng”. Nếu như chúng ta có sự nhượng bộ về vấn đề Cao Miên và Liêu Quốc, thì có thể đòi cho Việt Nam được nhiều hơn một chút, yêu cầu được bồi thường. Vấn đề là sự lường tình thế của Phạm Văn Đồng, thậm chí cả Trung ương Đảng lao động Việt Nam, đều đã quá lạc quan, phải trả giá quá đắt. Nhất là khi nội các Pierre Mendès-France ở Pháp lên nắm quyền, ngày 17.6 đã hứa công khai là chỉ trong vòng 1 tháng sẽ giải quyết vấn đề Đông Dương một cách hòa bình, nếu không tự động từ chức, thì điều này càng khiến cho Đảng Việt Nam cảm thấy có khả năng kiên trì đến cùng buộc chính phủ Pháp phải nhượng bộ. Theo họ, sốt ruột phải là người Pháp, chứ không phải là họ. Theo đó, Chu Ân Lai đã gửi điện cho Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, đề nghị lãnh đạo hai đảng Trung-Việt tổ chức hội đàm, để nói rõ cho các nhà lãnh đạo Việt Nam về vấn đề then chốt này, nhằm đi đến nhất trí. (Như trên; Điện Chu Ân Lai gửi Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ đồng Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, ngày 19.6.1954). Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc nhanh chóng bày tỏ sự đồng ý, đồng thời đã có chỉ thị thêm.

Ngày 2.7, Chu Ân Lai sau khi đi thăm Ấn Độ và Miến Điện đã tới Liễu Châu, Quảng Tây, để tham gia cuộc hội đàm hai đảng Trung-Việt như đã định. Hội đàm bắt đầu vào ngày mùng 3, ngày mùng 5 kết thức, trong 3 ngày tổng cộng có 8 cuộc họp. Theo báo cáo của Võ Nguyên Giáp, sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, tình thế hết sức có lợi cho Việt Nam. Địch tuy vẫn còn hơn 470 000 quân, nhưng chỉ có 190 000 quân viễn chinh trong toàn bộ quân Pháp, 240 000 là ngụy quân Việt Nam, quân Lào chỉ có khoảng 20 000, quân Cao Miên chỉ khoảng 15 000. Lực lượng chống Pháp ở Đông Dương đã lên tới hơn 300 000 quân. Lực lượng quân địch chủ yếu ở Việt Nam, có khoảng 400 000, ở Việt Bắc 180 000, ở  Liên Khu Năm 80 000, Nam Bộ 120 000 đều là ngụy quân, còn quân đội nhân dân Việt Nam có 280 000, chủ yếu tập trung ở Liên Khu Năm và Bắc Trung Bộ, so sánh lực lượng thực tế mạnh hơn quân địch.

Sau khi nghe báo cáo của Võ Nguyên Giáp, vấn đề đầu tiên mà Chu Ân Lai nêu ra chính là: Nếu như Mỹ không can thiệp, tình trạng Pháp vẫn cứ tăng thêm binh lực đánh tiếp, thì tới bao lâu nữa chúng ta mới có thể giành được toàn bộ Đông Dương? Võ Nguyên Giáp nói, nếu đánh tốt thì chỉ vài ba năm là có thể nắm được. Hồ Chí Minh thì nói “thời gian ít nhất là dăm ba năm”. Ông ta thừa nhận: “Ba nước có tình trạng khác nhau. Cơ sở của Việt Nam tốt hơn, cơ sở của Lào và Campuchia kém hơn, cán bộ ở Lào và Campuchia thực ra là người Việt Nam. Ngoài ra, ngay cả khi ở Việt Nam, cũng có  nghĩa là Việt Bắc, có khá hơn, nếu xếp thứ tự Trung-Việt, thì lực lượng của Việt Nam cũng kém hơn. Đồng thời, Võ Nguyên Giáp cùng cố vấn Trung Quốc Vi Quốc Thanh, La Quý Ba… cũng đều nhấn mạnh giao thông là vấn đề lớn, nếu như muốn đánh lớn thì còn phải bỏ thời gian trước tiên vào việc sửa chữa các đường quốc lộ, nếu không sẽ rất khó đánh.

Theo đó, Chu Ân Lai đã làm tăng thêm lòng tin để thuyết phục được Đảng Việt Nam. Ông nêu rõ: Cần phải nhìn thấy rằng, vấn đề Đông Dương không chỉ là vấn đề giữa 3 nước Đông Dương với Pháp, mà nó đã được quốc tế hóa, đây là đặc điểm mang tính then chốt. Sự quốc tế hóa này thậm chí đã vượt ra khỏi phạm vi và mức độ quốc tế hóa vấn đề Triều Tiên. Đông Dương không chỉ ảnh hưởng đến toàn bộ vùng Đông Nam Á và Nam Á, mà còn ảnh hưởng tới cả các nước vùng Thái Bình Dương như Úc, Tân Tây Lan[i]…, vì thế Mao Trạch Đông nói: “Chỉ cần sơ xuất một chút là sẽ ảnh hưởng đến gần 600 triệu người ở 10 quốc gia”. Hơn nữa, vấn đề Đông Dương còn ảnh hưởng trực tiếp đến nước Pháp, do đó cũng sẽ ảnh hưởng tới tình hình của Châu Âu. Hội nghị Genève khiến cho Pháp phải cải tổ nội các, chính phủ của Thủ tướng Joseph Laniel bị hạ bệ, chính phủ Pierre Mendès-France chủ hòa lên nắm quyền, cho thấy nếu hòa với Pháp, thì không chỉ sẽ đánh bại được âm mưu của Mỹ, mà còn có thể đoàn kết được với nhiều quốc gia hơn.

Ông đồng thời giải thích, chúng ta đều biết rằng, ngay cả Mỹ có không can thiệp, thì giải phóng toàn bộ Việt Nam cũng phải mất tới 3 năm. Huống hồ về phương diện can thiệp,  Mỹ đã huy động được nửa năm. Hiện tại Ngô Đình Diệm cầm quyền lại càng đáng lưu ý hơn. Bởi vì lời lẽ của ông ta cho thấy là hoàn toàn thân Mỹ, thực tế là Mỹ đang chỉ đạo tất cả., vì thế, khả năng Mỹ giúp chính quyền ngụy Nam Việt là rất lớn. Nếu phương án chúng ta đề xuất mà yêu cầu quá cao, không thể đi đến hòa bình, thì đã chắc gì Mỹ sẽ can thiệp. Mấu chốt của vấn đề Triều Tiên nằm ở sự tăng viện của Mỹ, tốc độ tăng viện của Mỹ mà nhanh, sẽ có sự bất ngờ. Trung Quốc mà có thêm vào thì cũng chỉ chơi được trận hòa, chứ không thể thắng được. Hiện tại ở Đông Dương lại là tình trạng như vậy. Một khi Mỹ bị cuốn vào, chúng ta sẽ không thể nắm được Việt Nam dựa vào thủ pháp quân sự, mọi điều kiện sẽ chỉ càng thêm khó khăn, thậm chí ngay cả như tình hình hiện có cũng không thể giữ nổi. Cân nhắc về những tình hình này, chắc vẫn nên dùng phương pháp hòa bình để giành được toàn Việt Nam thì sẽ tốt hơn. Bởi vì xem ra các nước Ấn Độ, Miến Điện, Indonesia… cũng sẽ không phản đối việc sau này sẽ do Việt Nam dân chủ cộng hòa thống nhất Việt Nam. Cho nên, khả năng có thể tổ chức bầu cử tại Việt Nam vẫn nhiều hơn so với Triều Tiên. Hơn nữa, chiến tranh lại còn sẽ khiến cho Lào và Campuchia ngả về phía Mỹ, khiến cho phái cứng rắn của Pháp lại lên nắm quyền, đồng thời đẩy Anh Mỹ lại làm một, thành lập nên Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á.

Chu Ân Lai nói từ chiều, tối mùng 3 một mạch đến sáng mùng 4. Chiều mùng 4, sau khi bài nói của Chu Ân Lai kết thúc, Hồ Chí Minh tỏ thái độ ngay tức thì. Ông nói: Hiện Việt Nam đang đứng giữa ngã ba đường, có thể hòa, mà cũng có thể chiến, phương diện chủ yếu là tranh thủ hòa, chuẩn bị chiến. Chúng ta phải giúp Pierre Mendès-France, không để ông ta bị rới đài, điều này sẽ có lợi cho chúng ta. Vào trước tháng 11, phải làm tốt mối quan hệ với Pháp, tranh thủ được hòa bình, bởi vì trước tháng 11 Mỹ phải bầu cử, sẽ có sự cân nhắc về chuyện can thiệp.

Lời của Hồ Chí Minh chẳng khác gì lời kết luận, tỏ ý tán thành nhất trí với những người dự họp. Tối đó, những người có liên quan của hai bên Trung-Việt đã thức suốt đêm để chuẩn bị văn kiện, tới ngày hôm sau mọi người cùng thảo luận chỉnh sửa theo từng mục, nhanh chóng thông qua bản văn kiện hội nghị “Về phương án của Hội nghị Genève và vấn đề đàm phán”. Ngày kế tiếp, Trung ương Đảng Việt Nam lập tức thông báo lại cho Phạm Văn Đồng đang còn ở Genève về phương châm đàm phán và phương án phân khu đã được hội nghị xác định. Thông báo nói rõ, tư tưởng chỉ đạo đàm phán hiện nay là áp dụng phương châm thúc đẩy tích cực, không nên ngồi đợi một cách tiêu cực. Phương án cụ thể là:  Tại Việt Nam vẫn tranh thủ đình chiến ở vĩ tuyến 16 , cân nhắc đến Đường số 9 ở phía bắc vĩ tuyến 16 sẽ là nơi Lào tất phải đi qua để ra biển, đối phương có thể sẽ không nhượng bộ, cho nên sẽ có sự điều chỉnh trên cơ sở vĩ tuyến 16;  còn tại Lào thì tranh thủ cắt 2 tỉnh Sầm Nưa và Phong Sa Lỳ ở gần Trung Quốc và Việt Nam làm khu tập kết của lực lượng kháng chiến; tại Campuchia thì chỉ có thể tranh thủ giải quyết về mặt chính trị.

Song, Phạm Văn Đồng tỏ ra nghi ngờ không biết có cần thiết phải nhượng bộ như vậy hay không, nên chẳng có biện pháp gì để thúc đẩy đàm phán cả. Xem ra chỉ còn có mấy tháng nữa là đến thời hạn cuối cùng Pierre Mendès-France phải đưa ra lời hứa thực hiện hòa bình, Chu Ân Lai vừa quay lại Genève vào ngày 12 thì  buổi tối Phạm Văn Đồng đã có một cuộc đàm thoại dài. Chu Ân Lai lấy bài học bỏ qua mối nguy cơ can thiệp của Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên và kinh nghiệm sau kháng chiến Đảng cộng sản Trung Quốc dùng dĩ thoái vi tiến mà đạt được thành công làm ví dụ để thuyết phục mãi, cuối cùng đã khiến cho Phạm Văn Đồng thay đổi thái độ. Ngày hôm sau, Chu Ân Lai và Phạm Văn Đồng đã lần lượt đề xuất với đại diện Pháp lấy bắc vĩ tuyến 16 làm phương án mới về đường phân giới tạm thời. Qua cò kè mặc cả, hai bên lại nhượng bộ, Pháp bỏ yêu cầu đường phân giới vĩ tuyến 18, Việt Nam bỏ yêu cầu đường phân giới vĩ tuyến 16, nhất trí lấy 12,1-2 dặm Anh ở nam vĩ tuyến 17, bắc Đường 9 làm đường phân giới quân sự, đạt được sự thỏa hiệp cuối cùng.

Ngày 21.7, bản Hiệp định hòa bình Việt Nam, Lào và Campuchia thực hiện chấm dứt các hành động thù địch đã được ký chính thức. Mấy điểm thỏa thuận này ngoài việc quy định đường phân giới ra, còn có những quy định tương ứng về các vấn đề như sự giám sát quốc tế, quân Pháp rút về Nam và quân dội nhân dân Việt Nam rút về Bắc, 2 năm sau sẽ tiến hành tổng tuyển cử trong phạm vi toàn Việt Nam, bộ đội kháng chiến Lào sẽ tập kết tại 2 tỉnh Sầm Nưa và Phong Sa Lỳ, bộ đội kháng chiến Campuchia phục viên giải ngũ, Lào và Campuchia 1 năm sau tiến hành tổng tuyển cử… (Sưu tập các văn kiện Hội nghị Genève, trang 260-269; Tân Hoa nguyệt báo, số 8 năm 1954). Nỗ lực giành lại hòa bình cho Đông Dương của chính phủ Trung Quốc mới tại Hội nghị Genève đến đây coi như đã đạt được thành công theo dự định.

Những vấn đề có thể bàn thảo

Từ tích cực viện trợ cho Đông Dương vũ tranh chống Pháp, cho đến toàn lực thúc đẩy cho bản Hiệp định hòa bình Genève đi tới thành công, Trung Quốc mới đã có những thay đổi quan trọng về chính sách đối với Đông Dương. Ý nghĩa của sự biến động chính sách này ra sao, từ thời gian Hiệp định Genève cho đến ngày nay  đều luôn là một vấn đề gây tranh luận. Mấu chốt của vấn đề này là lường được tình thế chiến tranh khi ấy ra sao, tức nếu như lực lượng chống Pháp của Việt Nam vẫn cứ đánh tiếp, thì liệu Mỹ có nhất thiết phải can thiệp vũ trang như nhà lãnh đạo Chu Ân Lai đã ước đoán hay không? Sau mấy chục năm đã qua, khi nghiên cứu các tư liệu hồ sơ mà Mỹ đã bạch hóa, khi khảo sát lại lịch sử Mỹ can thiệp vào Chiến tranh Đông Dương, dường như vẫn không thể phủ nhận được sự tồn tại của khả năng này vào lúc đó. Nói cách khác, nếu cự tuyệt hòa bình và thỏa hiệp thì vẫn mang một sự mạo hiểm nào đó. Ngay cả khi Đảng Việt Nam có không cần tới thời gian dăm ba năm là có thể thực hiện được thống nhất, thì nguy cơ có thể đem lại do tấn công quân sự vẫn từ nhiều phương diện. Đúng như Chu Ân Lai đã lo ngại, kiểu tấn công quân sự này có thể sẽ khiến cho Lào, Campuchia đầu hàng Mỹ, sẽ khiến cho cả Đông Nam Á chuyển hướng sang chống Cộng, sẽ khiến cho Pháp và Anh vốn có mâu thuẫn với Mỹ bị buộc phải tán thành chủ trương của Mỹ về vấn đề Châu Á, sẽ khiến cho âm mưu ngăn trở hòa bình của Mỹ thành công, và vân vân… Kết quả xuất hiện những tình huống này có thể vẫn là giống nhau:  Hoặc là một chính phủ Pháp và chính phủ Nam Việt chủ chiến, hoặc là các chính phủ Lào và Campuchia  cầu sự giúp đỡ từ Mỹ, rồi cuối cùng Mỹ cũng vẫn nhân cơ hội này mà tiến hành can thiệp quân sự. Một khi đã xuất hiện kết quả như thế, thì kẻ thù mà Việt Minh chắc là sẽ nhiều hơn.

Những tranh luận về khả năng can thiệp của Mỹ và liệu Đảng Việt Nam có nhanh chóng thực hiện thống nhất được hay không rất dễ khiến cho người ta nghĩ đến cuộc Chiến tranh Triều Tiên. Sở dĩ Chu Ân Lai đặc biệt lấy cuộc Chiến tranh Triều Tiên làm ví dụ để nhấn mạnh cần có sự lường tính thật đầy đủ về sự can thiệp của Mỹ, chính là vì vào năm ấy cũng đã từng xuất hiện tình huống tương tự. Do mới đầu quá lạc quan về tiến trình chiến tranh, không dự liệu trước được Mỹ sẽ tiến hành can thiệp một cách nhanh chóng như vậy, nên kết quả là đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về mặt quân sự. Cho dù về sau Trung Quốc đã xuất quân giữ được Bắc Triều Tiên, thì cũng chỉ có thể chơi một trận hòa với Mỹ. Hơn nữa, Triều Tiên lại còn đã phải chịu những tổn thất to lớn vì thế, Trung Quốc cũng do vậy mà đã phải hi sinh đáng kể. Đảng Việt Nam lúc này, nói một cách nghiêm túc, vẫn còn không chắc chắn được bằng Đảng Triều Tiên vào năm đó. Chiến tranh Triều Tiên khi ấy tính bằng tuần, còn thời gian biểu thống nhất quân sự của Đảng Việt Nam lúc này lại phải tính bằng năm, những diễn biến trong cả một khoảng thời gian dài như thế lại càng khó dự đoán. Nói Mỹ dứt khoát sẽ không can thiệp, bất luận ra sao thì cũng đều thiếu căn cứ.

Chỉ cần tồn tại khả năng Mỹ can thiệp, thì đối với Việt Nam độc lập đồng minh chưa được quốc tế thừa nhận, việc ký kết Hiệp định hòa bình Genève sẽ mang một ý nghĩa quan trọng. Đó là bởi vì, bản hiệp định đạt được qua sự đàm phán kéo dài tới hơn 3 tháng này sẽ khiến cho Đảng Việt Nam hoàn toàn kiểm soát được 12 triệu dân và đất đai Việt Nam ở phía bắc vĩ tuyến 17, nước “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” từ đây cũng trở thành một quốc gia danh chính ngôn thuận được quốc tế công nhận. Mỹ không chỉ không tìm được lý do để có thể trực tiếp tấn công quân sự quy mô lớn đối với Việt Minh, mà còn ngay cả khi Mỹ trực tiếp đưa quân tới Nam Việt vào thời kỳ cuối thập kỷ 60, cho đến khi tiến hành ném bom dã man nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cũng không thể không xem xét đến sự thực được quốc tế công nhận, vì thế mà luôn giữ một mức hạn chế nhất định cho hành động quân sự của mình, tức không cho quân đội Mỹ vượt quá vĩ tuyến 17.. Điều này ở một mức độ tương đối lớn đã bảo vệ và củng cố được thành quả thắng lợi mà Đảng Việt Nam đã có. Dĩ nhiên, Hiệp định Genève không hề thúc đẩy sự đi đến tổng tuyển cử và thống nhất như Chu Ân Lai và những người khác đã lường tính, song Mỹ và đặc biệt là chính quyền Nam Việt thối nát đã ngăn trở tổng tuyển cử và thống nhất, lại cung cấp lí do đủ để nhận được sự đồng tình của đa số người dân trên thế giới cho Cộng sản triển khai lại cuộc đấu tranh vũ trang ở Miền Nam mấy năm sau. Rồi do việc củng cố và xây dựng Miền Bắc, cuộc Chiến tranh Đông Dương sau này bất kể là gian khổ ra sao, thì sự tồn tại của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng tất sẽ khiến cho nó có được nền tảng tiến lên và hậu phương đáng tin cậy khác với trước đây. Chỉ cần làm một phép so sánh giữa Triều Tiên bị chia cắt với một Việt Nam cuối cùng đã giành được thống nhất là sẽ thấy được kiên trì tấn công chưa chắc đã là điều có lợi. Thỏa hiệp và hòa bình tạm thời, kết quả trái lại sẽ có lợi cho cả tấn công và thống nhất về sau.

Dĩ nhiên, với Trung Quốc mới, nó vẫn tồn tại một vài vấn đề đáng phải bàn trong việc chuyển biến chính sách đối với Đông Dương. Điều đặc biệt cần phải bàn ở đây chính là vấn đề về mối quan hệ giữa hình thái ý thức với chính sách ngoại giao. Với tư cách là một bối cảnh văn hóa chính trị, bất cứ một chính quyền nào trong quá trình soạn thảo các chính sách cũng đều khó tránh khỏi bị lẫn nhân tố hình thái ý thức của chính đảng mình vào trong đó, từ đó mà khiến cho chính sách của họ mang thiên hướng chính trị nào đó. Song, giữa hình thái ý thức với tư cách là một mục tiêu văn hóa chính trị, và chính sách hiện thực với tư cách là một phương thức và thủ đoạn truy cầu lợi ích thiết thực, suy cho cùng là có sự khác biệt rõ ràng. Trộn lẫn hai thứ với nhau, hoặc đưa quá nhiều nhân tố hình thái ý thức vào trong quá trình cân nhắc chính sách, thì nhất định sẽ tạo nên sự rối loạn chức năng chính sách. Nếu như nói, một chính phủ mạnh trong quá trình cân nhắc chính sách mà xem xét đưa hình thái ý thức vào nhiều hơn, thì thường phải một thời gian khá lâu sau mới cảm nhận thấy tác dụng phụ của nó, hơn nữa, nếu tác dụng phụ này cũng thường được thể hiện nhiều hơn ở tầng cấp chính sách, vậy một nước yếu mà xem xét đưa hình thái ý thức vào nhiều hơn trong quá trình cân nhắc chính sách, thì tác dụng phụ mà nó đem lại sẽ hiển lộ rất nhanh, hơn nữa còn khó tránh khỏi sẽ dẫn đến vấn đề ở tầng cấp đạo đức. Đó là bởi vì thứ mà chính sách trong nước phải đối mặt chỉ là những quan hệ lợi ích khác nhau trong một chỉnh thể lợi ích thống nhất, còn thứ mà chính sách đối ngoại phải đối mặt lại là quốc gia có chủ quyền khác hẳn với lợi ích. Chính sách trong nước chỉ cần chính phủ ở vào thế mạnh, thì sự hòa trộn mục tiêu với thủ pháp có thể sẽ làm thay đổi các quan hệ lợi ích thiết thực rất lớn, song lại ảnh hưởng khá chậm đến bản thân thẻ thống nhất, sự làm thay đổi các mối quan hệ lợi ích khác nhau này có thể vấn đề đạo đức do nó đem lại cũng rất dễ bị chìm trong bối cảnh chính trị của nền văn hóa mạnh. Chính sách đối ngoại lại hoàn toàn khác. Do trong thực tế không tồn tại một thể thống nhất, nên nếu quá cường điệu một hình thái ý thức nào đó trong mối tương hỗ các chủ thể lợi ích khác nhau tới mức độ không thỏa đáng, thì nhất định sẽ đem lại vấn đề ở tầng cấp đạo đức, tức khi xuất hiện các nhu cầu lợi ích khác nhau, nếu xem xét những lợi ích tạm thời của mình thì liệu có phù hợp với yêu cầu của hình thái ý thức hay không?

Có thể thấy rất rõ, khi Chu Ân Lai và những người khác đưa ra chủ trương hòa bình vạch ranh giới đình chiến, trước tiên đã phải đối mặt với nỗi phiền toái đạo đức này. Trong Hội nghị Liễu Châu, Chu Ân Lai đặc biệt chú trọng nêu ra vấn đề như vậy, tức liệu có mâu thuẫn hay không giữa việc tìm kiếm hòa bình cho Đông Dương với nhiệm vụ quốc tế của phong trào cộng sản quốc tế? Sở dĩ phải nêu ra vấn đề này, chính là vì đã nảy sinh mâu thuẫn giữa lối tư duy ưu tiên hình thái ý thức với việc cân nhắc chính sách lấy lợi ích thiết thực làm trung tâm. Nhiệm vụ quốc tế của phong trào cộng sản quốc tế là giải phóng Đông Dương, mà tìm kiếm hòa bình thì sẽ khiến cho cuộc chiến tranh giải phóng này bị đứt quãng giữa chừng, đồng thời sẽ khiến cho nhiệm vụ quốc tế ấy bị giảm giá nhiều. Rất rõ ràng là, trực tiếp chịu ảnh hưởng trước tiên từ sự thay đổi chính sách hòa bình ở Đông Dương là lợi ích của Đảng Việt Nam, Đảng Trung Quốc với tư cách là một bên thừa hành nghĩa vụ quốc tế, vô hình trung phải gánh chịu cả nghi vấn lịch sử là liệu chính sách này có trái với mục tiêu của hình thái ý thức hay không. Mặc dù Stalin đã giải thích nhiều lần là không hề có sự mâu thuẫn giữa hai cái, đã nhấn mạnh tới so sánh lực lượng trong thực tế, hãy tin tiền đồ tốt nhất cho hai nước Lào và Campuchia là giữ trung lập, ở Việt Nam nếu thực hiện thống nhất bằng tổng tuyển cử thì sẽ hiện thực hơn là thực hiện thống nhất bằng chiến tranh, v.v. và v.v…, song chỉ cần Đảng Việt Nam bị làm giảm giá mục tiêu giải phóng đã định, chỉ cần sự thực chứng minh sự thống nhất của Việt Nam vẫn phải dựa vào chiến tranh để giải quyết, thì sự thay đổi chính sách này của Trung Quốc sẽ khó lòng tránh khỏi trở thành một vấn đề được người ta đưa ta bàn thảo thêm ở tầng cấp đạo đức.

Thực ra, việc tồn tại nghi vấn như vậy là hết sức tự nhiên. Một ví dụ gần chúng ta nhất, đó là vụ việc Stalin yêu cầu Mao Trạch Đông tới Trùng Khánh để tiến hành hòa đàm với Tưởng Giới Thạch khi sắp kết thúc kháng chiến vào 8.1945. So với biện pháp giải quyết vấn đề 3 nước Đông Dương trong Hội nghị Genève, có thể Stalin khi ấy hi vọng hơn vào việc Trung Quốc sẽ dùng phương thức Lào để giải quyết được vấn đề. Quan điểm cơ bản của ông ta cũng là với so sánh lực lượng của hai đảng Quốc Cộng và hoàn cảnh quốc tế yêu cầu hòa bình vào thời hậu chiến, Đảng cộng sản không thể dùng chiến tranh để hoàn thành nhiệm vụ giải phóng đất nước, thậm chí còn chưa đạt được tới mức có thể giảng hòa phân giới được với Quốc dân đảng,vì thế mà phải chuyển đổi áp dụng phương thức đấu tranh dân chủ hòa bình. Việc này khiến Mao Trạch Đông hết sức tức giận. Sự thật về sau đã chứng minh, dân chủ hòa bình theo suy nghĩ của Stalin bị bế tắc, Đảng cộng sản vẫn yêu cầu thông qua chiến tranh để giải quyết vấn đề. Vì thế, Mao Trạch Đông cả đời để bụng sự can thiệp này của Stalin, đồng thời đã chỉ trích gay gắt từ tầng cấp đạo đức, gọi cử chỉ này của Stalin là “không cho phép làm cách mạng”. Nói cho đúng thì cả hai sự việc trên đều rất giống nhau. Nếu liên hệ cách làm của Chu Ân Lai trong Hội nghị Genève với cách làm của Stalin năm ấy, chúng ta sẽ phát hiện thấy, những người cộng sản thường khó khăn hơn trong việc phân biệt một cách nghiêm túc giữa mục tiêu của hình thái ý thức với cân nhắc chính sách về các lợi ích thiết thực.

Sự thành công của Hội nghị Genève năm 1954, cùng việc đề xuất Năm nguyên tắc chung sống hòa bình, là một trong những tiêu chí tương đối quan trọng cho thấy chính sách ngoại giao của Trung Quốc mới đã từ chỗ “nghiêng hẳn” về nhấn mạnh nổi bật hình thái ý thức bắt đầu chuyển sang cân nhắc nhiều hơn về lợi ích thiết thực của quốc gia. Sau khi đã quen với lối tư duy của chủ nghĩa quốc tế, đột nhiên đặt lợi ích của quốc gia mình lên vị trí hàng đầu trong cân nhắc chính sách, thậm chí còn lấy đó để chuyển đổi làm mờ nhạt bớt màu sắc hình thái ý thức, nên có nhất thời xuất hiện những sự khó chịu và mâu thuẫn này khác cũng là điều dễ hiểu. Điều đáng tiếc là, xu hướng thay đổi chính sách do Chu Ân Lai đề xướng ấy đã không thể phát triển được thuận lợi. Mấy năm sau, sau khi Mao Trạch Đông phát hiện thấy Liên Xô “không cách mạng”, sự xem xét hình thái ý thức trong chính sách đối ngoại lại dần dần chiếm vị trí chủ đạo. Tuy rút cuộc là cân nhắc hình thái ý thức nhiều hơn một chút, hay cân nhắc lợi ích thiết thực nhiều hơn một chút, trong các thời kỳ khác nhau cũng có những biểu hiện khác nhau, song chính sách đối ngoại của Trung Quốc chịu ảnh hưởng từ tư tưởng “phản đế” “phản xét lại” của Mao Trạch Đông ngày càng biểu hiện khuynh hướng ngoại giao cách mạng là điều không thể chối cãi. Chính trong tình hình ấy, Mao Trạch Đông thậm chí đã tán đồng một cách rõ ràng việc phủ nhận những nỗ lực hòa bình mà Chu Ân Lai đã làm tại Genève, thậm chí đã không chỉ một lần xin lỗi đảng anh em về việc mình cũng đã đồng ý giải quyết vấn đề Đông Dương bằng hòa bình vào năm đó. (Ghi chép bài nói chuyện Mao Trạch Đông gặp Đoàn đại biểu Đảng Chính phủ Việt Nam, 4.6.1963).

Tại Trung Quốc, chính sách đối ngoại lại quay về đường lối do Chu Ân Lai đề xướng vào năm 1954, tức mưu cầu ở một hạn độ lớn việc gắn kết chính sách đối ngoại với những mục tiêu thiết thực về an ninh quốc gia và lợi ích quốc gia, chứ không phải là gắn kết với mục tiêu về hình thái ý thức đã được nhất trí quá bán, là sự tình sau thập kỷ 70.

(Dịch ngày 5-6-2013)

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2013
 

Phạm Chí Dũng : Dự cảm chính trường Việt Nam từ vụ bắt ba blogger – RFI

20 Th6

Phạm Chí Dũng : Dự cảm chính trường Việt Nam từ vụ bắt ba blogger     

DR

Sau khi blogger Trương Duy Nhất, chủ trang blog « Một góc nhìn khác » bị bắt vào ngày 26/05/2013, thì hơn hai tuần sau, ngày 13/6 đến lượt một blogger nổi tiếng khác là Phạm Viết Đào cũng bị bắt theo điều 258 Luật hình sự Việt Nam về « lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân ». Và hai ngày sau đó, tức ngày 15/6 thì blogger Đinh Nhật Uy, anh của Đinh Nguyên Kha – người vừa bị lãnh án cùng với sinh viên Nguyễn Phương Uyên vì tội « tuyên truyền chống Nhà nước » – cũng bị bắt theo điều 258.

 

Chính trường Việt Nam sắp tới liệu sẽ có những biến động gì khác ? Chúng tôi đã mời nhà báo tự do Phạm Chí Dũng hiện ở Thành phố Hồ Chí Minh, cũng là tiến sĩ về kinh tế, bình luận về vấn đề này. Nhà báo Phạm Chí Dũng cũng đã từng bị bắt vào tháng 7/2012 với cáo buộc lật đổ chính quyền.

RFI : Thân chào nhà báo Phạm Chí Dũng, rất cám ơn anh đã vui lòng nhận trả lời phỏng vấn của RFI. Thưa anh, vụ bắt ba blogger vừa qua có thể cho thấy những dấu hiệu mới nào về chính trị?

 

 
Nhà báo Phạm Chí Dũng – Thành phố Hồ Chí Minh       

 
          18/06/2013 by Thụy My
 
 

Nhà báo Phạm Chí Dũng

: Giới phân tích quốc tế và trong nước có thể đã có được vài ba cơ sở nào đó cho việc dự báo triển vọng chính trị Việt Nam trong thời gian tới.

Không khí chính trường trong nửa cuối năm 2013 được hứa hẹn sẽ không quá thâm trầm. Thậm chí là ngược lại.

Và thậm chí, vụ bắt giữ blogger và cũng là nhà văn Phạm Viết Đào cùng bloger Đinh Nhật Uy đã xảy đến khi kỳ họp lần thứ 5 Quốc hội khóa XIII còn chưa kết thúc, tiếp nối cho sự việc bắt giữ blogger Trương Duy Nhất khi kỳ họp này mới chỉ bắt đầu.

Vụ bắt giữ nhà văn Phạm Viết Đào lại xảy ra chỉ hai ngày sau khi có kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh chủ chốt, trong đó phần lớn tỷ lệ phiếu “tín nhiệm thấp” được dành cho quan chức khối chính phủ, và phần lớn bình luận cho điều bị xem là “thất bại” đã được giới truyền thông quốc tế  dành cho Thủ tướng chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Một chuyển động đáng chú ý không kém là có vẻ gần giống với hoạt động thăm Bắc Kinh của tân ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân khi Hội nghị trung ương 7 của Đảng vào tháng 5/2013 còn chưa kết thúc, thông tin về chuyến đi Trung Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã được mở ra vào những ngày cuối cùng của kỳ họp quốc hội lần này.

Biển Đông lại vẫn là nguyên cớ nổi sóng trong quan hệ giữa hai quốc gia – nếu nhìn từ Bắc Kinh xuống Hà Nội theo một đường kinh tuyến.

RFI : Anh có đọc nhận định của giáo sư Carlyle A.Thayer, giảng viên bộ môn Chính trị học tại Đại học New South Wales thuộc Học viện Quốc phòng Úc, về chuyện “triều cống” ? Anh bình luận như thế nào về nhận định này ?

Tôi nhớ là có đọc, không những đọc mà còn đọc kỹ nhận định của giáo sư Thayer trên RFI và một số đài khác. Theo tôi thấy thì có thể, lá cờ “Mười sáu chữ vàng” chính là lý do để giáo sư Thayer nêu ra một nhận định rằng việc bắt bớ các blogger là chiến lược phục vụ quan hệ cho chuyến đi của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trước khi sang Trung Quốc, như một món quà dâng tiến về cam kết trung thành giữ vững đường lối chủ nghĩa xã hội theo nước bạn.

Tất nhiên lập luận của giáo sư Thayer sẽ phần nào có lý, với điều kiện cả ba blogger bị bắt vừa qua đều liên quan đến luồng tư tưởng và bài viết chống Trung Quốc. Tuy nhiên với trường hợp Trương Duy Nhất, sự khác biệt lớn của blogger này với hai người kia là những bài viết của Nhất ít đề cập đến vấn đề chủ quyền Việt Nam ở khu vực Biển Đông, trong khi lại thường nhấn mạnh đến những vấn đề nội chính quốc gia và đánh giá thẳng thắn một cách đáng kinh ngạc về uy tín không vẹn toàn của một số lãnh đạo cao cấp như Tổng bí thư và Thủ tướng.

Mà như vậy, chúng ta có thể thấy là chân đứng trong nhận định của giáo sư Thayer có thể không chắc chắn lắm.

RFI : Thưa anh, đã có nhiều bài phân tích sau vụ bắt giữ ba blogger vừa rồi, anh nhận xét như thế nào về những bài phân tích này?

Tôi đọc khá nhiều. Nhưng mà cho tới thời điểm này, tôi cho rằng bài bình luận có tiêu đề “Cảm nhận trong ba vụ bắt người liên tiếp vừa qua?” của blogger Người Buôn Gió vào 15/6/2013 chứa đựng những phân tích và đánh giá sâu sắc nhất. Người Buôn Gió có nêu ra một số điểm tương đồng giữa các vụ bắt giữ đã được tác giả nêu bật và so sánh, đối chiếu, gợi cho bạn đọc cái nhìn đa chiều, đa dạng và không kém ẩn ý về những mâu thuẫn nào đó trong “nội bộ”.

Nhưng chúng ta cần lưu ý rằng yếu tố “nội bộ” cũng là điểm tương đồng lớn giữa nội dung thể hiện của hai blogger Phạm Viết Đào và Trương Duy Nhất, trong khi với blogger Đinh Nhật Uy lại không phải như vậy.

Vì thế câu hỏi đặt ra đối với bạn đọc và dư luận là nếu để phục vụ quan hệ “bốn tốt”, người ta chỉ cần bắt hai blogger Phạm Viết Đào và Đinh Nhật Uy là đủ. Nhưng vì sao lại bắt cả blogger Trương Duy Nhất ? Mà việc bắt Trương Duy Nhất đã khiến cho dư luận quốc tế phải đặc tả về điều bị xem là “Nhà nước Việt Nam ghi điểm xấu về nhân quyền”?

Một câu hỏi khác không thể không nghĩ đến là liệu một chính khách nhiều kinh nghiệm ở đất Bắc Hà như ông Trương Tấn Sang lại có thể thiếu khôn ngoan đến nỗi, thay vì gia tăng lấy lòng dân trong bối cảnh người dân bị suy thoái khôn tả niềm tin đối với chế độ như hiện nay, thì lại tăng cường bắt bớ những người chống sự can thiệp của Trung Quốc ngay trước chuyến đi Bắc Kinh của mình – một hành động chắc hẳn càng làm cho lòng dân thêm phẫn nộ?

Nhưng nếu dấu hỏi về ông Trương Tấn Sang là thiếu cơ sở, trở nên vô lý và vô nghĩa thì liệu còn câu hỏi nào khác, hay những gì vừa xảy ra chỉ thuần túy mang một sắc màu nào đó của “nội bộ” ?

RFI : Như vậy theo anh, có dấu hiệu nào khác từ động thái được xem là “nội bộ”?

Theo tôi là có. Tính logic và phản logic của những câu hỏi mà tôi vừa đặt ra lại càng trở nên phức hợp vì có một dấu hiệu rất đáng lưu tâm và cần được “truy xét” cặn kẽ.

Vì nếu mà bạn đọc, dư luận theo dõi thường xuyên thì thấy là không hề diễn ra một chiến dịch “phản tuyên truyền” nào trên các báo Đảng. Không xuất hiện bài chính luận hay xã luận nào về các đối tượng bị bắt giữ, tính từ thời điểm blogger Trương Duy Nhất bị bắt cho đến nay. Như vậy là đã có một sự im lặng.

Sự im lặng bất thường của các báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và của cả vài ba tờ báo nhỏ mang trên mình tư cách “dư luận viên” – những tờ báo khá thường lên tiếng về vấn đề “phòng, chống diễn biến hòa bình” và những vụ bắt giữ, xét xử các nhân vật dân chủ – lóe lên tín hiệu gì?

Với nhiều trường hợp lên tiếng trước đây của báo Đảng, hiển nhiên hành động tuyên truyền này được thực hiện theo chỉ đạo của Ban Tuyên giáo trung ương và từ cả những cấp cao hơn nữa trong những vụ việc đặc biệt, thể hiện một “chủ trương nhất quán trong tập thể lãnh đạo”. Nhưng ứng với vụ bắt giữ ba blogger vừa qua, sự kín tiếng của báo Đảng lẽ nào cho thấy những tờ báo này đã không nhận được một sự chỉ đạo nào? Mà nếu không có chỉ đạo thì cũng có thể không có sự thống nhất giữa các lãnh đạo chăng? Nếu điều này xảy ra, động thái đơn lẻ trong chỉ đạo “chiến dịch” bắt giữ đã đến từ phía nào và từ những ai, nhằm mục đích gì? Đó là những câu hỏi để chúng ta suy xét.

RFI : Thưa anh trong phần trả lời phỏng vấn RFI vào tuần trước, anh có nêu lên vấn đề nguồn tin như là một yếu tố chính trong vụ blogger Phạm Viết Đào bị bắt . Vấn đề anh vừa nêu có liên quan đến “nguồn tin” không và liệu từ đó có thể có những hệ quả nào khác?

Vấn đề nguồn tin vẫn được tôi bảo lưu, và có thể phát triển sang một vài hệ quả khác. Theo những gì mà tôi đã trải nghiệm, thì câu hỏi “Từ ai?” gần như chắc chắn là câu hỏi mà hai blogger Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào đang phải tìm cách thỏa mãn cho các điều tra viên trong quá trình điều tra, xung quanh chủ đề những tin tức rất nhạy cảm của hai blogger này đã thể hiện và khả năng về nguồn tin mà họ nhận được.

Nếu quả những tin tức của hai blogger này là từ nguồn nội bộ và có tính xác thực, vụ việc của họ sẽ là một vấn đề lớn, thậm chí rất nghiêm trọng – theo cách nhìn của những người chỉ đạo bắt giữ. Khi đó, sau công đoạn truy xét nguồn tin sẽ là một lộ trình nào đó dẫn đến người hoặc những người cung cấp nguồn tin, liên quan đến vi phạm đảng viên và có thể cả trách nhiệm pháp lý. Tin tức càng có giá trị nội bộ thì nguồn tin càng có phẩm hạng và có thể càng liên đới những nhân vật cao cấp hơn.

Thực tế an ninh điều tra ở Việt Nam trong một số năm qua đã cho thấy có những vụ việc được xếp vào dạng “quốc gia đại sự”, xuất phát từ những tin tức và nguồn tin quá nhạy cảm trong nội bộ.

RFI : Xin phép được đặt cho anh một câu hỏi « nhạy cảm » : Anh có thể cho biết một ít kinh nghiệm của mình khi bị bắt giam vào năm ngoái ?

Có thể được… Bản thân tôi đã từng có một chứng nghiệm về những rắc rối và nguy hiểm liên quan đến vấn đề nguồn tin. Sự việc xảy ra vào tháng 7/2012, khi tôi bị cơ quan an ninh điều tra bắt khẩn cấp. Tất nhiên, nguồn tin là một trọng tâm trong rất nhiều câu hỏi của điều tra viên đối với tôi. Với rất nhiều câu và cả chữ nghĩa trong vài chục bài viết của mình, tôi đã phải cố gắng chứng minh là không có mối liên hệ nào với một nguồn tin nào.

Thật may mắn, tất cả đã kết thúc với tôi một cách trong sáng, nghĩa là những thông tin trong bài viết của tôi chẳng dính dáng và cũng chẳng liên quan đến bất cứ một quan chức nào trong nội bộ, dù ở cấp thấp nhất. Vấn đề của tôi cũng vì thế có phần lắng đọng hơn.

Vô tình hay hữu ý, chỉ vài tháng sau vụ bắt giữ tôi, chính trường Việt Nam đã “nổi sóng” với quá nhiều dư luận về những đồng chí nào đó bằng mặt không bằng lòng. Hình như mọi chuyện đang phải đi đến điểm thắt nút.

Trong cảm nhận cá nhân, tôi đang tự hỏi là liệu vào năm nay, một kịch bản “nổi sóng” như năm ngoái có lặp lại, sau vụ bắt giữ ba blogger?

RFI : Thưa anh, đặt giả thiết nếu kịch bản này tái hiện thì nó có thể ảnh hưởng như thế nào đối với chính trường và những người hoạt động nhân quyền ở Việt Nam?

Chắc chắn là có ảnh hưởng. Theo tôi nếu kịch bản này lặp lại vào năm 2013, còn có thể đậm đà tố chất bi tráng hơn với biên độ sóng mạnh hơn cả “cơn hồng thủy” năm ngoái, song lại có thể biến động theo chiều ngược lại với gia tốc biến động khá nhanh trong nửa cuối năm nay.

Nếu kịch bản này lặp lại, có thể giáo sư Thayer của Australia sẽ không hoàn toàn đúng. Tức theo cảm nhận của tôi, những gì liên quan đến chính kiến Bắc Kinh có thể chỉ chiếm tối đa 20% trong những hàm ý bắt giữ các blogger.

Nhưng 80% còn lại cũng không hẳn dành trọn vẹn cho những người dân chủ. Những gì mà tôi hình dung về tác động tiêu cực đối với phong trào dân chủ phản biện ở Việt Nam có lẽ chỉ chiếm khoảng 30% trong số 80% này. Những người dân chủ như Người Buôn Gió có lẽ cũng không phải quá bận lòng về chuyện phong trào dân chủ phản biện sẽ bị “diệt từ trong trứng nước” trong thời gian tới. Cho dù có thể còn thêm ai đó sẽ bị bắt giữ bởi điều 258 – một phạm trù thường liên quan mật thiết đến các vấn đề đấu tranh nội bộ.

Đơn giản vì người ta còn đang quá bận rộn với câu hỏi “Ai là người cung cấp tin này cho anh ?”.

RFI : Như vậy theo anh giới trí thức Việt Nam nên giữ một thế đứng như thế nào trong tình hình hiện nay?

Tình hình hiện nay theo tôi là một bối cảnh nhập nhoạng như hiện thời, có lẽ câu hỏi “Ai là người cung cấp tin này cho anh?” sẽ gián tiếp giúp giới nhân sĩ trí thức Việt Nam – những người có thực tâm dân chủ – cảm nghiệm rõ hơn về chân đứng độc lập cần xác lập của mình. Đó là : Không nên bị lệ thuộc vào bất cứ phe phái “nội bộ” nào, mà chỉ phản biện và tranh đấu cho tất cả những gì thuộc về quyền lợi của nhân dân – dĩ nhiên là nhân dân bao gồm người nghèo và theo nghĩa đa số.

RFI : Chúng tôi xin chân thành cảm ơn nhà báo Phạm Chí Dũng đã dành thì giờ trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ, đặc biệt là trong bối cảnh có thể nói là khá căng thẳng hiện nay tại Việt Nam.

Các món nợ tại Việt Nam, Trung Quốc – RFA

20 Th6

Các món nợ tại Việt Nam, Trung Quốc

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA 2013-06-19

06192013-ddkt-nxn.mp3Phần âm thanhTải xuống âm thanh

000_Hkg8686356-305.jpg

Sản phẩm công nghiệp sản xuất tại Trung Quốc được triển lãm tại Hà Nội hôm 12/6/2013

             AFP photo   

 

 

 

Bản phúc trình về “Viễn ảnh Kinh tế Toàn cầu” vừa được Ngân hàng Thế giới công bố hôm 13 Tháng Sáu có chi tiết gây chú ý là khoản nợ quá cao của tư nhân tại Việt Nam và cao nhất là tại Trung Quốc. Chỉ vài ngày sau, hàng loạt tin tức quốc tế lại nói đến rủi ro của một vụ sụp đổ ngân hàng tại Trung Quốc chưa từng thấy trong lịch sử. Chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa giải thích rằng đấy là một hậu quả của hiện tượng ông gọi là “tầm tô”.

Trái bóng tín dụng TQ

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới về Viễn ảnh Kinh tế Toàn cầu có gây chú ý đến một hiện tượng đáng ngại là mức nợ quá cao của tư nhân tại một số quốc gia đang phát triển. Thuộc loại cao nhất thì có Việt Nam nay đã mắc nợ đến 110% Tổng sản lượng, còn Trung Quốc thì lên tới 160%. Ngay sau đó, nguồn tin tài chính quốc tế nói đến trái bóng tín dụng của Trung Quốc có thể vỡ và gây ra một vụ khủng hoảng ngân hàng lớn lao chưa từng thấy trong lịch sử thế giới. Ông nghĩ sao về tin này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta vừa chứng kiến một vụ khủng hoảng tài chính bùng nổ năm năm trước tại các nước công nghiệp hóa Âu-Mỹ vì nạn vay tiền quá nhiều nên đến hồi trả nợ và hậu quả là nạn suy trầm kinh tế toàn cầu. Trong giai đoạn suy trầm, nhiều quốc gia cố gắng kích thích kinh tế qua biện pháp tăng chi và bơm tín dụng với lãi suất rẻ và lại gây ra nạn bong bóng đầu cơ khi người ta vay tiền quá dễ mà bất kể đến rủi ro về sau.

Riêng tại Việt Nam và Trung Quốc là hai nước ngụy danh xã hội chủ nghĩa mà thực chất là có nền chính trị độc tài và chính sách kinh tế lý tài thì người ta còn gặp một hiện tượng kinh tế chính trị học gọi là “tầm tô”, là đi tìm lợi nhuận bất chính nhờ thế lực chính trị. Hiện tượng ấy gây thêm rủi ro tài chính và kinh tế vì những kẻ tầm tô có thế lực đã trở thành nhóm lợi ích có thể cản trở mọi giải pháp ứng phó. Rốt cục thì ta có “thảm kịch Hamlet” là mọi người cùng chết!

Vũ Hoàng: Cuối tháng trước, trên một nhật báo Việt ngữ tại California ông viết về hai hình thái kinh doanh của hai nhân vật vào đầu và cuối thời Chiến Quốc bên Tầu, để giải thích hiện tượng “tầm tô”. Bây giờ ông nhắc đến bi kịch Hamlet của Shakespeare để bảo là ai cũng chết! Ông hay trình bày đề tài kinh tế khô khan theo lối ví von, nhưng thưa ông, tầm tô là gì?

Trong giai đoạn suy trầm, nhiều quốc gia cố gắng kích thích kinh tế qua biện pháp tăng chi và bơm tín dụng với lãi suất rẻ và lại gây ra nạn bong bóng đầu cơ khi người ta vay tiền quá dễ mà bất kể đến rủi ro về sau. -Nguyễn-Xuân Nghĩa

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Người ta gọi kinh tế học là khoa học u ám và nói về chuyện u ám với thuật ngữ chuyên môn khó hiểu thì thính giả của chúng ta càng dễ nản chí nên tôi cố trình bày chuyện khô khan bằng hình tượng phổ biến, may ra kích thích được sự theo dõi của mọi người.

Đầu thời Chiến Quốc, Phạm Lãi là nhân vật ai cũng có thể biết. Sau khi  giúp Việt Vương Câu Tiễn diệt xong nước Ngô thì ông từ giã chính trị đi kinh doanh rất thành công ở xứ khác để thành nhà tư tưởng của phái “kế hoạch gia” tức là kinh tế. Vào cuối thời Chiến Quốc thì Lã Bất Vi nổi tiếng về kinh doanh chính trị, nôm na là nghề buôn vua, và có thể là bố đẻ của Tần Thủy Hoàng Đế nhưng rồi bị bạo Tần giết chết vì tội chuyên quyền. Tôi lấy hai hình tượng khá quen thuộc đó để nói về hai hình thái kinh doanh. Thứ nhất là tạo ra của cải và nhờ đó làm giàu, theo kiểu Phạm Lãi hay Đào Chu Công, là một tên khác của ông ta. Thứ hai là kiếm lời mà chẳng tạo ra của cải là kiểu của Lã Bất Vi, chỉ vì nhờ tạo cái thế chính trị.

Kinh tế học gọi lối kinh doanh nhờ gây dựng thế lực là “đi tìm tô” hay “tầm tô”. “Tô” chỉ có nghĩa là tiền thuê, mà được hiểu rộng là lợi nhuận nhờ làm chủ một phương tiện sản xuất. Trong trường hợp ở đây, phương tiện sản xuất đó cũng chẳng là của mình, mà có thể sang đoạt nhờ cái quyền độc tài chính trị để trở thành độc quyền kinh doanh!

Kinh doanh tầm tô

035_pau822622_10-250.jpg
Trụ sở chính của Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBOC) tại Bắc Kinh hôm 12/5/2013. AFP photo

 

Vũ Hoàng: Chúng tôi hiểu ra ẩn dụ của ông khi nhớ đến một phương tiện sản xuất là đất đai và chuyện cướp đất như Ô Khảm tại Trung Quốc, Văn Giang hay Tiên Lãng ở Việt Nam. Trở lại thói “tầm tô” như ông nói thì trên lý thuyết, kinh tế học định nghĩa thế nào về việc kinh doanh như vậy?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Lề lối kinh doanh thông thường và phổ biến là tạo ra của cải trước đó chưa có nhờ một sáng kiến khai thác tài nguyên, sản phẩm hay một cơ hội sản xuất mới, rồi chia của cải đó cho mình và cho người theo một tỷ lệ có giá trị lâu dài. Hình thái kinh doanh đó góp phần cho phát triển xã hội và quốc gia. Ngược lại, tìm cách tác động vào môi trường chính trị, luật lệ hay xã hội để kiếm lời mà chẳng đóng góp gì cho sản xuất là loại kinh doanh tầm tô.

Hiện tượng đó thật ra xuất hiện ở mọi nơi nhưng dễ phát triển trong xã hội chuyên chính là nơi mà quyền lực chính trị không bị giới hạn nên dễ bị lũng đoạn từ bên trong. Tại các nước dân chủ với luật lệ rõ ràng bình đẳng trước sự phán xét của công luận, những ai muốn mua chuộc chính trường để kiếm lời thường khó làm ăn và dễ vào tù. Chỉ trong các nước độc tài, chuyện tầm tô mới dễ phát đạt. Một xứ độc tài như Việt Nam hay Trung Quốc mà theo kinh tế thị trưởng hay kinh tế tư bản giả hiệu thì đấy là chủ nghĩa tư bản thân tộc ăn bám vào hệ thống tư bản nhà nước và các tập đoàn quốc doanh và mở ra cơ hội tầm tô.

Vũ Hoàng: Thưa ông, ngày xưa khi hai xứ này còn theo đường lối tập trung quản lý bằng kế hoạch của nhà nước thì hiện tượng tầm tô có xảy ra không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng cái thói cậy thể để kiếm tiền thì nơi nào cũng có cả. Nhưng trong các nước cộng sản u mê thì tài sản chẳng có là bao và còn bị hủy hoại nên khi cả nước còn ở vào hoàn cảnh mà các cụ ta gọi là “ăn mắm mút giòi” thì chỉ có một thiểu số ra vào cửa hàng mậu dịch Tôn Đản của lãnh đạo còn có thể chấm mút chút đỉnh chứ chưa có thể phát triển ra lề lối kinh doanh phổ biến. Đặc lợi của lãnh tụ hay tay chân thật ra chẳng thầm vào đâu nếu so với mức sống của giới trung lưu tại các nước tự do, nhờ vậy mà họ càng dễ tuyên truyền về nếp sống an bần lạc đạo, về đạo đức cách mạng linh tinh. Riêng tại Việt Nam, sự thể nó còn éo le hơn.

Một xứ độc tài như Việt Nam hay Trung Quốc mà theo kinh tế thị trưởng hay kinh tế tư bản giả hiệu thì đấy là chủ nghĩa tư bản thân tộc ăn bám vào hệ thống tư bản nhà nước và các tập đoàn quốc doanh và mở ra cơ hội tầm tô. -Nguyễn-Xuân Nghĩa

Vũ Hoàng: Nó éo le ở chỗ nào thưa ông?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tầng lớp lãnh đạo thời trước kêu gọi cả nước cùng hy sinh vì lý tưởng ái quốc là tinh thần độc lập. Nhờ vậy họ lừa được quần chúng u mê và họ còn coi sự lầm than khắc khổ là một đức tính, so với sự thịnh vượng của miền Nam mà họ gọi là “phồn vinh giả tạo”.

Sau khi chiến thắng và có toàn quyền áp dụng lý luận cộng sản về xây dựng xã hội chủ nghĩa thì họ làm quốc gia phá sản và kinh tế khủng hoảng nên mới phải đổi mới, tức là du nhập lý luận tư bản và áp dụng kinh tế thị trường. Nhưng gian ý của chế độ là chỉ chấp nhận tự do kinh tế có chọn lọc và vẫn giữ độc quyền chính trị nên nay mới rơi vào cái bẫy tầm tô một cách phổ biến. Chuyện éo le là họ không thể vận dụng tinh thần độc lập và ái quốc như xưa. Vì nói đến ái quốc hay độc lập là cả nước nghĩ đến mối nguy Trung Quốc tức là điều bị tuyệt đối cấm kỵ.

Lãnh đạo Hà Nội thời nay từ bỏ tinh thần đạo đức cách mạng của thế hệ trước mà vẫn nắm chặt ách độc tài đi cùng quyền quản lý đất đai, kiểm soát thông tin, với hệ thống đàn áp toả rộng. Họ tạo ra môi trường bất thường là nơi mà các phần tử gọi là khôn ngoan của xã hội đều tránh nói đến chính trị mà làm giàu nhờ tác động vào một hệ thống chính trị không ai có quyền phán xét. Đó là những kẻ tầm tô, hợp tác với chế độ để kiếm ăn và là thành phần hữu cơ của bộ máy quyền lực từ Thủ tướng trở xuống. Và họ đang làm chính sách kinh tế quốc dân cho quyền lợi riêng.

Việt Nam học được gì?

000_Hkg8635618-250.jpg
Một tàu vận tải Việt Nam tại cảng Hải Phòng hôm 27/5/2013. AFP photo

 

Vũ Hoàng: Thưa ông, hình như trường hợp của Trung Quốc cũng như vậy, có phải không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trung Quốc là nơi xuất phát khá nhiều gương xấu cho Việt Nam!

Lãnh đạo của họ cũng khoác áo đạo đức mà con cháu đều nắm giữ vị trí then chốt về kinh tế và kinh doanh và dùng vị trí ấy lũng đoạn thượng tầng. Hậu quả là tình trạng mà kinh tế học gọi là “ỷ thế làm liều”, nôm na là bất kể đến rủi ro vì tin là có thể làm lệch phép nước cho tư lợi.

Nhờ cái thế chính trị quá lớn như vậy, những kẻ tầm tô tại Việt Nam và Trung Quốc đều làm giàu rất nhanh, được dư luận quốc tế ngơi ca là đại gia, là tỷ phú. Nhưng thảm kịch ở đây khiến mọi người cùng chết là quảng đại quần chúng ở dưới khó kinh doanh hay cạnh tranh trong cảnh bất cân xứng như vậy. Cho nên, muốn thoát nghèo khốn thì phải chạy theo ảo vọng một vốn bốn lời và cũng lại cầm cố tài sản đi vay tiền đánh bạc bên các đại gia. Họ đi vay lãi rất cao vì tin rằng kiếm lời còn cao hơn nữa nên đang bị rủi ro rất nặng khi cả kiến trúc bất thường này sụp đô. Vì vậy, các trung tâm thông tin và thẩm định của quốc tế mới nói đến nguy cơ khủng hoảng tài chính tại Trung Quốc.

Vũ Hoàng: Một cách ngắn gọn vì thời lượng có hạn của chương trình, xin đề nghị ông trình bày cho thính giả của chúng ta biết rằng quốc tế nói ra những gì về những nguy cơ đó.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tập đoàn Fitch chuyên về thẩm định rủi ro tài chính vừa báo động là từ năm năm qua, khối tín dụng tại Trung Quốc đã tăng từ chín ngàn lên 23 ngàn tỷ đô la, là mức cực lớn nếu so với con số lạc quan nhất về sản lượng kinh tế của xứ này là khoảng tám ngàn tỷ.

Nhờ cái thế chính trị quá lớn, những kẻ tầm tô tại Việt Nam và Trung Quốc đều làm giàu rất nhanh, được dư luận quốc tế ngơi ca là đại gia, là tỷ phú. -Nguyễn-Xuân Nghĩa

Nói đến tín dụng là nói đến vay tiền mà có vay thì phải có trả. Mối nguy là do hệ thống tài chính và ngân hàng mờ ảo của họ, nhiều khoản tài trợ lại nằm ngoài lĩnh vực ngân hàng, thiếu sổ sách rõ ràng và trút vào hình thái kinh doanh đầy rủi ro của nào là tư nhân, nào là công ty đầu tư của các địa phương hay các quỹ quản lý tài sản, nôm na là quỹ đầu cơ. Vì ỷ thế làm liều, người ta đã vay tiền đầu cơ và chất lên một núi nợ cao gấp đôi sản lượng kinh tế quốc dân. Khi núi nợ sụp đổ mà chắc chắn là phải sụp, chúng ta sẽ thấy sự phá sản dây chuyền còn kinh hoàng hơn những gì đã xảy ra tại Hoa Kỳ năm năm về trước. Một chỉ dấu tiên báo là hôm Thứ Sáu 14 vừa qua, Bộ Tài chính Trung Quốc thất bại khi bán công khố phiếu dưới chỉ tiêu về số lượng và với phân lời cao hơn. Nghĩa là các thị trường tài chính đã bắt đầy hoài nghi về Trung Quốc.

Tại Việt Nam thì đã đành là tình hình kinh tế cũng chẳng sáng sủa hơn mà tranh chấp chính trị giữa các thế lực “tầm tô” đang làm chính quyền bị tê liệt. Ngày xưa, người ta cứ nói đến tinh thần “tầm sư học đạo”, ngày nay, chính quyền mới nêu gương về cái đạo ăn cắp bằng lối tầm tô và nay mới bó tay chờ cơn khủng hoảng.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.

Việt – Trung ký 10 văn kiện hợp tác – BBC

20 Th6

Việt – Trung ký 10 văn kiện hợp tác

 

Lãnh đạo VN và TQ gặp nhau tại Bắc Kinh

Việt Nam và Trung Quốc có thể sẽ lập đường dây nóng để xử lý các trường hợp tranh chấp lãnh hải.

Xemmp4

Bạn cần mở JavaScript lên và cài phần mềm Flash Player mới nhất để nghe/xem.

Bấm vào đây để tải Flash Player mới nhất

Mở bằng chương trình nghe nhìn khác

Hôm 19/6, Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã chứng kiến lễ ký kết 10 văn kiện hợp tác tại Bắc Kinh.

Đáng chú ý, hai nước sẽ thăm dò dầu khí chung trong khu vực thỏa thuận ngoài khơi vịnh Bắc Bộ.

 

Tập đoàn dầu khí Việt Nam nói thỏa thuận phù hợp với hiệp định song phương về phân định vịnh Bắc Bộ.

Hiệp định này mới gia hạn lần thứ tư, kéo dài đến năm 2016.

Bộ nông nghiệp hai nước lần đầu tiên sẽ lập đường dây nóng để giải quyết các vụ va chạm liên quan ngư dân trên biển.

Ngoài ra còn có thỏa thuận hợp tác giữa hai bộ quốc phòng, và xây dựng trung tâm văn hóa tại hai nước.

Trung Quốc sẽ cấp khoản vay ưu đãi 320 triệu nhân dân tệ cho dự án hệ thống thông tin đường sắt và còn có một hiệp định cho vay liên quan dự án nhà máy đạm than Ninh Bình trị giá 45 triệu đôla.

Hai bên còn ký chương trình hành động giữa hai chính phủ về triển khai quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Sang trong cương vị Chủ tịch nước, và cũng là chuyến thăm đầu tiên kể từ khi Trung Quốc có dàn lãnh đạo mới.

Giới quan sát cho rằng hai chủ đề chính trong chuyến đi lần này của ông sẽ là kinh tế-thương mại và an ninh ở Biển Đông.

Những ngày gần đây, truyền thông hai bên đăng nhiều tin bài ca ngợi ý nghĩa của chuyến đi, mà giới chức nói là “nhằm khẳng định chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong quan hệ với Đảng, Nhà nước Trung Quốc; đưa quan hệ hai bên có bước phát triển thực chất theo khuôn khổ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện; thúc đẩy hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực, nhất là về hợp tác kinh tế-thương mại”.

Trong một động thái đáng chú ý, quan chức cao cấp của cả hai bên đều đồng loạt trả lời phỏng vấn về chuyến đi này trên các kênh chính thống, cho thấy nguyện vọng chứng minh ngược lại một số cáo buộc rằng quan hệ Việt Nam-Trung Quốc đang ‘có vấn đề’ vì mâu thuẫn biển đảo.

Mới nhất, chính Chủ tịch Trương Tấn Sang đã trả lời báo chí Trung Quốc trước thềm chuyến đi của mình.

‘Trước sau như một’

Trong phỏng vấn thực hiện hôm thứ Ba 18/6, ông Sang khằng định: “Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trước sau như một hết sức coi trọng việc phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc”.

Tuy nhiên, ông đề cập tới các thách thức mới đặt trước quan hệ Việt-Trung ngày nay, và nhấn mạnh: “Hơn bao giờ hết, cả hai nước đều cần môi trường quốc tế và khu vực hòa bình, ổn định để tập trung phát triển”.

Gần đây Việt Nam và Trung Quốc đã có nhiều cuộc va chạm trên Biển Đông. Tuy chưa xảy ra xung đột vũ trang, nhưng rõ ràng an ninh và ổn định đã trở nên quan tâm hàng đầu.

Cả hai bên đều thừa nhận rằng tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông là vấn đề mâu thuẫn lớn duy nhất còn tồn tại giữa hai bên.

“Việc giải quyết vấn đề Biển Đông là hết sức hệ trọng vì liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, đến tâm tư tình cảm thiêng liêng của dân tộc, của người dân.”

Chủ tịch Trương Tấn Sang

Tiến sỹ Ian Storey, chuyên gia về an ninh châu Á, nói với BBC từ Singapore rằng ở thời điểm hiện tại, “triển vọng có được một giải pháp chính trị hay pháp lý đối với tranh chấp Biển Đông là rất yếu ớt vì thiếu ý chí chính trị của tất cả các bên”.

“Bởi vậy trọng tâm của tiến trình này sẽ là giảm thiểu căng thẳng thông qua các cơ chế quản lý xung đột.”

Ông Storey dự đoán Việt Nam và Trung Quốc sẽ vẫn còn tiếp tục căng thằ̉ng xung quanh vấn đề Biển Đông, các nguồn lợi trong khu vực này, và do vậy các vụ va chạm vẫn sẽ tiếp diễn.

Chủ tịch Trương Tấn Sang nói ông hy vọng “sẽ cùng các đồng chí lãnh đạo Trung Quốc trao đổi thẳng thắn, chân thành, tiếp tục có thêm những giải pháp để giải quyết thỏa đáng những bất đồng trên biển giữa hai nước”.

Ông Sang cũng bày tỏ nguyện vọng hai bên cùng giữ lập trường “đối xử nhân đạo với ngư dân, xử lý thỏa đáng vấn đề nghề cá”.

Ông nói: “Việc giải quyết vấn đề Biển Đông là hết sức hệ trọng vì liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, đến tâm tư tình cảm thiêng liêng của dân tộc, của người dân”.

Giữ thăng bằng

Tiến sỹ Storey cảnh báo rằng lãnh đạo Việt Nam, nhất là Chủ tịch Trương Tấn Sang trong chuyến đi này, sẽ phải đối mặt với áp lực phải giữ hòa khí với Trung Quốc trong khi tỏ ra thấu hiểu và tôn trọng chính những điều mà ông Sang gọi là “tâm tư tình cảm thiêng liêng của dân tộc” nói trên.

Dư luận trong nước đã nhiều lần chỉ trích ban lãnh đạo Hà Nội là quá “nhu nhược” trước các hành động gây hấn của Trung Quốc.

Biên giới Việt Nam Trung QuốcViệt Nam đang phải tìm cách thăng bằng quan hệ với Trung Quốc

Ông Storey nói với BBC: “Để giữ thăng bằng, chính phủ Việt Nam đang theo đuổi cùng lúc 5 chiến lược: đàm phán ngoại giao song phương với Trung Quốc; ủng hộ các nỗ lực của Asean trong việc thực thi Tuyên bố chung về Biển Đông (DoC) và xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử (CoC); quốc tế hóa vấn đề Biển Đông thông qua các diễn đàn an ninh khu vực; hiện đại hóa không quân-hải quân để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; và xây dựng quan hệ thân cận với Hoa Kỳ, quốc gia duy nhất có thể đối trọng lại quyền lực đang lên của Trung Quốc”.

Thực tế Việt Nam đã hoan nghênh hiện diện của hải quân Mỹ trong khu vực, cũng như chính sách chuyển hướng về châu Á-Thái Bình Dương của Washington.

Giới chuyên gia nói trong chuyến thăm lần này, ông Trương Tấn Sang sẽ tìm hiểu quan điểm của lãnh đạo Trung Quốc sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa có họp thượng đỉnh với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hồi đầu tháng ở California.

Ông Sang sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Tập tại Bắc Kinh.

Vào cuối chuyến thăm, đoàn của Chủ tịch Trương Tấn Sang sẽ có chuyến thăm Quảng Đông trước khi quay trở lại Việt Nam.

Chặng cuối của chuyến thăm sẽ tập trung vào chủ đề kinh tế.

Thương mại Việt-Trung bị đánh giá là chưa xứng với tiềm năng. Trong 5 tháng đầu năm 2013, thương mại hai chiều đạt 18,9 tỷ đôla, tăng 37,3% so với cùng kỳ năm ngoái, theo thống kê của phía Trung Quốc.

Cùng giai đoạn này, thương mại hai chiều của Trung Quốc với Singapore là 30,7 tỷ và với Malaysia là 43,1 tỷ, các con số lớn hơn nhiều.

Thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc ngày càng lớn, từ đầu năm tới cuối tháng Năm đã lên hơn 11 tỷ đôla.

Hãng tin tài chính Bloomberg nhận định ông Trương Tấn Sang sẽ phải làm một bài toán vô cùng khó khăn, là đề cập chuyện biển đảo trong khi vẫn phải kêu gọi trợ giúp và đầu tư của Trung Quốc cho nền kinh tế.

Hai nước đã đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên mức 60 tỷ đôla vào năm 2015.

 

Những vần thơ của Lê Quốc Quân: Hỏa Lò vọng sóng biển Đông – DL

20 Th6

Những vần thơ của Lê Quốc Quân: Hỏa Lò vọng sóng biển Đông

 

        Luật sư Lê Quốc Quân     
Chia sẻ bài viết này

Dân Luận: Ngày 9/7/2013 tới đây, luật sư Lê Quốc Quân sẽ bị đưa ra tòa vì tội trốn thuế, theo khoản 3 Điều 161 Bộ Luật Hình sự. Anh có thể phải đối mặt với bản án tối đa là 7 năm tù. Giống như trường hợp blogger Điếu Cày, bản án “trốn thuế” chỉ là vỏ bọc để chính quyền bắt giữ người luật sư bất đồng chính kiến này, vì anh đã có nhiều hoạt động tâm huyết với đất nước, đấu tranh cho một xã hội công bằng và văn minh hơn.

Những bài thơ sau đây được luật sư Lê Quốc Quân dùng ghim đục chữ trên bìa cứng, và nhờ bạn tù chuyển ra ngoài. Dân Luận xin giới thiệu tới độc giả:

HỎA LÒ VỌNG SÓNG BIỂN ĐÔNG

Đọc vội trên ngay báo Nhân Dân của Đảng đủ làm dậy sóng lòng tôi.

Đêm nay! Sóng biển đông uất ức vỗ vào nghềnh đá

Tha thiết gọi tên anh tên tôi.

Đêm nay!

Có đôi tay bất lực ghì vào song sắt

Da diết gọi Hoàng Sa-Trường Sa

Âm vang mãi của sóng giọng của người tù

Rơi vào khoảng không vô vọng!

Lũ giặc cướp tung hoành trên biển đông

Chúng lập tam sa xây nhà tù trên đảo.

Bắn giết hải quân cầm tù ngư phủ

Chúng cắt thông tin xua bình minh trên biển

Xô đổ cả hoàng hôn duyên hải

Đem đêm tối kinh hồn cho vợ con xóm nhỏ.

Biển đảo ta đây!

Tổ quốc ta đây, bao đời ông cha gìn giữ sao chỉ phản đối nước đôi ?

Bởi lãnh đạo bị bao vây tứ phía

Chúng lấy học thuyết Tam vô làm vòng kim cô cầm tù não bộ.

Chúng lấy đại cục, phân mảnh lòng người.

Chia chác tài nguyên cướp con cá biển trong bữa cơm chiều con trẻ việt.

Chúng lấy tình môi-răng, căng mình giữ ghế tham quyền cố vị, vơ vét tài nguyên, bỏ đói cả tương lai dân tộc.

Ôi! Tây nguyên, biên giới, cà mau, thanh hóa

Vũng áng, thái bình nhan nhản dấu chân tàu

Hoa quả, gia cầm đồ dùng thức uống

Văn hóa phi trường, tràn ngập tiếng hoa.

Quê hương tôi đã mất thật rồi ư? Không?

Sóng đã nổi từ trong ngục tối

Nơi anh em nhắm mắt biểu tình

Và lắng nghe tiếng đồng bào cùng bước

Hào khí đông A ngập tràn khóe mắt

Tiếng hô vạng dội một góc trời

Đứng lên đi như ông cha từng đã quét sạch bóng thù nước Việt vững ngàn thu!

Hoả Lò ngày 25 tháng 3 năm 2013

(Khi đọc tin trên nhân dân bản lên tiếng vì tàu TQ bắn cháy cabin tàu ngư dân việt nam ngay cạnh tin Nguyễn Phú Trọng điện đàm chúc mừng Tập Cận Bình)

 

TẶNG NGƯỜI BẠN TÙ

Bài thơ này tôi viết tặng anh

Người bạn tù chung manh chiếu rách

Sau song sắt đêm chúng mình tâm sự

Anh có nghe quá khứ vinh quang

Của nước việt ngàn năm trung dũng

Khi giặc già lăm le bờ cõi

Hội nghị diên hồng ông cha quyết đánh

Bến bình than tướng trẻ bóp nát cam

Đại cáo bình ngô vang dội trời nam

Bỗng tiền nhân như ngọc sáng dọi về

***

Tôi kể anh nghe hiện tại đau thương

Thời một đảng úp trùm toàn dân tộc

Nhân dân lầm than đói khổ đủ đường

Độc lập đó còn tự do không có

Tham nhũng thành quốc nạn tràn lan

Quyền tự do dân chủ không còn

Người tranh đấu bị giam vào ngục tối

***

Ta kể nhau nghe về tương lai tươi đẹp

Của VN trong hòa nhập toàn cầu

Dân chủ có mà nhân quyền cũng có

Và tự do cho tất cả mọi người

Đến lúc đó nước việt của chúng ta

Không thua kém láng giềng xung quanh

Mà từ hôm nay đến đó còn xa

Còn nhiều việc chúng ta cần làm nốt

Chúng mình cùng gánh vác nghe anh!

Hỏa lò, xuân Qúy tỵ

AN THÁI VIỆT

Có tên khắc khoải trong tim óc

Dẫu rất bình yên An-Thái-Việt

Có đêm thao thức lòng đau tức

Ai nghĩ về ai nước mắt nhòa

***

An Hà năm nay lên lớp 6

Cha chưa về được để dạy thêm

Nghe lời bà dặn ngoan con nhé

Học giỏi chơi vui giúp mẹ Hiền

***

Thái Hà con ơi

Cha nhớ lắm Không biết bây giờ ai đón đưa

Nhớ khi cha con cùng đến lớp

Hay chốn vườn quê mãi sức đùa

***

Việt Hà con ơi cha vẫn thấy

Đôi chân công chính đang tập bước

Dẫu sớm đau thương có sá gì

Trên đường thiên lí bóng con đi

***

Cuộc đời vẫn thế đầy giông bão

Các con gắng sức trước gian lao

Giờ hãy ngủ đi bình an nhé !

Mai sớm cùng cha đón bình minh

 

Hỏa Lò Xuân 2013

CHÍ NGƯỜI NGỤC SỸ

Lúc lặng lẽ ngồi trong ngục tối

Là khi ta mưu sự cơ đồ

Đôi mắt nhắm mà lòng cuộn sóng

Chí bừng lên vang dội trăm miền

Ý chí ta vực thẳm núi cao

Trải rộng khắp bình nguyên đại mạc

Chí là hướng lung linh tâm bão

Bão lòng người thổi giữa nhân gian

Chí là hoa nở trong máu đỏ

Máu anh hùng chảy mãi thiên thu

Chí đã chín lòng ta đã quyết

Quyết đứng lên tranh đấu một phen

Vì nhân dân cơ cực bần hàn

Ý chí đó ngàn đời không đổi

Hỏa lò 4/2013

 

          Admin gửi hôm Thứ Tư, 19/06/2013         
 
Bạn đánh giá bài viết này thế nào?

Hậu Tiên Lãng: Xung đột đất đai lại manh nha bùng phát

Đoan Hùng – Kinh tế thịt chó định hướng đậu phụ

Người Buôn Gió – Chuyện vặt hàng nước

Nguyễn Xuân Xanh – Tại sao người Nhật mê đọc sách?

Thư của học giả và chuyên gia thế giới bày tỏ quan ngại về tình trạng sức khỏe và điều kiện giam giữ hiện tại của Ông Cù Huy Hà Vũ – BS

20 Th6

 Thư của học giả và chuyên gia thế giới bày tỏ quan ngại về tình trạng sức khỏe và điều kiện giam giữ hiện tại của Ông Cù Huy Hà Vũ

Posted by adminbasam on June 19th, 2013

 

Hai điểm then chốt trong bức thư này:

 

1. Sự kiện một tập thể khoa bảng, trí thức người nước ngoài cùng có tiếng nói chung về tình hình chính trị ở Việt Nam là điều chưa hề có trong hơn 30 năm nay.

 

2. Thư là một thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng: Vì quyền lợi của đất nước, vì tương lai của dân tộc, lãnh đạo Việt Nam cần thực hiện đối thoại nghiêm túc với những người khác biệt chính kiến trong nước, thay vì đẩy họ vào vị trí đối kháng.

 

Đặc biệt là trong tình trạng hiện nay, lãnh đạo Việt Nam nên mạnh dạn chứng tỏ họ có khả năng phát huy đại đoàn kết dân tộc để đối phó với đe dọa nghiêm trọng của ngoại bang, qua đó, thúc đẩy sự hình thành một xã hội dân sự, cấu trúc cần thiết cho sự phát triển và vững mạnh lâu dài của Việt Nam.

 

Ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

Ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước

Ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ

Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an

Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam

Kính thưa quý Ông:

Chúng tôi, những người ký tên dưới đây, là học giả và chuyên gia từ nhiều nước trên thế giới, được kết nối với nhau bằng quan tâm chung và hoạt động trong lĩnh vực Việt Nam học. Rất nhiều người trong chúng tôi cống hiến phần tốt đẹp nhất trong công việc và cuộc sống của mình cho các công trình nghiên cứu, cũng như dự án phát triển của Việt Nam, một đất nước và dân tộc cao đẹp. Chúng tôi viết thư này như là người bạn của Việt Nam, và luôn luôn mong muốn những gì có lợi nhất cho đất nước và dân tộc Việt Nam.

Chúng tôi viết để bày tỏ quan ngại sâu sắc của chúng tôi về tình trạng giam giữ và sức khỏe của Ông Cù Huy Hà Vũ. Chúng tôi viết cũng để ủng hộ lời kêu gọi ngày 04/6/2013 xung quanh vụ việc này của vợ Ông Hà Vũ, tức Bà Nguyễn Thị Dương Hà. Ông Hà Vũ là tù nhân lương tâm, bị bắt vào tháng 11/2010 với tội danh “tuyên truyền chống phá” Nhà nước, vì ông ấy tham gia hoạt động hòa bình thúc đẩy dân chủ, bảo vệ quyền con người và góp phần giải quyết một số vấn đề xã hội-môi trường khác. Ông Hà Vũ hiện đang thi hành bản án bảy năm tù giam, từ tháng 4/2011, tại Trại giam Số 5, Tỉnh Thanh Hóa.

Chúng tôi được biết trong thời gian ở Trại giam Số 5, Ông Hà Vũ bị bạo hành bởi quản giáo, không được tiếp cận những dịch vụ cơ bản, và bị tước đi các quyền chính đáng, như quyền thu nhận thực phẩm và nhu yếu phẩm từ chính gia đình của ông, quyền được chăm sóc y tế và chữa trị, và quyền bày tỏ những khó khăn của ông ấy đến với chính quyền có liên quan. Chúng tôi hiểu rằng sức khỏe của Ông Hà Vũ đang trong tình trạng nguy kịch, và càng trầm trọng hơn vì bệnh trạng của ông trước đó.

Với các lý do này, chúng tôi mạnh mẽ yêu cầu cấp chính quyền có liên quan hãy lập tức can thiệp vào việc này, nhằm đảm bảo sự an toàn và an ninh của Ông Hà Vũ.

Chúng tôi cũng kêu gọi chính quyền Việt Nam xem xét để thay đổi quan điểm của mình trước tất cả tù nhân lương tâm tại Việt Nam, và thay vào đó tiến đến giải quyết những mâu thuẫn tồn tại giữa hai bên thông qua đối thoại và tương tác mang tính xây dựng.

Chúng tôi xin cảm ơn quý Ông quan tâm đến vụ việc này, và chúng tôi tin tưởng rằng quý Ông sẽ phản hồi với tinh thần thể hiện sự văn minh và phẩm giá của Việt Nam.

Chúng tôi cũng bày tỏ sự chia sẻ sâu sắc nhất với Bà Dương Hà và gia đình Ông Hà Vũ, những người đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ tình trạng hiện thời.

Ngày 17/6/2013

Điện thư :  VNdoithoai@gmail.com

  Họ tên Chức vụ và tổ chức Nơi chốn
1 Cari Coe, Tiến sỹ Phó Giáo sư Chuyên ngành Quan hệ Quốc tế, Đại học Công lập Lewis & Clark Hoa Kỳ
2 Thomas Crosbie Nghiên cứu sinh bậc Tiến sỹ, Đại học Yale Hoa Kỳ
3 Lisa Drummond Phó Giáo sư, Chương trình Nghiên cứu Đô thị, Ban Khoa học Xã hội, Đại học York Canada
4 Wynn Gadkar-Wilcox Phó Giáo sư, Đại học Công lập Tây Connecticut Hoa Kỳ
5 Lelia Green, Tiến sỹ Giáo sư Chuyên ngành Truyền thông, Đại học Edith Cowan Úc
6 Hồ Tài Huệ Tâm Giáo sư Kenneth T. Young Chuyên ngành Lịch sử Việt Nam-Trung Quốc, Đại học Harvard Hoa Kỳ
7 Bernard Huber Sinh viên Cao học, Đại học McGill Canada
8 Huỳnh Kim Giảng viên, Đại học Quốc gia Úc Úc
9 Pierre Journoud, Tiến sỹ Nhà Nghiên cứu và Giảng viên, Đại học Paris 1 Panthéon Sorbonne Pháp
10 Ben Kerkvliet Giáo sư Danh dự, Đại học Quốc gia Úc Úc và Hoa Kỳ
11 Daniel King, Tiến sỹ Nguyên Học giả tại Đại học Murdoch, Đại học Edith Cowan và Đại học Notre Dame Úc
12 J. Kirkpatrick, Tiến sỹ Giáo sư, Đại học Bennington (hưu trí) Hoa Kỳ
13 Danielle Labbé Phó Giáo sư, Đại học Montréal Canada
14 Scott Laderman Phó Giáo sư Chuyên ngành Lịch sử, Đại học Minnesota, Duluth Hoa Kỳ
15 James Laverty Giám đốc Điều hành, Hội Chữ thập Đỏ Hoa Kỳ, Detroit (hưu trí), và Nhà Nghiên cứu Độc lập Hoa Kỳ
16 Lê Xuân Khoa Giáo sư Thỉnh giảng, Trường Cao học Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Johns Hopkins (hưu trí)  Hoa Kỳ
17 Jonathan D. London Phó Giáo sư, Đại học Thành phố Hồng Công Hồng Công
18 Patrick McAllister Giáo sư Nhân chủng học, Đại học Canterbury Tân Tây Lan
19 Jason Morris-Jung Nghiên cứu sinh bậc Tiến sỹ, Đại học California, Berkeley Hoa Kỳ
20 Ngô Lâm Chuyên viên Lưu trữ, Viện Hoàng gia Hà Lan Nghiên cứu Đông Nam Á và Caribbean Hà Lan
21 Ngô Vĩnh Long Giáo sư, Đại học Maine Hoa Kỳ
22 Nguyễn Hồng Bắc Nhà Nghiên cứu, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Việt Nam
23 Nguyễn Điền Nhà Nghiên cứu Độc lập Úc
24 Nguyễn Đức Hiệp Chuyên gia Khí quyển, Văn phòng Môi trường và Di sản, Chính phủ Bang New South Wales Úc
25 Nguyễn Thị Hường Nghiên cứu sinh bậc Tiến sỹ, Đại học Indiana Hoa Kỳ
26 Phạm Quỳnh Hương Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Việt Nam
27 Sophie (Sophia) Quinn-Judge                                      Phó Giáo sư Hoa Kỳ
28 Christina Schwenkel Phó Giáo sứ, Đại học California, Riverside Hoa Kỳ
29 Tạ Văn Tài, Tiến sỹ Luật sư, Nguyên Thành viên Nghiên cứu, Trường Luật Harvard Hoa Kỳ
30 Philip Taylor, Tiến sỹ Thành viên Cao cấp, Đại học Quốc gia Úc Úc
31 Thái Văn Cầu Chuyên gia Khoa học Không gian Hoa Kỳ
32 William S. Turley Giáo sư Danh dự, Đại học Nam Illinois Pháp và Hoa Kỳ
33 Vũ Thị Quỳnh Giao Thành viên, Cộng đồng Global Shapers tại Thành phố Hồ Chí Minh Việt Nam

 

Statement of concern over the state of health and current conditions of imprisonment of Mr. Cù Huy Hà Vũ by scholars and professionals around the world

Mr. Nguyễn Sinh Hùng, Chairman of the National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam

Mr. Trương Tấn Sang, President

Mr. Nguyễn Tấn Dũng, Prime Minister

General Trần Đại Quang, Minister of Public Security

Mr. Nguyễn Phú Trọng, General Secretary of the Vietnamese Communist Party

Gentlemen:

We, who have signed this letter below, are scholars and professionals from around the world, who are connected by our mutual interest and engagement with Vietnam studies.  Many of us have dedicated the better parts of our careers and lives to support the study and development of this beautiful country and people.  We write this letter as friends of Vietnam, while always trying to keep in mind what is in the best interests of the country and its people.

We are writing to express our deep concerns about the current conditions of imprisonment and state of health of Mr. Cù Huy Hà Vũ.  We also write in support of the urgent plea on this matter made by Mr. Hà Vũ’s wife, Mrs. Nguyễn Thị Dương Hà, on June 4, 2013.  Mr. Hà Vũ is a prisoner of conscience, who was arrested in November 2010 on charges of “conducting propaganda” against the State for peaceful activities to advocate for democracy, the protection of human rights and other matters of social and environmental concern. He is currently serving a seven-year sentence in Prison No. 5 in Thanh Hoá Province, since April 2011.

During his time at Prison No. 5, we understand that Mr. Hà Vũ has been subjected to abuse by prison guards and denied basic rights and services, such as rights to food and basic necessities from his family, right to medical services and treatment, and right to communicate his grievances to the relevant authorities.  We understand that Mr. Hà Vũ’s health is currently in a perilous state, which is all the more urgent because of his pre-existing medical conditions.  As we are sure you will agree, these are matters of serious concern that require urgent action.

For these reasons, we strongly request the relevant authorities to intervene immediately on this matter to ensure the safety and security of Mr. Hà Vũ.

We also urge the authorities to reconsider their position on all prisoners of conscience in Vietnam and rather seek resolution to their differences through dialogue and constructive engagement.

We thank you for your attention to this matter and we trust that you will respond in a manner that reflects the civility and dignity of Vietnam.

We also express our deepest sympathies to Mrs. Dương Hà and the family of Mr. Hà Vũ, who all suffer terribly from the current situation.

June 17, 2013

Email :  VNdoithoai@gmail.com

  Name Title and Affiliation Country
1 Cari Coe, PhD Assistant Professor of International Affairs, Lewis & Clark College USA
2 Thomas Crosbie Doctoral candidate, Yale University USA
3 Lisa Drummond  Associate Professor, Urban Studies ProgrammeDepartment of Social ScienceYork University Canada
4 Wynn Gadkar-Wilcox Associate Professor, Western Connecticut State University USA
5 Lelia Green, PhD Professor of Communications,Edith Cowan University Australia
6 Hồ Tài Huệ Tâm Kenneth T. Young Professor of Sino-Vietnamese History,Harvard University USA
7 Bernard Huber Graduate Student, McGill University Canada
8 Huỳnh Kim Lecturer, Australian National University Australia
9 Pierre Journoud, PhD Researcher and lecturer, University of Paris I Panthéon- La Sorbonne France
10 Ben Kerkvliet Emeritus Professor, Australian National University Australia, USA
11 Daniel King, PhD Former academic at Murdoch University, Edith Cowan University, and University of Notre Dame Australia
12 J. Kirkpatrick, PhD Professor, Bennington College, retired USA
13 Danielle Labbé Assistant ProfessorUniversity of Montréal Canada
14 Scott Laderman Associate Professor of History,University of Minnesota, Duluth USA
15 James Laverty CEO, American Red Cross, Detroit, retired, independent researcher USA
16 Lê Xuân Khoa Adjunct professor, School of Advanced International Studies, Johns Hopkins University, retired   a USA
17 Jonathan D. London Assistant Professor, City University of Hong Kong Hong Kong
18 Patrick McAllister Professor of AnthropologyUniversity of Canterbury New Zealand
19 Jason Morris-Jung Doctoral candidate, University of California, Berkeley USA
20 Ngô Lâm Collection Specialist, Royal Netherlands Institute of Southeast Asian and Caribbean Studies (KITLV) Netherlands
21 Ngô Vĩnh Long Professor, University of Maine USA
22 Nguyễn Hồng Bắc Researcher, Institute of Economics and Politics, Vietnam Academy of Social Sciences Vietnam
23 Nguyễn Điền Independent researcher Australia
24 Nguyễn Đức Hiệp Atmospheric Scientist, Office of Environment & Heritage, NSW Australia
25 Nguyễn Thị Hường Doctoral candidate, Indiana University USA
26 Phạm Quỳnh Hương Institute of Sociology, Vietnam Academy of Social Sciences Vietnam
27 Sophie (Sophia) Quinn-Judge Associate Professor USA
28 Christina Schwenkel Associate Professor, University of California, Riverside USA
29 Tạ Văn Tài, PhD Attorney, former research associate, Harvard Law School USA
30 Philip Taylor, PhD Senior Fellow, Australian National University Australia
31 Thái Văn Cầu Space Systems Specialist USA
32 William S. Turley Emeritus Professor, Southern Illinois University France, USA
33 Vũ Thị Quỳnh Giao Member, Ho Chi Minh City Hub of Global Shapers Community Vietnam
  • infooption
  • Click here to enable the button
    Twitter Dummy Image
  • Click here to enable the button
    Facebook Dummy Image
  • When you activate these buttons by clicking on them, some of your personal data will be transferred to third parties and can be stored by them. More information  here.

    Permanently enable data transfer for: Twitter
    TwitterFacebook
    Facebook

This entry was posted on Wednesday, June 19th, 2013 at 21:42 and is filed under Chính trị, Dân chủ/Nhân Quyền, Pháp luật, Đảng/Nhà nước. You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0 feed. You can leave a response, or trackback from your own site.

7 Responses to “1851. Thư của học giả và chuyên gia thế giới bày tỏ quan ngại về tình trạng sức khỏe và điều kiện giam giữ hiện tại của Ông Cù Huy Hà Vũ”

 
  1. Thạch Thi Sơn says:

    lãnh đạo VN và  các cơ quan truyền thông, có còn chút tính nưgời náo nữa không ? Một đất nước, quan chức tham nhũng, cướp bóc . . . họ hành động như là trách nhiệm, quan tham vơ vét như báo cấp 15. Trật tự giao thông mỗi ngày cướp hàng trăm sinh mạng người vô tội, trên thế giới này, không có một đô thị nào trật tự bát nháo, phúc tạp như đô thị VN, lũ đầu đất cứ lấy tội làm công, ra rả mấy thập kỉ qua, đất nước lạc hậu, người dân nghèo khổ  .. . đấy là tài năng lãnh đạo đem lại cho dân như vậy !

  2. Khách says:

    Dear all,  Ladies and Gentlemen,

    We Vietnamese would like to express the high respect and gratitude to you for your interest and anxiety to the circumstance of prisoners of conscience, Dr. Cu Huy Ha Vu in particular and human rights situation at Vietnam in general. The shared interest is high-appreciated and absolute in the current situation in Vietnam, where human rights abuses are limited and violently infringed, despite the voice of public opinion and anger.

    We do not dare to dream of a response to this letter from these individuals, concerned above; whose power and influence is huge for the life of Dr. Cu Huy Ha Vu in the Viet Nam government. Therefor, please kindly not be surprised and disappointed about this. That is normal actions which often takes place in totalitarian regimes, where the dictatorships behave and perform their dominant authority. However, your voice is the greatest of inspiration for our democratic struggle in Vietnam. At the same time, we hope to receive more support from you in promoting Vietnam Human Rights Act, passed the U.S Senate and the House of Representatives. Please  keep in mind about it !!!!

    We are very grateful to the voice of you.

  3. Thành says:

    Đây là những nhà khoa học thật tuyệt vời và đáng trân trọng, bởi họ đã thương yêu đồng loại – con người. Nhưng tiếc thay, những nỗ lực và lương tâm của họ đã bị những tên khốn nạn nhất loài người để ngoài tai. Việt Nam đất nước tôi sẽ đến một ngày diệt vong thôi bởi lũ người không bằng cầm thú này điều hành đất nước!

  4. Anonymous says:

    Chúng ta những người yêu nươc Việt hãy lên tiếng dể chặn bàn tay tội ác,cứu tiến sĩ Ha Vu la cứu một nguên khí quốc gia

  5. Chính Đạo says:

    Hãy nhờ các luật sư trong nước, hải ngoại thực hiện hồ sơ và kiện tất cả bọn này ra trước toà án quốc tế La Haye. Tiền bạc chi phí cho vụ kiện nếu cần, gia đình, thân nhân, bạn hữu, cả tập thể cùng lên tiếng, đồng bào VN khắp thế giới sẽ quyên góp hổ trợ. Đừng van lơn, đừng nói chuyện bằng miệng với bọn tội phạm này vô ích. Chính bọn đầu não có ra lệnh bọn cai tù của Cù Huy Hà Vũ và bọn cai tù của mọi nạn nhân khác mới dám thi hành. Hãy cho chúng nếm mùi đau khổ như Giang Trạch Dân, bước chân xuống một sân bay nào bên ngoài Trung Hoa lục địa là bị Interpol bắt ngay. Trong tình thế như vậy chúng sẽ chẳng còn dám chường mặt đi đâu để mà láo lếu tuyên bố vung vít này nọ nữa. Hãy giữ chặt chúng ở Việt Nam. Giữ chân chúng ở đấy để chờ ngày phán xét của toàn dân Việt Nam về tội ác chống con người và tội bán nước tày trời của chúng!

  6. Người Việt Yêu Nước says:

    Rất mừng và cám ơn các học giả đã lên tiếng cho LS CHHV và các tù nhân lương tâm ở VN. Trân trọng

Việt-Trung đạt thỏa thuận khai thác dầu khí trên vịnh Bắc Bộ – Vnn

20 Th6

Việt-Trung đạt thỏa thuận khai thác dầu khí trên vịnh Bắc Bộ

Hai bên xác định cùng hợp tác thăm dò, khai thác. Điều này chỉ phục vụ lợi ích kinh tế hai nước, không liên quan đến nước thứ ba. Việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc ký thỏa thuận sửa đổi lần thứ 4 liên quan tới thỏa thuận thăm dò chung trong khu vực thỏa thuận ngoài khơi vịnh Bắc Bộ là tiếp nối các thỏa thuận thăm dò dầu khí từ năm 2006 tới nay.

 

dầu khí, Trung Quốc, vịnh Bắc Bộ
Quang cảnh lễ ký giữa Tập            đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng Công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc

Để hiểu hơn vấn đề này, phóng viên VOV đã phỏng vấn ông Đỗ Văn Hậu – Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) xung quanh nội dung thỏa thuận này.
Ông có thể cho biết nội dung bản Thỏa thuận sửa đổi lần thứ 4 về hợp tác giữa PVN và Tổng Công ty dầu khí ngoài khơi Trung Quốc vừa được ký kết ngày 19/6? Ông Đỗ Văn Hậu: Thỏa thuận hợp tác giữa PVN và Tổng Công ty dầu khí ngoài khơi Trung Quốc được ký lần đầu từ năm 2006 phù hợp với Hiệp định đã ký kết giữa hai nước về phân định Vịnh Bắc Bộ. Thỏa thuận này đã được gia hạn 3 lần. Lần này là lần thứ 4 với thời hạn đến năm 2016.
Theo đó, chúng ta và phía Trung Quốc đã thỏa thuận với nhau về một vùng biển nằm trên vịnh Bắc Bộ, nằm trên đường phân định hai quốc gia; cùng nhau thăm dò và cùng nhau khai thác khi phát hiện có dầu khí.
Ngoài việc gia hạn, thỏa thuận lần thứ 4 này đã thống nhất mở rộng khu vực thăm dò chung nằm trên đường phân định hai quốc gia trên vịnh Bắc Bộ của hai nước lên gần 3 lần so với lần đầu năm 2006.

 

dầu khí, Trung Quốc, vịnh Bắc Bộ
Ông Đỗ Văn Hậu

Khu vực này được chia đều qua đường phân định trên vịnh Bắc Bộ, một nửa nằm phía Việt Nam và một nửa nằm bên phía Trung Quốc. Trên khu vực này, hai tổng công ty của hai Nhà nước sẽ cùng nhau tiến hành thăm dò, nhằm phát hiện các cấu tạo địa chất có chứa dầu khí. Khi phát hiện có dầu khí, hai bên sẽ tiếp tục bàn thảo, đểcùng nhau hợp tác khai thác.
Liệu có vấn đề gì nhạy cảm trong thỏa thuận này không, thưa ông?

Đây là thỏa thuận hợp tác về một khu vực nằm trong vịnh Bắc Bộ, là nơi mà mọi người đều biết, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết Hiệp định phân định đường biên giới trên biển. Vì vậy, thỏa thuận hợp tác này không có gì ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia của mỗi nước trên Vịnh Bắc Bộ. Đây chỉ là hợp tác thuần túy về kinh tế, cùng nhau thăm dò, khai thác nếu phát hiện ra dầu khí.

 

dầu khí, Trung Quốc, vịnh Bắc Bộ
 

Vậy thỏa thuận này có gì khác so với những thỏa thuận hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí giữa Việt Nam và một số quốc gia khác? Thỏa thuận này có khác. Trước đây ta ký kết những hợp đồng thăm dò và khai thác dầu khí với những quốc gia khác là hợp đồng thực hiện trên vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam. Còn đây là hợp tác giữa hai tổng công ty dầu khí quốc gia của hai nước, về việc thăm dò và khai thác ở một vùng biển chung, có diện tích chồng lấn hai bên, nhưng đã được phân định đường biên giới trên biển.
Theo dự báo, khu vực này có cấu tạo địa chất liền nhau, có khả năng có dầu khí, nên hai bên xác định để có lợi cao nhất, thì cùng hợp tác thăm dò và tiến tới khai thác. Điều này chỉ phục vụ lợi ích kinh tế hai nước, không liên quan đến nước thứ ba.

Ông có thể cho biết ý nghĩa của thỏa thuận lần này là gì? Ý nghĩa quan trọng nhất là sự tăng cường hợp tác giữa PVN và Tổng Công ty dầu khí ngoài khơi Trung Quốc. Qua đó sẽ góp phần tăng cường sự hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa hai Nhà nước nói chung.
Thực ra, trong nhiều năm qua, hai công ty đã có sự hợp tác với nhau. Những gì liên quan đến lợi ích, chủ quyền quốc gia, hai bên đều tôn trọng, đề cao trong quá trình hợp tác này. Nếu có ai đó, không tôn trọng chủ quyền của nhau, thì chúng tôi sẽ phản đối.

 

Việt Nam và Trung Quốc ký 10            văn kiện hợp tác
            Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước Trung Quốc, Chủ tịch nước Trương Tấn            Sang và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã chứng kiến lễ ký kết 10 văn            kiện hợp tác.
Đó là Chương trình hành động giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc về            việc triển khai quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung; Thỏa            thuận hợp tác giữa hai Bộ Quốc phòng; Thỏa thuận giữa hai Bộ Nông nghiệp về việc            thành lập đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột suất của hoạt động nghề cá            trên biển; Bản ghi nhớ xây dựng Trung tâm văn hóa giữa 2 nước; Điều lệ công tác            của Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt-Trung; Thỏa            thuận giữa Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục giám sát            chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch Trung Quốc về hợp tác trong lĩnh vực kiểm            nghiệm, kiểm dịch động thực vật xuất nhập khẩu; Kế hoạch hợp tác giữa Liên hiệp            các Tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc giai            đoạn 2013-2017; Hiệp định khung giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc            về việc Trung Quốc cấp cho Việt Nam khoản tín dụng ưu đãi cho dự án hệ thống            thông tin đường sắt trị giá 320 triệu nhân dân tệ; Hiệp định cho vay cụ thể tín            dụng người mua ưu đãi cho dự án nhà máy Đạm than Ninh Bình trị giá 45 triệu USD;            Thỏa thuận sửa đổi lần thứ 4 giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng Công ty dầu            khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc liên qua tới thỏa thuận thăm dò chung trong            khu vực thỏa thuận ngoài khơi vịnh Bắc Bộ.
Đáng chú ý trong các văn kiện này là việc thiết lập đường dây nóng giữa Bộ Nông            nghiệp hai nước nhằm kịp thời giải quyết các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt            động nghề cá trên biển.

Theo VOV