Lưu trữ | 7:18 Chiều

Thời gian và Phận người trong thơ Trương Đăng Dung – VHNA

19 Th6

Thời gian và Phận người trong thơ Trương Đăng Dung                             

Nguyễn Đăng Điệp          

                

 

9c43ce9ca0e3dc6d6c28ce7aa96ee2a1_L. Anh không thấy thời gian trôi…

Ám ảnh về cái chết có lẽ là ám ảnh lớn nhất mỗi đời người vì mỗi phút trôi qua  là một bước con người xích lại gần hơn với cái chết. Sống gửi thác về

Thế đấy, trong con mắt người xưa, gửi là cõi tạm; về mới là vĩnh cửu. Đi, té ra cũng là để trở về: Thân cát bụi lại trở về cát bụi.Theo đó, cái chết là một giới hạn có tính mặc định. Ý niệm về cái chết, bởi thế, cũng là ý niệm về thời gian. Nhưng con người, với bản chất là một thi sĩ, không cam chịu trước mặc định ấy mà luôn tìm cách nới rộng giới hạn kia bằng sự mơ tưởng nghệ thuật. Chính trong mơ tưởng và bằng mơ tưởng, con người được nhân đôi, được sống nhiều kiếp trong một kiếp đời ngắn ngủi. Bởi vậy, như một ám ảnh vô thức và hữu thức, thức nhận về thời gian đã trở thành yếu tố trội bật trong sáng tạo của nhiều người. Trương Đăng Dung cũng không là ngoại lệ.

Trở đi trở lại trong Những kỷ niệm tưởng tượng(1) của Trương Đăng Dung là tiếng cựa mình của thời gian, của tình yêu và cái chết, là nỗi bất an trước một thực tại phi lý. Đó là một thế giới ngập đầy hiện sinh trong  cái nhìn trắc ẩn của một kẻ sớm tự nguyện đứng về phe nước mắt.

Đỗ Lai Thúy đã bắt mạch trúng những chuyển động ngầm ẩn bên trong thế giới mơ tưởng kia của Trương Đăng Dung khi gọi Những kỷ niệm tưởng tượng thơ – thời – gian(2). Dĩ nhiên, đó không phải là thời gian vũ trụ tuần hoàn kiểu thơ ca trung đại, cũng không còn là kiểu thời gian của mỹ học lãng mạn thời thơ mới, cho dù đây đó ở Trương Đăng Dung vẫn còn những bước chuyển ngập ngừng. Thời gian thơ mới, trong cái nhìn của triết học nhân sinh, về cơ bản vẫn là thời gian bên ngoài. Xuân Diệu là thi sĩ lắng nghe bước đi của thời gian đặc biệt tinh tế: Ngẩng đầu ngắm mãi chưa xong nhớ/ Hương bưởi thơm rồi: đêm đã khuya. Dẫu vậy, thời gian ấy vẫn là thời gian khách thể. Đến các thi sĩ trường thơ Loạn, như một gây hấn nhằm kiếm tìm một hệ mỹ học mới/ khác, đã bắt đầu xối trộn các chiều không/ thời gian trong sinh thể nghệ thuật của mình: Van lạy không gian xóa những ngày       (Hàn Mặc Tử). Thơ Loạn, trong cái nhìn của Chế Lan Viên là thứ thơ: “thoát hiện tại”, “ xối trộn dĩ vãng”, “ôm trùm tương lai”( Tựa Điêu tàn). Những quẫy đạp để phá bỏ giới hạn không/ thời gian kia đã giúp các thi sĩ trường thơ Loạn mở rộng chiều kích khám phá thế giới, đào sâu hơn nữa vào cái “rộng rinh không bờ bến” của cái tôi cá nhân. Hệ quả, trong khi Hàn Mặc Tử nhìn thời gian bằng cái nhìn siêu thực thì Chế Lan Viên nghiêng đậm chất siêu hình. Là kẻ đến sau, một mặt coi quan niệm thời gian trong thơ truyền thống như một kinh nghiệm nghệ thuật  để “khắc phục vật liệu” và vượt thoát, mặt khác, quan trọng hơn, chịu ảnh hưởng trực tiếp tư tưởng triết học của M. Heidegger, Trương Đăng Dung đã góp vào  thơ Việt đương đại một cách cảm nhận mới về thời gian. Đó là thời gian bên trong: thời gian tồn tại, tồn tại thời gian. Cái nhìn mới mẻ này, tự  nó, đã là một đóng góp đáng kể vào một nền thơ vốn nặng chất duy tình và tựa nhiều vào vần điệu. Tôi không có ý coi nhẹ bản năng/ duy tình vì đó là yếu tố khởi đầu của thi tài, nhưng tựa mãi vào năng khiếu tất sẽ mòn. Tôi cũng không có ý hạ thấp vần điệu, nhưng tựa quá nhiều vần điệu đã trở thành “xưa như Diễm”. Con đường làm mới thơ có nhiều ngả hướng, và đường thơ Trương Đăng Dung cũng chỉ là một hướng tìm tòi. Nhưng điều quan trọng nằm ở chỗ, anh đã phổ vào thơ mình những suy tư đậm màu triết học, không phải thứ triết học cao đàm khoát luận mà là thứ triết học gắn liền với nhân sinh, là triết học nhân sinh. Đây là điều thơ Việt hiện nay còn nhiều khuyết  hụt

Nếu các nhà triết học cận đại trong khi xem nhẹ “tinh thần” và đề cao con người như là chủ thể của một thế giới ngày càng bị “vật hóa”, đã bỏ rơi và lãng quên “hữu thể” thì M. Heidegger “hướng tới” và “vượt lên” bằng cách” trở về”: về với một thế giới tinh khôi, toàn vẹn đã bị lãng quên và bị tước đoạt. Tinh thần này, về bản chất, mang đặc tính của thơ ca: Thơ là sự trở về. M. Heidegger, qua diễn dịch của Bùi Văn Nam Sơn, cho rằng, ngôn ngữ cũng giống như ý thức “đan dệt một làn da sống động, ấm áp bao quanh thế giới, không phải là sản phẩm khô khan của trừu tượng hóa, mà cùng chia sẻ khổ vui với thế giới”( 3). Là “ngôi nhà của hữu thể”, ngôn ngữ vừa do con người kiến tạo, vừa quy định chủ thể của sự kiến tạo. Những tư tưởng độc đáo trên đây của M.Heidegger đã ảnh hưởng to lớn đến tinh thần phương Tây hiện đại như một cảnh báo và thức tỉnh: để tránh khỏi những áp lực, âu lo và tìm kiếm ý nghĩa của tồn tại, con người phải biết ý thức riết róng về cái chết và sự hữu hạn, từ đó, biết coi trọng các giá trị đã có trong quê hương đích thực của mình(4). Thực ra trước Trương Đăng Dung, những tư tưởng triết học nhân sinh này đã ám rất sâu vào nhiều thi sĩ tài hoa khác, trong đó, đáng chú ý nhất là Bùi Giáng: Xin chào nhau giữa con đường- Mùa xuân phía trước miên trường phía sau. Kẻ tài thơ ấy cũng yêu Nguyễn Du, yêu những gì thuộc về nước mắt: Bây giờ riêng đối diện tôi – Còn hai con mắt khóc người một con. Chỉ có điều, nếu Bùi Giáng quậy phá để tạo nên những cuộc hôn phối kỳ lạ giữa cổ và kim, giữa cao sang và thông tục, thì Trương Đăng Dung chừng mực hơn nhiều. Chừng mực nhưng chất chứa  dồn nén, khắc khoải bên trong. Khắc khoải bởi sự mất mát đang diễn ra ngay trong hiện tại:

Thôi em đừng khóc

rồi sẽ qua đi kiếp người ngắn ngủi,

một ngày kia hết mọi buồn vui

chui xuống cỏ ta sẽ nằm dưới cỏ

bàn tay ta bất động giữa đất dày

bàn tay ta thôi tìm nhau run rẩy.

                                    ( Ảo ảnh)

Dồn nén, chừng mực nhưng Trương Đăng Dung không có ý thỏa hiệp với những quy phạm nghệ thuật có sẵn. Bởi lẽ về bản chất, tiếng thơ Trương Đăng Dung gần hơn với tiếng nói “ngoại vi”, tiếng nói của kẻ yếu. Tôi nghĩ, tập thơ này nếu ra đời cách đây quãng vài ba chục năm, nó rất dễ bị coi là thứ quả trái mùa, bởi những suy tư kia của một kẻ Tây học sẽ bị rơi vào lạc lõng. Mà đúng thế, đến tận hôm nay, nhiều khi ý nghĩ của Trương Đăng Dung vẫn hiện lên như ý nghĩ của một kẻ lạc lõng bởi con đường anh đi chẳng khác gì một độc đạo, độc hành. Trương Đăng Dung không ham đăng đàn diễn thuyết, nhưng những phá cách trong tư duy và giọng điệu ấy đủ sức khuấy động một cộng đồng diễn giải còn mang nặng giáo điều.  Và ngược lại, cũng tìm thấy không ít sẻ chia – từ những ai muốn tìm cái khác. May mắn cho Trương Đăng Dung là tập thơ ra đời khi đổi mới đã thực sự là môt tiến trình.  Nói thế để thấy sự mới mẻ trong trong thơ Trương Đăng Dung trước hết là sự mới mẻ về tư tưởng. Bàn đỡ và sự thâm hậu của tư tưởng giúp Trương Đăng Dung không lạm dụng kỹ thuật tân kỳ mà thơ anh đầy trắc ẩn, suy tư. Trong chính sự suy tư ấy, Trương Đăng Dung tìm thấy tự do nội tại, tự do lang thang suốt mọi ngõ ngách của thế giới nội cảm. Thế giới ấy tuy không lìa gốc rễ cội nguồn nhưng đã được bồi đắp nhiều hơn bởi những tư tưởng của M. Heidegger, A. Camus, F Kafka…, những bậc thầy hiện sinh thường trực nỗi âu lo và mất niềm tin trước một thực tại đổ nát, đau thương. Đó là những bước chân lang thang gắn liền với rất nhiều hoài nghi: Có môt thời? Đêm ở Roma… Ngấm sâu tinh thần  M.Heidegger qua Sein und Zeit,  Trương Đăng Dung coi hữu thể và thời gian là tương quan cốt yếu kiến tạo đặc tính tươi xanh và bí ẩn của thế giới:

Anh không thấy thời gian trôi

thời gian ở trong máu, không lời

ẩn mình trong khóe mắt, làn môi

trong dáng em đi nghiêng nghiêng như đang viết lên mặt đất thành lời

về kiếp người ngắn ngủi

           ( Anh không thấy thời gian trôi)

Khắp sinh quyển Những kỷ niệm tưởng tượng, hầu như chỗ nào cũng chứng kiến sự hắt bóng của thời gian, là thời gian, là sự sống và cái chết gần kề: mùa trăng sắp lụi, răng mẹ rụng lúc nào không biết nữa, sợ thời gian rình trong sợi tóc, anh nghe ngày một gần hơn tiếng lũ quạ…Điều gì đang đợi ta ở cuối con đường, phía sau những chuyển động không ngừng? Đó là cái chết. Nhưng ngay cả cái chết cũng không khép lại, mà đó cũng là một chuyển động. Liệu rằng, sau những chuyển động ấy, cuộc đời có tái sinh? Câu hỏi ấy Trương Đăng Dung không trả lời. Vì với anh, hữu thể mang khuôn mặt của thực tại, để trải/ hiểu thực tại ấy, người ta cần phải sống, phải không ngừng cật vấn về tồn thể. Từ ảnh xạ của M. Heidegge và tư tưởng hiện sinh, Trương Đăng Dung nói về cái chết không phải như một nỗi khiếp sợ mà để thấu rõ hơn nỗi cô đơn bản thể, từ bi đát và phi lý mà ngộ ra cái hữu lý truy tìm. Cũng bởi thế, thực tại trong thơ Trương Đăng Dung nhuốm đầy bi kịch. Tính nhân văn của tập thơ toát lên từ chính quá trình suy nhận về những bi kịch bất tận của cõi người…

  • Có một thời ta đã sống thật sao?

Những câu thơ trong bài thơ này, hiểu một cách bề mặt, là khả năng tái nhận thức đời sống từ những trải nghiệm cá nhân. Nhưng sâu hơn, đó là sự tra vấn không ngừng về tồn thể. Càng tra vấn và càng chứng nghiệm về sự phi lý và hữu hạn, con người càng thấy mình cô đơn. Tôi nghĩ, Trương Đăng Dung không thể có tập thơ này nếu anh không mang trong mình một khối cô đơn định mệnh. Nỗi cô đơn gắn với cảm giác sợ người. Trong cô đơn, lúc nào anh cũng nhìn thấy những bức tường ngăn cách bản ngã và tha nhân. Văn minh kỹ trị có thể tạo ra ảo giác về sự tiến bộ và văn minh, nhưng mặt trái của nó là thủ tiêu hơi ấm của con người, cắt đứt sự kết nối của tình thương.  Với cách hình dung như thế, liệu lịch sử có phải là sự tiến bộ như ta hằng tưởng? Hay đó cũng là một ảo ảnh của con người? Lại nhớ đến Nguyễn Huy Thiệp: Đến bao giờ, hỏi đến bao giờ, mặt đất này mới xuất hiện tiến bộ?.  Chính vì suy tư về thực tại phi lý và sự lãng quên hữu thể của con người, Trương Đăng Dung không cần đến nhiều lời, vẫn có những khám phá rất sâu về thân phận. Tôi nghĩ, tham gia vào quá trình khám phá này, ngoài mẫn cảm cá nhân, còn có sự trợ lực của tư tưởng triết mỹ phương Tây, và nữa, sự tiếp sức của dưỡng chất văn hóa phương Đông, khi mà ở thời trai trẻ, Trương Đăng Dung đã dịch Truyện Kiều – một kiệt tác về thân phận: Trăm năm trong cõi người ta- Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung. “Lời chung” chính là  một khái quát về bi kịch nhân thế trong cái nhìn nghệ thuật Nguyễn Du.

Phận người trong thơ Trương Đăng Dung không bị quy định bởi từ trường tụng ca và những lời hoa mỹ. Trái lại, nó  luôn gắn với nỗi đau trần thế, trong bùn đất trần thế mà hiển lộ vẻ vẻ đẹp người – những vẻ đẹp mang màu sắc chịu nạn:

Tôi lại nhìn thấy họ

những người vợ suốt đêm vá lưới

mắt quầng thâm  nhìn chồng. Ngoài kia

biển dâng triều, sóng cồn lên sôi động

                      (Tôi lại nhìn thấy họ)

Những câu thơ này không phản ánh thứ “hiện thực” thông thường mà là sản phẩm của tưởng tượng, nơi lưu giữ tầng sâu ký ức, bất chợt bùng vỡ trong  những giấc mơ, vì thế mà đầy ám ảnh. Nhà thơ đã nhìn thấy gì trong những giấc mơ ấy? Thiên tai. Địch họa. Chết chóc. Tha hương…Tất thảy đều lam lũ, khó nhọc, đầy nước mắt. Nỗi đau khổ ấy không chỉ có trong thời  chiến mà tồn tại ngay cả thời hậu chiến, trong những bước chân phiêu bạt xứ người để mưu sinh. Tôi nhớ, cảm nhận này cũng từng hiện hữu trong diễn ngôn chấn thương của Bảo Ninh, trong những giấc mơ “và khi tro bụi” của Đoàn Minh Phượng, và trước đó, “tổ quốc nhìn từ xa” trong thơ Nguyễn Duy hay những tiên cảm cuối thập niên bảy mươi của thế kỷ XX trong cái nhìn không còn trong veo của Lưu Quang Vũ…. Đặt những suy tư về thân phận của Trương Đăng Dung trong dải phổ văn học sau 1975 để thấy, chấn thương và cảm nhận về mất mát là một chủ đề của văn học đương đại, là một hình thức nhận biết và lý giải cuộc sống trong tính đa chiều. Vậy là Trương Đăng Dung có những kẻ đồng hành, nhưng đồng hành mà vẫn khác biệt. Sự khác biệt ấy, chủ yếu xuất phát từ ý niệm về thời gian và màu sắc hiện sinh phủ đầy trong thi giới Trương Đăng Dung. Cũng không có gì quá khó hiểu khi Trương Đăng Dung tìm cách biểu đạt nó qua số phận đàn bà. Họ là người mẹ, người em, người vợ…Thơ Việt cũng như thơ nhân loại từng có không ít câu thơ hay về phụ nữ. Viết về phụ nữ, Trương Đăng Dung nghiêng nhiều về bi kịch:

Những người đàn bà đi trong bình minh

chiếc làn xách tay

mấy quả trứng, mớ rau

và một ít bóng đêm sót lại.

… Họ đi hàng dọc

gương mặt không trang điểm 

như vừa được vớt lên từ đáy giếng.

                   ( Những người đàn bà)

Không gian bình minh như một khung khổ nghệ thuật làm nổi bật sự lam lũ, nhọc nhằn. Một kiểu đặc tả ngược sáng. Những người đàn bà nhọc nhằn không còn sinh khí đến mức mang sắc vẻ nhợt nhạt của cái chết. Bài thơ chuyển tải thông điệp về một thực tại mà ở đó cái đẹp bị lâm nguy, con người bị hủy hoại trong những trò chơi lỗi nhịp. 

Không khó khăn gì để người đọc nhận thấy mối đồng cảm giữa những câu thơ trên đây với Những người đàn bà gánh nước sông của Nguyễn Quang Thiều.Kém “may mắn” hơn,  thơ Nguyễn Quang Thiều ra mắt người đọc vào những năm đầu 90 của thế kỷ trước và nhà thơ lập tức bị ném đá vì tội … bêu xấu phụ nữ. Người ta căn vặn: sao không viết về người đàn bà với công thức mỹ học “công, dung, ngôn, hạnh” mà nói về sự nhếch nhác của con người? Nay nhìn lại, mới thấy những nỗ lực “lạ hóa” trở nên vô nghĩa với kiểu tiếp nhận này. Vả lại cả hai, Thiều và Dung đều là những kẻ Tây học, hẳn bị rơi vào bẫy ngoại lai và khinh rẻ giống loài? Nhưng nỗi đau trong thơ họ còn nguyên: vì sao những người đàn bà kia khốn khổ đến kiệt tàn sức sống? Rộng hơn, thân phận của người đàn bà cũng là thân phận của chúng ta, thân phận của lũ kiến trong cái trò chơi đầy phi lý này. Không ai khác, chính con người đã dựng lên trò chơi và mắc bẫy trò chơi. Mắc bẫy mà không tự biết và vô cảm trước cạm bẫy đời.

Nói đến cái chết, sự phi lý và nỗi đời mong manh, Trương Đăng Dung  có nhiều thơ hay về tình yêu. Trong cái nhìn của Trương Đăng Dung, tình yêu là hòa ca của tồn tại, là những giây phút rực rỡ nhất của tồn thể, tại đó cả hai “rủ nhau làm sự sống”. Coi hiện tại là trung tâm quy chiếu các chiều thời gian, sợ tình yêu biến mất ngay chính thời hiện tại, Trương Đăng Dung cần đến vật chứng trong khi bản thân anh chắc gì đã tin vào sự hằng tồn của vật chứng:

Em đừng xếp lại chăn

em đừng chải lại tóc

em đừng tô lại môi

cứ để nguyên áo quần trên ghế

cứ để nguyên hiện trạng căn phòng.

 

Anh cần vật chứng

Trước thời gian.

             ( Vật chứng)

Nói thế để thấy Trương Đăng Dung biết kiếm tìm niềm tin sau bao nỗi hoài nghi và vấp ngã tinh thần. Trước Trương Đăng Dung, R. Tagore có câu thơ nổi tiếng:Em thế nào thì cứ thế mà đến – Chớ có loạy hoay sửa soạn áo quần. Thơ Tagore nói về sự chân thật tự nhiên của người tình, vì tình yêu đâu cần trang sức, còn “vật chứng” mà Trương Đăng Dung nói đến xuất phát từ nỗi e sợ tất cả biến mất trước thời gian:Sợ thời gian rình trong từng sợi tóc – khi môi ta rời nhau – hơi ấm đã thuộc về quá khứ. Không nghi ngờ gì, đây là những khoảnh khắc hiện sinh có mặt trong thơ Dung. Một hoài nghi gắn liền với tiếng thở dài đời người như khói sương cứ bàng bạc trong tưởng tượng:

Có thể em vẫn nhớ những vầng trăng thức trắng

lá rơi thảng thốt trước thềm.

có thể em vẫn nhớ một bóng hình, giọng nói

đã tan trong sương khói

những kiếp người.

                                        ( Có thể)

Những câu thơ mang chứa những vẻ đẹp buồn. Nó gói ẩn những chắt chiu chiêm nghiệm. Những bản tình ca trong thơ Trương Đăng Dung là thế, ngân lên những giai âm tao nhã mà không kém phần mãnh liệt.

Trong thơ ca đương đại, tình yêu và sex được nói nhiều. Có người coi đó là “mode”, có người coi là sự giải phóng ẩn ức và bản ngã, có người từ tình yêu mà suy ngẫm về kiếp người. Trương Đăng Dung nói về yêu và sex vì tồn tại và nghĩa lý của tồn tại.  Tôi muốn dừng lâu hơn ở bài Anh chiếm chỗ bóng đêm để từ đó lạm bàn một chút về việc nhiều nhà thơ đương đại bị hút vào chủ đề nhạy cảm ( hot) này. Đã có không ít cây bút ngộ nhận rằng nói thật nhiều về sex bằng ngôn ngữ thông tục là một bằng chứng về tính hiện đại của thơ, là hình thức coi trọng sự dân chủ giữa các từ.  Điều ấy chỉ đúng một phần, bề mặt. Điều quan trọng hơn bảo đảm cho tính hiện đại trong diễn ngôn tính dục là ở chiều sâu cảm nhận và lý giải, ở khả năng mở ra vô tận những hưởng thụ văn hóa khi nói về sex, coi nó như một phương diện biểu đạt sự thấu hiểu, trao nhận sâu xa của con ngườì, làm cho con người nhận ra nghĩa lý của tồn tại. Với cái nhìn như thế, tôi nhận thấy có ba vấn đề đáng chú ý khi tìm hiểu ngôn ngữ tính dực trong thơ Trương Đăng Dung. Thứ nhất, sex là một sự sống và là một nghệ thuật. Nghệ thuật ấy cần đến sự trang nhã và mạnh mẽ trong cực điểm của hòa hợp. Vì nói theo diễn đạt của Freud, nó là lực sống. Và là những tận hiến tột cùng:

              Những khoảnh khắc trong đêm

              những đường cong như sóng vươn về phía trước

               hơi thở như gió

               đắm say và gấp gáp.

            

            …   Anh chiếm chỗ bóng đêm

               Anh gom ánh sáng bằng sức lực đàn ông

              Có tự ngàn đời

                Để cho em rạng rỡ.

                              ( Anh chiếm chỗ bóng đêm)

Thứ hai, trong những điên rồ hiến nhập, ý thức về hiện tại vẫn là ý thức nổi bật nhất. Nó có mặt ngay cả khi Trương Đăng Dung sử dụng ngôn ngữ của A. Schopenhauer “Có phải chúng ta đang bị tự nhiên lừa”. Lý trí mách bảo như thế, nhưng là con người, Trương Đăng Dung vẫn muốn bị lừa “để chiếm chỗ bóng đêm – để có em vĩnh viễn!. Đó là mâu thuẫn muôn đời mà tình yêu và những giây phút thănghoa nhất của nó không dễ gì hóa giải. Nó cũng là một sắc thái đầy phi lý của trò chơi. Thứ ba, diễn ngôn tính dục thơ Dung như một minh chứng về tương quan giữa tự do và quyền lực. Không một quyền lực nào có thể tước bỏ tự do, không một  ràng buộc nào ngăn cản được tình yêu dù biết rằng  kiếp đời là ngắn ngủi. Tình yêu, với cái nhìn như thế, tự nó, cao hơn cái chết, và đối mặt cái chết, ta có thể an lòng về thực tại Anh không còn gì ngoài em. Chúa đã ra đi, Thượng đế đã chết, chiến tranh như một trò chơi tai ác vẫn hiện hữu, những bức tranh đẫm máu còn nhắc nhở con người không được phép lãng quên. Những ghi chép hè năm 2009 xem ra vẫn còn tiếp tục khi cái phi lý đã được coi là hợp lý. Trò chơi tai ác ấy mang khuôn mặt của hiện tại nhưng lại có một lịch sử xa xưa:

Đấu trường Colosseo lạnh lung

những bóng ma vất vưởng

những khán đài âm u

đêm khép lại

đâu là lịch sử

đâu là trò chơi?

Mona Lisa mỉm cười

bí ẩn

                             ( Đêm ở Roma)

Cũng bởi ý thức rốt ráo về thực tại và thời gian mà Trương Đăng Dung gửi gắm cho con: bố chỉ mong trái tim con đừng bao giờ lạc lõng – trước mọi vui buồn bất hạnh của thời con.

Những điều đã nói ở trên cho phép ta ghi nhận đóng góp của một tập thơ có khả năng đánh thức tư duy thơ Việt đương đại: cần phải tăng thêm tính tư tưởng và tính hiện đại cho thơ. Chiều sây mỹ cảm và tinh thần triết học trong thơ Trương Đăng Dung đủ sức mời gọi những diễn dịch khác nhau. Đó cũng là độ mở cần thiết của những văn bản thơ hiện đại.

Xin được nói thêm rằng, bản thân nhan đề tập thơ – Những kỷ niệm tượng tượng – đã hé lộ trường mỹ học thơ Dung. Một thứ mỹ học đã vượt khỏi tầm kiểm soát của mô hình phản ánh hiện thực “chân chân chân, thật thật thật” để xuyên qua những bức tường của tri giác đặng nghe thấy mạch đập bản thể hiện tồn. Hình thức, trong Những kỷ niệm tưởng tượng là hình thức quan niệm, hình thức của tư tưởng, nên nó chính là tư tưởng, có khả năng xâm thực người đọc bằng những suy cảm sâu xa. Tính hiện đại trong thơ Trương Đăng Dung, vì thế, mang chứa nhịp thở mỹ học hiện đại và hậu hiện đại. Không phải ngẫu nhiên mà Trương Đăng Dung có ý thức xóa nhòa các ranh giới: ranh giới thời gian trên nền quy chiếu hiện tại; ranh giới của quốc gia vì dù chủng tộc khác nhau, văn hóa khác nhau thì tất thảy đều là con người. Xóa bỏ mọi ranh giới có thể coi là một thủ pháp nghệ thuật hữu dụng, vì mờ hóa đã trở thành đặctrưng cốt yếu của tư duy nghệ thuật hiện đại. Theo đó, tính nhân loại trở thành một cảm thức nghệ thuật chi phối cách kiến tạo lời của Trương Đăng Dung. Giấc mơ của Kafka, Những kỷ niệm tưởng tượng...là những thi phẩm thể hiện rõ mạch chảy này.

Chú trọng sự kết tinh của chữ, quan tâm đến nhịp điệu và hơi thở của cấu trúc, Trương Đăng Dung, cứ thế, buộc người đọc cảm nhận thơ mình trên tinh thần của một lỗ tai mới, một kinh nghiệm và một trường thẩm mỹ mới. Chữ nghĩa Trương Đăng Dung mang tính chắt lọc, đến mức có thể hình dung nó như những nét chạm khắc tinh xảo với những chuyển động tinh tế: Bao nhiêu lần khép cửa – em vẫn thấy mình chưa ở bên trong – Và cặp môi hồng – mím chặt vào nhau an ủi (Thành phố phía chân trời). Từ bài thơ đầu in trên Văn nghệ đến tập thơ này kịp ra đời là quãng thời gian hơn ba mươi năm. Mới hay, Trương Đăng Dung coi trọng chất hơn lượng. Ngẫm ra, đó cũng là một phương diện khác của ý thức về thời gian và nghiã lý của tồn tại.

  • Sống như là quá trình thỏa thuận

Nhiều người cho rằng Những kỷ niệm tưởng tượng có phần đơn điệu, mono, chưa đa dạng. Nhưng đó là lựa chọn của Trương Đăng Dung. Là nhà khoa học làm thơ, Trương Đăng Dung yêu sự chặt chẽ và tạo dựng cấu trúc thi phẩm trên dòng tư tưởng nhất quán của mình. Điều này có lý của riêng của Trương Đăng Dung, bởi Dung ý thức về sự thỏa thuận. Làm thơ, phát ngôn, và sống…đều là quá trình thỏa thuận. Thỏa thuận cũng là bài thơ khép tập, nhưng lại hé mở một lộ trình. Lộ trình ấy chủ yếu vẫn được thi triển trên quan niệm về thời gian và trò chơi ngôn ngữ theo tinh thần hiện đại khi mà bản thân cuộc sống cũng được coi là một văn bản: “Ngôn từ kết nối phân chia, ngôn từ tự do tạo nghĩa”, “Thế giới không thuần nhất – bấp bênh, những ý nghĩa thỏa thuận”.  Đó cũng là điều tôi cảm nhận được từ những bài thơ mới công bố gần đây của Trương Đăng Dung trên tờ Tạp chí Thơ . Nó là sự tiếp nối những cuộc viễn du trong thẳm sâu tâm tưởng mà Trương Đăng Dung đã thực hiện trong hàng chục năm qua.  

Cái gọi là sự thỏa thuận cũng là một phạm trù rất quan trọng của mỹ học tiếp nhận, một phương diện mà Trương Đăng Dung dày công nghiên cứu. Bất cứ văn bản và sự đọc nào cũng tồn tại trên những thỏa thuận. Ở những văn bản nghệ thuật đích thực, sự thỏa thuận ấy mở ra rất nhiều chiều. Để diễn giải thơ của Trương Đăng Dung, người đọc cần phải có những kiến thức triết học và một nền tảng mỹ học cần thiết. Vẫn biết Trương Đăng Dung không chỉ hướng tới lớp người đặc tuyển. Anh viết cho mọi người, và thông qua những thỏa thuận, người đọc có thể gặp ở nơi này, nơi kia một chia sẻ về thân phận, về sự phi lý của cõi đời, về những sinh linh mà Dung đã và chưa gặp, chưa kịp cảm giao. Để từ đó, trong lang thang suy tưởng, nhà thơ nghĩ về dân tộc và nhân loại, nghĩ về lịch sử và số phận con người. Trong miền suy tưởng về sự phi lý và vỡ vụn của thế giới, Trương Đăng Đung đã bước chân mình vào chu cảnh hậu hiện đại. Đó là những bước đi tự nhiên mà không hề gượng ép. 

Mang đậm chất triết học, nhưng Những kỷ niệm tưởng tượng không rơi vào khô khan bởi Trương Đăng Dung biết xử lý hài hòa tình và lý. Những bậc cao thủ thi ca thường  biết đốt trí tuệ thành tình cảm và biết đốt tình cảm để thăng hoa thành trí tuệ. Thơ Trương Đăng Dung  là nỗ lực hiện thực hóa quá trình dung hợp hai cực ngược chiều. Bài thơ “Đêm ở Roma” là một trong những thi phẩm thể hiện rõ cách xử lý mối tương quan này.

Nói về Roma nhưng Trương Đăng Dung không rơi vào kể tả, một thủ pháp mà những kẻ non tay rất dễ vừa lòng. Trường suy tư của thi sĩ bắt đầu từ cái nhìn ngược sáng. Trong bóng đêm, nhà thơ nghẹ nhịp thở Roma chính từ lồng ngực mình: tôi thức với trái tim – những ý nghĩ lang thang trong lồng ngực –  không còn đủ sức – chạy theo con tàu. Đi kiệt cùng nỗi cô đơn và những suy tưởng cá nhân, Trương Đăng Dung gỡ hết bức tường này để tiếp tục đối mặt với những bức tường khác cùng vô vàn câu hỏi “đâu là lịch sử – đâu là trò chơi?” Nụ cười bí ẩn của người đẹp trong tranh L. Vinci thực chất là bí ẩn của hữu thể. Mỗi người sẽ biết cách trả lời nếu họ đạt  tới satna. Nhưng điều cần nói thì Trương Đăng Dung đã nói: sự nhầm lẫn của con người nằm ở chỗ con người hợp thức hóa những trò chơi vô nghĩa lý. Chỉ khi nào nhận ra bản chất phi lý của trò chơi, ta mới chạm được vào chân lý. Toàn bộ thi giới Trương Đăng Dung gắn liền với một đề nghị đầy khắc khoải của anh: con người hãy biết sống với nhau một cách nhân ái và khoan dung. Trái đất cần hơi ấm tình người và niềm cảm thông đồng loại. Đó mới đích thực là lõi cốt của tồn tại.  

Tôi nghĩ, tại đấy, Trương Đăng Dung sẽ nhận được sự chia sẻ của lịch sử qua lời Ph. Dotstoievxki: Tình thương sẽ cứu chuộc thế giới. Một vẻ đẹp toàn thiện sẽ hiện lên tinh khôi từ sự cứu chuộc ấy của con người.

—————————————

1.Những kỷ niệm tưởng tượng – Thơ Trương Đăng Dung, Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2011.

2. Đỗ Lai Thúy: Trương Đăng Dung với thơ – thời- gian, Lời giới thiệuNhững kỷ niệm tưởng tượng của Trương Đăng Dung, Nxb Thế giới, H. 2011.

3. Xem: Bùi Văn Nam Sơn,Lời giới thiệuMartin Heidegger và tư tưởng hiện đại, Nxb Văn học, H. 2001, tr 29.

4. Diễn giải của Trương Đăng Dung trong bản dịchTrên đường đến với ngôn ngữ của M. Heidegger, in trongTác phẩm văn học như là quá trình, Nxb KHXH, H.2004, tr 229 – 230

 

KHXH&NV Việt Nam: Thử nhìn nhận và đánh giá – VHNA

19 Th6

KHXH&NV Việt Nam: Thử nhìn nhận và đánh giá                 

Hồ Sĩ Quý                                                

VHNA: Đánh giá về khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) Việt Nam sau gần ba thập niên đổi mới hiện đang có những ý kiến trái ngược nhau.

Những đánh giá chính thức, những tổng kết nội bộ theo từng chuyên ngành, từng lĩnh vực thì thường là ghi nhận bước chuyển sau quá trình đổi mới, đồng thời cũng không quên nhắc đến những hạn chế, bất cập, yếu kém so với bên ngoài. Bên cạnh đó, còn có những đánh giá khác của các cá nhân nhà khoa học, các diễn đàn chính thức và không chính thức trên báo chí và trên các tài liệu online hoặc của một vài tổ chức quốc tế có quan tâm… thì rất ít những đánh giá tích cực, lạc quan, mà phần nhiều là những lo lắng, băn khoăn, không thỏa mãn, thậm chí báo động với trình độ và hiện trạng của KHXH&NV ở tất cả các dạng hoạt động của nó – nghiên cứu, đào tạo, ứng dụng thực tiễn và tư vấn chính sách… Dưới góc độ của một nhà khoa học làm việc và nghiên cứu về KHXH&NV, tác giả đã khẳng định những thành tựu của KHXH&NV kể từ sau đổi mới – đóng góp có ý nghĩa quyết định cho sự chuyển đổi các quan niệm cốt tử trong văn hóa và dân trí – và nhấn mạnh những hạn chế của nó trong nghiên cứu chuyên sâu, trong đào tạo đội ngũ khoa học, trong tiếp nhận thông tin và đặc biệt là trong tư vấn chính sách.

Đóng góp có ý nghĩa quyết định cho sự chuyển đổi

Sự phát triển của đất nước như chúng ta đang chứng kiến hiện nay, dù bên cạnh vẫn còn rất nhiều điều chưa hài lòng, thậm chí nhức nhối, nhưng cũng là một thực tế mà vào những năm 80 của thế kỷ trước, kể cả trong sự hình dung của những người lạc quan nhất, cũng chẳng ai dám mơ đến thế.

Từ cuối những năm 80, chính là nhờ KHXH&NV mà đất nước chuyển đổi được và chuyển đổi thành công từ cơ chế hành chính – bao cấp sang cơ chế thị trường, dù là thị trường chưa hoàn chỉnh; từ một xã hội chỉ hội nhập hạn chế chuyển sang hội nhập ngày càng đầy đủ và chủ động vào cộng đồng thế giới với sự chấp nhận các thể chế quốc tế và khu vực phức tạp; từ nghi ngại, kỳ thị với toàn cầu hóa, coi toàn cầu hóa chỉ là một thứ vũ khí của kẻ thù đến biết chấp nhận toàn cầu hóa như một một thời cơ bên cạnh những thách thức, và trên tất cả, từ một phương thức phát triển chủ quan, giáo điều và kém hiệu quả sang một phương thức phát triển mới năng động, tích cực và hiệu quả… Sự chuyển đổi này có sự đóng góp tích cực của KHXH&NV.

Thay đổi phương thức phát triển là sự thay đổi có tính chất cách mạng. Điều này không nằm trong ý muốn chủ quan của nhiều người, kể cả một số người có trọng trách. Có thể chứng minh tình trạng này qua từng bước gian nan và phức tạp của đổi mới. Trên thực tế, KHXH&NV Việt Nam đã đi đúng con đường thâm nhập đặc thù của nó vào đời sống nói chung và vào văn hóa và dân trí nói riêng – con đường không bằng phẳng, không giản đơn, không dễ nhận biết hiệu quả theo lối trực tiếp và tức thì.

Nếu nhìn từ góc độ này, có thể nói rằng, KHXH&NV chẳng những có công mà còn có công rất lớn, mang ý nghĩa quyết định trong việc chuyển cả một xã hội sang một bước ngoặt phát triển có tính lịch sử.

Khoa học tự nhiên và công nghệ, theo chúng tôi, không có công này.

Bắt đầu chỉ là một số thay đổi được gọi là “đổi mới tư duy”, mà lúc đó thật ra không ít người còn chưa kịp hiểu về thực chất và sức công phá hệ thống của nó. Nhưng sau đó là sự định hình dần thành hệ thống các quan niệm, quan điểm, các triết lý với những chỉ dẫn thế giới quan và phương pháp luận ở trình độ có sức mạnh cải tổ xã hội. Dân trí và văn hóa thực sự được mở mang theo một xu hướng rất khác, tác động ngược trở lại thúc đẩy quá trình đổi mới. Tất cả những gì được coi là giáo điều, bảo thủ, trì trệ trong hoạt động kinh tế, trong sinh hoạt tư tưởng – tinh thần, trong quản lý xã hội… đều được nhìn nhận lại và được khắc phục (không hẳn là có ý thức). KHXH&NV với tinh thần đổi mới, đã làm cho nó thoát xác khỏi những câu chữ khô cứng, thúc đẩy xã hội như bừng tỉnh, xin nhấn mạnh, bừng tỉnh chuyển sang trạng thái năng động, tích cực và chủ động.

Lý luận về CNXH, về quá độ đi lên CNXH, về đảng cầm quyền, về sự đổi mới hệ thống chính trị… được nhận thức lại một cách căn bản, dù trong sách vở đến nay vẫn còn giữ nguyên một số định đề nào đó.

Các lý thuyết kinh tế học được xem xét trong các tương quan hợp lý hơn, cầu thị hơn, khó còn lý thuyết nào bị kỳ thị. Quan niệm về bóc lột, sở hữu tư nhân, kinh tế thị trường, chủ nghĩa tư bản… thay đổi đáng kể, làm cơ sở cho việc quản lý vĩ mô, điều hành nền kinh tế cho phù hợp dần với cơ chế thị trường.

Phương pháp luận về con người và văn hóa đối với sự phát triển xã hội được thay đổi tận gốc. Tính năng động và vai trò tích cực của nhân tố con người được hiểu ra và từng bước vận dụng tạo ra một trình độ mới cho sự phát triển xã hội. Vai trò của kinh tế tri thức, của khoa học, giáo dục trong sự phát triển kinh tế – xã hội… được chú ý xem xét với tinh thần của người đi sau nhằm đáp ứng những thách thức cũng như cơ hội của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Vai trò của tôn giáo dù vẫn được gắn với “thuốc phiện của nhân dân” nhưng đã được hiểu khác, mở đường cho những thái độ cởi mở hơn đối với tôn giáo.

Các quan niệm mới của giới học thuật thế giới được tiếp thu dù chưa thật nghiêm túc và sâu sắc, nhưng cũng đủ lĩnh hội về tinh thần cơ bản. Đến nay, hầu hết các quan điểm có tính chất thời đại đều đã có mặt tại Việt Nam. Nhiều tác phẩm vạch thời đại của các tác giả uy tín đã được dịch và xuất bản. Hầu hết các ấn phẩm nổi tiếng của KHXH đương đại đã được chú ý xuất bản rất kịp thời; một số tác phẩm được dịch và công bố gần như đồng thời với nguyên tác. Nhiều tên tuổi trước kia bị nhìn nhận sai lạc, thậm chí kỳ thị vô lối, nay đều đã được nhìn nhận lại như: Karl Popper, Max Weber, John Keynes, Lucien Seve, Alvin Toffler, Samuel Huntington, Janos Kornai, Trần Đức Thảo…

Thông tin và tri thức đang được truyền tải theo hình thức Online ngày càng mạnh mẽ. Ngày nay, những tài liệu quý hiếm, những tri thức uyên bác, hàn lâm và cập nhật, những trí tuệ xuất chúng… đều có thể được tiếp cận nhanh chóng qua mạng Internet. Không gian địa lý không còn là vấn đề đối với những tổ chức nghiên cứu cùng triển khai một ý tưởng sáng tạo, đối với những cá nhân có chung tâm huyết nghiên cứu. Bất kỳ một phát kiến nào mới về KHXH&NV cũng có thể dễ dàng được chia sẻ tức thì với đồng nghiệp xa xôi mà không ai có thể ngăn cấm. Rác rưởi trên mạng không cản trở được nhà khoa học đến với tri thức lành mạnh, theo những cách nhanh nhất và đơn giản nhất.

Những kết quả này, không còn nghi ngờ gì nữa, đã tác động mạnh và làm thay đổi con người và xã hội Việt Nam hiện đại. Đó cũng chính là tác động lớn nhất mà mấy chục năm nay KHXH&NV đã góp phần đẩy lùi khủng hoảng, làm cho đất nước tăng trưởng nhanh trong nhiều năm liền, đạt tới mức khởi điểm của thu nhập trung bình 1.000 USD/người/năm và đạt được nhiều thành tựu đáng kể khác, tạo đà, tạo nên thế và lực mới cho sự phát triển tiếp theo.

Thay đổi các quan niệm cốt tử trong văn hóa và dân trí

Tất cả, bằng những cách âm thầm và hữu hiệu nhất, KHXH&NV đã tự tạo cho mình một diện mạo mới với tinh thần mới, nếu có thể nói được như vậy và với một trình độ mới về chất. Điều đáng lưu ý là, toàn bộ tinh thần này đều đã được lặng lẽ phản ánh trong các văn bản chính thống. Nghĩa là được tiếp thu, chắt lọc trong một quá trình không đơn giản. Điều đó đã tạo cơ sở thuận lợi cho việc thay đổi các quan niệm phái sinh trong văn hóa và dân trí.

Trong khi vẫn tôn vinh Chủ nghĩa Mác là nền tảng tư tưởng và khẳng định giá trị bền vững của học thuyết Mác, khác với trước kia, trong KHXH&NV Việt Nam ngày nay, không có hiện tượng phê phán một chiều hay kỳ thị thuần tuý chủ quan đối với các học thuyết đã và đang hoài nghi hoặc đối lập với Mác.

Trong khi coi Tư tưởng Hồ Chí Minh là ngọn cờ tư tưởng, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động, KHXH&NV Việt Nam ngày nay lại sẵn sàng nghiên cứu, ứng dụng và học hỏi các học thuyết khác, những tư tưởng của các vĩ nhân khác trong kho tàng tư tưởng nhân loại.

Trong khi thừa nhận chủ nghĩa duy vật là nguyên tắc lý luận, là phương pháp luận cơ bản cho mọi nghiên cứu, ứng dụng và hoạt động thực tiễn, trong KHXH&NV Việt Nam ngày nay, các nhà nghiên cứu và trí thức nói chung lại sẵn sàng đối thoại với các học thuyết ngoài duy vật khác, sẵn sàng chấp nhận, thậm chí tiếp thu, học hỏi những học thuyết, những tư tưởng, những quan điểm hợp lý ngoài duy vật.

Trong khi thừa nhận phép biện chứng là nguyên tắc phương pháp luận cơ bản cho mọi hoạt động tư tưởng, lý luận và tư duy từ nghiên cứu đến ứng dụng/triển khai vào hoạt động thực tiễn, trong KHXH&NV Việt Nam ngày nay, không có hiện tượng cách ly, kỳ thị hay quy chụp là duy tâm, siêu hình hoặc chiết trung đối với các kiểu tư tưởng và tư duy khác. Trên thực tế, các quan niệm, quan điểm duy tâm, siêu hình, chiết trung, nhị nguyên… ngày nay đã được nhìn nhận đúng như giá trị thực tế của chúng.

Trong khi thừa nhận và đề cao quyết định luận duy vật về đời sống xã hội: cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng, đời sống vật chất quyết định đời sống tinh thần… trong xã hội Việt Nam ngày nay, các quan niệm đề cao vai trò của ý thức, ý chí, giá trị, truyền thống… lại được nhìn nhận và đánh giá, phải nói là thỏa đáng. Văn hoá, thậm chí còn được coi là cơ sở tinh thần của đời sống xã hội, là mục tiêu và là động lực của sự phát triển xã hội.

Trong khi không thừa nhận đa nguyên, đa đảng về hoạt động chính trị, mọi đa dạng khác về văn hoá, học thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh… trên thực tế vẫn được thể hiện và đối xử bình đẳng. Ngày nay, rõ ràng các hoạt động phong phú, thậm chí phức tạp trong đời sống văn hoá, học thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh… đã được nhìn nhận và đối xử mềm dẻo hơn, hợp lý hơn. Thuật ngữ “Pluralism” trong các lĩnh vực ngoài chính trị không hiếm khi đã được dịch là “đa dạng” để tránh hiểu lầm. Hoạt động của một số tôn giáo đã được pháp lý hoá. Quan hệ với Vatican được cải thiện hơn. Chính phủ Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách CPC. Một số điểm nóng về tôn giáo tuy vẫn xuất hiện nhưng nguyên nhân lại là ngược lại với các nguyên nhân ở thời kỳ trước đổi mới.

Những quan điểm quá khắc nghiệt với các hiện tượng tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo, cá nhân (chủ nghĩa), thần giao cách cảm, văn hoá ngoại lai… đã được điều chỉnh và trở về với trạng thái hợp lý hơn, phù hợp hơn với quy luật vận động của đời sống xã hội.

Trong khi khẳng định thực hiện mục tiêu xây dựng CNXH trên đất nước Việt Nam, chủ trương coi trọng sở hữu công cộng và sở hữu nhà nước, duy trì vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước…, các thành phần kinh tế khác vẫn phát triển, trong đó có kinh tế tư nhân tư bản chủ nghĩa. KHXH&NV không chỉ làm cho xã hội thừa nhận vai trò của kinh tế thị trường, mà còn coi thị trường là một phương thức tối ưu với tính cách là thành tựu chung của nhân loại để phát triển. Việt Nam đã gia nhập WTO, tham gia tích cực vào các tổ chức quốc tế, các dạng thị trường trong nền kinh tế Việt Nam đều không bị cấm kỵ như trước.

Khó mà phủ nhận được phương thức để phát triển đất nước ngày nay là ra đời từ những quan niệm mới của KHXH&NV: các quan điểm về đổi mới tư duy, việc nhận thức lại nhiều vấn đề có tính nguyên tắc trong lý luận, trên thực tế đã dẫn đến đổi mới, cải cách trong hoạt động thực tiễn. Ngày nay, phương thức phát triển của Việt Nam được đánh giá là hợp lý hơn và thực tế hơn, mềm dẻo hơn và cũng nguyên tắc hơn, khôn ngoan hơn và bản lĩnh hơn… rất nhiều so với trước đây.

Hạn chế trong tư vấn chính sách

Trong khuôn khổ những điều vừa nêu ở trên, tức là trong quan hệ giữa bản thân KHXH&NV với đời sống xã hội, nếu có gì đáng phải truy vấn về những yếu kém của KHXH&NV Việt Nam, thì đó chính là những hạn chế trong nghiên cứu chuyên sâu, trong chất lượng đào tạo, trong tiếp nhận thông tin và nhất là trong tư vấn chính sách. Thật khó phủ nhận, KHXH&NV hiện nay có quá ít tác phẩm “để đời”, quá ít bài báo khoa học công bố trên các tạp chí uy tín, quá ít nhà khoa học tầm cỡ khu vực và thế giới; không hề có một trường phái học thuật nào, lý thuyết khung nào mang dấu ấn Việt Nam. Trong đào tạo, đội ngũ khoa học ở trình độ đại học và sau đại học được đào tạo ra nói chung đều non, thấp và cách quãng đáng kể so với bên ngoài. Thông tin khoa học từ bên ngoài, nói chung bập bõm, hiểu biết không thật thấu đáo.

Trong lĩnh vực tư vấn chính sách, chức năng mà KHXH trên thế giới ngày nay rất mạnh, được tin dùng và buộc phải tin dùng, trên thực tế, Việt Nam vẫn chưa có cơ chế pháp lý để KHXH&NV thực hiện chức năng này. Bằng các kênh khác nhau, KHXH&NV Việt Nam những năm gần đây đã cố gắng có những đóng góp trong quá trình hoạch định, thẩm định và phản biện chính sách. Tuy nhiên, những hoạt động này chủ yếu nằm trong khuôn khổ của sự đặt hàng, mời gọi mang tính riêng rẽ… Điều này đã hạn chế khả năng thẩm định xã hội, hoạch định xã hội và phản biện xã hội của KHXH&NV Việt Nam. Do vậy không tránh khỏi gây lãng phí, tổn hại cho xã hội ở khả năng tối ưu hóa các quá trình xã hội hay ngăn ngừa những toan tính vụ lợi của các nhóm lợi ích.

Kinh nghiệm cho thấy, khó có một chính sách xã hội nào lại có thể đạt đến tối ưu hay thật sự có hiệu quả nếu bỏ qua sự thẩm định về mặt KHXH. Để xã hội Việt Nam phát triển bình thường, có nhiều việc cần phải pháp lý hóa việc thẩm định về mặt KHXH. Thông thường, bằng cách này hay cách khác, KHXH&NV cũng sẽ buộc phải có tiếng nói của mình trong các công việc kiểu như một quyết sách hay một đề án kinh tế – xã hội. Chỉ có điều nếu không “danh chính ngôn thuận” thì tiếng nói của KHXH&NV có thể sẽ ít trách nhiệm hơn hoặc vòng vo hơn. Kinh nghiệm này của các nước đi trước là rất đáng lưu ý.

Nếu không chủ động tìm kiếm sự đồng thuận xã hội thông qua thẩm định xã hội, phản biện xã hội, thì rất có thể cách đi vòng vèo, lảng tránh vấn đề sẽ làm cho các vấn đề xã hội nóng thêm, thậm chí phải trả giá đắt để “chữa cháy” cho những vấn đề mà đáng ra là có thể tránh được./.

Trí thức văn nghệ sĩ Sài Gòn trước 1975 với Vũ Trọng Phụng – VHNA

19 Th6

 

Trí thức văn nghệ sĩ Sài Gòn trước 1975 với Vũ Trọng Phụng            

                                                                             

Trần Hữu Tá                                                

 16b79a52be734b5c5f57ff322e2cec26_XL.jpg vu trong phung

 

Một trong những hoạt động chính của văn học Sài Gòn (nói rộng ra, của văn học trong các thành thị miền Nam) trước 1975 là giới thiệu, đánh giá văn học trước Cách mạng tháng Tám 1945, trong đó giai đoạn 1932 – 1945 (mà các nhà nghiên cứu Sài Gòn qui định là 1932 – 1945) được đặc biệt chú ý. Hiện tượng này là một tất yếu, vì thành tựu và kinh nghiệm sáng tác của giai đoạn văn học phát triển rất phong phú này quả là cần thiết cho bất cứ ai muốn hiểu biết văn học dân tộc, nhất là lúc nền văn học ấy đang vận hành với công suất lớn trên con đường hiện đại hóa.

Vì vậy hầu hết các tác phẩm có tên tuổi của giai đoạn này được tái bản, và không chỉ một lần. Nhiều nhà văn tiêu biểu của giai đoạn này được giới sáng tác và giới nghiên cứu văn học đi sâu tìm hiểu. Nhưng có thể nói, trừ hiện tượng Nhất Linh rộ lên trong năm 1963 (năm ông tự tử và sau khi Ngô Đình Diệm bị đảo chánh, ông được tổ chức tưởng niệm hết sức trọng thể), thì ít ai được giới trí thức văn nghệ sĩ quan tâm một cách đặc biệt như Vũ Trọng Phụng.

Hầu hết tác phẩm của Vũ Trọng Phụng được tái bản trong đó đáng kể đến nhiều tác phẩm lẽ ra chỉ có thể lục tìm trong các chồng báo cũ của thư viện, như các truyện ngắn (non 40 truyện), các kịch ngắn (non 10 vở) như vở kịch dài Giết mẹ (dịch từ nguyên tác Lucrèce Borgia của V.Hugo), hoặc như 3 chương di cảo, trong tiểu thuyết Người tù được tha.

Các báo chí chuyên ngành văn học như Tập san Văn, tạp chí Văn học, tạp chí Thời nay, Giai phẩm văn học, tạp chí Nghiên cứu văn học cho ra những tờ đặc biệt về Vũ Trọng Phụng. Có tờ, như tạp chí Văn học, 3 lần ra số đặc biệt để tưởng niệm nhà văn quá cố.

Bên cạnh những bài viết mới, các tập san, báo chí nói trên còn cho đăng lại rất nhiều bài viết về Vũ Trọng Phụng, đã công bố trên báo chí Hà Nội trước năm 1945 của Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Thế Lữ, Tam Lang, Lưu Trọng Lư, Lan Khai, Nguyễn Triệu Luật, Lê Văn Trương, Ngọc Giao, Trương Tửu, Nguyễn Thanh, Thanh Châu, Lê Thanh, v.v…

Đã có nhóm văn nghệ sĩ tổ chức những đêm kịch Vũ Trong Phụng. Một số vở hài kịch ngắn của ông cũng như hai tiểu thuyết Giông tố, Số đỏ được chuyển thể, được lên sàn diễn.

Xem lại danh sách những trí thức văn nghệ sĩ viết về Vũ Trọng Phụng, chúng tôi thấy có thể phân thành ba nhóm. Thứ nhất, đó là những nhà văn đã thành danh từ trước năm 1945, vì những lý do khác nhau, tập trung sống và viết ở Sài Gòn như Vũ Bằng, Tam Lang, Nguyễn Vỹ, Đinh Hùng, Thiết Can, Lê Tràng Kiều…

Thứ hai, đó là các nhà nghiên cứu như Nguyễn Duy Diễn, Phạm Thế Ngũ, Thanh Lãng, Nguyễn Văn Trung, Bùi Xuân Bào…

Thứ ba, đó là các nhà văn hoặc những người vừa sáng tác vừa hoạt động nghiên cứu, như Doãn Quốc Sỹ, Mai Thảo, Dương Nghiễm Mậu…

Nếu căn cứ vào quan điểm nhân sinh, thái độ chính trị của các cây bút này, chúng ta thấy họ khá khác biệt, thậm chí đối lập nhau. Có người chống đối cách mạng từ căn bản ý thức hệ, như Doãn Quốc Sỹ. Có người không nhất quán về chính trị như Dương Nghiễm Mậu. Số đông đậm sắc thái “trung tính”, ngược lại có một số người giác ngộ cách mạng, và với các vị ấy văn học là mặt trận đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân mới, tất nhiên bằng những phương cách khác nhau, với những tư thế khác nhau, như Vũ Bằng, Lữ Phương, Vũ Hạnh…Có người đã hy sinh trên chiến trường Tây Ninh năm 1986, lúc đã thoát ly khỏi vùng giải phóng như Trần Triệu Luật.

Trong số 46 bài báo và cuốn sách mà chúng tôi có trong tay, viết về Vũ Trọng Phụng ở Sài Gòn trước năm 1975 (một con số chắc chắn chưa đầy đủ so với thực tiễn hoạt động của xuất bản báo chí ở một địa bàn rất nhộn nhịp và phức tạp như Sài Gòn và các thành thị miền Nam suốt 21 năm trước ngày giải phóng), có thể phân ra hai loại:

Loại thứ nhất, gồm 17 bài viết dưới dạng hồi ức, kỷ niệm. Người viết đều là các bạn văn, thậm chí chí cốt với Vũ Trọng Phụng lúc sinh thời. Đáng chú ý là các bài viết của Tam Lang (Vài kỷ niệm về Vũ Trọng Phụng – Giai phẩm văn học số 170, ngày 05/8/1973), Nguyễn Vỹ (Vũ Trọng Phụng, chương 4 cuốn Văn thi sĩ tiền chiến, trang 49-66, Nhà xuất bản Khai Trí, Sg, số 1969), Đinh Hùng (Nhớ Vũ Trọng Phụng, Tạp chí Văn học, Sg, số 44, ngày 15/8/1965) và sáu bài viết của Vũ Bằng đăng trên các Tạp chí Văn học (Sg) (15/10/1969), Giai phẩm văn học (05/8/1973) hoặc in trong các cuốn Bốn mươi năm nói láo (Phạm Quang Khai xuất bản, Sg, 1971). Ngoài ra còn có các bài viết khác của Lê Tràng Kiều, Thiết Can, Đồ Nam, v.v…

Loại thứ hai, gồm 29 bài hoặc chương sách nghiên cứu về sự nghiệp sáng tác của Vũ Trọng Phụng. Có những bài khảo sát dưới góc độ thể loại, như của Doãn Quốc Sỹ (Văn học và tiểu thuyết – Nhà xuất bản Sáng tạo, Sg, 1973), Vũ Bằng (Khảo về tiểu thuyết – Phạm Văn Tươi xuất bản, Sg, 1955), v.v… Có một số bài nghiên cứu căn cứ khuynh hướng nghệ thuật của ông, như các bài Vũ Trọng Phụng nhà văn tả chân bất hủ (Nguyễn Duy Diễn – Tạp chí Hiện đại, Sg, tháng 4/1960), Vũ Trọng Phụng, nhà văn hiện thực xã hội (Bùi Ngọc Dung – Tạp chí Văn học, Sg, số 44, ngày 15/8/1965), Kỹ thuật tả chân của Vũ Trọng Phụng (Đỗ Long Vân, Tạp chí Nghiên cứu văn học, Sg, 5/1968), Nhóm tả chân xã hội (Nguyễn Văn Trung, trong Xây dựng tác phẩm tiểu thuyếtNam Sơn xuất bản, Sg, 1965). Cũng có một số nhà nghiên cứu dưới góc độ văn học sử, như Phạm Thế Ngũ (Vũ Trọng Phụng, trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, tập III, Quốc học tùng thư xuất bản, Sg, 1965).

Xin hãy nói về các bài hồi ký. Thể ký đặc sắc này hấp dẫn người đọc trước hết vì với tư cách là người trong cuộc, hay ít nhất là chứng nhân, người viết đã lọc lựa trong kho kỷ niệm những chi tiết vừa xác thực, gợi cảm, vừa có ý nghĩa sâu sắc, giúp cho độc giả hiểu được sự việc, con người mà họ đang quan tâm – các thiên hồi ký chỉ có thể được coi là thành công khi nó làm người đọc giàu có thêm nhận thức xã hội và phong phú thêm về tình cảm đậm chất nhân văn.

Mười bảy bài hồi ký nói trên, chất lượng không phải đều cao. Có bài vụn vặt và tẻ nhạt (Đồ Nam – Năm cái bí mật của Vũ Trọng Phụng). Không ít chi tiết trùng lặp trong năm bài viết của Vũ Bằng. Nhưng điều đáng quý là ở chỗ, các nhà văn nhà báo cựu trào này đã làm rõ một cách xúc động hai vấn đề lớn của con người nghệ sĩ Vũ Trọng Phụng. Đó là nhân cáchtài năng.

Cái cốt lõi nhất của nhân cách Vũ Trọng Phụng theo Vũ Bằng là “Một điều tưởng như vô lý, tưởng như không thể thực hiện được, nhưng Vũ Trọng Phụng đã đem áp dụng trong suốt cả cuộc đời: Dù không đủ ăn, không đủ mặc, không đủ ở, Vũ Trọng Phụng vẫn âm thầm sống để mà viết” (Cảm nhớ Vũ Trọng Phụng). Vũ Trọng Phụng vượt lên mọi eo sèo phiền toái, thậm chí cực nhọc của nợ áo cơm, trước hết vì trách nhiệm của ông với bốn thế hệ phụ nữ mà ông phải cưu mang: bà, mẹ, vợ và con gái còn thơ dại. Cho nên “Vũ Trọng Phụng không mấy tán thành nếp sống của chúng tôi lúc đó: nhiều khi anh em đi hát hay chè, rượu, phiện phò thì anh ngồi uống nước, hút thuốc lào một mình và viết bài cho báo khác để kiếm thêm giúp bà, nuôi mẹ” (Vũ Bằng – Tôi, thằng vô lại). Vì vậy, như Nguyễn Vỹ nhớ lại một chi tiết xúc động: có khi Vũ Trọng Phụng đau khổ chỉ vì một chuyện quá nhỏ nhặt, đó là không có lấy năm hào chỉ để mua cho người con gái độc nhất chiếc đèn con cá trong dịp tết Trung Thu, để cháu khỏi thèm thuồng khi nhìn đồ chơi trong tay các trẻ hàng xóm.

Nét đẹp của nhân cách Vũ Trọng Phụng còn là ở chỗ, dù bị sự nghèo túng ghì sát đất nhưng ông vẫn sống trong sạch, thanh cao, không để các ông chủ kinh doanh chữ nghĩa coi thường, xúc phạm. Với những tay chủ xuất bản keo kiệt, nhập nhằng việc thanh toán nhuận bút, Vũ Trọng Phụng đòi ráo riết, thậm chí khi cần ông đã giáng đòn sâu cay, ê ẩm (Nguyễn Vỹ – Văn thi sĩ tiền chiến). Để đối phó với loại chủ báo, chủ xuất bản tàn nhẫn thiếu lương tâm, lạnh lùng bóc lột những nhà văn cộng tác, Vũ Trọng Phụng cùng các văn hữu đấu tranh đến cùng (Đinh Hùng – Nhớ Vũ Trọng Phụng). Ông sẵn sàng từ chối chỗ làm lương cao bổng hậu, khi đã biết rõ chất trọc phú của người mời nhưng trái lại rất sẵn sàng xin bạn một hào đi xe, “vì quần áo diện như thế này mà đi bộ trông ê lắm” (Vũ Bằng – Cái tài, cái tật của Vũ Trọng Phụng). Nói là “diện”, nhưng như các bạn văn của ông cho biết, Vũ Trọng Phụng không bao giờ có một bộ quần áo đẹp. Mùa rét có một bộ tím kẻ sọc, mùa nực chỉ có hai bộ trắng.

Với tư cách là tri kỷ với người đã khuất, các nhà văn cao niên còn giúp người đọc hiểu rõ hơn những chuyện “bếp núc” trong suốt 10 năm cầm bút của Vũ Trọng Phụng. Tài năng của nhà văn được các bạn ông chân thành ca ngợi. Chẳng hạn, năm 1971, Tam Lang nhắc lại một ý ông đã từng viết năm1939, lúc Vũ Trọng Phụng qua đời “Vũ Trọng Phụng viết sau tôi, mà sắc bén hơn tôi” (Tam Lang – Vài kỷ niệm về Vũ Trọng Phụng). Sắc bén là phải, bởi vì Vũ Trọng Phụng lao động hết sức cần mẫn, nghiêm túc. Vũ Bằng làm ta ngạc nhiên, cảm phục khi kể lại cung cách viết văn như đánh vật của Vũ Trọng Phụng “nằm phủ phục xuống mà viết”, “suy nghĩ kỹ trước khi viết, đến khi cầm bút là chỉ việc viết thôi”, “lúc viết, mắt anh liếng, miệng anh há ra viết nhanh, nhưng tướng trông rất vất vả, nên anh em thường đùa gọi là bộ Việt Nam vong quốc sử” (Vũ Bằng – Cái tài, cái tật của Vũ Trọng Phụng).

Đồ Nam, trong bài viết của mình cũng cho ta rõ cách thức tích lũy vốn sống của Vũ Trọng Phụng, ngoài cái vốn sống trực tiếp, ông đã rất có tài trong việc khai thác tư liệu từ các nguồn gián tiếp, từ ông anh họ Trưởng Ca thạo nghề cờ bạc để viết Cạm bẫy người; từ người bạn Nguyễn Như Hoàn rất gần gũi và hiểu biết các me Tây để viết Kỹ nghệ lấy Tây, từ những câu chuyện của Ngô Tất Tố – con đẻ của đồng ruộng – để có những trang viết sinh động về thực trạng bi đát, đáng phẫn hận của nông thôn trong Giông tố v.v…

Vũ Bằng, cũng như Lê Tràng Kiều, Thiết Can, cho chúng ta biết tinh thần tự học rất đáng ca ngợi của Vũ Trọng Phụng “Dù bận rộn viết lách đến mấy đi nữa, tuần nào anh cũng đọc hàng chục tờ báo Pháp để học thêm. Trong anh em, có thể nói anh là người hiểu rõ tinh thần của giọng văn Canard Enchainé (Con vịt bị xiềng, tên một tờ báotrào phúng nổi tiếng của Pháp – THT) nhất, mà anh cũng am hiểu nhất chính trị ở nước Pháp và thế giới lúc bấy giờ” (Vũ Bằng – Tôi, thằng vô lại).

Tóm lại, có thể nói, cùng với các bài viết dưới dạng cảm xúc, hồi tưởng, viết lúc Vũ Trọng Phụng qua đời của Nguyễn Tuân, Tam Lang, Lan Khai, Ngô Tất Tố… và những bài hồi ký công bố rải rác trong những năm miền Bắc chống Mỹ của Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng; đặc biệt những bài viết trong những năm đầu đất nước ta đổi mới (1987 – 1990) của Bùi Huy Phồn, Lưu Trọng Lư, Đỗ Tất Lợi, Mạnh Quỳnh, Thanh Châu, Vũ Ngọc Phan v.v… chùm hồi ký của các nhà văn nhà báo Sài Gòn viết trước 1975 giúp người đọc hôm nay và mai sau hiểu chính xác về con người công dân và con người nghệ sĩ Vũ Trọng Phụng. Tất nhiên có ngoại lệ, nhưng quả là tính cách phẩm hạnh của người viết đã quyết định giá trị những trang viết của ông; sâu xa hơn, từ những hiểu biết tích cực ấy người đọc tin vào sự trong sáng, chân thành của những đứa con tinh thần của người nghệ sĩ.

Xin được nói về chùm bài nghiên cứu. Dễ nhận thấy tình trạng chất lượng không đồng đều của những bài này. Một số bài, sức khái quát chưa cao, công phu khảo sát chưa đạt đến độ sâu cần có, còn thiên về ấn tượng, cảm tưởng. Ít có công trình nghiên cứu nào thực sự qui mô, đầy đặn, có tầm cỡ của chuyên luận.

Tuy vậy giới nghiên cứu Sài Gòn trước đây cũng đã có những đóng góp rất đáng ghi nhận về thành quả lao động nghệ thuật của Vũ Trọng Phụng. Để khảo sát, nhận định, nhiều người có những định hướng tiếp cận khác nhau. Từ góc độ tư tưởng nghệ thuật, Nguyễn Văn Trung so sánh Vũ Trọng Phụng và các nhà văn trong nhóm tả chân với Tự lực văn đoàn để thấy sự khác biệt chủ yếu. Theo ông, “Trong ý hướng viết của nhiều nhà văn trong Tự lực văn đoàn, người ta ghi nhận sự tự giác của nhà văn, sự ý thức được quyền lợi cá nhân của cái tôi và họ đã thể hiện sự ý thức đó trong hầu hết các nhân vật của họ”. Thế còn Vũ Trọng Phụng và nhóm tả chân? Theo Nguyễn Văn Trung “Ý hướng viết không còn bao hàm một lo lắng phục vụ một cái tôi vị kỷ, nhưng chan chứa một nỗi băn khoăn về số phận của người khác, về quyền sống của tha nhân” (Xây dựng tác phẩm tiểu thuyết, tr. 98, NXB Nam Sơn, 1965).

Từ góc độ chính trị, với suy nghĩ của một thanh niên giác ngộ cách mạng đang hoạt động hăng say trong phong trào tranh đấu của sinh viên thành phố, Trần Triệu Luật ca ngợi tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, cả phóng sự lẫn tiểu thuyết, đặc biệt là hai kiệt tác Giông tốSố đỏ. Anh khẳng định tác dụng của tác phẩm trong việc tố cáo hiện thực xấu xa tệ hại trước 1945 và theo anh dù ba thập kỷ qua đi, đối với người đọc sống giữa Sài Gòn những tác phẩm ấy hoàn toàn giữ nguyên giá trị thời sự. (Vũ Trọng Phụng – Hiện diện cần thiết của xã hội ngày nay – Tạp chí Văn học (Sài Gòn, số 44, ngày 15/8/1965). Một số nhà nghiên cứu như Lê Văn Siêu, Doãn Quốc Sỹ tiếp cận Vũ Trọng Phụng từ góc độ thể loại.

Trong Văn học sử thời kháng Pháp (1858 – 1945), Lê Văn Siêu lần lượt nhận xét tác phẩm của Vũ Trọng Phụng ở hai thể loại.

Về phóng sự, theo Lê Văn Siêu, Vũ Trọng Phụng khác Tam Lang, Trọng Lang ở “cái duyên kể chuyện hiếm có”, ở “ngòi bút thật đáo để chanh chua”, nghĩa là ở “cách điệu văn riêng của Vũ Trọng Phụng”. Nét độc đáo của Vũ Trọng Phụng, theo Lê Văn Siêu còn vì “văn của ông còn chất dâm, một chất muối đậm, hơi có phần tục tĩu để đùa dai, đùa nhả, nó khiến độc giả có hứng thú theo dõi câu chuyện cho đến hết, như cái hứng thú đọc thơ Hồ Xuân Hương hay truyện tiếu lâm” (Sdđ, tr 310).

Về tiểu thuyết, nhà nghiên cứu này xếp Vũ Trọng Phụng cạnh Nguyễn Công Hoan, Vũ Bằng, Nguyên Hồng và đánh giá không cao. Ông nhận xét về sự hòa hợp giữa chất phóng sự và chất tiểu thuyết, về thành công của Vũ Trọng Phụng trong việc xây dựng nhân vật điển hình, ông tán thưởng kỹ thuật tả chân của Vũ Trọng Phụng “đã dựng nổi cho hư thành thực”, “sắc sảo khi nhận xét thực tại xã hội và diễn biến tâm lý cùng sự việc trong cuộc sống” . Nhưng Lê Văn Siêu tỏ ra nghiệt ngã khi khái quát “nhiều đoạn thì gần như quanh quẩn ở vụ tình dục bỡn cợt nhố nhăng, vụng dại. Nó là sự cố ý pha trò cho đại chúng, hay những người dễ tính đọc lấy vui qua một lúc thì thôi”. Và vì thế, theo Lê Văn Siêu: “Nói rằng nó đồng loại với những truyện cổ Trạng Quỳnh, Tú Xuất, Ba Giai hay những truyện mới về Lý Toét, Xã Xệ của Phong hóa, thì có lẽ cũng chỉ sai lệch ở phần sỗ sàng, tục tĩu…” (Sđđ, tr. 311).

Nhiều nhà nghiên cứu tiếp cận tác phẩm Vũ Trọng Phụng từ trào lưu nghệ thuật, từ khuynh hướng tả chân. Nổi trội, có nhiều ý kiến chín chắn, sắc sảo hơn cả là ba bài viết của Phạm Thế Ngũ, Nguyễn Duy Diễn và Dương Nghiễm Mậu.

Bài viết của Phạm Thế Ngũ là một chương trong bộ lịch sử văn học khá qui mô bề thế – bộ Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (3 tập). Nhà nghiên cứu này có cách viết chân phương, qui phạm. Ông chủ yếu đi sâu vào hai lĩnh vực thành công nhất của Vũ Trọng Phụng – phóng sự và tiểu thuyết để từ đó phân tích hai phương diện vừa tách bạch vừa gắn bó: Vũ Trọng Phụng – nhà văn xã hội và nhà văn tả chân. Ông đánh giá cao Vũ Trọng Phụng, vì nhà văn “dám phanh phui những nhơ nhớp xã hội, nêu cao lá cờ tả chân triệt để vào một lúc mà cơn gió lãng mạn êm đềm vẫn còn thổi lên nhiều tâm trí” (Sđđ, Tập 3, tr. 516). Nhưng theo Phạm Thế Ngũ, chỗ đứng của Vũ Trọng Phụng khá chông chênh và giao động – “Sự mỉa mai căm hờn (của nhà văn) không phải chỉ hướng vào lớp thượng lưu trưởng giả mà hướng vào tất cả những kẻ xấu xa trong xã hội. Ông lố bịch hóa hạng người bé nhỏ với một ngòi bút cũng tàn ác như khi ông chửi bọn bệ vệ giàu sang. Ông chế giễu những cái hủ lậu của xã hội cũ và cũng ác liệt như ông chế giễu những lố lăng của xã hội mới” (Sđđ, tr. 518) cho nên nhiều lúc Vũ Trọng Phụng quyết liệt dữ dội, nhưng “nhiều chỗ lại nghĩ và viết như các cụ lớp trước vậy, như Tản Đà, Tương Phố, hơn nữa như Nguyễn Bá Học trong những đoản thiên cảnh thế” và Lời khuyên học trò – Phạm Thế Ngũ đã khái quát: “Đó là cái cảm tưởng rõ rệt của người đọc đi từ Giông tố đến Lấy nhau vì tình” (Sđđ, tr. 519).

Hai bài của Nguyễn Duy Diễn (Vũ Trọng Phụng – nhà văn tả chân bất hủ – TạpchíHiện đại, số1/1960) và Dương Nghiễm Mậu (Viết về Vũ Trọng Phụng – Tạp san Văn, số 67,ngày 01/10/1966) có phong cách viết khá tương đồng: cảm xúc chân thành, nhận xét tinh sắc, giọng điệu tâm sự. Hai ông ca ngợi khả năng khái quát, tái hiện hiện thực bậc thầy của Vũ Trọng Phụng. Theo Dương Nghiễm Mậu, người đọc có thể “thấy những lạc hậu, nghèo đói khổ ải, những tráo trở, biến động, thét gào trong các tác phẩm của Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Lạp, Nam Cao, Ngô Tất Tố…nhưng để lại cho chúng ta một bức họa sâu sắc, đầy đủ hơn hết tình trạng xã hội ấy thì phải nói đến những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng. Có người nói rằng khi còn ở Pháp, Tạ Thu Thâu đã nói muốn biết xã hội Việt Nam ra sao chỉ cần đọc Vũ Trọng Phụng thì biết. Nếu thế thì quả Tạ Thu Thâu đã có con mắt tinh đời”.

Nguyễn Duy Diễn còn nhấn mạnh hơn “Quái lạ! Trong bất cứ hoàn cảnh nào, trong xã hội nào, tiền chiến, đương chiến cũng như hậu chiến, cái hay của Vũ Trọng Phụng đã không hề bị suy giảm mà còn, với thời gian, tăng gấp lên mãi”.

Tại sao vậy? Theo nhà nghiên cứu, vì Vũ Trọng Phụng đã “trình bày bằng cái cười trào lộng, cả một xã hội mục nát, đểu cáng mà ở bên ngoài đã được sơn phết bằng một nước sơn “văn minh” bóng loáng. Cái xã hội đó không chỉ là xã hội tiền chiến, mà còn có thể là xã hội ở mọi nơi và trong mọi thời đại – Thực vậy, khi nào mà một số phụ nữ vẫn còn tấp tểnh động cỡn, một số người vẫn dựa vào uy thế để bợ đỡ quan trên và hống hách với người dưới, khi mà còn có những thằng người vô liêm sỉ, coi sự nhục nhã vì tiền là một danh dự, coi sự lừa lọc là một thắng lợi, coi việc hiếp được một thiếu nữ quê mùa chất phác là một chiến công oanh liệt, v.v… thì ngày ấy tư tưởng căm hờn của Vũ Trọng Phụng trong Giông tố, Số đỏ, Trúng số độc đắc,v.v… vẫn còn đủ những lý do để tồn tại, để đứng vững”.

Hai ông đều đặc biệt lưu ý đến thành công của nhà văn trong việc xây dựng những điển hình bất hủ, “không điển hình cho một thời đại mà là điển hình cho mọi thời đại” (Nguyễn Duy Diễn) cũng như tỏ ra rất tâm đắc với “ngòi bút trào lộng hiếm có” của Vũ Trọng Phụng. Với những thủ pháp nghệ thuật  độc đáo, nhà văn “đã trở nên một ảo thuật gia đảo lộn mọi tình tiết, bày đặt và phóng đại tất cả những sự việc, mà người đọc vẫn không hề thấy dấu vết của sự bịa đặt, phóng đại” (Nguyễn Duy Diễn).

Hai nhà nghiên cứu này còn gặp nhau, khi nhấn mạnh giá trị cơ bản của tác phẩm Vũ Trọng Phụng: giá trị nhân văn. Theo Nguyễn Duy Diễn “Vũ Trọng Phụng đã lật tẩy tất cả những cái mặt nạ của đời để chúng ta nhìn thẳng vào mà suy nghĩ. Bởi vì, đúng như Chúa Cơ Đốc đã phán: “Chỉ có sự thật mới giải thoát được cho chúng con mà thôi”.

Còn với Dương Nghiễm Mậu, thì “Tác phẩm của Vũ Trọng Phụng như một bức thông điệp nhân đạo gửi cho nhân loại với cả yêu thương và tin tưởng của một con người đã sống và chết đi trong đau khổ, đói rét, bệnh tật. Chắc Vũ Trọng Phụng không muốn loài người phải như thế nữa”.

Khi đọc lại những bài viết về Vũ Trọng Phụng của tri thức văn nghệ Sài Gòn trước 1975, một câu hỏi cứ như treo lơ lửng trong tôi: tại sao các vị ấy lại quan tâm một cách đặc biệt, rất nhiều cảm tình với Vũ Trọng Phụng đến như thế?

Có động cơ thương mại chăng, bởi vì đây là món hàng văn chương đất khách? Chắc cũng có, nhưng chỉ là sự toan tính của các ông chủ xuất bản.

Trí thức văn nghệ sĩ Sài Gòn đánh giá cao Vũ Trọng Phụng một cách chân thành. Cũng như đánh giá cao Nhất Linh, Khái Hưng, Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Thạch Lam… một cách chân thành. Hơn thế nữa, họ muốn tìm ở đây một bài học quý giá về lao động nghệ thuật, vì nói như Dương Nghiễm Mậu, thành công của Vũ Trọng Phụng “minh chứng rằng một tác phẩm bám sát thời đại, cuộc sống của một xã hội nào đó không có nghĩa chỉ sống trong một thời, một hoàn cảnh mà nó vẫn vượt thoát ra, vẫn thành công”.

Ở một cấp độ cao hơn, một số tri thức văn nghệ sĩ yêu nước tiến bộ như Trần Triệu Luật mà chúng tôi trình bày ở trên, muốn qua tác phẩm Vũ Trọng Phụng để nhìn rõ bản chất xã hội Sài Gòn, nói rộng ra xã hội thành thị miền Nam lúc đó. Nhìn rõ để có thể xác định thái độ sống đúng đắn. Tự nhiên tôi lại nhớ đến phát biểu của nhà thơ Tố Hữu trong Hội nghị tranh luận văn nghệ ở Việt Bắc năm 1949: “Vũ Trọng Phụng không phải là nhà cách mạng, nhưng cách mạng cám ơn Vũ Trọng Phụng”.

Làm công việc “kiểm toán” nhũng thành tựu nghiên cứu văn học dân tộc nói chung, từ ngày Đất nước đổi mới đến nay, chúng ta không quên sự đóng góp của những trí thức Sài Gòn chân chính trong 21 năm đất nước cắt chia (1954 – 1975).

Nguồn: khoavanhoc – ngonngu.edu.vn/Tạp chí ĐH Sài Gòn, Bình luận văn học, niên giám 2012

 

 

Sự thật sức mạnh của ĐCSVN hiện nay – RFA

19 Th6

Sự thật sức mạnh của ĐCSVN hiện nay

Anh Vũ, thông tín viên RFA 2013-06-18

Email
Ý kiến của Bạn

Chia sẻ
In trang này

06182013-dcsvn-av.mp3Phần âm thanhTải xuống âm thanh

000_Hkg4466688-305.jpg

Cờ phướn tuyên truyền cho Đại hội toàn quốc lần thứ 11 của Đảng Cộng sản Việt Nam (VCP) tại Hà Nội ngày 17 tháng 1 năm 2011.

             AFP photo   

 

 

 

Trong lịch sử chính trị Việt Nam, đảng CSVN là một đảng chính trị giữ vị trí hàng đầu, về cả chiều dầy lịch sử, thành tích và quy mô. Do cơ chế độc đảng, với số lượng trên 3 triệu đảng viên chiếm khoảng 3% dân số, có mặt ở mọi nơi, trong mọi tổ chức của đời sống xã hội dễ tạo cho người ta cảm giác đảng CSVN có một sức mạnh vô địch. Sự thật sức mạnh của đảng CSVN hiện nay thế nào, thông tín viên Anh Vũ đã có cuộc trò chuyện cùng Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng, một cựu cán bộ an ninh, hiện là đảng viên đảng CSVN, hiện đang sống ở Sài gòn về vấn đề này.

Anh Vũ: Thưa Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng, hiện nay số lượng đảng viên đảng CS Việt Nam là khoảng 3,6 triệu người. Nhưng trên thực tế, có khoảng 50% là các đảng viên cao tuổi đã nghỉ hưu và một số đông đảng viên trên danh nghĩa đã không tham gia sinh hoạt đảng sau khi chuyển công tác. Số đảng viên không chức quyền thì chả ai quan tâm đến việc bảo vệ đảng, duy chỉ có số còn lại có chức, có quyền hoặc lớp trẻ trong lực lượng vũ trang bị nhồi sọ thì mới có ý thức về việc này. Ông đánh giá lực lượng đảng viên có ý thức bảo vệ đảng là khoảng bao nhiêu người?

TS Phạm Chí Dũng: Tất nhiên, không phải ai cũng mang ý thức bảo vệ Đảng với cùng một động cơ. Mà có những động lực khác nhau, thậm chí khác biệt hoàn toàn giữa những người được coi là cùng chung một chiến hào.

Từ nhiều năm qua, tôi thấy báo cáo của các cơ quan Đảng thường chỉ thừa nhận một số đảng viên nào đó là “không tốt”. Nhưng những năm gần đây, trước tình hình tham nhũng đã đến mức quá manh động và trầm trọng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải cảm thán là tham nhũng và suy thoái đạo đức có thể “đe dọa đến sự tồn vong của chế độ”. Sau đó các báo cáo của Đảng mới chuyển dần từ “một bộ phận” đến “một bộ phận không nhỏ” đối với đối tượng đảng viên biến chất.

Tham nhũng trên thực tế đang trở thành quốc nạn và có nguy cơ kéo tất cả  xuống hố, mà Vinashin và Vinalines là những ví dụ điển hình. -TS Phạm Chí Dũng

Tuy nhiên cách đánh giá này thường bị dư luận người dân và ngay trong cán bộ đảng viên xem là thiếu tương hợp và cố tình che giấu sự thật.

Chỉ vài năm gần đây, có báo cáo của một số cơ quan Đảng thừa nhận khoảng 30% số đảng viên về hưu không sinh hoạt đảng.

Ở một góc độ khác, nhận định của giới quan sát và phân tích chính trị độc lập là có phần trái ngược và khác biệt lớn so với các báo cáo của đảng. Tức là có đến ít nhất 50% số đảng viên về hưu không sinh hoạt đảng, 30% đảng viên đã nhận thức về hiện trạng quá nhiều bất cập, mâu thuẫn và cả xung đột xã hội. Về việc lãnh đạo đảng xa rời thực tế, yếu kém trong công tác điều hành chính quyền – tỷ lệ này phải lên đến ít nhất 70% theo dư luận.

Hiện chỉ còn khoảng 30% đảng viên thuộc về “nhóm thủ cựu” (tức nhóm cách mạng lão thành, nhóm giáo điều, nhóm đặc quyền đặc lợi, nhóm kém năng lực không muốn ra khỏi biên chế…). Khá chua chát nhưng lại cần phải trần thuật một cách hài hước, điều được xem là “một bộ phận không nhỏ” của những nhóm này lại mang tâm lý “còn đảng còn mình”.

Đảng CS Trung Quốc – cho rằng chỉ cần giữ lại 30 triệu tấm thẻ đảng trong tổng số 80 triệu đảng viên như hiện nay. Như vậy, có thể xem rằng Trung Quốc đã gián tiếp thừa nhận trên thực tế chỉ có 30/80 triệu, chiếm khoảng 37%, là đảng viên thuộc loại “trung thành”.

Trung Quốc và Việt Nam lại có nhiều đặc thù giống nhau, đặc biệt là nền chính trị và tâm lý xã hội.

Qua đó có thể thấy, tỷ lệ trung thành với đảng ở Việt Nam vào khoảng 30% trên tổng số đảng viên hiện thời, tức chỉ khoảng 1,2 triệu người.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tỷ lệ 30% trung thành với đảng đã được giới quan sát độc lập ước tính từ những năm 2006-2007, tới nay con số đó có thể thấp hơn. Tuy nhiên, vẫn không hề có một số liệu thống kê chính thức nào từ phía các cơ quan đảng về tình trạng đảng viên xa rời đảng, hay dân gian còn gọi là “thoái đảng”.

Chất lượng đảng viên

668330_e_vinashin_anh_250.jpg
Các bị cáo trong vụ Vinashin tại Tòa án nhân thành phố Hải Phòng hôm 27/3/2012. AFP photo

 

Anh Vũ: Về chất lượng đảng viên của đảng là một vấn đề phải bàn. Đặc biệt là động cơ vào đảng của tuyệt đại đa số hiện nay là vì lợi ích cá nhân, đó là tham nhũng. Lãnh đạo Đảng CS Việt Nam cũng thừa nhận đây là một quốc nạn và là một trong những nguy cơ nghiêm trọng nhất đe doạ sự tồn vong của Đảng. Ông có đánh giá và nhận xét gì về vấn đề này?

TS Phạm Chí Dũng: Trong các báo cáo của đảng, thường tổng kết về biểu hiện 5 suy thoái về đạo đức, lối sống của đảng viên là:

 
 

Thứ nhất là suy thoái về đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên có xu hướng tăng cả về số lượng và phạm vi.

Thứ hai là bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, đó là chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy lợi và chạy tội cho bản thân cho người thân.

Thứ ba, nói nhiều làm ít; nói nhưng không làm.

Thứ tư, quan liêu, xa dân, thích nghe thành tích, ngại nghe sự thật, việc nhận xét cán bộ chung chung, thậm chí sai lệch với mức “vô trách nhiệm”. Ví dụ vụ tham nhũng và tha hóa đạo đức, lối sống của một số cán bộ đảng viên ở PMU 18 nghiêm trọng vậy mà Phó bí thư đảng ủy cơ quan Bộ Giao thông vận tải vẫn khẳng định: “Trước khi bị khởi tố, họ đều là đảng viên tốt”.

Thứ năm, tham nhũng, nhũng nhiễu dân gây hậu quả nặng nề trên nhiều mặt, không chỉ làm thất thoát tài sản, tiền vốn của nhà nước, của nhân dân mà còn dẫn tới sự hư hỏng của “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên.

Đảng cần bổ sung hai vấn đề đang diễn ra trong đảng và chính quyền, đó là sự lộng hành của Nhóm lợi ích và Nhóm thân hữu.

Đáng chú ý có các biểu hiện tàn bạo và manh động của Nhóm lợi ích và  Nhóm thân hữu trong việc trưng thu đất đai ở nông thôn Việt Nam. -TS Phạm Chí Dũng

Tham nhũng trên thực tế đang trở thành quốc nạn và có nguy cơ kéo tất cả xuống hố, mà Vinashin và Vinalines là những ví dụ điển hình. Chúng ta đang nói về vấn đề lượng và chất và mối quan hệ giữa hai phạm trù này, vì thế tôi cũng nêu ra một đối sánh mới là nợ tính theo đầu đảng viên so với nợ theo đầu người dân.

Chẳng hạn, cho đến thời điểm đổ vỡ, Vinashin có 6.000 đảng viên nhưng lại nợ đến 80.000 tỷ đồng, tức mỗi đảng viên nợ 13,3 tỷ đồng, tương đương 665.000 USD, gấp hơn 800 lần nợ công trên đầu người ở Việt Nam là 800 USD. So sánh như thế để mọi người thấy rằng những người được gọi là “công bộc của dân” có thể mang tính đại diện đến thế nào về đặc quyền, đặc lợi và tất nhiên không thể thiếu cái bị gọi là “nghiệp chướng”.

Dẫn chứng trên cũng chứng minh một nghịch lý về chất lượng đảng viên đương thời: không phải mọi đảng viên đều cùng chung một “dòng máu”, không phải đảng viên  nào cũng mang tư tưởng bảo vệ đảng xuất phát từ một động cơ, cho dù rằng trên danh nghĩa toàn bộ 3,6 triệu đảng viên đều cùng chung một chiến hào.

Sự ủng hộ của quần chúng

Anh Vũ: Sức mạnh của một tổ chức đảng chính trị dựa trên hai yếu tố cơ bản, đó là số lượng cũng như chất lượng của đảng viên. Nhưng yếu tố thứ hai không kém quan trọng là sự ủng hộ của quần chúng. Việc đảng CSVN xa rời nguyên tắc cơ bản của Chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là việc lấy ruộng của người cày cho các nhà tư bản. Ông đánh giá vấn đề này thế nào?

TS Phạm Chí Dũng: Đây là vấn đề lớn nhất, nóng nhất ở Việt Nam hiện nay. Đang có một sự phân hóa rất lớn trong nội bộ Đảng, thể hiện ít nhất qua việc những đảng viên thuộc Nhóm lợi ích và Nhóm thân hữu, giữa nhóm doanh nghiệp và giới chức chính quyền địa phương, đã cấu kết chặt chẽ với nhau để sẵn lòng bóc lột nông dân và phủ nhận chính những đồng chí đáng tuổi cha mẹ của họ.

Đáng chú ý có các biểu hiện tàn bạo và manh động của Nhóm lợi ích và Nhóm thân hữu trong việc trưng thu đất đai ở nông thôn Việt Nam.

Từ những năm 2006-2007 đến nay, khoảng 70% trong tổng số đơn thư khiếu tố thuộc về lĩnh vực đất đai. Trong số đó, khoảng 70% đơn thứ khiếu tố lại chỉ mặt điểm tên nhiều vụ việc, nhiều cán bộ địa phương ăn chặn tiền đền bù.

Khi bị thu hồi đất, người dân không chỉ phải chịu mức bồi thường thấp mà còn mất nguồn thu nhập thường xuyên, thất nghiệp, sinh hoạt đảo lộn (giao thông, học hành, y tế…), không có chỗ tái định cư. Trên hết, những trường hợp dân oan đã mất niềm tin vào chế độ…

Nhưng hậu quả ghê gớm mà Nhóm lợi ích và Nhóm thân hữu gây ra không chỉ đè lên đầu dân thường mà còn áp chế với cả những cán bộ đảng viên ngay trong nội bộ.

Theo tôi những vấn đề đó là vấn đề đáng báo động, có ảnh hưởng đến ý chí, tư tưởng của các đảng viên và sự tồn vong của đảng, mà hậu quả cuối cùng là  đảng CS Việt Nam cũng khó tránh khỏi đổ vỡ. Do vậy, đảng cần phải nhanh chóng xem xét và điều chỉnh cho phù hợp trước khi quá muộn.

Anh Vũ: Xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ Kinh tế Phạm Chí Dũng đã dành cho đài chúng tôi cuộc phỏng vấn này.

TÌNH HÌNH GIỮ ĐẤT TẠI TRỊNH NGUYỄN NGÀY HÔM NAY 19.6.2013 – Tễu

19 Th6

TÌNH HÌNH GIỮ ĐẤT TẠI TRỊNH NGUYỄN NGÀY HÔM NAY 19.6.2013

 
 
 
Một bác nông dân bị đánh, bà con trong làng đang cõng bác ra xe đi bệnh viện. Ảnh: L.T.N
08h25 ngày 19.6: Chiêng trống lại bắt đầu nổi lên vang vọng khắp cả khu làng và khu đồng Lỗ Vó. Hiện có khoảng 1000 bà con Trịnh Nguyễn và lân cận đang có mặt tại hiện trường.
 
 
 
Trong những ngày qua tinh thần đấu tranh của bà con và nhân dân khu phố Trịnh Nguyễn- Phường Châu Khê- Thị Xã Từ Sơn- Tỉnh Bắc Ninh càng quyết tâm. Sự việc ngày càng quyết liệt.
 
Tối hôm qua (18-6-2013)đã xuất hiện nhiều đối tượng xã hội đen và đầu gấu đang ở khu phố Đồng Phúc và lảng vảng xung quanh nhưng đã bị bà con phát hiện và cảnh giác cao độ. Hiện nay ngả đường từ cầu chùa Dận công an và cơ động đứng chốt rất nhiều, thạm chí họ ghi từng biển số xe đi qua lại vào khu vực của nhân dân Trịnh Nguyễn.
 
Cũng trong ngày hôm qua nhân dân khu phố Trịnh Nguyễn cám ơn các nhà báo, những người có lương tri, các anh em thương binh, bà con nhân dân xa gần trong nước, đặc biệt bà con khu phố Trịnh Xá, Đồng Phúc, Đa Vạn, Đa Hội,Gia Lâm, Đông Anh, Bắc Giang, Hà Nộiđã quan tâmvề tìm hiểu thực tế tại địa phương.
 
Trên kênh VTV1 hôm qua bản tin thời sự có phát sóng nhưng đã bị cắt xén nhiều đoạn, chúng tôi đã ghi lại được và quay video khi phóng viên phỏng vấn người dân Đỗ Văn Hào, ông Hào cho biếtđã bị cắt xén và ông rất bức xúc. Bằng chứng của việc cắt xén này chúng tôi sẽgửi lên các cơ quan chức năng để làm rõ.
 
Cũng trong mấy ngày nay chúng tôi đã tìm hiểu một số đồng chí bộ đội đang ở tại địa phương cũng rất bức xúc và nói cấp trên điều động nên chúng tôi buộc phải về, cán bộ ở địa phương mà như thế này thì quá nát.
 
Chúng tôi cũng đã tìm hiểu một số đồng chí công an đã nói sự việc như thế này chính quyền là UBND thị xã và Phường có rất nhiều cái sai chúng tôi cũng làm theo sự chỉ đạo của cấp trên nên bà con thông cảm.
 
Một lần nữa bà con nhân dân khu phố Trịnh Nguyễn cám ơn nhân dân cả nước và mong bà con nhân dân các địa phương khác hãy về đấu tranh cùng bà con. Lưu ý bà con và nhân dân khi về từ cầu Chùa Dận đến khu phố Trịnh Nguyễn phải cẩn thận.
 
Trong ngày hôm qua khi ra về một số nhà báo đã bị công an và cơ động đuổi theo nhưng bà con Trịnh Nguyễn đã biết và giúp đỡ nên bọn họ không làm gì được.
Chiều tối qua, cụ bà Lê Hiền Đức, sau khi đi làm việc cùng bà con dân oan các tỉnh ở Thanh tra Chính phủ ra về, đã lên với bà con Trịnh Nguyễn. Tại đây, trước cả ngàn người dân, bà Lê Hiền Đức đã phát biếu ý kiến động viên tinh thần bà con và chia sẻ tình cảm với bà con Trịnh Nguyễn nói chung, 42 gia đình Liệt sĩ thương bình nói riêng. 
 
PV hiện trường

 
Tin và ảnh từ FB. Lê Thiện Nhân:
Chiều 18/6/13, một trận càn của giặc qua làng Trịnh Nguyễn, Từ Sơn. Chúng đánh đập bà con, làm 7 người phải đi bệnh viện. Trong đó có hai cháu  nhỏ tên Đỗ Văn Thịnh 13 tuổi, một cháu gái con chị Sen mới 8 tuổi bị tên công an tên Khơi, công an huyện Từ Sơn đánh vào mặt, đạp vào đùi. Bà  con đã chụp được ảnh. Cụ Hiền Đức đã về kịp thời động viên tinh thần bà con. 
 
 
 
Cụ bà Lê Hiền Đức đang nói chuyện với bà con Trịnh Nguyễn
 
Một bác nông dân bị đánh, bà con trong làng đang cõng bác ra xe đi bệnh viện
  • Một số hình ảnh chiều ngày 18.6.2013 từ FB Hiệu Khiêm
     
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

    Clip ghi được tại hiện trường chiều qua, 18.6.2013:


2.

 

17 nhận xét:

  1.  

    Thủ tướng đã có chỉ thị “cấm sử dụng quân đội tham gia cưỡng chế thu hồi đất” rồi cơ mà???

    Trả lờiXóa

     
     
  2.  

    Hoan hô bà, con cả nước đã Đoàn kết và ủng hộ bà, con Từ sơn, nhân dân cả nước bên cạnh bà, con, bà con cảnh giác với đám phóng viên lề phải xuống phỏng vấn, rồi cắn xén, vu cáo bẩn thỉu, cả bọn lưu manh, nghiện hút tay sai của đám quan tham cường hào sẽ gây rối rồi vu vạ cho bà, con mình

    Trả lờiXóa

     
     
  3.  

    Quốc hội đang họp tại Hà Nội, bà con nên cử đại diện gặp và gởi đơn trực tiếp cho đoàn đại biểu QH tỉnh Bắc Ninh. Lực lượng CA, quân đội không được nhúng tay đàn áp bà con, hậu quả ắt sẽ vô cùng thảm khốc đối với anh em đó. Rồi đây, nếu anh em CCB, TB cả nước hậu thuẫn cho bà con Từ Sơn – Bắc Ninh, sẽ vượt tầm kiểm soát của chính quyền địa phương và TW.

    Trả lờiXóa

     
     
  4.  

    Đất nước đứng lên.

    Trả lờiXóa

     
     
  5.  

         Chúc bà con dân oan ta gặp nhiều may mắn,giữ được đất để sinh sống!

    Trả lờiXóa

     
     
  6.  

    Đừng bao giờ dại dột trả lời phỏng vấn của các PV lề phải, sẽ bị cắt xén và lắp ghép để xuyên tạc ngay lập tức. Đổi trắng thay đen là bản chất đã ngấm vào máu của đám PV này. VTV1 đã hai lần đưa phóng sự về nhà máy xử lý nước thải ở Trịnh Nguyễn với lời bình, dự án đã chậm tiến độ mấy năm, cần nhanh chóng giải quyết. Đây là trò tung dư luận để chuẩn bị cho chiến dịch cưỡng chế đất. Bà con Trịnh Nguyễn và các nơi khác cần cảnh giác và hãy đoàn kết chặt chẽ hơn. Chồng, cha, con và người thân của bà con đã đổ máu xương để có mảnh đất đó, hà cớ gì chính quyền CS lại cướp trắng xương máu của họ?

    Trả lờiXóa

     
     
  7.  

    Bạn Tễu ơi! Sao basam.info  không vào được nhỉ? Đề nghị Tễu thông báo cho bà con biết!

    Trả lờiXóa

     
     
  8.  

    Bà con đông thế, thanh niên đâu hết rồi mà để bọn lưu manh hoành hành như vậy. Nếu bọn đầu gấu đến, mọi người tập trung vây bắt, hỏi cho ra nhẽ ai thuê bọn chúng?

    Trả lờiXóa

  9.  

    Thanh niên không ra mặt là đúng rồi. Nếu không, nó vu cho đủ thứ tội rồi bắt bỏ tù. Mình dùng đội quân tóc dài là đúng đường lối của Đảng rồi.
    Còn bọn giả lưu manh, ngụy côn đồ, nhái đầu gấu, thì bắt làm gì.
    Bắt rồi giao cho ai. Mình đâu có quyền giữ. Giao cho bố nó thì khác gì đánh bùn sang ao.

    Xóa

     
     
  10.  
  11.  

    Cần phải có nhiều tay máy quay để sau này có bằng chứng. Ngoài ra phải có lực lựong thanh niên để đập lại bọn đầu gấu như là đập bọn trộm chó vậy, cứ đốt xe, hay đổ nước bẩn vào pô xe bọn nó. Nó bạo lực thì mình cũng nên cứng rắn.

    Trả lờiXóa

     
     
  12.  

    Chúc mừng bà con dân oan đoàn kết,đoàn kết,đại đoàn kết!

    Trả lờiXóa

     
     
  13.  

    Cần phải đông đảo hơn nữa, họ hàng hang hốc… các con cháu, láng giềng… kết thành quần lực vây quanh chân lý sống còn của Người Dân!

    Trả lờiXóa

     
     
  14.  

    “Con sâu bỏ dầu nồi canh” đề nghị các phóng viên lề phải thông tin trung thực,hành động đúng nghĩa của người chứ không là con!

    Trả lờiXóa

     
     
  15.  

    Bọn côn đồ chính là bọn công an giả dạng, đề nghị bà con cứ đánh cho nó gãy chân đi.

    Trả lờiXóa

     
     
  16.  

    Bà con đừng sợ, mình có chính nghĩa, chúng nó cướp đất, cướp nguồn sống của mình mà mình ngồi yên cho nó cướp à, mai sau mình đói ai nuôi mình. Bà con hãy đoàn kết ngàn người như một, kiên quyết đứng lên chống giặc, hãy noi gương anh hùng Đoàn Văn Vươn. Nhân dân cả nước luôn đứng bên bà con.

    Trả lờiXóa

     
     
  17.  

    Sao dân mình khổ quá vậy ? Hỡi tất cả những ai có lương tri hãy đứng về phía nhân dân, hãy giúp đỡ bà con, đừng để chính quyền đẩy họ đến bước đường cùng.

    Trả lờiXóa

     
     
  18.  

    Không tưởng tượng được đất nước lại ra nông nỗi nầy … Những thế hệ tiền nhân dưới suối vàng nghĩ gì ?????!!!!!!

    Trả lờiXóa

     
     
 

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức họp báo về quan hệ Việt-Trung – xalo.vn/BS

19 Th6

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức họp báo về quan hệ Việt-Trung

Giaoduc.net.vn – 1 ngày trước 1567

“Trung-Việt là láng giềng và đối tác quan trọng. Hai bên sẽ trao đổi thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện đạt tiển triển mới…”.

“Trung-Việt là láng giềng và đối tác quan trọng. Hai bên sẽ trao đổi thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện đạt tiển triển mới…”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức họp báo về quan hệ Việt-Trung
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tại cuộc họp báo tối ngày 20 tháng 6 năm 2013

Tân Hoa Xã của TQ cho hay, ngày 14/6/2013, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tổ chức họp báo, trả lời về nhiều vấn đề, trong đó có chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang.
Về chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang, bà Hoa Xuân Oánh cho biết: “Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang sẽ tiến hành chuyến thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 19 đến ngày 21 tháng 6 năm 2013.
Trong thời gian thăm Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tổ chức hội đàm với Chủ tịch Trương Tấn Sang, các nhà lãnh đạo khác của Trung Quốc sẽ lần lượt hội kiến với Chủ tịch Trương Tấn Sang. Hai bên sẽ đi sâu trao đổi ý kiến về quan hệ Trung-Việt và các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Theo tân Hoa Xã, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang dự định sẽ tiến hành thăm tỉnh Quảng Đông.
Hiện nay, các cơ quan hai nước đang tiến hành trao đổi về các văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực như chính trị, quốc phòng, kinh tế thương mại, nhân văn.
Hiện nay, quan hệ Trung-Việt duy trì xu thế phát triển ổn định. Tháng 3 năm nay, Tổng bí thư Tập Cận Bình đã điện đàm với Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, đạt được đồng thuận quan trọng về việc tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung-Việt.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức họp báo về quan hệ Việt-Trung
hủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nhân Hội nghị cấp cao APEC 20

Tháng 5, hội nghị lần thứ 6 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Trung-Việt tổ chức tại Bắc Kinh, đã làm rõ các biện pháp cụ thể thúc đẩy hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực giữa hai nước.
Bà Hoa Xuân Oánh cho biết “Chúng tôi cho rằng, Trung-Việt là láng giềng quan trọng và đối tác hợp tác của nhau, đều đang ở trong giai đoạn then chốt của cải cách, phát triển, một mối quan hệ Trung-Việt lành mạnh, ổn định đều có lợi cho cả hai bên.
Chúng tôi hy vọng, thông qua chuyến thăm này của Chủ tịch Trương Tấn Sang, cùng phía Việt Nam tiếp tục tăng cường lòng tin chính trị, thúc đẩy hợp tác thiết thực, tăng cường trao đổi, phối hợp trong các vấn đề đa phương, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung-Việt đạt được tiến triển mới”.
Ngoài ra, bà Hoa Xuân Oánh còn trả lời về một loạt vấn đề khác, trong đó có quan hệ với Cuba, vấn đề an ninh mạng, doanh nghiệp Trung Quốc tham gia xây dựng kênh đào ở Nicaragua, vấn đề biên giới Trung-Ấn.
Về quan hệ với Cuba, bà Hoa Xuân Oánh cho biết, Phó chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng kiêm Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Cuba, ông Dias Cannelle sẽ tiến hành chuyến thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 17 đến ngày 19 tháng 6 năm 2013.
Về việc cơ quan tình báo Mỹ cho rằng, năm 2012, Chính phủ Syria từng sử dụng vũ khí hóa học ở phạm vi nhỏ, Mỹ sẽ gia tăng ủng hộ phe đối lập Syria, bà Hoa Xuân Oánh cho biết: Trung Quốc kiên quyết phản đối sử dụng vũ khí hóa học.
Trung Quốc hy vọng, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế và các nghị quyết củ Hội đồng Bảo an, Tổ công tác điều tra vấn đề vũ khí hóa học Syria của Liên hợp quốc triển khai điều tra khách quan, công bằng.
Trung Quốc luôn cho rằng, giải quyết chính trị là con đường thực tế duy nhất của vấn đề Syria. Gần đây giải quyết chính trị vấn đề Syria đã có một số xu thế tích cực, cộng đồng quốc tế đang sắp xếp mở hội nghị quốc tế về vấn đề Syria mới.
Các bên cần nắm lấy cơ hội, có thái độ trách nhiệm thiết thực thúc đẩy hội nghị tổ chức thành công, thúc đẩy tiến trình giải quyết chính trị vấn đề Syria, tranh áp dụng các hành động làm cho cuộc khủng hoảng Syria tiếp tục bị quân sự hóa.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức họp báo về quan hệ Việt-Trung
Vấn đề sử dụng vũ khí hóa học tại Syria gây lo ngại.

Về việc Mỹ tiến hành tấn công mạng, bà Hoa Xuân Oánh cho rằng, “Trung Quốc là một trong những nước bị tấn công mạng nghiêm trọng nhất, Trung Quốc kiên quyết phản đối tấn công tin tặc dưới bất cứ hình thức nào. Không gian mạng không cần chiến tranh và bá quyền, mà cần quy tắc và hợp tác.
Trung Quốc rất coi trọng vấn đề an ninh mạng. Gần đây Bộ Ngoại giao đã thiết lập Văn phòng các vấn đề mạng, phụ trách phối hợp triển khai hoạt động ngoại giao có liên quan đến các vấn đề mạng. Trung Quốc sẽ cùng các bên liên quan tiếp tục triển khai đối thoại và hợp tác mang tính xây dựng về vấn đề an ninh mạng. Trung Quốc chủ trương xây dựng các quy tắc quốc tế trong khuôn khổ Liên hợp quốc và đã đưa ra đề xướng cụ thể. Trung Quốc muốn các bên áp dụng các hành động thiết thực, tăng cường lòng tin và hợp tác, cùng bảo vệ hòa bình và an ninh của không gian mạng.
Trung-Mỹ xây dựng Tổ công tác mạng trong khuôn khổ đối thoại an ninh chiến lược, Trung Quốc sẽ tiến hành trao đổi sâu sắc với Mỹ về các vấn đề có liên quan trong khuôn khổ này”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức họp báo về quan hệ Việt-Trung
Vấn đề an ninh mạng chi phối quan hệ Trung-Mỹ.

MỘT NGÀY GIỖ TỔ NGHỀ BÁO – Huỳnh Ngọc Chênh

19 Th6

MỘT NGÀY GIỖ TỔ NGHỀ BÁO

 
Nhà báo đầu tiên: Trương Vĩnh Ký
 

Hàng năm đến ngày 21.6, thì người làm báo ở VN được vinh danh. Đó là ngày phát hành đầu tiên của tờ báo Thanh Niên do ông Nguyễn Ái Quốc chủ biên, đi theo đường lối Mác Lênin, khai sinh ra nền báo chí cách mạng VN. Và ngày ấy được chính thức gọi là “Ngày báo chí cách mạng Việt nam”, do vậy chỉ có những người làm báo cách mạng tức là những người làm báo của đảng CSVN mới được vinh danh, mới được ghi nhận.

Nhưng báo gọi là cách mạng chỉ có từ sau năm 1925, trong khi nghề báo đã xuất hiện tại Việt Nam cách đây đã gần 150 năm. Đó là khi tờ Gia Định Báo bằng chữ Quốc Ngữ của cụ Trương Vĩnh Ký phát hành số đầu tiên vào ngày 15.4.1865 tại Sài Gòn. Cụ Trương Vĩnh Ký đương nhiên là ông tổ của nghề báo ở VN.
Tờ báo đầu tiên phát hành vào ngày 15.4.1865
Tiếp theo tờ Gia Định Báo là các tờ báo sau đây dần dần xuất hiện:
 
Ở Nam Kỳ:
  1. Gia Ðịnh Báo: Số 1 ra ngày 15 tháng 4, 1865
  2. Phan Yên Báo: Xuất bản năm 1868, do ông Diệp Văn Cương chủ trương biên tập
  3. Nhựt trình Nam Kỳ: Tuần báo, xuất bản số đầu vào năm 1883
  4. Thông loại khóa trình: Số 1 và 2 không ghi tháng phát hành, số 3 có ghi Juillet 1888
  5. Nông cổ mín đàm: Tuần báo, có 8 trang, khổ 27 cm x 20 cm Số 1 ra ngày 1 tháng 8, 1901.
  6. Nhật báo Tỉnh: Tuần báo, phát hành vào ngày Thứ Năm hàng tuần, từ năm 1905 đến 1912.
  7. Lục Tỉnh Tân văn: Năm 1907, Trần Chánh Chiếu làm chủ bút, phát hành hàng tuần
  8. Nữ giới chung: Số 1 ra ngày 1 tháng 2, 1918 do Lê Ðức làm chủ nhiệm và Sương Nguyệt Anh làm chủ bút.
  9. Công luận Báo: Lê Sum làm chủ bút, phát hành vào ngày Thứ BaThứ Sáu
  10. Trung lập Báo: Phi Vân Trần Văn Chim tác giả Ðồng Quê làm chủ bút.

Ở Bắc Kỳ:

  1. Đại Nam Đồng văn Nhật báo: ra mắt năm 1892 nhưng là báo in chữ Nho
  2. Đại Việt Tân báo: tờ báo bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên ở miền Bắc, phát hành năm 1905. Đúng ra đây là tờ báo song ngữ, có phần Quốc ngữ và phần Hán văn
  3. Ðăng cổ Tùng báo: số ra mắt ngày 28 tháng 3, 1907 do Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút.

Qua đầu thế kỷ 20, báo chí VN phát triển mạnh mẻ với xuất hiện của các tờ báo uy tín như: Nam Phong tạp chí của cụ Phạm Quỳnh, Đông Dương tạp chí của cụ Nguyễn Văn Vĩnh, Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng, Trung Bắc Tân Văn của cụ Nguyễn Văn Vĩnh (đây là tờ nhật báo đầu tiên)…

Nói đến nghề báo ở Việt Nam thì không thể không nhắc đến những tên tuổi: Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Diệp Văn Cương, Trần Chánh Chiếu, Lê Sum, Sương Nguyệt Anh (nhà báo nữ đầu tiên), Huỳnh Thúc Kháng, Phan Khôi, Nhóm Tự Lực Văn Đoàn…

Ấy thế mà mỗi năm đến ngày nhà báo, lễ lạc tưng bừng, vinh danh và biết ơn khắp nơi nhưng chẳng mấy ai nhớ đến những bậc tiền nhân đã có công khai sinh và phát triển nghề báo.
Thiết nghĩ, bên cạnh “Ngày báo chí cách mạng Việt Nam” dành riêng để vinh danh các nhà báo của đảng, cần có một ngày nhà báo Việt nam nói chung để vinh danh và nghi nhớ công ơn của tất cả những người đã khai sinh và đóng góp cho sự nghiệp báo chí Việt Nam. Có thể lấy ngày 15.4 là ngày đầu tiên ra Gia Định Báo làm ngày “Báo chí Việt nam” hay là ngày giỗ tổ ngành báo vậy.
Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây chứ hè!

HNC

Nhật báo đầu tiên phát hành tại miền Bắc và miền Trung
Cụ Huỳnh và báo Tiếng Dân phát hành tại Trung Kỳ
Sương Ngọc Anh, con gái cụ Đồ Chiểu, nhà báo nữ đầu tiên
Tờ báo xuân đầu tiên
 
 
Được đăng bởivào lúc23:00

Vấn đề Nhân quyền và quan hệ Việt-Mỹ – VOA

19 Th6

Vấn đề Nhân quyền và quan hệ Việt-Mỹ       

 
Giáo sư Carl Thayer (trái) tại một hội nghị về Biển Ðông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế vào năm 2011. (Courtesy Photo)

Giáo sư Carl Thayer (trái) tại một hội nghị về Biển Ðông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế vào năm 2011. (Courtesy Photo)

 
 

                            Hình ảnh/Video                       

 
 
                        CỠ CHỮ +

                    18.06.2013               

Nghe toàn bộ cuộc phỏng vấn GS Carl Thayer ở đây
 

Cuộc tuyệt thực của Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ cho tới hôm nay đã bước sang ngày thứ 23. Và ngày càng có thêm nhiều cuộc tuyệt thực ở trong và ngoài nước để đồng hành với ông trong cuộc tranh đấu để đòi các quyền hợp pháp, và đánh động thế giới về tình trạng có thể nguy kịch của ông. Giáo sư Thayer, một chuyên gia về Việt Nam được nhiều người biết tiếng, nói rằng vấn đề nhân quyền đã tác động tới quan hệ Việt-Mỹ. Ông nói từ lâu, Việt Nam đã muốn xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ, giờ đây ông tin rằng điều đó không còn khả thi. Ông cho rằng thành phần bảo thủ bên trong Đảng Cộng Sản Việt Nam đã gia tăng đàn áp nhân quyền để phá hoại các nỗ lực cải thiện quan hệ với Mỹ, và vì vậy Việt Nam phải trả một cái giá trong cuộc đối đầu với Trung Quốc về chủ quyền Biển Đông. Vấn đề nhân quyền ảnh hưởng ra sao tới các quan hệ Việt-Mỹ, giữa lúc ngày càng có nhiều nhà lập pháp Hoa Kỳ bày tỏ sự thất vọng của họ về sự thiếu tiến bộ trong các nỗ lực cải thiện nhân quyền tại Việt Nam? Giáo sư Thayer vừa từ Washington trở về Australia. Ông đã đến dự cuộc điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ. Ông nhận xét như sau:
“Vấn đề nhân quyền đã tác động đến quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ rồi. Từ nhiều năm nay, Việt Nam đã hối thúc để xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ, tôi thực sự tin rằng nỗ lực đó nay kể như không còn khả thi. Ngoài ra Việt Nam cũng muốn Hoa Kỳ hủy bỏ những hạn chế trong việc bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Tôi không thực sự tin rằng Việt Nam muốn mua các loại vũ khí quan trọng từ Hoa Kỳ, vì vũ khí của Mỹ đắt tiền quá và cũng bởi họ đã mua vũ khí của Nga, tuy nhiên Hà Nội không muốn bị coi như một quốc gia “bất hảo” nằm trong danh sách các nước bị cấm mua vũ khí của Mỹ vì thành tích nhân quyền kém cỏi của họ.”

Có những người bên trong Đảng Cộng Sản Việt Nam đã đàn áp nhân quyền để phá hoại các nỗ lực cải thiện quan hệ với Mỹ, thế cho nên Việt Nam phải trả một cái giá trong việc đối đầu với Trung Quốc, khi nước này có hành động lấn át, hay sử dụng vũ lực…
Giáo sư Carl Thayer.

Tuy vậy, Việt Nam vẫn tỏ thái độ bất chấp những lời kêu gọi của quốc tế yêu cầu họ cải thiện nhân quyền, và ngưng đàn áp các blogger và nhà báo. Cuối tuần qua, thêm một blogger thứ ba bị bắt trong chưa đầy một tháng. Hoa Kỳ có thể làm gì để tăng sức ép đối với Hà Nội? Giáo sư Thayer nói chính phủ Hoa Kỳ không có bao nhiêu ảnh hưởng để có thể thuyết phục Việt Nam trên hồ sơ nhân quyền. Theo ông, quan hệ song phương được đặt trên căn bản rộng, và đang tiến triển tốt đẹp trong một số lĩnh vực.
Giáo sư Thayer: “Bất cứ chính phủ nào muốn giải quyết vấn đề nhân quyền với Việt Nam không muốn biến vấn đề này thành trọng tâm duy nhất trong mối quan hệ song phương. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ phải đề ra những biện pháp khích lệ. Một cách là quốc hội Mỹ phải đoàn kết, điều đó có nghĩa là Thượng Viện phải hậu thuẫn dự luật về nhân quyền đã được Hạ viện thông qua. Như thế thì Việt Nam mới bị buộc phải đương đầu với vấn đề này, bởi vì không một Tổng Thống Mỹ nào muốn dồn nỗ lực vào việc lật ngược một nghị quyết đã được lưỡng viện thông qua.”

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về các vấn đề Việt Nam.Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về các vấn đề Việt Nam.
x
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về các vấn đề Việt Nam.

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về các vấn đề Việt Nam.

Hoa Kỳ và Trung Quốc mới đây đã mở hội nghị thượng đỉnh tại California, cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung có những hệ quả gì đối với cuộc tranh chấp trong Biển Đông? Giáo sư Thayer cho biết:
“Hội nghị Mỹ-Trung khiến cho Hà Nội lo lăng hơn. Mỗi lần tôi sang Hà Nội là nghe nói hai cường quốc họ đang thông đồng cấu kết với nhau, và như thế không có lợi cho Việt Nam. Tôi nghĩ rằng Việt Nam không muốn quan hệ giữa hai cường quốc trở nên quá ấm áp hoặc quá lạnh nhạt, mà phải vừa phải. Vừa phải từ quan điểm của người Việt Nam, có nghĩa là vừa xích mích lại vừa hợp tác. Thế cho nên Hà Nội rất quan ngại. Nhưng hiện vấn đề này vẫn chưa rõ lắm bởi vì đây là những cuộc thảo luận không chính thức giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung, ngoại trừ vấn đề biển Hoa Đông, còn vấn đề biển Đông thì không rõ  có được đề cạp như một đề tài quan trọng tới mức nào. Báo chí Trung Quốc thì tường trình rằng ông Tập Cận Bình mạnh mẽ khẳng định quyền của Trung Quốc được bảo vệ chủ quyền của mình, kể cả trong các vùng biển tranh chấp. Phía Hoa Kỳ thì chắc chắn Hoa Kỳ sẽ đưa ra những lập luận cực lực chống đối việc sử dụng vũ lực. Giới lãnh đạo cấp cao trong quân đội Hoa Kỳ đã tuyên bố như thế.”
Riêng đối với Việt Nam, Giáo sư Thayer nói ông e rằng trong các điều kiện hiện nay, Việt Nam có thể phải đơn độc đối mặt với Trung Quốc trong cuộc tranh chấp chủ quyền Biển Đông:
“Hậu quả đối với Việt Nam là nước này phải đối đầu với Trung Quốc về phần lớn một cách đơn độc.Việt Nam không phải là một đồng minh của Hoa Kỳ, không phải là đối tác chiến lược của Mỹ, và chính đó là một nghịch lý. Việt Nam cần mối quan hệ đó để cân bằng quan hệ với Trung Quốc, trong khi Hoa Kỳ thì cho rằng nhân quyền là vật chướng ngại cản trở, không cho phép quan hệ tiến xa hơn nữa. Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Hillary Clinton đã nói Việt Nam có thể đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới.”

“Hậu quả là Việt Nam phải đối đầu với Trung Quốc một cách đơn độc.Việt Nam không phải là đồng minh của Hoa Kỳ, không phải là đối tác chiến lược của Mỹ. Việt Nam cần mối quan hệ đó để cân bằng quan hệ với Trung Quốc, Hoa Kỳ cho rằng nhân quyền là vật chướng ngại cản trở, không cho phép quan hệ tiến xa hơn nữa….
Giáo sư Thayer.

Giáo sư Thayer nói vấn đề nhân quyền từ năm 2010 tới bây giờ đã không cải thiện mà còn trở nên xấu đi, ông cho rằng nguyên do có thể là vì một số thành phần bảo thủ ở Việt Nam đã dùng bất đồng về vấn đề nhân quyền để ngăn chận các nỗ lực cải thiện quan hệ Mỹ-Việt.
“Theo quan điểm của tôi, có những người bên trong Đảng Cộng Sản Việt Nam đã đàn áp nhân quyền để phá hoại các nỗ lực cải thiện quan hệ với Mỹ, thế cho nên Việt Nam phải trả một cái giá trong việc đối đầu với Trung Quốc, khi nước này có hành động lấn át, hay sử dụng vũ lực. Riêng về những sự cố đã xảy ra, Hoa Kỳ sẽ không can thiệp. Người cộng sản ở Việt Nam thích nói rằng Hoa Kỳ phục vụ lợi ích của chính Hoa Kỳ nếu ra tay bảo vệ quyền tự do hàng hải, và do đó Hoa Kỳ phải kiềm hãm Trung Quốc cho chúng tôi. Chúng tôi thì muốn duy trì thế trung lập, Việt Nam có thể tiếp tục đưa ra những lập luận như thế, nhưng khi họ than phiền với Hoa Kỳ, thì bây giờ không còn ai lắng nghe lập luận ấy nữa.”
Giáo sư Thayer nói thay vì giúp Việt Nam, Hoa Kỳ dồn nỗ lực và tài nguyên để giúp các đồng minh của Mỹ, là Philippines và Nhật Bản, trong cuộc tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.


LS Trần Vũ Hải : Báo chí chính thức phải thông tin đầy đủ về Cù Huy Hà Vũ – RFI

19 Th6

LS Trần Vũ Hải : Báo chí chính thức phải thông tin đầy đủ về Cù Huy Hà Vũ     

Luật sư Cù Hà Huy Vũ (DR)

Luật sư Cù Hà Huy Vũ (DR)

Sự việc ông Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực trong tù từ hơn ba tuần nay trở thành mối quan tâm đặc biệt của công luận. Tình trạng sức khỏe hiện nay của Cù Huy Hà Vũ ra sao ? Các đòi  hỏi của ông Vũ dựa trên các quy định của pháp luật Việt Nam  được các cơ quan công quyền xử lý như thế nào ?

 

Liên tiếp trong những ngày vừa qua, một số phương tiện truyền thông  chính thống Việt Nam đã dồn dập đưa tin và phóng sự về trường hợp tuyệt  thực của ông Cù Huy Hà Vũ, với thông điệp chủ yếu là ông Vũ thực ra  không tuyệt thực, mà chỉ từ chối thức ăn của trại giam và sức khỏe của  ông không hề đáng ngại như ghi nhận của gia đình.

Về tình trạng của người tù lương tâm Cù Huy Hà Vũ, sau đây mời quý vị theo dõi phỏng vấn của RFI với luật sư Trần Vũ Hải, một trong các luật sư đã tham gia bào chữa cho tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ trong cả hai lần sơ thẩm và phúc thẩm, và mới đây được gia đình ủy nhiệm đại diện nghiên cứu các thông tin liên quan đến ông Cù Huy Hà Vũ.

 
Luật sư Trần Vũ Hải (Hà Nội)       

 
          18/06/2013
 
 

 

RFI : Xin chào luật sư Trần Vũ Hải. Thưa luật sư, hiện nay có sự việc ông Cù Huy Hà Vũ đang tuyệt thực trong tù khiến dư luận rất quan tâm, và có nhiều thông tin khác nhau, thậm chí trái ngược. Được biết luật sư được gia đình ủy nhiệm thông tin về tình hình ông Cù Huy Hà Vũ, vậy xin luật sư cho biết về hiện trạng sức khỏe của ông Vũ.

Luật sư Trần Vũ Hải : Tôi là luật sư cho ông Cù Huy Hà Vũ và gia đình ông ấy. Gia đình ông Cù Huy Hà Vũ đề nghị là trong vấn đề khiếu nại giám đốc thẩm và bà Dương Hà cũng đề nghị là giúp cho bà ấy, giúp cho gia đình bà trong các vấn đề thông tin liên quan đến ông Cù Huy Hà Vũ, mặc dù là bà ấy là luật sư nhưng bà ấy quá là mệt mỏi.

Thế thì, tôi đã đề nghị Tổng cục 8 cấp giấy cho chúng tôi để vào thăm và làm việc với ông Cù Huy Hà Vũ, liên quan đến việc khiếu nại giám đốc thẩm. Theo luật, với tư cách luật sư, tôi có quyền làm việc với thân chủ của mình, và theo quy định của Luật thi hành án, thì cơ quan quản lý trại giam phải có trách nhiệm tạo điều kiện cho chúng tôi gặp gỡ họ, nhất là vì quyền lợi của họ. Thế thì, 14/06, tôi đã làm thủ tục, tôi đã gặp cán bộ tiếp dân Tổng cục 8. Họ đã nhận đơn, cả đơn của tôi lẫn của chị Dương Hà, nhưng họ chỉ giải quyết cho chị Dương Hà, còn tôi thì không nhận được.

Tôi có nói với cán bộ tiếp dân rằng, các anh làm như thế là sai lầm, bởi vì tôi là luật sư, dù sao cũng không có họ hàng, quan hệ gì đặc biệt với anh Vũ, tôi chỉ là luật sư thôi. Cho nên, nếu có những thông tin gì, sẽ là những thông tin khách quan. Đấy là thứ nhất. Thứ hai là chúng tôi không có điều kiện gặp trực tiếp ông Cù Huy Hà Vũ, nên chúng tôi cũng không thể nào bình luận về vấn đề sức khỏe của ông Cù Huy Hà Vũ, bởi vì chúng tôi không gặp trực tiếp. Tất cả câu chuyện là do chị Dương Hà. Chị Dương Hà là người vợ, thì cũng có thể chị lo lắng đối với sức khỏe của ông Cù Huy Hà Vũ, đó là một chuyện đương nhiên. Chị tin rằng, sau khi việc tuyệt thực đã diễn ra nhiều tuần, thì sức khỏe của ông chắc chắn nó có giảm sút. Và cho dù ông Cù Huy Hà Vũ cố gắng có là khỏe hay không nữa, thì bản thân ông cũng có nhiều căn bệnh, và nếu ông tuyệt thực như vậy, thì sức khỏe sẽ sa sút. Đấy là quan điểm của chị Hà, mà chúng tôi chỉ có thể nói lại như vậy thôi.

RFI : Vừa rồi, có một biến cố là sau khi ông Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực hai tuần, thì cơ quan Tổng cục 8 có đưa ra một giấy tờ đề nghị trại giam tạo điều kiện cho làm bước tiếp theo, tức là giám đốc thẩm, vậy chuyện này cụ thể như thế nào ?

LS Trần Vũ Hải : Hiện nay, ông Vũ đang khiếu nại giám đốc thẩm. Bà Dương Hà được chính thức mời, và ông Vũ cũng mời thêm các luật sư gặp và tham dự. Nhưng đáng tiếc là chúng tôi đã nói, các luật sư, ngoài bà Dương Hà, chưa được tiếp xúc với ông Vũ. Tuy nhiên, theo chúng tôi hiểu, thì ông Vũ đang muốn khiếu nại bản án này. Ông có quan điểm rằng, có nhiều vấn đề của ông ấy thực ra là những vấn đề cốt lõi của cuộc bàn luận hiện nay về Hiến pháp Việt Nam. Và ông cho rằng, trước đây ông cũng bàn luận về những vấn đề đó, nay người ta cũng bàn luận về những vấn đề đó, thì tại sao lại phải quy tội ông đối với những hành vi mà bây giờ thực tế người ta đang bàn luận. Đấy là cái quan điểm của ông.

Do ông ở trong tù, và ông là tác giả của 10 tài liệu đó, nhưng ông Vũ không thể nhớ hết 10 tài liệu đó là tài liệu nào, và ông có đề nghị tạo điều kiện để tiếp cận. Mà muốn tiếp cận được, thì phải cơ quan quản lý trại giam cho phép. Trong trường hợp được phép, thì tòa án có thể cung cấp cho ông tài liệu hoặc đề nghị qua luật sư, luật sư sẽ cung cấp tài liệu. Vì theo luật, các tài liệu cung cấp cho người tù phải được cơ quan quản lý trại giam đồng ý.

Hiện nay, ông đang có yêu cầu cung cấp các tài liệu đó. Và chúng tôi đang đề nghị là được cung cấp. Đấy là về vấn đề khiếu nại giám đốc thẩm. Chúng tôi cũng nói rằng ông Vũ là một nhà nghiên cứu luật, tiến sĩ luật, nên là sau khi xem xét lại 10 cái bản ấy, thì ông sẽ có luận điểm về 10 cái bản này để so sánh thêm rằng là so với tình hình hiện nay, thì những cái đấy được bàn thảo như thế nào, và nó cũng không phải đến nỗi là phạm húy, hoặc là ghê gớm, như tại thời điểm ông xét xử, và ông cho rằng là cần có một quan điểm mới về vấn đề này. Đấy là theo tôi hiểu, tinh thần của ông là như vậy.

Ông cần bản chi tiết 10 tài liệu mà tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm dùng để xét xử ông, tuy nhiên, bản thân ông và chúng tôi, khi yêu cầu (Tòa án) công bố 10 tài liệu đó hoặc yêu cầu cung cấp cho ông, thì đều không công bố và không cung cấp. Cho nên, đây là vấn đề khó đối với ông, vì không có được 10 tài liệu ấy để tham gia vào việc xây dựng luận điểm. Tất nhiên, các luật sư chúng tôi có thể trợ giúp ông, nhưng bản thân ông là tiến sĩ luật, nên sự trợ giúp của chúng tôi với ông cần có sự bàn thảo giữa hai bên.

RFI : Thế thì, việc cho hay không phụ thuộc rất nhiều vào trại giam, chứ không có một quy định nào cụ thể trong luật pháp Việt Nam trong chuyện này ?

LS Trần Vũ Hải : Vâng, quy định này cũng tùy hứng thôi. Quy định là tài liệu đưa cho phạm nhân phải được trại giam đồng ý và không thuộc tài liệu cấm nào đó. Ít ra họ cũng phải nói rằng là tôi đồng ý là các ông đem tài liệu vào, nhưng các tài liệu ấy chúng tôi phải kiểm tra nội dung… Ít nhất họ phải nói với chúng tôi những điều đó, thì chúng tôi mới có thể làm việc được. Nhưng mà họ không trả lời, họ cũng không bác bỏ, nên chúng tôi cũng không biết làm thế nào.

RFI : Ngoài vấn đề các giấy tờ này ra, thì việc hôm 14/06 vừa qua, Tổng cục 8 họ cấp cho luật sư Dương Hà giấy để mà bên trại giam cho đương sự làm thủ tục giám đốc thẩm, thì phải chăng là cơ quan công an họ đã thực hiện một việc mà đáng lẽ họ phải làm từ sớm hơn ?

LS Trần Vũ Hải : Trước đây ngày 05/06 chị Hà cũng đã vào rồi, cũng với tư cách luật sư chứ không phải tư cách người thân. Thực ra để làm thủ tục giám đốc thẩm, thì cũng không dễ. Phải đọc lại các tài liệu, các quan điểm, phải trao đổi với nhau. Vì ông Vũ, thì tuy là có nhờ luật sư, nhưng những vấn đề đem ra, gửi cho Tòa… thì ông cũng muốn được trao đổi. Nên chúng tôi phải tôn trọng ý kiến ấy của ông ấy và bà Dương Hà cũng phải tôn trọng.

RFI : Có lẽ bây giờ là thiện chí của bên cơ quan công an và quản lý trại giam đúng không ạ ?

LS Trần Vũ Hải : Hiện nay, ít nhất họ cho rằng, họ đã tạo điều kiện cho bà Dương Hà gặp ông Vũ đã. Nhưng mà chúng tôi nói rằng là, hiện nay còn có luật sư Trần Đình Triển và luật sư Trần Vũ Hải, thì chưa thấy tạo điều kiện, thì tôi nghĩ họ sẽ phải tìm cách trả lời câu hỏi ấy.

RFI : Vừa rồi, luật sư rất biết là ở Việt Nam có những thông tin trên các phương tiện truyền thông chính thống về việc tù nhân Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực. Đứng từ góc độ của mình, luật sư nhìn nhận như thế nào về các truyền thông này ?

Chúng tôi cho rằng, các phóng viên vào đấy, chắc là được phép của trại giam và họ đã tiếp cận anh Vũ. Nhưng mà chúng tôi cũng lưu ý rằng, thực ra, theo luật về quản lý trại giam, thì khi gặp phạm nhân, muốn vào đó, phải có đơn đề nghị của cơ quan đó là một. Thứ hai là, trại giam chỉ có thể chấp nhận trên cơ sở là vì lợi ích của phạm nhân đó. Thế thì chúng tôi sẽ đặt câu hỏi rằng là chúng tôi là luật sư, cũng vì lợi ích, mà cũng đặt vấn đề gặp mà chưa được, thế tại sao các nhà báo ấy lại được ? Mặc dù ông Vũ cũng chấp nhận nói chuyện với nhà báo, nhưng mà chúng tôi cho rằng (để bảo vệ) cái lợi ích của ông Vũ lẽ ra là (báo chí) phải nói đầy đủ sự thật.  Tức là những gì ông ấy nói cũng phải được truyền tải một cách đấy đủ, nếu người ta muốn tìm hiểu sự thật.

Việc tìm hiểu sự thật cũng vì lợi ích của ông Vũ. Thế thì, nếu vì lợi ích của ông Vũ, thì cũng phải thông tin một cách đầy đủ toàn diện, và đặc biệt là toàn bộ cái lời văn của ông Vũ ông ấy trả lời như thế nào. Chúng tôi lấy ví dụ như là báo Tuổi trẻ nói thẳng là : Ông có tuyệt thực không ? Thế thì, phải nhận được câu trả lời thẳng từ ông Vũ chứ ?! Bởi vi ông Vũ sẽ (có thể) trả lời rằng : Tôi có tuyệt thực, hay tôi không tuyệt thực. Tôi từ chối thức ăn, nhưng tôi có ăn đồ ăn của gia đình, hoặc tôi không ăn của gia đình. Nhưng thực tế ta thấy, báo Tuổi trẻ chỉ đăng một đoạn là : Tôi không ăn suất ăn của trại giam, vì phản đối việc giải quyết đơn tố cáo của trại giam. Sau đó, không có đoạn tiếp theo, và chỉ có nói rằng, ông Vũ có khoe rằng, vợ ông có cung cấp đầy đủ đồ ăn, và cho chụp ảnh đồ ăn ấy. Nhưng mà chụp ảnh đồ ăn ấy, nhìn thấy thì lại chỉ là những hộp sữa, sữa vẫn còn nguyên, và những đồ ăn khác vẫn còn nguyên. Điều đó chứng tỏ là nó cũng chưa được sử dụng.

Tôi tin rằng là phóng viên đã nhận được câu trả lời của ông ta. Vì câu này là câu hỏi rất là dễ : Ông có tuyệt thực không ? Bản thân ông Vũ cũng nói với vợ ông là ông đang tuyệt thực. Và bản thân ông, như bà Dương Hà nói rằng là ông ấy từ chối việc ăn theo đề nghị của bà Hà. Và bản thân báo Tuổi trẻ cũng nói rằng bà Hà cũng khuyên nhủ ông ấy ăn cái đồ của trại giam, nhưng không thấy nói rằng bà Hà khuyên nhủ ông ăn cái đồ của gia đình. Tức là chúng tôi thấy rằng, cái báo Tuổi trẻ này cũng đưa một phần sự thật, nhưng đưa không hết. Cái mà người ta đang đặt vấn đề ở đây là ông có tuyệt thực hay không, tất nhiên còn có nhiều vấn đề khác. Theo thông tin của truyền thông, thì họ cho rằng là ông không tuyệt thực, mà ông chỉ không ăn của trại giam thôi, nhưng ông ăn đồ của bà. Câu trả lời thì ông Vũ chắc chắn ông trả lời được.

Tôi tin rằng các phóng viên cũng đã tìm hiểu sự thật một cách đầy đủ, nhưng chắc vì lý do nào đó người ta biên tập chăng ? Thế nên tôi nghĩ rằng bà Dương Hà cũng sẽ tìm hiểu sự thật từ báo Tuổi trẻ, xem là có cắt xén biên tập lại hay không. Còn nếu không, thì đề nghị điều tra lại, đúng không ? Đề nghị báo, phóng viên cùng người quan sát đến gặp ông Vũ, để xem rằng đúng là ông Vũ có tuyệt thực hay không. Tất nhiên, nếu như người ta cho rằng tuyệt thực là một việc quan trọng, là một việc ảnh hưởng lớn. Bởi vì, kể cả ông Bộ trưởng Thông tin cũng nói rằng không có chuyện tuyệt thực, trong khi người vợ của ông thì vẫn nói là người tuyệt thực. Còn câu nói của chính ông có tuyệt thực hay không, thì lại không có. Và bản thân ông cũng ký vào những văn bản cho vợ là ông tuyệt thực.

Việc này nó không phải là lớn lắm, nhưng người ta biến nó thành quá lớn. Vì tuyệt thực, thì có vấn đề gì ? Tuyệt thực cũng là một phương thức phản đối. Thay vì trả lời (về vấn đề) … tuyệt thực, thì người ta lại suy diễn, người ta lại đưa hình ảnh ông ấy béo, đi lại bệ vệ. Thì những hình ảnh ấy từ thời gian nào ? Cũng là một câu hỏi. Còn báo Tuổi trẻ thì cho rằng họ chụp ảnh trực tiếp, thì chúng tôi nhìn thấy sắc mặt của ông ấy cũng không được khỏe lắm, như so với hình ảnh trên truyền hình đưa.

Tất nhiên tôi cũng muốn nói rằng, ông Vũ là một con người có ý chí, có thể ông không muốn thể hiện mình yếu. Ông vẫn muốn thể hiện mình là minh mẫn, có sức khỏe. Đấy là cái quyền của ông. Thế nhưng mà, chúng tôi cũng muốn nói rằng ông Vũ thực sự là một người béo 94 kg, ông thì bệnh… Và có thể ông giảm cản, nhưng mà có giảm 5 hay 10 kg, thì cũng hơn 80 kg, thì cũng là một người béo so với người 1 mét 64. Nhưng người béo không có nghĩa là người khỏe mạnh. Hai cái đấy khác nhau ! Cái biểu hiện của người ta (ra ngoài) là người khỏe mạnh, nhưng chưa chắc đã là người khỏe mạnh, chúng ta đều biết.

Và chúng tôi cũng có nói rằng khoa học có thể cho phép người ta nhịn ăn từ 4 đến 10 tuần, nếu đúng cách, đúng khoa học, và kiên trì và có bản lĩnh. Tuy nhiên là, tác động đến sức khỏe thì sẽ có, và đặc biệt là càng kéo dài, thì tác động đến sức khỏe càng lớn. Và điều đó là chúng tôi không muốn, bà Dương Hà không muốn. Chúng tôi, là luật sư, không muốn, chúng tôi muốn vào trong đấy để thuyết phục ông ấy rằng, ông chấm dứt tuyệt thực đi ! Và tất nhiên là, chúng tôi cũng đề nghị cơ quan công an là : Những đơn tố cáo của ông ấy cũng cần phải giải quyết một cách dứt điểm, kể cả bác bỏ thì cũng nói rõ. Hiện nay, thì ông cũng đã nhận được (giấy) giải quyết đơn tố cáo, nhưng mà ông có nói một số nội dung là chưa đề cập đến trong giải quyết đơn. Ông đề nghị là phải bổ sung những nội dung đó. Kể cả không chấp nhận cũng ghi rõ, thì ông sẽ dừng tuyệt thực.

Thế thì tôi nghĩ rằng, thực ra cái hồi kết cũng sắp. Nếu mà có một sự gọi là giải quyết thỏa đáng nào đó, cũng có thể không hoàn toàn theo ý muốn của các bên, nhưng mà có thể có một giải quyết nào đó đúng luật thôi. Chỉ cần như thế thôi, thì ông cũng chấp nhận. Bởi vì sau khi nhận được cái (giải quyết) đơn tố cáo này, (nếu) ông không đồng ý, theo quy định, ông có quyền khiếu nại lên cấp trên. Bởi vì có một số việc chúng tôi nghĩ rằng phải có bác sĩ chuyên môn, ví dụ như vấn đề gió lạnh ảnh hưởng đến người bị bệnh hay không, nếu mở ra, mở vào. Đấy là việc cần những người có chuyên môn thực sự. Nó cũng không phải là một vấn đề ghê gớm, mà là một vấn đề nếu các bên có thiện chí, thì giải quyết một cách êm đẹp.

Tất nhiên, tôi cũng muốn nói rằng là, người ta cũng sẽ ngạc nhiên, bởi vì trong tù, tại sao ông Vũ lại có quyền đòi hỏi ấy. Nhưng mà chúng tôi nói rằng là, ông Vũ không đòi hỏi điều gì ngoài những quy định của luật pháp. Việc giải quyết đơn tố cáo cũng là trách nhiệm của cơ quan quản lý trại giam. Việc bảo vệ tính mạng của mình cũng là quyền con người. Chúng tôi cũng muốn nói rằng là như vậy ông Vũ đang sử dụng cái quyền của mình, mà luật thi hành án quy định, và luật pháp Việt Nam quy định, chứ không ngoài những phạm vi đấy.

RFI : Nhân được nói chuyện với luật sư, xin hỏi luật sư thêm một câu cuối, về việc quyền của các tù nhân ở Việt Nam, trong phạm vi biết của luật sư, thì được bảo đảm như thế nào ? Vì cái văn bản cuối cùng của luật sư thì có nhắc đến trường hợp của một tù nhân khác tuyệt thực. 

LS Trần Vũ Hải : Vâng, cái này anh có thể tra trên mạng. Trên báo Công an có kể lại một vụ tuyệt thực kéo dài 31 ngày. Và tôi chỉ muốn nhắc lại là việc tuyệt thực 22 ngày không phải là kỷ lục ở Việt Nam. Tất nhiên, có thể nó chưa chắc có hiệu quả gì. Đề nghị anh cứ tham khảo. Chúng tôi chỉ muốn nói là có việc đó chứ không phải là không. Tuyệt thực có thể có thật, và đã có thật rồi.

Tù nhân họ có thể phản đối với nhiều hình thức, và khi không còn hình thức nào khác, thì họ áp dụng cái tuyệt thực. Chúng tôi là các luật sư không khuyên điều đó. Nhưng mà bởi vì họ là con người, họ bức xúc, họ làm cái hành vi đó. Giống như trong trường hợp ông Vũ, yêu cầu giải quyết đơn tố cáo, 6 tháng rồi mà vẫn chưa giải quyết, thì ông thấy rằng trong tù tôi chẳng còn con đường nào khác, tôi cũng chẳng biết…, tôi cũng không đi được đâu cả, tôi cũng chỉ có cách là tôi tuyệt thực. Đấy là suy nghĩ của ông Vũ. Đấy là một cách phản đối của ông Vũ.

RFI : Xin chân thành cảm ơn luật sư Trần Vũ Hải.

Các tin bài liên quan

Gia đình Cù Huy Hà Vũ lại kêu cứu. Báo chí chính thức tiếp tục phản bác thông tin về vụ tuyệt thực

Phỏng vấn Phạm Hồng Sơn sau 7 ngày tuyệt thực ủng hộ Cù Huy Hà Vũ

Tình trạng của ông Cù Huy Hà Vũ ngày càng gây lo ngại

Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực đến ngày thứ 19 nhưng vẫn chưa gặp luật sư

BS. Phạm Hồng Sơn tuyệt thực ủng hộ Cù Huy Hà Vũ

Cù Huy Hà Vũ : Sức khoẻ nguy kịch sau 6 ngày tuyệt thực

LS Dương Hà: “Cù Huy Hà Vũ vô tội, Quốc hội công nhận ý kiến bỏ điều 4”

Luật sư Dương Hà tố cáo cán bộ trại giam Thanh Hóa cố ý hãm hại Cù Huy Hà Vũ

Bộ Ngoại giao Mỹ : tình trạng nhân quyền tại Việt Nam 2012 đã xấu đi thêm

Nghị viện châu Âu ra nghị quyết khẩn về nhân quyền tại Việt Nam

Đối thoại nhân quyền Mỹ-Việt mở lại sau nhiều tháng gián đoạn

Cuba mở cửa nhà tù cho báo chí thăm viếng

Việt Nam bị chỉ trích trước Hội đồng Nhân quyền LHQ

Một tổ chức nhân quyền mở chiến dịch tẩy chay hạt điều từ Việt Nam (Pv ông Vũ Quốc Dụng về tình trạng tù nhân, trong đó nhiều tù chính trị, tôn giáo, ở Việt Nam bị cưỡng bách lao động trong những điều kiện nguy hiểm)

Chủ tịch Sang ‘bàn Biển Đông với TQ’ – BBC

19 Th6

Chủ tịch Sang ‘bàn Biển Đông với TQ’

Cập nhật: 11:29 GMT – thứ ba, 18 tháng 6, 2013
Ông Tập Cận Bình đã thăm giới lãnh đạo Việt Nam trước khi lên nhậm chức Chủ tịch.

Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh nói Việt Nam và Trung Quốc sẽ tiếp tục trao đổi về vấn đề Biển Đông trong chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tuần này.

Cổng thông tin điện tử của chính phủ Việt Nam dẫn lời Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Văn Thơ nói “Phía Việt Nam mong muốn từ tầm cao chiến lược và quan hệ hữu nghị, lãnh đạo hai nước sẽ chỉ đạo và thúc đẩy giải quyết vấn đề Biển Đông thông qua thương lượng hòa bình, trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, trên cơ sở luật pháp quốc tế.”

 

“Trong 3 vấn đề lớn tồn tại do lịch sử để lại, hai nước đã giải quyết được hai vấn đề, đó là biên giới trên bộ và Vịnh Bắc Bộ. Hiện hai nước còn bất đồng trong vấn đề Biển Đông.”

“Việt Nam luôn nhận thức đây là vấn đề lớn, khó khăn, lâu dài. Nếu vấn đề này không được xử lý ổn thỏa sẽ ảnh hướng tới đại cục quan hệ hai nước, tới hòa bình, ổn định ở khu vực.”

“Trong chuyến thăm Trung Quốc lần này của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai bên sẽ tiếp tục trao đổi thẳng thắn, chân thành về vấn đề Biển Đông”, ông Thơ được dẫn lời nói thêm.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ thăm Trung Quốc vào ngày 19-21/6.

Đây là chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc đầu tiên của ông Trương Tấn Sang trên cương vị chủ tịch nước và cũng là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo cao cấp Việt Nam từ khi ông Tập Cận Bình lên chính thức làm Chủ tịch nước.

“Trong chuyến thăm Trung Quốc lần này của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai bên sẽ tiếp tục trao đổi thẳng thắn, chân thành về vấn đề Biển Đông”

Nguyễn Văn Thơ, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc

“Mấu chốt cuối cùng vẫn là vấn đề chủ quyền lãnh thổ của hai bên ở Biển Đông. Căn cứ vào thái độ lập trường của Trung Quốc hiện này thì không thể nào giải quyết được và những biện pháp như thăm viếng chỉ có tính cách làm dịu bớt căng thẳng,” nhà quan sát Dương Danh Dy nói với BBC Việt Ngữ hôm 14/6/2013.

Ông Tập Cận Bình trên cương vị Chủ tịch nước đã mời Chủ tịch Trương Tấn Sang, chứ không trên cương vị Tổng Bí thư và mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có lẽ là do nội dung cuộc họp mà chủ yếu là các vấn đề nhà nước, theo nhà quan sát từ Hà Nội.

‘Tránh đưa tin không có lợi’

Tranh chấp Biển Đông là chủ đề đã được Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh trong Bấm bài diễn văn đọc tại diễn đàn an ninh khu vực tại Singapore gần đây.

“Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ từ Biển Hoa Đông đến Biển Đông đang diễn biến rất phức tạp, đe dọa hòa bình và an ninh khu vực.”

“Đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền”

Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Việt Nam

“Đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền,” Thủ tướng Việt Nam phát biểu.

Khi được một tướng thuộc Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc yêu cầu nêu ví dụ cụ thể về điều được gọi là “việc tự do hàng hải bị vi phạm”, Thủ tướng Dũng nói “Chúng tôi cho rằng những diễn biến gần đây trên thực tế chắc có lẽ tất cả mọi người của chúng ta ở đây đều biết, tôi thấy không cần nhắc lại”.

Cho tới nay phát biểu đáng chú ý nhất của Chủ tịch Sang về chủ đề Biển Đông là vào hôm 14/04/2013 khi người đứng đầu Nhà nước trong một chuyến đi thăm ngư dân tại đảo L‎y Sơn tỉnh Quảng Nam.

Ông Sang được truyền thông dẫn lời nói “Bằng mọi cách phải bảo vệ hoạt động bình thường của ngư dân. Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của đất nước”.

Bài của báo điện tử chính phủ cho hay trong chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Sang, Việt Nam và Trung Quốc “cũng sẽ trao đổi công tác thông tin tuyên truyền để tăng cường đưa tin khách quan, tích cực về quan hệ Việt-Trung, tránh đưa tin, bình luận không có lợi cho quan hệ hai nước”.

HÒA ĐÀM GENÈVE NĂM 1954 – NỖI KHÓ XỬ CỦA TRUNG QUỐC (1) – BS

19 Th6

Posted by basamnews on June 19th, 2013

Mạng Trung Quốc 360doc.com

10-11-2010

Người dịch:  Quốc Thanh

Bài này trích từ “Nghiên cứu về lịch sử thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa -2” 《中华人民共和国建国史研究2》 Tác giả:  Dương Khuê Tùng   Nơi xuất bản: Nhà xuất bản nhân dân Giang Tây  Năm xuất bản: 9.2009. (Xin xem: book.douban.com/subject/3923370/).

 

ĐẠO NGHĨA QUỐC TẾ VÀ LỢI ÍCH QUỐC GIA: HÒA ĐÀM GENÈVE NĂM 1954 – NỖI KHÓ XỬ CỦA TRUNG QUỐC

Nước Trung Quốc mới vừa được thành lập đã bị cuốn ngay vào 2 cuộc chiến tranh quy mô lớn với nước ngoài. Một cuộc là Chiến tranh Triều Tiên xảy ra ngoài cương giới vùng Đông Bắc Trung Quốc, một cuộc nữa là Chiến tranh Đông Dương xảy ra ngoài cương giới phía nam Trung Quốc. Cả hai cuộc chiến tranh này gần như đồng thời diễn biến thành Chiến tranh kháng Mỹ viện Triều và Chiến tranh viện Việt kháng Pháp của Trung Quốc, và không hề ngẫu nhiên, chúng hiển nhiên đều có mối liên quan chặt chẽ với đặc tính chính trị của chính Trung Quốc. Nếu như nói Trung Quốc buộc phải dùng hình thức chí nguyện quân để trực tiếp tham gia vào Chiến tranh Triều Tiên, đồng thời trên thực tế trở thành kẻ gánh vác chủ yếu cho cuộc chiến tranh này, rồi còn có thể ở một chừng mực nào đó mà quy nguyên nhân cho sự can thiệp quy mô lớn của “quân đội Liên hợp quốc” do Mỹ đứng đầu, nhen ngọn lửa chiến tranh tới bờ Áp Lục Giang, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia của Trung Quốc, thì việc Pháp bổ sung lực lượng cho cuộc Chiến tranh Đông Dương chỉ là để kéo dài sự thống trị thực dân đã một dạo bị mất đi của mình, chứ không hề cấu thành sự đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia của Trung Quốc mới, vậy thì vì sao chính quyền Trung Quốc mới lại vẫn cứ chi viện với hầu hết mọi hình thức, trừ xuất quân? Rất rõ ràng rằng, bất luận là Chiến tranh Triều Tiên hay Chiến tranh Đông Dương, điều thúc giục chính quyền Trung Quốc mới buộc phải quan tâm cao độ và tích cực viện trợ không hề chỉ là do chúng liên quan đến vấn đề an ninh của chính Trung Quốc. Một nguyên nhân còn quan trọng hơn là những người cộng sản Trung Quốc đã chiến thắng tin rằng họ phải thi hành nghĩa vụ quốc tế của mình.

Do đã có Trung Quốc là hậu phương lớn an toàn, do đã có kinh nghiệm chiến tranh của Trung Quốc cùng sự viện trợ quân sự và vật tư trực tiếp của nước này mà Việt Nam độc lập đồng minh[i] chỉ vẻn vẹn trong thời gian có mấy năm, đã nhanh chóng từ yếu biến thành mạnh, đã xoay chuyển được tình thế chiến trường, bắt đầu trở thành một lực lượng lớn mạnh đủ sức thách thức với ách thống trị của thực dân Pháp. Song, chính giữa lúc đối sánh lực lượng hai bên bắt đầu phát sinh bước ngoặt lịch sử, thì một cuộc Hội nghị Genève năm 1954 đã khiến cho giữa Việt Nam và Pháp đi đến thỏa thuận về phân định ranh giới đình chiến. Hàng vạn bộ đội và cán bộ của Việt Nam độc lập đồng minh buộc phải từ miền Nam Việt Nam và Lào, Campuchia rút về miền Bắc Việt Nam, mục tiêu giải phóng hoàn toàn Việt Nam và giải phóng Lào, Campuchia, thành lập Liên bang Đông Dương cách mạng trong mộng tưởng vốn có đã phải từ bỏ vì thế, Việt Minh chỉ được có một nửa Việt Nam. Mà đóng vai trò chính trong vạch ranh giới đình chiến lại chính là các nhà lãnh đạo Trung Quốc mới đã luôn luôn tích cực ủng hộ cuộc chiến tranh giải phóng Đông Dương. Vì sao chính sách đối ngoại của Trung Quốc mới lại có sự thay đổi quan trọng và nhanh chóng như vậy? Gần đây, một số nhân chứng và nhà nghiên cứu đã đưa ra một vài sự giải thích về việc chính quyền Trung Quốc mới điều cố vấn quân sự cho Việt Minh cùng những nỗ lực hòa bình trong Hội nghị Genève…, song dường như vẫn thiếu sự bàn thảo có hệ thống và đi sâu về tình hình và bối cảnh chuyển đổi chính sách của Trung Quốc mới. Bài này thử bàn về vấn đề này có kết hợp với những gì đã kinh qua trong chuyển đổi chính sách của Trung Quốc mới.

Giải phóng Đông Dương?

Ngày 2.9.1945, trước tình huống Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện, thông qua cuộc “Cách mạng Tháng Tám” dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tuyên bố ra đời, Hồ Chí Minh giữ chức Chủ tịch Chính phủ lâm thời nhân dân. Song, do phe Đồng minh tuyên bố Đông Dương từ vĩ tuyến 16 về phía nam là khu vực đầu hàng của quân đội Anh, về phía bắc là khu vực đầu hàng của quân đội Trung Quốc (tức Quốc dân đảng), nên sau đó quân đội Pháp đã tiến vào với quy mô lớn với sự hỗ trợ của quân đội Anh, mưu đồ khôi phục sự thống trị thực dân của mình đã bị người Nhật cướp mất. Hồ Chí Minh buộc phải tuyên bố thành lập Việt Nam độc lập đồng minh, phát động Chiến tranh chống Pháp trước tình hình quân Pháp Bắc tiến quy mô lớn, để giành lại độc lập và thống nhất cho Việt Nam.

Cuộc Chiến tranh chống Pháp của Việt Nam ngay từ đầu đã là một cuộc đấu không cân sức. Đảng Việt Nam trước đây chỉ mới đánh chiến tranh du kích, bộ đội vừa không được huấn luyện lại vừa thiếu kinh nghiệm chiến tranh chính quy, cộng thêm không có vũ khí tương đối hiện đại, lại phải đối mặt với quân đội Pháp trang bị đầy đủ, đặc biệt là có ưu thế về chi viện không quân, Chiến tranh chống Pháp của nhân dân Việt Nam ngay từ đầu đã ở vào tình cảnh khá khó khăn. Căn cứ địa Trung ương Đảng Việt Nam tuy ở vùng núi Việt Bắc, lại gần biên giới Trung Quốc, nhưng lại thường xuyên bị quân Pháp càn quét và ném bom, đường thông biên giới cùng các yếu điểm chiến lược quan trọng đều bị quân Pháp chiếm giữ. Trước tình hình ấy, sau khi được tin nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập, Hồ Chí Minh, từng là cộng sự suốt thời gian dài với Đảng cộng sản Trung Quốc, đã liên lạc điện đài với Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc khi cuộc Chiến tranh chống Pháp nổ ra, lập tức cử ngay người tới Bắc Kinh yêu cầu Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc viện trợ.

Trung Quốc mới được những người cộng sản Trung Quốc thành lập trong chiến tranh, đã căn cứ vào lý luận cách mạng của Mao Trạch Đông, dùng phương pháp vũ trang để đoạt chính quyền, đi theo con đường lấy nông thôn bao vây thành thị. Vì thế, từ thời kỳ Diên An cho đến sau khi Trung Quốc mới được thành lập, Mao Trạch Đông luôn kiên trì giữ vững quan điểm “nhiệm vụ trọng tâm và hình thức tối cao của cách mạng là vũ trang đoạt chính quyền, là lấy chiến tranh giải quyết vấn đề. Nguyên tắc cách mạng theo chủ nghĩa Mac-Lenin này là đúng phổ biến, dù là ở Trung Quốc hay ở các nước, nhất loạt đều là đúng”. (Mao Trạch Đông tuyển tập, Quyển 2, tr. 541). Chính xuất phát từ quan điểm này, những người cộng sản Trung Quốc ngay từ buổi đầu thắng lợi đã tích cực khích lệ Đảng cộng sản các nước lạc hậu học theo tấm gương của mình.  Mặc dù, khi xem xét đến hoạt động cách mạng ở một số nước Châu Á vẫn còn hết sức khó khăn, “hết sức tránh công khai”, họ không thể không có đôi chút bảo lưu khi tuyên truyền về đường lối cách  mạng Trung Quốc, song thái độ hi vọng vào kinh nghiệm của Trung Quốc có thể mở ra con đường giải phóng cho người dân các nước lạc hậu ở họ thì lại rất dễ dàng nhận thấy. (Lưu Thiếu Kỳ văn cảo, tr. 39-42, tr. 134-135). Vì thế, Hồ Chí Minh lại giương cao ngọn cờ đấu tranh vũ trang, đồng thời cầu viện nơi họ, đương nhiên là họ đã tích cực ủng hộ.

Tháng 12.1949, các đại biểu Lý Ban, Nguyễn Sơn do Hồ Chí Minh cử đi đã tới Bắc Kinh, yêu cầu Đảng cộng sản Trung Quốc gửi cán bộ quân sự cho họ, đồng thời đề nghị cung cấp trang bị cho 3 sư đoàn và viện trợ tài chính 10 triệu USD. Do lúc này Mao Trạch Đông đã đi thăm Moskva, nên Lưu Thiếu Kỳ chủ trì công việc của Trung ương ở Bắc Kinh chịu trách nhiệm toàn diện về công tác viện Việt. Ông không chỉ gửi điện cho bộ đội của Lâm Bưu và Trần Canh vừa mới tới Quảng Tây, vẫn còn chưa kết thúc tác chiến hoàn toàn, yêu cầu họ “trinh sát tình hình con đường liên lạc giữa Quảng Tây với bộ đội Hồ Chí Minh”, chuẩn bị cung cấp sự viện trợ cần thiết cho Đảng Việt Nam, đồng thời đặc biệt gửi điện nói với Đảng Việt Nam là mong họ cử một đoàn đại biểu chịu trách nhiệm về mặt chính trị bí mật tới Trung Quốc để thảo luận và quyết định thiết lập mối quan hệ hai đảng cùng các vấn đề trong đấu tranh phản đế. Khi được biết về vấn đề phía Việt Nam yêu cầu điều cán bộ quân sự sang giúp quân đội nhân dân Việt Nam tác chiến, Lưu Thiếu Kỳ  và các nhà lãnh đạo khác đã nhanh chóng quyết định phái La Quý Ba, chủ nhiệm Văn phòng Quân ủy Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc đưa người tới Việt Nam khảo sát tình hình, để quyết định xem viện trợ và tuyển chọn cử đi các nhân viên quân sự ra sao. Dĩ nhiên, khi cân nhắc đến tình hình Trung Quốc mới vừa được thành lập, sự thống nhất chưa thực hiện được, chiến tranh vẫn đang tiếp diễn, về kinh tế lại càng cực kỳ khó khăn…, Lưu Thiếu Kỳ và các nhà lãnh đạo khác ở Bắc Kinh sau khi bàn bạc, “chỉ đồng ý cung cấp cho Việt Nam một phần đạn dược vũ khí, thuốc men” và một phần vật tư, không đáp ứng được yêu cầu cung cấp trang bị cho 3 sư đoàn và 10 triệu USD từ phía Việt Nam. Còn Mao Trạch Đông ở Moskva sau khi được báo cáo lại, đã tỏ thái độ tích cực còn rõ hơn cả Trung ương ở trong nước. Sau khi được biết Hồ Chí Minh sẽ đến Bắc Kinh, ông yêu cầu Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc một cách rõ ràng rằng: “Với những khoản Việt Nam yêu cầu viện trợ, cái nào có thể được thì nên đáp ứng. Lưu Thiếu Kỳ, Chu Đức, Đổng Tất Vũ, Nhiếp Vinh Trăn đều nên tới ga đón”. (Lưu Thiếu Kỳ văn cảo, tr.165, tr. 186-188).

Trung tuần tháng 1.1950, Trung Quốc tuyên bố lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tiếp đó, Hồ Chí Minh bí mật bay qua Bắc Kinh tới Moskva, cùng trao đổi với Stalin, Mao Trạch Đông về nhiều vấn đề như xây dựng Đảng Việt Nam, Mặt trận dân tộc, quân sự và ngoại giao… Trong cuộc hội đàm, lãnh đạo hai Đảng Trung-Xô đều biểu thị rõ thái độ quyết tâm viện trợ cho Việt Nam giành thắng lợi trong đấu tranh chống Pháp. (Lưu Thiếu Kỳ văn cảo, tr. 343-348).  Theo sự phân công của hai Đảng Trung-Xô, phía Trung Quốc nhanh chóng thành lập Đoàn cố vấn quân sự do Vi Quốc Thanh làm trưởng đoàn, đồng thời tổ chức cho quân đội vận chuyển từ Liễu Châu qua Nam Ninh đến biên giới các loại vũ khí đạn dược và thiết bị quân sự mà phía Việt Nam cần, thậm chí theo kế hoạch đã trao đổi thống nhất, sẽ đưa các sư đoàn 308 (thiếu 1 trung đoàn) và 309, trung đoàn 174 Quân đội nhân dân Việt Nam bí mật đi vào trong các căn cứ địa Nghiễn Sơn Vân Nam và Tĩnh Tây Quảng Tây đã chuẩn bị riêng sẵn, để hai quân khu Quảng Tây chịu trách nhiệm thay đổi trang bị toàn diện và tiến hành huấn luyện.

Tháng 6.1950, Trung ương Đảng Việt Nam sau khi đã trao đổi lại với đại diện La Quý Ba của Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, đồng thời với Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc thông qua La Quý Ba, đã quyết định phát động Chiến dịch Biên giới, nhằm phá vỡ vòng phong tỏa của quân Pháp đối với Căn cứ địa Việt Bắc, mở tuyến giao thông Trung-Việt. Vì thế, Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc không chỉ căn cứ theo yêu cầu của Đảng Việt Nam ra lệnh cho Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc nhanh chóng tới tiền tuyến Việt Bắc, tổ chức thành lập Ủy ban chi viện, phụ trách việc huy động và vận chuyển các vật tư viện trợ như lương thực, đạn dược thuốc men…, đặt bệnh viện dã chiến để thu hồi và chữa trị thương binh quân Việt Nam, đồng thời còn cử thêm Trần Canh, Phó tư lệnh Quân khu Tây Nam kiêm Phó tư lệnh Quân khu Vân Nam, với danh nghĩa đại diện Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, tới hiệp trợ tiến hành chỉ huy việc tổ chức toàn bộ chiến dịch.

Trần Canh và những người khác bí mật lên đường tới Việt Nam vào thượng tuần tháng 7, sau khi đã nghiên cứu kĩ cùng với Mao Trạch Đông về ý tưởng và phương án cụ thể của Chiến dịch Biên giới, ngày 16.9, tức vào ngày thứ hai quân Mỹ đổ bộ lên Incheon Triều Tiên, đã hiệp trợ các nhà lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam như Võ Nguyên Giáp…chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam nổ súng mở màn chiến dịch này. Mao Trạch Đông lúc này một mặt quan tâm cao độ đến tình hình Chiến tranh Triều Tiên, mặt khác vẫn đích thân tham gia chỉ đạo Chiến dịch Biên giới của Việt Nam, phê duyệt các báo cáo chiến trận từ tiền tuyến đồng thời có những chỉ thị cần thiết, yêu cầu quân dân Việt Nam bắt được địch xong phải “kiên quyết, triệt để tiêu diệt, cho dù có bị thương vong tương đối lớn cũng không được tiếc rẻ, không được dao động”. (Nhóm biên soạn lịch sử Đoàn cố vấn, tr.22). Chính nhờ sự giúp đỡ to lớn từ phía Trung Quốc mà chỉ trong thời gian chưa đầy 1 tháng, tức vào trước ngày Chí nguyện quân nhân dân Trung Quốc chính thức xuất quân tới Triều Tiên, Chiến dịch Biên giới đã giành được thắng lợi quan trọng. Chiến dịch này tiêu diệt được toàn bộ 8 tiểu đoàn địch, bắt sống khoảng 8000 tên, tịch thu một lượng lớn vũ khí đạn dược, thu hồi 5 thành phố, 13 huyện thị trấn, hệ thống phòng ngự tại biên giới Trung-Việt của quân Pháp hoàn toàn bị tan rã, tuyến giao thông Trung-Việt được khơi thông triệt để, cả một vùng biên giới dài 750km trở thành căn cứ địa vững chắc của Đảng Việt Nam.

Cuộc Đấu tranh viện Việt kháng Pháp sau đó của Trung Quốc gần như đồng bộ với cuộc Chiến tranh kháng Mỹ viện Triều. Trong khoảng thời gian hơn 3 năm, chính quyền Trung Quốc mới mặc dù đứng trước một loạt những vấn đề phức tạp có liên quan tới toàn bộ lợi ích quốc gia như phục hồi kinh tế, Chiến tranh Triều Tiên và củng cố chính quyền…, lẽ ra cần rút ngắn chiến tuyến, giảm bớt ngoại viện, song điều mà Mao Trạch Đông và các nhà lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc cân nhắc nhiều hơn cả hiển nhiên là nghĩa vụ quốc tế của mình, chứ không phải chỉ là lợi ích quốc gia đơn thuần. Họ không chỉ huy động một lượng lớn súng pháo, đạn dược và các loại vật tư  từ bộ đội trong nước vốn không dư dả gì để cung cấp cho quân dân Việt Nam, giúp đỡ trang bị và huấn luyện bộ đội bộ binh, pháo binh, công binh…, đồng thời còn hiệp trợ cụ thể cho Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam tổ chức một loạt các hành động chiến dịch trọng yếu. Từ góc độ tác chiến quân sự với quân Pháp, đồng thời cũng là từ góc độ giải phóng toàn bộ Đông Dương, Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc còn tích cực ủng hộ Đảng Việt Nam mở rộng chiến tranh sang Lào và Campuchia, giúp đỡ cuộc đấu tranh giải phóng Lào và Campuchia. Tới khoảng năm 1953, cuộc Đấu tranh chống Pháp đã mở rộng sang cả Lào và Campuchia, đồng thời hình thành nên lực lượng chống trả của 3 nước Đông Dương lấy Việt Nam độc lập đồng minh làm cốt cán. (Tiền Giang, tr.72-74, 96-97;  Nhóm biên soạn lịch sử Đoàn cố vấn, tr.21-22, 56, 60, 88-89;  Thực lục, tr.42).

Đi đến Genève

Thái độ tích cực của Trung Quốc mới đối với việc viện trợ cho Việt Nam cùng cuộc Đấu tranh giải phóng toàn bộ Đông Dương, đối với cuộc Chiến tranh kháng Mỹ viện Triều được tiến hành gần như đồng thời, đã phản ánh rất rõ quyết tâm dám gánh vác trách nhiệm lịch sử viện trợ cho phong trào cách mạng Châu Á của các nhà lãnh đạo Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc. Đặc biệt là khoảng 2 tháng sau khi xuất quân sang Triều Tiên, tháng 2.1950, chí nguyện quân đã đánh lui quân Mỹ cùng “quân đội Liên hợp quốc” bất khả chiến bại ra khỏi ngoài sông Áp Lục tới vài trăm dặm, giúp Đảng lao động Triều Tiên đoạt lại Bắc Triều Tiên, đồng thời cuối cùng đã trụ vững được ở gần đường ranh giới quân sự phân giới Nam-Bắc Triều Tiên, điều này càng làm cho Mao Trạch Đông và các nhà lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc thêm phần coi khinh Đế quốc Mỹ. Kết quả là, giữa 3 bên Trung-Xô-Triều, Trung Quốc là bên đảm nhận trách nhiệm tác chiến chủ yếu nhất lại là bên cuối cùng tán thành thỏa hiệp đình chiến với Mỹ. (Dương Khuê Tùng, tr.12).

Tháng 3.1953, Stalin qua đời, thái độ của giới lãnh đạo Liên Xô đối với Chiến tranh Triều Tiên thay đổi đột ngột, cộng thêm Bắc Triều Tiên cũng tha thiết mong muốn thực hiện hòa bình, chính quyền Trung Quốc tuy hết sức bất bình với thái độ của Mỹ về vấn đề tù nhân chiến tranh…, song khi xem xét đến tình hình này cũng áp dụng phương châm thỏa hiệp. Tháng 7, Chiến tranh Triều Tiên sau khi đã trải qua cục diện đánh đánh đàm đàm kéo dài khoảng 2 năm trời, cuối cùng đã thực hiện đình chiến. Triều Tiên đình chiến, đặc biệt là sự thay đổi về thái độ của giới lãnh đạo Liên Xô, là dấu hiệu báo trước toàn bộ mối quan hệ quốc tế, nhất là mối quan hệ căng thẳng giữa hai mặt trận lớn Xô-Mỹ sẽ bắt đầu chuyển sang hòa hoãn cùng với tình thế này. Sau khi trải qua chiến tranh và căng thẳng kéo dài gần 3 năm, chính sách hòa hoãn được sự ủng hộ và đóng vai trò chủ đạo của Trung ương Đảng cộng sản Liên Xô cũng dần dần được sự tán đồng của lãnh đạo Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, Thủ tướng Quốc vụ viện kiêm Bộ trưởng Bộ ngoại giao Chu Ân Lai, rõ ràng là mong muốn nhìn thấy một môi trường quốc tế hòa bình, có thể để cho Trung Quốc mới bắt đầu xây dựng nền kinh tế quy mô lớn. Với tư cách là người đại diện chủ yếu nhất đề xướng nền ngoại giao hòa bình, ông nêu rõ: Mặc dù sự đối lập giữa hai mặt trận lớn vẫn là cơ bản, nhưng nó không có nghĩa là chiến tranh tất phải xảy ra. “Nếu như cuộc chiến tranh mới có thể đầy lùi được, thì cũng có thể được ngăn chặn”. Hiện nay, “điểm cơ bản trong chính sách của chúng ta là thực hiện chung sống hòa bình và cạnh tranh hòa bình giữa các nước theo các chế độ khác nhau”. (Chu Ân Lai niên phổ, tr.305).

Chiến tranh kháng Mỹ viện Triều là cuộc giao đấu đầu tiên của người cộng sản Trung Quốc với người Mỹ, đồng thời cũng là cuộc chiến tranh hiện đại đầu tiên mà họ đã trải qua. Mặc dù kết quả của cuộc chiến tranh khích lệ lòng người, song rất nhiều nhà lãnh đạo trong Đảng đã nhìn ra, thắng lợi của “[hạt] kê cộng với súng trường” qua kinh nghiệm cho thấy rõ là không đủ để ứng phó với vũ khí quân sự hiện đại được trang bị đến tận răng của quân Mỹ, giữa hai bên có sự chênh lệch lớn về trang bị, hỏa lực và hải không quân, khiến cho Trung Quốc mới không chỉ phải chi trả sự hi sinh lớn hơn nhiều so với Mỹ, mà còn phải nhờ vào trang bị quân sự của Liên Xô mới có thể duy trì được khả năng đọ sức quân sự tiến hành trong thời gian dài trên chiến trường với Mỹ. Sự thực ấy cũng khiến cho lãnh đạo Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc nhận rõ được tính tất yếu và tính cấp bách của việc nhanh chóng thực hiện công nghiệp hóa Trung Quốc, nhằm thúc đẩy hiện đại hóa quốc phòng.

 

Trung Quốc mới ở buổi đầu thành lập thương tích đầy mình, mọi thứ đều đợi xây dựng lại, nhiệm vụ khôi phục và xây dựng kinh tế hết sức nặng nề. Song nếu tiến hành chiến tranh sẽ làm hạn chế nghiêm trọng việc nhà nước dồn lực lượng chủ yếu đầu tư vào xây dựng kinh tế. Năm 1950, 52% chi tiêu tài chính quốc gia là chi phí quân sự, 60% trong đó dành cho viện trợ chiến tranh chống Mỹ. Đến năm 1952, tuy chiến tranh đã bước vào giai đoạn giằng co, chi phí quân sự vẫn chiếm tới 33% tổng chi tiêu tài chính quốc gia, phần chủ yếu trong đó cũng dùng vào Chiến tranh kháng Mỹ viện Triều. Nghe nói, vì cuộc chiến tranh dài gần 3 năm này, Trung Quốc đã mất khoảng 10 tỷ USD. (Lực Bình, tr.261; Diêu Húc, số 5 năm 1980). Mặc dù năm 1952, khi Chu Ân Lai dẫn đầu đoàn đại biểu đi thăm Liên Xô đã chú trọng đề xuất với Liên Xô giúp Trung Quốc thực hiện công nghiệp hóa và thực thi Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, song trước khi chiến tranh kết thúc,các khoản viện trợ cụ thể vẫn khó lòng thực hiện được hòan toàn. Hầu hết khoản tiền trị giá 300 triệu USD mà Mao Trạch Đông đã ký vay trong chuyến thăm Liên Xô vào đầu năm 1950 và khoản viện trợ của Liên Xô cho đến trước khi kết thúc chiến tranh sau đó đều không thể không dùng cho chiến trường kháng Mỹ viện Triều và vào việc đổi mới trang bị cho bộ đội. Vì thế, cùng với Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất năm 1953 bắt đầu được thực thi toàn diện, nhất là vào ngày 15.6 năm đó, Mao Trạch Đông bắt đầu đề ra Đường lối chung của thời kỳ quá độ xã hội chủ nghĩa, công việc xây dựng chủ nghĩa xã hội và cải tạo xã hội chủ nghĩa được triển khai toàn diện, tạo một môi trường quốc tế hòa bình ổn định ở ranh giới đình chiến của Triều Tiên, nhằm tập trung lực lượng thực hiện bước quá độ của chủ nghĩa xã hội, cần nói đó cũng là một sự lựa chọn chiến lược mà đa số lãnh đạo Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc mong muốn nhìn thấy.

Triều Tiên đình chiến, thái độ của Trung Quốc mới đối với cuộc Chiến tranh Đông Dương nhanh chóng bắt đầu trở thành một vấn đề buộc phải cân nhắc. Bởi vì, cũng giống như Chiến tranh Triều Tiên, Chiến tranh Đông Dương thực sự cũng đã trở thành một điểm nóng chiến tranh đối kháng giữa Trung Quốc và Mỹ. Cũng vào năm 1950, Pháp khôi phục lại sự thống trị ở Việt Nam đã được sự ủng hộ công khai ở một chừng mực nào đó của Mỹ.  Ngoại trưởng Mỹ Dean Acheson vào ngày 11.5 năm này từng ra một tuyên bố riêng loan tin để ngăn chặn sự lan tràn của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á, Mỹ sẽ cung cấp viện trợ về quân sự và kinh tế với hàng chục triệu USD. Sau đó, mặc dù Chiến tranh Triều Tiên đã kiềm chế cực lớn sức mạnh của Mỹ, song Mỹ vẫn luôn trợ giúp Pháp tiến hành chiến tranh về ngoại giao và vật chất. Từ năm 1951 đến 7.1954, chính phủ Mỹ chỉ trong phần lên kế hoạch đã có mức viện trợ cung cấp cho Pháp để dùng cho chiến trường Đông Dương đã lên tới con số hơn 20 tỉ USD. (Lôi Anh Phu, tr.57). Sau khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc, Mỹ dĩ nhiên sẽ dồn sự chú ý nhiều hơn đến Đông Dương, khả năng xảy ra cuộc chiến tranh ở Đông Dương giữa Trung Quốc và Mỹ tăng lên đáng kể.

Lường đoán về nguy cơ Mỹ có khả năng dính líu vào cuộc Chiến tranh Đông Dương chắc chắn là xuất phát điểm chủ yếu mà Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc cân nhắc chính sách vào lúc này. Sau khi Chiến tranh Triều Tiên vừa mới kết thúc, lại triển khai một cuộc đọ sức quân sự mới ở Đông Dương với các nước Pháp, Mỹ…, hiển nhiên không phải là điều mà các nhà lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc mong muốn. Việc xuất quân kháng Mỹ viện Triều vào năm đó đã từng dẫn đến tranh luận gay gắt trong nội bộ Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, cho dù phải coi trọng cao độ chủ nghĩa quốc tế, song Mao Trạch Đông chủ trương xuất quân cũng không thể không cân nhắc tới việc sẽ đem lại một loạt những vấn đề phức tạp về quân sự và ngoại giao, vì thế phải suy đi tính lại lợi hại được mất. Chiến tranh Triều Tiên cuối cùng cũng đã kết thúc, nếu như lại xảy ra chiến tranh trực tiếp với Mỹ lần nữa ở Đông Dương, thì không chỉ môi trường hòa bình có lợi cho triển khai việc xây dựng nền kinh tế quy mô lớn do đình chiến Triều Tiên hình thành nên sẽ không tồn tại, Trung Quốc sẽ lại phải vác gánh nặng chiến tranh, mà  cả điều kiện tác chiến ở Đông Dương cũng khác một trời một vực với điều kiện tác chiến ở Triều Tiên. Năm đó sở dĩ phải xuất quân sang Triều Tiên, một cân nhắc quan trọng là vì ngành công nghiệp nặng của Trung Quốc đều nằm ở 3 tỉnh vùng Đông Bắc, để Mỹ tiến đến bờ sông Áp Lục, thì vùng Đông Bắc sẽ không có ngày nào yên. Còn sở dĩ có thể xuất quân sang Triều Tiên được, một cân nhắc quan trọng cũng là vì Triều Tiên ở rất gần các cơ sở công nghiệp của Trung Quốc và Liên Xô là nước cung cấp viện trợ quân sự, đủ để bảo đảm cho sự cung ứng kịp thời những trang bị và vật tư cần cho chiến tranh. Tác chiến ở Đông Dương sẽ không có được tiền đề như vậy. Không chỉ sự đe dọa từ bên ngoài không nghiêm trọng bằng, mà còn với tình trạng tòan bộ hệ thống giao thông ở Nam Bộ tương đối kém, nếu muốn vượt qua cả đất Trung Quốc để vận chuyển kìn kìn những trang bị và vật tư cần cho chiến tranh xuống cương giới phía nam thì cũng quá là khó khăn. Hơn nữa, địa hình địa mạo của Đông Dương cũng rất bất lợi cho sự tác chiến của những binh đoàn lớn. Lưu ý đến những nhân tố này, sau khi chính phủ Liên Xô đề xuất ý tưởng cũng vạch ranh giới đình chiến ở Đông Dương giống như Triều Tiên, nhiều nhà lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc dĩ nhiên đã nghiêng về hướng chọn lựa sự ủng hộ hòa bình rất nhanh.

Tất nhiên, một bàn tay đâu làm nên tiếng vỗ. Lúc này vừa hay đại đa số người Pháp cũng mong muốn đình chiến. Chiến tranh liên tục hơn 6 năm trời, gây hao tổn một lượng lớn nhân lực vật lực và cả sinh mệnh của lớp thanh niên Pháp, lại nhìn rõ mồn một lực lượng Việt Nam độc lập đồng minh đang ngày một lớn mạnh, hi vọng tiêu diệt được chính quyền Hồ Chí Minh ngày càng mờ mịt, cộng thêm Triều Tiên lại đang thực hiện đình chiến, tâm lí chán ghét chiến tranh của dân chúng Pháp dĩ nhiên là ngày một tăng.  Về điều này, Đảng Việt Nam cũng hiểu khá rõ. Mặc dù sự lường đoán về điều kiện hòa bình của họ vẫn còn không giống hẳn với Trung Quốc và Liên Xô, nhưng Hồ Chí Minh sau khi nhận được lời đề nghị từ phía Liên Xô cũng đã hưởng ứng rất nhanh bằng bài nói chuyện công bố công khai vào 11.1953. (Hồ Chí Minh tuyển tập, tập 2, tr.263).

Sau khi được sự chấp thuận của 2 đảng Trung, Việt, tháng 1.1954, Bộ trưởng ngoại giao Liên Xô Molotov đã đưa ra đề nghị về hòa hoãn cục diện quốc tế, đồng thời thảo luận về vấn đề áp dụng các biện pháp có liên quan tại Hội nghị ngoại trưởng tại Berlin do 4 nước Mỹ, Anh, Pháp và Liên Xô triệu tập, trong đó có bao gồm vấn đề thực hiện đình chiến ở Đông Dương. Do nhận được sự hưởng ứng từ Pháp và Anh, khi cuộc Hội nghị ngoại trưởng kết thúc vào 19.2, Bộ trưởng ngoại giao 4 nước đã nhất trí tuyên bố đồng ý triệu tập Hội nghị Genève vào 2 tháng sau đó, để thảo luận riêng về giải quyết hòa bình cho vấn đề Triều Tiên và vấn đề đình chiến ở Đông Dương. (Bell, tr.23 và tr. 178). Nhận được tin này, Chu Ân Lai nhận định rõ ràng: Hội nghị Genève đóng vai trò quan trọng trong việc làm dịu tình hình căng thẳng quốc tế, Trung Quốc không chỉ cần tham gia tích cực, mà còn phải tranh thủ giải quyết một số vấn đề tại Genève. Trước tiên, phải tranh thủ thực hiện ngừng bắn lấy vĩ tuyến 16 làm đường ranh giới Nam-Bắc, thông qua khẩu hiệu thống nhất hòa bình, độc lập dân tộc và bầu cử tự do mà thúc giục Pháp rút quân, phản đối sự can thiệp của Mỹ, nỗ lực làm cho chính phủ Hồ Chí Minh trở thành chính phủ hợp pháp duy nhất do người dân Việt Nam bầu ra. Cho dù trong Hội nghị có không đi đến bất cứ thỏa thuận nào, thì cũng phải làm cho cuộc đàm phán hòa bình này không đến nỗi bị gián đoạn hoàn toàn, tranh thủ hình thành cục diện vừa đánh vừa đàm, nhắm làm gia tăng những khó khăn trong nội bộ Pháp và những mâu thuẫn giữa Pháp và Mỹ. Thứ đến là tranh thủ mở ra con đường giải quyết tranh chấp quốc tế bằng sự thương lượng giữa các nước lớn, thừa cơ tăng cường các hoạt động ngoại giao và quốc tế của chính mình, phân hóa phe đế quốc chủ nghĩa, phá vỡ sự phong tỏa và cấm vận của Mỹ đối với Trung Quốc mới.  Tại Hội nghị Ban thư ký Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, chủ trương này của Chu Ân Lai đã được phê chuẩn. (Chu Ân Lai niên phổ, tr. 355-356; Lý Liên Khánh, tr.7-11).

Tình thế quân sự lúc này ở Đông Dương rõ ràng là có lợi cho Việt Nam, Lào và Campuchia. Hồi mùa thu năm 1953, Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc đã căn cứ theo Kế hoạch quân sự đã có được từ Tổng tư lệnh viễn chinh Đông Dương Navarre của Pháp để đề xuất với Việt Nam phương châm chiến lược tiêu diệt trước tiên quân địch ở vùng Lai Châu, giải phóng Bắc và Trung Liêu Quốc[ii], sau đó chuyển dần chiến trường về hướng Nam Lào và Cao Miên[iii],  uy hiếp Sài Gòn. Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc đã dựa vào đó để soạn thảo Kế hoạch tác chiến mùa đông lấy việc đoạt lại cả vùng Tây Bắc làm mục tiêu.  Navarre hiển nhiên cũng ý thức được giá trị chiến lược của vùng Tây Bắc Việt Nam, vì thế đã không ngần ngại dốc toàn lực sống mái đột ngột điều 6 tiểu đoàn nhảy dù xuống yếu địa chiến lược Điện Biên Phủ gần biên giới Lào ở phía tây bắc Việt Nam, từ đó liên tục gia tăng binh lực, mở sân bay, xây công sự, tích trữ vật tư quân sự, tạo thành cụm Tập đoàn cứ điểm phòng ngự kiên cố, đồng thời tăng quân sang lào, điều 6 tiểu đoàn chiếm các vùng Mãnh Khê, Mãnh Khoa…, thiết lập phòng tuyến Nam Ô Giang liên kết Thượng Lào với Điện Biên Phủ. Hành động này của quân Pháp chính là đã tạo ra một cơ hội tiêu diệt địch để quân đội nhân dân Việt Nam tập trung lực lượng chuẩn bị tác chiến Tây bắc. Hai bên Trung-Việt nhanh chóng trao đổi ấn định Kế hoạch Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng thời không chút chần chừ liên tục điều đến xung quanh Điện Biên Phủ bộ đội lựu đạn, pháo cao xạ của quân đội nhân dân được trang bị huấn luyện tại Trung Quốc, cùng bộ đội pháo binh, công binh vốn có của quân đội nhân dân. Trong khi đó, các bộ đội khác của quân đội nhân dân lần lượt Nam tiến ồ ạt theo kế hoạch đã định. Đến trung tuần tháng 2, các cuộc tấn công vào Thượng, Trung, Hạ Lào của quân đội nhân dân đều giành được những thành công rất lớn, về cơ bản đã thực hiện được kế hoạch mở tuyến giao thông chiến lược Nam-Bắc Đông Dương như đã định, đồng thời kiểm doát được 6 con đường quốc lộ theo hướng Đông-Tây là số 6, 7, 8, 9, 12…, phần lớn các tuyến giao thông chiến lược tại Đông Dương của quân Pháp đều bị chặt đứt, như vậy, một lượng lớn binh lực của Pháp đổ vào Điện Biên Phủ sẽ không tránh khỏi như cá nằm trong chậu.

Tích cực đánh là để giành lấy hòa. Càng gần đến ngày họp Hội nghị Genève, Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc lại càng chủ trương phải đánh hăng hơn một chút. Phương châm “Lấy đánh thúc hòa” đã được đề ra trong tình thế như vậy. (Từ Diệm, tr.243-244). Sau khi phương châm tham gia Hội nghị Genève đã được xác định, Chu Ân Lai gọi điện riêng cho Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc tại Việt Nam, yêu cầu Đoàn cố vấn và quân đội nhân dân trước khi thảo luận về vấn đề khôi phục hòa bình Đông Dương tại Hội nghị Genève, “để giành được thế chủ động về ngoại giao, liệu có thể làm giống như trước đình chiến Triều Tiên là tổ chức đánh vài trận thật đẹp tại Việt Nam hay không”. (Nhóm biên soạn Lịch sử Đoàn cố vấn, tr.88-89; Chu Ân Lai niên phổ, tr.358). Thế là vấn đề thực thi Chiến dịch Điện Biên Phủ đã được đưa vào chương trình nghị sự.

Chiến dịch Điện Biên Phủ mang ý nghĩa khá quan trọng đối với việc giành được quyền chủ động ngoại giao tại Hội nghị Genève của Việt Nam, buộc chính phủ Pháp phải đồng ý phân giới đình chiến. Ngày 13.3, Chiến dịch mở màn. Quân ủy Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc quan tâm chặt chẽ, sẵn sàng giúp đỡ quân đội nhân dân giải quyết mọi vấn đề vào bất cứ lúc nào, bao gồm điều cán bộ công binh lao ra tiền tuyến, giúp đào hào ngầm dùng thuốc nổ phá tung cứ điểm quân địch, lâm thời tăng viện  một trung đoàn pháo tên lửa tổng cộng 24 tiểu đoàn pháo cùng huy động một lượng lớn xe giúp vận chuyển một lượng lớn đạn dược, vũ khí và lương thực… cần cho chiến dịch. Thái độ của Mao Trạch Đông rất rõ ràng: Không chơi đau người Pháp thì không thể giải quyết được vấn đề. Quân dân Việt Nam không chỉ phải chuẩn bị nắm lấy Điện Biên Phủ, nhanh chóng chiếm lấy Luang Prabang, mà còn phải chuẩn bị tinh thần lỡ ra Hội nghị Genève không có kết quả, thì phải đoạt lấy Hà Nội, tấn công Sài Gòn, giải phóng toàn bộ Đông Dương. (Mao Trạch Đông văn cảo, tr.474-475).

Đương nhiên, muốn chơi đau được người Pháp, lại muốn không để cho Pháp nghiêng về phía Mỹ là nước chủ chiến, đòi hỏi phải có mẹo đáng kể. Ngày 19.4, đúng vào ngày Chu Ân Lai chính thức được bổ nhiệm làm trưởng Đoàn đại biểu nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đi dự Hội nghị Genève, ông liền đặc biệt tiếp kiến đại sứ Ấn Độ là người luôn truyền đi thông điệp giữa Trung Quốc, Mỹ và Anh, muốn ông ta “nói với các nước Phương Tây như Anh, Pháp… rằng họ đang đứng trước hai con đường phải lựa chọn lấy một, hoặc là quan hệ tốt với nhân dân Châu Á, do đó mà bảo đảm được một phần lợi ích cho họ, hoặc là  cự tuyệt con đường này, chọn lấy con đường đi cùng với Mỹ, do đó mà sẽ mất tất cả”. “Đoàn đại biểu Trung Quốc sẽ làm hết sức mình để tìm cách đi đến thỏa thuận, nhất là đi đến thỏa thuận về vấn đề khôi phục hòa bình ở Đông Dương”. (Chu Ân Lai niên phổ, tr. 360-361). Lưu ý tới tác động nguy hiểm của Mỹ, Mao Trạch Đông cảnh báo lãnh đạo Quân ủy: Phải tính đến khả năng Việt Nam có ngừng bắn. Ngay cả sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ đã đại thắng quân Pháp, cánh cửa tấn công Lào và Hà Nội đã được mở ra, thì ông ta vẫn cứ yêu cầu tiền phương phải khống chế quy mô tác chiến, không được mở rộng, chỉ giữ ở độ gây áp lực vừa phải, để giành lấy sự thành công ở cuộc đàm phán Genève. (Mao Trạch Đông văn cảo, tr. 480, 509). Sách lược này của Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc đã đạt được mục đích lôi kéo Mỹ, Pháp trung lập, đi đến thỏa thuận.

(Còn tiếp 1 kỳ)

Nguồn: Mạng Trung Quốc 360doc.com

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2013

 


[i]   Gọi tắt: Việt Minh –ND.

[ii]  Tức Lào –ND.

[iii]   Tức Campuchia –ND.

[iv]   Tức New Zealand. Tôi để theo cách gọi của người VN trước đây –ND.

Việt Nam sẽ ra sao sau bài Diễn văn Shangri-La – Bauxite

19 Th6

Việt Nam sẽ ra sao sau bài Diễn văn Shangri-La

Posted by adminbasam on June 19th, 2013

Boxit Việt Nam

GS Lê Xuân Khoa

18-06-2013

Trên những vấn đề bức thiết của xã hội Việt Nam hiện nay, nguyên tắc mà BVN vẫn tuân thủ, là trong khi đăng các bài luận bàn, không bao giờ để xen vào những khen chê tư cách cá nhân các nhân vật đang giữ các vị trí then chốt trong bộ máy quyền lực, mà chỉ giới hạn ở những việc làm hoặc phát ngôn cụ thể của họ, dưới góc nhìn lợi hay hại, ngắn hạn hay dài hạn đối với đất nước. Bài viết sau đây của GS Lê Xuân Khoa – một học giả và chính khách nổi tiếng, hiện ngụ cư tại Hoa Kỳ, từng nhiều lần về Việt Nam gặp gỡ trí thức trong nước và cả các vị nguyên thủ như Thủ tướng Võ Văn Kiệt – tuy có đề cập đến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhưng thông qua việc đánh giá lời phát biểu của ông Dũng tại Diễn đàn Shangri-La, nên theo chúng tôi, đây là cách tác giả đặt một vấn đề chung về con đường tối cần thiết cho lợi ích lâu dài của Tổ quốc Việt Nam, tất nhiên là từ quan điểm riêng của người viết.

 

H2

GS Lê Xuân Khoa gặp gỡ các GS Hoàng Ngọc Hiến, Phan Đình Diệu và Nguyễn Huệ Chi ngày 12-1-2005 tại Hà Nội nhân chuyến ông về Việt Nam thăm TT Võ Văn Kiệt

 

Xin trân trọng đăng lên để bạn đọc rộng đường tham khảo.

 

Nguyễn Huệ Chi

Ngày 31 tháng Năm, 2013, tại kỳ họp thượng đỉnh về an ninh thứ 12 của “Đối Thoại Shangri-La,” Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã được mời làm diễn giả chính. Đề tài diễn văn là “Xây dựng Lòng tin Chiến lược vì Hoà bình, Hợp tác và Thịnh vượng trong Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương” .

Đây là lần đầu tiên Việt Nam đưa ra một quan điểm chiến lược nhằm giải quyết toàn bộ cuộc khủng hoảng chính trị có nguy cơ đưa đến chiến tranh giữa Trung Quốc và một số quốc gia trong khu vực. Quan điểm này được xây dựng trên một ý niệm then chốt là “lòng tin chiến lược” (strategic trust), một thuật ngữ được sử dụng trong những cuộc đối thoại nhằm tiến đến hợp tác về kinh doanh hay chính trị để phân biệt với lòng tin đạo lý (moralistic trust) hay lòng tin cậy đơn thuần (trust) giữa những người thân tín trong cùng một gia đình hay tổ chức. Gần đây nhất, trong lần thăm Hoa Kỳ năm 2012 khi còn là Phó Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình cũng đã nhắc đến “lòng tin chiến lược” như một nền tảng cho sự hợp tác có lợi cho cả hai nước.

Tại Đối thoại Shangri-La lần này, Lòng tin Chiến lược đã được Thủ tướng Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh và quảng diễn như một điều kiện sine qua non (không có không được) trong quan hệ hợp tác giữa các nước liên quan nhằm đem lại lợi ích cho tất cả mỗi bên và đảm bảo hòa bình lâu dài trong khu vực. Nhà báo Marites D. Vitug đã đếm được 40 lần ông Nguyễn Tấn Dũng nói đến lòng tin chiến lược. Tiến sĩ John Chipman, người tổ chức Đối thoại Shangri-La, phát biểu trong phiên bế mạc rằng “Lòng tin Chiến lược” đã trở thành chủ đề của kỳ Đối thoại này.

Riêng trong vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Việt Nam đã dựa vào Lòng tin Chiến lược để gửi ra ba thông điệp chính trị:

1. Với Trung Quốc: tuy không nêu đích danh, ông Dũng đã rõ ràng chĩa mũi dùi vào Trung Quốc khi ông liệt kê một chuỗi lý do đã gây nên tình trạng báo động về an ninh khu vực: “đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền”. Ông Dũng thúc giục Trung Quốc hãy cùng với ASEAN “đề cao trách nhiệm và lòng tin chiến lược” để sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) “phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS)”.

2. Với các nước ASEAN: ông Dũng nhấn mạnh vào sự cần thiết của “một ASEAN đồng thuận, đoàn kết và với vai trò trung tâm trong nhiều cơ chế hợp tác đa phương”. Ông gián tiếp chỉ trích Campuchia đi theo Trung Quốc “vì lợi ích của riêng mình” khiến cho hội nghị ASEAN tại Phnom Penh năm 2012 do Campuchia làm Chủ tịch đã không thể ra được bản Tuyên bố chung. Ông Dũng tin rằng, nhờ tình đoàn kết, ASEAN sẽ có thể cùng các nước đối tác “xây dựng một cơ chế khả thi để bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải trong khu vực và tạo điều kiện giải quyết các tranh chấp”.

3. Với Hoa Kỳ: Khi xác nhận Hoa Kỳ là “một cường quốc Thái Bình Dương”, ông Dũng cho thấy Hoa Kỳ, dù không phải là thành viên của ASEAN, cũng đương nhiên có vai trò chiến lược trong khu vực. Khi nhấn mạnh Hoa Kỳ và Trung Quốc là “hai cường quốc có vai trò và trách nhiệm lớn nhất đối với cả khu vực và thế giới” , ông Dũng làm nổi bật hình ảnh tương phản giữa hai nước lớn này trong trách nhiệm “tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền độc lập của các quốc gia… đóng góp thiết thực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng chung”.

Tóm lại, qua bài diễn văn then chốt tại Đối thoại Shangri-La, Thủ tướng Việt Nam đã cho thấy một bước ngoặt quan trọng về chính sách đối ngoại của Hà Nội: tìm cách thoát khỏi sự khống chế của Bắc Kinh và gia tăng hợp tác với Hoa Thịnh Đốn. Có thể nói đây là chính sách “xoay trục sang Hoa Kỳ” (pivot to the U.S.) của chính quyền Việt Nam. Điều này không có nghĩa là Việt Nam muốn tìm một đồng minh quân sự để chống lại Trung Quốc mà chỉ là một quyết định khôn ngoan để bảo vệ độc lập và chủ quyền của mình. Trong phần cuối bài diễn văn, ông Dũng đã khẳng định là “Việt Nam không liên minh với nước này để chống lại nước khác”. Điều này hé mở khuynh hướng về quy chế trung lập có thể sẽ được các nước ASEAN chấp thuận như một chọn lựa thích hợp với “vai trò trung tâm trong nhiều cơ chế hợp tác đa phương”.

Sự can dự chiến lược của Hoa Kỳ

Hẳn không hoàn toàn vì tình cờ mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, cũng tại diễn đàn Shangri-La, đã xác nhận không thể rõ ràng hơn sự can dự chiến lược của Hoa Kỳ ở Châu Á-Thái Bình Dương nhằm “tăng cường hợp tác vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng” như đã được Thủ tướng Việt Nam trông đợi. Ông Hagel nói đến những đầu tư cụ thể vào các chương trình trợ giúp nhân đạo và phát triển, đặc biệt là chương trình hợp tác thưong mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang thành lập và “Sáng kiến cho khu vực Hạ lưu sông Mekong” (Lower Mekong Initiative) đã khởi sự từ 2009. Cũng như ông Dũng, ông Hagel mong đợi sớm có Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông và một môi trường hợp tác có lợi ích cho tất cả các bên, tạo điều kiện giải quyết các tranh chấp không dùng đến sức mạnh. Bộ trưởng Hagel cũng kêu gọi Trung Quốc hãy cùng với Hoa Kỳ và ASEAN thiết lập một cấu trúc về an ninh làm cơ sở chung cho việc giải quyết những điểm khác biệt một cách có hiệu quả.

Ông Hagel phê phán những ai nghi ngờ khả năng can dự lâu dài của Hoa kỳ ở Châu Á-Thái Bình Dương là “thiếu khôn ngoan và thiển cận”. Ông nhấn mạnh rằng ngay cả trong trường hợp ngân sách quốc phòng bị xuống thấp nhất, chi phí quốc phòng của Hoa Kỳ vẫn ở mức xấp xỉ 40 phần trăm tổng số chi tiêu quốc phòng của toàn thế giới. Ngoài việc chuyển 60 phần trăm lực lượng hải quân sang Thái Bình Dương, Hoa Kỳ còn chuyển thêm 60 phần trăm lực lượng không quân tới các căn cứ đã có sẵn trong khu vực. Thêm vào đó, các kỹ thuật tân kỳ đang phát triển sẽ giúp cho khả năng di chuyển và tấn công của Mỹ được mau chóng và hiệu quả hơn nữa. Những thông tin này cho thấy việc thiết lâp căn cứ quân sự của Mỹ ở Việt Nam không còn cần thiết, nhất là khi các chiến hạm Mỹ đã trở thành những căn cứ lưu động, thỉnh thoảng lại ghé thăm những địa điểm chiến lược trong khu vực. Đây là những bảo đảm có sức thuyết phục nhất đối với sự xoay chuyển chính sách đối ngoại của Việt Nam. Quả thật ông Nguyễn Tấn Dũng đã có một quyết định khôn ngoan và đúng lúc.

Tiện đây cũng cần phải nhắc đến mối quan tâm sâu sắc của Trung Quốc đối với chính sách “xoay trục” hay “tái cân bằng” của Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương, như thiếu tướng Diêu Vân Trúc đã phát biểu trong phần hỏi đáp sau bài diễn văn của Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ. Vị nữ tướng Giám đốc Trung tâm Quan hệ Quốc phòng Trung-Mỹ đã nói thẳng với ông Hagel là bà không tin những hoạt động tái cân bằng của Mỹ, với 60% lực lượng hải quân và 60% lực lượng không quân dàn trải trong khu vực, lại không nhằm chống Trung Quốc như Mỹ từng giải thích. Ông Hagel trả lời là trong vị thế một “cường quốc Thái Bình Dương đã hơn 200 năm”, hoạt động tái cân bằng của Mỷ là bình thường, không phải chuyện mới, chẳng khác gì những hoạt động của Trung Quốc và Nga và các nước khác ở những miền có lợi ích. Điều quan trọng mà ông muốn nhấn mạnh trong nỗ lực duy trì hòa bình là Hoa Kỳ và Trung Quốc mở rộng những quan hệ hợp tác và chia sẻ thông tin trực tiếp giữa quân đội của hai nước. Như vậy sẽ tránh được những ngộ nhận và tính toán sai lầm.

Trở lại chuyện Việt Nam, vấn đề thực tế là Việt Nam sẽ phải làm những gì để được Hoa Kỳ gia tăng những chương trình giúp đỡ cụ thể, được ASEAN đồng lòng đoàn kết, và quốc tế hỗ trợ trong những cuộc đối thoại với Trung Quốc trên cơ sở bình đẳng và đôi bên cùng có lợi? Câu hỏi này sẽ được trả lời trong những cuộc hội đàm Mỹ-Việt, những hội nghị thượng đỉnh và hội nghị chuyên biệt, cục bộ hay mở rộng, của các nước trong và ngoài khu vực, sẽ liên tiếp diễn ra trong những tháng ngày sắp tới.

Cần xoay trục trong chính sách đối nội

Khó khăn lớn nhất của Việt Nam là làm sao thuyết phục được Trung Quốc chấp thuận tôn trọng luật pháp quốc tế, từ bỏ “chính trị cường quyền” để sẵn sàng giải quyết vấn đề Biển Đông trên cơ sở hòa bình, hợp tác và phát triển.

Sự hỗ trợ của Hoa Kỳ là điều kiện cần nhưng không đủ, vì riêng Hoa Kỳ sẽ chẳng giúp được gì nếu Việt Nam không thật sự tự giải thoát ra khỏi quỹ đạo của Trung Quốc và hội nhập vào thế giới dân chủ. Thực tế là Việt Nam đã tự đặt mình vào vòng lệ thuộc Trung Quốc từ năm 1990 khi Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười bí mật gặp Giang Trạch Dân và Lý Bằng tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, và ký bản Kỷ yếu Hội nghị tái lập quan hệ bình thường giữa hai nước. Nội dung Hội nghị Thành Đô và bản mật ước cho đến nay vẫn chưa được tiết lộ vì có nhiều khoản cam kết và nhượng bộ bất lợi cho Việt Nam. Suốt 23 năm qua, Việt Nam đã bị Trung Quốc dùng “quyền lực mềm” để từng bước tước đoạt chủ quyền và thực hiện âm mưu Hán hóa dân tộc Việt. Chính quyền đang đứng trước những nguy cơ đáng lo ngại về sự suy sụp nền kinh tế và sự sút giảm lòng tin đáng báo động trong nhân dân. Thêm vào đó, những cuộc tranh giành quyền lực gay gắt chưa từng thấy trong nội bộ lãnh đạo đã hiện ra công khai, không còn che giấu được nữa.

Trước tình thế nguy nan ấy, ông Nguyễn Tấn Dũng đã lấy một quyết định đột phá về ngoại giao nhằm phục hồi chính nghĩa cho Việt Nam và cứu lấy uy tín cá nhân đang xuống dốc. Qua bài diễn văn về Lòng tin Chiến lược, ông đã gây được tiếng vang thuận lợi trong dư luận quốc tế. Người Việt Nam ở trong và ngoài nước, nói chung, cũng dành cho bài diễn văn của ông những phản ứng tích cực vì ông đã phê phán chính trị cường quyền của Trung Quốc và tỏ lòng tin cậy tinh thần trách nhiệm và đóng góp xây dựng của Hoa Kỳ.

Một số ý kiến chỉ trích ông Dũng vì cho rằng ông đã không dám trực tiếp chống tham vọng bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và mưu đồ thôn tính Việt Nam của nước này. Chỉ trích này có cơ sở nhưng không thích hợp với ngôn ngữ ngoại giao và mục đích xây dựng của diễn đàn Đối thoại Shangri-La. Như Roy Metcalf thuộc viện nghiên cứu chiến lựợc Brookings ở thủ đô Washington đã xác nhận, diễn đàn này có “những tiêu chuẩn cao về phép lịch sự và nghi thức thân thiện theo phong cách Á Đông” (high standards of civility and friendly Asian-style protocol). Tất nhiên là ông Dũng sẽ được điểm cao hơn nếu, vẫn bằng ngôn ngữ ngoại giao, ông có thể nhắc đến những hành động tấn công và đối xử tàn ác của Trung Quốc với những ngư dân Việt Nam nghèo và vô tội trên Biển Đông.

Vấn đề quan trọng cần được đặt ra với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là, ngoài bước đột phá về chính sách đối ngoại, ông có dự liệu những thay đổi gì trong chính sách đối nội hay không. Như đã nói ở trên, Hoa Kỳ không thể giúp cho Việt Nam được ổn định và phát triển nếu chính quyền cứ tiếp tục chế độ độc tài toàn trị và gia tăng đàn áp những tiếng nói yêu nước, những đòi hỏi ôn hòa về thực thi dân chủ và nhân quyền, bài trừ tham nhũng và bất công xã hội. Tại diễn đàn Shangri-La, ông Dũng kêu gọi các nước xây dựng lòng tin chiến lược để thực hiện hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực. Ông nhấn mạnh đến tinh thần trách nhiệm, tôn trọng lẫn nhau và tuân thủ luật lệ quốc tế. Như vậy ông sẽ mắc tội lừa dối nếu ông đi ngược lại những quy tắc đạo đức và pháp lý tối thượng đó đối với chính đồng bào của ông ở trong nước.

Mở đầu bài diễn văn Shangri-La, ông Dũng đã dẫn câu thành ngữ Việt Nam “mất lòng tin là mất tất cả”. Trước nguy cơ bị lật đổ bởi các đối thủ ngoan cố, giáo điều trong hàng ngũ lãnh đạo theo Trung Quốc để duy trì quyền lực và quyền lợi, ông Dũng cần phải lấy được niềm tin đã mất trong nhân dân và ngay cả trong hàng ngũ các đảng viên yêu nước. Diễn đàn Shangri-La không chỉ là cơ hội cho ông xây dựng lòng tin chiến lược với các đối tác quốc tế mà cũng là cơ hội để ông được nhân dân, kể cả những người từng mạnh mẽ chống đối ông, bỏ qua mọi chuyện trong quá khứ và sẵn sàng ủng hộ ông. Để được như vậy, ông Nguyễn Tấn Dũng cần phải có một hành động đột phá thứ nhì, xoay chuyển chính sách đối nội từ độc tài sang dân chủ.

Trong diễn văn Shangrila-La, dù nói về đối ngoại, thủ tướng Dũng cũng đề cập trường hợp Myanmar như “một ví dụ sinh động về kết quả của việc kiên trì đối thoại trên cơ sở xây dựng và củng cố lòng tin, tôn trọng các lợi ích chính đáng của nhau, mở ra một tương lai tươi sáng không chỉ cho Myanmar mà cho cả khu vực chúng ta”. Đối thoại Myanmar chủ yếu là giữa chính phủ và đảng đối lập với kết quả là sự thỏa thuận về tiến trình dân chủ hóa. Cơ sở đối thoại là lòng tin cậy và tôn trọng lẫn nhau. Lợi ích của đối thoại là tương lai tươi sáng không chỉ cho Myanmar mà toàn thể khu vực. Chỉ trong một câu, ông Dũng đã chứng minh thật rành mạch sự cần thiết và lợi ích cụ thể của đối thoại dựa trẻn lòng tin cậy và tôn trọng lẫn nhau. Dù vô tình hay hữu ý, ông Dũng đã đem lại cho mọi người một cảm tưởng rõ rệt là ông sẽ thay đổi chính sách đối nội và, cũng như Myanmar, bắt đầu bằng việc trả tự do cho những người tranh đấu ôn hòa và mở cuộc đối thoại với những người bất đồng chính kiến về một tiến trình dân chủ hóa. Mọi người Việt Nam và các nhà quan sát quốc tế đều chờ đợi trong hy vọng.

Bi quan hay Lạc quan?

Gần ba tuần đã trôi qua sau bài diễn văn Shangri-La, nhưng tuyệt nhiên chưa thấy có một dấu hiệu nào về sự thay đổi chính sách đối nội theo hình mẫu Myanmar. Trái lại, chỉ thấy chính quyền bắt giữ thêm những người vận động cho dân chủ, nhân quyền, và tiếp tục làm ngơ trước những lời kêu gọi từ trong nước và quốc tế về việc huỷ bỏ những bản án phi lý quá nặng nề, hay ít nhất cũng cải thiện chế độ đối xử với những người tù lương tâm còn bị giam giữ. Đành rằng bản chất chính trị của lãnh đạo cộng sản là “nói một đàng, làm một nẻo” nhưng bước đột phá về đối ngoại của ông Nguyễn Tấn Dũng trước một diễn đàn quốc tế là một sự kiện cần được xem xét kỹ. Vấn đề là giữa lúc cuộc tranh giành quyền lực và mâu thuẫn chính sách trong nội bộ lãnh đạo Việt Nam đang diễn ra gay gắt, sự xoay chuyển chính sách đối với Trung Quốc và Hoa Kỳ có phải là lập trường thống nhất của Bộ Chính trị hay không? Nếu sự thật là không thì ông Dũng đã không thể không tiên liệu những phản ứng chống đối mãnh liệt dù kín đáo của các đối thủ và giới lãnh đạo Bắc Kinh. Ông cũng đã phải có sẵn kế hoạch hóa giải những phản ứng tiêu cực đó. Trong bất cứ trường hợp nào, mỗi bên đểu cần có thời gian hành động.

Tình hình Việt Nam quá phức tạp, không ai có thể đoán biết được các toan tính của ông Dũng, của phe đối thủ và của Trung Quốc như thế nào. Điều chắc chắn là thông tin nội bộ sẽ được bảo mật chặt chẽ hơn bao giờ hết. Có thể vì thế mà một số nhà báo có khả năng tiếp cận với những nguồn tin nội bộ đã bị cơ quan an ninh bắt khẩn cấp để bịt miệng và răn đe những người khác.

Thời gian chờ đợi kết quả thắng hay bại của ông Dũng có thể kéo dài. Nếu phe bảo thủ thắng thì số phận nước Việt Nam sẽ hoàn toàn mất vào tay Trung Quốc. Nếu ông Dũng thắng thì Việt Nam sẽ có cơ may thoát khỏi quỹ đạo Trung Quốc và mau chóng bắt kịp được Hàn Quốc hay Đài Loan. Trong khi chờ đợi, trí thức và nhân dân vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch chống Trung Quốc xâm lược, gia tăng công cuộc vận động cho dân chủ và nhân quyền. Những nỗ lực tranh đấu cho độc lập, tự do và hạnh phúc của dân tộc càng cần thiết ngay cả khi ông Dũng đã vô hiệu hóa được các đối thủ của ông. Rút kinh nghiệm đối với các lãnh đạo độc tài trên thế giới, có gì đảm bảo là ông Dũng sẽ không trở lại chế độ độc tài sau khi đã củng cố được quyền lực?

Không ai mong muốn điều bất hạnh cho dân tộc nhưng đề phòng tai họa vẫn luôn luôn cần thiết.

Bây giờ thì hãy cầu Trời khấn Phật cho ông Nguyễn Tấn Dũng trở thành một Gorbachev Việt Nam.

California, 18 tháng Sáu, 2013

L.X.K.

Nguồn: Boxit Việt Nam

  • infooption
  • Click here to enable the button
    Twitter Dummy Image
  • Click here to enable the button
    Facebook Dummy Image
  • When you activate these buttons by clicking on them, some of your personal data will be transferred to third parties and can be stored by them. More information  here.

    Permanently enable data transfer for: Twitter
    TwitterFacebook
    Facebook

This entry was posted on Wednesday, June 19th, 2013 at 02:03 and is filed under Chính trị, Dân chủ/Nhân Quyền, Quan hệ Việt-Trung, Trung Quốc. You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0 feed. You can leave a response, or trackback from your own site.

10 Responses to “1850. Việt Nam sẽ ra sao sau bài Diễn văn Shangri-La”

 
  1. Đại_úy says:

    Bài viết thể hiện cái nhìn của một người “cưỡi ngựa xem hoa” . Hãy xem lại cách mà họ (cs)triệt tiêu nội lực Dân tộc ngay trong trong nước ,ngay sau Shangri-La . Nguyễn chí Vịnh , kẻ dọa đuổi Mỹ ra khởi Biển Đông và cũng không cần che dấu thái độ thân Tàu bằng mọi giá , thì luôn có mặt kè kè .Diễn văn mà những người khác chấp bút cho Nt.Dũng (đương nhiên)đọc trong diễn đàn cũng đã (phải)được thông qua BCT trước đó , ngoài ra thì nhân vật này cũng nổi tiếng & xuất sắc trong việc chứng minh … ‘NÓI LÀ VIỆC CỦA MỒM’ ! Xin mời Gs Khoa cứ tự nhiên với ‘lòng tin chiến lược’ của mình !!!(Hehe … về nước càng tốt.)

  2. Nguyễn ích Tráng says:

    Cảm ơn BS đã đăng bài của GS Lê Xuân Khoa,song tôi nghĩ những gì TT nói chỉ là “đòn gió”thôi.Nói “lòng tin chiến lược” chỉ là một cách xoa dịu tứ phía, nói “dzậy…mà không phải dzậy”, GS Khoa đã nói đúng:”Không ai mong muốn điều bất hạnh cho dân tộc nhưng đề phòng tai họa vẫn luôn luôn cần thiết”, nhưng GS Khoa  có quá “hồn nhiên” không khi cầu trời cho NTD trở thành một Gorbachep của Viêt Nam? Có lẽ là không bao giờ xãy ra(!!!)

  3. Tiểu Loan says:

    Độc tài một thời gian còn tốt hơn lệ thuộc lâu dài vào quốc tế trong vòng nô lệ trá hình, nay chịu ảnh hưởng người này mai chịu ảnh hưởng người khác không biết lối đi ra./.

    • Ha Le says:

      Thưa bác Tiểu Loan.

      Có lẽ bác chỉ có ý muốn nói đến một vài cường quốc thôi khi dùng chữ “quốc tế”, phải không ạ? Chứ “lệ thuộc vào quốc tế” thì theo tôi trên thế giới bây giờ chẳng nước nào có thể vỗ ngực khơi khơi một mình bất chấp quốc tế cả. Các quốc gia dù giàu hay nghèo, nhỏ hay to, văn minh hay chậm lụt… giờ đã đều ý thức rằng cả nhân loại thực ra đồng thân đồng phận với nhau, lệ thuộc vào nhau vô cùng trên cái trái đất nhỏ bé và khốn khổ này. Trừ phi có “nhóm ưu tuyển” nào đó của nhân loại tìm được đường phóng tuốt lên hành tinh xa xôi nào đó, bỏ mặc hàng tỉ con người còn lại trên con tàu địa cầu sắp đắm này (vì cạn kiệt tài nguyên, vì khan hiếm năng lượng, khan hiếm thực phẩm kể cả món tối thiểu là nước sạch, vì sự bùng nổ dân số và trào lưu di dân không kiểm soát nổi… vân vân, còn có thể kể nhiều thứ nữa). Vâng, trừ phi thế, còn tất cả loài người và tất cả các quốc gia lúc này hơn bao giờ hết cần ý thức sự lệ thuộc của mình vào nhau, cũng như cần ý thức phần trách nhiệm của quốc gia mình đối với cộng đồng trái đất. Chẳng phải tình cờ mà thế giới ngay nay hay nhắc nhở nhau điều gọi là “hãy biết hành xử như một quốc gia trưởng thành”.

      Cũng vì vậy, nếu như ý bác chỉ nói đến một hai cường quốc thôi, ở đây cụ thể là Mỹ và TQ, và bảo thà rằng ta chấp nhận chính thể độc tài còn hơn “vướng vào vòng nô lệ trá hình không biết đường nào ra”, thì theo thiển ý, tôi cho rằng đây là lối tư duy đã lỗi thời, tư duy của thời chiến tranh lạnh hay chiến tranh ý thức hệ đã qua, bác ạ. Thực ra nhìn rộng vào thế giới ngày nay, kiểu lệ thuộc nô lệ giờ hầu như không còn nữa (ngay cả đàn em Bắc Triều Tiên cũng gân cổ cãi tay đôi ông anh TQ như thường), chỉ còn là mối liên đới trong trách nhiệm và hiểu biết, mà tiếc thay một vài nước vẫn không chịu góp phần vào cuộc “Đồng Nhiệm” (đồng trách nhiệm chung).

      Không dám viết dài hơn, tôi chỉ xin nêu hai ý trên để đi đến lời quả quyết với bác rằng chính thể độc tài là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được nữa trong thế giới ngày nay, cũng giống như chủ nghĩa đế quốc không ai có thể chấp nhận nữa vậy. Cả hai điều vừa nói đều đã quá lỗi thời, chúng không thể cứu được trái đất này đang trong cơn hấp hối. Đế quốc mà làm chi nữa, độc tài mà làm chi nữa, khi ngôi nhà chung sẽ cháy nếu mọi người không biết nhìn nhận quyền sống của nhau, để cùng nhau mau mau dập tắt ngọn lửa hủy diệt?

      Một lần n ữa, tôi quả quyết phản đối tới cùng sự độc tài!

  4. Lê Bình nam says:

    Trên bàn cờ chính trị và ngoại giao quốc tế, các thông ẩn số và thông số luôn đan kết khó lường. Xác định được các thông số, trước khi giải các ẩn số là một bước lớn.

    Giá trị cao của bài này nằm ở chỗ: Gs Lê Xuân Khoa đã tinh tế làm hiển hiện rõ nét các thông số.

    Trong các ẩn số, nhân dân Việt Nam là một ẩn số chính. Trí thức Việt Nam có đủ tỉnh thức để dấn thân và đoàn kết cùng các tầng lớp nhân dân đấu tranh cho tự do dân chủ cho Việt Nam là một câu hỏi lớn?

    Nếu không, Việt Nam cũng chỉ trượt dài trên các trục xoay ngoại bang, trước mắt lẫn lâu dài, khó thoát thân nô lệ cho đại Hán Bắc Kinh.

  5. Ha Le says:

    Cám ơn GS. Lê Xuân Khoa, một trí thức dù cao tuổi và ở xa quê hương vạn dặm vẫn hết lòng lo lắng cho vận mệnh chung.

    Tình hình bây giờ quả thật là lờ mờ, “khó đoán” – nói như GS. Khoa. Nhưng dù thực sự bên trong nội bộ đang xảy ra chuyện gì đi nữa, điều quyết định vẫn là: “Trong khi chờ đợi, trí thức và nhân dân vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch chống Trung Quốc xâm lược, gia tăng công cuộc vận động cho dân chủ và nhân quyền.” Tôi hoàn toàn đồng ý với tác giả điều này. Đất nước nguy cấp rồi, tất cả chúng ta không có quyền ngồi chờ sung rụng nữa!

    • Ha Le says:

      Không hiểu độc giả của bài viết này sẽ đồng ý đến mức nào với những nhận xét của GS. Khoa. Mà điều tôi nghĩ ngợi và muốn đoán biết nhất, là những quan chức các cấp của Đảng, tức là các cấp lãnh đạo lớn nhỏ trng guồng máy của Đảng hiện nay, đọc bài này họ sẽ nghĩ như thế nào?

      Theo tôi thì còn bài mới nhất của RFA, phỏng vấn TS. Phạm Chí Dũng, có thể bổ túc thêm nhiều điều có ý nghĩa cho bài viết của GS. Khoa: “Sự thật sức mạnh của ĐCSVN hiện nay”

      Với tôi thì chỉ mới năm ngoái thôi, có nằm mơ tôi cũng không tưởng tượng nổi một đảng viên đang đương chức như bác Phạm Chí Dũng mà dám nói ra công khai những điều ông nói trong bài phỏng vấn này!

  6. NẮNG HẠ says:

    Tình hình Việt Nam ,thủ tướng Nguyễn T Dũng chỉ là trong vai trò của thế lót ,phải chờ lớp sau và cứ loại dần ,Trung cộng đã đánh nước cờ thua khi lòng tham xâm lăng được đưa ra tranh đoạt thiên hạ lân bang ,cuộc cờ đã được bày ra cho quyền lợi sống còn của những người buôn chiến tranh ,Nga xập xí xập ngầu bán súng .cả Châu  Âu cũng nhảy vào kiếm ăn ,trong mặt trận này ,quyền lợi của Mỷ ở đâu ? – ổn định Á Châu ,thị trường cần bão vệ ,cần đóng quân ,Trung cộng nhất định phải bị loại ra khỏi .chẳng qua là điều kiện phải như thế nào .bằng ngả nào Trung cộng cũng phải bị xé ,dù bất chiến tự nhiên thành như LIÊN BANG SÔ VIẾT hay phải đo găng ở thế bát quốc liên quân ,ngã nào Tàu cũng treo cổ ,những đảng viên đảng cộng sản hảy chờ bị trả thù ,có những kẻ có ăn có chịu là chuyện đã đành ,chỉ tội cho mấy thằng ngu cà chớn bị cụt đầu cũng không hiểu tại sao

  7. mainguyen says:

    chào ngày mới

  8. thu bit tong says:

    ở đời có hai loai người hàng nghin năm còn nhắc,kẻ tiểu nhân và anh hùng,cơ hội đó được trao cho ai để sủ sách ngàn năm ghi nhớ