Tag Archives: myanmar

DN ngoại dọa bỏ Việt Nam sang Campuchia, Myanmar

31 Th8

DN ngoại dọa bỏ Việt Nam sang Campuchia, Myanmar

Mức độ môi trường kinh doanh không tiếp tục tăng mà chỉ duy trì ở mức trung bình. Ngay cả nhiều DN làm ăn lâu năm ở Việt Nam cũng nhìn nhận về các thị trường khác hấp dẫn hơn Việt Nam.

 

Đây là cảnh báo được rất nhiều DN, Hiệp hội các DN đầu tư nước ngoài đã cảnh bảo điều này trong buổi gặp gỡ với lãnh đạo TP.HCM . Nhiều hiệp hội doanh nghiệp cho biết, sẽ việc cân nhắc chuyển công việc kinh doanh sang một thị trường khác.

So sánh giật mình

Một khảo sát được Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu ở Việt Nam (Euro Charm) công bố mới đây cho biết, với sự gia tăng trong vai trò của các nước trong Asean đã tác động rất lớn trong kế hoạch kinh doanh của DN ở Việt Nam. Cụ thể chỉ trong 6 tháng vừa qua, 20% DN trong hiệp hội này cho biết sẽ cân nhắc việc chuyển công việc kinh doanh sang thị trường khác trong khu vực.

Các chuyên gia từ hiệp hội này cho rằng, đây là một dấu hiệu cho thấy sự thất vọng về môi trường kinh doanh hiện tại và sức cạnh tranh đang gia tăng của các thị trường khác trong khu vực.

Trong khi đó, một đánh giá của Euro Charm về các cơ hội kinh doanh trong khu vực thì có đến 45% DN cho rằng các thị trường ASEAN khác là điểm kinh doanh tốt hơn Việt Nam. Trong khi đó 37% cho rằng thị trường Việt Nam ở mức trung bình và chỉ có 18% tin tưởng Việt Nam ở nhóm dẫn đầu.

đầu tư nước ngoài, kinh doanh, Việt nam, Asean
 

Chủ tịch Eurocharm, ông Preben Hjorrtlund chia sẻ: “Điều đáng suy ngẫm là mức độ môi trường kinh doanh không tiếp tục tăng mà chỉ duy trì ở mức trung bình. Ngay cả khi nhiều DN kinh doanh ở đây lâu năm cũng đã nhìn nhận về các thị trường khác hấp dẫn hơn Việt Nam. Như vậy Việt Nam cần phải nỗ lực cải thiện các vấn đề cơ bản của nền kinh tế cũng như đảm bảo một hiệp định thương mại tự do bền vững và khả thi.”

Trong khi đó, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, thủ tục hành chính luôn là rào cản lớn nhất cho các DN nước ngoài. Thêm vào đó logicstic vẫn chưa hoàn thiện, lao động vẫn chưa phát huy hết công năng vì hạn chế thời gian làm việc thêm giờ. Những vấn đề phát sinh bất khả kháng như là tăng lương cơ bản ngay giữa năm đã làm cho nhiều doanh nghiệp khó khăn trong việc lập kế hoạch kinh doanh.

Xu hướng dịch chuyển đầu tư không chỉ diễn ra trong cộng đồng DN châu Âu. Trước đó, tại Diễn đàn DN Việt Nam giữa kỳ diễn ra vào tháng 6/2013, Hiệp hội DN Úc tại Việt Nam (AusCham) nhấn mạnh các nước Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Myanmar đang nổi lên như những điểm đến đầu tư hấp dẫn khiến tính cạnh tranh thu hút vốn FDI trong khu vực càng cao. Nếu Việt Nam không tạo lập được môi trường kinh doanh thuận lợi, nguồn vốn FDI có thể tiếp tục bị giảm sút.

Cải thiện môi trường đầu tư: Hy vọng năm 2014

Nhìn nhận về vấn đề trên ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT)cho biết: “Môi trường đầu tư có xu hướng xấu đi cũng một phần nằm ở nghị định 108 hướng dẫn thi hành luật đầu tư. Khi ban hành nghi định này và đi vào thực tế cuộc sống thì phát sinh nhiều vấn đề dẫn đến luật không phù hợp nên phải sửa đổi. Tuy nhiên điều bất cập tiếp theo là do hệ thống luật chồng chéo và liên quan đến nhau nên phải kéo dài tới hôm nay. Tuy vậy dự kiến đầu năm 2014 sẽ sửa đổi luật đầu tư, hi vọng sẽ cải thiện được nhiều vấn đề.”

Các DN đến từ Mỹ cho rằng, khối doanh nghiệp trong nước đang yếu đi rất nhiều so với doanh nghiệp nước ngoài. Vấn đề nguồn nhân lực tại chỗ cũng ngày một yếu đi, thiếu lực đượng lao động có kỹ năng, thiếu chuyển dịch từ thâm dụng lao động sang phát triển giá trị gia tăng.

Theo ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ chia sẻ: “Tập trung vào tính minh bạch các doanh nghiệp nhà nước để tạo môi trường lành mạnh trong cạnh tranh. Điều đặc biệt cần đẩy nhanh TPP để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của Mỹ, đó là cơ hội để tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu. Từ đó cải thiện được môi trường kinh doanh tại Việt Nam.”

Trước phản ánh của DN, ông Lê Mạnh Hà – Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, sẽ ghi nhận ý kiến của các DN, phân tích những yếu tố nào mà các DN chưa thỏa mãn với môi trường đầu tư của Việt Nam. Từ đó có biện pháo tháo gỡ để cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt là trên địa bàn TP.HCM.

“Đối với chính sách thì khi đưa ra không nên hạn chế mà phải khuyến khích doanh nghiệp hoạt động, không làm mất đi sự ổn định hiện có của doanh nghiệp, sự ổn định là rất quan trọng. Việc đưa ra chính sách cần phải thể hiện việc điều hành tốt hơn, nếu đưa ra chính sách không tốt hơn hiện tại thì tốt nhất đừng nên đưa ra”. Ông Hà nhấn mạnh.

Nam Phong

Người Việt kể chuyện sống sót trên máy bay Myanmar

5 Th1

Người Việt kể chuyện sống sót trên máy bay Myanmar

VnExpress.net

 
Thoát chết trong gang tấc cùng gia đình sau khi chiếc máy bay Myanmar lao xuống đất, vỡ đôi, ông Dương Đình Giao đã có cơ hội khám phá nhiều điều mà ông chưa từng ngờ tới ở Myanmar.

>> Air Mekong nợ nần, rộ tin đồn ngừng bay
>> Airbus thử nghiệm máy bay có thể bán cho Việt Nam

Hiện trường vụ tai nạn máy bay của hãng Air Bagan gần thành phố Heho khiến hai người thiệt mạng. Ảnh: AFP

Ngày 25/12, ngày thứ hai của hành trình của tôi tại Myanmar, máy bay của hãng hàng không Air Bagan đưa chúng tôi đi từ Yangon đến Heho, nơi có hồ Inle nổi tiếng. Theo lịch trình, chuyến bay sẽ đến Heho lúc 9h, sau khi dừng lại ở sân bay Mandalay để đón và trả khách trong khoảng 30 phút. Khi máy bay hạ độ cao chuẩn bị xuống sân bay Heho, tôi nhìn đồng hồ, lúc ấy là 8h55.

Một lát sau, tôi cảm thấy một cú tiếp đất mạnh hơn bình thường khi máy bay hạ cánh. Ngay sau đó là những rung lắc liên tục trong vòng khoảng 10 giây. Đang bất ngờ vì không hiểu chuyện gì đã xảy ra, tôi nghe thấy một tiếng thét ở phía sau. Biết là đã có chuyện, tôi nhắc mọi người bình tĩnh và đứng lên bật nắp khoang hành lý để lấy ba lô của mình. Nhưng nắp vừa bật, tôi bị đẩy ngã nhào về phía trước.

Đứng lên, quay lại nhìn phía sau, tôi thấy các thành viên trong gia đình mình đã rời khỏi ghế và ra được lối đi. Bước lên mấy bước, tôi chợt ngửi thấy mùi khói. Một ý nghĩ thoáng qua “Chỉ cần một tiếng nổ là tất cả sẽ chấm hết!”. Xuống khỏi thang máy bay, tôi mới thấy máy bay đã không hạ cánh trên đường băng bê tông mà đang nằm trên một cánh đồng, phía đuôi máy bay đang bốc cháy, khói nghi ngút.

May mắn bất ngờ, tất cả chúng tôi, gồm 6 người trong gia đình và hai mẹ con bà thông gia người Australia đều an toàn. Tôi vội giục mọi người nhanh chóng chạy ra xa.

Trên chuyến bay có 65 người, kể cả phi hành đoàn, ngoài 5 người Việt Nam trong gia đình tôi tất cả đều là khách du lịch từ các nước Mỹ, Pháp, Hà Lan, Hàn Quốc…

Nơi máy bay hạ cánh khẩn cấp cách sân bay khoảng 3 km và cách đường ô tô khoảng 200 m. Khi ra tới nơi, mấy xe cứu hỏa đã có mặt và đang tìm cách tiếp cận với đám cháy, nhưng vì không có lối vào, phải nối dài vòi rồng nên việc cứu chữa không thật hiệu quả.

Trên đường, chúng tôi nhìn thấy nhiều biển tên khách của các công ty du lịch, khách sạn mà khách du lịch trên chuyến bay đã đặt chỗ. Họ nhanh chóng tiếp cận với khách của mình. Sự có mặt của họ dù là những người chưa quen biết cũng khiến chúng tôi yên tâm hơn, vì đã có người sẵn sàng hỗ trợ khi khó khăn nơi đất khách quê người. Nhiều xe máy, ô tô đã dừng lại chứng kiến đám cháy, trong đó có cả nhiều người dân Myanmar đang làm việc trên cánh đồng.

Lúc này dù đã hơn 9h nhưng mặt trời vẫn chưa kịp xua tan sương mù. Trời khá lạnh. Thật cảm động khi thấy những người nông dân lam lũ, cởi những chiếc khăn choàng khoác lên vai, trùm lên đầu những đứa trẻ, bỏ những đôi dép mình đang đi cho những phụ nữ phương Tây xa lạ đang chịu cảnh rét mướt.

Trên đường thoát hiểm, nhiều túi, mũ, ba lô bị rơi được mọi người tập hợp bên lề đường để người thất lạc đến nhận. Rất nhiều người dân Myanmar có mặt, nhưng không hề thấy ai để có ý định cướp giật gì.

Một lát sau, hai xe khách loại lớn đưa tất cả về sân bay Heho. Khi xe dừng lại bên ngôi chùa gần sân bay, tôi nghĩ người dân Myanmar sùng đạo Phật đã đưa chúng tôi đến đây để tạ ơn Trời Phật giúp thoát nạn. Nhưng không phải! Air Bagan đã nhanh chóng liên hệ với chính quyền sở tại mượn ngôi chùa làm nơi cho chúng tôi tạm nghỉ, tránh cái lạnh giá ngoài trời. Xuống xe, chúng tôi lại thấy những người dân bình thường đang mang đệm, chăn của gia đình mình trải trên nền chùa bằng gạch men.

Khi mọi người đã vào hết trong chùa, các nhân viên y tế có mặt. Họ thăm khám, đo huyết áp, băng bó cho những người bị thương nhẹ. Những người bị thương nặng đã ngay lập tức được đưa về Yangon. Riêng hai khách người Mỹ bị bỏng nặng được đưa sang Bangkok bằng trực thăng. Nước uống, bánh trái được mang đến.

Lúc 10h, tức là sau khi sự cố xảy ra một giờ, ông chủ tịch huyện sở tại cũng đã đến thăm hỏi những người gặp nạn. Lúc này, cảnh kẻ nằm người ngồi trong chùa vô cùng lộn xộn. Việc kiểm đếm những hành khách có mặt thật khó khăn. Những người có trách nhiệm có lẽ vì tôn trọng đã không yêu cầu chúng tôi ngồi cho ngay hàng thẳng lối. Họ cứ đếm đi đếm lại, người đếm bằng tiếng Myanmar, người đếm bằng tiếng Anh. Có lúc thấy ba bốn người cùng đếm. Sau tôi mới hiểu, họ cần nhanh chóng xác định số người có mặt ở đây để có thể phát hiện số người mất tích nếu có.

Phải đến khi có danh sách hành khách từ sân bay Yangon và Mandalay gửi tới, việc kiểm đếm mới chấm dứt. Lúc này công việc đơn giản hơn. Những người có mặt được dánh dấu vào danh sách. Nhưng việc này cũng được thực hiện tới ba bốn lần bởi những người khác nhau, chứng tỏ họ rất thận trọng.

Đến 11h, chúng tôi được đưa tới phòng khách của sân bay. Ở đây có bia, nước ngọt và những thức ăn nhẹ. Họ thông báo cho chúng tôi biết, ai muốn trở về Yangon sẽ được bố trí một chuyến bay riêng, còn những ai muốn ở lại sẽ được đưa tới một khu nghỉ dưỡng bên hồ Inle chờ đợi giải quyết hậu quả. Gia đình chúng tôi quyết định ở lại và được đưa tới khu nghỉ dưỡng bằng hai xe con.

Ở đây, chúng tôi đã được đón tiếp chu đáo, hai hoặc ba người được bố trí ở trong một biệt thự. Sau khi tạm nghỉ ngơi, đến 3h, chúng tôi được báo đi ăn cơm. Ai cũng nghĩ chắc sẽ được một bát mỳ hoặc cái gì đại loại như thế, nhưng thật bất ngờ, tất cả được mời một bữa tiệc buffe thịnh soạn, trên bàn ăn còn có cả hoa và thắp nến. Người quản lý giải thích “vì hôm nay là Noel”.

Sau khi ăn xong, mỗi người chúng tôi được phát quần áo và một ít tiền (tiền Myanmar và đôla Mỹ) đủ để mua sắm lại những hành lý đã mất và tiếp tục hành trình nếu muốn. Ai cũng bất ngờ trước sự nhanh gọn của Air Bagan.

Đến 19h mọi người lại được mời ăn cơm. Lại tiệc buffe, hoa và nến, có thêm rượu champagne và rượu vang. Ông chủ tịch Tập đoàn HTOO mà Air Bagan là một trong nhiều công ty con đã từ Yangon vượt gần một nghìn cây số tới thăm hỏi những người gặp nạn. Sáng hôm sau, chúng tôi lại được nhận thêm một số quần áo và tiền (chắc do lệnh của ông chủ tịch tập đoàn).

Air Bagan đã vô cùng chu đáo và có trách nhiệm giải quyết hậu quả của vụ tai nạn. Trong suốt thời gian ở lại 5 ngày, ở Heho hay khi đã trở về Yangon, tất cả hành khách trên chuyến bay đều được ăn ở tại những nơi tương đương khách sạn 5 sao, được hưởng các dịch vụ như giặt là, điện thoại quốc tế… hoàn toàn miễn phí.

Tôi vốn mơ ước một cuộc sống bình dị, rất sợ tất cả những gì là hào nhoáng, bóng bẩy, nay trong hoàn cảnh không một xu dính túi, trên người chỉ độc một bộ quần áo, hành lý và túi xách tay đều đã cháy cùng máy bay, ngay cái máy ảnh đeo trên cổ cũng chỉ còn sợi dây đeo, kính cận cũng rơi mất, lại được ăn ở như thế này thật cũng là một bất ngờ thú vị. Chúng tôi không phải bước chân ra khỏi khách sạn, mọi công việc cần thiết đều do nhân viên của họ giải quyết. Ngay việc làm giấy thông hành để sử dụng khi còn trên đất Myanmar cũng được thực hiện ngay tại nơi ở.

Theo họ, chỉ hai việc chúng tôi phải có mặt đó là đi kiểm tra sức khỏe và làm lại hộ chiếu. Nhưng với hai việc này, họ đều cho xe đưa đón và cử nhân viên đi theo hỗ trợ khi cần thiết. Họ đã hợp đồng với bệnh viện tốt nhất Yangon để giám đốc bệnh viện có mặt bất cứ lúc nào chỉ đạo việc thăm khám và chữa trị khi có khách do họ đưa đến.

Những nhân viên đi theo cũng ngồi đó chờ đợi và đưa khách về tận nơi ở sau khi việc thăm khám kết thúc. Vợ tôi và bà thông gia người Australia sau khi gặp chấn động mạnh bị đau lưng. Hai người được khám suốt hơn ba tiếng, mỗi người được làm đủ các loại xét nghiệm, chụp 4 tấm phim cỡ 50×50. Khi thấy không có vấn đề gì trầm trọng, họ đã cho mỗi người một cái đai bó lưng và thuốc giảm đau các loại. Bà xã nhà tôi cũng phải thốt lên “Cả đời gần 70 tuổi, chưa bao giờ được thăm khám kỹ càng như thế!”.

Sau khi về Yangon, Air Bagan đã tập hợp mọi người để thông báo về việc giải quyết bảo hiểm cho hành khách đi trên chuyến bay. Air Bagan đã giải quyết vụ việc với đầy đủ tinh thần trách nhiệm. Địa chỉ và số tài khoản của hành khách được ghi lại để nhận kết quả sau khi một công ty bảo hiểm của Anh tiến hành bồi thường.

Không chỉ những người có trách nhiệm, suốt 5 ngày, dù ở đâu, chúng tôi cũng đón nhận được sự ân cần chu đáo của mọi nhân viên Air Bagan và nhân viên tại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng dù tuổi đời còn rất trẻ. Họ dìu những người bị đau khi lên xuống các bậc thềm, đưa chúng tôi đến tận nơi, mở cửa, bật đèn rồi giơ tay mời vào khi hỏi đến nơi nào đó. Thấy trên tay ai có mấy túi nilon, vỏ hoa quả, họ đều nhanh chóng giơ tay đón lấy mặc dù thùng rác ở ngay trước mặt. Những cử chỉ ấy tôi hiểu không chỉ vì phương châm coi “khách hàng là Thượng đế”.

Khi vào một làng dệt lụa thủ công trên hồ Inle, khi được biết chúng tôi là những người vừa gặp nạn, chủ cửa hàng lập tức hạ giá 30% cho toàn bộ sản phẩm mà chúng tôi mua. Số tiền thực ra không nhiều nhưng cử chỉ ấy của họ cũng khiến chúng tôi phải xúc động.

Sau 5 ngày, mọi thủ tục đã xong. Air Bagan lại cho xe đưa gia đình tôi ra sân bay. Ở đây, nhân viên của họ làm tất cả mọi thủ tục cho chuyến bay và chỉ ra về sau khi chúng tôi tạm biệt để vào phòng cách ly.

Từ Myanmar trở về, tôi cứ bâng khuâng và ân hận, vì sao một đất nước chẳng cách xa chúng ta là mấy, một xứ sở có những người dân giàu lòng nhân hậu, vị tha như thế mà tôi chưa hiểu biết được bao nhiêu.

Trong cuộc đời chưa bao giờ gặp một tai họa lớn và lại thoát hiểm ngoạn mục như vậy, chúng tôi cảm thấy biết ơn ông bà, cha mẹ đã ăn ở hiền lành, tu nhân tích đức dù trong biết bao vất vả thiếu thốn để con cháu bây giờ được hưởng phúc.

Tôi muốn cảm ơn những người dân Myanmar đã giang vòng tay che chở khi gia đình tôi gặp nạn. Tôi cám ơn Air Bagan, đã cư xử đàng hoàng, đầy trách nhiệm trước sự cố chắc chắn họ không hề mong muốn. Và tôi thầm nghĩ, chuyến đi hôm nay của chúng tôi dang dở, nhưng nhất định sẽ có chuyến đi khác. Một đất nước với những con người như thế xứng đáng để chúng ta khám phá.

Dương Đình Giao

‘Mùa xuân Ả rập’ và Mùa xuân Myanmar (bao giờ lan tới Việt Nam, Trung Hoa?)

4 Th1

‘Mùa xuân Ả rập’ và Mùa xuân Myanmar (bao giờ lan tới Việt Nam, Trung Hoa?)

Posted by basamnews on 02/01/2013

Bổ sung, hồi 13h30′, ngày 3/1/2013 – Độc giả phát hiện bài này mới bị gỡ bỏ trên cả VietnamNet lẫn TuanVietnam. Tuy nhiên, nó vẫn còn qua đường dẫn trên Baomoi.com.

Dù tinh vi tới đâu thì bản chất của mọi chế độ độc tài đều là cai trị đất nước để phục vụ cho quyền lợi của những kẻ cai trị, thay vì để phụng sự nhân dân và đất nước“.

Nhưng sự cai trị bằng nỗi sợ hãi của dân chúng cũng tạo ra sự căm phẫn âm ỉ, và nó sẽ bùng lên khi tích tụ đủ mạnh và có một mồi lửa ném vào.”

TuanVietNam

‘Mùa xuân Ả rập’ và Mùa xuân Myanmar

02/01/2013

Hồng Ngọc

 

Cùng thuộc về một làn sóng dân chủ hóa trên thế giới, nhưng “Mùa xuân Ả rập” để lại những vết thương sâu sắc chưa hứa hẹn ngày lành, thì Mùa xuân Myanmar cũng chính là quá trình làm lành vết thương của thời kỳ độc tài.

Mùa xuân bão táp ở Ả rập

Một loạt chế độ tại Ả rập – từng ưỡn ngực với sự “đặc thù” của văn hóa Hồi giáo mà từ chối nền dân chủ – đã đồng loạt đi đến hồi kết. Tất cả được châm mồi với chỉ một đốm lửa ở Tunisia hai năm trước.

…Trong Mùa xuân Ả rập, cựu Tổng thống Yemen Ali Saleh đã ra đi theo một cách êm ả nhất có thể: ông từ chức sau 33 năm cầm quyền và sang Mỹ đổi lại quyền miễn tố, để lại một Yemen kiệt quệ và đối mặt với các cuộc nổi dậy và nội chiến.

Hầu hết trong số đó đều tiếp tục nhiệm kỳ của mình sau các cuộc “bầu cử” không có ứng cử viên đối lập và chiến thắng với tỷ lệ phiếu bầu cực cao. Nhưng sự “tín nhiệm cao” đó không che giấu được những vấn đề trầm trọng của dân chúng và khối tài sản kếch xù của những nhà cầm quyền.

Và những cuộc nổi dậy của “Mùa xuân Ả rập” đã lột tả bản chất của sự “tín nhiệm cao” chính là sự sợ hãi của dân chúng, chứ không phải vì đó là chính quyền của nhân dân như các nhà độc tài vẫn tự xưng.

Nhưng sự cai trị bằng nỗi sợ hãi của dân chúng cũng tạo ra sự căm phẫn âm ỉ, và nó sẽ bùng lên khi tích tụ đủ mạnh và có một mồi lửa ném vào.

Cái giá mà đất nước họ phải trả còn lớn hơn thế. Là sự kiệt quệ của dân chúng do sự bòn rút của họ. Là sự hèn đụt và tính thụ động của dân chúng do sự đe dọa của họ. Là sự khủng hoảng lòng tin và đạo đức của dân chúng, do sự cai trị vô đạo đức và chia rẽ dân chúng của họ. Và cuộc nổi dậy như một vết thương được làm loét thêm, do tâm lý trả thù không chỉ nhằm vào nhà độc tài mà còn hướng cả vào những người từng tham gia hệ thống ấy, và những người được lợi nhờ hệ thống ấy, tạo ra một xã hội bị chia rẽ.

Mùa xuân ấm áp với Myanmar

Myanmar, giành độc lập năm 1948, bị hết thống tướng này đến thống tướng khác cai trị sau cuộc đảo chính quân sự năm 1962. Trong ngôn ngữ của chính trị học, đó là chế độ Qủa đầu (độc tài nhóm), một hình thức tinh vi hơn của độc tài cá nhân.

1

Dù tinh vi tới đâu thì bản chất của mọi chế độ độc tài đều là cai trị đất nước để phục vụ cho quyền lợi của những kẻ cai trị, thay vì để phụng sự nhân dân và đất nước. Đó là nguyên nhân Myanmar từ vị thế là một đất nước phát triển hàng đầu châu Á đầu thập kỷ 1960 đã tụt hậu và kiệt quệ thành một nước lạc hậu nhất ở Đông Nam Á những năm qua.

Đứng trước nguy cơ bị lệ thuộc vào cường quốc láng giềng, giới lãnh đạo Myanmar đã có những thay đổi kịp thời và ngoạn mục.

Cuộc bầu cử dân sự năm 2010 tưởng như chỉ là mang tính hình thức để hợp thức hóa sự cai trị của những tướng lĩnh cũ, mà Tổng thống được bầu vào Mùa xuân 2011 Thein Sein nằm trong số này. Lần đầu tiên nắm quyền cao nhất ở Myanmar, vị tướng cũ đã từ bỏ đường lối cai trị độc tài, bằng cách chấm dứt những dự án của cường quốc láng giềng gây nguy hại cho Myanmar, công nhận đảng đối lập và tổ chức cuộc bầu cử bổ sung tự do vào Mùa xuân 2012, phóng thích hàng loạt tù nhân lương tâm, và cho phép tự do báo chí.

Myanmar còn có một nhân vật vĩ đại nữa làm biểu tượng cho quá trình dân chủ hóa: Aung San Suu Kyi, người đã để lại gia đình của mình ở nước Anh để trở về nước vận động dân chủ năm 1988 bất chấp bị đàn áp, đe dọa, bắt bớ, cấm tranh cử, rồi bị giam lỏng trong thời gian bầu cử năm 1990. Kết quả: bà chiến thắng áp đảo cùng Đảng của mình (82% số phiếu) nhưng bị từ chối chuyển giao quyền lực và tiếp tục bị giam lỏng, và bà từ chối rời khỏi đất nước để tiếp tục cuộc đấu tranh cho dân chủ. Ngày đó đã đến như mong mỏi của bà và nhân dân Myanmar, cho dù Đảng của bà chỉ tranh cử ở cuộc bầu cử bổ sung 45/664 ghế.

Một người từ bỏ quyền lực độc tài để đưa đất nước đến với dân chủ, và ca ngợi đối thủ từng bị phe mình giam giữ. Một người đã chiến thắng trong cuộc bầu cử dân chủ nhưng chấp nhận sự cai trị của chính phe phái từng tước đoạt quyền lực của mình, thậm chí vận động quốc tế xóa bỏ cấm vận với chính quyền đương nhiệm, để tìm kiếm sự khởi đầu mới cho quá trình dân chủ hóa đất nước. Qúa trình dân chủ hóa của Myanmar, nhờ vậy, đồng thời là quá trình hòa giải dân tộc, giúp Myanmar không chỉ giữ được hòa bình mà còn giảm nguy cơ bị chia rẽ.

Đó là lý do cả hai được xếp hàng đầu trong danh sách 100 nhà tư tưởng của thế giới năm 2012 do Tạp chí Foreign Policy (Mỹ) lựa chọn. Riêng Thein Sein được tờ Straits Time (Singapore) bình chọn là Nhân vật châu Á của năm 2012. Vì từ bỏ độc tài quyền lực để trả quyền lực về cho nhân dân luôn là lựa chọn vô cùng khó khăn của mọi chế độ độc tài trong lịch sử.

Nhưng đó là lối thoát duy nhất cho một quốc gia muốn phát triển, và ngay lập tức đầu tư nước ngoài đã xếp hàng vào Myanmar. Và cũng là lối thoát duy nhất cho nhà độc tài để tránh bị xét xử hay bị giết hại khi dân chúng nổi dậy và trả thù, như đã diễn ra với “Mùa xuân Ả rập”.

Ba ngàn năm trước, nhà tư tưởng chính trị Khương Tử Nha đã thấu hiểu điều đó khi nhắc nhở Chu Văn Vương rằng: Thiên hạ không của riêng ai, thiên hạ là của cả thiên hạ, chung lợi ích với thiên hạ thì được thiên hạ, đoạt lợi ích của thiên hạ thì mất thiên hạ. Nhờ tư tưởng đó, nhà Chu tồn tại tới tám trăm năm, và là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất về tư tưởng, triết học, binh pháp, kỹ thuật của Trung Quốc cổ và trung đại.

Ngày nay, không cần phải thông thái như Khương Tử Nha cũng biết điều đó. Quá nửa quốc gia trên thế giới là những nền dân chủ, thể chế buộc chính quyền phải chung lợi ích với thiên hạ, thay vì chờ đợi chính quyền tự nguyện như triều đại nhà Chu. Nhờ thế, những quốc gia thịnh vượng nhất, văn minh nhất đều là những nền dân chủ.

Nguồn: TuanVietNam

Myanmar đón lãnh đạo phương Tây đầu tiên – vnn

11 Th4

Thủ tướng Anh David Cameron sẽcó chuyến thăm lịch sử tới Myanmar vào thứ sáu, trở thành nhà lãnh đạo một nước phương Tây lớn đầu tiên tới quốc gia Đông Nam Á kể từ khi phương Tây áp dụng cấm vận với nước này cuối những năm 1990.

 

Thủ tướng Anh David Cameron sẽ            có chuyến thăm lịch sử tới Myanmar. Ảnh: Guardian

Theo quan chức chính phủ Myanmar, quyết định này không được lên lịch trước trong khuôn khổ chuyến công du châu Á của lãnh đạo Anh gồm các nước Nhật, Singapore, Malaysia và Indonesia. Một người phát ngôn của Phố Downing nói: “Chúng tôi chưa từng xác nhận trước kếhoạch công du của Thủ tướng”.

Chuyến thăm được đưa thêm vào lịch trình của ông Cameron sau khi Myanmar tổ chức thành công cuộc bầu cử quốc hội hôm 1/4 và được phương Tây đánh giá tích cực. Nó diễn ra sau chuyến thăm của William Hague – Ngoại trưởng Anh vào tháng 1. Ông Hague cũng là chính khách Anh đầu tiên tới Myanmar từ năm 1955.

Một bộ trưởng trong nội các của Tổng thống Thein Sein nói rằng, chặng dừng chân của ông Cameron, cho dù lên kếhoạch khá vội vàng, nhưng sẽ là “khoảnh khắc quan trọng” với Myanmar. Nó diễn ra trước một cuộc gặp quan trọng của các quốc gia EU vào 23/4 tại Brussels để cân nhắc về chính sách cấm vận của khối này với Myanmar và trước chuyến thăm Nhật của ông Thein Sein vào cuối tháng.

Ngoài ra, Baroness Ashton – người phụ trách đối ngoại của EU cũng dự kiến thăm Myanmar vào 28/4 trong khi Thủtướng Ấn Độ Manmohan Singh đã lên kế hoạch tương tự vào tháng 5. Bà Baroness Ashton sẽ mở sứ quán của phái đoàn EU tại Yangon và gặp gỡ các nhà lãnh đạo chính phủ cũng như phe đối lập. Theo giới phân tích, ở đây có sự “phi lý nhất định” khi ông Cameron sẽ là nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên tới thăm quốc gia Đông Nam Á kểtừ khi các biện pháp trừng phạt quốc tế được áp dụng. Anh đã thúc đẩy mạnh mẽhơn các nước EU khác trong việc duy trì trừng phạt với Myanmar – chủ yếu là cấm kinh doanh trong các lĩnh vực như gỗ, đá quý, các tài nguyên tự nhiên khác cũng như ngăn chặn quan hệ quân sự.

Trong năm qua, quan điểm của Anhđã gây ra sự căng thẳng với các thành viên khác, đặc biệt là Đức – chủ tịch đương nhiệm của EU và Italy khi cả hai nước thúc giục có quan hệ mở rộng hơn với Myanmar.

Kể từ cuộc bầu cử quốc hội 1/4, một số nước EU đã kêu gọi dỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt ngoại trừ lệnh cấm viện trợ quân sự. Nhưng Anh và một số thành viên nhỏ hơn trong khối gồm cả Cộng hoà Séc lại yêu cầu cách tiếp cận giai đoạn, nhằm gây áp lực thúc đẩy cải cách nhiều hơn.

EU đã nới lỏng một số biện pháp cấm vận với Myanmar bao gồm lệnh cấm đi lại với một số quan chức nước này. Mỹ,Nauy và Australia cũng đã dần dỡ bỏ một số trừng phạt với Myanmar và nhiều nướcđã bắt đầu lên kế hoạch để các quan chức cấp cao thăm quốc gia này.

Phản ứng tích cực của cộng đồng quốc tế diễn ra sau khi chính phủ Myanmar tiến hành cuộc bầu cử 1/4 với thắng lợi lớn của lãnh đạo phe đối lập Aung San Suu Kyi và đảng của bà. Bà Suu Kyi đã có một ghế trong quốc hội trong số 43 vị trí mà các ứng viên đảng của bà giànhđược. Bà sẽ bước vào quốc hội Myanmar vào cuối tháng 4.

Trong chuyến công du một ngày, ông Cameron sẽ gặp Tổng thống Thein Sein ở Naypyidaw và bà Suu Kyi ở Yangon. Ông cũng sẽ hội đàm với một số nhà lãnh đạo trong chính phủ và quốc hội Myanmar. Các cuộc gặp của Thủ tướng Anh sẽ tập trung vào việc thúc đẩy quan hệ song phương trong bối cảnh Myanmar đang cải cách mạnh mẽ.

Anh trong những năm gần đây trởthành nhà tài trợ song phương lớn nhất cho Myanmar – ngay cả khi họ phản đối nới lỏng cấm vận. Trong chuyến thăm tháng 1, Ngoại trưởng William Hague đã cam kết viện trợ 289 triệu USD trong ba năm cho các dự án giáo dục và y tế của quốc gia Đông Nam Á. Con số này có thể tăng mạnh trong ít năm tới khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây được nới lỏng hoặc chấm dứt.

Nhật Bản gần đây đã quyết định bắt đầu lại hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) trong kỳ vọng thúc đẩy hơn nữa tại Myanmar rằng, nới lỏng trừng phạt của phương Tây sẽ mở rộng rất nhiều mối quan hệ quốc tế và kinh doanh.

Nhưng dấu hiệu đáng kể nhất của một nước phương Tây để cải tiến quan hệ với Myanmar là Mỹ. Tuần trước, Mỹ tuyên bố bắt đầu nới lỏng hạn chế về tài chính với Myanmar. Hôm thứ sáu, Washington đã đề cử Derek Mitchell – đặc phái viên của Nhà Trắng tại Myanmar -làm đại sứ mới của Mỹ ở quốc gia Đông Nam Á. Mặc dù phải chờ được thông qua, nhưng quan chức Myanmar nói rằng, đó chỉ là “hình thức”.

Thái An (theo Financial Times)

Cải cách Myanmar: 4 lý do để chế độ cũ thay đổi – vnn

5 Th4

Trong hơn nửa thế kỷ, chính quyền quân sự của Myanmar được cho là đồng nghĩa với tham nhũng – vấn nạn khiến quốc gia từng nằm trong số thịnh vượng nhất Đông Nam Á tới bờ vực sụp đổ kinh tế.

 

Phe đối lập tại Myanmar đã giành thắng lợi ấn tượng trong cuộc bầu cử quốc hội hôm 1/4. Ảnh: Reuters

 

Một năm trước đây, các nhà lãnh đạo quân sự đã bước sang một bên, chuyển giao quyền lực vào tay chính phủ dân sự trên danh nghĩa được hình thành từ phần lớn các tướng tá cũ để bắt đầu cải cách chính trị, ký kết ngừng bắn với hầu hết các nhóm dân tộc thiểu số, cam kết hiện đại hoá kinh tế. Và đây là bốn lý do vì sao giới quân sự thay đổi hướng đi của họ:

 

Tự bảo vệ

 

Tướng Than Shwe, người lãnh đạo Myanmar cho tới năm ngoái, có thể đã nhìn vào lịch sử khi ông chuyển giao quyền lực. Theo truyền thống, một nhà quân sự chuyên quyền của Myanmar khi chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm chuyên quyền tiếp theo sẽ sớm thấy bản thân bị tống giam hoặc bị quản thúc, người thân thì bị tước đoạt tài sản.

 

Bằng cách mở đường cho một chính phủ dân sự trên danh nghĩa, Than Shwe chắc chắn rằng, quyền lực không thể còn được nắm giữ trong tay người có đủ sức mạnh lật đổ ông. Thay vào đó, quyền lực ở Myanmar giờ đây dàn trải trong quân đội, các phe nhóm khác nhau trong chính phủ và một quốc hội ngày càng hoạt động tích cực hơn.

 

Than Shwe giờ đây khá lặng lẽ, có thể là tận hưởng thành quả những gì ông có được khi làm lãnh đạo Myanmar và đã quyết định ai nên có được những hợp đồng kinh doanh béo bở ở quốc gia giàu tài nguyên này.

 

Giảm phụ thuộc vào Trung Quốc

 

Bị cô lập với hầu hết thế giới phương Tây vì cách hành xử và bởi những lệnh cấm vận kinh tế, Myanmar buộc phải trông chờ ngày càng nhiều vào người láng giềng khổng lồ là Trung Quốc. Bắc Kinh đã có những nỗ lực ngoại giao tốt nhất để ủng hộ Myanmar trên diễn đàn quốc tế và trở thành đồng minh không thể thiếu được của quốc gia Đông Nam Á: các tướng tá đều trang bị vũ khí từ Trung Quốc, thực hiện 35% giao dịch thương mại của họ với Trung Quốc, giúp các hãng Trung Quốc xây dựng đập thủy điện ở Myanmar để đáp ứng nhu cầu thủy điện của người Trung Quốc.

 

Những năm gần đây, doanh nhân Trung Quốc đã tràn vào phía bắc Myanmar và không được lòng dân địa phương.

 

Chính phủ Myanmar quyết định rằng, cách duy nhất để họ giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc là tìm kiếm sự cạnh tranh từ các nước phương Tây. Nhưng để làm được điều này, họ phải thuyết phục Mỹ và EU dỡ bỏ cấm vận. Cách tốt nhất là bắt đầu một nền chính trị cởi mở, và thuyết phục thế giới rằng, Myanmar đã bắt tay vào con đường dân chủ.

 

Chấm dứt sự trừng phạt từ phương Tây và nghèo đói

 

Khi các nỗ lực mở cửa kinh tế sản sinh ra chút quả ngọt và ngày càng có nhiều quan chức cấp cao Myanmar thăm viếng quanh Đông Nam Á, thì đất nước này đã thấu hiểu họ tụt hậu thế nào. 50 năm trước, Myanmar là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Ngày nay, họ là quốc gia nghèo nhất Đông Nam Á. Và họ thấy đây là nỗi xấu hổ quốc gia.

 

Myanmar cam kết gia nhập thị trường chung (ASEAN) năm 2015; và để làm được điều này, họ cần có sự hỗ trợ quốc tế từ nhiều hướng nhất có thể. Nó đồng nghĩa với việc chấm dứt cấm vận từ phương Tây và có nghĩa là quá trình dân chủ hóa phải diễn ra ít nhất đủ để khiến phương Tây hài lòng.

 

Không hẳn là “mùa xuân Ảrập”

 

Những gì đang xảy ra ở Myanmar không hẳn là phiên bản châu Á của “mùa xuân Ảrập”. Những tướng lĩnh tự mình đi vào con đường cải tổ chính trị từ vài năm trước đây, dù rất chậm chạp – nghĩa là khá lâu trước khi họ có thể cảm thấy sợ hãi vì những sự kiện diễn ra ở Trung Đông.

 

Và quan trọng hơn, cải cách không phải là kết quả từ những cuộc nổi dậy. Thay vào đó, tiến trình cải cách được áp dụng từ trên xuống.

 

Dĩ nhiên, nhìn vào “mùa xuân Ảrập” với những bất ổn lan khắp Trung Đông, những tướng lĩnh quân sự rời quyền lực có thể tự chúc mừng vì khả năng tiên đoán tốt.

 

Thái An (theo csmonitor)

Myanmar bước vào chặng đường lịch sử mới – TQ

3 Th4
Nguyễn Ngọc Trường

Cuộc bầu cử bổ sung ngày 1/4 sẽ tạo ra tác nhân mới, hình thái mới, không gian chính trị mới và những thách thức cho các nhà chính trị Myanmar.
Myanmar vừa tiến hành một cuộc thử nghiệm dân chủ thực sự, với cuộc bầu cử bổ sung vào Quốc hội nước này ngày 1/4/2012 để bầu thêm 45 ghế vào Hạ nghị viện và Thượng nghị viện. Gọi là bầu cử bổ sung là để thay thế những đại biểu đã đắc cử trong cuộc tổng tuyển cử hồi cuối năm 2010, song sau đó được bổ nhiệm vào các chức vụ trong chính phủ mới.

Trong số 129 điểm bỏ phiếu thuộc thị trấn Caomu (Kawhmu), cách thành phố Rangon khoảng 2 giờ chạy xe, nơi Aung San Suu Kyi, ngọn cờ dân chủ Myanmar, đại diện Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) ra tranh cử, kết quả kiểm phiếu của một số điểm đã được chính quyền thị trấn này công bố. Bà Aung San Suu Kyi đã thắng cử một ghế nghị sĩ đại diện cho Caomu tại Hạ viện Liên bang Myanmar, với 75% phiếu ủng hộ. NLD còn khẳng định đã giành được ít nhất 10 ghế trong tổng số 45 ghế. Theo các nguồn tin báo chí phương Tây, NLD tuyên bố giành được 40 trong tổng số 45 ghế; tại Thủ đô Naypyitaw họ tuyên bố giành được cả 4 ghế.

Tại trụ sở NLD Rongun: Quần chúng chào mừng thắng lợi áp đảo của NLD trong bầu cử bổ sung ngày 1/4

Tối 1/4, Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ông Surin Pitsuwan, cho biết cuộc bầu cử đã diễn ra “khá êm ả”, dù có một số khiếu nại về sai phạm nhưng “không nghiêm trọng”. Phát biểu tại thủ đô Phnôm Pênh, ông nhấn mạnh: “Đây là điềm lành đối với Mianma”.

Có thể “điềm lành” này sẽ mang lại một thời kỳ phát triển mới, đưa Myanmar ra khỏi tình trạng cô lập, cấm vận của phương Tây, để hội nhập vào trào lưu phát triển mạnh mẽ cùng các nước láng giềng Đông Nam Á.

Kết quả cuộc bầu cử bổ sung được thế giới theo dõi sát sao và khích lệ. Nó sẽ thể hiện mức độ cải cách thực chất của chính quyền dân sự Naypyitaw. Qua đó, xóa bỏ mọi nghi ngại của phương Tây để tiến tới nới lỏng hoặc dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế áp đặt lâu nay – một trong các mục tiêu mà chính quyền nước này theo đuổi hơn một năm qua. Ngay dù đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ của bà Suu Kyi có giành được 40 ghế như họ tuyên bố, thì cũng chỉ là một thiểu số nhỏ nhoi trong tổng số 664 ghế tại Hạ nghị viện, nơi giới quân nhân và những lực lượng thân cận của quân đội trong Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) chiếm trên 80% số ghế. Nhưng cuộc bầu cử ngày 1/4 vẫn được xem là một mốc lịch sử trên con đường dài nhằm hiện đại hóa và dân chủ hóa đất nước một thời được xem là “vương quốc bí ẩn” này.

Bà Aung San Suu Kyi: Thắng lợi bầu cử “sẽ là sự bắt đầu của một kỷ nguyên mới” đối với Myanmar.

Chế độ độc tài ở Myanmar thiết lập từ năm 1962 cho đến khi một chính phủ dân sự được bầu ra hồi tháng 3/2011. Trong  nửa thế kỷ, sự độc tài hà khắc gặp các cuộc chống đối quyết liệt trong nước và chúng cũng bị đàn áp quyết liệt. Đầu tiên phải kể đến cuộc nổi dậy của giới ủng hộ dân chủ được gọi là cuộc “Cách mạng bốn con Tám” (ngày 8/8/1988) dẫn đến kết cục gần 3.000 người bị giết chết. Vào năm 2007, cuộc nổi dậy của các nhà sư, hay còn gọi là cuộc “cách mạng màu nghệ”, đòi quyền tự do chính trị và kinh tế, cũng bị đàn áp, với hơn 200 người bị giết chết. Trong thời gian này, Myanmar tự biệt lập mình với thế giới bên ngoài, đất nước bị cấm vận và người dân kiệt quệ. Năm 2006, Myanmar bị từ chối đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên ASEAN. Lúc đó, không những ASEAN chưa sẵn sàng trao cho Myanmar chiếc ghế Chủ tịch, mà nhiều đối tác quan trọng của ASEAN có thể tẩy chay các diễn đàn ASEAN. Tại Bali vừa rồi, sau những chuyển biến chính trị tích cực của chính quyền Naypyitaw, Myanmar cuối cùng đã được trao chức Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2014.

Myanmar bắt đầu thể hiện những bước phát triển mạnh từ tháng 3/2011, trong đó nổi bật là tiến trình lập pháp, bộ máy chính quyền chuyển từ vai trò quân sự sang vai trò dân sự,  thả tù chính trị, cho phép người lao động có quyền thành lập tổ chức công đoàn và bãi công, nới lỏng kiểm duyệt báo chí, tiến hành một số bước cải cách chính trị, lên kế hoạch cải cách kinh tế…

Một trong các sự kiện được quốc tế chú ý nhiều, đó là việc Tổng thống Thein Sein thông báo dừng thực hiện dự án xây dựng đập thủy điện Myitsone trị giá 3,6 tỷ USD do Trung Quốc đầu tư xây dựng. Người ta đặt nhiều câu hỏi về động cơ thực sự của quyết định gây nhiều tranh cãi của ông Thein Sein. Có đúng là ông từ bỏ dự án này vì “tôn trọng ý chí của dân chúng”? Nếu được xây dựng, con đập trên sông Irrawaddy – con sông Cái của người Myanmar – có thể biến một vùng rộng lớn bằng diện tích của Singapore thành biển nước. 90% lượng điện sản xuất từ nhà máy thủy điện này được đưa sang Trung Quốc.

Một nhà phân tích phương Tây cho rằng đằng sau quyết định của chính phủ Myanmar là mối quan ngại nổ ra bạo lực chống Trung Quốc như từng diễn ra ở Rangon vào năm 1967. Mặt khác, một bộ phận quân đội Myanmar chưa bao giờ giấu giếm thái độ thù địch đối với Trung Quốc. Cùng lý do tiềm ẩn này, giới quan sát cho rằng, một trong những động cơ của cải cách mở cửa “thân phương Tây” còn ẩn chứa mối lo ngại của giới cầm quyền Myanmar về việc đất nước đang ngày càng bị lún sâu vào quỹ đạo kinh tế của Trung Quốc. Mở cửa đất nước sẽ thu hút đầu tư nước ngoài từ Mỹ, Nhật Bản và các nước phương Tây khác nhằm cân bằng lại ảnh hưởng to lớn của nước láng giềng khổng lồ  Trung Quốc. Nhưng để thực hiện quan hệ kinh tế với phương Tây, Myanmar cần phải tiến hành những cải cách dân chủ cần thiết.

Về phía giới cầm quyền, cải cách như thế nào mà vẫn bảo đảm quyền lợi lâu dài và sự an toàn (không bị trả thù) đối với giới quân nhân và các nhóm lợi ích giàu có gắn bó với quân đội. Việc bảo đảm quyền lực trọng yếu và rất lớn đã được quy định trong Hiến pháp do chính quyền quân sự soạn thảo. Hiến pháp quy định 25% số ghế trong Quốc hội là của quân đội; quân đội nắm các bộ chủ chốt; quân đội có quyền dừng thực hiện Hiến pháp. Nền kinh tế vẫn nằm dưới sự kiểm soát của một nhóm người trung thành với giới quân nhân.
Bức tranh toàn cảnh ấy được phác thảo trong “Lộ trình hướng tới dân chủ phát triển và có tổ chức” gồm 7 bước, do chính quyền quân sự Than Swe đề ra năm 2003, hướng tới xây dựng nước Myanmar “dân chủ có kỷ cương”. Các bước bao gồm triệu tập đại hội quốc dân, soạn thảo hiến pháp, trưng cầu dân ý thông qua hiến pháp, tổng tuyển cử, triệu tập quốc hội, bầu chính phủ, xây dựng đất nước phát triển, hiện đại và dân chủ.

Tiến trình này gặp nhiều chống đối và không ít thất bại. Nhưng chính quyền quân sự đã có đủ thời gian và sự kiên nhẫn để kết hợp giữa thủ thuật chính trị, pháp lý với đàn áp, giam cầm các nhà hoạt động chính trị đối lập. Bà Suu Kyi bị cầm tù và giam lỏng 3 lần, kéo dài 18 năm, chỉ được trả tự do một tuần sau khi cuộc Tổng tuyển cử được tiến hành vào tháng 11/2010. Trong cuộc bầu cử bổ sung lần này, bà đã bước vào tuổi 66, sức khỏe đã giảm sút. Bà dự định đi vận động cho NLD khắp cả nước nhưng giữa chừng phải giới hạn lộ trình vì đau tim.

Tổng thống Thein Sein, cũng bước vào tuổi 66, người đang phải đeo một máy trợ tim, liệu có thể trở thành một kiểu “Mikhail Gorbachov” của Myanmar không? Ở tuổi 66, ông Thein Sein, cũng như bà Suu Kyi, có thừa sự trải nghiệm chính trị, nhưng chắc không còn bầu nhiệt huyết và sung sức như thuở nào để vượt qua vô vàn rào cản đối nội nhằm thực hiện những biện pháp cải cách cấp tiến. Nhưng sự chín chắn chính trị có thể là cần thiết để họ lựa chọn những bước đi phù hợp cho các tiến trình cải cách ở Myanmar. Cả hai vị đều muốn đóng góp cho sự phục hưng Myanmar và để lại dấu ấn của mình đối với tiến trình lịch sử tiến bộ của đất nước. Nhưng bộ máy chính quyền Myanmar đã sẵn sàng cho những nhiệm vụ phức tạp ấy chưa? Cuộc cải cách có còn bị nguy cơ đảo ngược hay không?

Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, với tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú, có vị trí địa-chiến lược quan trọng cạnh hai trung tâm kinh tế đang trỗi dậy của thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ, được phát huy bằng các cải cách chính trị và kinh tế cần thiết, Myanmar trong hai thập kỷ nữa hoàn toàn có thể trở thành một quốc gia thịnh vượng, một cường quốc bậc trung có vị trí xứng đáng trong đời sống quốc tế.

Người ta hy vọng rằng cuộc bầu cử bổ sung này sẽ tạo ra một tác nhân mới, một hình thái mới, một không gian chính trị mới và những thách thức mới cho các nhà chính trị Myanmar. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton bày tỏ một sự lạc quan thận trọng. Thế giới vẫn phải chờ đợi những bước đi tích cực tiếp theo tại Myanmar, để biết một sự kiện lịch sử có đóng góp vào tiến bộ lịch sử của Myanmar như thế nào./.

TIẾN TRÌNH TỰ DO HÓA CỦA MIANMA SẼ TÁC ĐỘNG ĐẾN TOÀN KHU VỰC CHÂU Á – BS

29 Th3

 

Tài liệu tham khảo đặc biệt

TTXVN (Niu Yóoc 23/3)

Mạng phân tích thông tin tình báo chiến lược Stratfor của Mỹ, ngày 21/3, đăng bài của Robert D.Kaplan cho rằng tiến trình tự do hóa và bình thường hóa quan hệ với thế giới bên ngoài của Mianma hiện nay có thể sẽ tác động sâu sắc đến tình hình địa chính trị tại châu Á.

Về mặt địa lý, Mianma thống trị vịnh Bengal. Đó là nơi phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc và Ấn Độ chồng chéo lên nhau. Mianma cũng có rất nhiều dầu mỏ, khí đốt, than, kẽm, đồng, đá quý, gỗ, thủy điện cũng như urani. Là quốc gia nổi bật của khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, Mianma đã bị hạn chế bởi chế độ chuyên quyền trong nhiều thập kỷ, ngay cả khi Trung Quốc đã lấy dần các nguồn tài nguyên của nước này. Mianma như một Ápganixtan khác về tiềm năng làm thay đổi một khu vực. Đây là miếng ghép quan trọng chiến lược trong một câu đố nhưng bị tàn phá bởi chiến tranh và một chính phủ không hiệu quả mà nếu chỉ cần bình thường hóa sẽ giúp mở ra các con đường thương mại đi tất cả các hướng.

 

Từ thời nhà Nguyên của Trung Quốc xâm lược Mianma trong thế kỷ 13, Mianma đã núp dưới cái bóng của Đại Trung Hoa, không có rào cản địa lý hay những kiến trúc không thể vượt qua như Vạn Lý Trường thành để chia tách hai quốc gia này – dù dãy núi Hoành Đoạn dọc biên giới hai nước. Đồng thời, Mianma có lịch sử là nơi cư trú của cộng đồng kinh doanh Ẩn Độ, một cộng đồng trung gian thiểu số về mặt xã hội, nhưng giúp Anh nắm Mianma như là một phần của Đại Ấn Độ thuộc Anh.

Tuy nhiên, nếu Mianma tiếp tục con đường cải cách của mình bằng việc mở những kết nối với Mỹ và các nước láng giềng, thay vì vẫn là một vùng đất đầy nguồn tài nguyên bị Trung Quốc khai thác, thì nước này sẽ phát triển thành một trung tâm năng lượng và tài nguyên, quy tụ được tiểu lục địa Ấn Độ, Trung Quốc và Đông Nam Á vào một quần thể cơ bản, linh động. Và mặc dù ảnh hưởng của Trung Quốc tại Mianma sẽ giảm đi một cách tương đối, nhưng Trung Quốc sẽ vẫn vô cùng có lợi. Thực vậy, Côn Minh thuộc tỉnh Vân Nam ở phía Nam Trung Quốc có thể trở thành thủ đô kinh tế của Đông Nam Á, nơi các tuyến đường sông và đường sắt từ Mianma, Lào và Việt Nam hội tụ.

Đa số các hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng này đang được thực hiện. Tại đảo Ramree, ngoài khơi bờ biển Arakan phía tây bắc Mianma, Trung Quốc đang xây dựng đường ống để vận chuyển dầu mỏ và khí đốt từ châu Phi, vịnh Ba Tư và vịnh Bengal qua trung tâm Mianma đến Côn Minh. Mục đích là giảm sự phụ thuộc vào eo biển Malacca, nơi hiện tại 4/5 lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đi qua. Cũng sẽ có một tuyến đường sắt cao tốc chạy dọc theo tuyến đường này vào năm 2015.

Ấn Độ cũng đang xây dựng một cảng năng lượng trên bờ biển của Mianma tại Sittwe, phía Bắc Ramree, để có thể vận chuyển khí đốt ngoài khơi lên phía tây bắc, thông qua Bănglađét đến khu vực rộng lớn đông dân là bang Tây Bengal của Ấn Độ. Các hàng hóa thương mại cũng sẽ đi theo tuyến đường cao tốc mới được xây dựng đến Ấn Độ. Kolkata, Chittagong và Yangon sẽ không còn là thành phố riêng rẽ tại 3 quốc gia mà cuối cùng sẽ là một phần của thế giới Ấn Độ Dương.

Thực tế nổi bật ở đây là bằng việc giải phóng Mianma, vùng đất ở phía Đông Bắc Ấn Độ, kẹt trong lục địa và phía bên kia Bănglađét, sẽ được mở cửa ra với thế giới bên ngoài. Vùng Đông Bắc Ấn Độ có điều kiện địa lý xấu và kém phát triển và do đó đã chứng kiến nhiều cuộc nổi dậy trong những thập kỷ gần đây. Khu vực rừng núi Đông Bắc Ấn Độ bị chia cắt với khu vực chính của Ấn Độ bởi nước Bănglađét vô cùng nghèo đói ở phía tây và Mianma, một quốc gia cho đến nay vẫn khép kín va kém phát triển, ở phía đông. Tuy nhiên, sự mở cửa về chính trị và phát triển về kinh tế của Mianma sẽ làm thay đổi thực tế địa lý này vì cả vùng Đông Bắc Ấn Độ và Bănglađét sẽ hưởng lợi từ sự đổi mới chính trị và kinh tế của Mianma.

Với việc đói nghèo giảm đi phần nào tại tất cả các khu vực, áp lực đối với Kolkata và Tây Bengal trong việc phải tiếp nhận những người tị nạn kinh tế sẽ giảm đi. Điều này sẽ ngay lập tức tăng cường sức mạnh cho Ấn Độ. Việc có biên giới trên bộ với những quốc gia bán bất ổn trong tiểu lục địa (Pakixtan, Nêpan và Bănglađét) đã hạn chế khả năng phát huy sức mạnh chính trị và quân sự ra châu Á và Trung Đông của Ấn Độ. Nói rộng lớn hơn, một Mianma tự do sẽ kéo Ấn Độ vào châu Á sâu hơn, do đó Ấn Độ có thể cân bằng hơn trong việc chống lại Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong khi tương lai vẫy gọi nhiều cơ hội, thì hiện tại vẫn chưa được bảo đảm. Sự chuyển đổi chính trị ở Mianma mới chỉ bắt đầu và vấn có nhiều khả năng đi sai đường, vấn đề khó khăn, cũng giống như tại Nam Tư và Irắc, đó là sự chia rẽ khu vực và sắc tộc.

Mianma là một vương quốc lớn được tổ chức xung quanh thung lũng trung tâm sông Irrawaddy. Tên của thung lũng này trong tiếng của bộ tộc Miến Điện là Mianma, do đó cũng là tên chính thức của quốc gia này. Tuy nhiên, khoảng 1/3 dân sô Mianma không phải là người dân tộc Miến Điện. Khu vực biên giới của người thiểu số chiếm tới 7 trên tổng số 14 bang của Mianma. Các khu vực đồi núi xung quanh thung lũng Irrawaddy là nơi cư trú của người Chin, Kachin, Shan, Karen và Karenni – những dân tộc có lực lượng quân đội và quân không chính quy riêng của mình. Những lực lượng vũ trang này đã đánh nhau với lực lượng quân đội quốc gia do người Miến Điện kiếm soát từ giai đoạn đầu của Chiến tranh Lạnh.

Tệ hơn, các khu vực đồi núi của người dân tộc thiểu số này cũng bị chia rẽ về mặt sắc tộc ngay từ bên trong. Ví dụ như khu vực của người Shan cũng là nơi trú ngụ của người Wa, Lahu, Pao, Kayan và các bộ tộc khác. Tất cả các nhóm này đều là sản phẩm của lịch sử di dân từ Tây Tạng, Trung Quốc, Ấn Độ, Bănglađét, Thái Lan và Campuchia, cho nên người Chin ở miền Tây Mianma gần như chẳng có gì chung với người Karen ở miền Đông Mianma. Cũng không có điểm gì chung về ngôn ngữ và văn hóa giữa người Shan và người Miến Điện, ngoài việc tôn giáo của họ là đạo Phật, về phần người Arakan, bộ tộc kế thừa nền văn minh ven biển quốc tế bị chi phối bởi người Bengal theo đạo Hindu, họ cảm thấy đặc biệt bị chia tách với phần còn lại của Mianma và so sánh tình cảnh khó khăn của họ với những bộ tộc bị tước quyền công dân ở Trung Đông và châu Phi.

Nói cách khác, chỉ đơn giản tổ chức bầu cử là không đủ nếu cuộc bầu cử lại đưa người dân tộc Miến Điện, những người không thỏa hiệp với các dân tộc thiểu số, lên nắm quyền. Quân đội lên nắm quyền tại Mianma vào năm 1962 để kiểm soát các vùng đất biên giới của người thiểu số xung quanh thung lũng Irrawaddy. Quân đội đã nắm quyền nửa thế kỷ. Mianma có rất ít cơ quan hoạt động mà không bị quân đội thống trị. Một hệ thống với nhiều quyền lực được trao cho các dân tộc thiểu số phải được xây dựng từ đâu. Tập hợp hòa bình các dân tộc thiểu số đòi hỏi phải có các cơ quan liên bang vững mạnh.

Đúng là Mianma đang trở nên ít hà khắc hơn và mở cửa với thế giới bên ngoài hơn. Tuy nhiên, điều đó thực chất không tạo ra một nhà nước được thể chế hóa và có thể đứng vững. Tóm lại, đối với Mianma, để thành công, thậm chí với việc những người dân sự nắm quyền, lực lượng quân đội sẽ vẫn phải đảm nhận một vai trò quan trọng trong những năm tới vì các quan chức quân đội mới là người biết cách điều hành các công việc.

Nhưng với nguồn tài nguyên thiên nhiên bao la và dân số khá lớn lên đến 48 triệu người, nếu Mianma có thể xây dựng các tổ chức bao gồm tất cả các sắc tộc trong những thập kỷ tới, nước này cỏ thể tự mình tiến gần đến việc là một cường quốc trung bình – một điều không nhất thiết gây tổn hại đến các lợi ích của Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng lại có thể giải phóng thương mại cho toàn châu Á và thế giới Ấn Độ Dương./.

Khám phá Myanmar: Quan hệ có chiều sâu lịch sử – (ĐVO)

21 Th3
<!–Ð?t Vi?t – –> Quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt nam và Myanmar đặc biệt là sau Hội nghị xúc tiến hợp tác thương mai và đầu tư tại Myanmar từ 14 đến 16/1/2010 đang có những bước phát triển tích cực.

>>Khám phá bí ẩn Myanmar

Năm 1945, Việt Nam giành độc lập. Chỉ 2 năm sau, năm 1947, Miến Điện (tên gọi Myanmar khi đó) là quốc gia đầu tiên để Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt Văn phòng đại diện, giúp mua, vận chuyển vũ khí qua Lào về Tây Bắc Việt Nam. Tháng 11/1954, ngay sau khi Thủ đô Hà Nội được giải phóng, Thủ tướng Miến Điện U Nu đã thăm chính thức nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thăm nước bạn, đặt nền móng cho quan hệ 2 nước.

Những năm gần đây mối quan hệ hai nước thường xuyên được vun đắp và củng cố thông qua các cuộc cuộc gặp gỡ cấp cao. Trong buổi nhận quốc thư của Đại sứ Việt Nam Chu Công Phùng, thống tướng Than Shwe đã nói, Myanmar và Việt Nam là những người bạn, người anh em thân thiết. Thủ tướng Myanmar khi đó là ông Thein Sein thì nói, trong ASEAN, Việt nam và Lào là những người bạn đáng tin cậy của Myanmar.

Trong năm 2009, cơ quan đại diện của Việt Nam tại Myanmar đã có nhiều cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao của Myanmar, từ thống tướng, phó thống tướng, thủ tướng, bí thư thứ nhất của Hội đồng Hòa bình và Phát triển quốc gia (SPDC) và hầu hết các bộ trong chính phủ. Tất cả đều đồng tình với quan điểm là hoan nghênh Việt Nam vào làm ăn và đầu tư ở Myanmar.

Quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt nam và Myanmar đặc biệt là sau Hội nghị xúc tiến hợp tác thương mai và đầu tư tại Myanmar từ 14 đến 16/1/2010 đang có những bước phát triển tích cực. Một số tổng công ty, tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam đang xúc tiến các hoạt động đầu tư khai thác thị trường Myanmar một cách hiệu quả như Tổng Công ty hàng không dân dụng Việt Nam đã mở đường bay trực tiếp Hà Nội – Yangon vào ngày 2/3/2010; Tổng Công ty Sông Đà; Tổng Công ty Viễn thông Quân đội Viettel; Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt nam; Ngân hàng BIDV; Công ty Đông Dương Xanh đang tiếp tục xúc tiến đầu tư vào Myanmar.

Sau khi ông Thein Sein làm Tổng thống, quan hệ hữu nghị, truyền thống Myanmar – Việt nam được duy trì và phát triển mạnh. Quan hệ chính trị giữa hai nước vẫn không ngừng củng cố và phát triển. Myanmar đã hiểu rõ hơn về lập trường của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông và các vấn đề chung của ASEAN.

Vũ điệu Myanmar

 

Trong thời gian qua, Việt nam đã có hàng loạt nỗ lực nhằm tăng cường xúc tiến thương mại, đầu tư vào Myanmar, nhất là năm 2010, nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Myanmar, hai bên đã ra Tuyên bố chung nhấn mạnh 12 lĩnh vực ưu tiên thúc đẩy hợp tác. Hai bên đã ký thêm 4 MoU (Biên bản ghi nhớ) cấp chính phủ về các lĩnh vực phát triển xúc tiến đầu tư, nông lâm nghiệp, thủy sản, ngân hàng tài chính. Tính đến hết tháng 10/2011, khối doanh nghiệp và Hiệp hội ngành nghề hai nước đã ký khoảng 20 văn bản hợp tác nhằm cụ thể hóa các lĩnh vực trong tuyên bố chung.

Ngoài các lĩnh vực trên, hai bên cũng tăng cường hợp tác văn hóa, giáo dục, thể thao, du lịch, giao thông, an ninh và quốc phòng, trong đó có việc ký Bản Ghi nhớ về hợp tác quốc phòng song phương (11/2011); nhất trí sớm ký Hiệp định miễn thị thực cho công dân mang hộ chiếu phổ thông.

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Thein Sein đang diễn ra hết sức tốt đẹp ở Việt Nam. Hai nước có chung dòng sông lớn Mekong chảy qua, đang trên đà hội nhập vào biển lớn của nhân loại tiến bộ.

 

Kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều giữa Việt nam và Myanmar năm 2011 đạt hơn 167 triệu USD (Việt Nam xuất 82 triệu USD và nhập 84 triệu USD), tăng 9,8% (2010 là 152 triệu USD). Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực vào thị trường Myanmar là thép, nguyên liệu thô cho các ngành dệt, phân bón, dược phẩm, vật liệu xây dựng, sản phẩm điện, hóa chất, thực phẩm. Các sản phẩm nhập khẩu chủ yếu là sản phẩm nông sản (hạt đậu các loại, hạt vừng, ngô), cao su, thủy sản. Với những thay đổi nhanh chóng về chính sách thương mại, đầu tư, nên số lượng doanh nghiệp Việt nam quan tâm tìm hiểu thị trường tăng lên. Tính riêng trong 10 tháng đầu 2011, đã có khoảng 30 đoàn doanh nghiệp (hơn 500 lượt người) sang Myanmar thăm quan, khảo sát, đầu tư, thương mại.

Nối tiếp chuỗi hoạt động phát triển quan hệ thương mại hai nước, từ ngày 17-20/1/2011 đã diễn ra Hội chợ hàng Việt Nam tại Myanmar do Bộ Công thương tổ chức với sự tham gia của 45 doanh nghiệp Việt nam (82 gian hàng). Các mặt hàng tham gia dự án là dược phẩm, nông sản, thựuc phẩm, hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, máy tính và linh phụ kiện, ô tô xe máy, dụng cụ thể thao. Hàng hóa Việt Nam tham gia hội chợ thu hút rất đông khách tham quan và được khách hàng Myanmar ưa chuộng. Hầu hết hàng hóa đưa sang triển lãm đã được bán hết trước khi hội chợ kết thúc. Hội chợ lần này được đánh giá thành công tốt đẹp, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tìm được đối tác và nhà phân phối tại Myanmar như: Công ty sữa Nutifood, bánh kẹo Bibica, giấy PP Manufacture, dụng cụ thể thao động lực…

Trong thời gian diễn ra hội chợ, Bộ Công thương, Cục xúc tiến thương mại Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar, AVIM và BIDV đã phối hợp với Liên minh các Phòng Thương mại và Công nghiệp tổ chức các cuộc hội thảo tại Yangon và Mandalay nhằm kết nối giao thương với sự tham gia của hơn 150 doanh nghiệp hai nước. Các cuộc hội thảo đã cung cấp những thông tin cần thiết về các thủ tục thương mại, thông tin về ngành hàng, vận tải và thanh toán giữa các bên. Thông qua các cuộc hội thảo, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tìm được đối tác cho mình và đã có những buổi tiếp xúc làm việc cụ thể, hứa hẹn nhiều hợp tác về thương mại và đầu tư trong thời gian tới.

Nam Xuyên