Lưu trữ | 9:16 Chiều

Mỹ do thám Trung Quốc như thế nào? – VNE

14 Th6

Ấn mình trong khu phức hợp mênh mông của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ, có một đơn vị không mấy ai biết đến. Nó đã chọc thủng mạng dữ liệu của các đối thủ của Mỹ suốt 15 năm nay, không loại trừ Trung Quốc.
> Trung Quốc giữ im lặng trước vụ “kẻ lộ bí mật”
> ‘Tin tặc Trung Quốc trộm dữ liệu vũ khí Mỹ’

Trên tạp chí uy tín Foreign Policy tuần này, tác giả Matthew M. Aid tiết lộ cách thức mà chính phủ Mỹ sử dụng để lấy các thông tin tình báo và nhạy cảm của các nước và tổ chức khác suốt hơn một thập niên qua. Bài báo củng cố thêm lời tiết lộ của một cựu nhân viên nhà thầu của NSA rằng Mỹ đã đánh cắp dữ liệu của Trung Quốc – vấn đề đang gây đau đầu nhức óc cho Washington từ một tuần nay. Matthew M. Aid là tác giả cuốn “Chiến tranh thông tin: Lịch ssr bí mật của cuộc chiến chống khủng bố”, và “Lịch sử bí mật của Cơ quan An ninh Quốc gia NSA”.

Đơn vị này có tên là Văn phòng các chiến dịch đặc biệt (TAO). Nó đã thâm nhập thành công vào hệ thống máy tính và liên lạc trên khắp thế giới, thu thập được những thông tin tình báo xác thực nhất và quý giá nhất về những gì đang diễn ra bên trong các nước cũng như các tổ chức hay cá nhân mà nó xác định là mục tiêu.

Nằm tách biệt trong khu phức hợp rộng lớn của NSA tại Fort Meade, Maryland, thuộc dãy phòng tách biệt với phần còn lại của NSA, TAO thậm chí còn bí ẩn ngay cả với nhiều nhân viên của NSA. Rất ít quan chức NSA được tiếp cận thông tin đầy đủ về TAO do tính nhạy cảm khác thường trong hoạt động của nó. Mỗi người phải có sự cho phép về an ninh đặc biệt mới có thể tiếp cận được các địa điểm làm việc của TAO.

Cánh cửa dẫn tới trung tâm hoạt động tối tân của đơn vị được bảo vệ bởi lính gác có vũ trang. Một cửa sắt kiên cố chỉ có thể đi qua bằng cách nhập mã 6 con số trên bảng phím, và đĩa phân hình võng mạc, đảm bảo chỉ những cá nhân nhất định có thể qua cửa.

Theo các cựu quan chức NSA, nhiệm vụ của TAO khá đơn giản. Nó thu thập các thông tin tình báo từ các mục tiêu ở nước ngoài bằng cách bí mật hack vào các hệ thống máy tính và hệ thống liên lạc của họ, giải mã password, vô hiệu hóa hệ thống hàng rào an ninh của máy tính mục tiêu, đánh cắp dữ liệu lưu trữ trên các ổ cứng của máy tính, sau đó copy tất cả các thông tin và các dữ liệu ra vào qua hệ thống email và tin nhắn của mục tiêu. Thuật ngữ kỹ thuật mà NSA miêu tả các hoạt động này là khai thác mạng lưới máy tính (CNE).

TAO cũng chịu trách nhiệm trong phát triển các công cụ thông tin cho phép Mỹ phá hủy hoặc gây hư hại máy tính và hệ thống liên lạc của nước khác bằng cách tấn công mạng nếu được Tổng thống ra lệnh. Tổ chức chịu trách nhiệm thực hiện một cuộc tấn công mạng như vậy là Cơ quan Điều khiển mạng Mỹ (Cybercom), có trụ sở đặt tại Fort Meade và người đứng đầu là giám đốc NSA, tướng Keith Alexander.

Từ tháng 4/2013 này, TAO hoạt động dưới sự chỉ huy của Robert Joyce, cựu phó giám đốc cơ quan Bảo đảm thông tin của NSA (chịu trách nhiệm bảo vệ hệ thống máy tính và liên lạc của Chính phủ Mỹ). Các nguồn tin cho hay, hiện TAO là hợp phần lớn nhất và có thể coi là quan trọng nhất của Cơ quan tình báo tín hiệu của NSA(SIGINT), quy tụ hơn 1.000 hacker quân sự và dân sự, các nhà phân tích tình báo, các chuyên gia xác định mục tiêu, các nhà thiết kế phần cứng và phần mềm máy tính và các kỹ sư điện tử.

Linh hồn của TAO là trung tâm hoạt động cực kỳ tối tân tại Fort Meade, gọi là Trung tâm hoạt động điều khiển từ xa (ROC), nơi mà khoảng 600 hacker quân sự và dân sự làm việc luân phiên suốt 24h mỗi ngày, 7 ngày một tuần.

Những người này làm việc thâu đêm hoặc suốt sáng để tìm kiếm các hệ thống máy tính và hệ thống hỗ trợ liên lạc được sử dụng bởi, ví dụ như, những kẻ khủng bố ở nước ngoài chuyển các tin nhắn tới các đồng bọn của chúng hoặc những người ủng hộ chúng.

Khi các máy tính này được nhận dạng và xác định vị trí, các hacker sẽ xâm nhập vào các hệ thống máy tính mục tiêu theo đường điện tử, sử dụng phần mềm đặc biệt tải các nội dung trong các ổ cứng máy tính, và đặt phần mềm cấy sâu vào hoặc đặt các thiết bị khác gọi là “xe độc mã” bên trong các hệ thống hoạt động của máy tính, cho phép các nhân viên của TAO ở Fort Meade tiếp tục theo dõi email hay tin nhắn ra vào máy tính hoặc các thiết bị cầm tay.

 Trụ sở Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ tại Fort Meade, Maryland. Ảnh: Wikipedia
Trụ sở Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ tại Fort Meade, Maryland. Ảnh: Wikipedia

Phải nói rằng, nhiệm vụ của TAO sẽ không thực hiện được nếu thiếu đội ngũ các nhà khoa học thiên tài về máy tính và các kỹ sư phần mềm thuộc Nhánh kỹ thuật mạng lưới dữ liệu (Data Network Technologies Branch), chuyên phát triển phần mềm máy tính tinh vi cho phép các nhân viên thực hiện nhiệm vụ thu thập tin tình báo.

Còn có một đơn vị riêng biệt khác bên trong TAO gọi là Nhánh kỹ thuật mạng lưới thông tin liên lạc (TNT), chuyên phát triển các kỹ thuật cho phép các hacker của TAO ngầm tiếp cận được các hệ thống máy và các mạng lưới liên lạc mục tiêu mà không bị phát hiện.

Trong khi đó, Nhánh kỹ thuật cơ sở hạ tầng của TAO (Mission Infrastructure Technologies Branch) có nhiệm vụ phát triển và xây dựng máy tính và hệ thống liên lạc giúp giám sát phần cứng và hỗ trợ cơ sở hạ tầng, bảo đảm cho mọi nỗ lực được trơn tru.

TAO thậm chí còn có đơn vị thu thập tin tình báo bí mật của riêng mình gọi là Nhánh hoạt động kỹ thuật truy cập (Access Technologies Operations Branch), gồm những người được CIA và FBI tuyển chọn. Họ thực hiện cái được miêu tả là “hoạt động ngoài hệ thống” (off-net operations), là một cách nói tránh để che giấu việc họ dàn xếp để các đặc vụ CIA bí mật cài các thiết bị nghe lén vào máy tính hoặc các hệ thống thiết bị liên lạc ở nước ngoài, từ đó các hacker của TAO có thể tiếp cận từ xa từ đại bản doanh của họ.

TAO không được thiết kế để làm những việc chống lại các mục tiêu ở trong nước Mỹ hoặc các nơi Mỹ chiếm đóng. Đó là trách nhiệm của FBI, cơ quan tình báo Mỹ duy nhất đủ tư cách giám sát liên lạc nội địa. Nhưng trước thông tin NSA “can thiệp” rộng hơn, một số người đã lo ngại về khả năng liệu TAO có thể thu thập tin tình báo ở nước ngoài mà không tiếp cận các thông tin khởi nguồn từ Mỹ hoặc trung chuyển qua Mỹ hay không?

Từ khi được sáng lập vào năm 1997, TAO đã có danh tiếng khi thu thập được tin tình báo tốt nhất cho cộng đồng tình báo Mỹ, không chỉ về Trung Quốc, mà còn về các nhóm khủng bố ở nước ngoài, các hoạt động do thám tình báo nhằm chống lại Mỹ bởi Chính phủ các nước, tên lửa đạn đạo và vũ khí hủy diệt hàng loạt phát triển khắp thế giới, và những diễn biến kinh tế, quân sự và chính trị mới nhất trên toàn cầu.

Theo một cựu quan chức NSA, vào năm 2007, khoảng 600 nhân viên của TAO đã bí mật xâm nhập vào hàng ngàn hệ thống máy tính ở nước ngoài và tiếp cận các ổ cứng máy tính có password và email của các mục tiêu trên toàn cầu. Theo tư liệu về lịch sử của NSA năm 2009, Lính gác bí mật (The Secret Sentry), chương trình được xếp loại bảo mật cao này, có tên lúc đó là Stump-cursor, được chứng minh là cực kỳ quan trọng trong chiến dịch tăng quân của quân đội Mỹ năm 2007 vào Iraq, giúp “nhận dạng và xác định” hơn 100 địa điểm nổi dậy của người Iraq và Al Qaeda ở trong và xung quanh Baghdad một cách cực kỳ nhẹ nhàng. Cùng năm đó, các nguồn tin báo cáo là TAO được thưởng vì có thông tin tình báo quan trọng về việc Iran có cố gắng chế tạo bom nguyên tử hay không.

Vào thời kỳ Obama trở thành Tổng thống Mỹ vào tháng 1/2009, TAO đã trở thành cái tương tự với “điều kỳ diệu” – wunderkind của cộng đồng tình báo Mỹ. “Nó trở thành một kỹ nghệ”, một cựu quan chức NSA nói về TAO. “Họ vươn tới mọi nơi, thu thập những thứ mà không ai khác trong cộng đồng tình báo có thể”.

Chính vì tính nhạy cảm chính trị đặc biệt và mang tính bản chất trong công việc của nó, nên đương nhiên TAO luôn luôn và vẫn ngại công khai. Tất cả mọi điều về TAO được phân loại mã hóa tối mật, thậm chí cực kỳ bí mật ngay cả trong nội bộ NSA. Tên của nó xuất hiện trên báo in chỉ vài lần trong thập kỷ qua, và chỉ một số ít phóng viên dám hỏi về nó, dù rất lịch thiệp, nhưng ngay lập tức nhận được cảnh báo cứng rắn của các quan chức tình báo cao cấp của Mỹ rằng không nên miêu tả công việc của đơn vị này. Theo một quan chức cấp cao về quốc phòng của Mỹ, người quen thân với công việc của TAO, “Cơ quan NSA tin rằng càng ít người biết về TAO càng tốt”.

TAO tiếp tục phát triển về quy mô và tầm quan trọng từ khi Obama nhậm chức hồi 2009, biểu lộ vai trò cực lớn của nó. Trong những năm gần đây, hoạt động thu thập của TAO được mở rộng từ Fort Meade đến một số vị trí nghe ngóng quan trọng nhất của NSA ở Mỹ.

Vấn đề là TAO đã trở nên rất rộng lớn và thu thập nhiều thông tin tình báo có giá trị, trở nên khó giấu giếm hơn nữa. Chính phủ Trung Quốc chắc chắn nhận biết về các hoạt động của TAO. Quan chức phụ trách Internet hàng đầu Trung Quốc, Huang Chengqing, cho hay Bắc Kinh đang có “cả núi dữ liệu” chứng minh Mỹ có chương trình hack quy mô rộng để đánh cắp các bí mật của Chính phủ Trung Quốc. Rõ ràng nếu Trung Quốc công bố “núi dữ liệu” thì đó là mối đe dọa với Mỹ, vì thế Tổng thống Mỹ có thể đã không quá thúc ép Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở hội nghị thượng đỉnh ở Califỏnia cuối tuần trước về các hoạt động gián điệp mạng của Trung Quốc. Bất kỳ một người chơi bài nào đều biết rằng anh chỉ thế trên cơ của anh sẽ không còn nếu đối phương biết rõ anh có lá bài nào trong tay.

Khánh Lynh (theo Foreign Policy)

Tin liên quan:
 

//

Sau 24 năm ‘cường quốc’, Việt Nam có gì?

14 Th6

Sau 24 năm ‘cường quốc’, Việt Nam có gì?

Vì sao tiếng kêu của người làm nông nghiệp không “rầm rộ” như lĩnh vực khác trong thời điểm đầy khó khăn, nguy nan? Phải chăng là do “Bộ trưởng hiền quá!”, như nhận xét của đại biểu Trần Hoàng Ngân?

>>Nông sản mất giá, Bộ trưởng nghĩ nhiều

Đã khá lâu, người nông dân và những ai quan tâm đến nông nghiệp – nông thôn mới nghe được những lời chất vấn sắc nét, rõ vấn đề như đại biểu Trần Hoàng Ngân với Bộ trưởng Bộ NN – PTNT Cao Đức Phát! Dù rằng, hàng loạt vấn nạn của ngành NN – PTNT lâu nay cứ “đến hẹn lại lên”, thậm chí ngày một trầm kha.

Trầm kha và xót xa nhất là lúa nông dân làm ra bán không được, ế thừa khắp nơi. Trả lời chất vấn của phóng viên làm sao đảm bảo cho nông dân lãi 30% như yêu cầu của Chính phủ, ông chủ tịch Hiệp hội lương thực VN, kiêm TGĐ Tổng Công ty lương thực miền Nam đã cáu kỉnh: “Lúc này chỉ nói bán được hay không thôi! Không bán thì đem cho vịt ăn!”.

Sau 24 năm, tức gần 1/4 thế kỷ, nông dân VN được xưng tụng như những anh hùng đã đưa đất nước từ chỗ nhập khẩu lúa gạo lớn, thành quốc gia xuất khẩu lúa gạo thứ hai thế giới.

Ngược dòng lịch sử, cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, VN và Myanmar từng là hai quốc gia xuất khẩu gạo lớn ở châu Á. Do hoàn cảnh chiến tranh, xung đột, hai nước vắng bóng suốt thời gian dài.

Đến năm 1989, nhờ công cuộc Đổi mới, cụ thể là Khoán 10 và Chỉ thị 100, VN đã “xuất thần” trở lại ngôi vị cường quốc xuất khẩu lúa gạo trước sự ngỡ ngàng của thế giới và cả chính chúng ta.

Thành tựu này vĩ đại đến mức, suốt hàng chục năm sau đó, trong báo cáo thành tích của các ngành đều có câu “góp phần đưa đất nước thành cường quốc xuất khẩu gạo”! Ngành NN- PTNT, Hội Nông dân VN viết vào báo cáo như vậy còn có lý. Nhưng nhiều ngành chẳng dính dáng đến nông nghiệp cũng “chia sẻ” thành tích này với niềm tự hào to lớn.

Nhắc lại để thấy rằng, thành tích kỳ diệu sau khi trở lại ngôi “cường quốc” lúc ấy có tác động to lớn không chỉ về kinh tế, mà lan rộng ra tất cả các lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, ánh hào quang lấp lánh của ngôi vị đã lụi tàn vào giai đoạn sau. Đến hôm nay, nếu không chấp nhận bán đổ bán tháo, nông dân phải “để cho vịt ăn”, thì quả là đáng buồn!

nông nghiệp, chất vấn quốc hội, được mùa mất giá, xuất khẩu lúa gạo, bộ trưởng Cao Đức Phát
Bộ trưởng Cao Đức Phát. Ảnh: Minh Thăng

Không chỉ cây lúa “chịu đời đắng cay”

Năm 2012, ngành NN – PTNT được xem là “điểm sáng” vì đã làm trụ đỡ cho nền kinh tế gặp khủng hoảng. Kim ngạch xuất khẩu vẫn cao hơn năm trước.

Nhưng cái giá phải trả cực đắt: Nông dân càng làm ra nhiều sản phẩm càng lỗ! Càng xuất khẩu càng khó khăn. Những đồng ngoại tệ mang về cho đất nước lúc khủng hoảng quý giá vô ngần chính là mồ hôi, nước mắt của nông dân.

Không chỉ người trồng lúa, mà cả người chăn nuôi, trồng cây trái, hoa quả, rau màu, v.v… Mặt trận nông nghiệp gần như đều chung số phận thua lỗ! Báo chí phản ánh nhiều đến nỗi nhàm chán. Một số chính sách, chương trình đã được đưa ra nhưng gần như chưa có tác dụng.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân trong phiên chất vấn tại Quốc hội ngày 12/6 đã “nói hộ” nỗi lòng của người nông dân. Theo ông, trong khi các ngành gặp khủng hoảng như bất động sản người ta lăn xả, đánh động, sùng sục tìm giải pháp, kiến nghị Chính phủ, đưa ra Quốc hội… thì tiếng kêu của người làm nông nghiệp tắt lịm trước khi đến cấp cao!

Tại các kỳ họp trước, ở cơ sở người làm nông nghiệp lo toan mất ăn mất ngủ, thua lỗ, phá sản, tuyệt vọng…, còn chương trình nghị sự của Quốc hội vẫn thường xuyên đề cập đến những biện pháp, gói cứu nguy cho bất động sản!

Vì sao tiếng “kêu cứu” của người làm nông nghiệp không “rầm rộ” như lĩnh vực khác trong thời điểm đầy khó khăn, nguy nan? Phải chăng là do “Bộ trưởng hiền quá!”, như nhận xét của đại biểu Ngân?

Nông nghiệp đang đi về đâu?

Ở Hà Lan, 1 ha đất nông nghiệp đem lại 40.000 USD/năm. Gần với nước ta là Đài Loan, mỗi ha hàng năm đạt 12.000 USD.

So sánh hiệu quả với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác về hiệu quả thì không khỏi khập khiễng. Song điều cần nói là một nền nông nghiệp cứ “giậm chận tại chỗ” và thụt lùi mãi về hiệu quả sản xuất thì không thể gọi là bình thường, nếu không nói là bất thường!

nông nghiệp, chất vấn quốc hội, được mùa mất giá, xuất khẩu lúa gạo, bộ trưởng Cao Đức Phát
Không chỉ cây lúa “chịu đời đắng cay”

Sau 1/4 thế kỷ trở lại ngôi vị, khả năng cạnh tranh của hạt gạo VN không những vẫn thua xa Thái Lan, mà còn thua luôn cả những “cường quốc” mới nổi như Ấn Độ, Myanmar. Và thua luôn cả gạo của Campuchia, quốc gia mới làm ra lúa gạo đủ ăn mấy năm nay!

Cũng sau 1/4 thế kỷ sản xuất gạo bán ra thế giới, ngoài thành tích sản lượng ngày càng tăng, VN vẫn chưa thật sự có được thị trường của mình. Chỉ cần một quốc gia nhỏ như Campuchia tham gia xuất khẩu cũng khiến cho sản phẩm của chúng ta điêu đứng, xiêu vẹo.

Những tiến bộ mới trong canh tác như cơ giới hóa, kỹ thuật, chăm sóc, v.v… đã giúp tăng năng suất. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất, bao trùm nhất là tổ chức sản xuất nền nông nghiệp hiện đại, kết nối với nhu cầu, thị trường của thế giới gần như chưa có kết quả đáng kể.

Những tiếng nói về cải cách, tổ chức lại nền Sản xuất nông nghiệp cũng “đến hẹn lại lên”, như điệp khúc “được mùa mất giá”, chỉ có tác dụng “thuốc an thần” tạm thời. Sau đó, đâu lại vào đấy!

Rõ ràng, vị tư lệnh của ngành Nông nghiệp không thể “hiền quá” như nhận xét của đại biểu Trần Hoàng Ngân! Bởi ông là người đứng mũi chịu sào cho số phận của gần 70% dân số là nông dân; của một ngành sản xuất nền tảng của nền kinh tế đất nước!

  • Duy Chiến

Trung Quốc nên làm rõ đường chín đoạn

14 Th6

Trung Quốc nên làm rõ đường chín đoạn

Nhiều khả năng trong những năm tới, Trung Quốc sẽ thực thi một vai trò kinh tế quyết đoán hơn ở Biển Đông, điều có thể gây nên các cuộc chạm trán và xung đột lúc này lúc khác trong khu vực.

>>TQ nên thiết lập Ủy ban nhà nước về biển?

>>Tranh luận việc TQ giải quyết vấn đề biển Đông

>>TQ nên coi biển Đông là lợi ích cốt lõi?

 

 

Làm rõ đường chín đoạn?

Sự thiếu rõ ràng trong các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông đã gây ra một sự bối rối cho những người bên ngoài đối với việc xác định chính xác những gì mà Trung Quốc muốn yêu sách. Một vài nhà quan sát tin rằng Trung Quốc yêu sách về “vùng nước lịch sử” phía bên trong “đường chín đoạn” ở Biển Đông.[1]

Truyền thông và nhiều nhà phân tích Trung Quốc đã sử dụng những thuật ngữ rất lỏng lẻo để mô tả những yêu sách của Trung Quốc ở các vùng biển Đông Á. Lúc này lúc khác, họ cho rằng Trung Quốc có quyền hưởng ba triệu kilomet vuông “lãnh thủy”,[2] “lãnh thổ đại dương”,[3] “lãnh thổ biển”,[4] hay “lãnh hải”.[5] Có thể hiểu ba triệu kilomet vuông đó sẽ bao gồm cả hai triệu kilomet vuông vùng biển nằm trong “đường chín đoạn” ở Biển Đông.

Mặc dù không hiểu rõ về ý nghĩa các thuật ngữ, công luận Trung Quốc dường như tin rằng Trung Quốc đáng được hưởng một số đặc quyền ở Biển Đông. Ít nhiều thì cảm tính này được chia sẻ bởi một bộ phận lớn các chuyên gia quan hệ quốc tế không có chuyên môn về các vấn đề biển của Trung Quốc.[6]

Một vài nhà phân tích Trung Quốc đã ủng hộ việc Trung Quốc cần làm rõ  yêu sách của mình ở Biển Đông. Một người cho rằng “thách thức lớn nhất và cấp thiết nhất hiện tại đối với Trung Quốc là làm thế nào để diễn giải đường chín đoạn bởi vì sự mù mờ liên quan đến đường này làm các nước ASEAN và nhiều quốc gia khác quan ngại nhất.”[7] Giáo sư Sun Zhe ở Đại học Thanh Hoa lưu ý rằng dù Biển Đông rất quan trọng với Trung Quốc, Trung Quốc nên công nhận rằng Biển Đông không phải là cái ao nhà của riêng mình, vì phần lớn Biển Đông là vùng biển quốc tế. Ông cảnh báo Trung Quốc tránh bị phần còn lại của thế giới hiểu nhầm là đang cố gắng kiểm soát toàn bộ Biển Đông như là cái ao nhà của mình.[8]

đường chín đoạn, Truong Quốc, biển Đông

Trong vài năm gần đây, giới quan chức Trung Quốc đã duy trì lập trường như sau: Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở Biển Đông và vùng nước gần kề, và Trung Quốc được hưởng quyền chủ quyền và quyền tài phán ở những vùng nước liên quan, cũng như đáy biển và vùng đất dưới đáy biển đó.[9]

Gần đây, để biện hộ cho sự phản đối của Trung Quốc đối với việc khai thác nguồn tài nguyên năng lượng ở Biển Đông của các quốc gia tranh chấp khác, giới chức Trung Quốc đã thường xuyên sử dụng các thuật ngữ “vùng biển thuộc quyền tài phán” hay “quyền tài phán”. Ví dụ như, vào ngày 22 tháng 9 năm 2011, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi (Hong Lei) đã đáp lại một câu hỏi liên quan tới việc khai thác dầu chung giữa Ấn Độ và Việt Nam ở Biển Đông như sau:

Các hoạt động thăm dò dầu khí của bất cứ công ty nước ngoài nào trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc mà không có sự cho phép của Trung Quốc đều là  bất hợp pháp và vô hiệu. Chúng tôi hy vọng rằng các công ty nước ngoài liên quan sẽ không tham gia vào các hoạt động thăm dò dầu khí  như vậy, và không can dự vào tranh chấp Biển Đông.[10]

Tiếp cận pháp lý?

Bất chấp thực tế là chính phủ  Trung Quốc đã công khai và chính thức loại trừ khả năng đưa vấn đề Biển Đông ra trọng tài quốc tế, một vài học giả Trung Quốc đã đề nghị rằng Trung Quốc nên sẵn sàng cho việc cân nhắc cách tiếp cận pháp lý. Một luật sư luật biển lâu năm ở CASS tên là Liu Nanlai đề nghị rằng có ba sự lựa chọn chính cho giải pháp tranh chấp Biển Đông: chiến tranh, đàm phán chính trị và trọng tài quốc tế (hoặc bên thứ ba). Ông nói rằng chiến tranh không còn là sự lựa chọn cho Trung Quốc nữa. Mặc dù đàm phán ngoại giao hiện là hướng đi cơ bản của Trung Quốc, trong tương lai, Trung Quốc có thể vẫn cần cân nhắc các giải pháp trọng tài và tranh tụng pháp lý.

Do đó, Trung Quốc nên bắt đầu tiến hành các nghiên cứu khả thi để chuẩn bị cho việc phân xử bằng trọng tài quốc tế.[11] Li Jinming, một chuyên gia nghiên cứu Biển Đông lâu năm khác, đồng ý rằng Trung Quốc khó có thể từ chối trọng tài quốc tế mãi bởi vì tranh chấp Biển Đông càng kéo dài thì Trung Quốc càng gặp bất lợi. Vì thế, ông đề nghị rằng Trung Quốc cần bắt đầu chuẩn bị từ bây giờ bằng cách thu thập những bằng chứng đầy đủ để chứng minh rằng Biển Đông thật sự thuộc quyền sở hữu của Trung Quốc.[12]

Kết luận

Những căng thẳng và xung đột dâng cao ở Biển Đông đã làm nổ ra một cuộc tranh luận về chính sách ở Trung Quốc. Những đề xuất chính sách được đưa ra bởi các nhà phân tích Trung Quốc đã phản ánh một loạt các luồng ý kiến phong phú về bốn khía cạnh: nguồn gốc của các căng thẳng; đánh giá và suy nghĩ tổng quan về chính sách của Trung Quốc từ trước tới nay; khía cạnh chiến lược của vấn đề Biển Đông, và chính sách của Trung Quốc trong tương lai.

Phần đông các nhà phân tích Trung Quốc dường như đều đồng ý nguồn gốc xung đột ở Biển Đông xuất phát từ việc các quốc gia trong khu vực không tôn trọng lợi ích của Trung Quốc như có thể thấy qua sự cấu kết với các cường quốc bên ngoài nhằm mục đích chống lại Trung Quốc. Quan điểm đồng thuận này chỉ ra rằng Trung Quốc có vẻ sẽ không đưa ra sửa đổi đáng kể nào đối với chính sách của họ về vấn đề Biển Đông. Logic ở đây là nếu hành vi của Trung Quốc không có gì sai sót trầm trọng thì không cần thay đổi lớn đối với chính sách. Tuy nhiên, áp lực cần có một chính sách cứng rắn hơn đã không đến từ cộng đồng học giả chính thống mà đến từ những người theo chủ nghĩa dân tộc.

Trung Quốc đã nhìn nhận các diễn biến gần đây liên quan đến sự gia tăng chủ  nghĩa dân tộc, sự phát triển năng lực của Trung Quốc, và sự khoanh vùng trách nhiệm quản lý hành chính giữa các cơ quan khác nhau. Những diễn biến mới này sẽ có thể khuyến khích Trung Quốc tăng cường sự hiện diện về quân sự và  kinh tế ở Biển Đông. Bắc Kinh sẽ ít khả năng giảm các hoạt động thực thi pháp luật trong khu vực. Hơn nữa, việc điều phối hoạt động của các cơ quan chấp pháp biển khác nhau của Trung Quốc ngày càng khó khăn.[13]  Vì vậy nhiều khả năng trong những năm tới, Trung Quốc sẽ thực thi một vai trò kinh tế quyết đoán hơn ở Biển Đông, điều có thể gây nên các cuộc chạm trán và xung đột lúc này lúc khác trong khu vực.

Tuy nhiên, mối quan tâm của Trung Quốc về  quan hệ đối với Đông Nam Á, sự cạnh tranh chiến lược với Mỹ, và việc ưu tiên phát triển kinh tế nội địa sẽ có thể kiềm chế Trung Quốc không trở nên công khai đối đầu. Bắc Kinh dường như hiểu được rằng các động lực chiến lược ở Đông Á không có  lợi cho Trung Quốc và rằng một chính sách quá  quyết liệt ở Biển Đông sẽ chỉ khiến các quốc gia trong khu vực thêm nghi ngờ Trung Quốc. Hệ quả sẽ là sự gia tăng vai trò an ninh và chính trị của Mỹ ở khu vực và sự can dự ngày càng nhiều của các cường quốc khác như Nhật Bản và Ấn Độ vào vấn đề Biển Đông. Bắc Kinh dường như hiểu rằng cần phải có hành động ngăn chặn xung đột và căng thẳng vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Cách giải quyết chính thức các tranh chấp trong những năm gần đây đã thể hiện quan điểm chiến lược này.

Cuối cùng, chính sách cương quyết nhưng tránh đối đầu này nhiều khả năng sẽ chi phối hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Phần còn lại của khu vực có thể nhìn thấy nhiều điểm không thống nhất trong chính sách của Trung Quốc từ những tuyên bố trấn an không ngớt cho tới cách giải quyết mạnh tay đối với hành động của các quốc gia tranh chấp khác. Mặc cho việc Trung Quốc hành động và phản ứng quyết liệt, Bắc Kinh sẽ kiềm chế không để căng thẳng và xung đột leo thang đến mức đối đầu lớn. Trong những điều kiện phù hợp, Trung Quốc sẽ không do dự thực hiện việc kiểm soát thiệt hại bằng việc cải thiện quan hệ với các bên liên quan bằng những cách thức có thể giải trình được trước công chúng trong nước.

Tác giả: Lý Minh Giang (Đại học Kỹ thuật Nanyang, Singapore); Biên dịch: Hồ Hải Yến – Lê Hồng Hiệp. Nguồn: nghiencuuquocte.net

Bài được đăng lại với sự đồng ý của nhóm biên dịch tài liệu học thuật chuyên ngành nghiên cứu quốc tế

—————-

Chú thích:

 

[1] Nguyen Hong Thao & Ramses Amer, “A New Legal Arrangement for the South China Sea?” Ocean Development & International Law, 40:333–349, 2009.

[2] Wang Qian, “China to dive into mapping seabed,” China Daily, September 14, 2011.

[3] Wang Xinjun, “China one step closer to developing aircraft carrier,” China Daily, August 1, 2011.

[4] China Daily, “Refitting aircraft carrier not to change naval strategy,” July 27, 2011.

[5] Zhang Zixuan, “Cultural relics discovered under sea,” China Daily, May 17, 2011

[6] Phỏng vấn của tác giả với hơn 50 học giả Trung Quốc từ năm 2009.

[7] Zhong Feiteng, et al., [South China Sea policy: not one less for interpretation rights and maritime rights].

[8] Zhang Jie, et al., [US forcefully pushes internationalization of South China Sea issue, Yang Jiechi uses seven arguments to counter Hillary’s “incorrect points”]

[9] Phản ứng của Trung Quốc trước việc Việt Nam và Malaysia nộp báo cáo chung lên UNCLCS-7/5/2009.

[10] Chinese Foreign Ministry, Septyember 22. 2011, http://www.fmprc.gov.cn/chn/gxh/tyb/fyrbt/t861266.htm, accessed December 10, 2011.

[11] Nie Xiushi, “wo yuan xuezhe biaoshi: falv caijue huo ke jiejue nanhai wenti” [CASS scholar: legal adjudication may solve the South China Sea problem], CASS bulletin, April 23, 2009.

[12] Zhang Jie, et al., [US forcefully pushes internationalization of South China Sea issue, Yang Jiechi uses seven arguments to counter Hillary’s “incorrect points”].

[13] Phỏng vấn của tác giả với các quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Hải Nam, 11/2011.

‘Mỹ đã đột nhập hệ thống ở TQ nhiều năm’ – BBC

14 Th6

‘Mỹ đã đột nhập hệ thống ở TQ nhiều năm’

 
Ông Snowden trên báo Hong KongÔng Snowden trả lời phỏng vấn báo Hong Kong

Cựu nhân viên CIA Edward Snowden nói Hoa Kỳ đã xâm nhập hệ thống máy tính của Hong Kong và Trung Quốc nhiều năm nay.

Cáo buộc nghiêm trọng nói trên được đưa ra trong cuộc phỏng vấn mà ông Snowden dành cho báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hong Kong, đăng hôm thứ Năm 13/6.

 

Trong cuộc phỏng vấn được thực hiện tại một địa điểm bí mật trong thành phố, ông Snowden cũng nói ông sẽ ở lại Hong Kong để đấu tranh chống lại nỗ lực dẫn độ ông về Hoa Kỳ vì tội rò rỉ bí mật quốc gia.

Ông nói ông sẽ trụ lại “tới chừng nào người ta yêu cầu tôi ra đi”, và rằng “tôi đã có nhiều cơ hội để rời Hong Kong, nhưng tôi quyết định ở lại và đấu tranh với chính phủ Mỹ tại tòa án vì tôi tin tưởng vào hệ thống pháp quyền của Hong Kong”.

Không phải người hùng

Chính phủ Mỹ xác nhận bắt đầu điều tra hình sự đối với ông Snowden, người đưa ra các cáo buộc rằng chương trình theo dõi điện tử Prism gây tranh cãi bao gồm cả các máy tính của cá nhân và tổ chức tại Hong Kong và Hoa lục; chính phủ Mỹ đang gây áp lực với chính quyền Hong Kong đòi dẫn độ ông và ông quan ngại to lớn về an ninh của bản thân cũng như cho gia đình.

Edward Snowden nói ông không phải người hùng, nhưng cũng không phạm tội bội phản.

“Tôi không ở Hong Kong để lẩn tránh luật pháp, tôi có mặt ở đây để vạch trần tội ác.”

Edward Snowden là ai?

Edward Snowden

  • 29 tuổi, thời trẻ sống ở bang North Carolina
  • Tham gia quân đội dự bị năm 2004, nhưng giải ngũ bốn tháng sau đó, Bấm theo báo Guardian
  • Công việc đầu tiên tại Cơ quan An ninh Quốc gia là làm bảo vệ
  • Làm việc về an ninh mạng tại CIA
  • Rời CIA năm 2009 để làm việc theo hợp đồng của NSA cho một số công ty, trong có Booz Allen
  • Dùng nick Verax, tiếng Latin có nghĩa “nói sợ thật”, trong các thư từ với báo Bấm Washington Post

Ông Snowden nói rằng dựa trên các tài liệu mà ông có, nhưng chưa được SCMP kiểm chứng độc lập, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã xâm nhập hệ thống máy tính ở Hong Kong và Trung Hoa lục địa từ năm 2009. Tuy nhiên ông nói các tài liệu này không cho thông tin về hệ thống quốc phòng của Trung Quốc.

Ông còn chỉ rõ rằng các mục tiêu xâm nhập của NSA ở Hong Kong là Đại học Trung Hoa (Chinese University of Hong Kong), các quan chức chính quyền, các doanh nghiệp và sinh viên.

Theo cựu nhân viên CIA, có 61.000 hoạt động xâm nhập của NSA trên toàn cầu, con số mục tiêu tấn công ở Hong Kong và Hoa lục lên tới hàng trăm.

Ông Snowden nói ông công bố các thông tin trên để cho thấy “sự đạo đức giả của chính phủ Mỹ khi tuyên bố rằng họ không nhằm vào các mục tiêu dân sự như các đối thủ khác”.

“Tôi không phải kẻ phản quốc mà cũng không phải anh hùng. Tôi là một người Mỹ,” ông nói, và thêm rằng ông rất tự hào được là người Mỹ.

“Tôi tin vào quyền tự do ngôn luận. Tôi làm điều mình cho là cần thiết, nhưng việc mọi người đưa ra ý kiến riêng của mình là lẽ tự nhiên thôi.”

Quan ngại an toàn

Edward Snowden nói ông chưa liên lạc với gia đình và lo ngại về sự an toàn của họ.

“Tôi sẽ không bao giờ thấy an toàn.”

“Mọi điều đối với tôi đều khó khăn trong lúc này, nhưng nói lên sự thật thì bao giờ cũng là chuyện mạo hiểm.”

Các vụ rò rỉ thông tin lớn

Hồ sơ Lầu Năm góc, 1971: Daniel Ellsberg rò rỉ nghiên cứu cho thấy chính phủ Mỹ biết rằng khó có thể thắng trong cuộc chiến Việt Nam

Watergate, 1972: Bob Woodward và Carl Bernstein hé mở quy mô của việc giấu diếm vụ đột nhập tại đại bản doanh của đảng Dân chủ

Vụ bán vũ khí cho Iran, 1986: Giáo sỹ Iran phát giác việc Mỹ bán vũ khí trái phép cho Iran, tiền thu được dùng để tài trợ cho phe ly khai ở Nicaragua

Valerie Plame, 2003: Bà Plame bị nhận dạng là nhân viên CIA, phải dừng công việc

Abu Ghraib, 2004: Các hình ảnh quân Mỹ ngược đãi tù nhân tại nhà tù ở Iraq đã khơi ngòi cho vụ bê bối lớn.

Bradley Manning, 2010: Quân nhân Manning đã tải hàng nghìn tài liệu mật từ các máy chủ của quân đội Mỹ và chuyển cho Wikileaks

Ông cũng bày tỏ hy vọng rằng các nước trên thế giới “sẽ không để Hoa Kỳ ép buộc vào chỗ truy bức những người tỵ nạn chính trị”.

Khi được hỏi có phải chính phủ Nga đã đề xuất cho ông tỵ nạn hay không, Snowden nói: “Tôi chỉ muốn nói rằng tôi rất mừng khi có một số chính phủ không chịu để các nước lớn hà hiếp”.

SCMP nhận định rằng vụ Snowden có nguy cơ gây ảnh hưởng xấu tới quan hệ Mỹ-Trung, ngay sau cuộc gặp thượng đỉnh ở Sunnylands, California.

Hàng chục nghìn người ủng hộ ông đã ký đơn xin tha tội cho Snowden tại Mỹ, và đóng góp tài chính để giúp ông.

“Tôi rất biết ơn mọi người đã ủng hộ tôi,” Snowden nói. “Nhưng tôi đề nghị quý vị hành động vì lợi ích của chính mình, hãy dùng tiền đó để gửi thư lên cái chính phủ đã phạm luật mà còn khoe khoang ân nghĩa”.

Edward Snowden nói ông muốn xin người dân Hong Kong quyết định số phận của ông.

Vụ rò rỉ thông tin này là một trong các vụ lớn nhất từ trước tới nay.

Thứ Bảy tới các nhân vật hoạt động địa phương dự định tuần hành ủng hộ ông Snowden tới trước tòa lãnh sự quán Hoa Kỳ vào lúc 3 giờ chiều.

 

THƠ KHÔNG CHẾT ĐUỐI MÀ ĐANG BƠI VỀ MIỀN ĐẤT MỚI? – Nguyễn Trọng Tạo

14 Th6

THƠ KHÔNG CHẾT ĐUỐI MÀ ĐANG BƠI VỀ MIỀN ĐẤT MỚI?

FB Trịnh Sơn

logonhanaiTin tức về doanh số thơ bán ra sụt giảm không hề như một số người lo sợ rằng bộ môn nghệ thuật này đang chết. Thực tế là, thơ đang thích nghi tốt với một thời đại xuất bản mới. 

          Vào tối thứ Tư (29/5/2013), một bộ sưu tập thi ca nhằm hỗ trợ bannhạc punk rock (loại nhạc rock cuồng loạn dữ dội) Pussy Riot đang bị cầm tù ở Nga đã đoạt giải thưởng Tuyển thơ hay nhất trong cuộc thi thơ độc lập Saboteur năm 2013. Bộ “Giáo lý: Thơcho Pussy Riot” (Catechism: Poems for Pussy Riot) bao gồm tác phẩm của 110 nhà thơ và hơn hai mươi dịch giả, được bắt đầu bằng một lời khẩn khoản yêu cầu trên mạng Facebook bởi các biên tập viên Mark Burnhope, Sarah Crewe và Sophie Mayer để tìm kiếm những bài thơ nhằm hỗ trợ các cô gái của ban nhạc (vì họ tuyên truyền dân chủ, chống đối chính phủ của tổng thống Putin, bị chính quyền Nga bắt giam và xét xử), trong thời gian chuẩn bị có quyết định xử kháng cáo họ vào tháng 10 năm 2012 (kết quả, Samutsevich bị tuyên án treo, còn Alyokhina và Tolokonnikova bị phạt án tù). Bộ sưu tập thơ có sự đóng góp của các nhà thơ thành danh như Ali Smith, Deborah Levy, Phill Jupitus và John Kinsella – được xuất bản như một cuốn sách điện tử (ebook), hợp tác với PEN (tổ chức văn học quốc tế lâu đời nhất) của Anh, và hiện tại đã có giấy phép in ấn. Bộ sưu tập thơ trên đã vượt qua bốn tuyển tập khác để giành giải thưởng: Hợp tuyển Kỷ niệm thứ 5 của nhóm Mắt ly tâm (tuyển chọn: E.A.Hanninen), Gieo vần sấm sét – Sách chọn của các nhà thơ trẻ (Nxb Mắt Cháy), Chạm trổ: Thơ vùng Tây Bắc (của các nhà thơ Tây Bắc, tuyển chọn: L.Holland và A.Topping), và Cuộc phiêu lưu hình thức (Viết bên lề, tuyển chọn:Tom Chivers).

          Một trong những nhà xuất bản độc lập hàng đầu của Vương quốc Anh đạt nhiều giải thưởng là Salt, thông báo rằng họ đang từ chối xuất bản các tập thơ cá nhân vì lý do không bền vững về tài chính. Và quả thật, hầu như không có tuần nào trôi qua mà không nghe ai đó quả quyết rằng thơ đang hấp hối. Với sự suy giảm trong doanh số các tập thơ bán ra, ở mức giảm 50% trong vòng năm năm qua mà một nửa số đó xảy ra chỉ trong 12 tháng qua, quyết định của Salt là hoàn toàn hợp lý. Báo chí thương mại không thể hỗ trợ những con số nếu không tìm cách thay đổi mô hình kinh doanh trong việc xuất bản thơ.

          Sự thật khắc nghiệt là xuất bản thơ không mang lại khả năng đặc biệt về thương mại, dựa trên tổng giá trị bán thơ ở Vương quốc Anh đã giảm từ 8,4 triệu bảng năm 2009 còn 6,7 triệu bảng vào năm ngoái. Nhà xuất bản Salt dường như đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu chú ý so sánh doanh số riêng năm ngoái sụt giảm 25% trong tổng số sụt giảm trong bốn năm là 15,9%. Trên khía cạnh nào đó, có thể lập luận rằng quyết định của Salt là tin tốt cho các nhà xuất bản nhỏ như Faber, Bloodaxe, Carcanet, Shearsman và tất cả những nhà xuất bản độc lập lọt vào danh sách của giải thưởng Saboteur, vì nó có nghĩa là chỉ còn ít cá lớn bơi trong một cái hồ đang thu hẹp lại.

          Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nghiêm trọng nếu đánh đồng sự sụp đổ của riêng một nhà xuất bản với toàn bộ tình trạng thơ ca. Thậm chí, giám đốc của Salt là Chris Hamilton-Emery đã ghi nhận “tăng mạnh về số lượng ấn phẩm thơ sắp in”, và ông đã đúng. Trang mạng cực kỳ hữu ích “Thi đàn” (Poetry Kit) của Jim Bennet đưa ra danh sách có hơn 400 nhà xuất bản thơ ở Vương quốc Anh, và mặc dù danh sách quá rộng (gồm cả Faber – nhà xuất bản từng có biên tập viên là T.S.Eliot, bán qua tay nhiều công ty và hiện đang trực thuộc tập đoàn Macmillan) và có lẽ chậm cập nhật (vì có cả Salt – đã tuyên bố ngưng xuất bản thơ cá nhân), nó bao quát một loạt các nhà xuất bản liên quan. Đối với Mỹ, nhìn thoáng qua trang mạng chuyên về thi ca lớn nhất nước này là SPD cũngsẽ thấy rằng tình hình không khác ở Anh là mấy. Hầu hết việc in ấn thơ đều nghiệp dư, theo sát nghĩa của từ này. Chúng thường được điều hành bởi các nhà thơ – đối với các nhà thơ, ngân sách eo hẹp mà tâm hồn cao quý, thường không thể đạt được mục tiêu tài chính mà thậm chí còn thâm hụt. Các ấn phẩm của họ thường xuyên kéo lê định nghĩa một “cuốn sách” để hạn chế, biến thành các tờ rơi quá khổ, sách nhỏ để bỏ túi, đĩa CD, những bài thơ in trên danh thiếp và thậm chí cả những bài thơ xếp hình hộp diêm. Các nhà xuất bản này thường tự sắp chữ, thiết kế và may gáy. Máy in theo truyền thống thủ công như những năm 60 – 70 và trước đó. Theo Thư viện Thơ Trung tâm Miền Nam, các nhà xuất bản in ấn theo kiểu truyền thống này đã bỏ quên “hàng trăm ngàn” các trang thơ chuyên dụng trên mạng, nơi có những bài thơ và các nhà thơ trình bày bằng đầy đủ các phương tiện truyền thông kỹ thuật số, bao gồm cả video, âm thanh, văn bản hoạt hình, sách điện tử và tiện ích tương tác siêu văn bản.

          Trang Thi Đàn quảng bá các sự kiện đọc sách thường xuyên; có hơn 250 sự kiện đọc sách mở rộng được liệt kê chỉ riêng tại Anh, không kể các lễ hội và các bài đọc một lần. Đối với nhiều nhà thơ trẻ, các sự kiện đọc sách mở rộng và chương trình thơ trình diễn (thơ slam) đánh dấu tương tác đầu tiên với khán giả – là “sự trình làng” đầu tiên của họ. Trong thực tế,trên cả hai mặt của đường biên nói/in, có thể thấy rõ phong trào thơ truyền miệng là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với in ấn. Sau hết, ai cần có một cuốn sách khi nhà thơ có thể nhiệt tình trình bày trực tiếp trước khángiả mỗi tuần một năm nữa? Điều này đủ để làm mất tinh thần những người yêuthích các sản phẩm in ấn.

          Tôi đang cảm thấy bản thân mình như thế, nhưng qua kinh nghiệm từ việc xem xét tác phẩm “Gieo vần sấm sét” – một tuyển tập thơ trình diễn và thơ hiệu suất của nhà xuất bản Mắt Cháy – họ chưa đưa nó danh sách của trang Thi Đàn, làm thay đổi suy nghĩ của tôi. Đây là một nhóm chắp vá những nhà thơ trình diễn trẻ, rõ ràng họ hài lòng để được đóng đinh trong những trang sách “thực sự”. Thật vậy, một số người trong số họ thậm chí còn không có một tập thơ riêng. Một số chỉ hiện diện trên trang mạng riêng của mình. Vào thời điểm có thể được coi là cuối đời mà mới hôm nọ nhà thơ nổi tiếng Robert Pinsky (sinh năm 1940) còn công bố rằng cuối cùng ông đã có một trang web của riêng mình, trên Twitter.

          Vì vậy, trong khi một số người xem thơ là một nghệ thuật sắp chết, tôi lại thấy thơ là một bộ môn áp dụng sớm và nhiệt tình các công nghệ mới, không ngoại trừ một phần vì nó bắt buộc phải như thế. Tại sao? Vâng, chẳng ai giàu vì bán thơ, nhưng nếu muốn chia sẻ nó với những người quan tâm, thì nhà thơ phải tìm ra cách tiện dụng nhất để thực hiện. Và ngay thời điểm này, có vẻ như với các cách kết hợp trực tuyến, trình diễn và in ấn, với mỗi hình thức hỗ trợ khác nhau theo một mô hình xuất bản mới, thì các tập thơ in ra không chỉ vì chúng có thể và có giấy phép xuất bản mà do sách in vẫn là một khâu quan trọng của cả quy trình. Mặc cho sự miễn cưỡng quá đáng của hầu hết các hiệu sách bán thơ ký gửi, thì các tập thơ bán ra chủ yếu là qua trực tuyến và theo các sự kiện. Có thể thơ không làm nên các thương vụ lớn, nhưng lợi nhuận không phải là mục đích của thơ.

          Trong năm 1923, Virginia Woolf (1882 – 1941, là một nhà văn Anh nổi tiếng, có ảnh hưởng lớn trong giới văn học London đương thời) tự tay thiết kế mẫu cho nhà xuất bản Hogarth in trường ca “Đất Hoang” (The Waste Land) của T.S.Eliot. Bản in được giới hạn dưới 470 bản sao làm tôi nghi ngờ việc nó thu nhiều lợi nhuận, vì gần như chắc chắn số lượng đó không đủ để trả tiền cho thời gian và công sức đầu tư vào ấn phẩm. “Đất Hoang” đã được phân tích trên tờ Người bảo vệ Manchester ngày 31 Tháng 10 năm đó, kết luận kết thúc với dòng chữ “giấy thừa rất nhiều”. Một độc giả như nhà phê bình Charles Powell có thể nghĩ rằng “sự điên loạn” của Eliot đại diện cho cái chết của thơ ca. Nhưng thơ ca là một con quái vật có sức đàn hồi và mọi báo cáo hiện tại về sự sụp đổ sắp xảy ra của nó – tôi đoan chắc rằng – sẽ được chứng minh là hơi phóng đại. Thi sĩ – tác gia lừng danh AllenGinsberg (1926 – 1997, tác giả bài thơ “Tiếng tru” nổi tiếng, thủ lĩnh của “thế hệ Beat” thập niên 1960) từng quả quyết rằng: “Thứ duy nhất có thể cứu được thế giới là phục hồi nhận thức của thế giới. Đó là công việc của thi ca”. Đến hôm nay, nếu Allen Ginsberg còn sống – liệu ông còn nói thế?

(theo Billy Mills – The Guardian)

thơ đang chết đuối hay đang bơi về miền đất mới?
 

Filed under: Bài của bạn, Báo chí, Làng văn nghệ, Phê bình Thẻ

THI THƠ ĐBSCL: CẦN XEM LẠI NỘI DUNG PHẢN CẢM CỦA BÀI THƠ “TÔI ĐÃ TỪNG ĐẾN BIỂN” – VC+

14 Th6

THI THƠ ĐBSCL: CẦN XEM LẠI NỘI DUNG PHẢN CẢM CỦA BÀI THƠ “TÔI ĐÃ TỪNG ĐẾN BIỂN”

 
Trong mấy ngày qua, giới văn chương khá xôn xao về 11 bài thơ vào vòng chung khảo cuộc thi thơ ĐBSCL lần thứ V-2012 do Ban tổ chức là Hội VHNT Sóc Trăng công bố.

Ngoài nghi án tác phẩm  “Về đồng mùa nước nổi” (MS: 096A) vừa bị phát hiện có những sự giống nhau kỳ lạ với một bài thơ của nhà thơ Trịnh Bửu Hoài còn có một tác phẩm khác cũng “hơi có vấn đề”, đó là bài thơ “Tôi đã từng đến biển” (MS: 019E).

Bài thơ này cũng đã đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội số cuối tháng 11-2012, như vậy có được (bị) xem là vi phạm thể lệ cuộc thi?

Trong bài thơ này có những chỗ tối nghĩa, thậm chí có chỗ phản cảm. Xin được phân tích sơ lược qua bài viết ngắn này.

TÔI ĐÃ TỪNG ĐẾN BIỂN (MS: 019E)

Biển là trời xanh trôi trên mặt đất
Những con thuyền như chiếc lá trôi trên lòng biển mẹ
Mang những cánh tay nhẹ nhàng vơ vét thiên nhiên
Đánh thức nàng công chúa sau một thời gian ngủ quên

Tôi đã từng đến biển
Những ngư phủ như những chú cá thòi lòi
Bám biển như bám đất phù sa
Ngóng gió, ngóng mây, ngóng từng biến động

Biển không cho ta thấy giới hạn
Nhưng lại giúp ta nhận ra giới hạn của mình
Và ta lớn lên khi đến biển
Cũng như biển từng nhỏ lại ở trong ta.

Phân tích khổ đầu tiên, ta chú ý (và bị “sốc”) với hai câu này:

Những con thuyền như chiếc lá trôi trên lòng biển mẹ
Mang những cánh tay nhẹ nhàng vơ vét thiên nhiên

Câu trên không có gì, nhưng khi gắn với câu dưới thì rất khập khiễng. Hình ảnh thuyền như lá trôi trên biển gắn với hình ảnh “mang những cánh tay” liệu có khập khiễng chăng. Nếu nhận xét “nặng” thì nó khập khiễng, nếu nhận xét “nhẹ” thì nó không có một tí chất thơ nào!

Đặc biệt nhất, một hình ảnh rất phản cảm là “vơ vét thiên nhiên”. “Vơ vét” có nghĩa là lấy đi cho bằng hết, lấy không chừa lại thứ gì. Hay hiểu theo cách khác thông dụng hơn là sự bóc lột, trấn lột để lấy tài sản. Chúng ta thường gặp ở những câu: “Thực dân Pháp ra sức vơ vét tài nguyên nước ta”, “Chính quyền Bắc thuộc vơ vét sản vật của Giao Chỉ”…
Việt Nam có chủ quyền trên biển, thì khai thác biển là chuyện đương nhiên, tại sao lại “vơ vét”, mà “vơ vét” của ai? Nếu không thích dùng từ “khai thác” tác giả có thể dùng từ khác, chứ dùng “vơ vét” thì quá phản cảm. Không biết bài thơ này là viết để bảo vệ luận điểm của ai? Hay là tác giả bài này không hiểu từ “vơ vét” nghĩa là gì?

Chỉ với từ “vơ vét” này thôi, thì tác phẩm này dù hay đến mức độ nào cũng không xứng đáng nhận giải, dù là giải khuyến khích cũng không xứng đáng, thậm chí là không xứng đáng lọt vào chung khảo. Từ “vơ vét” thể hiện một con người coi thường biển Tổ quốc.

Đoạn tiếp theo, ta chú ý đến hình ảnh:

Những ngư phủ như những chú cá thòi lòi
Bám biển như bám đất phù sa

Tác giả so sánh “ngư phủ” như “cá thòi lòi” cũng hết sức phản cảm. Trong khi cả nước đang hướng về những ngư dân, ca ngợi người ngư dân anh dũng, thì tác giả lại ví họ với “cá thòi lòi”. Lại thêm hình ảnh so sánh “bám biển như bám đất” thật khó hiểu? Nếu giải thích rằng câu thơ trên có ý nghĩa là ngư phủ bám biển như cá thòi lòi bám đất, thì câu thơ lại rất ngô nghê. Bởi vì cá thì làm sao bám đất phù sa được đây? Cá thòi lòi là loài cá sống trong hang hốc dọc các bãi lầy ở cửa sông, như vậy thì sao chúng “bám đất phù sa” ? Một ý tứ hết sức ngô nghê.

Đến câu “Ngóng gió, ngóng mây, ngóng từng biến động” thì tôi xin được hỏi có nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình nào có thể giải thích dùm tôi cụm “từng biến động” nghĩa là gì không? Đây là một cụm tối nghĩa, chứng tỏ tác giả không hiểu gì cả, chỉ gán ghép chữ nghĩa thành hình ảnh thôi. Đoạn thứ hai của bài này đọc lên rất buồn cười, thậm chí không bằng cả một đoạn văn xuôi tả cảnh biển của học sinh.

Đoạn cuối, có hai câu đầu “Biển không cho ta thấy giới hạn / Nhưng lại giúp ta nhận ra giới hạn của mình” là khá. Tuy nhiên, hai câu sau “Và ta lớn lên khi đến biển / Cũng như biển từng nhỏ lại ở trong ta” thực sự lại là hai câu tối nghĩa và. Ta có thể “lớn lên khi đến biển” nhưng tại sao lại có thể “Cũng như biển từng nhỏ lại ở trong ta” ? Biển “nhỏ lại ở trong ta” là sao, nhỏ thế nào mà “nhỏ lại ở trong ta” được? Về chi tiết này, nhà LLPB Lê Xuân (Cần Thơ) nhận xét: “Dĩ nhiên thơ không cần chỉ rõ như văn xuôi mà chỉ gợi, nhưng gợi như thế thì ngô nghê quá”.

Tóm lại, bài thơ “Tôi đã từng đến biển” (MS: 019E) này chỉ nói chung chung sơ sài về biển mà không có một tứ nào đắt, ấn tượng. Đọc xong cũng chẳng đọng được gì trong lòng bạn đọc. Chẳng những thế còn phản cảm bởi “vơ vét” và “cá thòi lòi”. Nhà LLPB Bùi Công Thuấn (Đồng Nai) nhận xét: “Bài nói được điều gì, ngoài sự mơ hồ, chung chung. Tôi không biết bài này có nằm trong tiêu chí viết về biển đảo không”.

Thật khó hiểu khi bài thơ này lọt vào vòng chung khảo cuộc thi thơ ĐBSCL?

Hoa Trà
 
Posted by vanchuongplus at 9:09 PM

MẠC ĐĨNH CHI LƯỠNG QUỐC TRẠNG NGUYÊN VÀ GIAI THOẠI – Trần Mỹ Giống

14 Th6

MẠC ĐĨNH CHI LƯỠNG QUỐC TRẠNG NGUYÊN VÀ GIAI THOẠI


Phạm Ngọc Khảnh


Tượng Lưỡng Quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi thờ ở chùa Dâu Bắc Ninh (Nguồn: http://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BA%ADp_tin:T%C6%B0%E1%BB%A3ng_M%E1%BA%A1c_%C4%90%C4%A9nh_Chi.jpeg
.

 

Mạc Đĩnh Chi (1272/84 ? – 1346/61 ? ) tự là Tiết Phu, người làng Lan Khê, huyện Bình Hà, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang; sau dời đến làng Lũng Động, huyện Chí Linh, Hải Dương. Nguyên dòng dõi quan Thượng thư Mạc Hiển Tích triều Lý. Viễn tổ của Mạc Đăng Dung. Thời bấy giờ vua hiền tôi trung thưởng phạt phân minh, chính trị không có điều gì hồ đồ. Việc học hành mở mang rộng rãi, cho nên những người có tài văn học như Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn đều được thi đỗ ra làm quan giúp việc triều đình. “Tháng 3 (Giáp Thìn (Hưng Long) năm thứ 12 (1304), thi kẻ sĩ trong nước. Ban cho trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi chức Thái học sinh hỏa dũng thủ, sung làm nội thư gia” (Đại Việt SKTT).

Tục truyền làng Lũng Động có một thung rừng rậm , cây cối um tùm lắm giống hầu (con khỉ) ở. Mẹ Mạc Đĩnh Chi thường khi vào rừng kiếm củi, bị con hầu bắt hiếp. Bà về nói với chồng, chồng bà ăn mặc giả làm đàn bà, giắt sẵn con dao sắc vào rừng, con hầu quen thói lại ra, bị ông chém chết bỏ thây tại đấy. Sáng mai ra sem thì mối đã đùn lấp hết xác, thành một nấm gò. Nhưng bà đã thụ thai, đủ tháng, đủ ngày, sinh ra Mạc Đĩnh Chi, mặt mĩ sấu xí, người nhỏ loắt choát tự giống hầu.

 

Người cha lúc gần mất, dặn lại, táng ông trên mả con hầu, vì biết chỗ ấy là chỗ đất kết – ngôi mộ ấy ở làng Lan Khê, Nam Sách đến nay vẫn còn.

 

Mạc Đĩnh Chi lớn lên, tư chất thông min hơn người. Bấy giờ hoàng tử nhà Trần là Chiêu quốc vương Ích Tắc, hay chữ, mở trường dạy học. Đĩnh Chi vào học. Đến năm gần 20 tuổi vào năm Giáp thìn đời vua Trần Anh Tông (1304) Đĩnh Chi thi đình văn đáng đỗ đầu. Nhưng khi trông thấy người tướng mạo xấu xí, vua chê, toan không cho đỗ trạng nguyên.

 

Đĩnh Chi làm một bài “Ngọc tỉnh liên phú” – bài phú về hoa sen trong giếng ngọc, mượn hình ảnh bông sen để biểu lộ phẩm giá của mình, trong bài có câu: Không phải là bên trong trống rỗng; than cho số phận thuyền quyên phần nhiều gặp trắc trở; nhưng cái cuống lá của ta vẫn đứng thẳng thì mưa gió có hại gì ! Trần Anh Tông xem rồi khen hay, từ đấy tin dùng ông.

 

Năm 1308 vua sai Mạc Đĩnh Chi đi sứ, mừng Vũ Tông lên ngôi. Khi Đĩnh Chi phụng mệnh sang sứ nhà Nguyên, ông đã hẹn với người Tàu ngày giờ mở cửa ải, không may hôm ấy gặp phải trời mưa gió nên sai hẹn, người Tàu đóng cửa ải quan không cho vào. Đĩnh Chi nói tử tế xin cho mở cửa. Họ ra câu đối làm điều kiện.

 

Câu ra: “Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan” Đĩnh Chi viết ngay vào một mảnh giấy đối lại đưa sang : “Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối”. Người Tàu khen có tài ứng đối, mới mở cửa ải cho vào. Khi đến cửa Yên Kinh, người Tàu thấy Đĩnh Chi xấu xí, có bụng khinh bỉ. Một hôm quan Tể tướng Tàu mời vào phủ ngồi chơi, Đĩnh Chi trông thấy trên bức trướng có thêu con chim sẻ vàng đậu trên cành trúc, tưởng là chim thật, đứng dậy chạy lại bắt, người Tàu cười ầm cả lên. Đĩnh Chi xé tan ngay bức trướng ấy, chúng ngạc nhiên hỏi, cớ làm sao thì Đĩnh Chi thưa rằng: “Tôi nghe người xưa vẽ chim sẻ đậu trên cành mai, không ai vẽ chim sẻ trên cành trúc bao giờ. Trúc là bậc quân tử, chim sẻ là kẻ tiểu nhân. Tể tướng cho thêu như vậy là để tiểu nhân trên quân tử, sợ rằng đạo của tiểu nhân sẽ mạnh, đạo của quân tử sẽ suy. Tôi vì thánh triều mà trừ giúp bọn tiểu nhân”.
Mọi người đều phục tài trí của ông.

 

Lần khác nhà vua có công chúa độc nhất qua đời, các sứ thần đến điếu phúng. Đến lượt sứ An Nam vua Tàu sai Mạc Đĩnh Chi vào đọc văn tế. Lúc quỳ xuống cầm bản văn thì chỉ thấy tờ giấy có bốn chữ nhất mà thôi. Đĩnh Chi không nghĩ ngợi gì. Đọc ngay rằng: “Thanh thiên nhất đóa vân, hồng lô nhất điểm tuyết, ngọc uyển nhất chi hoa, giao trì nhất phiến nguyệt. Y ! Vân tản, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết” – Trời xanh có một đám mây, lò than hồng có một điểm tuyết, vườn Thượng uyển có một bông hoa, đáy hồ có một mảnh trăng. Ôi ! Mây tản, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết. Bài văn ấy còn chép vào sử Tàu…

 

Có lần vua Tàu đã ra vế đối: “Nhật hỏa vân yên, bình minh thiêu tàn ngọc thỏ” – Mặt trời một vầng lửa, mây lặng, sớm bình minh đốt cháy mặt trăng. Mạc Đĩnh Chi liền đối “ Nguyệt cung tinh đạn, hoàng hôn xạ lạc kim ô” – Mặt trăng dáng hình cánh cung, những ngôi sao, tên đạn, hoàng hôn bắn rụng mặt trời ! Vua Tàu xem song tái mặt ! Chiến bại Bạch Đằng giang mới đây còn đó. Hình ảnh lúc tàn quân tan tác trở về trong “hoàng hôn” ảm đạm mặt trời trúng thương rụng “lạc” chân mây … Vế đối tài tình, khí phách tự cường… bài học để đời.

 

Một lần Mạc Đĩnh Chi vào chầu, nhân có sự kiện ngoại quốc dâng một đôi quạt quí. Vua Tàu sai Đĩnh Chi đề bài tán vào quạt. Bài đề đó như sau: Chảy vàng tan đá, trời đất như lò, người bấy giờ là Y Chu (1) đại nho.
Gió bấc căm căm, mưa tuyết mịt mù, người bấy giờ là Di Tề (2) đói xo.
Ôi, được dùng thì làm, bỏ thì nằm co, chỉ ta cùng ngươi là như thế ru !
Chỉ thông qua đôi quạt mà vận bao nhân vật nổi tiếng mấy đời Thương, Chu liệt quốc, ẩn chứa nỗi niềm thế sự. Đề dâng lên, vua Tàu thán phục, cầm bút khuyên chữ Y, phê rằng: “Lưỡng quốc trạng nguyên”. Chuyến đi sứ năm đó Mạc Đĩnh Chi còn nhiều giai thoại đối đáp văn chương, nên có lẽ không chỉ đến giai thoại “Tán quạt” này vua Tàu mới phong cho Mạc Đĩnh Chi là Lưỡng quốc Trạng nguyên vậy !

 

Đĩnh Chi làm quan đức độ thanh liêm, vua Minh Tông có lần sai người đem 10 quan tiền, rình lúc tối bỏ vào cửa nhà ông. Sớm mai Đĩnh Chi vào tâu ngay với vua xin bỏ tiền ấy vào kho. Vua bảo rằng: Tiền ấy đã không ai nhận, thì cho ngươi cứ việc mà tiêu. Bấy giờ Đĩnh Chi mới lấy. Đến triều Hiến Tông ông làm chức Tả bộc xạ (Tể tướng). Văn trương lưu truyền lại về sau rất nhiều, để phúc mãi đến đời con cháu. Các con ông là Khán, Trực cùng làm đến Viên ngoại lang. Các cháu là Định, Toại, Viễn cùng có quyền thế làm quan đương lúc nhà Minh cai trị. Đời cháu chắt thiên di sang ở làng Cổ Trai huyện Nghi Dương (Hải Dương) thì có Mạc Đăng Dung (1527 – 1529) là cháu 7 đời Mạc Đĩnh Chi làm vua nhà Mạc.
Nhà Mạc làm vua truy phong: Đĩnh Chi Huệ Việt linh thánh đại vương. Bây giờ ở làng Cổ Trai thờ Mạc Đĩnh Chi làm phúc thần.

PNK
………………………..

(1): Y: là Y Doãn, công thần khai quốc của nhà Thương; Chu là Chu Công, công thần của nhà Chu.
(2): Di Tề: Tức là Bá Di, Thúc Tề hai bề tôi của nhà Thương, không chịu thần phục nhà Chu, bỏ lên núi Thúc Dương ở ẩn, bị chết đói ở đó.

Tóm lại cũng không biết phải nói gì – Phan An

14 Th6

Tóm lại cũng không biết phải nói gì

May 31st, 2013 § 0

Cuộc chiến tranh ấy đã kết thúc ba mươi tám năm rồi. Từ cái ngày lão xe ôm anh vô tình gặp ở ga Sài Gòn được lệnh buông súng đầu hàng, cứ đi giữa đường mà khóc, đến nay đã ba mươi tám năm. Hơn ba mươi tám năm. Bên này và bên kia đại dương, đã bao nhiêu lớp người sinh ra và lớn lên, trong đó có anh và em, có những người bạn của anh hằng ngày vẫn ngồi cà phê góc đường Lê Anh Xuân, có những người bạn của em hằng năm tổ chức những chuyến đi dọc theo chiều dài đất nước, và những người khác nữa thuộc thế hệ mà người ta gọi bằng cái tên sang trọng là thất lạc. Đã nhiều năm nay – đúng hơn là vài năm nay, nhưng biết làm sao, cuộc đời vốn dĩ là ngắn ngủi – anh muốn viết một điều gì đó. Một chút gì đó về bom đạn. Về  nước mắt. Về máu xương. Về chết chóc và hận thù. Nhưng anh lần lữa mãi. Vì suy cho cùng, anh có là gì đâu. Anh có biết gì đâu, ngoài những chuyện kể của bên này và bên kia, theo đó cái chết của hàng vạn con người chỉ là những con số khô khan trong bài lịch sử – hai ngàn ngụy quân bị tiêu diệt, quân ta bắn cháy mười sáu xe tăng – và những lúc vô tình đi lạc vào một trang web có logo là một lá cờ ba sọc bay bay, phía dưới là những lời lẽ hằn học chửi bới cộng quân, cộng sản. Nên hết lần này đến lần khác, anh lại hẹn anh. Ồ, ngày mai. Ngày mai sẽ khác, ngày mai anh sẽ giỏi hơn, anh sẽ sáng suốt hơn, và anh sẽ viết. Ngày mai thôi. Chỉ ngày mai thôi.

Nhưng em ơi, hóa ra ngày mai chẳng có gì khác hơn hôm nay. Chẳng có gì đảm bảo được rằng ngày mai anh và em sẽ hiểu biết nhiều hơn hôm nay. Ngày mai chỉ làm cho ngày hôm qua lùi xa hơn, rồi đến một lúc nào đó chẳng còn ai nhớ gì đó nữa. Những nắm xương vùi trong lòng đất, mỗi ngày trôi qua lại vùi sâu hơn. Những thế hệ sinh ra và lớn lên bên này và bên kia đại dương, mỗi ngày trôi qua lại cách xa hơn với nguồn cội của mình, với những người đã nằm xuống dù ở bên này hay bên kia chiến tuyến. Rồi ngày mai của ngày mai nữa, còn đọng lại chắc chỉ là sự dửng dưng, giống như chưa có gì xảy ra trên mảnh đất này. Giống như trên mảnh đất này chưa từng có hàng triệu người chết, chưa từng có hàng nghìn máy bay và thiết giáp, chưa từng có hàng triệu tấn bom đạn xuất xứ từ Liên Xô, Trung Quốc, Hoa Kỳ và từ những đâu đâu khác nữa. Giống như chưa từng có những người mẹ mong chờ dáng con trên tháng năm mòn mỏi. Giống như chưa từng có những người trẻ như anh, như em, cứ trông đất nước mình thống nhất. Giống như chưa từng có những người phải lênh đênh trên biển khơi, lạc loài xa xứ, hằng đêm nghe tiếng gió thoảng qua mà tưởng mùi hương nơi vườn cũ còn bay theo mình. Để đến hôm nay, tất cả những gì em quan tâm là mỗi năm vào một ngày cuối tháng tư rực nắng, em lại có thêm một ngày nghỉ để đáp máy bay từ Hà Nội vào Sài Gòn, từ Sài Gòn ra Huế, từ Huế ra Quảng Trị, chân em giẫm lên lớp cỏ thành xanh non, không biết rằng nơi đây từng có một mùa hè đỏ lửa, đò em xuôi trên dòng Thạch Hãn, không hay dưới từng lớp sóng là những anh linh đang yên nằm.

Đất nước mình buồn lắm. Có thể em mỗi ngày lại chọn được cho mình một bông hoa, một nụ cười, nhưng cuốn sách sử bốn nghìn năm anh lật mãi không tìm được trang nào vui. Trên đường anh đi anh không thấy gì vui. Có đất nước nào buồn hơn thế? Từng gốc cây, từng mảnh vườn, từng cánh đồng, từng con phố, từng ngã ba đường, nơi đâu cũng từng có dây thép gai, có boong-ke chiến lược, có những người anh em của một ngày xưa thân ái rút súng bắn vào nhau mà không một chút nhíu mày. Đến nay chiến tranh qua đã ba mươi tám năm rồi, nhưng anh và em vẫn người Nam kẻ Bắc, còn miệt thị nhau từ giọng nói dáng đi cho đến lề ăn lối ở, còn mạt sát nhau khi nghe một ca sĩ từ nước ngoài ngày trở về hát một bài ca Hà Nội. Những từ “hòa giải,” “hòa hợp” nghe thật hay, ông chủ tịch nước diễn thuyết nhìn thật ngộ, người ta vỗ tay và ca tụng, nhưng nơi người đi qua tượng đài đục bỏ, nơi người nằm xuống không có được nén hương. Anh đi sang bên kia sông đi về bên này sông, có những người mẹ của ngụy quân và những người mẹ anh hùng, ngày xưa từng nhường nhau từng manh áo miếng cơm những mùa cơ cực, ngày nay lại dìu dắt nhau mỗi tinh mơ địu mớ rau con cá lần mò ra chợ bán. Những đêm về khuya một mình, anh để máy tính chạy chế độ ngẫu nhiên, chỉ nghe những tiếng thở than về một thành phố mất tên, về một người lặng nghe đá dâng lên quanh mình, và nghe câu hỏi ngơ ngác khắc khoải rằng ôi quê hương, đã lầm than sao còn chiến tranh, để đàn con mãi đi hoang phận này.

Em hỏi anh tại sao em phải biết những chuyện đó ư? Ừ, tại sao? Con người không phải đã đủ buồn tủi rồi sao? Em không đón kịp chuyến xe, em không mua được vé tàu, một người bạn đi xa, một người yêu đi qua, em đứng lại một mình, cuộc đời em toàn là những chuyện buồn thảm. Có khác gì đâu, có ích gì đâu, chuyện biết hay không biết những việc đã xảy ra từ xa lơ xa lắc, khi em còn chưa ra đời?

Anh trả lời, thì đâu có khác gì đâu. Chỉ là, nếu được chút nào đó, thì đỡ tủi vong linh người đã khuất.

Mạng người – mạng chó ? – RFA’s Blog

14 Th6

Mạng người – mạng chó ?

Thu, 06/13/2013 – 07:09 — menam

Trong suy nghĩ của nhiều người Việt Nam thì tội trộm cắp (ăn trộm) thường gây hậu quả ít hơn hơn tội cướp giật (ăn cướp) và vì thế kẻ ăn trộm khi bị người dân bắt giữ được giao cho cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật rất ít khi bị tước đoạt mạng sống.

Vụ việc vừa mới xảy ra tại xóm 3, xã Tân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An khi hai kẻ trộm chó chuyên nghiệp trên địa bàn vừa bắt được một con chó thì bị người dân phát hiện, truy đuổi rồi đánh chết một đối tượng, đánh trọng thương đối tượng còn lại (kể cả lúc đó đang có mặt trưởng công an xã đang đứng bảo vệ hiện trường) khiến tôi lại phải một lần nữa đặt ra câu hỏi:
Phải chăng một bộ phận người dân đã không còn niềm tin vào lực lượng thi hành và bảo vệ pháp luật nữa?

Người miền Bắc, Việt Nam có thói quen ăn thịt chó quanh năm suốt tháng. Nắm bắt được thói quen này nên nhiều người đã chọn nghề trộm chó (hay nói một cách khác theo ngôn ngữ của báo chí là cẩu tặc) để kiếm sống, bởi lợi nhuận mà nó mang về không phải là nhỏ. Điều này đã khiến cuộc sống của nhiều người dân ở vùng nông thôn bị xáo trộn, và gây ra bức xúc không nhỏ cho những gia đinh bị mất đi con vật nuôi thân thiết hàng ngày.

Giải quyết tình trạng này thế nào là trách nhiệm của bộ phận công an xã, nơi đại diện cho sự hiện diện của lực lượng thừa hành pháp luật.

Theo lời ông Lưu Xuân Hùng – Trưởng công an xã Tân Thành: cách đây hơn 2 tháng, cũng chính hai đối tượng ăn trộm bị truy đuổi và đánh đập kể trên đã được gọi lên công an để làm việc nhưng tuyệt nhiên hai đối tượng này ngoan cố chống đối và trốn tránh. Quá bức xúc người dân đã sang tận nhà hai đối tượng này để đánh dằn mặt nhưng cả hai đã bỏ trốn. (1)

Cho đến khi vụ việc xảy ra thì lực lượng công an xã đành thúc thủ đứng nhìn, bởi không thể kiểm soát được sự phẫn nộ của đám đông.

Mặc dù pháp luật Việt Nam hiện hành quy định về việc xử phạt đối với những trường hợp trộm cắp tài sản của người khác mà thiệt hại không lớn hơn 2 triệu đồng thì chỉ bị xử phạt hành chính.
Nhưng nếu lực lượng công an xã được đào tạo căn bản và làm hết trách nhiệm trong công việc của mình thì vụ việc lấy làm thí dụ trên đây đã đáp ứng đầy đủ những yếu tố cấu thành tội phạm bởi hành vi có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp và được lặp đi lặp lại nhiều lần có thể dẫn đến việc ra các quyết định ngăn chặn, xử phạt nghiêm minh hơn đối với hai đối tượng vi phạm và răn đe các đối tượng khác.

Tuy nhiên thực tế không diễn ra như vậy, điều này nói lên điều gì?

Phải chăng việc bổ nhiệm các chức danh Trưởng, Phó công an xã ở cấp cơ sở không được chặt chẽ dẫn tới “có nơi có bí thư đoàn xã, chủ nhiệm hợp tác xã hay thậm chí có nơi, một anh kế toán xã… không hề có chuyên môn, nghiệp vụ gì về lĩnh vực pháp luật, an ninh trật tự… cũng được điều sang làm Trưởng, Phó công an xã – Thượng tá, Nhà giáo ưu tú Bùi Quang Vũ (Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân I).
Cũng chính thượng tá Vũ đã cảnh báo “nếu không được đào tạo, bồi dưỡng đến nơi đến chốn thì nguy cơ công an xã mắc sai phạm trong công tác là rất cao”. (2)

Lời cảnh báo đã thành sự thực khi nghiệp vụ của một bộ phận các cán bộ trong ngành công an rất kém, dẫn đến nhiều vụ việc đáng tiếc đã xảy ra.

Một mạng người không đổi được một mạng chó kể trên là một thí dụ.

Mọi người dân dù sống ở thành thị hay nông thôn thì đều có quyền được bảo vệ và bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật hiện hành.

Không thể đổ lỗi cho tình trạng “làm bậy” hay thiếu trách nhiệm trong xử lý tình huống của một số bộ phận công an xã là do không được đào tạo căn bản.

Nếu mạng sống của một con người nếu chỉ ngang hàng với sinh mạng của một con chó như hôm nay thì đã đến lúc đặt câu hỏi nghiêm túc rằng chúng ta đang sống ở thời nào?

Đọc con số thống kê “toàn quốc vẫn còn 1.915 Trưởng công an xã và dự bị, dự nguồn vẫn chưa được đào tạo chuẩn hóa, hơn 2 vạn công an xã chưa được huấn luyện” bạn có suy nghĩ gì không?

(1) http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Truong-CA-ke-lai-canh-hang-nghin-nguoi-vay-…
(2) http://www.phapluatvn.vn/phapluat/201210/May-anh-cong-an-xa-lam-bay-thuo…

VN chi bừa bãi để tạo tăng trưởng? – BBC

14 Th6

VN chi bừa bãi để tạo tăng trưởng?

 
Kinh tế đi xuống khiến chính phủ phải tăng cường chi tiêu để giữ tăng trưởng GDP

 

Ý kiến chuyên gia cho rằng đầu tư công bừa bãi để đảm bảo tăng trưởng ngắn hạn mà không chú ý đến lợi ích kinh tế dài hạn đã để lại hậu quả nặng nề cho nền kinh tế của Việt Nam.

 

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của một nước được cơ cấu bởi các yếu tố trong đó:

GDP = Tiêu dùng tư nhân + Tổng ngạch đầu tư + Chi tiêu chính phủ + (Xuất khẩu – Nhập khẩu). Đây cũng là các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng GDP.

Tuy nhiên các báo cáo kinh tế gần đây nhất cho thấy những yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế hiện tại đều rất yếu, thể hiện qua sản xuất công nghiệp quý một chỉ đạt 4,93%, mức thấp nhất từng thấy trong quý một giai đoạn 2010-2013, tăng trưởng dư nợ tín dụng trong cùng quý đạt 0,03%, số doanh nghiệp phá sản trong quý một tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái và giá tiêu dùng tháng Năm tiếp tục âm.

Vậy, chính phủ đã đảm bảo mức tăng trưởng kinh tế dao động quanh mức 5% như thế nào khi một loạt các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng đã yếu đi?

Chi tiền để tăng trưởng

Trả lời phỏng vấn BBC ngày 13/6, ông Raphaël Cecchi, chuyên gia phân tích rủi ro tại hãng bảo hiểm tín dụng xuất khẩu ONDD của Bỉ nhận xét thời gian qua, Việt Nam đã đẩy mạnh chi tiêu công thông qua chính sách tài khóa để bù đắp lại sự suy yếu của các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng khác.

“Hầu hết tất cả những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam, trong đó có tiêu dùng tư nhân, đã yếu hẳn đi trong vòng hai năm qua,” ông Cecchi nói.

“Trong một bối cảnh khó khăn đối với cả môi trường bên ngoài và nội địa, chính phủ Việt Nam đã tăng cường sử dụng chính sách tài khóa (giảm thuế hoặc tăng đầu tư công) để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.”

Việc tăng cường chi tiêu công cũng được thể hiện trong báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về nợ công đưa ra hồi cuối tháng Năm.

Theo báo cáo của ủy ban này, thâm hụt ngân sách của Việt Nam, không bao gồm chi trả nợ gốc đã tăng gấp đôi từ 1,3% GDP trong giai đoạn 2003-2007 lên 2,7% GDP trong giai đoạn 2008-2012.

Báo cáo này cũng cho thấy tổng nợ công của Việt Nam đã tăng từ khoảng 40% GDP trong năm 2007 lên 55,4% GDP vào năm 2012. Cùng thời gian đó, nợ nước ngoài của Việt Nam cũng tăng từ 32% lên tới khoảng 42% GDP.

Tuy nhiên, con số này không phản ánh đúng mức nợ công bởi chính phủ Việt Nam không xem nợ của khối doanh nghiệp nhà nước là một phần của tổng nợ công, ngoại trừ những khoản nợ được chính phủ bảo lãnh.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết nếu tính cả nợ trong hệ thống ngân hàng của doanh nghiệp nhà nước và khoản nợ bằng trái phiếu trong nước không được Chính phủ bảo lãnh khác thì nợ công Việt Nam lên tới 95% GDP, vượt xa ngưỡng an toàn 60% GDP mà các tổ chức như Ngân hàng Thế giới hay Quỹ tiền tệ quốc tế đã khuyến cáo.

Đầu tư bất chấp hiệu quả

“Các dự án (đầu tư công) này không đem lại nhiều lợi ích vì mục đích của chúng là xây dựng chỉ số tăng trưởng về ngắn hạn thay vì đáp ứng nhu cầu kinh tế về trung hạn và dài hạn”

Raphaël Cecchi, chuyên gia phân tích rủi ro tại ONDD

Ông Cecchi cho rằng mặc dù việc sử dụng đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ khó khăn là bình thường, hiệu quả của việc sử dụng nguồn lực này tại Việt Nam là một vấn đề lớn.

“Trước hết, không có gì sai trong việc sử dụng chính sách tài khóa, thúc đẩy chi tiêu công để hỗ trợ tăng trưởng trong lúc chu kỳ kinh tế (biến động GDP qua ba giai đoạn suy thoái, phục hồi và hưng thịnh) rơi vào thời điểm không thuận lợi,” ông nói.

“Đó là mục đích chính của chính sách tài khóa và điều này cũng hợp lý hóa kỷ luật tài khóa (thắt chặt ngân sách, chi tiêu công, tăng thuế) trong thời điểm kinh tế tốt hơn,”

“Tuy nhiên cần phải đặt ra câu hỏi cho tính hợp lý trong việc chi tiêu và đầu tư công ở Việt Nam.”

“Những gì chúng ta thấy ở Trung Quốc đang được một phần nào đó được sao chép lại ở Việt Nam (tất nhiên là với một quy mô nhỏ hơn nhiều), tiêu biểu là sự tăng cường vốn đầu tư vào các dự án bất động sản và cơ sở hạ tầng với lý do thiếu chính đáng.”

“Các dự án này không đem lại nhiều lợi ích vì mục đích của chúng là xây dựng chỉ số tăng trưởng về ngắn hạn thay vì đáp ứng nhu cầu kinh tế về trung hạn và dài hạn.”

Hậu quả của việc đầu tư bừa bãi này dẫn đến nhiều tai tiếng đối với các công trình đầu tư công ở Việt Nam.

Các dự án đầu tư công tại đây thường được tiến hành khá chậm chạp và vì thế, khiến chi phí dần tăng cao so với dự kiến ban đầu và giảm lợi ích kinh tế, vốn đã ít ỏi đối với nhiều dự án.

VinashinNỗ lực thúc đẩy tăng trưởng ngắn hạn của chính phủ Việt Nam đã dẫn đến nhiều đầu tư công thiếu hiệu quả

Dự án bauxite Nhân Cơ là một ví dụ. Việc kéo dài thời gian thi công với dự án này đã đẩy chi phí ban đầu từ hơn 11 nghìn tỷ đồng lên 16 nghìn tỷ đồng, đồng thời giảm tỷ suất sinh lời từ 9,57% xuống 8,69%. Đó là chưa kể số năm lỗ cũng bị tăng từ 5,6 năm lên 7 năm và giá trị lỗ tăng từ 727 tỷ đồng lên gần 2.500 tỷ đồng.

Chính phủ cũng tỏ ra thiếu trách nhiệm, thiếu cân nhắc khi đổ tiền vào các dự án.

Trường hợp như dự án Cảng Kê Gà, với chi phí đầu tư lên đến 20 nghìn tỷ đồng đã không bao giờ được thực hiện là một ví dụ. Trước đó, để có đất cho dự án này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận đã thu hồi giấy phép và đất đã cấp cho 12 nhà đầu tư du lịch, vốn đã đổ vào dự án hơn 1000 tỷ đồng.

Trường hợp Cảng Năm Căn tại Cà Mau, sau khi xây xong lại không sử dụng được vì … đường bộ chưa thông, đường sông nông cạn làm tàu không vào được cũng là một ví dụ khác.

Đó là chưa kể đến những câu chuyện tai tiếng tại các doanh nghiệp nhà nước, vốn được ưu đãi về vốn những lại kinh doanh kém hiệu quả, gây thất thoát lên đến hàng tỷ đôla mà báo chí trong nước đã tốn không ít giấy mực trong những năm qua.

Gánh nặng quốc gia

“Khối nợ từ các doanh nghiệp nhà nước cũng như tình trạng thiếu vốn của các ngân hàng nhà nước sẽ là gánh nặng cho ngân sách quốc gia,” ông Cecchi bình luận

“Việc tái cơ cấu khối doanh nghiệp nhà nước, thông qua tăng cường chất lượng quản trị, tái tập trung vào các ngành chính, tiếp tục với công tác cổ phần hóa cũng như nỗ lực củng cố hệ thống tài chính của Hà Nội là cần thiết hơn bao giờ hết vào lúc này nhằm đảm bảo cho nợ công nằm trong tầm kiểm soát và tái thiết lập niềm tin với nhà đầu tư.”

“Giải quyết nợ xấu và tái huy động vốn cho khu vực ngân hàng cần được chính phủ đặt lên ưu tiên hàng đầu vì khu vực ngân hàng yếu kém đang ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng trong tương lai.”

“Ngoài ra, công tác giám sát đối với khu vực ngân hàng cũng cần được nâng cao nhằm tránh cho nền kinh tế bị kẹt trong một vòng luẩn quẩn có tính hệ thống.”

TÌM CƠ CHẾ ĐỂ TẠO CHO CÁC NHÀ BÁO ĐƯỢC BỘC LỘ CHÍNH KIẾN CỦA MÌNH NHƯ CÁC BLOGGER… – BS

14 Th6

Posted by adminbasam on June 14th, 2013

Phạm Viết Đào

H3

(Tham luận đọc tại hội thảo sáng nay 24/12/2012 tại trụ sở Liên hiệp các Hội Khoa học-Kỹ thuật Việt Nam do Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) tổ chức)

Chúng ta đang sống trong một đất nước, một thể chế mà ngay cả những con người bình thường nhất, ít phải chịu chức phận xã hội cũng có rất hiếm cơ hội, điều kiện để bộc bạch, được chia sẻ với những người xung quanh những suy nghĩ thật lòng trên các phương tiện truyền tin đại chúng; từ con người bình thường đến những người có những chức phận cao, lớn đều quen rèn và tự khép mình trong khuôn khổ tổ chức: tổ chức đảng, các đoàn thể, thanh niên, phụ nữ, phường xã…và cứ cuối năm cuối quý, từ bé cho đến lớn, từ trẻ cho tới già khi bình bầu xếp loại thành viên của tổ chức bao giờ cũng có một mục, mục tự đánh giá về ý thức tổ chức, ý thức chấp hành kỷ luật của cái tổ chức mà anh tự nguyện hoặc buộc phải tham gia…; trong khi đó thì ý thức chấp hành luật pháp lại không phải là thứ lúc nào cũng được đề cao, phổ cập…

Đó chính là lý do khi mà inernet phát triển, tạo cửa mở cho mỗi cá nhân có điều kiện giao lưu, giao tiếp và bày tỏ chính kiến với thế giới bên ngoài thì nó trở nên cuốn hút mãnh liệt. Internet đã thật sự tạo nên một cuộc cách mạng về quan hệ xã hội không chỉ đối với một xã hội khép kín, toàn trị như ở Việt Nam mà cả thế giới đã có truyền thống dân chủ cởi mở hơn… Bởi nhu cầu giao tiếp, nhu cầu trao đổi, chia sẻ thông tin, chính kiến, cảm xúc là một nhu cầu không có điểm dừng đối với thế giới văn minh; xã hội càng phát triển, nhu cầu này càng phát triển theo cấp lũy thừa…

Theo một cuộc khảo sát công bố gần đây của tạp chí NEON của Đức được AFP đưa tin; bằng hình thức phỏng vấn thanh niên Đức trong độ tuổi từ 18 đến 35 tuổi, đã cho kết quả: 18% người Đức trả lời họ thích thú sử dụng Internet hơn là quan hệ tình dục; một số người còn cho biết họ nghiện inernet hơn thuốc lá; trong khi người Đức là một trong những quốc gia tiêu thụ nhiều thuốc lá, có ý kiến còn đề xuất dùng internet để cai nghiện thuốc lá, cai tình dục…

Theo khảo sát, 70% thanh thiếu niên Đức nói rằng họ xem thường xuyên truy cập 10 trang web  mỗi ngày, trong khi chỉ có 12% cho rằng theo dõi thường xuyên hơn 25 trang web trực tuyến.

Cuộc khảo sát này được thực hiện do Viện Forsa, bắt đầu từ một mẫu đại diện của 1016 người, mỗi người có một kết nối internet.

Qua những dữ liệu trên cho thấy đang tồn tại sự cách bức giữa nhu cầu của công chúng với các phương tiện thông tin truyền thống ngay cả với cả những quốc gia cởi mở như Đức; sức hấp dẫn vượt trội của Internet trong đó các trang mạng xã hội là một trong những yếu tố cấu thành sinh thể Internet, xã hội internet hay còn được gọi là cộng đồng mạng.

Trước hết chúng ta hãy phân định về sự khác biệt giữa báo chí, phương tiện thông tin đại chúng với các trang mạng xã hội; một cộng đồng tự sản, tự tiêu sản phẩm của mình…Về nguyên lý: báo chí là cơ quan đầu mối thu thập và tán phát thông tin, kinh doanh thông tin; báo chí vừa có quyền năng, phương tiện và cơ sở vật chất nhất để thu thập thông tin, sàng lọc thông tin, tổng hợp thông tin như một loại hình doanh nghiệp đặc thù thế mà lại không đáp ứng xuể nhu cầu của người tiêu thụ khiến các trang mạng xã hội chen chân vào…

Trong khi đó các trang mạng xã hội phần lớn do các cá nhân dựng lên nhằm mục đích chủ yếu là để thỏa mãn cái nhu cầu trình bày, chia sẻ những suy nghĩ thật, những cảm nghĩ thật và những điều mắt thấy, tai nghe của chủ trang mạng với cộng đồng mạng. Thông tin từ các trang mạng xã hội ( blog, trang Web cá nhân ) chỉ là những nguồn tin cá lẻ, cá nhân tùy hứng, ngẫu hứng thế nhưng không ít trang lại cạnh tranh nghiêng ngửa với các tờ báo điện tử chính thống có cả ban biên tập và cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật dồi dào…

Đứng về vấn đề thu thập, sàng lọc thông tin thì báo chí mới là cơ quan đầu mối, có điều kiện hơn nhiều so với các trang mạng xã hội; Còn như đặt vấn đề thu thập, sàng lọc thông tin từ các trang mạng xã hội thì chỉ cần bộ phận biên tập của các tòa soạn báo có kinh nghiệm, tinh nhạy, mẫn cảm là có thể lôi kéo, tập hợp xung quanh mình một đội ngũ thông tín viên cung cấp nguồn tin cho bản báo…

Theo tôi: điều quan trọng nhất, điều mà báo chí cần phải thường xuyên tiếp nhận, bổ sung nguồn dưỡng chất, sinh khí cho tờ báo của mình từ nguồn các trang mạng xã hội không phải là nguồn tin, số lượng và sự đa dạng, đa chiều của thông tin mà ở vấn đề mà báo chí cần phải nghe nghe ngóng, thu thập từ các trang mạng xã hội: loại vấn đề gì đang nổi lên được người đọc quan tâm, được các trang mạng xã hội lao vào bàn tán, giao đãi, đưa tin nhiều… Đây chính là các thế mạnh, sở trường đích thực của các trang mạng xã hội. Bởi vì so với các tòa soạn báo các trang mạng xã hội thường viết lên những cảm nghĩ, xúc cảm đích thực tươi mới không thể không viết ra và không thể không đưa lên mạng để chia sẻ với cộng đồng của từng cá nhân…Nói cách khác: chúng ta phải tìm cơ chế, giải pháp để các nhà báo khi viết tin bài được bộc lộ chính kiến của mình, cảm xúc của mình nhạy bén như các blogger, có như thế báo chí mới gần với độc giả, mới truyền tải, cập nhật được hơi thở gấp gáp của đời sống xã hội?

Một biên tập viên, một nhà báo có nghề và có kinh nghiệm là người phải biết dò đoán, “đánh hơi” dư luận xã hội thông qua các trang mạng xã hội, thông qua các “ đặc tình “ trong lĩnh vực thông tin để trên cơ sở đó mà tham mưu, hoạch định chiến thuật, chiến lược thu thập, khai thác thông tin và bình luận định hướng dư luận xã hội cho bản báo…Một trang mạng xã hội dù nhạy bén đến đâu cũng không thể thu thập được nguồn tin phong phú bằng các ban biên tập; thế nhưng mặc dù nhiều khi họ chỉ ăn theo thông tin của các tờ báo để rồi họ, các trang mạng xã hội đã vượt lên các tờ báo nhờ vào khả năng đoán định chiều hướng thông tin, bình luận, phân tích, mổ xẻ thông tin…là những điều mà độc giả cần, mong đợi…

Hiện nay, các trang mạng xã hội Việt Nam đang cạnh tranh khốc liệt với các tờ báo trong đó có báo điện tử về hướng này; trong rất nhiều trường hợp giống như việc phát minh và khai thác chiếc máy tính điện tử: Liên Xô mới là quốc gia đầu tiên phát minh ra máy tính nhưng đưa vào ứng dụng rộng rãi, cải tiến nó và thu lời, làm giàu từ phát minh này lại là người Mỹ…Hiện nay một số trang mạng xã hội có chỗ đứng sâu trong lòng cộng đồng mạng, chiếm được tình cảm là do khả năng cải biến, xử lý, “ tái chế”, phóng đại  thông tin chứ không phải ở cái khả năng săn tin ?

Ở đây do báo chí Việt có một số hạn chế do điều kiện khách quan: Việt Nam không có báo tư nhân, mỗi tờ báo kể cả báo điện tử đều là tiếng nói của một cơ quan cấp Bộ và Hội đoàn thế có vai vế; tiếng nói, tôn chỉ mục đích đã được mặc định kể cả báo Nhân Dân có đề thêm vào Tiếng nói của nhân dân cũng chỉ là đề mang tính xã giao, hình thức, đãi bôi…Do nét đặc thù này của đời sống báo chí Việt Nam như vậy nên dẫn tới tình cảnh người dân Việt phải cam chịu cái sự đói khát, khô hạn dài dài về về nhu cầu chia sẻ thông tin, chính kiến, xúc cảm cá nhân…Chưa kể có lúc những ý kiến trái chiều với một cơ quan chưng năng nhà nước, chức năng nào đó bị xem như là một thứ hành vi vi phạm Luật hình sự và bị kỵ húy thậm chí còn bị truy cứu…Do vậy, khi internet ra đời, tạo điều kiện cho cư dân mạng Việt Nam có một mảnh đất mới, một khu đất phần trăm tùy ý sử dụng để góp phần tăng gia thêm khẩu phần thông tin và chia sẻ chính kiến. Do đó nên đã xuất hiện rất nhiều cây viết, chủ nhân của các cư dân mạng nổi tiếng hơn cả nghề tay phải của mình, họ là nhà báo nhưng người đọc biết nhiều về họ hơn nhờ viết blog chứ không phải viết báo; có nhà báo bỏ cả nghề báo để viết blog; có ông chẳng liên quan gì đến nghề báo tự dưng nhảy ra làm trang mạng có sức lôi cuốn người đọc, thách thức các tổng biên tập báo chính thống khiến cho Huy Đức một nhà báo kiêm một blogger có tiếng đã phải thốt lên: Báo chính thống nói chuyện Basam; Còn Basam lại đưa chuyện chính thống…Rất nhiều các hãng thông tin nước ngoài khi một tìm hiểu dư luận xã hội về một vấn đề nào đó lạ thường tìm đến các blogger hơn là tìm đến những nhà báo, nhà quan sát chính trường có nhãn mác, bằng cấp và giấy phép hành nghề…

Sở sĩ xảy ra tình trạng trên là do các trang mạng xã hội có điều kiện cho phép chủ nhân được giãi bày những suy ngẫm, những quan ngại, những xúc cảm cá nhân; nếu một nhà báo khi đặt bút viết về một vấn đề nào đó thì điều mà anh quan tâm đó không phải là độc giả đầu tiên chắc phải là hàng thứ 2, số 1 đó là liệu cái tin bài mình viết ra có được TBT đăng cho không? Nhiều phóng viên đã phải làm cái việc trước khi quyết định bắt tay vào lấy tin, viết bài thì đã phải trao đổi trước với lãnh đạo báo…Như vậy, độ nóng, độ tươi mới cập nhật và dấu ấn cá nhân của sự phát hiện của tin bài đã bị gián đoạn, cách bức so với một một blogger hay một ông chủ một trang Web cá nhân. Mỗi khi chủ của các trang mạng xã hội thấy vấn đề tác động vào họ buộc họ phải đặt bút viết là lập tức họ bắt tay vào ngay; trước bàn phím của họ là cá nhân của họ được vui sướng giãi bày cảm xúc của mình qua con chữ và độc gia quen thuộc đang chờ họ…

Do vậy nếu báo chí muốn sàng lọc thông tin, nhất là loại thông tin về các vấn đề mà xã hội độc giả quan tâm thì không đâu bằng cập nhật những trang mạng các nhân có lượng độc giả đông, ổn định…Thực ra, không chỉ báo chí mà theo người viết bài này được biết: một số cơ quan chức năng như công an, tuyên giáo, các cơ quan hành chính cũng đã trở thành độc giả của nhiều trang mạng cá nhân có tên tuổi; họ vào các trang mạng này không phải vì tò mò, cũng không phải vì đói thông tin vì thông tin trên các trang mạng xã hội thường là những thông tin cần phải kiểm chứng, sàng lọ; Qua các thông tin trên các trang mạng xã hội, chắc các cơ quan chức năng muốn đo kiểm xem phản ứng, những diễn biến, xu thế chính kiến xã hội đang quan tâm, đổ xô vào các vấn đề gì, thậm chí các trang mạng xã hội còn là nơi do lường, kiểm chứng lòng dân trước các chính sách, chủ trương mới ban hành của nhà nước, của các đoàn thể xã hội…Và ở khía cạnh này các trang mạng xã hội có độ tin cậy cũng như độ nóng của sự tươi mới cao hơn các cơ quan ngôn luận báo chí…

Một tờ báo muốn tạo cho mình chỗ đứng bền vững trong lòng độc giả thì phải đón đầu cho được những chiều hướng thông tin mà độc giả quan tâm, những vấn đề xã hội đang gây bức xúc độc giả và khi báo chí xông vào với sức mạng về tay nghề, phương tiện sẽ lôi kéo, định hướng được độc giả…

Ở Nhật tại những xý nghiệp lớn đông công nhân làm việc, nhiều ông chủ cho xây những phòng giải trí, ở trong đó có nhiều bức tượng bằng cao su có dáng hình và kích cỡ giống, đúng như các yếu nhân đang quản lý nhà máy…Nhà giải stress này nhằm mục đích tạo điều kiện cho công nhân của nhà máy, nếu họ có điều gì đó bất bình với ông chủ hoặc ai đó có liên quan tới công việc hàng ngày; họ có thể vào đấy đấm đá thỏa thích người mà họ cho là đang ức hiếp họ…Các phòng xả stress này đều có hệ thống ghi âm, ghi hình để các ông chủ theo dõi không nhằm mục đích trả thù, đối phó với người phản ứng mình mà để điều chỉnh các giải pháp, phương cách quản lý…

Quản lý một xã hội cũng giống như một xý nghiệp, một nhà máy, một gia đình…cho dù thiết kế ra được một guồng máy quản trị, hoàn hảo đến đâu cũng khó lòng làm thỏa mãn hết thảy, làm cho mọi thành viên có nhu cầu, sở thích, sở trường khác nhau đều vui vẻ cả; Do vậy, các phương tiện thông tin đại chúng là cái kênh có nhiệm vụ thông tin giúp các tầng lớp trong xã hội có điều kiện để hiểu nhau, giao lưu, giao cảm với nhau để trên cở sở này mà tìm ra những được tiếng nói chung, tránh cho xã hội những sự dồn toa, giật cục dẫn tới đổ vỡ trong các mối quan hệ…

Nắm bắt các luồng thông tin, dư luận xã hội để trên cơ sở này mà hoạch định các chính sách xã hội là điều mà bất kể một thể chế quản trị văn minh, tiến bộ nào; Điều này thực ra kể cả Việt Nam chúng ta từng đã thiết lập có điều hiệu quả và chất lượng của nó tới đâu thì đó là điều mà chúng ta cần suy tính cân nhắc…Việc điều chỉnh xã hội bằng sự minh bạch thông tin, chính kiến sẽ văn minh gấp vạn lần so với sử dụng dùi cui và guồng máy cảnh sát…

Hiện nay chúng ta có hệ thống hơn 800 tờ báo và Đài truyền hình trung ương đã được đầu tư từ nhiều nguồn trong đó có ngân sách nhà nước về trang thiết bị kỹ thuật để làm việc đưa tin, thông tin, bình luận, phân tích, kiến giải thông tin nhằm định hướng dư luận xã hội; Thế nhưng có thể do những nét đặc thù của cơ chế quản lý, quản trị của hoạt động này nên chất lượng của công tác thông tin giúp cho khâu quản trị xã hội của nhà nước hiệu quả không cao, tác động vào dự luận xã hội còn hời hợt…Đang có một khoảng cách, một bức vách ngăn giữa cơ quan thông tin, những người làm nghề thông tin ( các nhà báo ) với xã hội…

Xin lấy vị dụ nạn nợ xấu do quá nguồn tiền ngân hàng đổ vào thị trường bất động sản phát triển cung vượt cầu quá lớn ? Đây không phải là lần đầu Việt Nam và thế giới đã rơi vào thảm cảnh này; chúng ta không thiếu những cơ quan chuyên nghiên cứu, dự báo thị trường trong đó có thị trường bất động sản…Chúng ta có hàng trăm tờ báo chuyên ngành về kinh tế, hàng trăm tờ báo không chuyên về thị trường nhưng hàng ngày vẫn dành các chuyên trang cho vấn đề kinh tế-thị trường; thế tại sao lại không có được một phản biện, dự báo nào can ngăn các nhà đầu tư để tình hình bất động sản lao vào thảm họa như hiện nay? Chỉ qua vụ thị trường bất động sản thôi đã thấy cái cơ chế thu thập, sàng lọc, tổng hợp và xử lý thông tin của chúng ta có vấn đề; Điều này không chí đối với báo chí mà cả các cơ quan hoạch định chính sách tầm vĩ mô lẫn vi mô…

Trong cuộc sống hàng ngày, chỉ hai con người với nhau thôi, nếu không có sự giãi bài, bộc bạch với nhau những chỗ uẩn khúc, những khúc mắc, tức nói nôm na không sống thật lòng với nhau thì họ khó lòng có được tình bạn lâu bền, họ sẽ không có được những hành động chân thành, thiết thực, chia sẻ, động viên, an ủi nhau trong những lúc khó khăn…Hiện nay các cơ quan thông tin đại chúng không làm tròn phận sự vì chưa sống thật lòng, chia sẻ thành thật với độc gia thông qua việc đưa tin và thông tin, bình luận, định hướng thông tin với độc giả…Đó chính là lý do khiến cho các mạng xã hội ra đời…Các trang mạng xã hội đang gánh vác cái nhiệm vụ nặng nề đó là việc bù đắp những phần thiếu hụt, phần què quặt của cộng đồng thông tin chính thống…Thử vào các đài truyền hình và các phương tiện chính thống mà xem: thấy xã hội chúng ta hoàn thiện êm đẹp một cách giả tạo, gượng gạo…

Rất may trong hàng chục năm gần đây do sự bùng nổ của phương tiện internet đã tạo điều kiện có rất nhiều cá nhân, blogger đã nghiễm nhiên biến thành những nhà báo có đông người tìm đến giống như những tờ báo những tờ báo có nhãn mác và có giấy phép hoạt động nghề do Bộ Thông tin-Truyền thông cấp…Hiện nay một số trang mạng xã hội riêng về các chủ đề thông tin gần với các tờ báo chuyên ngành về kinh tế-xã hội hàng ngày đã thu hút tới dăm ba vạn lượt truy cập; số trang mạng này ở Việt Nam cũng đã lên tới hàng chục trang mặc dù hoạt động tự phát, chưa chuyên nghiệp về mặt kỹ thuật…Các blogger đã nơi khỏa lấp phần nào cái thiếu hụt này của các cơ quan thông tin chính thống đã gây ra cho xã hội thông tin Việt Nam…Thử hình dung nếu không có các trang mạng xã hội mặc dù bị chèn ép đủ đường thì làm sao người dân và kể cả các cơ quan chức năng biết được thực chất về cái mặt trái của vũ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng, Hải Phòng, Văn Giang ở Hưng Yên và nhiều vụ khác…Các cơ quan chức năng vào cuộc giải vụ này theo tôi thực chất là do sức ép của các trang mạng xã hội chứ khó tin là do các bộ phận tham mưu giúp việc đi xe sang, hưởng lương cao tham mưu, đề xuất…

Bản thân tôi là người ham viết blog, mới nghỉ hưu từ 1/6/2012, trang của tôi bị đánh sập 3 lần và không biết ai phá; rất nhiều lần trực tiếp được mời lên yêu cầu giải trình các nội dung, quan điểm cũng như trách nhiệm hành chính ( vì tôi là công chức ) và trách nhiệm trước luật pháp về những thông tin tôi nêu về những vấn đề tôi viết ra…Tôi đã giải thích, tranh luận sòng phẳng, minh bạch rằng: những điều tôi viết ra không vi phạm 19 điều đảng viên không được làm vì tôi là đảng viên; Tôi không vi phạm luật pháp thông tin ( Luật Báo chí và các văn bản có liên quan)…Tôi là hội viên Hội Nhà văn VN, hội viên Hội Nhà báo VN, thiên chức của tôi cũng giống như anh nông dân, phải có cày và ruộng cho chúng tôi cày cấy; Khi nhà nước thừa nhận cho phép bằng luật pháp hoạt động của những hội này thì nhà nước phải chịu trách nhiệm bảo hộ công việc của chúng tôi, những cư dân hoạt động có thẻ khi chúng tôi không làm gì vi phạm luật pháp…Có ý kiến bác lại: Sao không đưa các ý kiến đó cho các báo mà lại đưa lên mạng; tôi trả lời: nếu đưa tới báo thì báo không đăng; còn gửi cho những người có trách nhiệm, cơ quan có trách nhiệm có liên quan thì tôi không muốn mang tiếng là người đi khiếu kiện, xin-cho…Tôi đề xuất: Hay các ông lập ra một trang mạng tạo cơ chế cho một diện hẹp nào đó được đọc, các ông quản lý để chúng tôi viết trình bày chính kiến của mình: Điều nào sai các ông phản bác, điều nào đúng để những người có trách nhiệm tiếp thu; chúng tôi cũng chỉ mong có thế, vì không có nơi vui vẻ tiếp nhận nên chúng tôi phải tung lên mạng, lên trời…

Tóm lại, cho rằng hiện nay so với báo chí chính thống thì các trang mạng xã hội có điều kiện bộc lộ chính kiến của người viết hơn; vấn đề mà tôi đề câp, kết lại: làm sao để các nhà báo được sống hết mình với tin bài của mình như các trang mạng xã hội, có như thế báo chí mới góp phần hữu ích vào đời sống xã hội…Vấn đề này nó vượt ra ngoài phạm vi cuộc hội thảo này vì nó vướng vào cơ chế, chính sách; Cuộc hội thảo này chỉ bàn tới một vấn đề thuộc phạm vi nghề nghiệp thông tin của báo chí. Tôi muốn bàn tới cái gốc của vấn đề đó là cơ chế-chính sách quản lý thông tin báo chí thuộc trách nhiệm của Bộ Thông tin-Truyền thông; Để phát biểu điều này phải là cuộc hội thảo do Bộ Thông tin-Truyền thông tổ chức và chủ trì…Cách đây không lâu, tôi có đọc văn bản soạn thảo về Nghị định Internet sửa đổi, tôi thấy vô lý vì trong đó có một dòng ghi đại ý: thông tin báo chí mới là chính thống, hợp pháp còn thông tin trên mạng xã hội là không chính thống…Bộ TT-TT cứ quy định còn người đọc người ta cứ vào các trang mạng xã hội để đọc, các hãng thông tấn nước ngoài có uy tín vẫn tiếp cận các blogger để lấy tin vậy thì cái chính thống mà Bộ Thông tin Truyền thông quy định đó ai nghe, ai theo, ai tin và tin ai ?

Nếu không bàn tới cơ chế chính sách giải phóng sức sản xuất cho các nhà báo được hành nghề, bộc lộ chính kiến của mình như các blogger thì nếu có tờ báo nào đó mời tôi viết bài tôi cũng lại viết như các nhà báo, nếu muốn được đăng…Và tham gia cuộc hội thảo này, tôi cũng đã phải đắn đo, viết tham luận cẩn thận, rà đi soát lại để không bị kiểm duyệt, biên tập khiến cho ý kiến của mình không được phát. Còn lên trang của tôi thì khi viết xong chỉ một cú nhấn chuột là bài sẽ lên mạng…

P.V.Đ

Nguồn: Link gốc (blog đã bị đóng).

Bản này đăng lại từ FB Nguyễn Lân Thắng.

ĐỪNG DẠI “CÙNG KHAI THÁC”’ VỚI TRUNG QUỐC – BVB

14 Th6

ĐỪNG DẠI “CÙNG KHAI THÁC”’ VỚI TRUNG QUỐC

 
 
           * BÙI VĂN BỒNG
           Cho dến nay, các nước trong khu vực Đông Nam Á và cả thế giới đều biết đến con bài “sói gửi chân” mà nhà cầm quyền Trung Nam Hải đã đưa ra cách đây hơn hai năm. Cái từ khá mỹ miều “giao hảo, cùng khai thác” với các nước có chung biển Đông thực chất là sự ngụy trang, dụ dỗ, đánh lừa các nước để Trung Quốc từng bước đưa vùng biển này vào cái lưỡi bò đầy tham vọng. Thực chất, đó là việc Trung Quốc đang dồn sức thực hiện ‘Chiên lược ba bước lấn tới’: Tranh chấp – Gác tranh chấp cùng khai thác – chiếm luôn.
Trung Quốc thường nhắm chỗ nào có lợi (mỏ dầu, cụm đảo, vị trí trên đường biển quốc tế) để tìm cách xâm chiếm, thu về cho chủ quyền của bắc Kinh. Thế nên, nhiều vùng biển đảo đang yên bình, nhưng bất ngờ Trung Quốc gây ra tranh chấp. Khi tranh chấp kéo dài, đẩy lên đỉnh gay gắt, hoặc ‘đối phương’ đx có vẻ không chịu nổi tì Trung Quốc dấn lên bước thứ hai là gác tranh chấp cùng khai thác. Bước thứ ba mới là bước quyết định: Chiếm luôn. Cái chiến lược kèm theo nhiều hiến thuật, thủ đoạn nguy hiểm “sói gửi chân” ấy chăng ai còn lạ gì! Đây cũng chính là con bài năm trong sách lược”xâm lược  mềm” của Trung Quốc.
Với ‘Chiến lược ba bước lấn tới’, Trung Quốc đã gây ra nhièu cuộc tanh chấp biển-đảo với Việt Nam, Nhật Bản, Philippines, Malaysia, Brunei. Riêng đới với Việt Nam, Trung Quốc thường xuyên quấy rối nhiều nhất, vì là vùng biển cận kề, trực diện và có nhiều tiềm năng khoáng sản (như mỏ dầu), cũng như vị trí chiến lược quan trọng. Trung Quốc thường xuyên chủ động cho tàu ngư chính, tàu hải gám đi tuấn tra và cả diễn tập trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, chủ yếu ở 3 khu vực là Hoàng Sa, Trường Sa, bãi ngầm Tư Chính, khu vực dầu khí DK1, dồn bắt, xua đuổi và thậm chí trắng trợn đâm chìm tàu đánh cá của Việt Nam, cắt cáp ngầm thăm dò địa chấn…Trắng trợn hơn là vào năm ngoái 2012, Trung Quốc mời thấu 9 lô mỏ dầu của Việt Nam, tiếp sau đó mở chiến dịch xua trên 23.000 tàu cá khoa trương thanh thế vốn có của ‘biển người’ đi vét hải sản biển Đông, tập trung ở khu vực quần đảo Trường Sa…
 
Một tốp trong ‘chiến dịch’ 23 000 tàu cá Trung Quốc
tràn ra  biển Đông có tàu ngư chính, tà hải giám yểm trợ
 
Cách hơn một tuấn trước, bà Phó Oánh, chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trung Quốc cho biết trong các cuộc thăm dò tài nguyên tương lai ở Biển Đông, Trung Quốc không loại bỏ khả năng hợp tác chung với các nước ASEAN. Phát biểu của bà là để trả lời một câu hỏi của cử tọa, sau khi bà đọc bài diễn văn tại hội nghị bàn tròn về châu Á Thái Bình Dương lần thứ 27, tổ chức tại Malaysia hôm 4/6. Trong bài diễn văn, bà Phó Oánh cũng nói rằng Trung Quốc cần giải thích cho mọi người hiểu rõ hơn về lập trường của mình liên quan đến các vấn đề về Biển Đông.
Tuy nhiên, bởi vì có một số nước ASEAN đưa ra các tuyên bố ngược lại với lập trường của Trung Quốc, và các nước ASEAN có vẻ đồng tình với các tuyên bố này, nên Trung Quốc cần phải phản ứng. Bà nói tiếp: “Trung Quốc và các nước ASEAN đã có những tiến bộ vững chắc, do đó, hai bên không nên để cho bất kỳ vấn đề nào ảnh hưởng xấu cho quan hệ hai phía.”
Một tướng lãnh cao cấp của Trung Quốc mạnh mồm tuyên bố rằng: Các tàu chiến của họ tiếp tục tuần tra nơi vùng biển mà Trung Quốc có chủ quyền, mặc dù có tranh chấp với các nước Châu Á khác.
Lên tiếng tại cuộc đối thoại Shangri-La ở Singapore hôm Chủ nhật tuần mới rồi, Trung tướng Thích Kiến Quốc, phó tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh xem Biển Đông và biển Hoa Đông thuộc về chủ quyền của Trung Quốc. Ông Thích Kiến Quốc còn nhấn mạnh rằng việc tuần tra của các tàu chiến Trung Quốc tại hai vùng biển này là hợp pháp và không thể tranh cãi.
Một số quan chức còn khuyến cáo với nhà cầm quyền Trung Nam Hải là (nếu cần, khi cần) cứ đánh, khỏi đàm…
Những tuyên bố liều lĩnh, trơ tráo và xấc xược gần đây của các lãnh đạo và giới chức Trung Quốc đã vấp ngay với sự phản ứng của  các nước trong khu vực và dư luận rộng rãi trên thế giới. Tổng thống Philippines hôm 12/6 tuyên bố nước ông sẽ không lùi bước trước bất kỳ thách thức nào liên quan đến chủ quyền và lãnh thổ.
Nhìn lại sự kiện liên qua từ gần một tháng trước, ngày 23/5, Philippines  tuyên bố cương quyết bảo vệ “những gì thuộc về mình” trong lúc có cuộc đối đầu với một đoàn tàu của Trung Quốc đang chay vòng quanh một bãi cạn có binh sĩ của Philippines đang đóng.
Trước đó, Philippines đã phản đối điều mà họ gọi là “sự có mặt có tính cách gây sự và trái phép” của đoàn tàu gần bãi cạn Second Thomas, mà Philippines gọi là Ayungin, nhưng Trung Quốc đã phớt lờ lời phản đối này và nhấn mạnh rằng khu vực đó thuộc về Trung Quốc.
Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Philippines, ông Raul Hernandez hôm 23/5 nói rằng đội tàu gồm 3 tàu quân sự và 10 tàu cá của Trung Quốc vẫn còn ở gần bãi cạn Second Thomas và đáng lý ra các tàu này không nên ở đó. Bãi cạn này gồm nhiều đảo nhỏ và bãi san hô nằm trong quần đảo Trường Sa, cách đảo Palawan của Philippines 200 km về hướng tây bắc.
Ông Raul Hernandez khẳng định rằng Hải quân và Cảnh sát Biển của Philippines có nhiệm vụ thực thi luật lệ của quốc gia.
Trong bài diễn văn tại Manila, đánh dấu kỷ niệm 115 năm Philippines độc lập khỏi Tây Ban Nha, Tổng thống Benigno Aquino nói rằng Philippines chưa bao giờ đòi chủ quyền trên phần đất rõ ràng thuộc về nước khác, nhưng chỉ mong “lãnh thổ, chủ quyền và phẩm giá của mình được tôn trọng.”
Mặc dù không nêu đích danh Trung Quốc, Tổng thống Aquino nói rằng nhân dân Philippines “không có đầu óc xâm lăng trong máu, nhưng cũng không lùi bước trước bất kỳ thách thức nào.”
Giáo sư Benito Lim thuộc trường đại học Ateneo ở Manila khuyên mọi người nên dựa vào sức mình là chính, bởi vì mặc dù Philippines và Hoa Kỳ có Hiệp ước An ninh Hỗ tương, ông không tin là người Mỹ sẽ từ bỏ những lợi ích thương mại nhiều tỉ đôla với Trung Quốc để giúp Philippines chiếm lại mấy hòn đá ở một nơi xa xôi.
Còn ông Jose Almont, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Ramos nói rằng quyết định của Tổng thống Aquino đưa Trung Quốc ra trước Liên Hiệp Quốc là một “chiến lược tốt”.  
Những phản ứng và thái độ dứt khoát, rõ ràng mới đây của các nước trong khu vực cho thấy, ‘sói’ Trung Quốc không dễ mà lừa đảo để “gửi chân” vào các vùng biển-đảo của các nước có chung biển Đông và họ đang có chủ quyên fhợp pháp. Nhưng “ai vì hám lợi trước mắt, thiếu cảnh giác và kém dũng khí” thì phải chuốc lấy thiệt hại mà thế thuận và lợi ích chủ quyền biển-đảo sẽ bị rơi vào tay Bắc Kinh. Lúc đó, dù có hối cũng không kịp!
 
BVB
 
—————–
 

5 nhận xét:

// <![CDATA[
(function() {
var items = [{'id': '2610952469306363264', 'body': 'Xin gởi các bạn Trung Nam Hải,\74br /\76Chủ quyền biển đảo tại vùng biển ĐÔNG của Việt Nam là bất khả xâm phạm.Việc hợp tác khai thác là hoàn toàn khác,với trung quốc tỉ lệ ăn chia dĩ nhiên nhích nghiều so với Nga hay nước khác.\74br /\76 Nhưng như các bạn biết đấy,xâm phạm chủ quyền là xúc phạm TỔ tiên Việt Nam,thì cái gì đến là đến,Trời cũng không ngăn sự thất bại đến tàn khốc cho tất cả các chiến hạm của các bạn,và của tất cả những nước nào khi đánh chìm chỉ 1 chiến hạm của Việt Nam.\74br /\76 Các bạn chớ nghĩ rằng các bạn hiểu được dân tộc Việt.Ngay cả lãnh đạo Việt Nam trước nay còn chưa hiểu dân tộc mình,huốn hồ các bạn.\74br /\76 Mỹ bỏ cả đống tiền,thế mà đến nay còn chưa hiểu,thậm chí cả CIA chưa hiểu người Việt giúp việc nhà của mình,chưa hiểu cả tổng thống Nguyễn Văn Thiệu,cũng giống như các bạn thôi.\74br /\76 Nén lòng mấy vụ các bạn đâm tàu cá ngư dân Việt,vì tình cao cả với nhau,Cái vụ GẠC-MA xưa,chỉ sớm hơn 1,5 ngày là chúng tôi luộc sạch rồi.Cái vụ Hoàng Sa vì quá nễ trọng,nếu không thì đã luộc sạch từ 1tháng 4 năm ấy rồi.\74br /\76 Không thằng nào dại mà cùng khai thác với Trung Quốc.Dại thì không tồn tại,xưa đã vậy thì nay cũng vậy thôi.\74br /\76 nhú chồi lên là bấm,không còn thằng Việt gian nào còn thì KẺ xâm lược chỉ có đui mù,làm đết gì được.', 'timestamp': '1371131534052', 'permalink': 'http://bongbvt.blogspot.com/2013/06/ung-dai-cung-khai-thac-voi-trung-quoc.html?showComment751371131534052#c2610952469306363264&#039;, 'author': {'name': 'Nặc danh', 'avatarUrl': 'http://img1.blogblog.com/img/blank.gif&#039;, 'profileUrl': ''}, 'displayTime': '20:52 Ngày 13 tháng 6 năm 2013', 'deleteclass': 'item-control blog-admin pid-1551093733'}, {'id': '5132221767282685285', 'body': 'Bác Bồng phân tích chí lý quá ! cháu thấy trong lịch sử giữa VN và TQ không bao giờ có truyền thống hữu hảo cả , có chăng chỉ là hữu nghị tạm thời Không hiểu Đảng CSVN ăn phải bùa mê thuốc lú mà lại đặt \46quot; niềm tin chiến lược \46#39;\46#39; vào ông bạn vàng nham hiểm này Chắc chỉ khi nào Trung cộng mổ bụng moi gan mấy ông Cộng sản Việt nam thì may ra mới tỉnh ngộ !! nhưng lúc đó thì đã muộn rồi !! hu hu than thay vận nước Hỡi những người CSVN hãy tỉnh ngộ mau mau !!!! Nếu không sẽ để lại những vết nhơ cho lịch sử Dân tộc này !! Hỡi những người CS lầm đường lạc lối !!!!!!!', 'timestamp': '1371136784312', 'permalink': 'http://bongbvt.blogspot.com/2013/06/ung-dai-cung-khai-thac-voi-trung-quoc.html?showComment751371136784312#c5132221767282685285&#039;, 'author': {'name': 'Truong Ly', 'avatarUrl': 'http://img2.blogblog.com/img/b16-rounded.gif&#039;, 'profileUrl': 'http://www.blogger.com/profile/17463701520195425378&#039;}, 'displayTime': '22:19 Ngày 13 tháng 6 năm 2013', 'deleteclass': 'item-control blog-admin pid-1634922364'}, {'id': '6580796276044249890', 'body': 'Tại sao TQ liên tục lấn sân? vì lãnh đạo VN ươn hèn và nhu nhược. Nếu cứng rắn ngay từ lần đầu thì tình thế sẽ khác, bành trướng đã khai thác điểm yếu chết người của lãnh đạo VN. Một thằng ăn cướp trắng trợn như thế mà không dám chỉ mặt gọi tên nó. Như thế nào là tàu \46quot;LẠ\46quot;? hèn ơi là hèn! hèn không để đâu cho hết cái hèn, chỉ vì một vài kẻ hèn mà cả một dân tộc có khi phải lầm than, đổ máu. Hèn nhát là tội đáng CHÉM.', 'timestamp': '1371141310975', 'permalink': 'http://bongbvt.blogspot.com/2013/06/ung-dai-cung-khai-thac-voi-trung-quoc.html?showComment751371141310975#c6580796276044249890&#039;, 'author': {'name': 'Nặc danh', 'avatarUrl': 'http://img1.blogblog.com/img/blank.gif&#039;, 'profileUrl': ''}, 'displayTime': '23:35 Ngày 13 tháng 6 năm 2013', 'deleteclass': 'item-control blog-admin pid-511171905'}, {'id': '8434721596806947488', 'body': 'Hàng rào tranh chấp giữa ông V với ông P thì ông C ở đâu vô đòi \46quot;khai thác chung\46quot;. Có mắc mớ luật lệ gì với ông đâu mà ông đòi tuyên bố chủ quyền.\74br /\76TQ chẳng có liên can cái gì đối với Bắc Cực nay cũng tham lam muốn \46quot; lập trạm nghiên cứu Bắc cực\46quot; thì thấy rõ cái dã tâm tham lam của họ rồi. Cái của mình tại sao phải khai thác chung với kẻ đem tàu đâm tàu dân mình, bắn cháy tàu dân mình, bán cá kích thích tăng trưởng vào tiêu diệt suy yếu cuộc sống nông dân mình, bán nguyên liệu gia vị giá rẻ độc hại những bữa ăn của những người công nhân còn bữa no bữa đói, … ai có lương tâm thì giải quyết những chuyện thực tế này trước đi.', 'timestamp': '1371149082575', 'permalink': 'http://bongbvt.blogspot.com/2013/06/ung-dai-cung-khai-thac-voi-trung-quoc.html?showComment751371149082575#c8434721596806947488&#039;, 'author': {'name': 'Nặc danh', 'avatarUrl': 'http://img1.blogblog.com/img/blank.gif&#039;, 'profileUrl': ''}, 'displayTime': '01:44 Ngày 14 tháng 6 năm 2013', 'deleteclass': 'item-control blog-admin pid-305402989'}, {'id': '8629688288743017078', 'body': 'Cả những nơi không hề có tranh chấp như Tây Nguyên cũng đã bị \46quot;cùng khai thác\46quot; rồi. Chỉ còn chờ bước tiếp theo là \46quot;chiếm\46quot; nốt thôi ', 'timestamp': '1371168299229', 'permalink': 'http://bongbvt.blogspot.com/2013/06/ung-dai-cung-khai-thac-voi-trung-quoc.html?showComment751371168299229#c8629688288743017078&#039;, 'author': {'name': 'Nặc danh', 'avatarUrl': 'http://img1.blogblog.com/img/blank.gif&#039;, 'profileUrl': ''}, 'displayTime': '07:04 Ngày 14 tháng 6 năm 2013', 'deleteclass': 'item-control blog-admin pid-886590750'}];
var msgs = {'loadMore': 'Tải thêm…', 'loading': 'Đang tải…', 'loaded': 'Không có trang nào khác!', 'addComment': 'Thêm nhận xét', 'reply': 'Trả lời', 'delete': 'Xóa'};
var config = {'blogId': '8684811555254451939', 'postId': '7912437876553371289', 'feed': 'http://bongbvt.blogspot.com/feeds/7912437876553371289/comments/default&#039;, 'authorName': 'Bùi Văn Bồng', 'authorUrl': 'http://www.blogger.com/profile/07723110774848345711&#039;, 'baseUri': 'http://www.blogger.com&#039;, 'maxThreadDepth': 2};

// 0) {
cursor = parseInt(items[items.length – 1].timestamp) + 1;
}

var bodyFromEntry = function(entry) {
if (entry.gd$extendedProperty) {
for (var k in entry.gd$extendedProperty) {
if (entry.gd$extendedProperty[k].name == 'blogger.contentRemoved') {
return '' + entry.content.$t + '';
}
}
}
return entry.content.$t;
}

var parse = function(data) {
cursor = null;
var comments = [];
if (data && data.feed && data.feed.entry) {
for (var i = 0, entry; entry = data.feed.entry[i]; i++) {
var comment = {};
// comment ID, parsed out of the original id format
var id = /blog-(\d+).post-(\d+)/.exec(entry.id.$t);
comment.id = id ? id[2] : null;
comment.body = bodyFromEntry(entry);
comment.timestamp = Date.parse(entry.published.$t) + '';
if (entry.author && entry.author.constructor === Array) {
var auth = entry.author[0];
if (auth) {
comment.author = {
name: (auth.name ? auth.name.$t : undefined),
profileUrl: (auth.uri ? auth.uri.$t : undefined),
avatarUrl: (auth.gd$image ? auth.gd$image.src : undefined)
};
}
}
if (entry.link) {
if (entry.link[2]) {
comment.link = comment.permalink = entry.link[2].href;
}
if (entry.link[3]) {
var pid = /.*comments\/default\/(\d+)\?.*/.exec(entry.link[3].href);
if (pid && pid[1]) {
comment.parentId = pid[1];
}
}
}
comment.deleteclass = 'item-control blog-admin';
if (entry.gd$extendedProperty) {
for (var k in entry.gd$extendedProperty) {
if (entry.gd$extendedProperty[k].name == 'blogger.itemClass') {
comment.deleteclass += ' ' + entry.gd$extendedProperty[k].value;
} else if (entry.gd$extendedProperty[k].name == 'blogger.displayTime') {
comment.displayTime = entry.gd$extendedProperty[k].value;
}
}
}
comments.push(comment);
}
}
return comments;
};

var paginator = function(callback) {
if (hasMore()) {
var url = config.feed + '?alt=json&v=2&orderby=published&reverse=false&max-results=50';
if (cursor) {
url += '&published-min=' + new Date(cursor).toISOString();
}
window.bloggercomments = function(data) {
var parsed = parse(data);
cursor = parsed.length

  1.  

    Xin gởi các bạn Trung Nam Hải,
    Chủ quyền biển đảo tại vùng biển ĐÔNG của Việt Nam là bất khả xâm phạm.Việc hợp tác khai thác là hoàn toàn khác,với trung quốc tỉ lệ ăn chia dĩ nhiên nhích nghiều so với Nga hay nước khác.
    Nhưng như các bạn biết đấy,xâm phạm chủ quyền là xúc phạm TỔ tiên Việt Nam,thì cái gì đến là đến,Trời cũng không ngăn sự thất bại đến tàn khốc cho tất cả các chiến hạm của các bạn,và của tất cả những nước nào khi đánh chìm chỉ 1 chiến hạm của Việt Nam.
    Các bạn chớ nghĩ rằng các bạn hiểu được dân tộc Việt.Ngay cả lãnh đạo Việt Nam trước nay còn chưa hiểu dân tộc mình,huốn hồ các bạn.
    Mỹ bỏ cả đống tiền,thế mà đến nay còn chưa hiểu,thậm chí cả CIA chưa hiểu người Việt giúp việc nhà của mình,chưa hiểu cả tổng thống Nguyễn Văn Thiệu,cũng giống như các bạn thôi.
    Nén lòng mấy vụ các bạn đâm tàu cá ngư dân Việt,vì tình cao cả với nhau,Cái vụ GẠC-MA xưa,chỉ sớm hơn 1,5 ngày là chúng tôi luộc sạch rồi.Cái vụ Hoàng Sa vì quá nễ trọng,nếu không thì đã luộc sạch từ 1tháng 4 năm ấy rồi.
    Không thằng nào dại mà cùng khai thác với Trung Quốc.Dại thì không tồn tại,xưa đã vậy thì nay cũng vậy thôi.
    nhú chồi lên là bấm,không còn thằng Việt gian nào còn thì KẺ xâm lược chỉ có đui mù,làm đết gì được.

    Trả lờiXóa

     
     
  2.  

    Bác Bồng phân tích chí lý quá ! cháu thấy trong lịch sử giữa VN và TQ không bao giờ có truyền thống hữu hảo cả , có chăng chỉ là hữu nghị tạm thời Không hiểu Đảng CSVN ăn phải bùa mê thuốc lú mà lại đặt ” niềm tin chiến lược ” vào ông bạn vàng nham hiểm này Chắc chỉ khi nào Trung cộng mổ bụng moi gan mấy ông Cộng sản Việt nam thì may ra mới tỉnh ngộ !! nhưng lúc đó thì đã muộn rồi !! hu hu than thay vận nước Hỡi những người CSVN hãy tỉnh ngộ mau mau !!!! Nếu không sẽ để lại những vết nhơ cho lịch sử Dân tộc này !! Hỡi những người CS lầm đường lạc lối !!!!!!!

    Trả lờiXóa

     
     
  3.  

    Tại sao TQ liên tục lấn sân? vì lãnh đạo VN ươn hèn và nhu nhược. Nếu cứng rắn ngay từ lần đầu thì tình thế sẽ khác, bành trướng đã khai thác điểm yếu chết người của lãnh đạo VN. Một thằng ăn cướp trắng trợn như thế mà không dám chỉ mặt gọi tên nó. Như thế nào là tàu “LẠ”? hèn ơi là hèn! hèn không để đâu cho hết cái hèn, chỉ vì một vài kẻ hèn mà cả một dân tộc có khi phải lầm than, đổ máu. Hèn nhát là tội đáng CHÉM.

    Trả lờiXóa

     
     
  4.  

    Hàng rào tranh chấp giữa ông V với ông P thì ông C ở đâu vô đòi “khai thác chung”. Có mắc mớ luật lệ gì với ông đâu mà ông đòi tuyên bố chủ quyền.
    TQ chẳng có liên can cái gì đối với Bắc Cực nay cũng tham lam muốn ” lập trạm nghiên cứu Bắc cực” thì thấy rõ cái dã tâm tham lam của họ rồi. Cái của mình tại sao phải khai thác chung với kẻ đem tàu đâm tàu dân mình, bắn cháy tàu dân mình, bán cá kích thích tăng trưởng vào tiêu diệt suy yếu cuộc sống nông dân mình, bán nguyên liệu gia vị giá rẻ độc hại những bữa ăn của những người công nhân còn bữa no bữa đói, … ai có lương tâm thì giải quyết những chuyện thực tế này trước đi.

    Trả lờiXóa

     
     
  5.  

    Cả những nơi không hề có tranh chấp như Tây Nguyên cũng đã bị “cùng khai thác” rồi. Chỉ còn chờ bước tiếp theo là “chiếm” nốt thôi

Bắt khẩn cấp ông Phạm Viết Đào – NLĐ

14 Th6

Bắt khẩn cấp ông Phạm Viết Đào

Thứ Năm, 13/06/2013 23:11

(NLĐO)- Cơ quan An ninh điều tra Công an Hà Nội ngày 13-6 đã bắt khẩn cấp ông Phạm Viết Đào (61 tuổi, ở Hà Nội) về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo Điều 258 Bộ Luật Hình sự.

Ông Phạm Viết Đào
 
Ngày 13-6, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội ra lệnh khám xét khẩn cấp và lệnh bắt khẩn cấp đối với ông Phạm Viết Đào (sinh ngày 10-4-1952 tại Nghệ An; hiện thường trú tại số 02 hẻm 39/7/460 Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ – Hà Nội) về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo Điều 258 Bộ Luật Hình sự.
 
Theo cổng thông tin Bộ Công an, quá trình thực hiện lệnh khám xét, bắt khẩn cấp, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội thực hiện đúng quy định của pháp luật. Ông Phạm Viết Đào có thái độ chấp hành.
 
Các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của ông Phạm Viết Đào để xử lý theo quy định của pháp luật.
 
Ông Phạm Viết Đào có nhiều bài viết trên mạng internet, thu hút nhiều người đọc. Ông Đào từng là cán bộ thanh tra thuộc Bộ Văn hóa – Thông tin trước đây, nguyên trưởng Phòng Thanh tra hành chính chống tham nhũng – Bộ Văn hóa – Thông tin, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
  
 
Điều 258. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân
 
1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
 
2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
 
 
N.Quyết

Hành động hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông bị lên án tại Thượng viện Mỹ – RFI

14 Th6

Hành động hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông bị lên án tại Thượng viện Mỹ

Một tàu hải giám Trung Quốc chạy gần tàu tuần duyên Nhật Bản gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Một tàu hải giám Trung Quốc chạy gần tàu tuần duyên Nhật Bản gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

REUTERS/Kyodo/Files

Trong một dự thảo nghị quyết trình ra Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hôm 10/06/2013, ba Thượng nghị sĩ Mỹ đã tố cáo một loạt hành động của Bắc Kinh trong thời gian gần đây nhằm áp đặt yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông và Biển Hoa Đông. Dự thảo nghị quyết cũng yêu cầu các nước có tranh chấp thông qua một bộ quy tắc ứng xử để tránh không cho xung đột bùng lên.

 

Nghị quyết lên án Trung Quốc mang ký hiệu S. Res. 167 đã được ba Thượng nghị sĩ có uy tín tại Mỹ đồng ký tên : Robert Menendrez (đảng Dân chủ, tiểu bang New Jersey), chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ ; Ben Cardin (đảng Dân chủ, tiểu bang Maryland), thành viên Ủy ban Đối ngoại ; và ông Marco Antonio Rubio (đảng Cộng hòa, tiểu bang Florida), một Thượng nghị sĩ có uy thế, thường được xem là ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa vào năm 2016.

Mang tựa đề « Tái khẳng định hậu thuẫn mạnh mẽ của Hoa Kỳ cho việc giải quyết một cách hòa bình tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và quyền tài phán trong vùng biển Châu Á – Thái Bình Dương », văn kiện này không ngần ngại lên án đích danh Trung Quốc là tác giả của một loạt hành động hù dọa hay dùng võ lực nhắm vào các nước từ Philippines, Việt Nam cho đến Nhật Bản.

Về các hành động hung hăng của Bắc Kinh tại Biển Đông, bản dự thảo nghị quyết nêu rõ các vụ việc bị coi là « nguy hiểm và dễ gây mất ổn định », từ vụ tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò địa chấn của một tàu thăm dò dầu khí Việt Nam hồi tháng 5 năm 2011, cho đến vụ tàu Trung Quốc chặn lối vào bãi Scarborough trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines vào tháng Tư năm 2012.

Văn kiện cũng nêu lên sự kiện là kể từ ngày 08 tháng Năm 2013, chiến hạm và tàu hải giám Trung Quốc bắt đầu hiện diện thường xuyên ở vùng biển xung quanh bãi Second Thomas Shoal, chỉ cách đảo Palawan của Philippines khoảng 105 hải lý về phía tây bắc, và đang có quân đội Philippines đồn trú bên trên.

Hai hành động quyết đoán khác của Trung Quốc liên quan đến Biển Đông cũng bị nêu bật trong dự thảo nghị quyết : Việc Bắc Kinh phát hành một bản đồ chính thức xác định đường 9 đoạn mà họ vẽ ra trên Biển Đông là biên giới quốc gia của Trung Quốc, cũng như việc nâng Tam Sa lên cấp thành phố để quản lý toàn bộ vùng Biển Đông mà Trung Quốc đòi chủ quyền, và cho đặt một đơn vị quân đội đồn trú trong khu vực.

Các hành động hung hăng của Trung Quốc nhắm vào Nhật Bản tại vùng quần đảo Senkaku/Điếu ngư ngoài biển Hoa Đông cũng bị các Thượng nghị sĩ Mỹ vạch trần.

Dự thảo nghị quyết do đó đã yêu cầu Thượng viện Mỹ lên án « việc sử dụng các biện pháp ép buộc, đe dọa, hoặc lực lượng hải quân, hải giám, tàu đánh cá và máy bay quân sự hay dân sự… » để khẳng định chủ quyền trên các vùng biển đang tranh chấp hoặc để thay đổi hiện trạng.

Nghị quyết cũng yêu cầu các bên tranh chấp tự kiềm chế, tìm kiếm giải pháp trên tinh thần tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm cả việc thông qua trọng tài quốc tế.

Văn kiện dĩ nhiên ủng hộ hoàn toàn các nỗ lực của chính phủ cũng như quân đội Hoa Kỳ nhằm bảo đảm quyền tự do hàng hải và duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.