Lưu trữ | 9:58 Chiều

Nàng “Mona Lisa” & 16 năm thai nghén – TTVH

19 Th4

 

(TT&VH) – Việc phát hiện ra bức tranh “chị em” với kiệt tác Mona Lisa của danh họa Phục hưng Leonardo Da Vinci, còn giúp các chuyên gia khẳng định rằng, thực ra danh hoạ đã mất tới 16 năm mới hoàn thành họa phẩm này, chứ không phải 3 năm như người ta tưởng.

Trước đây, người ta vẫn cho rằng Da Vinci vẽ chân dung bà Lisa Gherardini, hay còn gọi là La Gioconda, trong vòng 3 năm, từ năm 1503 đến năm 1506. Nhưng chứng cứ cho thấy rõ, ông hoàn thành bức tranh trong 16 năm và vẫn còn hoàn thiện cho kiệt tác này cho đến khi qua đời vào năm 1519.

Những “mật mã” được phơi mở

Như vậy, có thể coi bức chân dung này là tác phẩm được hoàn thành trong thời kỳ cuối của Da Vinci và qua đó giải thích tại sao nó không thuộc về Francesco Del Giocondo, chồng của người mẫu trong tranh, mặc dù ông ta là người đặt vẽ tranh.

Sau khi phát hiện ra bức tranh Mona Lisa thứ 2 tại Bảo tàng Prado ở Madrid, Tây Ban Nha, hồi tháng 2, các chuyên gia biết được rằng chính Bảo tàng Louvre – nơi đang lưu giữ bức tranh “chị” – đã thay đổi niên đại của bức tranh trong cuốn catalogue chính thức của bảo tàng.

Có nhiều bản sao của Mona Lisa có niên đại từ thế kỷ 16 và 17. Chúng được hoàn thành sau khi Da Vinci qua đời và họa phẩm tại Bảo tàng Prado cũng từng được cho là một trong số đó. Nhưng khi các nhà nghiên cứu bóc lớp màu đen được tô chồng lên từ cuối thế kỷ 18, họ phát hiện ra những nét vẽ tinh tế, giống hệt với bức tranh gốc tại Bảo tàng Louvre.

Bức tranh Mona Lisa gốc (trái) và bức tranh “em” trong bộ sưu tập
của Bảo tàng Prado (Tây Ban Nha)

Thêm nữa, họa phẩm “chị em” ở Bảo tàng Prado vẫn được cho là vẽ trên gỗ sồi, loại gỗ hiếm khi được sử dụng ở Italia thời điểm đó. Do vậy, người ta cho đây là tác phẩm của một nghệ sĩ Bắc Âu. Song sau khi tiến hành thẩm định, các chuyên gia phát hiện ra gỗ của bức tranh này là gỗ cây óc chó – loại gỗ rất thông dụng ở Italia.

Chưa kể, là những hình ảnh phân tích bằng tia hồng ngoại của bức tranh ở Bảo tàng Prado cho thấy nó giống bản gốc đến kinh ngạc. Do vậy, họ kết luận rằng hai bức tranh được vẽ trong cùng một thời điểm, và được vẽ cạnh nhau.

Khi Ana Gonzalez Mozo, chuyên gia kỹ thuật của Bảo tàng Prado, nghiên cứu kỹ hơn vào nền bức tranh, bà nhận thấy nó giống với một bức phác thảo về các tảng đá của Da Vinci, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Queen. Martin Clayton, thuộc Bảo tàng Queen, xác định niên đại của bức phác thảo này là vào năm 1510-1515. Sau khi thẩm định cả 3 bức tranh, các chuyên gia Bảo tàng Prado và Louvre đều thống nhất rằng các tảng đá nền trong cả 2 bức tranh đều được vẽ dựa theo cùng một phác thảo. Điều đó có nghĩa là Da Vinci không thể hoàn thành bức chân dung Mona Lisa vào năm 1506.

Hành trình của nàng Mona Lisa

Các giả thuyết mới tiếp tục tạo nên điều lý thú nữa cho lịch sử đầy màu sắc của “nàng” Mona Lisa. Da Vinci bắt đầu được đặt vẽ tranh vào năm 1503, lúc đó ông đang sống ở Florence.

Giorgio Vasari, một nghệ sĩ đương đại đồng thời là tác giả cuốn Lives of the Artists, được cho là cuốn “Kinh thánh” của lịch sử nghệ thuật, đã ghi lại rằng “sau khi Da Vinci vẽ trong vòng 4 năm, ông để bức tranh dang dở đó”. Năm 1516, Leonardo được mời vẽ cho Vua François I tại Clos Luce, một lâu đài ở Amboise, phía Tây Paris, và ông mang theo bức tranh Mona Lisa cùng 2 họa phẩm khác.

Chỉnh sửa lại niên đại

Giờ đây niên đại của kiệt tác Mona Lisa đã lần đầu tiên được chỉnh sửa trong catalogue của Bảo tàng Louvre, nơi đang tổ chức một cuộc triển lãm “ăn mừng” việc phục chế thành công một họa phẩm khác của Da Vinci – The Virgin and Child with St. Anne. Với triển lãm này, lần đầu tiên 2 bức tranh “chị em” Mona Lisa được treo cạnh nhau.

 

Khi Da Vinci qua đời, bức tranh được chuyển cho trợ lý đồng thời là người tình của ông – Salai, rồi sau đó Vua François I đã sở hữu bức tranh và để lại cho các vị vua Pháp kế nhiệm. Kiệt tác này được treo trong các cung điện ở Fontainebleau và Versailles cho đến khi cách mạng Pháp nổ ra và bức tranh được đưa vào Bảo tàng Louvre. Được biết, Hoàng đế Napoleon từng treo bức tranh trong phòng ngủ của mình tại cung điện Tuileries.

Vụ trộm tranh năm 1911 đã đưa “nàng” Mona Lisa nổi tiếng trên bình diện quốc tế. Mặc dù hình ảnh bức tranh bị đánh cắp được đăng tải trên nhiều tờ báo và tạp chí khắp thế giới, song nó vẫn mất tích trong 2 năm.

Nhà thơ Guillaume Apollinaire, người từng kêu gọi đốt Bảo tàng Louvre và từng dính líu vào việc buôn bán đồ bị đánh cắp, đã bị nghi ngờ liên quan vào vụ này và bị tống giam. Ông đổ tội cho danh họa Pablo Picasso, người cũng bị nghi vấn. Song cuối cùng cả 2 đều được chứng minh trong sạch. Kẻ trộm thực sự là Vincenzo Peruggia, lúc đó là một nhân công trong Bảo tàng Louvre. Hắn đánh cắp bức tranh vì cho rằng nó nên được đưa trở về Florence (Italia). Hắn đã giữ bức tranh trong một căn hộ ở Paris và bị bắt khi đang cố gắng bán tranh cho Phòng trưng bày Uffizi ở Florence.

Việt Lâm (lược dịch)

Nhà thơ Phùng Quán – ra đi và trở về

19 Th4

(VOV) – Sau khi trở về trong lòng đất quê hương, Quỹ khuyến học Phùng Quán ra đời, tên ông cũng đặt tên cho con đường lớn ngay tại Thị xã Hương Thủy.

Từ “cá trộm, rượu chịu…”

Nhà thơ Phùng Quán (1932 – 1995) là một tài năng độc đáo trên văn đàn nước ta từ giữa thế kỷ XX đến nay. Tuy nhiên, số phận trớ trêu đã sớm đặt ông lên bàn thử thách, nổi tiếng sớm và cũng gặp trắc trở sớm. Đúng như Ông tự bạch: “22 tuổi tôi phải nhấn thân vào một cuộc chiến đấu còn nguy hiểm hơn, là là chống tệ quan liêu, ăn cắp, lãng phí của công và thói dối trá đạo đức giả, những hiểm họa đang rình phục tổ quốc và nhân dân tôi…”. Và chỉ hai bài thơ “Chống tham ô lãng phí” và “Lời Mẹ dặn” viết năm 1956, Ông đã phải đánh đổi gần như cả cuộc đời mình với 15 năm lao động cải tạo và 32 năm treo bút.

Giờ đây chúng ta có thể tự hào khẳng định rằng, đây là hai bài thơ đầu tiên trong văn học cách mạng chống tệ quan liêu lãng phí và ăn cắp của dân “…Những con sói quan liêu/Nhe răng rứt thịt da cách mạng/Ăn cắp máu dân đổi chác đồng hồ/Kim phút, kim giờ lép gầy như bụng đói…”. Hơn 32 năm treo bút đối với một nhà thơ là một cực hình, ông phải mượn tên người khác viết “văn chui” kiếm từng đồng nhuận bút nuôi vợ con. “Trong trăm nghìn nỗi đói/Tôi nếm trãi cả rồi…”.

Ông cũng đã từng thú nhận, trong những năm treo bút, ông đã câu trộm hơn chục tấn ca ở Hồ Tây để nuôi gia đình và thết đãi đãi bạn bè. Còn theo nhà thơ Ngô Minh, người bạn vong niên của Phùng Quán và là người quản lý quỹ Phùng Quán hiện nay, thì trong thời gian treo bút, Phùng Quán đã “viết chui” và in hơn 40 cuốn truyện tranh và khoảng 10 tác phẩm văn xuôi khác, trong đó có 3 tập bộ tiểu thuyết nổi tiếng “Tuổi thơ dữ dội”.

Nhà thơ Phùng Quán

 

Còn theo nhà văn Xuân Đài, vì không có tiền nên nhà thơ Phùng Quán thường mua chịu rượu của quán bà Hai Hanh ở làng Nghi Tàm, sổ nợ là cái cột nhà, mua một lít – gạch một nét, gạch ô vuông bốn bề, thêm gạch chéo nữa là 5 lít. Người khác thì mua hôm trước, hôm sau phải trả, riêng Phùng Quán được đặc cách có khi nợ 4 – 5 ô gạch chéo… Vì thế biệt danh nhà thơ “cá trộm, rượu chịu, văn chui” được bạn bè văn chương và người hâm gắn cho ông như một niềm thương cảm sâu sắc.

Có thể nói, cuộc đời của nhà thơ Phùng Quán là một “bài thơ” bi tráng của một người lính dấn thân vì nhân dân, đất nước. Dù trải qua những năm tháng bi thương khốc liệt nhất của đời người. “Có những phút ngã lòng/Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy…”. Nhưng ông vẫn sắt son niềm tin vào Đảng, vào sự đổi mới phát triển của đất nước: “…Tôi tin sẽ đến ngày tôi được Đảng hiểu”, cơ chế quan liêu sẽ bị đánh bại và sẽ đổi mới: “Tôi không nói lời vĩnh biệt/Vì tôi tin tôi sẽ hồi sinh…”.

Và niềm tin của ông đã đúng. Năm 1988 ông được khôi phục hội tịch, hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Năm 2007, Chủ tịch nước đã ký quyết định trao tặng nhà thơ Phùng Quán Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.

Tuy nhiên, ít người biết, sau gần 35 năm xa quê hương (sau khi phục hồi hội viên Hội nhà văn Việt Nam), Phùng Quán mới trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình – làng Thanh Thủy Thượng, xã Thủy Dương, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Ngày ra đi tóc còn để chỏm, ngày về tóc đã hoa râm. Ông đã quỳ xuống trước đông đảo bà con đọc to bài thơ “Tạ”: “Con tạ/đất làng quê/Thấm đẫm máu bao anh hùng đã khuất/Không ngọn cỏ nào không long lanh nước mắt/Không lá cây nào không mặn chát gian lao/Con tạ/manh chiếu rách con nằm/Con tạ/Câu ca dao mẹ hát/Tất cả thành giọt sữa ngọt/Nuôi con ngày trứng nước/Để hôm nay con được sống/được chiến đấu hết mình/Vì tự do của Tổ quốc/Được hát hết mình cho đất nước thành thơ…”.

Đến Quỹ khuyến học khuyến tài

Có lẽ, đau đáu nỗi thương nhớ quê hương như thế, nên sinh thời nhà thơ Phùng Quán đã ước nguyện sau khi mất là được trở về với quê hương. “Tôi sẽ đào nấm huyệt/Cạnh mồ cha mẹ tôi”…”. Ông mất ngày 22/1/1995 tại Hà Nội, nhưng mãi đến đầu năm 2011, ước nguyện của ông mới trở thành hiện thực. Kinh phí thực hiện di nguyện của nhà thơ Phùng Quán, được nhà thơ Ngô Minh phát động quyên góp trên Blog cá nhân của mình. Và không ai ngờ được, sự mến mộ của mọi người đối với Phùng Quán lại lớn đến như vậy. Từ những văn nghệ sỹ, trí thức, học sinh, sinh viên, đến những người nông dân, anh xe ôm, xích lô, Việt kiều… đã góp cát, đá xây dựng mộ nhà thơ.

Nhà thơ Ngô Minh đọc quyết định trao giải khuyến tài văn học cho nhà văn Tô Nhuận Vỹ và Nhất Lâm tại mộ Phùng Quán

 

Tấm lòng của bạn bè và độc giả góp vào, không chỉ xây dựng hoàn chỉnh khang trang phần mộ vợ chồng nhà thơ, mà còn dư một khoản lớn. Cộng thêm số tiền chị Vũ Bội Trâm (vợ nhà thơ) để lại, thể theo nguyện vọng của dòng họ Phùng, bạn độc yêu mến Phùng Quán và chính quyền địa phương, số tiền này được lập “Quỹ khuyến học, khuyến tài” mang tên Phùng Quán, để phát thưởng cho học sinh giỏi hàng năm của xã Thủy Dương quê hương nhà thơ và khuyến khích các nhà văn, nhà thơ ở Thừa Thiên – Huế có những tác phẩm văn học đặc sắc.

Đầu năm học vừa qua, Quỹ Phùng Quán đã tổ chức phát thưởng lần đầu tiên cho 41 em học sinh xuất sắc của các trường tiểu học, THCS Thủy Dương. Tặng thưởng gồm một giấy chứng nhận Quỹ Phùng Quán được in rất đẹp, có ảnh nhà thơ và là 500.000 đồng.  Ngoài các em học sinh xuất sắc nhất của các trường ở Thủy Dương, Quỹ Phùng Quán còn tặng  thưởng cho 3 em học sinh họ Phùng xuất sắc nhất do dòng tộc Phùng ở Thủy Dương xét chọn.

Đầu năm 2012, Quỹ Phùng Quán cũng đã được trao cho hai tác phẩm văn học đó là tiểu thuyết “Vùng sâu” của nhà văn Tô Nhuận Vỹ, và tiểu thuyết “Xa Hà Nội” của Nhà Văn Nhất Lâm, giá trị mỗi giải thưởng là 2 triệu đồng. Điều thú vị là lễ trao giải khuyến tài văn học Phùng Quán được Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên – Huế tổ chức ngay tại khu lăng mộ của nhà thơ Phùng Quán.

Từ cuộc sống rượu chịu, văn chui “Đắng đến tận cùng nỗi đắng thế gian”, Phùng Quán đã trở về quê hương cùng gia tài đồ sộ là hàng chục tác phẩm văn chương thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước và tấm lòng ngưỡng mộ của hàng triệu độc giả trong và ngoài nước.

Quỹ khuyến học Phùng Quán tuy không lớn, nhưng là tấm lòng, là niềm tri ân của độc giả tôn vinh tài năng, nhân cách Nhà thơ “Đã đi với nhân dân/ Thì thơ không thể khác”. Đây có lẽ là trường hợp hy hữu trên văn đàn nước ta từ trước đến nay.

Điều trùng hợp thú vị là sau khi trở về trong lòng đất quê hương, Quỹ khuyến học Phùng Quán ra đời, tên ông cũng được UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế quyết định đặt tên cho con đường lớn ngay tại Thị xã Hương Thủy, quê hương ông. Con đường mang tên Phùng Quán dài 5,850 km, từ Km 83, Quốc lộ 1A đối diện cổng làng Thanh Thủy Thượng, đi qua lăng mộ Phùng Quán, lên đến đường tránh Huế ở phía Tây. Đi lên nữa là chiến  khu Dương Hòa, nơi Phùng Quán đi theo bộ đội Việt Minh từ năm 1946.

Không biết đó là định mệnh, hay là sự tiên tri của nhà thơ, bởi 26 năm trước, trong “Trăng Hoàng Cung” Phùng Quán đã viết “Nhưng cuối cùng/Quê hương nhận ra/Trái – tim Thơ- trong-sạch/Và gương – mặt – Thơ- bi – thiết – của tôi…”.

Ông đã ra đi và trở về trên chính con đường mang tên mình – Phùng Quán./.

CTV Ngô Minh Thuyên/VOV online

39 quan chức bị bắt giữ trong vụ Bạc Hy Lai – VOV

19 Th4

(VOV) – Trong số những người bị bắt trong vụ Bạc Hy Lai còn có ông Xia Zeliang, cựu Bí thư quận ủy Nam An thuộc thành phố Trùng Khánh.

Trung Quốc vừa bắt giữ hàng chục người bị coi là có liên quan trong vụ án của Bạc Hy Lai, song song với việc điều tra về cái chết của một doanh nhân Anh.

Một nguồn tin đáng tin cậy từ Trung Quốc cho biết, có tới 39 người đã bị bắt trong một loạt các cuộc bắt giữ nhằm vào những quan chức có liên hệ với chính trị gia Bạc Hy Lai, nguyên Bí thư Thành ủy Trùng Khánh. Điều này có thể cho thấy, đa phần các cuộc bắt giữ có liên quan đến cuộc điều tra tệ tham nhũng trong giới chính trị gia.

Vợ chồng ông Bạc Hy Lai và con trai (Ảnh: News.com)

Tờ Telegraph (Anh) dẫn lời ông Wang Kang, một học giả độc lập và nhân vật tiếng tăm ở Trùng Khánh, cũng là người duy nhất có được thông tin nội bộ về sự “thất sủng” của ông Bạc Hy Lai, cho biết, trong số những người bị bắt có tỷ phú Xu Ming, một trong những người giàu nhất Trung Quốc. Ông Xu 41 tuổi, người sở hữu tổ hợp công nghiệp khổng lồ Dalian Shide, được cho là có quan hệ đặc biệt với ông Bạc.

 

Trong số những người bị bắt trong vụ Bạc Hy Lai còn có ông Xia Zeliang, cựu Bí thư quận ủy Nam An thuộc thành phố Trùng Khánh, nơi thi thể của doanh nhân người Anh Neil Heywood được phát hiện hồi tháng 11/2011. Vợ của ông Bạc Hy Lai – bà Cốc Khai Lai bị nghi ngờ là người đã sát hại ông Heywood, một người bạn thân thiết của gia đình.

Có tin đồn ông Xia đã cung cấp cyanua, là chất độc khiến ông Heywood bị thiệt mạng, cho người quản lý trong gia đình ông Bạc. Ông Xia được thăng quan tiến chức nhanh chóng trong Đảng Cộng sản là nhờ cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh.

Theo ông Wang, những người bị bắt giữ chủ yếu đến từ thành phố Đại Liên và thành phố biển Beidaihe, vốn là nơi nghỉ mát ưa chuộng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, chứ không phải từ Trùng Khánh.

Tuy nhiên, thông tin về những vụ bắt giữ trên chưa được kiểm chứng và cũng chưa có quan chức cấp cao Trung Quốc nào đứng ra xác nhận. Chính quyền Trung Quốc được cho là đã bị Anh chỉ trích vì sự trì hoãn trong quá trình điều tra về cái chết của ông Heywood và tháng 11/2011, làm dấy lên một vụ bê bối chính trị tồi tệ nhất Trung Quốc trong vòng 20 năm qua. Theo một báo cáo mật gửi đến chính phủ Trung Quốc, doanh nhân người Anh Neil Heywood đã bị đầu độc bằng cyanua sau đe dọa sẽ tiết lộ việc bà Cốc Khai Lai đã chuyển hàng triệu bảng Anh tiền mặt ra nước ngoài một cách bất hợp pháp.

Đội cảnh sát điều tra về cái chết của ông Heywood đang tiến hành phân tích đoạn video giám sát tại khách sạn Nanshan Lijing Holiday, nơi thi thể doanh nhân này được tìm thấy.

Dính tới vụ doanh nhân Anh bị sát hại, bà Cốc Khai Lai đã chính thức có tên trong danh sách các nghi phạm gây ra cái chết này, còn chồng bà đang bị quản thúc tại gia và đối mặt với điều tra của Đảng Cộng sảng vì “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng”.

Nhiều nguồn tin khẳng định, ông Bạc sẽ bị điều tra về hành vi tham nhũng và cố gắng che đậy vụ việc liên quan đến cái chết của ông Neil.

Ông Liu Lin, Phó Giám đốc Cục Ngăn chặn Tham nhũng tỉnh Hà Nam, nhận xét: “Quyết định điều tra ông Bạc Hy Lai cho thấy quyết tâm và sự tự tin của Đảng trong cuộc chiến chống tham nhũng. Những nỗ lực chấn chỉnh kỷ luật và chống tham nhũng sẽ không thể hiệu quả cho đến khi nó được thực hiện một cách công khai và minh bạch”.

Trong khi đó, ông Ji Yaguang, một giáo sư của trường Đại học Nam Khai ở Thiên Tân, cho rằng, giới lãnh đạo trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xem việc chống tham nhũng là “nhiệm vụ chính trị lớn” và vì thế họ không ngừng  nỗ lực xây dựng một đảng, chính phủ trong sạch.

Tuy nhiên, một bài báo được đăng tải trên tờ Tin tức Buổi tối Thiên tân vẫn đưa ra cảnh báo, Đảng Cộng sản Trung Quốc còn phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn trong cuộc chiến chống tham nhũng, vì thế, đảng cần phải tiến hành nhiều cuộc cải cách hơn nữa để tránh xảy ra tình trạng lạm dụng quyền lực./.

Chu Miên/VOV online (Tổng hợp)

Thế kỷ 21 là của Mỹ, không phải Trung Quốc? – ĐV/ BS

19 Th4

Ngày nay hầu hết mọi người quen với những lời tán dương sự năng động của nền kinh tế Trung Quốc và cảnh báo sự suy giảm của Mỹ. Không ít người dự đoán, thế kỷ 21 là hoàn toàn là kỷ nguyên của “người khổng lồ châu Á” nhưng họ sai lầm.

Trong khi Mỹ bắt đầu khôi phục từ cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất trong lịch sử 80 năm qua, Trung Quốc lại lướt qua khủng hoảng tài chính toàn cầu, một cách nhẹ nhàng và gần như không bị thiệt hại đáng kể.

Ngay cả nếu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại, chỉ còn giữ ở mức 7,5%, như dự báo mới nhất của Chính phủ nước này, tỷ lệ trên vẫn gấp ba lần tỷ lệ tăng trưởng của Mỹ thời hậu khủng hoảng.

Từ đó, nhiều người tin rằng không lâu nữa nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt mặt Mỹ và thế kỷ 21 là kỷ nguyên của Trung Quốc. Thậm chí, Quỹ tiền tệ quốc tế còn dự báo Trung Quốc sẽ soán ngôi cường quốc kinh tế số 1 của Mỹ vào năm 2016, mang lại cho nước này cơ hội thống lĩnh sân khấu chính trị toàn cầu.

Nếu soán ngôi cường quốc kinh tế số 1 thế giới của Mỹ, Trung Quốc sẽ có cơ hội thống lĩnh sân khấu chính trị toàn cầu. Ảnh minh họa: AFP.

 

Tuy nhiên, không ít người cũng tin vào một kịch bản hoàn toàn khác rằng sau bao biến cố và thăng trầm, nền kinh tế Mỹ đang sẵn sàng để hồi sinh trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu đối mặt với các rào cản trong thế kỷ này.

Theo nhóm người này, mô hình tăng trưởng nhờ xuất khẩu được thúc đẩy bởi giá lao động rẻ mạt của Trung Quốc đang bắt đầu bộc lộ những mặt trái của nó.

Trong lòng Trung Quốc, sức ép để phải chia sẻ rộng rãi hơn và công bằng hơn các thành quả có được nhờ gia tăng khả năng sản xuất đang nổi lên mạnh mẽ và trở thành bài toán khó dành cho giới lãnh đạo nước này.

Đồng thời, Trung Quốc bắt đầu phải đối mặt với vấn đề tăng chi phí lao động và sự suy giảm khả năng cạnh tranh xuất khẩu.

Việc kích thích các hộ gia đình Trung Quốc tiêu dùng nhiều hơn có thể là giải pháp nhằm bù đắp cho tình trạng tăng trưởng dựa vào xuất khẩu thấp. Tuy nhiên, giới chuyên gia phân tích cũng khuyến cáo rằng giải pháp này sẽ ít hiệu quả bởi thói quen chi tiêu là điều khó mà thay đổi.

Thực tế, chỉ số tiêu dùng của Trung Quốc gần đây ở mức thấp bởi thị trường bất động sản ảm đảm. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có khả năng giảm xuống còn 7,5% trong năm nay và tương lai, còn có thể sụt giảm hơn nữa, ít nhất khoảng 3 %, theo dự đoán của GS.Michael Pettis, thuộc ĐH Bắc Kinh.
Trong khi đó, Mỹ bắt đầu nhận được hàng loạt các báo cáo hàng tháng đầy khả quan về tình trạng việc làm (bất chấp tỷ lệ tăng trưởng việc làm đầu tháng 4 khá ảm đảm).
Ngoài ra, theo báo cáo của Cục phân tích kinh tế Mỹ, Tổng thu nhập quốc nội (GDI)  quý IV/2011 của Mỹ tăng trưởng ấn tượng 4,4%.

Sức sản xuất của Mỹ, nói cách khác đang trở lại. Và xét cho cùng thì suy thoái kinh tế không hoàn toàn là thảm họa mà nó dường như mang lại cơ hội cho các công ty Mỹ để sắp xếp lại hoạt động và tăng năng xuất lao động.

Chẳng hạn, các hãng xe hơi của Mỹ, ba năm trước đây đứng trên bờ vực phá sản thì nay, đang bắt đầu bắt kịp lại với nhu cầu của thị trường.

Hơn nữa, Mỹ luôn đi đầu thế giới trong việc áp dụng sức mạnh trí tuệ nhân tạo và tin học cho các loại mặt hàng tiêu dùng, đặc biệt là các mặt hàng công nghệ.

Trong khi đó, Trung Quốc nổi lên như là “kẻ sao chép” các sản phẩm công nghệ cao của cường quốc số 1 thế giới chứ không phải là “nhà sáng chế” các sản phẩm tương tự như trên.

Một câu hỏi đặt ra là liệu kỷ nguyên suy giảm của Mỹ đã kết thúc? Và trên thực tế, thế kỷ 21 là của Mỹ chứ không phải của Trung Quốc?

Theo hai Giáo sư chuyên ngành khoa học chính trị và kinh tế Mỹ, George C. Pardee và Helen N. Pardee thuộc ĐH California tại Berkeley, bất cứ kết luận nào vào thời điểm này đều là quá vội vàng.

Trung Quốc có thể tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, trên thực tế, Bắc Kinh vẫn là một xã hội năng động và giới lãnh đạo nước này cũng rất khôn khéo khi luôn “chịu khó” áp dụng các đòn bẩy chính sách – từ giảm dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng tới tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng – nhằm tránh kịch bản nền kinh tế sụt giảm không phanh.

Thêm vào đó, chi phí lao động có thể gia tăng nhưng Trung Quốc vẫn sẽ là thị trường lao động giá rẻ dồi dào.

Ngoài ra, trên thực tế, giới lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi tăng trưởng kinh tế chậm lại để phát triển ổn định hơn. Các nhà sản xuất Trung Quốc cũng đang tập làm quen với lĩnh vực sản xuất các loại mặt hàng phức tạp hơn, tinh vi hơn, chẳng hạn, tuabin gió và pin mặt trời. Các nghành sản xuất này đòi hỏi lao động có kiến thức kỹ thuật và công nghệ cao chứ không đơn thuần dựa vào nguồn lao động giá rẻ.

Trong khi đó, sự phục hồi của Mỹ hiện nay chưa hẳn đã chắc chắn. Trên thực tế, tỷ lệ tăng trưởng 4,4% GDI trong quý IV/2011 của Mỹ chủ yếu được kích thích bởi sự tăng trưởng về tồn kho (ở Việt Nam thường gọi là tích lũy tài sản lưu động).  Mỹ chỉ đang duy trì mức tăng trưởng 2,5%, thua xa Trung Quốc. Giá bất động sản tiếp tục sụt giảm, gây ra tâm trạng bất an, lo lắng cho nhiều người.

Ngoài ra, người ta cũng chỉ có thể chắc chắn rằng các thành tựu công nghệ cao sẽ mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho các nhà sản xuất chúng chứ không ai dám chắc chúng đang góp phần kích thích năng xuất hay tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn cho người Mỹ.

Đáng ngại nhất là những bế tắc về chính trị của Mỹ đang trở thành trở ngại để họ giải quyết các thách thức trung hạn về tài chính. Suy đoán cho rằng sau thời kỳ chịu đựng một chuỗi các cuộc suy thoái kinh tế nặng nề, “phép màu năng xuất” sẽ diễn ra trên đất Mỹ đang bắt đầu phai nhạt.

Không có gì phải bàn cãi về thực trạng nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn hơn trong khi kinh tế Mỹ đang chứng tỏ những tín hiệu phục hồi tích cực đầu tiên. Nhận ra điều đó, Trung Quốc đang bắt đầu áp dụng chiến lược phát triển ổn định hơn mà biểu hiện đầu tiên chính là chủ trương giảm tăng trưởng. Do đó, nếu Mỹ không biết nắm bắt và tận dụng các cơ hội dựa trên đà phục hồi kinh tế hiện tại để thúc đẩy tăng trưởng thì thế kỷ 21, sau tất cả, sẽ hoàn toàn là thế kỷ của Trung Quốc.

Ông đồ duy nhất là ‘bảo tàng sống’ về chủ quyền Hoàng Sa – VNE

19 Th4

Tròn 80 – ở độ tuổi lẽ ra nghỉ ngơi phận già, thế nhưng nghệ nhân Võ Hiển Đạt ngụ xã An Hải, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) vẫn cần mẫn sưu tầm tư liệu chủ quyền lãnh hải, góp phần bảo tồn di tích Hải đội Hoàng Sa cho đời sau.

> ‘Chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa là bất di bất dịch’

Thuở nhỏ, lúc còn là cậu bé tóc còn để chỏm, ông Đạt được cha đưa đến các bậc cao niên ở trên đảo Lý Sơn học chữ Hán. Những con chữ thâm thúy tự bao giờ đã cuốn hút, đeo đuổi mãi đến khi có vợ rồi có con, ông vẫn tiếp tục mày mò, nghiên cứu học tập để bây giờ trở thành ông đồ duy nhất ở huyện đảo Lý Sơn. Người dân trên đảo hay trìu mến hay gọi ông Đạt là “ông Đồ Hoàng Sa”.

Nghệ nhân Võ Hiển Đạt đang phục dựng khinh thuyền Hoàng Sa. Ảnh: Trí Tín

Ở huyện đảo Lý Sơn có hàng chục đền chùa, đình làng, lăng, miếu được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh, trong đó hơn một nửa di tích liên quan trực tiếp đến chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Biết ông giỏi Nho học, mỗi lần trùng tu đình làng hay nhà thờ hay hệ thống ngôi nhà cổ, các tộc họ thường mời ông Đạt giúp chạm khắc, tạc chữ “thổi hồn” cho di tích. Mỗi dịp Tết đến, xuân về, nhiều người lại đến nhà xin ông chữ để cầu mong phúc, lộc cho gia đình mình.

Ông Võ Văn Út, hậu duệ đời thứ 4 của Cai đội Hoàng Sa Võ Văn Khiết ở thôn Tây, xã An Vĩnh, bộc bạch: ” Từ lâu, người dân trên đảo kính mến cụ Đạt như người thầy, người cha. Ai nhờ việc gì cũng tận tụy giúp đỡ hết sức không một chút đắn đo, suy nghĩ. Cụ có công rất lớn trong việc tu sửa, khôi phục, gìn giữ di tích của Hải đội Hoàng Sa trên đất đảo suốt nhiều năm qua”.

Ông Đạt còn nhớ như in, vào khoảng năm 1945, trong một lần tộc họ Nguyễn mời vẽ lại đôi liễn đối tại nhà thờ họ Nguyễn ở xã An Hải, ông đã phát hiện mô hình chiếc thuyền của đội hùng binh Hoàng Sa vẽ trên giấy bản khổ lớn đã ố màu thời gian được tộc họ này cất giữ lâu năm. Ngay lập tức, ông xin phép tộc họ cho ghi chép tỉ mỉ hình dáng, kích thước, chất liệu để làm nên khinh thuyền Hoàng Sa này. Từ bản vẽ này, suốt hai tháng ròng rã, ông Đạt chạy đôn, chạy đáo khắp nơi tìm vật liệu trên đảo và một số địa phương ven biển ở đất liền, phục chế lại chiếc thuyền buồm của ông cha ra biển Đông năm xưa.

Mô hình khinh thuyền Hoàng Sa do nghệ nhân Võ Hiển Đạt phục dựng trưng bày thu hút khách tham quan tại Bảo tàng Quảng Ngãi. Ảnh: Trí Tín.

Dù tuổi đã tròn 80 nhưng ông Đạt vẫn thuộc lòng, tỉ mỉ liệt kê hàng trăm chi tiết để làm nên chiếc thuyền câu khơi hay còn gọi là Khinh thuyền của đội hùng binh Hoàng Sa. Từ năm 1990 đến nay, ông đã phục dựng nhiều khinh thuyền Hoàng Sa phục vụ lễ khao lề thế lính Hoàng Sa cho các tộc họ; trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ngãi và ở Bảo tàng Hải đội Hoàng Sa.

Bà Đặng Thị Lãnh- vợ ông Đạt kể: “Tuổi ổng đã cao rồi nhưng mỗi lần nghe tui khuyên nghỉ ngơi kẻo ảnh hưởng sức khỏe là ổng la rầy, nói rằng: Bà con có việc nhờ đến mình, không giúp thì lòng không chịu được. Tết, tháng 2, tháng 3 âm lịch hàng năm là khoảng thời gian ổng bận rộn nhất”.

Đến thăm Bảo tàng Hải đội Hoàng Sa ở huyện đảo Lý Sơn, nhiều du khách lấy làm kinh ngạc những dòng chữ Hán do ông Đạt góp sức chạm khắc tinh xảo trên quần thể tượng đài đội hùng binh.

Phía sau cụm tượng đài Hải đội Hoàng Sa ở huyện đảo Lý Sơn, là biểu tượng hai cánh buồm vươn cao được ông Đạt chạm khắc tinh xảo với dòng chữ: “Bản quốc hải cương Hoàng Sa xứ tối thị hiểm yếu” (nghĩa là Cương giới mặt biển nước ta có xứ Hoàng Sa được xem là đặc biệt quan trọng)- Minh Mạng thứ 17, năm Bính Thân, 1836. Ảnh: Trí Tín.

Nhiều bậc cao niên ở huyện đảo Lý Sơn từng ví ông Đạt là “bảo tàng sống” của quê hương Hải đội Hoàng Sa, bởi ngoài vốn chữ Hán uyên thâm ông còn phát hiện nhiều chứng cứ về chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam.

Những lúc thư nhàn, ông phiên dịch rồi viết tay cả cuốn Kinh Thi, tự soạn “Gia lễ tổng hợp” (liễn đối, hoành phi, tang tế, hôn lễ..) dày hơn 500 trang. Sáng tác nhiều câu liễn đối có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tri ân đội hùng binh Hoàng Sa được các tộc họ mời chạm khắc trên đình làng, nhà thờ họ như là “thông điệp” lưu lại cho đời sau.

Trao đổi với VnExpress.net, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi nhận định: “Cụ Đạt có công rất lớn trong việc tái hiện, phục dựng lại khinh thuyền Hoàng Sa. Ngoài ra, ông còn góp phần trùng tu, gìn giữ nét văn hóa biển đặc trưng ở Lý Sơn; phát hiện, dịch nhiều tài liệu quý liên quan chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa”.

Theo ông Vũ, Sở Văn hóa đang lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận ông Đạt là một trong 2 nghệ nhân văn hóa dân gian của Quảng Ngãi.

Trí Tín

Trung Quốc điều tàu ngư chính hiện đại nhất đến Biển Đông – DT

19 Th4
(Dân trí) – Sáng 18/4, Trung Quốc đã cử tàu ngư chính hiện đại nhất của nước này đến tuần tra tại Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao với Philippines tiếp tục bị đẩy lên nấc thang mới.
>> Ảnh diễn biến vụ đối đầu trên biển giữa Trung Quốc-Philippines
>> Biển Đông: Cần sự nhìn nhận lịch sử, vô tư và tuân thủ luật pháp quốc tế

  Tàu “Ngư chính 310” của Trung Quốc có trang bị trực thăng đang trên đường thực hiện sứ mệnh mới ở Biển Đông.

Hãng tin Xinhua của Trung Quốc cho biết Tổng đội Ngư chính Nam Hải đã cử tàu “Ngư chính 310” xuất phát từ Quảng Châu đi thực hiện nhiệm vụ tuần tra bảo vệ chấp pháp ngư chính tại Biển Đông.

Đây là tàu ngư chính chấp pháp tiên tiến nhất của Trung Quốc hiện nay, từng thực hiện các sứ mệnh tuần tra bảo vệ chấp pháp tại nhiều vùng biển khác nhau, trong đó có khu vực đảo Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

Theo Xinhua, mục đích của việc cử tàu “Ngư chính 310” lần này là nhằm bảo vệ hoạt động sản xuất và quyền lợi của những ngư dân Trung Quốc đang hoạt động tại các ngư trường ở Biển Đông.

Những động thái trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao giữa Trung Quốc và Philippines liên quan tới vụ đối đầu trên Biển Đông tiếp tục kéo dài sang tuần thứ hai liên tiếp với những nấc thang căng thẳng mới.

Trong phản ứng mới nhất, ngày 18/4, Trung Quốc đã lần thứ hai cho triệu Đại biện lâm thời Philippines để phản đối về những tranh cãi liên quan tới Biển Đông.

“Thứ trưởng Ngoại giao Phó Oánh đã triệu khẩn cấp Đại biện lâm thời Philippines Alex Chua tới để phản đối tuyên bố gần đây của Manila về chủ quyền đối với một khu vực trên Biển Đông”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân thông báo.

Đây là lần thứ hai trong 3 ngày qua ông Alex Chua bị triệu lên Bộ Ngoại giao Trung Quốc về vấn đề này.

“Bà Phó Oánh nhấn mạnh rằng việc các tàu quân sự của Philippines quấy nhiễu ngư dân và tàu cá Trung Quốc khiến Bắc Kinh đặc biệt quan tâm. Chúng tôi hy vọng phía Manila tôn trọng cam kết của mình và ngay lập tức rút các tàu khỏi những vùng biển liên quan, để các vùng biển quanh đảo Hoàng Nham hòa bình và ổn định trở lại”, ông Lưu Vi Dân cho biết thêm.

Căng thẳng giữa hai nước bùng phát từ hôm 8/4 sau khi Phipippines phát hiện 8 tàu cá của Trung Quốc đang tiến hành đánh bắt hải sản tại khu vực bãi đá ngầm Scarborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham).

Vụ việc này sau đó đã dẫn tới cuộc đối đầu giữa một tàu tuần duyên của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines và 2 tàu hải giám của Trung Quốc.

Scarborough là một bãi đá cạn hình móng ngựa không có người ở, nằm cách đảo chính Luzon của Philippines 124 hải lý.
Vũ Anh
Theo Xinhua, Reuters

Chùm thơ Tô Ngọc Thạch – trannhuong

19 Th4
Tô Ngọc Thạch
Nhà thơ: Tô Ngọc Thạch
Tuổi Kỷ sửu
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
Hiện sống và viết tại Hải Phòng
Website: tongocthach.vn
GIỌNG VĂN
Có nhà văn kiệt xuất nước Nga
Mang biệt danh Macsim Gorki* đầy cay đắng
Ở Việt Nam có nhà văn của những người cùng khổ, trầm luân và bụi bặm
Dưới mái tranh nghèo xiêu vẹo tháng năm
Từ “Bỉ vỏ” “Thời kỳ đen tối” “Sóng gầm”
Đến “Tuyển tập Nguyên Hồng” với muôn áng văn thơ máu thịt
Từng con chữ quặn đau như đang trong cơn thoát xác
Với muôn mảnh đời phiêu linh vùi sâu tận đáy thời gian
Những Tám Bính, mẹ La, Năm Sài Gòn… và bao thân phận trái ngang
Dựng lên Hải Phòng cần lao một vùng cửa biển
Muôn yên ắng ngọt bùi chắt ra từ bão dông, xúc xiểm
Giọt giọt nắng vàng lọc ra từ bóng tối đêm đêm
Bao thiên thần sinh ra từ quỷ dữ sói lang Nét độc đáo nói ra từ điều bình dị nhất
Dòng cảm xúc như máu chảy ra từ ngòi bút
Có ánh sáng ở trong nước mắt giọng văn như khẩu ngữ riêng mang hồn cốt Hải Phòng.
                                         Xuân Nhâm Thìn 2012 __________ * Gorki: Tiếng Nga có nghĩa là đắng cay.
HỒN CHỮ
Đời người thơ mong vài chữ từ hồn mình sang làm tổ trong lòng người đọc Vòm trời liếc ngang trang giấy toát mồ hôi Con chữ sâu xa tìm góc khuất ngủ vùi Con chữ dễ dàng hàng hàng ngang dọc Nhạt nhèo ngờ nghệch Con chữ nhờn mòn nằm vạ giữa câu thơ Con chữ hóa trang kỹ trị, vô cơ Con chữ bong ra như tế bào chết… Đi tìm con chữ thép Tìm con chữ đớn đau như sản phụ lâm bồn Con chữ bùa mê bị hút mất hồn Con chữ như thịt da bấm vào là chảy máu. Con chữ xuất thần, huyền ảo Mở vệt loang, hình ảnh ngợp đầy Cho ngôn từ sống động mê say Có “nhãn tự”, có nhân, có nghĩa Hồn chữ! Hồn chữ ơi, hãy về trong bóng mẹ Đấy là địa chỉ tâm linh lòng ta vẫn đi về Mở mắt nói mê: “Đại mộng thì đại giác”* Mà ta còn đang là kẻ đứng ngoài.
__________ *Mai Đình mộng ký “Không có đại mộng làm sao có đại giác và ngược lại”
MƯA BIỂN
Chiều cuối năm sầm sập mưa rơi. Thuyền lầm lũi trên dòng đời sóng ngáp. Mưa thuỷ tinh găm vào hồn gấp gáp. Tiếng gọi trùng khơi lời cũ kỹ tận chân trời. Trận cuồng phong về trong giấc ngủ biển khơi. Đêm giông tố gặp tuổi thơ mình loi ngoi mặt nước. Vớt được nụ cười em nổi trôi từ bao năm trước. Vẫn tươi nguyên trong trẻo tựa thuở nào. Những đợt sóng già nhảy múa lao xao. Sợi mưa căng như dây đàn gặp ngọn heo may vang âm thanh kỳ lạ. Chẳng khác chi tiếng thạch cầm nảy  bản nhạc thổ dân hoang dã. Khắc khoải, trầm ngâm hằn má biển bơ sờ. Mưa gầm gào từng đợt sóng xô. Thuyền trôi nghiêng về đêm huyền ảo. Ai nhốt bao giấc mơ khẳng khiu trong vườn đảo hoang với cổng khép hờ và then cài lỏng lẻo. Những cơn mơ xoắn bện vào nhau. Cuộc ái ân khổng lồ trong khúc nhạc thưa mau. Mưa nức nở hay rên xiết để thời gian vẫy vùng ướt như chuột lột. Mỗi trận mưa như trời tra hạt. Ủ ngày xanh mở mắt, bật mầm. Từng giọt xuân trong veo được chắt ra từ lớp lớp tâm hồn. Mưa bịn rịn hoà vào lòng biển cả. Mùa nối mùa giọt giọt nhớ thương cứ duềnh lên mới lạ. Đêm giao thừa, tôi ướp nỗi niềm của biển vào cành lộc biếc đầu năm.
PHỐ BẮC KINH*
Con phố cũ càng nằm duỗi giữa nội đô Hồn giấu sâu vào thịt da từng thớ đất Bóng thời gian ngủ vùi trong góc khuất Lớp lớp địa tầng hằn trên cột mốc thời gian Đá lát đường vẹt mòn theo muôn vạn gót chân Phiêu bạt bao mảnh đời cuộn vào hồn phố Có giấc mơ hoa bước ra từ khung cửa nhỏ Có nhành chiêm bao trĩu quả giấc mộng vàng Có tiếng thở dài sùi sụt lan man Có tiếng đồng tiền bị thương rơi đau ngõ cụt Có tiếng nỉ non xé lòng nhau chao chát Có tiếng cười cắt rời ra dán vào giấc ngủ mỏng tang Khách bộ hành dẫm lên bóng nhau trong đêm Móc túi đến từng đồng xu lẻ Trung Quốc vẫn nhai trong miệng một câu: “Ai đến Quảng Châu mới biết mình giàu hay khó”?
Phố nằm trong phố Hồn hoang chìm trong hoàng hôn… Người đi bán dại mua khôn Tôi mua gió nhạt mây buồn tặng tôi.
                                 Quảng Châu  IV/2010 ________ * Phố cổ đi bộ nổi tiếng ở Quảng Châu giành cho người đi  mua sắm cả    ngày lẫn đêm. Có nhiều lớp địa tầng được tôn tạo qua hàng chục thế kỷ.
CHỢ GỪNG
Chợ Gừng* trót hẹn cùng nhau Đi mua một khoảng trời ngâu thuở nào
Cơn mê đắng đót chênh chao Lục trong cõi nhớ thổi vào hư không
Chợ Gừng bán giấc mơ hồng Ngật ngà câu hát lạc trong vơi đầy
Chợ Gừng mua ngọt bán cay Để tôi đắm đuối dứt day muộn phiền
Nghe tin chợ sắp đổi phiên Mình tôi ngụp giữa một miền nắng mưa
Ngác ngơ trên bến sông Chờ Khi về đến chợ quá trưa mất rồi
Chợ Gừng bán những bồi hồi Lỡ phiên, tôi dắt bóng tôi vào chiều. __________ * Thuộc  huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng
Tô Ngọc Thạch
Địa chỉ: 2/18A Lạch Tray, Hải Phòng
Mobile: 0913245148

Trần Mạnh Hảo: Nhà văn Lê Lựu bán linh hồn cho ai ? – trannhuong

19 Th4
Trần Mạnh Hảo
Lê Lựu bán linh hồn cho Giang Minh Sài không phải để lấy tiền, mà để lấy nỗi cô đơn kiếp người đeo đẳng ông như số phận. Ông từng bị ma nhập một đời để lên đồng với chữ nghĩa, hạnh phúc với bút mực, ăn nằm với giấy trắng. Lúc tuổi xế chiều ông vẫn phải sống một mình một bóng để tu trọn kiếp trong ngôi chùa có tên là văn chương.,.
Vừa rồi, tôi, kẻ viết bài này gọi điện thoại thăm nhà văn Lê Lựu, sau khi báo chí phỏng vấn ông, hỏi vì sao một nhà văn lớn như ông mà bị trượt giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học năm 2012 mới công bố. Ông cười với nhà báo và cả cười với tôi : “Chuyện nhỏ, ông quan tâm làm gì, ở đâu, đến ngay làm vài li với tớ”. Khi biết tôi đang ở Sài Gòn, Lê Lựu bồn chồn, rằng “thời trẻ tụi mình nghèo kiết xác, cà lơ phất phơ cả với nhau mà vui quá ông nhỉ ? “
Tôi biết Lê Lựu đang buồn, không phải buồn vì bệnh tật hay không được giải thưởng to cỡ 200.000.000 đ, mà buồn vì nhân tình thế thái, buồn vì đời nay tệ quá, tàn quá, xuống cấp quá, tha hóa quá, phi nhân quá. Hãy xem ông trả lời tờ báo An Ninh Thế giới số 1093 ra ngày 10-9-2011   theo blog Nguyễn Thông :
“Đọc mấy nhời của bác Lựu, giật mình, nghĩ sao mà tướng Hữu Ước dám cho đăng nhỉ, hay là bữa ấy đi công tác vắng, cấp dưới nó không báo cáo, xin phép. Mà cũng có lý, bởi giờ đây mình sợt tìm trên bản điện tử báo An ninh thế giới thì không có chữ nào, kết quả báo rằng không tìm thấy.
Sau đây là lời của bác Lựu: Trong lúc trà dư tửu hậu với bạn bè, tôi và những người bạn tâm giao nói về những vấn đề của xã hội, nghĩ về nhân tình thế thái. Tôi không hiểu sao bây giờ con người không tốt với nhau. Trong chiến tranh hy sinh nhiều, cuộc sống khổ cực, nhưng lòng mình thanh thản, lòng dân vô tư lắm. Đi chiến trường hy sinh mà lòng thanh thản, nhẹ nhàng. Bây giờ thời bình không còn tiếng bom đạn nhưng tâm con người cứ lộn nhào hết cả. Không biết thế nào là phải, thế nào là trái. Không biết thế nào là đúng, thế nào là sai. Không biết thế nào là lim (giới hạn-NV). Mỗi con người phải có một cái lim nhất định thì mới thành xã hội. Con người có nhiều tính cách thì cuộc sống mới phong phú và đa dạng. Nhưng mà phải có lim và có luật lệ.Trong chiến tranh, tâm tính con người ta hiền lành, không mưu mô xảo quyệt. Chứ thời nay, trong cơ chế thị trường này, luật lệ cũng lung tung. Xử lý công việc cũng lung tung. Sống nặng về vật chất, thực dụng, chụp giật. Bây giờ sáng ra đọc báo toàn những chuyện giật mình. Con kiện cha chỉ vì mười mét vuông chỗ ở. Một đứa trẻ chưa đến tuổi thành niên giết mấy mạng người không ghê tay. Một đứa trẻ khác chỉ vì thiếu tiền chơi game ra tay sát hại cả em mình, bà mình. Người ta thiếu tiền nên giết người chỉ vì vài trăm nghìn đồng. Trong làm ăn thì lừa đảo nhau nhiều lắm. Cứ lợi dụng nhau sơ hở vài chữ trong văn bản, thậm chí từ một cái dấu phẩy trong bản hợp đồng để lừa nhau hàng tỉ. Trong doanh nhân cũng nhiều người tốt, nhưng rồi cũng có rất nhiều người nhăm nhăm để lừa nhau. Chính thời nay là thời loạn, chứ không phải chiến tranh là thời loạn ( hết trích). http://thongcao55.blogspot.com/2011/09/nha-van-le-luu-lam-em-so-qua.html
Có lẽ, một trong những nguyên nhân khiến ông không được giải thưởng lớn vì tính nói thẳng nói thật của Lê Lựu chăng ? Thẳng thắn và trung thực như hai tác phẩm ( tiểu thuyết) lớn nhất của đời ông : “ Thời xa vắng” ( 1986) và “ Chuyện làng Cuội” ( 1991)
Nhớ tết năm 1976, cái tết đầu sau ngày thống nhất đất nước, tôi từ Sài Gòn ra Hà Nội, rét quá, cứ dúm dúm dó dó dưới gốc táo sân sau tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Chợt Lê Lựu kéo tôi vào phòng, đưa bộ complê màu xám còn khá mới bảo : Hảo lấy mặc vào ngay cho ấm, mặc đến khi nào vào Sài Gòn đưa lại cho mình, mình trả lại nhà nước…  Mình và Nguyễn Khoa Điềm vừa được đi Bungari về, phải mượm áo quần dày dép của nhà nước…Mình đã báo cơm ở bếp ăn tập thể báo “Quân đội nhân dân” cho Hảo, cứ nhớ bữa trưa và chiều về ăn nhá”.
Tôi quen Lê Lựu trong lúc xẻ cơm nhường áo này cách đây 36 năm. Vài năm sau, khi nhà văn Nguyễn Khải và nhà văn Lê Lựu vào Sài Gòn, tôi đã rủ hai bác này đến nhà tôi ở suốt gần ba tháng. Thực ra, tôi đã biết mặt, nhớ mặt nhà báo Lê Lựu, phóng viên báo “Quân khu Ba” mấy năm trước, khi ông đến sư đoàn 320 B, nơi tôi huấn luyện để phỏng vấn vì sao, có phải vì mới được học nghị quyết mà đồng chí đã đạt thành tích chạy nhanh nhất sư đoàn trong một cuộc thi chạy hay không ? Tôi thành thật trả lời nhà báo trẻ Lê Lựu :”Thưa bác nhà báo, không phải nghị quyết làm em chạy nhanh đâu ạ”.” Thế không phải do nghị quyết thì còn bởi gì ?”. “ Dạ, bởi bố em”. “Bố đồng chí dạy đồng chí chạy à ?”. “ Không, thưa bác nhà báo, bố em không dạy em chạy, mà ông chuyên cầm roi đuổi đánh em ngay từ khi em mới biết đi ạ”.” À ra thế, bố cầm roi đuổi đánh, cứ thế mà chạy như biến, chạy bán sống bán chết, chạy vắt giò lên cổ nên thành ra chạy nhanh ngang gió phải không ?” Dạ thưa bác nhà báo, quá đúng ạ”…
Sau cái buổi cho mượn bô Complê quốc doanh và báo cơm cho ăn tới bến của Lê Lựu bữa xa xưa ấy, tôi có nhắc lại kỷ niệm được anh nhà báo trẻ báo “Quân khu Ba” phỏng vấn vì thành tích thi chạy nhanh nhất sư đoàn của tôi, Lê Lựu cả cười nhớ ra bộ dạng thật thà của anh lính trẻ Trần Mạnh Hảo. Lê Lựu bảo : “ Tớ về viết bài báo rất hấp dẫn về cuộc phỏng vấn các nhân vật lính mới sau khóa huấn luyện đi B của sư B20B ở các khâu kỹ thuật : bắn súng giỏi nhất, chạy nhanh nhất, đâm lê tài nhất, ném lựu đạn tài nhất… đưa duyệt đăng, đến đoạn ông trả lời do bố đuổi đánh chạy quanh làng mãi nên thành chạy nhanh nhất sư đoàn, tổng biên tập báo của tớ cười sằng sặc, đoạn bảo :” Lựu viết thế này mà in lên thì bỏ mẹ báo ta mất, do bố đuổi đánh mãi thành ra chạy nhanh, láo, dù chuyện thật đúng trăm phần trăm như vậy cũng phải viết cho nó chính trị chứ ! Tôi chữa như sau : cậu lính mới tên Hảo này trả lời rằng đúng là em mới được học nghị quyết nên đầu óc thông sáng, khi tư tưởng đã thông thoáng thì tạo ra sức mạnh vật chất nghe chưa, nên cậu ta chạy nhanh vì vừa học nghị quyết đảng mới đúng chính trị. Lựu nên nhớ trong chế độ tốt đẹp gấp triệu lần tư bản của chúng ta, báo chí văn nghệ cho đến con người tuốt tuột đều là chính trị hết, nghe chưa ? Mao chủ tịch từng dạy : Chính trị là thống soái là gì ? Chế độ tốt đẹp của ta làm chó gì có cảnh bố đuổi đánh con chạy khắp làng, viết thế là nói xấu đảng ta, nói xấu chế độ tốt đẹp ta. Chỉ có trong chế độ Mỹ-ngụy thì các ông bố mới thi nhau cầm roi đuổi đánh con cái chạy khắp làng khắp phố nghe chưa ?”
Lê Lựu chiêu một ngụm trà, châm nước cho tôi, đoạn nói tiếp : “ Khi báo đăng, tớ xuống tìm ông để tặng tờ báo in chuyện ông chạy nhanh nhất sư đoàn vì vừa học nghị quyết chứ không phải do bị bố cầm roi đuổi đánh suốt tuổi thơ mà thành ra có thành tích chạy ngang gió thì ông đã đi B…”. Tôi góp chuyện : “ bác Lựu này, tôi nghĩ nếu không có hổ báo đuổi bắt ăn thịt, thì bọn huơu nai đã thành các chú rùa, chứ đâu có thể chạy nhanh đến như thế ?”
Ơ hay, thời gian và cuộc đời  hình như cũng là thứ hổ báo đuổi bắt chúng ta chạy như biến về tuổi U 70 như tôi, U 80 như bác Lựu ( Lê Lựu vừa nói với tôi qua điện thoại, năm 2012 này ông đã 75 tuổi chứ không phải 71 như tuổi trong giấy tờ vẫn ghi) ? Và chúng ta quá sợ hãi chạy nhanh như gió, như biến, chạy nhanh trên cả cấp sư đoàn, chạy như ma đuổi phải không bác Lựu ? Con ma cuộc đời, con ma thời gian, con ma thời thế đuổi theo chúng ta để bắt linh hồn, như con qủy Mephixto đuổi theo nhân vật Faust của đại thi hào Đức Wolfgang Goethe để gạ vị bác sĩ này bán linh hồn cho hắn đổi lấy sang giàu ?
Faust đã bán linh hồn cho qủy để đổi lấy vinh quang, còn Lê Lựu đã bán linh hồn cho ai, và sau khi bán linh hồn thì ông sống bằng gì hồi sau sẽ rõ. Nhưng này bác Lựu, mới đó, ngót 40 năm trước, những người viết trẻ chúng ta cứ đông vui và ồn ã như vịt, được ông chủ chăn vịt có tên thời gian, có tên cuộc đời cầm chiếc sào dài buộc mớ tàu chuối khô như giẻ rách và lùa chúng ta vào thời đại anh hùng chỉ toàn niềm vui, không có chỗ cho nỗi buồn cư trú, lùa chúng ta vào văn chương, thi phú, vào quan trường và vào những nhà thương điên ! Có những anh bạn văn nghệ cùng thời với chúng ta quả thực không tim, vẫn tìm cách bán một thứ linh hồn dỏm cho quyền lực để đổi lấy vinh quang, đổi lấy chức tước cùng các giải thưởng danh giá. Còn Lê Lựu, ông chỉ có một trái tim, một linh hồn đau đáu với văn chương, điên dại với chữ nghĩa, lăn lóc với giấy trắng, quằn quại với bút mực, hỏi rằng ông đã bán hay chưa ?
Lê Lựu có dáng vóc của người dân quê chân chất, hiền lành, không thể nói là xấu trai, là quê một cục, là bần cố nông như nhiều bài báo phóng đại về ông đã vẽ một thứ chân dung rất hoạt kê về ông rất không đúng để câu khách. Ngay Trần Đăng Khoa, một chú em tiền bối của chúng tôi còn phịa ra chi tiết Lê Lựu sang Mỹ cởi giày ra lấy tất ( vớ) ngửi ngửi như ngửa hoa ngửa quả thì thật là quá đáng. Lê Lựu không giận, mặc kệ các người, muốn vẽ chân dung ông là hủi cũng được, ông cứ đóng vai anh dân quê lên thành phố cho an toàn. Riết rồi ông cứ nhận mình rằng tớ dân nhà quê ấy mà, học hành chết gì đâu, đọc điếc cũng lười nhác, viết lách theo phong trào cho vui ấy mà…
Không, Lê Lựu không quê mùa chút nào. Ông đóng vai dân nhà quê để qua mặt thiên hạ, để dễ tiếp cận cuộc đời, trông thật thà như đếm thế này vào dân dân thích lắm, đến nhà quan quyền, quan quyền không thèm cảnh giác, rằng thằng này phi chính trị, không nguy hiểm, kệ bà nó phét lác cho vui. Lê Lựu, giống như nhân vật của ông là Giang Minh Sài cứ ấm ấm ớ ớ thế, giả bộ khật khưỡng, thủ vai ngô nghê mười rằm cũng ư mười tư cũng gật cho qua chuyện, vạ vật đâu cũng được, dế rách chổi cùn cũng chơi mà mâm son đũa ngà cũng tới…
Ngược lại với vẻ bề ngoài Lê Lựu có khi như tá điền, có khi lại như địa chủ kia lại là một anh trí thức có hạng đấy. Lê Lựu giấu biến sự học, sự đọc rất kinh của mình như mèo giấu vàng giấu ngọc, chẳng bao giờ thích làm thùng rỗng kêu to như bao ông đồng nghiệp giả dạng vào vai trí thức. Một trí thức thật không cốt ở bằng cấp, không lụy dáng vẻ, không hề biết khoe khoang như những anh trí thức hạng bét chuyên mang mặc cảm trí thức trong người. Tôi xin cá với bàn dân thiên hạ, sức đọc của Lê Lựu còn có thể gấp mấy lần chú em đồng hương của ông là thần đồng quá lứa Trần Đăng Khoa.
Hồi đầu vào Sài Gòn cùng Nguyễn Khải ở nhà tôi gần ba tháng, Lê Lựu chỉ làm hai việc rất chân chính là tìm bồ và tìm mua sách. Gặp kho sách dịch Sài Gòn, Lê Lựu sướng ngất ngây, hệt chuột sa chĩnh gạo. Ông đọc triết tây triết đông qua các bản dịch của các linh mục dạy triết và các nhà Hán Nôm có hạng Sài Gòn. Ông đọc các tiểu thuyết phương Tây  mê man, hầu như có khi thức xuyên đêm. Bỏ mẹ, Lê Lựu và tôi rì rầm để cho ông anh Nguyễn Khải ngủ : thế này thì đúng là Sài Gòn nó …. chúng ta chứ cóc phải ngược lại bác Lựu nhẩy. Chết ông be bé cái mồm cho tôi nhờ. Đâu phải cái đúng cái hay cái tốt bao giờ cũng thắng thế đâu. Man di thắng văn minh là thường mà. Các bộ tộc man rợ phương Bắc châu Âu từng chiến thắng văn minh La Mã là gì ? Kẻ dốt, kẻ cuồng tín, kẻ kiêu ngạo, kẻ ác thì làm gì có tự do…mà đòi…thôi thôi tai vách mạch rừng không nói nữa. Này, bác Lựu nghĩ mãi mà không nói được ra thì điên mẹ nó đấy. Đừng nghĩ nữa, nghĩ nhiều thì vào nhà tù mà nghĩ nghe chưa…Ba tháng trời Sài Gòn ở nhà tôi với Lê Lựu đêm nào cũng  quá ngắn, chưa đọc hết sách đã sáng banh cả mắt, rì rầm như hai con khỉ đi ăn trộm ấy. Đọc đến đoạn nào thích chí, Lê Lựu tàn nhẫn bấm tôi dậy để rì rầm đọc ri rỉ như dế cho nghe, đến độ làm bác Nguyễn Khải thức theo bảo : chúng mày tí tửng như gái ngồi phải cọc, mấy cuốn đó tao đọc rồi, hồi trước năm 1945, mà đọc bản Pháp văn. Tội nghiệp các em, có học mà như mù chữ. Thì cũng tại thế hệ chống Pháp các bố dạy chúng tôi chứ ai. Cứ để Tây đấy, đánh nó làm chó gì, để nó dạy chúng tôi như nó đã dạy các bố, thì hôm nay sao chúng tôi lại thành những kẻ có học mù chữ được ? Cứ cái màn nghĩ trộm, nói trộm, đọc trộm thế này có khi nguy…May mà gần ba tháng, hai bác nhà văn về Hà Nội, chứ cứ đêm nào cũng rầm rầm rì rì như dế trốn chui trốn nhủi thế này có khi ốm chết quách rồi, còn đâu nữa mà ngồi kể chuyện cũ. Sau này, chết rồi Nguyễn Khải mới dám tung tiểu luận “ Nghĩ Muộn” ra, coi như một lời sám hối muộn màng; còn hơn các anh ngậm miệng ăn giải thưởng đang cười nói sờ sờ ra mà quả thực, tâm hồn, nhân cách đã chết từ thời tám hoánh.
Lê Lựu không hề quê mùa chút nào.Ông rất tỉnh thành là đằng khác. Minh chứng là một mình ông đã xây dựng nên một công ty làm ăn rất phát đạt : “ Trung tâm văn hóa doanh nhân” từ năm 2002 đến nay. Bây giờ, chân Lê Lựu đi đứng đã không còn vững, có khi phải nhờ người dìu dắt, vậy mà trung tâm này của ông vẫn làm ăn tốt, hỏi một người quê mùa, thậm chí ngô nghê như nhiều bài báo đã viết, liệu có đủ tầm vóc, trí thức, uy tín, trình độ làm giám đốc công ty “văn hóa doanh nhân” này hay không ?
Trời cho Lê Lựu một trí thông minh hiếm có. Ông có thể đọc thuộc một chương tiểu thuyết của mình ngay trước mặt anh. Này, chú mày cầm cuốn “Thời xa vắng” lên, lật bất cứ trang nào, bảo tớ đọc thuộc lòng cho mà dò, không sai một dấu chấm phảy. Ông nhớ vanh vách các danh tác quốc tế và trong nước đã đọc, kể cả những cuốn dày như tủ lạnh của L. Tolstoy và F. Dostoyevski…
Lê Lựu hình như có máu trạng trong khoa ăn nói. Ông huyên thuyên chuyện con cà con kê, tán dóc lênh láng cả những hội trường hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người dự thính mà thiên hạ vẫn há hốc mồm ra nghe như nghe cha cố giảng đạo. Hồi hưởng vinh quang sau tiểu thuyết lớn “Thời xa vắng”, Lê Lựu là nhà văn Việt Nam đầu tiên được  trung tâm William Joiner của ông Kevin Bowen mời sang thăm nước Mỹ. Sau ( hình như sáu tháng) chu du bên Mỹ, về nước Lê Lựu được hàng trăm cơ quan mời nói chuyện xem nước Mỹ nó đầu ngô mình sở ra sao, nó kinh khủng mức nào, nó giàu sang hợm hĩnh ra sao, nó giãy chết rung chuyển thế giới thế nào ? Người ta đi nghe lũ lượt, khen nước Mỹ thì ít mà khen Lê Lựu nói hay thì nhiều. Khiếp, làm như nước Mỹ nó không nằm trên bản đồ thế giới mà nó nằm trong bụng Lê Lựu vậy. Khiếp, làm như không phải Kha Luân bố đã phát hiện ra châu Mỹ, nước Mỹ mà chính là anh nhà văn quê ở huyện ta, huyện Khoái Châu ta ( oai oái như phủ Khoái xin cơm) đã phát hiện ra châu Mỹ và nước Mỹ vậy. Lê Lựu nói chuyện về Mỹ hay tới mức mà người ta đã kinh doanh ông, thu âm bài nói dài hàng hai ba tiếng đồng hồ của ông về nước Mỹ để bán đắt như tôm tươi. Người viết bài này đã nghe băng thu âm buổi nói chuyện về Mỹ của Lê Lựu và rất tiếc cho các vị làm công tác tổ chức đã bỏ lỡ một cơ hội bằng kim cương là không mời nhà thuyết khách Lê Lựu làm bộ trưởng bộ ngoại giao.
Lê Lựu ca ngợi Mỹ tới mây xanh mà vẫn rất chính trị, mà vẫn không mất lòng đảng ta. Ông cũng nói xấu Mỹ tới tận cùng địa ngục mà Mỹ vẫn qúy hóa ông như giời, thế mới lạ. Ông chửi Mỹ rằng nước nó thế nào cũng loạn vì không có ban tổ chức trung ương, vì nó đa đảng nên bất cứ thằng dân nào cũng có thể lên báo chửi tổng thống, không còn quân tị quân nhậm gì, cá mè một lứa, dân cũng như quan, quan cũng như dân, ấm a ấm ớ, chẳng còn tôn ti trật tự gì cả. Ông chê nước Mỹ nó sạch như lau đến ruồi muỗi cũng nghỉ chơi mà bỏ đi. Sạch quá mức là mất vệ sinh nhất; vì trẻ em bị vô trùng từ lúc sinh ra nên nó dễ bị vi trùng tấn công. Nước với chả non, đi bất cứ chỗ nào cũng có rét -rum ( restroom), phí đất vô lối, sao không để đất mà xây trường học bệnh viện như ta, lại coi trọng nơi xin lỗi đi ỉa đến nhường ấy, đúng là Mỹ mới có ( vỗ tay)….Nước Liên Xô thiên đàng xã hội chủ nghĩa anh em ta, sang đó tôi tưởng là Mỹ mà sang Mỹ tôi tưởng đấy là Liên Xô. Ở Liên Xô người ta dùng đất để xây trường đảng, để xây trường học, để xây quảng trường cho quần chúng đến sung sướng vỗ tay, chứ có nhiều chỗ đi toilet phí phạm như bên Mỹ đâu. Lại vỗ tay… Người viết bài này đã mấy lần tí chết khi đi giữa đường phố Matxcova, mắc…quá tưởng đứt thở mà đi mãi không tìm ra nơi trút bầu tâm sự…Người viết bài này cũng từng đến một số thành phố Mỹ. Đúng như Lê Lựu nói, đi mấy bước lại thấy restroom, không mắc… cũng vào ngó qua xem nó sạch cỡ nào…mất hết cả thì giờ vàng ngọc.
Khoa nói của Lê Lựu còn phát huy tới tận mũi Cà Mau, tận địa đầu Móng Cái khi ông kết hợp với ông trạng thần đồng thần sắt Trần Đăng Khoa đăng đàn khắp nơi. Hai ông này đã biến nghề nói chuyện văn chương thành khả năng hốt bạc vô tiền khoáng hậu.
Một người quá thông minh, quá sắc sảo, đầy tài năng văn chương, nói năng như có bùa ngải như Lê Lựu tưởng giời đã cho hết mọi thứ. Hình như xưa nay, các nhà văn có tác phẩm để đời, mấy ai có số phận trơn tru, có gia cảnh ngon lành viên mãn trừ Goethe và Tagore ?
Gần đây, giới truyền thông trong nước đua nhau phỏng vấn Lê Lựu, cốt khai thác bi kịch cá nhân của đời tư nhà văn để câu khách mà ít chú ý đến khía cạnh quan trọng nhất của ông là văn học, lại quảng cáo rùm beng cho “ Trung tâm văn hóa doanh nhân” của ông quá mức. Lê Lựu dù làm kinh tế doanh nhân, đã rất thị thành, dẻo miệng ( “ Khi lưỡi ta không còn đắng chất thị thành”- Chế Lan Viên) nhưng tính vốn thật thà, báo nào hỏi ông chuyện bi kịch đời tư là ông kể tuốt tuồn tuột. Làm như cứ kể hết xót xa trong người sẽ hết xót xa, kể hết nỗi cô đơn kiếp người của mình ra sẽ hết cô đơn vậy ?
Năm 1986, nhờ cú “cởi trói cho văn nghệ sĩ trí thức” của ông Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Lê Lựu mới in được tiểu thuyết để đời của ông là “ Thời xa vắng”. Ông đã viết tác phẩm lớn này trước “mùa cởi trói” hai năm nhưng không in được. Tôi đã đọc một mạch suốt đêm tác phẩm lừng danh này của Lê Lựu trong sự hào sảng hiếm có. Tôi gọi điện thoại động viên ông, ông bảo : “ đánh đổi cả cuộc đời để lấy một cục gạch bằng giấy đó ông ơi”.
Giang Minh Sài nhân vật chính của “Thời xa vắng” vừa là hình ảnh của tác giả vừa là nhân vật hư cấu. Nó có tầm cỡ biễu đạt đa chiều, nhiều tầng nhiều vỉa, thực đấy mà hư đấy, bi đấy mà hài đấy, thông minh một cách ngớ ngẩn đấy và đạo đức tào lao chi khươn đấy. Giang Minh Sài “một nhân vật thời đại”, có một chút  phẩm tiết của Chú AQ Lỗ Tấn một tí, Chí Phèo Nam Cao một tí, Xuân Tóc Đỏ Vũ Trọng Phụng một tí, Don Quixote Servantes một tí…nhưng lại rất Lê Lựu. Giang Minh Sài bị sống chứ không phải được sống, bị yêu chứ không phải được yêu, bị sướng chứ không phải được sướng, bị khổ bị cô đơn chứ không phải được khổ được cô đơn. Giang Minh Sài như không phải là một cá nhân mà là một tập thể thu nhỏ thành một cá nhân trá hình. Anh ta bị tập thể hóa cả giấc mơ, bị chi đoàn, chi bộ, đơn vị, công đoàn, cơ quan… chi phối cả mọi bản năng sống; làm như sự tiêu hóa của dạ dày Giang Minh Sài cũng là do tập thể tiêu hóa, bộ phận bài tiết của anh cũng là của tập thể bài tiết, trái tim co bóp của anh cũng là trái tim tập thể co bóp, “con chim” của anh dùng để lấy vợ sinh con cũng là “con chim” của tập thể. Với “con chim” tập thể này anh đã hai lần lấy vợ nhưng đều thất bại thảm hại.
Người vợ đầu của Giang Minh Sài là cô Tuyết nhà quê với cuộc tảo hôn khốn khổ : lấy vợ vì gia đình dòng họ, cũng là lấy vợ cho tập thể chứ có được lấy vợ cho riêng mình đâu ? Người vợ thứ hai của anh Sài là cô Châu thị thành điệu nghệ…lấy cốt để khoe mẽ với thiên hạ rằng gái thị thành cỡ nào Sài ta cũng tán được, cốt để xóa mặc cảm nhà quê vốn dĩ. Nhưng sống với nhau rồi, Châu mới phát hiện ra anh chàng Sài không phải là một cá nhân thuần túy. Linh hồn chồng mình đã bị tập thể hóa, trái tim anh là một khu tập thể thu nhỏ. Anh không phải là một căn phòng riêng tư, mà là một hội trường hội họp, một ví dụ về con người hơn là con người, một ví dụ về “con chim” hơn là một “con chim” biết cách chiều chuộng đàn bà. Thế là để trả thù cái tập thể giả dạng cá nhân có tên là Giang Minh Sài, Châu tìm mọi cách hành hạ Sài cho bõ ghét.
Trong một xã hội bị tập thể hóa đến cả ruồi muỗi cũng phải vào hợp tác xã, ai cho Giang Minh Sài làm một “con người chung chung”, làm một cá nhân thuần túy ? Khát vọng được làm con người lương thiện của anh Chí Phèo xưa hầu như vẫn còn là khát vọng của anh nhà quê lên tỉnh Giang Minh Sài trong thời đại thiên đường xã hội chủ nghĩa ?
Khát vọng tự do, khát vọng được làm một con người đúng nghĩa của nó, được làm chính mình chứ không phải kẻ khác trá hình mang tên mình là thông điệp Lê Lựu gửi chúng ta thông qua nhân vật Giang Minh Sài. Chừng như Lê Lựu đã bán linh hồn cho Giang Minh Sài để đổi lấy nỗi buồn mênh mông trần thế ? “Thời xa vắng” làm Giang Minh Sài bất tử đã cướp hết hồn vía tác giả, khiến Lê Lựu thành bơ vơ chăng ?
Sau khi “ Thời xa vắng” xuất hiện trên văn đàn như một hiện tượng văn học, kẻ viết bài này đã hỏi chuyện hai đàn anh là nhà văn Nguyễn Khải và nhà văn Nguyễn Minh Châu. Cả hai ông anh này đều là người thực tài nên có sự liên tài, nghĩa là không bao giờ đố kị tài năng của người khác, nhất là những tài năng của thế hệ sau mình. Hai ông đều khen ngợi “ Thời xa vắng” của Lê Lựu hết lời, khẳng định tác phẩm này chính là cột mốc cho cuộc đổi mới văn chương Việt Nam. Anh Khải bảo tôi : “ Hảo này, cái thằng Lựu nó cứ tẩm ngẩm tầm ngầm mà kinh. Nó giấu anh, không hề khoe cuốn này, đến khi in xong mới đem tặng. Các tiểu thuyết của anh là tiểu thuyết thời vụ, qua thời này là vất vào sọt rác. “Thời xa vắng” của Lựu là tác phẩm để đời. Lựu đã vượt lên thứ văn chương minh họa của Khải và Châu, cả Ngọc nữa…Nó là nhà văn số một của thế hệ các ông em tức lứa chống Mỹ của Hảo đấy…”
Lê Lựu đã bán linh hồn cho các tiểu thuyết lớn của đời ông : “ Thời xa vắng”, “Chuyện làng cuội”, “ Sóng ở đáy sông”…để chúng sống mãi với nền văn học dân tộc như các tiểu thuyết gia hàng đầu tiền bối : Nhất Linh, Khái Hưng, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Nguyên Hồng…hằng sống. Lê Lựu bán linh hồn cho Giang Minh Sài không phải để lấy tiền, mà để lấy nỗi cô đơn kiếp người đeo đẳng ông như số phận. Ông từng bị ma nhập một đời để lên đồng với chữ nghĩa, hạnh phúc với bút mực, ăn nằm với giấy trắng. Lúc tuổi xế chiều ông vẫn phải sống một mình một bóng để tu trọn kiếp trong ngôi chùa có tên là văn chương.,.
Sài Gòn ngày 18-04-2012
Trần Mạnh Hảo

Người đàn bà chân quắp chữ V ước “bén duyên đất liền” – Bee

19 Th4
 (Kienthuc.net.vn) – Chị Phan Thị Sen (xóm 1, xã Văn Khê, Mê Linh, Hà Nội) cô độc giữa sông nước mênh mông với đôi chân co quắp và những khát khao về một ngày “bén duyên đất liền”…

Cô đơn trên sông nước

Chị Sen chỉ cao 60 cm, nặng chưa đầy 30kg, đôi chân teo tóp, co gập thành hình chữ V ngoặt ra phía sau.

Ngày nào cũng thế, cứ 3 giờ sáng, chị trở dậy, thoăn thoắt dùng hai bàn tay đẩy cơ thể hướng về phía mạn thuyền chuẩn bị “đồ nghề” đi “thu gom” tôm, cá. Cả ngày cất đó chỉ thu được vài ba lạng tôm đổi gạo.

 
Đôi chân chị Sen quặp lại phía sau thành hình chữ V

Đang ốm nặng, phải tránh nước, tránh gió, nhưng ở sông mà không đi đặt đó kiếm cá, tôm thì biết làm gì mà sống? Tặc lưỡi, chị phó mặc số phận.

Cả xóm nổi đã lên bờ sinh sống, chỉ xuống sông để nuôi cá, nuôi tôm thì chị Sen vẫn bám trọn sông nước. Từ thời ông bà, bố mẹ chị đã gắn bó với cái thuyền gỗ chòng chành trên mặt sông và cuộc đời lênh đênh vạn chài. Bố chị, ông Phan Đình Oanh đi bộ đội về, đã dùng con thuyền làm cần câu cơm cho cả gia đình. Vợ chồng ông sinh được ba đứa con thì hai đứa con gái mang dị tật bẩm sinh.

Chị Vinh vừa sinh ra đã bị bại liệt. 20 năm sau, chị Sen ra đời cũng tật nguyền như chị gái. Hai chân chị co quắp, vắt ngược ra phía sau thành hình chữ V. Chị di chuyển bằng mông và sự trợ giúp của hai cánh tay.

Vợ mất, một mình ông Oanh bươn chải nuôi con, dạy “kỹ nghệ” bắt cá, tôm đổi lấy gạo…

 

Khao khát lên bờ

 

2 năm trước, ông Oanh bệnh nặng qua đời. Cách đây 3 tháng, chị Vinh cũng ra đi, chị Sen khuyết đi một chỗ dựa tinh thần, nằm ốm liệt đến hơn 1 tháng. “Mấy tháng ốm đau không ai chăm sóc, tủi thân, cùng cực lắm. Đôi khi nghĩ quẩn, tôi chỉ muốn theo chị, theo bố mà đi” – đôi mắt người đàn bà nhìn xa xa, nơi những rặng cây dọc hai bên bờ đang đung đưa theo gió.

 

Không lên được bờ, chị Sen nhờ hàng xóm mua hộ rau. Một mớ rau chia đều cho… 3 ngày. Hiếm hoi lắm mới có lúc “được mùa” vụ tôm chừng 5 lạng, chị “thưởng” cho mình một bữa thịt kho. Số tiền vay nợ để chữa bệnh cho chị gái còn đó, chị Sen còn phải tự xoay xở tiền thuốc thang chữa bệnh cho mình.

Cách đây 2 năm, chị đi khám, phát hiện có tế bào ung thư vú. Nghe hàng xóm mách về ông thầy chữa bệnh bằng lá ở Vĩnh Phúc, chị nhờ người đi lấy thuốc uống. Bệnh viêm loét thượng vị dạ dày phát tác, mỗi tháng “ngốn” thêm mấy trăm nghìn tiền thuốc. “Tưởng chi tiêu dè sẻn cũng dành dụm được vài nghìn đồng mỗi ngày, ai ngờ bệnh tật, dồn cả vào thuốc”.

 
Chẳng có gì đáng giá ngoài cái ấm sắc thuốc đã méo mó, đen đúa…

Có lần chị Sen chèo thuyền con đi vớt đó thì gặp dòng nước xoáy làm lật úp thuyền, hay bị ca-no đâm trực diện lật nhào, người ta tưởng chị đã chết.

Dân vạn chài sợ nhất vào mùa bão. Chị Sen ngước nhìn bầu trời thở dài đánh sượt, “nghe mọi người nói, đài báo năm nay bão nổi nhiều hơn, tôi lo quá, không biết qua mùa mưa bão này thế nào”. Đã có mấy lần, “căn nhà” của chị chứa đầy nước, trôi lênh đênh trên sông mấy km mới tìm được đường về…

Chia tay tôi, chị lại hớt hải lê ra phía mạn thuyền chuẩn bị thả đó để 3 giờ sáng ngày mai lại vớt lấy con cá, con tôm đổi gạo qua ngày. Ngày mai, khi trời nổi dông bão, ai ở bên che chở, bảo vệ cho người phụ nữ yếu đuối, bệnh tật giữa mênh mông sông nước này?

Đức Tâm

Thăm thẳm non sông một kiếp người – trannhuong

19 Th4
Đặng Văn Sinh
Với Nguyễn Trân Trân, thơ là một cái gì mang màu sắc thần bí, mà những tín đồ của nó, nếu không đủ tỉnh táo sẽ lạc vào mê hồn trận của thứ đạo tự kỷ ám thị. Hơn thế nữa, thơ tuy là thể loại văn học tao nhã, sang trọng, nhưng cũng có thể mua bán được như các mặt hàng thông thường ngoài chợ trời. Quan niệm về thi ca thời mở cửa của một bác sĩ thú y ở vào cái tuổi quá niên trạc ngoại thất tuần này thật chẳng giống ai. Tôi quý ông là chính bởi những ý tưởng độc đáo ấy, mặc dù, đôi lúc cũng thấy chạnh lòng cho khách văn chương. Nguyễn Trân Trân chơi thơ nhưng không coi đó là mục đích của đời mình. Ông làm thơ bằng…tay trái, trong khi tay phải, thế mạnh của vị doctor đa tài này lại dùng để chữa…trâu, cứu cho hàng ngàn bà con nông dân những bàn thua hàng chục triệu. Hóa ra quan niệm của ông ngày càng đúng khi mà thị trường thơ đang ở vào thời kỳ tiền khủng hoảng. Thi hữu của đủ loại câu lạc bộ đua nhau mọc lên như nấm mùa xuân. Mỗi năm có hàng vạn tập văn vần hoặc tấu thi được xuất xưởng từ những nhà  xuất bản danh giá. Có không ít ấn phẩm dày cả gang tay kèm theo phần trích ngang cùng ảnh màu chân dung tác giả. Nhà nào cũng comples, cravate bảnh chọe với gương mặt đầy vẻ tự mãn. Sở dĩ tôi lan man đôi chút là để nhấn mạnh một điều, Nguyễn Trân Trân yêu thơ nhưng không coi thơ là canh bạc để rồi đặt cược cả cuộc đời vào đó. Thơ, dù sang trọng nhưng không phải là tất cả. Nó cũng có thể thành yêu ma khi mà người ta tước đi mất phần hồn, biến nó thành công cụ đánh bóng cho nhân cách văn hóa nhếch nhác . Loại thơ ấy chính là thơ loạn, bởi ai cũng có thể làm được, chẳng ai phục ai, cãi nhau loạn xà ngầu, vì thơ không còn chuẩn mực, tạo ra một thứ văn chương ba rọi, làm ô nhiễm môi trường . Cầm tinh con trâu, kéo cày ba phần tư thế kỷ, chìm nổi một kiếp nhân sinh, bản thân Nguyễn Trân Trân đã là một toàn tập… Trầm luân nhưng ông lại đặt tên thi phẩm của mình là Miền quê ngoại. Ấy là một vùng đất mặn mòi sóng biển, tiếng gió lao xao hàng sa mộc, nâng cánh cò chao nghiêng, thoảng giọng ru hời ngọt ngào của người bà đôn hậu đã khuất núi, chỉ còn hình bóng trong ký ức. Miền quê ngoại đầy tâm trạng có lẽ bởi cuộc đời tác giả đã trải lắm đắng cay. Tâm hồn ông vốn đa cảm nên những vần thơ thường phảng phất nỗi u buồn, thiên về hoài niệm. Những hoài niệm ấy, lúc đậm lúc nhạt, lúc sôi nổi, lúc trầm tĩnh, âm thầm như dòng sông ngầm, lặng lẽ nối liền quá khứ với hiện tại, bồi đắp tâm hồn, tìm về ký ức hầu như đã lãng quên, bất ngờ được kích hoạt để rồi hiển hiện thành những vần thơ tâm huyết. Có thể xem, thế mạnh của Nguyên Trân Trân qua Miền quê ngoại là những vần thơ nảy sinh từ hệ thống ký ức. Ký ức của ông có nhiều tầng nhiều vỉa. Ông đào bới ký ức như người thợ lò bền bỉ, nhọc nhằn tìm kim loại quý, rồi đến một lúc nào đó ắt tìm ra cái mà mình muốn tìm. Những bài thơ thuộc về miền ký ức của ông tràn đầy niềm thương nhớ. Ở đấy, hình ảnh hiện lên như một phiên bản của thời thơ bé, vừa ngọt ngào vừa cay đắng. Lại nữa, trong ông đôi lúc dường như có hai thứ quê hương. Quê hương thời tuổi mộng mơ thì xa tít tắp ở đâu đó mãi vùng trời hoang tưởng, chỉ như chút dư ba của những mối tình bâng quơ, lãng đãng màu sương khói, hiện lờ mờ trong ký ức suốt hành trình nhọc nhằn kiếm sống. Cái còn lại chỉ là một thứ vỏ quê hương thời mở cửa, hỗn loạn bởi nhạc Pop, nhạc Rock xập xình tra tấn thiên hạ từ những quán Bar của nền văn minh đô thị sống sượng:             Đời người bãi bể nương dâu             Làng ta hóa phố từ lâu mất rồi
Quê hương Làng hóa phố, mọi giá trị văn hóa truyền thống tưởng như bền vững bỗng chốc trở thành thứ xa xỉ, chỉ dành cho những kẻ ấm đầu hoặc sắp vế với tổ tiên. Cũng may, trong thời buổi mọi thứ đều có thể bán được để quy ra tiền thì vẫn còn chút triền đê lấp vào nơi trống vắng tâm hồn kẻ lãng du:             May còn vạt cỏ chân đê             Vẫn xanh như lối đi về ngày xưa                                                 Quê hương Cùng với ký ức quê hương là những vần thơ về mẹ và mối quan hệ gia đình. Tình cảm gia đình luôn là điểm tựa tinh thần để Nguyễn Trân Trân chịu đựng sự va đập của cuộc sống, tìm thấy niềm lạc quan trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt, cho dù không phải lúc nào cũng thành công. Hình ảnh người mẹ tần tảo với gánh hàng vải thập thững trên đường rừng đầy bất trắc luôn hiển hiện trong tâm tưởng người con trai xa xứ. Đó là những vần thơ đau đáu niểm thương yêu, sự kính phục cũng như nỗi ân hận về một thời tao loạn, đói nghèo cùng với tham vọng điên rồ sắp xếp lại giang sơn của những ai đó, đã khiến tác giả trở thành kẻ bất hiếu với chính người đã đẻ ra mình. Trong số những bài viết về mẹ thì Mẹ tôi được xem là có sức nặng nhất cả về lượng lẫn phẩm. Đó là những vần thơ cay đắng, xót xa, nghe như dao cứa vào lòng:             Bố ra trận mẹ đi buôn chuyến             Hết chợ Si rồi lại chợ Hàu             Đêm gánh vải qua Khe Nước Lạnh             Chợt rùng mình, mùi cọp thoảng bờ lau. Hình ảnh người mẹ vun vén cho cuộc sống đàn con để người cha đi chiến trận được tác giả đẩy lên một tầm cao mới, tầm Tổ Quốc, làm người đọc liên tưởng đến những bà mẹ Việt Nam đang gánh cả đất nước trên đôi vai gầy qua mấy cuộc chiến tranh:             Dẻo dai  vô cùng là bờ vai mẹ             Mấy lớp chai giờ đã hóa sừng             Gánh cả giang sơn trên đường ngàn dặm             Ký ức ùa về, lòng bỗng rưng rưng. Chiến tranh kéo theo bi kịch của cả một dân tộc. Hàng triệu chàng trai trẻ một đi không trở lại, đúng như Vương Hàn đã từng cảm tác trong bài Lương Châu từ: Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi. Mấy chục năm rồi, Nguyễn Trân Trân vẫn canh cánh bên lòng về nỗi người em trai chẳng biết gửi xác nơi nào ở chiến trường miền Nam. Đêm mưa dầm rả rích, tiếng tắc kè đằng sau tấm bằng Tổ quốc ghi công, như có thần giao cách cảm, ông chợt thoáng thấy hình hài  đứa em liệt sĩ từng tình nguyện viết đơn nhập ngũ :             Tiếng tắc kè sau tấm bằng Tổ quốc ghi công             Sắp về! Sắp về!             Ba mươi năm có lẻ             Mà hồn em còn khắc khoải nhớ quê.                                                      Sắp về Cái cách diễn đạt ngôn từ ở đây mạng đậm tính biểu tượng. Đằng sau những con chữ như có hồn phách ấy là sức nặng của nỗi đau trầm tích từ một phần ba thế kỷ. Cũng là nói về tình yêu nhưng tình yêu trong thơ Nguyễn Trân Trân phần lớn thuộc về thời trai trẻ, giờ tất cả đều thành kỷ niệm êm êm, minh chứng cho thứ tình yêu Platonique vốn là sản phẩm của dòng văn học lãng mạn từng được ông nhập tâm quá nhiều sau thời kỳ buộc phải bỏ quê ra Hà Nội. Đất Hà thành ngày ấy còn nhiều người tốt. Một gia đình trí thức có tên tuổi đã hào hiệp cưu mang chàng sinh viên nghèo xứ Thanh sau cơn gia biến. Cùng với những trang Tự lực văn đoàn, nhân cách Nguyễn Trân Trân dần dần hình thành sau khi tiếp nhận nền văn hóa đất Kinh kỳ qua những nhà văn hóa lớn vốn được đào tạo khá bài bản từ nền giáo dục tiến bộ phương Tây. Đó cũng chính là điều kiện tiên quyết để sau này ông có những bài thơ tình yêu đầy chất lãng mạn bay bổng, thậm chí yêu đến đắm đuối, si mê nhưng vẫn không gợn chút dung tục của những kẻ phàm phu. Cách lập tứ, lập ý và cả phong vị thơ nữa đều có cái gì bàng bạc, gián cách với đối tượng, tạo nên một ấn tượng đẹp, khác hẳn với lối yêu đương chụp giật ngày nay:             Giang hồ là cách đời anh chọn             Người bảo tình ta đợi kiếp sau             Cho dẫu kiếp này ta chẳng trọn             Đoạn tuyệt nhau là đã vì nhau.                                                             Đoạn tuyệt Trong Vầng trăng khuyết, tình yêu là một cài gì đó mang tính ước lệ, nửa hư, nửa thực nhưng thân phận của những người trong cuộc thì lại như vừa trải qua một kiếp đoạn trường :             Chợ tình xế bóng qua chiều             Câu thơ đứt đoạn, trang Kiều xa xăm. Đọc Miền quê ngoại, ngoài những trang rất xúc động về tình yêu, Nguyễn Trân Trân cũng còn khá đa dạng ở mảng  thơ thế sự. Đây là chủ đề chiếm số lượng nhiều nhất, cập nhật nhất, cho dù không phải bài nào cũng thành công, nhưng người đọc tinh ý vẫn thấy được tình đời, tình người với đủ cung bậc thăng trầm trong cõi trần bụi bặm này hiển hiện qua những  ý tưởng táo bạo. Gọi là thơ thế sự bởi nó là cách nhìn của tác giả về những hiện tượng đời sống văn hóa xã hội qua lăng kính chủ quan của cả một đời chiêm nghiệm. Thực ra, cái nhìn cuộc sống mang tính phản biện đôi khi chỉ là lát cắt ngẫu nhiên, nhưng không hiếm trường hợp ông chọn được những điểm khá đặc trưng , mà qua đó ta có thể khái quát thành quy luật mang tính phổ biến. Bài Tô Thị xi măng là một ví dụ :             Ai đúc xi măng thành Tô Thị             Bày trò hóa đá để đùa chơi? Luôn trăn trở bởi nhân tình ấm lạnh, thế sự sớm nắng chiều mưa, từ quán chè xanh của người thương binh cụt tay sống mỏi mòn bằng đồng tiền trợ cấp chỉ có giá trị tượng trưng, ông xúc động viết những dòng khá là đắng cay tặng bạn:             Giấc mộng công hầu, hồn tráng sỹ             Chìm trong tàn phế một kiếp người.                                                             Quán thương binh Trước cây thông cảnh bị giam hãm trong chậu sứ, Nguyễn Trân Trân liên tưởng đến thân phận nổi chìm của một trí thức tài hoa luôn bị đời hắt hủi bằng những câu thơ cảm khái:             Khách đa tình lặng đứng trước màu xanh             Ngắm thế cây dáng hình thác đổ             Bỗng thấy lòng bồn chồn thương nhớ             Một cây thông heo hút phía chân trời.
Cây thông cảnh Trăm năm một cuộc bể dâu. Có lẽ đó là vận số của đời người mà Nguyễn Trân Trân cho dù từng trải đến mấy cũng khó mà tính hết được. Quẻ Tiên thiên của chủ thể sinh năm Đinh Sửu vướng vào vòng Thủy lôi truân mà Nguyên đường lại nằm ở trên cùng của Hạ quái (hào 3 quẻ Chấn) là thế. Cứ từ tượng quẻ mà suy, ông là người có cả Thiên nguyên khí lẫn Địa nguyên khí, nghĩa là lúc vừa mới sinh ra đã được trời đất ban cho linh khí, nhưng lại bị hãm bởi quẻ Khảm ở trên. Mà Khảm thì hung hiểm vô cùng. Tiếc cho một đời tài hoa. Để khép lại đôi dòng tản mạn về Miền quê ngoại vốn đã khá dài, tôi xin dẫn thêm hai câu như một dự cảm  vốn có sẵn ở quẻ Tiên thiên trong bài Tôi của ông:             Chiều về Bến Tắm mờ sương khói             Thăm thẳm non sông một kiếp người…               ĐVS
          THƠ NGUYỄN TRÂN TRÂN
                       Tưởng Rằng
                   Tưởng rằng cả một đoàn tàu                    Té ra chỉ một cái đầu mà thôi                    Qua nhà tôi kéo còi hơi                    Giật mình thức giấc giữa trời trăng sao.

02 giờ sáng, 19 / 5 / 1995

                             Tìm em*
                    Lớp lớp trùng trùng bao mộ chí                    Vạn ngàn ngôi mộ vẫn chưa tên                    Ngẩn ngơ ngước mắt, trời Quảng Trị                    Vần vũ mây bay thoáng bóng em.
                                                  Quảng Trị tháng 7-2011
                             Hội làng
                   Tháng Tám quê ngoại hội làng                    Mẹ không còn nữa mà mang con về                    Nỗi niềm đằng đẵng xa quê                    Bồi hồi nhớ thủa ven đê tím chiều.
                             Nguyệt Hồ
                   Nguyệt Hồ đêm nay trăng khuyết                    Mông lung trong cõi mộng mơ                    Nhớ xưa một thời Phố Hiến                    Âm vang hai tiếng Nguyệt Hồ
                   Êm đềm sông Hồng cuộn chảy                    Nặng tình bao hạt phù sa                    Bãi bờ bên bồi bên lở                    Chuyện tình huyền thoại ngày xưa
                   Nhớ em mắt huyền nhãn tiến                    Một thời duyên dáng kiêu xa                    Anh giữa cuộc đời trần trụi                    Có gì ngoài mấy vần thơ
                   Tháng hai anh về Dạ Trạch**                    Tìm đâu thương cảng bây giờ                    Ơi em người con phố Hiến                    Theo trăng lặng lẽ vào thơ.                                                      Tháng 1/ 2004
            *    Em trai tác giả hy sinh ở Quảng Trị             ** Phố Hiến, thế kỷ XVI-XVII thuộc phủ Khoái Châu, nơi có đền Đa Hòa thờ Chử Đồng Tử và Tiên Dung.

Bí ẩn ngôi chùa có nhiều Xá lợi Phật nhất Việt Nam – Bee/BS

19 Th4

(Kienthuc.net.vn) – Chùa Viên Đình tọa lạc ở xã Đông Lỗ (huyện Ứng Hòa – Hà Nội) không chỉ là ngôi chùa có nhiều Xá lợi Phật nhất Việt Nam mà còn nổi tiếng với hai “linh vật” huyền thoại có từ thời Lý.

Hơn 30 tháp Xá lợi Phật

Năm 2003, lần đầu tiên Đại đức Thích Chơn Phương (trụ trì chùa Viên Đình) hành hương về thăm miền đất Phật, thầy có nhân duyên được gặp hòa thượng Thích Huyền Diệu – Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo thế giới.

“Sau khi nghe kể về nguồn gốc cũng như những bí ẩn về ngôi chùa Viên Đình, HT Thích Huyền Diệu đã phát Tâm Bồ Đề cung tiến một viên Xá lợi của đức Thích Ca Mâu Ni cho chùa Viên Đình.

Đó là một trong những viên Xá lợi hiếm hoi được thỉnh từ Nepal và đây cũng chính là một trong 8.400 báu thân của đức Thích Ca Mâu Ni khi ngài hóa diệt” – Thầy Chơn Phương cho hay.

 

 
Xá lợi Phật do 7 trung tâm Phật giáo trên thế giới cúng dường chùa Viên Đình được trưng bày tại gian giữa Chánh điện của chùa

Đây là phước duyên lớn lao mà không phải ngôi chùa làng nào cũng có được và như được khởi duyên, trong vòng gần 10 năm qua, thầy Chơn Phương đã có dịp đi tới 54 quốc gia trên thế giới.

 

Theo thầy Chơn Phương, trong các chuyến hành hương như có duyên kỳ ngộ nào đó mà chùa Viên Đình luôn được chư Tăng hoặc Phật tử ở các nước cúng dàng Xá Lợi Phật.

Vì vậy, cho đến nay chùa Viên Đình đã có hơn 30 tháp Xá lợi Phật do 7 trung tâm Phật giáo trên thế giới với 8 lần cúng dường và 9 lần nghinh đón.

Xá lợi Phật tại chùa Viên Đình có đủ các màu sắc, kích cỡ khác nhau. Trong mỗi một tháp Xá lợi Phật có rất nhiều viên nhỏ, mỗi viên Xá lợi Phật khi nhìn ở các góc cạnh khác nhau lại phát ra một loại màu sắc riêng tạo nên vẻ đẹp lung linh, huyền ảo.

“Xá lợi Phật là báu thân của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Vì thế, nơi nào có Xá lợi Phật thì nơi ấy sẽ bình yên, cuộc sống người dân sẽ được ấm no, hạnh phúc. Đặc biệt Phước điền (áo ruộng phước – PV) của Đức Phật sẽ tỏa ra muôn nơi diệt trừ cái ác, gieo mầm cái thiện lành” – thầy Chơn Phương cho biết.

Với hai “linh vật” huyền thoại có từ thời Lý

Chùa Viên Đình được một vị vua nhà Lý cho xây dựng ở đây là bởi nó gắn liền với sự tích về hai cây duối khổng lồ và quả chuông cổ huyền thoại.

Thầy Chơn Phương cho hay: “Vào đầu thời nhà Lý, với mong muốn đưa đạo Phật phát triển, nhà vua đã đi đến nhiều vùng quê để tìm thế đất xây chùa, tạo điều kiện cho các chư Tăng hoằng dương Phật pháp. Khi đi đến vùng đất Đông Lỗ, nhìn thấy hai cây duối đại thụ đứng cạnh nhau mang dáng dấp đôi con rồng rất lạ”.

“Vì thế, vua cho xây dựng chùa trên nền đất có hai cây duối và sắc phong cho cặp duối đại thụ này là Thần mộc hộ quốc. Sau khi chùa xây dựng xong, nhà vua cho đúc quả chuông đồng nặng hơn 2 tấn và khắc lên đó một bài minh” – thầy Chơn Phương chia sẻ.

 

 
Đôi cây duối khổng lồ mang dáng vẻ như đôi uyên ương ở ngay cổng chùa

 

Cũng theo thầy Chơn Phương thì khoảng thế kỷ 15, trên vùng đất Đông Lỗ đột nhiên xuất hiện rất nhiều yêu ma và thường tụ tập quanh các nghĩa địa trong vùng. Hàng đêm, chỉ nghe thấy những âm thanh rú rít mà không bao giờ nhìn thấy chúng.

Nhưng khi gióng lên ba hồi chuông từ quả chuông khổng lồ ở chùa Viên Đình giữa đêm khuya sẽ làm lũ yêu ma kinh hãi, thét lên những âm thanh kỳ dị và dần tan chảy, biến mất trong bóng đêm không bao giờ trở lại.

Trải qua bao thăng trầm của thời gian, đến nay tháp chuông và quả chuông huyền thoại ấy vẫn nguyên vẹn ngay trong khuôn viên chùa Viên Đình.

 

 
Quả chuông nặng hơn 2 tấn được đặt trên tháp chuông ở góc vườn chùa Viên Đình

 

“Tuy nhiên cả mấy thế kỷ trôi qua, quả chuông vẫn còn giữ được nguyện vẹn nhưng tháp chuông được làm bằng gỗ lim đang bị xuống cấp. Nếu như không được bảo tồn thì sẽ bị sập nát và không còn giá trị nguyên vẹn của nó nữa” – thầy Chơn Phương trăn trở.

Riêng với hai cây duối nằm cạnh nhau ngay sát cổng chùa phải mấy người ôm mới hết, có tán xum xuê. Dù đã ngót nghét cả nghìn tuổi nhưng lá cây lúc nào cũng xanh tốt, lớp vỏ xù trông khá lạ.

“Vào mùa hè, hai cây duối sẽ nở hoa vàng rực và có mùi thơm lan khắp một vùng. Khi đó ong, bướm khắp nơi kéo về. Những ngày ấy, nhiều du khách trong và ngoài nước, kể cả các Phật tử thập phương xa gần đều về chùa để chiêm bái hai linh vật quý giá này cùng với tháp Xá lợi Phật” – thầy Chơn Phương chia sẻ.

Bùi Hiền

Rực rỡ và khắc khoải – vuongtrinhan/BS

19 Th4

Rực rỡ và khắc khoải

Chất ba-rốc trong Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều

Giữa những hướng đi khác nhau và luôn luôn biến hóa đắp đổi lẫn nhau, văn hóa hiện đại – trong đó có mốt – không bao giờ quên một kênh phát triển độc đáo: trở về với những giá trị cổ điển. Quần áo giầy dép không chỉ ngày một giản dị gọn gàng mà có khi lớp lang cầu kỳ như vẫn thấy ở các ông hoàng bà chúa ngày xưa. Nhà cửa thì bên trong phải có những tiện nghi hiện đại, nhưng — trong một số trường hợp — bề ngoài càng giống lâu đài cung điện càng tốt. Cách đối xử có xu hướng hạn chế bớt những suồng sã thô thiển để tìm tới vẻ lịch sự và trang trọng. Hình như nay đã đến lúc người ta bình tĩnh hơn trong việc nhìn nhận cái gọi là chất quý tộc và thấy rõ rằng quý tộc không chỉ đồng nghĩa với suy đồi tàn tạ, quý tộc còn nên được hiểu như một phẩm chất của văn hóa, và giá được sống như quý tộc mà không làm phiền đến xã hội thì cũng hay hay! Không rõ một mỹ cảm như vậy sẽ ảnh hưởng đến cách ăn mặc vui chơi hay sáng tác của chúng ta ra sao, nhưng chắc chắn nó đã là điều kiện thuận tiện để giúp chúng ta công bằng hơn trong việc nhìn nhận một số hiện tượng văn hóa, chẳng hạn như trường hợp Cung oán ngâm khúc. Mấy chục năm nay ở ta, khúc ngâm 356 câu ấy của nhà thơ Nguyễn Gia Thiều gần như bị đẩy vào quên lãng. Sách in thưa thớt: ở Hà Nội giữa hai lần in có khi cách nhau đến gần ba chục năm, phải vào các thư viện lớn mới tìm ra sách để đọc. Trên ghế nhà trường phổ thông, học sinh không được giảng Cung oán ngâm khúc, chỉ thỉnh thoảng lớp trẻ mới được nhắc qua rằng có một khúc ngâm như thế, song đại khái đó là tác phẩm tiêu cực, một thứ văn chương yếm thế lại kiểu cách khó hiểu. Sự thực thì sáng tác của Nguyễn Gia Thiều đâu có một chiều đơn giản như vậy. Một nghệ thuật điêu luyện Cũng như hàng loạt tác phẩm văn học cổ như Truyện Kiều, Nhị mộ mai, Hoa tiên, Chinh phụ ngâm. v.v… quả thật Cung oán ngâm không dễ đến với bạn đọc hiện đại. Ngôn ngữ cô đọng, gò thắt, không chấp nhận bất cứ sự “dừng chân” nào vội vàng chiếu lệ. Nhìn vào bản in, mỗi câu thơ kéo theo cả đoạn dài chú thích, câu nào cũng chồng chất những điển tích lấy ra từ sách tận đời Hán đời Đường thì làm sao khỏi ngại cho được! Một thứ quy phạm nghiệt ngã đã khống chế ngòi bút tác giả. Chẳng những thế, câu chữ trong Cung oán ngâm thường khi có một vẻ đẹp riêng, vẻ đẹp vương giả, trau chuốt cầu kỳ mà kiêu sa, tráng lệ: – Trải vách quế gió vàng hiu hắt Mảnh vũ y lạng ngắt như đồng – Mùi tục lụy lưỡi tê tân khổ Đường thế đồ gót rỗ kỳ khu Sóng cồn cửa bể nhấp nhô Chiếc thuyền bào ảnh lô xô mặt ghềnh – Chiều tịch mịch đã gầy bóng thỏ Vẻ tiêu tao lại võ hoa đèn – Lò cừ nung nấu sự đời Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương Ai người có thói quen đồng nhất cái đẹp với cái giản dị và chỉ biết đến một sự hoàn thiện tự phát là hoàn thiện theo kiểu dân dã, những người ấy dễ khó chịu với Cung oán ngâm. Họ thường viết về thành tựu nghệ thuật của Nguyễn Gia Thiều với một sự thông cảm có pha chút chiếu cố. Song đã đến lúc nên có một cách hiểu phóng túng hơn về cái đẹp: mộc mạc tự nhiên đã đành là đẹp rồi, song rực rỡ, óng ánh, thậm chí dụng công tô điểm như người con gái son phấn một cách khéo léo khiến người ta phải trầm trồ khen ngợi, vẻ đẹp ấy vẫn cứ rất đẹp, đáng trân trọng. Như những hàng cột uốn và các vòm mái huy hoàng ở các nhà thờ, những pho tượng sơn son thiếp vàng lộng lẫy ở các cung điện đã rất đẹp: ấy là khi con người muốn cạnh tranh với tự nhiên và tạo ra một thế giới bổ sung bên cạnh tự nhiên. Một triết lý không dễ từ chối Vượt qua cái lạ của câu chữ là cái lạ của triết lý, thứ triết lý này cũng toát ra qua từng câu thơ Cung oán ngâm với tất cả vẻ đậm, gắt trong bút pháp tác giả. Đạo Phật nói đời là bể khổ. Nguyễn Gia Thiều không nói gì hơn, chỉ có một điều ông thấm thía nó một cách sâu sắc và diễn tả như là chính người cung nữ của ông, chính ông nữa, vừa phát hiện cho mình. – Kìa thế cục như in giấc mộng Máy huyền vi mở đóng khôn lường – Nghĩ thân phù thế mà đau Bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê. Trong cái bể khổ đó, mỗi con người trở nên hết sức bé nhỏ, sự tồn tại của họ là một cái gì phi lý (Phong trần đến cả sơn khê – Tang thương đến cả hoa kia cỏ này… Trăm năm còn có gì đâu– Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì …). Mỗi khi muốn bảo nhau rằng thơ Việt Nam cổ điển cũng trừu tượng siêu hình lắm, các nhà thơ hôm nay thường dẫn ra cách hình dung về con người của Nguyễn Gia Thiều: Cái quay búng sẵn trên trời– Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm. Chúng tôi muốn bổ sung thêm: đấy còn là thứ thơ đi sát cảm giác tôn giáo nữa. Khi con người bị đẩy vào cõi bơ vơ cũng là lúc ý niệm về một thế giới khác thường đến với họ. Tại sao Nguyễn Gia Thiều lại đứng ra thuyết minh cho một thứ triết lý như vậy? Trả lời câu hỏi đó, người ta thường nói tới sự điên đảo của cuộc đời trong cái thời mà một nhà thơ tài hoa và uyên bác như ông phải sống. Có điều cũng nên biết là trong nền nghệ thuật thế giới, có một giai đoạn được xác định là nghệ thuật ba-rốc. Qua cách diễn tả của nhiều tác giả ba-rốc nổi tiếng như Bernini trong kiến trúc, Rubens, Van Dyck … trong hội họa, Tasso, Calderon v.v… trong văn học, cuộc đời thường hiện lên với tất cả tính chất mong manh không ổn định của nó. Khi xem nó không khác gì ảo ảnh, “cả cuộc đời này thật ra là một sân khấu lớn” – cũng là lúc người ta cảm thấy vỡ mộng. Mộng càng đẹp thì nỗi xót xa khi vỡ mộng càng lớn: giữa con người và hoàn cảnh mất đi sự hòa hợp vốn là đặc trưng của nghệ thuật phục hưng. Từ nay, những ám ảnh về cái chết không sao rời khỏi đầu óc người ta nữa. Thời gian cũng không còn mang cái chất trung tính bình thường, giờ đây thời gian trở nên một thế lực làm phai tàn mọi vẻ đẹp, làm hủy hoại mọi giá trị của đời sống. Phù du được coi như một thuộc tính không thể sửa chữa của tồn tại. Tưởng như những nhận xét đó được viết để dành riêng cho Cung oán ngâm và Nguyễn Gia Thiều. Các nhà lịch sử và lý luận nghệ thuật đã có lý khi coi nghệ thuật ba-rốc không chỉ là một hiện tượng Châu Âu và Ibêria Mỹ mà là một thành phần vĩnh hằng của văn hóa. Nó là cả một hướng phát triển của đời sống tinh thần con người. Trong sự vận động liên tục của lịch sử, những thời điểm con người có cái nhìn bi đát về mình cũng như về cuộc đời như vậy là những giai đoạn, những nấc thang, những pha cần thiết để họ có thêm sm tiếp tục đi tới. Một lời mời gọi đầy sức quyến rũ Có một nghịch lý thường thấy ở nghệ thuật ba-rốc: sau khi bảo cuộc đời là phù du, là ảo ảnh, sau khi làm lây truyền một mối lo sợ siêu hình, các tác phẩm này đồng thời lại mời gọi người ta trở lại với cuộc sống, trên thực tế, chúng luôn luôn gợi ra niềm khao khát hưởng lạc, thậm chí có khi còn châm ngòi cho một sự bùng nổ nhục cảm mạnh mẽ. Không hẹn mà nên, những quy luật phổ biến đó trong nghệ thuật ba-rốc cũng được Nguyễn Gia Thiều tận tình thực hiện. Nếu ở những đoạn triết lý nói trên, người ta có thể trách tác giả đã gán cho người cung nữ một vai trò gượng gạo – lấy đâu ra một cung nữ uyên bác đến vậy! – thì khi trình bày nỗi khao khát hưởng thụ người ta mới thấy ông đã chọn được một người phát ngôn tuyệt vời. Xưa nay, trong văn học Việt Nam, mọi khoái cảm xác thịt chỉ được diễn tả một cách lấp lửng nửa vời nếu không nói là giấu biệt đi, bảo nhau không nên đả động tới. Ở Cung oán ngâm khúc người phụ nữ mất hết vẻ e thẹn vốn có, nàng sẵn sàng khoe ra tài năng vẻ đẹp , và cả khả năng quyến rũ của mình. Áng đào kiểm đâm bông não chúng Khóe thu ba dợn sóng khuynh thành Bóng gương lấp ló trong mành Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa Trong cuộc đời chờ đợi dài dằng dặc của nàng, những giây phút cùng nhà vua chung chăn chung gối được xem như một kỷ niệm lớn Đêm hồng thúy thơm tho mùi xạ Bóng bội hoàn lấp ló trăng thanh Mây mưa mấy giọt chung tình Đỉnh trầm hương khóa một cành mẫu đơn Niềm hạnh phúc vụt đến rồi lại vụt đi ấy được nàng nhắc lại với đầy đủ chi tiết (Xiêm nghê nọ tả tơi trước gió…) và nỗi luyến tiếc lộ liễu (Cái đêm hôm ấy đêm gì…). Một mặt nàng oán trách số phận đã đẩy mình tới cảnh “mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng”; mặt khác nàng vẫn không thôi hy vọng “Hòng khi động đến cửu trùng – Giữ sao cho được má hồng như xưa”. Trong điều kiện của thế kỷ XX, con người hiện đại hẳn dễ dàng thông cảm với những ham muốn có vẻ tội lỗi ấy ở nhân vật. Đọc Cung oán ngâm khúc, do vậy, là một cách để sống trọn vẹn hơn cái thế giới đa dạng bao quanh chúng ta. Cuộc du lịch tuy ngắn ngủi nhưng để lại những ấn tượng thật đậm. Ngôi đền nghệ thuật ấy có vẻ đẹp riêng của một kiến trúc cổ, song lại gợi ra những suy tư, những xúc động rất trần thế. Cho nên trước khi nói đến những hạn chế nào đó của tác phẩm, thiết tưởng việc cần hơn là ghi nhận hết cái độc đáo có một không hai mà chỉ riêng nó mới có, chính cái độc đáo ấy cũng là lý do khiến khúc ngâm này của Nguyễn Gia Thiều trường tồn cùng lịch sử.

 

Đã in trong Những kiếp hoa dại

TẢN MẠN VỀ THƠ CÁCH TÂN VÀ CÔNG CHÚNG – phamvietdao/BS

19 Th4

Nguyễn Khắc Kình

Một bạn làm thơ trẻ nói với tôi:
-Hình như những người lớn tuổi thời nay không có cảm tình và cổ vũ cho thơ cách tân của giới trẻ?
Tôi đáp lại nhà thơ trẻ bằng một câu hỏi:
-Vậy bạn hiểu thơ cách tân là gì?Vì sao bạn yêu thích nó?
Sau một phút lúng túng, bạn làm thơ trẻ nói:
– Thơ cách tân là thơ của các nhà thơ trẻ viết không theo vần điệu, thơ chỉ để đọc theo một mạch suy tưởng,đọc thơ toàn khối và đi thẳng vào cái “Tôi”…
Nghe đến đây tôi đế thêm vào :
– Thơ phải “hiện đại hóa”, phải “toàn cầu hóa” nữa chứ , bạn?
Trong thực tế, thời đại  nào cũng vậy, thời kỳ nào cũng vậy, công chúng luôn tìm đến thơ hay để đọc chứ đâu có phân biệt thơ nào là cách tân , thơ nào là không cách tân?Bởi lẽ, cách tân đâu chỉ ở hình thức biểu hiện mà trước tiên và sau cùng là ở nội dung tư tưởng mới của thơ,là sự chứa đựng giá trị nhân bản đích thực , nó lay động , đánh thức, nuôi dưỡng tâm hồn người đọc bằng hình tượng thơ, ngôn ngữ thơ…
Có một thời kỳ trước đây, ta đua nhau gắn mọi thứ với cái nhãn hiệu:“Đổi mới tư duy”,“Hộp đen”…để bàn thảo, hoạch định?Sau đó người ta cũng quên dần những gán ghép hình thức ấy để đi vào cái “cốt lõi” của phương châm hành động đích thực mang lại hiệu quả thiết thực ! Cũng giống như hiện nay, trong nền thơ,ta đang đua nhau đưa ra những là: “ Cách tân thơ”, “Siêu thực –hiện đại thơ”,” Toàn cầu hóa thơ”…vân vân và vân vân.Cứ nghe mà rối tung cả lên với không ít những “lý lẽ kinh viện” cao siêu,rườm rà…còn đâu đầu óc thanh thản  mà cảm nhận ,thưởng thức nữa?
Ta từng rất tự hào với kho tàng văn học phong phú từ Hán đến Nôm ( trong đó có dòng thơ Hán- Nôm) của cha ông ,ta từng tự hào với thơ tiền chiến, rồi dòng thơ hào hùng đi cùng hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc…Kho tàng thơ ca quý giá,đậm đà bản sắc dân tộc ấy đã thật sự đóng góp lớn lao vào công cuộc dựng nước , giữ nước,đóng góp to lớn vào thắng lợi của công cuộc chiến đấu gìanh lại tự do, độc lập của Tổ quốc ta!
Lội ngược dòng lịch sử văn chương , ta thấy rõ một điều rằng :
– Thời đại nào thì có thơ ca của thời đại đó, thơ ca mang đậm diện mạo thời đại,tư tưởng thời đại. Và, ta cũng dễ dàng nhận biết được rằng, trong quá trình vận động ấy tất yếu phải có sự đổi mới của thơ ca, trào lưu “ Thơ Mới” những năm 1930 là một ví dụ, nó đã sản sinh ra những tác giả, tác phẩm thu hút được không ít độc giả . Tuy nhiên, để khẳng định được vị thế của “ Thơ Mới”, nhiều luồng tranh luận, “ bút chiến” cũng đã nổ ra để cuối cùng, thơ nào có công chúng thì thơ ấy “ đứng được” và có cơ phát triển!Vận vào “ Thơ cách tân” tính đến thời điểm hiện nay cũng vậy, muốn “đứng được” thì trước hết nó phải có người đọc , thơ phải được công chúng tiếp nhận tự giác!Tiến sỹ Phan Hồng Giang, trong một bài viết về thơ hiện nay đã có một liên tưởng thật xác đáng: “ Văn chương thưa vắng người đọc khác nào bóng đá trước khán đài lưa thơ người xem” và “Văn thơ dở thì chỉ còn nước là chính tác giả cùng vợ con, bạn bè thân quý gật gù thưởng thức, như hàng xấu thì không ai mua dùng…”
Ở thời điểm này, trong các buổi sinh hoạt Câu lạc bộ thơ ở các phường phố, thôn làng , các hội viên đủ các lứa tuổi, đủ các trình độ , ngoài việc đàm đạo về thơ phú, đọc cho nhau nghe những vần thơ theo thể thơ truyền thống, người ta còn tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề , như :Thơ Quang Dũng với thời kỳ Tây tiến,Thơ Chính Hữu, Hữu Loan với anh bộ đội thời chống Pháp, Thơ Phạm Tiến Duật và các bài hát thời kỳ chống Mỹ cứu nước,Thơ Nguyễn Duy với thơ lục bát hiện nay, thơ Xuân Quỳnh, thơ Phan thị Thanh Nhàn với những người phụ nữ.v.v..
Công chúng yêu thơ rất công bằng,rất tỉnh táo “Chọn thơ hay “ để thưởng thức! Những bài thơ, tập thơ mang dấu hiệu “cách tân” ra đời ,thời gian cũng đã không dưới chục năm nay nhưng nó chưa vào được công chúng , bởi như một số người đọc đã đánh giá:- Nó mới nảy nòi ra mà đã xa rời thơ truyền thống, chưa đi vững đã lo chạy vội theo kiểu “ hiện đại hóa”, “Tân hình thức”, “siêu thực Âu –Mỹ”?…
Có điều cần sớm cảnh báo rằng:
-Chính những bạn làm thơ trẻ đang hăm hở , nhiệt thành với thơ cách tân nhưng hiểu về nó chưa đến nơi, đến chốn, những nhầm lẫn sinh ra do bị choáng ngợp bởi sự hấp dẫn của lối “thơ dịch” , bởi sự cổ súy quá lời của một số ai đó đang muốn nhanh chóng phất lên ngọn cờ “cách tân thơ”? Làm sao có thể đặt thứ thẩm mỹ:“Ở phần háng, phần hông dậm rựt, ở vòm ngực muốn ghì…”( thơ cách tân) bên cạnh: “ Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên” hoặc: “ Thân em vừa trắng lại vừa tròn… “ được? Làm sao người đọc có thể đánh nhòa cái nhìn của : “Anh lên xe,trời đổ cơn mưa/Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ…” với cái nhìn của : “Hôm nay, trèo lên nhà cao, nhìn xuống thành phố/…Nhìn rõ dòng người đang nuốt từng cá thể”( thơ cách tân-“Hoan ca”)…
Tôi hỏi bạn làm thơ trẻ rằng:
-Thơ văn xuôi đang thịnh hành trong trào lưu thơ cách tân hiện nay có phải là thơ không vần ?-(Im lặng!)…
Một đoản văn không bao giờ được gọi là một bài thơ văn xuôi, càng không thể là một bài thơ không vần nếu bản thân nó không có nhịp điệu ngôn ngữ( tiết tấu) và nhạc điệu,cho dù là mạch thơ dài hay ngắn ( xuống dòng có viết hoa hay không viết hoa?). Thơ không vần tuy rằng thoát ly khỏi vần luật nhưng nhất thiết nó phải tồn tại bởi nhịp điệu, nhạc điệu của thơ thì mới được nhân danh thơ!Mọi sự ngụy biện rắc rối khác đều không có tính thuyết phục!
Có người lo lắng rằng:
-Khi bước vào “toàn cầu hóa” thì thơ ta phải “Anh ngữ hóa”, phải “Internet hóa” nên lúc ấy “ Vần luật Việt”, “nhạc điệu Việt” đâu còn là cái gì?Từ suy nghĩ chủ quan thiếu cơ sở ấy mà “thơ văn xuôi” đã bị văn xuôi hóa một cách vô lối!Người ta cho rằng “cách đọc thơ bây giờ dường như không đọc câu, đọc chữ mà đọc để cảm nhận cả một khối tổng thể”và “Thơ hậu hiện đại là trò chơi ngôn ngữ , hiện thực được giấu kín vào các tầng lớp ngôn ngữ, những ma trận chữ nghĩa”. Thì ra là vậy, huyền bí và cao siêu là vậy? Chả trách gì đông đảo công chúng đọc thơ cách tân mà không dễ gì hiểu nổi, nói gì đến hưởng thụ cái đẹp của thi ca? Và có ai đó dõng dạc nói rằng người đọc thời nay, muốn đọc được thơ cách tân, muốn hiểu được thơ cách tân thì chí ít cũng phải được qua một lớp “bồi dưỡng” các  kiến thức sơ đẳng về: “Phân tâm học”, “Tính dục học”? ,hiểu về “Tư tưởng S.Freud”, “ Vô thức trí não”?…Thế mới biết theo kịp được trào lưu “hiện đại hóa thơ”thật nhiều nỗi gian truân ?,thế hệ  người đọc bây giờ cũng phải nâng cấp trình độ thẩm thơ? Tất nhiên!Giống như cái tai nghe hát Chèo,nghe hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, nghe hát Xoan Phú Thọ…bây giờ cũng cần được “Rock hóa”, “Za hoá”thì mới nghe được thủng, mới thấy được cái hay của vốn cổ dân tộc đó chăng?…
Trong câu chuyện với bạn làm thơ trẻ, tôi có vui nhắc đến món “Phở Việt” là món ẩm thực có hạng , được rất nhiều thực khách nước ngoài ưa chuộng, ca ngợi!” Phở Việt” đương nhiên đứng ngang hàng các món “ Súp” của Tây,với nguyên liệu Việt, gia vị Việt và cách chế biến của người Việt, chứ đâu cần mượn thứ gia vị nào của Tây, cách chế biến Tây?Lại nữa: Dân ca quan họ Bắc Ninh, Hoát xoan Phú thọ, Nhã nhạc Cung đình Huế của đất nước ta đương nhiên là Di sản văn hóa phi vật thể của cả loài người kia mà,nó mãi mãi được tôn vinh, gìn giữ và phát huy trong đời sống , trong bối cảnh bão táp “ toàn cầu hóa”…
Những ý kiến tản mạn trên đây của tôi về “ thơ cách tân” có thể hơi lộn xộn và ở góc nhìn nào đó còn phiến diện, chủ quan…Biết vậy mà “lực bất tòng tâm”, mong bạn làm thơ trẻ bỏ qua cho! Lẩn thẩn lại nhớ một câu ca xưa, rằng: “ Đi đâu mà vội mà vàng/ Mà vấp phải đá, mà quàng phải dây?/Đàng hoàng như chúng anh đây/ Chẳng đá nào vấp, chẳng dây nào quàng!”Đường đi của “ thơ cách tân “ còn đang ở phía trước, ta cứ tỉnh táo “cách tân thơ”,ta cứ dụng công thể nghiệm, cứ cho ra đời các tác phẩm “cách tân”như sự sinh sôi của tự nhiên…nhưng hãy tự nhắn nhủ nhau, hãy vô tư giúp nhau có lời khen, chê vừa đủ “độ”cần thiết , vừa đủ để chiêm nghiệm cùng sự đào thải nghiêm khắc của công chúng và thời gian! Cũng như có lần,nhà thơ Nguyễn Hữu Quý sau khi đọc “ Hoan ca” của Đỗ Doãn Phương đã có một lời chia sẻ với tác giả “Hoan ca” rằng: “…Tôi hy vọng anh ( Đỗ Doãn Phương) sớm quên đi giải thưởng vừa được nhận của Hội Nhà văn Việt Nam để có những tác phẩm hay”.
Những ý kiến trái chiều khi nhìn nhận, đánh giá về một tập thơ,nhất lại là đối với những tập thơ được tặng giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam ,dưới các góc nhìn khác nhau là chuyện bình thường trong đời sống văn chương.Thiết nghĩ, sao ta không đạt ra tiền lệ “Tham khảo ý kiến của công chúng”khi xét và tặng “Giải thưởng thơ”?Giống như trao giải thưởng :“Bước nhảy hoàn vũ” hay “ Giải bài hát Việt” hàng năm của VTV?Bên cạnh “Điểm” của Ban Giám khảo(Số ít người) còn tham khảo “ Điểm “ khán , thính giả bình chọn( Số đông công chúng)?
Thời buổi này, các phiên họp của Quốc hội, các cuộc chất vấn Thủ tướng Chính phủ,chất vấn các Bộ trưởng…còn được công khai trước công chúng cơ mà?Công khai ,dân chủ sẽ thực sự giải phóng tư tưởng công dân, là hướng “mở” để tạo cơ hội cho mọi công dân thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình trước cộng đồng là vậy chăng!
Đời sống văn hóa,văn chương nói chung, đời sống thi ca nói riêng sẽ ngày một sáng sủa hơn và thực sự được xác lập vị trí xứng đáng của nó trong quá trình tiến triển xã hội, một khi nó được trân trọng ,một khi nó không bị những chi phối chủ quan, cảm tính gây nên “ nhiễu xạ” đối với sự một thống nhất cần thiết giữa nhà thơ và công chúng, giữa tác phẩm và người đọc!
Câu hỏi thay cho lời kết ý kiến của tôi là câu hỏi :- Những gắng gỏi của chúng ta với sự phát hiện, cổ vũ, khuyến khích cho “Cách tân thơ” hiện nay phải chăng nhằm tăng tốc để theo kịp trào lưu “Hiện đại hóa thơ toàn cầu”? phải chăng đó là những việc làm nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới?
                                                                                                 N.K.K.
                                                                                 ( Quận Hà Đông-Hà Nội)

Tiểu thuyết « Biển và Chim bói cá » : tâm hồn thơ trong một thế giới đang tan rã

19 Th4

 

Trang bìa cuốn “La Mer et le Martin-pêcheur/Biển và Chim bói cá”

Đầu tháng Tư vừa qua, có một sự kiện văn hóa quan trọng. Đó là tác phẩm “Biển và Chim bói cá ” của nhà văn Bùi Ngọc Tấn được trao giải thưởng mang tên nhà văn Pháp chuyên viết về biển Henri Queffélec (1910 – 1992), nhằm tôn vinh những tác phẩm viết về biển trên thế giới.

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn nổi tiếng với tiểu thuyết Chuyện kể năm 2000, nói về nhà tù, trại cải tạo ở Việt Nam, mà bản thân ông đã từng là một chứng nhân bất đắc dĩ. Sau khi ra tù, nhà văn Bùi Ngọc Tấn được nhận vào làm việc tại một xí nghiệp hải sản ở thành phố Hải Phòng. Hai mươi năm gắn bó với những người làm nghề biển đã cho ông chất liệu để làm nên cuốn tiểu thuyết này.

Tiểu thuyết “Biển và Chim bói cá“xuất bản ở Việt Nam năm 2009, được tái bản năm 2010, sau đó được dịch giả Tây Hà chuyển sang tiếng Pháp. Cuốn sách được nhà xuất bản l’Aube phát hành năm 2011, với tựa đề “La mer et le martin-pêcheur“. Nhân sự kiện này, chúng tôi đã hỏi chuyện nhà văn Bùi Ngọc Tấn và dịch giả Tây Hà.

 

Biển và Chim bói cá – cuốn duy nhất trong 5 tiểu thuyết ra đời suôn sẻ Nhà văn Bùi Ngọc Tấn rất ít trả lời báo chí truyền thông. Chúng tôi rất mừng vì được ông nhận lời nói chuyện. Trước hết, chúng tôi xin hỏi cảm tưởng của nhà văn sau khi biết tin về giải thưởng mang tên Henri Queffélec của Festival Sách và Biển (Pháp) được trao tặng cho tác phẩm Biển và chim bói cá. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn cho biết tâm sự của ông : Bùi Ngọc Tấn : « Tôi muốn nói điều này trước khi trả lời. ‘‘Biển và Chim bói cá’’ là một trong năm cuốn tiểu thuyết của tôi. Và đấy là quyển duy nhất được công bố suôn sẻ mà không gặp khó khăn gì. Còn ba quyển tiểu thuyết đầu khi tôi viết, thì bị tịch thu khi tôi bị bắt năm 1968. Và quyển thứ tư của tôi là ‘‘Chuyện kể năm 2000’’ thì khi in xong cũng bị cấm, gọi đúng danh từ là ‘‘thu hồi, tiêu hủy’’. Biển và Chim bói cá không bị số phận như bốn quyển trước, mà lại có số hên là được giải thưởng, mà lại là một giải thưởng danh giá ở Pháp, là một nước có nền văn hóa lâu đời, một nền văn hóa đầy sức thuyết phục với lại thế giới. Tôi nhận được tin. Đây là điều mình không ngờ đến. Duyên kỳ ngộ với dịch giả Tây Hà … Phải nói thật với anh là, cái giải thưởng này, cái Liên hoan Livre et Mer này, chính tôi cũng không biết là có nó. Bây giờ, nhận được giải thì mới biết. Nhận được giải thưởng tôi vui lắm. Đây là một giải thưởng quốc tế mà tôi tin chắc là Ban giám khảo rất công tâm, và không có một yếu tố nào ngoài văn học chen vào trong việc thẩm định giá trị của nó. Cho nên tôi tự hào, vì đây là một cuộc thi mà tôi thấy gồm có những người tài giỏi, những nhà văn chuyên nghiệp, kể cả có ông cựu đô đốc hải quân, là người rất hiểu về biển. Rồi có những nhà văn ở Canada, ở Bỉ. Cho nên tôi nói đùa với dịch giả Hà Tây là chiến thắng của anh em mình là được đấy, chứ không đến nỗi xoàng đâu. » Tác phẩm Biển và chim bói cá được dịch giả Tây Hà chuyển sang tiếng Pháp với tên gọi La mer et le martin pêcheur, do nhà xuất bản L’Aube phát hành năm ngoái. Cơ duyên nào và vì sao dịch giả Tây Hà lại quyết định chọn dịch cuốn sách này. Tây Hà : « Tôi muốn dịch Bùi Ngọc Tấn, vì trong quyển Hợp tuyển thi văn Việt Nam/Anthologie de la littérature vietnamienne của giáo sư Lê Thành Khôi, có lời khen Bùi Ngọc Tấn. Vì thế, năm kia về Việt Nam, tôi mới nhờ một người trong họ liên lạc và xuống Hải Phòng gặp tác giả. Ông đưa cho tôi quyển Biển và Chim Bói cá, và nói rằng, ông rất mừng vì có người định dịch quyển này. Khi cầm quyển sách đọc qua, tôi thấy cũng khó. Tôi cũng biết là có nhiều người trong nghề đã xem qua cuốn sách nhưng không nhận dịch. Nhưng chúng tôi khi gặp nhau đã có cảm tình với nhau ngay. Thế thì, vì tình cảm, vì liều lĩnh, tôi cũng thử liều xem dịch quyển này. » Định cư ở Pháp từ lâu, dịch giả Tây Hà là người gắn bó với cả hai nền văn hóa Việt Pháp, sau đây là suy nghĩ của ông về công việc dịch thuật cuốn tiểu thuyết vừa được vinh danh của nhà văn Bùi Ngọc Tấn : Tây Hà : « Dịch Bùi Ngọc Tấn là một thử thách, vì ông viết rất hay, từ vựng của ông cũng rất phong phú. Văn của ông vừa dí dỏm, vừa đậm hồn thơ. Báo chí ở Festival Concarneau so văn của Bùi Ngọc Tấn với Concarneau, với Kundera, rất nên thơ và rất dí dỏm. Dịch sang tiếng Pháp thì phải chuyển được cái hồn thơ. Cái dí dỏm thì nằm trong ý của chuyện rồi. Còn để chuyển được cái hồn thơ cũng khó, vì mỗi ngôn ngữ – trong tâm của độc giả – có cái gì đó khác hẳn nhau. Khi một lời được nói ra thì nó đập vào tâm hồn người đọc. Tâm hồn của người đọc Pháp khác với tâm hồn người đọc Việt Nam. » Đời sống ở biển qua cái nhìn thơ trẻ Về Biển và chim bói cá, phản ứng của độc giả Việt Nam có nhiều khác biệt. Trong khi một số người ca ngợi sự phong phú của đời sống trong cuốn tiểu thuyết, thì một số người khác lại cho rằng cuốn sách khó theo dõi vì ngồn ngộn chi tiết, rất nhiều nhân vật, nhưng thiếu đi một cốt truyện rõ ràng. Về việc làm thế nào để đi đến được với chiều sâu của Biển và chim bói cá, chúng tôi đặt câu hỏi với tác giả, hy vọng những gì ông nói sẽ giúp thêm cho quý vị trong việc thưởng thức tác phẩm này. RFI : « Thưa nhà văn, có một số người cho rằng tác phẩm này tương đối khó đọc. Riêng bản thân tôi, khi đọc thấy phần một của câu chuyện, có nhiều tuyến nhân vật đan xen, nhưng có một nhân vật là cậu bé, mà ông đã dành cho một lượng trang khá lớn. Và dường như cái nhìn cuộc sống của những người ở biển, qua con mắt cậu bé đó, thì nó làm cho phần này có một cái gì đó tươi mát, cuốn hút. Vô hình chung, nó trở thành một chất keo, kết dính những mảnh đời khác, những cảnh ngộ khác, trở thành một động lực của phần một. Nhưng đến phần hai thì cậu bé không còn xuất hiện nữa. Có cảm giác như phần hai của tiểu thuyết có một cái đó ngột ngạt. Phải chăng đó là một trong những điều mà ông muốn truyền đến độc giả ? » Bùi Ngọc Tấn : « Đúng là như thế. Cái cậu bé lần đầu tiên ra biển, được bố thưởng một chuyến đi biển, sau khi thi đỗ chuyển cấp trung học, chính là tôi, … là anh, … là những cậu bé được sinh ra, nhìn đời với con mắt trong trẻo tuyệt vời, nhìn biển với con mắt háo hức, và cảm thấy tất cả là của mình, và dành cho mình. Tôi muốn diễn đạt cái cảm xúc rất trong trẻo đối với đời, đối với người và những gì chờ đợi mình. Thế nhưng rồi, cái thực tế không phải thế. Thực tế là, cậu bé dần dần nhận ra mỗi người có hai khuôn mặt. Cuộc sống có hai khuôn mặt. Thế rồi, có lẽ phải định nghĩa lại về bố chăng ? Vì bố mình không như mình hằng tưởng tượng, hằng nghĩ, hằng quan niệm. Tôi muốn nói một ý thế này : Hãy vun trồng những gì tốt đẹp nhất cho con người, đừng để thui chột đi, đừng để thất vọng. Trong phần hai, tôi trình bày một thực tế mà cậu bé sẽ sống, rồi sống trong cái ấy, như cậu ta đã đi, không phải khám tàu, mà chuyên đi khám tàu, chuyên đi lập biên bản của tàu, và cậu ta thành một con người khác. Và cậu ta coi đó là cậu ta nhận thức được cuộc đời. Đó là một điều rất buồn. » Cuộc sống vừa lỏng lẻo, vừa chặt chẽ Phần một của tiểu thuyết Biển và chim bói cá kết thúc với cuộc chia tay giữa thuyền trưởng Chơn và Hòa vào một sớm mù sương bên bờ biển, khi tàu của Chơn bắt đầu một đợt ra khơi rất dài ngày, chia tay ngay sau vào lúc họ vừa mới đến được với nhau, sau bao nhiêu ngăn trở. Kết thúc phần một cũng là lúc tính cách hồn nhiên của nhân vật cậu bé mất đi hoàn toàn. Trong phần hai, cuộc sống của những người lao động trên biển ít hiện diện hơn nhiều. Tác giả Biển và chim bói cả dành sự chú ý nhiều hơn cho cuộc sống trên bờ. Sự tương phản giữa ánh sáng và bóng tối dường như đã rất khác. Cuộc sống đang sang một trang mới. Nói về phần hai của tiểu thuyết, nhà văn Bùi Ngọc Tấn cho biết : Bùi Ngọc Tấn : « Trong cái phần này, tôi muốn trình bày một cuộc sống như tôi nhìn thấy và như tôi thấu hiểu nó. Cuộc sống mà tôi sống hai mươi năm ở xí nghiệp đánh cá này không chia ra tuyến nọ, tuyến kia, không có người cực xấu và người cực tốt, người buôn ma túy và anh công an đi bắt kẻ buôn ma túy, có ông Jean  Valjean và cảnh sát Javert. Cuộc sống của đa số dân Việt Nam bình thường, sống trong giai đoạn đang rất gian lao đó, là cuộc sống người ta quanh quẩn kiếm ăn, bằng lòng với những gì nhỏ nhoi đạt được, rồi hợp tác với nhau chuyện này, rồi lại rời nhau ra, rồi lại hợp tác với người khác chuyện khác, cốt làm sao qua được ngày. Đấy là cuộc sống là tôi chứng kiến và tôi muốn mô tả. Tôi chiêm nghiệm điều này từ lâu lắm rồi : Cuộc sống sao rất lỏng lẻo, mà nó lại chặt chẽ đến thế. Chẳng hạn, chúng tôi chẳng liên can gì đến ông Mao Trạch Đông cả, nhưng vì có ông Mao Trạch Đông mà chúng tôi bị bắt ấy. Nói được điều ấy tôi cho là một nhà văn đích thực. Tôi thì tôi cố để đạt được một chút cái phẩm chất ấy. » Biển và Chim bói cá với công chúng Cảm nhận của các độc giả Pháp như thế nào đối với cuốn Biển và chim bói cá/La mer et le martin pêcheur, chúng tôi đặt câu hỏi với dịch giả Tây Hà. Ông chia sẻ : Tây Hà : « Độc giả Pháp rất cảm động khi đọc về những người mà cuộc sống khổ sở, vất vả như thế. Đọc xong họ rất cảm động, thương cho những người sống ở đấy. Cuốn sách viết rất nhiều tình cảm, rất có hồn thơ. Người ta thích là thế. Ngay cách đùa dí dỏm của người Việt Nam, người Pháp cũng hiểu, cũng thích. Còn về cấu trúc của truyện, thì ở Đại hội Liên hoan Sách và Biển, rất được người ta hoan nghênh. Trong bản tuyên dương của Ban giám khảo có lời khen, cấu trúc rất tuyệt vời. » Tác phẩm của Bùi Ngọc Tấn được người đọc tiếp nhận ở nhiều góc độ khác nhau, nhà văn cho chúng ta biết thêm một con đường khác đưa Biển và Chim bói cá đến với công chúng. Bùi Ngọc Tấn : « Trên báo chí chính thống thì không có một bài nào. Nhưng [tiểu thuyết Biển và Chim bói cá] lại được đài Tiếng nói Việt Nam đọc dòng dã trong vòng một năm trời. Tôi rất vui khi thấy đài Tiếng nói Việt Nam đọc tác phẩm của tôi. Tôi cũng xin kể một chuyện vui ở đây. Sau đó, tôi được 800.000 đồng nhuận bút, tức là khoảng 40 đô la, nhưng vui lắm. Chân tôi bị đau, tôi đi chữa chân bằng xoa bóp, mấy ông xoa bóp khi biết tôi là tác giả Biển và Chim bói cá, thì họ vui lắm, rồi họ làm đấm bóp, rồi chuyện trò thích lắm. Cái đó động viên tôi nhiều lắm ! » Viết vì bị dồn đến chân tường, viết để giải tỏa, viết để ghi lại Biển và chim bói cá nói về đời sống của một liên hiệp đánh cá biển, về thân phận những con người lấy biển là nguồn sống. Mô tả chân thực và cụ thể đời sống thường ngày của những người dân biển qua hai thập niên đầy biến chuyển, Bùi Ngọc Tấn đồng thời làm công việc của một người « chép sử ». Trả lời Diễn đàn, một tờ báo mạng của trí thức gốc Việt ở Pháp, khi được hỏi nếu có thể tóm lại một câu về cuốn sách này, thì ông nói gì, nhà văn cho biết : đây là sử thi, quyển tiểu thuyết sử thi về sự tan rã. Đáp lại đề nghị của chúng tôi xin được giải thích rõ hơn về điều này, nhà văn Bùi Ngọc Tấn giải thích : Bùi Ngọc Tấn : « Tôi có nói với Diễn đàn là, đây là một quyển sử thi về sự tan rã. Sử thi không chỉ là để nói về chuyện thành lập cái này, cái kia. Trong cái tan rã, có những cái rất bi hùng. Tan rã ở đây là về ý thức hệ, từ chỗ tuyệt đối tin tưởng, rồi đến hoang mang dao động rồi mất lòng tin ; tan rã từ chỗ đoàn kết gắn bó với nhau trở nên rời rạc, phân rã, mỗi người một kiểu ; tan rã trong tình bè bạn, tan rã trong tình đồng chí, tan rã trong một tổ chức, một lý thuyết tổ chức chỉ đạo sản xuất. Tôi nghĩ rằng, tôi cố gắng phản ánh thực tế của sự tan rã ấy bằng những chi tiết cụ thể, chi tiết sinh động, mà không ai có thể chối cãi được. Không ai có thể bảo là tôi bịa đặt. » Tác giả của ba cuốn tiểu thuyết bị tịch thu trước khi xuất bản, bị giam giữ nhiều năm, rồi cuốn tiểu thuyết thứ tư lại bị thu hồi và tiêu hủy, chưa kể bao nỗi gian truân trong cuộc đời, sức mạnh nào khiến ông vẫn tiếp tục sáng tác. Chúng tôi đặt câu hỏi với nhà văn. Bùi Ngọc Tấn : « Tôi có viết một câu về ông Lê Đại Thanh, trong bài ‘‘Một ông già sống cho đến khi chết’’ (in trong tập Một ngày dài đằng đẵng, NXB Hải phòng, 1999). Tôi viết như thế này : Ông viết như một người bị dồn đến chân tường. Dồn đến chân tường cũng tạo nên sức mạnh. Tôi cũng là người viết vì bị dồn đến chân tường. Cái thứ hai là để mà vợi. Trong Chuyện kể năm 2000, tôi có nói, một anh đi tù ra không có chỗ nào để đi đến nữa thì kinh lắm. Cái trải nghiệm của Dostoiepski là có thật đối với tôi. Mà Trần Dần có câu thơ tôi thích lắm : ”Hãy chỉ cho tôi nơi nào vợi bớt được tôi đi”. Không còn nơi nào vợi, chỉ còn trang giấy trắng mà vợi chứ không thì … Có lẽ nếu không viết được như thế thì tôi, hoặc là ung thư, hoặc là mắc một bệnh thần kinh gì đó rồi. Trở lại lúc tôi viết Chuyện kể năm 2000, là khi tôi chưa đến 60 tuổi. Tôi viết thâu đêm. Hồi đấy tôi vẫn còn đi làm. Tôi viết, người khỏe ra. Sáng tôi đến cơ quan, tôi lại làm mọi việc, hoặc là tôi lại uống bia. Thế rồi, tôi tìm một chỗ nào, tôi ngồi cày nốt. Rồi đêm tôi thức, chong đèn dầu, mũi đen xì, viết không có quạt, nóng bức, … nhưng mà khỏe ra. Cái đó là nhu cầu cần được giãi bày. Thứ nữa, tôi nghĩ rằng mình đã chứng kiến những việc này, đã sống những ngày như thế này, mà bỏ qua, đến tuổi chết mang theo thì không thể được. Bây giờ nói nôm na, nói to tát ra là trách nhiệm công dân, trách nhiệm nhà văn, nhưng mà tôi chỉ thấy, nếu không viết thì tiếc quá, thế thành ra tôi cố viết … ». RFI xin chân thành cảm ơn nhà văn Bùi Ngọc Tấn và dịch giả Tây Hà đã vui lòng dành thời gian cho tạp chí hôm nay.

Cảm nghĩ và nhận xét của một số nhà văn và nhà phê bình về

Biển và Chim bói cá

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên

« Ông viết về thực tế của đời mình, khi ông làm việc ở một nhà máy đánh bắt hải sản. Khi viết thành tác phẩm văn học, ông đã mô tả lại cả một giai đoạn của nền kinh tế Việt Nam, của xã hội Việt Nam, từ thời bao cấp chuyển qua thời kinh tế thị trường, chuyển đổi cơ chế quản lý. Nhưng nói đến văn học là nói về con người. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn đã nói đến sự biến chuyển của con người, sự tha hóa đạo đức (…) Tôi đánh giá đây là một tác phẩm tốt, chứng tỏ được ngòi bút của Bùi Ngọc Tấn ».

Nhà văn Tạ Duy Anh, người biên tập cuốn “Biển và Chim bói cá

« Trước hết tôi nồng nhiệt chúc mừng nhà văn Bùi Ngọc Tấn về giải thưởng mà ông vừa được nhận, mặc dù tôi không biết giải thưởng đó có quan trọng với ông hay không.

Cái được của tiểu thuyết này là ở nội dung hiện thực đầy chất thơ, thứ chất thơ đang là của hiếm bởi nó rất khó bảo tồn, trong một môi trường lao động nghiệt ngã mà sự nghiệt ngã ở đây là ngoài việc con người phải vật lộn với thiên nhiên như một thế lực khổng lồ – yếu tố khách quan không thể chi phối – còn phải vật lộn với cơ chế xã hội tù túng và méo mó, làm tiêu tan ý chí và khát vọng, làm gỉ mòn những điều tốt đẹp vốn rất cần để tăng sức mạnh cộng đồng. Nếu hình dung Biển và Chim bói cá như một bức tranh, thì quả thật nó có yếu tố trữ tình hoành tráng, bi tráng, một thứ lãng mạn khắc khổ, có hơi hướng chống lại sự tuyệt vọng.

Tôi muốn kể lại đôi chút quá trình biên tập để bản thảo cuốn Biển và Chim bói cá có thể ra đời. Khi tôi nhận bản thảo thì nó đã nằm ở nhà xuất bản Hội nhà văn chừng 2 năm và trước đó nữa còn nằm ở đâu thì tôi không biết. Khi đó nó mang tên khác mà hiện tôi không còn nhớ. Tôi đọc bằng tâm trạng khá hồi hộp, vì cũng lo không biết liệu mình có đủ bản lĩnh cho nó ra đời hay không (bản thảo này đã nằm trên bàn biên tập người khác vài năm). Nhưng khi đọc thì tôi lại có xu hướng cứ chờ đợi xem bao giờ thì đến phần gay cấn khiến cho việc ra đời của nó khó khăn? Và khi gập sách lại thì tôi rất ngạc nhiên: Một cuốn sách hiền lành, trong sáng, đậm dấu ấn Hiện thực xã hội chủ nghĩa – thứ lý thuyết văn chương hầu như đã chết ở Việt Nam trừ vài nơi người ta mang ra làm trò cười – mà tại sao nó lại gặp khó khăn khi muốn xuất bản? Thì ra mọi người ngại cái tên của tác giả Chuyện kể năm 2000 (điều này vẫn là tình trạng phổ biến của hầu hết các nhà xuất bản ở Việt Nam. Nhiều cái tên vẫn luôn bị chú ý, trước khi tác phẩm của họ được mổ xẻ về nội dung).

Cho dù vô cùng hâm mộ nhà văn Bùi Ngọc Tấn cả về tài năng và bản lĩnh sống, thì tôi cũng phải nói thật là cuốn này của ông không thực sự thu phục được tôi (như những gì ông từng có trước đó). Nói thế không có nghĩa cuốn sách bị đánh giá thấp. Trước hết, với Bùi NgọcTấn, không thể chất lên vai ông nhiệm vụ tạo ra những cách tân văn chương mà phần nhiều người ta nghĩ đến cách tân hình thức, giọng điệu, hệ thống biểu tượng. Ông không có sứ mệnh ấy. Trước sau ông vẫn là nhà văn trung thành với nhiệm vụ phản ánh hiện thực và rất khó thoát những quy phạm mang tính định hướng chính trị độc tôn một thời, làm nên chân dung của thế hệ nhà văn lớp tuổi của ông. Ông chỉ là người tự đi chệch ra khỏi cái đường ray ấy, do những biến cố không mong muốn.

Bùi Ngọc Tấn hấp dẫn người đọc như một nhà văn phản kháng lại hiện thực nhưng bằng tấm lòng vị tha. Ngay cả Chuyện kể năm 2000, với hình thức mang nặng yếu tố Hồi ký, thì tính hấp dẫn là ở cái nội dung hiện thực khốc liệt, kinh sợ được kể lại một cách chân phương. Nếu cuốn đó mà cách tân về thủ pháp thì có khi lại hỏng. Đến cuốn Biển và chim bói cá cũng vậy. Tôi đồng ý là nó khó đọc (với một số nào đó, nhất là những người trẻ) có lẽ do nó thiếu hấp dẫn về hành văn, giọng kể, ít kịch tính, ít gây tò mò. Nó cũng không có sự thách đố nhức nhối của tư tưởng triết học hay thẩm mỹ, mặc dù hình như tác giả cũng cố gắng làm điều đó.

‘‘Lý thuyết Hiện thực xã hội chủ nghĩa’’ đề cao tính sự kiện, tính lớp lang rõ ràng. Người viết không được đi ra ngoài những quy phạm về thẩm mỹ, về ý nghĩ. Người ta đã được mặc định trước là, bản chất của xã hội là phải đẹp, bản chất của cuộc sống là phải đẹp, rồi bản chất của người lao động, của tất cả những yếu tố tạo nên xã hội này là đẹp. Chỉ có điều, những điều xảy ra trong xã hội ấy có thể nó không được như người ta mong muốn. Nhưng cuối cùng, tất cả đều phải hướng đến một tương lai sáng lạng, khiến con người phải tin vào xã hội, tin vào cuộc đời, tin vào thể chế. Trong tiểu thuyết của anh Tấn, có dấu ấn của sự tả chân, thiên về liệt kê các sự kiện, rồi những mô tả, …

Thường thường ở những nhà văn tin vào lý thuyết hiện thực xã hội chủ nghĩa, bao giờ [tác phẩm] cũng chân chất, cũng rành mạch giữa cái tốt – cái xấu, giữa cái đúng – cái sai, cái đen – cái trắng. Tất nhiên tôi không nói cuốn này theo lý thuyết ấy, nhưng nó không thoát ra khỏi. Nhiều khi người viết cũng không ý thức được điều đó, nhưng mà nó cứ khuôn theo, vì nó ăn vào tiềm thức rồi. Lớp nhà văn ở lớp tuổi anh Tấn khó thoát, trừ một vài trường hợp.

Tất nhiên, anh Tấn là một người có những trải nghiệm đau thương qua cuộc đời, để hiểu rằng hiện thực của xã hội không đơn giản như người ta nói. Ở đây, những trải nghiệm thực tế vượt qua những định hướng về mặt tinh thần mà một lớp nhà văn không thể nào thoát ra được. Ngay bản thân những người như tôi, thực sự cũng có lúc không thoát ra được. Đó là cái vĩ đại của sự tuyên truyền ».

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh

« Tôi nghĩ cuốn sách không dừng lại ở chỗ tả thực, mà muốn đi sâu hơn nữa, nói đến thân phận của một con người, như con chim bói cá kiếm miếng ăn ngoài biển. (…) Trong hoàn cảnh như thế mà vẫn giữ được nụ cười. Phải nói thật là khó. Đọc cuốn sách của anh ấy, từ đầu đến cuối chúng ta đều thấy những nhận xét hóm hỉnh, những chuyện vui trong cuộc đời, tếu trong cuộc đời. Từ thời ông Vũ Trọng Phụng mất đi, những tác gia Việt Nam ít khi lấy được cái nụ cười nhiều như vậy. Anh đã trải qua nhà tù rồi, ở giữa trần gian cũng đầy những cái cười ra nước mắt.

Cái cuốn sách của anh Tấn, anh em người viết như chúng tôi lớn tuổi, trạc tuổi anh Tấn rất thích. Ngoài Chuyện kể năm 2000 ra, Biển và Chim bói cá là một cuốn tiểu thuyết hay của Việt Nam. Tôi mong độc giả nhận được cái hay, cái khó khăn của một thời chúng tôi đã sống, mà anh Tấn là đại diện đã viết ra để mọi người đọc như thế là rất quý ».

VĨNH NGUYÊN bàn về một chữ Yêu của hai nhà thơ xứ Huế – lethieunhon

19 Th4

VĨNH NGUYÊN bàn về một chữ Yêu của hai nhà thơ xứ Huế

Lời thơ của hai nhà thơ xứ Huế đều giản dị, nói như nói bộ, nghĩa là không hoa mỹ ngôn từ. Nhưng, chữ yêu của Phùng Quán và cách nói của Phùng Quán là nói từ bên trong, và quyết liệt lật cả gan ruột để chứng minh với người đời rằng, tình yêu trước hết là phải chân thật, không thể đổi thay trước mọi cường quyền nên năng lượng thơ sâu và đượm, độc giả nhớ lâu… Còn Nguyễn Khoa Điềm thì: “Người ơi, tôi yêu người tha thiết / Tôi sống với người, chết vì người” là cách nói nịnh bợ, quyết nói lấy được, vuốt ve, vờ vịt bên ngoài nên thơ sáo rỗng, nhạt, trơn tuột.

VỀ MỘT CHỮ “YÊU” CỦA HAI NHÀ THƠ XỨ HUẾ
1 – Phùng Quán: Yêu ai cứ bảo là yêu Ghét ai cứ bảo là ghét Dù ai ngon ngọt nuông chiều Cũng không nói yêu thành ghét Dù ai cầm dao dọa giết Cũng không nói ghét thành yêu. “Lời mẹ dặn – 1957”
2 – Nguyễn Khoa Điềm Người ơi, tôi yêu người tha thiết Tôi sống với người, chết vì người Cõi lặng. Tôi vượt qua ghềnh thác Đến những miền trong xanh…     “Cõi lặng  – 2003”
Lời thơ của hai nhà thơ xứ Huế đều giản dị, nói như nói bộ, nghĩa là không hoa mỹ ngôn từ. Nhưng, chữ yêu của Phùng Quán và cách nói của Phùng Quán là nói từ bên trong, và quyết liệt lật cả gan ruột để chứng minh với người đời rằng, tình yêu trước hết là phải chân thật, không thể đổi thay trước mọi cường quyền nên năng lượng thơ sâu và đượm, độc giả nhớ lâu… Còn Nguyễn Khoa Điềm thì: “Người ơi, tôi yêu người tha thiết / Tôi sống với người, chết vì người” là cách nói nịnh bợ, quyết nói lấy được, vuốt ve, vờ vịt bên ngoài nên thơ sáo rỗng, nhạt, trơn tuột.
Bởi vậy, Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam đã loại “Cõi lặng” ra khỏi giải văn học hàng năm (2007) của Hội là hoàn toàn sáng suốt.                                                                                                                                                                                          VĨNH NGUYÊN                                                                                           Tel: 0126 2566 822

Chân dung Nguyễn Du (Kỳ 3) – VHNA

19 Th4

Nhóm tác giả (*)

Triết lý đoạn trường

[Nguyễn Sỹ Tế]
Tôi rất ngần ngại khi phải trở lại một vấn đề đã cũ: bàn về Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du. Ngại ngần hơn nữa khi mà tác phẩm đó ít lâu nay trở thành đề tài cho những “tiếng nói chính thức” khen cũng như chê, ý thức hay vô tình, vụ lợi hay không vụ lợi.

Trong nghề nghiệp của tôi, tôi đã từng va đầu phải một chân lý già nua nhưng vĩnh cửu đã hơn một lần các văn học sử gia ghi nhận và kêu gọi: Chúng ta cứ tha hồ mà hao dụng mọi phương tiện thăm dò với cái tham vọng cắt nghĩa hết thảy, chiếu sáng hết thảy, rốt cuộc vẫn còn một xó tối nào đó nơi một tác giả, một tác phẩm mà không một “ánh sáng khoa học nào” có thể xuyên qua được; khi đó chúng ta chỉ còn có một lối là dùng trực giác của chúng ta mà thôi. Và sau hết thảy, một tác phẩm tự nó chứng tỏ cho nó, tự nó nói với người đọc, tự nó xếp chỗ ngồi cho nó!
Trong một bài tiểu luận đăng trong một số Sáng tạo cũng như trong một vài cuốn sách nhỏ viết cho học sinh trung học tôi đã khiêm mẫn gút vấn đề tư tưởng của Nguyễn Du vào một tấn thảm kịch nội tâm. Xin nhắc lại sơ qua để làm khởi điểm cho bài viết này.
Tấn thảm kịch nội tâm của Tố Như có thể rút về ba cuộc tranh chấp song đồng:

  • Trước hết là cuộc tranh chấp ảnh hưởng giữa ba ý thức hệ căn bản của Đông phương xưa. Đã gần chín thế kỷ rồi, từ thời tự chủ, Phật giáo và Khổng giáo lần lượt thay nhau thống trị tư tưởng Việt Nam, rốt cuộc, qua những phen thử thách gay go nhất là hồi cuối thế kỷ XVIII vẫn không đem lại an bình cho quốc gia Việt Nam. Người ta bắt đầu nghi ngờ giá trị của những phương pháp ứng dụng, nếu không là nghi ngờ giá trị nội dung của những ý thức hệ đó.
  • Thêm vào đó là tấn thảm kịch của một người đứng ở một ngã ba đường lịch sử phải chọn nhận một thái độ: ra làm quan với nhà Nguyễn hay vẫn trung thành với kỷ niệm của nhà Lê. Ngả đường đã giẫm chân lên rồi, Tố Như vẫn chưa hết thắc mắc. Mấy ai đã hoàn toàn tự chủ, không lỗi lầm, và đoán trước được mọi bất ngờ của việc đời, và chỗ vô thường của chính tâm lý mình?
  • Sau rốt là sự tranh chấp giữa hai xu hướng thẩm mỹ nơi nhà thơ: thuận tình tới mức đã đạt tới của nghệ thuật hay phải đưa nó tới những bến bờ mới lạ. Không ai chối nhận được “tính cách kim thời” – modernisme – trong thi tài của Nguyễn Du.

Đó là những tranh chấp không tầm thường, không phiến diện, mà là những tranh chấp bám chặt vào ý thức của Tố Như làm nên cuộc khủng hoảng lương tâm, cuộc khủng hoảng đức tin, hiểu theo một nghĩa rộng, của tác giả. Đoạn trường hơn nữa, tấn thảm kịch nội tâm đó kéo dài vô tận mà dày vò nhà thơ cho đến lúc nhắm mắt phải thốt lên:

Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ thùy nhân khấp Tố Như?

Vậy thì hôm nay đây, theo gót một số người xưa: các thi gia Phạm Quý Thiên, Tôn Thọ Tường, Chu Mạnh Trinh, v.v. với trực giác và dưới ánh “tranh sáng tranh tối” của tấn thảm kịch trên, tôi thử gắng hệ thống hoá vấn đề, khoác cho nỗi đoạn trường của Tố Như một bộ áo mới, nghĩ rằng: Hãy khởi đầu rút vấn đề tư tưởng của Nguyễn Du về điểm dứt khoát nhất là thái độ của tác giả đối với cuộc sống, đối với những nỗi thống khổ ở trên đời: Triết lý về sự Đau khổ, Triết lý Đoạn trường
Lại nữa, từ tấn thảm kịch nội tâm đặt ra vấn đề tư tưởng của Tố Như, nhận xét đầu tiên của chúng ta phải là: Triết lý Đoạn trường đó, – danh từ hiểu theo nghĩa rộng, – tác giả không đặt trên bình diện của triết học thuần luận cao siêu mà chỉ đặt trên bình diện thông thường của thế nhân lấy bản thân làm luận cứ [1] .
Trả Nguyễn Du về nghĩ của thường nhân, cảm của nghệ sĩ, cảm và nghĩ của một người mà cuộc đời là ngay chứng tích của Đoạn trường, nhiên hậu ta mới đạt tới thực trạng tư tưởng của tác giả, đạt tới đâu là ý nghĩa và giá trị của sự Đau khổ, đâu là thái độ cần có.
I. Ý nghĩa và giá trị của đau khổ
Ý nghĩa và giá trị của sự Đau khổ? – Mà thật thế, Đau khổ không phải là một danh từ vô ích khi mà nó là một thực tại cũng già như nhân loại. Ấy thế mà rồi vì cớ này hay cớ khác, con người vẫn ít nhiều coi nhẹ thực tại đó.
1. Tố Như tuy không lớn tiếng rêu rao, song thật đã thâm cảm chân lý khởi đầu: Bài học Đoạn trường phải là một bài học chủ quan, thực nghiệm như mọi người Việt Nam ghi nhận trong câu:

Đoạn trường ai có qua cầu mới hay

Ý nghĩa của chân lý đã quá rõ. Phải có chính mình qua cầu Đoạn trường mới thấy sự Đau khổ là thấm thía như thế nào, quật ngã con người ra sao. Phải chính mình qua cầu Đoạn trường mới thấu hiểu những phản ứng vô thường từ cực cao đẹp đến cực xấu xa của người trong Đau khổ. Phải có qua cầu Đoạn trường mới hay cái cực hình của Đau khổ. Ngoại giả là mỹ ý suông không hoặc sai lệch tai hại.
Nhận như thế, chúng ta không lấy làm lạ nữa trước những cư xử của Thuý Kiều trong bao năm luân lạc từ bán mình chuộc cha đến đâm đầu xuống sông Tiền Đường tự tận: thất thân với Mã Giám Sinh, cúi lạy Tú bà, theo Sở Khanh, ra ở thanh lâu, chịu đòn để lấy Thúc Sinh, ăn cắp chuông vàng khánh bạc trốn khỏi nhà Hoạn Thư, xui Từ Hải ra hàng, chuốc rượu Hồ Tôn Hiến bên xác chồng, v.v.
Nhận như thế, chúng ta mới hiểu nỗi đau nhục của tác giả, một người đã khởi quân chống Tây Sơn vì nhà Lê, để rồi lại ra làm quan với nhà Nguyễn; chúng ta mới thấy rõ cái “dơ dáng dại hình” của một thứ “hàng thần lơ láo” không xếp nỗi chỗ ngồi cho mình trong phong trào mới. Ai muốn nói khôn cứ việc nói khôn, Tố Như hãy xin nói một câu chuyện kinh nghiệm, một câu chuyện thế tình của một người đã chứng kiến cái chết đập xác vào tường của mấy đứa trẻ thơ con quan tư đồ Diệu, cái nhục hình của thi hài Quang Trung bị giam và bị tán nhỏ buông sông, cái cảnh sĩ phu Bắc Hà điệu từng đàn từ Thăng Long vào Thuận Hoá rồi lại điệu ra Thăng Long, cái chết của Ngô Thời Nhiệm dưới roi đòn thù của Đặng Trần Thường, v.v.
Điều đó có khác chi trường hợp của Cao Bá Nhạ trong Tự tình khúc. Người ta có thể khắt khe lý thuyết mà trách cứ họ Cao: “Tại sao Cao không dám ngang nhiên chống đối chính quyền nhà Nguyễn, không dám ngang nhiên bạo động về sự suy sụp gần kề của ý thức hệ và tổ chức xã hội thời bây giờ, khi mà ông còn lạ gì pháp luật thời đại, khi mà ông đã thấy rõ cái mệnh ngàn cân treo trên đầu sợi tóc? Được như thế có phải giá trị tư tưởng của khúc ca lên cao biết mấy không?”. Tôi nghĩ rằng trách như thế, mặc dầu có phần hữu lý, người ta đã ở ngoài cầu Đoạn trường vậy. Nếu như giá trị tư tưởng của khúc ca có bị sút kém vì thế, thì cũng chính vì thế mà giá trị ghi nhận tâm lý của khúc ca được trội lên. Ai trong chúng ta là chẳng có bản năng tự tồn? Tác giả đã nói đúng cái tâm lý quẩn quanh của một tên tử tù đơn độc cố bám lấy cái sống. Thêm nữa lại nên lưu ý rằng nạn nhân bám lấy cái sống không phải chỉ cho riêng mình như người “Thiếu nữ cầm tù” của André Chénie, mà còn vì hơn một lý lẽ khác mà lẽ trường tồn gia tộc quý giá của Đông phương là một. Tấn thảm kịch tư tưởng của Cao Bá Nhạ là ở chỗ: xuất thân từ cửa Khổng sân Trình, làm một nạn nhân cùng cực một chế độ chính trị và xã hội, ông muốn tìm một lối thoát cho tư tưởng hay ít nhất cũng cho tâm tưởng của mình mà không được, nên không còn biết làm gì hơn là bám lấy gốc nguồn để tự tạo cho mình một niềm an ủi mong manh.
Điều đó cũng có khác chi tấn thảm kịch của đại đa số loài người ngày nay săn đón bởi bao sức lực bạo tàn, ngồi ở một nơi mình không muốn, nhận những tội lỗi mình không làm, nói điều mình không tin, gục đầu trên hệ luỵ áo cơm và sự sống, trong một cuộc khủng hoảng lương tâm mênh mông, trong ám ảnh thường xuyên của bom đạn, hàng rào thép gai, đồn lũy, nhà tù, trại tập trung.
2. Ý nghĩa, – tôi muốn nói rõ hơn nữa, mối cảm thụ, – của Đau khổ phải là một ý nghĩa thật trải là như thế, và con người nhiều khi chỉ còn là một thứ đồ chơi trong bàn tay của Định mệnh. Nói như thế không có nghĩa là bảo sự đau khổ không có cái giá trị của nó. Thêm vào sự thật thứ nhất trên, chúng ta còn phải kể tới một sự thật khác: giá trị đào luyện và làm cao cả con người của sự Đau khổ. Tố Như không minh thị nói điều này trong tác phẩm của tiên sinh, song lý ưng phải là như thế. Hơn nữa đây cũng là một chân lý phổ biến không lạ gì đối với tiên sinh.
Chúng ta hãy tự hỏi: Giá trị của Thuý Kiều chứng tỏ làm sao nếu không có mười lăm năm luân lạc? Dầu chẳng cực đoan như Chu Mạnh Trinh nói: “Thì sao còn tỏ được là người thục nữ mà đủ đường hiếu nghĩa, tay đàn bà mà lại có cơ quyền”, chúng ta cũng phải nhận rằng mối từ tâm rộng lớn của Thuý Kiều, thái độ nhẫn nhục của nàng trong cơn đương đầu với lưu lạc, việc nàng dám chọn cái chết ở sông Tiền Đường để rồi lại trở về sum họp với Kim Trọng khi mà thâm tâm nghĩ “còn tình đâu nữa, là thù đấy thôi”… phần lớn là do bài học Đoạn trường vậy.
Lại nữa, giá trị rung cảm của thi phẩm của Tố Như ở đâu mà ra, nếu không là ở chuỗi thống khổ dài của nàng Kiều? Người xưa nói: Nước sông Tiền Đường đã rửa oan cho Thuý Kiều. Chúng ta phải hiểu rằng: Nước sông đó đã “gạn đục, khơi trong” cho nàng. Hay rõ hơn: Cái chết của Thuý Kiều, – hay là nỗi thống khổ cùng cực của nàng cũng thế, – đã làm nàng sạch mọi tội lỗi ở cõi đời này, và bên kia nấm mồ sâu tất cả phải là im lặng.
Tại sao chúng ta lại cứ muốn điều đặc biệt? Đã nói Tố Như tử xin thuận tình đặt vấn đề trên bình diện thế tình. Tại sao chúng ta lại muốn bắt Thuý Kiều phải làm những điều mà đa số thế nhân không làm được, kể cả nhiệt độ tình yêu qua thời gian của nàng đối với Kim Trọng? Triết gia Edgar Quinet đã nói: “Tâm hồn con người cũng cùn nhụt với tuổi sống” (Les âmes s’émoussent en vivant). Thi hào Victor Hugo cũng khai triển một luận đề tương tự trong bài Đêm đại dương (Nuit d’océan): “Sự lãng quên cũng là nhân đạo”.
Sẽ thừa chăng khi nói tới thái độ sống nhẫn nhục của Nguyễn Du trong phong ba lịch sử thời tiên sinh. Giá trị của Tố Như chính là giá trị của tấn thảm kịch nội tâm của tiên sinh vậy. Và về điểm này, chúng ta có thể so sánh Nguyễn Du với nhà đại thi hào của Đau khổ nước Đức cùng thế kỷ: Goethe.
Người ta cũng từng đã nói nhiều về giá trị đào luyện con người của sự Đau khổ. Tư tưởng Nho giáo, Phật giáo, văn học Tây phương đầy dẫy nhận định này. Nho giáo, cảnh cáo con người trên trường hành động về những thử thách cam go của cuộc đời. Phật giáo có cả một triết lý hùng hậu về sự khổ. Tây phương có câu: Người ta la một kẻ tập việc và sự đau khổ là ông thầy dạy việc (L’omme est un apprenti et la douleur son maitre). Thời đại mới của chúng ta cũng tung ra khẩu hiệu: Nhà tù là lò huấn luyện của cách mạng. Về điều Đau khổ làm cho con người thêm cao cả, hãy chỉ xin kể thơ của Alfred de Musset:

Không gì làm cao cả con người bằng một mối thống khổ lớn lao [2] .

hoặc:

Khúc đoạn trường là những khúc ca hay nhất Và tôi biết có những khúc ca bất hủ chỉ là những tiếng thổn thức đơn thuần [3] .

II. Thái độ cần có trước đau khổ
Phần trên đã xét về ý nghĩa và giá trị của sự Đau khổ. Nhận chân hai điều đó, Tố Như đã nghĩ gì về một thái độ của con người trước sự Đau khổ? Đây mới là phần “trên” phần xây dựng trong Triết lý Đoạn trường của tác giả.
1. Trước hết là thái độ đối với sự đau khổ của chính mình, đối với cuộc đời, đối với Định mệnh. Xưa kia, các tác giả Đông Tây nói tới Định mệnh, ngày nay thêm những nhận thức mới người ta nói tới “Thân phận con người”. Đặt vấn đề Định mệnh là đặt vấn đề cá nhân, mà đặt vấn đề Thân phận con người là đặt vấn đề tập thể rộng lớn. Ý nghĩa của hai điều hầu như rút về một. Là Định mệnh hay Thân phận con người thì đó cũng là một thực thể nhiều khi ở trong một cái vòng phi lý mà người đời phải nhận. Nhận rồi, con người chỉ còn có một lối cư xử là lợi dụng sự Đau khổ cho mình và cho đời. Chúng ta đã nói tới thái độ của Thuý Kiều trong cơn thống khổ. Nàng như đã tự sửa soạn đón nhận sự Đau khổ. Do đó Đoạn trường cũng hầu như không quật ngã được trọn vẹn người con gái đó. Cả cuộc đời nàng là một cái gương cưỡng lại với Định mệnh. Trong cuộc phân tranh này con người được hay thua còn tùy keo, tùy điều kiện. Sự thất bại không hẳn là một điều nhục. Thiện chí tranh đấu còn đáng kể hơn kết quả của tranh đấu. Như vậy không phải là một thái độ tiêu cực nhất đáng phải gạt bỏ như mấy nhà đạo đức kim thời hẹp hòi chủ trương. Tục ngữ ta có câu: “Còn nước còn tát”. Ông thầy chữa bệnh gắng gổ tới phút cuối cùng. Người dân quê Việt Nam vẫn cứ cấy cày mặc dầu trông thấy một thiên tai gần kề.
Trầm lặng nhận cuộc thử thách rồi, chúng ta chọn phương tiện tranh đấu thế nào? Với kinh nghiệm muôn đời của thế nhân, Tố Như bảo: Hãy lấy cái “tâm” hơn là cái “trí”. Sở dĩ phải chọn cái tâm làm phương tiện đấu tranh chính yếu trước, vì giá trị tự tại của cái tâm, mà sau còn vì lòng tin ở điều có thể “lấy tâm để sửa mệnh” trong khuôn khổ triết lý hằng cửu của dân tộc: Triết lý có Trời. Đến đây chúng ta tiến tới điểm tế nhị nhất trong triết lý đoạn trường của Nguyễn Du, và cũng là điểm tế nhị nhất trong tín ngưỡng của người Việt Nam: Định mệnh có hay không, Trời có hay không, không phải là vấn đề tìm hiểu hay chứng minh; vấn đề là ở chỗ tìm một thái độ đối với một thực tại đã hầu như thường xuyên. Trong một bài viết cũng trong tờ Sáng tạo, tôi đã có dịp nghĩ rằng đó cũng là một “quan niệm rất hiền triết” của người Việt Nam về tôn giáo, về cuộc đời.
Tuy nhiên, thái độ của Tố Như đối với sự Đau khổ ở đời cũng có những sắc thái riêng cần phân biệt. Tất nhiên đó không phải là chủ trương sống vô vi thanh tịnh kiễu Lão Trang, sống hồn nhiên như tạo vật tránh nhịp bạo tàn của định luật tang thương của bà Huyện Thanh Quan, xuất thế kiểu tiểu thừa của Phật phái, – việc đi tu của nàng Kiều chỉ là một việc chẳng được đừng. Đó cũng không hẳn là chủ trương nhập thế kiểu Đại thừa. Tố Như phàm trần hơn, nghĩ rằng một sự cứu vớt hợp lý phải bắt đầu bằng cự cứu vớt chính mình tỉ như luân lý thực tiễn của phương Tây nói: Lòng nhân từ xếp đặt đúng phải bắt đầu từ chính mình. Đó cũng không phải là những phản ứng tâm lý hồn nhiên, bướng bỉnh hay bừa bãi kiểu Hồ Xuân Hương. Vấn đề của Tố Như vừa đặt trên lĩnh vực tâm vừa trên lĩnh vực ý. Đặt trên lĩnh vực ý thức nó nhắc nhở tới chủ trương võ sĩ đạo của Nhật Bản hay chủ trương của Corneille hay chủ trương “khắc kỷ” (Stoïcisme) của Tây phương xưa mà nhà thơ Alfred de Vginy còn ca ngợi trong bài Cái chết của con chó sói:

Than khóc, cầu xin đều hèn cả. Hãy quyết tâm làm tròn nhiệm vụ nặng nề và lâu dài. Trên con đường mà số phận đã gọi ngươi, Rồi sau rốt, như ta, đau khổ và nhắm mắt không nói năng [4] .

Nhưng chủ trương “khắc kỷ” trên đây lại chỉ đặt trên cơ sở của lý trí mà thôi. Đặt trên lĩnh vực tâm, thái độ của Tố Như còn rộng rãi và “nhân tính” hơn thế. Lấy cái tâm để sửa mệnh chỉ là điều đến sau của một “lối xử trí bằng cả tấm lòng” của một “thái độ sống tận tình với cuộc sống” như một nhà thơ hoạt động của ta ca ngợi trong câu:

Phải sống đến vong tình, Không bao giờ tàn lụi!

Nói tới phản ứng ý thức, chúng ta cũng không nên vội cho rằng Nguyễn Du muốn đặt ra một vấn đề xã hội như cái bệnh của một số nhà phê bình thời nay ưa tìm kiếm hay đề cao. Tố Như còn rộng hơn thế, đặt vấn đề trong phạm vi nhân bản [5] . Hiểu như vậy tiếng than khóc trong Đoạn trường tân thanhkhông còn ý nghĩa kháng đối cái xã hội gọi là phong kiến Trung Hoa đời Minh, hay cái xã hội Việt Nam đầu nhà Nguyễn. Trong những nét thiên nhiên rộng lớn của nhà thơ thì hai cái xã hội đó cũng giống như một xã hội thời xưa nào đó, một xã hội thời nay nào đó, xã hội nhân loại trong những nét muôn thuở của nó, xã hội trong đó thân phận con người rủi ro chỉ là:

Phận bèo bao quản nước sa, Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh.

hay là:

Thân lươn bao quản lấm đầu.

và cô độc trong trường đời, người ta hãy cốt yếu là trong cậy vào chính mình:

Biết duyên mình biết phận mình thế thôi.

Ta không nên bi quan mà cũng chẳng nên lãng quên đối với người đời. Nhân quần chẳng tốt mà cũng chẳng xấu:

Nơi thì lừa đảo, nơi thì xót thương.

2. Nhận định đặc tính và khả năng của con người như trên, Tố Như cũng không đòi hỏi nhiều ở thái độ của chúng ta đối với sự Đau khổ của kẻ khác.
Đã biết “cánh hoa rụng chọn gì đất sạch”, con người “tay không đâu dễ tìm vành ấm no”, với bao phản ứng, vô thường trong đau khổ, thái độ mà nhà thơ này xin ở người đời đối với những nỗi đoạn trường của kẻ khác là khởi từ tâm, là một tấm tình thương vậy. Đó cũng là thái độ của mụ Quản gia, vãi Giác Duyên, sư Tam Hợp của tác giả và bao người sau tiên sinh đối với Thuý Kiều. Tình thương làm nên tất cả. Tình thương hàn gắn đoạn trường của người đau khổ. Và biết đâu tình thương một ngày kia lại không tiêu diệt được đoạn trường ở cõi đời? Hãy đến với kẻ đau khổ như chính mình đã qua cầu đau khổ vậy.
Xuống một bậc, giả thử chúng ta chưa trang bị nổi cho mình một tình thương cao đẹp, chúng ta hãy đến với đau khổ của nhân gian bằng một đầu óc hiểu biết. Đó là một điều công bằng. Và đó cũng là một thái độ khôn ngoan: biết đâu một ngày kia chúng ta lại không bị đẩy tới chân cầu đoạn trường khi mà:

Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu?

Xuống một bậc nữa, thái độ đối với Đoạn trường của kẻ khác tối thiểu cũng phải là một thái độ thành kính, tỉ như người ta thành kính trước Trời Phật mà người ta có thể không hiểu, trong một giáo đường mà người ta có thể chẳng có lòng tin. Đó cũng là một thái độ xứng đáng.
Tất cả những điều đó gồm lại trong thái độ mà nhà thơ gọi là “khấp Tố Như”.*

Triết lý đoạn trường của Nguyễn Du là thế. Tôi nghĩ rằng vấn đề tư tưởng của nhà thơ cũng khởi đầu từ đó và không đi xa nhiều lắm.
Đoạn trường tân thanh là tiếng kêu cầu cứu, là tiếng kêu báo động vì một tấn thảm kịch ngạt chìm sau cái vẻ ngoài hiền lành và trầm lặng của câu chuyện, cũng hiền lành và trầm lặng như nếp sống của tác giả, như nếp sống của dân tộc. Giá trị của tấn thảm kịch này cũng là giá trị của con người, giá trị của triết lý đoạn trường của Tố Như. Thêm nữa, nói về rung cảm, giá trị rung cảm của Đoạn trường tân thanh lại cũng nhờ ở tấn thảm kịch nội tâm của tác giả và của nhân vật chính hơn là ở câu chuyện tầm thường của Thanh Tâm Tài Nhân.
Tấn thảm kịch đó cũng chẳng khác mấy tấn thảm kịch của đa số chúng ta ngày nay và còn kéo dài không biết đến bao giờ nữa: tấn thảm kịch của con người, của nhân loại chia từ trong nội tâm của chính mình trở đi. Tấn thảm kịch tầm thường có lẽ, – cũng tầm thường như tấn thảm kịch trầm lặng muôn đời của người Việt Nam, – mà thanh niên suy nghĩ ngày nay cũng không phải là không có lý do lên án! Nhưng mà đặt trong chiều đo của thế nhân vĩnh cửu, giải pháp đòi hỏi của nó là một giải pháp cho lâu dài.
Muốn bay cao Tố Như đã miệt mài đi trong cái thấp, muốn một điều Tuyệt đối tiên sinh thuận tình tự giam trong cái Tương đối, thực hiện cái mà bất luận một người nào tầm thường đến đâu trong xã hội Đông phương xưa cũng ý thức được là sự thái hoà giữa con người và vũ trụ.
Cho nên với phép nhiệm mầu của ngôn ngữ thi ca mà không ai chối nhận nơi tác phẩm của Tố Như, trong cái thời hiện đại mà chỉ trong vòng chia tư thế kỷ các lý thuyết ầm ĩ nhất đua nhau nằm xuống, Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du trường tồn bởi vì nếu có một cái gì trường tồn trong cái thế giới điên loạn này thì đó phải là “những trang văn chương thật thà nhân sự”.

Nguồn: Khảo luận của Vũ Hoàng Chương – Nguyễn Sỹ Tế – Nguyễn Văn Trung – Trần Bích Lan – Đinh Hùng – Doãn Quốc Sỹ – Việt Tử – Trần Thanh Hiệp – Phạm Thếng – Thanh Tâm Tuyền – Vũ Khắc Khoan – Nguyễn Thị Sâm.

 

TRUNG QUỐC, CON NHIỀU VẤN ĐỀ NỘI BỘ – BBC

19 Th4

Hình minh họa

Tranh chấp Biển Đông tiếp tục nóng lên thời gian gần đây

Một chuyên gia hải quân Hoa Kỳ lạc quan rằng sẽ không xảy ra chiến tranh ở Biển Đông trong tương lai gần.

Bấm Giáo sư Peter A. Dutton, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc thuộc Trường Hải quân Hoa Kỳ (US Naval War College), cũng tái khẳng định Hoa Kỳ không đứng về nước nào trong tranh chấp lãnh hải.

Trả lời BBC Việt ngữ, ông nói Trung Quốc đã tập trung cho các vấn đề nội bộ hơn là chính sách gây chiến.

Giáo sư Peter A. Dutton: Tôi cho rằng chiến tranh ở Biển Đông sẽ không xảy ra trong tương lai gần vì một số lý do.

Thứ nhất, mặc dù xung đột giữa Trung Quốc với một hoặc nhiều quốc gia láng giềng tại Đông Nam Á sẽ chứng kiến việc Trung Quốc có lợi thế, nhưng chiến tranh chỉ càng gây thêm khó khăn cho Trung Quốc mà không giải quyết được vấn đề.

Trung Quốc phải chứng tỏ với thế giới rằng “sự trỗi dậy hòa bình” không chỉ là khẩu hiệu nhằm giữ được bầu không khí quốc tế có lợi cho quốc gia này. Chiến tranh sẽ khiến các quốc gia khác, không riêng gì ở Đông Nam Á mà cả trên thế giới, cảm thấy lo ngại và gần như chắc chắn rằng sẽ gây ra vấn đề kinh tế cho Trung Quốc. Chẳng hạn như cấm vận, cộng với việc gia tăng cân bằng quân sự và thậm chí thêm các thách thức ngoại giao đối với Trung Quốc.

Ngoài ra, cũng không có khả năng xảy ra xung đột giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ vì cả hai bên sẽ được ít mà mất nhiều.

Thứ hai, mặc dù tăng trưởng của Trung Quốc trong vài thập niên qua thật ấn tượng, nhưng người ta không nên nghĩ rằng đà phát triển của họ sẽ tiếp tục trên một đường thẳng như vậy trong thập niên tới.

Nội bộ Trung Quốc có nhiều khó khăn, như hệ thống an sinh xã hội yếu kém, một nền dân số đang già đi, thách thức môi trường, bất ổn xã hội và một hệ thống quản trị khá rời rạc chưa từng được thử thách vì suy thoái kinh tế.

Chính phủ Trung Quốc đã sáng suốt lựa chọn việc dồn trọng tâm hàng đầu cho mục tiêu giải quyết các vấn đề nội bộ hơn là các chính sách gây chiến.

Tôi tin rằng điều này có khả năng tiếp tục được duy trì ngay cả nếu kinh tế Trung Quốc một ngày nào đó trở thành lớn số một thế giới.

“Chính phủ Trung Quốc đã sáng suốt lựa chọn việc dồn trọng tâm hàng đầu cho mục tiêu giải quyết các vấn đề nội bộ hơn là các chính sách gây chiến. Tôi tin rằng điều này có khả năng tiếp tục được duy trì ngay cả nếu kinh tế Trung Quốc một ngày nào đó trở thành lớn số một thế giới.”

Do đó, tôi lạc quan rằng bất chấp các va chạm lãnh hải sẽ tiếp tục xảy ra, chúng sẽ không lấn át tầm quan trọng của sự bình ổn quốc tế.

BBC:Washington gần đây công bố chính sách chuyển trọng tâm sang châu Á – Thái Bình Dương. Liệu chiến lược mới này sẽ như thế nào nếu thực sự có chiến tranh xảy ra ở Biển Đông? Nói cách khác, liệu Hoa Kỳ sẽ can thiệp?

Các quan chức Hoa Kỳ, trong đó có Ngoại trưởng Hillary Clinton, đã nói rõ rằng lợi ích quan trọng của Hoa Kỳ ở châu Á bao gồm sự tự do lưu thông hàng hải và năng lực hỗ trợ các đồng minh, bạn hữu và đối tác.

Mặc dù Hoa Kỳ và Trung Quốc đã có một số va chạm, nhưng vấn đề được giải quyết chủ yếu qua đối thoại ngoại giao.

Ngoại trưởng Clinton và những quan chức khác cũng nói rõ rằng trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán, Hoa Kỳ sẽ không đứng về bên nào. Tuy nhiên, Hoa Kỳ khuyến khích tất cả các bên giải quyết vấn đề này một cách hoà bình.

Măc dù thường xuyên xảy ra va chạm, cho đến giờ các bên liên quan đã không quân sự hóa các tranh chấp này. Đây là điều đáng khích lệ.

Do Trung Quốc tỏ ra thận trọng không cản trở bất kỳ lợi ích quan trọng nào của Hoa Kỳ, và vì Hoa Kỳ cũng không đứng về bên nào trong tranh chấp này, như thế không thể xảy ra xung đột.

Tuy nhiên, nếu một quốc gia có quan hệ đồng minh về an ninh với Hoa Kỳ bị tấn công, chính phủ Hoa Kỳ sẽ buộc phải hỗ trợ họ phòng vệ.

BBC:Dự kiến tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, Thi Lang (Varyag), sẽ sớm hoàn thiện. Liệu nó có kích động một cuộc chạy đua vũ trang trong vùng?

Tôi cho rằng việc Trung Quốc ra mắt tàu sân bay chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các quyết định của các quốc gia trong khu vực trong việc tái cấu trúc ngành hải quân và các lực lượng quân sự khác của họ.

Nghĩa là các chính phủ trong khu vực sẽ tìm cách phát triển năng lực chống tiếp cận, như tàu ngầm, ngư lôi, tên lửa chống hạm, những vũ khí có thể đe dọa tàu sân bay của Trung Quốc nếu Bắc Kinh muốn dùng nó để giải quyết các tranh chấp trong khu vực.

Tuy nhiên, cách thức Trung Quốc sử dụng tàu sân bay cũng sẽ cung cấp bằng chứng về ý định của họ. Những đánh giá của các quốc gia khác về ý định của Trung Quốc cũng lại sẽ tác động lớn đến hành xử của các quốc gia này trong việc xây dựng lực lượng hải quân, hoặc là sẽ làm leo thang chạy đua vũ khí, hoặc sẽ giúp sự phát triển quân trang khu vực trở nên ôn hoà hơn.

 

 

Thêm về tin này

Các bài liên quan

 

M. Taylor Fravel, Chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông – NCBĐ

19 Th4

 

Trì hoãn là chiến lược mà Trung Quốc đã sử dụng đối với Biển Đông từ giữa những năm 90 đến nay. Bài viết sẽ đi sâu phân tích vì sao Trung Quốc lại sử dụng chiến lược này và một số kết quả mà Trung Quốc đạt được cũng như tác động như thế nào đối với khu vực

 

Bài viết phân tích cách ứng xử của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông thông qua lăng kính chiến lược của Trung Quốc quản lý các tuyên bố chủ quyền. Từ giữa những năm 1990, Trung Quốc đã theo đuổi chính sách trì hoãn giải pháp cho tranh chấp. Mục tiêu của chiến lược này là củng cố các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, đặc biệt là các tuyên bố về chủ quyền các vùng biển hay quyền tài phán đối với các vùng nước này, và răn đe các nước khác củng cố tuyên bố chủ quyền của họ mà gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc, bao gồm các dự án phát triển nguồn tài nguyên mà Trung Quốc không được tham gia. Kể từ giữa những năm 2000, mức độ các nỗ lực của Trung Quốc nhằm củng cố các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và răn đe các bên tuyên bố chủ quyền khác đã tăng lên thông qua các biện pháp về ngoại giao, hành chính và quân sự. Mặc dù chiến lược của Trung Quốc là tìm cách củng cố các tuyên bố chủ quyền của mình, nhưng Trung Quốc cũng đe dọa các quốc gia yếu hơn trong tranh chấp và theo đó Trung Quốc đang làm bất ổn định khu vực. Kết quả là, chiến lược trì hoãn bao gồm các nỗ lực ngăn cản leo thang căng thẳng tuy nhiên trong khi đó Trung Quốc vẫn tiếp tục tìm cách củng cố chủ quyền của mình.

Trong những năm gần đây, không một tranh chấp vùng biển nào gây ra sự chú ý nhiều hơn tranh chấp về đảo, đá ngầm và các vùng nước tại Biển Đông. Tranh chấp bao gồm các tuyên bố chồng chéo của sáu chính phủ đối với chủ quyền lãnh thổ và các quyền chủ quyền các vùng biển, bao gồm các tuyến đường biển chính kết nối từ Đông Nam Á với Đông Bắc Á, bao gồm các khu vực đánh bắt cá rộng lớn và có thể chứa đựng lượng dự trữ dầu và khí ga lớn. Trong tranh chấp Biển Đông không một quốc gia nào gây ra sự chú ý nhiều hơn nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) do tuyên bố chủ quyền một vùng rộng lớn, trong quá khứ đã sử dụng vũ lực để đánh chiếm các đảo và vùng nước và năng lực hải quân ngày càng mạnh lên.

Bài viết này phân tích cách ứng xử của Trung Quốc trong tranh chấp tại Biển Đông thông qua lăng kính chiến lược của Trung Quốc quản lý các tuyên bố chủ quyền. Từ giữa những năm 1990, Trung Quốc đã theo đuổi chính sách trì hoãn giải pháp cho tranh chấp. Mục tiêu của chiến lược này là củng cố các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, đặc biệt là các tuyên bố về chủ quyền các vùng biển hay quyền tài phán đối với các vùng biển này, và răn đe các nước khác củng cố tuyên bố chủ quyền của họ gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc, bao gồm các dự án phát triển nguồn tài nguyên mà Trung Quốc không được tham gia. Kể từ giữa những năm 2000, mức độ các nỗ lực của Trung Quốc nhằm củng cố các tuyên bố chủ quyền và răn đe các nước khác đã tăng nhanh thông qua các biện pháp ngoại giao, hành chính và quân sự. Mặc dù chiến lược của Trung Quốc là nhằm củng cố các tuyên bố chủ quyền của mình nhưng Trung Quốc cũng tìm cách đe dọa các nước yếu hơn trong tranh chấp và như vậy đã đang tạo ra sự bất ổn tại khu vực. Đây à kết quả là chiến lược trì hoãn bao gồm các nỗ lực ngăn chặn leo thang căng thẳng giữa các bên tuyên bố chủ quyền.

Bài viết được trình bày như sau. Các tuyên bố chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc tại Biển Đông, mà xác định các mục tiêu và bối cảnh cho chiến lược của Trung Quốc, được phân tích trong phần tiếp theo. Tiếp theo, bài viết miêu tả việc sử dụng chiến lược trì hoãn từ những năm 1949 và hai giai đoạn Trung Quốc sử dụng vũ lực là vào năm 1974 tại Nhóm đảo Lưỡi liềm (Cresent Group) tại quần đảo Hoàng Sa và vào năm 1988 đối với dải đá ngầm Johnson (Johnson Reef) tại quần đảo Trường Sa. Hai phần tiếp theo này phân tích các hợp phần quân sự, hành chính và ngoại giao trong chiến lược trì hoãn của Trung Quốc và các nỗ lực quản lý căng thẳng kể từ mùa hè năm 2011. Cuối cùng, bài viết phân tích các tác động đối với hợp tác và xung đột trong tranh chấp.

Các tuyên bố chủ quyền và Lợi ích tại Biển Đông của Trung Quốc

Đối với Biển Đông, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đối với hai nhóm đảo và các quyền chủ quyền các vùng biển đối với các vùng nước liên quan. Cơ sở hiện nay cho tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là bài phát biểu của Thủ tướng Chu Ân Lai vào tháng 8 năm 1951 trong các cuộc đàm phán ký hòa ước của Đồng minh với Nhật Bản. Trong bài phát biểu này, Chu Ân Lai đã tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa[1]. Tháng 9 năm 1958, Trung Quốc tái khẳng định tuyên bố chủ quyền đối với các đảo này khi Trung Quốc khẳng định quyền chủ quyền đối với các vùng nước trong thời gian khủng hoản Kim Môn. Tuyên bố năm 1958 đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc gắn tuyên bố chủ quyền lãnh thổ với đòi hỏi quyền chủ quyền các vùng biển, trong trường hợp này, quyền chủ quyền với các vùng lãnh hải. Từ giữa những năm 1970 cho đến nay, các phát biểu chính thức của chính phủ đã được sử dụng chủ yếu là cùng một ngôn ngữ để thể hiện tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Tuyên bố thường được diễn đạt: “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Trường Sa (hay là các đảo ở Biển Đông) và các vùng nước liền kề.”

Khi thể chế luật pháp quốc tế về vùng biển đã phát triển, Trung Quốc bắt đầu pháp điển hóa các tuyên bố chủ quyền của mình đối với các quyền chủ quyền các vùng biển thông qua việc đưa ra nội luật của mình.  Các luật này hòa hợp hệ thống pháp luật của Trung Quốc với các yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). Năm 1992, Quốc hội (NPC) thông qua Luật về Lãnh Hải Vùng Tiếp giáp của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, trong đó tái khẳng định nội dung của tuyên bố 1958 nhưng ngôn ngữ thì cụ thể hơn. Tiếp sau luật này, Trung Quốc thông qua đường cơ sở cho các vùng nước của mình vào năm 1966. Năm 1998, Quốc hội Trung Quốc thông qua luật về Vùng Đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, trong đó Trung Quốc tuyên bố thêm quyền các vùng biển nhiều hơn  được ghi trong luật năm 1992.[2] Luật vùng đặc quyền kinh tế không đề cập đến quần đảo Hoàng Sa hay Trường Sa, nhưng khi kết hợp với luật lãnh hải năm 1992, nó cung cấp cơ sở cho tuyên bố các quyền chủ quyền các vùng biển tại Biển Đông. Tháng 4 năm 2011, Trung Quốc  xác nhận việc diễn dịch luật này trong công hàm gửi đến Ủy ban của Liên Hợp Quốc về Giới hạn thềm lục địa (CLCS) nói rằng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa hoàn toàn “có quyền” tạo ra vùng lãnh hải, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa[3].

Phạm vi của các tuyên bố của Trung Quốc là các quyền chủ quyền chủ quyền các vùng biển hay quyền tài phán, tuy nhiên, vẫn còn nhiều mập mờ. Trước tiên, nhiều trong số các vùng đất Trung Quốc tuyên bố chủ quyền không đáp ứng được yêu cầu là đảo theo như điều 121(3) của UNCLOS và theo đó không thể tạo ra vùng đặc quyền kinh tế. Trung Quốc có lẽ có thể tuyên bố phần lớn các đảo của Quần đảo Trường Sa cũng như là đảo Phú Lâm của Hoàng Sa và đảo Ba Bình (hiện đang bị Đài Loan chiếm đóng)[4]. Các tuyên bố chủ quyền như vậy, tuy nhiên, chỉ cho thấy thái độ mở rộng tối đa với lãnh thổ, trong khi UNCLOS yêu cầu các quốc gia giải quyết tranh chấp khi các tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn.

Điều mập mờ thứ hai liên quan đến câu hỏi chủ quyền lịch sử mà Trung Quốc có thể tuyên bố tại Biển Đông. Điều 14 của luật vùng đặc quyền kinh tế năm 1998 của Trung Quốc  quy định “luật biển sẽ không ảnh hưởng đến các quyền lịch sử mà Cộng hòa Nhân đân Trung hoa có”. Mặc dù một số nhà nghiên cứu chính sách đã gợi ý rằng Biển Đông là vùng nước lịch sử, luật năm 1998 không xác định nội dung hay phạm vi của chủ quyền lịch sử này[5]. Hơn thế nữa, không có luật nào của Trung Quốc miêu tả những cái quyền này có thể bao gồm[6].

“Đường chín đoạn” xuất hiện trên các bản đồ chính thức của Trung Quốc trong khu vực tạo ra sự mơ hồ thứ ba. Đường chín đoạn này ban đầu được vẽ vào những năm 1930, bắt đầu xuất hiện trên bản đồ chính thức của Cộng hòa Trung Hoa (ROC) năm 1947 và đã xuất hiện trên các bản đồ của PRC kể từ năm 1949. Cả ROC và PRC đều đã không từng định nghĩa dạng tuyên bố chủ quyền nào đường chín đoạn này thể hiện. Đến ngày nay, đường chín đoạn vẫn không được xác định. Ví dụ, mặc dù Trung Quốc đã bao gồm một bản đồ đường chín đoạn trong công hàm gửi CLCS vào tháng 5 năm 2009, Trung Quốc chưa bao giờ định nghĩa đường này hay tuyên bố các chủ quyền lịch sử mà một số học giả đã thảo luận là đường chín đoạn ám chỉ[7].

Nếu các tuyên bố chính thức và luật của Trung Quốc được xác định giá trị, thì chỉ có một cách giải thích về đường này có thể được: đường miêu tả tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với các đảo và các vùng khác nằm trong đường này, có thể kể tên như là quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Khi Trung Quốc công bố đường cơ sở vào nằm 1996, Trung Quốc vẽ đường cơ sở xung quanh quần đảo Hoàng Sa nhưng không vẽ tại quần đảo Trường Sa. Đạo luật này cho thấy Trung Quốc có ý định sẽ tiếp tục tuyên bố chủ quyền của mình đối với các quyền các vùng biển (chứ không phải là chủ quyền với các đảo) tại Biển Đông thông qua UNCLOS, theo như cam kết của Qichen năm 1995[8]. Nếu như đường chín đoạn đại diện cho bất cứ điều gì khác với tuyên bố chủ quyền cho các đảo kèm theo từ đó Trung Quốc tuyên bố các quyền vùng biển, sau đó Trung Quốc sẽ không cần thiết phải tuyên bố các vùng lãnh hải vào năm 1958 hay vẽ đường cơ sở xung quanh quần đảo Hoàng Sa đã nằm trong đường chín đoạn. Như Daniel Dzurek đã quan sát, việc phân định đường cơ sở xung quanh Hoàng Sa là “không nhất quán về mặt lô gic” với tuyên bố chủ quyền các vùng nước hay các cách giải thích khác của đường chín đoạn này[9].

Sự không sẵn lòng hay không có khả năng của chính quyền Trung Quốc trong việc định nghĩa đường chín đoạn, tuy nhiên, tạo ra khoảng trống cho nhiều các diễn viên đề xuất các cách diễn dịch cạnh tranh khác nhau về đường này[10]. Cục quản lý Đánh bắt cá Khu vực Biển Đông (SSRFAB), ví dụ, miêu tả các hoạt động của mình là nhằm bảo vệ các ngư dân Trung Quốc khi họ hoạt động trong “đường biên giới truyền thống”[11]. Báo chính thức của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), tờ Jiefangjun Bao, đôi khi đề cập đến “đường biên giới lãnh hải truyền thống” tại Biển Đông[12]. Từ những năm 1980, có nhiều các diễn viên liên quan đến vùng biển như Hải quân Giải phóng Nhân dân (PLAN) và Lực lượng Hải giám thuộc Cơ quan quản lý Biển, đều cử tầu đến bãi đá Johnson, một vùng đá chìm dưới nước được cho như là vùng đầu phía Nam tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại biển Đông. Trên thực tế, các quốc gia theo như UNLCOS không thể tuyên bố chủ quyền đối với các vùng chìm dưới không gắn kết với đất liền. Tuy nhiên, tính biểu tượng của hành động này là nhất quán với cách diễn dịch rộng về “đường chín đoạn”.

Trung Quốc theo đuổi nhiều lợi ích thông qua các tuyên bố đối với chủ quyền lãnh thổ và quyền chủ quyền các vùng biển tại Biển Đông. Như chỉ huy trưởng của PLAN Đô đốc Liu Huaqing (Lưu Hoa Thanh) đã nhận xét, “bất cứ ai kiểm soát quần đảo Trường Sa sẽ thu được lợi ích to lớn về kinh tế và quân sự”[13]. Về mặt kinh tế, tài phán đối với các vùng nước này sẽ cho phép Trung Quốc quyền tiếp cận đối với các nguồn tài nguyên biển trên Biển Đông, đặc biệt là nguồn khí hydrocarbons và cá. Các nguồn số liệu từ Trung Quốc cho biết có khoảng 105 tỉ thùng dự trữ khí hydrocarbon quanh khu vực quần đảo Trường Sa. Trong khi đó Biển Đông đóng góp một số lượng lớn lượng cá đánh bắt hàng năm của Trung Quốc[14].  Phần lớn thương mại của Trung Quốc cũng được đưa qua vùng biển này, bao gồm 80% nhập khẩu dầu của Trung Quốc[15]. Về mặt quân sự, Biển Đông tạo nên vùng biển đệm cho các tỉnh phía Nam Trung Quốc và sẽ là sân chơi quyết định cho các hoạt động trong một cuộc xung đột về vấn đề Đài Loan với Mỹ. Bất cứ nỗ lực nào nhằm phong tỏa Trung Quốc trong thời chiến cũng sẽ xảy ra tại các vùng nước này.

Liệu cách Trung Quốc gọi Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” có tương ứng với Tây Tạng hay Đài Loan hay không đã thu hút nhiều sự chú ý vào năm 2010. Tờ New York Times báo cáo vào tháng 4 năm 2010 rằng Trung Quốc đã miêu tả Biển Đông như là “lợi ích cốt lõi”[16] . Mặc dù vấn đề này đã được thảo luận nhiều trong các cuộc họp riêng giữa các quan chức của Mỹ và Trung Quốc, không một nhà lãnh đạo cao cấp nào của Trung Quốc đã từng công khai nói rằng Biển Đông là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, không giống như Tây Tạng hay Đài Loan[17]. Ngoại lệ duy nhất dường như là xuất hiện một bài báo tiếng Anh đăng trên Hãng tin Tân hoa xã vào tháng 8 năm 2011[18]. Bài viết miêu tả chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo tại Biển Đông và các vùng nước lãnh hải như là “một phần lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”, nhưng không phải là chỉ riêng bản thân Biển Đông.

Liệu các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc có chỗ cho đàm phán? Theo quan điểm của tác giả thì câu trả lời là có. Khi Trung Quốc công bố các đường cơ sở vào năm 1996, Trung Quốc không vẽ đường cơ sở xung quanh bất cứ đảo nào của quần đảo Trường Sa. Trung Quốc cũng không vẽ đường cơ sở xung quanh các vùng tranh chấp, bao gồm Đảo Điếu Ngư và Đài Loan. Điều này cho thấy sự công nhận tranh chấp và khả năng Trung Quốc có thể thỏa hiệp trong một số bối cảnh trong tương lai. Trung Quốc, do đó, “không trói tay” hay “đốt cầu” bằng cách công bố các đường cơ sở xung quanh các vùng hay khu vực đàm phán có thể cần đàm phán. Nói chung, Trung Quốc cũng đã thỏa hiệp trong các tranh chấp lãnh thổ khác và trong phân định biên giới vùng biển với Việt Nam tại Vịnh Bắc Bộ.

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây

M. Taylor Fravel

Thái Giang (dịch)

Quang Hưng (hiệu đính

Bản gốc tiếng Anh “China’s Strategy in the South China Sea” đăng trên Contemporary Southeast Asia, Vol. 33, No. 3 (2011).


[1] Zhou Enlai Waijiao Wenxuan (Zhou Enlai’s Selected Works on Diplomacy) (Beijing: Zhongyang wenxian chubanshe, 1990), p.40.

[2] Bản sao của các tài liệu này, xem Guojia haiyangju zhengce fagui bangongshi (State Oceanographic Adiministration Office ò Policy, Law, and Regulation), ed., Zhonghua Renmin Gongheguo Haiyang Fagui Xuanbian (Tuyển tập luật biển và các quy định của PRC) (Beijing: Haiyang chubanshe, 2001), pp.1-14.

[3] Công hàm của Trung Quốc gửi Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, ngày 14/4/2011, (http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submission_files/vnm37_09/chn_2001_re_phl_e.pdf)

[4] These are Taiping (Taiwan), Thitu (Philippines), West  York (Philippines), Spratly (Vietnam) and   Northeast Cay  (Philippines).

[5] For  an  examination  of  these  Chinese  views,  see  Peter  Dutton,  “Through  a Chinese  Lens”,   Proceedings 136,  no.  4  (April 2010):  24–29.

 

[6] Based   on  a  full-text  search  of  <www.lawinfochina.com> database.

 

[7] Zou Keyuan, “The  Sino-Vietnamese Agreement on Maritime Boundary Delimitation in  the   Gulf  of  Tonkin”,  Ocean  Development and   International Law  36,  no.  1 (2005):  74.

 

[8] “Qian  Qichen explains China’s   ‘clear-cut’ position  on  Spratlys  issue,” Xinhua

News   Agency,   1  August 1995.

 

[9] Daniel Dzurek, “The  People’s Republic of China Straight Baseline Claims”, IBRU Boundary and   Security Bulletin 4,  no.  2  (Summer 1996):  85.

 

[10] In  a  recent   book,  one   prominent  Chinese analyst  describes  four   different interpretations of the line, including maritime sovereignty, historic waters, historic rights, and  sovereignty over  land features. See  Wu  Shicun, Nansha Zhengduan de  Qiyuan  yu  Fazhan [The  Origins and   Development of  the  Spratlys  Dispute] (Beijing:  Zhongguo jingji  chubanshe, 2010),  pp.   32–39.

 

[11] “Malaixiya wuli zhuakou wo yi GangAo  liudong yuchuan [Malaysia’s unjustifiable seizure of  a  fishing boat   from   Hong  Kong  and   Macau]”, Nongyebu Nanhaiqu yuzhengju, 30  August  2006,  <http://www.nhyzchina.gov.cn/Html/2006_08_30/2_1459_2006_08_30_1916.html>.

 

[12] “Haijun diqipi  huhang   biandui  jiaru   zuguo  chuantong  haijiang  xian   [The Navy’s  Seventh Escort  Task  Force  Enters  the  Motherland’s Traditional  Maritime Boundary]”, Jiefangjun  Bao,  3  May  2011,  p.  4

 

[13] Liu  Huaqing, Liu  Huaqing Huiyilu [Liu  Huaqing’s Memoirs]  (Beijing:  Jiefangjun chubanshe,  2004),  p.  538.

 

[14] Bernard  D.  Cole,   The   Great  Wall   At   Sea:  China’s  Navy   in  the  Twenty-First Century, 2nd   ed.  (Annapolis: Naval   Institute Press,   2010),  p.  49.

 

[15] Michael  Lelyveld,  “Mideast  oil  drives  China  disputes”,  Radio  Free   Asia,18  July  2011.

 

[16] Edward  Wong,   “Chinese military seeks   to  extend its  naval  power”, New   York

Times, 24  April 2010.

[17] Michael D. Swaine, “China’s Assertive Behavior—Part One:  On  ‘Core  Interests’”,China   Leadership  Monitor, no.  34  (Winter 2011).

[18] “China-Philippines  cooperation  depends  on  proper  settlement  of  maritime disputes”,  Xinhua News   Agency,   31  August 2011.

Tại sao Mỹ cần Đài Loan? – BS

19 Th4

The Diplomat

Tác giả: Mark Stokes & Russell Hsiao

Người dịch: Đỗ Quyên

Tác chiến trên không và trên biển không nên chỉ là việc của nước Mỹ. Hợp tác chặt chẽ với Đài Loan có thể mang lại lợi ích và góp phần bảo đảm thế cân bằng quân sự ổn định ở châu Á-Thái Bình Dương.

Một bài viết của nghị sĩ Mỹ, ông Randy Forbes (thuộc Đảng Cộng hòa, bang Virginia) trên báo The Diplomat tháng trước, tựa đề “Tầm nhìn của Mỹ về chiến tranh trên không và trên biển Thái Bình Dương”, kêu gọi Quốc hội ủng hộ chiến lược của Lầu Năm Góc về “Tác chiến trên không và trên biển” – một khái niệm được tạo ra để tăng cường khả năng phối hợp giữa các lực lượng không quân và hải quân trong việc thể hiện sức mạnh trước những thách thức ngăn cản quyền đi lại trong khu vực (nguyên văn: anti-access, area denial, viết tắt A2/AD, nghĩa là “chống tiếp cận, phong tỏa khu vực”). Cụ thể hơn, Nghị sĩ Forbes chỉ ra rằng, Mỹ nên hành động để “lôi kéo các đồng minh của chúng ta vào kế hoạch này”. Quả thật, để Mỹ có thể thể hiện quyền lực của họ một cách hiệu quả trong môi trường A2/AD, mạng lưới các đồng minh và đối tác liên minh lâm thời sẽ là những yếu tố thiết yếu giúp Mỹ thể hiện sức mạnh ở châu Á-Thái Bình Dương được mềm dẻo hơn và thích ứng hơn với các thế lực, bên trong cũng như bên ngoài, đang trỗi dậy thách thức an ninh khu vực.

Chắc chắn là Mỹ đang phải đương đầu với một loạt khó khăn trong việc thực thi những cam kết an ninh của họ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ngoài tính bất định, phức tạp, thay đổi nhanh chóng, các khó khăn đó còn bao gồm cả sự hạn chế ngày càng to lớn về nguồn lực và một nước Trung Hoa ngày càng hung hãn hơn mà lại có năng lực hơn. Ít nhất cũng có một động cơ để phải nghĩ lại về chiến lược quốc phòng Mỹ, đó là năng lực đang gia tăng của lực lượng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), năng lực đó gây khó khăn cho Mỹ trong việc thể hiện sức mạnh và trong các hoạt động của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương. Khả năng chống tiếp cận và phong tỏa khu vực của PLA không chỉ khiến Mỹ khó thực thi những năng lực của họ, mà còn gây nguy hiểm cho các siêu cường khu vực khi họ phản đối ưu thế vượt trội trên không và quyền kiểm soát trên biển của PLA. Những biện pháp đe dọa nhằm “chống tiếp cận”, được thiết kế để ngăn chặn lực lượng đối kháng đặt chân vào một vùng hoạt động nào đó, bao gồm cả hệ thống tấn công chính xác tầm dài – vốn có thể được sử dụng để đánh vào các căn cứ và các mục tiêu di động trên biển như những nhóm tàu sân bay.

Còn biện pháp phong tỏa khu vực thì bao gồm các hoạt động tầm ngắn hơn và các sức mạnh được tạo lập để khiến lực lượng đối kháng gặp khó khăn, không thể tự do hành động trên mọi lĩnh vực (tức là trên đất liền, trên không, ngoài không gian, trên biển, và trên mạng).

Chiến lược Tác chiến trên không và trên biển và Mô hình Tiếp cận Hoạt động Chung (Joint Operational Access Concept, JOAC) đi xa hơn hành động thuần túy, vượt quá chức năng của các hoạt động này, để bao gồm cả việc hợp tác với các đồng minh và những đối tác liên minh lâm thời trong khu vực – đây là điều quan trọng sống còn để đảm bảo thành công của Tác chiến trên không và trên biển và khả năng tiếp cận để hoạt động. Như cựu Chủ tịch, Tổng tham mưu trưởng Liên quan Hoa Kỳ, Đô đốc Michael Mullen, đã nói, Tác chiến trên không và trên biển là “ví dụ rõ rệt nhất cho thấy chúng ta cần đến mức nào việc phải phá vỡ những cái ống nằm cản giữa các lĩnh vực hoạt động quân sự, giữa các cơ quan liên bang và thậm chí giữa các quốc gia”. Ông nói thêm rằng Tác chiến trên không và trên biển và JOAC cần “tích hợp cả các nỗ lực giữa chúng ta với nhau và giữa chúng ta với các đối tác dân sự”, và “hợp tác nhuần nhuyễn với các đồng minh cũ, các bạn hữu mới”. Tác chiến trên không và trên biển và JOAC (quy mô lớn hơn) hỗ trợ việc ngăn chặn và thể hiện cho các đồng minh và đối tác của Mỹ thấy rằng Washington cam kết và có khả năng chống lại hành động áp chế quân sự của Trung Quốc.

Giải quyết những khó khăn đó đòi hỏi hợp tác sâu rộng hơn không chỉ trong hệ thống quốc phòng của Mỹ, và cả việc nâng cấp một cách hiệu quả năng lực của các đồng minh và đối tác liên minh lâm thời trong khu vực. Có tin Mỹ đã bắt đầu xem xét làm thế nào để đa dạng hóa quan hệ với các đồng minh truyền thống ở khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia. Tuy nhiên, dường như họ ít tính đến vai trò đáng kể mà Đài Loan có thể có trong một chiến lược phát triển quốc phòng của Mỹ, kể cả JOAC và Tác chiến Không-

Biển. Tương lai của Đài Loan và lợi ích của Mỹ trong an ninh khu vực là hai yếu tố liên quan mật thiết. Quả thật, Đài Loan là một lợi ích cốt lõi của Mỹ và có vai trò mấu chốt để làm đối tác liên minh lâm thời trong Tác chiến trên không và trên biển, JOAC, và cân bằng chiến lược ở châu Á-Thái Bình Dương.

Thứ nhất, Đài Loan nên là điểm hướng dẫn trung tâm của kế hoạch quốc phòng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong việc đánh giá JOAC và các yêu cầu liên quan đến tác chiến trên không và trên biển, cần phải nhấn mạnh nhiều nhất vào việc lập kế hoạch liên tiếp, chuẩn bị cho việc PLA đổ bộ xâm lược Đài Loan mà hầu như không có cảnh báo gì. Căn cứ vào một giả định hấp tấp và sai lầm rằng mậu dịch và đầu tư xuyên eo biển tất yếu sẽ đưa đến việc Đài Loan dân chủ nộp mình cho nền toàn trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, các nhà phân tích xuất sắc đã khẳng định rằng trọng tâm của kế hoạch quốc phòng Mỹ nên dịch chuyển về Biển Đông và về việc bảo vệ các giá trị chung của toàn cầu.

Mặc dù tự do hàng hải rất quan trọng, nhưng dịch chuyển trọng tâm hoàn toàn, sang những khoảnh đất không người ở và đường đi vào những vùng biển được ưa dùng cho hoạt động mậu dịch, thì không quan trọng bằng bảo vệ nền dân chủ đồng minh và bảo vệ điểm sống còn trong hệ thống giao thương toàn cầu. Chắc chắn là tình thế không ổn định của Đài Loan không nên bị xem như một sự cô lập họ trên Biển Đông. Bên cạnh tầm quan trọng tương đối của Đài Loan, luật pháp Mỹ, Đạo luật Quan hệ với Đài Loan, còn quy định rằng Mỹ có lợi ích trong việc “duy trì khả năng chống lại bất kỳ hành động sử dụng vũ lực nào, hoặc các hình thức cưỡng chế nào, nhằm phá hoại an ninh, hoặc hệ thống kinh tế xã hội, của nhân dân Đài Loan”. Cái giai thoại cho rằng Đài Loan tất yếu sẽ rơi vào quỹ đạo của Bắc Kinh chắc chắn là phục vụ lợi ích của CCP. Dự đoán có vẻ đầy tự mãn này cần được theo dõi sát sao. Do đặc thù cố hữu là khó bị tấn công bằng một cuộc đổ bộ, cho nên Đài Loan đang và sẽ tiếp tục được bảo vệ.

Tuy nhiên, định hướng chiến lược chủ đạo của Trung Quốc vẫn không thay đổi. Chính Đài Loan mới là nỗi ám ảnh đối với CCP. Tranh chấp với các nước láng giềng về Biển Đông có thể được điều chỉnh nếu muốn. Mặt khác, Đài Loan và nền dân chủ của họ là một mối đe dọa hiện hữu đối với CCP, và PLA chưa hề giảm nhẹ thái độ của mình đối với hòn đảo này. Trên thực tế, cơ sở hạ tầng tên lửa của PLA đã phát triển cùng với việc các đơn vị mới được đưa vào hoạt động, và thêm nhiều tên lửa đạn đạo tân tiến được tung ra. Nếu các nhà hoạch định chiến lược phải lựa chọn giữa tự do hàng hải trên Biển Đông hoặc bảo vệ Đài Loan làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách của quân đội Mỹ, người ta có thể hy vọng rằng Tổng thống Obama sẽ không bỏ rơi Đài Loan.

Đài Loan với tư cách đối tác JOAC

Đài Loan có thể có những đóng góp gì? Đối với những kẻ mới xuất phát, Đài Loan là đối tác an ninh quan trọng trong khu vực, sẵn sàng và có khả năng phát triển loại hình quân đội cần thiết cho hoạt động đánh chặn có phối hợp sâu rộng trong một môi trường bị hạn chế tự do đi lại. Kinh nghiệm của Đài Loan về các điểm chết (nguyên văn: single points of failure, nghĩa là những điểm tối quan trọng trong một hệ thống, không có phương án thay thế, mà nếu chúng bị đánh phá thì toàn bộ hệ thống sẽ bị vô hiệu hóa – ND) trong hệ thống phòng thủ tên lửa và trên không của PLA sẽ có thể cứu sống rất nhiều nhân mạng, một ngày nào đó. Duy trì khả năng đánh chặn của Đài Loan vào các điểm chết trong hệ thống A2/AD của PLA có thể giải phóng Hoa Kỳ phần nào khỏi gánh nặng vận hành và giảm nguy cơ leo thang (về quân sự). Đối với Đài Loan, tự vệ đầy đủ đòi hỏi họ phải có năng lực đánh chặn và trung lập hóa các cao điểm quan trọng trong đội Trọng pháo số 2 của PLA và các hệ thống vận hành ngày càng có tính tích hợp cao khác chống lại Đài Loan.

Đài Loan ở một vị trí độc nhất có thể góp phần vào nhận thức chung tình hình trong khu vực về hoạt động trên không, trong không gian, trên biển và trên mạng. Có thể kết hợp dữ liệu giám sát từ trên không trong thời bình với các nguồn thông tin khác để hiểu rõ hơn về các kỹ thuật và lý thuyết của lực lượng không quân PLA. Dữ liệu radar cảnh báo sớm, siêu cao tần, tầm xa, có thể lấp đầy khoảng trống trong hoạt động giám sát trên không trong khu vực. Hải quân Đài Loan nắm rất vững về địa lý độc nhất vô nhị dưới mặt biển và môi trường thủy văn của tây Thái Bình Dương. Trong không gian mạng, Bộ Quốc phòng Mỹ có thể tận dụng chuyên môn của Đài Loan – mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất của các hoạt động mạng của Trung Quốc. Vị trí địa lý của Đài Loan, cùng với mong muốn đóng góp cho bức tranh hoạt động chung trong khu vực, gồm cả nhận thức về hàng hải, giám sát trên không, giám sát và truy tìm trong không gian, có thể sẽ rất có giá trị cả cho mục đích phản ứng trước thảm họa lẫn mục đích quân sự.

Cần chú ý nhiều hơn vào việc xây dựng tường lửa để đảm bảo rằng các thế lực thù địch tiềm tàng sẽ không thể thâm nhập vào hệ thống mạng của Mỹ thông qua mạng của các đồng minh và đối tác. Hơn thế nữa, giao hệ thống không gian mạng cho Đài Loan, gồm cả truyền thông băng thông rộng và vệ tinh cảm ứng từ xa, có thể góp phần tăng cường hạ tầng nhận thức của khu vực không chỉ cho mục đích quân sự mà còn cho việc chuẩn bị, đề phòng các thảm họa dân sự và cách đối phó với chúng. Sự tham gia của Đài Loan vào hạ tầng nhận thức của khu vực về hàng hải cũng đáng được xem xét.

Rồi tới vấn đề hợp tác công nghiệp quốc phòng. Bộ Quốc phòng cũng có thể cân nhắc mở rộng hợp tác trong nghiên cứu và phát triển (R&D) với Viện Nghiên cứu Công nghệ Sản xuất Đài Loan (ITRI), Viện Khoa học và Công nghệ Chungshan (CSIST) và/hoặc công nghiệp của tư nhân. Đài Loan đứng đầu thế giới về sáng tạo công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực thông tin ứng dụng và công nghệ truyền thông – hai lĩnh vực nên được tận dụng vì lợi ích chung. Cô lập CSIST – nơi sở hữu một kho đáng kể nghiên cứu về quốc phòng và nhiều tài năng về kỹ thuật – là phản tác dụng.

Nhánh hành pháp cũng nên khen ngợi những cam kết được thực hiện từ thời chính quyền Bush nhằm hỗ trợ Đài Loan đóng được tàu ngầm điện tử chạy diesel. Nhu cầu của Đài Loan về tàu ngầm điện tử chạy diesel đã được xác nhận là vì mục đích quốc phòng, và có thể đóng một vai trò mấu chốt trong việc ngăn chặn tàu đổ bộ transit từ lục địa Trung Hoa nằm phía tây bắc và tây nam Đài Loan, trong các chiến dịch phản phong tỏa, và giám sát. Tàu ngầm là một vũ khí ngăn chặn đáng tin cậy và có thể bảo vệ được.

Thêm vào đó, Bộ Quốc phòng Mỹ và đối tác Đài Loan của họ nên xem xét việc hình thành một nhóm làm việc có năng lực sáng tạo, có thể bao gồm cả đại diện từ các viện tư tưởng (think tank) và các ngành quốc phòng của cả hai Mỹ và Đài Loan. Các lĩnh vực trọng tâm chú ý có thể gồm cả phòng thủ tên lửa hành trình, vũ khí chống tàu ngầm (ASW), kiến thức đa lĩnh vực, và vai trò trung tâm của Đài Loan trong việc tái thiết lập thế cân bằng của Mỹ ở châu Á.

Thực tế là không một xã hội tự do và cởi mở nào hiểu rõ Trung Quốc như Đài Loan. Thật không may là rất ít sĩ quan quân đội Mỹ tham gia hoạt động huấn luyện ở Đài Loan, và chưa từng có học viên nào theo học Đại học Quốc phòng Đài Loan (NDU) hay các trường quân sự trung/cao cấp khác. Cần thêm nhiều trao đổi giáo dục giữa các cơ sở đào tạo quốc phòng này, đặc biệt dành cho các sĩ quan trẻ và hạ sĩ quan. Ngay cả khi Lầu Năm Góc chủ động xúc tiến quan hệ quân sự sâu rộng hơn với PLA, số lượng hội nghị Mỹ-Đài về PLA vẫn đã giảm đi.

Nghịch lý chính trị ở Eo biển Đài Loan

Hiện có một nghịch lý đặc trưng cho quan hệ xuyên eo biển Đài Loan (tức là quan hệ Trung Quốc-Đài Loan – ND). Một mặt, sự độc lập về kinh tế giữa hai bên làm giảm nguy cơ xung đột. Tuy nhiên, bởi vì hệ thống chính quyền dân chủ của Đài Loan – một lựa chọn thay thế cho mô hình toàn trị của Trung Quốc – là hiện thân của một thách thức hiện tồn đối với CCP, cho nên Trung Quốc tiếp tục dựa vào hành động áp chế quân sự để đòi Đài Loan phải nhượng bộ về chủ quyền. Thực tế khách quan của vấn đề là Đài Loan, trong khuôn khổ thể chế hiện nay của họ, tồn tại như một nhà nước độc lập, có chủ quyền. Từ giờ cho tới khi CCP chấm dứt việc sử dụng vũ lực để giải quyết các bất đồng về chính trị ở Eo biển Đài Loan, đồng thời giảm nhẹ đáng kể lập trường quân sự của họ đối với Đài Loan, thì Mỹ nên tăng cường quan hệ quốc phòng sâu rộng với Đài Loan, Thừa nhận vai trò chủ chốt của Đài Loan trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ là một xuất phát điểm phù hợp.

Về phần mình, Đài Loan – với sự trợ giúp từ nước ngoài ở mức họ cần – có thể tiến hành các giải pháp chi phí thấp để đối chọi lại với thách thức quân sự phức tạp nhất thế giới hiện nay, và có thể được xem là một môi trường thử nghiệm nhiều thay đổi để những nước khác cạnh tranh. Hoạt động quốc phòng của Đài Loan có thể đóng một vai trò nào đó trong việc nuôi dưỡng sự sáng tạo và triển khai những ý tưởng hành động mới. Đài Loan đối mặt với thách thức quân sự phức tạp nhất thế giới – nếu các khó khăn đối với Đài Loan có thể được giải quyết (ví dụ tích hợp không quân/tên lửa và ASW) thì chúng sẽ được giải quyết ở tất cả mọi nơi trên thế giới.

Đồng thời, Đài Loan và Mỹ có thể tìm ra những cách theo đó đôi bên cùng có lợi, để tích hợp các nỗ lực của họ, gồm cả hoạt động nghiên cứu và phát triển liên quan tới quốc phòng và các linh kiện điện tử chất lượng cao mà sẽ làm giảm chi phí cho hệ thống vũ khí của Mỹ. Đài Loan là một trong những khách hàng lớn nhất thế giới của Chương trình bán hàng quân sự ra nước ngoài (FMS) của Mỹ, và cho đến nay thì hợp tác về công nghiệp và công nghệ vẫn còn bị hạn chế. Doanh số bán vũ khí góp phần vào tác chiến trên không và trên biển thông qua việc đẩy mạnh khả năng tương tác và tiết kiệm chi phí của Không quân và Hải quân Mỹ, bằng việc sản xuất nhiều hơn để đạt tới lợi thế kinh tế theo quy mô. Tương tự, ít nhất cũng là trên lý thuyết, Đài Loan càng làm nhiều thì lực lượng vũ trang Mỹ càng ít phải hành động. Tuy nhiên, tầm quan trọng tương đối được đặt vào việc bán vũ khí thông qua các kênh FMS bộc lộ một mối quan hệ bầu chủ-thân thuộc. Tái cân bằng quan hệ quốc phòng Mỹ-Đài Loan để nó trở thành một mối quan hệ đối tác thực sự, chắc chắn là sẽ bền vững hơn.

Cùng với việc Đài Loan nỗ lực để trở nên tự lực tự cường hơn trong quốc phòng, và Mỹ cân nhắc ý tưởng tác chiến trên không và trên biển, thì phát triển các công nghệ vượt trội sẽ là điều quan trọng nhất, cũng như phát triển một nền kinh tế vững mạnh, mà từ đó có thể rút ra những nguồn lực để hiện đại hóa quân đội, nhân lực, cũng như sự sẵn sàng tác chiến. Một mục tiêu ngầm của tác chiến trên không và trên biển là làm nhiều hơn nhưng với ít nguồn lực hơn, trong thời kỳ ngân sách bị hạn chế. Tương tự, một sáng kiến khác nữa, là thúc đẩy quan hệ hợp tác về công nghiệp quốc phòng giữa Mỹ và Đài Loan theo cách nào hiệu quả về chi phí, mang lại thiết bị quốc phòng tân tiến, làm lợi cả cho nền tảng công nghiệp của Đài Loan lẫn các yêu cầu của Mỹ. Ngoài ra, có thể tập trung đánh giá sơ bộ về việc làm thế nào để tận dụng tốt hơn năng lực sáng tạo của Đài Loan trong các lĩnh vực như thông tin với chi phí hiệu quả, thiết kế công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), nghiên cứu và phát triển, và sản xuất. Cũng cần cả những chương trình hợp tác phát triển hệ thống vũ khí, như tàu ngầm điện tử chạy diesel, loại nhỏ, và máy bay có thể cất cánh, hạ cánh nhanh với chi phí thấp.

Trong các nhà nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Đài Loan có lợi ích lớn nhất nếu chương trình tác chiến trên không và trên biển thành công. Chính sách quốc phòng của Mỹ được thiết kế để đương đầu với chiến lược của Trung Quốc là làm gia tăng chi phí của các hoạt động của Mỹ ở biển tây Thái Bình Dương, đến con số cao tới mức không thể chịu nổi, từ đó ngăn chặn mọi ý định của Mỹ nhằm thực hiện nghĩa vụ quốc phòng đối với đồng minh và bạn hữu trong khu vực, trong đó có cả Đài Loan. Như một bản báo cáo quan trọng của Trung tâm Phân tích Chiến lược và Ngân sách đã đánh giá, tác chiến trên không và trên biển phải tính đến các yếu tố địa chiến lược, như là các công ước của Mỹ, các nghĩa vụ pháp lý của Mỹ trong việc bảo vệ đồng minh thể thức và bạn hữu trong khu vực. Thậm chí bản báo cáo còn nhấn mạnh một điểm quan trọng hơn thế nữa: “Tác chiến trên không và trên biển không phải là ý tưởng của một mình Mỹ. Các đồng minh như Nhật Bản và Australia, và có lẽ cả các nước khác nữa, phải đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì thế quân bình ổn định về quân sự”. Trong số tất cả các đối tác liên minh, không đối tác nào có tiềm năng quan trọng bằng Đài Loan.

Tác giả: Mark Stokes là Giám đốc Điều hành của Viện Dự án 2049. Russell Hsiao là nghiên cứu viên cao cấp ở viện này.

Nguồn: The Diplomat

Nguồn bức ảnh: Hải quân Hoa Kỳ

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012