Lưu trữ | 3:15 Chiều

Nợ Xấu Ngân Hàng – Alan Phan

4 Th9

Nợ Xấu Ngân Hàng

Những ngày còn mài quần ở các lớp MBA, tôi thường nhìn những vị quản lý ngân hàng (banker) với  nhiều ngưỡng mộ và chút ganh tị. Ngoài việc phải có một học vị giỏi giang ở các trường danh tiếng, họ ăn mặc rất lịch sự, dự những tiệc tùng hoành tráng, ăn trên ngồi trước, được mọi người nể trọng, hàng xóm gia đình khen ngợi. Dù sao, họ đại diện cho “đồng tiền” và trong xã hội tư bản, đây là loại huân chương cao quý nhất. Ở các nước xã hội chủ nghĩa, có lẽ chỉ có các đồng chí mới có những vinh dự này.

Nhưng có lẽ vì ăn uống quá nhiều (kể cả những tâng bốc nhiều không khí), nên bụng các vị thường phình ra và khi máu chạy hết xuống bao tử, cái đầu bỗng thiếu máu và ngu ra một chút. Hiện tượng này cũng hay hiện diện ở các chàng trai sung sức. Hễ thấy một chân dài sexy, bốc lửa, là mặt nghệch ra, đấu óc không còn chút máu, và bị người đẹp xỏ mũi dắt đi như một con bò ngoan (kinh nghiệm cá nhân).

Tháng rồi, trong chuyến bay từ New York về Los Angeles, tôi ngồi cạnh một banker của một ngân hàng lớn thế giới. Anh ngà ngà say, ngồi kể liên miên những bí mật nửa hở nửa kín của ngân hàng anh đang làm. Chỉ tiếc là anh đang quản lý khối chi nhánh bên Trung Á, chứ nếu anh coi khu vực Asean thì tôi lại có nhiều điều để học (và cười).

Điều anh kể cũng không gì mới lạ. Trong cuộc thi đua đạt chỉ tiêu và thành tích (ảnh hưởng rất nhiều đến bonus cuối năm và tương lai sự nghiệp) các bankers thường bỏ qua mọi nguyên tắc về quản lý rủi ro và đôi khi tạo dựng hồ sơ cùng khách hàng để mọi người “vui vẻ”. Dù sao, đây cũng là tiền người khác (OPM) và khi nợ đáo hạn, ta đã cao bay nơi chốn nào, để lại đống phân cho thằng khác dọn dẹp.

Anh nói về một phi vụ mà JP Morgan Chase, RBS, HSBC, Credit Suisse mất 15 tỷ đô la tại Kazakhstan. Mọi chuyện khởi đầu với một ngân hàng địa phương phát hành trái phiếu với nhiều hồ sơ giả mạo. Vì chủ nhân là một người thân của Tổng Thống đương nhiệm, nên các vị bankers phải cố ém nhẹm dùm để còn “được phép” làm ăn tại xứ nhiều mỏ dầu và khoáng sản này.

Chuyện ngân hàng BTA ở Kazakhstan nghe cũng quen thuộc. Cách đây 6 năm, các nhà đầu tư ngoại quốc và ngân hàng thế giới ào ạt đổ tiền vào Kazakhstan sau khi Tổng Thống Nazarbayev mở cửa theo kinh tế thị trường và giá dầu lên đỉnh. Tăng trưởng GDP đạt mức 10% trung bình trong 10 năm liên tiếp (không biết họ tìm được ông tư vấn nào đã có kinh nghiệm làm cho Cục Thống Kê Trung Quốc hay Việt Nam?) Với một số tiền khá lớn đầu từ nước ngoài, BTA cho vay bừa bãi tứ xứ như một chân dài vừa săn trúng vài ba đại gia một lúc. Nợ xấu lên đến 6 tỷ đô la. Dĩ nhiên, ngân hàng nhà nước không thể để BTA phá sản nên mua lại 6 tỷ đô nợ xấu và bơm thêm 6 tỷ đô la nữa bằng trái phiếu bán cho các ngân hàng quốc tế. Sau cùng, chánh phủ cũng không in tiền kịp để trả nợ và Kazakhstan phải phá giá bản vị tenge 21% vào 2009.

Chuyện cười ra nước mắt là anh banker trên máy bay được phái đi Kazakhstan để thâu hồi các tài sản cầm cố cho món nợ hơn 600 triệu đô. Trong đó, có phi vụ BTA cho một cá nhân ở 1 tỉnh khá hẻo lánh vay 70 triệu đô la để làm một dự án nông nghiệp hoành tráng hiện đại (tôi đang xin kế hoạch kinh doanh này và sẽ nộp cho vài ngân hàng ở đây). Anh banker phải mất gần một ngày trời mới đến ngôi làng nhỏ và tìm ra người chủ vay. Ông này làm chủ một nông trại rộng chưa hơn một hectare và tài sản quý báu duy nhất là 32 con cừu và dê trong trại. Ông ta hoàn toàn ngạc nhiên khi biết mình nợ đến 70 triệu đô (tính ra một con cừu trị giá hơn 2 triệu) và không biết thằng chó chết nào đã xài dùm mình 70 triệu mà thậm chí không gởi biếu được một chai rượu?

Tôi chắc chắn một vài ông hay bà nông dân ở Đồng Tháp hay Bắc Kạn đang sở hữu vài chục triệu đô la mà họ không biết? Dư tiền để sở hữu một chiếc Rolls Royce và mời Mr. Đàm về hát cho đám cưới con mình.

Alan Phan

ĐƯỜNG THU ĐÀ LẠT – Nguyên Hải

4 Th9

Chiều Đà Lạt  –  HS. Lê Thừa Khiển

 

ĐƯỜNG THU ĐÀ LẠT

 

Phải xưa trăng thất tình mây !

Mà nay hóa đá xếp dày cao nguyên

Lang-Bian vẹn thề nguyền

Tuyền lâm-than thở nặng triền thông reo

 

Nhấp nhô điệp điệp núi đèo

Cúc quỳ trải lụa quậng theo chân người

Nắng vàng hong ánh chiều trôi

Ướp làn sương khói nương đồi xa xa

 

Đường thu Đà Lạt thảm hoa

Vi vu con gió hoan ca đất trời

Ủ lòng đất lạnh dành hơi

Sưởi tình du khách muôn nơi nhớ mình

Nguyên Hải

 

 

Ông già và con chó – trannhuong

4 Th9

 

Ông già và con chó

Trần Dũng (TQ) Vũ Phong Tạo dịch
 
 
Nhà văn Trần Dũng, bút danh Thu Thuỷ, là Hội viên Hội Nhà văn Trung Quốc, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật quốc tế Trung Quốc.
Ông sinh tháng 2 năm 1963, tháng 8 năm 1985 tốt nghiệp Khoa Trung văn Trường Đại học Điện lực Hồ Bắc.
Từ năm 1998 đến nay, liên tục xuất bản 9 tập truyện mini “Tặng em một bó hoa cẩm chướng”, “Lá phong đỏ rồi”, “Dòng sông tình yêu”,    “Hàng quí”, “Ấm sứ tím”, “Truyền thuyết về 9 con chim”, “Niết bàn phượng hoàng”, “Bên bờ sông”, “Bãi sông Yên Chỉ”; 3 bộ bình luận văn học “Hoa hồng gai”, “Tiếng còi”, “Tay trống”;
Trên 20 tác phẩm “Ông già và con chó”, “Chim bói cá”, “Cây bút máy Parker thần bí”, v.v… được Giải thưởng toàn quốc.
Giới bình luận văn học Trung Quốc đánh giá tác phẩm của Trần Dũng có “phẩm vị và phong cách đại gia”.
Ngày 28 tháng 10 năm 2008, báo điện tử “Nhà văn truyện cực ngắn” (
www.xxszj.com) mở chuyên mục “Trần Dũng bình luận”.
Tác phẩm “Ông già và con chó” của Trần Dũng đã in trên tạp chí “Nguyệt san Truyện cực ngắn” số 6-2000, tạp chí “Sáng tác” số 4-2001, tạp chí “Truyện mini tinh tuyển” số 4-2001, được chọn in vào sách “Tổng quan truyện mini đương đại Trung Quốc”, được trao giải ba cuộc thi bình chọn truyện mini xuất sắc toàn Trung Quốc lần thứ nhất (năm 2002), đăng trên báo điện tử “Đọc truyện cực ngắn” (www.xiaoxiaoshuo.com), 11-3-2009).
                                                          ***
Chó của Vũ Tử mất rồi.
Hồn của Vũ Tử cũng mất rồi.
Đây không phải là một con chó thông thường, nó là con chó Tây mà Vũ Tử bỏ ra một vạn đồng (một nhân dân tệ tương đương 3 ngàn đồng Việt Nam-VPT) mua về.
Điều càng làm cho Vũ Tử cảm động là linh tính của con chó Tây.
Có một hôm, Vũ Tử dắt con chó Tây đi dạo phố. Lúc trở về, Vũ Tử đang muốn bước lên cầu gỗ, con chó Tây cứ sủa “oăng oẳng” liên tục, nó còn dùng miệng níu vào quần của Vũ Tử. Đúng lúc Vũ Tử nghi hoặc không hiểu vì sao, thì chỉ nghe thấy một tiếng động  lớn “rầm rầm”, chiếc cầu gỗ đã bị sập.
Nguy hiểm quá! Vũ Tử kinh ngạc đến mức mặt tái mét như chết, hồi lâu mới định thần trở lại.
Từ đó, Vũ Tử và con chó như hình với bóng không bao giờ rời xa nhau, trở thành bạn thân.
Tối qua, một người bạn từ xa đến thăm anh ta. Hai người mừng rỡ, uống rượu trắng đêm. Khi anh ta khật khưỡng trở về nhà, chỉ nhìn thấy người vợ xinh đáng yêu, không thấy con chó Tây đáng yêu đâu.
Vũ Tử không nói đến câu thứ hai, đã vội lên đài phát thanh, đài truyền hình, đăng quảng cáo tìm chó, nói rằng nếu có người tìm thấy con chó Tây, sẽ thưởng tiền một vạn đồng.
Vũ Tử vừa bước chân vào nhà, sau lưng đã đã có đám đông người bám theo, trong tay mỗi người đều dắt theo một con chó. Vũ Tử ngồi ngay ngoài cửa, quan sát từng con chó một, cho đến lúc nhìn thấy con chó cuối cùng, anh ta mới buồn rầu đứng dậy,    đóng cửa nhà.
Đêm hôm ấy, Vũ Tử nằm mơ trông thấy một ông già nhặt rác dắt một con chó đến. Vừa nhìn, đã thấy đùng là con chó mà mình mất! Vũ Tử sướng quá nhảy cẩng lên. Tỉnh dậy, Vũ Tử mới biết chỉ là một giấc mơ mà thôi.
Mấy ngày liền, ngày nào cũng có người dắt chó đến, trong đó không ít là chó Tây, có rất nhiều con chó Tây còn đẹp hơn con chó của anh ta, song Vũ Tử chỉ muốn tìm thấy con chó của mình. Ngày tháng cứ trôi qua không nhanh không chậm như thế.
Con chó của Vũ Tử vẫn vô âm tín.
Vũ Tử có phần nào thất vọng. Tinh thần sa sút, Vũ Tử buôn bán thu lỗ mấy vụ liền. Vũ Tử tức điên người, ngày ngày chửi bới mọi người.
Trước tình cảnh u ám ấy, vợ Vũ Tử khóc mếu đòi về nhà mẹ đẻ. Vợ Vũ Tử không nói không rằng lặng lẽ bỏ đi, chẳng khác nào lửa cháy lại đổ thêm dầu. Vũ Tử sắp phát điên mất.
May mà ông trời không cắt hết lối thoát của người. Đúng lúc Vũ Tử tuyệt vọng, con chó Tây bỗng như từ trên trời rơi xuống, trở về bên cạnh Vũ Tử. Vũ Tử xúc động ôm con chó Tây vào lòng sụt sùi khóc lóc.
Khóc xong, thấy bên cạnh chìa ra một bàn tay nhếch nhác bẩn thỉu.
“Làm gì vậy?”
“Một vạn đồng tiền thưởng đâu?”
“Mơ mộng đẹp quá đấy!”
“Mày…”
“Làm sao nào?”
“Tao đánh chết mày, cài đồ không giữ lời hứa!”
“Ông dám!”
Tay ông già giơ cao rốt cuộc lại không giáng xuống. Bởi vì chủ nhân của chó vẫn là con đẻ của mình.
Vũ Tử cũng nhận ra bố mình. Anh ta há hốc miệng không biết nói làm sao mới được. Ông già nhặt cây gậy đánh chó lên, lê một cái chân thọt, lê từng bước một, đi ra khỏi cổng.
VŨ PHONG TẠO giới thiệu và dịch
(Theo www.xiaoxiaoshuo.com, 11-3-2009)

Trăm Gian và tâm…gian! – VHNA

4 Th9

Trăm Gian và tâm…gian!

Kỳ Duyên

Tiếng Việt thật kỳ diệu. Đồng âm mà không đồng nghĩa. Ở nơi này, là câu chuyện về 1 ngôi chùa-  Trăm Gian. Ở nơi kia, là cái tâm…gian của con người. Cái “gian” chính đạo đang chịu kiếp nạn của con người. Còn cái “gian” tà đạo đang chịu kiếp nạn của …chính mình.

Thế là cuối cùng, vụ việc Chùa Trăm Gian, (thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ- Hà Nội), di tích văn hóa quốc gia, bỗng dưng được…phẫu thuật thẩm mỹ, theo kiểu “Đập cổ kính xưa, dựng chùa mới” (Lao động, 26/8), đã được Sở Văn hóa- Thông tin và Du lịch chính thức đưa ra những kết luận ban đầu, tại cuộc họp báo chiều 30/8. Sau biết bao ồn ào, kinh ngạc, phẫn nộ và bất bình của dư luận xã hội.

Văn hóa thấp gặp cái tầm…thấp?

Theo ông Giám đốc Phạm Quang Long, đã có sự xâm hại di tích, vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản. Cụ thể 3 hạng mục bị xâm hại, trong đó 2 hạng mục quan trọng là gác Khánh, nhà Tổ, cùng với bậc cấp sân trước tiền đường.

Chùa Trăm Gian được lập từ đời Lý Cao Tông, năm 1185, công trình kiến trúc “độc nhất vô nhị”. Dường như các bậc tiền nhân, khi dựng nên ngôi chùa có kiến trúc độc đáo, muốn gửi thông điệp của quá khứ cho hiện tại về tài hoa lao động, trí tuệ trác tuyệt tạo nên vẻ đẹp văn hóa và kiến trúc một thời đại.

Đâu ngờ, thế hệ hậu bối, ở thời văn minh công nghiệp, với kỹ thuật- công nghệ, và vật liệu tân tiến, lại gửi “thông điệp”…phản văn hóa, phi văn hóa cho các bậc tiền nhân. Khi sơn lại tranh tượng quý bằng sơn công nghiệp Nippon; làm mới bệ tượng, bàn thờ bằng ximăng, gạch ốp lát công nghiệp xanh đỏ tím vàng; xây mới các dãy hành lang, đánh bóng cột kèo bằng vécni…

Thì đến tiền nhân cũng khóc, chả cứ người đời.

Đến nước này, một loạt các “bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ” bất đắc dĩ cho chùa, phải chịu dao kéo, lẫn búa rìu dư luận, và bị đình chỉ hoạt động… phi pháp. Cho dù họ có ý thức hẳn hoi, chứ không phải “vô thức” nhé- như lời bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TP Hà Nội từng nhận định một cách…vô ý thức!

Nhưng khi cuộc họp báo chính thức đầu tiên khép lại, cũng là lúc mở ra biết bao vấn đề còn rối như mớ bòng bong, về tư duy văn hóa, về trách nhiệm, thẩm quyền tu tạo, đặc biệt là cơ chế quản lý, bảo vệ di sản văn hóa, di sản vật thể quốc gia. Liệu vụ việc Chùa Trăm Gian có gợi mở cho các nhà quản lý văn hóa kế sách gì không?

Vì sao, Chùa Trăm Gian kêu cứu vì xuống cấp quá nhiều hạng mục, cách đây đã 2 năm, và cũng đã được đưa vào danh sách đỏ của thành phố cần duy tu, sửa chữa, bảo tồn từ năm 2010, vậy mà ngay cả khi chùa bị xâm hại, bị “cưỡng bức” làm mới, ông Giám đốc Sở VH- TT và DL vẫn cứ viện lẽ kinh phí (hơn 10 tỷ đồng) quá khó khăn. Do phải thực hiện Nghị quyết 11phát triển kinh tế, nên sở đành…chờ?.

Chả lẽ, Chùa Trăm Gian “đứng ngoài” Nghị quyết? Và văn hóa không phải là sự phát triển xã hội?

Hay chính những người làm văn hóa cũng quan liêu, thờ ơ, vô cảm với sự xuống cấp của văn hóa, chỉ quan tâm tới …kinh tế? Khiến nhà chùa phải phát công đức kêu gọi người dân?

Tiếc thay, nhiệt tình + dốt nát= phá hoại. Công thức nổi tiếng của 1 nhà chính trị thời cận đại vẫn còn nguyên giá trị trong thời hiện đại.

Chứng cớ, là ngay sau khi sự việc đau lòng xảy ra, trước phản ứng dữ dội của báo chí và dư luận xã hội, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBNDTP đã ngay lập tức chỉ đạo cấp vốn cho dự án và phê bình lối tư duy xơ cứng. Thôi thì mất…chùa mới lo cứu chữa. Muộn còn hơn không!

Nhưng vì sao, một tài sản- di tích quốc gia nổi tiếng như vậy, lại được phân cấp quản lý cho huyện? Để rồi huyện lại tiếp tục phân cấp triệt để cho xã, cấp quản lý hoàn toàn…mù tịt về cách bảo tồn, di tích và không có thẩm quyền?

 Sự nhận thức nông cạn của cấp xã về bảo tồn di sản văn hóa quốc gia, đã dẫn đến lối nghĩ tùy tiện, hồn nhiên và ngây thơ, dẫn đến sự tàn phá di sản, vi phạm luật pháp.

Cứ nghe cụ Tuệ, người phụ trách “dự án trùng tu” chùa này ở địa phương, đủ biết: Di tích còn tốt, gỗ lạt còn tốt, nhiều cái không cần thay, cứ để vậy thì còn lâu mới hỏng, nhưng có điều kiện thì chúng tôi tổ chức dỡ ra, thay mới toàn bộ cho nó bền…. Không lấy lại một cái cấu kiện cũ nào cả. Thay tất (?). Hệt một lão nông hể hả sửa căn nhà của mình, cho nó “bằng anh, bằng em”!

Vì sao, mà ông Nguyễn Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ VH- TT và DL, trả lời báo Đất Việt, lại phát ngôn một cách thản nhiên, và dửng dưng, nếu không nói là thật…nông cạn: Làm lại thôi chứ có gì đâu! Chánh Thanh tra 1 Bộ quản lý văn hóa, mà tư duy văn hóa chẳng kém 1 nông dân suốt đời luẩn quẩn sau đuôi trâu!

Đến mức GS Trần Lâm Biền phải ví von bi hài: Di tích như người già bị ốm. Nếu bố tôi bị ốm, tôi đem đến cho bác sĩ chữa nhưng bác sĩ lại giết béng bố tôi đi, đưa cho tôi ông già khác bảo là bố tôi thì có chấp nhận được không? Di tích bị xây mới thì không còn là nó nữa!

Tầm của xã như vậy, lại gặp… cái tâm, cái tầm của Sở, của Bộ như vậy, trách chi Chùa Trăm Gian chả “nham nhở” như hiện nay?

Mà Chùa Trăm Gian đâu phải là “nạn nhân” đầu tiên của cái tầm, cái tâm văn hóa kiểu ấy?

Xã hội ta từng đau đớn, một nàng Vọng Phu hóa…bê tông, một Thành Nhà Mạc hóa…lò gạch. Và ngay cả Ô Quan Chưởng, tuy được bảo tồn nghiêm cẩn hơn, nhưng xung quanh, môi trường bị ô nhiễm vì khai mù, hôi hám, rác rưởi bẩn thỉu đến hổ thẹn và xót xa.

Một Ô Quan Chưởng danh tiếng trong 5 cửa ô của Hà Nội còn sót lại (Ô Cầu Giấy, Ô Cầu Dền, Ô Chợ Dừa, Ô Đông Mác và Ô Quan Chưởng) mà bị đối xử thô lậu, phũ phàng. Cơ quan chức năng đã vậy, dân cũng lại vậy, văn hóa có còn là …văn hóa?

Những di tích văn hóa mang trong lòng nó lớp lớp trầm tích của thời gian, của lịch sử, của cổ tích và quá khứ, làm rung động cả nhân gian bao thời đại. Nó là tinh hoa, là tài hoa, trí tuệ của các bậc tiền nhân. Nay bỗng trở nên vô hồn, chắp vá nham nhở.

Chùa “vô hồn” hay thực ra con người đã vô hồn, vô tình, vô cảm với chính văn hóa! Tòa án lương tâm của nhiều vị, dường như đã đóng… im ỉm từ lâu rồi?

Được biết, Chùa Trăm Gian sẽ được bảo tồn “lại”, theo kế hoạch của thành phố. Nhưng liệu “hồn vía” của chùa, sau kiếp nạn vừa rồi có quay trở về được nữa không?

Tâm gian giữa… biển Mê?

Kinh tế thị trường mở ra, diện mạo xã hội có nhiều cơ may đổi mới, tăng tiến. Nhưng cùng đó những rủi ro, họa hại cũng khôn lường. Đó là tham nhũng và các nhóm lợi ích liên kết chặt chẽ, chi phối và kìm hãm sự phát triển của quốc gia

Năm Nhâm Thìn chưa kết thúc, nhưng nhân thế đang tiếp tục chứng kiến số phận của không ít các doanh nhân, đại gia bị năm Rồng “cuốn” vào vòng lao lý.

Mới nhất là vụ bầu Kiên- 1 đại gia lừng lẫy đến mức được “tôn vinh” lên hàng Bố già, bị cơ quan chức năng bắt vào chiều 20/8. Bầu Kiên là 1 “hiện tượng”, 1 số phận, mà rồi đây chắc chắn, lịch sử bóng đá và lịch sử tài chính ngân hàng sẽ còn phải nhắc đến với tất cả tài năng cùng thủ đoạn, quyền lực ngầm thâu tóm, lũng đoạn của ông ta.

Trước đó, Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vinashin) bị 20 năm tù giam vì tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng, kéo theo cả 1 dây các cộng sự thân tín dưới quyền bóc lịch theo.

Hiện tượng con tàu nát Vinashin và “thuyền trưởng” Phạm Thanh Bình chắc chắn sẽ được “tiễn đưa” vào giáo án của Luật Kinh tế, vào lịch sử kinh tế VN, về 1 mô hình doanh nghiệp chủ đạo, trong 1 cơ chế quản lý doanh nghiệp Nhà nước còn quá nhiều sơ hở, khiếm khuyết.

Rồi 1 Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐ thành viên Tổng Công ty Hàng hải VN (Vinalines), bị khởi tố đã trốn chạy, chui lủi nơi nào, giờ không ai rõ. Đến mức Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, kiêm Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương đã quyết liệt chỉ đạo: “Phải bắt bằng được Dương Chí Dũng”.

Mới đây, Phạm Văn Thụ, Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty Thép Thái Sơn cũng bị bắt về hành vi “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” liên quan đến các khoản vay ngân hàng. Con trai ông Thụ là Phạm Hải Thanh, nguyên TGĐ công ty Thép Thái Sơn, cũng bị khởi tố cùng tội danh. Rút cục, 2 cha con ông giờ đây… chung 1 cảnh lao tù.

Điều oái oăm, năm 2011, công ty Thép Thái Sơn từng lọt vào top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất VN. Đến khi bị bắt, 2 cha con ông cùng là… con nợ khủng, với con số 1300 tỷ đồng. Vòng nguyệt quế và thân lao tù trong thời kim tiền này, đắng thay, mong manh quá, chỉ cách nhau 1 chữ ký …

Rồi Phan Minh Anh Ngọc – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán Cao Su (RUBSE), nguyên Tổng GĐ Công ty Tài chính TNHH Một thành viên Cao Su Việt Nam (RFC), bị bắt tạm giam vì “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” khi còn là Tổng GĐ RFC.

Rồi Hoàng Xuân Quyến, nguyên Tổng GĐ Chứng khoán Liên Việt, Phan Huy Chí, Chủ tịch Chứng khoán SME, cũng bị bắt tạm giam, liên quan đến những hành vi sai phạm về tài chính, v.v và v.v…

Có 1 cuốn sách, hồi nhỏ, người viết bài từng đọc, và rất ấn tượng: “Bút ký người dự thẩm”. Đó là tác phẩm của một người dự thẩm chuyên dự các phiên tòa xét xử các vụ án kinh tế, giai đoạn tân kinh tế của nước Nga Xô viết (cũ). Thế nhưng, giá mà những tội phạm kinh tế thời đó còn sống, hoặc sống dậy, chắc chắn họ cũng phải vái lậy các đại gia VN giai đoạn này.

Kinh tế thị trường nước ta đi sau kinh tế thị trường nhiều quốc gia văn minh. Có thể quan sát, và dự báo được quy luật thực tiễn, để ngăn ngừa và tránh được những “vết xe đổ”.

Nhưng vì sao các doanh nhân, các đại gia nói trên lại chỉ bị phát hiện, bị truy tố và bắt giam khi đã gây ra những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng, để lại di họa cho cả xã hội, tước đoạt và lãng phí hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế mồ hôi công sức của nhân dân không thương tiếc?

Họ phạm tội, sẽ phải trả giá. Nhưng cơ chế quản lý kinh tế- xã hội, với hệ thống và vai trò giám sát, kiểm tra, thanh tra theo chức năng, liệu có…vô can? Con số 275 bị can về các tội danh tham nhũng bị khởi tố, 451 bị can bị Viện Kiểm Sát truy tố và 251 bị cáo bị tòa án xét xử về tội tham nhũng, liệu mới chỉ là “phép nổi” của tảng băng?

Vỏ quýt dầy, móng tay nhọn. Tiếc thay, móng tay nhọn– ở đây là cơ chế quản lý kinh tế- xã hội, là Luật Phòng chống tham nhũng lại chưa thật…nhọn. Thế nên, rút cục xã hội vẫn phải tiếp tục đóng “học phí giá cao” cho kinh tế thị trường ở VN.

Nhà Phật có câu: Hồi đầu thị ngạn, tức quay đầu lại là bờ giác (ngộ). Nói như một phật tử: Biển Mê và bờ Giác chỉ cách nhau có 1 cái quay đầu.

Thế nhưng, các đại gia ngày nay, mắt vẫn sáng, tai vẫn tinh, mũi vẫn thính, sức khỏe vẫn dồi dào, nhưng …biển Mê rộng dài quá, nên mắt vẫn nhìn mà không thấy bờ, tai vẫn thính mà ko muốn nghe thấy tiếng gọi của bờ. Rút cục, họ quay đầu vào chốn…lao tù

Đó là cái giá đắt cho cái tâm…gian giữa biển Mê.

Tham khảo:

http://www.tienphong.vn/van-nghe/590083/su-that-ve-vu-pha-chua-tram-gian-tpp.html

http://baotintuc.vn/129n20120830190240459t0/phuc-dung-chua-tram-gian-bat-nuoc-da-do-xuong-dat.htm

http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/86953/vu-trung-tu-chua-tram-gian–loi-vo-thuc-.html

http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/86880/lam-lai-thoi-chu–co-gi-dau-.html

http://vef.vn/2012-08-22-nhung-doanh-nhan-viet-nga-ngua-nam-nham-thin

http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/86027/dai-gia-sau-chan-song-sat.html

http://vnexpress.net/gl/phap-luat/2012/08/dieu-tra-xu-ly-nghiem-toi-pham-thau-tom-ngan-hang/

Bản tác giả gửi cho VHNA

 

Nhà văn Nguyên Ngọc: Cần phản tư về nguyên nhân gốc của sự suy thoái văn hóa và giáo dục – VHNA

4 Th9

Nhà văn Nguyên Ngọc: Cần phản tư về nguyên nhân gốc của sự suy thoái văn hóa và giáo dục

Nguyên Ngọc – Nguyễn Thị Từ Huy

VHNA : Văn hoá và giáo dục  gắn liền với cuộc sống và số phận của mỗi người dân, mỗi gia đình và cả cộng đồng quốc gia – dân tộc. Rõ ràng là văn hoá và giáo dục của nước ta trong nhiều thập kỷ qua có nhiều biến động và sa sút, xuống cấp. Cả xã hội đã và đang bàn về vấn đề này và cho đến nay vẫn đang ở trong vòng quanh co, chưa có một đường hướng rõ ràng, cụ thể để đưa văn hoá và giáo dục nước nhà thoát ra được cuộc khủng hoảng với những hy vọng có cơ sở. VHNA giới thiệu cuộc trao đổi của nhà văn Nguyên Ngọc với TS Nguyễn Thị Từ Huy với hy vọng góp một tiếng nói đáng tham khảo với bạn đọc.

Nguyễn Thị Từ Huy:  Thưa nhà văn Nguyên Ngọc, từ nhiều năm nay, sự xuống cấp của văn hóa và giáo dục đã trở thành một sự thật hiển nhiên với quá nhiều bằng chứng được nêu công khai trên báo chí, và mỗi một cá nhân hay mỗi một gia đình đều trải nghiệm nó trong đời sống hàng ngày. Thực ra văn hóa và giáo dục liên quan rất chặt chẽ với nhau. Là một người làm việc trong cả hai lĩnh vực, và đặc biệt quan tâm tới cả hai lĩnh vực (nói điều này có vẻ thừa nhưng thật ra lại không thừa, vì thực tế là hiện nay ở ta nhiều người làm việc trong lĩnh vực giáo dục mà không quan tâm đến giáo dục, làm việc trong lĩnh vực văn hóa mà không quan tâm đến văn hóa), nhà văn có thể nói rõ hơn về việc sự xuống cấp của cái này kéo theo sự xuống cấp của cái kia như thế nào ? Đâu là căn nguyên sâu xa của tình trạng suy thoái của văn hóa và giáo dục hiện nay?

Nguyên Ngọc:  Trước hết xin nói về quan hệ giữa văn hóa và giáo dục. Có thể nhận thấy điều này: ở nhiều nước và là những nước tiên tiến, bộ trưởng giáo dục hầu như bao giờ cũng là nhà văn hóa lớn. Hơn thế nữa, khi nảy sinh những vấn đề quan trọng về giáo dục, vị bộ trưởng ấy, hoặc chính thủ tướng chính phủ, thường mời một hay một số nhà văn hóa lớn, có tầm bao quát sâu rộng về xã hội, thậm chí là nhà triết học xã hội hàng đầu, làm cố vấn, nghiên cứu, thiết kế, đề xuất những dự án căn bản về cải cách giáo dục. Và nhiều nhà văn hóa lớn thường cũng là nhà giáo dục lớn. Trường hợp Edgar Morin ở Pháp là như vậy. Edgar Morin cố gắng nhận diện xã hội trước những chuyển biến có tính cách mạng của thời đại tác động dữ dội đến tư duy và cuộc sống của con người, để suy nghĩ, bàn luận và đưa ra những kiến nghị cơ bản đối với giáo dục.

Như vậy, nói theo cách nào đó, những vấn đề của văn hóa và của giáo dục là một. Đó là những vấn đề con người của một xã hội, với tất cả những điều kiện để lại từ quá khứ, những hoàn cảnh hiện tại, và những thách thức sẽ đến, phải đối diện để tồn tại và phát triển. Vấn đề lớn nhất của giáo dục bao giờ cũng là vấn đề văn hóa (của xã hội); và để giải quyết văn hóa trong một xã hội, giáo dục phải lãnh vai trò quan trọng nhất.

Ở ta hiện nay nói rằng văn hóa và giáo dục xuống cấp, cái này kéo theo cái kia, trong cả xã hội xuống cấp, thì là cách nói chẳng có gì mới. Tôi nghĩ cần chú ý và nói rõ hơn điều này: đà lao xuống dốc đang tăng tốc đáng sợ và khủng hoảng đã đến báo động đỏ, cảm giác chung là đụng đến đâu cũng chạm phải hỗn loạn, mục ruỗng, từ cái cơ bản cho đến cái chi tiết, cụ thể. Tất nhiên là phải tìm nguyên nhân, nhưng trong một tình hình cực đoan đến vậy thì phải tìm nguyên nhân rất xa, phải trở lại xa. Tôi thường cố suy nghĩ về điều này và bắt gặp một lý giải có thể rất gần gũi với ta. Đấy là những ý kiến của Maxime Gorki năm 1918, nghĩa là ngay giữa những ngày sôi nổi của cách mạng tháng Mười Nga. Tỉnh táo lạ thường ngay trong không khí hứng khởi tột cùng ấy, với tư cách của một nhà văn hóa lớn, cực kỳ dũng cảm và đầy trách nhiệm ông viết : « … Cách mạng đã đánh đổ nền quân chủ, điều đó đúng! Nhưng điều đó có lẽ cũng có nghĩa rằng cuộc cách mạng đã mang chứng bệnh ngoài da vào bên trong bên trong nội tạng. Người ta không được phép tin rằng cách mạng đã chữa trị và làm phong phú cho nước Nga về mặt tinh thần … ». Sau 1975, chúng ta đã không đủ tỉnh táo và cả dũng cảm để nhận ra và nói rõ rằng cách mạng và chiến tranh giải phóng anh hùng 30 năm đã giành lại được độc lập và thống nhất cho đất nước, nhưng những căn bệnh chí tử của xã hội đã khiến dân tộc phải đối mặt với những nan đề văn hóa và xã hội mà một trăm năm trước các nhà duy tân sáng suốt nhất thời ấy đã nhận ra và cố tìm cách giải quyết. Những nan đề lớn và lâu dài, cơ bản đó một trăm năm nay vẫn còn nguyên đấy. Còn nguy hơn, nó lặn vào trong nội tạng. Chúng ta đã không đủ tỉnh táo và dũng cảm để như Gorki biết và nói rõ rằng cách mạng và chiến tranh rất vĩ đại nhưng không chữa trị được cho đất nước và xã hội về mặt tinh thần.

Hơn thế nữa, những phương tiện đã buộc phải mượn để chiến thắng với bất cứ giá nào trong cách mạng và chiến tranh, éo le vậy, vừa cần thiết cấp thời lại vừa có « phản ứng phụ »  không tốt đối với xã hội và con người. Nghĩa là nội tạng của xã hội vừa còn nguyên bệnh mãn tính cũ, lại vừa nhiễm thêm bệnh mới, như ta biết có chỗ đến tận những tế bào cơ bản nhất của cơ thể xã hội. Nếu không thì làm sao giải thích được sự sa sút cứ như « đột ngột », lạ lùng, lại ngay sau chiến thắng huy hoàng?

Ai cũng biết lịch sử không có « nếu ». Lịch sử thì đã là lịch sử. Nhưng nhận ra những gì lịch sử đã tạo dựng cho hôm nay và những gì lịch sử để lại nợ nần hôm nay phải biết và phải trả, bao giờ cũng là cần.

Chẳng nên trách ai. Trách chăng là ta đã không đủ hiền minh để tỉnh táo sau 1975.  Vậy thì bây giờ cần tỉnh táo. Và dũng cảm nhìn vào sự thật thẳng thắn và sòng phẳng. Hầu như đó là con đường sống duy nhất.

 NTTH : Tuy nhiên, dường như có sự khác biệt rất lớn trong đánh giá về thực trạng của giáo dục và văn hóa. Theo ông những bộ phận nào trong xã hội cảm thấy lo lắng và hiểu rõ các bất cập của hai lĩnh vực này, những bộ phận nào của xã hội chúng ta cảm thấy hài lòng, thậm chí còn cố gắng duy trì tình trạng hiện nay. Và vì sao ?

 Nguyên Ngọc:  Thực ra ngay trong mỗi bộ phận trên – nếu ta cứ cho là có hai bộ phận như thế – cũng có những khác biệt. Thấy suy thoái và lo lắng về suy thoái thì nhiều, song nhận thức về tính chất của suy thoái thì khá khác nhau. Phần đông nhìn ở những nguyên nhân gần, ở chủ trương, chính sách này nọ, hoặc ở tính khí, phẩm chất của cá nhân này cá nhân kia … Và khi thấy thay đổi những cái đó rồi hóa ra cũng lại y như cũ thì hoang mang, chán nản. Một bộ phận nhỏ nhìn xa hơn, nhưng do những e dè kiêng kị đã thành nếp cũng không dám truy tìm cho đến cùng. Đấy là nói về phía nhân dân rộng rãi, không bị chi phối nhiều bởi những lợi ích do chính sự suy thoái kia đem lại.

Đối lại ở phía bên kia là những người hài lòng với tình trạng hiện nay, trong đó có số do mù quáng, chai lì vì quán tính giáo điều đã quá lâu, và do bị bưng bít có chủ ý cũng có.

Cuối cùng là những người thật sự ra sức duy trì tình trạng này, dùng toàn bộ sức mạnh để bảo vệ nó. Đơn giản chỉ vì lợi ích ích kỷ bất chấp tất cả của họ. Bao giờ cũng vậy, số này không nhiều, nhưng là mối nguy chính, trước mắt và lâu dài.

NTTH :  Nhiều vấn đề cốt lõi của văn hóa giáo dục đã được thảo luận từ lâu, nhiều kiến nghị đề xuất đã được đưa ra từ lâu. Nhiều đề xuất dựa trên các nghiên cứu cẩn thận, chẳng hạn như các đề xuất của nhóm các học giả nước ngoài Ben Wilkinson (Trường Kennedy, đại học Harvard) và Laura Chirot (trường New School). Tuy nhiên, tình hình chung là các kiến nghị đó, các đề xuất đó đều bị rơi vào im lặng và quên lãng. Và theo thời gian thì mọi việc càng ngày càng tồi tệ hơn. Đã đến lúc chúng ta cần phải phân định một cách rạch ròi trách nhiệm mà mỗi người, mỗi bộ phận chức năng phải đảm nhận. Ở đây ta chỉ nói đến hai bộ phận sau : bộ phận quản lý (với các cấp khác nhau), bộ phận thực hiện (giảng viên giáo viên trong lĩnh vực giáo dục, những người làm công việc phổ biến, truyền bá trong lĩnh vực văn hóa). Theo ông, các bộ phận này đã đóng vai trò như thế nào trong quá trình suy thoái của văn hóa và giáo dục ?

 Nguyên Ngọc:  Đã có những kiến nghị sâu sắc, khá toàn diện, tâm huyết, không chỉ của các chuyên gia và tổ chức nước ngoài, mà ngay của các trí thức và tổ chức trong nước. Nói chung đến nay tất cả đều bị bỏ qua, không chỉ không hề có phản hồi, mà thậm chí không được ngó qua, đếm xỉa đến. Có một sự tắc trách, vô cảm đến kỳ lạ ở những người và những bộ phận có trách nhiệm. Song mặt khác, theo tôi có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, các kiến nghị ấy đều dừng lại ở mấp mé của nguyên nhân gốc, dù nếu với thiện chí và chăm chú đôi chút người đọc cũng có thể nhận ra những ý tứ không quá che kín. Tôi nghĩ đã đến lúc sòng phẳng nói ra một lần cho rõ, bởi chắc chắn nếu không nhìn thẳng đến tận đấy thì rồi sẽ cứ lẩn quẩn mãi trong bế tắc lùng nhùng, không sao gỡ ra được, như lâu nay đã là thế.

Tôi không chia những người phải chịu trách nhiệm thành bộ phận quản lý và bộ phận thực hiện. Tôi nghĩ theo cách khác: Cần có một sự phản tư cơ bản của toàn xã hội về nguyên nhân gốc của suy thoái, tất nhiên trước hết là ở những bộ phận có trách nhiệm và có quyền ở tầm vĩ mô, song rồi sau đó cũng phải thành nhận thức chung của mọi người. Một sự nhìn nhận lại thẳng thắn và bình tỉnh.Nhân đây tôi cũng muốn nói rõ thêm điều cần thiết này. Khi ta nói thẳng chẳng hạn về sự sa sút tệ hại của giáo dục thì không nên nghĩ đó là đánh giá chung về phẩm cách của tất cả những người thầy giáo chúng ta. Thậm chí ngược lại, có thể nói trong tình trạng chung hiện nay, còn giữ được giáo dục chưa đổ nát hoàn toàn là công của những giáo viên và cán bộ giáo dục vô danh tâm huyết, nhất là ở cơ sở. Tuy nhiên lại cũng phải nói rằng thật khó cho họ giữ mình trọn vẹn dưới áp lực của một nền giáo dục dang suy thoái có tính chất hệ thống như vậy. Gần đây, trong một ngữ cảnh khác có người đã dùng đến cách nói « tội làm hỏng dân ». Ai làm hỏng ? Đương nhiên là cái hệ thống kia.

 NTTH :  Nếu không có sự cải thiện, nếu chúng ta tiếp tục tuột dốc như hiện nay thì sẽ có những nguy cơ nào cho tương lai chung của chúng ta.

 Nguyên Ngọc :  Nguy cơ đã nhãn tiền: sẽ mãi mãi là một đất nước lạc hậu lân đận ở hàng cuối nhục nhã ngay cả đối với trong khu vực, và do đó cả an nguy của quốc gia cũng bị thách thức.

 NTTH :  Cuối cùng, để có thể cải thiện tình trạng văn hóa và giáo dục hiện nay, những người quản lý văn hóa và quản lý giáo dục cần có những năng lực nào, những phẩm chất nào ?

 Nguyên Ngọc :  Đương nhiên có rất nhiều chuyện cụ thể phải giải quyết về văn hóa và giáo dục. Nhưng tất cả đều chỉ có thể giải quyết đến nơi đến chốn trong một tổng thể mới trên cơ sở phản tư sâu sắc về nguyên nhân gốc của suy thoái. Nếu không thì cố gắng đến mấy cũng sẽ chỉ là vá víu lặt vặt, có khi càng làm rối và nặng thêm tình hình.

Vì vậy tôi cho rằng năng lực và phẩm chất quan trọng nhất của người làm văn hóa và giáo dục hiện nay trước hết là năng lực truy tìm đến nơi đến chốn nguyên nhân gốc của khủng hoảng, và ý chí thay đổi trên nhận thức sâu sắc đạt được ấy.

Cũng tất nhiên trước hết là ở người chịu trách nhiệm và có quyền lực cao nhất.

Không có được điều ấy, thì sẽ là vô vọng.

Hội An, ngày 20/8/2012

Về thực trạng suy thoái đạo đức trong văn học – NNVN

4 Th9

Về thực trạng suy thoái đạo đức trong văn học

Văn Chinh   
 
Hiện nay, suy thoái đạo đức diễn ra nhanh và ngày càng bộc lộ những gia tốc chóng mặt. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm diễn tả điều này bằng một khổ thơ khả dĩ nói hộ nhiều điều hơn cái vết thương không thuốc gì cầm máu nổi trong lòng chúng ta:

Hung bạo trên mạng trên sàn diễn, trong lớp học

Hung bạo giữa bàn nhậu, cửa sau công sở, hung bạo đường phố

Tôi thương xót những nhà khoa học không đủ sức chống lại ngọn roi hung bạo…

Đó là những nguyên nhân của suy thoái đạo đức xã hội, nó diễn ra theo quy luật và ngược chiều với hướng đến của nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa; biến văn học thành tấm bình phong che chắn mọi diễn biến suy thoái, tự mình làm mình hóa ra đạo đức giả một cách bất tự giác.

Văn học ở Việt Nam được coi là bộ phận cơ hữu của Lễ trị, trong một thực tại suy thoái đạo đức nó không những không thể ngăn cản, mà ở chỗ này chỗ kia, nó lại trở thành một tấm bình phong cho sự suy thoái. Nó tạo ra hình ảnh xã hội đang rất tích cực chống tham nhũng, chống suy thoái đạo đức, chống triệt để và toàn tuyến (rõ thấy nhất là báo chí và văn học) nhưng càng “rầm rộ” thì các vụ án, số tiền tham nhũng mức độ của xấu ác lại càng kinh khủng hơn.

Khoảng dăm năm qua, chúng ta triển khai sâu rộng phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, với nhiều tác phẩm lấy báo chí và văn học nhân danh đạo đức của Bác để phê phán những suy thoái chính trị, đạo đức của cán bộ đảng viên phải nói là rất cảm động và sâu sắc. Nhưng hiệu quả thật khiêm tốn, hiện chưa có công trình khoa học nào cho kết luận cụ thể là hiệu quả đến đâu nhưng cảm giác là không được bao lăm.

Vậy liệu có thể chống được/ngăn chặn được suy thoái đạo đức xã hội hay chăng?

Tôi nghĩ là chống được nếu chúng ta đổi mới tư duy hai điều.


Nhà văn Văn Chinh

Một là thay Lễ trị bằng Pháp trị áp dụng không chừa một ai, một vùng cấm kỵ nào. Tôi nhấn mạnh thế là bởi vì mấy chục năm qua chúng ta không ngớt nói “sống và làm việc theo pháp luật” nhưng thực tế là rất nhiều cấp chức ở trên pháp luật. Một chức cấp quản lý một đơn vị, đơn vị ấy tham nhũng làm thất thoát tiền tỷ, thủ trưởng đơn vị ấy đi tù nhưng cấp chức ấy vẫn hồn nhiên tại vị. Như thế, về mặt pháp luật, cấp chức ấy không hề có cảm giác trách nhiệm chính trị, tức là ở trên pháp luật và về đạo đức cũng không hề cảm thấy mình có lỗi với nhân dân.

Hai là phải nghiền ngẫm thấu đáo nền tảng triết học của đạo đức, của dân tộc và của tinh hoa thế giới. Văn hóa Việt nằm trong thực thể văn hóa phương Đông với đạo đức Khổng – Mạnh và Phật giáo là hai dòng tương tác với bản sắc Việt tình làng nghĩa xóm.

 Bà nội tôi dạy cháu: Quỷ thần không ở đâu xa, chúng ở hai vai, sẽ chứng kiến mọi việc xấu cũng như việc tốt của con người để bẩm báo với Diêm vương và Ngọc Hoàng thượng đế. Và dạy con dâu: Nói khẽ thôi, lúc mẹ chết một mình con không chôn nổi mẹ đâu. Lại dạy, cành cây làm vướng ta, hãy đẩy nó cao lên mà chui qua, chớ bẻ gẫy nó, vừa bị chủ cây mắng chửi có khi còn bị đòn vừa có tội sát sinh, vì cây cỏ kiến sâu đều là sinh linh. Có thể nói, tổ tiên chúng ta đã vận dụng thế quyền và thần quyền nhuần nhuyễn để ràng buộc con cháu trong vòng đạo đức.

Vladimir Soloviev, nhà triết học thiên tài Nga (1853 – 1900) có một chuyên luận rất hay về đạo đức. Ông đã đặt đạo đức trong tương quan với pháp quyền, trong tổ chức xã hội chỉnh thể; ông chỉ ra tính hư tưởng của Khổng – Mạnh và cả tôn giáo suy thoái, đặt đạo đức nguyên khởi với lịch sử phát triển cá nhân và tính thống nhất của các cơ sở đạo đức …Hiếm có một nhà triết học có văn phong sáng rõ như Soloviev sở hữu. Ông nói: Có ba chân kiềng của đạo đức cá nhân – xã hội:

Tính biết xấu hổ. Người ta, do có tính biết xấu hổ nên nó không làm việc ác.

Tính khắc kỷ, hiếu thiện. Một người lương thiện và khắc kỷ năm nay 65 tuổi, sống chừng mươi mười lăm năm nữa, mỗi năm ăn hết 50 triệu; như vậy, nếu có 1 triệu đô la, ông ta sẽ mang 300.000 làm từ thiện, 300.000 cho con cháu còn lại mới dành cho mình. Những người đã có hàng chục triệu đô la, mà lại còn cứ vơ vét nữa, người ấy cũng không có đạo đức. Ấy là chưa kể, ông ta đang âm mưu tích lũy để dùng tiền mà thao túng trật tự xã hội theo ý mình – một trật tự có quyền vơ vét và làm điều ác nhưng không bị trừng trị.

Tôn thờ một tôn giáo. Tôi cần nói rõ điều này, tôi chống mê tín dị đoan. Với truyền thống gia đình ông nội theo đạo Nho, ông ngoại xướng xuất và quyên góp xây chùa làng; ở trong tôi có tất cả mọi ưu điểm và khuyết tật của hai tôn giáo ấy; những khuyết nhược được văn hóa thuần Việt níu giữ giúp tôi ghét cả mê tín dị đoan lẫn đạo đức giả.

Tôi cũng không sợ bị buộc tội quảng bá dị đoan bởi chính Karl Marx trong cuốn “Phê phán triết học pháp quyền của Hêghen” đã nói: “Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức. Là trái tim của thế giới không có trái tim, là tinh thần của những trật tự không có tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”.

 

Vladimir Soloviev coi ba cơ sở của đạo đức là quan hệ thống nhất, hữu cơ; là cái kiềng giữ cho đạo đức xã hội ở cả thể chế chính trị dân chủ tư sản hay dân chủ XHCN. Tôi chống cái ác, ngợi ca sự tử tế trên cái kiềng của Vladimir Soloviev, viết không mệt mỏi bởi thi thoảng lại được nghỉ ngơi dưới bóng mát có tên là Tình Yêu nơi con người vĩ đại này.

 

Những người chuyển dịch Marx không hiểu do vô tình hay cố ý, đã chỉ dẫn câu cuối cùng và biến tư tưởng hợp tác với thần quyền của ông thành thuần túy coi tôn giáo là nguy hiểm cần dẹp bỏ? Tôi chợt nhớ câu nói vui của Bác Hồ (đại ý): Trung ương bảo các chú tiết kiệm, nhưng văn bản về đến địa phương, nó lại thành tiết canh và mạn phép đặt lời Bác làm lời bình luận về sự chuyển dẫn này.

Vả lại, khi bàn về tôn giáo, Soloviev có nhắc đến tư tưởng của Khổng Tử. Khổng Tử, khi học trò hỏi về “sự sống” sau khi chết, ông đã gạt đi: “Chuyện người còn bàn chưa thấu đáo, thì bàn chi chuyện ma quỷ”. Khi học trò gặng hỏi là chết thì còn hay hết, ông nói: Bảo còn thì không có chứng cứ. Nhưng nếu bảo hết thì vừa không có chứng cứ lại vừa ác, có khi con cái còn bỏ mặc bố mẹ già.

Nhà thần học Nguyễn Khắc Dương, em ruột bác sỹ Nguyễn Khắc Viện khi tặng tôi cuốn Tân ước, kèm theo lời đề tặng, như sau: Nếu lương tri bạn nghĩ rằng: Thiên Chúa không hiện hữu, thì bạn phải nói rằng Thiên Chúa không hiện hữu, thế mới đẹp lòng Thiên Chúa. Còn Đức Phật thì bảo học trò rằng các ngươi đừng có thiêng hóa lời ta, hãy đập nó như thợ kim hoàn đập quặng, nấu chảy xem nó là vàng hay là đất thó. Vâng, với tôi, Đức Phật tổ là nhà vô thần vĩ đại, cũng vĩ đại như tôn giáo của Ngài.

Việt Nam, Australia đồng ý tổ chức hội nghị quốc phòng hàng năm – VOA

4 Th9

Việt Nam, Australia đồng ý tổ chức hội nghị quốc phòng hàng năm

 

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Stephen Smith

 Tin liên hệ
 Bộ trưởng Quốc phòng Australia Stephen Smith hôm thứ hai cho báo chí ở thành phố Perth biết rằng chuyến thăm Việt Nam hồi tuần trước của ông “rất thành công” và đã tăng cường mối quan hệ của Australia với Hà Nội trong lúc Việt Nam xuất hiện như một nước lãnh đạo bên trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, tức ASEAN.

Ông Smith cho biết thêm rằng đôi bên đồng ý tổ chức các cuộc hộïi nghị bộ trưởng quốc phòng hàng năm, và ông đã mời Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Qaung Thanh đến thăm Australia vào năm tới nhân dịp kỷ niệm 40 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Trong cuộc thảo luận tại Hà Nội cuối tháng 8 vừa qua, người đứng đầu bộ quốc phòng Australia nhấn mạnh rằng những vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông cần phải được giải quyết một cách hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế và Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982.

Nguồn: AAP, VOV

Việt Nam cần tích cực phá vỡ âm mưu chia rẽ ASEAN của Trung Quốc – RFI

4 Th9

Việt Nam cần tích cực phá vỡ âm mưu chia rẽ ASEAN của Trung Quốc

 

Lính Hải quân Việt Nam trên một hòn đảo thuộc Quần dảo Trường Sa. Ảnh chụp ngày 16/04/2010

Lính Hải quân Việt Nam trên một hòn đảo thuộc Quần dảo Trường Sa. Ảnh chụp ngày 16/04/2010

REUTERS/Stringer
 

Chưa bao giờ vấn đề đoàn kết của ASEAN trên hồ sơ Biển Đông lại được chú trọng như hiện nay. Vào lúc Hoa Kỳ tìm cách hỗ trợ nỗ lực của Indonesia trong việc gắn kết khối Đông Nam Á trở lại, Trung Quốc lại có dấu hiệu tiếp tục chiến lược chia rẽ, để ngăn chặn việc hình thành mặt trận thống nhất chống lại các hành vi lấn lướt của Bắc Kinh. Theo giới quan sát, Việt Nam – nạn nhân số một của Trung Quốc trên Biển Đông – cần phải năng nổ hơn trong việc tạo điều kiện cho khối ASEAN đoàn kết lại.

Biển Đông trong tuần này sẽ nổi lên thành một chủ đề lớn tại châu Á với chuyến ghé thăm Indonesia bắt đầu từ hôm nay 03/09/2012 của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, được tiếp nối bằng hai chặng ngừng sau đó là Trung Quốc và Brunei. Ngay từ trước lúc bà Clinton lên đường, Bộ Ngoại giao Mỹ đã loan báo rằng lãnh đạo của họ sẽ tranh thủ mọi cơ hội thích hợp nhân vòng công du lần này để đề cập đến tình hình căng thẳng tại Biển Đông.

Tại Jakarta, Ngoại trưởng Mỹ sẽ khẳng định lập trường ủng hộ mạnh mẽ bộ quy tắc ứng xử do khối ASEAN dự trù, nhằm giảm bớt căng thẳng đang gia tăng tại Biển Đông. Theo một quan chức Mỹ cao cấp trong phái đoàn của bà Clinton vào hôm qua, mong muốn của Mỹ là « củng cố sự đoàn kết của ASEAN để tiến về phía trước ». Bà Clinton cũng sẽ đề nghị khối Đông Nam Á yêu cầu Trung Quốc chấp thuận một cơ chế chính thức để giảm bớt rủi ro xung đột nhằm tiến tới một giải pháp dứt điểm cho các tranh chấp chủ quyền.

Sự kiện Hoa Kỳ thúc đẩy khối ASEAN tăng cường đoàn kết không phải là ngẫu nhiên, sau khi tình trạng chia rẽ của giữa các nước Đông Nam Á trên vấn đề tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc đã bộc lộ công khai tại Hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN ở Phnom Penh vào tháng 07/2012.

Theo đa số các nhà quan sát, Trung Quốc đã thành công trong việc mượn tay Cam Bốt để ngăn chặn mọi tuyên bố chính thức của ASEAN về các hành vi gây căng thẳng ở Biển Đông mà chính Bắc Kinh là tác giả. Và cho đến hôm qua, 02/09, Trung Quốc – qua lời Thủ tướng Ôn Gia Bảo, cũng vẫn ca ngợi Cam Bốt trong « vai trò quan trọng trong việc duy trì quan hệ hữu hảo giữa Trung Quốc và ASEAN ».

Đối với các nhà phân tích, khi ca ngợi vai trò của Phnom Penh, Bắc Kinh vẫn bộc lộ ý đồ muốn tiếp tục gây phân hóa trong nội bộ ASEAN.

Hành động « móc ngoặc » giữa Trung Quốc và Cam Bốt liên tiếp bị vạch trần

Trong bài “ASEAN khổ nhọc để duy trì sự đoàn kết” (ASEAN struggles for unity), đăng trên The Phnom Penh Post tại Cam Bốt ngày 23/07/2012, ký giả Roger Mitton đã tiết lộ : « Khi dự thảo đầu tiên của bản thông cáo chung được nộp lên cho Chủ tịch ASEAN (là Cam Bốt), trong một hành động vi phạm quy tắc của ASEAN, phía Cam Bốt đã cho Trung Quốc xem ngay. (Sau khi) Trung Quốc nói rằng dự thảo đó không thể chấp nhận được trừ phi vấn đề biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông) ghi trong văn kiện được xóa bỏ, Cam Bốt đã gửi trả lại bản dự thảo để được sửa đổi ».

Được biết là ban soạn thảo bản dự thảo này bao gồm các Ngoại trưởng Marty Natalegawa (Indonesia), Anifah Aman (Malaysia), Albert del Rosario (Philippines) và Phạm Bình Minh (Việt Nam).

Cam Bốt luôn luôn bác bỏ các thông tin về việc họ chiều lòng Trung Quốc để nhận chìm hồ sơ Biển Đông. Tuy nhiên nhật báo Anh Financial Times ngày 15/08/2012 đã trích lời Trần Hướng Dương (Chen Xiang Yang), chuyên gia nghiên cứu thuộc Học viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc CICIR, xác định thẳng thừng : « Chúng tôi đã phối hợp rất tốt với Cam Bốt trong trường hợp đó… để ngăn chặn một vụ việc có thể gây bất lợi cho Trung Quốc ».

Việt Nam phải nỗ lực thuyết phục toàn khối ASEAN về các đe dọa từ Trung Quốc

Trong thời gian qua, là hai đối tượng bị Trung Quốc thúc ép dữ dội nhất tại Biển Đông, Việt Nam và Philippines đã cố gắng vận động khối ASEAN thống nhất lập trường để đối phó với Trung Quốc. Trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục tìm cách phân hóa các nước ASEAN, Việt Nam có thể làm gì ? Theo giáo sư Ngô Vĩnh Long, một nhà nghiên cứu kỳ cựu về Biển Đông, Việt Nam phải nỗ lực đi đầu trong việc đoàn kết khối ASEAN, thuyết phục được toàn khối về các đe dọa của Trung Quốc.

 

 
Giáo sư Ngô Vĩnh Long – Đại học Maine (Hoa Kỳ)

 
03/09/2012
by Trọng Nghĩa
 
 

Trả lời phỏng vấn của RFI, giáo sư Long cho rằng Việt Nam cần tích cực hơn nữa vì chính sách xuyên suốt của Trung Quốc là gây chia rẽ trong ASEAN không những là để dễ thống trị từng nước Đông Nam Á riêng lẻ, mà còn để phá vỡ chiến lược trở lại Châu Á và Đông Nam Á của Mỹ, vốn rất cần một khối ASEAN đoàn kết.

Trung Quốc gây chia rẽ trong ASEAN để đổ lỗi cho Mỹ

Trước hết là Trung Quốc biết chỗ yếu của Mỹ, biết Mỹ muốn làm gì trong khu vực. Vấn đề chính mà Mỹ đã nói từ lâu là họ muốn các nước ASEAN liên kết chặt chẽ hơn với nhau để bảo vệ an ninh của mình.

Phần nữa là trong tư cách một nước lớn trên thế giới, và một nước đã có chiến tranh trong khu vực, Mỹ không thể bây giờ trở lại và nói : « Đây ! Tôi đây ! Tôi sẽ làm cái này, cái kia ! ». Không được ! Mỹ cần phải có sự ủng hộ của những nước trong khu vực, nếu không là của cả một khối ASEAN, thì cũng là của những nước lớn trong khu vực. Qua đó thì chính quyền Mỹ mới được sự ủng hộ của dân chúng Mỹ và của nhiều nước khác trên thế giới. (Muốn thế thì Mỹ phải làm sao để có thể chứng minh được) là Mỹ trở lại để giúp đỡ bảo vệ an ninh khu vực, và do yêu cầu của các nước trong vùng chứ không phải là Mỹ đơn phương và đơn độc trở lại khu vực đó.

Hiện giờ, Trung Quốc ngược lại thì muốn làm sao chia rẽ, rồi dùng cái sự chia rẽ đó để quảng bá với các nước trên thế giới rằng : « Thấy không ? Mỹ nó trở lại, nó muốn gây sự, gây ra mất ổn định trong khu vực, gây chia rẽ giữa các nước ASEAN ! »

Nhưng nói cho cùng, tôi nghĩ rằng Trung Quốc chỉ tạm thời « mua » được một vài nước không có lợi ích trực tiếp đối với vấn đề Biển Đông mà thôi. Nhưng an ninh toàn khu vực lại là vấn đề của toàn khu vực, do đó trước sau gì, nếu sự đe doạ của Trung Quốc lớn, thì các nước xung quanh đó sẽ có những phương cách để tập hợp lại với nhau.

Việt Nam phải tranh thủ cả Cam Bốt, Thái Lan, Lào và Miến Điện

Những nước không có lợi ích trực tiếp ở Biển Đông cũng bị những đe dọa do Trung Quốc gây nên bằng cách này, cách khác, trong đó có vấn đề sông Mêkông.

Trong vấn đề Mêkông, Việt Nam là nước phải chịu nhiều khó khăn nhất ; về Biển Đông, Việt Nam là nước chịu thiệt thòi nhất, nên đáng lẽ phải lên tiếng rất rõ ràng từ lâu về những vấn đề này. Việt Nam bấy lâu nay dùng dằng, nhưng bây giờ bắt đầu lên tiếng từ từ, đây là việc tốt.

Tuy nhiên, Việt Nam phải có những hành động tích cực và hợp thời, thì các nước khác mới có thể ủng hộ Việt Nam. Chứ nếu Việt Nam vẫn dùng dằng trên những vấn đề đe dọa quyền lợi Việt Nam như thế này, thì những nước không có quyền lợi trực tiếp sẽ nói : « Dại gì đưa đầu ra ! Tôi đưa đầu ra tôi sẽ bị khó khăn với Trung Quốc, Trung Quốc không buôn bán với tôi… »

Tôi nghĩ rằng chung quanh vấn đề này, Việt Nam phải có một chính sách toàn diện, rồi phải đi vận động. Chứ không thể chỉ nói khơi khơi, rồi không làm gì tích cực. Theo tôi, vai trò tích cực của Việt Nam sẽ giúp rất nhiều nước trong khu vực có thái độ tốt hơn, và càng ngày họ sẽ càng liên kết chặt chẽ hơn. Cho nên vai trò Việt Nam rất quan trọng, phải có những hoạt động thích ứng, và phải vận động tích cực hơn nữa.

Vai trò của Philippines cũng quan trọng, nhưng vấn đề biển đảo của Philippines (xẩy ra ở nơi) rất xa, ví dụ như bãi Scarborough rất xa những tuyến đường thông thương trên Biển Đông, thành ra nhiều người thấy : « A ! Tranh chấp giữa Trung Quốc với Philippines chưa đe dọa cái gì thì thôi, bây giờ mình làm lơ đi ! ».  

Vai trò của Indonesia rất quan trọng và cần được ủng hộ

Indonesia là một nước quan trọng… bây giờ muốn đóng vai trò trung gian, vì có thể nói chuyện được với cả bên này lẫn bên kia, bởi vì là một nước không tranh chấp chủ quyền các đảo, Trường Sa chẳng hạn. Nhưng họ có vai trò lớn trong vấn đề an ninh khu vực. Bây giờ Indonesia cố gắng đi dàn xếp giữa các bên, tôi thấy đây là một vấn đề rất tích cực và nên ủng hộ.

Nếu Indonesia thất bại trong vấn đề này, mọi người sẽ thấy ai là kẻ làm cho những cố gắng Indonesia thất bại, và điều đó theo tôi, sẽ giúp cho các nước trong khu vực liên kết với nhau để bảo vệ an ninh, qua đó giúp cho những nước ngoài khu vực – ví dụ như Mỹ – rất nhiều trên mọi phương diện…

Indonesia nước rất quan trọng đối với Mỹ, đối với Âu Châu, cũng như đối với Việt Nam. Thì tôi, nếu quan hệ giữa Việt Nam với Indonesia được thúc đẩy mạnh lên, điều đó rất tốt cho cả hai nước cũng như cho cả khu vực và cho thế giới.

Không chỉ về an ninh, ngay cả về vấn đề kinh tế, Indonesia và Việt Nam có dân số đông nhất trong khu vực, kinh tế hai nước lại có những điểm hỗ trợ nhau. Nếu lúc nào đó mà Mỹ hay Âu châu cần phải rút đầu tư hay những cơ sở chế biến của họ ở bên Trung Quốc hay chỗ khác chẳng hạn, thì Indonesia và Việt Nam là hai nước mà họ có thể dùng nhân công, và đầu tư tốt nhất – bởi vì không những đông dân mà cũng có lãnh hải rất dài.

Nếu hai nước hợp tác với nhau trên những khâu ví dụ như chế biến, thì đấy là vấn đề rất quan trọng cho các nước ngoài khu vực.

Hợp tác giữa Malaysia và Việt Nam trên vấn đề Biển Đông rất tốt

Malaysia cũng là một nước rất quan trọng trong hồ sơ Biển Đông mà tôi nghĩ là rất thông minh. Vì những vấn đề nội bộ của họ, họ không để lộ ra nhiều, nhưng phiá sau họ làm rất tốt, ví dụ như trong quan hệ đối với Mỹ, quan hệ đối với các nước khác ngoài khu vực và kể cả quan hệ đối với Việt Nam.

Vụ dàn xếp về vấn đề ranh giới biển với Việt Nam (chuẩn bị cho Liên Hiệp Quốc vào năm 2009), họ làm rất tốt, và làm cho cả Trung Quốc cũng phải bật ngửa, và khi bị bật ngửa, Trung Quốc đã phải vội đưa đường lưỡi bò, đường chín đoạn của họ ra trước Liên Hiệp Quốc.

Không nên bi quan như chuyên gia Mỹ Jim Holmes về “thời cơ” để Trung Quốc động binh ở Biển Đông

Tôi nghĩ là nhận định đó không những quá bi quan mà còn không xác thực. Trước hết, khi Mỹ nói là họ chuyển trục về Á châu trong nhiều năm nữa, nhưng hiện giờ đã có 50% của tàu chiến quân sự của Mỹ đi qua vùng đó. Nếu trong 10 năm tới, sẽ lên 60%, đó không phải là một vấn đề (chênh lệch) rất lớn.

Thứ hai nữa là Việt Nam bây giờ mà có 7, 8 chiếc tàu ngầm, cũng không làm được gì đối với ba mươi mấy, bốn chục chiếc tàu ngầm của Trung Quốc. Khi đi ra ngoài biển khơi, nếu bắn chìm được vài cái, điều đó cũng sẽ gây rất nhiều khó khăn cho cả khu vực. Vì thế, vấn đề Việt Nam mua tàu ngầm, chỉ là để cho khu vực biết là nếu Trung Quốc đe dọa Việt Nam quá, mà Việt Nam phải trả lời, thì sẽ xẩy ra tình trạng mất an ninh.

Còn vấn đề bảo vệ chủ quyền Việt Nam hay tự vệ trước khả năng Trung Quốc có thể dùng vũ lực đối với Việt Nam, thì tôi nghĩ rằng bờ biển Việt Nam rất dài, Trung Quốc tiến vào thì Việt Nam có nhiều cách đánh lại, chứ không phải là mua một vài chiếc tiềm thủy đỉnh mà có thể ngăn Trung Quốc được.

Về mặt quân sự mà nói, tôi thấy tác giả này phân tích không đúng. Vấn đề chính, theo tôi nghĩ, là chính trị : Trung Quốc muốn lợi dụng lúc Mỹ bận nhiều chuyện, kể cả vấn đề Trung Đông, để bắt Mỹ nhượng bộ phần nào đó về quân sự cũng như về kinh tế. Nếu Mỹ nhượng bộ, thì Trung Quốc có thể lấy cái đà đó mà càng tiến lên thêm, cũng như qua việc đối với Đài Loan (trước đây).

Khi Mỹ và Trung Quốc ký hiệp định Thượng Hải về Đài Loan, thì ngay lúc đó họ nói là người Trung Quốc hai bên nghĩ rằng chỉ có một Trung Quốc, chứ không nói là Đài Loan là của Trung Quốc… Thế mà Trung Quốc cứ theo hiệp định Thượng Hải đó để ép Mỹ lần lần…, không những có thêm nhiều đòi hỏi, mà còn lấn lướt đến nỗi bây giờ Đài Loan cũng phải sợ, mặc dầu Mỹ có luật và có chính sách bảo vệ Đài Loan…

Theo tôi, đây là một bài học mà lẽ ra Mỹ phải học từ lâu. Và ngoài Mỹ, thì những nước gần Trung Quốc như Việt Nam cũng phải học từ lâu. Tôi cho rằng một vài nước xung quanh Trung Quốc đã thấy bài học đó rồi, bây giờ họ tìm cách để tháo gỡ những cái khó khăn mà quan hệ với Trung Quốc đã gây ra cho họ.

Hoa Kỳ yêu cầu Trung Quốc xuống thang tại Biển Đông để tránh sự cố

Nếu tôi không lầm, thì Mỹ không muốn Trung Quốc làm áp lực trên Biển Đông, bởi vì làm điều đó ngay trong những tháng trước bầu cử, sẽ bắt buộc Mỹ phải có phản ứng mạnh hơn.

Cho đến nay chính sách của Mỹ vẫn là sẽ chuyển một số hải quân về khu vực Thái Bình Dương. Vấn đề là để phòng hờ, nhưng chính sách của Mỹ là vẫn muốn Trung Quốc xuống thang ở Biển Đông và muốn Trung Quốc đàm phán với các nước trong khu vực.

Nhưng nếu Trung Quốc đẩy tới mạnh hơn nữa, trong trường hợp hiện nay, trước bầu cử và trước những chỉ trích của phe diều hâu và đảng phe Cộng hoà, điều đó có thể gây khó cho chính quyền Obama nếu không có những phản ứng mạnh hơn.

Lại rung chuyển mạnh ở thủy điện Sông Tranh 2 – TT

4 Th9

Lại rung chuyển mạnh ở thủy điện Sông Tranh 2

TTO – Từ 19g đến 21g tối 3-9, tại thị trấn Trà My và hàng loạt các xã xung quanh khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) lại xảy ra hiện tượng nổ trong lòng đất. Mặt đất rung chuyển mạnh.

>> Thủy điện Sông Tranh 2 ứng phó thảm họa vỡ đập
>> Sắp chống thấm xong Thủy điện Sông Tranh 2

 

Trong khi các nhà thầu Trung Quốc đang tìm cách khắc phục sự cố rò rỉ nước ở thân đập thủy điện Sông Tranh 2 thì hiện tượng động đất lại tiếp tục diễn ra vào tối 3-9 – Ảnh: Tấn Vũ

 

Hàng ngàn người dân đã hốt hoảng chạy ra khỏi nhà vì những tiếng nổ và những cơn rung chuyển từ lòng đất.

Theo những người dân địa phương, những đợt rung chấn mỗi lúc một mạnh dần. Trong đó, rung chấn lúc 20g47 làm hàng loạt vật dụng trên bàn như ly, tách rơi xuống đất. Nhiều căn nhà bị nứt tường, lung lay.

Phó chủ tịch xã Trà Bui, Nguyễn Thanh Hưng, cho hay nhà của ông bị rung lắc mạnh, mọi thứ chao đảo. Trong khi nhà sàn của ông Hồ Văn Lợi – chủ tịch xã Trà Đốc – cũng chao đảo liên tục 5 lần, mạnh nhất lúc 21g.

Có mặt tại hiện trường, chủ tịch huyện Bắc Trà My, ông Đặng Phong, cho biết khoảng 5 ngày trở lại đây ở Bắc Trà My liên tục có hiện tượng rung, nhưng hôm nay rung nặng nhất, kéo dài khoảng 8 giây.

“Đây là trận rung lắc mạnh nhất từ ngày thủy điện Sông Tranh 2 tích nước đến nay. Người dân rất lo lắng. Ngày mai, khi chính quyền huyện họp với Bộ Xây dựng về tình hình khắc phục rò rỉ nước ở thủy điện Sông Tranh 2, chúng tôi sẽ báo cáo lại sự việc” – ông Phong nói.

Ông Phong cho biết chính quyền địa phương đang phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý dự án thủy điện 3 để theo dõi số đo từ các máy quan trắc của công trình xem tầng số đo được của đợt rung chấn là bao nhiêu và thông báo cho người dân có hướng xử lý.

Theo Trưởng Ban quản lý dự án thủy điện 3 Trần Văn Hải, đây là trận động đất mạnh nhất từ trước đến nay, tuy nhiên vẫn chưa có dấu hiệu gì ảnh hưởng đến công trình thủy điện.

Ông Hải cho hay các kỹ sư của thủy điện đang thu thập số liệu từ các máy đo động đất lắp đặt quanh thủy điện Sông Tranh 2 để tìm và phân tích các tầng số nhưng vẫn chưa có kết quả.

TẤN VŨ

‘Mắt thần’ trên biển Đông – VNE

4 Th9

‘Mắt thần’ trên biển Đông

Xây trên nền san hô, nền đất bùn yếu với mực nước sâu hàng chục mét, những nhà giàn DK1 đã trở thành “làng trên biển”, được đánh giá là công trình phi thường, “chưa từng có tiền lệ trên thế giới”.
> Cuộc sống mới ở Trường Sa

* Ảnh nhà giàn DK1 trên biển Đông

Hơn 20 năm trước, PGS.TS Phạm Ngọc Nam (nguyên Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Công binh) được giao nhiệm vụ cùng với đồng nghiệp thiết kế Trạm dịch vụ Kinh tế Khoa học Kỹ thuật (công trình nhà giàn DK1). Đôi mắt xa xăm, đôi tay run run lật giở từng trang “Nhật ký đời biển – DK1”, ông Nam cho biết, các nhà giàn chốt giữ trên bãi san hô ngầm ở thềm lục địa phía Nam, khu đặc quyền kinh tế, thuộc đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo, nơi rất giàu tài nguyên của đất nước.

“Đây là tầm nhìn chiến lược của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, trong đó có sự đề xuất của Tư lệnh Hải quân, Đô đốc Giáp Văn Cương khi ấy, và DK1 là đỉnh cao của chiến lược phòng thủ biển, bảo vệ đất nước từ hướng biển”, ông Nam nói.

Theo vị Chủ nhiệm thiết kế công trình DK1, từ năm 1985, Đô đốc Cương đã dự báo trong tương lai gần, vùng biển khu vực Trường Sa không được bình yên và sẽ là chiến trường chính của Hải quân Việt Nam. Hơn nữa, thực tiễn chiến tranh vệ quốc của dân tộc, đối phương tấn công ta phần lớn là từ đường biển nên cần bảo vệ Tổ quốc vững chắc từ hướng biển.

Ý tưởng xây dựng nhà nổi được Đô đốc Cương trình lên Bộ Quốc phòng và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Ý tưởng được thông qua, ông Nam được giao làm chủ nhiệm thiết kế. Ngày 6/11/1988, đoàn khảo sát đã vượt sóng ra thềm lục địa để thăm dò.

Ông Nam nhà giàn kể chuyện xây dựng những ngôi làng trên biển. Ảnh: Hoàng Thùy.

Để đảm bảo tính chính xác trong tính toán, ông Nam cũng mời nhiều cơ quan tham gia tính toán độc lập nhau để đối chứng, tăng độ tin cậy. Ngoài ra, nhóm cũng kiểm tra đến từng chi tiết đến tổng thể công trình về độ bền, ổn định, dao động, chuyển vị, độ bền từng nút, công phu…

“Công trình DK1 đã có sức mạnh tổng hợp từ đông đảo các nhà khoa học, các trung tâm tính toán công trình biển của cả nước tham gia đối với hai loại nền mới lạ trái ngược nhau là nền đá san hô và nền có lớp bùn mặt dày lớn”, ông Nam cho biết.

Để xây dựng được nhà giàn trên nền san hô cũng như nền có lớp bùn rất dày, ông đã dùng phương án móng cọc thép mà không dùng móng trọng lực hay khi gia cường nâng cấp công trình là loại móng cọc kết hợp với gia trọng. Ông đã sáng tạo ra kết cấu cọc đặc biệt để có thể đóng được vào nền đá san hô, quả búa cũng phải tương thích 18 tấn hoặc 30 tấn. Thời điểm đó Việt Nam có hai tàu lớn là Hoàng Sa và Trường Sa. Tàu Hoàng Sa có sức cẩu 1.200 tấn, tàu Trường Sa có hai móc cẩu, cùng lúc cẩu được 600 tấn và đầu máy có công suất khoảng 15.000 mã lực, sàn rộng 54m, dài 170m.

Sau gần 7 tháng khảo sát và chuẩn bị, ngày 10/6/1989, nhà giàn đầu tiên mang phiên hiệu Phúc Tần trụ giữa biển Đông với tư cách là “cột mốc chủ quyền quốc gia đặc biệt trên biển”. Tiếp sau đó, công trình DK1/1 được thi công tại bãi Tư Chính ngày 27/6/1989. Khối hạ tầng, chân đế do ban quản lý công trình Dầu khí thiết kế, liên doanh dầu khí Việt – Xô thi công. Tại đây, cọc chỉ đóng vào nền đá san hô sâu được 2-2,5m do chưa tương ứng về mấu và cọc. Khối nhà ở, thượng tầng do ông Nam thiết kế, xí nghiệp X49 Bộ Tư lệnh công binh thi công.

Hai công trình DK1/3,4 do Bộ Giao thông Vận tải thiết kế, xây dựng năm 1989 với phần hạ tầng bằng phương án trọng lực. Thượng tầng (nhà ở) do TS Nguyễn Xuân Kiên thiết kế, X49 thi công. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố hai công trình này chỉ đáp ứng yêu cầu chính trị mà người chưa ở được.

“Do lần đầu tiên xây dựng công trình trên biển, đối mặt với những dòng chảy dữ dội, những đợt sóng thần, những bất thường về khí tượng thủy văn, dòng hải lưu, thăm dò thực tế còn thiếu nên chúng tôi đã gặp phải không ít khó khăn”, ông Nam nói.

Nối tiếp thành công của những nhà giàn đầu tiên, đơn vị thiết kế và thi công của ông Nam tiếp tục rút kinh nghiệm để xây dựng thành công các nhà giàn tiếp theo. Công trình DK1 sau được thiết kế thấp hơn để tránh bị rung lắc khi có sóng và có bãi đáp máy bay được thiết kế trên nóc nhà. Các nhà giàn từ chỗ không có điện đến có điện bằng năng lượng mặt trời, thiết bị thu sóng vô tuyến, có thùng xốp trồng rau xanh…

“Mắt thần DK” vững chãi trên Biển Đông. Ảnh: Nguyễn Hưng.

DK1/5,6 tiếp tục được xây dựng ở đảo ngầm Tư Chính, Phúc Nguyên. Khi thi công hai nhà giàn này, bộ đội ta đã phải đứng giữa ranh giới mỏng manh của sự sống và cái chết. Khi đang cẩu lắp chân đế, đóng cọc thì bão ập tới, văng, dật, lắc liên hồi. Sau 22 giờ vật lộn với sóng gió, đơn vị thi công cũng chỉ cẩu xong được 4 cọc (bình thường thì cẩu – thả một cọc vào ống chân đế chỉ mất 30 phút). Sau khi thả cọc vào ống chân đế là công đoạn đóng cọc. Việc đóng được cọc vào nền đá san hô chính là mấu chốt thành công của công trình DK1.

Người chủ nhiệm thiết kế nhà giàn vẫn nhớ như in, khoảng 23h ngày 26/10/1990, một tàu nước ngoài đã xông thẳng vào đội hình ta đang thi công. Trước tình huống nguy cấp, tàu Hải quân hộ tống đoàn thi công đã bắn cảnh cáo, buộc tàu lạ chạy ra xa khoảng 5 hải lý.

Vượt lên mọi khó khăn, các nhà giàn tiếp nối từ DK1/7 đến DK1/21 được dựng lên ở các bãi Huyền Trân, Quế Đường đến Cà Mau. Từ nhà giàn đầu tiên, đến nay chúng ta đã đóng được hàng chục cọc với độ sâu đến vài chục mét theo yêu cầu thiết kế.

Vì là công trình xây dựng trên bãi đá ngầm ở biển nên ngoài việc chống ăn mòn, nhóm thiết kế và thi công phải luôn luôn kiểm tra, bảo trì, duy tu, bảo dưỡng định kỳ bằng lực lượng tại công trình và chuyên trách hợp lý. Ngoài ra, còn phải gia cố, nâng cấp công trình DK1 phù hợp với tình hình mới.

Mới đây, nhà giàn Phúc Nguyên, DK1/15 mới được xây dựng bên cạnh nhà giàn cũ. Đây là nhà giàn thế hệ thứ ba có kết cấu vững chắc, liên hoàn vởi diện tích khoảng 250m2. Sự vượt trội của nhà giàn mới so với nhà giàn xây dựng trước đó là hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời nhiều gấp 3 lần. Mùa mưa bão không có ánh mặt trời, hoặc sương mù, các chiến sĩ vẫn có điện dùng để chiếu sáng, nấu cơm, chạy tủ lạnh, xem ti vi trong một tháng, trong đó các nhà giàn khác chỉ khoảng 10 ngày.

“DK1 là công trình được xây dựng ở những khu vực đặc biệt đặc thù mới lạ, cả trong nước và thế giới đều chưa có tiền lệ, được nhiều nhà khoa học danh tiếng đánh giá là ‘phi thường’, công trình dũng khí’. Không chỉ có ý nghĩa to lớn về chính trị, quốc phòng, an ninh, DK1 còn mở ra tương lai tươi sáng cho việc chinh phục biển vốn còn non trẻ của nước ta”, người thiết kế nhà giàn nói.

Sừng sững giữa biển khơi với những chiếc chân cắm sâu vào lòng biển, 20 nhà giàn DK1 của Việt Nam đang hiên ngang giữa đất trời, là cột mốc sống, tạo thành phên giậu, khẳng định chủ quyền đất nước trên biển Đông. Các trạm dịch vụ kinh tế khoa học kỹ thuật này cũng được gọi là “những ngôi làng trên biển”, “khách sạn giữa biển Đông” hay “mắt thần trên biển”.

Hoàng Thùy

Clinton: ‘Không được cưỡng ép’ ở Biển Đông – VNE

4 Th9

Clinton: ‘Không được cưỡng ép’ ở Biển Đông

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hôm nay kêu gọi Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á tránh “cưỡng ép”, mà nên cùng hợp tác xây dựng bộ quy tắc ứng xử để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.

Bà Hillary Clinton hội đàm với Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa tại Jakarta, nhắc lại quan điểm cho rằng Mỹ “có lợi ích quốc gia” trong việc đảm bảo hòa bình và ổn định ở khu vực Biển Đông, vốn đang chứa đựng đầy căng thẳng.

“Chúng tôi tin rằng các nước trong khu vực cần làm việc hợp tác với nhau để giải quyết tranh chấp mà không sử dụng sự cưỡng ép hay hăm họa, không đe dọa sử dụng và không sử dụng vũ lực”, bà Clinton nói.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong buổi họp báo cùng đồng nhiệm Indonesia Marty Natalegawa hôm nay. Ảnh: AFP
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong buổi họp báo cùng đồng nhiệm Indonesia Marty Natalegawa hôm nay. Ảnh: AFP

Ngoại trưởng Mỹ cũng kêu gọi các nước thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á và Trung Quốc đạt “những tiến triển có ý nghĩa” hướng tới việc thiết lập một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Bà hy vọng rằng các bên sẽ đạt được bước tiến trước hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào tháng 11 này tại Campuchia.

Hồi tháng 7, các nước ASEAN cho biết đã đạt được thỏa thuận về những thành tố cơ bản của một bộ quy tắc, thường được biết đến với tên gọi COC. Bộ quy tắc này là bước đi cụ thể tiếp theo nhằm hiện thực hóa Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002. Tuy nhiên đại diện ngoại giao của Bắc Kinh khi đó cho hay sẽ chỉ đàm phán về COC một khi điều kiện chín muồi, dù khẳng định luôn sẵn sàng đàm phán.

Bà Hillary Clinton đang có chuyến công du tới 6 quốc gia châu Á Thái bình dương, trong đó có Indonesia, Trung Quốc và Nga. Giới quan sát đánh giá rằng chuyến công du này là một trong những cơ hội cuối cùng để chính phủ Mỹ khẳng định quan điểm của mình tại khu vực, trong vấn đề Biển Đông, trước khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra ngày 6/11 tới.

Biển Đông là nơi có tranh chấp chủ quyền giữa các nước Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia và Brunei. Tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng nhiều tháng qua thu hút sự chú ý của thế giới. Mỹ từng khẳng định cách đây hơn hai năm rằng nước này cũng có lợi ích quốc gia trong việc đảm bảo an ninh và tự do hàng hải. Mỹ và Trung Quốc đã có nhiều lời chỉ trích phê phán lẫn nhau xoay quanh vấn đề Biển Đông, dù Mỹ khẳng định không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền.

Với 4 thành viên đang liên quan đến tranh chấp, ASEAN cũng là một diễn đàn nơi chủ đề Biển Đông luôn được thảo luận sôi nổi. Kỳ họp các ngoại trưởng ASEAN tháng 7 vừa rồi đã không ra được thông cáo chung – điều chưa từng có trong lịch sử 45 năm tồn tại của Hiệp hội. Nguyên nhân là do bất đồng giữa các nước thành viên trong việc đề cập tranh chấp Biển Đông trong dự thảo thông cáo.

Theo kế hoạch, bà Clinton tới Trung Quốc vào ngày 4/9 để tiếp tục thảo luận với giới chức Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông và một số vấn đề khác – như khủng hoảng tại Syria, chương trình hạt nhân của Iran và Triều Tiên.

Mai Linh

Mỹ chuẩn bị cho cuộc chiến với Trung Quốc – TVN

4 Th9

 Mỹ chuẩn bị cho cuộc chiến với Trung Quốc

 Học thuyết AirSea Battle (tạm dịch là Thủy-Không Tác chiến) của quân đội Mỹ đang làm dấy lên một cuộc bút chiến nảy lửa. Có thể nó gây tranh cãi vì các lực lượng vũ trang chưa coi nó là chính thức. Các chi tiết của nó là chủ đề của những lời đồn thổi.

Nguồn thông tin chính về nó vẫn chỉ là một nghiên cứu chưa chính thức và chưa được coi là bí mật. Nghiên cứu này được Trung tâm Đánh giá chiến lược và ngân sách (có trụ sở tại Washington) công bố năm 2010.

Cuộc tranh cãi về học thuyết AirSea Battle chủ yếu xoay quanh khía cạnh công nghệ và câu hỏi phải chăng học thuyết này nhằm vào Trung Quốc. Có thể trả lời câu hỏi này trước: đúng, nó nhắm tới Trung Quốc.

Không có tiên đoán nào về sự diệt vong. Xét về khía cạnh chính trị, cuộc chiến tranh với Trung Quốc không phải là không tránh khỏi, cũng không phải là ít khả năng xảy ra. Nhưng giới chức quân đội đang lên kế hoạch chống lại các năng lực tuyệt vời nhất có thể phải đương đầu. Và xét về khía cạnh chiến sự, Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA) đặt ra thách thức “chống tiếp cận” cứng rắn nhất so với bất kỳ địch thủ nào trong tương lai. Các chiến lược gia, các nhà hoạch định và cả binh sĩ đều chuẩn bị cho tình huống gay cấn nhất, cả nước Mỹ phải xác định những khu vực và lựa chọn quan trọng.

Như vậy, PLA được coi là cái mốc chuẩn cho sự thành công của quân đội Mỹ tại khu vực biển ở châu Á, nơi hầu hết mọi người đều gọi là cuộc thử thách gắt gao về cạnh tranh giữa các nước lớn trong thời đại ngày nay. Các đối thủ tiềm năng khác, đặc biệt là quân đội Iran, được Lầu Năm Góc xếp vào loại các thách thức “thức yếu”. Bởi nếu các lực lượng của Mỹ có thể chọc thủng hệ thống phòng thủ “chống tiếp cận” cứng rắn nhất ở bên ngoài thì các hệ thống phòng thủ mềm hơn mà các đối thủ yếu hơn dựng lên sẽ hoàn toàn dễ dàng bị quản lý.


Ảnh minh họa

Sự chú trọng tới chiến lược “chống tiếp cận” giải thích tại sao học thuyết AirSea Battle là nhằm vào Trung Quốc – vì tiêu chuẩn vàng của họ, không phải vì ai đó mong chờ xảy ra chiến tranh tại Tây Thái Bình Dương.

Công nghệ

“Chống tiếp cận” là một cái tên mới, hấp dẫn cho một khái niệm cũ về phòng thủ từng lớp. Giống như mọi sỹ quan hải quân, tôi đã phản ứng mạnh về nó.

Hãy bàn về phòng không. Khi một đội đặc nhiệm tàu sân bay có dấu hiệu bị tổn hại, các chỉ huy sẽ loại bỏ “kiểm soát không chiến” xung quanh hạm đội, tập trung vào “trục đe dọa”, hoặc vào hướng dễ bị tấn công từ trên không nhất. Các lá chắn từ đơn vị không quân trên tàu sân bay tạo thành hàng phòng thủ đầu tiên và ngoài cùng.

Sau đó tới các tên lửa hạm đối không trên các tàu của hạm đội. Nếu kẻ tấn công vượt qua được các vùng chiến của tên lửa, các vũ khí phòng thủ “mũi nhọn” như tên lửa tầm ngắn do radar điều khiển hoặc súng sẽ tham chiến như một nỗ lực cuối cùng.

Mỗi hệ thống phòng thủ chiến đấu với kẻ tấn công khi chúng vào tầm với. Nhiều lớp như vậy sẽ làm tăng cơ hội sát thương, tức là tăng khả năng chống cự của hạm đội. Kết quả tất yếu là: các hệ thống phòng thủ ngày càng dày đặc khi kẻ thù càng tới gần.

Logic tương tự cũng được áp dụng trong phòng thủ ven biển nhưng trên một quy mô lớn. Một quốc gia muốn tránh kẻ thù bằng cách tung ra một loạt vũ khí và học thuyết để tấn công trên biển và trên không. Các hệ thống này có phạm vi khác nhau và được thiết kế các thông số khác nhau. Máy bay chiến đấu chiến thuật có thể bay hàng trăm dặm ở ngoài khơi và bắn tên lửa có tầm sát thương xa hơn thế. Các tàu tuần tra gắn tên lửa chỉ mang các thùng chứa dầu nhỏ và hạn chế khả năng hoạt động ngoài khơi, vì vậy chúng chủ yếu được cài cắm ở gần nhà. Tương tự với các tàu ngầm chạy bằng động cơ điện diesel.

Nếu chiến lược chống tiếp cận là nấc cao hơn của phòng thù từng lớp, thì AirSea Battle nhằm phát triển các công nghệ và chiến thuật để thâm nhập chúng. Như vậy, hiểu theo cách nào đó thì Trung Quốc và Mỹ đang chiếu lại những năm giữa hai cuộc chiến tranh.

Việc hoạch định chiến tranh đã bắt đầu ngay sau cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất. Nhật Hoàng đã lên kế hoạch đuổi cổ hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ khỏi các vùng biển, vùng trời và lãnh thổ nằm trong chu vi phòng thủ của mình, bao chùm Tây Thái Bình Dương, các biển của Trung Quốc, Đông Nam Á và nhiều phần ở Vịnh Bengal. Không để bị lấn át, các sĩ quan Hải quân Mỹ đã bày mưu và thử nghiệm các kế hoạch chiến đấu để phá hỏng các biện pháp chống tiếp cận của Nhật Bản.

Rất lạ là các nhà hoạch định ở cả hai bên bờ Thái Bình Dương đều đã có suy nghĩ giống nhau về cách thức cuộc xung đột sẽ diễn ra. Nhật Bản sẽ đánh bất ngờ vào Philippines (đang được Mỹ ủng hộ). Giới chức Mỹ sẽ ra lệnh cho Hạm đội Thái Bình Dương bảo vệ các đảo, chống lại Hải quân Hoàng gia Nhật nhưng với số lượng không tương xứng. Chiến lược chống tiếp cận kiểu Nhật là các máy bay chiến đấu được dàn quân phía trước các đảo dọc theo chu vi phòng thủ và tàu ngầm thì được huy động ở các vùng nước liền kề. Các cuộc tấn công trên không và dưới biển sẽ đuổi cổ hạm đội của Mỹ về hướng Tây trước khi xảy ra một trận chiến quyết định ở đâu đó trong các vùng biển của châu Á.

Các tàu ngầm và máy bay chiến thuật trên mặt đất vẫn là một phần của “bộ áo giáp” vũ khí chống tiếp cận. Bổ sung cho chúng là các tàu tuần tra gắn tên lửa hoạt động như đội quân cảnh ngoài khơi; các tên lửa hành trình chống hạm được bắn từ mặt đất; và các tên lửa đạn đạo chống hạm với tầm xa có thể lên tới hơn 900 dặm. Bắc Kinh có thể hy vọng hạm đội mặt đất của Hải quân PLA đối phó với bất kỳ thứ gì còn sót lại của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đang ì ạch trên các vùng biển ở Đông Á sau các cuộc công kích liên tiếp từ trên không và dưới mặt nước.

Yếu tố con người

Tuy nhiên, khía cạnh vũ khí hạng nặng trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung không thể tách khỏi khía cạnh nhân lực vốn là vô cùng quan trọng. Các loại vũ khí không tự nó giao đấu trong các cuộc chiến tranh. Các nhà tư tưởng chiến lược từ Đại tá John Boyd thuộc lực lượng Không quân Mỹ đến Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông đã nói: chính con người vận hành các vũ khí làm nên việc này. Từng cá nhân và các thể chế lớn mà họ phục vụ đều có thế giới quan và các ý tưởng sâu sắc về việc làm thế nào để đối phó với các vùng biên chiến lược.

Như vậy, sự đấu tranh giữa học thuyết AirSea Battle và chiến lược “chống tiếp cận” liên quan đến việc phát triển các công nghệ mới tinh vi. Một cuộc chiến tranh văn hóa được hình thành giữa hai cường quốc lớn với nhiều khái niệm khác nhau trong quan hệ giữa bộ binh, không quân và hải quân. Một lần nữa, lại là vấn đề các ý tưởng!

Theo nhà sử học về hải quân Julian S. Corbett, các loại vũ khí là “cách thể hiện ra bên ngoài của các tư tưởng chiến thuật và chiến lược được ưa chuộng vào một thời điểm nào đó”. Các loại vũ khí hạng nặng mà lực lượng vũ trang của một quốc gia mua sắm cho thấy mức độ giới lãnh đạo chiến lược nước đó nghĩ về chiến tranh, và cách họ có thể bắt đầu cuộc chiến ấy.

Trung Quốc coi các lực lượng có căn cứ trên mặt đất là cốt lõi của lực lượng hải quân và quan điểm này có từ khi ra đời nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Khái niệm bổ trợ này về hải quân là bản chất thứ hai của PLA. Mao Trạch Đông đã nhiều lần đưa ra ba chỉ dẫn ngắn gọn về nền tảng của Hải quân PLA: “bay, lặn, nhanh!”. Như vậy, các tư lệnh giả thuyết phòng vệ biển dựa trên việc sử dụng các máy bay tầm ngắn từ căn cứ không quân trên bờ, các tàu ngầm chạy bằng diesel lặn sâu dưới các con sóng, và các tàu tuần tra nhanh được trang bị súng và tên lửa. Đây là hình thức sơ khai của lực lượng chống tiếp cận siêu hiện đại ngày nay.

Trung Quốc thời Mao Trạch Đông đề cao sức mạnh hải quân hơn các hạm đội. Đó là một sự pha trộn của các nền tảng và vũ khí trên đất liền và ở ngoài khơi. Do đó, hải quân vẫn gắn liền với đất liền trong suốt thời Mao Trạch Đông là Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Quan niệm trên hoàn toàn khác với Hải quân Mỹ, vốn duy trì các hạm đội ở các căn cứ ngoài nước ngày từ những ngày đầu lịch sử. Việc huy động lực lượng ra nước ngoài là “ADN” của lực lượng biển của Mỹ. Ngược lại, Trung Quốc không hề huy động tàu chiến ra nước ngoài kể từ triều nhà Minh, thậm chí sau đó, họ cũng chỉ thỉnh thoảng làm việc này. Vì vậy, việc huy động lực lượng chống cướp biển ở ngoài khơi Somalia đánh dấu một bước ngoặt sau nhiều thế kỷ.

Hải quân PLA vẫn đúng với lịch sử thời Mao Trạch Đông ngay cả khi họ xây dựng một hạm đội biển xanh. Bảo vệ bờ biển vẫn là chức năng cốt lõi của lực lượng này, dù họ đã mở rộng đáng kể khu vực phòng thủ của mình.

Nếu Hải quân PLA cần tạo lại văn hóa thể chế của mình để hoạt động ra xa bờ biển Trung Quốc, thì quân đội Mỹ phải đối mặt với một thách thức văn hóa thậm chí còn lớn hơn trong việc hướng Đông tới các thực tế mới.

Quân đội Mỹ thời hậu chiến tranh Lạnh coi sức mạnh hải quân là vũ khí hỗ trợ sức mạnh bộ binh. Hải quân Mỹ phô trương sức mạnh ở ngoài khơi xa, hỗ trợ bộ binh, lực lượng lính thủy đánh bộ và không quân, như trường hợp các đơn vị “chị em một nhà” này theo đuổi các chiến dịch không – bộ phối hợp trong các mối đe dọa như ở Iraq hay Afghanistan.

Không có đối thủ tầm cỡ Hải quân Liên Xô, giới lãnh đạo Hải quân Mỹ đưa ra Julian S. Corbett chỉ dẫn rằng hải quân có thể đảm đương nhiệm vụ điều hành trên biển. Không có tranh cãi gì về ưu thế của lực lượng này. Trên thực tế, điều đó có nghĩa là các năng lực như chiến tranh chống tàu ngầm và đáp trả ngư lôi – các năng lực quan trọng để sống sót và thành công trong việc chống tiếp cận – đã phai mờ sau hai thập kỷ.

Hiện nay, các năng lực này đang tái sinh. Khi thách thức chống tiếp cận trở thành trọng tâm, hải quân đã bắt đầu chạy đua nâng cấp vũ khí và tái huấn luyện các kỹ năng đã bị quên lãng một nửa. Nhiều khả năng, Không quân rơi vào tình cảnh khó khăn hơn.

Bất chấp các cuộc thử nghiệm ban đầu của Billy Mitchell với việc sử dụng không quân để bảo vệ các bờ biển của Mỹ – còn nhớ vụ đánh chìm một chiến hạm từ trên không năm 1920 nổi tiếng của ông – Không quân Mỹ hiện đại không coi chiến đấu trên biển là một trong các mục đích chính.

Đấm bị bông

Nói tóm lại, cường quốc lục địa châu Á có cái nhìn chính thể luận đối với sức mạnh biển, trong khi cường quốc điều khiển các con sóng lại coi sức mạnh biển là sự bổ trợ cho bộ binh. Sự đảo ngược về văn hóa này sẽ có lợi cho những người ủng hộ PLA nếu xảy ra chiến tranh Mỹ – Trung.

Sau cùng, việc chiến đấu ở ngoài khơi là rất quen thuộc đối với họ, trong khi các lãnh đạo Mỹ từ lâu cho rằng họ không còn phải đấu tranh để kiểm soát biển. Các đơn vị phải xóa tan suy nghĩ thâm căn cố đế này. Lợi thế thuộc về Trung Quốc, trừ phi Hải quân và Không quân Mỹ có sự biến chuyển về văn hóa trong thời gian tới, và học cách phối hợp với nhau trên biển.

Tái thành lập các thể chế biển trong thời bình luôn đặt ra một thách thức lớn. Nó sẽ gây ra một số chấn thương – như sự thất bại – đối với những ký ức còn rõ ràng. Phải làm gì đây, kịch bản ngày tận thế chăng?

Trước tiên, Mỹ cần một khái niệm AirSea Battle để kích hoạt các đơn vị hành động và đưa ra định hướng. Sau đó công bố nó. Thứ hai, hải quân và không quân phải bám lấy khái niệm này, buộc mình vào một kho vũ khí chung của chiến tranh trên biển. Và thứ ba, các lãnh đạo đất nước phải có trách nhiệm giải thích với từng đơn vị về kế hoạch này.

Franklin Roosevelt từng so sánh Hải quân Mỹ với một chiếc bị bông. Giới chức dân sự có thể đấm vào đó mạnh nhất có thể, nhưng nó sẽ bật lại đúng như vậy. Một số người e rằng các quan chức Không quân Mỹ cũng như vậy. Washington, hãy đấm đi./.

  • Thông tin tác giả: James Holmes là một giáo sư về chiến lược tại Đại học Chiến tranh Biển.
  • Châu Giang dịch từ National Interest